Hiếu Tân
Sự thiếu khả năng nói năng mạch lạc chứng tỏ thiếu khả năng suy nghĩ, đặc biệt là SUY NGHĨ TỪ GÓC NHÌN của NGƯỜI KHÁC.
– Hannah Arendt
***
Nhìn bề ngoài, những kẻ hủy diệt nhân loại này có cái vẻ hoàn toàn “bình thường” như chúng ta, nhưng trong thực chất họ hoàn toàn “không bình thường”, họ đã biến thành những con người khác mà chúng ta chưa ngờ tới. Sự biến đổi ấy là kì công của chủ nghĩa toàn trị NAZI.
Trong cuốn sách "Eichmann ở Jerusalem" Hannah Arendt đưa ra khái niệm SỰ TẦM THƯỜNG của cái Ác, ở H. Arendt, nó là một Phạm trù triết học hơn là một Khái niệm. SỰ TẦM THƯỜNG (the banality) ở đây là một cái gì khác biệt hoàn toàn với CÁI BÌNH THƯỜNG. Để hiểu nội hàm của nó, cần vạch ra chỗ khác biệt đó.
Eichmann khoác lác:
… “Hãy treo cổ tôi lên chỗ công khai như một tấm gương cảnh báo cho tất cả những kẻ bài Do Thái trên trái đất này.” Bằng câu này hắn không có ý nói rằng hắn hối tiếc điều gì: “Lòng ân hận là dành cho con nít!” [trích ‘Eichmann ở Jerusalem’]
Ăn năn hối lỗi là việc bình thường ở mọi con người có lương tâm bình thường, khi hành vi của mình vô tình hay cố ý vi phạm những niềm tin đạo đức của chính mình. Nhưng ở đây, chúng ta đòi hỏi hắn hối tiếc thì khá lạ lùng, chứng tỏ chúng ta vẫn chưa có khả năng “nhìn từ chỗ đứng của người khác”: Mục tiêu cao nhất của đời hắn là phục vụ Führer – Hitler – đấng chúa Trời của hắn. Vậy hắn có gì phải hối tiếc? (Chưa nói hắn phải tự hào đã dành trọn cuộc đời, kể cả cái chết, cho mục tiêu ấy).
Ăn năn hối lỗi là việc của lương tâm. Eichmann không nghĩ rằng hắn không có lương tâm, nhưng trước chúng ta lương tâm của hắn là lương tâm dị dạng của những kẻ cuồng tín.
Người ta kết tội hành động vô trách nhiệm của hắn đưa đến cái chết của nhiều người. Tuy nhiên, hắn tự hào rằng đã luôn hoàn thành tốt đẹp trách nhiệm của hắn: trách nhiệm trước cấp trên và trước Hitler, và không có gì hơn thế.
Cho nên đối với tôi, cái chết trên giá treo cổ không phải là thân phận của hắn: số phận của hắn là chết trong tăm tối. Chính ở đây, là sự TẦM THƯỜNG (đáng khinh bỉ) của hắn.
TẦM THƯỜNG nghĩa là đã ra hẳn khỏi giới hạn của cái BÌNH THƯỜNG, đã sang một phạm trù KHÁC.
Bây giờ, khi đã định rõ ranh giới giữa Cái BÌNH THƯỜNG và Cái TẦM THƯỜNG, và để tỏ rằng đã hiểu Eichmann, tôi không đòi hỏi ở hắn những gì có thể đòi hỏi ở con người bình thường nữa.
Tôi thử nhìn hắn dưới một góc khác, ví dụ, từ quan điểm Nazi.
Chẳng hạn, giả sử tôi là một quan chức Nazi cấp trên của Eichmann, tôi sẽ ghi nhận xét gì vào lí lịch của hắn?
VỀ PHẨM CHẤT CÁ NHÂN:
1. Tuyệt đối trung thành với Lãnh tụ tối cao.* (Führer)
2. Tuyệt đối tuân thủ kỉ luật đảng.**
3. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên vô điều kiện.
4. Có năng lực tổ chức và lãnh đạo, có tài thương lượng đàm phán, có tinh thần trách nhiệm cao đảm bảo hiệu quả cao nhất trong mọi công việc.
