Thơ Georg Trakl

 

Phạm Kỳ Đăng dịch


Một cuộc đời trong ngất ngây morphine của thời Hiện đại

 

Fritz J. Raddatz (1)

 

graf_georg-trakl-internet

Cả những kẻ chướng tai gai mắt đôi khi cũng có lý. Vậy như Martin Heidegger (2) đã nói: “Tác phẩm thơ của Trakl là một bài thơ lớn duy nhất“. Giờ đây dành cho khúc hát của người khổng lồ này, Rüdiger Görner đã hiến dâng một cuốn tiểu sử hết sức kỳ thú.

 

Điều đặc biệt nằm ở chỗ, nhà nghiên cứu trung thành chi tiết một cách mẫn cảm cũng như trìu mến diễn giải cuộc đời và tác phẩm, đi sâu tận vào trong những đan xen và ẩn mật, dám khởi hành một chuyến đi địa ngục vào những vùng bóng tối của Trakl: những hoàn cảnh đời và thời thế tường tận nằm trong bối cảnh liên hệ đã đưa đến tâm điểm phần lớn chưa được khảo cứu của tác phẩm để đời mỏng manh và quan trọng như vậy ở giai đoạn đầu thời Hiện đại: cuộc đời đen, tác phẩm âm u tăm tối. Có lẽ Heiddeger ngụ ý cái âm hưởng chủ đạo của sự thứ lỗi đang khẩn cầu. Nhiều người bình giải đã lắng nghe âm hưởng đó.

 

Một tiếng gọi trong cơn sốt giọng thứ

 

Ngay bài thơ đoán rằng viết sớm nhất (hầu như không bài nào ghi ngày cụ thể) đã dạo lên một hòa âm nặng nề. Nguyên âm A cung la thứ – sau đó trong ngây ngất sắc màu đến phát sốt của thơ trữ tình này như được sóng mang đi gột rửa – đã là một lời nhắc nhở và thức tỉnh trong bài thơ „Những con quạ“:

 

„Qua góc đen những con quạ nháo nhác/ Giữa buổi trưa la tiếng thất thanh dài/ Bóng chúng qua quệt lướt một chú nai/ Và ta thấy đôi khi chúng dừng, cấm cẳn.”

 

Chúng ta đọc thấy nơi người con trai gia đình tư sản vùng Salzburg được rửa tội theo đạo Tin Lành một bài giảng đạo đối lại bốc cao ngọn lửa luôn là của một chúa thánh (hoàn toàn có dịp gợi nhớ Rilke, người đã từng có lần ngưỡng mộ hỏi „Vậy đó ư, ai có thể là kẻ Trakl này?“),– và của các thiên sứ, thiên thần – dự báo rằng không thể ban sự giải thoát cho những kẻ bị đọa đầy trong thung lũng nước mắt: „Trên vừng thái dương trắng ngà của người cô đơn hiện ra vẻ tàn tạ của các thiên thần ngã xuống… Từ những căn phòng xám bước ra các thiên thần với đôi cánh vấy phân. Từ những mí mắt vàng ệch đùn ra những con giun“.

 

Kẻ am tường Trakl thổ lộ

 

Rüdiger Görner là một nhà phân tích trời phú và là một nhà viết tiểu luận được đào tạo cấp cao. Như ông biết thế „Trong cái nhìn của nhà thơ, cái đẹp đã ban theo thần chết“, và ông có thể trích dẫn Lacan(3) với mệnh thức „Thơ là hiểu biết về vô thức“. Và luôn luôn đưa ra trước mắt ta cái chiều kích khôn lường của những câu thơ Trakl: “Người mù rắc khói nhang vào vết thương tấy mủ/ Những áo choàng vàng son ánh đỏ/ Những bó đuốc; ca hát thánh ca / Và những cô gái, ôm thân thể Đức Cha như nọc độc dược ôm quấn lấy Chúa Cha/ Những hình thù sáp cứng đơ sải bước qua lửa than và khói“.

 

Chẳng phải ngẫu nhiên nhà nghiên cứu là giáo sư thỉnh giảng về Georg Trakl của năm 2013 và 2014. Ông (Görner) đã khiến mình thành tên tuổi bằng nhiều ấn phẩm công bố – trước hết về Rilke (4), Kleist (5) và Thomas Mann, những công trình mang lại cho ông nhiều phần thưởng trong giới hàn lâm, gần đây nhất là viện sĩ thông tấn của Viện hàn lâm Đức về Ngôn ngữ và Thi ca.

 

Từ những nhà thổ vùng Salzburg

 

Ông ấy có một cảm quan chính xác cho mỗi một văn bản thứ tầng của thơ. Ở đó nhà nghiên cứu kiên quyết thận trọng với mỗi một câu trả lới vào câu hỏi độc giả “Với cái đó nhà thơ muốn nói với chúng ta điều gì?“. Ông chiêm nghiệm – cuốn sách của ông là một truyện kể lớn“ – một sự diệu kỳ: vâng Trakl đã sống một cuộc sống hoàn toàn tư sản, không ngẫu nhiên học xong nghề dược sĩ, thuần túy như người ta nói, rất hay tụ bạ cùng các bạn trong những quán cà phê (nơi người ta có quá nhiều chầu uống), lui tới những nhà thổ vùng Salzburg (không có gì xác minh tình yêu cận huyết với em gái ruột được đồn đại trong văn chương thứ hạng).

