Tương Lai
Trong một “Mênh mông thế sự” ngày 27.1.2017 ba mươi Tết Đinh Dậu, tôi có viết: “Cuộc sống bộn bề những nhiễu nhương hôm nay cần được cứu rỗi bởi chân lý khi mà sự thật đang bị đánh tráo, vì vậy ánh sáng của chân lý cũng bị che phủ bởi đám mây đen của sự dối trá và lừa mị cho dù “Chân lý, bản thân nó đã là minh chứng. Ngay khi bạn dỡ đi mạng nhện ngu dốt xung quanh, nó sẽ sáng lòa” như Mahatma Gandhi từng viết. Thế nhưng ngu dốt chính là chỗ dựa an toàn của độc tài, của chuyên chế, của toàn trị phản dân chủ”.
Cho nên, sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng có lối tắt, đường phẳng mà không cần phải đấu tranh mà có thể đi tới chân lý. Cái mạng nhện của sự ngu dốt đang được nuôi dưỡng bởi sự chuyên chế độc tài nhằm biến số đông trở thành đàn cừu để dễ bề sai khiến và cúi đầu khuất phục. Cái mạng nhện nhân danh “chuyên chính vô sản”[1] ấy được biến thái trong một mớ lý luận được sao chép lại từ những giáo điều mốc meo đã bị ném vào sọt rác của lịch sử, đang được bổ vây khắp nơi, từ nơi thôn cùng ngõ hẹp cho đến đường phố nhộn nhịp bon chen là nguyên nhân đẩy tới sự xuống cấp của văn hoá, làm đảo lộn hệ thống giá trị, băng hoại đạo lý xã hội.
Cho dù chân lý, bản thân nó đã là minh chứng thì vẫn không tránh khỏi “có thể được bóp méo theo một cách nào đó”. Ấy vậy mà chân lý là cụ thể. Văn hào Nga Lev Tolstoy đã viết “Chân lý vĩ đại nhất là chân lý bình thường nhất”. Nếu sự thật có bị đánh tráo đến cỡ nào thì chân lý không vì thế mà mất đi, sự sòng phẳng của lịch sử sẽ trả lại sự thật đúng như nó từng là như thế, vì vậy “chân lý sẽ sáng loà”.
Trong cảm thức riêng tư, tôi đồng tình với tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm khi ông viết: “Hình như ai cũng thấy rằng, miền Nam, phía Quốc gia, trước sau cũng phải thua.
Khi so sánh về bản sắc và tính chất nhân văn của hai miền Nam – Bắc, giữa Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Quân đội Nhân Dân (QĐND), thì mặc dầu hai phía trong chiến tranh đều là quân nhân người Việt Nam, nhưng bên QĐND được trang bị nhiều ưu thế, từ tinh thần chiến đấu đến vũ khí, chiến thuật, lãnh đạo, chính trị và thời thế. Số phận VNCH hình như đã được an bài – không phải như là một mục tiêu chính sách – nhưng là của một định mệnh lịch sử.
Bỏ qua những yếu tố chính trị, lãnh đạo, hay quân sự thì phía miền Bắc có cả một chiều dài lịch sử sau lưng họ. Đó là ý chí độc lập, thống nhất đất nước. Miền Bắc phải hoàn tất thiết yếu tính cho một bản sắc sử mệnh mà thời đại đã giao cho họ.
Còn phía miền Nam thì bị lịch sử bỏ rơi. Nó tiếp nối một gia sản chính trị và tâm lý từ vai trò lệ thuộc ngoại bang. Họ thụ động chiến đấu – mà không hề mang một ý chí hay ý thức về sứ mệnh chiến tranh cho mình.
Người dân miền Nam, và cả quân đội VNCH, đã giao hoán lòng yêu nước cho đối phương và vì thế đánh mất luôn linh hồn ái quốc.”[2]. Với ông, “Dòng máu Việt chảy trong huyết quản là điều không thể thay đổi, [ông] mong mỏi các thế hệ người Việt trẻ có thể “lớn lên” nhanh hơn, đáp ứng với những thay đổi của thế giới tốt hơn”[3].