VỀ THÀNH TÍCH ĐƯỢC GHI NHẬN:
5. Đã tổ chức, phối hợp với Judenrate, vơ=ới chi phí và tổn thất tối thiểu, vận chuyển xxx ngàn người Do Thái từ Đức và các nước chiếm đóng, đến những điạ diểm cuối cùng, góp phần quan trong trong thành công của mục tiêu “Sạch Bóng Do Thái” và trong “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái”.***
6. Nhiệm vụ vận chuyển gồm:
– Thông qua Hội đồng Do Thái (Judenrate), lập danh sách để trục xuất cư dân Do Thái trong tất cả các thành phố. Kiểm kê lập biên bản tất cả tài sản của họ. Giao toàn bộ chìa khoá nhà cửa dinh cơ của họ cho người của ta.
– Tập trung, điểm danh theo danh sách đã lập tại những địa điểm định trước.
– Tước quốc tịch, thực hiện trạng thái “vô tổ quốc” đối với những người bị trục xuất trước khi đưa họ qua biên giới.
– Làm việc với tất cả các Trưởng ga trên toàn bộ tuyến hành trình, can thiệp vào lịch chạy tàu để thực hiện bằng được các chuyến tàu vận chuyển của ta…
…đến địa điểm cuối cùng ****
Một bản lý lịch quá tốt đẹp, và bản thành tích thật tuyệt vời, của một con người hoàn toàn BÌNH THƯỜNG, phải không?
Nhưng chúng ta sẽ có ấn tượng khác, ngay sau khi giải mã những từ ngữ Nazi trong văn bản trên sang từ ngữ thông thường.
Giải mã:
* Lãnh tụ tối cao = Hitler
** Đảng = Nazi, (hay Quốc Xã)
*** “Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái” = Giết hết! (trong thực tế đã giết từ 4,5 đến 6 triệu trong số hơn 9 triệu dân Do Thái châu Âu.)
**** Địa điểm cuối cùng = Trại tập trung với những Lò thiêu người, Các buồng hơi ngạt…
Bảng Giải mã này đảo lộn nhận thức của chúng ta trong tích tắc. Trước đó là những dữ kiện của một con người Bình Thường. Sau đó là về một dạng khác hoàn toàn, mang bộ mặt TẦM THƯỜNG Của CÁI ÁC.
Cùng một đối tượng, một con người – Eichmann – chúng ta phải chuyển phạm trù, từ BÌNH THƯỜNG sang TẦM THƯỜNG. Những yếu tố tốt, lành, có thực trong tính cách hắn, như nhận xét của ông linh mục “Anh ấy có những ý nghĩ rất tích cực” hay ông bác sĩ tâm thần: “Anh ta hoàn toàn bình thường, ít ra là bình thường như tôi, sau khi tôi khám cho anh ta”, những phẩm chất không bị ai bác bỏ: là người con, người cha, người chồng …tốt, trong gia đình; thậm chí những người Do Thái nhận xét hắn có thái độ nhã nhặn, thân thiện với họ, v.v. tất cả những phẩm chất của con người ấy, ở hắn, là hoàn toàn bình thường. Chuyển sang một góc nhìn khác, tất cả những nét bình thường ấy không còn gì là bình thường nữa: cái “thành tích” rùng rợn của hắn đã biến hắn từ một tay sĩ quan quèn thành “một trong những tên tội đồ hung ác nhất mọi thời đại”. [4,5-6 triệu mạng người!]. Đó là bình diện của cái TẦM THƯỜNG.
Ở bình diện này, bình diện TẦM THƯỜNG, của Eichmann, tôi sẽ không đòi hỏi ở hắn lòng ăn năn hối hận nữa. Vì tôi biết, với hắn “ăn năn là trò trẻ con”. Trước Chúa, à không, trước Hitler, lương tâm của hắn hoàn toàn thanh thản. Hắn đã tận lực trung thành với Führer (Hitler) đến hơi thở cuối cùng.
Về một mặt nào đó, con người TẦM THƯỜNG là con người công cụ. Nhưng mặt khác, là con người, nó cũng có những động cơ, những “lý tưởng,” những tín điều, và một kiểu “lương tâm” dị dạng. Phải nói ngay rằng đặc điểm chung của tất cả những cái ấy là PHI NHÂN TÍNH.
Ta thử phác họa chân dung của nhân vật điển hình này nhé.
