Category: Vấn đề hôm nay
Giá áo túi cơm
Lê Học Lãnh Vân
Hồi nhỏ lắm, còn tiểu học bảy tám tuổi, đêm nóng nực khó ngủ nằm lăn qua lăn lại nghe chị hàng xóm ngâm nga Truyện Kiều ru con…
“Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì”
Dù cảm được nghĩa “giá áo túi cơm” chỉ người rất tầm thường, vô tích sự, nhưng lại hiểu là người mặc áo rách (vá) xách túi ăn xin (cơm)! Sắp vào trung học mới hiểu giá áo túi cơm chỉ người không có giá trị trong xã hội, mặc quần áo thì có khác gì cái “giá” treo áo vào, ăn cơm thì khác gì cái “túi” bỏ cơm vô chứ không có đầu óc gì hết.
Đêm nay trời lạnh khó ngủ, nhớ tiếng chị hàng xóm ru con hơn sáu mươi năm trước. Bây giờ, thấy các đại quan đứng trước tòa, nhất là các vị tham nhũng, ăn hối lộ, bị lôi ra tòa thì tác phong thật thảm hại, tác phong ấy ngược với hình ảnh thời mấy ổng “miệng nhà quan có gang có thép”, sự tương phản ấy minh họa rõ ràng hơn ý nghĩa thành ngữ “giá áo túi cơm”. Nghèo mặc quần áo rách, xách túi xin ăn, nhưng nghèo mà sạch chưa chắc là “giá áo túi cơm”, vì có thể chỉ do thiếu năng lực kiếm tiền hay thiếu may mắn chứ không gian tham. Trí thức tận tụy với cộng đồng, chẳng may bị thời cuộc xô vào trại cải tạo năm sáu năm, ra trại không có cháo mà ăn, trí thức đó người hiểu biết ai dám coi rẻ? Bởi vì họ chỉ “giá áo túi cơm” ở lớp sơn ngoài còn thân trong là gỗ quý. Kẻ nhờ quan hệ luồn lách mà ăn trên ngồi trước, vênh váo dạy dân đạo làm người, hống hách đe nẹt dân, hôm sau lòi ra đạo đức tha hóa, há mồm ăn bẩn của dân, khí tiết bệ rạc, kẻ ấy bề ngoài lòe loẹt mà thân trong là củi mục, “giá áo túi cơm” tới tận trong cốt tủy!
Lại rất buồn, sao giá áo túi cơm quá nhiều trên chánh điện? Ngẫm mà coi, con số bị lôi ra tòa so với ở nước khác đã là quá khủng rồi, nhưng trong số chưa bị lôi ra, có bao nhiều phần trăm đáng bị?
Lại ngẫm, trong Truyện Kiều, “những phường giá áo túi cơm” gồm có
“Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà
Bên là Ưng Khuyển bên là Sở Khanh
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh”
Đó là những kẻ lưu manh, kiếm ăn không lương thiện, thuộc tầng lớp thấp của xã hội.
Nếu đám người này trèo cao ngồi trên đầu nguyên khí quốc gia mấy chục năm trời thì người tài trong bộ máy làm sao hoạt động hữu hiệu? Thì dân chúng nào, quốc gia nào gánh nổi gánh nặng đó?
Nhiều người ca tụng phong trào nhóm lò đốt củi. Nhóm được lò, đốt được củi đúng là thành quả vĩ đại, nó góp công lớn đả phá tệ ngu muội sùng bái quan chức nhà nước cao cấp vì có không ít củi từ hàng ngũ đó. Tuy nhiên người dân vẫn cảm nhận tốc độ củi mục được tạo ra nhanh hơn củi bị đưa vào lò nhiều lần. Cho nên tiếp theo thành quả lớn đốt lò cần có dự án lớn sửa sang cấu trúc thích hợp để phát triển đất nước, một trong những mục tiêu cột mốc hướng về là phải hạn chế tham nhũng tới mức chấp nhận được, tức phải làm sạch chánh điện và không để “giá áo túi cơm” bò vào nơi làm việc của nguyên khí. Việc tinh giản bộ máy là bước đi đúng đắn, được sự ủng hộ của rộng rãi dân chúng, đã bắt đầu được tiến hành ở bộ phận truyền hình. Mong rằng việc tinh giản được tiến hành đều khắp ở những nơi khác.
Tham nhũng là ăn cắp tiền của dân. Đòi và ăn hối lộ là ăn cướp của dân. Dân là nạn nhân và kẻ thủ ác thuộc thành phần có quyền lực. Biết nhà chức trách có trách nhiệm trừ tham nhũng, nhưng thiển nghĩ nếu nạn nhân – dân chúng có vai trò thực sự thì công cuộc chống tham nhũng hiệu quả hơn rất nhiều. Cùng với tinh giản biên chế, nếu nạn nhân có vai trò thông qua các tổ chức dân sự đại diện cho họ và có thực quyền hoạt động, thông qua báo chí… thì hy vọng tỉ lệ tham nhũng trong nhà chức trách giảm nhiều và bền vững! Nên chăng đây là bước cần làm tiếp theo?
Đường sá kẹt tới mức tắc ở các thành phố lớn là hậu quả của nghị định 168. Trong khi có người tính toán rằng thiệt hại như thế này có thể lên tới 5-7 tỉ đô la một năm, bài viết này lại nhìn sự việc như một bài học rất có lợi nếu thực tâm muốn tiến về “kỷ nguyên mới”. Đây là bài học tổng hợp. Về lập kế hoạch kín kẽ. Về quản lý dự án sát sao. Về nhân sự: tuyển, đào tạo và dùng người có năng lực, đạo đức. Về giá trị cốt lõi: tôn trọng dân, chỉnh đốn cấu trúc sao cho sự tôn trọng dân được thể hiện bằng việc dân có thực quyền, có thể bãi miễn người có trách nhiệm, có thể thực thi quyền làm chủ xã hội trên những quyết định chiến lược…
Với những phát biểu về tầm nhìn và điểm nghẽn của quốc gia, ông Tô Lâm đang được sự đồng thuận từ nhiều người. Mong sao sắp tới việc triển khai thực những dự án cải tổ lớn làm nức lòng người dân hơn, đẩy mạnh hơn hy vọng của họ, loại bỏ khỏi hàng ngũ có trách nhiệm những kẻ “giá áo túi cơm”, mời gọi được nhiều nhân tài có lòng cùng góp sức…
Ngày 18 tháng 1 năm 2025
Trí tuệ nhân tạo là tin xấu cho Nam Bán cầu
Làn sóng công nghệ sắp tới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.
Rachel Adams, Foreign Policy, ngày 17 tháng 12 năm 2024
Tôn Thất Thông dịch
DĐKP giới thiệu: Lịch sử dường như đang lặp lại. Cách đây hơn hai thế kỷ, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo nên tăng trưởng kinh tế, còn bây giờ, trí tuệ nhân tạo (viết tắt: AI) đã thay đổi cục diện kỹ thuật số. Cả hai đều có một xung lực giống nhau: tăng năng suất lao động. Nhìn lại quá khứ, một trong những hậu quả của cách mạng công nghiệp là sự bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng giữa các quốc gia. AI có sinh ra hậu quả tương tự như thế hay không?
***
Một người đàn ông giải thích cách anh tạo ra các cảnh biểu tình cho áp phích và bài đăng trên mạng xã hội bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, được nhìn thấy tại cửa hàng của anh ở Dakar, Senegal, vào ngày 13 tháng 2 năm 2024. © Guy Peterson/AFP qua Getty Images
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cấu trúc nền kinh tế toàn cầu của chúng ta, nhưng không chắc là mọi lớp người đều được hưởng lợi từ đó. Những người ủng hộ AI ca ngợi tiềm năng của nó trong việc giải mã những thách thức toàn cầu khó khăn và thậm chí xóa đói giảm nghèo, nhưng về khía cạnh đó, thành tựu của nó xem ra rất ít ỏi. Thay vào đó, bất bình đẳng toàn cầu hiện đang gia tăng. Những quốc gia đang phát triển AI và có khả năng dễ dàng đưa những công nghệ này vào ngành công nghiệp sẽ chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng phần còn lại của thế giới, nơi phải đối mặt với những rào cản quan trọng trong việc áp dụng AI, sẽ ngày càng tụt hậu.
Trong lịch sử, việc đưa công nghệ mới vào xã hội đã mang lại sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Công nghệ thường được thiết kế để làm điều này bằng cách tăng năng suất: Ví dụ, máy khâu hoặc máy kéo cho phép sản xuất hàng dệt may hoặc thu hoạch mùa màng nhanh hơn. Kể từ đầu thế kỷ, công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một lực lượng kinh tế đặc biệt mạnh mẽ. Tại Hoa Kỳ, theo một nghiên cứu năm 2021, đóng góp của internet vào GDP của quốc gia này đã tăng 22 phần trăm mỗi năm kể từ năm 2016. Nền kinh tế kỹ thuật số của Hoa Kỳ hiện có giá trị hơn 4 nghìn tỷ đô la.
AI là một động lực mới và mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2017, PwC đã cố gắng định giá giá trị mà AI sẽ mang lại cho nền kinh tế quốc gia và GDP toàn cầu. Trong một báo cáo có tính bước ngoặt có tên Sizing the Prize, công ty tư vấn này khoe rằng đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc, Bắc Mỹ và Châu Âu sẽ giành được 84 phần trăm thành quả này. Phần còn lại nằm rải rác trên khắp thế giới, với 3 phần trăm dự đoán cho Châu Mỹ Latinh, 6 phần trăm cho Châu Á phát triển và 8 phần trăm cho toàn bộ khối “Châu Phi, Châu Đại Dương và các thị trường Châu Á khác”, như PwC gọi.
Sau sự ra đời của các công nghệ AI tạo sinh như loạt GPT của OpenAI, McKinsey ước tính rằng thế hệ AI mới này sẽ tăng năng suất của AI trên khắp các ngành công nghiệp từ 15 đến 40 phần trăm, có khả năng tăng thêm 4,4 nghìn tỷ đô la một năm cho nền kinh tế toàn cầu. Đây được coi là những ước tính thận trọng. Khả năng của bộ mô hình ngôn ngữ lớn mới, trong đó ChatGPT là một phần, đặc biệt quan trọng vì khả năng nâng cao năng suất, đặc biệt là trên các nền kinh tế có nền tảng trí tuệ, nơi các tác vụ dựa trên ngôn ngữ tạo thành cơ sở cho đầu ra hiệu quả cao.
Báo cáo của McKinsey cũng bao gồm sự phân tích các ngành và chức năng sản xuất được thiết lập để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, đặc biệt là các ngành công nghệ cao (công nghệ, thám hiểm không gian, quốc phòng), ngân hàng và bán lẻ. Ngược lại, ngành có khả năng tăng trưởng ít nhất là nông nghiệp, vốn dĩ là lĩnh vực quan trọng nhất của Châu Phi và là nguồn sống và việc làm chính trên lục địa này.
Hiện tại, các tính toán của McKinsey đã ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI tạo sinh, khi thông tin về những cách thức mà công nghệ AI có thể cải thiện sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh đang phát triển còn hạn chế. Ngày nay, ngày càng có nhiều trường hợp sử dụng chứng minh giá trị của AI trong các ngành công nghiệp nông nghiệp của Châu Phi. Tại Tanzania, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Sokoine đang sử dụng các công nghệ AI tạo sinh để tạo ra một ứng dụng cho nông dân địa phương sử dụng để nhận lời khuyên về bệnh cây trồng, năng suất và thị trường địa phương để bán sản phẩm của họ. Tại Ghana, các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm AI có trách nhiệm đang thiết kế các công nghệ AI để phát hiện thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, những trường hợp như thế này vẫn còn hạn chế về quy mô và tác động. Ở giai đoạn này, vẫn chưa rõ liệu AI có mang tính chuyển đổi trong bối cảnh Châu Phi như lời hứa của nó hay không.
Việc áp dụng AI ở các khu vực đang phát triển cũng bị hạn chế bởi thiết kế của nó. AI được thiết kế tại Thung lũng Silicon trên dữ liệu chủ yếu bằng tiếng Anh thường không phù hợp với mục đích sử dụng bên ngoài bối cảnh phương Tây giàu có. Việc sử dụng AI hiệu quả đòi hỏi phải có quyền truy cập internet ổn định hoặc công nghệ điện thoại thông minh; ở Châu Phi cận Sahara, chỉ có 25 phần trăm người dân có quyền truy cập internet đáng tin cậy và ước tính phụ nữ Châu Phi có khả năng sử dụng internet di động ít hơn 32 phần trăm so với nam giới.
Các công nghệ AI tạo sinh cũng chủ yếu được phát triển bằng tiếng Anh, nghĩa là các kết quả đầu ra mà chúng tạo ra cho người dùng và bối cảnh không phải phương Tây thường vô dụng, không chính xác và thiên vị . Những người đổi mới ở Nam Bán cầu phải nỗ lực ít nhất gấp đôi để khiến các ứng dụng AI của họ hoạt động trong bối cảnh địa phương, thường bằng cách đào tạo lại các mô hình trên các tập dữ liệu địa phương và thông qua các hoạt động thử nghiệm và sai sót rộng rãi.
Trong khi AI được thiết kế để tạo ra lợi nhuận và giải trí chỉ dành cho những người đã được hưởng đặc quyền, nó sẽ không hiệu quả trong việc giải quyết các điều kiện nghèo đói và thay đổi cuộc sống của các nhóm bị gạt ra ngoài lề thị trường tiêu dùng của AI. Nếu không có mức độ bão hòa cao trong các ngành công nghiệp lớn và không có cơ sở hạ tầng tại chỗ để cho phép mọi người tiếp cận có ý nghĩa với AI, các quốc gia Nam Bán cầu khó có thể thấy được những lợi ích kinh tế lớn từ công nghệ này.
Khi AI được áp dụng trên khắp các ngành công nghiệp, lao động của con người đang thay đổi. Đối với các quốc gia nghèo hơn, điều này đang tạo ra một cuộc chạy đua mới xuống đáy, nơi máy móc rẻ hơn con người và lao động giá rẻ từng được chuyển đến vùng đất của họ giờ đây đang được đưa trở lại các quốc gia giàu có. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người có trình độ học vấn thấp hơn và ít kỹ năng hơn, những người đang có công việc vốn dĩ có thể dễ dàng được tự động hóa. Tóm lại, phần lớn dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể bị ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người và đe dọa đến khả năng thịnh vượng của các quốc gia nghèo hơn.
Công nghệ AI tạo sinh đe dọa tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong bối cảnh đang phát triển. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng có tới 5 phần trăm công việc có nguy cơ bị tự động hóa hoàn toàn từ AI tạo sinh ở Mỹ Latinh và Caribe và phụ nữ có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất. Ở những quốc gia mà việc tạo ra việc làm và nền kinh tế chính thức là ưu tiên phát triển chính, AI sẽ đẩy hàng triệu người vào công việc tạm thời, việc làm theo hợp đồng hoặc việc làm theo giờ không an toàn.
Trên thực tế, nền kinh tế việc làm tự do đang tăng nhanh chóng. Hiện tại, nghiên cứu ước tính thị phần toàn cầu của nền kinh tế việc làm không hợp là 500 tỷ, nhưng sẽ tăng lên gần 2 nghìn tỷ vào năm 2032. Hàng triệu người làm việc tự do (ước tính khoảng 30 đến 40 triệu) đến từ khắp các nước Nam Bán cầu. Người lao động trong nền kinh tế hạ tầng, chẳng hạn như tài xế giao hàng, thường phải cân bằng nhiều công việc để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống và chắc chắn là không đủ để thoát khỏi cuộc sống nghèo đói. Trên toàn cầu, người lao động nền tảng và việc làm tự do có quyền lao động hạn chế, với Chỉ số toàn cầu về AI có trách nhiệm cho thấy chỉ có bảy quốc gia trên toàn cầu có luật pháp có thể thực thi để bảo vệ những người lao động này.
Trong khi AI tạo ra sự bất ổn cho người nghèo, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển giao thu nhập lớn nhất cho những nhóm đứng đầu của xã hội. Trên toàn cầu, hai phần ba tổng số của cải được tạo ra trong giai đoạn 2020-2022 được tích lũy bởi 1% người giàu nhất, theo ước tính của Oxfam. Và những người giàu nhất trong số họ là tầng lớp tỷ phú công nghệ mới, được trang bị quyền lực, tiền bạc và ảnh hưởng để tạo ra thế giới mà họ muốn thấy. Các công ty công nghệ là thuộc các công ty lớn nhất thế giới. Apple, được xếp hạng trong số năm công ty lớn nhất toàn cầu, có vốn hóa thị trường vượt xa tổng GDP kết hợp của lục địa Châu Phi.
Sự giàu có của các công ty công nghệ không chỉ vẽ nên bức tranh về sự bất bình đẳng rõ rệt trong cốt lõi của AI; nó còn tạo ra rào cản cho các tác nhân khác trong việc sản xuất công nghệ AI. Gần đây, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã bắt đầu một chiến dịch huy động 7 nghìn tỷ đô la để thúc đẩy tương lai có AI làm nền tảng. Đây là loại tiền cần thiết để thiết lập loại cơ sở hạ tầng siêu máy tính cần thiết để tạo ra các mô hình AI tiên tiến. Đây không phải là môn thể thao mà mọi người đều có thể đủ khả năng chi trả.
Tính toán, yếu tố thiết yếu để tạo ra các công nghệ và ứng dụng AI, là một trong những nguồn tài nguyên đắt đỏ nhất thế giới. Có một sự phân chia lớn trên toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên tính toán. Tổng thể, Nam Bán cầu là nơi có hơn 1 phần trăm máy tính hàng đầu thế giới và Châu Phi chỉ có 0,04 phần trăm. Hiện tại, với loại năng lực tính toán có sẵn ở Châu Phi hoặc Nam Mỹ, sẽ mất hàng trăm năm để bắt kịp với những tiến bộ đã đạt được với AI tạo ra ở phương Tây và phương Đông phát triển.
Chi phí để các quốc gia nghèo hơn bắt kịp trong cuộc đua AI là quá lớn. Chi tiêu công có thể bị chuyển hướng khỏi các dịch vụ quan trọng như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Trong khi các chính phủ Nam Bán cầu nên điều chỉnh theo cuộc cách mạng AI, những người ra quyết định nên đánh giá chặt chẽ những tác động mà AI đang gây ra cho nền kinh tế của họ.
./.
Rachel Adams là Giám đốc điều hành của Trung tâm Toàn cầu về Quản trị AI và là tác giả của cuốn Đế chế AI mới: Tương lai của bất bình đẳng toàn cầu.
./.
***
Lời bàn của người dịch: Vào cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp đã dấy lên một niềm hưng phấn trong xã hội châu Âu. Quả thật, nhờ cuộc cách mạng công nghiệp mà phồn vinh loài người được nâng cao và dường như không có tiếng nói nghi ngờ nào trong các giới học giả thuở đó. Mãi một thế kỷ sau, bất bình đẳng gay gắt mới bộc lộ làm phân hóa xã hội, nhất là từ lúc Karl Marx phân tích một cách có hệ thống mặt trái của chủ nghĩa tư bản.
Dù học thuyết Karl Marx đã thất bại sau gần một thế kỷ thử nghiệm, nhưng những phân tích và phê phán sâu sắc của ông đã thôi thúc các môn đồ của chủ nghĩa tư bản phải tìm cách thay đổi, bổ sung đường lối kinh tế để cứu vãn nó sau cuộc Đại Khủng Hoảng vào thập niên 1930, dẫn đến 30 năm vàng son của chủ nghĩa tư bản có sự kết hợp với chế độ xã hội hào phóng kể từ thập niên 1950. Tiếc thay, thời kỳ vàng son ấy kéo dài không hơn nửa thế kỷ.
Ngày nay, nếu so sánh với cuộc cách mạng công nghiệp ở cuối thế kỷ 18, thì mức độ phát triển của trí tuệ nhân tạo nhanh gấp bội và tác động lên các lĩnh vực khác cũng rộng lớn gấp bội. Sự bất bình đẳng đã dần dần bộc lộ. Trong nội bộ quốc gia, đó là sự bất bình đẳng giữa những người có cơ hội triển khai hoặc ứng dụng AI với số đông còn lại. Trên bình diện quốc tế, sự bất bình đẳng cũng bộc lộ ngày càng sâu sắc giữa các nước giàu và nghèo. Liệu trong thời gian tới có xuất hiện một bộ óc siêu việt thuộc tầm cỡ Karl Marx, có đủ năng lựợng tác động lên ngành AI và chính sách các quốc gia, để xây dựng ngành này thành một ngành công nghệ mang lại lợi ích nhiều hơn là tai hại? Hy vọng là thế!
Nguồn: https://diendankhaiphong.org/tri-tue-nhan-tao-la-tin-xau-cho-nam-ban-cau/
Văn minh và thực tiễn cuộc sống
Thái Hạo
1.
Có lẽ chưa ai quên được vụ “ra quân dẹp vỉa hè” gắn với tên tuổi của ông Đoàn Ngọc Hải. Tất nhiên, nhiều người ủng hộ, lý do thì nhiều và cũng thuyết phục thôi. Nhưng cuối cùng ông Hải cùng chiến dịch ấy đã thất bại. Thất bại có phải vì kém năng lực “dẹp loạn”? Chưa hẳn.
Việt Nam có một “nền kinh tế vỉa hè” sôi động. Vì sao sinh ra cái “nền kinh tế” ấy? Nếu trẻ em đi học được miễn phí, người già được bảo trợ, ốm đau có bảo hiểm lo, thất nghiệp có trợ cấp để đảm bảo an toàn cho cuộc sống, thì thử hỏi có ai lao ra ngoài để kiếm ăn chật đường như thế nữa không? Việt Nam chưa đáp ứng được những điều kiện căn cơ ấy, cuộc sống của cả một gia đình đôi khi phụ thuộc cả vào gánh xôi hay chiếc xe máy cà tàng của một người. Họ mà nghỉ làm một ngày thì con đói, trẻ thất học, ốm đau không có tiền lấy thuốc, điện cắt, nước cắt… Phải lao ra đường thôi. Đói, đầu gối phải bò. Dẹp làm sao được khi chưa đảm bảo cho người dân những điều kiện an sinh cần thiết. Logic ở đây là chỉ cần làm tốt các chính sách phúc lợi xã hội thì muốn ra đường tìm mua một bát hũ tiếu gõ ăn cho đỡ nhớ “ngày xưa” thôi cũng khó, không cần dẹp, tự nó sẽ biến mất.
2.
Một ví dụ khác là những chiếc công nông ở nông thôn và miền núi. Khi thuê họ chở cho một xe đá, lùi lên cái dốc cỡ hơn 30 độ, nhẹ tênh. Cũng chở chừng ấy, nhưng với một chiếc xe ô tô “đời mời” cùng tải trọng thì chỉ còn biết đứng một chỗ mà quay bánh và xịt khói đen, không tài nào lên được. Nông thôn, với đặc thù đường đê, đường đồng, địa hình phức tạp, chở đất đá, phân bón, sản phẩm nông nghiệp, thì những chiếc xe thô sơ như thế là một lựa chọn “ưu việt”. Ở các vùng nông thôn hay Tây Nguyên với địa hình nhiều đồi núi, ruộng rẫy rộng lớn, đường chủ yếu là đường đất, thì những loại xe như công nông, máy kéo, xe tự chế…, là một loại công cụ hữu ích giúp đỡ rất lớn cho sản xuất và phát triển kinh tế. Mà dân giàu thì nước mới mạnh. Cùng một tải trọng, nếu phải bỏ những loại xe ấy và thay bằng ô tô tải thì vừa quá túi tiền của người dân, vừa không có năng suất. Vì vậy, thay vì cấm đoán tuyệt đối, nên quy định địa bàn và loại đường cho những xe ấy hoạt động, để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, giúp dân thoát nghèo.
Ở các nước tiên tiến, đường sá tốt, sản xuất nông nghiệp đã được chuyên môn hóa và công nghiệp hóa, phương tiện vừa rẻ vừa chất lượng, vì thế nếu cấm các loại xe như trên thì cũng không ảnh hưởng gì, thậm chí không cần cấm thì người dân cũng tự bỏ.
3.
Quay lại với Nghị định 168 – quy định về xử phạt vi phạm giao thông. Hạ tầng ở Việt Nam còn quá nhiều vấn đề, từ hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, chất lượng đường sá, phân bố dân cư… Đấy là chưa nói đến một thực tế rộng lớn hơn gắn với mục 1 ở trên: người dân đang phải mưu sinh bằng muôn phương nghìn kế, ai cũng phải đổ ra đường, ráo mồ hôi là hết tiền. Trong khi đó, như chúng ta đều biết, thu nhập của người dân đang ở mức thấp, điều ấy làm cho cuộc mưu sinh càng thêm khốc liệt, khiến tình trạng giao thông nhiều nơi nhiều lúc như chiến trường.
