THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (25) (tham khảo): China: Những giá trị mới trong một xã hội đang thay đổi

china society 2

Guy Olivier Faure (Trường Thương mại Quốc tế China-Âu/ China Europe International Business School (CEIBS); Viện Hàn lâm Sinica Europæa, Shanghai, Sorbonne, Paris V)
Hoàng Hưng lược dịch theo: http://www.ceibs.edu/ase/Documents/EuroChinaForum/faure.htm

Dẫn nhập
“Mỗi thế hệ là một xã hội mới đang ra đời”. Câu trích này là từ Tocqueville, một nhà khoa học chính trị TK 19 phân tích xã hội Mỹ. Giờ đây nó hoàn toàn ứng với China: thế hệ mới là một xã hội mới đang ra đời. Một phần tư thế kỷ trước, China đau đớn thoát ra một thời kỳ xáo động xã hội với những hậu quả ghê gớm. Cuộc “cách mạng văn hoá” và mũi nhọn của nó, “đội hồng vệ binh”, không chỉ định đoạt số phận của một phần dân chúng và phá nát nền kinh tế mà cũng phá hủy những giá trị đạo đức của xã hội. Bằng cách xoá bỏ các truyền thống, phong tục và các luật tắc xã hội, họ đặt bạo lực trong mọi biểu hiện của nó làm những cách thức hành động thông thường. Đến cuối cuộc cách mạng thứ hai này, China thấy bối rối và mất những mốc tham chiếu của mình. Áp lực dân số khiến cho tình thế kinh tế-xã hội càng khó chịu đựng. Từ đây có sự chuyển đổi quan trọng của Đặng Tiểu Bình với “chính sách mở cửa” là một phần của “bốn hiện đại hoá” dẫn đến tình thế hiện nay.
Sự đổi mới các giá trị China và đặc biệt là các giá trị của xã hội đô thị không chỉ là có thực mà còn rất lớn. Nếu xem xét 5000 năm lịch sử China, ta thấy 25 năm gần đây có những thay đổi với qui mô mà không nhà quan sát phương Tây nào có khả năng dự đoán. Chúng tôi nói về những thay đổi, về một sự tiến hoá không thể tin nổi chứ không về một sự đu đưa hay đảo ngược các giá trị. Một số chuyên gia nói về đột biến, chuyển đổi hay biến hoá. Những từ này không thích đáng để nêu rõ đặc điểm của những gì đang xảy ra trong xã hội China hiện nay vì chúng cho rằng có một sự thay đổi về bản chất xã hội, mà ở đây không phải thế. Cái mà ta có thể quan sát được có nền tảng là sự nối tiếp. Đó là sự tiến hoá nhanh, không phải sự đứt đoạn, không phải sự đảo ngược.
China hấp thụ tính hiện đại, tích nhập nền kinh tế thế giới với tốc độ cao nhưng China “China hoá” tính hiện đại. Vương quốc Trung Hoa không thích nghi với tính hiện đại mà sử dụng nó như công cụ phục vụ mục tiêu của chính mình, như nó luôn luôn làm thế trong quá khứ. Văn minh China là một nền văn hoá-khuôn. Có nghĩa là nó không chỉ sao chép thực tế bên ngoài hay hiệu chỉnh nó mà tạo ra sự hiểu và hành động, từ đó sáng tạo ra thực tại. Chúng ta rất xa với ý tưởng đơn giản là China bắt kịp công nghệ hiện đại.
“Macdonald hoá” ở China chỉ là một hiện tượng bề ngoài không làm ta hiểu sai bản chất thực sự của những thay đổi. Tiến trình là như sau: thu thập các yếu tố mới, trầm lắng những yếu tố ấy vào hệ thống China, rồi tiêu hoá và cuối cùng tái sử dụng bên trong hệ trao đổi chất của China. Theo cách nói của một doanh nhân China, vấn đề chính là chỉ “mượn con gà mái để lấy trứng”.
Mục tiêu của người Âu, người phương Tây chúng ta là khuyến khích sự đối thoại hữu hiệu với người China. Để đạt mục đích, đầu tiên ta phải xem xét những nền tảng văn hoá khiến cho văn minh China độc nhất vô nhị. Vậy là ta sẽ tính đến cái chiều kích vô hình, cái phần chìm của núi băng xã hội China.