Cũng với khái niệm định mệnh ấy, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, tác giả của Khi đồng minh tháo chạy – cuốn sách mà ông đã gửi tặng tôi – đã dành hẳn một chương, chương 8 NĂM CỦA ĐỊNH MỆNH trước khi viết tiếp chương 9: NHÁT GƯƠM ĐAO PHỦ và chương 10: LÚC TUYỆT VỌNG. Tác giả lưu ý: “Về phía VNCH, từ giờ phút này đã trở nên thân cô thế cô, chỉ còn hy vọng rằng đã chịu đấm thì được ăn xôi, rằng những cam kết tại San Clemente sẽ được tôn trọng. Thế nhưng, San Clemente chỉ là trạm dừng chân của Tổng thống Thiệu trước khi ông rời khỏi trọng tâm chú ý của Hoa Kỳ. Kể từ khi ký xong Bản Thông Cáo, hai ông Nixon và Kissinger hầu như đã chôn vùi Miền Nam vào dĩ vãng… Lời ông Wiliam Sullivan, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao tóm tắt về quan điểm của Hoa Kỳ lúc ấy: "Chúng tôi hy vọng rằng Đông Dương sẽ lui vào chỗ của nó trong bóng tối, và nó xứng đáng như vậy"”. (tr. 132)
Tác giả giải bày: “Do cơ duyên lịch sử run rủi, tôi đã được chứng kiến những gì đã xảy ra đằng sau hậu trường bang giao Việt-Mỹ vào những ngày tháng cuối cùng; và nghĩ là đã đến lúc viết ra một cách trung thực những gì mình đã chứng kiến để soi sáng cho lịch sử”. Ước mong của ông khi viết tập sách này là “để trả lại lịch sử những sự thật của lịch sử. Ông không chạy tội, không bênh ai, không lên án ai, mà chỉ ghi lại những gì mà ông đã có cơ duyên chứng kiến" và "Tác giả cũng ước mong rằng giới trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối công việc mà ông đang làm để trả lại sự thật cho lịch sử, và theo lời ông, để ‘trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar””.
Ấy vậy mà “chân lý, bản thân nó đã là minh chứng”, cho dù “dòng sông của chân lý [nhiều khi phải] chảy qua kênh đào sai lầm” như Rabindranath Tagore nói, thì cuối cùng, khi sông đổ ra biển cũng sẽ phải trở về với hình hài của nó như thuở ban đầu. Cũng chính vì vậy, phải “xoáy ống kính vào vấn đề “ngay tại đây” và “ngay lúc này” như cách nhà sử học Yuval Noah Harari đã làm, để tin rằng: “Trong thời đại của tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay, lừa dối và tin giả mang những độ lớn với những tốc độ và chiều kích chưa từng có, gây ra những tội ác mới tương ứng chưa từng có, và chính hệ lụy của những tội ác này – cũng với tốc độ và chiều kích chưa từng có – sẽ vạch ra sự thật phũ phàng”. Và chúng ta đang nhìn thấy “sự thật phũ phàng” ấy từ những sự kiện và hiện tượng dồn dập nối nhau xuất hiện trong những ngày qua “ngay tại đây, ngay lúc này” tại nước ta!
Tôi muốn dẫn ra đây cuốn sách The Call to Glory (Tiếng gọi vinh quang) của nhà tiên tri quá cố nổi tiếng người Mỹ thế kỷ 20 – Jeane Dixon – cũng đã viết: “Đại quyết chiến giữa thiện và ác sẽ xảy ra vào năm 2020”, “khoảng vào năm 2020 -2037 sự ca tụng Chúa cứu thế chân chính sẽ đến lần thứ hai”. Theo dự ngôn trong Kinh Tân ước, Khải thị lục của Cơ đốc giáo, sẽ có trận chiến giữa thiện và ác (Battle of Armageddon) tại thế gian vào giai đoạn cuối cùng của thời mạt thế. Đó là trận quyết chiến cuối cùng giữa Thượng đế và quỷ Satan!