Vậy thì phải giải quyết những vấn đề nền tảng như trên: phân bố lại dân cư, quy hoạch lại đường sá, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về hạ tầng, chăm lo phát triển kinh tế… Đó là những công việc phải làm trước và làm đồng bộ.
Để nâng cao ý thức đi đường, giảm thiểu tai nạn, thì xử phạt (thật nặng!) là một biện pháp hữu hiệu, nhưng chưa phải là biện pháp bền vững nếu không đáp ứng được các đòi hỏi khác như đã nêu. Với thu nhập, mức sống, sự gian nan trong kiếm ăn như hiện nay của người dân, nhưng với thực trạng hạ tầng giao thông như đang tồn tại, thì mức phạt cũng phải hợp lý. Một lỗi đèn đỏ mà phạt tới 20 triệu đồng thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Bằng quan sát trong những ngày qua và suy luận, ta có thể hình dung được phần nào, như gây ùn tắc giao thông, tạo ra và duy trì vòng xoay nghèo đói, tích tụ sự bất mãn… Đã xuất hiện nhiều hình ảnh các tài xế cắt/đốt bằng lái, đã xuất hiện nhiều tiếng khóc nức nở trên vỉa hè, đã xuất hiện nhiều cảnh đánh nhau giữa người dân với csgt, đã xuất hiện cảnh không nhường đường cho xe cứu thương trước đèn đỏ… Khâu vận chuyển hàng hóa – vốn là huyết mạch của nền kinh tế – có thể bị ảnh hưởng lớn khi mức phạt quá cao đã gây căng thẳng cho người làm nghề vận tải, khiến ùn ứ, ngưng trệ, đội chi phí…
4.
Nếp sống văn minh là mục tiêu chắc chắn phải hướng đến và cần không ngừng được xây dựng, nhưng không thể duy ý chí. Phải luôn tìm được “điểm cân bằng” giữa chính sách và thực tiễn, để các chính sách ấy vừa dìu nền kinh tế đi lên, vừa giáo dục được mọi người về nếp sống văn minh. Chính sách đi quá chậm sẽ gây nên tình trạng hoang dã, nhưng chính sách đi quá nhanh (hoặc sai lầm) sẽ xa rời thực tế, không những không giúp được xã hội phát triển mà còn để lại nhiều hậu quả lâu dài.
Ai đi học trong nhà trường chắc cũng còn nhớ điều mà các nhà lý luận của chủ nghĩa Marx đã nói: “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Đã đồng ý với điều ấy thì rõ ràng cần “tôn trọng tồn tại xã hội”, ra sức xây dựng một “tồn tại xã hội” tốt đẹp, để từ đó ý thức xã hội có mảnh đất màu mỡ để mọc lên và được nuôi dưỡng bền vững. Sự tác động trở lại của “ý thức xã hội” (ví dụ như luật pháp) đối với tồn tại cũng phải dựa trên thực tiễn đa chiều, phong phú, thì mới tạo nên tính tích cực và bền vững được, bằng không sẽ gây nên tác dụng phụ nguy hiểm.
T. H
“Văn hóa hiếp dâm”: Mỹ học của bạo lực và đạo hạnh của sự báo thù
Nguyễn Hoàng Văn
“Đó là sự thật, đó là sự thật”, tiếng kêu gào trong vụ “nhà thơ hiếp nhà thơ” ở Việt Nam, cơ hồ, cũng là tên của vở kịch It’s True, It’s True, It’s True tại Anh, là tiếng thét gào đau đớn của Artemisia Gentileschi trước tòa, trong vụ “họa sĩ hiếp họa sĩ” tại Ý vào thế kỷ 17. [1]
Hai vụ, trên hai vùng đất và ở hai thời kỳ hoàn toàn khác nhau, cách xa hơn bốn thế kỷ, nhưng rất gần nhau ở thế cách xã hội đối xử với những nạn nhân mà, nói gọn, là “văn hóa hiếp dâm”: sau khi bị hãm hiếp về thể chất như một phụ nữ, nạn nhân còn tiếp tục bị hãm hiếp về mặt tinh thần như một công dân hay một thành viên của cộng đồng.
Gentileschi đã bị Agostino Tassi – một họa sĩ bề trên, bạn của bố và là thầy dạy vẽ của mình – hãm hiếp năm 17 tuổi mà không làm gì được bởi “văn hóa hiếp dâm” và sự bao che chính trị nên, do đó, chỉ có thể trút hết căm hờn vào cây cọ để, giữa cái thời mà nữ giới bị cấm học hội hoạ, đã vươn lên thành một tên tuổi lớn vượt khỏi biên giới của nước Ý, rồi vượt qua thời gian để ngày nay được nhìn nhận như là nữ họa sĩ hàng đầu của thời kỳ Phục Hưng. [2]
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Gentileschi là “Judith chém đầu Holofernes”, thực hiện đến hai lần, dựa vào câu chuyện trong Cựu Ước. Nếu bộ kinh này, trên phương diện sử học, là “đại tự sự” đã giúp các bộ lạc Do Thái thống hợp thành Vương quốc Israel thì, khi tái tạo câu chuyện với ý đồ giải quyết ân oán thù bằng nghệ thuật, phải chăng Gentileschi đã mở đường cho “tự sự” của những nạn nhân bị hãm hiếp, với một mỹ học của bạo lực và đạo hạnh cho sự báo thù? [3]
Holofernes là viên tướng cầm đầu đoàn quân Assyria đang chuẩn bị làm cỏ thành Bethulia, quê hương của Judith, và góa phụ này đã trở thành một anh hùng khi vận dụng sắc đẹp và trí thông minh để cùng người hầu gái vào tận bản doanh kẻ thù cắt cổ kẻ thù. Sự tích này được nhiều họa sĩ Phục Hưng khai thác nhưng, trong khi toàn bộ những họa sĩ khác, đều là nam giới, kể lại câu chuyện bằng thì quá khứ với cái đầu của Holofernes đứt lìa khỏi cổ thì “ngữ pháp” trong tranh của Gentileschi lại là “hiện tại tiếp diễn”. Lúc này thì cái cổ của kẻ thù chỉ mới bị cắt có phân nửa và, trong bức thứ hai, máu đã phụt lên giữa lúc hai mắt trợn trừng, nghĩa là chưa chết.
Oán hờn từ vụ hãm hiếp đã được ký thác vào tác phẩm với nhân vật Holofernes mang khuôn mặt của kẻ hãm hiếp Agostino trong khi Judith lại giống hệt Gentileschi, thêm vào cái vòng đeo tay chạm hình nữ thần Artemis, gợi nhắc cái tên Artemisia Gentileschi. Sự dữ dội của cuộc báo thù còn bộc lộ trong sự tương phản ở khuôn mặt đau đớn và thất thần của Holofernes bên cái nhìn bình thản đến lạnh lùng pha lẫn sự khinh bỉ, nhờm tởm của Judith, lại còn chưng diện như dự vũ hội.
Trong khi bố cục hình thể hướng đến sự đau đớn của kẻ thù thì cách phối màu tô đậm sự bạo liệt và kịch tính. Chân Holofernes bên trái, cánh tay của người hầu gái và cánh tay của Holofernes ở giữa, hai cánh tay của Judith bên phải, làm thành sáu đường thẳng hướng về khuôn mặt đau đớn của Holofernes. Và tấm chăn đỏ sẫm, tay áo đỏ của người hầu gái, cùng viên đỏ trên tay áo Judith, tất cả tạo thành một vòng cung bao trùm trên những dòng máu phun lên theo hình vòng cung mà, nói theo Lê Anh Xuân, là “phun theo lửa đạn cầu vồng”.
Trong khi đó thì thanh gươm hóa kiếp Holofernes, trong tay Judith, được chĩa thẳng xuống như một cây Thánh Giá, biểu tượng của sự cứu chuộc và đạo hạnh. Nếu Thánh Giá luôn đi đôi với Kinh Thánh thì, ở đây, có ai mà không biết đến công lý của sự báo thù: “Give life for life, eye for eye, tooth for tooth, hand for hand, foot for foot.”? [4] Nếu tác phẩm của thế kỷ 17 này thể hiện một “mỹ học của báo lực” và “đạo hạnh của sự báo thù” với tội phạm hiếp dâm thì, nhiều thế kỷ sau, chúng ta lại chứng kiến sự hình thành của nó như một thể loại riêng, trong văn học và đặc biệt là điện ảnh.
Đầu tiên là Tess of the D’Urbervilles của Thomas Hardy, tác phẩm kinh điển của văn học hiện thực Anh, xuất bản lần đầu năm 1891, phơi bày khúc chiết những bất công xã hội. [5] Tess Durbeyfield, một thôn nữ xinh đẹp, bị kết án treo cổ bởi đã giết chết Alec, một tên nhà giàu hãnh tiến và phóng đãng, đã hãm hiếp cô năm 16 tuổi rồi sử dụng quyền lực kinh tế để thao túng cô như một nô lệ tình dục. Sau nhiều biến chuyển éo le của cuộc đời, Tess đã dùng dao kết liễu kẻ đã làm tan nát đời mình nên bị thiết chế chính trị đáp trả bằng sợi dây thừng treo cổ.
Câu chuyện thảm khốc với “đạo hạnh của sự báo thù” này, dẫu “có hậu” trong cái nhìn của nhà cai trị, vẫn bị xã hội Anh phản ứng dữ dội, chưa thể chấp nhận nổi. Nhưng thế kỷ 20 thì khác và, đặc biệt, sau hai cuộc cách mạng – tình dục của thập niên 60 và nữ quyền của thập niên 70 – là sự bùng nổ của thể loại “trả thù hiếp dâm” trong điện ảnh mà, trong đó, gây tranh cãi nhất, có lẽ là I Spit on Your Grave, của đạo diễn Meir Zarchi, ra mắt năm 1978.
Jennifer Hills, một nhà văn, bị hãm hiếp tập thể và đã lần lượt trả thù, cực kỳ tàn khốc. Kẻ đầu tiên bị cô mồi chài, vờ vịt cho hắn làm tình rồi thừa cơ treo cổ. Tên thứ hai cũng bị dụ bằng bẫy tình: cô thủ dâm cho hắn và, đợi đến cao trào, khi hắn lim dim mơ màng chực lên mây, đã bị con dao bén đưa về thực tại, cơ quan sinh dục bị tùng xẻo đến nát bấy. Hai tên còn lại thì bị rửa hờn thù y như những phim hành động khác, đầy kịch tính trong bối cảnh sông nước. Phim này, do đó, gây nên nhiều tranh cãi và năm 2010, bị tạp chí The Time liệt vào danh sách “10 phim bạo lực lố bịch nhất” (Top 10 Ridiculously Violent Movies).
Như thế, xét về mặt “mỹ học của bạo lực”, bộ phim có thể non kém nhưng trên khía cạnh “đạo hạnh của sự báo thù” nó phải thành công nên mới có thể sống dai, được nối dài với tập II vào năm 2013, tập III vào năm 2015 rồi, bốn năm sau, 2019, là I Spit on Your Grave: Déjà vu một phiên bản kế tục nguyên bản. Nếu “mỹ học của bạo lực” thuộc về tài năng của đạo diễn và diễn viên thì “đạo hạnh của sự báo thù” thuộc về sự chấp nhận của công chúng và đó là điều mà chúng ta có thể nhìn thấy ở hàng loạt tác phẩm, hạng A hay hạng B, trong hay ngoài Hollywood, với một đề tài. [6]
Nguyên thủy, I Spit on Your Grave mang tên Day of the woman và đây, có lẽ, cũng nên là tên của “Judith chém đầu Holofernes” bởi, chính trong tác phẩm thực hiện vào thế kỷ 17 này, chúng ta có thể nhìn ra những tín hiệu của chủ nghĩa nữ quyền.
Đó là vai trò của người hầu gái, rất khác với những nam họa sĩ ở cùng một đề tài. Thường thì người hầu gái vắng mặt và, nếu có, chỉ đóng vai rất phụ, bất quá chỉ là bê cái khay đặt thủ cấp Holofernes thế thôi. Nhưng với Gentileschi thì cô ta đã xắn tay áo hành động, ghì chặt, không cho kẻ thù vùng vẫy để Judith tóm tóc đè đầu mà cứa cổ.
Văn khố được bảo toàn trọn vẹn từ thế kỷ 17 cho thấy rằng khi bị hiếp Gentileschi đã cố sức kháng cự, dùng cả dao để chống lại nhưng thua cuộc; rằng Gentileschi đã kêu cứu nhưng cô hầu gái vắng mặt mà, theo suy đoán, có thể đã bị Agostino mua chuộc. Vóc dáng võ biền của Holofernes lại hoàn toàn lấn át cho dù hai nhân vật nữ không hề nhỏ con và, phải chăng, thông điệp muốn phát ra, là sự bất cân xứng về thể chất giữa nữ giới và nam giới nên, do đó, muốn chiến thắng, nữ giới phải hợp lực, dứt khoát, và quyết đoán?
Nếu thế thì đây, nhất định, là sự khởi đầu của chủ nghĩa nữ quyền. Tác phẩm được thực hiện để trút bỏ sự căm hận của Gentileschi mà đỉnh cao là hơn bảy tháng xét xử đầy đau đớn, thể chất lẫn tinh thần. Theo pháp luật thời đó, Gentileschi đã bị nhục hình bằng sibille, công cụ siết ngón tay bằng nẹp gỗ và dây thừng, từng lời chất vấn của tòa “Đó có phải là sự thật?” là từng cú siết để nạn nhân bật lên tiếng gào đau đón mà năm thế kỷ sau trở thành tên của vở kịch, It’s True, It’s True, It’s True. [7]
Trong khi đó thì Agostino không ra tòa như một nghi can hình sự bởi thời đó, ở Ý, hành vi này chưa bị xem là tội phạm và, nếu chấp nhận lấy nạn nhân làm vợ như đã hứa, sự việc sẽ ổn thỏa. Nhưng y đã nuốt lời, và y bị kiện ra tòa như một chuyện tranh chấp dân sự bởi làm ô uế danh tiếng gia đình Gentileschi, đã phá đời cô, khiến cô không thể lập gia đình. Trong khi Agostino rung đùi ở tòa như một bị đơn dân sự, nguyên đơn Gentileschi lại bị đối xử như là tội phạm hình sự khi bị nhục hình để bảo đảm rằng chỉ khai ra sự thật. Thậm chí, cả khi bị thua kiện, Agostino cũng chẳng hề hấn gì ngoài việc phải lánh mặt thành Rome một thời gian bởi được Giáo hoàng Innocent X che chở. [8]
Nếu đó là “văn hóa hiếp dâm” của xã hội Ý vào thế kỷ 17 thì, bây giờ, qua vụ “nhà thơ hiếp nhà thơ”, và qua cách ứng xử của Hội Nhà văn, xã hội chúng ta đã khá lên được bao nhiêu? Nhưng vấn đề không nên đóng khung trong câu chuyện này mà cần nhìn xa hơn như là “văn hóa hiếp dâm”.
Bắt đầu với một chuyện cười khá phổ biến về nữ nguyên đơn trong vụ án hãm hiếp nhưng trở thành trò cười trước tòa. Bị chất vấn rằng cô thấp thế mà bị đơn cao thế, làm sao hắn có thể hiếp cô bằng cách ép vào tường, cô giải thích là lúc đó có cô… nhón chân lên. Khi nghĩ ra, khi phổ biến hay, thậm chí, khi cười hô hố trước một một câu chuyện như thế, chúng ta vừa xúc phạm đến những nạn nhân thực sự, vừa xúc phạm đến nữ giới nói chung. Và khi chúng ta xem đó là bình thường, là chuyện vui thôi thì, nói theo thuật ngữ nữ quyền, chúng ta vẫn là tiếp tục bị kềm tỏa trong bóng tối của Phallocracy, nền “độc tài dương vật trị”.
Trong câu chuyện trên, cứ cho là thật, thì tên hiếp dâm đã hoàn toàn trắng tội bởi đã đánh thức bản năng nữ giới của nạn nhân. Nhưng rõ ràng là anh ta đã xâm phạm thân thể cô nên, trên phương diện pháp lý, đó là một tội phạm hình sự phải truy tố đến cùng, bất kể là nạn nhân muốn rút lui, bãi nại. Và nạn nhân, cho dù bản năng có bị đánh thức, đó đâu phải là tội lỗi? Mà dầu là tội, nó đâu thể nào cứu chuộc thủ phạm? Trong cái nhìn nữ quyền thì đây là sự mơ hồ về ranh giới giữa tội phạm và nạn nhân trong vấn đề hiếp dâm, vấn đề mà nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã phân tích khá tường tận trong tiểu luận “Chuyện hiếp dâm và vấn đề phái tính trong văn học Việt Nam”. [9]
Bắt đầu từ ca dao, với cảnh hiếp dâm:
Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em van mà nó chẳng tha
Nó đem nó đút đầu thằng cha nó vào
Nguyễn Hưng Quốc phân tích:
“Cô gái tức tối nhưng rõ ràng là cô không thù hận cái gã đàn ông đã hiếp dâm cô. Cô gọi nó là ‘thằng phải gió’; mà ‘phải gió’, theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên xuất bản tại Hà Nội năm 1992, là ‘tiếng dùng để rủa nhẹ nhàng’ còn theo Từ điển Tiếng Việt của Văn Tân, bản in năm 1994, thì việc rủa nhẹ nhàng ấy có khi chỉ ngụ ý đùa chơi mà thôi. Chửi kẻ đã hiếp dâm mình là ‘thằng phải gió’, do đó, là một cách… tha bổng nó. Chính vì ai cũng nhận ra điều đó cho nên ai cũng xem bài ca dao ấy là một bài ca dao hài hước. Có cái gì như nghịch lý: đọc một bài ca dao kể về chuyện hiếp dâm, tức một tội ác hay một bi kịch mà không ai phẫn nộ hay xót xa gì cả. Người ta chỉ cười. Cười hả hê.
Tiếng cười ấy không những làm trắng án kẻ hiếp dâm mà còn, oái oăm thay, đảo ngược hẳn công việc luận tội: kẻ bị chê trách không phải là tội phạm mà chính là nạn nhân. Dường như tất cả những thương tổn mà cô gái phải chịu đựng về phương diện tình cảm cũng như xã hội đều nhất loạt bị mọi người xem như không có chỉ vì một lý do duy nhất là xác thịt của cô không kềm chế được những xúc động trước sự đụng chạm dù một cách thô bạo của người khác phái. Dường như, dưới mắt người đời, những sự xúc động ấy còn đáng chê cười hơn cả việc làm tồi bại của gã đàn ông dâm đãng.”
Tác giả dẫn ra nhiều thí dụ khác, như Nam Cao đã xóa tội cho Chí Phèo bởi hắn đã khêu dậy những khoái lạc xác thịt cho Thị Nở; như Vũ Trọng Phụng, trong Giông tố, xem cảnh Nghị Hách hiếp dâm Thị Mịch như thể là một cảnh thông dâm và, do đó, đã “làm mờ tính cách nạn nhân” người bị hãm hiếp:
“Mịch chợt nhớ đến lúc từ con gái mà trở nên đàn bà, trên chiếc xe hơi. Cái lúc ấy thật là gớm ghiếc, thật là bẩn thỉu, thật là đau đớn, nhưng trong cơn đau đớn không phải là không có một thứ khoái lạc trong xác thịt nó làm cho đỡ thấy đau.”
Những nạn nhân bị hãm hiếp như thế, chỉ được khai thác với ý nghĩa xã hội nhằm đả kích kẻ thống trị nên, ngoài bản năng ra, họ chỉ bị xem xét như một thành phần giai cấp hay một công dân chứ không phải là một con người và, đặc biệt, là một phụ nữ.
Nếu đó những nhân vật trong trang viết hay lời truyền khẩu của dân gian thì, bước ra đời sống, chúng ta gặp ngay những nhân vật bị “từ khước tư cách nạn nhân” như thế, ngay trong câu chuyện mới nhất về “nhà thơ hiếp nhà thơ” qua cách ứng xử của Hội Nhà văn. Mà, trong khi Hội tỏ ra thờ ơ hay bị động đối phó thì, giữa dư luận xã hội, như có thể thấy rõ trên truyền thông, đó đây vẫn thấp thoáng những cái nhìn hay cái cười khinh miệt, ra vẻ cao đạo, kiểu “Tại anh, tại ả, hay tại cả đôi bên?”.
Nếu phản ứng đó là lề thói điển hình của những công dân thuần trị trong một nền “độc tài dương vật chế” thì cái Hội trên lại hành xử như những thư lại quan liêu của nền “dương vật trị”. Chính vì thế, sau khi bị hãm hiếp như một phụ nữ, nạn nhân đã bị Hội hiếp thêm lần nữa, trong tư thế một hội viên hay một công dân.
Điều này có vẻ như là một nghịch lý bởi, để hãm hiếp, dù là chỉ hãm hiếp về mặt tinh thần, ít nhất cũng phải có một dương vật ra dáng dương vật nhưng, xem cách họ giả mù và giả điếc để bao che, rồi rụt rè, giả câm giả điếc khi rút lại sự bao che ấy, có ai mà nghĩ được rằng những nhà quan liêu ấy có đầy đủ thứ này?
Nhưng gì chứ nghịch lý thì đất nước chúng ta rất thừa. Đại biểu tiền phong của giai cấp vô sản mà có thể hoang phí như những ông hoàng dầu lửa Ả Rập được, tại sao những nhà quan liêu thiếu dương vật không thể hiu hiu tự đắc hay cãi chày cãi cối cho cung cách dương vật trị của mình?
Chú thích & tài liệu tham khảo:
2. https://www.theguardian.com/artanddesign/2016/oct/05/artemisia-gentileshi-painter-beyond-caravaggio
Thập niên 1970, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa nữ quyền, nhiều nhà nữ quyền đã cố bác bỏ định kiến là trong lịch sử không có nữ danh họa nào và đã phát hiện Gentileschi. Từ đó trở đi, người ta mới tìm lại được các tác phẩm của cô. Và điều may mắn là biên bản tòa án được giữ hầu như nguyên vẹn, rõ đến từng lời khai. Các thư từ và biên nhận của sở thuế cũng khẳng định thêm sự thành công của Gentileschi như một họa sĩ.
3. Khi thời kỳ Baroque kết thúc, hai tác phẩm này bị cất vào kho vì nó quá sức tàn bạo, đến tận thế kỷ 20 mới được tìm ra. Hiện hai bức tranh này được trưng bày ỏ Naples và ở Florence. Xem chú thích số 2.
4. Exodus 21:23
5. Trước năm 1975, tác phẩm này đã được Nguyễn Đan Tâm dịch sang tiếng Việt là Người tình đầu tiên, người yêu cuối cùng.
6. Có thể liệt kê hàng loạt phim như: The Last House on the Left, Dogville, Irreversible, The Girl with the Dragon Tattoo, Once upon a Time… in Hollywood, The Nightingale, Misbehavior.
7. Xem chú thích số 2.
8. Xem chú thích số 2.
9. https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=276
Chút cảm xúc về “Sài Gòn bao thương”
Vũ Kim Hạnh
Tối qua từ Hà Nội về, nhớ lời hứa (lơi) với bà bạn, tôi xách xe chạy ra nhà sách Fahasa gần nhà. Wow, nhà sách thật sáng và đẹp, xứng đáng cho các cô chú “cọp con” kéo tay cha mẹ hồ hởi bước vô (buổi tối nhiều bạn nhỏ đi đọc cọp truyện tranh lắm).
Tôi thì đang vui vì chuyện mới xảy ra, đang chạy giữa đường bỗng bị một anh chàng áp sát nói vỏn vẹn mấy chữ: Quên mở đèn. Tới nơi, thêm vui khi anh bảo vệ chặn tay, đưa tấm giấy giữ xe: Cô để con dắt xe cho.
May quá, tôi cũng lựa được mấy cuốn planner 2025 và không kìm được, nhắn liền cho bà bạn già. Hên nha, hôm nay hên quá hên!
Chưa hết, đường về, đến ngã tư VTS-HBT tôi được một cháu học sinh nhắc: Bác đừng quẹo phải, bị phạt (dù tôi không định quẹo khi đèn đỏ).
Ôi, Sài Gòn của tôi. Vẫn luôn như vậy. Tôi thường nhắc những người đi trên đường và lại cũng thình lình nhận được những “hiệu lệnh” nhanh và không thể ngắn hơn.
– Bật đèn.
– Chống ngang.
– Bánh mềm.
