Ngô Nhật Đăng
KHÚC MỞ ĐẦU
“Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu” – Hà Nội nhắc tôi nhớ đến Người khi lần đầu tiên nghe câu hát này từ người cậu ruột. Nhưng tôi mới lên 6 tuổi, đi sơ tán tránh máy bay. Hà Nội cũng chỉ mờ nhạt trong trí nhớ bởi còn bao nhiêu điều mới mẻ ở nông thôn thu hút thằng bé. Có chăng chỉ là hàng cây sấu cổ thụ trên phố Ba Hàng Cây (tức phố Phan Đình Phùng). Sao lại là cây sấu? Kể cũng buồn cười, tôi nói với thằng bé con ông chủ nhà: “Tớ thích ăn sắn (củ mỳ) lắm, cậu chỉ chỗ nào có, chúng mình trèo lên hái”. Nó cười bò khi biết tôi tưởng cây sắn giống như cây sấu, quả cũng mọc lủng lẳng trên cành. Kỷ niệm về Hà Nội cũng chỉ là cây kem Tràng Tiền ngon đến nhức răng, bố mua cho một sáng Chủ Nhật đi dạo Bờ Hồ, xấu hổ không dám ăn ở ngoài đường, về đến nhà thì chỉ còn mỗi cái que, thế là đứng khóc. Khi lớn rồi, vẫn bị mẹ nhắc chuyện này và trêu: Đúng là “lịch sự” tiểu tư sản.
Khi đến California, việc đầu tiên là tôi gọi điện xin gặp nhạc sỹ Anh Bằng, ông trả lời:
– Không, để chú đến gặp cháu chứ, nhưng cho chú xin 45 phút.
45 phút sau ông đến, ăn mặc chỉnh tề, thắt cravate, người cháu ông bảo:
– Chú đòi đi cắt tóc, tắm gội, thay đồ lớn để tới gặp anh.
Hai chú cháu ôm nhau, ông nói:
– Kể cho chú nghe về Hà Nội đi.
Chẳng biết kể gì, tôi nói:
– Mấy anh sinh viên ở Hà Nội ngày đó đi sơ tán hay hát: “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết…đ iêu”. Họ sửa một chữ của chú đấy.
Chú cười sảng khoái:
– Vui nhỉ.
Graham Greene, nằm bò trong căn phòng của khách sạn Metropole Hà Nội suốt hai năm, viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Người Mỹ trầm lặng” cũng không nghĩ rằng, Việt Nam, nhất là Hà Nội sẽ theo “ám” ông cả cuộc đời, như có lần ông thú nhận:
“Chúng tôi, những thằng nhà báo (kiêm tình báo), những tay sỹ quan lê dương, chai sạn, lang thang khắp thế giới… nhưng dù ở đâu, Paris, London, hay New York, trái tim bỗng run rẩy mỗi khi có ai nhắc đến Hà Nội hay Sài Gòn”.
Một cô nhà báo người Pháp ở Hà Nội được hơn hai năm bỗng nảy sinh tình cảm với thành phố này. Cô định in một cuốn sách, gồm ảnh chân dung 100 người Hà Nội, kèm theo 100 câu chuyện của họ về Hà Nội. Cuốn sách đã gần hoàn thành, hôm đó ở Café Lộc Vàng cô muốn anh Lộc và tôi kể về Hà Nội với chân dung số 95 và 96. Nghe anh Lộc kể chuyện mà cô khóc ròng. Cô bảo tôi:
– Em phải làm lại cuốn sách thôi. Chuyện chú Lộc Vàng sẽ là chân dung đầu tiên.
Tôi kể cho cô nghe về cầu Long Biên, về thằng bé lên 10 tuổi cõng thằng em 5 tuổi bò qua thanh tà-vẹt bắc ngang nhịp cầu bị bom đánh sập. Về nỗi nhớ Hà Nội thắt lòng mỗi khi xa. Cái dốc cao bên phía Gia Lâm, mỗi lần đạp xe từ nơi sơ tán về đến nơi là mọi mệt mỏi tan biến, hay mỗi lần về phép từ biên giới, đi xe khách hay nhờ xe tải, bánh xe lăn qua những nhịp cầu già nua, nghe như kêu tiếng xương cốt của người già, vẫn cố, vẫn gồng lên đỡ bước chân của những đứa con bạc bẽo….