 

Cậu bé sớm có năng khiếu lớn lên trong „ngôi nhà thân thuộc“ tăm tiếng, mà con người ta biết tới từ nhiều dạng thức văn học ở buổi đầu thế kỷ – không có tình yêu và không lời nói. Vào thời kỳ đó điều này không cản trở việc hôn nhân có nhiều con là „trời ban“, nơi đó bà mẹ hầu như luôn câm lặng khép mình vào một phòng riêng chất đồ gỗ quái dị: với một sự điên cuồng sắm sanh bà sưu tập đồ cổ khiến bà yêu thích và gìn giữ chúng hơn con bà. Như một ánh le lói, tái xám và nhợt nhạt bà xuất hiện, dù rất ít khi, trong những bài thơ của con trai mình.

 

Những bài nghiệm đọc thời trẻ

 

Từ thời học sinh cậu bé đã đọc nhiều, nhờ cô bảo mẫu trong gia đình đã nói thông tiếng Pháp; Rimbaud – một trong những „ảnh hưởng“ tác động lên ông“ – ông đã biết tới từ những bản dịch, cũng như biết Maeterlinck (6), George (7), Nietzsche (8), Baudelaire (9), Verlaine (10). Trong thực tế đúng là Rimbaud (11) và ý tưởng của người này về „màu của nguyên âm“ và của „hallucination des mots“ (ảo giác của từ) đã gây xúc động sâu sắc nơi ông.

 

Với thứ đó đã bật ra từ chính: Ảo giác. Người ta biết Rimbaud cũng đã sống trong những đêm địa ngục của ma túy. Trakl – bất kể rằng đã từ xưa ông dùng chất này lấy từ tủ thuốc hay là mãi sau này sau khóa nghiên cứu dược kéo dài bốn học kỳ trong các năm 1910 -1911, với tư cách là lính tình nguyện của quân đoàn cứu thương tại Vienna đã thử nếm mùi „độc dược“ này khi còn trẻ tuổi. Một bức thư dạo xưa gửi người bạn Buschbeck vẫn còn giữ lại được, trong đó ông „thú tội“ rằng „tiếc thay đã lại tìm nơi nương náu ở chất gây mê clorofom. Tác động rất kinh khủng“.

„Sự sáng tác độc dược“ của Trakl

 

Ở một thái độ thận trọng đặc trưng cho mình, Görner đã đưa ra lời tổng kết „ Những vết tích ít ỏi của cuộc đời Trakl đã dần cộng lại thành một chứng chỉ của những cường độ khác nhau, chỉ khi sau đó tự thân là chính chúng mới xuất hiện, nếu như ông ấy tỏ thái độ thiếu kiên quyết, bề ngoài sống buông thả một cách nhàm chán, hoặc là gắng chịu tình trạng thần kinh rối bời và sự buồn tẻ luân phiên dội tới. Ông sống trải tất cả một cách sâu sắc, chán chường và ghê tởm (thường có đủ cả về bản thân nữa), kinh nghiệm của cái đẹp trong cái xấu và cái kinh tởm trong cái đẹp“.

 

Trong một trong những chương hay nhất của cuốn sách, đi vào „sự sáng tác độc dược“ của Trakl, Görner đã chỉ ra: đó không phải là tất cả. Huyền sử về thơ của con người này, không hiểu cả cái Tôi của mình và cả thế giới của mình nữa, được khóa lại rủi ro nhiều hơn thế. Vâng, kẻ sinh vào năm 1887 đã có một số người đồng thời tài năng, một số là thiên tài; Hans Arp (12), Jakob van Hoddis (13), Georg Heym (14), Kurt Schwitters (15), Gottfried Benn (16), Albert Ehrenstein (17), Max Herrmann-Neisse (18) cùng tuổi với ông hoặc họ chỉ hơn ông một tuổi.

 

Chất kích thích của ông là ngôn ngữ

 

Có phải Lasker-Schüler (19) là một người tình chóng vánh của ông hay không, điều này không được chứng minh. Tức là có một thời Tiền Hiện đại. Thế mà người đơn nhất đi con đường cô đơn của mình, ông xua tiếng vang của bước chân mình vào những câu thơ đẹp đến rợn người.