– Xi nhan cô ơi…
Vì sao họ nhắc tôi? Có lần tôi làm mất căn cước công dân ở phi trường và được một nhân viên Air Việt Nam tận tình cầm tay chỉ làm CCCD điện tử. Khi tôi post một lời cám ơn lên phây thì có bạn chế giễu tôi: Chẳng qua họ biết mặt cô trên mạng chứ gặp người khác thì họ quăng cục lơ là cái chắc.
Tôi không tin tất cả những câu hiệu lệnh chớp nhoáng kịp thời mình nhận được là do “họ biết tôi là ai”. Hoàn toàn không, bởi tôi có thể/sắp phạm lỗi nhanh lắm…
Tôi có một ví dụ hiển nhiên. Nếu người Sai Gòn không giúp nhau vô vụ lợi, hết lòng, như phản xạ hoàn toàn tự nhiên thì làm sao có một SÀI GÒN BAO THƯƠNG như tôi và mọi người chứng kiến, trải nghiệm suốt mấy tháng Covid thảm khốc? Vâng, tôi không bao giờ quên tình cảnh một bạn công nhân từ Nghệ An vô, thuê phòng trọ ở Nhà Bè, ôm tôi khóc nghẹn kể rằng, khi biết bị dính Covid, cháu sợ bị hốt nên đóng cửa trốn dù đoán là có thể… chết đói. Tứ cố vô thân, vậy mà ngày nào cũng có cháo, xôi, mì gói treo trước cửa phòng trọ nuôi cháu sống mấy ngày nguy nan nhất. Ở chỗ khác thì cháu chết khô rồi…
Vậy mà mấy hôm nay nghe lối xóm nói một chuyện khó tin: Có qui định ai cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông sẽ được 10% tổng mức phạt. Và báo còn đăng tin có người chực săn ảnh bị đánh tới nhập viện.
Thật không? Liệu có “phát sinh” nghề săn ảnh vi phạm? Luôn chực chờ, và cầu nguyện nữa, càng nhiều người vi phạm càng tốt?
50 năm rồi, người Sài Gòn vẫn “bao thương” như lâu nay mà.
Họ dang tay, mở lòng đến bao la thành đặc điểm của người Sài Gòn là luôn quan tâm, thương nhau, nhắc nhau đừng đãng trí vi phạm, cùng xây dựng một xã hội hòa ái, hướng thiện. Chất keo cố kết họ với nhau vốn có sẵn trong nền tảng giáo dục của từng gia đình.
Tôi không tin có qui định nào thay đổi được “căn tính” đó của người Sài Gòn. Vài bạn bè tôi lo âu đức tính này sẽ gặp phản đòn mà nhạt phai. Không, tôi không tin rằng sức mạnh tự sinh tự lực bao năm của người Sài Gòn dễ bị hủy hoại. 50 năm qua đã chứng minh điều đó.
Lan man chuyện phạt giao thông
Lê Học Lãnh Vân
Chắc nhiều người thấy mức phạt giao thông quá nặng kể từ ngày 1/1/2025! Không ít mức phạt cao từ trên 100% tới vài trăm phần trăm so với lương tháng danh nghĩa của bác sĩ mới ra trường là năm triệu đồng! Thậm chí tới năm trăm phần trăm hay hơn nữa chứ!
Có người nói mức phạt nặng quá, nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của người dân thấp thì phải phạt nặng mới sửa được! Chẳng thà nặng còn hơn để một tai nạn xảy ra thì thiệt hại cho xã hội gấp ngàn lần! Lập luận này có cơ sở, chỉ xin có thêm vài câu hỏi và suy nghĩ lan man về những góc nhỏ của phận người trong sự vận hành xã hội chúng ta…
Tôi tin rằng nếu chia người lái xe theo thu nhập hàng tháng, phân khúc lớn nhất là phân khúc thu nhập thấp, trong khoảng dưới 15 triệu. Một cú phạt hai mươi triệu, ba mươi triệu, thậm chí cao hơn nữa, là quá quá lớn! Với những người này, tiền phạt một hai triệu cũng quá đủ răn đe họ rồi. Vấn đề nằm ở cách phạt mà chúng ta sẽ đề cập sau…
Mức phạt quá quá nặng như vậy khiến tài xế không yên tâm khi lái xe. Không người lái xe nào, dù cẩn thận tới đâu, không mắc lỗi nhỏ nhặt, giờ họ phải căng mắt nhìn cảnh sát giao thông, nhìn camera, nhìn biển báo (mà chưa chắc dấu hiệu vẽ, viết rõ ràng và đặt chỗ thích hợp nhất cho tài xế thấy chuẩn bị), trạng thái lo sợ và căng thẳng đó có sẽ góp phần gây tai nạn giao thông nhiều hơn?
Trước khi áp dụng mức phạt nặng, đã có chương trình hữu hiệu và rốt ráo nâng cao đạo đức và tinh thần trách nhiệm cho cảnh sát giao thông thích hợp với hoàn cảnh mới? Có chắc rằng cảnh sát giao thông của chúng ta thấm nhuần tinh thần phạt để giáo dục, hướng dẫn người dân tuân thủ luật giao thông chứ không chỉ là thu tiền người phạm luật?
Theo báo chí đăng, trong ngày đầu tiên, 13.600 trường hợp vi phạm bị xử lý, số tiền phạt ước tính 27 tỷ 978 triệu. Theo kinh nghiệm sống, người ta sẽ đặt câu hỏi: “Con số đó là bao nhiêu phần trăm số trường hợp thực bị thổi còi?”. Đó là điều người viết bài này được nghe nhiều nhất quanh bàn cà-phê sáng những ngày đầu năm dương lịch 2025, khi mức phạt mới được áp dụng vài ngày. Nếu chịu “vi hành”, các bậc chức trách cao cấp sẽ nghe, thấy bao điều không khác bài viết này nêu lên…
Nói về mặt xã hội thì nhà chức trách có trách nhiệm về tình trạng dân trí thấp. Hàng chục năm nay, các vi phạm luật giao thông như chạy ngược chiều, xe thô sơ chở thanh sắt dài sáu mét, tám mét nghinh ngang giữa phố phường góp phần nâng cao hay đẩy tinh thần tuân thủ luật giao thông xuống thấp? Hàng chục năm nay, cách xử lý các trường hợp phạm luật giao thông góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông trong dân chúng hay khiến điều ngược lại? Nếu năm ấy đoàn xe của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi vào đường cấm Hội An bị phạt đúng luật thì tinh thần chấp hành luật giao thông có được nâng lên không? Hàng chục năm nay, các hệ thống văn hóa, giáo dục đã làm gì để nâng cao dân trí nói chung và dân trí trong việc chấp hành luật giao thông nói riêng? Tình trạng ý thức chấp hành luật giao thông thấp của dân chúng có phải chỉ là trách nhiệm của người dân không? Nhìn tình trạng dân trí thấp ấy, ta nên thương hay nên phạt nặng người dân? Nếu lôi người dân ra phạt nặng như vậy thì có công bằng không khi xét về tinh thần trách nhiệm xã hội?
Giao thông chỉ là một lãnh vực của đời sống xã hội. Bên ngoài lãnh vực giao thông, trước mắt người dân, bao trường hợp tham nhũng ngàn hay chục ngàn tỉ được xử rất nhẹ hay không truy cứu trách nhiệm, bao nhiêu biệt phủ ngang nhiên mọc lên mà ai cũng đoán được xây bằng loại tiền gì! Nhân thân tốt, con cháu gia đình có công, là những tấm chắn ít nhiều hiệu quả để một số người phạm tội tránh bị phạt. Người có công trong cuộc chiến giành độc lập năm xưa, nếu biết sinh mạng, lý tưởng của mình được dùng vào trường hợp như vậy, họ nghĩ sao? Và người hiện nay nghĩ sao khi thấy sự phân biệt đối xử?
Nhớ mang máng ngày xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, đại ý: “Không sợ nghèo, chỉ sợ không công bằng”, bài viết xin nêu một số suy nghĩ mong sao mọi việc trong xã hội được vạch ra và tiến hành một cách công bình, hài hòa với nhau. Không thể không xử phạt, nhưng đừng để người thấp cổ, bé miệng, không tiền chịu thiệt thòi hơn nữa!
Xét cho cùng, luật pháp để cuộc sống an bình, người dân no ấm, xã hội văn minh và phát triển!
Ngày 2 tháng 1 năm 2025
“Quyền làm người” và “quyền làm người tốt”
Nguyễn Hoàng Văn
Giữa hai lý tưởng đấu tranh, cho “quyền làm người” và cho “quyền làm người tốt”, cái nào cao qúy hơn cái nào?
Nhân loại hãy còn dang dở với “nhân quyền” vậy mà đất nước chúng ta lại hách lên với “hảo nhân quyền” mà, thoạt nhìn, không rõ là một lý tưởng mới hay chỉ là trò miệng lưỡi do những rắc rối từ việc sử dụng “hiền tài” của Hội Nhà văn? Trong khi “tài” thì vẫn chưa chắc mà “hiền” lại gây ra bao nhiêu là phản ứng dữ dội, những tiếng kêu cứu thống thiết với những cáo buộc xác đáng và khả tín, người chịu trách nhiệm cao nhất lại gồng mình lên rằng con người, dẫu có… “phản hiền” đến đâu đi nữa, cũng phải được để yên với “quyền làm người tốt”.[1]
“Lý tưởng” này mà ra đời sớm hơn thì có lẽ văn chương Việt sẽ nghèo đi bởi làm sao Nam Cao có thể thai nghén nên Chí Phèo? Khi vung dao lao vào Bá Kiến với tiếng gầm “Ai cho tao lương thiện?”, anh Chí chẳng đã bộc lộ những uất hận dồn nén của bởi đã bị tước đoạt “quyền làm người tốt” là gì? Và nếu tác phẩm của Nam Cao, phân loại theo sách vở nhà trường, thuộc dòng văn học “hiện thực phê phán” thì, khi hách lên như vậy, nhà hoạt động “hảo nhân quyền” này có hàm ý “phê phán hiện thực” hay, ngược lại, chỉ gồng gân “bảo vệ hiện thực”, với những Chí – Bá đã cập nhật của ngày hôm nay?
Nhưng có “cập nhật” đến đâu thì những Chí – Bá cũ – mới đều chia sẻ một mẫu số chung là thú tính, như là bản năng con người. Con người chúng ta, có thể nói, là những thực thể nửa người nửa thú và vấn đề là phần người có chế ngự được phần thú hay đầu hàng vô điều kiện, để mặc cho phần thú đè bẹp phần người. Bá Kiến có làm hại anh Chí là do sự giày vò của thú tính của con người bản năng: đau đớn với ẩn ức bất lực của ông chồng già nhìn cô vợ bé trẻ tuổi mơn mởn thịt da như thể đã rụng hết răng mà thòm thèm nhìn miếng thịt bò lựt sựt, Bá Kiến càng đau hơn trước cảnh cô vợ bé phổng phao này cũng nhìn anh Chí lực điền y như là mình nhìn… vợ, cũng thòm thèm, cũng chảy nước miếng. Nhưng Bá Kiến còn là đỉnh cao quyền lực ở làng Vũ Đại. Và lão ta đã hãm hại anh Chí bằng phần phản nhân tính của con người chính trị.
Đến bậc “hiền tài” đang được bảo vệ “quyền làm người tốt”. Theo cáo buộc thì anh ta không chỉ thèm suông, chỉ chảy nước miếng suông, tức là đã đầu hàng, để phần thú chế ngự phần người nên đó, nhất định, là những cáo buộc cần phải làm sáng tỏ trên khía cạnh pháp lý lẫn đạo đức. Vậy nhưng, trong khi những nạn nhân bị tước quyền kể chuyện suốt một thời gian dài, anh ta không chỉ được bao che mà còn được cất nhắc nên, nhất định, phần “người”, của những kẻ chịu trách nhiệm, như những con người chính trị, đã bị đè cho bẹp dí, không thể ngóc lên.
Ồn ào “quyền làm người tốt” lại bùng ra đúng dịp Hội Nhà văn tổ chức hội thảo 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi (20/12/2024); một nghệ sĩ tài hoa trên đủ lĩnh vực văn, thơ, nhạc, kịch; một nhà chính trị quyền biến trong vai trò Tổng Thư ký Hội Nhà văn rồi Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật. Hiển hách như thế nhưng ngày nay, có nhắc lại, dường như hậu thế chỉ muốn nhắc đến những vần thơ nhức nhối cuối đời ở đó con người tài hoa và quyền biến này đau đớn phân trần việc mình từng là một người… không tốt:[2]
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu đừng cười
(“Gió bay”, Nguyễn Đình Thi)
Nếu một nhà thơ tìm cách giải toả ẩn ức bằng thơ thì, như một cố nông, nếu không bị dồn đẩy đến mức phải mượn tới con dao oan nghiệt, anh Chí biết giải tỏa bằng cái gì?
Để hiểu số phận của một nhà thơ, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ ngợi xa hơn về số phận của một cố nông như anh Chí. Là một lực điền hiền lành, anh, theo bài bản giáo khoa – đã bị “xã hội phong kiến tàn ác và thối nát đẩy vào con đường lưu manh hóa”. Nhưng giả dụ Bá Kiến không ác, không bất lực, không bị bà vợ trẻ trêu thèm mà lên cơn ghen, đẩy anh vào con đường tội lỗi, đời anh sẽ như thế nào? Anh sẽ sống nghèo khổ, lương thiện như một cố nông không mảnh đất cắm dùi và, đến một lúc nào đó, sẽ đổi đời, vươn lên “làm chủ vận mệnh của mình”. Nhưng đến lúc này thì, để được xem như là một “chủ nhân tốt” của xã hội, anh phải hăm hở đấu tố bất cứ ai bị xếp hạng là kẻ thù giai cấp, bất kể họ có ác, có ân oán gì với anh hay không: càng hăng say ác liệt trong các cuộc “đấu tranh giai cấp” ấy bao nhiêu, càng được xem là “tốt”, là “tích cực” bấy nhiêu.
Nhưng càng như thế bao nhiêu thì nghiệp báo của anh sẽ dày nặng bấy nhiêu, như là quân “ăn thịt người”, nói theo Donald S. Sutto, sử gia chuyên về Trung Quốc, Giáo sư Đại học Cambridge ở Anh. Quan sát cảnh người Trung Quốc đấu tố trong Cách mạng Văn hóa, nhà Trung Quốc học này nhận xét rằng, thực chất, người Trung Quốc đang “ăn thịt lẫn nhau” và đấu tố chính là một “văn hóa và nghi thức ăn thịt người”.[3]
Ở một mức độ khác hơn, Nguyễn Đình Thi cũng từng bị “ăn thịt” như thế và, để sinh tồn, rồi để ngoi lên trong cái “văn hóa” đó, con người nghệ sĩ này đã xoay trở sang vị trí của kẻ… ăn thịt. Tài hoa, khao khát cách tân và, ngay vào giữa đầu thập niên 1950 đã đi trước với thơ tự do, Nguyễn Đình Thi làm phật lòng cả Tố Hữu lẫn Xuân Diệu nên bị căng ra như một con mồi trong một cuộc đấu tố văn chương.[4] Sau những kinh nghiệm hãi hùng như thế – với thơ, với kịch, với văn – ông ta đã quay ngoắt 180 độ để từ con mồi thành kẻ săn mồi, như cuộc đấu tố về “quản lý văn chương” với nhà văn Nguyên Ngọc, hơn hai thập niên sau đó.[5]
Nếu đấu tố là nghi thức “ăn thịt” thì, nhẹ hơn, “phê bình kiểm điểm”, như một hình thức vận hành của thể chế nhằm “giúp đỡ nhau tiến bộ”, lại là nghi thức tạt nước sôi, cạo lông ở đó, nói theo của Tô Hoài, “những cái đúng và những cái sai và phương hướng sửa chữa” được lôi ra “dội lên đầu nhau”, sau những rào đón “nhưng”, “tuy nhiên”, “mặc dầu đã”, v.v.[6]
Làm thế nào để sinh tồn trong một thiết chế vận hành như thế? Thích nghi để làm kẻ ăn thịt, không áy náy, nhằm tiến thân? Ác nghiệt “dội lên đầu nhau” những “cái đúng cái sai” trong trình tự dội nước sôi và cạo lông sau những lời rào đón chiếu lệ, ít ra cũng được yên thân? Nhưng càng tiến hay yên như thế bao nhiêu thì, cuối đời, càng phải gục đầu sám hối bấy nhiêu, như một Nguyễn Đình Thi đã nhắc hay một Chế Lan Viên bốn mặt:
Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
(“Tháp Bay-on bốn mặt”, Chế Lan Viên)
Không thế thì hoặc, phải tự mình rút phép thông công, như Nguyên Hồng[7] hay chọn lấy cái chết, như Ngô Tất Tố.[8]
Chọn lựa đau đớn của Ngô Tất Tố hay như Dương Bích Liên sau này làm tôi nghĩ đến cảnh cuối trong phim Last Samurai khi Minh Trị Thiên Hoàng thắc mắc với nhân vật Nathan Algren về cái chết của Katsumoto, như là “Last Samurai”, và người Mỹ này đã bẩm tấu với nhà vua rằng anh chỉ muốn nói về cách mà Katsumoto “đã sống”.[9]
Đó là câu chuyện bi hùng về những samurai gắn bó với truyền thống võ sĩ đạo giữa lúc nước Nhật đang hăm hở canh tân và họ đã trả giá đúng theo tinh thần võ sĩ đạo, ngay giữa trận tiền, khẳng khái, không nao núng và đây, phải chăng, là một trong những cái khác giữa người Nhật và người Trung Hoa?
Dễ dàng lẩn trốn và sinh tồn trên một đất nước mênh mông nên, cho dù tình thế có tuyệt vọng đến đâu, người Trung Hoa vẫn có thể nhẫn nhục với ý đồ “quân tử trả thù mười năm vẫn chưa muộn” nhưng người Nhật thì khác. Giữa một đất nước chật hẹp, lại càng hẹp hơn với sự cắt xẻ của hệ thống sứ quân chằng chịt, triết lý quân tử báo thù này không có đất sống nên cách duy nhất để cứu vãn danh dự là bước ra khỏi cuộc đời, sao cho oanh liệt, sao cho khí tiết. Nhưng như thế thì cách chết cũng chính là một phần của cách sống và, cũng chẳng thua sút gì tình trạng bị kiểm soát chặt chẽ của những samurai Nhật ngày ấy, những số phận bi thảm vừa kể của chúng ta có khá hơn gì? Cũng một lãnh thổ chật hẹp. Cũng sự kiểm soát chính trị chặt chẽ, của một xã hội đoàn ngũ hóa vô cùng chặt chẽ. Tất cả, như những sợi dây trói buộc vào “số phận” của từng cá nhân, mỗi người mỗi số, tùy theo chọn lựa. Có “số phận” với những dằn vặt sám hối lúc cuối đời. Có “số phận” mà cái chết, như một chọn lựa, trở thành một phần của cách sống, chết để khỏi sống xấu.
Tất cả, diễn dịch theo lời của nhân vật chính trong Last Samurai nói trên, thì không ai biết trước số phận của mình cả, vấn đề là họ phải “làm tất cả những gì có thể trước khi số phận ấy phơi bày”.[10] Như thế, khi một người cầm bút trăn trở về mùi tanh, trò ác hay khuôn mặt đau đớn “trong cõi ẩn hình” của mình thì, phải chăng, họ đã ngộ ra rằng, cái “số phận” oan nghiệt kia là do mình đã không cố làm tất cả những gì có thể làm được?
Không ai có thể trả lời thay cho người trong cuộc nhưng rõ ràng là họ đã sám hối bởi đã dự phần vào những nghi thức “ăn thịt người” hay “tạt nước sôi”, “cạo lông”. Nhưng dẫu là ai đi nữa, đứng đầu một Hội hay Liên Hiệp Hội, thì đó cũng chỉ là những sám hối cá nhân. Cái đáng mong mỏi hơn là sự sám hối tập thể hay một “văn hóa sám hối” bởi cội nguồn của những hối tiếc kia là một “văn hóa” hay một “nghi thức” mà, nếu không có tập thể, làm gì có “nghi thức”, có “văn hóa”?
Chính “tập thể” và “văn hóa” ấy đã dồn đẩy con người trước những chọn lựa tốt xấu nên, thực chất, “quyền làm người tốt” cũng chính là “quyền làm người”, quyền được sống trong một môi trường hay tập thể không xúi giục và bao che việc ác, việc trái với lương tâm. Nói cách khác, “nhân quyền” chính là quyền được làm tất cả những gì có thể để nhận diện số phận của mình, thay vì bị “tập thể” hay “văn hóa” đó an bài, định hướng một cách áp đặt, khiên cưỡng.
Như thế, với câu hỏi đã đặt từ đầu, sẽ không có cái nào cao quý hơn cái nào và, cách đặt vấn đề này, xét cho cùng, cũng thuộc về… văn hóa. Thứ văn hóa ở đó “quyền làm người tốt” của một nghi can gắn bó với hệ thống được xem là “cao quý” hơn là “quyền làm người” của nạn nhân bé bỏng bên dưới; cái văn hóa ở đó “uy tín” của một nhân vật “cao quý” hay sự ổn định giả tạo của tập thề phải được coi trọng hơn là những đau đớn có thật và sâu tận tim gan của từng nạn nhân…
[1] Sự việc liên quan đến việc ông Lương Ngọc An được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống ngày 5/12/2024. Quyết định bị phản đối dữ dội vì ông An từng bị tố cáo cưỡng dâm nhà thơ Dạ Thảo Phuong và Bùi Mai Hạnh từ lâu mà vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Trong Hội nghị tổng kết công tác văn học 2024 sáng 12.12.2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu về việc bổ nhiệm: “Anh An có lỗi hay không có lỗi chúng ta chưa biết được. Chúng ta mới chỉ nghe một phía cách đây hai mư… hai mươi ba năm. Vậy anh An có quyền trở thành một người tốt. Cũng như tôi cũng có quyền trở thành một người tốt. Ngày hôm qua, tôi có thể là là không tốt, nhưng hôm nay tôi có quyền trở thành người tốt.”
[2] https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/100-nam-ngay-sinh-nguyen-dinh-thi-mong-anh-em-hieu-dung-cuoi/
[3] Donald S. Sutton, “Consuming Counterrevolution: The Ritual and Culture of Cannibalism in Wuxuan, Guangxi, China, May to July 1968”, Comparative Studies in Society and History số 37, Jan 1995.
[4] http://lainguyenan.free.fr/MMCC/DauHieu.html
[5] https://vanviet.info/van/may-ky-niem-lng-van-bi-tri-1/
[6] Tô Hoài ( 2013), Cát bụi chân ai, NXB Hội Nhà văn, trang 113-114.
[7] Tô Hoài, sđd, trang 137.
[8] https://vanviet.info/van/nhung-chuyen-b-an-trn-doi-chy/
[9] – Meiji: Tell me how he died. – Algren: I will tell you how he lived. (- Minh Trị: Cho ta biết anh ta chết ra sao. – Algren: Thần sẽ kể hầu bệ hạ anh ấy sống thế nào).
Phim thực hiện năm 2003, đạo diễn: Edward Zwick, kịch bản: John Logan.
[10] Katsumoto: You believe a man can change his destiny? Algren: I think a man does what he can, until his destiny is revealed. (Katsumoto: Ngươi tin con người có thể thay đổi số phận ư? Algren: Tôi nghĩ người ta làm tất cả những gì có thể trước khi số phận của họ phơi bày.
Cồng kềnh do đâu?
Tạ Duy Anh
Để giảm 100 ngàn người hưởng lương ngân sách chưa đến tuổi về hưu, con số theo Bộ Nội vụ là lớn nhất từ trước tới nay, sẽ phải mất một hoặc nhiều năm, cộng với nguồn ngân sách chắc chắn không nhỏ để “bù đắp” cho thiệt thòi của những người nằm trong diện tinh giản. Chưa kể chính quyền cũng phải vã mồ hôi để thực hiện.
Nhưng kể cả con số 100 ngàn nêu ở trên (nếu làm được), cũng vẫn cách rất xa kỳ vọng của xã hội về một cuộc cách mạng thể chế. Theo tôi việc làm gọn bộ máy siêu cồng kềnh, gây lãng phí hiện nay, không đơn giản chỉ là cộng hoặc trừ. Nó cần một tư duy khác.
Bởi vì cái gốc của “căn bệnh cồng kềnh”, xin được nói thẳng, cắm rễ rất sâu ở tư duy sử dụng quyền lực của chế độ.
Khi chính quyền muốn kiểm soát người dân toàn diện, mọi lúc mọi nơi, đến tận từng ngóc ngách, từng hành vi; khi mà việc gì của người dân chính quyền cũng phải thò tay vào mới yên tâm, thì làm thế nào mà bộ máy không cồng kềnh cho được?
