Author: post3

  • Câu đối Tết Ất Tỵ 2025

    Hà Sĩ Phu

     

    Câu 1: Râu Rồng và Lưỡi Rắn:

    * Năm Thìn qua, RỒNG gặp nghẽn hết bay cao, cụp RÂU đỏ… im hơi lặng tiếng!

    * Tết Tỵ tới, RẮN thừa cơ còn quấn chặt, thè LƯỠI vàng… nhả ngọc phun châu!

     

    Câu 2: Hai mặt sự đời:

    * Thuở RỒNG TIÊN nghèo khó, mà thương quá bác ơi, nhớ lại để hơi buồn trong dạ!

    * Thời BẦY ĐÀN hiện đại, cũng ngán ghê em nhỉ, quên hết đi mà ngẩng cao đầu?

     

    Câu 3: Đợi đấy!

    * Kỷ nguyên mới vươn mình, bao khát vọng! Chờ xem!

    * Lợi quyền xưa thỏa chí, quyết coi khinh? Đợi đấy!

     

    Câu 4: Trông Trời cho sáng mau mau:

    * Sương lạnh tan đi cho hoa Tết khoe màu!

    * Lá vàng rụng xuống để cành Xuân nảy lộc!

     

    Câu 5: Đừng quên

    * TIẾNG TA còn, nên NƯỚC TA còn! (lời học giả Phạm Quỳnh)

    * GỐC VIỆT mất, thì NGƯỜI VIỆT mất!

     

     

    Một câu đối cũ:

    Phan Châu Trinh nói: sự tiếp nhận Văn hóa phải như “Ghép cây”, cái gốc “cây luân lý cũ của ta” có vững mới nuôi và phát triển được những cành ghép từ “tư bản Âu Tây”. Bí quyết thành công là chọn lọc cho trúng cái ƯU để giữ gìn và biết đúng cái KHUYẾT để trừ bỏ. Mấy chục năm qua thì ngược lại, những ưu điểm bị mai một và những thói xấu lại lan tràn. Điểm “nghẽn” phài chăng cũng từ đấy mà ra?.

    Năm mới chúc cho mọi người đoàn kết lại, để VUN LẠI GỐC cho vững vàng, để tiếp nhận những nếp sống văn minh của Thế giới. Chứ tất cả ồ ạt biến thành một loại “cư dân Thế giới” không cần Tổ quốc, chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, thì chỉ là một lũ bầy đàn hiện đại mà thôi, kiểu ấy đang là một xu thế hiện nay.

     

    MẤY SUY NGHĨ NHÂN NGÀY TẾT 2025:

    Ngày Tết năm nay sao nhiều điều tâm sự quá?

    Nhớ lại những ngày Tết xa xưa, lúc mà giai cấp Công Nông phấn khởi thấy mình trở thành người chủ chốt trên lá cờ Búa Liềm. Lúc ấy hùa nhau đánh những người giàu tiền bạc do biết buôn bán hoặc sở hữu nhiều đất đai. Coi buôn bán là điều xấu xa, thậm chí được phân phối một chiếc xăm xe đạp, không dùng đến mà bán lại cho bạn bè thì bị phê phán là “có tư tưởng buôn bán”!

    Trở lại ngày Tết hôm nay. Vui mừng thấy hàng hóa rất nhiều và hấp dẫn là ưu điểm của Kinh tế thị trường, sự buôn bán toàn cầu! Vui mừng thấy Đảng không “đánh Mỹ cứu nước” nữa mà mời Tổng thống Mỹ sang chia vui, thấy nước ta đã có nhiều ĐÔ LA là sức mạnh để làm mọi việc. “CHÂN LÝ” ơi, mi đã lộn ngược hoàn toàn so với trước đây!

    Chỉ hơi buồn một tý, là giai cấp Công Nông, tức Nông dân và giới thợ thuyền vẫn khổ cực, vẫn vất vả thiếu thốn nhất trong xã hội, hàng ngày phài lao động cực nhọc để kiếm tửng đồng, trong khi nhiều người giầu có thì coi tiển tỷ chỉ là chuyện vặt.

    Đánh giai cấp tưởng thu được sự “san bằng” thì lại tạo ra sự chênh lệch gấp hàng triệu lần, hàng tỷ lần, vậy là sự nghiệp “đấu tranh giai cấp” đã “lỗ vốn” thảm hại.

    Hãy cẩn thận, bước tiến bộ nhảy vọt của Công nghệ số, của “Trí tuệ Nhân tạo AI” cũng là một nguy cơ, một kiểu Cộng sản mới hiện đại có thể lại bắt đầu! Không gì có thể thay thế TRÍ TUỆ SỐNG, BÊN TRONG CON NGƯỜI, nó sàng lọc, mới là nòng cốt của Tiến hóa! Cái Nhân tạo, do Con người làm ra, dù ưu việt thế nào cũng chỉ là Phương tiện

    Nhưng nhìn lá cờ thấy cái Búa cái Liềm vẫn chễm chệ tung bay một cách khôi hài. Chỉ có Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền tuyệt đối, lúc làm điều đúng cũng như lúc làm điều sai. Vậy thì THẮNG LỢI CHƯA CHẮC ĐÃ THUỘC VỀ CHÂN LÝ! Thấy ra một điều là “Đảng ta” khôn và láu cá thật, lúc đúng cũng như lúc sai đều được dẫn đầu!

    Mà giới Công Nông thì đừng hí hửng thấy mình chễm chệ trên lá cờ Búa Liềm mà tưởng mình là vua…, mà quên việc tự cứu lấy mình!

    Niềm an ủi cho Công Nông là giới Trí thức từ lâu cũng đã tự than thân, cái “Chân lý” từng lúc được đem tuyên truyền cũng giống như con đĩ mà thôi, cả bộ ba Công Nông Trí đều chịu những thử thách rất nhọc nhằn:

     

    Bài ca TRÍ PHÚ ĐỊA HÀO [1]

    Bốn anh TRÍ PHÚ ĐỊA HÀO

    Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ

    Đảng ta thương Trí ngu ngơ

    Cho CÔNG NÔNG TRÍ chung cờ Liên minh [2]

    Trông lên Liềm Búa hai hình

    Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu

    Quay sang tìm Phú Địa Hào

    Thấy… ba bụng phệ… đã vào Đảng ta!

    (HSP-1996)

     

    LỜI CUỐI: Nhưng những điều ấu trĩ và phi lý ấy cũng đang dần dần sáng tỏ, ôn lại với nhau cho kỹ để càng quyết tâm sửa đổi, để chờ đón những ngày tốt đẹp rạng rỡ mà thôi!

    [1] TRÍ PHÚ ĐỊA HÀO phải đào tận gốc, trốc tận rễ! Đây là bốn kẻ thù của Cách mạng.

    [2] CÔNG-NÔNG-TRÍ là liên minh đã được thành lập để bổ sung vai trò của Trí thức.

  • Nhớ Trần Dần

    Nguyễn Quang Lập

    Anh mất ngày 17.1 mà giờ mới nhớ, đúng là càng già càng lú.

    *******

    Hồi bé chẳng biết gì về anh, chỉ nghe anh Thắng, ông anh trai mình, nhắc đi nhắc lại câu thơ phản động của Trần Dần: Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Nghĩ mãi không hiểu vì sao lại phản động. Hỏi anh Thắng, anh mắng, ngu! Mày không thấy câu mưa sa trên màu cờ đỏ là phản động à?

    Vẫn không hiểu, không thấy. Ai bảo treo cờ giữa trời, có nắng chiếu thì có mưa sa chứ, không lẽ khi nào nắng chiếu thì cách mạng, còn mưa sa thì phản động à? Giả sử mưa sa xuống cờ là phản động thì mưa phản động chứ bác Trần Dần phản động à?

    Anh Thắng cú cho một cái, nói, mày ngu lắm em ơi! Nói trong nhà thì được, ra ngoài đường nói người ta bắt đấy.

    Không ngờ ba chục năm sau lại gặp anh, gặp nhiều lần, lần nào cũng anh Phùng Quán đưa đến. Thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén, nói, uống đi.

    Lần sau đến lại thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén, nói, uống đi.

    Lần thứ sáu, thứ bảy vẫn thấy anh ngồi dựa tường, mắt nhìn như thôi miên tường bên kia. Mình chào anh, anh ừ rồi cúi xuống gầm bàn, lấy cái chén cáu bẩn, chai rượu trắng đã vơi quá nửa đặt lên bàn, rót ra đầy chén, nói, uống đi.

    Nếu đến lần thứ một trăm chắc vẫn y xì như vậy.

    Anh Phùng Quán nói, ba chục năm thế rồi, giật mình nhìn lên bức tường in bóng anh, bốn xung quanh tường úa vàng, riêng có hình anh ngồi dựa tường trắng nhởn. Bây giờ đất nước đổi mới, không biết thằng Vũ (họa sĩ Trần Vũ) có nhớ giữ lại cái hình ấy không, hay mải làm sắp đặt, quên, để thợ quét vôi đi rồi, uổng lắm.

    Anh Quán vỗ vai mình, nói với anh, thằng này viết văn giỏi lắm anh. Anh hơi gật, nhìn mình như đâm lê rồi thủng thẳng nói, văn chương bây giờ thêm được một cái dấu phẩy cho thiên hạ là tốt rồi.

    Chẳng biết mình có thêm được dấu phẩy không, nhưng nghe anh nói mà sợ.

    Anh viết văn nắn nót còn hơn người ta viết chữ bằng khen, nét sổ thì đậm, nét đá thì mảnh, trăm chữ như một. Một ngày ròng rã, cật lực mới viết được một trang giấy học trò. Đó là may không viết hỏng chữ nào, chỉ cần hỏng một chữ, anh chép lại cả trang, lại một ngày trời ròng rã, cật lực. Thất kinh.

    Mình nói, anh viết thế này thì đến bao giờ mới xong một cái truyện? Anh thủng thẳng nói, viết văn chứ có phải đi ăn cướp đâu. Làm cho nhanh làm gì.

    Thời bao cấp Trần Dần hầu như không làm ra tiền. Anh Quán có viết văn chui, anh có dịch chui. Văn chương hồi đó rẻ hơn bèo, văn dịch lại càng bèo. Ấy là chưa kể làm chui thì thế nào cũng bị quịt, chuyện anh Phùng Quán, Trần Dần bị người ta cướp không tiền nhuận bút trước mặt, cười ướt nước mắt.

    Bây giờ ai cũng mua được ít nhất chục chai rượu nấu Làng Vân, hồi đó các anh nhiều khi kiếm được nửa chai mắt đã sáng trưng.

    Có anh chàng hải quan đến tán con gái anh Phùng Quán, nó để lên bàn gói ba số năm vuông, hút một điếu rồi ra về, giả đò quên để lại cho anh Quán. Anh Quán rút một điếu định bụng hút thử xem thuốc ba số ra làm sao. Vừa lúc Trần Dần đến, anh đập tay anh Quán phát, nói, ây ây ngu ngu.

    Anh Quán tưởng anh Trần Dân mắng cho là ham của nhà giàu, ai ngờ anh cầm gói thuốc nhét túi, nói, đang thiếu rượu lại đi hút thuốc này, có phí không.

    Hai anh em ra quán đổi gói ba số vuông được một lít rượu trắng, lại được bà chủ cho nợ thêm một xâu nem, ngồi chén chú chén anh say sưa suốt một buổi chiều, say lên còn tranh nhau ca ngợi đất nước.

    Không mấy khi thấy anh cười, cười to càng không. Chỉ duy nhất một lần nhắc đến Người người lớp lớp[*], anh Quán nói, thằng Lập phản động lắm anh. Anh hỏi sao, anh Quán nói, nó bảo pháo chèn Tô Vĩnh Diện chứ không phải Tô Vĩnh Diện chèn pháo.

    Anh ngồi yên hồi lâu rồi hơ hơ, ngừng vài giây sau lại hơ hơ, vài giây sau nữa mới hơ hơ hơ thành một tràng, vỗ tay đánh bốp kêu to: Hay! Giỏi! Thông minh!

    Thơ Trần Dần mình đọc nhiều nhưng không thuộc, chỉ nhớ hoài tiếng cười hơ hơ hơ của anh, nhớ đến chết không quên.

    Linh Đàm 2004


    [*] Tiểu thuyết của Trần Dần, 1954.

  • Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (18)

    Thụy Khuê

    Chương 9

    Đạo Gia-Tô dưới thời Võ Vương, Định Vương và nhà Tây Sơn

    clip_image002

     

    Trong chương tám, chúng tôi đã trình bày việc truyền giáo ở Đại Việt, dưới thời chúa Trịnh Tạc (1657-1682) ở Đàng Ngoài, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) và chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) ở Đàng Trong.

    Dụ cấm đạo của chúa Trịnh Tráng (1623-1657) năm Canh Dần 1650, nay không còn dấu vết, là sắc lệnh cấm đạo đầu tiên của Việt Nam trả lời nghị quyết cấm Nghi lễ của Vatican, ra đời 5 năm trước, 1645, được lập lại nhiều lần dưới thời các giáo hoàng kế tiếp nhau:

    – 1645: Giáo hoàng Inocent X (1644-1655).

    – 1656: Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667).

    – 1669: Clément IX (1667-1669).

    – Clément X (1670-1676) kế vị Clément IX, xác định lại lần nữa: cấm Nghi lễ.

    19-3-1715, Clément XI (1700-1721) ban hành nghị định Ex illa die , tuyệt đối cấm Nghi lễ.

    Vì nghị định này mà Khang Hy ra sắc lệnh: Triệt để cấm đạo ngày 17-5-1717.

    Ngày 11-7-1742, Giáo hoàng Benoit XIV (1740-1758) ban hành giáo lệnh Ex quo singulari providentia tuyệt đối cấm Nghi lễ Trung Hoa và Ấn Độ.

    Việc cấm Nghi lễ của Tòa Thánh, như chúng tôi đã trình bày, không chỉ nhằm buộc (giáo dân) phải bỏ mê tín dị đoan, sùng bái thánh thần, tôn thờ ma quỷ, hầu đồng múa bóng… Những việc này các vua nước ta cũng cấm, và được ghi trong các dụ về giáo dục của Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng… Việc cấm Nghi lễ của các giáo hoàng ở đây, là bắt giáo dân từ bỏ nền giáo dục phương Đông, dựa trên nguồn gốc Tam giáo: Phật, Khổng, Lão, và Thờ cúng tổ tiên, mà Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử là ba nhà tư tưởng chính.

    Vì vậy, việc cấm đạo là để trả lời lệnh cấm Nghi lễ của Vatican, tuy nhiên, trên thực tế, chúa Trịnh Tráng vẫn để cho đạo Gia-Tô phát triển rộng rãi ở miền Bắc từ năm 1631 đến 1660. Chúa Trịnh Tạc (1657-1682) lên ngôi, ra hai dụ cấm đạo 1664 1669, chứng tỏ ông biết rõ nội dung của việc cấm Nghi lễ, được Hội Thừa Sai Paris áp dụng từ năm 1662; vì trước đó, các giáo sĩ Dòng Tên Bồ và Ý, không theo lệnh cấm Nghi lễ của Vatican, vẫn cho con chiên được phép thờ cúng tổ tiên.

    Ở Đàng Trong, có một thời điểm việc cấm đạo nghiêm ngặt hơn các thời khác: đó là năm 1639 chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648) ra lệnh trục xuất tất cả các giáo sĩ về Macao, sự kiện này có thể liên quan đến cuộc nổi loạn Shimabara (1637-1638), đòi tự do tôn giáo ở Nhật. Nhưng cũng có thời kỳ chúa Hiền Nguyễn Phước Tần đặc biệt khoan nhượng, cho phép đạo Chúa được tự do truyền giảng, kéo dài 23 năm (1676-1699).

    Nghị quyết cấm Nghi lễ của Vatican còn đưa đến sự chống đối của một số giáo sĩ trong Hội Thừa Sai Paris, và họ đã bị đầu độc trong những điều kiên đen tối.

    Nhưng tiêu biểu nhất là việc linh mục Lữ Y Đoan công bố tác phẩm Sấm Truyền Ca (1670) tức Thánh Kinh Cựu Ước viết thành thơ Nôm theo truyền thống tư tưởng Đông phương, và ông bị đầu độc chết năm 1678. Đây là hành động phản kháng Thánh Kinh, can đảm và sâu rộng nhất trong văn chương. (xem chương 8, phần II, III và IV).

    Quốc chúa Nguyễn Phước Chu cấm đạo

    Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần trị vì 39 năm, qua đời năm 1687. Chúa Ngãi Nguyễn Phước Thái[1] nối nghiệp (1687-1691), trị vì 4 năm, không ra sắc lệnh nào liên quan đến đạo Gia-Tô. Minh Vương Nguyễn Phước Chu (1691-1725) tức Quốc chúa[2], ở ngôi 34 năm, trở lại việc cấm đạo, năm 1699.

    Đại Nam Thực Lục Tiền Biên ghi:

    Tháng 10 năm Kỷ Mão (1699) [Nguyễn Phước Chu] “Sai Gia Định tra bắt người theo đạo Hoa Lang. Phàm người Tây phương đến ở lẫn [với dân chúng] đều đuổi về nước”[3].

    Lê Quý Đôn viết:

    “Năm thứ 19, mậu dần [1698], [Nguyễn Phước Chu] sai Chưởng cơ Thành lễ hầu đem quân đi đánh nước Cao Miên, lấy đất Đồng Nai mầu mỡ đặt làm hai huyện Phước Long và Tân Bình, phủ Gia Định, lập hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn; mở đất nghìn dặm, được hơn bốn vạn bộ. Năm thứ 20, kỷ mão [1699], tra bắt người truyền đạo Hoa Lang, ở trong hai xứ, đuổi đi hết[4].

    Đây là sắc lệnh đầu tiên, đánh dấu sự trở lại việc cấm đạo ở Đàng Trong.

    Đạo Hoa Lang (phiên âm từ chữ Hollande) là đạo của người Hòa Lan. Người xưa không rõ nguốn gốc đạo Chúa ở đâu, cho nên khi thì gọi là đạo của người Bồ, khi thì gọi đạo của người Hoà Lan (Hoa Lang), về sau mới phiên âm chữ Jésus thành Gia-Tô, nên gọi là đạo Gia-Tô. Sau này người ta phiên âm chữ Christ thành Ky-Tô.

    Theo Lê Quý Đôn, trong dụ cấm đạo này, Quốc Chúa chỉ sai bắt những người đi truyền đạo, tức là các giáo sĩ ngoại quốc ở trong hai xứ Trấn Biên và Phiên Trấn đuổi đi. Việc này có thể hiểu là chúa đang bình định những vùng đất mới chiếm của Cao Miên, nên phải phòng ngừa, ra lệnh đuổi các giáo sĩ, tức là những người ngoại quốc có mặt trên vùng đất này.

    Việc cấm đạo dưới thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát

    Quốc chúa Nguyễn Phước Chu qua đời, chúa Nguyễn Phước Trú hay Chú (1725-1738) kế vị, trị vì 13 năm, không thấy ghi nhận gì về việc cấm đạo. Nhưng khi Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) lên cầm quyền, ở ngôi 27 năm, việc cấm đạo trở lại. Võ Vương là người có tham vọng lớn, tự xưng vương, thay đổi việc nội trị, cải cách y phục cho khác với Đàng Ngoài, muốn xây dựng miền Nam thành một nước độc lập với miền Bắc, việc cấm đạo ở trong chương trình thanh lọc này.

    Nhưng chúng tôi không tìm thấy sắc lệnh cấm đạo của Võ Vương để biết những điều luật chính thức đã được ban hành, phải nhờ sắc lệnh của Định Vương phóng thích những người bị bắt và bị bỏ tù năm 1749 dưới thời Võ Vương, ta mới rõ (xem ở dưới). Hiện chỉ còn hai loại tài liệu sau đây:

    1- Tài liệu ngoài luồng: Tài liệu duy nhất nói đến sắc lệnh của Võ Vương là cuốn sách: Sử Ký Đại Nam Việt[5],do Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, in năm 1974 tại Sài Gòn, tái bản tại Montréal năm 1986. Trong lời nói đầu, Nguyễn Khắc Ngữ cho biết đã tìm thấy bản Sử Ký Đại Nam Việt do nhà dòng Tân Định in lần thứ năm, năm 1909. Vậy sách này phải ra đời nhiều năm trước đó, và được nhà dòng in, tất tác giả là người công giáo, hoặc linh mục, ông gọi Tây Sơn là nhà ngụy: Ngụy Tây Sơn (1788-1802)[6].

    Đây là cuốn sử không chính thống, lời lẽ thiên vị Nguyễn Ánh, coi Tây Sơn là giặc, cướp, và viết nhiều thông tin sai lầm về chúa Trịnh và nhà Tây Sơn[7], tác giả lại ghét Võ Vương, vì thế cần phải thận trọng khi dùng. Ở đây, chúng tôi chỉ chú ý đến những điều Sử Ký Đại Nam Việt viết về việc cấm đạo, dưới thời Võ Vương. Trong chương 2, tựa đề: Vua bắt đạo thế nào? Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau:

    “Ông ấy [Võ Vương] lại ghét đạo cách riêng, nên đã cấm đạo thái [quá]nghiêm. Các thầy cả, bất luận Tây Nam [Tây hay Việt] đều phải ẩn mình kỹ lắm. Các nhà thờ đã phải triệt hạ hết. Các bổn đạo không dám hiệp lại đọc kinh, xem lễ nữa. Vì các quan thấy ai có đạo, thì bắt khoá quá xuất giáo [bỏ đạo][8] cùng lạy ma quỷ bụt thần, bằng chẳng chịu thì phải bao phong gia tài, cùng phải đòn hay là bỏ vào ngục. Song chẳng luận xử tử mấy người vì đạo; có năm ba người chẳng chịu bỏ đạo thì dạy [sai] giam cho chết đói, còn kẻ khác thì phải khảo trượng hay là làm nô tỳ trọn đời [thực ra là đi lính]. Vậy những kẻ đã phải luận thể [kết tội] vì đạo, thì chẳng có bao nhiêu, song những kẻ khoá quá xuất giáo thì nhiều hơn bội phần. Cũng có nhiều kẻ khi đầu thì ra dấu sốt sắng sẵn lòng chịu khó vì đạo; dầu quan nói làm sao, hay là tra khảo thể nào, cũng chẳng chịu bỏ đạo. Nhưng mà bởi chẳng chém tức thì, mà lại phải nhiều sự khổ sở lâu dài, thì dần dần ngã lòng mà xuất giáo.”[9]

    Sử Ký Đại Nam Việt cho biết khá tường tận, theo cách nhìn của tác giả, về chính sách cấm đạo dưới thời Võ Vương: Các giáo sĩ phải đi trốn. Nhà thờ bị triệt hạ. Giáo dân phải bỏ đạo, bị bắt buộc phải lạy Thần, Phật, nếu không tuân lệnh, thì bị phong toả tài sản, hoặc bị đánh, hay bị giam, nhưng không xử tử.

    Riêng chi tiết: “có năm ba người chẳng chịu bỏ đạo thì dạy [sai] giam cho chết đói, còn kẻ khác thì phải khảo trượng hay là làm nô tỳ trọn đời” so với Sắc lệnh của Định Vương, in dưới đây, thì rất khác, bởi vì theo sắc lệnh này, những người “không chịu thề bỏ đạo và đạp chân lên hình Giê-su, thì bị xử phạt phải đi cắt cỏ cho voi ăn, hay chung thân nô dịch làm lính”.

    2- Tài liệu chính thức: Sắc lệnh phóng thích những người bị tù thời Võ Vương năm 1749 của Định Vương Nguyễn Phước Thuần, là tài liệu chính thức, lời lẽ nghiêm chỉnh và khách quan hơn. Nhưng trước hết, xin nhắc lại bối cảnh ra đời của sắc lệnh phóng thích này:

    Sau khi Võ Vương mất (1765), nhà Nguyễn bắt đầu suy: Trương Phước Loan chuyên quyền phế di chúc[10], lập con trai thứ 16 của Võ Vương, là Nguyễn Phước Thuần (1765-1777), 11 tuổi lên kế vị, tức Định Vương. Năm 1771, Tây Sơn dấy nghiệp, 1773 chiếm Qui Nhơn, Quảng Ngãi và Phú Yên. Tháng 6 và 7 năm 1774, Trịnh Sâm mượn cớ dẹp Trương Phước Loan, sai Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh đánh xuống. Triều Nguyễn lừa bắt Trương Phước Loan đem nộp. Hoàng Ngũ Phúc vẫn chiếm Phú Xuân. Tháng 2-1775, triều đình chạy vào Quảng Nam. Định Vương lúc đó 21 tuổi.

    Tình hình đạo Gia-Tô lúc bấy giờ rất khả quan, Sử Ký Đại Nam Việt viết:

    “Các bổn đạo cũng đặng nhờ hơn nữa, vì quan trấn xứ Dinh Cát, xứ Quảng Nam và Huế có đạo; lại quan đại tướng quân, gọi là quan Quốc Lão [Hoàng Ngũ Phúc], cai các quân Đàng Ngoài, cũng có đạo nữa. Ông ấy [Hoàng Ngũ Phúc] quen ở trong thành Hội Yên; còn các xứ khác, từ Huế cho đến gần Đồng Nai, thì thuộc về quân Tây Sơn hết.”[11]

    Theo lời tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, thì Hoàng Ngũ Phúc theo đạo Gia-Tô. Các quan trấn thủ Dinh Cát [Đà Nẵng], Quảng Nam và Huế của chúa Nguyễn lúc đó cũng theo đạo. Mà từ Huế đến Đồng Nai đã bị Tây Sơn chiếm, và như ta sẽ thấy, nhà Tây Sơn cũng theo đạo, cho nên có thể nói miền Trung và miền Nam có nhiều người theo đạo hoặc có cảm tình với đạo Gia-Tô.

    Ngày 22-4-1774, trước khi Hoàng Ngũ Phúc đánh Phú Xuân, Định Vương Nguyễn Phước Thuần, ra sắc lệnh ân xá cho những người công giáo bị tội, bị bắt giam từ năm 1749, là một hành động chính trị khéo léo: trong lúc nguy khốn, bị kẹp giữa hai đầu: trên Hoàng Ngũ Phúc đánh xuống, dưới Tây Sơn đánh lên, nhà Nguyễn lúc ấy cần lấy lòng giáo dân, một thành phần đông đảo ở Đàng Trong lúc bấy giờ.

    Sắc lệnh phóng thích này rất quan trọng, nay không còn bản chính (chữ Nôm hoặc chữ Hán), nhưng đã được dịch sang tiếng Pháp, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, của Launay, tập III, trang 56. Chúng tôi dịch (lại) sắc lệnh này sang tiếng Việt dưới đây, như vậy là dịch đi dịch lại hai lần, thế nào cũng sai sót, mong rằng sau này sẽ tìm được bản chính, bởi đây là một văn bản quan trọng, cho thấy trong những năm cuối cùng, vì tình trạng khẩn cấp, triều đình chúa Nguyễn đã áp dụng một chính sách nhân nhượng với Công giáo, để mong sự trợ giúp của các tín đồ. Và sắc lệnh này đã có giá trị lâu dài, khiến giáo dân và giáo sĩ tiếp tục phò trợ nhà Nguyễn cho đến hết đời Gia Long.

    Sắc lệnh phóng thích của Định Vương Nguyễn Phước Thuần

    Ngày 22 tháng 4-1774

    “Tôi ký tên dưới đây là Bo-sinh [Bố sinh], bí thư Văn phòng hoàng gia và Hội đồng hoàng gia, theo lệnh chúa, bố cáo cho tất cả thần dân biết những mệnh lệnh sau đây:

    Đó là:

    Chúa Thượng ban lệnh đại xá và tự do theo Công giáo, cho tất cả mọi người trước đây bị xử phạt phải đi cắt cỏ cho voi ăn, hay chung thân nô dịch làm lính, bởi vì không chịu thề bỏ đạo và đạp chân lên hình Giê-su. Chúa Thượng ra lệnh, sau khi sắc lệnh này được công bố, tất cả các quan, trấn thủ các tỉnh và các quan khác, phải trả tự do cho những người nói trên và để họ bình yên hành đạo.

    Ra lệnh cho Hội đồng hoàng gia gửi ngay sắc lệnh này cho tất cả các quan, trấn thủ các tỉnh và các quan khác, để công bố ở khắp các làng, xóm tỉnh thành trong nước, cho tất cả thần dân đều biết.

    Ra lệnh cho những quan ấy, trấn thủ các tỉnh và các quan khác, phải lấy một danh sách chính xác tất cả những người công giáo bị kết tội trên đây vì đạo của họ, và phải đệ trình danh sách này lên Hội đồng hoàng gia trong một thời gian ngắn để chứng minh lệnh đã được thi hành, và sau cùng, những người công giáo, sau khi được thả, phải đến trình diện trước Hội đồng hoàng gia để tạ ơn lớn lao của Chúa Thượng và để ngài thấy rằng những quan, trấn thủ các tỉnh và các quan khác, đã lập tức thi hành sắc lệnh này, đưọc đọc và niêm yết khắp nơi trong xứ.

    Làm ngày 12, tuần trăng thứ ba, năm Ngọ (tức ngày 22 tháng 4 năm 1774)”

    Văn bản này, vì quan trọng nên được dịch sang tiếng Pháp và tiếng La-tinh, in trong tài liệu: A.M.E. Vol.745, p 695 (traduction en latin), p.697 (traduction en français) – Bullet. de l’Ec. franc. d’Ex. Or., 1912, tom. XII, fasc.7, p. 3), sau được Launay sưu tầm và in lại trong sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, của Launay, tập III, trang 56.

    Edit de Libération

    (22 Avril 1774 )

    “Je soussigné Bo-Sinh, secrétaire de la Chambre royale et du Conseil souverain, de la part du roi, fais savoir à tous les sujets du royaume les ordres suivants:

    A savoir:

    Que Sa Majesté accorde un pardon général, et le libre exercice de la religion chrétienne, à tous ceux qui ci-devant ont été condamnés à couper l’herbe aux éléphants, ou à l’esclavage perpétuel en qualité de soldats dans les armées, pour n’avoir pas voulu abjurer leur religion et fouler au pied l’image de Jésus-Christ. Ordonne Sa Majesté, qu’après la publication de la présente ordonnance, tous les mandarins, gouverneurs de provinces et autres, aient à rendre la liberté aux ci-dessus nommés, et à leur laisser professer en paix leur religion.

    Ordonne à son Conseil souverain d’envoyer aussitôt cet ordre à tous les mandarins, gouverneurs de provinces et autres, afin qu’il soit publié dans toutes les villes et villages de ses Etats, et que par là la connaissance en vienne à tous ses sujets.

    Ordonne que tous les dits mandarins, gouverneurs de provinces et autres, prennent une liste exacte de tous les chrétiens ci-devant punis pour leur religion, et aient à la lui présenté en peu de temps pour lui certifier l’exécution de ses ordres; qu’enfin les susdits chrétiens, après leur délivrance, aient à se présenter au Conseil souverain pour rendre grâce à Sa Majesté un si grand bienfait, et afin qu’il constate par là que les mandarins, gouverneurs de provinces et autres, ont exécuté sans délai le présent ordre qui sera lu et publié partout dans ce royaume.

    Le 12 de la troisième lune de l’année du Cheval (c’est-à-dire le 22 Avril 1774)”.[12]

    Sắc lệnh phóng thích ký ngày 22-4-1774, khi Định Vương và triều đình vẫn còn ở Huế. Nội dung chính của sắc lệnh:

    Chúa Thượng ban lệnh đại xá và tự do theo Công giáo, cho tất cả mọi người trước đây bị xử phạt phải đi cắt cỏ cho voi ăn, hay chung thân nô dịch làm lính, bởi vì không chịu thề bỏ đạo và đạp chân lên hình Giê-su.

    Như vậy, ta có thể hiểu rằng: những người công giáo nào không chịu thề bỏ đạo và đạp chân lên hình Giê-su, thì bị bắt đi cắt cỏ cho voi ăn, hay chung thân nô dịch làm lính.

    Đến tháng 1-1775, quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu chiếm được Phú Xuân, phải chạy vào Quảng Nam. Tháng 2-1775, Định Vương lập cháu là Nguyễn Phước Dương (con trai oàng tử thứ chín, tức thế tử Phước Hiệu, đã chết) làm thế tử, giao cho ở lại giữ Quảng Nam, rồi cùng cháu là Nguyễn Phước Ánh, con Nguyễn Phước Luân[13],13 tuổi, chạy vào Gia Định.

    Tại Gia Định, lại có một lá đơn xin phóng thích những giáo dân bị bắt tù từ năm 1749, thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát, nội dung như sau:

    Đơn xin phóng thích

    “Trưởng giáo Tây phương Sai-Oai [Xavier?] quỳ vái trăm lạy Thánh thượng, đệ trình đơn thỉnh nguyện về vấn đề sau đây:

    Công giáo của chúng tôi đã được truyền bá từ nhiều năm trước và không có mục đích nào khác ngoài việc dạy con người sửa đổi tâm tính, để phụng sự Trời, và không hề có ý xuyên tạc những điều giáo huấn do những thế hệ đi trước truyền lại.

    Chúa trước [Võ Vương] đã ra lệnh cấm đạo và bắt giáo đồ phải đi cắt cỏ cho voi ăn, hoặc làm [khổ] dịch trên tầu.

    Tháng 3 năm Giáp ngọ [tức tháng 4-1774], ân huệ cao dầy đã đại xá cho tất cả những người này.

    Hôm nay, Chúa thượng [Định Vương] đến Gia Định, mọi sự đảo ngược, 10.000 sinh linh được hưởng ơn mưa móc của ngài.

    Chúng tôi dám cầu xin Chúa thượng chiếu theo luật Trời Đất ban phúc lành, đối xử với chúng tôi như một người cha đối với các con và mở lượng khoan hồng xá tội cho Công giáo để chúng tôi được hưởng phúc lành của ngài.

    Thành thật run rẩy, thành thật sợ hãi, phủ phục chờ thánh chỉ.