Theo tôi, đây là những yếu tố cấu thành động lực cuộc đời hắn, cái động lực đã đẩy hắn đến chỗ TẦM THƯỜNG triệt để, hoàn toàn MẤT HẾT TÍNH NGƯỜI:
1. Sùng bái
2. Tuân thủ
3. Học thuyết, “lý tưởng”, và hệ thống tuyên truyền dối trá
4. Một cấu hình khác của lương tâm.
1. Eichmann sùng bái Hitler, và sự sùng bái ấy đưa hắn vào trong số hàng vạn hàng triệu người cùng thời. Trong một cá nhân, sự sùng bái ấy tưởng chừng (và ban đầu dường như) chỉ là một nét tâm lý tình cảm cá biệt, tự nguyện; nhưng thật ra, nó không hoàn toàn có tính ngẫu nhiên, chỉ do sức hấp dẫn khổng lồ của cá nhân lãnh tụ, mà y thần tượng hoá một cách mê muội, gây nên. Trong một chế độ toàn trị, hiện tượng sùng bái là một quy luật, phổ biến, hai chiều. Một chiều – từ phía chế độ, là “thu phục”, với sự giúp sức của cả một hệ thống những phương tiện tác động tư tưởng (tuyên truyền, giáo dục) hùng hậu, tạo dựng và bồi đắp qua nhiều thế hệ; và chiều kia là “thần phục”, quy phục, – từ phía cá nhân, vô hình chung tự biến mình thành bộ phận của hệ thống. Sùng bái thường là một phức cảm, trong đó cảm nhận về sự hèn mọn của mình trước “thần tượng” được ém nhẹm đi, bởi sùng bái là một cách dính líu với thần tượng, qua đó mà có được chút tự tin, kiêu hãnh, như thể được dự phần vào cái “vĩ đại”, “kiêu hùng” của thần tượng. Quả thật, trong một phong trào toàn trị, sự sùng bái lãnh tụ đã tạo ra nhiều phép lạ.
2. Với Eichmann, việc vâng lệnh Hitler là bổn phận của lương tâm, là nghĩa vụ đạo đức cao nhất. Hitler nói “mệnh lệnh của tôi, tôi yêu cầu các anh thi hành, không yêu cầu các anh hiểu.” Trước mỗi nhiệm vụ, mọi suy nghĩ của Eichmann là nhằm thực hiện hoàn hảo nhất, không bao giờ hắn băn khoăn về những hậu quả. Người ta bảo hắn làm điều ác mà không biết mình làm điều ác là như thế. Trước tòa, câu “tôi chỉ làm theo lệnh” là lá bùa hộ mệnh của hắn.
3. Eichmann tự cho mình là người theo “chủ nghĩa lý tưởng” mà theo định nghĩa của hắn “là một người sống cho tư tưởng của mình, sẵn sàng hi sính cho tư tưởng ấy mọi thứ, và đặc biệt là, mọi người.” Trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát hắn nói rằng hắn “có thể đưa cha hắn đến chỗ chết nếu điều đó là cần thiết”. Đây là “quan điểm riêng” của hắn, thuộc hệ tư tưởng Nazi. Mặt khác, hắn chỉ biết lặp lại như con vẹt mọi luận điệu tuyên truyền kiểu Goebbels, chứng tỏ một đầu óc rỗng tuếch. Hannah Arendt gọi nó là “sự nông cạn về tư tưởng và đạo đức,” một biểu hiện của cái TẦM THƯỜNG, nó dửng dưng dẫn đến những tội ác man rợ nhất.
4. Như ta biết, Eichmann không theo tôn giáo. Nhưng dưới mắt tôi, hắn vẫn có Chúa trời của hắn: đó là Hitler.
Một chế độ toàn trị như chế độ Nazi khó có thể thành công, dù chỉ một phần, dù chỉ tạm thời, nếu không có “những con người TẦM THƯỜNG” – như Eichmann – của nó. Và số lượng những con người đó không phải là ít. Rõ ràng là tội ác mà hắn phạm không phải là tội ác cá nhân. Hắn phạm tội trong tư cách một mắt xích của một cỗ máy hoàn hảo vận hành trơn tru. Cho dù bản thân có những tính cách mạnh mẽ đặc biệt, có óc sáng kiến, v.v., thì nét chủ yếu của hắn vẫn là con người của HỆ THỐNG.
Nhìn bề ngoài, những kẻ hủy diệt nhân loại này có cái vẻ hoàn toàn “bình thường” như chúng ta, nhưng trong thực chất họ hoàn toàn “không bình thường”, họ đã biến thành những con người khác mà chúng ta chưa ngờ tới. Sự biến đổi ấy là kì công của chủ nghĩa toàn trị NAZI.
Đây là điều mà bà Hannah Arendt muốn nói: công cuộc tận diệt tính người của một chế độ phi nhân tính từ trong cỗi rễ.