Có một điều nghĩ mãi không ra, là chả hiểu sao chế độ này rất cảnh giác với xã hội dân sự? Trong khi đó lịch sử hiện đại cho thấy xã hội dân sự là một đòi hỏi tất yếu của phát triển, của văn minh, của dân chủ. Ngoài ra nó đảm bảo tính bền vững chân thật cho một cuộc sống thoải mái, yên bình.
Thừa nhận xã hội dân sự, chính quyền bớt đi nhiều việc phải làm, do đó, một cách tự nhiên, bộ máy không cần phải phình to. Ở những quốc gia thành công trong phát triển, xã hội dân sự được tạo mọi cơ hội để hình thành và lớn mạnh. Tại đó việc gì người dân tự làm được mà không vi phạm luật pháp, không ảnh hưởng đến bất cứ cá nhân, tổ chức nào, thì chính quyền khôn ngoan đứng ngoài, hoặc ít nhất cũng chỉ quan sát mà không động tay vào.
Vừa không cần thiết, vừa tốn kém vô ích.
Với tinh thần đó, theo tôi, Nhà nước này không cần phải giải tán, giải thể hoặc sáp nhập các loại hội đoàn đang có, mà chỉ cần tuyên bố các hội đoàn từ nay là các tổ chức dân sự, thì ngay lập tức bộ máy giảm hàng chục hàng trăm ngàn người tiêu tiền ngân sách mà không cần phải hô hào đao to búa lớn, đồng thời không mất trắng một khoản ngân sách (gồm chi trực tiếp và các khoản đầu tư trụ sở, xe cộ….) trị giá 68 ngàn tỉ đồng mỗi năm (như con số báo chí vừa đưa ra), tương đương gần 3 tỷ USD. Số tiền đó dùng để xây trường học, bệnh viện, xóa nhà dột nát… thiết thực, nhân đạo hơn nhiều. Trong quá trình hoạt động, hội đoàn nào thấy không cần thiết, không thể duy trì được hoạt động, họ sẽ tự giải tán hoặc sáp nhập vào các hội đoàn khác mà chả ảnh hưởng đến bất cứ ai.
Ông Nguyễn Trần Bạt có một câu rất hay về xã hội dân sự liên quan đến bộ máy quyền lực nhà nước. Ông ấy bảo rằng, xã hội dân sự càng phát triển, Nhà nước càng nhàn nhã.
Vấn đề hóa ra không phải người dân có tin chính quyền hay không, mà là chính quyền có tin người dân hay không!
Thơ Ngô Nguyên Dũng
núi
Kính tiễn Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (1943-2023)
chim ngàn vỗ cánh về ngang núi
sừng sững hoàng hôn tựa trăm năm
bát nhã vọng vang sang sảng gọi
vách đá kim cang bồ đề tâm
(11.2023)
cây vẫn đứng chờ xanh trở lại
ngồi xuống. ghi lại những muộn phiền
hoài nghi khắc khoải đời bỗng nghiêng
sắc huyền hỏi nặng rưng rưng nhớ
chấm phẩy. hoàng hôn câm nín mây
nơi đây. chốn nọ. tháng với ngày
biệt xứ khi nào chẳng ai hay
nhà không khóa cửa. hờ hững khép
đợi khi mưa tạnh. bóng theo về
quẩn quanh xếp lại những si mê
rã rời trang chữ trắng lê thê
hỏi thăm trí nhớ. mùa nắng tắt
rừng bỏ đi đâu? cây đứng chờ
lá rơi lặng lẽ. đất trơ vơ
chữ tôi mục rữa. ý rỗng khô
di cảo dở dang. tôi nhen lửa
đốt hết đoạn đành. ngôn ngữ tôi!
rừng có biết chăng ở một nơi?
cây vẫn đứng chờ xanh trở lại…
(7.2023)
ba. mười một. sinh nhật
chỉ một đêm tôi thấy mình bỗng khác
khô quánh lại giọt máu nến lụn dần
văn chương tôi giấy trắng đã bao lần
côn trùng chữ hoan ca ngôn ngữ lạnh
bóng mình tôi tường vách treo cô quạnh
vẳng đâu đây kèn tang lễ rền vang
rừng trơ lá khẳng khiu gió bạt ngàn
chim bỏ xứ về mông lung trắng tuyết
gò mối đất đằm đẵm xây mộ huyệt
chén thanh xuân vụn vỡ tự bao giờ
trong thiên tai rất cuồng nộ không ngờ
đêm bão rớt khói nhang che thời tiết
(11.2024)
ngủ trưa trong chùa Quán Âm
ngủ trưa trong chùa Quán Âm
chiêm bao tiếng khánh thì thầm võng đưa
chân như lạc bước vườn xưa
gió khua bóng lá gọi mùa ngẫu nhiên
cây già niệm hạnh hoa nghiêm
che tôi huyễn mộng nhân duyên xa gần
mây trời bào ảnh trắng ngần
núi nghiêng cằn cỗi hóa thân luân hồi
chấp mê diệu đế một đời
nghe chuông bát nhã dặm hồi sát na
đạt lai biển lớn lạt ma
chân không rất nhẹ lăng già đêm nao
tôi như chú tiểu lấy sào
trăng rằm cổ tự khều sao rụng đầy…
(08.2024)
Thành thật với tự do
Thái Hạo
Theo thói quen của mồm, người ta vẫn thường nhắc đến hai chữ “tự do” như một khao khát, một đòi hỏi; nhưng nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy rằng hầu hết đều sợ hãi tự do. Cảm giác đi một mình khiến đường xa hơn, chân mỏi hơn, lòng hoang mang hơn… Đi một mình có thể còn khiến người ta phát điên. Rất khó để tách mình ra khỏi đám đông.
Người ta, bằng cách dựa dẫm vào truyền thống, vào hình mẫu thành công, vào con mắt của tha nhân, dần tự hiến tế mình khi nào không hay. Tại sao phải là những chiếc túi hàng hiệu chứ không phải là một cái giỏ nan? Tại sao phải là “nhà lầu xe hơi” mà không phải là nhà tranh vách đất? Tại sao phải bằng cấp mà không phải là một công việc yêu thích, tại sao phải hội viên mà không một mình? V.v.
Nhà văn và nghệ sĩ nói chung, vốn vẫn được coi là những người tự do nhất trong tư tưởng, nhưng tại sao mỗi năm lại có tới 900 người nộp đơn xin vô HNV dù biết “tỉ lệ chọi” là 1/15? Không vô hội thì không viết văn được hay viết sẽ không hay? Vô hội để làm gì khi trước những vấn đề nhức nhối của chính cái giới và hội mình thì đành phải im lặng? Rõ ràng, cái danh xưng mới là thứ quan trọng nhất chứ không phải tự do.
Cứ thành thật mà nhìn và nói, thì tự do là một gánh nặng mà chẳng mấy ai muốn sở hữu cả. Người ta chỉ nói cho sang mồm thế thôi, chứ trao tự do cho họ, có khi sẽ phải nhận lấy oán trách. Sâu xa mà xét, người ta tìm kiếm sự an toàn, chứ không phải tự do. Tự do chỉ là việc của mồm.
Con chim sợ hãi nhất là khi tập bay, và biết bay rồi nó vẫn bay trong bầy. Trong khi bay, dù đang hót những tiếng ngợi ca tự do nhưng chỉ cần phát hiện ra mình đã lạc khỏi đàn, nó lập tức hoảng hốt, và chuyển từ tiếng hót sang tiếng kêu thảm thiết.
Không mấy ai dám sống như mình nghĩ cả. Vì sống tự do đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm. Không quả núi nào nặng hơn việc phải tự mang vác cái đầu của mình. Thành ra, ta thấy đồng phục khắp nơi.
Lại thành thật mà nói, không nên ham hố tự do, vì không phải ai cũng đủ sức mang vác nó. Tự do là một thứ khổ hình, không hay hớm gì đâu! Cho nên, cũng hãy thành thật, cứ mãi kiễng chân lên mà sống sẽ rất mỏi. Đánh mất tự do hoặc không dám sống tự do đã là một nỗi khổ, thêm tự dối mình nữa thì là cái khổ tự chuốc lấy. Từ chỗ hèn nhát (rất đáng được cảm thông một cách chính đáng) đến chỗ trở thành một diễn viên sắm vai “chiến sĩ tự do” trong một vở kịch tưởng tượng do chính mình soạn ra, thế chẳng phải uổng phí lắm cái cuộc đời vốn ngắn ngủi này sao?
T. H
Từ một việc ác mang… “Phật tính”
Nguyễn Hoàng Văn
Liệu một hành vi độc ác như siết cổ đứa trẻ sơ sinh đến chết có hàm chứa những ý nghĩa cứu độ hay, thậm chí, “Phật tính” nào đó?
Tôi thoáng nghĩ đến điều này khi Bashar al-Assad, nhà độc tài hết thời của Syria, đào tẩu đến Nga để làm phiền một Vladimir Putin đang cực kỳ phiền não. “Ốc chẳng mang nổi mình ốc”, kiệt quệ, mỏi mệt, phải dè dặt xử nhũn với Trung Quốc rồi hạ mình cầu cứu cựu đàn em Bắc Hàn mà bây giờ còn gánh thêm Bashar, ông Putin này đang thực sự đưa lưng ra “làm cọc cho rêu”. Mà cả kẻ từng ngồi chồm hổm trên đầu dân tộc Syria phải chạy đến bám vào cái lưng khòm rệu rã của ông chủ nhà không biết còn trụ được bao lâu nữa, kẻ hết thời này hẳn rất khổ tâm, rất nhục nhưng ông ta biết làm gì hơn? Với con số nạn nhân lên đến hàng trăm ngàn người trong cuộc chiến phi nhân kéo dài gần 13 năm bằng đủ loại tội ác – tù đày, tra tấn, sát nhân, kể cả bằng vũ khí hóa học mà thế giới văn minh cấm tuyệt – Bashar giờ biết bấu víu vào đâu ngoài ông trùm từng bảo kê cho cuộc chiến ấy? [1]
Phần Bashar, sau gần một phần tư thể kỷ cầm quyền đã từ vị trí “ngoại lệ” xoay chuyển thành bằng chứng sống cho “bài học ẩn khuất trong lịch sử” mà giới độc tài hiếm khi nhận ra: họ không nên có con trai, lỡ có thì hãy… siết cổ, vặn họng, hay bóp mũi!
Tháng Hai năm 2011, thời điểm bùng phát của “Mùa Xuân Ả Rập” và là “đêm trước” của nội chiến Syria, Stephen Kinzer – một nhà báo, một tác gia và một giảng viên đại học Mỹ – đã nêu ra lời cảnh cáo này trong bài viết Dictators’ Sons, From Egypt to Libya, Are Doomed trên The Daily Beast:
“Con cái của những bạo chúa thường góp phần gia tốc tiến trình sụp đổ của bố mình. Chỉ cần hỏi Mubarak. Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập mất sạch quyền lực trong ô nhục phần nào là do ông ta không lưu ý đến một bài học ẩn khuất trong lịch sử, đó là các nhà độc tài không nên có con trai. Nhưng phần lớn đám độc tài này lại có. Điều này lại góp phần thúc đẩy việc họ mất hết quyền lực hay đất nước họ bị sụp đổ.
Người Ai Cập có thể dằn lòng cam chịu thêm một thời gian nữa nếu như ông Mubarak già nua không huỵch toẹt rằng ông ta muốn trao quyền lại cho con trai, Gamal Mubarak. Trong toàn bộ những hành vi ngạo mạn của ông Mubarak, không có gì sỉ nhục người Ai Cập hơn bằng cách cho rằng trong 80 triệu dân chỉ có Gamal Mubarak mới xứng đáng để lãnh đạo đất nước. Chỉ đơn giản vì ông ta muốn nên Gamal sẽ lên cầm quyền, chả cần đến lá phiếu của người dân.
Chưa đầy một tuần sau các vụ phản đối ở Ai Cập, Tổng thống Ali Abdullah Saleh ở Yemen phải ra mặt thề thốt là, có ra đi, ông ta sẽ không đưa con trai mình, Ahmed, lên làm tổng thống. Cùng lúc, Quốc vương Abdullah ở Jordan, mới vừa kế vị bố mình, đã ra tay giải tán chính phủ trong nỗ lực củng cố chế độ. Nay thì, xem ra, triều đại Abdullah này có vẻ vững chãi cũng giống như ở Saudi Arabia, thế nhưng càng ngày quan niệm cho rằng con trai có quyền thừa kế quyền hành hầu như tuyệt đối của bố mình càng đánh mất sự ủng hộ.
Một số ít con cái các nhà độc tài vẫn tiếp tục giữ được quyền lực kế thừa từ bố ông, như Bashar al-Assad ở Syria và Kim Jong Il ở Bắc Hàn. Nhưng đa số chế độ khác thì thất bại thê thảm. Đặc biệt là Phi châu với rất nhiều thí dụ. Con trai của Idi Amin, Daniel Arap Moi, và Jomo Kenyatta không thể giữ quyền lực mà bố họ cố trao lại. Gần nước Mỹ hơn, Jean-Claude ‘Baby Doc’ Duvalier, nhậm chức Tổng thống Haiti sau khi bố qua đời nhưng không thể nào giữ được; các nỗ lực giành lại chính quyền của ông ta trong thời gian qua đã bị ngăn cản rất nhiều vì trí nhớ người dân không chỉ in hằn sự tham nhũng và tàn bạo dưới thời ông ta mà cả của thời của bố ông ta nữa. […]
Các nhà độc tài phải làm gì để thoát khỏi lời nguyền này? Có ba chọn lựa. Một là ‘sợi dây lụa’ từng được các giáo vương của Ðế quốc Ottoman ưa chuộng. Họ cho giết con trai của mình – siết cổ bằng sợi dây lụa để tránh đổ máu vì máu hoàng tộc quá thiêng liêng – để trừ hậu hoạ. Trông thì tàn bạo thật nhưng giới ủng hộ truyền thống này cho rằng số người chết vì nó quá nhỏ so với số người thiệt mạng trong các cuộc chiến giành ngôi ở Âu châu.
[…] Giải pháp thứ hai là không có con. Ðó là con đường của George Washington – theo một số sử gia thì việc mắc bệnh đậu mùa lúc thiếu thời khiến ông tuyệt tự – và điều này có thể có một ảnh hưởng lớn lao với lịch sử Mỹ. Tư tưởng quân chủ vẫn rất mạnh trong thời Washington và ông nhận được sự sùng bái của công chúng đến nỗi nếu có con trai, có thể sẽ có nhiều áp lực để đưa người con lên làm tổng thống. Ðiều đó có thể đã đẩy nước Mỹ theo một hướng đi hoàn toàn khác.
Khi thắc mắc là tại sao Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thịnh vượng nhất trong thế giới Hồi giáo tại Trung Ðông, chúng ta không nên bỏ qua sự thể là lãnh tụ khai quốc, ông Kemal Ataturk, cũng không có con. Cũng giống như Washington, ông được cả nước ngưỡng mộ và có thể dễ dàng cho con trai mình kế nghiệp. Thay vào đó, cũng như Washington, ông ta nhẹ nhàng rút lui khỏi quyền lực để dân chủ rộ nở trên đất nước mình.
Còn có giải pháp thứ ba: đẻ con gái thay vì con trai. Lịch sử cho thấy rằng con gái của các nhà độc tài có khuynh hướng trở thành những nhà lãnh đạo giỏi, nhiều khả năng. Trong số này, chúng ta có thể kể bà Megawati Sukaroputri ở Indonesia, bà Benazir Bhutto ở Pakistan, bà Sheikh Hasina ở Bangladesh, và bà Indira Gandhi ở Ấn Ðộ. Có vẻ như họ thừa hưởng được khả năng lãnh đạo và vận dụng quyền lực của bố mình, và dẫu không vượt qua thói tham nhũng, họ có khuynh hướng cởi mở hơn, dễ dàng chấp nhận thoả hiệp hơn và không bị lôi kéo vào những trò chơi đầy kích thích tố như đua xe, ma túy và tra tấn.
Ðáng tiếc cho Mubarak là đã quá trễ để dùng đến ‘sợi dây lụa’ và ông ta cũng không có con gái”. [2]
Quá trễ cho Mubarak và cực kỳ trễ cho bố của Bashar, ông Hafez al-Assad, nhà độc tài giảo quyệt đã cai trị Syria bằng bàn tay sắt từ năm 1971 cho đến khi qua đời vào năm 2000 nhưng, đã hơn tuần nay, lại vật vờ như một cô hồn không ai hương khói bởi lăng mộ nguy nga của mình đã bị công chúng phẫn uất đập phá, thiêu rụi. Syria từng là thuộc về đế quốc Ottoman và nếu Hafez am tường lịch sử, hiểu được “bài học ẩn khuất” nói trên mà sử dụng giải lụa mềm của các giáo vương Ottoman, có lẽ bây giờ, âm phần và dương thế, hai cha con đã không đau đớn trong cảnh vật vờ này.
Quan trọng hơn, giải lụa ấy sẽ giúp Syria tránh khỏi cuộc nội chiến 13 năm với những tổn thất kinh hoàng, cả của, cả người. Xét như thế thì, nếu ngày xưa Hafez siết cổ con trai để ngày nay Syria chịu cảnh tang thương, hành vi vô nhân này có thể hiện những ý nghĩa cứu độ hay Phật tính theo triết lý “Sát nhấtt miêu, cứu vạn thử”?
Nhưng ai có quyền để hành xử như là nhân vật viễn tưởng Terminator, nhân danh tương lai để sát hại một đứa bé sơ sinh vô tội? Mà, những hướng đi tương lai như thế, lại phát sinh từ chính người lớn, như chính trường hợp của Bashar. Syria có thể sẽ không lâm cảnh nội chiến và Bashar có thể sẽ tiếp tục cuộc sống an lành tại Anh với công việc của một bác sĩ nhãn khoa nếu, năm 1994, Hafez không gọi về để, nói theo diễn ngôn của Hà Nội, “cơ cấu” vào guồng máy quyền lực như là người sẽ kế vị mình, thay thế ông anh Bassel. Được bố “quy hoạch” từ đầu với những bước đào tạo “bài bản, chính quy” nhằm kế tục mình, trưởng nam Bassel này đã chết vô duyên như một đứa trẻ trâu do phóng xe quá tốc độ trong thời tiết sương mù, lại không thắt dây an toàn.
Nghĩa là Hafez sẽ không bị đào mồ và Syria sẽ không bị nội chiến tàn phá nếu, từ đầu, ông ta không “quy hoạch” hay “cơ cấu” con trai mình vào vị trí ngồi xổm trên đầu dân tộc mình. Lỗi, do đó, không thuộc về những đứa trẻ sơ sinh vô tội. Lỗi là ở những “đứa già” với những toan tính “quy hoạch” và “cơ cấu”, với những kiểu đào tạo “bài bản, chính quy” để biến những đứa trẻ như thế thành những người lớn trẻ trâu và, sau này, những lãnh tụ độc tài vô nhân và, nhiều khi, bạo dâm.
Như một trùng hợp thú vị, đâu chỉ mới ba tháng trước thôi, nguyên Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng bỏ trốn bằng máy bay để đến nương nhờ láng giềng Ấn Độ. Thoạt trông thì cũng giống như hoàn cảnh của Bashar nhưng, từ góc nhìn của “bài học ẩn khuất trong lịch sử” trên, họ đã trái ngược nhau đến 180 độ khi Hasina từ vị trí của một thí dụ kinh điển quay ngoắt thành “ngoại lệ” của “bài học” ấy.
Từng được Kinzer nêu tên như thí dụ cho việc các nhà độc tài nên có con gái thay vì con trai, Sheikh Hasina lại bỏ chạy như một tên đàn ông thất bại mà nguyên nhân thực sự, cũng là do “cơ cấu” và “quy hoạch”. Bà ta không bị đảo chính mà Bangladesh cũng không bị nội chiến. Bà ta bỏ chạy là do áp lực của làn sóng biểu tình ngày càng lan rộng, càng bị đàn áp càng phản ứng dữ dội hơn, mà khởi nguồn là vụ xuống đường của sinh viên Đại học Dhaka nhắm phản đối chính sách tuyển dụng lỗi thời và bất công, ở đó những công việc ổn định của bộ máy chính quyền luôn là phần thưởng dành cho những thành phần “có công với cách mạng”.
Cách mạng đây là cuộc chiến giành độc lập, tách Bangladesh ra khỏi Pakistan vào năm 1971 mà lãnh tụ chính là ông Sheikh Mujibur Rahman, bố bà Hasina. Chúng ta làm những việc tốt bởi đó là việc… đáng làm, nên làm; nhưng khi chúng ta làm việc tốt với mục đích nào đó – để kiếm danh, để làm đẹp resumé xin việc, để dọn đường ra ứng cử hay, thậm chí, để dọn đường lên thiên đường – thì đó lại là một sự đầu tư. Cái lỗi của những kẻ thừa kế thành quả cách mạng là xem đó như một cuộc đầu tư, phải trả lời cho những ai trả giá hay góp vốn đầu tư,
Sinh viên Bangladesh ồ ạt xuống đường là để bày tỏ sự bất bình với cái chương trình lỗi thời này. Bangladesh 170 triệu dân và trong con số này có đến 32 triệu thanh niên thất nghiệp và họ phải giành giật nhau chỉ 20% vị trí trong bộ máy công quyền khi 80% kia được “quy hoạch” và “cơ cấu” cho những cựu chiến binh cách mạng, những phụ nữ bị hãm hiếp trong thời chiến hay dân cư “vùng sâu vùng xa”. Nhưng đâu đơn giản là 20% cho 32 triệu thanh niên thất nghiệp? Mức độ cạnh tranh khốc liệt này còn biến nó thành một thị trường của những giao dịch cửa sau hay, nói thẳng, là mua bán, hối lộ. [3]
Nhưng bất công còn chồng chất bất công. Nếu ông bố khai quốc Rahman từng mơ tưởng xây dựng đất nước theo con đường “xã hội chủ nghĩa” thì, để thích nghi sau khi đã rõ trắng đen vào 1990, Hasina đã hướng Bangladesh theo kiểu mẫu Trung Quốc và, bây giờ, cũng như Trung Quốc hay Việt Nam, Bangladesh hình thành nên một nền kinh tế “tư bản thân hữu” ở đó, dẫu chỉ chiếm 10% dân số, giới “tư bản thân hữu” lại kiểm soát đến 41% lợi tức quốc gia . Kinh tế phát triển bao nhiêu đi nữa thì phần lớn lợi tức đều vào tay người giàu và cái hố cách biệt ngày càng khơi rộng. Sinh viên Dhaka xuống đường vì bị đối xử bất công, rồi cả nước cũng ồ ạt xuống đường để chống bất công, và bà thủ tướng phải bỏ trốn. [4]
Như thế, từ Sheikh Hasina cho đến Bashar al-Assad, sự thể đều nhất quán khi toàn bộ rắc rối có thể quy vào mấy ý niệm “quy hoạch”, “cơ cấu” và “đào tạo bài bản, chính quy”. Nó không hề “ẩn khuất” mà rất rõ ràng bởi đất nước là của toàn dân, và cách mạng là phải xóa bỏ sự bất công chứ không phải thay đổi cán cân của sự bất công, là xóa bỏ bất công này để thiết lập nên một bất công khác. Bài học thì rất rõ ràng nhưng, thường, giới trong cuộc chỉ hiểu ra khi đã quá muộn, lúc sự báo ứng đã đổ ập xuống đầu.
Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu không nêu ra một bài học rành rành khác, khi lăng tượng của Hafez al-Assad bị đập phá, bị sỉ nhục, giống như tượng của bao nhiêu nhà độc tài gian ác khác, Đông hay Tây. Sao cứ phải phí phạm tiền bạc xây lăng dựng tượng bằng bê tông, bằng đá hay bằng đồng, mà không dựng bằng niềm tin? Cứ thản nhiên dẫm đạp lên niềm tin và đời sống của người dân để xây lăng và dựng tượng thì, cuối cùng, cũng có ngày chúng cũng bị đập đổ, bị dẫm đạp như cái quả báo nhãn tiền hãy còn nóng hổi, với Hafez.
Dẫu đã đổ ra bao nhiêu tiền của để chăm chút đời sống ở thế giới bên kia với một lăng mộ nguy nga, đồ sộ, cuối cùng thì kẻ từng cai trị tuyệt đối đất nước Syria trong suốt 30 năm cũng chỉ là một cô hồn không ai hương khói!