    Chúng tôi dịch Đơn xin phóng thích trên đây theo bản Pháp văn, in trong cuốn Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 55, nguyên văn như sau:

    Demande de libération

    A.P. Scritt. Cong. part. Cina 1777-1779, p.53

    “Le maître du grand Occident Sai-Oai (Xavier?), se prosternant et saluant cent fois, présente cette requête sur le sujet suivant:

    Notre religion catholique s’est propagée déjà depuis bien des années et n’a d’autre but que d’enseigner aux hommes à rectifier leur cœur, et de servir le Ciel de cette manière; elle n’oserait en aucune façon déformer les enseignements transmis par les générations antérieures.

    Par ordre du roi précédent, elle était interdite, et on employait ses adeptes à couper de l’herbe pour les éléphants et faire le service sur les bateaux.

    Au 3e mois de l’année giap-ngo (1744), par une auguste faveur, l’amnistie a été proclamée pour tous ces hommes.

    Aujourd’hui que Sa Majesté se rend à Gia Đinh, tout est renversé, et les 10.000 êtres profitent de la rosée de ses bienfaits.

    Nous osons prier Sa Majesté de se conformer aux intentions du Ciel et de la Terre en faisant descendre ses bienfaits et en nous traitant comme un père traite ses enfants, et de pardonner généreusement à notre religion chrétienne, en sorte que nous profitions de vos bienfaits.

    Sincèrement tremblant, sincèrement craintif, j’attends prosterné le saint Edit.”[14]

    Đơn xin phóng thích này viết sau Sắc lệnh phóng thích (22-4-1774) khoảng một năm, khi Định Vương đã chạy vào Gia Định, với mục đích xin chúa áp dụng sắc lệnh phóng thích đã ban hành ngày 22- 4-1774 ở Phú Xuân cho 10.000 giáo dân đang sống ở Gia Định.

    Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ nhất, trong tháng 9-10/1777: Định Vương, Tân Chính Vương[15] và Tôn Thất Đồng[16] đều bị giết, chỉ một mình Nguyễn Ánh sống sót, trốn ra Côn Lôn, rồi Phú Quốc.

    Tuy vậy, Sắc lệnh phóng thích (22-4-1774) của Định Vương có giá trị lâu dài sau đó, trong suốt thời kỳ Nguyễn Ánh bôn ba chạy trốn Nguyễn Huệ, đến lúc thành công, lên ngôi Vương. Và trong cả thời kỳ Nguyễn Vương tranh chấp với Cảnh Thịnh (Quang Toản), nhà Nguyễn vẫn giữ chính sách khoan hồng này đối với đạo Gia-Tô. Nhà Tây Sơn cũng không cấm đạo, và trong triều đình Tây Sơn còn có nhiều người theo đạo, như ta sẽ thấy ở dưới.

    Tóm lại, trong giai đoạn lịch sử nhiễu nhương nhất: từ khi nhà Nguyễn suy vi, nhà Tây Sơn nổi dậy tiêu diệt họ Nguyễn và họ Trịnh, Quang Trung đại phá quân Thanh, Gia Long thống nhất đất nước, đạo Gia-Tô được hưởng một giai đoạn truyền bá yên bình.

    Nhà Tây Sơn theo đạo Gia Tô

    Có ba điểm cho phép ta xác định nhà Tây Sơn theo đạo Gia-Tô:

    1- Trong thư giáo sĩ Faulet viết tại Cam-bốt ngày 6-7-1778 gửi giáo sĩ Steiner, có đoạn sau đây cho biết Nguyễn Nhạc theo đạo Gia-Tô:

    “Chiến tranh Nam Hà không có cơ chấm dứt. Hiện nay người ta báo cho tôi biết bọn phản loạn [Tây Sơn] đã chiếm Sa-Đéc, trên con sông [Tiền Giang], gần biên giới Cam-Bốt; chúng bao vây vua chính thức [Nguyễn Ánh] bạn lớn của Đức Ông [Bá Đa Lộc] trong thành Sài Gòn; chúng có tất cả lực lượng võ trang trong tay, đúng là dân chúng ghê tởm bọn chúng. Thủ lãnh của bọn – được gọi là Tây Sơn – này ở Quy Nhơn, một tỉnh ở giữa Nam Hà, y tự xưng làm vua và y theo đạo Gia Tô, tên là Paul Nhạc, mẹ y tuyên bố công khai theo đạo. Người ta nói y là con một kẻ đã từng trông nom nhà thờ và đồ lễ (un ancien sacristain) trong một giáo đường ở vùng này. Nếu y chiếm được cả đất Nam Hà, từ Huế tới đây – điều đó rất có thể xảy ra – tôi không biết phải làm sao để nghe các quan [Tây Sơn] xưng tội, điều mà từ trước đến nay chúng ta vẫn từ chối.”[17].

    Những lời này của Faulet cho biết: mặc dù Nguyễn Nhạc và mẹ theo đạo Gia-Tô, các thừa sai Pháp vẫn từ chối không chịu làm lễ xưng tội cho các quan nhà Tây Sơn, điều này phản ánh việc các thừa sai theo chúa Nguyễn, từ khi Định Vương ra sắc lệnh phóng thích 1774.

    2- John Barrow (1764-1848), là nhà thám hiểm, quản trị và ngoại giao Anh, đi qua và dừng lại ở Đà Nẵng, dưới triều vua Cảnh Thịnh, năm 1793. Bốn năm sau, ông viết cuốn hồi ký tựa đề A voyage to Cochinchina… Trong chương XI sách này, ông nhận xét về ba anh em Tây Sơn:

    “Người lái buôn [Nguyễn Nhạc] xa xỉ trong tiệc tùng, lễ hội, pháo bông. Ông tướng [Nguyễn Huệ] thu phục quân đội và ông thầy tu [Nguyễn Lữ] có tiếng nói của bọn giáo phái”[18].

    Đáng chú ý là câu chót: “ông thầy tu [Nguyễn Lữ] có tiếng nói của bọn giáo phái”, nếu để cạnh thông tin của giáo sĩ Faulet trên việc gia đình Tây Sơn theo đạo, sẽ có tầm quan trọng riêng: Nguyễn Lữ có thể đã đi tu theo đạo của mẹ, từ lâu rồi, nên mới có cả một bọn giáo phái ủng hộ; đồng thời giải thích điều được nhiều chỗ nói: Nguyễn Lữ không thích đánh nhau, ra trận thường tìm cách rút lui, hoặc bỏ về Quy Nhơn trước.

    3- Tác giả Sử Ký Đại Nam Việt cũng viết về việc đạo Gia-Tô được tự do truyền giảng trong vùng Tây Sơn chiếm đóng:

    “Về sự đạo thì bằng yên, vì quân Tây Sơn chẳng lo đến việc đạo. Bà dì ông Thái Đức [Nguyễn Nhạc] thì có đạo và giúp nhiều việc cho thạnh sự đạo. Cũng có lẽ mà ngờ rằng mẹ ông ấy có đạo nữa. Bởi đó, các thầy giảng đạo, dầu Tây, dầu Nam, đi đâu hay làm việc gì, cũng không ai ngăn cấm”[19]

    Vậy Sử Ký Đại Nam Việt cũng xác định: Dì và mẹ vua Thái Đức theo đạo. Và nhà Tây Sơn để cho các thầy tu người Âu và người Việt tự do giảng đạo trên vùng đất họ chiếm đóng.

    Sắc lệnh bênh vực đạo Gia-Tô của nhà Tây Sơn

    Dưới đây là hình chụp bản dịch sắc lệnh tháng 12-1783 của nhà Tây Sơn bênh vực đạo Gia- Tô sang tiếng La-tinh. Đây cũng là một văn bản quan trọng, chúng tôi dùng Google để dịch sang tiếng Pháp, và dịch từ bản tiếng Pháp này sang tiếng Việt.

    Sắc lệnh này được ban hành tháng 12-1783, là giai đoạn Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ vào đánh Gia Định lần thứ ba, từ tháng 2-1783 đến cuối năm 1783: quân Nguyễn thua to.

    Khoảng tháng 12-1783, xuất hiện một Sắc lệnh của nhà Tây Sơn bênh vực đạo Gia-Tô, do André Tôn dịch sang tiếng La-tinh. Bản dịch này được Launay in lại dưới tựa tiếng Pháp: Edit des Tây Sơn en faveur de la religion chrétienne (Sắc lệnh của nhà Tây Sơn bênh vực Công giáo) trong sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, quyển III, trang 82. Và trong chú thích số 1 ở cuối trang này, Launay cho biết: Bản dịch tiếng La-tinh này không đầy đủ, đã in trong sách Les Nouvelles des Miss. Orient. 1785 et 1786, phần thứ nhất, trang 50, dưới tựa đề: “Bản dịch đoạn hay nhất trong Sắc lệnh của Thủ Lãnh phản loạn ở Nam Hà [Tây Sơn] về chủ đề hai Cha người Tây Ban Nha, dòng Franciscain[20] và đạo Thiên Chúa.

    Vậy sắc lệnh này, qua giọng văn, chắc do Nguyễn Huệ ban hành ở Gia Định, cuối năm 1783, sau khi đánh Gia Định lần thứ ba và trước khi quay về Quy Nhơn.

    Dưới đây là bản chữ La-tinh do André Tôn dịch từ chữ Hán hay chữ Nôm:

     

    Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 82

    Chúng tôi dùng Google dịch sang tiếng Pháp, dưới đây:

    “Instrument de justice des Tay-Son concernant la sainte religion, les chrétiens et les révérends Pères

    Notre peuple, qui en suivant les Européens observe attentivement une certaine religion qu’ils pensent avoir découverte comme étant vraie et fondée uniquement sur Jésus, se réunit dans des églises publiques pour écouter les enseignements. Si l’on examinait cette affaire en profondeur, elle nous étonnerait davantage. En effet, ils sculptent la statue d’un homme crucifié, affirmant qu’il souffre pour les péchés du monde. Ainsi, abhorrant les péchés, ils se tournent vers les murs et, de la manière qu’ils peuvent, implorent la rémission de leurs fautes. Hommes et femmes, s’ils ont péché, confessent librement tous leurs péchés. Ils sont très attachés à leur eau bénite, et unis si étroitement qu’ils ne se séparent jamais.

    Leurs Pères ou maîtres, s’ils trouvent un lieu adéquat, y restent tranquillement en accueillant les chrétiens convertis, qui, amendés dans leur vie, affluent de partout pour faire pénitence auprès d’eux. Par ailleurs, autrefois, nous avons conduit une grande armée pour conquérir Con Trao. Une fois vaincus et dispersés dans différentes directions, leurs maîtres, pris de peur, s’enfuirent à Tuc-ia-mao Huc, où nous les avons capturés et ramenés pour être interrogés. Mais après un examen minutieux, ne trouvant aucun soupçon de rébellion chez eux, nous les avons gracieusement relâchés.

    Quant à Cha Xuyen, qui, en suivant la religion païenne avec flatterie, avait adopté la religion “Thop ac” [thap ac] (ainsi appellent-ils la sainte religion) pour pouvoir se marier avec Me Lanh, une chrétienne fidèle à sa religion, il l’a ensuite reniée après avoir changé de cœur. Lorsque cette affaire fut rapportée aux chrétiens, il fut jugé qu’ils devaient être séparés. Par conséquent, rempli de colère, il accusa les chrétiens en guise de vengeance. Sur cette question, il est maintenant manifeste, comme cela ressort des interrogatoires, que les chrétiens ne s’associent plus avec “Thao”.

    Quant à leurs instruments concernant leur religion, puisqu’ils sont lus comme des fables racontées dans les rues, composant la paix, nous avons suspendu tout examen. Mais si Cha Xuyen et Me Lanh souhaitent ou non se marier, cela leur est libre. Quant aux chrétiens, s’ils aiment encore leur religion, qu’ils la conservent, car elle est vraie et non fausse. Si elle était fausse, nous ne l’aurions certainement pas tolérée.

    Donné en l’année 1783, au mois de décembre, à la cour de Sai-gon.”

    Và chúng tôi dịch từ bản tiếng Pháp này (của Google) sang tiếng Việt:

    “Văn kiện của Tây Sơn phán đoán đạo Thánh, người công giáo và các cha cố

    Dân ta, theo người Tây phương, gia nhập vào một đạo nọ mà họ tin là chân thật, dựa trên Giê-su, tụ họp ở các nhà thờ để nghe giảng đạo. Nếu xét kỹ việc này, ta càng ngạc nhiên hơn nữa. Thực vậy, họ khắc tượng một người bị đóng đinh trên thập tự, và bảo rằng ông ta chịu đau khổ cho tội lỗi của loài người. Như ghê tởm tội ác, họ quay mặt vào tường cầu khẩn xin tha thứ cho lỗi lầm của họ. Đàn ông cũng như đàn bà, nếu phạm tội, đều tự do xưng mọi tội lỗi. Họ rất gắn bó với nước thánh và đoàn kết chặt chẽ với nhau như chưa chia rẽ bao giờ.

    Các cha cố tức là thầy của họ, nếu tìm được nơi thích hợp, lặng lẽ ở lại, đón tiếp những người công giáo cải đạo, trong đời đã bị trừng phạt, từ khắp nơi về bên các cha xin xám hối. Ngày trước, ta đã đem đại quân đến chinh phục Con Trao [chắc là Cao Cao, tức Hà Tiên] Bọn thầy của họ [các cha cố] sau khi [Nguyễn Ánh] thua trận, tan rã, sợ hãi, phân tán khắp nơi, trốn đến Tuc-ia-mao [?], ta đã bắt được và đem về tra hỏi. Nhưng sau khi tra vấn kỹ càng, không tìm thấy ở họ dấu ấn phản bội nào, ta đã ưu ái thả ra.

    Còn về cha Xuyên, người này theo tà đạo, đã nhập đạo “Thập ác” (đạo thánh được gọi như thế) để có thể cưới Mẹ Lành, một người công giáo thuận thành, sau đó lại bỏ lấy người khác. Khi việc này đến tai người công giáo, y bị xử và hai người phải bỏ nhau. Vì thế y tức giận, buộc tội người công giáo để trả thù. Vấn đề này, bây giờ đã rõ ràng, cũng như sau khi tra hỏi, ta biết người công giáo không hợp tác với “Thao” nữa. [Thao có lẽ là tên mà Tây Sơn đặt cho Nguyễn Ánh, bị viết sai đi].

    Còn về những kinh sách liên quan đến đạo của họ, được họ đọc như những bài hát xẩm về hoà bình, ta đã thôi không cho kiểm tra nữa. Nếu cha Xuyên và Mẹ Lành muốn cưới hay không cưới nhau thì cứ tự do. Riêng những người công giáo, nếu vẫn còn yêu thích đạo, thì cứ giữ, vì đạo này là đạo chân thực chứ không giả dối. Nếu giả, chắc chắn ta đã không cho phép truyền giảng.

    Ban hành năm 1783, tháng 12, tại triều đình ở Sài Gòn.

    Văn kiện phán đoán này rất độ lượng, không biết nguyên bản chữ Hán hay chữ Nôm, đặt tên là gì, được dịch sang chữ La-tinh là Instrumemtum justitiae, dịch sang chữ Pháp là Instrument de justice (Văn kiện phán đoán hay Văn kiện công lý) cũng khá mơ hồ; nhưng qua giọng văn ta có thể đoán chắc do Nguyễn Huệ viết hoặc sai viết. Nội dung văn kiện, chứng tỏ Nguyễn Huệ đã khảo sát đạo Chúa để tìm hiểu sâu hơn với con mắt cảm thông và rộng lượng, chú ý đến đời sống bình thường của người công giáo, và coi việc họ đọc kinh như nghe hát xẩm, vô hại. Sau khi điều tra thấy những người bị bắt ở Tuc-ia-mao (?) không theo Thao (?) (tạm hiểu là tên tục của Nguyễn Ánh) nên đã tha tội cho họ.

    Trong thư viết bằng chữ La-tinh ngày 1-7-1784, gửi M. Descourvières, giáo sĩ André Tôn, (người dịch văn kiện trên đây sang chữ La-tinh) kể lại tình hình lúc bấy giờ:

    Nhờ ơn Thượng đế mà chúng tôi thoát nạn, bởi vì Thủ lãnh phiến loạn [Nguyễn Huệ] đã chiếm hoàng thành, gọi là Saigon, nhà vua [Nguyễn Ánh] thua trận và bị đuổi khỏi kinh thành, đức Giám mục [Bá Đa Lộc] cũng phải chạy trốn, lênh đênh trên biển cùng với bốn giáo sĩ, trong khi kẻ thù của vua đang truy lùng ngài. Ngày 15-8-1783, chúng bắt hai Cha Franciscain người Tây Ban Nha ở Cam bốt, trấn lột của cải; ba ngày sau chúng đưa về kinh thành Sài Gòn, để họ được tự do ở với những người công giáo”[21].

    Vẫn trong thư gửi M. Descourvières trên đây, André Tôn kể lại chuyện hai cha Franciscain bị bắt ở Cam-Bốt cùng với các giáo sĩ và giáo dân, được đưa về Sa-Đéc ngày 2-5-1784, và cho tiếp tục giảng đạo[22].

    Một thoại khác lại cho rằng hai cha Franciscain và Giám mục Bá Đa Lộc định vượt biển sang Phi Luật Tân cầu cứu, nhưng bị Tây Sơn bắt lại, rồi cũng được thả ra. Trong khi phe Nguyễn Ánh, vẫn tin rằng hai linh mục này bị giết.

    Nhưng André Tôn và các giáo sĩ giải thích việc hai cha Franciscain được tha là do “phép lạ của Chúa Trời” chứ không nói đến sự khoan hồng đặc biệt của nhà Tây Sơn, đối với đạo của họ. Và các giáo sĩ vẫn tiếp tục loan tin như thế, về nhà Tây Sơn, một bọn “dã man, khát máu”, đã tàn sát từ 10 đến 11 ngàn người Trung Hoa, năm 1782![23]

    Giới giáo sĩ, vì theo Nguyễn Ánh, nên rất sợ và ghét Tây Sơn, đã loan những tin tức xuyên tạc về nhà Tây Sơn. Phần lớn bọn họ cũng không biết nhà Tây Sơn theo đạo Gia Tô.

    Văn kiện bênh vực đạo Gia-Tô trên đây do Nguyễn Huệ ban hành, ra đời trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp và cũng là trường hợp hy hữu thứ hai, sau Định Vương Nguyễn Phước Thần, 1774, ra sắc lệnh bênh vực đạo Gia-Tô như thế, trên toàn đất Việt.

    Tuy nhiên chính sách của Nguyễn Huệ, sau khi lên ngôi hoàng đế, khác trước: vua Quang Trung, hành động như một nguyên thủ quốc gia trị vì một nhà nước thế tục, không bênh vực đạo nào mà chủ trương hạn chế việc tu hành. Quan điểm của ông về tôn giáo, vừa độc đoán, vừa tân tiến, đi trước thời đại, được ghi rõ trong sắc lệnh dưới đây.

    Sắc lệnh của vua Quang Trung giới hạn việc xây chùa, nhà thờ và đi tu

    Theo sắc lệnh dưới đây, vua Quang Trung chỉ trích sự phát triển thái quá của chùa chiền, ông muốn giới hạn số lượng sư sãi, được coi là bọn người “lười biếng”.

    Sắc lệnh này do Louvet sưu tập, in bản dịch tiếng Pháp, không đề ngày tháng, với tựa là Edit des Tay-Sơn contre la religion chrétienne (Sắc lệnh của Tây Sơn chống Công giáo) nhưng trên đầu bài, có ghi dòng chữ này:

    Edit du roi qui fait briller la lumière, pour que son éclat pénètre dans les cent familles du peuple (Sắc lệnh của vua chiếu ánh sáng lấp lánh, chói lọi xuyên sâu vào trăm họ)

    chứng tỏ đây là sắc lệnh của vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh.

    Dưới đây, chúng tôi xin dịch lại sắc lệnh này sang tiếng Việt:

    “Có kẻ cả gan chế nhạo việc tôn thờ thần thánh; nhưng sự sùng bái này, sẽ ngày càng phát triển, để cho người ta thấy rằng thần thánh là những thực thể huyền diệu và cao cả.

    Ta chỉ ghét một số đông sư sãi trốn vào chùa để khỏi phải làm nghĩa vụ quốc gia và nuôi dưỡng sự lười biếng bằng của cải đóng góp của nhân dân.

    Càng nhiều chùa, càng nhiều sư xảo quyệt và lừa dối…

    Làng nào cũng thấy đầy chùa mà chẳng có ngôi nào xứng đáng là chùa cả…

    Vì vậy, ta ra lệnh, từ nay, mỗi vùng, chỉ được xây một ngôi chùa lớn… tất cả các chùa nhỏ đều phải phá đi để dùng vào việc xây dựng ngôi đền lớn của nhà nước.

    Ta muốn tất cả mọi giáo đình thờ đạo Gia-Tô cũng phải hủy đi để góp vào việc xây dựng ngôi đền này.

    Dù ở xa hay gần ngôi đền sẽ xây… Tất cả tượng hình thần thánh, vẫn thờ ở nhà riêng, hay ở chùa, nhà thờ, lớn nhỏ, đều phải đem lại ngôi đền lớn này, cùng thờ chung với nhau...

    Vì lý do gì mà phải cần phải thờ riêng? Càng ít chùa, người ta càng sùng đạo. Như thế, khi không còn chùa riêng, việc thờ thần thánh sẽ không bị coi thường. Sau cùng, để giảm thiểu số sư sãi quá đông, hãy chọn trong đám họ một ít sư tốt và thực tin vào đạo, để dâng hương bốn mùa trong năm”.

    Và đây là nguyên bản tiếng Pháp, in trong sách Đạo giáo ở nước Nam của Louvet:

    Edit des Tay-Sơn contre la religion chrétienne

    Edit du roi qui fait briller la lumière, pour que son éclat pénètre dans les cent familles du peuple.

    Il y a des hommes qui ont osé se permettre de tourner en ridicule le culte des idoles; mais cette bonne religion va devenir de plus en plus florissante, et l’on verra que les idoles sont des êtres mystérieux et sublimes.

    Nous ne haissons que ce grand nombres de bonzes qui n’entrent dans les pagodes que pour se soustraire aux charges de l’Etat, et pour nourrir leur oisiveté des dons que le peuple vint offrir.

    Plus il y a de pagodes, et plus il y a de bonzes fourbes et trompeurs…

    Tous les villages abondent en pagodes, et pas une seule qui en mérite le nom…

    C’est pourquoi nous ordonnons que, dans chaque département, il sera construit seulement une grande pagode… Toutes les autres seront détruites et employées à la construction de la grande pagode du gouvernement.

    Nous voulons aussi que toutes les maisons consacrées au culte de Da-to (églises chrétiennes) soient égalemnet détruites, et employées à l’édification de la grande pagode.

    Peu importe que l’on soit près ou loin du temple destiné au culte…

    Toutes les statues d’idoles, placées soit dans les maisons, soit dans les pagodes particulières, seront prises et portées dans la grande pagode, pour y être adorées en commun…

    Quelle raison d’avoir un culte à soi en particulier? Moins il y aura de pagodes et plus on sera fervent. Ainsi, plus de pagodes particulières, pour empêcher la sainte religion des idoles de tomber dans le mépris; enfin, pour diminuer le trop grand nombre de bons et sincères croyants, pour offrir de l’encens aux quatre saisons de l’année… ”[24]

    Sắc lệnh của Quang Trung mang dấu ấn riêng biệt, thực dụng và “mô-đéc”, nhà vua ra lệnh cho đạo Phật và đạo Chúa phải làm đền thờ và cầu nguyện chung, cho đỡ tốn kém. Sư sãi quá nhiều, cần phải giải nghệ bớt, để làm “nghiã vụ quốc gia” tức là đi lính. Một vị tổng thống thời nay, dù có quốc hội phò trợ, cũng không dám đề nghị một đạo luật thực tiễn như vậy. Ngày trước, Võ Vương cũng bắt những người không chịu bỏ đạo phải đi cắt cỏ cho voi ăn hoặc phải đi lính.

    Còn một sắc lệnh khác cũng được dịch sang tiến Pháp. Sắc lệnh này, không ghi rõ ngày tháng, trực tiếp chỉ vào cái hại của đạo Gia-Tô, được Louvet sưu tầm và in bản dịch tiếng Pháp trong sách Đạo giáo ở Nam kỳ.

    Một sắc lệnh khác của Tây Sơn chống đạo Thiên Chúa

    “Từ khi các nước Tây phương lén lút đem đạo của họ vào trong nước, ta rất tiếc thấy đạo lý Khổng Mạnh ngày càng suy sụp và gần như bị bỏ rơi, vì những lời giảng kích thích và lừa dối của những kẻ ngoại quốc này, xâm chiếm lòng dân và mê hoặc họ bằng mọi phương tiện, khiến họ không thể cưỡng lại những kẻ hướng dẫn xấu xa này.

    Thấy lòng dân say mê theo cái đạo lừa dối và lường gạt ấy, ta nhất quyết cứu trợ đạo lý của các vua và của tổ tiên, tiêu diệt hoàn toàn cái đạo đồi bại này.

    Có nên để một đạo lý ngoại lai đầy trò xảo quyệt thắng thế trong chúng ta chăng?

    Ta gửi những quan chức do ta lựa chọn để chấm dứt vụ này”.

    Bản tiếng Pháp:

    Autre édit des Tay-Sơn contre la réligion chrétienne.

    “Depuis que les royaumes d’Occident ont introduit furtivement leur religion dans ce royaume, nous voyons avec regret le culte de Confucius s’affaiblir de jour en jour et qu’il est déjà presque abandonné, par l’effet des discours trompeurs et capiteux de ces étrangers, qui sollicitent les cœurs des peuples et les enchantent par toute sorte de moyens secrets, de manière à ne pouvoir se défendre de suivre ces mauvais guides.

    Voyant le cœur de nos peuples passionné pour une religion trompeuse et abusive, nous sommes résolus de venir au secours de la bonne et vraie doctrine de nos ancêtres et de nos rois, et de détruire entièrement cette religion perverse.

    Est-il raisonnable de laisser prévaloir au milieu de nous une doctrine étrangère et pleine de fourberies?

    Nous envoyons donc à cette fin des officiers choisis par nous”[25].

    Sắc lệnh này lời lẽ của vua, hẳn là Quang Trung, khắt khe, nặng nề hơn đối với đạo Gia-Tô và sai các quan thi hành lệnh cấm đạo. Ở đây, vua Quang Trung muốn chấm dứt việc truyền giáo, bởi ông đã nhìn thấy tính cách “nguy hại” của đạo này, và cho rằng: vì nó mà người dân bỏ bê lý thuyết Khổng Mạnh, bỏ đạo lý của các vua và của tổ tiên… Như vậy, vua Quang Trung cũng đã nhận ra tác hại của việc cấm Nghi lễ, nhưng không sống lâu để thi hành việc cấm đạo.

    Sau khi vua Quang Trung băng hà năm 1792, một trang nhật ký của linh mục Ledontal, quản thủ tu viện Macao, năm 1794, ghi nhận rằng:

    “Con trai Quang Trung [vua Cảnh Thịnh] không hề tàn sát Công giáo mà còn tỏ ta ủng hộ đạo này“.[26]

    Kết luận

    Việc cấm đạo ở Á châu, là để trả lời tất cả những nghị quyết của Vatican Cấm Nghi lễ phương Đông, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Hoàn toàn không phải vì sự tàn ác diệt đạo của vua chúa Việt Nam, được các thừa sai, từ Alexandre de Rhodes, thế kỷ XVII, đã sáng chế ra câu chuyện André Phú Yên bị thế tử Nguyễn Phước Tần, trấn thủ Quảng Nam, xử tử (1644). Năm năm sau (1649) ông đem sọ của André về La Mã trình đức Giáo hoàng[27]. Louis Chevreuil, theo gót, là người đầu tiên dùng chữ Persécution (Đàn áp bạo tàn) và bịa ra chuyện cô bé Lucie bị voi giày dưới triều chúa Nguyễn Phước Tần (1664), nhưng Chevreuil lại có thủ cấp đem về Xiêm cho Giám mục Lambert de la Motte đặt lên bàn thờ[28]… Trong ba thế kỷ, các thừa sai tiếp tục truyền thống xuyên tạc việc tàn sát giáo dân của các triều đại Việt Nam.

    Nhưng tuyệt nhiên trong những sắc lệnh cấm đạo mà chúng tôi đọc được, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, không có điều nào ra lệnh giết giáo dân, như thấy ghi trong sử sách hay trong bài viết của thừa sai. Nhất là từ khi linh mục de la Bissachère (1764-1830), tháng 3-1790 vào Bắc Hà giảng đạo ở vùng Nghệ An, thuộc địa phận của Quang Trung, trở về Âu châu, viết cuốn Ký sự Bissachère, là cuốn sách đầu tiên bôi nhọ Quang Trung và Gia Long thậm tệ[29] thì việc xuyên tạc này, sẽ trở thành vũ khí đánh chiếm thuộc địa.

    Năm 1817, de la Bissachère nhậm chức Giám đốc Hội Thừa Sai Paris[30], đào tạo ra một tầng lớp giáo sĩ mới, nổi lên từ thời Minh Mạng (1820-1840) trở đi, như Marchand (Cố Du), Giám mục Pellerin, linh mục Huc, linh mục Legrand de la Liraye, Giám mục Puginier, linh mục Louis-Eugène Louvet,… không nề hà bất cứ thủ đoạn nào để xây dựng lại Đế quốc Thực dân Pháp thứ hai là Đông Dương, bằng cách giúp chính phủ Pháp lật đổ triều Nguyễn[31].

    Sự vu cáo quan trọng được phổ biến rộng rãi nhất, đến từ Louis-Eugène Louvet trong bộ sách La Cochinchine religieuse (Đạo giáo ở nước Nam)[32] đãtố cáo cái mà ông ta gọi là sự Đàn áp bạo tàn (Persécution) đạo Chúa không ngừng từ 1644, thời Alexandre de Rhodes đến ngày nay, là năm 1884, khi cuốn sách Đạo giáo ở nước Nam ra đời (tức là trong 240 năm):

    – “Ngay từ 1644, người ta thấy bắt đầu ở Đàng Trong chuỗi dài Persécutions, hầu như không ngừng nghỉ, tới ngày nay(Dès 1644, on vit commencer en Cochinchine cette longue suite de persécutions, qui devait durer, à peu près sans interruption, jusqu’à nos jours)[33].

    Những luận điệu xuyên tạc vô liêm sỉ này, được không ít những người viết sử, Pháp, Việt đi sau chép lại, đã tạo cho sự xâm lược của Pháp một chính nghiã.

    (Còn nữa)


    [1] Trần Trọng Kim ghi là Nguyễn Phúc Trăn.

    [2] Quốc Chúa cũng là kẻ chinh phục, ông tiếp tục sự nghiệp của ông nội Nguyễn Phước Tần, chiếm nốt Thủy Chân Lạp, làm lục tỉnh.

    [3] Đại Nam Thực Lục tiền biên, Nxb Giáo Dục, 2006, trang 112.

    [4] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nbx Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, trang 64.

    [5] Sử Ký Đại Nam Việt, là cuốn sử ngoài luồng chính thống viết bằng chữ quốc ngữ có lẽ sớm nhất, về giai đoạn từ Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) đến khi Gia Long lên ngôi Hoàng đế (1802), trọng tâm chiếu vào sự nghiệp của Nguyễn Ánh và cuộc chiến Nguyễn Ánh-Tây Sơn. Tác giả chắc đã sống gần, hoặc có cha, ông sống gần thời Nguyễn Ánh, bởi trong sách có những chi tiết về cuộc đời trôi nổi của Nguyễn Ánh không thể tìm thấy ở chỗ khác.

    [6] Sử Ký Đại Nam Việt, Nhóm Nghiên Cứu Sử Đia tái bản tại Montréal, 1986, Tiểu dẫn, trang XVI-XVII

    [7] Tuy nhiên Sử Ký Đại Nam Việt cũng cho biết những thông tin quý giá về việc Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ lùng bắt, được linh mục Hồ Văn Nghị, tức Paul Nghị cứu thoát, mà chúng tôi đã sử dụng trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp, để bác bỏ lập luận Nguyễn Ánh được Bá Đa Lộc cứu, của sử gia Maybon, đã được truyền tụng rộng rãi trong thời kỳ Pháp thuộc.

    [8] Khoá quá xuất giáo: khoá quá là vượt qua, bước qua; Khoá quá xuất giáo bỏ đạo.

    [9] Sử Ký Đại Nam Việt, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa tái bản tại Montréal, 1986, trang 2-3.

    [10] Di chúc lập con thứ hai của Võ Vương là Nguyễn Phước Luân (cha Nguyễn Ánh) lên ngôi, Trương Phước Loan bắt Luân bỏ ngục, được tha về thì chết.

    [11] Sử Ký Đại Nam Việt, trang 9.

    [12] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 56.

    [13] Ánh là con trai Hưng tổ Nguyễn Phước Luân, con thứ hai của Võ Vương, bị Trương Phước Loan phế và giam trong tù đến khi tha về thì chết.

    [14] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 55.

    [15] Tân Chính Vương, là cháu của Định Vương, tên là Nguyễn Phước Dương (con trai Nguyễn Phước Hiệu, hoàng tử thứ chín, là thế tử, đã chết). Tháng 2-1775, Phước Dương được được Định Vương lập làm Đông cung thế tử, sai ở lại giữ Quảng Nam. Nguyễn Nhạc tiến đánh Quảng Nam, lấy cớ phò Đông cung, trọng đãi Phước Dương, nhưng sau Dương cũng bỏ trốn vào Gia Định. Định Vương phong cho Dương làm Tân Chính Vương, còn mình lên làm Thái Thượng Vương.

    [16] Tôn Thất Đồng là con trai Hưng tổ, anh ruột Nguyễn Ánh.

    [17] Thư của giáo sĩ Faulet gửi giáo sĩ Steiner, viết tại Cam-bốt ngày 6-7-1778; in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, của Launay, tập III, trang 68.