Vậy là, dù có đức tin tôn giáo hay chỉ bằng tâm thức của chính mình đều thấy cần phải tìm hiểu để tự lý giải cho mình về những hiện tượng lạ lùng đó. Tác giả bài viết “Bi kịch Covid-19 và hệ quả không định trước” đưa ra một kiến giải rất đáng được suy ngẫm để mà hiểu sâu hơn những gì chúng ta đang chứng kiến: “Chưa biết liệu có phải loài người đã hủy diệt môi trường quá đà và thách thức cả thượng đế, làm cho “Mẹ Thiên nhiên” (Mother Nature) và các vị thần nổi giận trừng phạt hay không. Nhưng loài người chắc phải trả giá đắt cho cả thiên tai và nhân họa mà họ gây ra. Covid-19 cũng làm cho loài người tỉnh ngộ ra rằng, họ rất dễ bị tổn thương và dễ bị hoảng loạn. Họ ngu ngốc hơn là họ tưởng…”!
Nhưng gì thì gì, lạ lùng hay kinh dị, linh thiêng hay trần tục, ngu ngốc hay thông minh thì cái dễ thấy nhất, sát sườn hơn lại là điều mà tác giả của bài viết sắc sảo và giàu tính chiến đấu nói trên đã chỉ ra rất rành rẽ: “Trong một thể chế độc tài dựa trên “sùng bái cá nhân” các quyết sách do lãnh đạo “duy ý chí” thường khó lường hết các ẩn số và biến số”… Thì đó, chuyện làm bất an tâm trạng người dân về hiện tượng “sấm sét bất thường ở Vũ Hán báo hiệu năm 2020 tai họa ập xuống”: Đêm 14 rạng sáng ngày 15/2, bầu trời Vũ Hán xuất hiện sấm chớp dữ dội. Người dân Vũ Hán chia sẻ trên mạng xã hội rằng, cảnh tượng ngoài đời còn đáng sợ hơn cả trên video. Khi trời đang mưa xuất hiện vài tia sét là chuyện bình thường, nhưng nếu nó xuất hiện dày đặc với nhiều hình dạng và màu sắc thì lại mang điềm không lành. Năm rồi ở Trung Quốc, tiết Kinh trập lại đến sớm hơn thường lệ, thêm vào đó sét lại mang kỳ hình dị dạng, lúc màu xanh chạy dài, lúc màu cam với âm thanh long trời lở đất… “Chính nguyệt đả lôi”, tháng Giêng sét đánh. Người ta lại chứng kiến hình ảnh quạ bay đầy trời Hồ Bắc làm mờ hình ảnh “Cô phàm viễn ảnh bích không tận, Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu” trong bài thơ bất hủ của Lý Bạch. Không chỉ ở Vũ Hán, nơi ghi dấu ấn của nhà thơ số một của Trung Hoa kia, mà ở Bắc Kinh trong tiết trời lạnh giá lại có hiện tượng muỗi phủ kín một vùng trời, rồi cổng chào hình con rồng lớn đột nhiên đổ xuống đất một cách kỳ quái. Trong văn hóa phương Đông những hiện tượng đó mang điềm báo không lành.
Thôi thì cứ cho đó là chuyện “mê tín dị đoan”, nhưng cái đó lại xuất hiện ở Vũ Hán, nơi phát sinh ra ổ dịch khủng khiếp đang lan ra uy hiếp toàn cầu, mà người ta đã chỉ ra là do chính người Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ trong các trung tâm y tế nghiên cứu sinh học của Mỹ và Canada, sau đó mang về để sử dụng trong các cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học P400 ở Vũ Hán rồi để sổng vi khuẩn Covid-19 được làm ra tại phòng thí nghiệm mà dẫn tới nạn dịch hiện nay như thông tin được đưa ra từ các nguồn thông tin đáng tin cậy, trong đó có những chuyên gia đến từ Mỹ, Nga đều xác định Covid-19 là từ trong phòng thí nghiệm, thì không chỉ là chuyện làm bất an tâm trạng người dân.