Tài liệu tham khảo:
2. https://www.thedailybeast.com/dictators-sons-from-egypt-to-libya-are-doomed/
4. https://thediplomat.com/2024/11/hasinas-failed-pursuit-of-the-china-model/
THÔNG BÁO VỀ GIẢI VĂN VIỆT LẦN THỨ MƯỜI (2024) – QUY TRÌNH XÉT VÀ TRAO GIẢI
1. Đề cử tác phẩm xét giải
– Kính mời tất cả các tác giả đã góp tác phẩm trên diễn đàn Văn Việt và thành viên Ban Xét giải gửi đề cử tác phẩm dự tuyển Giải Văn Việt lần thứ Mười, cho bốn thể loại: Văn (truyện dài/ truyện ngắn/ bút ký hay tạp văn), Thơ, Dịch và Nghiên cứu Phê bình.
– Tác phẩm được xét giải bao gồm những tác phẩm đã đăng trên Văn Việt trong năm 2024 (nếu là loạt bài liên tục trong một chủ đề chung khởi sự từ những năm trước thì có thể xét tổng thể chùm bài trong chủ đề).
– Xin gửi đề cử về địa chỉ: vanviet.vdhn1@gmail.com từ ngày 4/1/2025 đến hết ngày 12/1/2025 (giờ Việt Nam), cố gắng kèm bài nhận định hoặc nhận xét ngắn về tác phẩm mình đề cử.
2. Xét giải
– Thường trực Hội đồng Giải tổng hợp các đề cử và thống nhất với các Biên tập viên Văn Việt từng thể loại để chốt danh sách gửi Các Ban Xét Giải vào ngày 15/1/2025.
– Các Ban Xét Giải đọc và trao đổi ý kiến về các tác phẩm xét giải, bỏ phiếu vào ngày 19/2/2025.
Giải Chính thức từng thể loại
Những tác phẩm được 4/5 số phiếu của Ban Xét Giải sẽ nhận Giải Chính thức của từng thể loại gồm Giấy chứng nhận Giải và số tiền tượng trưng trị giá 1000 đô la Mỹ (số lượng Giải của từng thể loại không bị hạn chế).
Giải Đặc biệt
Tác giả có tác phẩm được 4/5 phiếu, nếu có đóng góp đáng kể ở các thể loại khác, sẽ được đề nghị xét Giải Đặc biệt Văn Việt. Đề nghị được Thường trực Hội đồng đề xuất với Chủ tịch Hội đồng vào ngày 22/2/2025 sau khi tham khảo ý kiến của cả Hội đồng Giải. Chủ tịch Hội đồng quyết định vào ngày 25/2/2025. Giải có số tiền tượng trưng trị giá 2000 đô la Mỹ.
Giải của Chủ tịch Hội đồng
Một số tác phẩm không đủ 4/5 số phiếu có thể được Thường trực Hội đồng đề xuất với Chủ tịch Hội đồng xem xét vào ngày 22/2/2025, sau khi tham khảo ý kiến Ban Xét Giải. Chủ tịch Hội đồng quyết định vào ngày 25/2/2025. Giải có số tiền tượng trưng trị giá 500 đô la Mỹ.
3. Trao giải
Giải được công bố trên mạng Văn Việt vào ngày 3/3/2025 là ngày kỷ niệm 11 năm ra mắt Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam.
Hội Nhà văn Việt Nam và Trăm năm cô đơn
Dương Tú
Hai phút mở màn loạt phim Trăm năm cô đơn vừa ra mắt trên Netflix tràn ngập kiến, kiến và kiến. Hình ảnh đàn kiến còn xuất hiện nhiều lần xuyên suốt loạt phim này như một ẩn dụ và điềm báo về số phận của bảy thế hệ thuộc gia đình Buendía cũng như của chính ngôi làng Macondo.
Trong cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt cách nay hơn nửa thế kỷ và ngay lập tức trở thành tác phẩm kinh điển của dòng văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latin, Gabriel García Márquez, nhà văn Colombia đoạt giải Nobel đã sử dụng kiến làm biểu tượng của sự suy tàn và hủy diệt, báo hiệu định mệnh nghiệt ngã và bi thảm của gia đình Buendía khi đứa trẻ cuối cùng mang đuôi lợn của dòng họ này bị đàn kiến ăn thịt khi chỉ mới vừa sinh ra.
Trước Gabriel García Márquez gần bốn thập niên, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, danh họa Tây Ban Nha Salvador Dalí vẽ một trong những tác phẩm đầu tiên mang phong cách siêu thực của ông: Đàn kiến. Không chỉ là chủ đề chính trong bức tranh khổ nhỏ này, kiến còn là cấu phần quan trọng trong những tác phẩn nổi tiếng nhất của Dalí, từ Sự dai dẳng của ký ức đến Người thẩm du vĩ đại.
Giống như trong tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Trăm năm cô đơn, kiến trong tranh của Dalí mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc – sự phân rã, diệt vong, nỗi sợ hãi tiềm ẩn và dục vọng bị kìm nén – tạo nên cảm giác siêu thực độc đáo không thể nhầm lẫn khi ngắm tranh của danh họa này.
Như một trò chơi của lịch sử và số phận, vào năm 1967 khi Márquez hoàn thành tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, ở bên kia địa cầu, thần đồng Trần Đăng Khoa cũng viết xong bài thơ về kiến và cái chết. Bằng con mắt trong trẻo và nhân văn của một đứa trẻ con, Trần Đăng Khoa mô tả cảnh đàn kiến xẻ thịt chia phần, chè chén say sưa và tha xác một con giun đất như đám tang trịnh trọng của một nhân vật đáng kính.
“ĐÁM MA BÁC GIUN
Bác Giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
Cầm hương kiến Đất bạc đầu
Khóc than kiến Cánh khoác màu áo tang
Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến Kim chống gậy, kiến Càng nặng vai
Đám ma đưa đến là dài
Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà
Kiến Đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến Gió bay ra chia phần…”
*
Sau khi trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) trong cùng nhiệm kỳ 2020 – 2025 với Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều, ông Trần Đăng Khoa được giao kiêm nhiệm Tổng Biên tập tạp chí Nhà văn & Cuộc sống.
Cuối tháng trước, ông Khoa thông báo trên trang Facebook cá nhân rằng vì lý do tuổi tác và sức khỏe, ông “đang nghỉ dần các chức vụ và công việc”. Ông Khoa cho biết sẽ chỉ làm hết số tạp chí Nhà văn & Cuộc sống Xuân Ất Tỵ rồi nghỉ. Điều này đồng nghĩa việc tạp chí sẽ có tổng biên tập mới sau vài tháng nữa.
Trong buổi lễ trao quyết định điều động ông Lương Ngọc An, Ủy viên Ban chấp hành HNVVN, giữ chức vụ Phó Tổng biên tập tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, ông Trần Đăng Khoa “bày tỏ lòng cảm ơn tới Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều vì những quan tâm, hỗ trợ thiết thực dành cho sự phát triển của tạp chí trong thời gian qua, đặc biệt là về chế độ nhân sự và công tác phát hành”. Cụ thể hơn, việc ông Lương Ngọc An, một Ủy viên Ban Chấp hành Hội được điều động về làm Phó Tổng biên tập tạp chí Nhà văn & Cuộc sống là “minh chứng rõ nét cho sự quan tâm đặc biệt này”. Ông Khoa “nhấn mạnh rằng, việc tạp chí có tới hai Ủy viên Ban Chấp hành trong Ban Biên tập là điều hiếm có, mở ra cơ hội để tạp chí tiếp tục vươn xa”.
Trước đó hơn hai năm rưỡi, ông Lương Ngọc An từng bị cho thôi chức Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn báo Văn Nghệ sau tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương rằng ông An đã “nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức” bà Phương “như một nô lệ tình dục”. Tiếp theo Dạ Thảo Phương, nhà văn Bùi Mai Hạnh cũng lên tiếng tố cáo ông An từng tấn công tình dục và cưỡng hiếp bà tại nhà riêng nhưng bất thành.
Là một trong 11 thành viên Ban Chấp hành HNVVN nhiệm kỳ 2020 – 2025, gần như chắc chắn ông Lương Ngọc An sẽ trở thành tổng biên tập mới của tạp chí Nhà văn & Cuộc sống khi ông Trần Đăng Khoa chính thức nghỉ chức vụ ở tạp chí này. Như vậy, sau một thời gian để cho tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh chìm xuồng, HNVVN gần như đã phục chức, thậm chí mở đường thăng chức cho ông An.
*
Là loạt phim chuyển thể từ một tiểu thuyết hiện thực huyền ảo tiêu biểu, Trăm năm cô đơn có thể đưa người xem phiêu du xuyên không gian và thời gian, từ ngôi làng Macondo nhỏ bé ở Mỹ Latin vào cuối thể kỷ 19 đến quê hương của Salvador Dalí bên bờ Địa Trung Hải nửa đầu thế kỷ 20, rồi sang tận Việt Nam đương đại.
Trong bức họa Đàn kiến, Dalí đã sử dụng kỹ thuật cắt dán để thêm một cô gái khỏa thân với cặp mắt vô hồn đang trở thành miếng mồi ngon của đàn kiến. Hình ảnh này không khỏi khiến người xem liên tưởng đến nhà thơ Dạ Thảo Phương với ký ức, tâm hồn và nhân phẩm bị một đám sâu bọ thay nhau chà đạp, cắn xé và đánh chén ít nhất hai lần: lần đầu tiên khi cô bị bạo hành và cưỡng bức, lần thứ hai khi những nỗ lực can đảm đòi hỏi sự thật và công lý của cô bị những kẻ đồng lõa với tội phạm dập tắt.
Trong vai trò Phó Chủ tịch HNVVN kiêm Tổng Biên tập tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, ông Trần Đăng Khoa chưa một lần lên tiếng trước tố cáo suốt hơn hai năm rưỡi qua của nhà thơ Dạ Thảo Phương đối với ông Lương Ngọc An, cũng như khi ông An được điều động giữ chức Phó Tổng biên tập tạp chí này và chuẩn bị thay thế ông Khoa. Đây không phải lần đầu tiên người ta có thể nói rằng cậu thần đồng thơ năm xưa, tác giả của Đám ma bác giun, đã chết.
Trong vở kịch Mổ nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp, có nhân vật K-Oa được giới thiệu như sau: “Bẩm sinh là một nhà thơ, một người đáng được tôn trọng và yêu mến. Môi trường sống của anh ta không tốt, anh ta đã bị nhiễm bẩn dần dần, từ từ, từng ngày, từng tí một. Một thiên thần cũng có thể bị biến thành một con lợn bẩn thỉu…”.
Đứa trẻ cuối cùng mang đuôi lợn của dòng họ Buendía bị đàn kiến ăn thịt không khỏi khiến độc giả liên tưởng đến nhân vật K-Oa. Còn đám sâu bọ đã thay nhau cắn xé và nhậu ký ức, tâm hồn cùng nhân phẩm của nhà thơ Dạ Thảo Phương phải chăng là chỉ báo về sự mục rữa, thối nát và suy tàn không tránh khỏi của một hội đã có lịch sử gần bảy thập niên, y như định mệnh bi thảm của bảy thế hệ thuộc dòng họ Buendía?
*
Hơn hai năm rưỡi trước, sau tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh, trách nhiệm giải trình được chia cho cả ông Lương Ngọc An lẫn HNVVN, trong đó ông An chịu trách nhiệm chính. Lần này, bằng quyết định điều động ông An giữ chức vụ Phó Tổng biên tập tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, trách nhiệm giải trình gần như hoàn toàn thuộc về HNVVN và ông Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều.
Những hội viên chính trực, còn phẩm giá của HNVVN cần lên tiếng yêu cầu lãnh đạo Hội này thực hiện trách nhiệm giải trình của một tổ chức được nuôi bằng tiền thuế của dân, nhằm bảo vệ tôn chỉ, mục đích cũng như các nguyên tắc tổ chức, hoạt động đã được ghi rõ trong Điều lệ Hội. Đến lượt các hội viên HNVVN, trong vai trò nhà văn, nhà thơ, những người này có trách nhiệm với độc giả của họ trong việc bảo vệ những giá trị nhân văn cao đẹp mà văn chương của họ hướng tới.
Nếu tất cả hội viên HNVVN đều im lặng, không một ai lên tiếng yêu cầu lãnh đạo Hội thực hiện trách nhiệm giải trình, thì đơn giản là Hội này không xứng đáng được nuôi bằng tiền thuế của dân, và quan trọng hơn, không xứng đáng tồn tại.
Từ tiểu thuyết tự truyện của Lâm Dịch Hàm đến trường hợp của Dạ Thảo Phương
Đặng Quốc Thông
MỘT
Cách đây khoảng hai tháng, các giáo sư thuộc bộ môn Trung văn ở Khoa Ngôn ngữ Hiện đại và Cổ điển ở Đại học Houston có mời Jenny Tang đến Khoa để giới thiệu quyển tiểu thuyết đã bán được trên một triệu bản và là tác phẩm đã làm dấy lên phong trào #MeToo ở hầu khắp các quốc gia châu Á. Quyển tiểu thuyết có tên Fang Si-Chi’s First Love Paradise của nữ tác giả người Đài Loan tên Lin Yi-Han (林奕含 Lâm Dịch Hàm) và chính Jenny Tang đã dịch sang tiếng Anh từ nguyên bản tiếng Trung.
Trước buổi giới thiệu sách, tôi ra thư viện công cộng ở Houston hỏi mượn đọc trước. Trong buổi giới thiệu, tôi đã rất ngạc nhiên khi Jenny Tang cho biết quyển tiểu thuyết đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, bao gồm cả tiếng Việt. Tò mò, tôi tra thử Google xem thực hư thế nào, thì quả thực, nó đã được dịch ra tiếng Việt với tựa Tình đầu thiên đường của Phòng Tư Kỳ. Duy có điều, bản dịch chưa được xuất bản thành sách mà chỉ được đăng trên trang văn học online cá nhân có tên “Tree on Mars”.
Cũng trong buổi giới thiệu sách, tôi có hỏi Jenny Tang xem quyển tiểu thuyết có được phát hành ở Trung Hoa Lục địa không. Tôi đinh ninh câu trả lời sẽ là không bởi Đài Loan và Trung Cộng là hai quốc gia thù địch, đó là chưa kể, chủ đề về xâm hại tình dục ở công sở có vẻ rất dị ứng đối với đám cán bộ sa đọa ở các nước CS. Thế nhưng câu trả lời lại là có. Có mặt ở Trung cộng, vậy sao không có mặt ở Việt Nam, là nơi mà thị trường sách dịch sôi động vào loại nhất thế giới? Điều này thật kinh ngạc.
Tiểu thuyết Tình đầu thiên đường của Phòng Tư Kỳ được Lâm Dịch Hàm cấu trúc về ý theo hai trường ca Paradise Lost và Paradise Regained của John Milton như để phản ánh vừa chủ đề truyện vừa tình yêu văn học cổ điển cả của Âu châu lẫn Trung Quốc của hai nữ nhân vật chính trong truyện là Phòng Tư Kỳ và Lưu Di Đình. Ngay từ bé, hai cô đã như một, cùng những suy nghĩ, cùng những đam mê, lại sống cùng tầng trong một chung cư cao cấp ở Cao Hùng, tầng dưới là gia đình một thầy giáo chuyên văn tên Lý Quốc Hoa.
Lúc hai cô 13 tuổi, với gợi ý của Lý Quốc Hoa, lúc này khoảng 50, và với sự đồng ý vui vẻ của hai bà mẹ, hai cô chia nhau mỗi tuần một lần vào những ngày khác nhau mỗi cô sẽ viết một bài bình văn theo chủ đề cho sẵn và đưa đến cho Lý Quốc Hoa đánh giá và giúp sửa chữa. Hai cô rất ngưỡng mộ sự uyên bác về văn học Đông Tây kim cổ của thầy, từ Milton đến Nabokov, Dostoevsky, Eileen Chang, Lý Bạch, v.v. Việc giúp sửa bài kéo dài năm năm cho đến khi hai cô 18 và cùng chuyển lên một trường ở Đài Bắc.
Chính vào lúc dọn lên Đài Bắc này mà Phòng Tư Kỳ thố lộ cho Lưu Di Đình về quan hệ của cô với thầy Lý Quốc Hoa. Mối quan hệ phi đạo lý này đã làm Lưu Di Đình giận dỗi còn Phòng Tư Kỳ thì lâm vào trạng thái trầm cảm. Không biết bằng cách nào có thể bứt thoát bởi thầy Lý vẫn đeo bám, đêm đêm Phòng Tư Kỳ chỉ biết ôm mặt khóc trong dằn vặt đau đớn cho đến một ngày cô loạn trí, bỏ học đi lang thang và cuối cùng thì được gia đình đem vào một nhà thương điên ở Đài Trung để chữa trị.
Vừa giận vừa thương cho tình trạng của bạn, lại vừa nhung nhớ vừa hoang mang không biết chuyện gì đã thực sự xảy ra khiến bạn quẫn trí đến điên loạn, cuối năm học đó Lưu Di Đình trở về nhà ở Cao Hùng. Một hôm, Lưu Di Đình sang nhà của Phòng Tư Kỳ để nhìn lại các kỷ vật của bạn thì phát hiện ra một quyển nhật ký. Nhật ký có ghi ngày tháng, những ghi chép gốc thì bằng mực xanh, những ghi chú thêm về sau thì nằm bên lề và bằng mực đỏ, theo kiểu bình sửa văn. Trang đầu ghi, ý tưởng khá lộn xộn:
“Tôi phải viết chúng ra, mực sẽ làm cảm xúc nhạt phai bớt, nếu không, tôi sẽ điên mất. Tôi xuống lầu để đưa bài văn cho thầy Lý sửa. Thầy ấy rút thứ ấy ra, còn tôi thì bị đè miết vào bức tường. Thầy nói chín từ: “Nếu chỗ đó không được thì dùng miệng nhé?” Tôi chỉ nói bảy chữ: “Không, em không biết làm thế nào.” Thầy ấy vẫn nhồi nó vào, cố nhồi vào bên trong. Khi ấy, tôi có cảm giác như mình sắp bị dìm chết, dần dần ngạt nước mà tắt thở. Lúc sau, khi đã có thể nói chuyện được, tôi nói với thầy: “Em xin lỗi.” Tôi có cảm giác bài văn lần này tôi làm rất tệ, mặc dù đó cũng không phải bài tập của tôi. Thầy yêu cầu tôi mỗi tuần viết một bài văn rồi tới nộp cho thầy. Ngẩng lên, tôi dường như có thể nhìn xuyên qua trần nhà và thấy bóng dáng mẹ đang nấu cháo ngay trên đỉnh đầu, trong nồi cháo sôi sùng sục là một đống bằng khen và giải thưởng của tôi. Tôi cũng biết rằng khi không biết nên trả lời người lớn thế nào thì tốt nhất nên nói “Vâng ạ.” Ngày hôm ấy, qua bả vai của thầy, tôi nhìn thấy trần nhà nhấp nhô lên xuống như sóng biển nức nở cồn cào từng cơn. Thầy nói: “Đây là cách mà thầy yêu em, em hiểu chứ?” Tôi nghĩ thầm, thầy nhầm rồi, tôi không phải là một đứa trẻ con mà nhầm dương vật thành kẹo mút. Chúng tôi đều ngưỡng mộ thầy nhất, đều nói lớn lên phải kiếm một người chồng giống thầy. Những phút bông đùa, chúng tôi còn nói giỡn, ước gì thầy là chồng của chúng mình. Suy nghĩ suốt mấy ngày nay, tôi chỉ nghĩ ra một giải pháp duy nhất, tôi không thể chỉ thích thầy, tôi muốn mình yêu thầy. Người mà bạn yêu có thể thoải mái làm mọi thứ với bạn, không phải sao? Tư tưởng quả là một thứ diệu kỳ quá đỗi! Tôi của hiện tại là một chỉnh thể do tư tưởng nhào nặn thành chứ không phải chính tôi của trước kia nữa. Tôi muốn bản thân có thể yêu thầy ấy, nếu không thì tôi sẽ bị dằn vặt trong đau khổ đến chết.”
Bên cạnh những ghi chép trên là một dòng viết thêm bằng mực đỏ thẫm: “Tại sao lại nói là “em không biết làm thế nào”? Tại sao nhất định phải là tôi? Tại sao không phải bạn? Đến tận bây giờ tôi mới hiểu, toàn bộ cơ sự phát sinh cho tới ngày hôm nay đều có thể ngắn gọn quy kết thành một dòng: Thầy ấy đã cưỡng ép nhét nó vào bên trong, mà tôi lại là kẻ nói lời xin lỗi.”
Khi nhìn vào ngày tháng ghi đoạn nhật ký, Lưu Di Đình phát hiện lúc đó các cô chỉ mới mười ba tuổi. Như vậy là Phòng Tư Kỳ đã bị thầy Lý Quốc Hoa xâm hại tình dục suốt năm năm qua mà không có cách nào kêu cứu. Phần đầu tiểu thuyết Thiên đường tình đầu của Phòng Tư Kỳ với tiểu tựa Thiên đàng đã kết thúc bằng câu:
“Câu chuyện này nhất định phải được kể lại.”
(GHI CHÚ: Những đoạn nhật ký để trong ngoặc kép ở trên đã được trích từ bản dịch trên trang mạng online “Tree in Mars”)
HAI
Sau khi tham dự buổi giới thiệu sách của Jenny Tang ở Khoa về, nhất là khi biết quyển tiểu thuyết này thật ra là tự truyện của chính Lâm Dịch Hàm và cô đã tự tử ở tuổi 26, chỉ đúng ba tháng sau khi tự truyện được xuất bản, tôi đã định giới thiệu tác phẩm này trên facebook của mình nhưng rồi lại quyết định thôi vì mắt không được khỏe. Nhưng bây giờ, với sự tái xuất hiện của vụ án Lương Ngọc An khống chế và xâm hại tình dục Dạ Thảo Phương, tôi thấy mình có trách nhiệm góp phần lên tiếng.
Nhắc lại, năm 2022, khi Dạ Thảo Phương quyết định công khai tố cáo hành vi đốn mạt của Lương Ngọc An đối với cô hơn hai mươi năm về trước khi còn công tác chung ở tờ Văn Nghệ Trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam và sẵn sàng từ Đức về lại Việt Nam để đối chất trước tòa, dư luận đã rất phẫn nộ, yêu cầu các cơ quan hữu trách điều tra để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng Lương Ngọc An, khi đó là Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn báo Văn Nghệ, chỉ bị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều ký quyết định cho thôi chức để nhận nhiệm vụ mới.
Thế rồi mới đây, chắc tưởng hơn hai năm qua đã đủ để tội ác chìm vào quên lãng, chính Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều lại ký quyết định điều động An giữ chức Phó Tổng biên tập tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, có khả năng là để chuẩn bị cho An tiếp quản chức Tổng biên tập vì đương kim Tổng biên tập đã thông báo ý định xin nghỉ. Việc điều động có vẻ bất chấp dư luận này của Thiều dĩ nhiên không qua mắt được công chúng, và cộng đồng mạng đã lại dậy sóng phẫn nộ, phẫn nộ lần này không chỉ về An mà còn cả về Thiều.
Người đầu tiên lên tiếng phẫn nộ có lẽ là Thái Hạo, tiếp đến là Hoàng Tuấn Công, TS. Hoàng Dũng, TS. Duong Tu. Lão Tạ-Tạ Duy Anh cũng đã lên tiếng từ hai năm trước. Hẳn nhiên phải còn rất nhiều người khác nữa mà tôi chưa được hân hạnh biết trên facebook. Nhưng nhiều thế vẫn chưa đủ. Vụ án Lương Ngọc An xâm hại tình dục Dạ Thảo Phương là cực kỳ nghiêm trọng, nghiêm trọng không chỉ vì nó đã xảy ra một cách quá đỗi kinh hoàng mà còn vì sự kinh hoàng đó đã bị những người có trách nhiệm hoặc có thể giúp làm sáng tỏ đã cố tình phớt lờ đến độ có thể nghĩ đến một sự bao che.
Tội ác xâm hại tình dục này cùng với sự bao che chỉ có cơ may chấm dứt khi tất cả nhân vụ việc của Dạ Thảo Phương phải cùng lên tiếng. Những ai từng công tác ở báo Văn Nghệ Trẻ ngày ấy với Dạ Thảo Phương (trong đơn tố cáo cô có nhắc tên một số nhà văn, nhà thơ), hãy lên tiếng. Những ai từng làm việc với Lương Ngọc An, hãy lên tiếng. Những ai khác cũng hãy lên tiếng, nếu không lên tiếng tố cáo vì chưa đủ thông tin thì cũng lên tiếng đòi hỏi mọi việc phải được làm sáng tỏ. Ngay cả anh Phạm Lưu Vũ, đã gọi điện cho Thái Hạo để thuật lại thông tin từ một “người trong cuộc”, cũng cần lên tiếng.