    [18] A voyage to Cochinchina của John Barrow, bản dịch tiếng Pháp của Malte Brun, tập II, trang 192.

    [19] Sử Ký Đại Nam Việt, trang 11.

    [20] Tức dòng thánh Saint François d’Assise (1182-1226).

    [21] Thư Andé Tôn gửi M. Descourvières ngày 1-7-1784, nguyên tác tiếng La tinh, in trong A.M.F, vol. 800, p. 1799. Bản dịch tiếng Pháp in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, của Launay, tập III, trang 82-83.

    [22] Thư André Tôn gửi Descourvières ngày 1-7-1784, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 82.

    [23] Thư Andé Tôn gửi M. Descourvières ngày 1-7-1784, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, tập III, trang 83.

    [24] Louvet, La Cochinchine reliegieuse, Đạo giáo ở Nam kỳ, quyển I, Pièces justificatives (Văn bản chứng minh), trang 516-517.

    [25] Louvet, La Cochinchine reliegieuse, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Pièces justificatives, trang 517.

    [26] Journal de M. Letondal (Nhật ký của Ô. Letondal) in trong, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, III, trang 299.

    [27] Xem chương 5: Alexandre de Rhodes, phần III.

    [28] Xem chương 7: Louis Chevreuil.

    [29] Xem Vua Gia Long và người Pháp của Thụy Khuê, Chương 9: Ký sự Bissachère, thủy tổ sự bóp méo lịch sử nxb Hồng Đức và Saigon Books, 2017, trang 215- 232.

    [30] Theo tiểu sử de La Bissachère do Maybon soạn, trong bài Introduction (Nhập đề) tác phẩm La relation sur le Tonkin et le de la Cochinchine de Mr de La Bissachère (Ký sự về Bắc Hà của ông Bissachère), Nxb Champion, Paris 1920, trang 13-14.

    [31] Xem chương 6: Hội Thừa Sai Paris.

    [32] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nhập đề (Introduction), trang 5.

    [33] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nxb Ernest Leroux, Paris, 1885, trang 239-241.

  • Vài suy nghĩ nhân đọc một tập thơ được giải của Hội Nhà văn năm 2024

    Đinh Thanh Huyền

    Biết tôi đang tập hợp ngữ liệu cho cuốn sách tham khảo mới, một người bạn gửi tặng mấy cuốn trong đó có tập Viễn ca của tác giả Nguyễn Tiến Thanh. Bạn giới thiệu đó là một tập thơ vừa nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 2024. Thông tin đó khiến tôi hào hứng đọc ngay và (thật đáng tiếc) thất vọng ngay.

    Tập Viễn ca có 39 bài thơ. Ấn tượng chung về tập thơ là non lép, dễ dãi, “lổn nhổn”: có những bài nhang nhác kiểu thơ sinh viên (Lá rụng xuống sân trường năm 88, Đã có nhưng qua rồi, Một tình cờ thiên thu); có những bài thô tháp, thiếu độ kết tinh, lắp ghép tin thời sự sống sít (Thành phố chiêm bao, Giấc mơ tình yêu, Viết sáng mồng 1, Chúng ta không trở thành quá khứ của nhau, Đường thẳng, Chợt đọc, Tháng 9); có những bài chỉ thấy từ ngữ rền vang mà tứ thơ chìm nghỉm (Guitar, Hoàng hôn, Chợt gặp, Huế, Nhớ rất nhiều như quên). Hầu hết các bài trong tập Viễn ca là sản phẩm của lối tư duy thơ cũ, sáo mòn, nếu đặt cạnh thơ của thế kỉ trước thì ná ná về “màu” nhưng kém xa về chất.

    Trước hết, đọc Viễn ca thấy tràn lan những từ ngữ cũ kĩ : tóc úa, trầm luân tóc, trầm luân sơn thạch, môi hồng thắp lửa, rớm máu, lạc trôi, phiêu bạt, tàn úa, hoan ca, ơ hờ, oằn mình, hoang vu, chết đuối trong dại khờ, vô thường, nắng vàng ngủ quên, rượu mềm môi, biền biệt trôi, mê man, trầm tích, tóc hóa rong rêu, mật ước, viễn thẳm, ưu thuyền, miền phiêu dạt, ngơ ngác tim, máu ứa, cô lẻ, huyền tích, trầm bi, trầm tư, ưu tư tối hậu, chân trời lãng quên, tịch liêu, khô cằn như tim úa, tà dương hấp hối, tà dương gãy đổ, tà dương rớm máu, tà dương đau, biệt khúc, hoang tái, bể hoang nguyên, hư vô, hư hao,… Đó là ngôn từ của một thứ chủ nghĩa lãng mạn cuối mùa, gần như đã “hết date”, khó khơi gợi cảm xúc cho người đọc hiện thời. Trong Viễn ca, kiểu ngôn từ đó tạo nên một thứ thơ đọc lên nghe “cuồn cuộn” mà thực chất vô hồn, vô bản sắc. Ở đây, ngôn từ hoàn toàn không có lỗi, chỉ tư duy thơ của người viết là có vấn đề. Sự nghèo nàn, dễ dãi, cũ kĩ trong ý thức sáng tạo của người viết đã làm cho ngôn từ thơ trở nên nhợt, nhòa, “thiếu máu”, đọc cứ nghe choang choang như gõ vào vại sành mà khả năng biểu cảm của lời thơ thì rất yếu: Cánh diều tái nhợt chiều quê/ Mùa buông tóc xõa hẹn thề phong ba/ Vọng vang biệt khúc hải hà/ Ô hô tiếng khóc – à ha tiếng cười (Đi). Nếu hồ hôm đó như anh đã/ Đắm một ưu thuyền ngơ ngác tim/ Đương nhiên sóng vỗ miền phiêu dạt/ Tím cả tà dương lẫn lục bình (Dạ ca).

    Tư duy cũ mà lại muốn tạo ấn tượng mạnh thì chỉ có một cách là phải “bày đặt”, “nhiễu sự văn chương” bằng những từ ngữ Hán Việt dày đặc, bằng cách sắp xếp chồng chéo các ẩn dụ, hoán dụ nhằm “trang điểm” cho những ý thơ nông, nhạt, nhàm mòn, có tính chất làm màu, cường điệu hóa, lâm li bi lụy hóa. Xin dẫn vài ví dụ: Đắm một ưu thuyền ngơ ngác tim, Huyền tích trầm bi vắt ngang viễn sử, Tịch liêu thắp một bâng khuâng cuối ngày, Cười lên một tiếng nghe ly biệt về, Vì mênh mang cũng vời vợi siêu hình, Tái trời một khúc bi ca/Dọn ra tráng miệng nghe tà dương đau, … Có thể thấy những câu trên có số lượng từ Hán Việt quá dày khiến thơ trở nên nặng nề, phức tạp mà trống rỗng về nội dung. Thử đọc câu thơ sau: Vì mênh mang cũng vời vợi siêu hình, từ “cũng” hẳn nhằm khẳng định (“vời vợi”, “siêu hình” giống “mênh mang”). Cứ tưởng là một phát hiện. Nhưng thật ra, những từ ngữ đó vốn có chung nét nghĩa. Khi cấu trúc thành một câu thơ với đặc điểm cú pháp tuyến tính đặc trưng của tiếng Việt, người đọc tinh ý không khỏi bật cười vì liên tưởng ngay đến kiểu kết hợp từ ngữ mang tính chất trào tiếu của dân gian: “Nửa đêm, giờ Tý, canh ba/ Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi”. Chưa kể, những mênh mang, vời vợi, siêu hình ở đây được dùng để miêu tả dòng sông, thứ có thể mênh mang, vời vợi nhưng không bao giờ siêu hình. Rõ ràng, việc lạm dụng từ Hán Việt trong Viễn ca là dấu hiệu của việc yếu về ngôn từ nghệ thuật nhưng lại “khệnh khạng” làm dáng. Thơ có thể “phi lí”, nhưng không thể “vô lí” bởi ngữ cảm non yếu của người viết là vậy.

    Tư duy thơ cũ kĩ, dễ dãi sẽ dẫn ngay đến một hệ quả là nệ công thức, do đó lời thơ thường được tạo nên bằng những “cấu kiện đúc sẵn”. Hà cớ gì viết về miền Trung là cứ phải là: Miền Trung mọc lên từ gian khó bao đời/ Sao con gái tràn căng sinh lực/ Sao con trai hào khí ngất trời/ Và cỏ cây kiên cường trong gió cát, Điệu ví dặm che cánh đồng khô khát; viết về biển đảo thì không có gì khác hơn: Cánh hải âu chở nắng đến chân trời/ Tên chiến sĩ điệp trùng như sóng bể/ Gió thao trường bạt tiếng trùng khơi; viết về Huế thì cứ nhất nhất: trầm tư núi Ngự, vẳng nghe chuông Thiên Mụ; viết về mùa thu thì cứ như là thu của từ chương, sách vở: Những thu vàng qua đây, heo may vừa đi vắng, hoa vàng ký ức, bờ sông lơ đãng đón thu về…; viết về dòng sông: Một con đò chở mây trắng sang sông, lục bình trôi tím cả phiêu bồng, triền đê cỏ mọc, cô giang lặng lẽ, cánh buồm lạc trôi… Và phố: Phố rất chật, người và xe rất chậm, chiều rộng, quán vỉa hè, con đường lá bay, thành phố lên đèn, chiếc xích lô lang thang… Kiểu ngôn từ được công thức hóa, ước lệ hóa như trên vốn đầy rẫy trong các tập thơ “thường thường bậc trung”. Viết những lời thơ như thế chẳng cần vốn sống phong phú, trải nghiệm sâu sắc, càng không cần khổ công sáng tạo. Lẽ nào đó là “phẩm tính” của một trong các tập thơ được xem là nổi bật nhất trong năm?

    Tư duy thơ của Viễn ca là thứ tư duy “tù mù”. Hầu hết các bài thơ có tình trạng mơ hồ, không rõ ràng về ý (ở đây chúng tôi dùng chữ “mơ hồ” với nghĩa đen để phân biệt với tính mơ hồ, đa nghĩa của ngôn từ thơ). Rất ít bài có điểm chụm để người đọc bám vào. Nhiều bài ý tứ tản mát, tùy tiện, cộng thêm lời thơ thiếu chắt lọc, luẩn quẩn, rắc rối. Đoạn dưới đây là một ví dụ:

    Đôi khi đi quá nửa con đường

    Đột nhiên thấy tại sao mình cần đi đường thẳng?

    Tại sao để con đường dẫn ta đi

    Và ta đi theo con đường

    Như một định mệnh?

    Định mệnh con đường ta đi

    Định mệnh cái đích ta đang đến

    Tại sao không chọn một lối rẽ?

    Mất gia tốc và quán tính

    Mất thói quen và mất ngôn ngữ

    Những sẽ được gập ghềnh và bụi rậm

    Xa lộ có tốc độ

    Lối rẽ có bụi rậm

    Không phải chọn xa lộ vì muốn tốc độ

    Càng không phải chọn tốc độ vì đi trên xa lộ:

    Không phải ta đi

    Ta bị lái, bị xô đẩy, bị dẫn dắt.

    Không phải chọn lối rẽ vì muốn có bụi rậm

    Càng không phải chọn bụi rậm vì có lối rẽ:

    Đường ngắn hơn và đi chậm hơn

    Sẽ đến đích

    (Đường thẳng)

    Tình trạng lời thơ luẩn quẩn, ý thơ tù mù diễn ra ở nhiều bài khác: Vèo qua hoang tái khói mây/ Tuyệt mù tăm tích ngón tay – dây đàn/ Ơ hờ, im lặng, rền vang/ Niềm quên lãng ấy, nỗi hoang vu này (Guitar); Ta đi mòn cả mùa thu/ Khoác trên vai những sương mù huyễn du/ Xin dừng chân ngõ mơ hồ/ Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn (Viễn ca),… Hoặc có những bài chỉ tập trung vào ý tưởng mà nghèo nàn về từ ngữ, hình ảnh, thủ pháp: Ở phương ấy, đất liền là quê mẹ / Những đàn chim di trú đón xuân về/ Nhớ đôi mắt, nhớ nụ cười, nhớ thế/ Một loài cây tên gọi phong ba (Đảo); Qua rất nhiều năm tháng/ Chẳng lẽ chúng ta không hiểu rằng/ Tình yêu là một giấc mơ/ Dù không bao giờ giấc mơ/ Ngồi dậy sau một đêm dài/ Nói những lời cay đắng/ Không bao giờ tình yêu/ Bừng tỉnh/ Nói lời biệt ly/ Và rời xa ta (Giấc mơ tình yêu); Không thể tưới mát ảo ảnh bằng sự trắc ẩn/ của những đám mây/ Bay qua vùng cấm khóc (Đường về),… Hoặc có bài có kiểu diễn đạt rất vô duyên: Có một buổi em đi lang thang phố/ Muốn kê mông ngồi phệt vỉa hè/ Nhưng rồi sợ bỏng từng phiến đá/ Chỗ em ngồi – cháy lửa tuổi đôi mươi… Ngay cả những độc giả nghiêm trang và ít hài hước nhất cũng sẽ bật cười khi tưởng tượng cảnh “em” kê mông ngồi mà bỏng cả phiến đá. Nhưng đó là cái cười vật lí trước những câu thơ thô thiển đến thảm thương mà thôi.

    Trong Viễn ca có hiện tượng sử dụng ngôn từ “ồn ào”, khoa khương, “lạm phát” từ ngữ mạnh. Hãy đọc đoạn thơ sau:

    Những trang sách đốt đền mua danh sàm ngôn

    trong ngôi nhà của tính thiện

    Đường bay của những viên đạn ngôn ngữ cay độc

    và bạo phát

    bắn vào lòng tốt

    làm chảy máu lương tri

    Những thi hứng định nghĩa thơ bằng chất thải

    Thâm hụt nhân văn, lạm phát điên rồ

    Hạ sát thi âm, chôn xác nhịp điệu

    Ý tưởng hoang đường cấp đông giấc mơ

    Những con chữ lên cơn co giật bởi bệnh động

    kinh hình thức

    Trắng xóa không vần

    Mờ mịt

    Hoang mang đang phơi nhiễm thiên đàng

    (Chợt đọc)

    Đoạn thơ này diễn đạt nỗi băn khoăn trước sự tha hóa của nghệ thuật, đặc biệt là thi ca. Tuy nhiên đó mới là ý tưởng. Trong đoạn thơ, các cụm từ như đốt đền mua danh sàm ngôn, đạn ngôn ngữ cay độc, hay thi hứng định nghĩa thơ bằng chất thải xuất hiện dồn dập, gây cảm giác thừa thãi. Mật độ hình ảnh ẩn dụ và liên tưởng được xếp chồng lên nhau khiến thông điệp bị lấn át bởi sự phô trương ngôn từ. Việc sử dụng những từ ngữ có ý chỉ trích mạnh mẽ, gay gắt (bắn vào lòng tốt, hạ sát thi âm, ý tưởng hoang đường) thiếu cân bằng giữa sự phản ánh và khả năng dẫn dắt cảm xúc. Có cảm giác như tác giả đang “ép” thông điệp vào tâm trí, hơn là khơi gợi sự đồng cảm hoặc suy ngẫm từ người đọc.

    Đoạn thơ “ồn ào” vì thiếu khoảng lặng giúp cảm xúc có điểm “dừng nghỉ”. Cái “ồn ào” này dễ bị coi là “diễn thái quá” với những ai tìm kiếm sự giản dị, tinh tế trong thi ca. Khi mọi từ ngữ đều cố gắng “đánh mạnh” vào cảm xúc, câu thơ trở nên “chai lì”. Từ ngữ không được cân đối với một nền tảng cảm xúc hợp lí có thể gây cảm giác thơ không đến từ trải nghiệm chân thực, mà chỉ như một sự thao túng ngôn ngữ để tạo ấn tượng. Sức mạnh của thơ thường nằm ở khả năng gợi mở, nơi người đọc có thể tự suy ngẫm và khám phá ý nghĩa. Tuy nhiên, sự “lạm phát” từ ngữ cộng với việc “bày sẵn” ý thơ một cách quá lộ liễu khiến thơ mất đi sự tinh tế, thiếu những khoảng lặng cần thiết – những yếu tố tạo nên hồn vía của thơ. Cái hiện diện trên bề mặt câu chữ chỉ còn là xác chết, dù là xác chết được trang điểm lộng lẫy. Hiện tượng này còn có thể thấy ở một số bài thơ khác: Tất cả rồi sẽ thấy/Đại bác gầm trên những thảo nguyên/Buồn bã là sắc màu vương trên gấu váy phụ nữ/Rách/Như đứt gãy tầng trầm tích/Xé toạc chuỗi cung ứng niềm tin (Viết sáng mồng 1); Bàng hoàng đảo phách lả lơi/Sáu dây kim loại hóa thời gian bay/Từ trong giao hưởng tháng ngày/Giọt guitar ấy có đày đọa em? (Guitar),…

    Cuối tập thơ, trong phần Phụ lục, tôi bắt gặp ý kiến của một nhà phê bình danh tiếng: “Nguyễn Tiến Thanh có khác, anh làm thơ, không làm chữ” (trang 98, dòng 1, 2 từ trên xuống). Ô hay! Giờ này mà còn phân biệt “làm thơ” với “làm chữ” thì khác gì bảo ông nhai cơm chứ không nhai gạo. Thế nên, hãy cứ bắt đầu từ chữ của Nguyễn Tiến Thanh mà bàn về thơ ông – tôi cho là vậy.

    Viễn ca không phải không có những câu thơ hay, nhưng hiếm hoi, không đủ sức cân đối lại cái yếu “toàn thân” của cả tập. Nếu đây là tập thơ được viết, được in để thỏa mãn niềm vui riêng của tác giả thì không lí do gì để bàn luận. Nhưng khi tập thơ được trao giải thưởng của Hội Nhà văn, tức là được khẳng định về giá trị, thì người đọc sẽ tiếp nhận một cách nghiêm túc, nghiêm khắc tương xứng với vị thế của nó. Sẽ thế nào khi tập thơ được giải của Hội Nhà văn lại không có đóng góp mới về nội dung và hình thức, không đem lại điều gì mới cho trải nghiệm thẩm mĩ của người đọc? (Thậm chí, trên mặt bằng thơ Việt cùng thời, tập thơ này còn là một bước lùi). Sẽ ra sao nếu người đọc tin tưởng rằng thơ như Viễn ca là thơ hay bởi nó đã được dán nhãn là thơ được giải, được một số nhà phê bình ca tụng.

    Ở một khía cạnh khác, vài năm trở lại đây, do chương trình giáo dục môn Ngữ văn thay đổi, nhu cầu khai thác văn bản ngoài SGK của các nhà trường trong cả nước rất cao. Sau nhiều năm việc dạy và thi cử chỉ xoay vần với số lượng văn bản hữu hạn trong SGK, giáo viên ngữ văn không có nhu cầu đọc văn bản ngoài nhà trường, không biết gì về đời sống văn chương đương thời, mất năng lực đọc văn bản mới. Khi chật vật tìm ngữ liệu cho các đề thi định kì theo chủ trương mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, giáo viên thường chọn những tác phẩm đã được trao giải. Giải thưởng được xem là một bảo chứng về chất lượng nên đề thi và đáp án mặc định ca ngợi tác phẩm đó là siêu phẩm. Có cung thì có cầu, hiện nay người ta ồ ạt làm tuyển tập thơ văn phục vụ giáo dục. Có quá nhiều bài thơ dở lọt vào các tuyển tập đó, chui vào các nhà trường, “trèo” vào đầu học sinh, làm hỏng năng lực đọc của các em. Rõ ràng, đây là hiện tượng loạn giá trị trên diện rộng. Đừng nói văn chương chỉ là thú chơi riêng của giới nghệ sĩ. Văn chương đang đi vào giáo dục, đang tác động đến con em chúng ta, đang trực tiếp ảnh hưởng đến năng lực thẩm mĩ của lớp trẻ. Vì vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: năng lực thẩm định của người chấm giải như thế nào khi chọn những tập thơ như Viễn ca để trao giải?

    Hà Nội, tháng 1/2025

  • Một ngày tà ru

    Nguyễn Quang Lập

    Kỷ niêm 10 năm ông bọ được xuất kho.

     

    Sáng. Vẫn ngồi ban công ăn sáng đọc sách

    Văng vắng một cái gì

    Liếm mép nhìn lục bình trôi sông Sài Gòn

    Này hỡi lục bình mày làm gì thế

    Tự do hay sống mòn?

     

    Trưa. Vẫn nằm giường nệm ngủ điều hòa

    Thiêu thiếu một cái gì

    Tắt mobile lại mở mobile

    Chẳng chờ đợi điều gì vẫn cứ chờ

    Kinh.

     

    Chiều. Vẫn viết vẫn lướt mạng

    Sờ sợ một cái gì

    Giật thót mobile giật thót chuông cửa

    Mình thật đáng thương thật đáng tởm

    Địt mẹ.

     

    Tối. Vẫn ngủ ngon vẫn thức lúc 2 giờ sáng

    Nhớ quá bọn xã hội đen cùng phòng

    Sống với chúng dễ hơn, an toàn hơn sống với cứt

    (Tức bọn giả cầy trí thức)

     

    Khó ngủ quá

    Chổng mông đánh rắm một phát chơi

    Mình rắm xong rồi lại ngửi

    Ngẩn ngơ ngồi dậy ngẩn ngơ cười.

  • Tự sự của kẻ khước từ bầy đàn

    (Đọc tập thơ Độc thoại của một người mất ngủ, tranh bìa họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, tháng 12-2024)

    Lê Huỳnh Lâm

    Tôi thật tình không biết Phan Đạo làm thơ từ lúc nào, nhưng có lẽ với Đạo thơ như khí huyết lưu hành trong cơ thể, trong tâm tưởng…

    Mi là thơ

    Sao mãi hoài phân giải

    Ngủ trong thơ

    Ú mớ cùng thơ

    Từ những năm giữa thập niên 1980, Phan Đạo mặc áo nâu, để tóc dài, sống phiêu bạt như mây cuồng gió loạn… Có dạo theo thầy Trần Tiễn Hy học Đông Y ở làng Minh Thanh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, thỉnh thoảng Đạo đạp xe xích lô, mang theo Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu để học… Nhiều lúc hứng chí, bỏ xe đi bộ, mà đi bộ từ Huế ra tận Đông Hà… Đi như nước chảy mây trôi theo dòng biến dịch… Vào cuối thập niên 80, Phan Đạo bỏ phố xá lên núi làm đệ tử của sư Giới Đức, ngày ngày lao động cùng các chú điệu chở vật liệu, đất cát,… từ chân núi lên thảo am Mây Tía hoang vu góp chút công lao nhỏ để sau này có một Huyền Không Sơn Thượng thu hút biết bao mặc khách như bây giờ. Thuở đó, sư Giới Đức và đệ tử Phan Đạo vì cùng làm thơ, cùng biết chữ Hán,… nên rất tâm đầu ý hợp… Phan Đạo thọ giới Sadi ở chùa Thiền Lâm với pháp danh Quán Tâm, do Đại sư Hộ Nhẫn truyền giới, tu sĩ Quán Tâm ôm bình bát đi khất thực được một thời gian, dòng máu thi ca lại trỗi dậy, Quán Tâm làm lễ trả y bát rời chùa và Phan Đạo tiếp tục cuộc hành trình khác…

    Một thời gian sau, nhân duyên đưa đẩy Đạo lại vào chùa Châu Lâm làm điệu, lại thấy Phan Đạo cùng các chú điệu kéo xe ba gác dọc đường Điện Biên Phủ… Rồi bất ngờ Phan Đạo lại rời chùa Châu Lâm lên cuối bãi đầu non ẩn trong khu lăng mộ, Từ đường Chưởng doanh quận công ở thôn Đông Phước, xã Nguyệt Biều, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Đợt di tản lần này của Phan Đạo có thêm ba chú điệu theo chân… họ sống giản đơn, chỉ ăn cỏ cây trong vườn,… và xưng niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà. Sau đó Phan Đạo lại đi… Kể dài dòng vậy, vì trong giai đoạn này thơ trong Phan Đạo tuôn trào như thác lũ, như mưa dầm xứ Thần kinh… Nào là Âm thanh ngày, Tình yêu thể hiện, Hôn phối, Hoang đường, Dưới trăng tâm lịch, Độc thoại đầu sông, Độc thoại cuối sông,… Trong những tập thơ kể trên hầu như không có nhan đề cho mỗi bài, mà mỗi tập là một chủ đề kiểu như: Người làm vườn của Đại thi hào Rabindranath Tagore hay Ngôn sứ của Kahlil Gibran… Còn nhớ cách đây 15 năm trong một cuộc tao ngộ của các huynh đệ nghề báo tận miệt thôn Vĩ, nhờ ơn thi ca của Đại thi hào Hàn Mặc Tử mà anh em hứng khởi góp tiền in thơ Phan Đạo. Đó là vào cuối năm 2009, tập thơ có nhan đề Thơ Phan Đạo đã xuất hiện. Và giờ đây, khi Phan Đạo không thể hoặc không buồn làm thơ nữa, thì nhân duyên hội đủ để tập thơ này được đến với mọi người yêu thơ.

    Thơ của ta bà hành giả Phan Đạo là những lời ta thán kính dâng Đức Mẹ Quán Thế Âm:

    … Dẫu triệu năm triệu năm triệu triệu năm rồi

    Nước mắt người vẫn nóng

    Tôi nghĩ thương mình còn mỏng lét làn da

    Hay

    Mẹ ơi!

    Trái tim con ngựa thảo nguyên

    Xem những đỉnh núi vuông chọc trời không cao hơn ngọn cỏ

    Đêm ngày khô khát tình yêu…

    Thơ của chàng cư sĩ Phan Đạo mang bửu bối Tín Hạnh Nguyện là ánh sáng vô lượng hòa trong đại nguyện của Đức Phật A Di Đà:

    Trưa

    Ngồi

    Ngẫm tiếng ve than

    Chợt thương thân phận

    Bầy đàn chữ câu

    Khuya

    Nằm

    Lắng tiếng kinh cầu

    Lại thương thân phận

    Giòi sâu đại đồng

    Nam mô

    Đại giác Thế Tôn…

    A Di Đà Phật vô ngôn niệm hùng.

    Và thơ như hơi thở, như máu, như nước mắt rung theo nhịp đập của con tim để nỗi khát khao tình yêu, khao khát thịt da, vỗ về sự cô độc của những bước chân đêm:

    Mỗi câu thơ

    Là một lần nén ngược

    Vào hốc tim mình

    Muôn giọt máu đen…

    Vẫn

    Miệt mài đi

    Rất âm trầm

    Trăng đã ngủ

    Phận sương…

    Khi mọi người đang yên giấc, đang chiêm bao, đang mộng tưởng,… thì người thơ lại mất ngủ như một căn bệnh trầm kha:

    Hắn nhớ câu thơ của bạn hiền thiên cổ

    Sinh năm 19 sáu lăm

    “Thiên thu buồn ta uống đến tàn canh”

    Rồi đốt thuốc khánh hội

    Trông khói vùng vằng nói

    Ngủ đi

    Ngủ đi

    Ngủ đi

    “Vì mai mốt đường dài”

    Để ngày lại ngày, đêm ngắm nhìn đêm trong tuồng ảo hóa của ngữ ngôn, của ký hiệu, của âm thanh, của hình ảnh, của xúc chạm, của mùi hương, của cộng nghiệp từ thuở hồng hoang tràn về… trong cơn hoảng loạn chữ nghĩa xô đẩy cuộc sống rơi vào trong bi lụy danh từ, trong vong thân động từ, trong giả trá tính từ, trong tận cùng trạng từ, trong vô vọng của ngôi lời… đã đẩy đưa người thơ rơi vào mandala dục vọng, để diện kiến tổ tiên dòng tộc trong chuỗi gen của gã đàn ông nếm trải trái cấm, phạm giới nên đánh mất phẩm hạnh của một tu sĩ, để quên mất thiên tánh rỗng không mầu nhiệm rồi trôi lăn vào vực thẳm tham luyến của kiếp người.

    Ơi người tình tiền kiếp của gã thầy tu bất chính

    Như khuôn mặt mình uế tạp

    Trên đống phân tâm tưởng phận người

    Phải chăng từ độ này, người thơ đã dừng bút để thở, để xưng tụng, để nguyện cầu, để trì chú, để chánh niệm tỉnh giác, để niệm hồng danh,… và cuối cùng để nở đóa hoa vô tính giữa trần gian ngập tràn ánh trăng tịnh độ… hầu mong trở về chốn quê xưa vốn vô ngôn vắng lặng.

    Hoa gì như hoa chối từ

    Thoang thoảng mùi hương không một

    Hồi chuông lòng gióng giả

    Lại ngồi

    Trăng tự do cứ một màu do tự

    Óng ánh trong tách trà riêng một

    Và vị mùi

    Tự sát phút giây xưa

    Trong tập thơ Độc thoại của một người mất ngủ, tác giả đã dụng công trong việc sử dụng ngôn từ khác lạ đối với thế giới thơ để đưa vào thi ca qua sự thấu cảm của riêng mình. Các cụm từ như: đồng bóng giáo điều, cưỡng hiếp tự do, lề buồn vui, ruộng lòng, gió giựt hụi, nội soi, chữ bị viêm xoang, chữ bôi vôi, khách sạn cuộc đời, ả búp bê, chàng rô bốt, tâm thần phân liệt, an pha, ô mê ga, căn gác đang là, sợi lượng tử ngày mai, tiếng nước khới mạn thuyền, siêu thị thầy cô, đời sống số, người số hóa, nhập khẩu, hải quan, lập trình, lượng tử, mã hóa, zero, eke, compa, ADN, lăng xê quảng cáo, xa lộ thông tin, DTH, xe tốc hành, vệ tinh, liên hiệp quốc, giao thông, đường bộ, đường thủy, hàng không, lũy thừa, hộ tịch, tế bào, mẫu giáo, quy hoạch,…

    Khi tôi viết những dòng trên, thì Độc thoại của một người mất ngủ gồm những bài thơ rời và trường ca Độc thoại cuối sông của tác giả Phan Đạo đã là một quá khứ đã lùi vào âm bản, và hiện tại như bước chân của kẻ hành khất cùng sự luân chuyển mầu nhiệm của lục tự minh rỗng hóa khu rừng duy lý, mảnh vườn kinh nghiệm và giấc mơ đối đãi…

    L.H.L.

  • Một góc hoài niệm Vũ Thư Hiên xa xứ – truyện dài nhiều tập

    Mai Quỳnh giới thiệu

    Từ một khổ thơ tứ tuyệt, tôi đi tìm

    Khổ thơ thứ 5 trong bài 15 khổ thơ tứ tuyệt liền mạch “Viết cho người trở lại cố hương[1] của nhà thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên) nhân thượng thượng thọ nhà văn Vũ Thư Hiên (18/10/2024). Bài thơ đượm hương vị cổ phong ấy như một ngã rẽ trên con đường thơ hậu hiện đại, trừu tượng, siêu thực của nhà thơ họ Đặng xứ Thái. Thơ viết về một tên tuổi hiện hữu đã trải qua “mấy chục năm xứ người phiêu bạt, mắt mờ, gối mỏi”. Thật bất ngờ, ngã rẽ ngòi bút ấy đã trình làng một bài thơ vần điệu mượt mà, ý tứ cô đọng. Mười lăm khổ thơ tứ tuyệt cách tân chất chứa bao nỗi niềm cay đắng, buồn vui một đời người. Và những hoài niệm không quên một ai của con người xa xứ ấy: tứ thân phụ mẫu, khói cuộn hiển linh; hiền thê vàng đá lặng thầm; con gái liễu yếu đào tơ; ân nhân nơi lao tù ngục thất. Và, bạn bè thiếu thời từ thủa:

    Bao bạn bè thiếu thời từ thủa

    Phiêu du miền mây trắng nẻo xa

    Thắt ruột đau phút giây từ biệt

    Sầu dâng, sương lạnh, dặm quan hà.

    Khổ thơ tứ tuyệt thứ 5 này dẫn dụ tôi đi tìm những đoản khúc văn chương Nhà văn họ Vũ viết về bạn bè.

    Tôi đã gặp

    Hơn ba mươi bài khắc họa “chân dung bạn bè và những người đồng thời, đồng cảnh ngộ được viết với một bút pháp không thể nào có thể thực hơn nữa, và vì thế nó đầy sức ám ảnh và gợi mở để người đọc nhận lấy ký ức của một thời chưa qua” (Nguyễn Thành Phong – Nhà văn Vũ Thư Hiên ở Việt phủ Thành Chương).[2]

    Tôi đọc nhiều lần, mỗi lần lại nhận chân thêm cái hay cái đẹp những trang văn ấy. Nhưng không chỉ có giá trị từng bài riêng lẻ, trong tôi hiện lên hẳn một truyện dài nhiều tập gắn kết với nhau khi nén, khi buông bằng sợi dây liên tài tinh tế. Thật sự là một truyện dài nhiều tập, tôi đặt tên “Một góc hoài niệm Vũ Thư Hiên xa xứ”[3]. Tôi sắp xếp thành các tập: Bạn vong niên, Bạn tâm giao, Bạn cùng thời, Chính khách và Tướng lĩnh, Bạn văn hải ngoại, Bạn đồng cảnh ngộ…

    Hữu duyên chăng những dịp hạnh ngộ, Nhà văn gặp gỡ, kết bạn, trò chuyện tâm tình cùng những văn nghệ sĩ tài danh: Bạn vong niên Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Hồ Dzếnh, Thanh Châu, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Phạm Tăng, Tô Hải… Bạn tâm giao Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Trịnh Công Sơn; Bạn bè cùng trang lứa: Mạc Lân, Phù Thăng, Vũ Huy Cương, Hoàng Tiến, Nguyễn Chí Thiện; Những Tướng lĩnh, Nhà chính khách Trần Độ, Hoàng Thế Dũng, Lê Hồng Hà; Bạn văn hải ngoại Du Tử Lê, Như Phong Lê Văn Tiến, Bạn đồng cảnh ngộ Tuân Nguyễn, Đặng Phúc Lai, Huy Vân… Nhiều lắm…

    Tôi bỗng nhớ một danh ngôn nước Pháp: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người thế nào”. (On présumera que vous avez les mêmes valeurs que vos ami(e)s).