Hôm đưa đứa em gái đến nghĩa trang (nhà tôi toàn con trai, chỉ có nó là con gái) về, thằng em thứ ba rủ tôi lên cầu Long Biên, qua chỗ nhịp cầu bị sập, nó bỗng hỏi:
– Anh còn nhớ chỗ này không? Ngày anh cõng em qua.
Lạ thật, Hà Nội có cái gì đâu mà đáng phải nhớ? Những đêm trên chốt biên giới, mùa mưa rừng rả rích, tiếng nước chảy trên tán lá nghe rậm và buồn, hay ở Budapest bên dòng Danube xanh êm đềm, cố chợp mắt thì lại nghe tiếng guốc gõ trên hè và tiếng còi tàu hỏa. Thế là mất ngủ.
Một nhà văn viết: “Khi vào Sài Gòn thì nhớ Hà Nội, sang bên này thì lại nhớ Sài Gòn. Nỗi nhớ nặng gấp đôi, vì sau bóng dáng Đô thành Sài Gòn lại thấp thoáng Kinh kỳ Hà Nội”. Một lần trong bữa nhậu ở Sài Gòn nhắc về Hà Nội, tôi nói với người họa sỹ, nhà ở cạnh hồ Thuyền Quang:
– Chú đang cách xa Hà Nội 1.200km đấy.
Ông trừng mắt:
– Sao lại 1.200 km, mày ăn bớt nỗi nhớ của tao à?
Thì kể, 100 câu chuyện thôi mà, nó có đủ để đo chiều dài nỗi nhớ?
Câu chuyện thứ nhất:
EM ƠI HÀ NỘI…
Hoàng nói với tôi:
– Có hai nơi anh phải đến là điểm Zéro và tượng Nữ thần Tự Do, nếu không coi như chưa tới New York.
Tôi bổ sung:
– Bảo tàng Metropolis nữa chứ.
Hoàng cười:
– Xong công việc, chúng ta có cả một ngày để tham quan. Mà anh thích tới bảo tàng à?
Tôi chỉ gật đầu, trót có một thời gian lê la học vẽ trong các xưởng họa, có lúc kiếm sống bằng đi vẽ. Mê tranh nhưng không đủ dũng cảm để cầm cọ vì mỗi lần ngắm tranh của các danh họa (dù chỉ là phiên bản) lòng lại tràn đầy nỗi tuyệt vọng vì thấy có ném cả cuộc đời vào hội họa thì cũng chẳng có nổi một tác phẩm ra hồn. Nhưng có cơ hội được ngắm những tuyệt phẩm bằng da bằng thịt thì làm sao có thể cưỡng nổi.
Hai ngày đầy kín lịch làm việc rồi cũng qua, Hoàng đánh thức chúng tôi từ sáng sớm, New York đã sang xuân nhưng vẫn hơi lạnh với những người ở Việt Nam mới sang.
Hoàng lái xe đưa chúng tôi tới bến phà để dạo một vòng trong vịnh Manhattan, con phà rời bến từ từ vòng qua chiếc cầu cảng làm bằng những cây gỗ lớn đóng xuống biển, có lẽ nó đã có mặt từ hơn 100 năm trước khi nơi đây là điểm đến của hàng triệu con người từ khắp mọi nơi trên thế giới tìm tới miền đất của Tự Do. Tôi chỉ bức tượng phía xa xa nói với anh bạn trẻ đi cùng: “Có một phiên bản nữa của bức tượng này đặt ở đâu em có biết không? Ở vườn hoa Cửa Nam đấy”.
Bỗng có tiếng nói:
– Thưa ông, ông là người Việt Nam?
Tôi giật mình nhìn sang, một người đàn bà phương Tây tóc đã bạc trắng nhưng vẫn còn lưu lại những nét xinh đẹp thời còn xuân sắc. Tôi còn đang ngơ ngác thì bà nói tiếp:
– Tôi ở Paris, vợ chồng tôi đi du lịch và tôi là người Hà Nội, thưa ông.