Trong một bài viết mới đây liên quan đến viêc truyền miệng những thông tin từ những “người trong cuộc”, Dạ Thảo Phương khẳng định những thông tin đó là giả và bày tỏ mong muốn nhờ cộng đồng mạng giúp “truy tìm những bằng chứng cụ thể, có giá trị pháp lý về những tin đồn thất thiệt này, cùng tên tuổi, địa chỉ cụ thể của những kẻ phát ngôn để đưa ra pháp luật, điều này vừa là vì danh dự cá nhân tôi và người thân, vừa là để góp phần vào việc đẩy lùi tệ nạn tấn công các nạn nhân bị xâm hại tình dục nói chung.”
Nhớ lại những năm 1990, lúc tôi còn dạy học ở Khoa Ngoại Ngữ thuộc trường Cao Đẳng TP. HCM, một số giáo viên hồi hộp chờ được duyệt một suất du học một năm ở Úc. Năm đó, cô KT tin mình xứng đáng nhất. Đùng một cái, có tin đồn cô TK lên Ban Giám Hiệu nói xấu cô KT để giành suất du học về cho mình. Ai cũng hoang mang không biết tin đồn đến từ đâu, còn cô TK tự dưng bị vu oan thì ức nên khóc mấy đêm liền đến sưng cả mắt, ban ngày lên lớp dạy sinh viên phải đeo cặp kiếng đen to đùng che kín mặt.
Một hôm, tôi ngồi uống cà phê trong trường với thầy HL, thầy HL rỉ tai tôi: “Mình nghe nói… nghe nói…” Tôi lập tức chặn lại: “Anh nghe ai nói?” Thầy HL ú ớ một hồi nhưng tôi cương quyết: “Anh mà không nói ai nói thì có nghĩa chính anh nói!” Bí thế, thầy HL phải nhận là nghe vợ nói, tức cô H, cũng giáo viên trong Khoa. Tôi bèn truy tiếp: “Cô H nghe ai nói?” Cuối cùng thì lòi ra, tin đồn đã được chính cô KT tung ra đầu tiên, không biết có phải để nhằm loại trước một đối thủ tiềm năng? Dĩ nhiên cuối cùng thì cô KT vẫn được đi, vì vị chức rất rất to ở trường có đêm đã khật khưỡng đến ngồi lì ở nhà cô đến tận khuya.
Anh Phạm Lưu Vũ hãy nên làm điều đáng làm này, tức là giúp Dạ Thảo Phương “truy tìm những bằng chứng cụ thể, có giá trị pháp lý về những tin đồn thất thiệt, cùng tên tuổi, địa chỉ cụ thể của những kẻ phát ngôn để đưa ra pháp luật”. Chỉ khi mọi người cùng chung tay làm mọi thứ trong khả năng hạn hẹp của mình, ít nhất là bằng cách cùng lên tiếng, thì đơn tố cáo Lương Ngọc An xâm hại tình dục Da Thảo Phương cũng như nghi án có hay không sự bao che nhơ bẩn cho Lương Ngọc An của các vị chức sắc trong Hội Nhà văn Việt Nam, cụ thể là của Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa, mới được làm sáng tỏ.
“Nào, hãy làm một điều gì đó để góp phần ngăn chặn sự vô sỉ này tiếp tục loang ố”.
(GHI CHÚ: Trên đây là lời người chồng có trái tim bao dung và nhân hậu đã nói với Dạ Thảo Phương để khuyến khích cô mạnh dạn đứng ra tố cáo kẻ đã xâm hại tình dục mình những năm cô mới chập chững vào đời)
Tất cả cảm xúc:
4Bạn và 3 người khác
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Tội ác và Hình phạt
Nguyễn Lương Thịnh
1. Nhân vật Chí Phèo của Nam Cao đã gầm lên trước ngõ cụt hoàn lương: “Tao muốn làm người lương thiện!… Ai cho tao lương thiện?”! Chẳng có ai cho ai sự lương thiện! Chí Phèo chết trong vô vọng. Bởi không nhận thức được rằng, nhân cách được hình thành từ chuỗi hành vi lương thiện. Và hạt giống của sự lương thiện chỉ có thể nảy mầm từ tấm lòng nhân ái của chính mỗi người.
Nhân vật có thật Papillon, người tù khổ sai trong tác phẩm của Henri Charrière, sau chuỗi 13 năm thụ án, vượt ngục – bị bắt – vượt ngục, đã trở thành công dân Venezuela và tự gẫm: “Ta chỉ có thể trở lại làm người lương thiện, khi chính ta phải tự hối bằng cách sống lương thiện gấp bội lần người khác.” Trong lá thư thống hối gởi cho cha trong ngày đầu tiên đủ nội lực làm “Người tự do”, Papillon đã khẳng định với chính mình: “Lương tâm là giá thể duy nhất tương thích, để ươm trồng và phát triển nhân cách lương thiện.”
Trong tác phẩm văn học nổi tiếng Tội ác và Hình phạt (Преступление и наказание) của nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky, nhân vật Raskolnikov sau khi gây thảm án sát nhân đã tự kết án mình: “Hình phạt dành cho tội ác không chỉ là chịu án tù đày, mà là nỗi nhức nhối dai dẳng, cắn xé nội tâm, cho đến khi nhận thức được rằng, mình đã giết chết nhân phẩm của chính mình.” Và Sonya, xuất hiện như một Nữ thánh Thiện lương giữa đời thường, trao password, giúp chàng mở túi gấm hạt giống tâm hồn. Raskolnikov tự gieo, tái sinh lòng lương thiện.
2. Thẻ Đảng không thể là bằng cấp chứng nhận lòng yêu nước. Càng không phải là Giấy Chứng minh Đạo đức. Tấm thẻ đó chỉ thể hiện lời thề chân thực hay giả trá của một cá nhân đối với lý tưởng tự chọn.
Nhân dân lập đền thờ các vị Tiền nhân, để chiêm bái Chí khí nhân kiệt hóa ngọc phi vật thể. Nhân dân không bái lạy vì nhân vật đó có Chứng thư Sắc phong do Vương triều quá vãng vinh danh.
Nhân dân biết Thủ phạm Hại dân, Bán nước từng thời kỳ.
Bia đá mòn, vỡ, tàn hoại trên dòng thời gian. Ký ức lịch sử là vĩnh cửu.
Không có không gian tâm linh nào được Thượng Đế quy hoạch làm thị trường mua bán sự lương thiện. Và nếu, Điạ ngục – Thiên đường là không gian địa lý có thật, thì ở đó, không hề căn cứ vào Thẻ Đảng, Nghị quyết, Quan điểm của Trung ương, làm cơ sở “Giảm nhẹ” hay “Tăng nặng” hình phạt.
Đọa mệnh địa ngục là một trạng thái tâm lý tự thân và nhãn tiền. Từ hệ quy chiếu nhân văn, nhà tù không hề bó khung trong bốn bức tường cách ly và tội ác không chỉ khấu trừ bằng số tháng năm thụ án.
3. Phạm vi điều chỉnh và ảnh hưởng của đạo đức trong đời sống cộng đồng rộng hơn pháp luật.
Pháp luật chỉ là mẫu số chung tập hợp đa số các hành vi đạo lý. Đa số không phải là tất cả. Bởi vậy, trong cuộc sống hướng thiện của nhân loại, đạo đức luôn hiển hiện, tác sinh ý thức và hành vi của mỗi người.
Bất kỳ thể chế chính trị nào, người sử dụng quyền lực phải ý thức được rằng: Di chứng Tội ác của Bạo quyền và Di huấn của Lịch sử về Nhân văn, chiết xuất từ nước mắt Dân oan, không bị chi phối bởi quy định về Thời hiệu và Thời hạn của Luật pháp.
Đất cãi, kẻ sĩ và nhà chính trị
Nguyễn Hoàng Văn
Từng được xem là người Quảng Nam xôm tụ nhất về chính trị, ông Nguyễn Xuân Phúc bây giờ lặng lẽ, hẩm hiu và có lúc, thậm chí, cứ thấp thỏm thân cá phơi ngang mặt thớt theo những tin đồn, ngay giữa một “siêu cường quốc tin đồn”. [1] Ông ta, nói không ngoa, trông chẳng khác một tô mì Quảng chẳng ai buồn động đũa bởi sự dở dang, chưa là phở mà cũng đã hết là mì, lại bốc cả mùi.
Nhưng sao lại mang mì ra so cựu chủ tịch? Tôi xin bắt sang chuyện khác, của ông Phan Lạc Phúc, nguyên là Chủ bút tờ Tiền Tuyến của Quân đội Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), được nghe kể cách đây gần một phần tư thế kỷ, ngay lần đầu gặp mặt. Cùng là khách mời, nghe chủ tiệc giới thiệu rồi nghe giọng Quảng Nam của tôi, ông vồn vã bắt chuyện, kể vanh vách một loạt bạn bè xứ Quảng như nhà thơ Tường Linh, vốn là thuộc cấp, v.v. nhưng, gây ấn tượng mạnh nhất, lại là người mà ông chỉ nghe… cãi một lần, ông Lê Đình Duyên.
Ông Duyên là con trai Bác sĩ Lê Đình Thám, một trong những nhân vật hàng đầu của Phong trào chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1940, cũng là em trai nhà cách mạng Lê Đình Dương. Thời thế đẩy đưa, Bác sĩ Thám tập kết ra Bắc nhưng ông Duyên ở lại, trở thành một nhân vật chủ chốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) ở Quảng Nam, sau trở thành Thượng nghị sĩ Quốc hội VNCH.
Chuyện diễn ra vào giữa thập niên 1950 khi VNQDĐ Quảng Nam, vì bất mãn với chính phủ Ngô Đình Diệm, lên núi lập chiến khu để rồi, sau một thời gian, bắt tay hòa giải và ông Phúc là sĩ quan trong đơn vị giám sát cuộc trở về của nhóm ly khai do ông Duyên cầm đầu tại La Tháp. Khi nguyên tỉnh trưởng Hồ Ngận tuyên bố tiếp nhận lực lượng VNQDĐ “trở về quy thuận với chính phủ”, ông Duyên sang sảng cắt ngang, lớn giọng đòi hỏi ông Ngận rút lời: “Chúng tôi trở về để hợp tác với chính phủ, nếu chính phủ xem chúng tôi là những thành phần quy thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục lên núi chiến đấu.”
Phản ứng gay gắt đó đã khiến viên tỉnh trưởng xin lỗi và, khi kể lại chuyện này, ông Phúc tỏ ý thán phục “tiết tháo” của ông Duyên, tấm tắc là “lẫm liệt lắm, anh hùng lắm”. Mà không chỉ một lần. Kể từ đó, trong vòng hơn hai mươi năm, tôi có dịp gặp ông mấy lần nữa và, lần nào cũng vậy, cứ nghe giọng nói của tôi sau mấy phép tắc xã giao là ông nhắc lại chuyện cũ mà quên là đã kể qua rồi.
Ấn tượng tạo ra phải cực kỳ mạnh nên ông Phúc mới thán phục suốt cả phần đời còn lại, cứ gặp một người Quảng là tấm tắc “lẫm liệt lắm, anh hùng lắm” về người Quảng mà ông chỉ mới nghe cãi một lần, cái tính cách mà, trước đây, tôi đã từng bàn đến trong “Mì Quảng không biết cãi”:
"Hay cãi" trong chuyện nước non thế sự, người Quảng thể hiện những thiên hướng chính trị và đất Quảng là đất của những người say mê chính trị. Tuy vậy, hiếm có người Quảng nào thành công thật chói chang về chính trị. Có thành công, cái sự thành công hiểu ở những dấu ấn hay di sản để lại trong lịch sử, họ cũng chỉ thành công như những nhà cách mạng, những chiến sĩ đấu tranh, những kẻ nhập cuộc chỉ để "thành nhân". Trong vai trò của những nhà chính trị chuyên nghiệp, nếu không thất bại thì, thường, họ cũng lâm vào cái cảnh lấn cấn, dở dang.
Thực vậy. Nếu cách mạng ngụ ý một vận động thay đổi tận gốc rễ thì chính trị lại ngụ ý một trò chơi thoả hiệp. Như những kẻ đi làm cách mạng, những người thẳng thắn đứng lên để chất vấn, để "cãi" cho đến rốt ráo tận cùng về những giá trị gốc rễ của nền tảng chính trị đương thời, ít ra họ cũng để lại những dấu ấn đậm nét nào đó trong lịch sử. Như những thế hệ đã đấu tranh để "duy tân", "duy tân" từ đầu tóc, vạt áo cho đến những vần chữ mới, chẳng hạn. Như một Phan Châu Trinh với những ý tưởng về dân quyền, một ý niệm hoàn toàn mới trong một xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, chẳng hạn. Nhưng khi băng mình vào một trò chơi chính trị thì kẻ nhập cuộc nào cũng đã ký một khế ước thoả hiệp với những giá trị nền tảng của thể chế chính trị đương thời, có đấu tranh để thay đổi, họ chỉ hướng tới những thay đổi lông bông tiểu tiết ở cấu trúc thượng tầng thế thôi.” [2]
Đâu đó, ông Duyên còn được nhắc tên trong tài liệu “tố cáo tội ác” mà tôi không có điều kiện kiểm chứng nhưng vấn đề chính ở đây là ấn tượng tạo ra từ một lần cãi. Nếu thỏa hiệp thì, giữa lúc đang mệt nhọc rút quân từ trên núi về, ông ta đã không làm ầm lên với chuyện chữ nghĩa nhưng có vậy thì ông Phúc mới thán phục đến hết đời người. Mà, xem lại những người Quảng thì, càng tiến xa trong chính trị, họ càng ít cãi và, do đó, càng khiến chúng ta kiệm ước câu “lẫm liệt, anh hùng” hơn.
Như ông Võ Chí Công, người Quảng Nam đầu tiên làm chủ tịch nước. Trong góc độ lịch sử thì thành công của một nhà chính trị không nhất thiết là quyền lực đạt đến mà, quan trọng hơn, là những cải cách đã tiến hành, những khác biệt đã tạo ra, những cảm hứng đã gợi nên, những niềm tin đã xây dựng và những di sản để lại mà, trên khía cạnh này, ông ta là người… vô sản. Không tự đưa ra một chính sách nào, ông ta, theo một nhà quan sát nước ngoài, chỉ là một “nhân vật nhạt nhòa” bởi cả cuộc đời chỉ biết cắm đầu “thực hiện chính sách do người khác định đoạt.” [3]. Ông, thậm chí – trong vai trò Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nông nghiệp kiêm Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam từ năm 1976 – còn trực tiếp gây ra tình trạng đói nghèo cho cả dân tộc, một thời. Ông Công này, do đó, đã không… Quảng Nam bằng đảng viên dưới cơ ở miền Nam, những người đã dám… cãi, dám trì hoãn cái đường lối mang lại đói nghèo để tạo ra sự khác biệt.
Thời trẻ ông làm cách mạng, hết trẻ thì cầm quyền. Mà để thành công trong trò chơi quyền bính thì phải bè đảng, phải thỏa hiệp và, có khi, phải thay trắng thành đen, như có thể thấy trong vụ “Năm Châu – Sáu Sứ”. Đó là âm mưu vu khống Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Trà tội đảo chính để có cớ hạ bệ, tống giam mà, trong Bên Thắng Cuộc II, Quyền Bính, nhà báo Huy Đức đã kể rất rõ qua câu chuyện của ông Võ Viết Thanh, người đã, trong vai trò Thứ trưởng Nội vụ, bí mật bắt giam Sáu Sứ và làm rõ trắng đen:
‘Theo ông Võ Viết Thanh, ngày 23-6-1991, khi đại biểu đã được triệu tập về Hà Nội: “Trước phiên họp cuối cùng của Hội nghị trù bị, Hồng Hà, Chánh Văn phòng Trung ương đưa tôi miếng giấy, ghi: ‘Đề nghị đồng chí Võ Viết Thanh đến giờ giải lao ra gặp Bộ Chính trị và Ban Bí thư có việc riêng’. Tôi tới phòng làm việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm nói ngắn gọn: ‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo đồng chí hai nội dung. Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính trị: Đồng chí là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng, nhưng rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai việc: Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khoá VII”.
Ông Võ Viết Thanh nói: “Tôi hết sức bất ngờ. Khi nghe xúc phạm đến ba má tôi thì tôi không còn kiềm chế được. Trong cặp tôi lúc đó có một khẩu súng ngắn, tôi đã định kéo khoá, rút súng ra bắn chết cả ba ông rồi tự sát. Nhưng, tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi cố nuốt cơn tức giận”. Cho dù giữ mình để bảo vệ Đại hội, tương lai chính trị của ông Thanh đã coi như khép lại. Ông Võ Viết Thanh nói: “Nếu tôi cứ nghe lời khuyên, kết luận giống như bản báo cáo của Nguyễn Đức Tâm, thì tôi sẽ được thăng chức, đề bạt nhưng rồi tôi lại phải dấn vào bước thứ hai là ra lệnh bắt oan tướng Trà và tướng Giáp. Làm thế, thì lương tâm sẽ giết dần, giết mòn tôi”. [4]
Đành rằng chính trị là thủ đoạn nhưng nếu bọn đạo tặc cũng có tiết nghĩa của mình thì, trong câu chuyện này, ông ta cũng hoàn toàn… vô sản. Không vu khống được hai đồng chí ngang ngửa hay trên cơ mình thì trả thù, bằng cách vu cáo cha mẹ của kẻ đàn em phá bĩnh dưới cơ. Sống thế thì, khoan nói đến câu “lẫm liệt, anh hùng”. Chỉ chữ “thành nhân” thôi, cũng thấy sao mà khó!
Đến một Nguyễn Xuân Phúc dở dang. Được Nguyễn Tấn Dũng đưa từ Quảng Nam về Hà Nội làm cánh tay mặt cho mình, ông Phúc đã bắt tay với Nguyễn Phú Trọng để lật Dũng. Đồng ý là trong chính trị không có sự trung thành vĩnh viễn nhưng ít ra cũng phải có một một lằn ranh đỏ nào đó cho “đạo đức chính trị” chứ? Tệ hơn, trong những cáo buộc tham nhũng, ông ta còn vượt qua lằn ranh đỏ nhất khi xem tình trạng khẩn cấp của quốc gia, trong đại dịch, như là cơ hội làm tiền, bất chấp ý kiến của giới chuyên môn. Đây thực sự là một tội ác tày trời, không bị nguyền rủa đời đời là may, đừng nói tới câu “lẫm liệt, anh hùng”.
Rồi Nguyễn Bá Thanh, viên bí thư inh ỏi của Đà Nẵng, thành phố có vị trí đặc biệt nhất trong lịch sử: có đánh chiếm Việt Nam, Pháp cũng tấn công Đà Nẵng trước mà có đổ quân vào Việt Nam, Mỹ cũng đổ vào Đà Nẵng trước. Vậy mà bao nhiêu vị trí phòng thủ trọng yếu của thành phố, gần như, bị ông ta bán sạch cho Trung Quốc rồi rộng rãi “phóng tài hóa mãi nhân tâm” với những nước bài chính trị dân túy và, từ đó, gần như trở thành một “huyền thoại sống”. Ông ta được Nguyễn Phú Trọng chú ý, đưa ra Hà Nội làm Trưởng Ban Nội chính nhằm đối phó với Nguyễn Tấn Dũng. Xem như là đầu gà trở thành đuôi trâu thế nhưng, chưa gì, mới sắp thành đuôi trâu thôi, ông ta đã hống hách như đã là… đầu trâu, đe dọa sẽ “hốt hết” và cười cợt những đối thủ là “đang run”. [5]
Ông ta, do đó, đã tréo ngoe như thể vai chính của tuồng chèo mà lại sang sảng “Như ta đây là…”. Chèo là của đất Bắc và những tuồng chèo, chủ yếu, xoay quanh chuyện thế thái nhân tình với những mưu toan hãm hại trong bóng tối còn ông ta, mới chuẩn bị băng vào cuộc chiến thâm cung, bao nhiêu ý đồ trong đầu đã tuôn ra hết bấy nhiêu như trên tuồng hát bội. Nhưng hát bội, như là sản phẩm của đất Quảng Nam – Bình Định thời khai phá với bao nhiêu thách thức trước mặt cần phải hợp quần, cần phải xoáy sâu vào đề tài tiết nghĩa – anh hùng để chường mặt ra đối phó, cái kiếu trình diễn mạnh bạo nơi trận tiền này không hề phù hợp với tuồng tích của những âm mưu toan ám hại nhau giữa chốn hậu trường.
Nhưng trong trò chơi tham nhũng đó thì ông ta đâu hề vô nhiễm mà đối thủ của ông ta cũng đâu phải là hạng học trò? Nên khán giả không phải chờ lâu. Chỉ mới múa may bộ điệu đâu một tuần thì ông ta bị… phản đòn, với quyết định thanh tra của chính phủ vì đã làm cho ngân sách “thất thu hơn 3400 tỷ đồng”. [6]
Làm chính trị mà như quảng cáo gánh hát, bao nhiêu trò hay phô ra hết bấy nhiêu, ông ta có thua trắng trong trò chơi quyền bính cũng là điều dễ hiểu. Ông ta chỉ là nhà chính trị địa phương với cốt cách cường hào chứ chưa hề thể hiện phong thái của một chính khách quốc gia. Cứ xem cái lối ông ta nói chuyện với các đảng viên dưới quyền, qua các video clip phổ biến lan tràn trên internet, có khác nào cốt cách của một viên lý trưởng giữa đình? Mà để cân xứng với chính trị, ông ta còn thể hiện tầm mức trọc phú về văn hóa qua cây “Cầu Rồng” lòe loẹt và đồng bóng ở thành phố lớn nhất miền Trung. [7]
Ba nhân vật Quảng Nam từng xôm tụ trên chính trường quốc gia, xem ra, đã bị… hỏng cả ba. Làm chính trị thì phải biết nhượng bộ nhưng không được bán rẻ mình mà ở đây thì họ bán, vì quyền lực, vì tiền, thậm chí là thứ tiền tanh mùi máu. Còn như cứng rắn, không thỏa hiệp, thì chỉ là một thứ “đặc sản” địa phương, hãnh tiến và ngạo mạn, rặt giọng cường hào.
Nhìn lại lịch sử thì có lóe sáng trên tầm cỡ quốc gia, những con người đất Quảng bao giờ cũng sáng lên như những con người tiết tháo và danh dự mà thế đứng luôn nằm về phía vận nước, lẽ phải và người yếu thế bị cường quyền chà đạp. Những Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Lê Đình Dương, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, v.v. và, gần với chúng ta hơn cả, là Nguyên Ngọc. Nhà văn này đã chứng tỏ tiết tháo khi nỗ lực vận động đổi mới văn học vào năm 1979 bị thế lực bảo thủ đè bẹp và, suốt một thập niên qua, còn kiên trì đối đầu với những áp lực nặng nề cũng với khát khao đổi mới văn học để, từ đó, đổi mới đất nước và con người, qua Văn Đoàn Độc Lập. [8]
Sừng sững trong những cái tên đó là Phan Châu Trinh, nhà cách mạng với một nhân cách vĩ đại mà sự ra đi vào năm 1926, dẫu bị cấm đoán và đàn áp, đã tự động trở thành quốc tang, gây ảnh hưởng cả một thế hệ. Nếu chọn đúng con đường chấn hưng dân khí – dân trí mà ông đã vạch thay vì chém giết nhau bằng khẩu hiệu bạo lực từ nước ngoài, đất nước chúng ta ngày nay đã khác: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.
Thì “học” nhưng, thật đau đớn, với thực trạng hiện tại thì để có một sự học tử tế, khả dĩ giúp đất nước khá hơn, còn phải thực hiện một cuộc cách mạng khác, riêng cho giáo dục. Nghĩa là, càng nhìn vào thực trạng đất nước trên mọi mặt, càng thấy cái giá cực kỳ đắt mà dân tộc phải trả cho cái cuộc cách mạng mà Phan Châu Trinh đã cảnh cáo từ đầu.
Tài liệu tham khảo:
1. Có một dạo dồn dập tin đồn “Nguyễn Xuân Phúc sắp bị bắt. Về siêu cường quốc tin đồn xem:
https://vanviet.info/van-de-hom-nay/siu-cuong-quoc-tin-don/
2. https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=491
3. “… a colourless figure, who spent his life following policies determined by others.”, The Times, Nov 15th, 2011
https://www.thetimes.com/article/vo-chi-cong-t98ft0pgtbh
4. Theo tố cáo thì Võ Nguyên Giáp muốn đảo chính để lên làm chủ tịch nước rồi tổng bí thư, đưa Trần Văn Trà lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Võ Viết Thanh đã bí mật bắt giam Nguyễn Thị Sứ (Sáu Sứ) và bà này đã khai ra hết!