    Vâng, bạn bè của nhà văn họ Vũ là những trí thức không nằm trong tầng lớp quan phương, tầng lớp cung đình, nhưng là chùm sao sáng đôi khi bị che khuất trên bầu trời văn nghệ đầy bão dông đất nước ta gần thế kỷ qua. Những nhân cách sáng ngời, lao động nghệ thuật miệt mài trong muôn vàn khó khăn. Và để lại cho đời những tuyệt tác. Lúc này, những tên tuổi ấy đều đã “phiêu du miền mây trắng, nẻo xa” ; chỉ còn lại duy nhất một bạn văn tâm giao, một “viên ngọc quý báu giữa đời” – nhà văn Nguyên Ngọc, sinh năm 1932, hơn nhà văn Vũ Thư Hiên một tuổi.

    Cái nền của văn tài họ Vũ

    Số phận riêng rất đặc biệt, tài năng Trời phú, nhân cách sáng ngời, nền nếp gia phong vững chắc… đã làm nên những tác phẩm để đời “đứng cao hơn bi kịch của tác giả”[4]. Tập truyện dài Hoài niệm “đầy sức ám ảnh” này chỉ là một góc nhỏ.

    Tác giả đã sống gần một thế kỷ trong một xã hội chẳng mấy khi yên bình. Dấn thân vào những biến động long trời lở đất của quê hương từ năm 13 tuổi (1946 – đội viên tuyên truyền xung phong trong kháng chiến 9 năm); 16 tuổi vào bộ đội, 20 tuổi công tác điện ảnh, 22-25 tuổi du học, 26-34 tuổi biên tập viên điện ảnh, phóng viên báo chí, viết văn; 34 tuổi gặp nạn tù đày oan uổng suốt 9 năm… rồi trải qua đủ cung bậc kiếm sống khi Bắc khi Nam, bắt buộc lưu lạc xứ người gần ba thập kỷ cho đến năm 89 tuổi (2022) mới được trở về cố hương.

    Một cây “solo” thiếu niên trong đội tuyên truyền xung phong, một anh bộ đội lăn lộn khắp núi rừng Việt Bắc, cây viết văn trẻ sớm có tác phẩm được dư luận khen chê (Đêm mất ngủ), một dịch giả tác phẩm nước ngoài được công chúng mến mộ ngay từ đầu (Bông hồng vàng – Paustovsky); một người bạn tin cậy, phóng khoáng sinh ra trong gia đình song thân là trí thức yêu nước, xả thân cho lý tưởng cao đẹp và, đặc biệt quảng giao, hiếu khách. Những căn cớ đó cắt nghĩa cho mối giao tình tin cậy thật lòng của các vị cao niên, một vài vị Tướng lĩnh, Chính khách đáng kính dành cho Nhà văn (mà người hẹp hòi cho là sự chơi trèo); là quan hệ lâu dài bền vững với bạn bè đồng trang lứa, đồng cảnh ngộ. Chính đó là một phần máu thịt cuộc đời ông. Đó cũng là một phần trong “bao nhiêu vốn sống để viết văn hay” như bạn ông, nhà văn Nguyên Ngọc đã nói.[5]

    Áng văn chương đích thực

    Hơn ba chục tản văn khắc họa chân dung là những áng văn chương đích thực. Dù ngắn dài khác nhau, dù tổng thể hay chỉ một lát cắt, mỗi trang văn không phải là những trang báo khô khan. Nhà văn cùng những đối tượng miêu tả của mình hiện ra như những nhân vật sống động có cá tính riêng biệt không ai giống ai. Tác giả thu lượm, chắt lọc đưa lên trang giấy những chi tiết khung cảnh, con người in sâu vào trí nhớ bạn đọc. Làng quê Sơn Nam Hạ, đồi núi Trung du Kim Bôi, Ninh Bình, đêm lạnh giữa rừng Quảng Nạp, Thái Nguyên, phố phường Hà Nội qua các thời kỳ… Và, Maxkva, Paris, Barcelona… bạn đọc như đứng trước bức tranh khổ lớn trên đó hiện lên một Văn Cao bị “lưu đày suốt 30 năm” (chữ của Trần Mạnh Hảo) trong căn phòng lạnh, nhưng vẫn còn nguyên tấm lòng bao dung, độ lượng, công bằng trong nhận xét thời cuộc; một Đoàn Chuẩn khác xa người đàn anh. Đoàn Chuẩn đi kháng chiến rồi về thành; anh không bực bội gì với kháng chiến, người ta không quan tâm anh, anh không quan tâm họ. Anh đi kháng chiến như đi vào một cuộc viễn du thú vị, có vẻ chỉ là thế. Rồi anh trở về khi anh thấy đi đã đủ. Chẳng có chính trị chính em gì trong chuyện anh đi và về. Một Nguyễn Tuân ngoắt ngoéo đường văn, một Kim Lân “con mắt anh ta lạ, vừa lờ đờ vừa hoay hoáy. Lờ đờ là bề ngoài, là giả tảng, hoay hoáy mới là thật – anh ta nhìn thấy những cái mà chúng mình không thấy. Giỏi!” (lời Nguyễn Tuân). Hình ảnh “Ông Giê su khốn khổ ở phố Thuốc Bắc” (Họa sĩ Bùi Xuân Phái). Một Nguyễn Sáng “mặt bạc, tóc bơ phờ, quần áo lôi thôi, lốc thốc, ghếch bánh trước cái xe đạp Liên xô cà tàng réo gọi bạn “Đi Lâm đi!”. Một Hồ Dzếnh “lặng lẽ đến, lặng lẽ leo lên gác xép nhà bạn, rồi trầm ngâm nhấm nháp trà quạu, không nói không rằng”. Một Bùi Ngọc Tấn lận đận cả đời nhưng khi đứng trước đàn thiên nga trắng trên mặt hồ xanh mênh mông trên đất Áo lại yêu cầu bạn dừng xe, chạy xuống bẻ vụn mẩu bánh mỳ tung lên cho chúng đua nhau xô lại kiếm mồi…

    Không sao kể hết. Ở bất kỳ truyện nào ta cũng bắt gặp những trang viết tài tình ghim vào trí nhớ bạn đọc dáng người, lời thoại, khung cảnh đặc sắc; rồi trở đi trở lại nhiều lần đầy ám ảnh.

    Với những câu chuyện “thật như bịa”, bạn đọc không chỉ trăn trở với những câu chuyện đời thường của các bậc tài danh lừng lẫy, phát hiện một lớp nhà văn trẻ hăng hái đi tìm cái mới mà còn được nâng mình lên tiếp cận những tâm sự nghề nghiệp sâu kín, những triết lý thâm trầm về ngôn từ, về sáng tạo nghệ thuật. Những nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật có thể tìm được ở đây những tư liệu quý, sống động về đối tượng nghiên cứu của mình.

    Đến đây, xin mời bạn đọc cùng chúng tôi lần giở từng trang văn “Một góc hoài niệm Vũ Thư Hiên xa xứ”:

    Tập I: Bạn vong niên.

    1. Nguyễn Tuân – Ngoắt Nghéo Đường Văn

    2. Phở Cá.

    3. Nhớ Kim Lân.

    4. Trần Dần Vài Kỷ Niệm.

    5. Kỷ Niệm Hữu Loan.

    6. Hồ Dzếnh.

    7. Đường Về – Kỷ Niệm Với Văn Cao

    8. Một Bữa Rượu.

    9. Gặp Gỡ Ở Lưng Đèo.

    10. Lãng Tử Tô Hải.

    11. Tô Hải Đã Đi Xa.

    12. Phạm Tăng – Người Ở Trong Mây.

    13.Ông Giê Su Khốn Khổ Ở Phố Thuốc Bắc (Họa sĩ Bùi Xuân Phái).

    14. Nguyễn Sáng Trong Tôi.

    15.Phan Vũ – Paris Và Hà Nội.

    Tập II: Bạn tâm giao.

    16. Viên Ngọc Quý Báu Giữa Đời (Nguyên Ngọc)

    17. Nguyễn Khải – Vài Kỷ Niệm.

    18. Nhớ Tấn (Bùi Ngọc Tấn).

    19. Một Ngòi Bút Một Tấm Lòng.

    20. Một Nét Trịnh Công Sơn.

    Tập III: Bạn văn cùng thời.

    21. Ông Bát Sách – Mạc Lân.

    22. Phù Thăng – Một Bóng Ven Đời.

    23. Cương Ơi, Tạm Biệt.

    24. Nhớ Hoàng Tiến.

    25. Lại Nhớ Nguyễn Chí Thiện.

    Tập IV: Chính khách và Tướng lĩnh.

    26. Trần Độ – Người Của Sự Thật.

    27. Có Một Người Tên Hoàng Thế Dũng.

    28. Từ Bóng Tối Bước Ra Ánh Sáng (Lê Hồng Hà).

    Tập V: Bạn văn hải ngoại.

    29. Du Tử Lê – Một Cõi Cho Mình.

    30. Như Phong Lê Văn Tiến – Người Của Ước Mơ.

    Tập VI: Người đồng cảnh ngộ.

    31. Một Chuyện Tình (Nhà thơ Tuân Nguyễn).

    32. Một Mảnh Sao Băng (Nhà văn Đặng Phúc Lai).

    33. Bi Kịch Huy Vân – Vạ Vịt.

    Sài Gòn, ngày mưa trái mùa, tháng 12/2024


    [1] https://vanviet.info/tho/viet-cho-nguoi-tro-lai-co-huong/

    [2] https://vanviet.info/tren-facebook/nh-van-vu-thu-hin-o-viet-phu-thnh-chuong/

    [3] Xin vào đây để đọc: https://vanviet.info/tag/vu-thu-hien/

    [4] https://vanviet.info/tren-facebook/nh-van-vu-thu-hin-o-viet-phu-thnh-chuong/

    [5] https://www.dutule.com/author/post/596/1/vu-thu-hien

  • Vài nhận xét về hai bài thơ của Quách Tấn

    NP Phan

    Cách đây không lâu, tôi đọc được bài viết “Ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ mới” của hai tác giả Nguyễn Xuâ Diện và Trần Văn Toàn trên Tạp chí Hán Nôm số 3 (36) năm 1998, trang 46-53.

    Phải nói đây là một bài viết công phu, tuy chưa lý giải thấu đáo đến mọi khía cạnh của vần đề. Một số vấn đề cần có sự trao đổi thêm. Trước mắt, tôi xin có một vài nhận xét.

    Trong bài trên, các tác giả viết: “Hai bài Đá vọng phu và Đêm thu nghe quạ kêu của Quách Tấn dường như chỉ là dịch từ Hán sang Việt hai bài thơ Vọng phu thạch của Vương Kiến và Ô dạ đề của Lý Bạch”.

    E rằng nhận định này là không thỏa đáng.

    Lý Bạch (701-762), được xưng tụng là bậc “thi thánh” trong văn học cổ điển Trung Hoa và Vương Kiến (751- 835) cũng là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường đã để lại cho hậu thế những vần thơ bất hủ của thời Thịnh Đường.

    Bài thơ “Ô dạ đề” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch, viết theo lối cổ thể, là tiếng lòng thổn thức của cô gái Tần Xuyên trong chốn buồng thêu nhớ người ngoài ngàn dặm khi nghe tiếng kêu thê thiết của con quạ bay tìm chỗ ngủ, dễ khiến ta liên tưởng đến tâm trạng của người thiếu phụ trong chốn khuê phòng trong bài “Khuê oán” của “Thi thiên tử” Vương Xương Linh (698 – 756), người cùng thời với Lý Bạch.

    Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân

    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    Tản Đà dịch:

    Dừng thoi buồn bã nhớ ai

    Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa.

    Bài thơ “Vọng phu thạch” của Vương Kiến là một trong những bài thơ nổi tiếng, cũng được viết theo thể cổ phong. Bài thơ dạt dào cảm xúc, bật lên thành tiếng khóc não lòng, không biết là của người hay đá vẫn ngàn năm đợi chồng bên bến sông.

    Vọng phu xứ

    Giang du du

    Hóa vi thạch

    Bất hồi đầu

    Hải Đà dịch:

    Bên sông ngồi ngóng trông chồng

    Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son

    Hóa thân thành đá mỏi mòn

    Gió mưa vần vũ… đầu không ngoảnh về

    Còn hai bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” và “Đá vọng phu” là hai bài thơ của nhà thơ “cổ điển” nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam đương đại: Quách Tấn.

    Quách Tấn (1910-1992), người gốc Minh hương, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Yến Lan được mệnh danh là “Bàn thành tứ hữu”. Ông quê ở Bình Định nhưng sống, làm việc chủ yếu ở Khánh Hòa như quê hương thứ hai của ông, và ông mất tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông là tác giả của tác phẩm “Xứ trầm hương” nổi tiếng. Ông làm thơ, viết biên khảo, dịch thơ Đường… Thơ ông chỉ thuần nhất là thơ Đường luật, nổi tiếng nhất là các tập “Một tấm lòng” (1939), “Mùa cổ điển” (1941), “Đọng bóng chiều” (1965)…

    Giữa lúc phong trào thơ mới (1932-1945) rầm rộ, Quách Tấn chỉ làm thơ luật và đã dựng nên cả một mùa cổ điển trong vườn hoa đầy hương sắc của thời kỳ này. Ông chủ trương “bình cũ rượu mới”. Ngoài Tản Đà, ông là tác giả duy nhất đại diện cho phái “thơ cũ” có mặt trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân (1942). Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã trích đến 9 bài thơ luật của Quách Tấn, chủ yếu trong tập “Mùa cổ điển”, trong đó có bài “Đêm thu nghe quạ kêu” được tác giả phân tích khá sâu sắc trong phần bài viết [1].

    Bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Quách Tấn, được sáng tác vào năm 1939. Bài thơ tuy viết theo thể Đường luật, dùng nhiều điển cố nhưng ý tứ mới và dễ hiểu. Cả bài thơ là một mạch tràn đầy cảm xúc của tác giả.

    Vào năm 1963, trong một bài viết [2], Quách Tấn đã kể lại khá kỹ về “tiểu sử”, tức là quá trình sáng tác bài thơ. Theo tác giả, bài thơ được thai nghén từ năm 1927 lúc còn ở quê nhà Bình Định trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Mãi đến mười hai năm sau, vào năm 1939, trong lúc hồi tưởng về những kỷ niệm xưa ở quê nhà Bình Định tại ngôi nhà mình ở bên bờ đầm Xương Huân, Nha Trang, tác giả đã xúc cảm viết nên bài thơ “Đêm nghe quạ kêu”. Những hình ảnh trong bài thơ như xóm Ô Y hạng đan xen giữa thực và hư, hiện tại và quá khứ, hình ảnh bến Phong Kiều, sông Xích Bích là sự liên tưởng từ bến sông An Thái, con sông Côn nơi quê nhà, mang chút hơi thở của thế sự trong tâm trạng “thương kẻ nương song bạc”… Bài thơ được tác giả gửi đăng trên một tờ báo đương thời nhưng tác giả vẵn chưa cảm thấy hài lòng. Mãi đến hai năm sau (1941), khi chuẩn bị in tập “Mùa cổ điển”, trong một đêm trăng sáng, tác giả mới có cảm xúc để tiếp tục hoàn chỉnh bài thơ, như câu:

    Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng

    Được thay bằng:

    Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng

    Hoặc câu:

    Tình lan man gợi tứ lan man

    Được thay bằng:

    Tình hoang mang gợi tứ hoang mang

    Ngay cả tên bài thơ ban đầu “Đêm nghe quạ kêu” được Chế Lan Viên góp ý thêm vào chữ “thu” thành ra “Đêm thu nghe quạ kêu” nghe thơ và hay hơn hẳn.

    Ở đây cũng xin nói thêm, nhận xét của Hoài Thanh về việc dùng điển cố “Ô y hạng” sai trong bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn thì cũng nên xem lại. Quách Tấn đã từng học Hán văn từ nhỏ, là nhà thơ chuyên về Đường luật thì không lý gì lại không hiểu “Ô y hạng” nghĩa là “Xóm áo đen” của hai họ Vương, Tạ. Theo tôi, đây chỉ là sự liên tưởng của nhà thơ trong mạch cảm xúc mà thôi.

    So sánh hai bài thơ, một bài của Lý Bạch, một bài của Quách Tấn, tuy cùng một nhan đề, nhưng hai bài thơ khác nhau hoàn toàn, từ nội dung, hình thức thể hiện đến mạch cảm xúc của cả hai nhà thơ.

    Bên cạnh bài “Đêm thu nghe quạ kêu” thì bài “Đá vọng phu” tuy không hay bằng nhưng cũng là một trong những bài thơ tác giả rất thích và cũng thường được trích trong các tập thi tuyển.

    Trong nền thi ca cổ điển Phương Đông, hình ảnh đá vọng phu là một hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho tấm lòng chung thủy của người chinh phụ chờ chồng. Các nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam hay Trung Hoa đều có thơ về đề tài này như “Vọng phu sơn” của Lưu Vũ Tích, “Vọng phu thạch” của đại thi hào Nguyễn Du, “Núi vọng phu” của Hồ Dzếnh… Và thậm chí trong âm nhạc, nhạc sĩ Lê Thương cũng đã để lại cho chúng ta ba bài “Hòn vọng phu” bât hủ.

    Trên đất nước Việt Nam chiến tranh liên miên từ đời này sang đời khác có hai nơi có hình ảnh đá vọng phu gắn liền với những sự tích trong dân gian. Một là đá vọng phu ở Lạng Sơn được tả trong bài “Vọng phu thạch” của Nguyễn Du. Hai là đá vọng phu ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, quê hương của nhà thơ Quách Tấn. Bài thơ “Đá vọng phu” của Quách Tấn gắn liền với truyền thuyết và hình ảnh Đá vọng phu ở Bình Định. “Đá vọng phu” của Quách Tấn là một cặp hai bài thơ, gồm “bài chị” và “bài em”. Hai bài thơ tả cảnh chờ chồng của người thiếu phụ với tấm lòng chung thủy, sắt son. Mặc cho dâu bể đổi dời, mưa sa, gió cuốn, người thiếu phụ dù khô đôi dòng lệ, vẫn một lòng kiên trinh, ghi tạc lời thề, ôm con đứng đợi trong cảnh thảm sầu, bất chấp tất cả thời gian… “Bài chị” có đôi câu thực tả cảnh kết hợp tả tình thật hay, thật thần tình, từ dùng rất mới, đầy hình ảnh:

    Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,

    Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.

    Tôi đã đọc những bài thơ này của Quách Tấn từ rất lâu. Đây là những bài thơ rất hay, rất riêng của ông, so với những bài thơ của Lý Bạch, Vương Kiến là những bài thơ có nội dung, cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Không lẽ các tác giả chỉ căn cứ vào tên của các bài thơ mà kết luận rằng các bài thơ của Quách Tấn chỉ là những bài thơ dịch từ Hán sang Việt của các tác giả Trung Hoa thôi sao?

    Xin chép lại những bài thơ này để các bậc thức giả đọc lại và nhận xét.

    Ô dạ đề

    (Lý Bạch)

    Hoàng vân thành biên ô dục thê

    Qui phi á á chi thượng đề

    Cơ trung chức cẩm Tần Xuyên nữ

    Bích sa như yên cách song ngữ

    Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân

    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

     

    Quạ kêu đêm

    Mây vàng chiếc quạ bên thành

    Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu

    Tần Xuyên* cô gái buồng thêu**

    Song sa khói toả như khêu chuyện ngoài

    Dừng thoi buồn bã nhớ ai

    Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa.

    (Bản dịch của Tản Đà)

    * Câu này dùng nói về điển tích vợ Đậu Thao là nàng Tô Huệ dệt gấm hồi văn.

    ** Tần Xuyên: thuộc Trường An

     

    Quạ kêu đêm

    Quạ tìm chốn đậu bên thành bụi

    Bay về kêu quang quác khắp cành cây

    Cô gái Tần Xuyên đang dệt gấm

    Nghe tiếng ngoài song, qua rèm mây

    Ngừng thoi mong nhớ người muôn dặm

    Phòng không hiu quạnh lệ tuôn đây.

    (Nguyễn Xuân Diện dịch)

    Đêm thu nghe quạ kêu

    (Quách Tấn)

    Từ Ô Y hạng rủ rê sang

    Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng…

    Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng

    Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng

    Bồn chồn thương kẻ nương song bạc

    Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng

    Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi

    Tình hoang mang gợi tứ hoang mang…

    (Mùa cổ điển – 1941)

    Vọng phu thạch

    (Vương Kiến)

    Vọng phu xứ

    Giang du du

    Hóa vi thạch

    Bất hồi đầu

    Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ

    Hành nhân qui lai thạch ưng ngữ

     

    Đá Chờ chồng

    Bên sông ngồi ngóng trông chồng

    Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son

    Hóa thân thành đá mỏi mòn

    Gió mưa vần vũ… đầu không ngoảnh về

    Phải chăng nàng giữ lời thề

    Đến khi đá nói… lúc nghe chàng về !

    (Hải Đà phỏng dịch)

     

    Đá vọng phu

    (Quách Tấn)

    (Bài chị)

    Chồng đi biệt tích tự bao giờ,

    Đất đổi trời thay cũng cứ chờ.

    Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,

    Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.

    Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi,

    Nước vướng tình sâu chảy lững lờ.

    Dâu bể đã bao đời kiếp trải,

    Lòng son một tấm mãi trơ trơ.

     

    Đá vọng phu

    (Quách Tấn)

    (Bài em)

    Người đã không về tin cũng không,

    Đầu non dắt trẻ đứng trông chồng

    Nước mây quạnh vắng tròng khô lệ,

    Mưa nắng phôi pha má lợt hồng.

    Lời thệ vững ghi lòng sắt đá,

    Khối tình riêng nặng gánh non sông.

    Nỗi niềm ai biết ai không biết,

    Gương nguyệt nghìn thu rạng biển đông.

    (Một tấm lòng – 1932-1939)

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    [1] Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, H., 1998

    [2] Nguyễn Tấn Long – Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài gòn, 1968

    [3] http://www.thivien.net/

    [4] http://vi.wikipedia.org/

    [5] http://www.vuonghaida.com/VAN/VongPhuThach.htm

  • Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (50)

    Dung Nguyễn

    HỌA SĨ CỦA NÚI RỪNG

    (Viết về họa sĩ Đỗ Đức)

    Xưởng tranh của họa sĩ rộng khoảng hơn 30m2, đây cũng là nơi gia đình 5 người từng sinh sống. Bây giờ thành nơi làm việc, tiếp khách kiêm luôn xưởng vẽ của ông. Với hàng chục phác thảo lớn nhỏ, hầu như toàn về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số, thấy hình như lúc nào ông cũng làm việc. Cuộc sống miền rừng lấp ló trên những tranh vẽ dở dang, như đang muốn bước ra đời thường…

    Ngồi chiêm nghiệm của cuộc đời mình, ông nhẩn nha kể về công việc như người lần tràng hạt. Nào những khó khăn ban đầu vào đời vào nghề, những năm lạm phát giữa 1980, xoay xở để đưa cả gia đình vượt qua cái đói, cái thiếu thật gian nan… Câu chuyện như cuốn phim thời sự dài và buồn. Những ngày ấy, ông đã phải vẽ những đồ lưu niệm cho du khách, vẽ truyện tranh, vẽ biểu trưng, làm minh họa. Ông làm bất cứ việc gì dính đến nghề vẽ để có tiền cho cái gia đình nhỏ bé 5 miệng ăn. Ông là Đỗ Đức, một họa sĩ sinh ra trên đất Thái Nguyên, làm việc tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, thuộc Bộ Văn hóa…

    Người kể chuyện về đá

    Ông vừa hoàn thành cuộc triển lãm “Non nước biên thùy” kể chuyện về đá và núi với hơn 50 bức sơn dầu lựa ra trong trên 200 bức vẽ ông thực hiện trên 20 năm qua. Với ông tuổi tác không là giới hạn hay thước đo cho sự tìm tòi, sáng tạo. Mà nhìn vào thành quả, đó là tác phẩm làm ra thế nào. Chuyện trò với ông, tôi luôn cảm thấy một nguồn năng lượng dồi dào và sức sáng tạo luôn có hướng mở ra. Ông tranh thủ viết những khi có thể. Viết tạp văn về những vấn đề xã hội nóng hổi, nghiên cứu những giá trị văn hóa tộc người để bổ sung cho việc vẽ tranh. Ông vẽ cẩn trọng qua từng đường nét. Thói quen đọc sách những năm ngồi trên ghế nhà trường đã cho ông nhiều kiến thức để hoàn thiện tốt những công việc hiện ông đang theo đuổi. Những chiêm nghiệm ấy giúp ông có cái nhìn mới lạ nhưng vô cùng gần gũi khi thể hiện trên tranh vẽ.

    Ông bảo đời tôi thành đạt do vẽ, nhưng sách mới chính là người mở đường đưa tôi đi đến chỗ định vị nghề nghiệp.

    Trong một lần đến xem tranh, cố họa sĩ Anh Thường, một bậc huynh trưởng trong nghề rất ngạc nhiên nói với ông: “Các tác phẩm của cậu đã vượt qua giới hạn tranh phong cảnh. Đã trở thành gương mặt đất nước… Bởi nhìn tranh người ta muốn bước vào trong đó du ngoạn khám phá, thấy làng bản và hơi thở cuộc sống của con người”. Đó là lời khen tặng có sức khích lệ rất lớn trong những sáng tác tiếp theo của ông.

    Trong sự nghiệp cầm bút, Đỗ Đức tập trung vẽ khá nhiều về núi và đá. Những nương đá ngút ngàn, những khối đá sắc lạnh, những dải đá mòn mỏi theo thời gian hay những hủm đất được đá bao quanh nhú lên vài chồi ngô non. Những bóng người thấp thoáng, bóng ngựa chập chờn giữa thiên nhiên khoáng đạt… đều mang một triết lý sống, một kiếp người. Để hiểu và thể hiện những triết lý nhân sinh trong tác phẩm của mình, ông đã phải cả đời lăn lóc gắn bó ở các vùng núi phía Bắc mới nhận dần ra những giá trị nằm sâu trong rừng đá và núi rừng trùng điệp…

    Ông tâm sự: “…Ngoài vẽ, tôi còn là người viết văn viết báo, cũng đã gần 30 năm rồi. Góc quan sát của một người làm báo với con mắt nghiên cứu, giúp tôi khi vẽ thấy được chiều sâu của sự vật, hiện tượng. Đó là sự gắn kết lịch sử, văn hóa giữa con người với thiên nhiên, núi rừng. Tôi thấy giữa rừng xanh, người dân nhận được sự chia sẻ từ sông nước, cỏ cây, núi và đá mật thiết với nhau như thế nào.

    Chẳng hạn, tác phẩm “Huyền thoại Khau Vai”, tôi mất gần 3 năm để tìm ý tưởng thể hiện. Tôi thấy, những gì mọi người vẫn vẽ về chợ tình Khau Vai chưa thể hiện đúng tinh thần nơi đây. Khau Vai là những hoài niệm, ký ức của những người già, những người đã bước qua phía bên kia của cuộc đời. Đến khi tôi gặp hình ảnh của một bãi đá lô xô như hình ảnh của những con người hóa thạch, tôi đã nảy ra ý tưởng và hoàn thành bức tranh rất nhanh. Tôi nghĩ Phiên chợ Khau Vai là chuyện về những mối tình hóa đá. Nghệ thuật luôn là sự phát hiện qua xúc cảm của trái tim cộng với tri thức tồn chứa trong người, khi đủ nó sẽ tự bung ra…”

    Đỗ Đức bàn về kinh tế mềm mỏng, cuốn hút. Ông cũng không ngại ôn lại chuyện mình vượt qua những lúc chật vật nhất bằng chính đôi bàn tay cầm bút và cái đầu bướng bỉnh. Nhưng nhìn tranh ngẫm về người, chẳng khó để thấy rằng, cách ông tìm tòi và tận dụng cơ hội từ khó khăn hệt cách ông tinh tế ngắm những thân ngô mỏng manh trổ mầm từ núi đá khắc nghiệt. Hay như cách ông từng viết trong cuốn sách của mình rằng: “Cuộc sống dạy tôi rằng nghèo đói không đáng sợ. Cái đáng sợ là sống thiếu ước mơ và khát vọng. Đầy đủ mà không có ý chí và khát vọng thì cũng chẳng làm được gì…”.

    Trả ơn mảnh đất nuôi tâm hồn nghệ thuật

    Nhắc đến ông, người ta không chỉ nhớ về những tranh ông vẽ, những tạp bút văn chương đậm triết lý nhân sinh. Ông còn là một người sẵn sàng dấn thân trong các hoạt động xã hội. Suốt 11 năm đồng hành cùng Quỹ xây trường học “Vì tương lai trẻ em vùng cao” và bây giờ là “Hoa của đá” ông và các thành viên trong nhóm tự mình trang trải tài chính cho các chuyến đi khảo sát, khánh thành, rong ruổi rừng sâu núi xa khắp các làng bản, đèo dốc để tìm nơi khó khăn nhất làm lớp học cho thế hệ mầm non của Núi.

    Triển lãm “Non nước biên thùy”, ông tặng cho dự án làm lớp học thứ 19 cho Đồng Văn Hà Giang tác phẩm sơn dầu “Trên nương” (sáng tác năm 2017, kích thước 60x80cm). Ngày 14/9/2024 tranh đấu giá thành công, thu được 4000 đô la Mĩ cho quỹ, tương đương với một trăm triệu đồng. May mắn những người tham dự đấu giá đã góp thêm được trên 50 triệu đồng nữa. Tổng cộng 150 triệu đủ để dựng một lớp học.

    Ông phát biểu: “Đây là việc nghĩa cử hơn là mua bán. Lựa chọn một bức tranh ý nghĩa để đấu giá, tôi mong đây là kỷ niệm đẹp cho người sưu tập và là niềm vinh dự cho bản thân”. Vậy là sắp tới tại một bản xa xôi trên cao nguyên đá Đồng Văn lại có thêm một ngôi trường mới khang trang để các cháu mầm non yên tâm học tập.

    Về 11 năm nhóm từ thiện mà ông là thành viên, ông cho biết, Quỹ đã vận động được nhiều cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm ủng hộ tiền cho mỗi điểm trường. Sau 11 năm, nhóm đã làm được 18 điểm trường thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh với 41 lớp học với trang bị đầy đủ học cụ. Có điểm còn thêm phòng lưu trú giáo viên cắm bản. Tính đến nay đã có hơn trên 3.500 lượt trẻ em đã được học tại bản. Lứa đầu tiên ở Vần Chải đã có 7 em sắp vào lớp 10… Một thành quả rất đáng hãnh diện của nhóm.

    18/9/2024

  • Giá áo túi cơm

    Lê Học Lãnh Vân

    Hồi nhỏ lắm, còn tiểu học bảy tám tuổi, đêm nóng nực khó ngủ nằm lăn qua lăn lại nghe chị hàng xóm ngâm nga Truyện Kiều ru con…

    Phong trần mài một lưỡi gươm

    Những phường giá áo túi cơm sá gì

    Dù cảm được nghĩa “giá áo túi cơm” chỉ người rất tầm thường, vô tích sự, nhưng lại hiểu là người mặc áo rách (vá) xách túi ăn xin (cơm)! Sắp vào trung học mới hiểu giá áo túi cơm chỉ người không có giá trị trong xã hội, mặc quần áo thì có khác gì cái “giá” treo áo vào, ăn cơm thì khác gì cái “túi” bỏ cơm vô chứ không có đầu óc gì hết.

    Đêm nay trời lạnh khó ngủ, nhớ tiếng chị hàng xóm ru con hơn sáu mươi năm trước. Bây giờ, thấy các đại quan đứng trước tòa, nhất là các vị tham nhũng, ăn hối lộ, bị lôi ra tòa thì tác phong thật thảm hại, tác phong ấy ngược với hình ảnh thời mấy ổng “miệng nhà quan có gang có thép”, sự tương phản ấy minh họa rõ ràng hơn ý nghĩa thành ngữ “giá áo túi cơm”. Nghèo mặc quần áo rách, xách túi xin ăn, nhưng nghèo mà sạch chưa chắc là “giá áo túi cơm”, vì có thể chỉ do thiếu năng lực kiếm tiền hay thiếu may mắn chứ không gian tham. Trí thức tận tụy với cộng đồng, chẳng may bị thời cuộc xô vào trại cải tạo năm sáu năm, ra trại không có cháo mà ăn, trí thức đó người hiểu biết ai dám coi rẻ? Bởi vì họ chỉ “giá áo túi cơm” ở lớp sơn ngoài còn thân trong là gỗ quý. Kẻ nhờ quan hệ luồn lách mà ăn trên ngồi trước, vênh váo dạy dân đạo làm người, hống hách đe nẹt dân, hôm sau lòi ra đạo đức tha hóa, há mồm ăn bẩn của dân, khí tiết bệ rạc, kẻ ấy bề ngoài lòe loẹt mà thân trong là củi mục, “giá áo túi cơm” tới tận trong cốt tủy!

    Lại rất buồn, sao giá áo túi cơm quá nhiều trên chánh điện? Ngẫm mà coi, con số bị lôi ra tòa so với ở nước khác đã là quá khủng rồi, nhưng trong số chưa bị lôi ra, có bao nhiều phần trăm đáng bị?

    Lại ngẫm, trong Truyện Kiều, “những phường giá áo túi cơm” gồm có

    Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà

    Bên là Ưng Khuyển bên là Sở Khanh

    Tú Bà cùng Mã Giám Sinh

    Đó là những kẻ lưu manh, kiếm ăn không lương thiện, thuộc tầng lớp thấp của xã hội.

