Đây là lá thư ông Albert Camus (giải thưởng Nobel văn chương) viết cho bà Maria Casarès, ngày 30 tháng 12 năm 1959, đã gửi và đến tay bà Casares. Nhưng ông không bao giờ gặp lại bà!
Ngày thứ hai 04 tháng giêng năm 1960 nhà văn Albert Camus qua đời trong một tai nạn ô tô, hưởng thọ 46 tuổi! Ông từ nhà riêng tại vùng Luberon về Ba Lê bằng xe hơi của nhóm nhà in Gallimard. Xe của ông tới Villeblevin, vùng Yonne, đã đâm vào một cây đại thụ. Mọi người trong xe đều tử nạn.
————
“Chỉ để nói với em rằng anh sẽ đến vào thứ ba bằng đường bộ, đi xe hơi ngày thứ hai với nhóm Gallimard. Anh sẽ gọi cho em khi đến nơi, chúng ta có thể hẹn ăn tối vào thứ ba.
Đó là nói nguyên tắc thôi, còn tùy may rủi trên đường và anh sẽ xác nhận bữa tối qua điện thoại.
Ngay bây giờ anh gửi cho em cả một gánh lời chúc dịu dàng và cầu mong cuộc sống sẽ nảy nở trong em suốt cả năm, cho Khuôn mặt thân thương mà anh đã yêu từ bao nhiêu năm nay (mặc dù anh cũng yêu khuôn mặt lo lắng hay thế nào chăng nữa).
Anh gấp chiếc áo mưa của em vào trong phong bì và gói vào đó tất cả những mặt trời của trái tim anh.
Còn mấy bữa nữa thôi, người em tuyệt vời của anh, anh vui biết bao khi nghĩ đến việc gặp lại em, vui đến nỗi anh vừa cười vừa viết cho em. Anh đã đóng hồ sơ không làm việc nữa (gia đình đông quá và quá nhiều bạn bè của gia đình nữa).
Thế là anh không còn lý do gì để thiếu tiếng cười của em và những buổi tối của chúng ta, cũng như quê hương của anh.
Anh hôn em, ôm em vào lòng suốt cho đến thứ ba, lúc đó anh sẽ bắt đầu lại.“
————
ALBERT CAMUS:
“Juste pour te dire que j’arrive mardi par la route remontant avec les Gallimards lundi. Je te téléphonerai à mon arrivée mais on pourrait peut-être convenir déjà de dîner ensemble mardi.
Disons en principe pour faire la part des hasards de la route et je te confirmerai le dîner au téléphone.
Je t’envoie déjà une cargaison de tendres vœux et que la vie rejaillisse en toi pendant toute l’année te donnant le Cher visage que j’aime depuis tant d’années (mais j’aime le soucieux aussi et de toutes les manières).
Je plie ton imperméable dans l’enveloppe et j’y joins tous les soleils du cœur.
À bientôt ma superbe, je suis si content à l’idée de te revoir que je ris en t’écrivant j’ai fermé mes dossiers et ne travaille plus (trop de famille et trop d’amis de la famille).
Je n’ai donc plus de raisons de me priver de ton rire et de nos soirées, ni de ma patrie.
Je t’embrasse, je te serre contre moi jusqu’à mardi ,ou je recommencerai”.
Tôi xem “Chuyến đò định mệnh” đến lần thứ hai vẫn ngại viết. Mà cứ để trong lòng, nghĩ mãi cũng không xong. Thôi thì, sau lần thứ hai “sang sông” cũng viết ra cho lòng bớt khắc khoải.
Tối hôm đó, vô thang máy, bà bạn nhà báo Hồng Hạnh Đào ghé tai tôi nói nhỏ: “Ngộ ha, kịch của hai ông tác giả miền Bắc, ông viết ông dựng, với nguyên dàn nghệ sĩ Nam Bộ diễn, lại thấy sâu và mượt quá heng?”.
Một phát hiện ngộ nghĩnh đó chứ? Hai tác giả, Nguyễn Huy Thiệp viết kịch bản và nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc đạo diễn thì quá lẫy lừng rồi. Tôi nói lại với bà bạn: “Mà chọn đúng dịp mừng “thôi nôi” mới là khác biệt nha. Mỗi lần đi coi, chạm thêm những điều mới, như mở thêm một “lai ơ” mới đang xếp chất chồng, cũng đáng công”.
CỨ QUA THÊM MỘT CHUYẾN, LẠI HIỂU SÂU THÊM VỀ THẾ SỰ
Chuyến đò qua con-sông-cuộc-đời đó, nếu không đặt tên là chuyến đò định mệnh thì chỉ có thể gọi là chuyến đò đời. 11 con người đại diện cho những giai cấp hay tầng lớp rất đa dạng như xã hội: nhà thơ, thầy giáo, thầy tu, lái đò, ăn cướp, thuế vụ (thu thuế mà cũng là nhà thầu và buôn đồ cổ?). Mà tất cả lại cũng có thể là những trạng thái, tâm tính nhiều mặt trong một con người, có khi đạo mạo như thầy giáo, có lúc tung tăng đang yêu, có khi rỗng không lo tu hành, có lúc bá đạo kiểu ăn cướp…
Như câu nói được nhắc nhiều lần, họ luôn "nhìn về phía trước" nhưng tất cả đều đeo mặt nạ. Tưởng chi tiết đeo mặt nạ nhằm tạo tính hợp lý cho tình huống người cha bắn nhầm con trai nhưng ẩn ý của tác giả chắc cao xa hơn thế, nhất là khi Nguyển Huy Thiệp chỉ cho duy nhất nhà sư được thay mặt nạ, mà thay những năm lần. Họ cùng nhau lên một chuyến đò từ bến đục bến mê sang bờ bên kia, bến trong, bến giác. Trên chuyến đò, bao chuyện sinh tử đạo-đời đã xảy ra.
Mỗi câu thơ, mỗi động tác kịch (không nhiều) là một triết lý về cuộc sống. Con người từ khởi nguyên vô minh đi qua cuộc sống vô thường vô ngã, tự tìm ra cách quán chiếu cho chính mình. “Mấy ai bỏ được công danh, mấy ai bỏ được lầu xanh trở về?”.
Bà Việt kiều ở xa về mới nhận ra được mùi cứt bò thúi chứ những người sống với “nó” lâu, không còn ngửi thấy mùi thúi nữa.
Ông thu thuế khen tỉnh Nam làm ăn sầm uất thuế thu được gấp mấy lần tỉnh Bắc và ông háo hức qua bờ bên kia đến trạm thu thuế chính nằm bên ấy, ở chợ Phù Vân.
Ông nhà thơ chiêm nghiệm nhiều triết lý ở đời với tâm hồn trong trẻo lạc quan.
Còn thầy giáo, quen giáo huấn, quen dạy dỗ, nặng tâm tư với những điều tức tối và bi quan nhất. Thằng ăn cướp cùng xuống đò là học trò cũ trường ông (thành tích buồn nhỉ?) rồi khi ông đọc thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, bài Cung oán ngâm khúc nổi danh mà đôi nam nữ yêu nhau trẻ trung nhất trên đò hồn nhiên thú thật là không biết đến tác giả và bài thơ. ông lại thốt lên nỗi buồn rất thế sự: “Bọn trẻ bây giờ, truyện tây tàu nó biết hết mà sử Việt thì nó không biết gì”. Lời ông trách bọn trẻ ngày nay lệch lạc hay ông thú nhận về nền giáo dục mà ông đại diện? Ở đây, Nguyễn Huy Thiệp viết một câu bình về sự ngu rất thấu: “Người thường bàn chuyện ngu xưa, mấy ai bàn chuyện bây giờ ngu hơn?”.
Kịch tính nhất là khi chiếc bình cổ rất quí của ông thuế vụ bỗng bị cô bé hiếu động, con của bà Việt kiều, nghịch ngơm, thọc tay vào bên trong bình. Cái miệng bình bỗng co lại, nghiến chặt khiến cô bé kêu thét đau đớn tìm mọi cách rút tay ra mà không được.
Và đây phải chăng là “lời ngầm” của Nguyễn Huy Thiệp: “Đừng đút tay vào lịch sử. Đụng vào nó là phúc tạp rắc rối đấy, không làm sao rút tay ra được đâu”.
Rồi trong một diễn biến kịch rất ý nghĩa, chính thằng ăn cướp có hành động của Phật tính, hắn đập vỡ chiếc bình quí để cứu cô bé.
Trong cơn điên vì tiếc của, ông thuế vụ giật cây súng trên tay người bảo vệ bóp cò. Chàng thanh niên nhào tới che cho người khác khỏi chết oan. Và kẻ ngộ sát nhận ra, khi chiếc mặt nạ tháo khỏi gương mặt chàng trai đang hấp hối. Ông ta ngã quỵ. Đó chính là con trai ông.
Hai cha con nói với nhau những lời cuối không thể đau đớn hơn. Con ơi. Sao con lại giành lấy cái chết. Cha làm tất cả của cải là để cho con. Cha ơi, cuộc sống của cha không phải là của con. Con không cần của cải của cha. Con chỉ muốn…
Bọn trẻ bây giờ vậy đó, hẳn ông thầy giáo nghiến răng nói thầm. Ông bố nói những lời cay đắng. Tất cả chúng ta đều sai lầm. Càng cố công thu vén, con cái càng ghét chúng ta.
Đời vô minh. Vô thường. Cái chết và lời cuối của đứa con chính là lời cảnh báo bộc nổ xé trời, đanh lạnh, dữ dội.
Rồi mọi người cũng xuống đò, qua sông. Chỉ có nhà sư không qua sông mà quay lại. Đoạn này thật sâu sắc. Tôi được may mắn trò chuyện với nghệ sĩ Hữu Châu về quyết định quay lưng của nhân vật gây nhiều tranh cãi khi thu talkshow 5W1H Podcast với anh tuần qua. Trong trạng thái rỗng không bên trong, nhân vật không thoại, chỉ niệm Nam mô, vì sao sau năm lần thay mặt nạ thì quyết định trở về bến mê?
THẬT QUÍ NHỮNG NHÓM KHÁN GIẢ… CHUYÊN NGHIỆP
Nhiều lần tôi nghĩ, khi đi xem Thiên Đăng, các nghệ sĩ của sân khấu này có thể xếp hàng đầu về nghệ thuật tương tác với khán giả, thật sắc sảo, nhẹ nhàng mà ngọt xớt như không và có khi một vở, xem nhiều lần là thấy nhiều “miếng” sáng tạo khác nhau khá thú vị.
Nhưng đến “Chuyến đò định mệnh” tôi thấy thêm, khán giả xem Thiên Đăng thật có trình và chuyên nghiệp. “Chuyến đò định mệnh” có ít những cú tương tác, và rất chắt lọc. Và khán giả phản ứng rất chừng mực mà đắt, trúng. Khi diễn viên nói “dùng hung khí sát sanh, kiếp sau bị cụt tay” hay “nhà sư có bằng cấp chưa” thì khán giả bật cười kiểu biết nói ai và rất… thông cảm. Diễn viên nói đến chữ “sao kê” hay “phông bạt” rất hợp cảnh thì có sự xôn xao hưởng ứng nhưng không quá cuồng nhiệt. Và buồn cười trong cảnh, nhà thơ, hai mươi năm sau về đến bến sông xưa, được cô lái đò nay đã hoa râm mời ông chén cháo. Khi nhà thơ gọi là đó chén cháo “quên” thì ngay sau lưng tôi, một nhóm khán giả trên trung niên xôn xao: “Này, có câu “Qua cầu Nại Hà, ăn cháo lú Mạnh bà” thế mà tác giả không biết câu ấy nhỉ?”, rồi họ thắc mắc bàn tán nho nhỏ hồi lâu. Khác với nhóm khán giả rất trẻ, ăn mặc rất mát mẻ bàn tán về chuyến đò (ngay cửa ra vào cuối buổi), thì có cô nói lớn, đó là chuyến đò Bát Nhã chứ chi?
Tôi ngạc nhiên với những nhóm khán giả rất “bội nghĩ” ấy. Chọn một vở “khó dựng, khó diễn, khó xem” để đón được nhiều nhóm khán giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau mà chừng như đều trân trọng đến xem, có khi xem đi xem lại và chịu ngẫm ngợi thế thì cũng gọi là hạnh phúc, phải không?
Hơn ba năm trước, trưa ngày 25/3/2021, báo Hà Tĩnh đăng một bài viết sai sự thật về tôi và dự án tái chế xe đạp. Sáng hôm sau, khi tôi bước vào phòng khách, thấy cha ngồi trầm ngâm một góc sofa. Gọi tôi lại, cha nói: “Cha tin con làm điều tốt, nhưng mọi việc con làm đều phải cân nhắc kỹ lưỡng.” Tôi hiểu rằng cha đã đọc bài báo đó, bởi chưa bao giờ ông phải nhắc nhở tôi điều tương tự trong các công việc tôi làm.
