Hoa khai cực lạc tháng cô hồn

Ngô Khắc Tài

I

Rằm tháng Bảy là một ngày rằm đặc biệt. Ngoài việc báo hiếu song thân, trong thời tiết mưa gió sụt sùi, lòng người còn mở thông ra nhiều cõi bên ngoài, nhớ đến bao người. Tục cúng cô hồn lang thang xó chợ đầu đường mang đầy tính vị tha nhân bản. Hầu như sự vĩnh hằng, thời gian hữu hạn kéo đi bao nhiêu đổi thay. Và cái chết là một trong những chủ đề lớn của các nhà thơ. Không phải tự nhiên mà mỗi năm đến rằm tháng Bảy tôi luôn nhớ đến “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du.

Cũng có kẻ chìm sông, lạc suối;

Cũng có những sẩy cội, sa lầy;

Có người leo giếng đứt dây;

Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành.

Thế là:

Khi sau đông đúc vui cười;

Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương?

Kẻ thân thích vắng sau vắng trước;

Biết lấy ai bát nước chén nhang!

Và nhớ đến Tản Đà với “Thăm mả cũ bên đường

Hay là thuở trước kẻ văn chương;

Chen hội công danh lỡ lạc đường;

Tài cao phận thấp chí khí uất;

Giang hồ mê chơi, quên quê hương!

Hay là thuở trước khách hồng nhan;

Sắc sảo khôn ngoan trời đánh ghen;

Phong trần xui gặp bước lưu lạc;

Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn!

Đây là những bài thơ hay của thơ ca cổ điển Việt Nam nhưng theo tôi nó mang tính nhân loại chung chung đứng bên ngoài mà nhìn thông cảm với sự vật hơn là đi sâu vào tâm hồn người vì thế tôi thích bài thơ của Hòa thượng Tế Điên trong một cuốn sách xưa tôi quên nhưng lại nhớ nó vì thấy nó thấm sâu vào lòng mình. Bài thơ mà đọc cho người hấp hối nghe họ sẽ ra đi nhẹ nhàng và siêu thăng tịnh độ

Sáu mươi năm bừa bãi

Gió đông vờn với gió tây

Đến nay thu nhặt quay về

Mây xưa nước liền trời biếc

Tôi không biết Hòa thượng Tế Điên hành tung hư thật ra sao, phim ảnh lại hư cấu Hòa thượng thành nhân vật huyền thoại tu hành mà ngổ ngáo trêu chọc thiên hạ lại còn uống rượu ăn thịt chó. Thực hư khó phân biệt nhưng đọc lên mấy câu thơ của ngài thấy đây là người đắc đạo. Người ta lập tức trực nhận được ở bài thơ những cái thấy khác như không, như , tỉnh thức mở cánh cửa thong dong một cõi đi về, thấy cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau!

II

Nhắm mắt, qua đời, chết ngắc, chết ngủm, tử vong… người đời rất phong phú từ ngữ để diễn tả điều đáng sợ không ai tránh khỏi. Tôi lại thích những từ như đi, quy, cố hương, quy tân gia… tuy có vẻ như đùa cợt nhưng lại gần với chân lý. Tuy nhiên, thích nhất vẫn là cụm từ nhà Phật “Hoa khai Cực Lạc. Để chỉ cái chết sau lại nói là hoa khai? Chỉ vì chết không phải là trạng thái tĩnh, mà đó là một trạng thái động. Chết thân cũ để thay thân mới. Sự chết chỉ là một phen trong vô số lần chết. Sự sanh cũng vậy, cũng là một lần trong vô số kiếp sanh. Hoàn toàn phù hợp với quan niệm khoa học – vật chất biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác.