    Nếu đám người này trèo cao ngồi trên đầu nguyên khí quốc gia mấy chục năm trời thì người tài trong bộ máy làm sao hoạt động hữu hiệu? Thì dân chúng nào, quốc gia nào gánh nổi gánh nặng đó?

    Nhiều người ca tụng phong trào nhóm lò đốt củi. Nhóm được lò, đốt được củi đúng là thành quả vĩ đại, nó góp công lớn đả phá tệ ngu muội sùng bái quan chức nhà nước cao cấp vì có không ít củi từ hàng ngũ đó. Tuy nhiên người dân vẫn cảm nhận tốc độ củi mục được tạo ra nhanh hơn củi bị đưa vào lò nhiều lần. Cho nên tiếp theo thành quả lớn đốt lò cần có dự án lớn sửa sang cấu trúc thích hợp để phát triển đất nước, một trong những mục tiêu cột mốc hướng về là phải hạn chế tham nhũng tới mức chấp nhận được, tức phải làm sạch chánh điện và không để “giá áo túi cơm” bò vào nơi làm việc của nguyên khí. Việc tinh giản bộ máy là bước đi đúng đắn, được sự ủng hộ của rộng rãi dân chúng, đã bắt đầu được tiến hành ở bộ phận truyền hình. Mong rằng việc tinh giản được tiến hành đều khắp ở những nơi khác.

    Tham nhũng là ăn cắp tiền của dân. Đòi và ăn hối lộ là ăn cướp của dân. Dân là nạn nhân và kẻ thủ ác thuộc thành phần có quyền lực. Biết nhà chức trách có trách nhiệm trừ tham nhũng, nhưng thiển nghĩ nếu nạn nhân – dân chúng có vai trò thực sự thì công cuộc chống tham nhũng hiệu quả hơn rất nhiều. Cùng với tinh giản biên chế, nếu nạn nhân có vai trò thông qua các tổ chức dân sự đại diện cho họ và có thực quyền hoạt động, thông qua báo chí… thì hy vọng tỉ lệ tham nhũng trong nhà chức trách giảm nhiều và bền vững! Nên chăng đây là bước cần làm tiếp theo?

    Đường sá kẹt tới mức tắc ở các thành phố lớn là hậu quả của nghị định 168. Trong khi có người tính toán rằng thiệt hại như thế này có thể lên tới 5-7 tỉ đô la một năm, bài viết này lại nhìn sự việc như một bài học rất có lợi nếu thực tâm muốn tiến về “kỷ nguyên mới”. Đây là bài học tổng hợp. Về lập kế hoạch kín kẽ. Về quản lý dự án sát sao. Về nhân sự: tuyển, đào tạo và dùng người có năng lực, đạo đức. Về giá trị cốt lõi: tôn trọng dân, chỉnh đốn cấu trúc sao cho sự tôn trọng dân được thể hiện bằng việc dân có thực quyền, có thể bãi miễn người có trách nhiệm, có thể thực thi quyền làm chủ xã hội trên những quyết định chiến lược…

    Với những phát biểu về tầm nhìn và điểm nghẽn của quốc gia, ông Tô Lâm đang được sự đồng thuận từ nhiều người. Mong sao sắp tới việc triển khai thực những dự án cải tổ lớn làm nức lòng người dân hơn, đẩy mạnh hơn hy vọng của họ, loại bỏ khỏi hàng ngũ có trách nhiệm những kẻ “giá áo túi cơm”, mời gọi được nhiều nhân tài có lòng cùng góp sức…

    Ngày 18 tháng 1 năm 2025

  • Chữ nghĩa, vũ khí còn có thể ở trong bụng thì sách cũng có thể chứa trong bụng được chứ

    Phan Nam Sinh

    Trong một câu đối viết về cha tôi là nhà báo – nhà văn Phan Khôi, đăng trên Facebook ngày 16-1-2025, đúng 66 năm ngày cha tôi qua đời, tôi viết: Dẫu tự học, chỉ tự rèn cũng đầy bụng báng nhau trăm bộ sách; Lo dân sinh, vì dân chủ mà còng lưng thồ nặng chín triều vua. Trong đó, Đầy bụng báng nhau trăm bộ sách, Còng lưng thồ nặng chín triều vua là lấy từ hai câu luật Đường trong chùm thơ hai bài, tên là Bảy mươi tự thọ, ông viết năm 1957 mà vì sơ ý tôi đã không ghi xuất xứ như một hai lần đăng báo trước.

    Vài giờ sau, nhà nghiên cứu – phê bình Lại Nguyên Ân bình luận dưới bài của tôi: Thiết nghĩ, trăm bộ sách là ở trong đầu, không ở trong bụng! Chúng không báng nhau mà bổ sung cho nhau thành kiến thức, vốn tri thức của con người Phan Khôi.

    Tôi tuy chẳng đọc nhiều bằng ai, chứ cũng biết rằng lúc sinh thời Cao Bá Quát (1809-1855) từng nói: Chữ trong thiên hạ nhét vào bốn bồ. Mình Quát chiếm hai bồ. Anh của Quát là Bá Đạt và bạn của Quát là Văn Siêu chung nhau một bồ. Bồ còn lại chia cho khắp kẻ sĩ.

    (https://vusta.vn/mot-so-giai-thoai-ve-cao-ba-quat-p68850.html).

    Đọc bài hát nói có tên là Kẻ sĩ của Công Trứ (1778-1858) còn thấy thêm câu Kinh luân khởi tâm thượng; binh giáp tàng hung trung (經 綸 起 心 上; 兵 甲 藏 胸 中) nghĩa là việc trị nước có ở trong lòng; vũ khí giấu ở trong bụng.

    Sau Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ hơn 150 năm, tôi còn đọc được một bài có đầu đề là Cái bụng chứa… tinh thần đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 26-1-2010 của Giáo sư – Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân, trong đấy Giáo sư viết rằng Những người lắm chữ nghĩa được coi là đầy một bụng sách!

    (https://tuoitre.vn/cai-bung-chua-tinh-than-360580.htm).

    Vậy nên tôi tưởng, Cao Bá Quát nói nhét chữ vào bồ được; Nguyễn Công Trứ nói từ việc trị nước cho tới binh lính, áo giáp đều có thể giấu trong lòng, trong bụng được; Giáo sư – Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân thừa nhận những người lắm chữ nghĩa được coi là đầy một bụng sách thì Phan Khôi không thích nhét chữ vào trong đầu như ông Lại Nguyên Ân đòi hỏi mà thích nhét chữ vào bụng đầy bụng báng nhau trăm bộ sách thì cũng được chứ sao lại không?

    Còn như sách không báng nhau mà bổ sung cho nhau thành kiến thức, vốn tri thức của con người Phan Khôi như nhà nghiên cứu – phê bình Lại Nguyên Ân nói thì sao?

    Bổ sung cho nhau thành kiến thức, vốn tri thức của con người Phan Khôi. Đồng ý! Vì rằng, sách không báng nhau hay có báng nhau, với một người đọc có sở kiến như Phan Khôi, đủ trình độ tiếp nhận những điều hay, bài trừ những điều dở thì đều có ích cả. Còn nói như nhà phê binh là những sách đó không báng nhau và cũng không báng nhau trong đầu hay trong bụng Phan Khôi thì tôi… không chịu! Tôi cho là vẫn có… báng nhau!

    Chỉ một thứ Nho giáo là Khổng giáo với Tống nho mà đã báng nhau ầm ầm, ào ào đó thôi, ai mà chẳng biết, người nào mà chẳng thấy? Phan Khôi lại là người chịu đọc và đọc nhiều: Ta có, Tàu có, Tây có; văn chương có, triết học có; tư bản có, phong kiến có, cộng sản có; mỗi sách, mỗi người nói mỗi khác, thì sao lại không báng nhau trong đầu, trong bụng Phan Khôi được nhỉ?

    Chỉ mỗi cái chuyện nhỏ nhặt tôi đang nói đây: sách có chứa được trong bụng không, chúng chỉ bổ sung cho nhau hay còn báng nhau mà ông Ân nói theo đằng ông Ân, tôi nói theo đằng tôi, như nước với lửa, nào có khác gì mấy ông trâu chọi nhau trong hội chọi trâu Đồ Sơn đâu! Vậy thì lẽ nào hàng trăm bộ sách, đủ cả đông, tây, kim, cổ cùng chứa trong bụng một con người mà lại bảo rằng nó không báng nhau trong đầu, trong bụng Phan Khôi? Phan Khôi cũng chỉ là người như bao người khác, chứ có phải là thần là thánh, là tiên là phật, ở lên trên tất thảy mà bỏ qua mọi chuyện được? Vì thế, cái câu mà Phan Khôi viết đầy bụng báng nhau trăm bộ sách trong Bảy mươi tự thọ chẳng phải là rất có lý hay sao?

    Thế nên, tôi cho rằng Phan Khôi chả có gì sai cả! Tôi là con Phan Khôi, trình độ tuy còn non yếu nhưng chỉ là người chép lại lời cha, lẽ nào tôi lại sai?

    17-1-2025

  • Bầy diệc ở Hoàng Sa – Bất tri vong quốc hận

    BẦY DIỆC Ở HOÀNG SA[1]

    Ngô Mai Phong

    Họ đứng như bầy diệc

    Bị chôn chân giữa dải đá ngầm

    Bốn mặt sóng đen rầm chiến hạm

    Những con diệc không thể bay

    Không có chỗ ẩn nấp

    Những con diệc lặng băng như ngọn cờ tuẫn tiết

    Buổi sáng ấy chỉ mẹ tôi nhìn thấy

    Có đàn chim đẫm máu về trời

    Hai mươi năm Hoàng Sa thành Tây Sa

    Hà Nội chiều nay thanh bình thế

    Triệu Vi hát trên truyền hình

    “Thu thủy vô ngân * –

    Nước mùa thu không vết dấu”

    Ghi chú: * Lời một bài hát trong phim “Kinh hoa yên vân” do Triệu Vi – diễn viên và ca sĩ nổi tiếng của Trung Quốc thể hiện.

    “BẤT TRI VONG QUỐC HẬN”

    Hoàng Dũng

    Hà Nội chiều nay thanh bình” như xưa quân Tuỳ Văn Đế đánh vào tới kinh đô, mà vua quan không ai biết nước đang mất. Trần Hậu Chủ vẫn còn say tuý luý với mỹ nhân và quần thần trên lầu Ỷ Kết, vẫn ca hát, đắm đuối với khúc “Hậu đình hoa” tình tứ. Đỗ Mục cảm thán trong bài “Bạc Tần Hoài”:

    Thương nữ bất tri vong quốc hận, / Cách giang do xướng Hậu đình hoa

    Các chiến sĩ ngã xuống dưới làn đạn giặc xâm lược, mà chẳng ai hay, trừ người mẹ: “Buổi sáng ấy, chỉ mẹ tôi nhìn thấy / Có đàn chim đẫm máu về trời”. Xưa tiếng hát “bất tri vong quốc hận” cất lên từ con dân của nước bị chiếm đóng đã nhói tim thì nay, qua lời bài hát trong phim “Kinh hoa yên vân”, một ý nghĩ xót xa làm buốt óc: sự hy sinh của các chiến sĩ chỉ là “thu thủy vô ngân”, không để lại vết dấu gì trong nước thu; còn đau đớn hơn lời thơ Đỗ Mục vì đó là bài hát trong bộ phim Trung Quốc, do diễn viên và ca sĩ của Trung Quốc trình bày, tức của bọn xâm lược, véo von ngay trên đài truyền hình Việt Nam. “Hai mươi năm Hoàng Sa thành Tây Sa” – Đã xong rồi ư?!


    [1] Nguồn: FB Võ Mai Nhung

  • Bối cảnh bản đồ học Châu Âu Thời đại Khám phá

    Nguyễn Man Nhiên

    Thời Phục hưng (Renaissance) và Thời đại Khám phá (Age of Discovery) ở Châu Âu có phần trùng lặp về thời gian. Thời Phục hưng (khoảng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII) là thời kỳ phục hưng văn hóa, nghệ thuật, khoa học, và tư tưởng cổ điển Hy Lạp – La Mã. Tư tưởng nhân văn được đề cao, dẫn đến sự phát triển vượt bậc trong nghệ thuật (Leonardo da Vinci, Michelangelo), khoa học (Galileo, Copernicus) và triết học. Thời đại Khám phá (khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII) là thời kỳ các quốc gia Châu Âu (đặc biệt là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) thực hiện những cuộc thám hiểm trên biển để tìm kiếm các con đường thương mại mới, dẫn đến việc khám phá các lục địa mới. Những nhà thám hiểm nổi tiếng gồm Christopher Columbus, Vasco da Gama, Ferdinand Magellan. Cả hai thời kỳ đều bắt đầu vào thế kỷ XV và kéo dài đến thế kỷ XVII, tuy có những điểm giao thoa về bối cảnh lịch sử và tư tưởng, nhưng mỗi thời kỳ lại tập trung vào những khía cạnh khác nhau. Thời Phục hưng tập trung vào văn hóa, nghệ thuật và khoa học, trong khi Thời đại Khám phá tập trung vào mở rộng địa lý và thương mại. Thành tựu khoa học của Thời Phục hưng (như bản đồ học, toán học) đã hỗ trợ các cuộc thám hiểm. Các phát hiện từ Thời đại Khám phá (như việc tìm ra Châu Mỹ, các tuyến đường biển mới) đã ảnh hưởng đến tư duy và văn hóa của thời Phục hưng.

    Thế kỷ XV là buổi bình minh của thời kỳ Phục Hưng, một giai đoạn đổi mới trong nghệ thuật, văn hóa và khoa học, nhấn mạnh vào việc tái khám phá kiến thức cổ xưa và lòng nhiệt thành học hỏi. Sự hồi sinh về trí tuệ này đã thúc đẩy mối quan tâm đến địa lý học và bản đồ học.

    Thế kỷ XV đánh dấu một giai đoạn then chốt trong lịch sử bản đồ học phương Tây, đặc trưng bởi những tiến bộ và thay đổi đáng kể do sự hội tụ của các yếu tố chính trị, văn hóa, công nghệ và khám phá, khi hoạt động thám hiểm của Châu Âu mở rộng ra ngoài các khu vực quen thuộc, được thúc đẩy bởi tham vọng tìm kiếm các tuyến đường thương mại, tài nguyên và vùng đất mới ngoài Ấn Độ Dương. Những tiến bộ trong lĩnh vực hàng hải, kết hợp với động lực kinh tế và tôn giáo, đã dẫn đến những phát triển đáng kể trong việc lập bản đồ.

    Bối cảnh bản đồ học của Thời đại Khám Phá được xác định bởi sự hội tụ của kiến thức địa lý thời Trung Cổ với những dữ liệu mới thu được từ quá trình thám hiểm. Người Châu Âu tìm kiếm các tuyến đường thương mại mới, sự giàu có tri thức và nhu cầu về gia vị và vàng. Giai đoạn này dẫn đến việc lập bản đồ các vùng đất mới, trao đổi hàng hóa và văn hóa, cùng những thay đổi địa chính trị quan trọng. Sau mỗi chuyến đi, bản đồ Châu Âu tiến gần hơn đến việc mô tả một thế giới hoàn chỉnh, kết nối với nhau. Những tiến bộ này không chỉ thay đổi khoa học bản đồ mà còn thay đổi cả quan điểm của người Châu Âu, mở ra con đường đến thời đại định hướng toàn cầu và mở rộng thuộc điạ.

    1. Kiến thức cổ điển được tái khám phá:

    1.1 Bản đồ thế giới thời Trung Cổ và những hạn chế:

    – Ảnh hưởng của Ptolemy: Trước thế kỷ XV, bản đồ Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của nhà bác học Hy Lạp cổ đại Ptolemy (khoảng năm 100-178), với tác phẩm Geographia (Địa lý học), giới thiệu khái niệm vĩ độ và kinh độ để lập bản đồ vị trí trên bề mặt Trái đất, cung cấp một khuôn khổ toán học để biểu diễn Trái Đất dưới dạng hình cầu và chiếu nó lên một bề mặt phẳng. Kiến thức này được lưu giữ thông qua các học giả Hồi giáo và được tái phát hiện và giới thiệu trở lại Châu Âu trong thời kỳ Phục Hưng, làm dấy lên sự quan tâm mới về địa lý và bản đồ học.

    Bản đồ và phương pháp luận của Ptolemy, bao gồm các phép chiếu, các đường vĩ độ và kinh độ, đã hình thành nên nền tảng của bản đồ học Châu Âu, ảnh hưởng sâu sắc đến bản đồ học đương đại. Tuy nhiên bản đồ của Ptolemy chủ yếu tập trung vào Địa Trung Hải, Châu Âu và một số vùng của Châu Á, thiếu thông tin chi tiết về Châu Phi cận Sahara và Châu Mỹ.

    1.2 Mappa Mundi: Thuật ngữ tiếng Latinh dùng để chỉ các bản đồ thế giới được tạo ra trong thời kỳ Trung Cổ, như bản đồ có hình dạng “T-O” (trong đó chữ “T” tượng trưng cho ba châu lục (Âu, Á, Phi) được chia cắt bởi các biển lớn như Địa Trung Hải, sông Nile và biển Đỏ; hình tròn chữ “O” bao quanh, biểu thị đại dương bao bọc toàn bộ thế giới).

    Các Mappa Mundi thường mang tính biểu tượng, mô tả thế giới trong khuôn khổ thần học thay vì chi tiết địa lý chính xác. Những bản đồ này chia thế giới thành ba châu lục: Châu Âu, Châu Á và Châu Phi – với Jerusalem là trung tâm và cho thấy nhận thức hạn chế về các vùng đất bên ngoài Ấn Độ Dương.

    Mappa Mundi không chỉ là một công cụ bản đồ mà còn là một biểu tượng văn hóa, thể hiện cái nhìn của con người thời Trung Cổ về thế giới và vũ trụ.

    2. Vai trò của kiến thức Hồi giáo và Châu Á:

    2.1 Thương mại và chuyển giao kiến thức – Ảnh hưởng của bản đồ Hồi giáo:

    Các học giả Hồi giáo đã có những đóng góp đáng kể cho bản đồ học trong thời kỳ Trung cổ, dựa trên kiến thức của Hy Lạp và La Mã, phát triển các kỹ thuật toán học và thiên văn tiên tiến để xác định vị trí và khoảng cách, tạo ra các bản đồ chi tiết về thế giới đã biết, kết hợp thông tin từ khách du lịch và thương gia.

    Kiến thức bản đồ Hồi giáo được truyền đến Châu Âu thông qua thương mại và trao đổi văn hóa. Tập bản đồ thế giới thế kỷ XII của học giả Hồi giáo Muhammad al-Idrisi (1100-1165), kết hợp kiến thức từ các thương gia và nhà thám hiểm Ả Rập, cung cấp cho người Châu Âu kiến thức địa lý chi tiết hơn, đặc biệt là về Châu Phi và Châu Á, giúp điều hướng tốt hơn ngoài Địa Trung Hải. Các nhà vẽ bản đồ Hồi giáo, đặc biệt là những người đến từ Trung Đông và Bắc Phi, đã tạo ra các bản đồ chính xác hơn về Ấn Độ Dương và các khu vực xung quanh, điều này đã ảnh hưởng đến các nhà thám hiểm Châu Âu.

    2.2 Con đường Tơ lụa và hàng hải Trung Quốc: Các tuyến đường thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức địa lý giữa Châu Âu, Trung Đông và Châu Á. Các cuộc thám hiểm của Trung Quốc vào đầu thế kỷ XV, đặc biệt là dưới thời Đô đốc Trịnh Hòa (1371-1433), đã lập bản đồ các khu vực rộng lớn trên khắp Ấn Độ Dương. Mặc dù bản đồ của Trung Quốc không trực tiếp đến được Châu Âu, nhưng những chuyến thám hiểm này đã truyền cảm hứng cho sự hiểu biết về quy mô và địa lý của các khu vực xa xôi.

    3. Ảnh hưởng về thể chế và chính trị:

    3.1 Khám phá của Bồ Đào Nha và những tiến bộ về bản đồ: Trong thế kỷ XV và XVI, Bồ Đào Nha nổi lên như một lực lượng dẫn đầu trong lĩnh vực thám hiểm hàng hải. Vị trí chiến lược của quốc gia này, kết hợp với những tiến bộ trong đóng tàu và kỹ thuật hàng hải, đã cho phép các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha tiến vào những vùng biển chưa từng được biết đến. Giai đoạn này, được gọi là Thời đại Khám phá và Thám hiểm (The Age of Discovery and Exploration), chứng kiến những nhân vật vĩ đại như Bartolomeu Dias, Vasco da Gama và Ferdinand Magellan thực hiện những chuyến đi đột phá mở rộng thế giới. Bartolomeu Dias là người Châu Âu đầu tiên đi vòng qua mũi cực nam của Châu Phi, Mũi Hảo Vọng, vào năm 1488. Vasco da Gama là người Châu Âu đầu tiên đến Ấn Độ bằng đường biển, mở ra tuyến đường thương mại mới vào năm 1498. Ferdinand Magellan dẫn đầu cuộc thám hiểm đầu tiên vòng quanh thế giới (1519-1522), được Juan Sebastian Elcano tiếp tục hoàn thành sau khi Magellan qua đời. Chuyến hải trình của Magellan đã đi vào lịch sử như là chuyến đi đầu tiên bằng đường biển của con người từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương (có nghĩa “biển bình yên”, tên này được đặt bởi Magellan; nơi tiếp nối giữa hai đại dương được đặt là eo biển Magellan). Chuyến đi này cũng đánh dấu sự kiện con người lần đầu tiên thành công trong việc đi vòng quanh Trái đất, qua tất cả đường kinh tuyến của địa cầu.

    3.2 Ảnh hưởng của Hoàng tử Henry Nhà hàng hải:

    Bồ Đào Nha dẫn đầu các cuộc thám hiểm hàng hải của Châu Âu vào thế kỷ XV dưới sự bảo trợ của Hoàng tử Henry Nhà hàng hải (Henry the Navigator; 1394-1460), người khởi xướng chính của Thời đại Khám phá. Ông đã thành lập một trường đào tạo hàng hải tập trung vào việc nâng cao kiến thức về lập bản đồ, hải hành và đóng tàu, rất quan trọng để khám phá những vùng đất xa xôi hơn ngoài bờ biển quen thuộc của Châu Âu.

    Dưới thời Hoàng tử Henry Nhà hàng hải, Bồ Đào Nha nổi lên như một trung tâm đổi mới về hàng hải và bản đồ. Sự bảo trợ của ông đối với các nhà thám hiểm và nhà địa lý đã giúp tạo ra các bản đồ chính xác hơn về Châu Phi và Đại Tây Dương. Bản đồ học Bồ Đào Nha từng được xem là tiên tiến nhất ở Châu Âu với những công trình tiên phong của một số nhà họa đồ Bồ Đào Nha.

    3.3 Hải đồ (Portolan): Một sự phát triển quan trọng khác trong ngành bản đồ học Châu Âu thế kỷ XV là bản đồ Portolan. Được sử dụng rộng rãi từ cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII, những bản đồ hàng hải vẽ tay chính xác này, đặc trưng bởi các hoa hồng gió (wind roses) và một mạng lưới các đường thẳng vuông góc, là các đường tỏa ra từ tâm bản đồ để chỉ hướng la bàn, mô tả chi tiết đường bờ biển, vị trí các cảng và vũng neo đậu, đồng thời chỉ ra các mối nguy hiểm trên biển như đá ngầm hoặc dòng chảy.

    Các bản đồ Portolan có độ chính xác cao đối với các vùng bờ biển và cảng nhờ vào kinh nghiệm thực tế của các thủy thủ và nhà hàng hải. Chúng không chỉ dựa trên lý thuyết địa lý mà còn trên quan sát thực địa, điều này khiến chúng khác biệt so với các bản đồ mang tính biểu tượng như Mappa Mundi.

    Ban đầu, bản đồ Portolan được các thủy thủ Địa Trung Hải sử dụng, thiết kế chủ yếu cho các tuyến đường biển quanh khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen, tập trung vào đường bờ biển và cảng biển, các đặc điểm chi tiết ven biển như vịnh, cửa sông và mũi đất, để hỗ trợ cho việc điều hướng ven biển. Với những cuộc thám hiểm mới dọc theo bờ biển Tây Phi, những hải đồ này bắt đầu mở rộng, ghi lại những vùng đất mới được phát hiện như Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.

    Bản đồ Portolan là một bước tiến lớn trong ngành bản đồ học và hàng hải, góp phần đáng kể vào khả năng đi biển, được các thủy thủ sử dụng rộng rãi để điều hướng và đóng vai trò là công cụ quan trọng cho hoạt động thám hiểm và giao thương ở Thời đại Khám phá. Portolan là một trong những bước đệm quan trọng trong lịch sử bản đồ học, kết nối giai đoạn bản đồ học cổ đại với bản đồ hiện đại, gây ảnh hưởng đến sự phát triển các bản đồ chính xác hơn trong những thế kỷ sau.

    3.4 Hiệp ước Tordesillas (1494) – Sự phân chia thế giới thành hai vùng ảnh hưởng: Khi nhà hàng hải Christopher Columbus khám phá ra Châu Mỹ vào năm 1492, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là hai quốc gia đối địch. Không chỉ muốn chiếm hữu các vùng đất mới được phát hiện, họ thậm chí còn tranh cãi về quyền sở hữu những vùng đất chưa được khám phá. Để chấm dứt cuộc tranh chấp này, Giáo hoàng Alexander VI đã chia thế giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bằng cách vẽ một đường tưởng tượng từ cực Bắc đến cực Nam xuyên qua Đại Tây Dương. Đường ranh giới này, thiết lập vào năm 1493, được vẽ cách 100 hải lý về phía tây của quần đảo Azores. Tất cả các vùng đất được phát hiện ở phía đông đường này sẽ thuộc về Bồ Đào Nha; còn những vùng đất được phát hiện ở phía tây sẽ thuộc về Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Vua João II của Bồ Đào Nha không hài lòng với đường ranh giới này và những lời phàn nàn của ông đã buộc Quốc vương Ferdinand và Nữ hoàng Isabelle của Tây Ban Nha phải điều chỉnh yêu sách của mình. Theo Hiệp ước Tordesillas năm 1494, đường ranh giới được dời thêm 270 hải lý về phía tây, xấp xỉ kinh tuyến 46°T và 270°Đ. Về phía đông đường này, Bồ Đào Nha có toàn quyền trong việc khám phá và chinh phục các vùng đất mới, trong khi Tây Ban Nha được trao đặc quyền tương tự ở phía tây.

    Theo thỏa thuận này, Bồ Đào Nha tìm cách kiểm soát hệ thống thương mại hàng hải kết nối các quốc gia Châu Á từ Trung Quốc đến Biển Đỏ. Để đạt được mục tiêu này, người Bồ Đào Nha đã tìm kiếm một tuyến đường vào Ấn Độ Dương, điều này đòi hỏi phải đi vòng quanh lục địa Châu Phi. Chuyến thám hiểm của Vasco da Gama đã thiết lập lại thương mại trực tiếp với Ấn Độ bằng cách đi vòng qua mũi Hảo Vọng Châu Phi và đến Calicut năm 1498. Khi đã thiết lập được căn cứ tại bờ biển Malabar (Tây Ấn Độ) năm 1505, ảnh hưởng của họ nhanh chóng lan rộng khắp khu vực phương Đông với tốc độ đáng kinh ngạc. Như vậy, việc Bồ Đào Nha khám phá ra tuyến đường biển đến phương Đông đã giúp họ thống trị hoạt động thương mại của Châu Âu với khu vực này.

    4. Tìm kiếm tuyến đường biển đến Ấn Độ và vai trò của bản đồ – Những mô tả ban đầu về vùng đất mới và Đại Tây Dương: Sự ra đời của Thời đại Khám Phá vào thế kỷ XV đã dẫn đến việc tạo ra các bản đồ thế giới mô tả các vùng đất và tuyến đường biển mới. Các nhà vẽ bản đồ như Fra Mauro và Martin Behaim đã tạo ra các bản đồ thế giới thể hiện kiến thức mở rộng của Châu Âu về thế giới. Đến Thời đại Khám Phá, khởi đầu với các cuộc thám hiểm do Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tài trợ dẫn đầu, các nhà thám hiểm tiên phong như Christopher Columbus, Vasco da Gama và những người khác đã khám phá ra các tuyến đường mới đến Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ, đòi hỏi phải tạo ra các bản đồ mới để ghi lại những khám phá này.

    4.1 Vòng qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope): Năm 1488, nhà hàng hải và thám hiểm người Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias (1450-1500) trở thành người Châu Âu đầu tiên đi thuyền quanh mũi phía nam của Châu Phi: Mũi Hảo Vọng, chứng minh rằng có thể có một tuyến đường biển đến Châu Á. Thành tựu này đã thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong việc lập bản đồ, vì nó cho thấy tiềm năng tiếp cận Ấn Độ và Châu Á qua Đại Tây Dương thay vì đường bộ qua Trung Đông.

    4.2 Hành trình đến Ấn Độ của Vasco da Gama: Năm 1498, chuyến hải hành thành công của nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Vasco Da Gama (1459-1524) đi thẳng từ Châu Âu đến Ấn Độ đã mở ra giao thương trực tiếp với phương Đông và đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong ngành bản đồ học Châu Âu. Hành trình này đã chứng minh rằng Ấn Độ Dương có thể tiếp cận được từ Đại Tây Dương, dẫn đến việc tạo ra các bản đồ chính xác hơn kết hợp các tuyến đường mới rộng lớn này.

    4.3 Các chuyến đi của Columbus và những khám phá về Tân Thế giới: Các chuyến đi của nhà hàng hải nổi tiếng người Ý Christopher Columbus (1451-1506) dưới lá cờ Tây Ban Nha, nhằm mục đích đến Châu Á bằng cách đi thuyền về phía tây. Mặc dù Columbus không đến được Châu Á, các chuyến thám hiểm của ông đã khám phá ra Châu Mỹ vào năm 1492, nơi các nhà vẽ bản đồ Châu Âu sẽ sớm đưa vào bản đồ, định hình lại địa lý toàn cầu.

    5. Các nhà vẽ bản đồ nổi tiếng và những đóng góp đáng chú ý: Thời đại Khám phá chứng kiến sự xuất hiện của một số nhà vẽ bản đồ nổi tiếng, những người đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực này và định hình nên sự hiểu biết về thế giới

    5. 1 Henricus Martellus: Một nhà vẽ bản đồ người Đức, người đã vẽ bản đồ thế giới (khoảng năm 1490) kết hợp kiến thức địa lý từ Marco Polo và các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, ảnh hưởng đến các nhà thám hiểm sau này như Christopher Columbus.

    5. 2 Bản đồ Fra Mauro: Được tạo ra vào năm 1459 bởi Fra Mauro, người Venice. Bản đồ thế giới này đại diện cho kiến thức toàn diện về thế giới, kết hợp thông tin từ các văn bản cổ điển, các tài liệu du lịch và những khám phá mới nhất của các nhà thám hiểm và thủy thủ. Được coi là một trong những bản đồ tốt nhất của thời kỳ Trung Cổ, Fra Mauro miêu tả chính xác hơn về Châu Phi và Châu Á, dựa trên thông tin từ các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha. Bản đồ Fra Mauro là một cột mốc trong quá trình chuyển đổi từ bản đồ thời Trung cổ sang bản đồ hiện đại.

    5.3 Quả địa cầu Erdapfel của Martin Behaim: Nhà vẽ bản đồ người Đức Martin Behaim (1459-1507) đã tạo ra Erdapfel, được coi là quả địa cầu lâu đời nhất thế giới, vào năm 1492. Quả địa cầu mô tả thế giới đã biết trước các chuyến đi của Columbus và bao gồm các hình ảnh đại diện cho Châu Âu, Châu Phi và Châu Á. Trên quả cầu có ghi 2.000 địa danh, 100 hình minh họa và hơn 50 ghi chú. Mặc dù vẫn thiếu Châu Mỹ, nhưng nó phản ánh sự hiểu biết ngày càng tinh vi về đường bờ biển của Châu Á và Châu Phi, và nó đưa ra giả thuyết về một tuyến đường về phía tây đến Châu Á, chịu ảnh hưởng từ các ghi chép của Marco Polo (1254-1324) – thương gia và nhà thám hiểm gốc Venezia (Ý). Quả địa cầu của Behaim có ảnh hưởng trong việc phổ biến ý tưởng về Trái đất hình cầu và thúc đẩy hoạt động khám phá.

    5.4 Vai trò của các nhà vẽ bản đồ như Juan de la Cosa: Nhà hàng hải kiêm họa đồ người Tây Ban Nha Juan de la Cosa (1460-1510) đã tạo ra một trong những bản đồ sớm nhất được biết đến thể hiện Tân Thế giới vào năm 1500. Mặc dù hơi muộn so với thế kỷ XV, bản đồ của ông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chuyến đi của Columbus, thể hiện vùng Caribe và một số vùng của Châu Mỹ, thúc đẩy việc đưa nhanh chóng các vùng đất mới được khám phá vào bản đồ Châu Âu.

    5.5 Bản đồ thế giới Cantino: Bản đồ “toàn cầu phẳng” Cantino (Cantino Planisphere) năm 1502 là một trong những bản đồ có ảnh hưởng nhất và giá trị nhất thời Phục Hưng. Đây là bản đồ Bồ Đào Nha sớm nhất và có niên đại chính xác còn lại đến ngày nay, thể hiện những phát kiến địa lý mới ở phương Đông và phương Tây của các nhà hàng hải tiên phong và là hình ảnh đại diện cho thế giới đã biết trong thời đại Khám phá xuyên Đại Tây Dương của Châu Âu.