Hãy đọc bài thơ của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) ở Vũ Hán, người đầu tiên dũng cảm công bố hiểm hoạ “corona” đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc trấn áp, và khi được buông tha, anh đã can trường dấn thân cứu người để rồi là người bác sĩ đầu tiên chết vì lây nhiễm loại vi rút khủng khiếp mà anh đã cảnh báo:
Tôi đã ra đi rồi.
Tôi thấy họ lấy cơ thể của tôi,
Đặt nó vào một cái túi,
Ở đó có nhiều đồng bào.
Cũng ra đi giống như tôi,
Bị đẩy vào lửa trong lò thiêu
Lúc bình minh.
Xin tạm biệt những người tôi yêu mến.
Xin chia tay Vũ Hán, quê hương tôi.
Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa,
Có ai đó sẽ một lần nhớ đến,
Có người đã cố gắng cho họ biết sự thật càng sớm càng tốt
Không chỉ một Lý Văn Lượng, học giả Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) cũng đã phẫn nộ viết: “Chính trị bại hoại, đạo đức sạch trơn. Giữ gia nghiệp, thâu tóm giang sơn, đã thành hạt nhân của đám thượng tầng trong chính thể. Mở miệng ra là “nhân dân quần chúng” chẳng qua chỉ là đơn vị đo thuế, dưới những con số quản lý là “cái giá phải trả” cho một lòng ổn định vương quyền, chỉ để cúng dường vô số phường sâu mọt trong chính thể cực quyền.
Trong chính thể dưới trên che giấu bệnh dịch, hết kéo lại kéo, chỉ xoay quanh những “hạt nhân” đèn xanh đèn đỏ, ca vũ thăng bình, càng lộ rõ làm gì có sinh mạng dân đen con đỏ, mà dám lý luận mạng người là hơn cả. Đến việc phát sinh, vừa làm mất mặt, còn táng tận thiên lương, người gặp tai ương toàn dân đen trăm họ.
Gốc quyền còn đó, mà bất lực và loạn tượng khắp nơi, bọn an ninh mạng dốc lòng vì bạo chính, không khác khuyển ưng, thêm giờ thêm điểm chặn đường tin tức, mà tin tức không đường mà chạy, ấy chính vì đặc vụ chính trị lên ngôi, Quốc (gia) an (toàn) ủy (ban) biến thành trung tâm sức mạnh, tuy chẳng thể thêm nay lại càng vô dụng.
Thực ra, người xưa sớm đã nói rồi, chặn miệng dân còn hơn chặn lũ, quản lý mạng có bằng tài thánh, cũng sao ngăn mười bốn ngàn ngàn miệng thế cùng reo, cổ nhân nào có nói chi sai! Mọi việc khắp cả muôn nơi, tưởng quyền lực không gì không thể, đắm chìm trong hô hào “lãnh tụ” để lừa mình, mà rốt cuộc nào che cho nổi”. Đọc những lời phẫn nộ ấy của một học giả Trung Quốc mà tưởng như ông cũng đang nói về những gì đang diễn ra ở nước ta!
Sự thật là chân lý, đúng như sự khẳng định của đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã dẫn ở trên “Chân lý vĩ đại nhất là chân lý bình thường nhất”. Ấy vậy mà Kissinger, kẻ gây tội ác cho nhân dân Việt và nhân dân Mỹ cũng như nhân dân của nhiều nước mà bàn tay y nhúng vào, đã trâng tráo viết rằng “Chính khách như thể là trực giác của mình đã là kinh nghiệm, như thể là khát vọng của mình đã là chân lý rồi”. Nguyễn Tiến Hưng, trong Khi đồng minh tháo chạy, tr. 66, dẫn ra câu nói đó của Kissinger để phê phán “sự lạm dụng quyền hành và hành động thiếu lương tâm mà Kissinger đã hành xử với các nước đồng minh” (trang 70). Từ luận điệu ấy, Kissinger nói toẹt ra cái nghệ thuật “làm sao không nói sự thật mà lại không là nói dối (“How. not to tell the truth without really lying”) (Khi đồng minh tháo chạy, tr. 63)
Nhiều nước trên thế giới, mà trước hết là Mỹ và Việt Nam là nạn nhân của luận điểm tai quái đó! Chỉ cần dẫn ra phản ứng của Martin-Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn với lệnh di tản người Mỹ của Kissinger: “Có một điều tôi đoan chắc tuyệt đối là nếu đưa quân đội Hoa Kỳ ào ạt vào đây trong điều kiện hiện nay thì họ sẽ phải chiến đấu với quân đội Miền Nam để tìm đường tháo chạy." Nếu hành động một cách bình tĩnh thì ta có thể rút khỏi một cách êm đẹp – tôi xin nhắc lại – và ta sẽ không gây ra một lỗi lầm ghê gớm nữa trong trăm ngàn lỗi lầm người Mỹ đã mắc phải ở Việt Nam và về vấn đề Việt Nam” (trang 378).