 

Trong „Biên bản về các thử nghiệm ma túy“, Ernst Bloch (20) và Walter Benjamin (21) đã đánh dấu nơi con đường ắt phải kết thúc: „Một con đường tuyết phủ vươn qua cuồng mê, con đường này là cái chết.“ Về vấn đề này người viết tiểu sử thêm vào một lần nữa “Ngôn ngữ thành ra một thứ chất kích thích, một môi trường thăng hoa và một dạng niệm trong vô thức, cái mà thế hình như đã hóa lạ cái bản ngã của ông. Bởi vì hiếm hoi nhất nơi Trakl chính là các bài thơ của ngôi Tôi.“

 

Kẻ cầm lưỡi hái đã sẵn rình rập vẫn còn kiên gan. „Thiện cảm với Thần chết“, như Thomas Mann trong một lá thư viết gửi anh trai Heinrich của mình gọi cái run rẩy cuộc đời, ban đầu đã nguyên còn là một cảm xúc nguyên tố. Georg Trakl là kỵ sĩ và hắc mã trong một, tia lửa của móng con ngựa thiên lý màu đen bắn ra xa tới tận chân trời, là những vì tinh tú trong một thái dương hệ không niềm hy vọng: đó là những bài thơ của ông. Đi về cái chết.

 

Vô địa danh – chỉ ở nhà trên mặt giấy

 

„Nhà thơ là trái tim thế giới“, Eichendorf (22) đã từng viết – kể cả trái tim của người nghiện ma túy đôi khi đã ngừng đập: ông đã sáng tạo nên cái không gì sánh nổi. Bằng hằng hà sa số bút tích chữa sửa ông chế ngự bút lực thơ của mình; với một sự tỷ mỷ mẫu mực, Rüdiger Görner đã phân tích nhiều bản khác nhau của bài thơ và đã chứng minh được tính độc lập của chúng. Có thể là không nơi dừng chân, người thi sĩ lang bạt giữa Innsbruck, Berlin, Salzburg theo nghĩa thô thiển của từ này. Mà tuy thế ông có đó một nơi. Trang giấy.

 

Trong thời đại hằn dấu hối hả sự vụ như đang hiếp đáp tai ta, đánh đồng thú vui với sự lười nhác và dọn bày sẵn trí tưởng cho áo nịt ngực chị em, thì tôi coi điều này như những điều răn khẩn cấp: Chúng ta hãy thu nạp lấy chính mình từ những cái bí ẩn, cái mê hoặc, cái chất ma ám diệu kỳ nơi những bài thơ của Trakl. Chúng cưỡng bách người đọc phải nín hơi nghe ngóng nhịp điệu con tim, thay vì nghe tiếng động lanh canh của thế giới lạc thú. Chúng ta phải lấy lại cho chúng ta thiên tài thơ ca này.

 

Ludwig von Ficker (23) nâng đỡ ông

 

Có khi người khổng lồ còn có nhiều may mắn vào thời ông sống, so với phần ông được chia hôm nay. Ông đã tìm thấy người ngưỡng mộ. Ludwig von Ficker ngày càng in nhiều của Trakl hơn trên tờ tạp chí „Brenner“ quan trọng đối với khu vực nói tiếng Áo, Franz Werfel (24) sớm nhận ra chất lượng cao của ngòi bút đồng nghiệp, Karl Kraus (25), kẻ không mấy khi nghiêng mình thán phục, đã giới thiệu ông với nhà xuất bản Kurt Wolff ở Leipzig. Nơi đó, cuối cùng vào mùa hè năm 1913 tập thơ in duy nhất vào thời tác giả còn sống được ra mắt, sau khi trước đó một chút nhà xuất bản Albert Langen đã bác bỏ bản thảo.

 

Một chút gì kỳ quặc toát ra từ ý thức bướng bỉnh về bản thân của người mới ra mắt, kẻ phản đối dữ dội việc xuất bản thơ mình trong xê-ri tăm tiếng „Ngày mới nhất“ của nhà xuất bản Kurt Wolff mới đầu được các giám đốc Franz Werfel và Max Brod (26) gợi ý: „Đương nhiên, kiểu nào thì kiểu, tôi không đồng ý đâu“. Mặc dầu ông không hề dư dả về tài chính (mãi sau này, sự trợ cấp sung túc gồm 20.000 Mark của nhà Mạnh Thường Quân Wittgenstein (27) mới đến được tay ông), ông thậm chí còn đáp lại rằng không thiết hưởng số tiền được nhận.

 

Ông không thích người Vienna tý nào

 

Chàng trai trẻ, từ 1912 được phép xưng danh là „dược sĩ kê phát thuốc của binh chủng bộ binh“, cũng có thể ương ngạnh và độc địa. Ông gọi Vienna là „thành phố rác rưởi“ và báng nhạo: „Tôi không ưa người Vienna tý nào. Đó là một tộc người che giấu đằng sau vẻ giản phác không mấy dễ ưa một đống những phẩm chất ngu xuẩn, ngớ ngẩn và thô tục. Chẳng có gì gây bực mình hơn cho tôi, là sự tô nhấn nét ấm cúng đã thành nếp… Quỷ tha đi cho, những con rệp không biết ngượng này!“

 

Cả Vơ-nê-dơ, nơi ông trong hội cùng Adolf Loos (28), Karl Kraus và Peter Altenberg (29) đến thăm vào tháng Tám năm 1913 – có một bức ảnh chụp chàng trai khá đậm trong bộ đồ bơi đen ở bãi biển Lido- „đã đẻ ra“ một bài thơ hay đen đúa cả giấc mơ; nhưng bài thơ ấy trình ra trước mắt kẻ cô đơn và không quê hương „đám ruồi ố đen làm tối mất không gian bằng đá“.