Huy Đức (2012), Bên Thắng Cuộc Tập II. Quyền Bính, nhà xuất bản OSINBOOK, tr. 134-178.
6. https://www.nguoiduatin.vn/dieu-tra-vu-that-thu-hon-3400-ty-dong-o-da-nang-20465582.htm
7. https://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=7
8. https://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2180&rb=0102
và:
Năm năm mới bấy nhiêu ngày
Nguyên Ngọc
Gánh nặng ngân sách đè lên lưng nền kinh tế, khiến cho sức chịu đựng đã đến điểm giới hạn. Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1,75 triệu tỷ đồng, mà chi ngân sách đã lên đến 1,73 triệu tỷ đồng. Cho nên, chuyện gì đến phải đến: Nghị định 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/11/2024, quy định ngoài Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các hội đoàn nhà nước phải “Tự đảm bảo kinh phí hoạt động” (Điểm 3, Điều 5, Chương 1). Nói trắng ra, là Nhà nước không “nuôi anh em chúng ta” nữa. Chúng tôi thấy cần đăng lại ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc đã công bố trên Văn Việt cách đây năm năm về chuyện nhà nước dùng tiền thuế để nuôi Hội Nhà văn. Văn Việt |
Vậy mà đã tròn năm năm kể từ cái hôm, hẳn chúng ta đều còn nhớ rõ, trong một căn vườn thật đẹp, rợp mát bóng cây, giản dị và thanh nhã, không xa trung tâm Sài Gòn mà lại rất yên tĩnh – một số anh chị em cầm bút chúng ta ngồi lại cùng nhau và quyết định cho ra đời Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam. Một dịp sinh nhật như thế này thường là để cùng nhau nhìn lại mình, xem cái nhóm hay cái “đoàn” này năm năm vừa rồi đã làm được những gì, hay dở ra sao, và tính xem sắp tới cần và nên làm gì nữa đây… Chắc việc đó là cần thiết, và những ngày này nhiều anh chị trong chúng ta cũng đã suy nghĩ. Riêng tôi ngoài chuyện đó, tôi muốn nghĩ thêm về đôi điều khác, có thể hơi lẩn thẩn một chút, nhưng mà suy cho kỹ có thể lại cũng là cần. Chẳng hạn như câu hỏi tại sao giữa một xã hội đang răm rắp sít sao một bề như ai cũng biết, ta lại bỗng chơi trò đi lập ra một cái “đoàn” gọi là “độc lập”. Và vậy thì thực chất cái ta gọi là độc lập đó là gì, nói như các nhà khoa học, ta nên “định hình” nó như thế nào, hoặc cho ra giọng hàn lâm, “bản sắc” nó là gì… Hóa ra có thể có không ít câu hỏi không đơn giản về cái việc ta đã làm, đang làm, ít nhất là trong một xã hội như ta đang sống. Continue reading “Năm năm mới bấy nhiêu ngày”
Tiếng Việt từ TK 17: số đếm và thanh điệu (phần 48A)
Nguyễn Cung Thông[1]
Phần này bàn về thanh điệu trong số đếm từ thời các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo, đặc biệt là qua dạng chữ quốc ngữ từ thời bình minh của loại chữ này. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Sau đó bàn thêm về các số đếm lớn hơn như trăm, nghìn (ngàn), muôn (man, vạn, vàn) và vết tích của chúng qua các tài liệu cổ đại, đặc biệt là qua cấu trúc chữ Hán theo thời gian. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu bằng chữ Nôm của LM Maiorica như bộ Các Thánh Truyện, Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông… Các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), v.v. Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ, Khme cổ…). Trước hết, hãy xem một thí dụ về số đếm đơn giản như số 5 (5 ngón tay, 5 ngón chân) trong vài ngôn ngữ quen thuộc. Để diễn tả một đơn vị khối lượng nhỏ có thể chứa trong lòng bàn tay thì tiếng Anh dùng danh từ handful: hand là bàn tay, -ful là đầy (full) hàm ý đầy bàn tay. Tương tự như thế, tiếng Pháp cũng dùng danh từ poing (bàn tay, Old French) để cho ra dạng poignée, v.v. Khác với loại hình ngôn ngữ chắp dính hay hoà kết (td. Anh, Pháp…), tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu nên dùng số 5 hay năm, rồi thêm vào thanh sắc để cho ra dạng nắm (> núm, nạm) hay nhắm (VBL, xem hình bên dưới): một nắm gạo, nắm xôi… Ngoài ra, nắm còn là động từ dùng bàn tay để giữ chặt lại. Các phụ âm đầu lưỡi n – đ có thể hoán chuyển cho nhau để từ nắm cho ra (cú) đấm. Trong ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian), rất thường gặp cách dùng danh từ chỉ số năm (lima, rima) để chỉ (cái) tay[2].
Continue reading “Tiếng Việt từ TK 17: số đếm và thanh điệu (phần 48A)”
Ngưỡng thấp của văn học Việt Nam
Phạm Xuân Nguyên
Sau 50 năm từ khi chiến tranh kết thúc (1975), thống nhất đất nước, và gần 40 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đang bước vào nhóm các nước có ngưỡng trung bình cao trên thế giới.
Còn văn học Việt Nam đang ở ngưỡng nào của thế giới?
Câu trả lời của tôi là: Ở ngưỡng thấp, dưới trung bình.
1
Trong nửa thế kỷ qua tác phẩm văn học Việt Nam được dịch nhiều nhất, được biết đến nhiều nhất trên thế giới là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Sau khi xuất bản năm 1990 và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm1991, Nỗi buồn chiến tranh được các dịch giả Phan Thanh Hảo, Võ Băng Thanh và Katerina A. Peirce dịch sang tiếng Anh và xuất bản đầu tiên năm 1992 tại Nxb Martin Secker&Warburg (Anh). Từ bản dịch tiếng Anh đó nhiều bản dịch Nỗi buồn chiến tranh sang các thứ tiếng khác đã được thực hiện, cho tới nay theo con số chưa đầy đủ Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ở hơn hai chục ngữ. Nó trở thành tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam trên thế giới. Năm 2008 tôi có bài tổng quan về sự tiếp nhận tác phẩm này ở Mỹ cho thấy nó được đánh giá rất cao, có người xếp ngang với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Đức E. R. Remaque. Bản dịch Nỗi buồn chiến tranh gần đây nhất là bản tiếng Trung của dịch giả Hạ Lộ, PGs. Ts văn học Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhà văn hàng đầu của văn học Trung Quốc hiện nay Diêm Liên Khoa trong bài giới thiệu đã đánh giá Nỗi buồn chiến tranh cực kỳ cao. Ông đặt tên bài viết của mình là Tầm cao của văn học chiến tranh Phương Đông. Ông viết:
“Tôi với tư cách là một tiểu thuyết gia đã có đến 26 năm trong quân đội, đọc xong tiểu thuyết này, cảm giác mãnh liệt nhất, đó chính là giả sử ngay từ cuối những năm 80 hoặc muộn hơn một chút vào đầu những năm 90, chúng ta có thể dịch Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung thì nhận thức của chúng ta đối với văn học Việt Nam sẽ không đến nỗi phong bế và hạn hẹp như hôm nay; văn học quân đội Trung Quốc cực kỳ cũ kỹ và trì trệ hôm nay cũng nhất định sẽ không bảo thủ, bó chân và tụt hậu như vậy. Thậm chí có thể nói, nếu như có thể kịp thời dịch và giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, văn học quân đội Trung Quốc ngày ấy và bây giờ đều rất có thể đã mang một cảnh sắc và sinh khí khác.
Nghiền ngẫm Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là một tiểu thuyết chiến tranh phương Đông trong bối cảnh văn học thế giới và so sánh nó với dòng văn học chiến tranh mà chúng ta có thể đọc được của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu tầm cao của một thứ văn học mới. Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có trong những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mĩ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lý giải và tình yêu đối với con người, những suy tư về nhân tính, hiếm có cả trong biểu đạt nghệ thuật – một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với một nhà văn.” (Thiên Thai dịch từ tiếng Trung).
Một nhà văn Việt Nam tiêu biểu khác có tiếng vang ra thế giới là Nguyễn Huy Thiệp (1950/2021). Tác phẩm của ông cũng đã được dịch ra một số thứ tiếng. Riêng ở Pháp, và chủ yếu ở Pháp, Nguyễn Huy Thiệp được dịch nhiều nhất. Đặc biệt Éditions de l’Aube, một nhà xuất bản tư nhân nhỏ tại Paris, đã cho dịch gần như toàn bộ các tác phẩm truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Pháp. Éditions de l’Aube thành lập năm 1987, chủ trương dịch và in sách của các tác giả ở các “nền văn học nhỏ” và các tác giả “có triển vọng”. Trong danh mục sách của Nxn này có sách của các tác giả Iran, Afghanistan, Trung Quốc, Algérie, Việt Nam (ngoài Nguyễn Huy Thiệp còn có Tô Hoài, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Bão…). Ngoài ra, còn có rất nhiều tên tuổi lẫy lừng trên thế giới (Václav Havel, Cao Hành Kiện, Tony Blair…).
Chính d’Aube trong một tham vọng của mình, được khích lệ bởi thành công trước đó với Cao Hành Kiện – nhà văn Pháp gốc Trung Quốc từng in những tác phẩm dịch ra tiếng Pháp đầu tiên ở đây về sau đã được giải Nobel văn chương (2000), chính d’Aube đã gợi ý Nguyễn Huy Thiệp viết tiểu thuyết (trước 2013 giải Nobel văn chương trao cho nhà văn là phải có tiểu thuyết). Được sự thúc đẩy ấy Nguyễn Huy Thiệp đã viết tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu và nhanh chóng khi bản tiếng Việt chưa in/chưa được in trong nước thì bản thảo đã có bản dịch tiếng Pháp in tại Paris. Éditions de l’Aube đã chọn đó là cuốn sách thứ 1000 kỷ niệm 18 năm hoạt động của mình. Dịp ra mắt sách Tuổi hai mươi yêu dấu Nguyễn Huy Thiệp đã được mời sang Paris giao lưu và ký sách (tôi khi ấy đang ở Pháp có đến dự). Khi Nguyễn Huy Thiệp mất, nhà văn Linda Lê (1963/2022) trong bài viết tưởng nhớ có tên Sự biến mất của kẻ gây hấn đã đánh giá: “Dù nói về tình yêu đất nước, nỗi thương nhớ đồng quê hay những mưu mô trong cung đình hoặc thậm chí là về thơ, Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ mình là một người bài thánh rung lên hồi chuông, một nhà văn có con mắt linh miêu, một nhà mổ xẻ sắc bén đã thọc mũi dao vào lõi của sự thỏa hiệp, một nghệ sĩ đi rất sát với hiện thực để cười nhạo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, một người kể chuyện không là tiền quân cũng không là hậu quân, người không phải là nhà tiên tri ở đất nước mình. Sự biến mất của Nguyễn Huy Thiệp là sự biến mất của một kẻ nổi loạn đã biến văn chương của mình thành sự gây hấn.” (Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp)
Trên đây là hai nhà văn nổi tiếng nhất Việt Nam thời Đổi Mới đã được dịch nhiều nhất ra thế giới (một người là một cuốn tiểu thuyết, một người là các truyện ngắn). Từng nghe ồn là cả hai ông đã có được đề cử giải Nobel văn chương. Thực hư thế nào phải đợi đến năm mươi sau khi thông tin này được Uỷ ban Nobel giải mật thì mới rõ. Chỉ biết Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp qua các bản dịch đã được độc giả thế giới biết đến, nhưng là được biết đến trong một cộng đồng văn chương hẹp.
2.
Tôi nói một cộng đồng văn chương hẹp là nhìn rộng ra cả thế giới. Văn học châu Á chưa phải là khu vực nổi bật. Trong châu Á thì văn học Đông Nam Á càng rất thiểu số. Văn học Việt Nam đi ra thế giới nằm trong thiểu số đó.
Có hai trở ngại trên con đường văn học Việt Nam xuất ngoại và tạo dấu ấn.
2.1. Thứ nhất là chất lượng tác phẩm. Nửa thế kỷ qua văn học Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đã có những bứt phá so với chính mình về nội dung và nghệ thuật, đã có những tác giả và tác phẩm tạo được bề nổi. Có thể nói văn học Việt Nam năm mươi năm (1975/2025) là một thời kỳ phát triển mới, đa dạng phong phú hơn nhiều so với thời kỳ trước đó. Nhưng nói thực đó vẫn là nền văn học chưa VƯỢT ĐƯỢC NGƯỠNG MÌNH. Số phận dân tộc Việt Nam thế kỷ XX chứa đựng trong mình những chấn thương lịch sử ghê gớm, khủng khiếp mà văn chương chỉ mới gãi ngoài da. Nhà văn Việt Nam cả trong nước và ngoài nước, cả bên này bên kia, đều chưa vượt thoát lên được tầm dân tộc, chưa nói đến tầm nhân loại, để suy nghĩ về người Việt nước Việt trong lịch sử tàn khốc xảy ra trên đất nước này thế kỷ vừa qua. Chiến tranh trong văn học Việt Nam vẫn là chiến tranh được/bị nhìn từ một phía. Lịch sử vì thế cũng là lịch sử nghiêng về một bên, một phe. Con người trong chiến tranh vẫn là con người phiến diện. Những tác phẩm thời hậu chiến đã có sự mở rộng đề tài và khơi sâu nội dung để cái viết về chiến tranh nhiều chiều lớp, nhiều vỉa tầng hơn, sát thực với hiện thực hơn, tuy nhiên vẫn không chạm được mấy tới những chấn thương lịch sử của dân tộc. Những cái viết khác ngoài chiến tranh thì thường hời hợt. Tóm lại, chấn thương của người Việt trong chiến tranh và trong đời sống hiện đại đều đang nhạt nhoà trong văn chương người Việt. Một hạn chế nữa của văn chương Việt Nam là cách viết vẫn nặng chủ nghĩa hiện thực, hầu như không có những thế giới tưởng tượng phi thực trong tác phẩm. Văn chương đó ra thế giới khó gây được sự chú ý của độc giả nước ngoài là điều dễ hiểu. Nhất là khi đặt cạnh những tác phẩm của những tác giả châu Á khác tạo được tên tuổi trong bản dịch. Phá bỏ trở ngại thứ nhất này là điều kiện cần để văn học Việt Nam đủ tầm vươn ra thế giới.
2.2. Trở ngại thứ hai là dịch thuật – điều kiện đủ để văn chương vượt biên giới quốc gia. Nghệ thuật ngôn từ, khác các loại nghệ thuật khác, dùng chất liệu là lời nói, từ ngữ, mà loài người từ khi bị Chúa phá tháp Babel thì đành phải thông qua dịch mới hiểu nhau. Nói rằng chúng ta không quan tâm việc dịch văn chương tiếng Việt ra các ngoại ngữ thì không đúng. Nhưng đó là một sự quan tâm nửa mùa, được chăng hay chớ, không liên tục, hệ thống, đặc biệt là không có một CHIẾN LƯỢC DỊCH VĂN CHƯƠNG VIỆT RA NƯỚC NGOÀI TẦM QUỐC GIA. Hội Nhà văn Việt Nam đã bốn lần được nhà nước rót nhiều tiền để mở hội nghị quảng bá văn học Việt Nam. Hội nghị rùm beng rình rang kéo từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, tiệc lớn tiệc nhỏ, khách ba chủ nhà bảy, dịch giả nước ngoài thì ít, lại không tinh, cuối cùng tan cuộc là tan trò, “đầu voi đuôi chuột”. Sau mấy cuộc quảng bá như thế không ai tổng kết xem đã có bao nhiêu tác phẩm văn chương Việt được dịch ra những thứ tiếng nào, dịch ra sao, tiếp thị thế nào trên văn đàn thế giới. Điều này tôi đã từng nói ngay khi những hội nghị đó đang diễn ra.
Thôi không nói chuyện đã xa, nói chuyện gần đây, bằng vào một trường hợp cụ thể ở một đất nước Đông Á. Nobel văn chương 2024 đã trao cho nhà văn Hàn Quốc Han Kang (sinh 1970). Các nhà phê bình văn học nhấn mạnh rằng các chủ đề phổ quát kết hợp với những chấn thương lịch sử của Hàn Quốc như Cuộc khởi nghĩa dân chủ Gwangju ngày 18 tháng 5 (1980) và Cuộc khởi nghĩa Jeju ngày 3 tháng 4 và vụ thảm sát (1948-1949) trong tác phẩm của Han Kang đã thu hút sự chú ý của cộng đồng văn học nước ngoài. Lời tuyên dương của Uỷ ban Nobel đánh giá Han Kang “bằng một thứ văn xuôi mang chất thơ mãnh liệt đã đương đầu với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người.” Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ muốn nói giải Nobel cho Han Kang là kết quả của cả một chiến lược tiếp thị văn hoá nghệ thuật Hàn Quốc ra toàn cầu mà chính phủ nước này đã thi hành từ lâu. Không có chiến lược đó không có sự bùng nổ của văn hoá K-Pop (âm nhạc, điện ảnh, thời trang, lối sống) như đã và đang thấy hiện nay trên thế giới. Không có chiến lược đó không có giải Nobel văn chương của Han Kang.
Hàn Quốc đã làm thế nào trong lĩnh vực văn học?
Han Kang may mắn có được hai dịch giả tiếng Anh và tiếng Pháp đưa tác phẩm của mình thành nổi tiếng thế giới. Đó là Deborah Smith, người dịch tiểu thuyết Người ăn chay (2007) từ tiếng Hàn sang tiếng Anh The Vegetarian (2015), giành giải thưởng Booker Quốc tế danh giá của Anh (2016). Và đó là Choi Kyung-ran và Pierre Bisiou đã dịch tiểu thuyết Không nói lời từ biệt từ tiếng Hàn sang tiếng Pháp Impossibles adieux giành giải thưởng Prix Medicis danh giá của Pháp (2023). Nhưng đằng sau các dịch giả này có sự hỗ trợ to lớn của hai tổ chức lo việc đưa văn chương Hàn Quốc xuất ngoại.
Đầu tiên là Viện Dịch thuật Hàn Quốc (Literature Translation Institute – LTI) do Chính phủ Hàn Quốc lập ra năm 1996 với mục đích quảng bá văn học và văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài. LTI Korea thường xuyên tài trợ cho hoạt động dịch thuật và xuất bản các tác phẩm tiếng Hàn để thúc đẩy hoạt động dịch thuật văn học Hàn Quốc chất lượng cao và đang thúc đẩy nhiều chương trình trao đổi ở nước ngoài nhằm tăng cường cơ sở xuất khẩu văn học Hàn Quốc và thiết lập mạng lưới cho các nhà xuất bản Hàn Quốc và nước ngoài. Viện cũng hoạt động để bồi dưỡng các dịch giả chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực dịch thuật văn học Hàn Quốc.
LTI có ba chương trình hoạt động chính là tài trợ dịch thuật, tài trợ xuất bản, và đào tạo dịch giả.
Chương trình tài trợ dịch thuật: Mỗi quý, LTI Korea lựa chọn và hỗ trợ cho các dự án dịch các tác phẩm văn học Hàn Quốc như tiểu thuyết, thơ, kịch, phi hư cấu, sách cho thanh thiếu niên, tiểu thuyết về giới và tiểu thuyết đồ họa. Mỗi đơn đăng ký được đánh giá dựa trên chất lượng bản dịch và tác phẩm gốc. Từ năm 2014, LTI Korea không hỗ trợ dịch toàn bộ tác phẩm gốc. Ban đầu, LTI Korea cung cấp khoản tài trợ cho bản dịch mẫu và khoản tài trợ cho phần còn lại của tác phẩm sẽ được cung cấp sau khi dịch giả và tác giả ký hợp đồng xuất bản với một nhà xuất bản quốc tế.
Chương trình tài trợ xuất bản: được cung cấp cho các nhà xuất bản nước ngoài đã mua bản quyền đối với các tác phẩm được dịch với sự hỗ trợ của LTI Korea. Từ năm 2014, LTI Korea cung cấp cả khoản tài trợ dịch thuật và xuất bản cho các nhà xuất bản nước ngoài đã mua bản quyền xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc đã được dịch.
Đào tạo dịch giả: đến nay LTI đã tổ chức được nhiều khoá học đào tạo các dịch giả văn học của 44 thứ tiếng, trong đó có các tiếng chính như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung, Nhật. Bên cạnh việc đào tạo LTI còn lập ra Giải thưởng dịch thuật văn học Hàn Quốc nhằm khuyến khích các dịch giả trẻ và đang hành nghề.
Tổ chức thứ hai là Quỹ Văn hóa Daesan (The Daesan Cultural Foundation – DCF), một quỹ chuyên về văn học đầu tiên và duy nhất trực thuộc một tổ hợp lớn của Hàn Quốc, và là một quỹ vì lợi ích công cộng trực thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Kyobo. Quỹ được thành lập ngày 28/12/1992 (tên gọi ban đầu là Quỹ Daesan) với mục đích đóng góp vào sự phát triển nền văn hóa dân tộc và sự toàn cầu hóa nền văn học Hàn Quốc. Giải thưởng Văn học Daesan, Chuỗi Văn học Thế giới Daesan và Cuộc trường chinh châu Á là những hoạt động nổi tiếng của Quỹ. Một trong những mảng hoạt động chính của DCF là Toàn cầu hoá văn học Hàn Quốc, trong đó tập trung hỗ trợ cho việc dịch thuật, nghiên cứu và xuất bản văn học Hàn Quốc trong các thứ tiếng. Tiêu chí ở đây là: HỖ TRỢ DỊCH VÀ XUẤT BẢN CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC HÀN QUỐC ĐÁNG ĐƯA RA TOÀN CẦU VÀ CÓ TIỀM NĂNG ĐƯỢC CÁC GIẢI THƯỞNG VĂN CHƯƠNG QUỐC TẾ. Có thể thấy rõ điều này ở Han Kang. Chỉ riêng các tác phẩm của Han Kang đã được hưởng lợi từ chín khoản tài trợ dịch thuật của DCF, bao gồm sáu đầu sách của bà bằng bốn ngôn ngữ. Bản dịch tiếng Anh cuốn tiểu thuyết Người ăn chay của Han Kang đã được DCF hỗ trợ từ năm 2014. Nhờ đó các tác phẩm của Han Kang đã có được những bản dịch tốt “củng cố vị thế của bà như một nhân vật văn học trên toàn cầu và làm tăng thêm sự quan tâm đến văn học Hàn Quốc trên toàn thế giới” như nhận xét của ông Kwak Hyo-hwan, cựu chủ tịch LTI Hàn Quốc. Khi biết tin Han Kang được giải Nobel văn chương 2024 ông nói: “Mặc dù tôi dự đoán đất nước cuối cùng sẽ có một người đoạt giải Nobel Văn chương, nhưng tôi thực sự ngạc nhiên khi điều đó xảy ra sớm hơn dự kiến. Bây giờ là lúc phải thực hiện những sự chuẩn bị cần thiết trong những năm tới để định hình tương lai của nền văn học Hàn Quốc trên trường quốc tế”.
Hai tổ chức này, LTI của Chính phủ và DCF của tư nhân, đã thành bệ đỡ cho các tác phẩm Hàn Quốc đi ra thế giới. Hơn 200 tác phẩm Hàn Quốc hiện được dịch hàng năm và kể từ năm 2010, các nhà văn Hàn Quốc đã giành được hai đến ba giải thưởng văn học quốc tế lớn mỗi năm, với một số năm đạt tới sáu hoặc bảy giải thưởng. Vào tuần trước, Bộ Văn hoá Hàn Quốc đã thông báo họ đã đảm bảo được một ngân sách cao hơn để hỗ trợ sách tiếng Hàn được dịch sau chiến thắng giải Nobel của Han Kang. Bộ này dự kiến sẽ chi 48,5 tỷ won (35,4 triệu đô la) để quảng bá văn học vào năm 2025, tăng 7,4 phần trăm so với năm nay.
Đặc biệt, Bộ Văn hóa đã phân bổ 7,66 tỷ won cho Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI). Trong số tiền này, 3,12 tỷ won sẽ hỗ trợ việc xuất bản sách dịch và 4,54 tỷ won sẽ dành cho việc quảng bá chúng. Ngân sách xuất bản tăng 800 triệu won trong khi ngân sách quảng bá tăng 450 triệu won. “Chính phủ luôn ủng hộ tác giả Han Kang về các tác phẩm dịch của bà, và khi trường hợp của bà thành công, chính phủ sẽ mở rộng hỗ trợ cho các tác giả địa phương và xây dựng một hệ thống dẫn đến thành công toàn cầu của họ”, Shin Eun-hyang, một viên chức chính sách nghệ thuật tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết. “Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một mạng lưới an toàn cho các nghệ sĩ và nhà văn để đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục với các tác phẩm sáng tạo của mình bất chấp những điều kiện khó khăn”.
