Lịch sử và chân dung phê bình văn học như một diễn ngôn

Văn Giá

(Lược thuật Tọa đàm “Phê bình văn học hiện đại Việt Nam-Lịch sử và chân dung”)

405204398_10220450894301378_8606513136878079620_n

GS. Trần Đình Sử

Sáng 29/11/2023, Khoa Viết văn, Báo chí – Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm mang tên như đúng tên gọi cuốn sách của Giáo sư (GS) Trần Đình Sử (NXB ĐH Sư phạm, 2023) vừa mới ra mắt bạn đọc.

Buổi Tọa đàm thu hút nhiều nhà nghiên cứu phê bình (NCPB) văn học đến từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu cùng một số nhà văn tham dự. Đó là những tên tuổi quen thuộc trong giới văn chương như: Nguyễn Đình Chú, La Khắc Hòa, Ngô Thảo, Đỗ Lai Thúy, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Văn Dân, Trần Khánh Thành, Nguyễn Đức Mậu, Đỗ Ngọc Thống, Nguyễn Đăng Điệp, Lê Dục Tú, Cao Kim Lan, Trần Văn Toàn, Trần Hạnh Mai, Đỗ Hải Ninh, Nguyễn Duy Bắc, Đào Tiến Thi, Phạm Minh Quân; các nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, Mai Nam Thắng, Trương Anh Tú và nhiều người khác. Về phía đơn vị tổ chức, nhiều các cán bộ giảng dạy như Đỗ Thị Thu Thủy, Trần Hồng Liễu, Mai Anh Tuấn… và các học viên theo học ngành viết văn tham dự.

Là tác giả của công trình Phê bình văn học hiện đại Việt Nam-Lịch sử và chân dung (bao quát lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại qua 5 giai đoạn lớn theo trình tự biên niên: 1885 – 1931, 1932 – 1945, 1945 – 1975 và từ 1976 đến nay cùng với 59 bài viết chân dung các tác giả phê bình), GS.Trần Đình Sử đã chia sẻ ý đồ và quan niệm khi tiến hành viết công trình này. Ông cho rằng ở trên thế giới và Việt Nam chúng ta, bộ phận phê bình văn học thường ít được hiểu và đặt đúng vào vị trí cần thiết, quan trọng của nó; rằng ở ta hiện nay, phần lớn các báo và tạp chí văn học không thấy có chuyên trang/mục PBVH; các công trình viết về lịch sử PBVH Việt Nam hiện đại không có nhiều. Cũng lại nhận thấy làm nghề NCPB văn học đầy những nhọc nhằn, thậm chí nhiều thiệt thòi, nhiều hệ lụy…, cho nên ông muốn viết công trình này. GS. Trần Đình Sử bày tỏ quan niệm khi viết lịch sử PBVH: “Tôi nhìn lịch sử PBVH như một diễn ngôn. Mà đã là diễn ngôn thì luôn bị khung tri thức thời đại và các quyền lực chi phối, nhà phê bình không phải muốn nói gì cũng được, mà anh luôn bị điều kiện hóa. Cho nên lịch sử PBVH là một quá trình vận động, tương tác, biến đổi phức tạp với những hệ hình khác nhau, theo đó có các kiểu tác giả khác nhau”.

Sau lời phi lộ của GS.Trần Đình Sử là các tham luận và phát biểu của các nhà NCPB La Khắc Hòa, Nguyễn Đăng Điệp, Đỗ Lai Thúy, Trần Khánh Thành, Ngô Thảo, Cao Kim Lan, Trần Văn Toàn, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Duy Bắc. Về cơ bản, có hai loại ý kiến: 1, Đánh giá những thành công và đóng góp của công trình đối với đời sống văn học hiện nay, nhất là khu vực nghiên cứu phê bình văn học; 2, Trao đổi một số vấn đề mà công trình gợi ra cùng những hạn chế của công trình và những đề xuất với tác giả.