 

Bức điện tín nổi tiếng từ thành phố Krakow

 

Một trong những ẩn dụ thường gặp nhất trong tác phẩm để đời của Georg Trakl là tiếng chuông. Cho đến hôm nay, khi nghiền ngẫm cuốn sách viết thật tinh tế của Görner và đọc lại nhiều bài thơ của nhà ma thuật này, những tiếng chuông đó như còn dội chói vào tai nhạo báng. Ngày 25.10.1914 một bức điện tín gửi đi từ Krakau (chiến tranh đã xô đẩy người lính tình nguyện đến đó) tới Kurt Wolff (30) „Hẳn ông sẽ mang lại niềm vui lớn cho tôi, nếu như ông gửi giùm tôi một bản cuốn sách mới của tôi „Sebastian trong mơ“. Tôi ốm nằm đây trong nhà thương đồn trạm Krakow. Georg Trakl“. Chẳng bao giờ ông được cầm cuốn sách trong tay.

 

„Grodek“ là tên bài thơ cuối cùng viết sau trận đánh gần Grodek ngày 13.10.1914. Ông đọc lên cho Ludwig von Ficker khi người này đến thăm ông ở nhà thương đồn trạm ngày 24 và 25 tháng Mười. Người thăm nhớ lại, Trakl đã đọc nhỏ, với giọng nói từ tốn giản phác chỉ ông mới có.

 

Tự sát do đầu độc?

 

Vào ngày 08.10, bệnh nhân đã được đưa vào nhà thương này “để theo dõi trạng thái tinh thần”. Một giám định tiếp theo của bác sĩ đã xác chứng ”ông ấy không uống, nhưng mà dùng rất nhiều cocaine… ngoài ra ông ấy nghe thấy rất nhiều tiếng chuông… ông ấy phỏng đoán rằng, mình xuất thân vốn là một vị Hồng y và trong tương lai ông ấy sẽ trở thành một Chúa Trời vĩ đại.” Kết cục vào ngày 04.11.1914, Dr. Havel đã chứng nhận “tự sát do nhiễm độc cocaine” (chết vào hồi 21 giờ ngày 03.11).

 

Một Chúa Trời vĩ đại? Ông đã trở thành một nhà thơ lớn. Một trong những nhà thơ cực kỳ lớn. Bài đọc cuối cùng của ông gồm những bài thơ của nhà tụng thi Johann Christian Günther thời Barock người vùng Xi-lê-di. Bài thơ „Những suy nghĩ ăn năn“ của người này khép lại với dòng chữ “Thường khi một cái chết hay là một tiểu sử hay nhất.“

 

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Die Welt –  Ein Leben im Morphin-Rausch der Moderne

 

MÙA THU SIÊU HIỆN


Với trái vườn nho óng quả vàng
Hùng vĩ một năm đã kết trang
Quanh cánh rừng im lìm tuyệt diệu
Là đồng sự của kẻ cô đơn.

Người đồng hương nói: Thật là tốt.
Mi chuông chiều nhỏ nhẹ ngân nga
Hồi kết hãy cho niềm quả cảm!
Đàn chim di chào chuyến đi xa.

Thời khắc của yêu nhớ dịu dàng
Trên thuyền buông mái cuối dòng lam
Đẹp sao hình ảnh đan vào ảnh
Yên tĩnh trong câm luống lụi tàn.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

NHÀ NÔNG


Trước cửa sổ sắc đỏ và xanh lục
Trong căn phòng thấp ám muội đen
Các cô hầu và cậu ở ngồi ăn
Họ bẻ bánh và rót vang vào cốc.

Giờ ban trưa, trong thẳm sâu câm lặng
Thư thoảng văng một lời nói cộc cằn
Cánh đồng lấp lóa trong một khắc
Và bầu trời chì nặng và xa xăm.

Trong bếp lò than bùng gớm ghiếc
Và một đàn ruồi kéo vo ve
Các cô hầu ngớ ngẩn và câm nghe
Thái dương các cô máu chảy rần rật.

Và đôi lúc ánh mắt giao nhau thèm khát
Khi căn phòng hơi gia súc thoáng qua
Cậu đầy tớ đọc lời kinh ê a
Dưới bậc cửa một con gà trống gáy.

Và lại ra đồng. Một nỗi kinh hoàng tóm lấy
Họ thường khi trong bão lúa ầm ào
Và lanh canh, lui tới ra vào
Lưỡi hái khua như ma làm theo nhịp.

 

Bản tiếng Đức và bản tiếng Anh tham khảo

 

 

NHỮNG CON QUẠ


Qua góc đen những con quạ nháo nhác
Giữa buổi trưa la tiếng thất thanh dài
Bóng chúng qua quệt lướt một chú nai
Và ta thấy đôi khi chúng dừng, cấm cẳn.