Từ chuyện bàn về “sự thật là chân lý” phải chăng cần nói về một sự thật hiện diện nóng bỏng hiện nay là sự kiện Bắc Kinh của thời Tập Cận Bình đang thực hiện ráo riết những thủ đoạn nham hiểm của các triều đại bành trướng của “thiên triều”, bằng cách nhắc lại một sự thật ít khi được nhắc đến về cuộc trao đổi giữa Chu Ân Lai và Kissinger ngày 9.7.1971. Chính Chu Ân Lai tuyên bố Hiệp ước San Francisco với bản đồ các vị trí các đảo Nam Hải gồm 11 vạch là bất hợp pháp và bỏ đi 2 vạch (tức là “đường lưỡi bò” hiện nay) để từ tháng 8.1958 tuyên bố với quốc tế quyết định về hải phận 12 hải lý kẻ từ đất liền của Trung Quốc và các đảo Trường Sa và Hoàng Sa (Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng minh nhảy vào, tr. 613). Và cũng chính Chu Ân Lai cũng làm ra vẻ rất thân thiện với Việt Nam.
Hãy đọc đoạn “Ghi chú cho lịch sử” của cuốn sách vừa dẫn để hiểu cái thâm ý của “nghệ thuật” vờ “nói lên sự thật” để che đậy một thủ đoạn tàn ác. Đoạn “GHI CHÚ CHO LỊCH SỬ”: Người vẽ đường Lưỡi Bò tâm sự điều gì với Kissinger về Việt Nam [Đây là tài liệu của Toà Bạch Ốc đã được giải mật ghi biên bản cuộc họp kín tại Bắc Kinh ngày 9.7.1971] Lúc ấy ông Kissinger đi gặp ông Chu để sắp xếp chuyến thăm của Nixon vào tháng 2.1972. Cái nghịch lý là dù ông Chu công nhận tổ tiên mình là người bóc lột, nhưng chính ông Chu lại là người cho vẽ lên một hải tuyến của Trung Quốc gồm 9 cái vạch (giống đường Lưỡi Bò). Đây là tâm sự giữa hai con cáo già Chu Ân Lai và Kissinger ngày 9.7. 1971:
Chu: Việt Nam là một nước anh hùng.
Kiss: Họ là một dân tộc anh hùng, một dân tộc vĩ đại.
Chu: Họ là một dân tộc vĩ đại, anh hùng và đáng khâm phục. Hai nghìn năm trước đây Trung Quốc đã xâm lược họ, và Trung Quốc đã bị đánh bại. Lại bị đánh bại bởi hai người đàn bà, hai nữ tướng. Và khi tôi sang Việt Nam với tư cách là đại diện của Tân Chính phủ Trung Quốc đi thăm viếng Hà Nội, tôi đã đích thân đến tận mộ hai nữ tướng ấy và đặt vòng hoa trên những ngôi mộ để tỏ lòng kính trọng đối với hai vị nữ anh hùng, họ là những người đã đánh bại tổ tiên chúng tôi là những người bóc lột. (Sách vừa dẫn, tr. 614).