Nhà NCPB Nguyễn Đăng Điệp bày tỏ niềm vui trước một công trình có ý nghĩa của GS Trần Đình Sử trong bối cảnh PBVH hiện nay, rằng tác giả của công trình đã dựng nên được một lịch sử PBVH Việt Nam hiện đại một cách sáng tỏ, ở đó người viết có chủ kiến rõ ràng, có quan niệm phê bình sâu sắc coi phê bình như là hoạt động diễn ngôn, nơi bị chi phối bởi các “quyền lực tri thức” rất mạnh và không thể cưỡng lại; công trình của GS Trần Đình Sử không chỉ có giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa gợi dẫn nhiều vấn đề để những người trong giới cùng thảo luận tiếp.

Nhà NCPB La Khắc Hòa là người có điều kiện gần gũi với GS.Trần Đình Sử trong các sinh hoạt học thuật, lại là người được đọc kỹ công trình ngay từ khi đang ở dạng bản thảo đã chỉ ra nhiều khía cạnh học thuật sâu sắc và tâm huyết. Ông cho rằng viết lịch sử văn học có nhiều cách, xuất phát từ quan niệm của mỗi người; có những người viết không có quan niệm nên viết lịch sử như là sự miêu tả một cách đơn giản, tĩnh tại; tệ hơn nữa có khi lại bị cái nhìn ý thức hệ chi phối, nên chỉ nhìn thấy một cách giản đơn hai phía PBVH đối lập nhau, loại trừ nhau; đến lượt, Trần Đình Sử nhìn hiện thực PBVH như là tổng thể lịch sử của các sự kiện đã xảy ra. Ông nói: “Theo nghĩa rộng, sự kiện là cái đã xẩy ra, nhưng không phải mọi cái đã xẩy ra đều trở thành sự kiện. Bởi vì, nhiều chuyện xẩy ra chỉ đơn thuần là sự lặp lại theo trình tự tự nhiên của một loại hiện tượng nào đó làm thành tiến trình trong thời gian. Lại có những cái xẩy ra như là sự lặp lại của những thứ đã thành chuẩn mực tạo nên trạng thái tĩnh tại trong không gian. Khác với tiến trình và trạng thái, sự kiện là cái đột phá. Nó phá vỡ các chuẩn mực của trạng thái tĩnh tại, làm gián đoạn, đứt gẫy trình tự tự nhiên của tiến trình một cách có chủ ý, tạo ra một sự thực khác như một tổng thể hoàn toàn mới mẻ. Với ý nghĩa như thế, sự kiện nào cũng là sự phạm cấm (J.M. Lotman)”… Ông cho rằng, Trần Đình Sử có một quan niệm rõ ràng về lịch sử PBVH, nhờ vậy đã triển khai nó với một cấu trúc chặt chẽ, khoa học. Nhà NCPB La Khắc Hòa cũng cho rằng phần viết về các chân dung PBVH có nhiều thú vị, rằng người viết coi mỗi một tác giả trong chân dung ấy tiêu biểu cho mỗi loại hình PBVH, họ đã tạo ra được các “sự kiện” trong lịch sử PBVH, nghĩa là ở họ có “đột phá” và “phạm cấm”; rằng các chân dung ấy tiêu biểu cho mỗi giai đoạn, cho mỗi hệ hình PBVH, nhất là bao quát được một số trường hợp tác giả thuộc PBVH miền Nam trước 1975 và hải ngoại sau 1975, tuy chưa thể đầy đủ…

405268260_10220450894781390_7829048822699600680_n

GS. La Khắc Hòa

Nhà NCPB Trần Khánh Thành cũng bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao công trình của GS Trần Đình Sử. Ông khẳng định, tác giả công trình đã có những nghiên cứu rất sâu sắc, thú vị về lịch sử PBVH nhờ khám phá vào các “đường biên” văn học, và từ nhiều điểm nhìn, tôn trọng tính khoa học, không bị chi phối bởi cái nhìn và quan niệm cũ.