Ôi sao chúng mới quấy đảo sự tịch mịch
màu nâu, nơi cánh đồng run hứng đê mê
Như một bà nhập linh tính nặng nề,
Và thư thoảng người ta nghe chúng ré

Quanh một xác thú, đánh hơi đâu đó
Và bất chợt hướng phương Bắc chúng bay
Và biến đi như một đám rước thây
Trong không khí đang run lên vì khoái trá.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

HOÀNG HÔN MÙA ĐÔNG
(Gửi Max von Esterle)

 

Bầu trời kịt đen kim loại
Chéo trong bão đỏ đêm đêm
Lướt bầy quạ đói như điên
Trên công viên buồn, hiu hắt

Trong mây một tia băng giá
Trước lời nguyền của sa tăng
Đám quạ xoay tít trong vòng
Bảy lần bay nhào xuống số

Ngọt và thiu trong tàn rữa,
Chúng đang đay mỏ im lìm
Dẫy nhà ghê rợn câm bên
Sáng trong sảnh phòng rạp hát

Nhà thờ, cầu và bệnh xá
Xám trong chạng vạng ánh đèn
Những tấm vải lanh nhuốm máu
Trên kênh lướt gió phồng lên.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

DE PROFUNDIS

 

Có một cánh đồng gặt trụi, một cơn mưa đen rơi xuống.
Có một cây nâu, đơn độc đứng đây.
Một cơn gió réo, xoáy quanh túp chòi trống –
Sao buồn chiều nay

Qua xóm nhỏ
Cô bé côi cút dịu hiền mót những bông lúa trụi trơ
Đôi mắt cô thả buông vàng rỡ và tròn xoe trong hoàng hôn
Và lòng cô mỏi mòn đợi vị hôn phu trên trời

Khi trở lại nhà
Những mục đồng bắt gặp tấm thân kiều diễm
Rữa nát trong bụi gai

Một chiếc bóng là tôi những thôn xóm tăm tối xa vời
Sự làm thinh của thượng đế
Tôi đã uống từ giếng nước bìa rừng

Vấp lên vầng trán tôi kim khí lạnh
Những con nhện lùng kiếm tim tôi
Có một ánh sáng, trong miệng tôi lụi tắt

Đêm đêm tôi gặp mình trên cánh đồng hoang
cứng đơ rác đọng và bụi của sao trời
Trong bụi cây hạt dẻ
Lại vang rung những thiên sứ pha lê.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh

 

 

ÂN PHƯỚC ĐÀN BÀ

 

Nếu bước dưới đàn bà con gái
Và thường khi em gượng mỉm cười
Là những ngày e sợ đến nơi
Hoa thuốc phiện trắng tàn bên dậu

 

Như thân thể em vồng sao diễm lệ
Giàn nho vàng rỡ chín bên đồi
Mặt nước ao lóng lánh, xa xôi
Và lưỡi hái khua rào rào trên ruộng

 

Trong bụi gai giọt sương lăn xuống
Chảy xuống dòng đỏ những lá cây
Chào cô nàng yêu dấu của mình đây
Lại gần em chàng mọi nâu, thô tháp.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh

 

 

TRONG MÙA THU


Hoa hướng dương óng sắc bên rào
Người ốm lặng ngồi co ro trong nắng
Đàn bà trên đồng, hát quên việc nặng
Giàn chuông ngân gióng giả vào đây.

Chim nói ta hay chuyện cổ xa xăm
Chuông tu viện ngân vào đây gióng giả
Từ sân vọng tiếng vĩ cầm rộn rã
Hôm nay làng cất rượu vang nâu.

Con người tỏ ra dịu dàng, hồ hởi
Hôm nay làng cất rượu vang nâu,
Những hầm mộ rộng toang lối mở,
Có nắng thu thêm tô đẹp sắc mầu.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh  

 

 

GRODEK

Trong chiều tối khu rừng thu vang rền
tiếng vũ khí giết người, những đồng bằng vàng chói
và hồ biếc xanh, ở trên đó vầng dương u ám
lăn về cuối trời; màn đêm ôm vào lòng
những chiến binh hấp hối, tiếng gào than man dại
từ miệng họ nát nhừ.
Mà thế đó trên nền lá liễu lặng lẽ tích tụ
vòm mây đỏ, nơi trú ngụ một vị thần thịnh nộ
ấy máu tràn, lạnh lẽo như trăng.
Mọi đường phố đổ về mục ruỗng đen
Dưới cành vàng của đêm và các vì tinh tú
Bóng em gái chập chờn lướt qua dãy vườn câm lặng
Đi chào hồn ma của những anh hùng, những đầu người đầm máu
Và vi vu trong cành sậy những chiếc sáo tăm tối của mùa thu
Ôi nỗi buồn thương kiêu hãnh, của mi nữa những bàn thờ sắt đá
Ngọn lửa thiêu đốt của tinh thần hôm nay được nuôi dưỡng
bằng một nỗi đớn đau mãnh liệt,
Những con cháu không ra đời.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh

 

 

MÙA THU CỦA NGƯỜI CÔ ĐƠN


Thu u tối hái về ắp đầy hoa trái-
Những ngày hạ đẹp qua còn ánh vết ố vàng
Lớp vỏ héo trào ra tinh khiết một màu lam;
Đường chim bay vọng vang cổ tích
Rượu vang cất, lắng ngọt ngào tịch mịch
Rót đầy tiếng thầm thào lời đáp những câu hỏi tối tăm.