Phải chăng dẫn giải một thực tế lịch sử như thế cũng đã quá dài dù vẫn chỉ là những nét chấm phá cần có, để làm điểm tựa cho những kiến giải tiếp theo về những sự kiện nóng bỏng đang diễn ra đều đang bị chi phối bởi những âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của Bắc Kinh với Tập Cận Bình đang tiếp tục những chính sách và thủ đoạn bành trướng của các “thiên triều”, mà họ Tập là hậu duệ hung hăng nhất.
Vì thế, tôi muốn dẫn ra đây những lời tâm huyết của bạn tôi, anh Nguyễn Trung quý mến, nguyên Trợ lý của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt “Phải có một nhân dân Việt Nam có quyền lựa chọn làm chủ chính mình và làm chủ đất nước mình như là một tiền đề tất yếu, để đoàn kết cùng nhau xây dựng nên bằng được một Việt Nam đáp ứng được những đòi hỏi mới. Cái bất biến này là cái đích một ly không rời! Cái đích này cả nước phải cùng nhau đứng lên giành lấy, để Tổ quốc Việt Nam của chúng ta hôm nay tồn tại, sống được, và phát triển trong thế giới này”.
Liệu có phải trong thế giới của kinh tế số, của sự bùng nổ rộng khắp của mạng Internet toàn cầu thì “Chọn tâm thế có lẽ là việc làm đầu tiên để cho một người học như tôi có thể cảm thấy là mình có thể bơi vô lượng thông tin, thậm chí là lượng thông tin tuyên truyền từ cả hai phía, từ những tài liệu được cho là lịch sử từ cả hai phía và phía thứ ba là Mỹ. "Nó có thể được bóp méo theo một cách nào đó. Nhưng nếu mình có đủ cảm giác là mình muốn biết câu chuyện này xa hơn thì mình sẽ gạt bỏ được rào cản định kiến của mình để có thể nhìn câu chuyện rõ hơn.” như tâm trạng của một bạn trẻ Việt Nam mà BBC[4] dẫn ra hôm 30.4.2022.
Đúng là “khi nhìn được câu chuyện rõ hơn”, cũng có nghĩa là chân lý đã được sáng tỏ, nhưng đừng quên rằng vào lúc ấy thì “Lời nói hoang đường đã chạy tới hơn nửa phần của thế giới” như Mark Twain đã cảnh báo từ hai thế kỷ trước. Vậy thì làm thế nào để có thể nhìn câu chuyện rõ hơn?
Nhân vừa rồi, ngày 29 âm lịch năm nay (cũng được xem như ngày 30 của tháng Tư thiếu, nhằm ngày 5.6.2024) được ngồi trò chuyện và ăn bữa cơm chay với Thiền sư Lê Mạnh Thát, ngài đã đề cập đến “quan điểm duyên sanh” của Phật giáo. Xin tóm tắt ghi lại vài điều: “Mọi tồn tại chỉ tồn tại trong tương quan với những tồn tại khác. Chính quan điểm duyên sanh cơ bản này giúp người Phật giáo có một cái nhìn bao dung không những với chính mình mà còn đối với những người khác và thế giới quanh mình dù mục tiêu cuối cùng của đời sống Phật giáo là sự giải thoát, tức là sự đạt đến tự do tuyệt đối cho mỗi con người.
Thiền sư Lê Mạnh Thát giải thích: “Phật giáo biết bám vào sức sống của dân tộc để tồn tại, còn triều đại nào không hợp lòng dân thì triều đại đó sẽ bị loại bỏ”. Triết lý của đạo Phật cho rằng, cuộc đời con người nhìn trong diễn trình vận hành bao la của vũ trụ quá nhỏ bé và phù du. Cái vĩ đại nhất mà con người có thể có trong diễn trình đó là ý chí vươn lên không chút gì sợ hãi trước bất cứ thay đổi nào của thế giới tự nhiên cũng như thế giới con người. Xuất phát từ một nhân sinh quan như thế, Phật giáo Việt Nam đã tránh cho mình cái họa tham quyền cố vị cho đến khi bị hất ra dòng lịch sử. Cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh lịch sử của đất nước như vậy, dòng thơ thiền Việt Nam khi suy gẫm về thân phận con người, lúc mô tả về phong cảnh của đất nước, cũng không thoát khỏi quy định của chức năng Phật giáo nói trên. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì Phật giáo đặt sự tồn vong của mình trong sự tồn vong của dân tộc. Vì sự tồn vong của dân tộc có liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của mỗi cá thể làm nên dân tộc đó.”