Những ngày tiếp theo, tôi tiếp tục công việc sửa xe và viết đơn kiến nghị gửi cho Sở TT&TT tỉnh Hà Tĩnh về bài báo vu khống đầy ác ý đó. Tối 26/3/2021, khi đi qua phòng cha, tôi thấy cửa mở. Cha nằm trên giường, trên bàn có vài vỉ thuốc. Khi tôi hỏi, cha chỉ bảo đó là thuốc cảm thông thường. Nhưng tôi biết, cả ngày ông lo lắng, mất ngủ vì những lời vu khống trên báo chí. Dù vậy, cha không than vãn, chỉ âm thầm chịu đựng.
Sáng 27/3/2021, theo kế hoạch, tôi cùng tài xế bốc xếp 71 chiếc xe tái chế lên xe tải để tặng học sinh ở Thanh Hoá. Đang làm việc thì mẹ gọi: “Mẹ gọi cha nhiều cuộc nhưng cha không bắt máy. Con đi tìm xem cha ở đâu.” Tôi trấn an mẹ: “Chắc cha bận việc hoặc đang nghỉ ngơi.” Nhưng mẹ tôi lo lắng hơn ai hết, vì bà hiểu rõ cha. Ông luôn rời nhà lúc 1 giờ sáng, làm việc đến khoảng 7 giờ sáng, sau đó về nhà. Trong quá trình đó, cha và mẹ tôi thường xuyên giữ liên lạc. Sự im lặng của ông hôm đó khiến mẹ vô cùng bất an.
Trước đó vài ngày, cha còn đưa mẹ đi làm căn cước công dân mới, và mua cho mẹ một bộ trang sức – điều mà hiếm khi cha làm. Từ khi làm xong nhà vào năm 2011 cho đến khi mất, cha luôn lo làm lụng, chắt chiu để trả nợ ngân hàng. Ông không quan tâm đến việc mua sắm cho bản thân, thậm chí Tết cũng chẳng sắm đồ mới. Có lẽ ông thấy nhẹ nhõm khi vừa trả hết nợ và muốn làm mẹ vui sau mười năm vất vả.
Khi tôi vừa bốc xong xe đạp lên xe tải và ngồi vào ghế phụ chuẩn bị lên đường, mẹ lại gọi. Bà nhận được tin từ một người nói rằng trông thấy ai đó giống cha nằm dưới ruộng ven đường. Lúc này, tôi thật sự hoang mang. Tôi bảo tài xế tiếp tục chở xe đi theo kế hoạch, còn tôi vội vàng quay về, chở mẹ đến nơi có tin báo. Dọc đường, mẹ vừa khóc vừa nghe điện thoại. Người ta xác nhận đó chính là cha.
Chúng tôi đến nơi, cách nhà khoảng 10km. Cha nằm dưới ruộng lúa ven đường, chiếc xe Dream đè lên người – chiếc xe cha vẫn dùng để đi làm hằng ngày. Người dân quanh đó kể, lúc 5 giờ sáng, họ nghe thấy tiếng động và tiếng chó sủa. Cha tôi đã ra đi lúc đêm tối – trên đường đi giao hàng, giữa cánh đồng vắng lặng, cô độc. Người của chính quyền đến làm việc và hỏi việc khám nghiệm, nhưng với tôi, điều đó không cần thiết. Vì không có dấu hiệu tác động từ bên ngoài. Tôi hình dung ra, với sự căng thẳng mấy ngày qua của cha, một cơn lên huyết áp do tinh thần suy sụp cũng có thể cướp cha đi bất cứ lúc nào.
Vậy là hai ngày sau khi bài báo oan nghiệt kia đăng lên, cha tôi đã ra đi mãi mãi.
Cha được đưa về nhà trên xe cứu thương. Trong hai ngày tang lễ, dường như không ai ở thị trấn Phố Châu không đến tiễn biệt. Mọi người kể lại những câu chuyện cảm động về cha tôi – một người đàn ông giản dị, hiền lành, chăm chỉ làm lụng và luôn âm thầm giúp đỡ mọi người mà tôi chưa từng biết đến.
Tôi là con cả trong gia đình, hai người em của tôi đều đã yên bề gia thất. Cha từng mua sẵn một bộ vest mới và cất vào tủ, cha nói rằng sẽ dành riêng mặc trong ngày tôi lấy vợ. Giờ đây, điều đó mãi mãi không thể thành hiện thực.
Hôm nay, tôi nhắc lại chuyện này khi bài báo của Báo Hà Tĩnh một lần nữa được khơi lên. Bài báo ấy là nguyên nhân gián tiếp khiến gia đình tôi rơi vào bi kịch. Tôi đã từng khiếu nại, từng đấu tranh với những lời lẽ bịa đặt, vu khống trong bài báo đó, nhưng mọi nỗ lực của tôi đều không mang lại kết quả. Nhiều lần tôi cũng đã lên tiếng trên trang cá nhân về việc này.
Bài báo đó không chỉ gây khó khăn trong công việc của tôi, gián tiếp dẫn đến sự ra đi của cha tôi, mà còn kéo dài đến tận bây giờ, không buông tha. Tôi từng nghĩ, mình cố gắng làm việc, chứng minh bằng những việc làm của mình, rồi mọi người sẽ thấu hiểu và bài báo sẽ bị chôn vùi. Nhưng không, suốt hơn 3 năm qua, mỗi khi tôi bắt đầu một dự án mới hoặc chương trình trao tặng xe mới, những kẻ độc ác, nặc danh lại đào bới bài báo đó để tấn công, gây tổn thương cho tôi, gia đình tôi và những người cùng làm việc với tôi.
Dù đau buồn khôn tả mỗi khi nghĩ về cha, tôi nhận ra rằng đã đến lúc phải đối mặt với sự oan nghiệt này. Cả tôi và cha đều cần được trả lại sự công bằng, danh dự và cuộc sống bình yên, bởi sự lương thiện của mình.
HÀ TĨNH: SỰ THẬT PHÍA SAU “GƯƠNG SÁNG VÌ CỘNG ĐỒNG” CỦA TRẦN QUYẾT THẮNG
Hoàng Xuân, 25/03/2021 05:17
(Baohatinh.vn) – Thời gian qua, một số tờ báo, trang mạng xã hội có nhiều bài viết ca ngợi Trần Quyết Thắng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chuyên làm “việc tốt vì cộng đồng”. Thế nhưng, Trần Quyết Thắng là một phần tử câu kết chặt chẽ với tổ chức phản động VOICE – một tổ chức ngoại vi của Việt Tân.
Tổ chức phản động VOICE
Tổ chức VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment) còn gọi là “Sáng kiến vì lương tâm người Việt hải ngoại” là tổ chức ngoại vi của Việt Tân.
Tổ chức này manh nha hoạt động từ năm 1997 do Trịnh Hội – một kẻ có nhiều hành vi chống phá Việt Nam đứng đầu. Đến năm 2007, VOICE chính thức được thành lập như một tổ chức phi chính phủ với sự tham gia của Hoàng Tứ Duy (Việt Tân) là thành viên “bí mật” nhiệm kỳ 2009 – 2010, cùng với các đối tượng trong nước như: Trịnh Hữu Long, Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn…
Cần cảnh giác với chiêu bài núp bóng “xã hội dân sự”. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.
Theo tuyên bố, mục tiêu hoạt động của VOICE là “thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam phát triển, vận động các chính sách và nhân quyền, giúp tái định cư những người Việt tị nạn”. Tuy nhiên, bản chất chính của tổ chức này là chống phá chính quyền Việt Nam, truyền bá tư tưởng về xã hội dân sự, kích động người dân chống đối chính quyền.
Một trong những hoạt động được tổ chức VOICE thực hiện thường xuyên là cung cấp các học bổng về xã hội dân sự. Thực chất, đây là lớp huấn luyện, đào tạo, trang bị các kiến thức đấu tranh chống đối và tập trung lực lượng.
“Học bổng xã hội dân sự VOICE” được các đối tượng rêu rao: “Sứ mệnh của khóa đào tạo này là giúp các học viên trở thành những công dân tích cực, giàu tinh thần cộng đồng và được trang bị các kiến thức nền tảng để có thể trở thành nhà hoạt động xã hội dân sự chuyên nghiệp”.
Đi liền với đó là “những học viên tốt nghiệp xuất sắc khóa đào tạo sẽ được VOICE gửi sang các tổ chức quốc tế ở các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Âu, Úc và Mỹ để thực tập trong vòng 3-6 tháng sau đó”.
Vậy nhưng, đằng sau những lời tuyên bố đầy tốt đẹp lại là những hoạt động chống đối nguy hiểm. Trong khóa đào tạo của mình, VOICE truyền bá những cách nhìn nhận sai lệch về tình hình chính trị, xã hội tại Việt Nam, hình thành tư tưởng chống đối chính quyền cho học viên.
Sau đó, VOICE tiến hành tập huấn, trang bị, huấn luyện cho học viên các nội dung về đấu tranh bất bạo động đối với chính quyền, đặc biệt là việc sử dụng chiêu bài tự do, nhân quyền để tiến hành chống phá.
Ngoài ra, VOICE còn tổ chức cho học viên tiếp xúc với các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị để học hỏi phương thức hoạt động, thậm chí là cả cách ứng phó với cơ quan chức năng. Các “sản phẩm” sau đào tạo được tung về nước, trở thành hạt nhân tập trung lực lượng tiến hành chống phá chính quyền.
Trần Quyết Thắng là ai?
Tại Hà Tĩnh, tổ chức VOICE đã móc nối thông qua đối tượng Trần Quyết Thắng (SN 1985, quê quán thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Trần Quyết Thắng được VOICE đưa sang Philippines đào tạo 6 tháng.
Năm 2015, đối tượng Nguyễn Văn Hóa (quê huyện Kỳ Anh, hiện đã bị bắt giam tại Quảng Nam) giới thiệu cho Nguyễn Anh Tuấn – VOICE Đà Nẵng đưa Trần Quyết Thắng sang Philippines đào tạo 6 tháng.
Đối tượng Nguyễn Văn Hóa (giữa) và 2 đối tượng thành viên của các tổ chức phản động, khủng bố đã lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, thu thập thông tin, hình ảnh để phát tán trên các trang mạng xấu nhằm kích động người dân. (Ảnh tư liệu).
Đến tháng 3/2016, Thắng về nước hoạt động. Lợi dụng sự cố môi trường biển, Trần Quyết Thắng đã móc nối với một số đối tượng phản động nhóm NOUFC Hà Nội như: Mai Văn Dũng, Mai Phương Thảo, Nguyễn Lân Thắng… liên kết với một số linh mục tiến hành kích động, biểu tình gây rối nhiều lần tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Công ty Formosa).
Trần Quyết Thắng có quan hệ với Nguyễn Văn Hóa và các đối tượng này thường xuyên kích động biểu tình, trực tiếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn người dân sau sự cố môi trường biển, lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.
Facebook cá nhân của Trần Quyết Thắng thể hiện sự cổ suý cho các vi phạm của các đối tượng trong vụ án tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Đặc biệt, vào ngày 2/10/2016, Hóa trực tiếp tham gia cùng một số người dân tụ tập biểu tình tại khu vực cổng chính Công ty Formosa, sử dụng thiết bị flycam quay và đăng tải trực tiếp lên mạng xã hội; đồng thời, trực tiếp hô hào, kích động người dân theo sự chỉ đạo của một số đối tượng cực đoan nhằm gây mất ANTT, đập phá tài sản của Công ty Formosa; lập nhiều tài khoản gmail để chia sẻ, gửi hình ảnh, bài viết về các vấn đề nóng đang xảy ra tại địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình cho các cá nhân thuộc các tổ chức phản động.
Bên cạnh đó, trên Facebook cá nhân Trần Quyết Thắng thể hiện sự cổ suý cho các vi phạm của các đối tượng trong vụ án tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
Ngoài ra, Thắng còn cổ suý các hoạt động biểu tình của giới trẻ Hồng Kông, đăng tin sai sự thật về tình hình lũ lụt tại huyện Thạch Hà vào tháng 10/2020.
Tổ chức VOICE đang rất quan tâm đến dự án phục hồi xe đạp cũ của Trần Quyết Thắng.
Thời gian gần đây, Trần Quyết Thắng kêu gọi và thực hiện dự án phục hồi xe đạp cũ với tên “R4K”. Dự án nhằm tập hợp các loại xe đạp cũ bỏ đi để sơn sửa lại tặng học sinh nghèo các trường miền núi.
Dự án thu hút được rất nhiều cơ quan, tổ chức ủng hộ vật chất cho Thắng. Theo thông báo, quỹ của Thắng đã thu hơn 200 triệu đồng và hàng trăm chiếc xe đạp cũ từ khắp cả nước.