Trông người lại ngẫm đến ta. Tôi xin nhắc lại một lần nữa: chúng ta không có một chiến lược khả thi đưa văn chương Việt Nam ra thế giới. Trước nay và gần đây vẫn có những nỗ lực của các cá nhân nhà văn nhà thơ và những hội nhóm văn chương dịch văn Việt ra nước ngoài, nhưng đó là những hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, ít tạo được tiếng vang. Cần một chiến lược quy mô quốc gia. Hãy nhìn vào Hàn Quốc và học tập họ.
1) Nhà nước cần phải lập ra một Viện dịch thuật văn chương Việt Nam như kiểu LTI. Phải đầu tư vào đó có bài bản, chương trình. Phải theo đuổi cho những tác giả được chọn có những bản dịch xứng đáng, khả dĩ có thể vào được các thị trường văn chương lớn. Tôi thấy hiện nay một nhà văn như Nguyễn Bình Phương là rất đáng để đầu tư dịch thuật và giới thiệu có hệ thống, bài bản.
2) Phải lựa chọn và ưu đãi những dịch giả cả trong nước và ngoài nước có khả năng cho ra những bản dịch văn chương chất lượng, có thể vươn tới những giải thưởng danh giá trên thế giới. Dịch giả An Lý là một người như vậy. Chị thuộc thế hệ 8x, đã có kinh nghiệm 15 năm dịch văn chương Anh-Việt với nhiều bản dịch các tác phẩm của các tác giả đương đại nổi tiếng thế giới. Tác phẩm dịch Việt-Anh đầu tay của chị là tiểu thuyết Chinatown của Thuận đã được nhận PEN Translates Award, một quỹ hỗ trợ các bản dịch chưa xuất bản của English PEN; vào chung khảo của các giải Republic of Consciousness Prize for Small Presses và giải National Translation Award, vào sơ khảo giải Warwick Prize for Women in Translation. Ngày 12/11/2023 An Lý đã trở thành dịch giả Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng uy tín National Translation Award của Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ (ALTA).
3) Lại cũng cần có sự chung tay của tư nhân, doanh nghiệp, lập ra những Quỹ văn chương như Quỹ Daesan. Cần kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào xuất khẩu văn chương Việt.
Đừng chạy theo những hội hè đình đám nữa, mà hãy đi vào thực chất. Hàn Quốc đã làm được thế mà họ còn coi giải Nobel của Han Kang như một sự khởi đầu. Tôi lại xin dẫn lời Kwak Hyo-hwan, cựu chủ tịch LTI Hàn Quốc: “Việc dịch thuật mất thời gian nhưng tôi thường nhấn mạnh đến sức mạnh của văn học. Văn học giống như một bản đồ địa hình phản ánh một thời đại hoặc một xã hội cụ thể. Một khi đã được dịch, nó không chỉ mang theo văn bản mà còn mang theo cả tinh thần của thời đại đó. Theo nghĩa đó, tác động mà nó sẽ có khi đến được với những đối tượng mới sẽ rất lớn. Giải Nobel đã đưa văn học Hàn Quốc lên vị thế trên sân khấu văn học toàn cầu, làm nổi bật ý nghĩa lịch sử và tinh thần sâu sắc, rộng lớn và phong phú của nó. Chúng ta không nên chỉ hài lòng với thành tựu này; chúng ta phải nỗ lực mở rộng và làm giàu nền tảng này. Các chính sách văn hóa cũng nên tập trung nhiều hơn vào khía cạnh này để các nhà văn mới có thể phát triển.”
Văn học Việt Nam cứ là nằm ở ngưỡng thấp, còn lâu mới lên được ngưỡng trung bình thế giới, nếu không dốc sức phá bỏ hai trở ngại nói trên. Các nhà văn hãy vượt qua chính mình và vượt qua những rào cản xã hội để sáng tạo ra những tác phẩm văn chương tiếng Việt chất lượng cao. Nhà nước hãy tạo điều kiện tốt nhất cho những tác phẩm đó có được hoá thân chất lượng cao trong các thứ tiếng khác. Còn không, kinh tế Việt Nam có thể vượt qua ngưỡng trung bình thu nhập, nhưng văn học Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng trung bình sự chú ý của thế giới.
Hà Nội, 26/11/2024
(Bài viết cho Hội nghị “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và Xu thế” nhưng không kịp gửi, cũng không đến dự, nên cũng không đọc hay phát biểu.)
Ngày 20.11 không phải ngày nhà giáo ăn mừng
Thái Hạo
Nay, người ta nô nức chúc mừng, ăn mừng vào “ngày nhà giáo Việt Nam 20.11” mà gần như quên đứt đi lịch sử cũng như nội dung, ý nghĩa của nó. Nhắc đến, có chăng chỉ là một thói quen thuần túy ngôn từ.
20.11 là ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Năm 1946, ở Paris người ta thành lập một tổ chức quốc tế các nhà giáo mang tên: “Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục” (Féderation International Syndicale des Enseignants) viết tắt là FISE. Ba năm sau đó – năm 1949, tại Warszawa, thông qua một hội nghị quốc tế, FISE đã xây dựng một bản THE TEACHERS’ CHARTER – Hiến chương các nhà giáo, gồm 15 chương.
Việt Nam tham gia vào tổ chức FISE từ năm 1953. 1957, tại Warszawa, hội nghị FISE gồm 57 nước tham dự, trong đó bao gồm Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Vậy, Hiến chương là gì? Là những nội dung ký kết giữa nhiều nước, trong đó quy định những nguyên tắc và thể lệ chung trong quan hệ quốc tế.
Báo VietnamNet (2017) đăng lời nhận định của một nhà giáo: “Hiến chương các nhà giáo, hiển hiện như một trong những văn bản tinh hoa, được soạn thảo bởi những cá nhân ưu việt, thấm nhuần những tư tưởng giáo dục tiến bộ, những giá trị vĩnh hằng, được sản sinh ra từ các nền giáo dục văn minh và từng trải. Nó không phụ thuộc vào thể chế chính trị, hay tôn giáo, sắc tộc nào cả. Chắc chắn nó như một ngọn hải đăng, soi sáng, hướng đạo cho mọi nền giáo dục, nhất là những nền giáo dục còn đang trưởng thành”.
Tóm lại, ngày 20.11 hay còn gọi là Ngày Hiến chương các nhà giáo, là ngày đánh dấu và kỷ niệm một một văn bản quan trọng bậc nhất của những người làm nghề giáo và giáo dục nói chung. Đọc vào bản Hiến chương này, chúng ta thấy tính chất đấu tranh của nó, nghĩa là sự ra đời của nó chính xác là sự đòi hỏi của các nhà giáo về các quyền và những giá trị cơ bản để làm nghề và, từ đó, xây dựng xã hội.
Nó không phải là một ngày hội, càng không phải là ngày để chúc tụng, ăn mừng. Nó là ngày để nhắc mỗi người hãy đọc lại bản Hiến chương, xem điều nào trong thực tế chưa được thực hiện và phải tranh đấu để nó trở thành hiện thực; nó nhắc mỗi nhà giáo về trách nhiệm và sứ mạng của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, nhắc mỗi người về sự tôn nghiêm nhân cách và tự trọng nghề nghiệp. Nó đòi hỏi mỗi người phải lên tiếng để đòi cho bằng được những gì mà chính phủ đã ký kết bên dưới bản Hiến chương ấy.
Xin trích vài điều trong Hiến chương để các nhà giáo so sánh với thực tế hiện nay và suy nghĩ, từ đó xem bản thân có nên ăn mừng hay phải làm gì khác nữa.
Điều 1. Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là phải tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển khả năng, chăm lo quá trình giáo dục và đào tạo, luôn hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa con người với nhau.
Điều 2. Quyền của nhà giáo không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da, không phụ thuộc vào niềm tin và định kiến cá nhân, miễn là họ không áp đặt niềm tin và định kiến của mình cho trẻ.
Nhà giáo không bị phạt nếu việc giáo dục học sinh tuân thủ các quy định ở Điều 1.
Điều 3. Nhà giáo có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ công việc và nghề nghiệp của họ.
Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được thực thi để chống lại các quyết định tùy tiện về tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật bãi nhiệm.
Điều 5. Nhà giáo phải có quyền tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức ấy phải có quyền đại diện cho nhà giáo trong mọi hoàn cảnh.
Các bạn muốn đọc đầy đủ thì mời search Google. Còn bây giờ, mang bản Hiến chương này ra đối chiếu với những gì đang diễn ra, thì ngày hôm nay, 20.11, không có gì đáng để ăn mừng với hoa hòe, cờ quạt, cỗ bàn hay chúc tụng cả. Nó là một ngày tranh đấu.
Nếu được phép chúc, tôi chỉ muốn chúc một lời: Chúc cho mỗi thầy cô giáo Việt Nam sẽ dám sống, để được sống như những gì bản Hiến chương đã quy định.
T. H
Trái đất mọc
Lê Học Lãnh Vân
Chuyến tàu vũ trụ Apollo 8 đã chụp được hình Trái Đất “mọc” lên từ đường chân trời của Mặt Trăng. Điều này cũng giống như người trên Trái Đất thấy Mặt Trời mọc buổi sáng từ đường chân trời của Trái Đất.
Khi con người đứng trên Trái Đất, lấy Trái Đất làm trung tâm, nói kiểu Toán học là lấy Trái Đất làm gốc tọa độ, thì con người thấy Mặt Trời mọc, Mặt Trăng mọc. Thời xưa, con người chưa đủ tiến bộ về khoa học, kỹ thuật để có thể bay lên Mặt Trăng. Khi con người lên tới Mặt Trăng, cái nhìn của người đứng trên Mặt Trăng phải khác cái nhìn của người đứng trên Trái Đất! Trái Đất đã mất vị trí độc tôn là gốc tọa độ rồi!
Bây giờ khoa học kỹ thuật của con người đã tiến bộ rất xa so với năm 1969, tức năm con người đặt bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng. Con người hiện nay đủ sức đưa phi thuyền lên Sao Hỏa cách Trái Đất gần hai trăm lần so với Mặt Trăng! Kiến thức của con người cũng cách thời đó một khoảng xa tương ứng!
Vậy mà có người lại nói chuyện Apollo 11 đổ bộ lên Mặt Trăng là dàn dựng! Những người này không chấp nhận thay đổi, không tin vào các chứng cớ khoa học được công khai rất rõ ràng.
Điều này không khác gì một người chỉ chăm chăm cho rằng cái mặt đồng xu mình nhìn thấy là hình ảnh thực của đồng xu mà không chấp nhận mặt bên kia. Chỉ việc xoay đồng xu lại xem mà họ cũng không chịu làm, lại ngăn cản người khác xem nữa chứ!
Những người như vậy cũng giống như những người chỉ biết có triết thuyết mình học từ thủa mới vào đời, rồi bám vào triết thuyết đó mà hoạt động, mà sống, mà tranh đấu giành giật… Họ ngoảnh mặt với tất cả các triết thuyết khác dù thực tế cuộc sống cho thấy những triết thuyết khác phù hợp hơn với cuộc sống, họ phủ nhận tất cả các bằng chứng rất thuyết phục rằng triết thuyết họ theo đã lỗi thời. Họ dùng tất cả sức lực và tinh thần bảo vệ cái triết thuyết mang lợi cho họ theo phương châm “còn triết thuyết còn mình”, mặc kệ triết thuyết đó đang gây chậm tiến cả xã hội…
Hơn nữa, kiến thức con người là một dòng chảy không ngừng. Thế hệ sau đứng trên vai thế hệ trước, thu thập, tổng hợp kiến thức của các thế hệ trước mà đưa kiến thức thế hệ mình lên một mức cao hơn của vòng xoáy kiến thức đi lên. Sao có thể đóng đinh mình và thế hệ mình vào một kiến thức ra đời hàng trăm năm trước và cho đó là đỉnh cao nhất của kiến thức loài người? Có phải những người tự đóng đinh đó đang cố gắng chặn tiến trình diễn biến và diễn tiến của xã hội, một quy luật tiến hóa của nhân loại?
Ông Kant, người mà năm nay thế giới kỷ niệm ba trăm năm ngày sinh, cho rằng những người chỉ nhìn một mặt triết thuyết như thế là những người nếu không bị dẫn đường bởi cảm nhận mù quáng thì cũng bởi nhận thức thiếu thực tế!
Lan man về câu nói của TS Bùi Trân Phượng
Lê Học Lãnh Vân
Trong chương trình Diễn giả Phan Đăng, tiến sĩ Bùi Trân Phượng cho biết:
“Cái xã hội mà mình đã sống qua trước 75 là một xã hội mà mình đã không đồng tình với nó về nhiều mặt rất cơ bản. Mình là người đã tham gia cuộc đấu tranh chống lại xã hội đó, chính quyền đó. Nhưng mà, đứng về mặt học hành thì cái môi trường xã hội đó nó vẫn tốt hơn cho việc học của mình gấp triệu lần so với cái môi trường mà mình chứng kiến từ năm 75 đến nay.”
Câu nói đó gợi nhiều điều trong ký ức và suy nghĩ…
1) Trước năm 1975 tôi chỉ đi học: tiểu học, trung học rồi đại học. Nhận được sự giáo dục khai phóng trong một chế độ tự do, tôi có nhiều suy nghĩ về xã hội mình sống. Và cũng nhiều lần trình bày quan điểm của mình trước lớp hay trước một cử tọa vài mươi người, trong đó có ý kiến phê phán mặt yếu của chế độ đương thời, những ý kiến bây giờ gọi là phản biện. Củ tọa ấy gồm sinh viên, thầy giáo cấp ba, công chức… chúng tôi nói chuyện trong tinh thần hòa ái, tương kính. Tôi mua tài liệu giáo khoa tiếng Pháp (gọi là annale) để học cách giải đề thi và biết mình đang nhận sự giáo dục chu đáo từ nhà trường. Các tài liệu này không mắc lắm vì gia đình tôi, thuộc gia đình giáo chức trung học đệ nhị cấp, đủ sức mua.
Tôi có những người quen, bạn giống như chị Trân Phượng, “không đồng tình với nó [tức xã hội Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa, người viết] về nhiều mặt rất cơ bản. Đã tham gia cuộc đấu tranh chống lại xã hội đó, chính quyền đó”. Tôi tự hỏi tại sao phải chống lại xã hội Miền Nam, chống để lật đổ, khi xã hội đó tự do thế, khai phóng thế!
Dù không đồng ý với cuộc chiến Bắc – Nam, lạ thay, lúc đó tình cảm tôi vẫn nghiêng về Miền Bắc. Có lẽ bởi chịu nhiều ảnh hưởng từ tấm gương những người ưu tú của thế hệ cha anh bỏ hết danh lợi lao vào chín năm kháng Pháp giành độc lập. Cuộc kháng chiến ấy còn rất gần thế hệ tôi! Cũng có thể lúc đó chúng tôi còn trẻ, khao khát sự thay đổi và hoàn thiện nên không vừa lòng với cáí trước mắt, có phải bỏ mồi chạy theo bóng?
2) Khi hòa bình, thống nhất tái lập trên đất nước, sau một thời gian ngắn “hồ hởi” vô điều kiện, tôi nhận ra xã hội mới theo đuổi những giá trị khác hẵn với xã hội cũ. Điều này càng rõ ràng hơn khi nhìn vào hệ thống giáo dục.
Hệ thống giáo dục cũ dạy chúng tôi Nhân đạo cùng với tình Đồng bào. Người trong một nước phải thương nhau cùng. Tinh thần Nhân đạo, tình Đồng bào phải cao hơn tranh chấp vùng miền hay đảng phái. Những bài tập toán yêu cầu trẻ em tính số kẻ thù bị chiến sĩ giải phóng quân giết chết sau những trận công đồn thực quá tàn nhẫn, ngược cả lòng Nhân đạo và tình Đồng bào!
Hệ thống giáo dục cũ dạy chúng tôi Trung Thực. Thí dụ về sự thiếu Trung Thực không ít trong các bài giảng, bài đọc thêm, bài tuyên truyền chính trị…
Hệ thống giáo dục cũ dạy chúng tôi tinh thần Hoài nghi Khoa học, hệ thống mới khẳng định chúng ta ở đỉnh cao trí tuệ, ở giai đoạn phát triển sau cùng của tri thức loài người!
Hệ thống giáo dục cũ mở cánh cửa vào tất cả các trường phái tri thức, khoa học, triết học trên thế giới cho học sinh, sinh viên hiểu biết và suy nghĩ, hệ thống mới đóng các cánh cửa đó!
Hệ thống giáo dục cấp cao của chế độ cũ thực hiện Tự trị Đại học, hệ thống mới không có!
Hệ thống cũ Khai phóng trên tinh thần Nhân bản với mục đích đào tạo con người tư do, hệ thống mới gò bó theo yêu cầu chánh trị nhằm đào tạo con người công cụ.
3) Chị Bùi Trân Phượng nhận xét: “Đứng về mặt học hành thì cái môi trường xã hội đó nó vẫn tốt hơn cho việc học của mình gấp triệu lần so với cái môi trường mà mình chứng kiến từ năm 75 đến nay”. Nếu hiểu “gấp triệu lần” là một cách nói diễn tả sự tốt hơn rất nhiều, tôi đồng ý với nhận xét của chị Trân Phượng.
Tôi lại suy nghĩ thêm rằng, một xã hội có thể xây dựng môi trường giáo dục, dạy và học, tốt như vậy, cái xã hội dạy người ta thương yêu chứ không căm thù, cái xã hội ấy có xấu xa và đáng bị chống đối trên nhiều mặt căn bản cho tới mức bị sụp đổ hay không? Cho dù bị thua trận, giới tinh hoa của xã hội ấy có đáng bị đưa vào trại cải tạo không? Những giá trị, kinh nghiệm quản trị của xã hội ấy có nên được nghiên cứu, học hỏi, áp dụng không? Cũng vì sự tốt đẹp cho quốc gia chung thôi mà!
Lại nghĩ thêm, nửa thế kỷ trước Việt Nam bị kẹt trong thời khắc tranh chấp quốc tế, không đủ sức làm chủ chính mình nên bị đẩy vào cuộc chiến tương tàn khốc liệt. Bây giờ tàn cuộc chiến người Việt cần xây dựng quốc gia chan hòa tình thương yêu thông cảm không có lòng căm thù, với cách quản trị xã hội có nhiều tính chất dân sự mà ít tính cai trị, với nền giáo dục thực sự khai phóng, nhân bản.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, cục diện thế giới đang từ bình bước sang loạn. Việt Nam rút được bài học gì cho mình sau ba mươi năm chiến tranh, sau bốn mươi chín năm đặt quốc gia dưới chính thể chuyên chính và toàn trị, bỏ lỡ nhiều cơ hội cất cánh? Nếu Việt Nam học được các bài học ấy để hôm nay được vững vàng, quốc gia này có hoài bão phát triển mạnh mẽ từ cục diện thế giới không?
Tôi tin rằng đó là mong muốn, ước vọng của đa số người liên quan thực tới cuộc chiến. Cũng là trách nhiệm của chính quyền hôm nay. Hàng triệu người Việt của hai bên ngã xuống xứng đáng được thế hệ sau nghiêng mình kính trọng, khóc thương!
Ngày 5 tháng 11 năm 2024
Tầng suy thoái thứ mấy?
Lê Học Lãnh Vân
Hiện tượng thượng tọa Thích Chân Quang, thế danh Vương Tấn Việt, có cho thấy sự suy thoái đạo đức, văn hóa xã hội tới mức cùng cực chưa?
Trước hết là những bài giảng nhảm nhí của “thượng tọa”. Nội dung thì mê tín nhảm nhí, hình thức thì dùng loại ngôn ngữ cơ thể rẻ tiền câu khách, trình độ thì thấp kém, nhưng thầy lại trụ trì một chùa lớn có hàng chục ngàn đệ tử con nhang tròn mắt ngưỡng mộ, sì sụp vái lạy… Không biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam biết không nhưng tất cả các việc trên đều xảy ra năm này qua năm nọ, trước mũi Giáo hội.
Nhiều việc khoe khoang lố bịch, mặc áo thụng tiến sĩ không đúng chỗ, đăng đàn tự ca ngợi cái khó và cao siêu của công trình làm luận án tiến sĩ của mình… Chỉ cần có kinh nghiệm làm việc trong môi trường đại học một chút đều nghe rất chối tai vì biết “thượng tọa” chỉ có bịa chuyện, chẳng có kiến thức về điều mình đang nói. Kẻ nói thực là hám danh với tâm lý tôn sùng mảnh bằng một cách bệnh hoạn. Kẻ nói cứ ào ạt một cách từ tốn tuôn ra những lời bịa, chắc nghĩ rằng người nghe không ai biết gì cả. Điều này cũng cho người quan sát một cái nhìn khác về sự suy thoái.
Rồi những buổi vinh quy bái tổ và buổi lễ trao bằng càng cho thấy sự suy thoái ở mức độ tệ hại hơn. Tệ hại ở cách của ông Vương Tấn Việt, người đi học, không phân biệt đây là lễ lạc dân sự, đời thường, không phải nghi thức tôn giáo. Sau vài hình thức khiêm tốn giả dối thô sơ, “thượng tọa” vẫn cố tình cho mọi người thấy ta là Sư Thầy ngôi cao vị cả. Nhưng tệ hại hơn vị “Sư Thầy” háo danh kệch cỡm kia là các Thầy Bà thứ thiệt, đại diện cho giới tinh hoa trí thức nước nhà, kính cẩn quỳ lạy trò Sư-Thầy! Trò hề này cho thấy sự suy thoái đã xuống thấp hơn một nấc nữa.
Bài viết không hề xiển dương mối quan hệ “tôn sư trọng đạo” xưa cũ. Trong văn hóa tiến bộ hiện nay, Thầy và Trò đều có vị trí để mà tương kính, tương quý nhau. Không thấy được và không giữ được mình trong vị trí đúng đắn đó, một bên là vị “Sư Thầy cao cả” trụ trì chùa có hàng ngàn đệ tử, một bên là các Thầy Cô giảng dạy trường đại học Luật Hà Nội đào tạo và cấp bằng cho rất nhiều luật sư! Toàn là những người có trách nhiệm giữ giềng mối đạo đức xã hội!
Nhiều người thấy là vô giá trị cái bằng tiến sĩ mà “Sư-Thầy cao cả” si mê một cách bệnh hoạn, thiên hạ la rầm trời tháng này qua tháng nọ, rốt cuộc cũng được người có trách nhiệm tuyên bố mảnh bằng ấy vô giá trị, và dựa trên các mảnh bằng bất hợp pháp ở cấp học dưới. Mảnh bằng tiến sĩ ấy thật dơ bẩn, đáng xấu hổ. Hàng tháng trời mà trường Đại học Luật Hà Nội, nơi cấp bằng, có thể im tiếng được, không biết hổ thẹn, không thấy trách nhiệm của mình. Luật học là khoa học và kiến thức để xây dựng và bảo vệ các mối liên kết trong xã hội. Các vị chức sắc của trường Đại học Luật Hà Nội với kiến thức đó, tư cách đó, xây dựng các mối liên kết xã hội kiểu gì? theo định hướng nào?
Vài bạn hỏi tôi có đáng bỏ thời gian viết về “thượng tọa Thích Chân Quang” nhiều như vậy không? Thực sự, tôi không hề muốn bỏ một giây nào cho cá nhân ông “thượng tọa” này. Nhưng tôi sẵn sàng bỏ hàng giờ, hàng ngày viết về hiện tượng xã hội “mảnh bằng tiến sĩ của-thượng-tọa”. Bởi vì, để mảnh bằng dơ bẩn, đáng xấu hổ ấy được công khai trưng ra trước xã hội theo cách tùng xèng chiêng trống như vậy, phải có cả một quá trình mấy chục năm xây dựng nên cái văn hóa không biết xấu hổ, không có tinh thần trách nhiệm, không trung thực… rộng rãi trong xã hội. Đó là tội rất lớn, tội phá bỏ nền tảng, giềng mối tốt đẹp khiến xã hội rơi xuống đáy của vòng xoáy cặn bã mà sự ngoi lên thấy ánh mặt trời sẽ rất khó khăn và lâu dài!
Hồi nhỏ, nghe nói tội lỗi cùng cực thì bị đày xuống chín tầng địa ngục. Sự suy thoái này đã đi tới tầng thứ mấy?
Ngày 27 tháng 10 năm 2024