Khi xem xét China, người phương Tây thường chao đảo giữa mê hoặc và sợ hãi. Sự mê hoặc khơi dậy một vấn đề quan trọng, vì kiểu hấp dẫn này không chứa đựng bất kỳ sự hiểu người China đúng như họ là. Trái lại, sự không hiểu biết có thể là cần thiết để giữ sự hấp dẫn. Sự sợ hãi cũng không phải là thái độ hợp lý. Tính chất duy cảm của nó dựa trên sự tri nhận có chọn lọc những khía cạnh nuôi dưỡng sự lo âu. Không phải là mối mê hoặc, cũng không phải cái gây bất an, China phong phú và phức tạp. China đã luôn bị coi như một thế giới trong bản thân nó, bị cô lập khỏi phần còn lại của hành tinh. Trong một thời gian cực kỳ dài, nó đã không hề cảm thấy có nhu cầu phát triển mối liên hệ với các quốc gia khác. Chỉ sau khi trận cướp phá Hạ Cung [tức Di Hoà Viên – ND] năm 1860 thì một bộ Ngoại giao và các đại diện của China ở nước ngoài mới được lập nên. Cho đến lúc ấy, thiết chế duy nhất xử lý những vấn đề nước ngoài là bộ phận tiếp nhận triều cống của các nước chư hầu. Phái bộ Maccartney thay mặt vua nước Anh triều kiến hoàng đế Càn Long năm 1793 phản ánh một cách điển hình tâm thế ấy. Quan tâm phát triển giao thương với Vương quốc Trung Hoa, nước Anh lúc đó là cường quốc phương Tây quan trọng nhất đã gửi một đại diện của Vua George Đệ Tam sang triều đình Càn Long. Sau khi phải đợi nhiều tháng mới được triệu kiến, ông bị gọi giữa đêm khuya để đến trước Thiên tử nhan. Ông đem theo quà tặng theo đúng tập tục địa phương. Đó là những chế phẩm tân tiến nhất mà phương Tây có thể làm được, như các máy tự động. Chúng được nhận với thái độ tự mãn và khinh khỉnh giả tạo. Được Càn Long coi như kẻ đi triều cống, phái viên của Vua nước Anh được sự phê chuẩn kèm theo một lá thư tuyên bố rằng “Thiên Triều trị vì khắp bốn biển… chúng ta không đánh gía cao những món đồ khéo léo cũng không hề cần đến các chế phẩm của nước ông”. Còn các quan hệ thương mại thì không có cải tiến gì hết. Phái bộ tiếp theo vào năm 1816 cũng không thành công hơn. Năm 1862 nước Anh phải đem chiến thuyền đến để buộc China mở vài cảng biển cho ngoại thương.
Các giá trị China truyền thống
Văn hoá China thường được miêu tả như sản phẩm phức hợp của ba hệ tư tưởng Nho, Lão, Phật. Một người China có thể phản ánh cả ba và hơn thế, đồng thời cũng chẳng quan tâm bao nhiêu đến bất kỳ cái nào (Hsu, 1963). Lịch sử sau đó đem đến những gương mặt cộng thêm vào bức tranh tổng quát như thể ông quan liêu truyền thống (Weber, 1964) nối tiếp bởi phiên bản Mao thời gần đây (Lieberthal & Oksenberg,1986).
Ở China, điều có thể quan sát thấy là các hành vi cư xử. Đằng sau những hành vi cư xử, là những giá trị đóng neo sâu trong nhân cách. Các giá trị luận giải các hành vi cư xử. Trước khi khảo sát bộ giá trị khiến cho người China quá đặc thù đối với người phương Tây, ta phải chạm đến một điều khó nhìn thấy: tri nhận và tư duy China. Các quá trình trí tuệ thể hiện ở những mẫu tương phản cao độ giữa China và phương Tây. Người phương Tây đã phát triển một cách tiếp cận mang tính phân tích với các vấn đề bằng cách phân đoạn và xử lý chúng như yêu cầu và khi yêu cầu. Người China không tiến hành kiểu ấy. Họ phát triển một tri nhận bao quát, thường được gắn nhãn chỉnh thể quan [holistic approach] [học giả Cao Xuân Huy gọi là quan niệm “chủ toàn” – ND]. Như Chen (1999) chỉ ra, “không nghi ngờ rằng người China nhìn thế giới khác người phương Tây vì hai lý do hiển nhiên: bản chất hoàn toàn khác của ngôn ngữ China, và sự biệt lập trong đó nền văn minh China phát triển”.