Đặc biệt, một số tờ báo, trang mạng xã hội đã có nhiều bài viết về Trần Quyết Thắng chuyên làm “việc tốt vì cộng đồng” như các bài: “Ăn mày” vì cộng đồng: Thắng… khùng; Ông chủ khách sạn chuyên “hồi sinh” xe đạp cũ; Chàng trai hồi sinh xe cũ thành xe mới để tặng cho học sinh nghèo…
Đây là dự án do Thắng đề xuất và hiện nay tổ chức VOICE rất quan tâm đến dự án này. Một số đối tượng chống đối cũng đã “ngửi mùi”, cổ suý cho các hoạt động dự án mang tính chất “xã hội dân sự” do đối tượng này tiến hành.
Cẩn trọng dưới chiêu trò “xã hội dân sự”
Thời gian vừa qua, “xã hội dân sự” được sử dụng như một chiêu bài để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Các đối tượng núp bóng xã hội dân sự để thành lập các tổ chức chính trị đối lập, tiến tới đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, từng bước kích động chống phá, bất tuân dân sự, bất bạo động.
Dưới vỏ bọc xã hội dân sự, các đối tượng tiến hành tập hợp lực lượng, truyền bá, rao giảng các thông tin sai lệch, từ đó hình thành nên các tổ chức chính trị đối lập với chính quyền. Với Việt Nam, cái đích cuối cùng hướng đến của các đối tượng này là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hình thành xã hội đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hướng lái, chuyển hóa chế độ.
Các tổ chức xã hội dân sự, các đối tượng tạo sức ép cho chính quyền, can thiệp vào công việc nội bộ đất nước. Không khó để nhận thấy thời gian vừa qua, với chiêu bài xã hội dân sự, các đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã câu móc với nhau, xây dựng các hội, nhóm chống đối. Lợi dụng các sự kiện nóng, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến vấn đề khiếu kiện đất đai, ô nhiễm môi trường, dân tộc, tôn giáo…, các đối tượng tụ tập, hình thành nên các tổ chức mang tính tự phát.
Những cái tên như “Hội dân oan”, “Hội tù nhân lương tâm”… được các đối tượng sử dụng để tiến hành tập trung lực lượng. Thông qua hoạt động của các hội nhóm này, các đối tượng đòi hỏi Nhà nước phải bảo đảm cho chúng một thứ tự do vô giới hạn.
Cùng với đó, các hội nhóm trong nước tiến hành móc nối với các tổ chức phản động, chống đối bên ngoài và các thế lực thù địch với Việt Nam để tiến hành hoạt động gây sức ép nhằm can thiệp vào công việc nội bộ đất nước ta.
Cán bộ, Nhân dân và các cơ quan, đơn vị cần cảnh giác với các dự án của tổ chức phản động VOICE và các thành viên đã được kết nạp tổ chức, huấn luyện.
(v/v bài báo đăng trên trang baohatinh.vn ngày 25/3/2021)
Kinh gửi: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh.
Tôi tên là: Trần Quyết Thắng
Sinh ngày: xx/xx/xxxx
Số CMND: xxxxxxxxx cấp ngày xx/x/xxxx tại Công an Hà Tĩnh.
Hộ khẩu thường trú tại: xxxxx
Hiện tôi đang phụ trách gia đình kinh doanh khách sạn và làm việc tại xưởng phục hồi xe đạp tại thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Tôi làm đơn này để kiến nghị về nội dung của bài viết có tiêu đề: Hà Tĩnh: Sự thật phía sau “gương sáng cộng đồng” của Trần Quyết Thắng, đăng lúc 5:17 ngày 25/3/2021 trên trang báo điện tử Hà Tĩnh với đường link: https://baohatinh.vn/…/ha-tinh-su-that-phia…/208880.htm của tác giả Hoàng Xuân.
Nội dung bài viết về cá nhân tôi và những hoạt động liên quan đế công việc mà từ trước tới nay tôi thực hiện. Bài viết thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả, các lập luận thiếu cơ sở, dẫn đến các kết luận hoặc suy đoán vô căn cứ gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tôi. Phía dưới là phần chi tiết:
Trước hết, đây là bài báo không hiểu đang viết về tôi hay về VOICE, hiện tại tôi không có liên hệ, không liên quan đến VOICE, tôi chỉ là 1 cá nhân độc lập thực hiện ý tưởng phục hồi xe đạp cũ, hỏng để trao tặng cho người nghèo và học sinh với sự trợ giúp từ phía cộng đồng.
Bài báo Viết: “Đến tháng 3/2016, Thắng về nước hoạt động. Lợi dụng sự cố môi trường biển, Trần Quyết Thắng đã móc nối với một số đối tượng phản động nhóm NOUFC Hà Nội như: Mai Văn Dũng, Mai Phương thảo, Nguyễn Lân Thắng… liên kết với một số linh mục tiến hành kích động, biểu tình gây rối nhiều lần tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Công ty Formosa)” Hết trích. Đây là nội dung sai sự thật, tôi không có mối liên hệ, hay móc nối như báo viết với Mai Văn Dũng, Mai Phương Thảo, Nguyễn Lân Thắng. Tôi không biết họ là ai, chưa liên hệ bao giờ. Tôi không có bài viết nào kích động, hay tham gia các hoạt động liên quan biểu tình. Vào thời điểm xẩy ra hiện tượng cá chết, tôi đã trực tiếp đến hiện trường để ghi lại hình ảnh, lấy thông tin để hiểu rõ hiện tượng. Tôi có đăng thông tin, nhưng không mang nội dung kích động.
Đoạn kế tiếp: “Trần Quyết Thắng có quan hệ với Nguyễn Văn Hóa và các đối tượng này thường xuyên kích động biểu tình, trực tiếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn người dân sau sự cố môi trường biển, lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.” Hết trích. Tôi chưa bao giờ kích động biểu tình, còn phỏng vấn, ghi hình ảnh thì cái này không có quy định nào của pháp luật ngăn cấm. Với cách đưa thông tin như nói ở trên thì bài báo đã khẳng định tôi và Hóa thường xuyên kích động biểu tình. Điều này sai sự thật.
Bài báo chụp lại bài đăng ngày 9/1/2020 trên trang facebook của tôi, với nội dung trong ảnh chụp: “Những gì được biết về Đồng Tâm hiện giờ chỉ có trên Facebook và 1 số báo quốc tế” hết trích. Câu này không mang tính cổ xúy cho sự kiện ở Đồng Tâm, nó chỉ là 1 câu viết ra để nói về hiện trạng báo chí tại thời điểm đó sau khi tôi thấy mạng xã hội đăng nhiều tin về Đồng Tâm, còn báo chí trong nước thì không thấy. Nội dung này là suy đoán vô căn cứ, sai bản chất, sự thật.
Kế tiếp, bài báo viết: “Ngoài ra, Thắng còn cổ suý các hoạt động biểu tình của giới trẻ Hồng Kông, đăng tin sai sự thật về tình hình lũ lụt tại huyện Thạch Hà vào tháng 10/2020.” Hết trích. Với đoạn này, bài báo viết mà không hề có căn cứ, quy kết không có kết luận của bất cứ cơ quan nào đưa ra.
Phần cuối trong bài viết này tôi nêu ra sai phạm khi viết về dự án R4K của tôi đang thực hiện: “Đây là dự án do Thắng đề xuất và hiện nay tổ chức VOICE rất quan tâm đến dự án này. Một số đối tượng chống đối cũng đã “ngửi mùi”, cổ suý cho các hoạt động dự án mang tính chất “xã hội dân sự” do đối tượng này tiến hành.” Hết trích. Đây là kết luận suy đoán, dự án của tôi rất nhiều người quan tâm, không riêng gì một cá nhân hay một tổ chức nào để ý, việc để ý đó tôi không quan tâm. Dự án R4K là dự án độc lập của cá nhân tôi, không liên quan đến VOICE. Dự án này là dự án cộng đồng được tôi lập ra, được cộng đồng hỗ trợ từ xe đạp cũ và tài chính.
Với thông tin thiếu chính xác, quy kết suy đoán vi phạm điều 9 Luật báo chí quy định 13 nhóm hành vi bị Luật báo chí nghiêm cấm, cụ thể tại nhóm thứ 8:
– Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.
Với các vi phạm trong bài báo nêu trên đã gây ảnh hưởng đến danh dự, ảnh hưởng đến công việc của tôi đang thực hiện nên tôi đề nghị sở Truyền thông Thông tin yêu cầu gỡ bài báo này và đăng bài cải chính công khai.
Mong Sở Truyền thông thông tin tiếp nhận và sớm giải quyết về thông tin bài báo nêu ở trên.
Tôi biết Trần Quyết Thắng chưa lâu, hình như giữa năm ngoái, qua dự án Tái chế xe đạp tặng học sinh đến trường của anh (R4K).
Nhớ một lần tình cờ gặp Thắng ở nhà hai vợ chồng nghệ sĩ là bạn tôi. Họ biểu diễn một tiết mục, mọi người đứng xem. Tôi thấy mắt Thắng đỏ hoe, rồi nước mắt dàn dụa trên mặt. Sau này, tôi còn thấy Thắng khóc vài lần nữa. Anh rất dễ xúc động và dễ khóc trước những gì chạm vào lòng.
Biết Thắng, tôi nhiều khi nghĩ, một người vô tư, trong sáng, và có phần ngố ngố thế này mà đi làm công việc xã hội, thì anh ta làm kiểu gì nhỉ?! Thế mà 4 năm Thắng đã hồi sinh được 4000 chiếc xe đạp để trao đến các em học sinh trên khắp mọi miền đất nước. Quả là đáng khâm phục.
Một người hồn nhiên, “ruột ngựa”, vô hại và luôn thường trực nước mắt như Thắng, lại phải lăn lộn khắp nơi, xin xe, bốc xe, sửa xe, giao xe… miệt mài từ năm này qua năm khác không ngơi nghỉ. Những tưởng anh phải được đồng hành, được chia sẻ từ chính quê hương mình. Nhưng không.
Tôi không rõ, khi đọc được bài viết này của Thắng, Báo Hà Tĩnh và người đã viết bài báo ấy, có thấy lương tâm mình được đánh thức chút nào không?
Tôi biết Trần Quyết Thắng qua một người bạn là nghệ sỹ điêu khắc Yến Năng, trong một lần thăm xưởng tái chế xe đạp cũ R4K (rebike for kid).
Ấn tượng ban đầu về Thắng là một cậu trai trẻ hiền lành, nhiệt tình, tốt bụng tới mức đáng nghi và ngây thơ tới mức khó hiểu.
Nhưng khi thấy Thắng nói về dự án xin xe cũ bỏ đi từ khăp cả nước, vận chuyển về xưởng tái chế, chọn lựa các bộ phận còn dùng được, đánh bóng, làm sạch, thay thế, sơn mới… để biến chiếc xe từ cũ kĩ, hỏng nát, tưởng chỉ có thể quẳng vào bãi rác, thành những chiếc xe mới kính coong, màu sắc bắt mắt, hiện đại thì lại thấy Thắng thông tỏ, dày dặn kinh nghiệm và rất chuyên nghiệp.
Sau này, Thắng đến nhà chơi, xem một performance tôi làm về bi kịch của con người, khi bị những xiềng xích vô hình và hữu hình kìm kẹp.
Trong xúc động cao trào, tôi đã bật khóc. Nhưng sao tôi lại khóc to thế này? Lại còn tức tưởi thành tiếng? Không lẽ còn có một tôi khác nữa xuất hiện nằm ngoài cái tôi vật lý này đang khóc mà trong lúc trình diễn, tôi rơi vào trạng thái nhạy cảm tột độ nên nghe thấy hay sao? Tiếng khóc nức nở kèm những tiếng nấc, khiến tôi, trong một vài tích tắc bị quay lại trạng thái lí trí (điều chưa bao giờ xảy ra trong quá trình tôi làm performance). Tới tận lúc đó, tôi mới chợt nhận ra, đó là tiếng khóc của một người đàn ông! Lạ thật!
Kết thúc trình diễn, tôi mới biết những uất nghẹn, đau đớn, tức tưởi ấy là từ Thắng. Lúc đó tôi còn đùa hắn: ôi, sao em cũng mong manh thế à! Xúc động gì mà khóc còn to hơn cả chị thế?
Tới hôm nay, khi đọc bài viết Thắng chia sẻ “Bài Báo Oan Nghiệt và Sự Ra Đi Của Cha Tôi”
cảm giác xúc động, từng cục khí nổi cuộn nơi lồng ngực và cổ họng, mắt cay xè, tôi mới thực sự hiểu, vì sao Thắng đã khóc nức nở,thống thiết như thế ngày ấy.
Tự nhiên thấy thương bố Thắng, thương Thắng, thương mình, thương người dân đất Việt vô cùng.
Tại sao một tâm hồn trong sáng và nhân văn như Thắng, đang làm một việc thực sự tử tế: tái chế rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trao tặng những chiếc xe đạp mới, vừa là phương tiện giúp các em học sinh bớt vất vả đường xa đi học, vừa ấm áp tình người, vừa mang lại kỉ niệm đẹp và nụ cười cho các em học sinh nghèo cả nước.