Liệu những điều này có thể thể giúp phần nào cho việc “gạt bỏ được rào cản định kiến của mình để có thể nhìn câu chuyện rõ hơn” chăng?
Và cũng mới hôm rồi, trong câu chuyện với Giám mục Nguyễn Thái Hợp khi ông đến thăm tôi [ngày 9. 6. 2024] nhân chuyến đi Đắc Lắc trở về qua Sài Gòn. Ông đi Đắc Lắc để thảo luận với các nhà chức sắc của giáo phận ở đấy về cách giúp đỡ nơi ăn chốn ở cho các cháu nhỏ để các cháu đủ điều kiện học tiếp, nhằm vừa hiểu biết tiếng dân tộc và học hiểu được tiếng Kinh. Qua câu chuyện với ngài Giám mục, tôi rất cảm động về một việc làm thiết thực rất giàu tính nhân bản, nhằm giúp đỡ cho các cháu người dân tộc thiểu số được học hành như con em người Kinh cùng sống trên một địa bàn miền núi có cơ hội tự đánh giá và vươn lên nhờ kiến thức được nâng cao.
Sực nhớ đến ý tưởng của M. Gorki: “Sự nhận thức một cách can đảm những chỗ yếu của mình là sự thúc đẩy tốt nhất cho một ý chí lành mạnh và cho cách tự đánh giá đúng đắn chính mình. Các năm chiến tranh đã cho chúng ta thấy rõ một cách khủng khiếp chúng ta bệnh hoạn như thế nào về văn hóa, yếu kém ra sao về mặt tổ chức. Sự tổ chức các lực lượng sáng tạo của đất nước là quan trọng cho chúng ta như bánh mì và không khí”. (Gorki, Những ý kiến không hợp thời).
Nhân ngày Giỗ cụ Sáu Dân đã gần kề, xin nhắc lại những lời chân thành của người mà chúng ta yêu mến “thực hành đại đoàn kết dân tộc, khắc phục triệt để những tư duy giáo điều, cũ kỹ về thành phần xuất thân về quan điểm, chính kiến”.[5] Và cũng chính ông Kiệt đã trang trọng nhắc lại lời của Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình: “Là người công giáo, chúng ta gặp Chúa trong cuộc sống của dân tộc. Và đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết”[6]. Rồi trong bài “Lấy Từ Bi cởi bỏ Hận thù”, Võ Văn Kiệt viết: “Giá trị hoà hợp đại chúng trên tinh thần từ bi hỷ xả là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên tinh thần đoàn kết, nhân ái và hoà hiếu của dân tộc. Nhờ đó mà trong lịch sử nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng triền miên chiến tranh và nhiều biến thiên xã hội lại là nơi chung sống hoà hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta”.[7]
Những ý tưởng chân thành và cao cả ấy trước khi ra đi của cụ Sáu Dân, chúng tôi xem như là những lời dặn dò, uỷ thác của một người anh lớn mà chúng tôi kính yêu và thương nhớ, để cố gắng thực hiện, bất chấp những rào cản đến từ bất cứ nơi nào, những áp lực của bất cứ thế lực nào.
Trong một không gian nhỏ nhoi nhưng ấm cúng và thân tình, chúng tôi đã đều đặn tổ chức những buổi tưởng niệm Võ Văn Kiệt vào ngày sinh hay ngày mất của ông mà chúng tôi nguyện noi gương. Đồng thời cũng tổ chức tưởng niệm một số người từng gần gũi với Võ Văn Kiệt, từng là đồng chí hướng và có bản lĩnh thực hiện khát vọng của Võ Văn Kiệt như Việt Phương, Hoàng Tuỵ, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Trọng Vĩnh, Ngô Vĩnh Long… Chúng tôi cũng tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, một người Trung Quốc đấu tranh cho tự do và dân chủ, giải Nobel hoà bình. Trong những buổi tưởng niệm ấy, luôn hiện diện những trí thức, nhân sĩ thiết tha với vận mệnh của tổ quốc cho dù không hoàn toàn giống nhau về quan điểm, chính kiến, tôn giáo.