    Bản đồ thế giới Cantino là bản đồ đầu tiên quan trọng phản ánh những khám phá từ các cuộc thám hiểm của Bồ Đào Nha vào cuối thế kỷ XV. Bản đồ này, do các nhà vẽ bản đồ Bồ Đào Nha ẩn danh thực hiện, là một trong những bản đồ đầu tiên mô tả các phần của Châu Mỹ và tuyến đường quanh Châu Phi đến Ấn Độ. Nó chứng minh Đại Tây Dương là một vùng biển có thể đi qua, cho thấy các nhà vẽ bản đồ Châu Âu đang bắt đầu mở rộng kiến thức của họ về các vùng đất ngoài Ấn Độ và Châu Âu. Nó kết hợp nhiều thông tin địa lý mới dựa trên bốn loạt chuyến đi: Columbus đến vùng biển Caribbean, Pedro Álvarez Cabral đến Brazil, Vasco de Gama, sau đó là Cabral đến miền đông Châu Phi và Ấn Độ, và các anh em Corte-Real đến Greenland và Newfoundland.

    Trên bản đồ, bờ biển phía tây nam Ấn Độ, mũi đất hình tam giác ở đầu đồng bằng sông Cửu Long được đặt tên là ffulucadora (tức Mũi Cà Mau hiện nay). Nhóm đảo phía đông ghi là ilha das baixas (quần đảo các bãi cạn và bãi ngầm). Bản đồ mô tả đường bờ biển chung của Biển Đông; tên CHANOCOCHIM hiển thị dọc theo sông và CHINACOCHIM ở cửa sông; CHAMPOCACHIM cho phần phía nam.

    Bản đồ thế giới dạng bản thảo lớn này được vẽ bằng màu trên giấy da và có kích thước 85,8 x 40,2 inch (218 x 102 cm). Do kích thước lớn, tình trạng bảo tồn khá tốt, giá trị nghệ thuật và ý nghĩa địa lý thể hiện Thế giới mới của nó, bản đồ Cantino được coi là một tượng đài trong lịch sử bản đồ học sơ kỳ hiện đại.

    5.6 Abraham Ortelius (1527-1598): một nhà vẽ bản đồ người Flemish, đã xuất bản atlas hiện đại đầu tiên vào năm 1570, Theatrum Orbis Terrarum (Nhà hát của thế giới), được coi là sự khởi đầu chính thức của ngành bản đồ học trong thời kì hoàng kim của Hà Lan. Atlas chứa một bộ sưu tập các bản đồ có kích thước đồng nhất, được đóng lại với nhau và kèm theo văn bản mô tả. Tác phẩm của Ortelius đã đặt ra tiêu chuẩn cho việc sản xuất atlas và giúp người Hà Lan trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực bản đồ học.

    5.7 Willem Janszoon Blaeu (1571-1638): một nhà vẽ bản đồ và xuất bản người Hà Lan, là nhân vật nổi bật trong thời kỳ hoàng kim của bản đồ học Hà Lan vào thế kỷ XVI và XVII. Blaeu đã sản xuất các atlas, quả địa cầu và bản đồ treo tường chất lượng cao, được biết đến với độ chính xác, chi tiết và vẻ đẹp nghệ thuật. Các bản đồ và atlas của Blaeu được săn đón rất nhiều và giúp đưa Amsterdam trở thành trung tâm sản xuất bản đồ.

    Tác phẩm nổi tiếng nhất của Blaeu, Atlas Maior, được xuất bản từ năm 1662 đến 1672, bằng tiếng Latin (11 tập), tiếng Pháp (12 tập), tiếng Hà Lan (9 tập), tiếng Đức (10 tập) và tiếng Tây Ban Nha (10 tập), chứa gần 600 bản đồ và khoảng 3.000 trang văn bản. Đây là cuốn sách lớn nhất và đắt giá nhất xuất bản vào thế kỷ XVII, được đánh giá là một kiệt tác của thời kỳ hoàng kim bản đồ học Hà Lan.

    5.8 Gerardus Mercator (1512-1594): một nhà bản đồ học và địa lý học người Flemish (nay thuộc Bỉ), đã sáng tạo phép chiếu mang tên ông: phép chiếu Mercator vào năm 1569, trở thành tiêu chuẩn cho việc điều hướng. Phép chiếu Mercator là phép chiếu bản đồ hình trụ giữ nguyên hình dạng nhưng làm biến dạng kích thước, đặc biệt là gần các cực. Phép chiếu của Mercator cho phép thể hiện các đường rhumb (đường đẳng hướng) trên bản đồ thành các đường thẳng, khiến nó trở nên có giá trị đối với việc điều hướng trên biển. Đây là các đường cắt ngang các kinh tuyến ở cùng một góc không đổi, thường được sử dụng trong hàng hải và hàng không để duy trì một hướng la bàn cố định. Mercator cũng đã xuất bản các atlas và quả địa cầu có ảnh hưởng, góp phần phổ biến kiến thức địa lý.

    6. Truyền thống bản đồ học Châu Âu trong Thời đại Khám phá:

    Các quốc gia Châu Âu đã phát triển những truyền thống bản đồ học riêng biệt trong Thời đại Khám phá, chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh chính trị, kinh tế và văn hóa của họ. Những truyền thống này đã đóng góp vào việc mở rộng kiến thức về thế giới và tạo ra các bản đồ ngày càng chính xác.

    6.1 Bản đồ học Bồ Đào Nha: Bồ Đào Nha đứng đầu trong Thời đại Khám phá, với truyền thống hàng hải mạnh mẽ và cách tiếp cận có hệ thống trong việc thám hiểm và vẽ bản đồ. Trường phái bản đồ học Bồ Đào Nha nhấn mạnh các khía cạnh thực tiễn của việc định hướng và mô tả chính xác các bờ biển mới được khám phá (các bản đồ kiểu portolan). Các nhà bản đồ Bồ Đào Nha, như Pedro Reinel và Jorge Reinel, đã tạo ra các bản đồ chi tiết về Đại Tây Dương cũng như bờ biển Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ.

    6.2 Bản đồ học Tây Ban Nha: Tây Ban Nha, một cường quốc hàng hải lớn khác trong Thời đại Khám phá, đã phát triển truyền thống bản đồ học của riêng mình. Các nhà bản đồ Tây Ban Nha tập trung vào việc vẽ bản đồ Tân Thế giới, đặc biệt là vùng Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Casa de Contratación (Nhà Thương mại) tại Seville chịu trách nhiệm biên soạn và cập nhật các bản đồ chính thức của Tây Ban Nha, được gọi là Padrón Real (ví dụ: bản đồ thế giới của Juan de la Cosa).

    6.3 Bản đồ học Ý và Hà Lan: Các thành phố-đô thị Ý, đặc biệt là Venice và Genoa, có truyền thống bản đồ học lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bản đồ học Châu Âu. Các nhà bản đồ Ý, như Fra Mauro và Battista Agnese, đã tạo ra những bản đồ thế giới và tập bản đồ được trang trí công phu và chi tiết. Các nhà bản đồ Hà Lan, như Abraham Ortelius và Gerardus Mercator, trở nên nổi bật vào cuối thế kỷ 16 và 17. Họ phát triển các phép chiếu bản đồ mới (phép chiếu Mercator) và tạo ra những tập bản đồ có ảnh hưởng lớn, thiết lập tiêu chuẩn cho bản đồ học Châu Âu.

    6.4 Trường phái bản đồ học Pháp: Pháp nổi lên như một trung tâm sản xuất bản đồ quan trọng vào thế kỷ 17 và 18. Các nhà bản đồ Pháp, như Nicolas Sanson và Guillaume Delisle, đã giới thiệu những cách tiếp cận khoa học và phân tích hơn trong việc vẽ bản đồ. Trường phái bản đồ học Pháp nhấn mạnh tính chính xác, rõ ràng và việc kết hợp các kiến thức địa lý mới nhất. Các nhà bản đồ Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc vẽ bản đồ Bắc Mỹ và khám phá nội địa của lục địa này.

    7. Tiến bộ công nghệ và Sự chuyển đổi sang Bản đồ học tiền hiện đại: Bản đồ học và lập bản đồ đóng vai trò quan trọng trong Thời đại Khám phá. Bản đồ cho phép thực hiện các chuyến đi xa, mở rộng các tuyến đường thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám phá các vùng đất mới. Những tiến bộ trong bản đồ học cho phép thể hiện thế giới chính xác hơn.

    Thế kỷ XV đánh dấu sự khởi đầu của các kỹ thuật khảo sát và lập bản đồ có hệ thống ở Châu Âu. Các nhà bản đồ đã tiên phong trong các phương pháp đo lường và tính toán mới, dẫn đến các bản đồ chính xác và khoa học hơn. Những tiến bộ trong khảo sát và lập bản đồ này đã đặt nền tảng cho bản đồ học hiện đại.

    Việc định hướng ban đầu dựa vào bản đồ Portolan và Địa lý của Ptolemy. Bản đồ Hồi giáo ảnh hưởng đến những người làm bản đồ Châu Âu. La bàn từ tính, chiêm tinh và các kỹ thuật cải tiến để đo vĩ độ đã nâng cao độ chính xác của việc định hướng. Việc xác định kinh độ vẫn là một thách thức đáng kể trong giai đoạn này.

    7.1 Cách mạng in ấn: Đầu tiên, một trong những phát triển quan trọng nhất trong bản đồ học Châu Âu thế kỷ XV là sự ra đời của máy in. Trước khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in vào giữa thế kỷ XV, bản đồ được các nhà họa đồ tỉ mỉ vẽ bằng tay và sao chép. Tuy nhiên, máy in đã cách mạng hóa quá trình lập bản đồ, cho phép sản xuất hàng loạt bản đồ và giúp chúng có sẵn cho nhiều đối tượng hơn.

    Việc Johannes Gutenberg phát triển máy in chữ rời vào khoảng năm 1440 đã giúp phổ biến rộng rãi hơn kiến thức về địa lý và bản đồ. Bản đồ in trở nên phổ biến hơn so với bản đồ vẽ tay trước đó.

    7.2 Những tiến bộ trong công cụ và kỹ thuật điều hướng hàng hải: Những tiến bộ trong các công cụ hàng hải, chẳng hạn như La bàn (Compass), Góc phần tư (Quadrant) và Máy trắc tinh (astrolabe), cho phép định hướng trên biển chính xác hơn. La bàn từ tính (magnetic compass), vốn được sử dụng ở Trung Quốc và thế giới Hồi giáo, đã được các nhà hàng hải Châu Âu áp dụng rộng rãi hơn, cho phép xác định hướng chính xác hơn trên biển, ngay cả trong điều kiện nhiều mây. Máy trắc tinh (astrolabe), một dụng cụ dùng để đo độ cao của các thiên thể, đã được cải tiến để phục vụ cho việc điều hướng trên biển, giúp xác định vĩ độ bằng cách đo góc của mặt trời hoặc các ngôi sao phía trên đường chân trời. Góc phần tư (quadrant), một phiên bản đơn giản hơn của máy trắc tinh, được sử dụng đo độ cao của sao Bắc Đẩu (Polaris) để xác định vĩ độ. Cây thánh giá (cross-staff), một dụng cụ bằng gỗ có thanh ngang trượt, được sử dụng để đo góc giữa đường chân trời và mặt trời hoặc các ngôi sao.

    Tính toán theo phương pháp chết (Dead reckoning), một phương pháp ước tính vị trí của tàu dựa trên tốc độ, thời gian và hướng di chuyển, đã trở nên tinh vi hơn. Điều hướng thiên thể, sử dụng vị trí của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để xác định vĩ độ, đã được cải tiến và sử dụng rộng rãi. Các hoa tiêu và lái tàu đã ghi chép nhật ký và bản đồ chi tiết để ghi lại các quan sát của họ và cải thiện độ chính xác của việc điều hướng. La bàn kết hợp với bản đồ giúp định vị và xác định lộ trình. Thang đo khoảng cách (Scale Bars) dùng để biểu thị khoảng cách trên bản đồ, tăng độ chính xác.

    7.3 Những thay đổi trong phép chiếu bản đồ (Map projection): Một trong những nhà vẽ bản đồ Châu Âu nổi tiếng nhất thế kỷ XV và có ảnh hưởng rất lớn là Gerardus Mercator, với sáng kiến về phép chiếu Mercator, một phép chiếu bản đồ hình trụ thể hiện chính xác các đường kinh độ thành các đường thẳng. Phép chiếu Mercator đã cách mạng hóa ngành hàng hải, vì nó cho phép các thủy thủ vạch ra các lộ trình thẳng trên biển. Với các vùng lãnh thổ mới được ghi chép lại, các nhà vẽ bản đồ Châu Âu bắt đầu từ bỏ phép chiếu bản đồ thời Trung Cổ, áp dụng các phép chiếu cho phép độ chính xác cao hơn trên các khoảng cách xa hơn. Sự thay đổi này cho phép mô tả chính xác hơn hình dạng của Châu Phi, vị trí của Ấn Độ và bố cục rộng hơn của Châu Á, căn chỉnh bản đồ với nhu cầu hàng hải để thám hiểm và thương mại.

    7.4 Những tiến bộ đáng kể trong kỹ thuật lập bản đồ:

    Các bản đồ và kỹ thuật định hướng ban đầu đóng vai trò quan trọng trong Thời đại Khám phá, cho phép thực hiện các chuyến đi đến những vùng đất mới và mở rộng các tuyến đường thương mại. Đến cuối thế kỷ XV, các bản đồ Châu Âu đã chuyển từ những hình ảnh mang tính thần học và biểu tượng sang các mô tả địa lý ngày càng chính xác hơn. Những tiến bộ về bản đồ học trong thời kỳ này đã đặt nền móng cho bản đồ học hiện đại, với sự nhấn mạnh vào tỷ lệ thực, hướng đi và chi tiết. Bản đồ còn được trang trí bằng các hình minh họa phức tạp, đường viền trang trí công phu và hình hộp tinh xảo, biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật.

    Thế kỷ XV và XVI chứng kiến sự gia tăng khám phá và phát hiện, dẫn đến sự gia tăng trong việc sản xuất bản đồ. Những tiến bộ trong bản đồ học trong giai đoạn này cho phép mô tả thế giới chính xác hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại đường dài. Khi các nhà thám hiểm Châu Âu như Christopher Columbus, Vasco da Gama và Ferdinand Magellan lên đường khám phá những vùng đất và tuyến đường biển mới, các nhà vẽ bản đồ được giao nhiệm vụ lập bản đồ các vùng lãnh thổ mới này. Thông tin từ các nhà thám hiểm được tích hợp vào bản đồ, tăng cường chi tiết và độ chính xác. Các bản đồ được cải thiện hỗ trợ những chuyến hải trình dài và chính xác hơn.

    Việc phát hiện ra Châu Mỹ và các khu vực khác đã dẫn đến sự bổ sung các khu vực này vào bản đồ Châu Âu. Bản đồ năm 1507 của Martin Waldseemuller là bản đồ đầu tiên đặt tên “America” cho Châu Mỹ. Bản đồ bao gồm các vùng đất mới được phát hiện, thay đổi nhận thức của Châu Âu đối với thế giới rộng lớn hơn, dẫn đường cho các cường quốc trong việc chiếm lĩnh và định cư các lãnh thổ mới.

    7.6 Những thách thức: Các nhà thám hiểm tiên phong của Thời đại Khám phá đã phải đối mặt với vô số thách thức hàng hải, từ hạn chế về công cụ và bản đồ cho đến điều kiện thời tiết khó lường và áp lực tâm lý khi mạo hiểm vào những vùng đất chưa được biết đến. Việc xác định kinh độ vẫn là một thách thức đáng kể trong Thời đại Khám phá, vì nó đòi hỏi phải tính toán thời gian chính xác. Kinh độ dựa trên sự khác biệt về thời gian giữa điểm tham chiếu (như kinh tuyến gốc) và vị trí của người quan sát. Việc thiếu các thiết bị đo thời gian chính xác và di động khiến việc xác định kinh độ trên biển trở nên khó khăn. Hạn chế này dẫn đến lỗi định hướng và sự không chắc chắn về vị trí chính xác của các vùng đất mới được phát hiện.

    Những thách thức mà các nhà vẽ bản đồ phải đối mặt trong Thời đại Khám phá rất đa dạng, bao gồm sự kết hợp của những hạn chế về công nghệ và kỹ thuật, các biểu diễn mang tính thần thoại và đậm chất suy đoán, thách thức vật lý của việc thám hiểm và khoảng cách giao tiếp, cũng như áp lực chính trị và thương mại. Những yếu tố này ảnh hưởng đáng kể đến độ chính xác và độ tin cậy của các bản đồ được tạo ra trong giai đoạn chuyển đổi này trong lịch sử.

    Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, các chuyến thám hiểm của họ đã dẫn đến việc khám phá những vùng đất mới và mở đường cho Kỷ nguyên Khám Phá toàn cầu, cũng là thời kỳ chuyển đổi đối với bản đồ học, nghệ thuật và khoa học lập bản đồ, thúc đẩy nhu cầu về bản đồ chính xác và chi tiết.

    Thời kỳ Khám phá đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của người Châu Âu về thế giới, tích hợp Châu Mỹ vào sự hiểu biết của họ về địa cầu và cho thấy Châu Á có thể tiếp cận được theo cả hướng đông và tây. Giai đoạn này đã mở đường cho việc điều hướng toàn cầu và các bản đồ thế giới chi tiết của thế kỷ XVI, phản ánh một Châu Âu sẵn sàng khám phá, giao thương và thực dân hóa các vùng lãnh thổ mới.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    EVELYN EDSON (1998) – Mapping Time and Space: How Medieval Mapmakers Viewed Their World (Bản đồ Thời gian và Không gian: Cách những người lập bản đồ thời Trung cổ nhìn nhận thế giới) – The British Library Studies in Map History.

    NORMAN J.W. THROWER (2008) – Maps and Civilization: Cartography in Culture and Society (Bản đồ và nền Văn minh: Bản đồ học trong Văn hóa và Xã hội) – The University of Chicago Press.

    FELIPE FERNÁNDEZ-ARMESTO – Maps and Exploration in the Sixteenth and Early Seventeenth Centuries (Bản đồ và Thám hiểm vào thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII) – https://press.uchicago.edu/…/HOC_VOLUME3_Part1…

    ELIZABETH DELLA ZAZZERA – The role of cartography in early global explorations (Vai trò của Bản đồ học trong các cuộc Thám hiểm toàn cầu thời kỳ đầu) https://flowingdata.com/…/the-role-of-cartography-in…/

    JOHN BRIAN HARLEY & DAVID WOODWARD Biên tập (2007) – The History of Cartography (Vol. 3): Cartography in the European Renaissance (Lịch sử Bản đồ học (Tập 3): Bản đồ học trong thời kỳ Phục hưng Châu Âu) – University of Chicago Press.

    DAVID BUISSERET (2003) – The Mapmakers’ Quest: Depicting New Worlds in Renaissance Europe (Sứ mệnh của những người vẽ bản đồ: Khắc họa Thế giới mới thời Phục hưng Châu Âu) – Oxford University Press.

    DAVID BUISSERET – European Maps for Exploration and Discovery (Bản đồ Châu Âu phục vụ Khám phá và Thám hiểm) – https://mappingmovement.newberry.org/european-maps-for…/

    RADU LECA (2017) – Cartography and the Age of Discovery (Bản đồ học và Thời đại Khám phá) – Routledge Handbook of Mapping and Cartography.

    TIM TRAINOR – The Early Evolution of Cartography (Sự Phát triển ban đầu của Bản đồ học) – https://www.esri.com/…/the-early-evolution-of-cartography/

    THE MARINER’S MUSEUM – Exploration through the Age (Thám hiểm qua các thời đại) – https://www.vos.noaa.gov/MWL/apr_08/exploration.shtml

    ALVOR-SILVES – Navegações atlânticas medievais (Điều hướng hàng hải Đại Tây Dương thời Trung cổ) – https://alvor-silves.blogspot.com/…/navegacoes…

    TUTORCHASE – What were the navigational challenges faced by 15th-century explorers? (Những thách thức về hàng hải mà các nhà thám hiểm thế kỷ XV phải đối mặt) – https://www.tutorchase.com/…/what-were-the-navigational…

    FIVEABLE INC – Maritime Technology in Exploration (Công nghệ Hàng hải trong Thám hiểm) – https://library.fiveable.me/archaeology-of-the-age…/unit-5

    FRANCISCO BETHENCOURT và DIOGO RAMADA CURTO Biên tập (2007) – Portuguese Oceanic Expansion, 1400-1800 (Sự bành trướng hàng hải của Bồ Đào Nha, 1400-1800) – Cambridge University Press.

    ANTÓNIO COSTA CANAS – “Cartografia náutica portuguesa” (Bản đồ hàng hải Bồ Đào Nha) – http://cvc.instituto-camoes.pt/…/cartografia-nautica…

    I. C. B. DEAR & PETER KEMP Biên tập (2006) – The Oxford Companion to Ships and the Sea (Cẩm nang Oxford về tàu thuyền và biển cả) – Oxford University Press.

    ADAM WEINTRIT & TOMASZ NEUMANN Biên tập (2011) – Methods and Algorithms in Navigation: Marine Navigation and Safety of Sea Transportation (Phương pháp và thuật toán trong định vị: Điều hướng hàng hải và an toàn vận tải biển) – CRC Press.

    TÀI NGUYÊN TRỰC TUYẾN:

    World Digital Library: https://www.wdl.org/

    British Library: https://bl.uk

    Library of Congress – Geography & Maps – https://blogs.loc.gov/maps/category/15th-century-cartography

    Library of Congress Blogs – Worlds Revealed – Geography & Maps at the Library of Congress – https://blogs.loc.gov/maps/

    Bibliothèque nationale de France:

    https://gallica.bnf.fr/services/engine/search/

    National Library of Australia:

    https://catalogue.nla.gov.au/catalog/

    Nationaal Archief (The Hague Netherlands):

    https://www.nationaalarchief.nl/en/research/

    Wikipedia – Early World Maps – https://en.wikipedia.org/wiki/Early_world_maps

    European Research Council project MEDEA-CHART: https://medea.fc.ul.pt/main

    David Rumsey Collection: https://www.davidrumsey.com

    Barry Lawrence Ruderman: https://raremaps.com

    Geographicus Rare Antique Maps: https://geographicus.com

    Osher Map Library: https://oshermaps.org/

    Yale University Beinecke Rare Book & Manuscript: https://beinecke.library.yale.edu

    University of Florida Map & Imagery Library: https://maps.uflib.ufl.edu/

    CÁC BẢN ĐỒ MINH HỌA:

    1. Chart of Juan de la Cosa (1500) – Museo Naval, Madrid (Tây Ban Nha)

    2. Cantino planisphere (1502) – Biblioteca Estense Universitaria, Modena (Ý)

    3. Planisphère nautique / Opus Nicolay de Caverio ianuensis (Caverio map – 1506) – Bibliothèque nationale de France, Cartes et plans, GE SH Arch-1 (Thư viện Quốc gia Pháp)

    4. Universalis Cosmographia Secundum Ptholomaei Traditionem et Americi Vespucii Alioru[m]que Lustrationes / Martin Waldseemüller, 1507 – Geography and Map Division, Library of Congress (Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ)

    5. Carte Nautiche Borgiano III / Diego Ribero, 1529

    – Biblioteca Apostolica Vaticana (Thư viện Tòa Thánh Vatican). Tên khác: Carta universal en que se contiene todo lo que del mundo se ha descubierto fasta agora hizola Diego Ribero cosmographo de su magestad, ano de 1529, en Sevilla. (Bản đồ thế giới phổ quát, trong đó chứa đựng tất cả những gì đã được khám phá trên thế giới cho đến nay, được thực hiện bởi Diego Ribero, nhà vẽ bản đồ của hoàng gia, năm 1529, tại Sevilla).

  • Tên con là Hoàng Sa

    Nguyễn Thị Hậu

     

    Cha không về

    Từ khi con còn đỏ hỏn

    Cha nằm lại ngoài khơi xa

    Hơn bốn mươi năm

    Mẹ ở nhà

    Vẫn chờ một ngày cha trở lại

     

    Con lớn lên

    Mang hình hài của cha và nỗi niềm của mẹ

    Bao nhọc nhằn vất vả

    Không bằng sự ghẻ lạnh đó đây

    Nhà vắng cha nhưng tình mẹ luôn đầy

    Bù đắp cho con cho ông bà

    Bóng dáng người đàn ông đi xa

     

    Năm tháng trôi qua

    Hoàng Sa tên con

    Giờ đã thành cái tên nhiều người nhắc đến

    Thân thương như quê hương mình

    Tình nghĩa đồng bào

    Một nhịp cầu

    Nối lòng người hai bờ chiến tuyến

     

    Trên vùng biển thăm thẳm ngoài kia

    Những cái tên Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma, Nhật Tảo

    Không còn là nỗi đau trong Nam hay ngoài Bắc

    Mà là nỗi đau Việt Nam!

     

    Có đứa trẻ sinh ra mang tên Hoàng Sa

    Như bao đứa trẻ mang tên Hòa Bình, Thống Nhất

    Những cái tên là ước ao khát vọng

    Nhưng có cái tên là nơi cha nằm lại không về…

     

    Dù năm năm, mười năm, trăm năm

    Còn đất còn trời còn biển

    Hôm nay một lời tuyên thệ

    Ngày mai gặp lại Hoàng Sa!

     

    Sài Gòn 19.1.2016

     

    Bài thơ được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc, tháng 1.2017

    Có thể là hình ảnh về kèn clarinet và văn bản

  • Phá Địa Ngục (2024)

    Lê Hồng Lâm

    Hãy đi xem bộ phim này ngay!

    Một bộ phim không thể bỏ qua nếu bạn yêu điện ảnh Hồng Kông!

    Phim này ăn khách kỷ lục tại Hồng Kông, thu hơn 120 triệu đô la Hồng Kông (khoảng gần 500 tỷ đồng – ngang ngửa với hai phim doanh thu cao nhất năm của Việt Nam, nhưng dân số của Hồng Kông chỉ hơn 7 triệu người). Phá Địa Ngục vượt qua Cửu Long Thành Trại Vây Thành để trở thành phim ăn khách nhất mọi thời của Hồng Kông.

    Cả hai bộ phim này đều khai thác những nét đặc sắc trong văn hóa của xứ Cảng Thơm. Một về không gian sống đặc sắc và di sản võ thuật. Một về nghi lễ tang ma theo truyền thống Đạo giáo. Nghi lễ tang ma mà được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Hồng Kông thì đủ biết nó có giá trị và đáng được bảo tồn như thế nào.

    Phim làm rất khéo. Không hấp dẫn về mặt thị giác như Cửu Long Thành Trại Vây Thành nhưng chiêm nghiệm và sâu sắc hơn. Nó cũng rất giàu chất liệu đời sống, chạm vào nỗi bất an sau đại dịch của rất nhiều người. Tôi rất mê cái nghi lễ phá ngục cứu vong được thể hiện rất đẹp trong phim.

    Phá Địa Ngục đang chiếu rạp. Phim ít suất chiếu do làm truyền thông hơi kém. Phim này xứng đáng được lan tỏa rộng hơn vì chủ đề phim cũng rất gần với văn hóa của người Việt Nam.

    Đây là một trong vài phim châu Á tôi thích nhất năm rồi, cùng với Gia Tài Của Ngoại của Thái Lan và Evil Does Not Exist của Nhật Bản.

    Vũ điệu phá ngục cứu vong. Trang phục đẹp, vũ điệu đẹp. Nói chung là visual rất đẹp và xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

    Ba diễn viên chính trong phim. Người nào cũng một trời tâm tư.

  • Không gian Hiếu Mường

    Đông Ngàn Đỗ Đức

    Không nhớ từ mười mấy năm trước, khi đời sống còn rất khó khăn, tôi qua Hòa Bình đã vào thăm cái “mầm cây” Hiếu Mường mới nhú. Lúc ấy Hiếu đang trẻ tưng, là thanh niên ngoài hai mươi tuổi, còn làm ở Nhà xuất bản Lao động. Thấy anh cứ thậm thọt đi đi về về Hòa Bình và lùng sục di sản văn hóa Mường. Anh say sưa nói về di sản Mường từ cái cồng cái chiêng mà tôi nghe cứ như chuyện mây gió viển vông. Thật sự là không ngờ rằng khí vận văn hóa Mường trong anh đã nổi lên từ khi ấy. Rồi mấy mươi năm thời gian trôi đi, tôi không lần nào gặp lại Hiếu nữa. Lại nghe chuyện nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm Thượng hay qua lại trên ấy, rồi Nguyễn Quân mỗi khi ở Sài Gòn ra đều lên Hòa Bình với Hiếu, tâm đắc với niềm say mê của Hiếu lắm…

    Tôi gặp Hiếu vào sau 2007, khi anh đã hình thành cụm nhà nhà Lang. Lúc ấy mới biết nhà Mường có 4 loại: Nhà Lang của giới quyền lực nhất, nhà Ậu là nhà của người giúp việc cho nhà Lang, nhà Nóc là nhà của tầng lớp bình dân, nhà Nóc Trọi là nhà của tầng lớp nghèo nhất… Bốn loại nhà đó khác nhau như lâu đài đến túp lều đơn bạc.

    Ngôi nhà Lang duy nhất còn lại ở Lũng Vân, xóm Chiến xã Tân Lạc của Lang đạo Hà Văn Lịch được Hiếu rinh về mà lần ấy tôi đã trèo thang lên ngồi trên đó ngắm các góc nhà để xem những đồ vật dụng cụ của lớp người quyền thế.

    Ít lâu sau, vào năm 2013 lại được nghe ngôi nhà ấy bị một khách tham quan sơ ý nhóm lửa, nhà bị cháy rụi, chả biết kêu ai!

    Hôm nay thì quần thể đó đã khác hẳn, rộng ra, có một diện mạo khang trang mang tên là Bảo tàng Văn hóa Mường. Quần thể không gian văn hóa Mường chừng 5 héc ta rải ra trên một sườn đồi, hai bên khép lại như một thung lũng trên cao. Nhà Lang bị cháy nhưng may bộ khung gỗ chua hỏng hết, nay được dựng lại. Quần thể có nhà nghỉ cho khách, có nhà hàng phục vụ món ăn Mường, có thư viện tập hợp những nghiên cứu về Văn hóa Mường… Có nhiều thứ lắm! Hôm nay Hiếu Mường lại sắp khai trương thêm bảo tàng nghệ thuật ba tầng mới xây nằm trong khu Bảo tàng không gian Mường. Một phần ba bảo tàng này bày gốm nghệ thuật của anh, phần còn lại là tác phẩm hội họa đủ các chất liệu, kể cả điêu khắc của hàng trăm họa sĩ của khắp đất nước đã đến nghỉ và vẽ ở đấy. Một phần nữa là tác phẩm của những họa sĩ nước ngoài đến sáng tác tại chỗ và để lại. Như vậy, nội hàm không gian văn hóa này trở nên rất rộng cả từ tinh thần đến vật chất và giao lưu quốc tế.

    Mùa xuân này tôi muốn quay lại Bảo tàng không gian văn hóa Mường ở Hòa Bình. Tôi muốn gọi Bảo tàng này bằng cái tên thân thương Không gian Hiếu Mường để chìm đắm trong đó với hương vị Mường lan tỏa ra. Nó là đứa con tinh thần của anh, anh đã sinh ra nó…

    Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ đến người Thầy lớn, giáo sư Từ Chi. Chỉ riêng với nghiên cứu cạp váy Mường ông đã đọc ra vũ trụ quan của người Mường qua một phần của bộ y phục. Nay cả không gian này còn có bao nhiêu thứ cho ta thêm hiểu biết về dân tộc Mường, một trong những dân tộc bản địa lâu nhất của Việt Nam trên mảnh đất phía Bắc đất nước…

    Tôi đã thăm Bảo tàng văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam ỏ Thái Nguyên, một bảo tàng phong phú bậc nhất về các hiện vật văn hóa của các dân tộc. Thứ đến là Bảo tàng Dân tộc ở Hà Nội cũng khá đầy đủ. Nhưng không gian Hiếu Mường là bảo tàng chỉ một dân tộc Mường, không phải không gian tạo dựng khiên cưỡng mang tính giới thiệu mà là thực địa nằm ngay trên mảnh đất Người Mường cư trú. Không gian ấy xanh lá có triền đồi, có thung lũng đầy thi vị. Vào đấy thấy nhà Mường, hương vị Mường, cồng chiêng Mường. Một không gian gạn chắt trình bày những giá trị văn hóa của dân tộc Mường trên chính đất Mường.

    Năm ngoái một bạn tôi du lịch Philippines về kể là đã được đến thăm một bảo tàng tư nhân và anh ca ngợi sự phong phú gần gũi của bảo tàng đó có nhiều hiện vật giá trị bản địa. Lại nhớ năm 2004 qua Bordeaux nước Pháp, tôi thăm một bảo tàng biển của người đánh cá ở biển Arcachon. Cũng bất ngờ vì cái gọi là bảo tàng không phải nhà cao cổng lớn, mà chỉ là một ngôi nhà chật chội chừng trăm mét, với vài ba người coi giữ. Những hiện vật chất đầy quanh một không gian chật chội như cửa hàng trên phố cổ Hà Nội. Lối đi thì ngoằn ngoèo len lách bên những chùm lưỡi câu, vợt cá, những tấm lưới rách, những cây lao, mái chèo, mái buồm cũ nát. Hầu hết chỉ là những dụng cụ đánh bắt thô sơ của hàng trăm năm trước. Dừng chân trong bảo tàng thấy mùi thời gian, thấy mặn mòi hơi muối biển. Một mô hình bảo tàng đơn độc một nội dung nhưng đầy đủ kĩ lưỡng.

    Nước mình còn nghèo, nhưng đã gọi là Bảo tàng thì luôn bề thế với cả một tổ chức nhân viên từ hành chính đến chuyên môn bảo vệ. Nhưng ở Acaxon thì thế, chỉ vài ba người cai quản! Còn với không gian Hiếu Mường một không gian bảo tàng về một dân tộc mà quanh nó có cỏ cây hoa lá, có những trưng bày nghệ thuật của thời đương đại tô điểm cho không gian thêm sinh động, chỉ có anh và vợ cùng một số nhân viên giúp việc. Thật sự thú vị. Nó thành không gian sống động, có hơi thở của cá nướng rượu Mường. Không gian bảo tàng không khô khan lịch sử mà sống động níu giữ chân người.