Tại sao? Tại sao?? Tại sao??? báo Hà Tĩnh lại xuyên tạc, chụp mũ, cố tình đổi trắng thay đen một cách độc ác như thế? Có phải những kẻ ác luôn căm ghét sự tử tế và lương thiện?
Ai là kẻ đứng sau những dối trá bẩn thỉu ấy? Lương tâm hắn có bao giờ cắn dứt hay hắn đã bán sạch cả lương tâm lẫn lương tri cho quỷ?
Tôi muốn gọi điện ngay cho Thắng, để gửi tới em một cái ôm thật to, thật chặt với thật nhiều yêu thương và tôn trọng.
Nhưng bây giờ là 02:00 sáng. Chắc em ấy đã ngủ say, sau mấy ngày mệt mỏi vì vật lộn, đấu tranh với việc bị hiệu trưởng một trường tại Hà Tĩnh, đã nhận tài trợ xe từ R4k cho lễ khai giảng năm học mới, nhưng chỉ vì một cuộc điện thoại của kẻ xấu có chức quyền nào đó, đã trở mặt từ chối, khi tất cả xe đã được vận chuyển tới trường.
Nên tôi viết những dòng này ở đây. Thay cho lời cảm ơn, lời thán phục trước những nỗ lực giúp đỡ không ngừng nghỉ của Thắng cho cộng đồng. (Xin nói thêm, Thắng khoe mới xuất xưởng chiếc xe thứ 4000, để có nhiều hơn các em nhỏ được nhận xe trong dịp năm học mới.)
P.s: chắc mải lo cho người khác nên Thắng đến giờ vẫn độc thân. Nhóm mấy anh chị em chơi với nhau, thì hắn vẫn luôn miệng khóc lóc về việc FA (forever alone _ độc thân vĩnh cửu).
Tôi thì luôn nghĩ: sớm thôi, sẽ có người thưởng thức được tâm hồn đẹp đẽ và nhân hậu của Thắng. Ai còn độc thân đọc được bài viết này, hãy kết bạn với Thắng nhé. Hihi
Nhân chuyện Chu Ngọc Quang Vinh, và cũng nhân ngày khai giảng, tôi đưa lên bài viết này của tác giả Hạnh Nguyên để mọi người suy nghĩ về những người trẻ của chúng ta, để thấy trường hợp như Quang Vinh không phải là “cá biệt”, không phải bây giờ mới có. Hạnh Nguyên viết bài này năm 2012 khi đang là cô nữ sinh Hà Nội 17 tuổi, bằng tuổi nam sinh Yên Bái bây giờ. Bài viết đã được Hạnh Nguyên đưa vào tập sách đầu tay của mình Những thiếu thời lơ lửng (Quảng Văn & Nxb Văn Học, 2015). Hạnh Nguyên sau tốt nghiệp phổ thông đã ra nước ngoài học và hiện làm cho một công ty du học ở nước ngoài. Nếu mà đưa lên báo bài viết này thì tôi sẽ rút tít bằng câu cuối bài: “ĐÃ ĐẾN LÚC NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỢC NÓI RỒI”. Và những tiếng nói của người trẻ như Hạnh Nguyên hồi trước, hay Quang Vinh lúc này, phải được người lớn lắng nghe thấu hiểu, chứ không phải vùi dập, trừng phạt.
Môn Văn là môn thường được/ bị bàn luận nhiều nhất sau mỗi kỳ thi. Lý do có vẻ khá đơn giản: vì văn, hiểu theo nghĩa rộng, là việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, và bất kỳ ai là người Việt thì cũng đang nói và đọc tiếng Việt hàng ngày. Vì thế, ai cũng ít nhiều có “thẩm quyền” về môn này, hay ít nhất là có một sự quan tâm. Bởi thế, ta nên thấy rằng việc xã hội thường bàn luận sôi nổi về đề Văn cũng là điều dễ hiểu, và có phần lành mạnh nữa. Tuy nhiên, đây không phải lý do duy nhất, mà vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ khác: chất lượng của đề thi. Trong bài viết này, chúng tôi xin lấy dẫn chứng ngẫu nhiên, là ba đề thi: Đề tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Thanh Hóa, đề thi tuyển sinh lớp 10 trường chuyên KHXH&NV Hà Nội, và đề thi Tốt nghiệp THPT 2024. Ở bài viết này, chúng tôi cũng chỉ chọn bàn về chất lượng ngữ liệu và đề cập những vấn đề có liên quan đến nó.
Cơ duyên tôi được kết nối với Giáo sư Cao Huy Thuần là qua bạn Trần Thiện Tùng (bạn facebook và cũng là khách ruột của Khai Tâm) nhân một dịp Bác về Việt Nam cách đây nhiều năm. Tôi ngỏ ý muốn in sách của Bác, nhất là tác phẩm mới. Bác nói hiện tại thì chưa có bản mới, nhưng các bản cũ thì có thể in lại và cũng chưa có đơn vị nào xin phép tái bản khi thời hạn bản quyền cũ đã hết. Và tôi xúc tiến ngay…
Trần Mộng Tú sinh năm 1943 tại Hà Đông, di cư vào Nam năm 1954. Chị làm thư ký cho hãng thông tấn Associated Press ở Sàigòn từ năm 1968 đến năm 1975 và thường xuyên cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ. Sau năm 1975, chị sang Mỹ định cư, viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000. Trong bài viết “Trần Mộng Tú, thi sĩ Việt Nam đầu tiên vào sách giáo khoa trung học Mỹ”, tác giả Cao La cho biết về hoạt động sáng tác của Trần Mộng Tú khi còn ở trong nước và khi sống ở hải ngoại: “Trước biến cố năm 1975, Trần Mộng Tú đã làm thơ trong khi còn đi học cũng như khi bắt đầu làm việc cho Associated Press, một hãng thông tấn ngoại quốc ở Việt Nam.
Sau khi sang Mỹ tị nạn, độc giả đã đọc thơ và văn Trần Mộng Tú trên các tạp chí văn chương của người Việt ở nước ngoài như Văn, Hợp Lưu, Văn Học, Thế kỷ 21… Các tác phẩm của Trần Mộng Tú thường được chép lại và đăng trên báo chí tiếng Việt khắp thế giới. Năm 1990, nhà xuất bản Người Việt đã ấn hành tuyển tập thơ đầu tiên của thi sĩ tựa là “Thơ Trần Mộng Tú”. 4 năm sau, tạp chí Thế Kỷ 21 in tập truyện ngắn và tùy bút nhan đề “Câu truyện của lá phong”. 2 năm sau, tạp chí Thế Kỷ 21, cũng là một ấn phẩm do công ty Người Việt sáng lập năm 1989, đã in tuyển tập thơ thứ nhì với nhan đề “Để Em Làm Gió”. Năm 1999, nhà xuất bản Văn Nghệ đã in tập truyện ngắn khác, “Cô Rơm, và Những Truyện Ngắn”… Lần đầu tiên, hai bài thơ về chiến tranh của Trần Mộng Tú xuất hiện trong thế giới văn chương quốc tế vào năm 1990, đăng trong “Vision of War, Dream of Peace” (Viễn ảnh chiến tranh: Giấc mơ hòa bình). Đó là “The Gift in Wartime” (Quà tặng trong chiến tranh) và “Dream of Peace” (Giấc mơ hòa bình), cả hai được dịch sang Anh ngữ do Vann Phan, một ký giả cũng cộng tác với nhật báo Người Việt.
Bài thơ “Quà tặng trong chiến tranh” được viết ở Việt Nam, khi thi sĩ còn rất trẻ, từ những xúc động trước cái chết của một chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người yêu đầu của cô, sau đó đã được đăng trên các tạp chí ở hải ngoại.
QUÀ TẶNG TRONG CHIẾN TRANH
Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
Phủ trên nấm mồ xanh.
Anh tặng em bội tinh
Kèm với ngôi sao bạc
Chiếc hoa mai màu vàng
Chưa đeo còn sáng bóng.
Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu.
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương.
Em tặng anh mây vương
Mắt em ngày tháng hạ
Em tặng anh đông giá
Giữa tuổi xuân cuộc đời.
Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm
Anh tặng mắt không nhìn
Một hình hài bất động.
Anh muôn vàn tạ lỗi
Xin hẹn em kiếp sau
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau.
(tháng 7.1969)
Bản dịch tiếng Anh bài thơ này đã được in trong cuốn sách giáo khoa Văn học “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành tại Mỹ". (Trần Mộng Tú, thi sĩ Việt Nam đầu tiên vào sách giáo khoa trung học Mỹ)
Nhà thơ Du Tử Lê đã giải thích vì sao những bài thơ của Trần Mộng Tú đã trở thành tiếng nói chung và sợi dây tinh thần gắn kết những người Việt di tản cảm thấy lạc lõng ở xứ lạ quê người: “Trần Mộng Tú là nhà thơ đầu tiên nổi tiếng ngay với những bài thơ đầu tiên của chị ghi lại những cảm thức lạc lõng từ những bước chân tỵ nạn thứ nhất ở xứ người… Phương tiện phổ biến báo chí gần như không có. Nó chỉ được chép tay hoặc chuyền tay giữa những người tỵ nạn tựa những chiếc lá đột ngột lìa cành, bị rải đi khắp nơi trên nước Mỹ bát ngát bao la. Những bài thơ của Trần Mộng Tú xuất hiện trên một tạp chí có số lượng ấn bản đến tay người đọc không quá ba trăm người. Nhưng những bài thơ, những vần thơ của chị đã được nhân rộng bằng phương tiện chép lại, chuyền tay, gửi qua bưu điện. Chúng ta chỉ có thể lý giải hiện tượng bất ngờ hiếm hoi này vì thơ Trần Mộng Tú hiện ra như một sợi dây tinh thần nối kết những trái tim Việt Nam tan tác, tận cùng đáy thẳm lạc lõng. Thơ Trần Mộng Tú hiện ra như chiếc cầu tâm linh cho mọi người còn thấy mình gần gũi với quê cha, đất tổ, qua sợi dây thiêng liêng tiếng Việt. Ở bậc thềm tỵ nạn thứ nhất, những năm giữa thập niên 1970, nhiều người Việt tỵ nạn còn tập làm quen với phương tiện liên lạc bằng điện thoại. Phương tiện phổ thông nhất của lớp người này là thư từ, là nhắn tin. Trong bối cảnh đó, những rung động của Trần Mộng Tú, qua thơ của chị, là những rung động chân thành, những cảm thức đi ra từ trái tim, không thể gần gũi hơn với người Việt trong hoàn cảnh bị cắt lìa hoàn toàn với quê hương. Một trong những bài thơ viết trên bậc thềm tỵ nạn thứ nhất của Trần Mộng Tú được đám đông đón nhận và mau chóng truyền tụng là bài thơ có nhan đề “Lòng nào như suối cạn”… (“Trần Mộng Tú, thơ và niềm hãnh diện thi ca Việt”)
“Lòng nào như suối cạn” là bài thơ thể hiện tâm trạng bẽ bàng của hai người thuộc lớp người tỵ nạn đầu tiên mà Du Tử Lê gọi là “bậc thềm tỵ nạn thứ nhất” gặp lại nhau ở xứ lạ quê người, thấy mọi sự dường như đã khác trước dù tình xưa vẫn còn. Ngồi bên nhau trong quán cà phê lạ, hai người nhớ lại những lần gặp nhau trong quán cà phê ở quê nhà quanh năm có nắng ấm, nơi "Đời không có mùa đông", thấy vị cà phê dịu ngọt như tình yêu nồng nàn trong mắt. Nhưng rồi biến động của thời cuộc đã làm cho biết bao người phải nháo nhác rời bỏ quê hương và lần gặp lại nhau ở xứ lạ quê người, chàng ngỡ ngàng thấy nàng "má đã phai sắc hồng" và nàng thấy chàng "trán đã thêm nếp nhăn". Chỉ mới có một năm mà đã có biết bao đổi thay và cuộc sống gian nan đã làm cho mọi cảm xúc đều nhạt phai ít nhiều.
LÒNG NÀO NHƯ SUỐI CẠN
Ngày xưa trong quán nhỏ
Đời không có mùa đông
Trên môi cà phê ngọt
Trong mắt giọt tình nồng.
Hôm nay trong quán lạ
Hai đứa ngồi nhìn nhau
Trên môi cà phê đắng
Trong mắt giọt tình sầu.
Một năm trời lận đận
Đời ngọt những vết thương
Một năm trời bôi bác
Đời vui những tấn tuồng.
Anh bây giờ đã khác
Trán đà thêm nếp nhăn
Em bây giờ đà khác
Má đà phai sắc hồng.
Mắt nào không lệ chảy
Môi nào thơm hương hoa
Lòng nào như suối cạn
Tình nào đã chia xa.
Một năm trời xứ lạ
Không còn gì cho nhau
Giọt tình cuồng trong mắt
Cũng tan theo nỗi sầu.