Và đó đây một cây thánh giá trên đồi cằn
Một đàn thú hút dần trong rừng cây đỏ lá.
Trên mặt nước ao đám mây rong nhàn hạ –
Ấy lúc nhà nông được rỗi rãi chân tay.
Cánh xanh lam của màn đêm khẽ nhẹ lay
một mái nhà rạ kiệt khô, sẫm đen mặt đất

Sao trời dần tụ quần trong hố mắt người mệt giấc
Nếp giản phác lặng về trong mát rượi lều tranh:
Và thiên thần nhón bước ra từ mắt xanh
của những cặp tình nhân dần vơi đau khổ
Luốm vẻ ảm đạm trơ xương, cây sậy vi vu gió
Từ những cành liễu trơ, sương nhỏ những giọt đen.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

NÓI THẦM VÀO BAN CHIỀU

Măt trời độ thu hanh hao, dè dặt
Và trái cây rụng xuống từ cành
U tịch ngự trong những phòng xanh
Một chiều dài đằng đẵng.

Tiếng chết chóc dội lên từ kim khí
Và một con thú trắng khuỵu sâu
Khúc hát thô của gái da nâu
Bay cuốn đi trong màn lá rụng.

Vầng trán mơ thấy mầu của Chúa
Cảm nhận đôi cánh mềm của cơn điên
Bên ngọn đồi xoay chuyển bóng đêm
Viền tối đen của sự thối rữa.

Hoàng hôn đầy rượu vang và yên tĩnh
Đàn ghi ta buồn bã tiếng rỉ ra
Và hướng cây đèn khêu dịu trong nhà
Anh ghé vào như trong giấc mộng.

 

Bài thơ nguyên tác tiếng Đức  bản tiếng Anh tham khảo

 

 

TRONG MÙA ĐÔNG

 

Cánh đồng sáng trắng lên và lạnh
Trời cô đơn và đầy vẻ âm u
Quạ gáy xám vòng lượn trên ao tù
Từ cánh rừng đám thợ săn bước xuống.

Một khoảnh lặng ngự chòm đen tán lá
Một ánh lửa từ mái lều hắt ra
Thư thoảng leng reng một cỗ trượt băng xa
Và trăng xám mọc lên chậm chạp.

Một con thú rỏ máu trên lối dốc
Lũ quạ toé tung dầm cống rãnh huyết pha
Cây sậy rung lên vàng sắc và mở ra
Giá băng, khói, một bước đi trong lùm vắng.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

MỘT TỐI MÙA ĐÔNG

Mỗi khi tuyết chạm rơi khung cửa
Và chuông chiều rền rã hồi ngân
Nhiều người sẵn bàn ăn bày biện
Và cả nhà xúm xít quây quần.

Còn vài người vẫn đang hành khất
Nẻo tối tăm về tới cổng nhà
Cây Ơn Phước nở vàng ròng sắc
Từ phù sa lạnh đất ra hoa.

Người lữ khách bước vào im ắng
Bậu cửa trơ thành đá đớn đau
Trên bàn óng rượu vang và bánh
Vẻ long lanh tinh khiết sáng màu.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

SUY TÀN

 

Chiều buông xuống khi chuông ngân cầu nguyện
Tôi buông theo những đường chim bay diệu huyền
Như những đoàn hành hương mộ đạo tụ vệt kéo dài thêm
Tản mát trong mênh mông mùa thu trong trẻo.

Mộng du qua khu vườn chạng vạng
Tôi mơ theo số mệnh chúng sáng hơn
Và cảm nhận kim giờ khắc hồ như chẳng vờn
Qua những đám mây tôi ruổi theo hành trình của chúng.

Bỗng một hơi thở của suy tàn làm tôi run rẩy
Con sáo nỉ non trong những cành trụi trơ
Chùm nho đỏ trên hàng dậu rỉ sét đu đưa,

Trong lúc như điệu vũ tử thần những đứa trẻ tái nhợt
Nhảy vòng quanh bờ giếng tối om, long lở
Những bông thúy cúc xanh rùng mình nghiêng trong gió.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

GỬI CHÀNG TRAI ELLIS

 

Elis, nếu con sáo hót gọi trong rừng đen
Đó là sự lụi tàn của cậu
Môi cậu uống luồng mát lạnh của giếng đá xanh lam.
 
Cứ để đó, nếu trán cậu âm thầm nhỏ máu
Những truyền thuyết cổ xưa
Và sự cắt nghĩa tăm tối của đường chim bay.
 
Nhưng với những bước mềm mại cậu đi vào màn đêm
Treo những chùm nho no căng màu hồng tím
Và cậu vươn tay thanh thoát hơn trong màu xanh dương.
 
Một bụi gai rên rỉ
Nơi mắt cậu như trăng
Ôi Elis từ bao giờ cậu chết.
 
