Nhìn rõ mặt nhau

(Rút từ facebook của Trần Kiêm Đoàn)

 

Trước khi rời California đi Nhật Bản vào ngày 19 tháng 6 năm 2015, Lê, bà xã của tôi có đọc đâu đó bài tạp bút của tác giả Huy Phương. Lê có vẻ hơi hồi hộp nói với các con tôi cùng đi với gia đình: “Mẹ nghe bác Huy Phương nói là cái mặt Việt Nam vác đi đâu thì đều bị khinh rẻ cả phải không mấy con. Qua Nhật có can chi không hè?”
Cả bốn đứa con của tôi trong chuyến đi (nhờ ơn Trời Phật, các cháu đều là bác sĩ tốt nghiệp và hành nghề ở Mỹ) cùng an ủi Mẹ: “Me ơi! Đâu cũng có những cái mặt ‘ugly’ như Bác ấy nói cả. Tụi con đã đọc Ugly American, Ugly Chinese, Ugly Japanese… thì có thêm cái Ugly Vietnamese nữa cũng chẳng có chi ‘big deal’ (quan trọng hóa) cả. Chúng con đi du lịch khắp thế giới mà có khi nào nghe dân các nước đó dám tỏ thái độ coi thường người Việt Nam đâu!”
Sau chuyến đi Nhật Bản hơn hai tuần về lại nhà, Lê nhận xét: “Cớ gì người ta lại phải mất công phóng đại tô màu quá cỡ rứa! Dân Nhật quá lễ độ, rất dễ thương và văn hóa. Khi em tự giới thiệu em là người Việt Nam chẳng có bất cứ người Nhật nào có thái độ hay nét nhìn khác thường cả. Họ đối xử lễ độ, kính trọng với tất cả mọi người không phân biệt…”. Tôi chỉ mỉm cười, giải thích đó là nhược điểm của mặc cảm tự ty và tự tôn lẫn lộn của lớp người Việt Nam lớn tuổi. Dùng đôi ba hiện tượng riêng lẻ để vơ đũa cả nắm (stereotype) kiểu “cách mạng tra khảo lý lịch ba đời” như thế là không công bằng.
Thật ra, tôi cũng đã đi khắp những nơi mà thiên hạ đồn đãi là “khinh cái mặt Việt Nam” nhưng chưa có lần nào “hân hạnh” phải chìa cái mặt Việt Nam xấu xí như có người không may đã gặp phải. Tôi tự nghĩ rằng “Đâu cũng có anh hùng, đâu cũng có thằng khùng thằng điên” hay “Trên ở không kỷ cang, dưới lập đàn mây mưa!”. Mình không tự khinh mình thì chẳng ai khinh mình được cả. Lãnh tụ gian manh cũng chỉ là tên gian manh; “đại gia” ăn cắp cũng chỉ là phường trộm cướp. Họ có thể tạm thời hưởng được những vinh hoa phú quý giả dối tạm thời nhưng tới “ngày phán xét cuối cùng” thì chính lương tâm mình cũng chẳng cho mình thoát được.
Mấy cháu con tôi thuộc thế hệ trẻ và bà xã tôi thuộc thế hệ già nhưng có nếp nghĩ và lòng tự trọng với cả một truyền thống lâu dài nên khó có thể bị thuyết phục bởi những hiện tượng bề mặt.
“Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn” là một hiện tượng cực đoan quá quắt cần loại bỏ. Nhưng lòng tự hào dân tộc khác với cảm xúc thương ghét nhất thời.

Comments are closed.