Nhà thơ Du Tử Lê cho biết bài thơ này đã được hai nhạc sĩ phổ nhạc: “Bài thơ in ra, chỉ một tuần sau đã được nhạc sĩ Nam Lộc phổ nhạc với tựa đề mới “Giọt tình sầu”. Và không lâu sau, người thứ hai ở tiểu bang khác cũng chọn bài thơ trên của Trần Mộng Tú để soạn thành ca khúc là nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, với tựa đề “Quán lạ”.
Có hai bản thu âm ca khúc “Quán lạ” của Hoàng Quốc Bảo với giọng ca Thái Hiền: một bản thu âm trong album “Tịnh tâm khúc” của Hoàng Quốc Bảo với tiết điệu chậm và một bản thu âm có tiết điệu nhanh hơn trong album “Huyền thoại…” của Thái Hiền.
Ca khúc “Quán lạ” trong album “Huyền thoại…” của Thái Hiền:
Sáng nay, đang còn ngái ngủ thì nhận được tin nhắn:
"Chị Hạnh ơi, em đọc được bài thơ này có phải của Hoàng Nhuận Cầm?"
"Bài thơ quá powerful ạ. Em băn khoăn: Chúng ta đều không vô tội, có bối cảnh thế nào? Tại sao lại thế?"
Để trả lời câu hỏi này quả không đơn giản. Cô ấy đang rất nhiều lo lắng. Cô ấy muốn biết thật lòng. Và, tất nhiên, với người thật lòng muốn biết, tôi sẵn sàng trả lời.
Cô ấy mở đầu:
“Mấy hôm nay bắt bớ em hoang mang quá, tìm đến thơ để đọc, thì thấy bài này.”
Chúng tôi trò chuyện khá dài, trên phone.
Theo như tôi nhớ được, vì nghe Cầm đọc quá nhiều mà thành nhớ, cái thời bài thơ được viết và được đọc, vào những năm đầu 90s, còn có hai câu không có trong bản chép của cô ấy:
"Tất cả chúng ta đồng thanh sám hối
Tất cả chúng ta không nói lên lời"
Hai câu này nằm trong khổ cuối cùng. Trước hai câu cuối cùng của bài. Có thể Cầm bỏ đi, tôi không biết. Lần đầu nghe Cầm đọc, tôi không thích cả bài, nhưng lại ấn tượng hai câu này. Vì nó có từ Sám Hối. Sám hối mà “không nói lên lời”. Vì phải “thật lòng nói dối”.
Thế thì, (cảm giác) “không vô tội” là phải rồi.
Tôi kể với cô ấy, một người trẻ muốn biết “bối cảnh” ngày xưa. Một hôm, Cầm mang 2 nghìn VND đi chợ mua thức ăn cho hai mẹ con, quay về tay không, nói: Anh đi một vòng quanh chợ, không thể mua được cái gì với 2 nghìn”.
Tôi có nói thêm với cô ấy. Tôi không thích câu cuối. Vẫn là một câu nói dối. Đúng ra phải là: “mỗi đêm một tờ giấy trắng bị bôi”, vì không thể nói thật. Vì phải sống. Phải viết để kiếm tiền. Viết những điều người khác muốn mình viết.
17 năm trước (2007), Dòng Máu Anh Hùng (The Rebel) ra mắt khán giả Việt Nam giữa thời điểm điện ảnh Việt mới gượng dậy sau khủng hoảng. Chất lượng, thẩm mỹ, tư duy điện ảnh, đặc biệt là điện ảnh thương mại của nội địa còn khá thấp.
Tôi còn nhớ cảm giác lần đầu khi xem bộ phim này trong buổi premiere ở rạp Megastar Hà Nội. Một cảm giác phấn khích, choáng ngợp với adrenaline rần rật trong máu. Hầu hết khán giả của thời điểm đó đều ngạc nhiên trước sức hút của bộ phim này mang lại, đặc biệt nghệ thuật dàn cảnh, quay phim, những màn võ thuật cận chiến và diễn xuất đầy năng lượng của Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân và Dustin Nguyễn.
Nhưng như một cái ý của Kore-eda chia sẻ trong workshop gần đây mà tôi đã nhắc tới, sự thành công của một bộ phim đôi khi còn phụ thuộc vào may mắn và nhân duyên. Dòng Máu Anh Hùng thành công và tạo tiếng vang, mang tới một làn gió mới cho chất lượng điện ảnh còn ở mức thấp của điện ảnh thương mại Việt, nhưng nó ra đời hơi… sai thời điểm, khi số lượng rạp chiếu phim ở Việt Nam lúc ấy còn quá khiêm tốn và khán giả vẫn chưa có thói quen đến rạp. Có lẽ vì vậy mà bộ phim được đầu tư đến hơn 1 triệu USD ở thời điểm 17 năm trước với chất lượng tiệm cận Hollywood ấy… thất bại tại phòng vé. Sự thất bại phòng vé ấy cũng khiến giấc mơ tạo dựng những bộ phim võ thuật chất lượng cao đã không được tiếp diễn, đặc biệt là ý tưởng về Dòng Máu Anh Hùng 2 đã phải dừng lại vô thời hạn. Hai anh em đạo diễn Charlie Nguyễn và diễn viên Johnny Trí Nguyễn đều phải chọn con đường khác để tiếp tục sự nghiệp điện ảnh của mình sau đó…
Điều đó càng khiến tôi tin rằng, mỗi bộ phim đều có một số phận. Nhưng bất chấp điều này, Dòng Máu Anh Hùng vẫn đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng của điện ảnh Việt trong giai đoạn đầu của điện ảnh thương mại có dấu hiệu phục hưng và vẫn luôn là một nguồn cảm hứng lớn của tôi khi nhìn lại những dấu mốc quan trọng của điện ảnh Việt Nam trong hai thập niên qua.
Và đó cũng là lý do để chúng tôi chọn Dòng Máu Anh Hùng cho sự tái xuất lần này, trong sự kiện Cinéphiles số thứ 5 thuộc chủ đề "Điện ảnh Việt – Một thời chưa xa" sẽ diễn ra vào tối thứ 6 tuần sau (26/4) tại Sun Life – S.Pace | 102C Nguyễn Văn Cừ, Q.1.
Ngoài sự xuất hiện của đạo diễn – nhà sản xuất Charlie Nguyễn, sự kiện này còn có sự tái xuất của Johnny Trí Nguyễn mà tôi phải ra sức thuyết phục, anh mới nhận lời. Tôi cũng gửi lời mời đến Ngô Thanh Vân, nhưng rất tiếc do bận với dự án kinh doanh nên cô không thể xuất hiện.
Sự kiện chiếu phim Dòng Máu Anh Hùng và giao lưu với hai anh em Charlie Nguyễn – Johnny Trí Nguyễn với những câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình và tình yêu của họ với dòng phim hành động, dã sử chỉ nhận được 150 khán giả. Vì vậy, các bạn hãy nhanh chân đăng ký (link tôi sẽ để ở phần comment) nhé.
Thứ Bảy tuần trước, ngày 02/03/2024, khu vườn chúng tôi đã mở cửa đón chào các em nhỏ đến tham gia buổi sinh hoạt cuối tuần đầu tiên trong chương trình hoạt động của Thư viện Ẩn Ngọc.
Chúng tôi chưa ấn định ngày khai trương chính thức của thư viện, bởi vì kỳ thực số lượng sách nơi đây mới sơ khai vài chục cuốn cùng với mỗi một gã nông dân kiêm thủ thư là tôi. Phần nhiều nhất thuộc về sự đóng góp của các bạn bè của tôi trong nhóm The Hidden Gems – Ẩn Ngọc ở khắp mọi nơi.
Thế nhưng ngay sau khi nghe ý tưởng của tôi về việc tổ chức hai ngày sinh hoạt cuối tuần trong vườn cho các em nhỏ quanh vùng, các phụ huynh liền không chần chừ mà đưa các bé đến ngay khi cơ sở vật chất còn chưa có gì tươm tất. Các bạn bè cũng rất hào phóng gửi từng cuốn sách cũ mới về nơi đây để chúng tôi thực hiện dự định của mình.
Có thật nhiều điều để kể lại về ngày đầu tiên của chúng tôi. Nhưng có lẽ tôi sẽ cần "khoảng lùi lịch sử" nhất định để có thể thực sự thấm và kể về nó. Tôi chỉ định ghi chép nhanh vài dòng về những nét ấn tượng nhất đối với tôi mà thôi.
Điều mà tôi nhớ nhất đó chính là trải nghiệm đọc sách cùng các em bé từ 4-8 tuổi, độ tuổi vừa làm quen với con chữ. Khác hoàn toàn nỗi khủng hoảng mang tên kiểm tra bài trên lớp, vào đây, các em đã đọc sách say sưa đến nỗi mọi người lớn chứng kiến đều phải ngạc nhiên. Đối với tất cả các em bé hôm đó, những cuốn sách tôi mời các em đọc đều là những cuốn đầu tiên ngoài sách giáo khoa các em từng đọc trên đời.
Tôi ngắm nhìn các em và tìm cách thấu cảm với những gì diễn ra trong đôi mắt và khối não nhỏ nhắn đáng yêu kia. Tôi thầm nghĩ, có lẽ nào đọc chữ vốn đã là một trò chơi cực kỳ lý thú? Đọc không vì bất cứ mục đích nào ngoài việc giải mã những hình thù trên giấy, biến chúng trở thành âm thanh, rồi gợi mở thành những hình ảnh, ý tưởng, câu chuyện bay lượn trong đầu.
Và tôi cứ để các em chơi như thế. Tôi không cần dạy các bé về lợi ích của sách hay nỗ lực hình thành thói quen đọc sách gì cả. Tôi chỉ cần đưa cho các em những trang giấy đầy chữ rồi im lặng lắng nghe, quan sát các em đắm mình trong trò chơi giải mã thú vị đó thôi.
Tôi chợt nhớ lại lần đầu tiên tôi biết đọc chữ. Đó là một buổi chiều hè khi tôi sắp vào lớp 1. Tôi đang nằm sấp một mình trên gác. Trên gối tôi là cuốn truyện Doraemon tập 1. Tôi vẫn thường lật giở nó mỗi ngày để xem tranh vẽ. Nhưng buổi chiều hôm đó, bỗng có một sự bùng nổ trong nhận thức của tôi: TÔI ĐÃ GIẢI MÃ ĐƯỢC NHỮNG TỪ NGỮ ĐẦU TIÊN! TÔI BIẾT ĐỌC RỒI! “Con biết đọc rồi mẹ ơi!” Tôi đã hét toáng lên gọi mẹ tôi để thông báo cho bà sự kiện quan trọng bậc nhất đời mình. Tôi có cảm giác hàng tỷ dữ liệu rời rạc trong bộ nhớ của tôi bằng một cách nào đó đã liên kết với nhau thành công để tôi có thể giải mã được văn tự. Tôi cảm thấy ánh sáng tràn ngập vào tâm trí tôi. Muôn triệu đoá hoa như bừng nở trong não tôi vào ngay khoảnh khắc đó. Một cánh cửa vừa bật mở cho phép tôi bước vào một thế giới khác — thế giới của trí tưởng tượng.
Sau sự kiện đó, tôi đã đọc ngấu nghiến nhiều ngày tháng liên tục suốt tuổi ấu thơ. Mẹ tôi và những bạn bè của mẹ đã biết được món quà mà tôi thích nhất, đó chính là sách. Mọi người tặng sách cho tôi mọi dịp đặc biệt và không đặc biệt. Hồi bé, nhà tôi rất nghèo, nhưng tôi luôn tự hào về tủ sách nhà mình, và có thể “vênh váo” với đội trẻ con trong xóm vì nhà mình luôn có nhiều sách nhất trong khu phố. Có một thời gian, nhà tôi được tặng nhiều sách quá đến nỗi mẹ tôi còn mở cửa cho mọi người đến thuê sách về đọc. Quả thực đó là một phần ký ức tôi đã quên biệt, mãi cho đến khi viết những dòng này tôi mới có dịp hồi tưởng lại.
Ấy vậy mà không biết tự bao giờ tôi bắt đầu ngán chữ, không còn thèm đọc như thuở bé nữa. Nó không còn là trò chơi giải mã ký tự để bước vào thế giới siêu tưởng tự do nữa. Chữ, bằng một cách nào đó, lại gắn chặt vào những giáo khoa, giáo điều — những luật lệ cuộc đời thật mệt mỏi. Tôi từng có cảm giác, chữ nó giống như một cái ống cống để qua đó thiên hạ đổ tấn tấn phế thải vào cái bãi rác là cái óc não bé nhỏ của tôi. Trong một thời gian khá dài, thứ chữ duy nhất tôi còn chút khoái cảm đó là chữ trong thơ, mà phải là thơ siêu thực, thơ tượng trưng — thơ càng khó hiểu càng tốt. Có một dạo, tôi say mê đọc Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế. Tôi đọc mà chẳng hiểu gì mấy, nhưng sao tôi lại thấy khoái chá như khi vừa mới biết mặt chữ. Tôi cảm thấy như mình được thả rông trên cánh đồng cỏ dại. Tôi chỉ thích chơi với chữ như chơi với cỏ cây, đất đá mà thôi. Tôi không muốn bị giáo huấn gì cả. Hoặc nếu tôi tự muốn nghe giáo huấn, tôi sẽ tìm đến những Kahlil Griban, Tagore, Hermann Hesse…, để được nghe những lời giáo huấn bằng thơ ca rỗng rang và bay bổng. Để còn giữ được tình yêu với chữ, tôi đã tự cách ly mình với những thứ chữ phục dịch cho giáo điều, công thức, chuyên chế.