Nhà NCPB Đỗ Lai Thúy, người cũng đã từng viết “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” cũng đánh giá cao công trình của GS Trần Đình Sử. Ông cho rằng đến công trình này của Trần Đình Sử, những người làm PBVH mới có danh xưng cụ thể là “nhà phê bình”, chứ lâu nay bị ghép vào những danh xưng “nhà lý luận phê bình”, “nhà nghiên cứu phê bình”. Ông nói: “Tôi thích phần viết về các chân dung, thích ở việc chọn trường hợp viết, và viết sinh động, chú trọng tính lý luận khi viết về các nhà phê bình, định vị ai là ai, làm ra một lịch sử phê bình dưới cái nhìn của riêng tác giả”…

GS. Nguyễn Đình Chú, 95 tuổi, vốn là người cùng giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn-ĐH Sư phạm Hà Nội với GS.Trần Đình Sử cũng có mặt trong cuộc Tọa đàm và đánh giá cao những đóng góp của tác giả công trình – người được đào tạo cơ bản bậc nhất của khoa ngữ văn, người đã có những công trình “ghê gớm”…

 

405200955_10220450895221401_7660159152804771681_n

GS. Nguyễn Đình Chú

Nhìn chung, có nhiều ý kiến của các nhà NCPB như Cao Kim Lan, Trần Văn Toàn, Ngô Thảo… đã phân tích, đánh giá những nét đặc sắc và đóng góp của cuốn sách “Phê bình văn học hiện đại Việt Nam-Lịch sử và chân dung” vào đời sống văn học nói chung và trong lĩnh vực PBVH nói riêng.

Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu trong Tọa đàm không phải chỉ là ý kiến ngợi ca, khẳng định một chiều, mà cũng có một số ý kiến trao đổi hoặc “đề nghị” với tác giả Trần Đình Sử. Đỗ Lai Thúy cho rằng khi tác giả viết một số chân dung phê bình, ở phần trên đã phân tích và chỉ ra những giới hạn của một số nhà phê bình, thì ở phần kết lại nói theo hướng khẳng định này nọ thì có vẻ không đúng; hoặc viết về một số trường hợp cũng có phần khắt khe, thí dụ như Trần Thanh Mại hay Đỗ Đức Hiểu, do chưa thấy hết điều kiện cụ thể ở số phận của họ.

 

405223416_10220450895861417_5886746038757409296_n

Nhà Phê bình Văn học Đỗ Lai Thúy


GS.Trần Ngọc Vương thì cho rằng tác giả công trình cần bổ sung thêm một số sự kiện quan trọng chi phối lịch sử PBVH, thí dụ như một số cuộc tranh luận văn học giữa hai nhân vật Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường trong những năm cuối thế kỷ XIX; hay cuộc tranh luận về truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế… Ông cũng “đề nghị” tác giả công trình nên chú ý đến một số nhà văn làm PBVH có công lớn trong những bước chuyển mình của văn học như Nguyễn Minh Châu chẳng hạn…

Bằng quan sát rộng vào nền NCPB văn học ở Việt Nam, GS Nguyễn Đình Chú cũng lưu ý rằng chúng ta chưa chú trọng nghiên cứu và tìm cách tiếp thu nền lý luận phê bình của cha ông; cái cách phê bình, đánh giá của cha ông tuy không nói lý luận gì nhưng sâu sắc và kỳ diệu lắm… GS Nguyễn Đình Chú cũng lưu ý rằng nền tảng triết học ở nền văn học Việt Nam, cả trong sáng tác lẫn NCPB đang còn yếu…

Nhân ý kiến của nhà NCPB Cao Kim Lan nhận xét rằng GS.Trần Đình Sử hóa ra tâm hồn cũng rất “mong manh” khi “kể câu chuyện lịch sử PBVH” qua công trình này, GS.Trần Đình Sử thú nhận quả là có tâm trạng “xao xuyến” đó thật. Ông tâm sự: “Tôi nhận thức rất rõ cuốn sách không thể không có khuyết điểm. Khi viết, tôi cũng biết có những trường hợp không thể nhắc đến hoặc viết về, bởi vì không dễ gì đã được chấp nhận. Ngay cả khi viết về một số những tác giả đang còn sống thì tôi cũng phải chọn cách viết có tình có lý. Có thể có những điểm này điểm khác chưa thật như ai đó mong muốn thì chủ yếu là do tôi vụng cách diễn đạt thôi. Tôi là người rất biết trân trọng những nhà phê bình, bởi cái nghề này đầy những thăng trầm, không mấy người theo được đến hết đời…”.

405204328_10220450904021621_1321560161817938695_n

Các nhà phê bình văn học tại buổi Tọa đàm

Nguồn: FB Văn Giá

Comments are closed.