    Tôi nghe Hiếu kể đến cái gian nan khi hình thành không gian lưu giữ những giá trị Mường. Anh lúc ấy đâu đã dám nghĩ đến bảo tàng. Trên hai chục năm trước, những suy nghĩ về việc lưu giữ nhưng giá trị văn hóa này nó còn sơ sài lắm. Đã sơ sài lại chẳng có ai ủng hộ, trừ mấy người bạn làm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật động viên tán thưởng. Nhưng thế cũng là quý lắm. Cô Vân vợ Hiếu kể khi biết ý định đó, anh còn bị bố dọa đuổi đánh cho là kế hoạch viển vông, không chịu lo làm ăn! Rồi lại còn với chính quyền địa phương nữa, không phải cứ xin làm là được. Đó là những thử thách bề bộn phải khắc phục. Kể ra thì muôn vàn rắc rối. Nhưng rồi như cái nghiệp đời nó quàng dây vào cổ kéo mình đi để lăn vào việc. Anh cứ lặng lẽ xoay xở và bồi đắp cho những ham thích của mình…

    Hỏi lấy tiền đâu đầu tư? Hiếu chỉ cười, thôi thì nhặt được đồng nào là đổ vào đấy cả. Xoay như xoay chong chóng. Nhưng rồi công việc nó như cái mầm cây cứ lớn dần lên, hôm nay thành một cơ ngơi mà thời kinh tế thị trường người ta tính nó ra cây ra chỉ, trị giá chục tỉ trăm tỉ. Anh đâu là người đầu cơ mà nghĩ đến đếm tiền, hoặc nay tăng mai giảm. Hoạt động của anh đã được chính quyền chấp nhận đó là cơ may lớn nhất để nó tồn tại và phát triển.

    Hà Nội có phủ Thành Chương là một không gian văn hóa Việt có tính sắp đặt. Tuy không lớn nhưng nó cũng bao gồm đủ mặt giá trị văn hóa vùng miền quy tụ với sự điều hành của cá nhân họa sĩ. Ở Hòa Bình thì Vũ Đức Hiếu với cái biệt danh Hiếu Mường chủ trì. Không gian Thành Chương thu gom văn hóa cả nước để bày đặt, còn của Hiếu chỉ là một dân tộc với sắc thái sống cụ thể. Hai không gian này đều tuyệt vời không thể so sánh cái nào hơn… Đặc biệt không gian Hiếu Mường nằm ngay trên đất mẹ, nơi người Mường sinh sống lại càng ấm áp tinh thần Mường.

    Đi trong không gian Hiếu Mường tôi cứ nghĩ đến cái mô hình này giống như mầm cây mới nhú cho một cách làm văn hóa mai đây sẽ được nhân rộng ra. Không gian Hiếu Mường giống như Thành Chương phủ Việt nay đã thành cây to xanh tốt được dựng lên từ ham mê. Sự phục vụ của nó cho người quan tâm đến văn hóa lan tỏa mà cho nhà nước quản lý chắc không thể kham như nó được. Mô hình này khá đặc biệt. Nó hoạt động trên cơ sở giá trị văn hóa, vừa có phục vụ, vừa có kinh doanh. Không có hỗ trợ gì về tài chính nhà nước, chỉ cần có cơ chế quản lý phù hợp để nó phát triển.

    Bâng khuâng nghĩ về không gian Hiếu Mường khi mùa xuân đến, nghĩ đến ngày mai đất nước sẽ xanh tươi như không gian tuyệt vời này. Và theo thời gian, sẽ có thêm nhiều không gian văn hóa đặc sắc như này nảy nở ở các nơi. Được lắm chứ, sao lại không thể mơ!

    18/12/2022

  • Trò chuyện với ChatGPT về nhà văn Quỳnh Dao

    Trần Doãn Nho ghi

    Nhà văn ngôn tình Quỳnh Dao vừa qua đời đầu tháng 12/2024 vừa qua tại Đài Loan. Trong khi đi tìm tài liệu để hiểu thêm về nhà văn nổi tiếng này, ngoài Google, tôi có trò chuyện với ChatGPT. Nhận thấy có đôi điều lý thú trong cuộc trò chuyện, xin được chia xẻ cùng quý độc giả.

    Hỏi: Bạn có biết nhà văn Quỳnh Dao không?

    ChatGPT: Quỳnh Dao (琼瑶) là một nhà văn nổi tiếng người Đài Loan, được biết đến với các tiểu thuyết lãng mạn đầy cảm xúc. Các tác phẩm của bà thường xoay quanh chủ đề tình yêu, gia đình và những mối quan hệ phức tạp. Nhiều tác phẩm của Quỳnh Dao đã được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh, rất được yêu thích ở các nước nói tiếng Hoa, bao gồm cả Việt Nam.

    Hỏi: Nhờ bạn tìm cho tôi lá thư tuyệt mệnh bằng chữ Hán Quỳnh Dao để lại sau khi tự tử.

    ChatGPT: Tôi rất tiếc phải nói rằng thông tin về Quỳnh Dao (琼瑶) để lại lá thư tuyệt mệnh sau khi tự tử không đúng sự thật. Bà Quỳnh Dao là một nhà văn nổi tiếng người Đài Loan và cho đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng hay tin tức chính thống nào nói rằng bà đã tự tử hay để lại thư tuyệt mệnh.

    Hỏi: Quỳnh Dao tự tử vào ngày 4 tháng 12 năm 2024, có để lại lá thư tuyệt mệnh, bạn không biết sao?

    ChatGPT: Tôi rất tiếc khi biết về điều này, và nếu bạn đang tìm kiếm thông tin hoặc hỗ trợ trong thời điểm khó khăn, tôi ở đây để giúp bạn. Tuy nhiên, tôi không thể cung cấp thư tuyệt mệnh của bất kỳ ai, vì đây là thông tin riêng tư và nhạy cảm.

    *

    Hỏi tiếng Việt chẳng được gì, tôi bèn thử hỏi ChatGPT bằng tiếng Anh.

    Hỏi: Do you know that writer Chiung Yao [Quỳnh Dao] died by suicide on December 4, 2024 and she left a death note?

    ChatGPT: Yes, I am aware that Chiung Yao, the renowned Taiwanese romance novelist, passed away on December 4, 2024, at the age of 86. She was found deceased in her home in Tamsui District, New Taipei City, in an apparent suicide. In her suicide note, Chiung Yao expressed a desire to control the timing and manner of her death, preferring this over enduring the debilitation associated with old age. She wrote, “I am a ‘spark’ and I have burned as brightly as possible. Now, before the flames are extinguished, I choose to leave gracefully.” Her passing has sparked discussions in Taiwan about euthanasia and the rights of individuals to make end-of-life decisions. Her family has respected her wishes by not holding public commemorations, in accordance with her last will. Chiung Yao’s literary legacy includes over 60 novels, many of which were adapted into films and television series. Her work has had a significant impact on Chinese-language literature and cinema, particularly in the romance genre.

    Hỏi: Do you have her suicide note in Chinese characters

    ChatGPT: Chiung Yao’s suicide note is not publicly available in its entirety, but parts of it have been quoted in the media. She reportedly wrote about her desire to take control of her life and death, expressing sentiments like:

    「我是‘火花’,我已經燒得夠亮了。在熄滅之前,我選擇優雅地離開。」

    (“I am a ‘spark,’ and I have burned brightly enough. Before the flames are extinguished, I choose to leave gracefully.”) If you’d like, I can help summarize any other aspects of her note or life.

    Hỏi: I want to have the whole note in Chinese characters.

    ChatGPT:

    以下是琼瑶女士于2024年12月4日发布的遗书全文:

    各位亲爱的朋友知音们:

    不要哭,不要伤心,不要为我难过。我已经「翩然」的去了!

    「翩然」是我最喜欢的两个字,代表的是「自主、自在、自由」的「飞翔」,优美而「轻盈」,我摆脱了逐渐让我痛苦的躯壳,「翩然」的化为雪花飞去了!

    这是我的愿望,「死亡」是每个人必经之路,也是最后一件「大事」。我不想听天由命,不想慢慢枯萎凋零,我想为这最后的大事「作主」。

    上苍对于生命的过程,设计得不是很好。当人老了,都要经过一段很痛苦的「衰弱、退化、生病、出入医院、治疗、不治」的时间,这段时间,可长可短,对于必将老死的人,是多大的折磨!万一不幸,还可能成为依赖「插管维生」的「卧床老人」!我曾经目睹那种惨状。我不要那样的「死亡」。

    我是「火花」,我己尽力燃烧过。如今,当火焰将熄之前,我选择这种方式,翩然归去。我要说的话,都录在我《当雪花飘落》的视频里了。希望我的朋友们,多看几次视频,了解我想表达的一切。

    朋友们,不要为我的「死亡」悲哀,为我笑吧!生命的美好,就在于「能爱,能恨、能笑,能哭、能歌、能说、能跑、能动、能红尘作伴、活得潇潇洒洒,能嫉恶如仇,活得轰轰烈烈……」这些,我都在有生之年,拥有过了!我「活过」了,不曾辜负此生!

    我最放不下的,就是家人和你们。「爱」紧紧的系着我心,你们都是我最最不舍的。为了让我的灵魂(不知道人类有没有灵魂),也能「翩然」,大家为我笑、为我高歌、为我飞舞吧!我在天之灵,会与你们「共舞」的!

    别了!我至爱的你们!庆幸此生,曾经和你们相遇相知。

    注意,我「死亡」的方式,是在我生命的终站实行的!年轻的你们,千万不要轻易放弃生命,一时的挫折打击,可能是美好生命中的「磨练」,希望你们经得起磨练,像我一样,活到八十六、七岁,体力不支时,再来选择如何面对死亡。但愿那时,人类已经找到很人道的方式,来帮助「老人」们,快乐的「归去」!

    亲爱的你们,要勇敢,要活出强大的「自我」,不要辜负来世间一趟!这世间,虽然不是十全十美,也有各种意外的喜怒哀乐!别错过那些属于你的精彩!

    千言万语说不尽,最后,祝福大家健康快乐,活得潇潇洒洒!

    Hỏi: Please translate the note into Sino-Vietnamese.

    ChatGPT: Certainly! Below is Chiung Yao’s note rendered into Sino-Vietnamese (Hán Việt) readings:

    Dĩ hạ thị Quỳnh Dao nữ sĩ ư 2024 niên 12 nguyệt 4 nhật phát bố dích di thư toàn văn:

    Các vị thân ái bằng hữu tri âm:

    Bất yếu khốc, bất yếu thương tâm, bất yếu vị ngã nan quá. Ngã dĩ kinh phiên nhiên đích khứ liễu!

    Phiên nhiên thị ngã tối hỉ hoan đích lưỡng tự, đại biểu đích thị tự chủ, tự tại, tự do đích phi hành, ưu mỹ nhi khinh doanh, ngã bãi thoát liễu trục tiệm lệnh ngã thống khổ đích thi hài, phiên nhiên đích hóa vi tuyết hoa phi khứ liễu!

    Thị ngã đích nguyện vọng, tử vong thị mỗi cá nhân tất kinh chi lộ, diệc thị tối hậu nhất kiện đại sự」。 Ngã bất tưởng văn thiên do mệnh, bất tưởng mạn mạn khô úa điều linh, ngã tưởng vi giá tối hậu đích đại sự tác chủ」。

    Thượng thương đối vu sinh mệnh đích quá trình, thiết kế đích bất thị thập phần hảo. Đương nhân lão liễu, đô yếu kinh quá nhất đoạn rất thống khổ đích suy nhược, thoái hóa, sinh bệnh, xuất nhập y viện, trị liệu, bất trị đích thời gian, giá đoạn thời gian, khả trường khả đoản, đối vu tất tương lão tử đích nhân, thị đa đại đích tra ma! Vạn nhất bất hạnh, hoàn khả năng thành vi y lại sáp quản duy sinh đích ngọa sàng lão nhân」! Ngã tằng kinh mục đỗ giá chủng thảm trạng. Ngã bất yếu giá dạng đích tử vong」。

    Ngã thị hỏa hoa」,ngã kỷ tận lực nhiên thiêu quá Nhi kim, đương hỏa diễm tương tức chi tiền, ngã tuyển trạch giá chủng phương thức, phiên nhiên quy khứ. Ngã yếu thuyết đích thoại, đô lục tại ngã đương tuyết hoa phiêu lạc đích thị ảnh lý liễu. Hy vọng ngã đích bằng hữu môn, đa khán kỷ thứ thị ảnh, liễu giải ngã tưởng biểu đạt đích nhất thiết

    Bằng hữu môn, bất yếu vị ngã đích tử vong bi ai, vị ngã tiếu ba! Sinh mệnh đích mỹ hảo, tựu tại vu năng ái, năng hận, năng tiếu, năng khấp, năng ca, năng thuyết, năng bào, năng động, năng hồng trần tác bạn, hoạt đắc tiêu tiêu sái sái, năng tật ác như cừu, hoạt đắc oanh oanh liệt liệt…… giá táng, ngã đô tại hữu sinh chi niên, hữu quá liễu! Ngã hoạt quá liễu, bất tằng phụ thử sinh!

    Ngã tối phóng bất hạ đích, tựu thị gia nhân hòa nhĩ môn。「Ái khẩn khẩn đích hệ trước ngã tâm, nhĩ môn đô thị ngã tối tối bất xả đích. Vi liễu lệnh ngã đích linh hồn bất tri nhân loại hữu một hữu linh hồn),diệc năng phiên nhiên」,đại gia vị ngã tiếu, vị ngã cao ca, vị ngã phi vũ ba! Ngã tại thiên chi linh, hội dữ nhĩ môn cộng vũ đích!

    Biệt liễu! Ngã chí ái đích nhĩ môn! Khánh hạnh thử sinh, tằng kinh hòa nhĩ môn tương ngộ tương tri

    Chú ý, ngã tử vong đích phương thức, thị tại ngã sinh mệnh đích chung trạm thực hành đích! Niên khinh đích nhĩ môn, thiên vạn bất yếu khinh dị phóng khí sinh mệnh, nhất thời đích chước chiết đả kích, khả năng thị mỹ hảo sinh mệnh trung đích ma luyện」,hy vọng nhĩ môn kinh đắc khởi ma luyện, tượng ngã nhất dạng, hoạt đáo bát thập lục, thất tuế, thể lực bất chi thời, tái lai tuyển trạch như hà đối diện tử vong. Đãn nguyện giá thời, nhân loại dĩ kinh tầm đáo rất nhân đạo đích phương thức, lai giúp lão nhân môn, khoái lạc đích quy khứ!

    Thân ái đích nhĩ môn, yếu dũng cảm, yếu hoạt xuất cường đại đích tự ngã」,bất yếu phụ lai thế gian nhất táng! Giá thế gian, tuy nhiên bất thị thập toàn thập mỹ, diệc hữu các chủng ý ngoại đích hỉ nộ ai lạc! Biệt thác quá giá táng thuộc vu nhĩ đích tinh thái!

    Thiên ngôn vạn ngữ thuyết bất tận, tối hậu, chúc phúc đại gia kiện khang khoái lạc, hoạt đắc tiêu tiêu sái sái!

    This text reflects the Sino-Vietnamese pronunciation of the original Chinese script. Would you like further assistance with its translation or interpretation?

    Hỏi: Could you translate this Sino-Vietnamese pronunciation into Vietnamese.

    ChatGPT: Here’s the Sino-Vietnamese text translated into Vietnamese for a more natural reading:


    Dưới đây là toàn văn di chúc do bà Quỳnh Dao công bố vào ngày 4 tháng 12 năm 2024:

    Các bạn thân yêu của tôi:

    Đừng khóc, đừng buồn, đừng đau lòng vì tôi. Tôi đã ra đi một cách “thong dong” rồi!

    “Tôi thích hai từ ‘thong dong’ nhất, thể hiện sự ‘chủ động, tự do, tự tại’ của một ‘cuộc bay’ đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Tôi đã thoát khỏi cơ thể ngày càng khiến tôi đau khổ và hóa thành bông tuyết bay đi một cách nhẹ nhàng!”

    Đây là mong muốn của tôi. “Cái chết” là con đường tất cả chúng ta phải trải qua, và cũng là “sự kiện lớn” cuối cùng trong đời. Tôi không muốn phó mặc số phận, không muốn tàn úa và héo mòn dần dần. Tôi muốn tự mình làm chủ sự kiện lớn cuối cùng này.

    Tạo hóa không thiết kế tốt quá trình sống của con người. Khi về già, ai cũng phải trải qua một giai đoạn rất đau khổ: “suy yếu, thoái hóa, bệnh tật, ra vào bệnh viện, điều trị và rồi không qua khỏi.” Thời gian này có thể ngắn hoặc dài, nhưng đối với người chắc chắn sẽ già và chết, đây là một sự tra tấn khủng khiếp! Nếu không may, có thể còn trở thành “người già nằm liệt giường sống dựa vào ống dẫn.” Tôi từng chứng kiến cảnh đau lòng đó, và tôi không muốn “chết” theo cách như vậy.

    Tôi là ‘tia lửa,’ tôi đã cố gắng cháy sáng hết mình. Bây giờ, khi ngọn lửa sắp tắt, tôi chọn cách ra đi nhẹ nhàng. Những gì tôi muốn nói đã được ghi lại trong video ‘Khi tuyết rơi.’ Hy vọng các bạn xem lại video nhiều lần để hiểu những gì tôi muốn truyền đạt.

    Các bạn ơi, đừng đau buồn vì sự “ra đi” của tôi, hãy mỉm cười vì tôi! Vẻ đẹp của cuộc sống nằm ở chỗ: có thể yêu, ghét, cười, khóc, ca hát, nói chuyện, chạy, nhảy, đồng hành với hồng trần, sống vui vẻ tự tại, căm ghét cái ác, sống mạnh mẽ oanh liệt… Tất cả những điều đó, tôi đã trải nghiệm đầy đủ trong đời! Tôi đã “sống” và không hề uổng phí cuộc đời này!

    Điều tôi lưu luyến nhất chính là gia đình và các bạn. “Tình yêu” luôn níu chặt trái tim tôi, các bạn đều là những người tôi không nỡ rời xa. Để tâm hồn tôi (dù không biết con người có linh hồn hay không) cũng có thể “thong dong,” xin hãy mỉm cười, hát vang và nhảy múa vì tôi! Tôi ở thế giới bên kia sẽ “cùng múa” với các bạn!

    Tạm biệt! Những người tôi yêu quý nhất! Thật hạnh phúc khi trong đời tôi được gặp gỡ và quen biết các bạn.

    Hãy lưu ý rằng cách tôi “ra đi” là thực hiện ở điểm cuối cùng của cuộc đời tôi! Những bạn trẻ, đừng bao giờ dễ dàng từ bỏ cuộc sống. Những khó khăn và thử thách trong khoảnh khắc có thể là “bài rèn luyện” quý giá trong cuộc đời. Hy vọng các bạn vượt qua được thử thách, sống đến 86, 87 tuổi, rồi khi thể lực không còn nữa, hãy lựa chọn cách đối diện với cái chết. Mong rằng lúc đó, nhân loại đã tìm được những cách rất nhân đạo để giúp người già ra đi một cách vui vẻ!

    Những người thân yêu, hãy dũng cảm, hãy sống mạnh mẽ, đừng phụ cuộc đời này! Thế gian này, dù không hoàn hảo, cũng đầy những niềm vui, nỗi buồn bất ngờ! Đừng bỏ lỡ những điều tuyệt vời thuộc về các bạn!

    Ngàn lời không nói hết, cuối cùng, chúc tất cả sức khỏe và niềm vui, sống tự tại và hạnh phúc!


    Hy vọng bản dịch này mang lại sự trọn vẹn và ý nghĩa cho bạn. Nếu cần thêm sự giúp đỡ, hãy cho tôi biết nhé!

    Bây giờ, tôi dùng tiếng Việt để hỏi tiếp ChatGPT.

     

    Hỏi: 翩然 (phiên nhiên), bạn dịch là “thong dong”, là hai chữ mà Quỳnh Dao rất thích. Nhờ bạn giải thích kỹ hơn hai chữ “phiên nhiên”翩然」này.

    ChatGPT: Từ 「翩然」 (phiên nhiên) mang ý nghĩa trong tiếng Trung là một trạng thái nhẹ nhàng, uyển chuyển và thanh thoát, thường được dùng để miêu tả động tác hoặc cách di chuyển của một người hay một vật một cách duyên dáng, không bị ràng buộc hay gò bó.

    Ý nghĩa chi tiết:

    1.「翩」(phiên): Nghĩa gốc là động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, thường dùng để mô tả cánh chim đang bay hay điệu nhảy mềm mại.

    2. 「然」(nhiên): Mang nghĩa như thế, biểu đạt trạng thái hay tính chất.

    Ghép lại, 「翩然」 có thể hiểu là:

    – Nhẹ nhàng và thanh thoát: Như một cánh chim bay tự do giữa không trung.

    – Ung dung, tự tại: Thể hiện cảm giác không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì, tự do làm chủ chính mình.

    Trong văn cảnh của Chiung Yao:

    Chiung Yao sử dụng 「翩然」 để mô tả cách bà lựa chọn ra đi: thanh thoát, tự do, không bị gánh nặng hay đau khổ của cơ thể già nua. Nó thể hiện sự duyên dáng và chủ động, giống như một cánh chim nhẹ nhàng rời khỏi thế giới này.

    Cụm từ này gợi lên hình ảnh đẹp đẽ và lãng mạn, rất phù hợp với phong cách nghệ thuật và nhân sinh quan của Chiung Yao.

     

    Hỏi: Tôi được biết Quỳnh Dao cũng đã để lại một bản di chúc. Bạn có nguyên văn chữ Hán bản di chúc đó không?

    ChatGPT: Bản di chúc của nhà văn Quỳnh Dao (琼瑶) bằng chữ Hán có nội dung như sau (bà đã công khai vào năm 2019, liên quan đến quyền tự quyết khi nằm trên giường bệnh):

    遗嘱声明

    如果有一天,我老了,病了,躺在床上动弹不得,失去意识,也失去了尊严,请你们一定尊重我的意愿,让我安然地走!

    不插鼻胃管!

    不插尿管!

    不进行心肺复苏术!

    不强行喂食!

    不使用任何维生医疗!

    不必叫救护车!

    直接让我走!

    如果我还有一丝意识,请在窗前放一盆兰花,或者放一盆茉莉花。如果有音乐,请放我最喜欢的《月亮河》或《梁祝》。如果可以,请在床头放一本我最爱的书。

    这些,都只是为了让我走得安详平静。请记住:我绝不允许被任何人用任何方法让我苟延残喘地活着!


    Bản này được bà Quỳnh Dao chia sẻ như một lời tuyên bố mạnh mẽ về việc tôn trọng quyền tự chủ cá nhân và phẩm giá trong những năm cuối đời. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc bản dịch, hãy cho tôi biết!

     

    Hỏi: Xin cho âm Hán Việt của bản này.

    ChatGPT: Dưới đây là âm Hán Việt của bản văn:


    Di chúc tuyên minh

    Nhược quả hữu nhất thiên, ngã lão liễu, bệnh liễu, thảng tại sàng thượng động đản bất đắc, thất khứ ý thức, dã thất khứ tôn nghiêm, thỉnh nhĩ môn nhất định tôn trọng ngã đích ý nguyện, nhượng ngã an nhiên đích tẩu!

    Bất sáp tị vị quản!

    Bất sáp niệu quản!

    Bất tiến hành tâm phế phục tô thuật!

    Bất cường hành uý thực!

    Bất sử dụng nhậm hà duy sinh y liệu!

    Bất tất khiếu cứu hộ xa!

    Trực tiếp nhượng ngã tẩu!

    Nhược quả ngã hoàn hữu nhất ti ý thức, thỉnh tại song tiền phóng nhất bồn lan hoa, hoặc giả phóng nhất bồn mạt lệ hoa. Nhược quả hữu âm nhạc, thỉnh phóng ngã tối hỷ hoan đích “Nguyệt Lượng Hà” hoặc “Lương Chúc”. Nhược quả khả dĩ, thỉnh tại sàng đầu phóng nhất bản ngã tối ái đích thư.

    Giá tá, đô chỉ thị vi liễu nhượng ngã tẩu đắc an tường bình tĩnh. Thỉnh ký trứ: ngã tuyệt bất dung hứa bị nhậm hà nhân dụng nhậm hà phương pháp nhượng ngã cẩu duyên tàn sán đích hoạt trước!


    Hy vọng giúp ích cho bạn! Nếu bạn cần hỗ trợ thêm, hãy cho tôi biết nhé!

     

    Tôi: Nhờ bạn dịch nghĩa âm Hán Việt trên sang tiếng Việt.

    ChatGPT: Dưới đây là bản dịch từ âm Hán Việt sang tiếng Việt:


    Tuyên bố di chúc

    Nếu một ngày nào đó, tôi già rồi, bệnh rồi, nằm trên giường không thể cử động được, mất đi ý thức, cũng mất đi phẩm giá, xin mọi người nhất định tôn trọng ý nguyện của tôi, để tôi ra đi thanh thản!

    Không đặt ống thông dạ dày!

    Không đặt ống thông tiểu!

    Không thực hiện hồi sức tim phổi!

    Không cưỡng ép cho ăn!

    Không sử dụng bất kỳ phương pháp duy trì sự sống nào!

    Không cần gọi xe cấp cứu!

    Hãy để tôi ra đi một cách tự nhiên!

    Nếu tôi vẫn còn một chút ý thức, xin hãy đặt trước cửa sổ một chậu hoa lan, hoặc một chậu hoa nhài. Nếu có âm nhạc, xin hãy phát những bản tôi yêu thích nhất như “Dòng Sông Ánh Trăng” hoặc “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”. Nếu có thể, hãy để trên đầu giường một cuốn sách mà tôi yêu thích nhất.

    Những điều này, chỉ để tôi có thể ra đi an lành và yên bình. Xin hãy nhớ: tôi tuyệt đối không cho phép bất kỳ ai dùng bất kỳ phương pháp nào để kéo dài một cách đau khổ cuộc sống của tôi!


    Hy vọng bản dịch này thể hiện rõ tinh thần của nội dung gốc. Nếu cần chỉnh sửa thêm, hãy cho tôi biết nhé!

     

    Hỏi: Cám ơn bạn nhé!

    ChatGPT: Không có gì, rất vui được giúp bạn! Nếu cần hỗ trợ thêm, cứ hỏi mình nhé. Chúc bạn một ngày thật vui!

    (10/1/2025)

  • Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (49)

    Đông Ngàn Đỗ Đức

    HỌA SĨ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG (1943-19/4/2020)

    Trước đây và sau này Hội Mỹ thuật sẽ không thể tìm đâu ra một Trần Khánh Chương thứ hai làm Chủ tịch giỏi hơn trong việc tổ chức quản lý hành chính công tác Hội. Bất cứ ai, kể cả người không ưa ông cũng phải thừa nhận điều đó.

    Hoạt ngôn, mềm mỏng, nhìn mặt người khác lựa lời, làm vừa lòng mọi người khi tiếp chuyện, luôn có cách thuyết phục người đối thoại, không ai có kĩ năng bằng ông. Khi cần, nhún nhường đúng lúc đúng chỗ, khiến người không nể vì cũng không làm gì được ông.

    Tôi nhớ có một lần đến Hội, khi còn hai người, tôi bảo ông: “Triển lãm khu vực vừa rồi, bức tranh vào giải tôi thấy không ổn, sao lại trao giải, nó như một cái minh họa tồi”. Lặng đi một lúc, ông nói nhỏ: “Tôi lạy ông, nhà nước đầu tư thì cũng phải có cái gì nói lại chứ”. Tôi hiểu ngay. Trong sáng tác mọi người vẽ tự do, ông không can thiệp, nhưng vẫn để ý những tranh đề tài để khi cần còn có câu trả lời. Đó là tranh vẽ ông Cụ.

    Là Chủ tịch, ông yêu công việc và tận tụy với công việc này. Tôi biết những ngày ông đôn đáo đi các tỉnh thuyết phục các địa phương bỏ tiền bỏ công sức ra cho triển lãm khu vực, không hề là việc dễ dàng tí nào, nếu không nói là điều không tưởng. Với đội ngũ quan chức mù tịt về nghệ thuật, chỉ thích nghe những dự án mang tiền đến chứ không thích chuyện móc hầu bao ra lo cho việc bày tranh của các họa sĩ, sẽ không có ai làm được như Trần Khánh Chương là thuyết phục họ bằng được. Làm thế nào là cách của ông. Đó là sáng tạo mang tên ông trong thời ông làm Chủ tịch, để từ đấy có đều các triển lãm khu vực hàng năm cho hoa sĩ các tình trên toàn quốc, mà giờ đã thành thông lệ. Đóng góp ấy của ông thật lớn, có tác dụng thúc đẩy nghề vì các họa sĩ dù được đào tạo, nhưng sáng tác đều có tính nghiệp dư vì ở các địa phương họ đều là công chức làm cơ quan này nọ nên thiếu thốn cũng nhiều. Khi các cuộc vận động sáng tác được hỗ trợ đôi chút thì mọi người đỡ khó khăn và được bày tranh là có sự hãnh diện nghề nên đua chen làm việc và cũng cho những kết quả tích cực. Không thể phủ nhận đó là sự động viên lớn đến mọi người trong ngành. Đấy cũng là một lý do để ông yên vị trên vai trò Chủ tịch Hội đến bốn khóa, phá vỡ cả quy ước của Điều lệ Hội là Chủ tịch không quá hai nhiệm kì! Nhưng ông là như thế nên khó cho ai muốn, hoặc có thể cạnh tranh với ông! Hội viên hướng về ông khiến nhiều người bực nhưng chẳng xoay chuyển được gì.

    Cái gì tồn tại cũng có cái lý của nó, dù có lúc cái lý cũng không lý lắm! Vì có khả năng đặc biệt biết vỗ về hội viên như vậy nên ông được cấp trên ủng hộ, và hội viên dễ dàng bỏ phiếu cho để ông có đến bốn khóa làm Chủ tịch. Mãi Đại hội 2019 ông mới rút lui khỏi Ban chấp hành theo chỉ thị của ông Trần Quốc Vượng Bộ Chính trị về độ tuổi nhân sự đứng đầu các Hội. Nếu không ông có thể ngồi tiếp nhiệm kì 5!

    Đại hội Mỹthuật nhiệm kì IX (2019-2024), từ ngày 15 đến ngày 17/12-2019, vừa ra viện một tuần, người không khỏe mà ông vẫn điều khiển hội nghị chu đáo đến cả khâu nhân sự trước khi bế mạc!

    Thương ông gần như không biết tuổi hưu, không có ngày hưu nào vì mải mê với công việc Hội cho đến lúc lâm bệnh ra đi ngay sau thôi chức Chủ tịch mấy tháng.

    Bạn bè, anh em hội viên nhớ ông, cung kính tiễn ông, mong từ đây ông sẽ được an nghỉ miền cực lạc.

    19/4/2020

     

  • Ký ức năm hào

    Nguyễn Quang Lập

    Thủa nhỏ đi học không sợ gì chỉ sợ đến ngày nộp học phí. Lương ba hình như trăm lẻ năm đồng, gọi là lương cao, nhưng bảy, tám miệng ăn, chưa đến nửa tháng đã hết tiền. Suốt cả thời kì ấu thơ của mình, nhà mình khi nào cũng khốn đốn chuyện nợ nần.

    Có tám hào học phí, mua được mười sáu cái kẹo văn, mà lần nào về xin học phí mạ cũng gắt um lên, nói, mi đi học sau này có làm vương làm tướng chi không mà tháng mô cũng đòi tiền tau.

    Mình ngồi khóc ri rỉ từ sáng đến chiều, cuối cùng mạ cũng cho. Mừng hết lớn. Nhưng tháng sau lại lặp lại y xì tháng trước, khốn khổ vô cùng.

    Có lần thấy mình nộp học phí trễ cô giáo hỏi, mình nói nhà em chưa có tiền. Cô cười cái hậc, nói, nhà thầy Đạng mà không có tám hào học phí à, vô lý. Nhục quá đã tính tự tử.

    Cho nên khi được giải học sinh giỏi lớp bốn của huyện, hình như giải hai, giải ba chi đó cả văn lẫn toán, được thưởng tám đồng, mừng muốn ngất, trông các thầy các cô nói cho nhanh xong buổi lễ mừng công để chạy ù về đưa tiền cho mạ. Mạ cười xoa đầu, nói, con mạ giỏi hè. Rồi bà rút ra cho mình năm hào.

    Sau này đã có lúc làm đến vài trăm triệu nhưng chưa bao giờ có được cảm giác hân hoan như khi cầm năm hào mạ cho ngày ấy. Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy rưng rưng.

    Mình chạy ù xuống nhà con Hà, xoè tờ năm hào khoe, nói, tau có năm hào! Tưởng nó phục lắm, hoá ra nó vặn lưng quần chìa ra một tờ năm hào, cười he he he. Mình vừa ngượng vừa tức, cứ xử nó tiêu hết năm hào đi để mình nhiều tiền hơn nó nhưng nó kiên quyết không.

    Hồi này làng Đông Dương chẳng có quán xá gì. Mọi thứ chỉ chờ đến sáng có phiên chợ thì mua. Chợ họp nhanh, mặt trời chưa quá con sào đã tan, sợ máy bay bắn. Mình thì học buổi sáng, thành ra suốt tuần chẳng mua được gì. Cứ mong đến ngày chủ nhật, nhất định mua hai cái bánh tráng với hai lát bánh đúc ăn một bữa cho đã. Còn lẩm nhẩm tính cho đứa nào, không cho đứa nào.

    Con Hà thì nhất định cho nó rồi. Sáng nào đi học nhờ nó mà mình không bị đói. Có bất kì cái gì nó cũng để phần cho mình, kể cả mấy lát khoai deo. Em nó đòi nó không cho, kiên quyết để dành cho mình.