Thứ Bảy vừa rồi, khi các em bé vào vườn chơi với tôi, chính các em đã nhắc tôi nhớ về một thứ tình yêu và niềm vui đơn sơ tôi từng có với chữ thuở thiếu nhi. Và có lẽ các em cũng cảm nhận được từ tôi còn nguyên xi “bất tuân bất trị” hệt như các em nên đã chẳng có một cuộc xung đột nào xảy ra cả. Tôi chẳng muốn các em phải tuân theo điều gì cả, chẳng có bài học nào để bắt các em phải thuộc hay phải trả cả. Chỉ có những cuộc trò chuyện nghiêm túc như những người trưởng thành và những lựa chọn tự nguyện. Kết quả là các em bé dưới 10 tuổi có thể chăm chú đọc sách cho nhau nghe say sưa không biết chán, cùng nhau thảo luận về nhiều thứ trong cuộc đời và luyện tập khí công suốt cả ngày. Đến cuối ngày, cháu nào cháu nấy nằng nặc đòi các bà ngày mai cho vào chơi với thầy tiếp.
Với các bà thì điều dễ thấy nhất là các cháu vào vườn là quên tiệt TV, điện thoại, nước ngọt, bimbim. Những cháu ở nhà và ở lớp chẳng bao giờ chịu mở miệng và đọc bài thì hôm đó đã mạnh dạn nói chuyện ríu ran không ngớt và đọc to dõng dạc từng đoạn trong các tiểu thuyết thiếu nhi.
Ôi, có vẻ một bài tường thuật vắn tắt của tôi lại trở thành một chuyện kể kha khá dài. Hôm nay đã là thứ Tư rồi, chỉ còn chưa tới ba ngày nữa là đến buổi sinh hoạt thứ hai. Tôi đang chờ chiếc tủ sách đàng hoàng đầu tiên cùng loạt sách cũ và mới cập cửa nhà. Xây dựng một thư viện chẳng khác nào chăm sóc một khu vườn, chỉ khác là hoa trái của nó nở tràn ra tới những miền vô biên vô cực và có thể nuôi nấng tâm hồn con người đời đời kiếp kiếp.
Nếu bạn cũng hân hoan để ươm tạo khu vườn sách này, chúng tôi rất hoan hỷ đón nhận những hạt giống quý của bằng hữu muôn phương. Xin chân thành cảm tạ.
Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ:
Nguyễn Khánh Duy
Khu dân cư Phú Lợi, phường Bến Tắm, thành phố Chí Linh, Hải Dương
Tưởng niệm Gạc Ma – Vòng tròn bất tử trên biển bằng những ngọn nến!
Rút kinh nghiệm từ những chuyện trước đây, bị “kẻ xấu cản phá” như buổi nói chuyện về biển đảo của bác Nguyễn Nhã, buổi liên hoan mừng ngày 8/3, buổi đặt hoa tưởng nhớ những đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979, mấy anh chị em chúng tôi lẳng lặng làm một chuyến ra biển thả hoa đăng, tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh năm 1988 tại các đảo thuộc Trường Sa.
Đến việc tâm linh cũng không dám công khai rủ nhau trên mạng, sợ hỏng việc. Lựa chán rồi mấy anh chị em mới chọn Hải Phòng làm nơi thả hoa đăng, kết hợp thăm các gia đình liệt sĩ. Có người biết việc làm của chúng tôi, nhưng bận không đi được đều đóng góp ít nhiều. Mỗi người một việc, rốt cục chúng tôi cũng lên đường “Hải Phòng tiến” vào chiều 13/3.
Để tránh sự chú ý của những kẻ phá bĩnh, mọi người muốn khi nào làm lễ tưởng niệm mới mặc áo phông, nhưng tôi cứ diện chiếc áo có in những dòng chữ, ghi dấu các địa danh và sự kiện ngày 14/3 ngay từ đầu. Khi xe đã lăn bánh, mọi người mới tạm thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy hệt như mình đang đi ra trận vậy.
Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo thế, dọc đường xe vẫn phải dừng lại, để mấy vị đàn bà rẽ vào chợ mua thêm ít đồ. Trong khi tôi cũng lượn lờ vào chợ, ngắm nghía hàng quán thì bỗng một chị trong đoàn bảo:
– Này! Dân ở đây họ biết cả đấy. Chị nghe thấy họ xôn xao bảo nhau: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đấy. Thế là chị hỏi: Sao các bác biết? Họ chỉ, cái áo chị kia mặc áo in những chữ Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam đấy còn gì?
Tất cả chúng tôi cùng a lên thích thú, cảm thấy hân hoan và ấm lòng. Vậy là người dân họ đã biết và không thờ ơ, dù chỉ với những dòng chữ trên một chếc áo phông bình thường của khách qua đường.
Một cô còn lo lắng hỏi:
– “Nó” sắp lấy hết đảo của mình chưa ạ?
Bà bên cạnh gắt:
– Lấy là lấy thế nào?
Hay! “Nó” lấy được hay không là do dân ta cả thôi. Chả cần tuyên truyền gì. Dân ta muôn năm.
Xe lại tiếp tục bon bon. Mọi việc khởi đầu có vẻ tốt đẹp. Đêm qua trời chợt đổ mưa khiến ai nấy đều lo lắng. Sớm nay vẫn còn lất phất mưa bay. Vậy mà trời gần trưa bỗng hửng nắng, hoàn toàn khô ráo và mát mẻ.
Đến Hải Phòng là hơn 5 giờ chiều. Đã có đại diện hai gia đình liệt sĩ nhập vào đoàn. Tất cả chúng tôi vào nghỉ ở khách sạn Xây dựng. Để tiết kiệm tối đa, đám đàn bà còn mang theo lỉnh kỉnh đồ ăn, xuống nhà hàng chỉ gọi cơm canh và thêm chút thức ăn. Vậy mà khách sạn chẳng khó chịu gì, vẫn vui vẻ phục vụ. Sau đó, chúng tôi mượn khách sạn một hội trường nhỏ, treo băng rôn đàng hoàng để làm lễ tưởng niệm, tặng quà cho gia đình liệt sĩ. Cảm động nhất là giây phút Nguyễn Xuân Diện đọc bài văn tế. Giọng Xuân Diện có lúc nghẹn ngào, run rẩy, những cặp mắt bỗng đỏ hoe, đây đó tiếng sụt sịt của đám phụ nữ…
Trời về khuya trở nên ẩm ướt vì sương đêm. Chúng tôi đi ra bến Nghiêng, nơi xuất phát của “Đoàn tàu không số” năm xưa để thả hoa đăng. Khi xe chở vòng hoa tới, ai nấy đều trầm trồ vì nó quá to và đẹp. Vì đa phần các anh đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nên vòng hoa kết toàn màu trắng tinh khôi.
Ban đầu chúng tôi chỉ định đốt nến rồi thả hoa và hoa đăng ngay trên bờ biển, nhưng rồi lại đổi ý, thuê tàu ra xa bờ để thả. Trong khi còn “cò kè mặc cả”, một người mà chúng tôi tưởng là nhà tàu hóa ra là an ninh thuộc đồn biên phòng Đồ Sơn. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là họ không hề có ý ngăn cản việc làm của chúng tôi mà còn rất nhiệt tình giúp đỡ. Trong số tiền thuê tàu từ 1 triệu rưỡi xuống còn 1 triệu, thì nhân viên an ninh nói sẽ trả cho nhà tàu 500 ngàn, còn chúng tôi chỉ phải trả 500 ngàn. Cậu an ninh còn nói, thủ trưởng của cháu giao cho cháu thu xếp chỗ nghỉ cho đoàn, nếu các cô chú chưa kịp đặt khách sạn. Từ ngạc nhiên đi đến cảm động. Từ nghi kỵ đi đến thân tình. Ban đầu khi cậu này lẵng nhẵng bám theo đoàn, chúng tôi còn tưởng an ninh nên cứ đuổi quầy quậy. Hóa ra là an ninh thật, nhưng là an ninh quân đội, và là an ninh tốt!
Sương mù mỗi lúc một dày đặc. Chúng tôi đi trên tấm ván hẹp dẫn lên tàu (hoặc là ca nô). Riêng chiếc vòng hoa to quá, chúng tôi không biết làm thế nào để đem lên theo. Đang loay hoay thì cậu an ninh đồn biên phòng Đồ Sơn bảo: Để cháu! Và cậu ta đội chiếc vòng hoa lên đầu, băng băng chạy trên tấm ván hẹp. Vòng hoa được đặt trên sàn tầng 2. Trong khi chúng tôi đốt nến, đặt hoa đăng lên xung quanh vòng hoa, cậu an ninh bảo: Hương đâu? Sao không có hương?
Ừ nhỉ. Chẳng ai nghĩ ra. Làm gì có ai có kinh nghiệm trong chuyện này. Cậu an ninh lại bảo: Để cháu! Câu ta phóng lên bờ. Lát sau quay trở lại với đầy đủ tiền vàng, hương và… thuốc lá.
Sáu mươi tư liệt sĩ. Sáu mươi tư ngọn nến và hoa đăng đặt quanh vòng hoa đại, làm thành một vòng tròn bất tử. Nguyễn Xuân Diện quỳ xuống sàn tàu, đọc lại bài văn tế. Mọi người quỳ quanh vòng hoa, chắp tay trước ngực. Sương đêm ướt đẫm, mịt mù. Nhà tàu phải đưa đèn pin để một người soi cho Diện đọc. Con tàu tròng trành đi vào trong làn sương dày đặc, mang theo khói hương nghi ngút và những ngọn nến lung linh trong đêm, mang theo tiếng rì rầm cầu nguyện Nam mô A Di Đà Phật. Trong đoàn chúng tôi có hai người theo đạo Công giáo. Họ cũng quỳ xuống đọc kinh, tưởng nhớ các liệt sĩ theo nghi thức bên Công giáo.
Có lẽ không mấy ai có dịp chứng kiến những giây phút như thế này trong đời. Ai nấy đều rưng rưng trong lòng, như cảm nhận được anh linh các liệt sĩ đã phù hộ độ trì cho chúng tôi được an lành đến với các anh.
Cậu an ninh nói: Thuốc lá cháy như thế này là các anh ấy về đấy.
Chúng tôi nghẹn ngào: Đúng rồi, các anh ấy về đấy. Nếu không làm sao chúng tôi gặp được nhiều may mắn đến thế này.
Gió rất mạnh, nhiều lần thổi tắt nến, nhưng hương và thuốc lá vẫn cháy nghi ngút. Chúng tôi thắp cho các anh hai tuần thuốc lá xong, mới thả vòng hoa xuống biển. Con tàu quay mũi, đưa chúng tôi vào bờ. Khi chúng tôi trả đủ môt triệu chứ không bớt như lúc đầu mặc cả, cậu an ninh nhất định không chịu lấy, bảo không nói hai lời.
Về khách sạn, chúng tôi ngồi lựa ảnh, post lên mạng. Tôi định viết bài, kể lể ngay, nhưng nhiều khi cảm xúc tràn ngập quá cũng không viết nổi. Khi tôi đóng máy tính lại là đã gần 3 giờ sáng ngày 14/3. Cứ để nguyên quần áo đi đường, đặt lưng xuống là tôi chìm ngay vào giấc ngủ.
Ngày 14/3, chúng tôi chọn đường về Hà Nội qua ngả Thái Bình, để thăm thêm ba gia đình liệt sĩ nữa. Mỗi một lần chủ khách chia tay là một lần bịn rịn, lưu luyến dù là lần đầu gặp mặt. Hai mươi lăm năm qua, hẳn chẳng có mấy khách phương xa nào quan tâm đến sự hy sinh của chồng, cha, con em họ. Hai mươi lăm năm qua, bao nhiêu người trong gần 90 triệu người Việt Nam biết đến video clip, do quân Trung Quốc quay cảnh bắn bộ đội ta ở Gạc Ma vào ngày 14/3/1988?
Ngay cả những người trong gia đình anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông ở Thái Bình, là những người có ít nhiều chức vị trong xã hội, cũng chưa một lần biết đến clip do lính Trung Quốc quay và đưa lên mạng, khoe khoang về hành động man rợ của chúng. Họ không thể hình dung ra người thân của họ đã ngã xuống như thế. Nhưng lệnh không đươc nổ súng, ngay cả khi quân thù nã đạn vào con em họ thì nhiều người biết. Đau đến nghẹn cả thở.