Thân thể cậu một bông dạ lan hương
Một nhà tu nhúng ngón tay sạch vào đó
Một hang đen tối là sự câm lặng của chúng ta,
 
Thư thoảng từ đó bước ra một con thú dịu dàng
Và từ từ cụp hai hàng mi nặng.
Xuống thái dương của cậu nhỏ giọt sương đen,
 
Vàng son rớt của những vì sao tàn lụi.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

MÙA THU CỦA NGƯỜI CÔ ĐƠN


Thu u tối hái về ắp đầy và hoa trái –
Những ngày hạ đẹp qua còn ánh vết ố vàng
Lớp vỏ héo trào ra tinh khiết một màu lam;
Đường chim bay vọng vang cổ tích
Rượu vang cất, lắng ngọt ngào tịch mịch
Rót đầy tiếng thầm thào lời đáp những câu hỏi tối tăm.

Và đó đây một cây thánh giá trên đồi cằn
Một đàn thú biến hút dần trong rừng cây đỏ lá.
Trên mặt nước ao đám mây rong nhàn hạ –
Ấy lúc nhà nông được rỗi rãi chân tay.
Cánh xanh lam của màn đêm khẽ nhẹ lay
một mái nhà rạ kiệt khô, sẫm đen mặt đất.

Sao trời dần tụ quần trong hố mắt người mệt giấc
Nếp giản phác lặng về trong mát rượi lều tranh:
Và thiên thần nhón bước ra từ mắt xanh
của những cặp tình nhân dần vơi đau khổ
Luốm vẻ ảm đạm trơ xương, cây sậy vi vu gió
Từ những cành liễu trơ, sương nhỏ những giọt đen.

 

Bản tiếng Đức và bản tiếng Anh tham khảo

 

 

NHẠC TRONG VƯỜN MIRABELL

 

Đài phun hát. Đám mây dừng đứng
Trong xanh trong, mây trắng, dịu dàng
Bước những người trầm lắng, khẽ khàng
Lúc chiều tối qua khu vườn cũ.

Đá cẩm thạch tạc tổ tiên xám lại
Một đàn chim bay vào cõi xa mờ
Thần đồng ruộng với mắt chết lờ đờ
Nhìn bóng đổ trượt vào tăm tối.

Đám lá rụng đỏ từ cây cổ thụ
Lọt qua ô cửa ngỏ xoáy vòng
Một ánh lửa cháy rực trong phòng
Vẽ quỉ ma hãi hùng, mờ mịt.

Bước vào nhà một kẻ lạ vận đồ trắng
Một con chó bổ qua lối hoang tàn
Cô hầu gái tắt phụt một ngọn đèn
Tai đêm đêm nghe vang âm xô-nát.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

ĐÀN GUITAR CHẤT ĐẦY TRONG LÁ ĐỎ

 

Đàn guitar chất đầy trong lá đỏ
Những mớ vàng tóc con gái bay tung
Bên hàng dậu, hoa hướng dương trĩu bông
Đi qua mây một chiếc xe vàng rỡ.

Trong yên lặng bóng râm nâu, câm tiếng
Ôm lấy nhau ngơ ngẩn các cụ già
Trẻ mồ côi trước bữa, ngọt ngào ca
Ruồi vo ve trong hơi bốc vàng ố.

Đàn bà còn giặt giũ bên bờ suối
Những tấm vải lanh phơi trải phồng lên
Cô em nhỏ, từ lâu tôi thích
Lại tới đây qua xám xịt màn đêm.

Từ trời ấm lũ chim sẻ nhào xuống
Những hố xanh đầy thối rữa tanh hôi
Lừa kẻ đói trước khi phục hồi
Một mùi bánh mì và gia vị chua chát.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

MAN MÁC BUỒN CHIỀU

 

Cánh rừng mở rộng ra đã chết
Những bóng đổ quanh tựa giậu rào
Từ hốc ẩn con thú run rẩy tới
Khi suối dòng lặng chảy lao xao

Cành dương xỉ uốn theo và đá cũ
Từ xoắn chùm lá ánh bạc lung linh
Chẳng mấy chốc nghe trong vòm họng tối
Có thể chăng, cả tinh tú đã hiện hình

Bản đồ đen hiện ra không kích thước
Ao, đầm lầy và làng mạc rải xa
Một chút gì như đốm lửa lừa ta
Nhao qua đường một quầng sáng lạnh

Họ linh cảm thấy trên trời vận động
Một đạo quân hoang điểu du hành
Tới những miền đất khác và đẹp xinh.
Cây sậy rùng mình dâng lên hạ xuống.

 

Bản tiếng Đứcbản tiếng Anh tham khảo

 

 

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức,  

 

Chú thích của người dịch:


Georg Trakl (1887 – 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.

 

Tòan bộ thi phẩm của ông mang dấu ấn của hòai cảm, u sầu và hướng tìm Thiên Chúa. Có thể kể Cái chết, Suy đồi và sự Suy tàn của Tây Phương như những hàm ý chính ở thơ trữ tình sâu xa của Georg Trakl đầy những biểu tượng và ẩn dụ.


Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg.* 1897 – 1905: Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp và Toán), không đỗ tú tài. * 1908: Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành Dược. * 1910: Học xong bằng Y sĩ* Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. * 1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakow sau khi dùng cocaine quá liều.

Rüdiger Görner (sinh năm 1957): Nhà nghiên cứu văn học Đức, giám đốc trung tâm trao đổi Văn hóa Anh-Đức (Centre for Anglo-German Cultural Relations)

(1) Fritz Joachim Raddatz (1931-2015): Nhà báo, nhà tiểu luận, nhà viết tiểu sử.
(2) Martin Heidegger (1889-1976): Triết gia Đức
(3) Jacques-Marie Émile Lacan (1901-1981): Bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm học.
(4) Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.
(5) Bernd Heinrich Wilhelm von Kleist (1777-1811): Kịch tác gia, nhà thơ, nhà văn và nhà trước tác quan trọng, giữ vị trí ngoài lề trong sinh hoạt văn chương ở thời kỳ chương Cổ điển Weimar và Lãng mạn Đức.
(6) Maurice Polydore Marie Bernard Maeterlinck (1862-1949): Nhà văn và kịch tác gia người Bỉ, viết tiếng Pháp.
(7) Stefan George (1868-1933): Nhà thơ Đức.
(8) Friedrich Nietzsche: Nhà triết học, nhà ngữ văn và nhà thơ Đức.
(9) Charles-Pierre Baudelaire (1821-1867): Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật người Pháp. Ông là một trong những nhà thơ lớn nhất, và là người mở đường rất quan trọng cho chủ nghĩa hiện đại trong văn chương Âu châu. Độc giả Việt Nam biết tới tác phẩm đặt nền móng cho thơ ca hiện đại Những bông hoa Ác (Les Fleurs du Mal) qua bản dịch của Vũ Đình Liên.
(10) Paul Verlaine (1844-1896): Nhà thơ lớn người Pháp, được các nhà thơ phái Tượng trưng suy tôn là ông tổ của mình.
(11) Jean Nicolas Arthur Rimbaud (1854-1891): Nhà thơ Pháp có ảnh hưởng lớn.
(12) Hans Arp (1886-1966): Họa sĩ Đức-Pháp, đại diện của chủ nghĩa Đa đa và Siêu thực, nhà thơ.
(13) Jakob van Hoddis (1887-1942): Nhà thơ Đức thuộc Chủ nghĩa Biểu hiện văn học.  (literary Expressionism)
(14) Georg Heym (1887-1912): Nhà thơ Đức thuộc Chủ nghĩa Biểu hiện văn học.
(15) Kurt Schwitters (1887-1948): Nghệ sĩ tạo hình đa dạng, họa sĩ, nhà đồ họa và nhà thơ.
(16) Gottfried Benn (1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận, bác sĩ, có ảnh hưởng lớn tới các nhà thơ trẻ sau chiến tranh thế giới II bởi phong cách viết hiện đại.
(17) Albert Ehrenstein (1886-1950): Nhà thơ , nhà viết truyện ngắn bằng tiếng Đức.
(18) Max Herrmann-Neisse (1886-1941): Nhà văn Đức.
(19) Else Lasker-Schüler (1869-1945): Người Đức, nữ thi sĩ quan trọng của phái Hiện đại tiền phong và Chủ nghĩa Biểu hiện trong văn chương, họa sĩ.
(20) Ernst Bloch (1885-1977): Triết gia, theo truyền thống Karl Marx, thuộc về phái tân Mác-xít.
(21) Walter Bendix Schoenflies Benjamin (1892-1940): Triết gia, nhà phê luận văn hóa và dịch giả.
(22) Joseph Karl Benedikt Freiherr von Eichendorff (1788-1857): Nhà thơ và nhà văn quan trọng của trào Lãng mạn Đức.
(23) Ludwig von Ficker (1855-1919): Nhà văn Đức, chủ nhà in sách.
(24) Franz Viktor Werfel (1890-1945): Nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức-Tiệp, lưu vong trong thời Quốc Xã, và trở thành công dân Mỹ.
(25) Karl Kraus (1874-1936): Một trong những nhà văn quan trọng nhất đầu thế kỷ 20. Ông là nhà trước tác, châm biếm, nhà thơ và nhà viết kịch, nhà phê bình ngôn ngữ và văn hóa.
(26) Max Brod (1884-1968): Nhà văn nhà phê bình sân khấu và âm nhạc viết bằng tiếng Đức.
(27) Ludwig Wittgenstein (1889-1951): Nhà triết học Anh-Áo, viết những công trình quan trọng về triết học lô-gic, ngôn ngữ và ý thức.
(28) Adolf Loos (1870-1933): Kiến trúc sư người Áo, viết nhiều công trình phê bình kiến trúc và khảo luận văn hóa.
(29) Peter Altenberg (1859-1919): Nhà văn Áo.
(30) Kurt Wolff (1887-1963): Chủ nhà in người Đức.

 





 

Comments are closed.