Chính vào thời điểm nhạy cảm này của đất nước, tôi nhắc lại những kỷ niệm chìm sâu trong ký ức để chúng ta cùng suy ngẫm: giá như lúc này có ông Sáu Dân thì ông ấy sẽ làm gì và khuyên chúng ta làm gì cho tổ quốc.
Tôi hy vọng mỗi chúng ta đều có câu trả lời.
Bỗng nhớ đến một câu mà tác giả của cuốn sách Khi đồng minh tháo chạy đã mỉa mai viết: “Trong “tự điển chính trị” về mối bang giao Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hoà, “thay đổi nhân sự” là câu nói nhẹ đồng nghĩa với với việc đảo chính. Năm 1963, khi việc chuẩn bị lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đang tiến hành ráo riết, Tổng thống Kennedy đã nhắc tới nhu cầu “thay đổi nhân sự”.” (tr. 101). Đương nhiên lật đổ Diệm, một tay sai mẫn cán của Pháp đến Mỹ, sẽ có một nhân vật mới Mỹ lựa chọn đặt vào, nhưng dù sao, cũng sẽ tạo một cục diện mới, thúc đẩy cho phong trào của quần chúng nhân dân Miền Nam sục sôi hơn, đa dạng hơn, tạo ra một tiền đề dẫn đến ngày toàn thắng, non sông quy vào một mối!
Không hiểu trích dẫn bâng quơ này có gợi ý được chút nào trong tư duy và hành động của chúng ta như một gợn sóng dội lại từ những suy ngẫm về vận nước nổi trôi trên dòng thời gian.
Ngày 11.6.2024
Chú thích ảnh từ trên, từ trái qua phải
1. Bác sĩ người Trung Quốc Li Wenliang.
2. Giám mục Nguyễn Thái Hợp và Tương Lai tại nhà Tương Lai.
3. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và Võ Văn Kiệt.
4. Võ Văn Kiệt và Thiền sư Lê Mạnh Thát.
5. Chân dung Võ Văn Kiệt treo trong lễ tưởng niệm tại nhà Tương Lai.
6. Tại lễ tưởng niệm: Huỳnh Tấn Mẫm, Thiền sư Lê Mạnh Thát, nhà báo Lưu Trọng Văn, Giám mục Nguyễn Thái Hợp.
7. Tại lễ tưởng niệm: Nhà giáo PGS.TS Hoàng Dũng, bà Đạo diễn Xuân Phượng, giám mục Nguyễn Thái Hợp, linh mục Huỳnh Công Minh, Thiền sư Lê Mạnh Thát, Tương Lai, nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu.
[1] Tương Lai, Phát biểu tại Buổi trao Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp 2019, https://youtu.be/4ZfFvy2YZDw
[2] Nguyễn Hữu Liêm, Việt Nam: Ngày 30/04, sử mệnh và con người Nam-Bắc trước đây và tương lai. BBC, 25.4.2022
[3] Hòa Bình, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm – Tự hào là “Triết gia nhà quê”. VietTimes, 11.7.2019. (Những chữ viết nghiêng hay tô đậm là do tôi làm. TL)
[4] Người Việt trẻ ‘vượt rào cản’ để nhìn lại sự kiện 30/4/1975. BBC ngày 30.4.2022.
[5] Võ Văn Kiệt – Người thắp lửa. Trẻ, 2012.
[6] Võ Văn Kiệt. “Người công giáo gặp Chúa trong lòng dân tộc”. Báo Người Lao Động, 22.12.2005
[7] Võ Văn Kiệt – Người thắp lửa. Trẻ, 2012.