Xót thay!
Nam nhi hề, vai khoác chiến y,
Chiến sĩ hề, ai về đầu bạc?
Chuyện nhục vinh thì cứ luận bàn,
Đường sinh tử có ai không thác?
Luận anh hùng ai kể bại thành,
Xét chí khí nên coi cao thấp.
Hôm nay,
Thắp nén tâm hương,
Tưởng người tiết liệt.
Gương hiếu trung mãi mãi chẳng phai mờ,
Máu hào kiệt ngàn đời không đổi sắc.
Hiếu với dân chẳng quản máu xương rơi,
Trung với nước đâu chờ bia đá tạc!
Ô hô! Có linh xin hưởng!
Kể thêm chuyện bên lề:
– Khi in băng rôn, chủ hiệu đã giảm giá từ 150 ngàn xuống còn 50 ngàn, khuyến mại thêm lời dặn: Lần sau những gì liên quan đến phản đối Trung Quốc thì cứ đem đến đây.
– Khi làm thủ tục trả phòng ở khách sạn Xây dựng, do anh em trong đoàn “cẩu thả”, đem dép từ phòng này sang phòng khác, làm nhân viên dọn phòng tưởng mất. Trong khi mọi người còn đang truy tìm, ông giám đốc khách sạn biết chuyện bèn “quát” nhân viên không được hỏi, để yên cho “đoàn” đi.
– Sau khi đoàn về Hà Nội rồi, cậu an ninh ở bến Nghiêng – Đồ Sơn (thuộc đồn biên phòng Đồ Sơn) gọi điện cho một người trong đoàn, thú nhận rằng cảm thấy rất xấu hổ về bản thân khi chứng kiến lễ tưởng niệm này. Cậu nói mặc dù cũng là lính hải quân, có biết về Gạc Ma, nhưng lại chưa hề biết về sự hy sinh của lớp “đồng đội” năm xưa như thế nào. Cậu đề nghị lần sau nếu có những hoạt động như thế, thì cho cậu tham gia với.
– Ở đâu người ta cũng hỏi chúng tôi thuộc tổ chức nào, đoàn thể nào. Xem ra vẫn còn thói quen của mấy chục năm, về một cuộc sống mà cái gì cũng chịu sự quản lý và lãnh đạo của đảng và nhà nước, nên ngay cả việc chia sẻ tình cảm cũng phải chờ chỉ đạo, theo kiểu khi nào nhà nước hô: Khóc! Thế là nhất loạt mới được òa lên khóc, chứ không được khóc tùy tiện.
Có một mẩu tin tôi đọc từ cuối 2015, nhưng cứ nhớ mãi.
Tin các báo:
Trong phần chất vấn dành cho Thủ tướng phiên sáng ngày 17/11/15 tại Quốc hội, một đại biểu từ Tp HCM, ông Trương Trọng Nghĩa, nêu ra một nhận xét và đề nghị người đứng đầu chính phủ "giải thích thêm cho cử tri về việc này".
Nhận xét của đại biểu đó như sau: “Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã đề ra. Tham nhũng ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối luật pháp và khi đó người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại”.
Cái hiện tượng nêu ra ở đây khiến tôi nhớ tới một tình huống trong cuốn “Alice ở nước diệu kỳ” của nhà văn Anh L. Carrol (1832-1868).
Nguyên đây là câu chuyện về cô bé Alice chui vào lỗ thỏ để rồi lạc vào xứ sở trong mơ của Thỏ Trắng, uống chai nước và ăn chiếc bánh kỳ lạ, tìm cách mở những cánh cửa bí mật khóa kín, đối đầu với các bà hoàng hậu, và những lá bài ma thuật.
MỘT PHIÊN TÒA
Sau một hồi phiêu lưu trong thế giới giả tưởng, tới đoạn cuối cùng miêu tả trong truyện này, Alice ngẫu nhiên dự một phiên tòa trong cung vua: tòa xử một vụ ăn cắp bánh của hoàng hậu.
Ngẫu nhiên khi vua ra lệnh cho gọi nhân chứng thì chú thỏ trắng lại gọi ngay Alice.
Alice từ chối:
– Tôi đâu biết về vụ ăn cắp mà làm chứng.
– Đó mới là điều quan trọng.
Ý ngầm mà thỏ trắng không nói: chính là vì ngươi không biết ta mới cần ngươi.
Khi hoàng hậu nêu một lý do vớ vẩn để bảo Alice không được làm nhân chứng, vua quát hãy rời khỏi đây.
Alice nằn nì xin ở lại thì lại được chứng kiến một cảnh xử án không có nơi đâu.
– Vua: Hãy tiếp tục luận tội.
– Hoàng hậu: Tuyên án trước rồi sẽ luận tội.
– Alice: Ai lại tuyên án trước luận tội sau bây giờ, thật phi lý!
– Hoàng hậu: đem con nhỏ này ra chặt đầu ngay.
Khi bị tuyên bố chặt đầu, Alice mới như tỉnh cơn mê. Với câu nói cuối cùng “tất cả bọn ngươi chỉ là một bộ bài không hơn không kém”, giấc mơ của Alice cũng chấm dứt.
HIỆN TƯỢNG & XU HƯỚNG
Quay trở lại phần nhập đề bài này.
Cái tình thế xã hội mà ông Trương Trọng Nghĩa vừa miêu tả “người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng” cũng chỉ là một phần của tình trạng thế giới đảo ngược mà người ta quan sat thấy ở nhiều xã hội thời nay, kể cả ở ta.
Riêng ở ta thì nhiu người thuộc lứa tuổi tôi thường khái quát: nay là lúc xã hội loạn ly, cái hiện tượng “người lớn sợ trẻ con, thầy giáo sợ học trò, người tốt sợ người xấu, người ưu tú sợ kẻ bất tài” ngày một phổ biến cái nọ chuyển hóa vào địa vị của cái kia.
Người ta không biết giải thích làm sao. Người ta chỉ đành kêu trời.
Nhưng nói như Nam Cao, trời ở rất xa.
Người chống tham nhũng thì ngày càng ít đi mà người tham nhũng thì ngày một nhiều hơn. Từ đây tới khi xảy ra tình trạng người tham nhũng nhiều xử kẻ tham nhũng ít, hoặc người tham nhũng có quyền lực xử kẻ tham nhũng mất quyền lực – thời gian chắc chẳng bao xa
Đằng nào thì cũng là những chuyện mà trong thế giới cổ điển nó hiếm hoi hãn hữu, nay lại phổ biến.
Điều đáng mừng là trong việc này nghệ thuật lại có vai trò tiên tri với nghĩa nghệ thuật đã dự báo trước.
Đó chính là nội dung của cái câu “Không phải nghệ thuật bắt chước cuộc sống mà chính ra là cuộc sống bắt chước nghệ thuật” người nói là Oscar Wilde (1854-1900).
Dù là cái thiên chức này của nghệ thuật còn đang là chuyện xa lạ ở VN, thì người ta vẫn mừng là nó đã có và nếu chịu khó đọc, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn khi nhìn nhận hiện tượng trước mắt.
VĂN HỌC PHÁP ĐÌNH
Một mô-típ phổ biến của văn học nhiều nước, là cái tình tiết “con người phạm tội, họ phải ra tòa và công lý đã phải khó khăn ra sao để giải quyết”.
Từ những câu chuyện về Bao Thanh Thiên ở Trung Quốc tới trường hợp cuốn Tội ác và trừng phạt của Dostoievski, biết bao là cách xa diệu vợi.
Nhưng cả hai đều thuộc về một mảng văn học mà chúng tôi tạm gọi là văn học pháp đình.
Ở ta tuy ít nhưng không phải là không có
Ai đọc truyện cười Việt Nam, hẳn nhiều còn nhớ truyện Nhưng nó phải bằng hai mày!.
Làng kia có một tên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.
Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng. Khi xử kiện, thầy lí nói:
– Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.
Cải vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí khẽ bẩm:
– Xin xét lại, lẽ phải về con mà!
Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt, nói:
– Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày!
Trong văn học hiện đại, tôi chỉ nhớ tới cuốn phóng sự Trước vành móng ngựa của Hoàng Đạo. Còn từ sau 1945, thì lục mãi không nhớ, vậy nhờ các bạn tìm hộ.
Nhưng tôi vẫn tin chắc là ở ta hiện nay thứ văn học pháp đình này đâu có nằm trong sự quan tâm của các nhà văn nên dự đoán là ít chắc chẳng sai. Vì ở ta hôm nay đến báo chí nói về các vụ kiện ở các tòa án ở cái mức mà ta vẫn thấy ở nhiều nước – thứ báo chí đó cũng làm gì có!
Thành ngữ này, “đi tắt đón đầu”, thực ra chỉ được dùng phổ biến trong vài chục năm gần đây, cụ thể là thập niên 1990 và khoảng 2000-2005, sau đó có lẽ thấy cũng nhàm mà chả ép phê gì nên người ta ít xài, dần bỏ, không mấy khi nhắc đến nữa. Cái gì cũng có thời hoàng kim của nó, hết thịnh lại suy, còn với thành ngữ này có hết suy lại thịnh không thì tôi chả dám chắc. Nhưng đúng là, khoảng một thập niên rưỡi ấy, trên mồm mấy ông cán bộ, nhất là những ông lãnh đạo cấp cao và mấy ông tuyên huấn, cứ mở vòm ra là nghe í ới “đi tắt đón đầu”. Còn báo chí thì thôi rồi, vô thiên khênh, hầu như ngày nào cũng có bài chen vào cho bằng được cụm “đi tắt đón đầu”. Có thế mới thời thượng, mới theo kịp thời đại.
Nghĩa của nó là gì, tạm hiểu nôm na là không đi theo lối thông thường, lối cũ, lối mòn, lối mà nhiều người đang đi. Không đi nữa, phải tìm con đường khác, quen gọi là đường tắt, ngắn hơn, mất ít thời gian hơn, mà lại đạt được mục đích, kết quả nhanh hơn. Và tất nhiên, siêu của kiểu đi tắt, là đón đầu, đại loại ông chạy mẹ nó lên trước, chặn ngay hàng đầu, có bao nhiêu ông chớp tất, hứng tất, biến thành của ông, cứ cho chúng mày bở hơi tai xách dép chạy theo.
Đi tắt đón đầu ở xứ này "dưới sự lãnh đạo sáng suốt" của đảng suốt hơn chục năm đã thành chủ trương, đường lối phát triển của một xã hội, một nền kinh tế cứ mày mò, loay hoay chưa biết về đâu; của một xã hội thiếu rất nhiều hạ tầng cơ bản cả về vật chất lẫn ý thức nhưng cứ muốn ăn xổi ở thì, muốn đốt cháy giai đoạn. Nói chung là rất ảo tưởng, phi thực tế, không tự lượng, tự đánh giá đúng lực của mình. Cũng những năm ấy, các ông lãnh đạo đi đâu cũng kêu dân chúng, địa phương này nọ phải phát huy nội lực, tiềm năng thế mạnh nhưng thực ra cả một xã hội đang rã rời, sức tàn lực kiệt, chưa tính chuyện đổ cháo, đổ nước đường vực nó dậy, lại cứ muốn bóp nặn, vắt kiệt nó. Lãnh đạo với tầm nhìn như thế chỉ chết dân.
Thực ra không phải ai, không phải lúc nào người ta cũng thích đi tắt đón đầu. Thậm chí còn ngược lại. Vị thi sĩ đa tình Nguyễn Bính chả là ví dụ đáng nhớ ư: “Cái ngày cô chửa có chồng/Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa/Lối này lắm bưởi nhiều hoa/Đi vòng để được qua nhà đấy thôi”. Tuy nhiên, nhiều khi đi tắt còn chả ăn ai, thứ nhất cự ly, thứ nhì cường độ, nên đi vòng chỉ tổ mỏi chân. Thương ông Nguyễn Bính ngẩn ngơ trong cảnh “Bờ rào cây bưởi không hoa/Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo/Lợn không nuôi, đặc ao bèo/Giầu không, dây chẳng buồn leo vào giàn”. Nó đi lấy chồng thì lợn chết đói.
Lại có những ông bà thích đón đầu, cứ phải là số 1 mới chịu. Có một dạo người ta đùa nhau: “Thi đua ta quyết tiến lên/Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu/Hàng đầu không biết đi đâu/Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”. Nói dại miệng, nó cũng giống như xứ mình đang tiến lên chủ nghĩa xã hội bao năm nay và cho đến bây giờ. Cái gọi là đỉnh cao, là hàng đầu của thể chế xã hội loài người ấy thực ra nó mờ mịt lắm. Cả đám đông để cho anh mù dẫn dắt cứ tinh thần cách mạng vùn vụt xông lên nhưng rồi ngơ ngác chả biết mình đang đứng ở chỗ nào, hoang mang không biết đi đâu nữa. Thế thì chỉ có chết, không chết bởi kiệt sức thì cũng bởi… tâm thần.