Chỉnh thể quan phân biệt với các quan niệm phương Tây về logic hình thức và quan hệ nhân quả hay với các cách tiếp cận mang tính phân tích như thể phương pháp Descartes – xem xét sự vật như nó được nằm sâu trong một hoàn cảnh, vậy là đánh giá tình thế toàn bộ nhằm bắt được và điều tiết nhiều lực liên quan (Redding, 1990). “Khi ta đã hiểu cái toàn thể, ta sẽ hiểu các bộ phận”, như một tục ngữ China nói (Faure, 1999)…
Văn hoá phương Tây phát triển các khái niệm nhằm tách các ý tưởng ra khỏi sự vật. Khái niệm hoá là con đường để tách chính mình ra một cách trí tuệ để bao quát thực tại. Như được nhấn mạnh bởi Nakamura (1964), lối tư duy của người China nhấn mạnh sự tri nhận cái cụ thể, dẫn tới việc không phát triển tư duy trừu tượng…
Tư duy phương Tây nhắm đến tính khách quan, tách rời các thực kiện với phán đoán. Tư duy China không tiến hành như thế. Nó thể hiện một nhu cầu lượng giá, phán xét, và xác định chỗ đứng trong mọi tình huống. Mọi người là xấu hoặc tốt, hành vi cư xử là đúng hay sai. Không có sự trung lập. Tư duy China về căn bản mang tính quy chuẩn (Granet, 1950) và thực thi một chức năng xã hội có nhiệm vụ định hướng thái độ trong mọi tình huống. Hành vi xử sự của mỗi người ngoại quốc làm việc với người China sẽ luôn luôn bị đánh giá. Điều này giải thích những hàm ý được liên kết với người ngoại quốc, hoặc mang tính phê phán hoặc mang tính ca ngợi như “mọi rợ”, “ngoại quỷ”, hay “ngoại khách”…
Logic phương Tây dựa trên nguyên lý “không mâu thuẫn”. Một thực kiện là đúng hay không đúng. Ở China, logic nhị phân không được việc. Mọi sự không là trắng hay đen, mà trắng và đen, âm và dương cùng lúc. Điều này giải thích khái niệm “chủ nghĩa xã hội thị trường” mà nhiều người phương Tây nghe rất lạ nhưng không người China nào khó chịu về sự nhất quán của nó.
Trong quá khứ, lý tưởng China là hành xử như một nhà Nho và suy nghĩ như một Đạo gia (Chen, 1999). Âm và dương, thành tố căn bản của mọi sự trong vũ trụ không được coi như đối lập mà là bổ sung nhau. “Cân bằng là sơ đồ lớn của vũ trụ” (Bond & Hwang,1995). Từ đó, nó sinh ra một cơ sở hợp lý rất đặc thù có tên là “tư duy liên kết” [associative thinking] (Faure,1999). Khi Mao Trạch Đông viết rằng “quy luật thống nhất các mâu thuẫn là quy luật căn bản của tự nhiên và xã hội” (Mao, 1965) thì đó không hẳn là diễn đạt một nguyên lý của học thuyết Marx-Lenin, mà là văn hoá China ở khiá cạnh sâu nhất và truyền thống nhất. Tích nhập các mặt mâu thuẫn cho phép sự đảo ngược và từ đó mở đường rộng rãi cho những hành động có thể có dưới tiêu đề chủ nghĩa thực dụng…
Trong những giá trị căn bản nổi bật nhất làm nên đặc điểm của xã hội China ta thấy có: Diện/thể diện (Face), Gián/ hành động gián tiếp (Indirect), Tín/ sự tin cậy (Trust) và Tập/ tính tập trung (Centrality).