Rõ rồi, cái giọng đặc Hà Nội mà lâu lắm rồi tôi không được nghe, cái giọng nhẹ như gió thoảng nhưng “tròn vành rõ chữ” kèm theo cái âm gió rất riêng, cái giọng vẫn bị chê là “điệu”. Tôi trả lời:
– Dạ thưa, cháu cũng là người Hà Nội
– Tôi cũng đoán vậy, ông ở bên này đã lâu chưa?
– Dạ cháu mới từ Việt Nam qua và tuần sau cũng trở về Việt Nam rồi ạ.
Nét mặt bà vui hẳn lên:
– Bố tôi là người Pháp, tôi là con lai thưa ông. Nhà tôi ở gần cái chỗ ông Hồ Chí Minh giờ đang nằm đó, họ gọi là đường Hùng Vương.
– Ôi, cháu cũng ở gần đó, vườn hoa Tập kèn bà còn nhớ không ạ?
– Nhớ chứ, chị tôi đã ba lần về Hà Nội nhưng tôi thì chưa. Xin lỗi ông, tôi nghĩ là tôi sẽ không về.
Trầm ngâm một lát bà tiếp:
– Tôi xa Hà Nội năm 1954 khi mới vừa 12 tuổi.
Tôi rùng mình như bị điện giật, tôi chợt nhớ đã từng đọc một câu chuyện về một mối tình của một chàng trai Việt đang học trung học với một cô gái lai mới 12 tuổi. Sự kiện 54 đã khiến họ chia lìa, cô về Pháp còn anh di cư vào Nam, họ hẹn nhau ngày gặp lại ở Hà Nội. Chẳng lẽ đây lại là…t ôi hỏi tiếp:
– Dạ thưa bà, nếu không có gì phiền, bà có thể cho cháu được biết tên bà?
– Tôi tên là Suzan thưa ông.
Trời, cô gái trong câu chuyện cũng tên Suzan, tôi lại rùng mình lần nữa, liếc nhìn lại bà, bà đang im lặng không còn để ý gì đến xung quanh. Tôi cũng ngồi im trước sự im lặng ấy, lời nói lúc này thật vô nghĩa. Con phà từ từ cập bến, bà nắm tay tôi thay đổi cách xưng hô:
– Khi nào về đến nơi cậu cho tôi gửi lời chào Hà Nội.
Ôi, Hà Nội của bà, Hà Nội của tôi.
Hà Nội của tôi bây giờ muốn nghe giọng Hà Nội phải tìm về những xóm ngoại ô, nơi những người “gái phố Hàng” đầu đã bạc trắng dạt về vì không đứng nổi trước cái triết lý của đám nhà giàu mới nổi: ”Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” họ phải rời ngôi nhà của ông bà để lại được trả bằng cái giá trên trời khó cưỡng lại trước sự không đùa cợt của cơm áo mưu sinh. Một người kể với tôi: “Sau khi bán nhà, mấy năm trời em không dám đi qua phố cũ. Cảm thấy mình như là một kẻ phản bội”.
Hà Nội của tôi với những quán phở đã được mấy đời, người bán người ăn đều biết nhau, biết từng khẩu vị riêng, chăm cho nhau từng lát ớt tươi, từng cọng rau thơm kén từ làng Láng, tội nghiệp im lặng trước những bài báo đầy rẫy đang nói mình là “phở quát, bún chửi” – bhế mới đúng là Hà Nội.
Hà Nội của tôi, trong con ngõ nhỏ vẫn có những cô bé ngồi đan áo len cho bà khi mùa Đông sắp về, mắt tròn xoe chăm chú nghe mẹ dạy nấu ăn, dạy cách “ăn trong nồi, ngồi trông hướng”, cười khúc khích khi nghe bà mắng yêu: “Không thì lúc đi lấy chồng, người ta chê nhà có con gái mà không biết dạy”. Tội nghiệp khi thấy mình lẻ loi trước đám đông, tóc nhuộm hoe vàng, cưỡi xe máy phóng bạt mạng, miệng văng tục với những ngôn từ khi nghe thấy phải đỏ mặt.