Những năm chưa xa ấy, tôi biết anh Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc Công ty FPT, phụ trách địa bàn phía nam của công ty này. Phải nói ngay rằng FPT khi mới thành lập, rồi hồi thập niên 90 lắm người trẻ và tài. Dạo đó tôi làm báo, thỉnh thoảng lại gặp những Trương Gia Bình, Hoàng Minh Châu, Lê Trường Tùng, Trương Thị Thanh Thanh… đều rất thông minh, nhìn xa trông rộng mà lại suy nghĩ rất thực tế. Điều đáng nói, FPT phát triển, mạnh, giàu chủ yếu nhờ chất xám, trí tuệ, thứ tài nguyên vô hạn của con người, chứ không phải nhờ ăn vào đất đai, bất động sản hữu hạn như những doanh nghiệp khác.
Lại nói về Hoàng Minh Châu. Người thấp đậm, tướng ngũ đoản, trông ná ná như ông cựu thứ trưởng bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ vậy. Châu là một người thông minh cực kỳ, nhạy bén, hoạt khẩu, dễ gần, đám nhà báo chúng tôi học được ở anh ấy nhiều điều. Một lần FPT họp mặt cuối năm, chuyện gần chuyện xa vui vẻ, có chị phóng viên cắc cớ hỏi anh Châu, anh ạ, liệu FPT có chuẩn bị gì để đi tắt đón đầu không. Anh Châu cười ha hả: Đi tắt đón đầu, nghe thì hay lắm, nhưng xin lỗi, rất vớ vẩn. Mình cứ làm như người ta ngu cả, ngồi yên cho mình muốn làm gì thì làm. Chả nhẽ thiên hạ họ để mặc cho chỉ một mình ông đi tắt, còn họ thì đủng đỉnh đi đường vòng. Chả nhẽ họ để ông vùng lên đón đầu, còn họ lụt đụt lẽo đẽo xách dép chạy phía sau. Cứ đường thẳng, vững vàng mà đi rồi đến đích, không cần phải tắt tiếc đón điếc gì cả. Châu nói xong, cả đám nghe phục lăn. Phục cái trí lự và sự thẳng thắn của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tôi bảo với lão bạn ngồi cạnh, tay này mà vào tứ trụ thì dân nước được nhờ, chứ không như bọn xôi thịt.
Viết đến đây, sực nhớ hồi xưa học triết học Mác – Lênin, các giáo sư môn này đều khẳng định với chúng tôi rằng chủ nghĩa xã hội là con đường tắt, không thông qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa để đến bến bờ hạnh phúc no ấm. Nhưng trước khi vào đường tắt, nhìn xa xa chưa thấy hạnh phúc no ấm đâu, họ bảo rằng còn phải trải qua thời kỳ quá độ, mà quá độ đếch biết nó dài ngắn thế nào. May mà hồi mấy năm trước ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai thay mặt đảng cầm quyền bảo rằng cả trăm năm nữa chưa chắc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Thế thì bỏ mẹ nó đi chứ theo làm gì, tắt mới chả tiếc, cứ đi đường vòng còn may ra biết thế nào là cơm no áo ấm. Bọn Nhật, Hàn, Sing, Đan Mạch, Hà Lan… đều đang đi đường vòng cả đấy thây.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung cộng đem hơn nửa triệu quân xâm lược nước ta suốt 6 tỉnh biên giới, gây bao tội ác dã man… NSND Trần Văn Thủy nhớ lạị:
… "Vào dip này năm ấy, tôi cùng nhóm làm phim cũng có mặt ở mặt trận Tam Đường, Lào Cai, rồi Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… ghi hình trực tiếp, ác liệt, tàn bạo và man rợ vô cùng… Cùng với sự trực tiếp giúp đỡ đặc biệt của ông Nguyễn Cơ Thạch, tôi đã cho ra mắt "PHẢN BỘI", bộ phim tài liệu (đen trắng) dài nhất trong lịch sử Hãng Phim tài liệu Trung ương cho đến thời điểm đó: 90 phút. Nó đoạt giải Vàng Đặc Biệt trong Liên hoan phim Quốc gia 1980 và tham dự nhiều Liên hoan phim Quốc Tế khác… Nó hấp dẫn hơn một phim truyện. "Đang xem không thể đi… tè được". Vậy mà: PHẢN BỘI hiện tại bị… cấm chiếu! Cấm xuất kho. Cấm in ấn. Tôi cũng không cách nào xem lại được? Ôi! Sao mà "tài tình" và "sáng suốt" đến vậy"?…
Nhớ câu "Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì tra Gu- gờ", tôi cố tìm trên Google mãi cũng không thấy dấu tích của phim "PHẢN BỘI". Có lần tôi đã giục NSND Trần Văn Thủy: Anh phải đi đấu tranh đòi cho được bộ phim đó, vì đó là tài sản của anh… Nhưng anh lắc đầu ngao ngán…
Thế là phim "Phản bội" từng được Giải Vàng, giờ đã bị phản bội rồi!
Đến nay NSDND Trần Văn Thuỷ vẫn không sao biết tăm hơi về "đứa con" mình đứt ruột đẻ ra!
Cứ đến dịp tết nhất hoặc Trung thu thì Hà Nội và các thành phố, làng quê, đền chùa miếu mạo cả nước lại đỏ ối những đèn lồng, tờ phướn, bao lì xì, các hình trang trí linh vật ghi chữ Việt nào là Phúc Lộc Thọ, An Khang Thịnh Vượng, Chúc Mừng Năm Mới… nhưng hồn cốt lại Tàu đặc sệt. Từ hình ảnh, đường nét đến màu sắc đậm đặc văn hóa Tàu. Người Việt chúng ta bao năm không thích có chữ tượng hình (chữ Hán) thì các doanh nghiệp Tàu in chữ Việt. Dân ta cứ tưởng đó là của Việt, các nhà quản lý và cả các tăng ni cũng coi đó là thuần Việt.
Vừa xôn xao tin lũ khỉ ở trong chuồng ở Thủ Lệ rét quá ngồi ôm nhau co ro. Ơ thế nếu chúng nó ở trong rừng thì biết chặt củi đốt lửa sưởi ấm như Homosapien ấy à? Tất nhiên nên che chắn cho chúng nó đi một tí, bản thân trong cái chuồng đó cũng có một cái thùng tạm gọi là “cái nhà” che nắng che mưa, chúng nó cũng có thể chui vào được. Nhưng câu chuyện không nằm ở chỗ đó.
Gần đây, nhân GS La Khắc Hòa đưa lại một loạt bài trích từ cuốn Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh, một vài người nhắc đến việc liệu cuốn Hồi kí của thầy có in ra chính thức được không. In chính thức thì tôi không biết, nhưng in lậu, in thủ công và bán chui thì lâu rồi và có nhiều sai sót. Bây giờ đổi mới, thoáng đãng hơn, những chuyện cấm kị như ngày trước nhiều người nói rất thoải mái… Nhưng cách đây hàng chục năm thì rất khác… Tôi ngồi nhớ lại 15 năm trước, nhớ về ngày ấy, những ngày sau khi nội dung cuốn Hồi kí… bị tung lên mạng.
Ngày ấy khá nặng nề. Tuy từ đó cho đến khi thầy rời cõi tạm và đến tận bây giờ, chưa có bất kì một quy kết chính thức nào của chính quyền nhà nước đối với cuốn sách và tác giả. Vì nó đã in ra đâu, chỉ là trôi nổi trên mạng. Ông Mạnh cũng chưa hề bị một cơ quan đoàn thể nào kiểm điểm hay khiển trách, kỉ luật gì về chuyện này… Ngày ấy, chỉ có một số tờ báo đăng tải bài viết phê phán, lên án, thóa mạ, thậm chí kết tội tác giả. Nhiều người, trong đó có cả một vài học trò của ông, quay lại nói xấu, gièm pha… Ngày ấy, tôi thấy rất rõ cảm giác mọi người xa lánh, ngại tiếp xúc với ông. Ngày ấy tôi vẫn đến nhà thầy tại Láng Hạ thường xuyên. Nhiều hôm đến, bấm chuông mấy lần vẫn không có người ra mở cửa, phải gọi điện vào trong nhà… Rồi cô Thoại – vợ thầy xuất hiện, mở cửa với lời phân trần: “Cứ tưởng công an đến bắt ông Mạnh”. Vợ thầy sợ và cảm thấy bất an… Con cái thầy cũng lo lắng, có lúc đã nghĩ đến chuyện tìm cho ông một luật sư bào chữa… Riêng ông Mạnh, vẫn không hề nao núng gì. Tôi chỉ thấy ông im lặng, ít nói hơn. Hay trầm ngâm, chỉ ngồi nghe, suy tư hoặc mỉm cười. Lặng lẽ như một ngôi sao cô đơn cuối trời… Ông không sợ gì, rất bình tĩnh… nhưng chắc là buồn, rất buồn về thế sự. Có hôm tôi đến thăm, vợ thầy bảo: Ông ấy đi bộ ra công viên rồi. Tôi ra công viên đi tìm. Tìm mãi, tìm mãi… cuối cùng thoáng thấy một dáng người nhỏ bé, quen thuộc. Ông ngồi một mình, thu gọn trong một quán nước nhỏ nép bên rìa một lùm cây. Tôi nhìn và nghĩ, uống trà chỉ là cái cớ, thực ra ông muốn tìm một chỗ tĩnh vắng để suy tư, để nghĩ về thế thái nhân tình. Chắc thầy đang “chiêm nghiệm cái hay, cái dở của cả đời người đã dồn tụ thành biển cả trong ông. Càng tách bạch với ngoại giới, cái biển cả tâm hồn trong ông lại càng nhiều dịp nổi sóng tung bờ… những lớp sóng buồn trước sự nhố nhăng, đen bạc của cuộc đời.”. Đấy là mấy dòng tôi viết về ông 15 năm trước, trong những ngày nặng nề ấy…
Nay sắp đến ngày giỗ thầy, được sự đồng ý của Nguyễn Đăng Thanh, con trai cụ, tôi đưa lên đây những dòng Tái bút. Nội dung này chưa có trong các bản đăng tải trên mạng, vì ông viết sau đó một năm. Sau một năm sóng gió vì cuốn hồi kí trên mạng, ông đã viết thêm ít dòng như những lời đối thoại ngầm. Lúc còn sống, ông cho tôi bản cuối cùng này (bản 2009 có bổ sung và sửa chữa, còn ghi last one). Xin trân trọng giới thiệu cùng mọi người. Âu cũng là một nén hương thắp lên nhân dịp giỗ thầy.
Lật chồng báo cũ, tình cờ gặp hai bài thơ của Tú Kếu, nhưng chúng không nằm trong dòng thơ châm biếm và trào phúng từng tạo dựng tên tuổi cho nhà thơ này. Hai bài này có lẽ viết sau Mùa hè Đỏ lửa, và cái nhìn về chiến tranh của ông có lẽ là đặc trưng của miền Nam thời đó: chấp nhận cuộc chiến nghiệt ngã như một điều không thể né tránh, không thích nó nhưng vẫn lao vào với trọn vẹn tinh thần danh dự và trách nhiệm. Chúng khiến tôi nhớ lại cả một thời trai trẻ, còn là học sinh vô tư lự dù sống trong lo âu và băn khoăn thường trực (tuy lúc đó chưa ý thức rõ được điều đó) nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy yêu cái không khí tự do và ít nhiều được làm người ở thời đó, đúng kiểu tâm lý “mất rồi mới thấy tiếc”, tựa như một con bệnh, khi bị đau mắt gần mù thì mới thấy yêu quý con mắt lúc nó còn lành lặn.
“Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?”. Đây là câu 1 trong đề thi học sinh quốc gia môn Ngữ văn 2024, chiếm 8/20 điểm của cả đề.
Lại một mình cheo leo trên tầng bốn của khu tập thể già nua. Vẩn vơ với những vui buồn xô đẩy. Mệt mỏi đến rã rời. Cuộc chơi mạo hiểm và dại dột của bố cũng khép lại. Thiếu vắng con Diệp, con Hằng ở xa không về “vui” với bố. Chỉ có vợ chồng chị cả Huyền và vợ chồng cháu Cường bên cạnh. Vợ chồng con út Quỳnh Hương cũng cách nhỡ. Ngổn ngang trăm mối tơ vò. Chấm dứt sáu năm tự đoạ và cuộc triển lãm sẽ trôi về dĩ vãng. Có ai buồn giống tôi không?
Vừa qua thay mặt cho bà quả phụ Takano, thân nhân của gia đình đã trao tặng chiếc máy chụp ảnh của Takano Isao cho Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Takano đã đến học tiếng Việt từ năm 1967 đến 1971 ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của trường này), đúng vào lúc chiến tranh Việt Nam vào giai đoạn khốc liệt nhất. Đêm hôm chia tay người yêu là chị Michiko (sau này là vợ anh) anh nói: Anh được cử đi Việt Nam, có lẽ anh sẽ đến đó chiến đấu.