Quan tâm về thể diện
Giữ thể diện, khôi phục thể diện và cho đi thể diện là những giá trị then chốt. Người China sống trong con mắt của người khác và có mối bận tâm gần như bệnh lý với tiếng tăm. Sự phán xét xã hội, một tài sản cá nhân và gia đình, được coi như sống còn. Điều xấu nhất có thể xảy đến với người China là mất mặt, cảm thấy nhục nhã. Với cách nhìn ấy, TK 19 với những sự biến như các hiệp ước Nam Kinh, Thiên Tân và cuộc cướp phá Hạ Cung, giải thích được nhiều cho những gì xảy ra trong TK 19 về sự sỉ nhục, nỗi cay đắng và sự khôi phục danh tiếng của dân tộc. Thực tế là một trong những cuốn sách bán chạy nhất hiện nay ở China có tên là “China nói không” diễn đạt được rất sâu mối quan tâm khôi phục thể diện như thế.
“Mỗi người đều có bộ mặt như mỗi cái cây đều có vỏ”, một câu ngạn ngữ China nói thế. Mất uy tín, sự tôn trọng, kính nể cũng tương đương với “mất đi mắt, mũi, mồm” (Hofstede & Bond, 1988: 8). Điều này giải thích được những tình huống khiến cho người phương Tây ở China có phần bối rối. Chẳng hạn, không lộ ra sự ngu dốt còn quan trọng hơn nói lên sự thật. Giữ thể diện ưu tiên hơn là trả lời chuẩn xác. Trong các quan hệ giữa những doanh nghiệp nước ngoài và China, các quan tâm về thể diện dẫn tới những cách dùng từ “hợp tác kỹ thuật” thay vì “trợ giúp kỹ thuật”. Một doanh nhân phải nhận thức rằng mình không bán hàng cho China, mà là chính China mua hàng của mình.
Cơ chế điều chỉnh hành vi cư xử xã hội là cảm thức sỉ nhục thấm nhuần trong tâm não mỗi người China. Thể diện có thể không chỉ được nâng cao hay mất đi mà còn được “buôn bán” bằng cách trao thể diện cho đối tác và rồi đến lượt đối tác phải đáp lại. Kỹ năng rất đặc thù này đã đuợc nâng lên đến mức tinh tế cực kỳ trong truyền thống “xây dựng thể diện” của China. Bằng cách tạo nên một “hình ảnh mạnh mẽ và hấp dẫn khi giao dịch với người khác” (Bond & Hwang, 1995: 225), người cho tăng cường sự tương tác và quan hệ, từ đó tăng thêm khả năng đáp lại của người nhận. Từ đó, việc xây dựng thể diện tiến hành giống như “chất bôi trơn xã hội” (Redding & Wang, 1995: 286).
Thể diện cũng có một giá trị tiêu cực bởi vì nó đựợc dùng như một “con dao vô hình” (Fang, 1999: 150) để giết những tình cảm chân chính. Nếu không có cảm thức sắc bén về sự sỉ nhục, China với giàn khung pháp lý lỏng lẻo và tinh thần kỷ luật yếu kém đã là một xã hội vô tổ chức bị mất đi mối gắn kết xã hội. Với ý nghĩa ấy, thể diện là một giá trị cơ sở của trật tự xã hội.
Hành động gián tiếp là một thể hiện của Khổng giáo, một đường lối giữ gìn sự hài hoà. Cả xã hội là một bản sao của một gia đình lớn. Sự hài hoà về xã hội được thực hiện thông qua cách cư xử theo luân lý, sự kiểm soát xúc cảm, tránh xung đột, thậm chí tránh cả cạnh tranh. Từ đó, trong các quan hệ, mọi sự được gợi ra chứ không nói thẳng. Trong truyền thống China, chỉ có quỷ ma quỷ mới đi theo đường thẳng (Faure, 1999: 202)… Ngạn ngữ China có câu “người ta có xúc cảm giống như cái cây có sâu bọ”. Cho nên người Quân tử theo Nho giáo giữ sự Kiểm soát hoàn hảo chính mình trong bất kể hoàn cảnh nào. Nói “không”, phủ nhận, được coi là rõ ràng là cư xử kém.
Vì phần lớn những gì được chuyển tải là hàm ẩn, nên người phương Tây phải phát triển một tài năng thực sự khi giao dịch với người China để giải mã những nhu cầu và mong muốn của đối tác…
Nụ cười China có thể được tri nhận như chiếc mặt nạ lễ phép, một bức tường đùng đục để đứng đằng sau mà quan sát nhau. Nó có thể diễn đạt sự hợp tác hay chối từ, vui hay giận, chắc chắn hay hoàn toàn không biết gì, tin tuởng hay không tin, vui lòng hay lúng túng (Faure, 1999: 204)… Người phương Tây có thể nhận ra rằng lời nói của người China mang cái ý mà nó không nói ra.