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, những người lớn tuổi như mẹ tôi, đi chùa thắp nhang lạy Phật xong bao giờ cũng đứng bàn thờ vong có mấy chữ “Hoa khai Cực Lạc” xá ba xá. Tôi đứng bên mẹ, nhìn lên cả trăm ảnh vong linh: đàn bà, đàn ông, có người rất trẻ và có cả ảnh trẻ con… và có cả hình của mấy tay mà lúc còn sống dân làng chẳng ai ưa… tôi sợ lắm. Mẹ không giải thích, có lẽ ngày ấy tôi còn quá nhỏ để nghe. Cũng có thể mẹ làm theo thói quen tập quán truyền thống của ông bà xưa, mẹ cứ noi theo đó mà làm cũng không hiểu lắm. Mãi về sau tôi mới biết cử chỉ của mẹ cũng như hành vi của nhiều người lớn tuổi khác. Người Việt có truyền thống nhân bản bao dung không phân biệt mọi hương hồn đã khuất (nghĩa tử là nghĩa tận), nó dung hòa với đạo Phật. Rằm tháng Bảy cúng hết các cõi, cúng cô hồn cúng chiến sĩ trận vong, kể cả chuyện lập bàn thờ cho kẻ thù. Tôi nhớ ngoài miền Bắc có đền thờ Phục Ba tướng quân (Mã Viện) ngay cả những ngôi mả lâu đời mấy trăm năm vẫn có kẻ đến thắp nhang cho đã nói lên điều này. Ngày nay đi chùa thấy tục xưa như may một. Trừ những người thân đi chùa mới đến trước bàn vong để tưởng niệm cha mẹ, bà con, còn những người không thân chỉ lướt nhìn hờ hững. Có lẽ người đời nay thấm tư tưởng nhị nguyên của phương Tây, phân biệt rạch ròi đen trắng, tả hữu, ta người. Ghét ai, thấy dấu chân, thấy mồ mả của người ấy là ngứa ngáy muốn bứng đi cho khuất con mắt. Ở đây như quên điều gì đó thay vì cởi mở lại thắt nút thêm, cột cuộc sống lại. Để rồi nó như là một trong những nguyên nhân tiếp tục những cuộc khủng hoảng đổ vỡ không hóa giải được mâu thuẫn xã hội. Khi nói không tâm linh tôi thấy người nói nghèo nàn làm sao. Dường như ở giữa không tâm linh với tâm linh có một vùng giao thoa tập mờ. Những câu hỏi của đời sống từ đây mà ra; chính từ vùng này đã khơi dậy những phát minh, sáng kiến khoa học.

Từ cái cảm giác sợ sệt trước bàn vong không dám nhìn, dần dần tôi thơ thẩn đứng nhìn các vị lâu hơn. Nhìn những tấm ảnh đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ trên bàn, không ai giống ai, không có người thứ hai lặp lại, nhưng tất cả đều như nói với tôi một điều: cuộc sống đáng quý biết bao nhiêu! Một lúc nào đó rời xa cuộc sống này, tôi không biết gì về cõi xa kia… nhưng lại trực nhận ra một điều đáng sợ là sau cái chết mọi người đều bình đẳng, chẳng khác gì nhau, trừ ra những nghiệp quả đã tạo. Chết không phải là sự chấm dứt, vì máu của cha mẹ đã truyền qua máu cho con, vì còn có nghiệp quả. Trong nghiệp quả lại có biệt nghiệp, cộng nghiệp, tức là những điều mình đã tự tạo ra hoặc cùng với người khác tạo ra… rồi còn có sự tiếp nối của những người thân thuộc, con cháu, dòng họ… phải chăng chết cũng chỉ là một điểm khởi đầu? Người sống nên nhận ra điều này, không làm nhục người đã chết, nhất là làm nhục cha mẹ, vì máu huyết của họ đã lưu lại tạo ra người (họ vẫn luôn sống trong thân thể của con). Đời như một cuốn phim dài nhiều tập, tập 1, tập 2 rồi tập 3… Cuối cùng, khi hướng về nơi cõi xa kia, sự thức tỉnh lại chiếu soi cho tâm thức ta ngay trên mặt đất này. Phải chăng đó chính là ý nghĩa diệu ảo của mùa Vu Lan, mùa báo hiếu?

Comments are closed.