Hà Nội của tôi, không phải chỉ có tiếng dương cầm vọng ra từ cửa sổ một ngôi biệt thự trong khu phố cũ, mà còn có tiếng Clarinet não nề của anh xích lô đầu phố đã có thời chơi trong dàn nhạc giao hưởng trước năm 54.
Hà Nội tội nghiệp của tôi với những “cao bồi già” thỉnh thoảng muốn ăn một miếng “bít- tết”, uống một ly Bordeaux phải lặng lẽ như kẻ trộm chui vào căn nhà ở phố Hàng Buồm, tít trong cùng, một cái buồng chật hẹp quanh năm không có ánh mặt trời, chủ căn buồng trước nấu ăn cho một công chức người Pháp, giờ là đầu bếp của nhà hàng “giao tế” kiếm thêm chút tiền vì đồng lương ít ỏi. Miếng ăn nghẹn giữa chừng vì cảm giác nhục nhã đớn hèn.
…….
Hà Nội của tôi chỉ còn trong hoài niệm với tiếng oanh ca bên bờ tường vi, với em ơi, mùi hoàng lan, mùi hoa sữa…
Tôi biết gửi lời chào của người con Hà Nội đến Hà Nội nào đây?
Nhưng Hà Nội của tôi vẫn còn, khi ở Washington DC, một Giáo sư hỏi tôi:
– Ngày tiểu học anh học ở trường Nguyễn Du, sau đó học lên trường Ngô Sỹ Liên. Bây giờ còn không em? Hay đã đổi tên rồi.
– Dạ vẫn còn tên cũ anh ạ.
– Ôi thật là vui, thế là từ giờ anh ngủ ngon rồi.
Hà Nội của tôi vẫn còn khi nhà báo kỳ cựu ở đài RFA kể:
– 50 năm sau anh lại được ăn lại món ăn thời thơ bé ở gần ga Hàng Cỏ, món chè bà cốt em ạ.
Rồi anh chặc lưỡi hít hà.
Hà Nội của tôi vẫn còn trong tâm tưởng của người sỹ quan QLVNCH từ ngày ở trại giam nơi rừng núi phương Bắc thì đêm nào cũng nằm mơ nghe tiếng còi tàu hỏa và thảm lá bàng rụng đỏ rực trên phố Phùng Hưng dọc con đường anh đi học hàng ngày từ nhà đến trường Hàng Cót.
Hà Nội của tôi vẫn còn trong con người một sỹ quan QĐND, người phố Hàng Thiếc đã bảo người lái xe chạy thật chậm dọc đường Phùng Hưng, chiếc xe chở tù binh đi trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973, trên xe có người tù binh là cựu học sinh Tiểu học Hàng Cót.
Hà Nội của tôi vẫn còn trong những người con đi xa, hít hà khi mùa sấu rụng trên vỉa hè lại nhớ da diết mấy quả sấu dầm đựng trong cái phễu bằng giấy của ông già Tàu ở trước cửa rạp Đại Đồng. Nhớ cốm làng Vòng, nhớ những quá hồng mọng đỏ không thể thể thiếu trong nghi lễ ăn hỏi, nhớ “mùa cưới” của Hà Nội mỗi dịp Thu về.
Hà Nội của tôi vẫn còn khi đứa cháu nội ông chủ tiệm bánh Bodega khét tiếng một thời nói với tôi đang ngồi ở quán bia hơi: “Chú chờ cháu 15 phút, cháu về lấy biếu chú mấy cái “pa-tê-sô” để chú xem còn đúng hương vị của ông cháu làm ngày xưa”.
……
Hà Nội của tôi vẫn còn trong tâm sự của một nhà văn miền Nam đang định cư ở Úc, chúng tôi đủ thân thiết để xưng “chị em”, chị bảo:
– Chị rất hay đọc về Hà Nội, từng đọc về Hà Nội phở không người lái, Hà Nội điếm, Hà Nội đổ thùng… nhưng thật lòng chị chỉ muốn nghe về một Hà Nội: Em ơi, mùi hoàng lan.
Hoàng chợt hỏi tôi:
– Anh có muốn tới bảo tàng Metropolis không?
Bây giờ tôi chỉ muốn về Hà Nội, tôi nói với anh:
– Thôi, để lần sau. Như là một lời hẹn cho ngày gặp lại.