Sự tin cậy
Trong xã hội China nhìn chung là gay gắt, bất chấp, bất khoan dung, không có chỗ cho sự tin cậy. Nghi ngờ là quy chuẩn. Sự tin cậy là đòi hỏi cho công việc kinh doanh cần phải được xây dựng… Từ đó, mọi thương vụ bắt đầu với việc thiết lập mối quan hệ… Người ta phải phát triển một “khu vực bảo vệ” từ bạn hữu, họ hàng, với họ việc kinh doanh có thể được tiến hành với ít nguy cơ nhất. Điều này giải thích việc người China phát triển những mạng lưới cá nhân hay dựa trên gia đình, là điều gặp gỡ một giá trị Khổng giáo căn bản.
Khung khổ pháp lý vẫn là yếu và mù mờ, không phải luôn luôn giúp ích như nó có thể. Theo một cách nào đó, ký một hợp đồng là một bằng chứng của việc thiếu tin cậy. Nó biểu lộ rõ rằng những điều kiện cho sự hợp tác chưa được hoàn toàn đầy đủ. Ở China, cốt tủy của một giao dịch không mang tính pháp lý mà mang tính quan hệ. Luật vẫn được coi như làm ra để mà bị phá. Điều ấy giải thích cho ứng xử của người lái xe ở các đô thị, sẵn sàng ngay khi có thể là tự mình bất tuân những luật lệ giao thông căn bản nhất (Faure, 1995). Mối quan hệ với luật pháp rất đặc biệt này ít ra cũng giải thích được phần nào thói quen của người China sao chép, làm giả các sản phẩm. Trong văn hoá China, sự tinh khôn được coi như cao hơn sức lực và luật pháp, và được hiểu như phương cách phục vụ cho việc trả thù của người khôn với kẻ khoẻ.
Một lý do khác nằm ở các phương pháp giáo dục truyền thống dựa trên sự lặp lại hình mẫu của ông thầy. Một nguyên do thứ ba có nguồn gốc từ ý thức về vẻ đẹp bên ngoài của người China, một lực dẫn quan trọng trong ứng xử của họ. Thí dụ, trong trường hợp các thương hiệu nổi tiếng, người tiêu dùng thấy giá quá cao nhưng họ thèm được duy trì vị thế xã hội của mình. Do đó, giải pháp hiển nhiên là mua hàng giả.
Tính tập trung
Ở đời Thanh, bản đồ thế giới do Matteo Ricci vẽ bị coi là tuyệt đối không thể chấp nhận vì China không được thể hiện như trung tâm của thế giới (Wong, 1963). Hiện nay China vẫn là Vương quốc Trung tâm (Trung Quốc). Người China đi từ những vòng tròn đồng tâm: China là trung tâm thế giới; Bắc Kinh là trung tâm China (cả nước lấy giờ Bắc Kinh); Trung Nam Hải là trái tim của Bắc Kinh. Các cấu trúc địa lý và chính trị hoàn toàn chồng nhau.
Tính trung tâm cũng áp dụng cho các vấn đề văn hoá. Mọi sự đều được nhìn nhận theo quan điểm China-trung-luận (sino-centric). Mốc chuẩn để tham chiếu là China, cái nhìn China, nhu cầu China, giá trị China, khẩu vị China, ẩm thực China. Khi thương thảo với các lãnh tụ China, Kissinger đã phải thường trực đối phó với điều mà ông khái niệm hoá thành “Hội chứng Trung Quốc”, (Fang (1999: 26), ông coi đó là “một tinh thần thượng đẳng văn hoá thấm sâu vào tâm não China”. Cách nhìn “bài ngoại” của người China ông thấy là hiển nhiên và khởi sự ngay từ cái danh xưng “Trung Quốc”, vì người China luôn luôn tự đề cao mình về mặt văn hoá, coi văn hoá và quốc gia mình như nằm ở trung tâm của văn minh thế giới…
(còn tiếp)

Comments are closed.