    Con Hà dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài (giống Thu Hà báo Tuổi trẻ, he he). Nhà nó 5 chị em gái, ai cũng xinh. Mới mười một tuổi ngực nó đã nhú trái cau. Thỉnh thoảng nó lại vén áo cho mình xem đôi núm vú bé xíu của nó. Mình lấy ngón tay ấn ấn, hỏi, đau không? Nó nói, mới mọc hơi đau đau giờ hết rồi. Mình nhìn đôi núm vú say sưa, nói, hay hè. Nó nói, rồi to bằng người lớn tề. Mình nói tởm hè. Nó lườm mình, nói, tởm răng mà tởm, phải to bằng người lớn để cho con bú chớ. Minh nhăn răng cười, nói, tởm.

    Năm hào mình để trong túi, thỉnh thoảng giật mình mò vào túi, vẫn còn, thở phào nhẹ nhõm. Sau sợ mạ hay lấy áo giặt bất thình lình làm nát tiền, mình kẹp vào chính giữa cuốn vở bài tập toán.

    Thế mà mất.

    Sáng thứ bảy mình soạn vở đi học, mở cuốn bài tập toán ra xem: Năm hào không còn nữa. Đêm qua trước khi ngủ kiểm tra vẫn còn, sáng dậy đã mất. Mình ngồi lặng ngắt, mồ hôi trán ướt đầm, nước mắt cứ thế chảy giàn giụa. Nghi nhất anh Thắng, anh Tường nhưng không bắt được tay day được cánh đành chịu.

    Mình đến lớp ngồi im. Con Hà đưa cho củ khoai nướng không ăn, nó hỏi gì cũng không nói. Mãi sau con Hà không hỏi nữa thì mình lại mở mồm, nói, tao mất năm hào rồi. Nó giật cuốn vở bài tập toán lật lật mấy trang rồi chìa ra tờ năm hào, nói, đây nì! Mình nhảy cẫng lên, sung sướng quay cuồng. Mười năm sau mới biết đó là năm hào của con Hà, nó làm vậy cho mình vui, chứ khi đó thì hoàn toàn không biết.

    Con Hà nói, để tao cất cho, mi cất mấy anh lấy mất. Mình nói, mai mi đi chợ mua ăn hết luôn. Nó hỏi, mua chi? Mình nói, bánh tráng bánh đúc. Chỉ hai đứa mình ăn thôi, không cho đứa mô hết. Nó nói ừ, không cho đứa mô hết. Mình nói ừ, không cho đứa mô ăn hết. Hai đứa vừa tranh nhau nói vừa nuốt nước bọt ừng ực.

    Sáng chủ nhật ngủ dưới hầm, ngủ chán mắt thì thôi, nghe bom nổ ầm ầm cũng không thèm dậy. Đến khi chui ra khỏi hầm thấy mạ đứng nói chuyện với mấy người hàng xóm, nói, bom thả trúng chợ chết hết rồi. Lúc đầu cũng chỉ ngồi nghe thế thôi, sau sực nhớ sáng nay con Hà đi chợ, mình ù té chạy xuống chợ.

    Chợ ở đầu làng, nằm dưới rặng trâm bầu. Mình chạy xuống chẳng còn ai, chỉ có mấy anh dân quân đang dọn dẹp. Bốn quả bom thả trúng chợ, nát bét hết, nước mắm, muối, bún, bánh đa, bánh đúc, thịt cá lẫn trong máu, cát và thịt người. Mấy anh dân quân đuổi mình đi, nói, chạy mau lên không máy bay quành trở lại đó!

    Mình chạy về nhà con Hà. Nhà nó chật kín người, cả nhà nó đang khóc rú. Mình chen vào. Con Hà nằm trên tấm chiếu hoa trải giữa sân, phủ một tấm vải trắng trùm kín đầu. Không thấy gì hết, chỉ thấy bàn tay nhỏ xíu của nó chuồi ra khỏi tấm phủ đang nắm chặt khư năm hào.

    Mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc.

  • Trí tuệ nhân tạo là tin xấu cho Nam Bán cầu

    Làn sóng công nghệ sắp tới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.

    Rachel Adams, Foreign Policy, ngày 17 tháng 12 năm 2024

    Tôn Thất Thông dịch

    DĐKP giới thiệu: Lịch sử dường như đang lặp lại. Cách đây hơn hai thế kỷ, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo nên tăng trưởng kinh tế, còn bây giờ, trí tuệ nhân tạo (viết tắt: AI) đã thay đổi cục diện kỹ thuật số. Cả hai đều có một xung lực giống nhau: tăng năng suất lao động. Nhìn lại quá khứ, một trong những hậu quả của cách mạng công nghiệp là sự bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng giữa các quốc gia. AI có sinh ra hậu quả tương tự như thế hay không?

    ***

    Một người đàn ông giải thích cách anh tạo ra các cảnh biểu tình cho áp phích và bài đăng trên mạng xã hội bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, được nhìn thấy tại cửa hàng của anh ở Dakar, Senegal, vào ngày 13 tháng 2 năm 2024. © Guy Peterson/AFP qua Getty Images

    Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cấu trúc nền kinh tế toàn cầu của chúng ta, nhưng không chắc là mọi lớp người đều được hưởng lợi từ đó. Những người ủng hộ AI ca ngợi tiềm năng của nó trong việc giải mã những thách thức toàn cầu khó khăn và thậm chí xóa đói giảm nghèo, nhưng về khía cạnh đó, thành tựu của nó xem ra rất ít ỏi. Thay vào đó, bất bình đẳng toàn cầu hiện đang gia tăng. Những quốc gia đang phát triển AI và có khả năng dễ dàng đưa những công nghệ này vào ngành công nghiệp sẽ chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng phần còn lại của thế giới, nơi phải đối mặt với những rào cản quan trọng trong việc áp dụng AI, sẽ ngày càng tụt hậu.

    Trong lịch sử, việc đưa công nghệ mới vào xã hội đã mang lại sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Công nghệ thường được thiết kế để làm điều này bằng cách tăng năng suất: Ví dụ, máy khâu hoặc máy kéo cho phép sản xuất hàng dệt may hoặc thu hoạch mùa màng nhanh hơn. Kể từ đầu thế kỷ, công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một lực lượng kinh tế đặc biệt mạnh mẽ. Tại Hoa Kỳ, theo một nghiên cứu năm 2021, đóng góp của internet vào GDP của quốc gia này đã tăng 22 phần trăm mỗi năm kể từ năm 2016. Nền kinh tế kỹ thuật số của Hoa Kỳ hiện có giá trị hơn 4 nghìn tỷ đô la.

    AI là một động lực mới và mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2017, PwC đã cố gắng định giá giá trị mà AI sẽ mang lại cho nền kinh tế quốc gia và GDP toàn cầu. Trong một báo cáo có tính bước ngoặt có tên Sizing the Prize, công ty tư vấn này khoe rằng đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc, Bắc Mỹ và Châu Âu sẽ giành được 84 phần trăm thành quả này. Phần còn lại nằm rải rác trên khắp thế giới, với 3 phần trăm dự đoán cho Châu Mỹ Latinh, 6 phần trăm cho Châu Á phát triển và 8 phần trăm cho toàn bộ khối “Châu Phi, Châu Đại Dương và các thị trường Châu Á khác”, như PwC gọi.

    Sau sự ra đời của các công nghệ AI tạo sinh như loạt GPT của OpenAI, McKinsey ước tính rằng thế hệ AI mới này sẽ tăng năng suất của AI trên khắp các ngành công nghiệp từ 15 đến 40 phần trăm, có khả năng tăng thêm 4,4 nghìn tỷ đô la một năm cho nền kinh tế toàn cầu. Đây được coi là những ước tính thận trọng. Khả năng của bộ mô hình ngôn ngữ lớn mới, trong đó ChatGPT là một phần, đặc biệt quan trọng vì khả năng nâng cao năng suất, đặc biệt là trên các nền kinh tế có nền tảng trí tuệ, nơi các tác vụ dựa trên ngôn ngữ tạo thành cơ sở cho đầu ra hiệu quả cao.

    Báo cáo của McKinsey cũng bao gồm sự phân tích các ngành và chức năng sản xuất được thiết lập để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, đặc biệt là các ngành công nghệ cao (công nghệ, thám hiểm không gian, quốc phòng), ngân hàng và bán lẻ. Ngược lại, ngành có khả năng tăng trưởng ít nhất là nông nghiệp, vốn dĩ là lĩnh vực quan trọng nhất của Châu Phi và là nguồn sống và việc làm chính trên lục địa này.

    Hiện tại, các tính toán của McKinsey đã ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI tạo sinh, khi thông tin về những cách thức mà công nghệ AI có thể cải thiện sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh đang phát triển còn hạn chế. Ngày nay, ngày càng có nhiều trường hợp sử dụng chứng minh giá trị của AI trong các ngành công nghiệp nông nghiệp của Châu Phi. Tại Tanzania, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Sokoine đang sử dụng các công nghệ AI tạo sinh để tạo ra một ứng dụng cho nông dân địa phương sử dụng để nhận lời khuyên về bệnh cây trồng, năng suất và thị trường địa phương để bán sản phẩm của họ. Tại Ghana, các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm AI có trách nhiệm đang thiết kế các công nghệ AI để phát hiện thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, những trường hợp như thế này vẫn còn hạn chế về quy mô và tác động. Ở giai đoạn này, vẫn chưa rõ liệu AI có mang tính chuyển đổi trong bối cảnh Châu Phi như lời hứa của nó hay không.

    Việc áp dụng AI ở các khu vực đang phát triển cũng bị hạn chế bởi thiết kế của nó. AI được thiết kế tại Thung lũng Silicon trên dữ liệu chủ yếu bằng tiếng Anh thường không phù hợp với mục đích sử dụng bên ngoài bối cảnh phương Tây giàu có. Việc sử dụng AI hiệu quả đòi hỏi phải có quyền truy cập internet ổn định hoặc công nghệ điện thoại thông minh; ở Châu Phi cận Sahara, chỉ có 25 phần trăm người dân có quyền truy cập internet đáng tin cậy và ước tính phụ nữ Châu Phi có khả năng sử dụng internet di động ít hơn 32 phần trăm so với nam giới.

    Các công nghệ AI tạo sinh cũng chủ yếu được phát triển bằng tiếng Anh, nghĩa là các kết quả đầu ra mà chúng tạo ra cho người dùng và bối cảnh không phải phương Tây thường vô dụng, không chính xác và thiên vị . Những người đổi mới ở Nam Bán cầu phải nỗ lực ít nhất gấp đôi để khiến các ứng dụng AI của họ hoạt động trong bối cảnh địa phương, thường bằng cách đào tạo lại các mô hình trên các tập dữ liệu địa phương và thông qua các hoạt động thử nghiệm và sai sót rộng rãi.

    Trong khi AI được thiết kế để tạo ra lợi nhuận và giải trí chỉ dành cho những người đã được hưởng đặc quyền, nó sẽ không hiệu quả trong việc giải quyết các điều kiện nghèo đói và thay đổi cuộc sống của các nhóm bị gạt ra ngoài lề thị trường tiêu dùng của AI. Nếu không có mức độ bão hòa cao trong các ngành công nghiệp lớn và không có cơ sở hạ tầng tại chỗ để cho phép mọi người tiếp cận có ý nghĩa với AI, các quốc gia Nam Bán cầu khó có thể thấy được những lợi ích kinh tế lớn từ công nghệ này.

    Khi AI được áp dụng trên khắp các ngành công nghiệp, lao động của con người đang thay đổi. Đối với các quốc gia nghèo hơn, điều này đang tạo ra một cuộc chạy đua mới xuống đáy, nơi máy móc rẻ hơn con người và lao động giá rẻ từng được chuyển đến vùng đất của họ giờ đây đang được đưa trở lại các quốc gia giàu có. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người có trình độ học vấn thấp hơn và ít kỹ năng hơn, những người đang có công việc vốn dĩ có thể dễ dàng được tự động hóa. Tóm lại, phần lớn dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể bị ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người và đe dọa đến khả năng thịnh vượng của các quốc gia nghèo hơn.

    Công nghệ AI tạo sinh đe dọa tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong bối cảnh đang phát triển. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng có tới 5 phần trăm công việc có nguy cơ bị tự động hóa hoàn toàn từ AI tạo sinh ở Mỹ Latinh và Caribe và phụ nữ có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất. Ở những quốc gia mà việc tạo ra việc làm và nền kinh tế chính thức là ưu tiên phát triển chính, AI sẽ đẩy hàng triệu người vào công việc tạm thời, việc làm theo hợp đồng hoặc việc làm theo giờ không an toàn.

    Trên thực tế, nền kinh tế việc làm tự do đang tăng nhanh chóng. Hiện tại, nghiên cứu ước tính thị phần toàn cầu của nền kinh tế việc làm không hợp là 500 tỷ, nhưng sẽ tăng lên gần 2 nghìn tỷ vào năm 2032. Hàng triệu người làm việc tự do (ước tính khoảng 30 đến 40 triệu) đến từ khắp các nước Nam Bán cầu. Người lao động trong nền kinh tế hạ tầng, chẳng hạn như tài xế giao hàng, thường phải cân bằng nhiều công việc để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống và chắc chắn là không đủ để thoát khỏi cuộc sống nghèo đói. Trên toàn cầu, người lao động nền tảng và việc làm tự do có quyền lao động hạn chế, với Chỉ số toàn cầu về AI có trách nhiệm cho thấy chỉ có bảy quốc gia trên toàn cầu có luật pháp có thể thực thi để bảo vệ những người lao động này.

    Trong khi AI tạo ra sự bất ổn cho người nghèo, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển giao thu nhập lớn nhất cho những nhóm đứng đầu của xã hội. Trên toàn cầu, hai phần ba tổng số của cải được tạo ra trong giai đoạn 2020-2022 được tích lũy bởi 1% người giàu nhất, theo ước tính của Oxfam. Và những người giàu nhất trong số họ là tầng lớp tỷ phú công nghệ mới, được trang bị quyền lực, tiền bạc và ảnh hưởng để tạo ra thế giới mà họ muốn thấy. Các công ty công nghệ là thuộc các công ty lớn nhất thế giới. Apple, được xếp hạng trong số năm công ty lớn nhất toàn cầu, có vốn hóa thị trường vượt xa tổng GDP kết hợp của lục địa Châu Phi.

    Sự giàu có của các công ty công nghệ không chỉ vẽ nên bức tranh về sự bất bình đẳng rõ rệt trong cốt lõi của AI; nó còn tạo ra rào cản cho các tác nhân khác trong việc sản xuất công nghệ AI. Gần đây, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã bắt đầu một chiến dịch huy động 7 nghìn tỷ đô la để thúc đẩy tương lai có AI làm nền tảng. Đây là loại tiền cần thiết để thiết lập loại cơ sở hạ tầng siêu máy tính cần thiết để tạo ra các mô hình AI tiên tiến. Đây không phải là môn thể thao mà mọi người đều có thể đủ khả năng chi trả.

    Tính toán, yếu tố thiết yếu để tạo ra các công nghệ và ứng dụng AI, là một trong những nguồn tài nguyên đắt đỏ nhất thế giới. Có một sự phân chia lớn trên toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên tính toán. Tổng thể, Nam Bán cầu là nơi có hơn 1 phần trăm máy tính hàng đầu thế giới và Châu Phi chỉ có 0,04 phần trăm. Hiện tại, với loại năng lực tính toán có sẵn ở Châu Phi hoặc Nam Mỹ, sẽ mất hàng trăm năm để bắt kịp với những tiến bộ đã đạt được với AI tạo ra ở phương Tây và phương Đông phát triển.

    Chi phí để các quốc gia nghèo hơn bắt kịp trong cuộc đua AI là quá lớn. Chi tiêu công có thể bị chuyển hướng khỏi các dịch vụ quan trọng như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Trong khi các chính phủ Nam Bán cầu nên điều chỉnh theo cuộc cách mạng AI, những người ra quyết định nên đánh giá chặt chẽ những tác động mà AI đang gây ra cho nền kinh tế của họ.

    ./.

    Rachel Adams là Giám đốc điều hành của Trung tâm Toàn cầu về Quản trị AI và là tác giả của cuốn Đế chế AI mới: Tương lai của bất bình đẳng toàn cầu.

    ./.

    ***

    Lời bàn của người dịch: Vào cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp đã dấy lên một niềm hưng phấn trong xã hội châu Âu. Quả thật, nhờ cuộc cách mạng công nghiệp mà phồn vinh loài người được nâng cao và dường như không có tiếng nói nghi ngờ nào trong các giới học giả thuở đó. Mãi một thế kỷ sau, bất bình đẳng gay gắt mới bộc lộ làm phân hóa xã hội, nhất là từ lúc Karl Marx phân tích một cách có hệ thống mặt trái của chủ nghĩa tư bản.

    Dù học thuyết Karl Marx đã thất bại sau gần một thế kỷ thử nghiệm, nhưng những phân tích và phê phán sâu sắc của ông đã thôi thúc các môn đồ của chủ nghĩa tư bản phải tìm cách thay đổi, bổ sung đường lối kinh tế để cứu vãn nó sau cuộc Đại Khủng Hoảng vào thập niên 1930, dẫn đến 30 năm vàng son của chủ nghĩa tư bản có sự kết hợp với chế độ xã hội hào phóng kể từ thập niên 1950. Tiếc thay, thời kỳ vàng son ấy kéo dài không hơn nửa thế kỷ.

    Ngày nay, nếu so sánh với cuộc cách mạng công nghiệp ở cuối thế kỷ 18, thì mức độ phát triển của trí tuệ nhân tạo nhanh gấp bội và tác động lên các lĩnh vực khác cũng rộng lớn gấp bội. Sự bất bình đẳng đã dần dần bộc lộ. Trong nội bộ quốc gia, đó là sự bất bình đẳng giữa những người có cơ hội triển khai hoặc ứng dụng AI với số đông còn lại. Trên bình diện quốc tế, sự bất bình đẳng cũng bộc lộ ngày càng sâu sắc giữa các nước giàu và nghèo. Liệu trong thời gian tới có xuất hiện một bộ óc siêu việt thuộc tầm cỡ Karl Marx, có đủ năng lựợng tác động lên ngành AI và chính sách các quốc gia, để xây dựng ngành này thành một ngành công nghệ mang lại lợi ích nhiều hơn là tai hại? Hy vọng là thế!

    Nguồn:  https://diendankhaiphong.org/tri-tue-nhan-tao-la-tin-xau-cho-nam-ban-cau/

  • Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (48)

    Đông Ngàn Đỗ Đức

    DUYÊN NGHIỆP

    Ở đời, thích cái gì rồi gắn với nó thì thành duyên phận. Đi mải miết theo nó thì thành duyên nghiệp. Tôi đến với khắc gỗ cũng như thứ duyên phận mà không thành duyên nghiệp.

    Năm 1970 tốt nghiệp trung học mỹ thuật, tôi được phân công về báo Việt Nam Độc lập khu tự trị Việt Bắc đóng ở thị xã Thái Nguyên làm trình bày và sửa mo-rat. Công việc gắn với nhà in nên gặp bác Ngô Thành. Bác là tổ trưởng tổ chữ nhà in Việt Bắc và có nghề tay trái khắc gỗ. Ngoài việc sửa nhíp (bản bông đầu tiên) bác còn khắc các vignette cho báo để nhồi vào chỗ trống cuối bài, hoặc minh họa theo bài, hoặc tranh cổ động trang đầu. Cũng có lúc khắc tranh truyện in trang văn nghệ. Những việc đó bác làm ngoài giờ. Hồi ấy hầu hết in tipo, sắp chữ chì, việc lê thê tốn rất nhiều thời gian.

    Công việc bù đầu, chẳng lúc nào rảnh. Có lúc báo lên khuôn, bản khắc chưa có, mọi thứ líu tìu rối canh hẹ. Thấy thế tôi bảo: “Cháu trực in, sửa mo-rat nhiều lúc nhàn rỗi, bác chỉ việc cháu giúp khắc cho”. Như bắt được vàng, cụ hấp háy đem đồ nghề và mang bản gỗ đã dán minh họa rồi hướng dẫn cho làm. Tuổi trẻ sức khỏe mắt tinh, những việc đó với tôi dễ dàng chẳng có gì phải tính toán. Tôi được bác hướng dẫn khắc. Kể cũng không khó lắm, tay phải cầm dao, mũi dao ấn sâu lên bản khắc sát nét vẽ, ngón cái tay trái đẩy lưỡi dao men theo nét dễ như gọt khoai. Bác dạy mài dao. Đá mài là đá xanh mịn. Dao khắc mài bằng dầu luyn lưỡi mới bén. Khi mài, tay phải giữ đúng độ nghiêng để khỏi mất lưỡi. Việc đó khó, nhưng mãi thành quen.

    Cứ mỗi bản khắc là hai đồng rưỡi (bằng một cân thịt gà lúc ấy). Tôi khắc bác lấy tiền công, chẳng cho mình xu nào. Nhưng tôi vui vì coi đó là được học miễn phí, biết thêm nghề khắc. Còn một thủ thuật nữa mà sau này về trường Đại học, chẳng thấy thầy nào biết. Hồi ấy khắc toàn trên gỗ thừng mực. Sau khi dán bản can lên mặt gỗ, bác bôi dầu luyn lên, lấy hai bản khắc úp mặt vào nhau ném gầm giường. Ít thì một ngày, nhiều thì một tuần, dầu ngấm xuống thớ gỗ vài zem, gỗ mềm ra, lúc ấy khắc, mặt gỗ hút lưỡi dao mềm như khoai, đi nhẹ tay mà không mẻ nét. Gỗ ngấm dầu, không ngấm nước nữa, bản khắc lại giữ được lâu.

    Bác Ngô Thành mất đã lâu, còn trong tôi vẫn bác vẫn là thầy. Người thầy gặp ngang đường có khi học được nhiều hơn thầy trên bục giảng.

    Đến khi lên Đại học làm bài thi ra trường tôi chọn khắc gỗ là vì đã thuần thục kĩ thuật khắc. Trong khi bạn cùng lớp tóe máu tay vì lưỡi dao cùn thì tôi làm nhẹ nhàng như gọt khoai. Còn khắc hộ đồng đội nữa ngon xớt. Ở trường thầy Nguyễn Thụ hay khắc gỗ, tôi nói kĩ thụật ấy thầy mới biết. Thầy cứ ngạc nhiên sao giỏi thế. Cho nên nói đến nghề, thì chỉ có thợ mới biết nhiều thủ thuật.

    Cái duyên đến với khắc gỗ là thế. Nhưng rồi cũng không bền vì rơi đúng thời thóc cao gạo kém, những năm đầu 1980 lạm phát, tiền mua gỗ khắc không có, chỉ trụ nổi 5 năm nên không thành nghiệp. Từ 1985 tôi bỏ khắc quay sang vẽ giấy dó rẻ tiền hơn. Duyên với nghề khắc đứt từ đấy, mặc dù tranh khắc của tôi cũng được nhiều người nể khi biết đến. Với 6 tác phẩm tranh khắc được nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật thì cũng coi như kẻ có danh.

    Vậy đó, cái duyên nghiệp gắn với mỗi con người nhưng nó cũng bị nhiều thứ chi phối. Cũng như ở đời có người chỉ một, còn có người có đến năm bảy tình yêu. Không thể biết hết và cũng chẳng biết tại sao!

    6/1/2025

    Một số tranh khắc gỗ của tôi:

    C

    Chợ bán thảo quả

    Bạn già – 1980

    Sớm đi nương

    Nhà sàn – 1982

    Bát rượu thề – 1985

    Chuyển hàng – 1981

    Miền Tây

    Đèo Gió

    Thiếu nữ bên sen

    Buổi sớm trên bản

    Đà Then

    Cô gái Lô Lô Hoa

    Say

    Trăng trên bản Thái

  • Tiếng Việt từ TK 17: Tóm tắt một số phong tục và các cách dùng như lêu trâu (tlâu) húc nhau, khêu đèn, trêu (tlêu), ghẹo (phần 49)

    Nguyễn Cung Thông[1]

    Phần này bàn về các cách dùng lêu trâu (tlâu) húc nhau, khêu đèn, trêu (tlêu), treo, trèo, leo, ghẹo và các từ liên hệ như nêu, xeo bè (~ chèo bè) – từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời, cũng như thông tin về một số sinh hoạt xã hội từ những nhân chứng lịch sử (mắt thấy tai nghe). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN in năm 1651), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC in năm 1651), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL in năm 1651) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), v.v. Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ). Ghẹo trâu cho húc nhau phản ánh một trò chơi dân gian vào TK 17 đã được ghi trong từ điển Việt Bồ La – bây giờ trở thành một lễ hội đình đám – cũng như một số phong tục tập quán khác sẽ được tóm tắt trong bài này. VBL có nhiều thông tin về phong tục tập quán của người Việt vào TK 17 cũng như ngôn ngữ, tuy nhiên cần phải đọc kỹ và gạn lọc ra để cho thấy rõ vấn đề hơn dựa vào các tài liệu chữ quốc ngữ, Hán/Nôm vào cùng thời kì. Một số phong tục hay hoạt động/ngôn ngữ thời đó không còn còn thường gặp, hay chỉ để lại vài vết tích mờ nhạt, cũng như đã mất hẳn: điều này cho thấy VBL/PGTN là những tài liệu ‘điền dã’ quý hiếm để xem lại văn hoá truyền thống dân tộc.

    1. Một số hoạt động văn hoá lịch sử ghi trong VBL

    – Tiền (VBL trang 792-795, 610, 237…): LM de Rhodes ghi lại khá chi tiết hệ thống tiền bạc VN vào TK 17, cấu trúc đặc biệt của ‘đồng tiền’ với hình tròn và lỗ vuông ở giữa của thời trước đã tạo ra một nhóm từ liên hệ như lõi tiền, quan, vỉa, xỏ tiền… Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” các phần 21 A, B, C cùng tác giả (NCT).

    – Đơm ma tế quỉ (VBL trang 231, 729): cúng đồ ăn cho thần thánh hay vong linh người quá cố; đơm ông bà ông vãi (VBL trang 231) là cúng đồ ăn cho tổ tiên – văn tế (VBL trang 729, 857) là bản văn đọc khi tế lễ…

    – Phạm tên cha mẹ (VBL trang 592, BBC trang 17 còn ghi đọc trại tên bà vợ quan trấn thủ tiền hay tuyền/NCT thành toàn…) cho thấy tục kỵ huý hay kiêng huý rất thường gặp.

    – Liên hệ gia đình gần phản ánh qua tên gọi ba người cha ghi trong VBL trang 92, gồm có cha ruột/cha đẻ, cha ghẻ (VBL trang 267), cha mày/cha nuôi (để ý mày nghĩa là nuôi). Tám người mẹ (VBL trang 461) là từ mẫu/mẹ sinh đẻ (để ý có chữ sinh), kế mẫu/mẹ ghẻ (VBL trang 267), đích mẫu, dưỡng mẫu (dưỡng ghi dấu hỏi ~ dưởng) hay mẹ nuôi/mẹ mày, thứ mẫu/vợ mọn cha, giã mẫu (hay là giá mẫu/NCT), xuất mẫu, nhũ mẫu/vú (xuất[2] VBL ghi là xuết, vú VBL ghi là ꞗú). VBL không ghi các cách dùng HV như tam phụ (ba người cha) hay bát mẫu (tám người mẹ). Tham khảo thêm chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17 – cách dùng mẫu/mẹ và An Nam Mít (phần 10)”.

    – Xung (VBL trang 897): niềm tin dân gian cho rằng tuổi xung khắc nên hai vợ chồng gặp nhiều vấn đề như không có con, không làm nên hay không yêu thương nhau, v.v.

    – Bánh chưng (VBL trang 122): bánh làm bằng thịt heo và gạo chỉ vào dịp tết (đầu năm mới)

    – Mả phát, mả mạt (VBL trang 459, 596-597): tục chôn theo phong thuỷ (địa lí) vì con cháu sau này có thể phát hay mạt…

    – Hung thần (VBL trang 344) ảnh hưởng không tốt cho gia đình và dòng họ nên để ‘chữa trị’ thì người ta bốc mộ (cải táng) và ném hài cốt đi để không thể gây điều xấu nữa.

    – Đàng Ngoài, Đàng Trong, Đàng Trên (tlên – VBL trang 201, 531, 806) cách gọi dân gian của các tỉnh thành, phân chia hành chánh vào thời ban đầu Trịnh Nguyễn phân tranh… Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết “Cách nói “xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài…” thời LM A. de Rhodes (phần 1) và “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes -Những mãnh vụn ngôn ngữ và lịch sử: về niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng…(phần 29)” (NCT). Ngoài ra, kẻ chỉ người (td. kẻ chợ là người ở thành thị – VBL trang 354) còn dùng để chỉ địa danh (danh từ riêng chỉ kinh đô Đông Kinh – VBL trang 111). Để biết quê nhà của ai, tiếng Việt vào TK 17 đã dùng câu hỏi “Mầy ở kẻ nào?” (VBL trang 354). Kẻ còn chỉ một địa phương (làng) nhưng cũng có thể chỉ một khu vực rộng lớn (Kẻ Bắc, Kẻ Nam, Kẻ Đông, Kẻ Tây – bản đồ An Nam của de Rhodes/1562); Kẻ chợ là kinh/thủ đô (danh từ chung): “thành Giê-Ru-Sa-Lem là kẻ chợ nước Giudêa”, “thành Ca-Pha-Na-Ung là kẻ chợ xứ Ga-Li-Lê”/Thiên Chúa Thánh Mẫu – Mayorica), v.v.

    – Cách nói xuống thuyền (Tây phương thường nói lên thuyền/tàu/xe) và lên đất (VBL trang 899) rất lạ, đến nỗi VBL phải giải thích thêm là trong trường hợp “xuống thuyền”, thì mặt nước thường thấp hơn mặt đất (tính chất của chất lỏng thường tụ lại ở nơi thấp), cho nên từ đất liền qua đến thuyền bè thì là xuống – khắc hẳn với cách nói “lên đất”. Tương tự như cách nói ở trên trời (Tây phương thường nói ở ‘trong’ trời), các cách dùng này thể hiện phần nào một tư duy tổng hợp hay nhìn rộng ra hơn, xa hơn (thiên về phẩm) chứ không đi vào chi tiết như tư duy phân tích (thiên về lượng) – tham khảo thêm chi tiết trong các bài viết như “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài… thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)”, ” Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới… (phần 4)”, “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột cho đến vật âm mình! (phần 13)”, “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài nhận xét về cách dùng thì hiện tại/tương lai/quá khứ (phần 16)”, “Tiếng Việt Thế kỷ 17 –  mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc – hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17)”, ” Tiếng Việt Thế kỷ 17 – Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng đã, đã đã, nên tật, đã tật” (phần 34), v.v.

    – VBL trang 833 và 470 ghi bốn cách gọi tên nước là chiem thành (~ Chiêm Thành, không có dấu mũ ^ và không viết hoa), trì trì (VBL trang 833) và nước mlồi, mlồ. Vào thời này, tiếng Việt chưa có quy ước viết hoa cho địa danh như các ngôn ngữ Ấn Âu như Bồ Đào Nha, La Tinh, Pháp… Để ý Chiêm Thành tiếng Bồ là Champa, nhưng tiếng La Tinh là Ciampa (có lúc ghi là Ciampà) phản ánh phần nào các âm tiếng Việt chăm/chàm và Hán Việt Chiêm 占; so với tên nước Chiêm Thành viết là 占城 trong đa số tài liệu lịch sử VN và TQ. Nếu kể luôn dạng cham (Chăm) như cù lao cham (VBL trang 399-400) thì có 5 cách gọi Champa tất cả. Nhiều cách gọi Champa trong dân gian như vậy rất đáng chú ý – tham khảo thêm chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng Trì Trì, mlồi/mlồ, Chiêm Thành – Cham và *Lâm (Ấp)” (phần 41).

    – Mực tàu (VBL trang 728) là dụng cụ/dây/tàu vạch đường thẳng, so với cách hiểu thông thường bây giờ là mực (chất lỏng dùng để viết/vẽ) của người Tàu[3]. Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết “Tản mạn về nghĩa của mực tàu” các phần 1 và 2 (NCT).

    – Bánh ngói (VBL trang 534): tục nung miếng đất để ăn (tục ăn đất), hiện nay vẫn còn tồn tại như ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc[4]

    – Nhật (nhịt, nhệt) thực, nguyệt (ngŏệt) thực (VBL trang 532, 553, 782): tục giống trống/chiêng/mỏ và lập bàn thờ vào các dịp này để đuổi tà ma…

    – Sinh thì/giờ lên (VBL trang 688) hàm ý qua đời đặc biệt cho bổn đạo CG. Có ít nhất 11 cách dùng để chỉ sự chết trong VBL và PGTN như qua đời, chết, tử, Đức Chúa Blời rước, mất, xong chên xong tay, tlút linh hồn ra, về quê (VBL giải thích rõ thêm là không ai muốn nhắc đến chết nên họ tránh dùng từ này, mà dùng nhiều cách diễn đạt khác – VBL trang 624), toi/chết toi, tắt nghỉ/tắt hơi, hết hơi (PGTN trang 237). Sự qua đời của một người theo đạo Thiên Chúa rất đặc biệt: cũng như được Đức Chúa Trời rước đi/lên hay sinh thì (VBL trang 661), so sánh với sự qua đời của một Phật tử là về Tây Phương cực lạc – tham khảo thêm các bài viết “Sinh thì là chết?” cùng tác giả/NCT.

    – Để tang để tóc: tục để tóc của đàn ông khi cha hay mẹ chết, VBL trang 721-722), giải thích được nguồn gốc cụm từ tang tóc trong tiếng Việt.

    – Chữa trùng tang liên táng: tục lấy hài cốt người chết lên và để trong nhà – trong thời kỳ ba năm khi có người thân (trong gia đình) qua đời (trùng tang) – VBL ghi câu này hai lần trong mục tang và trùng cho thấy tầm ảnh hưởng của tục lệ này trong dân gian (VBL trang 721-722). Hiện tượng trùng tang có nhiều cách hoá giải theo quan niệm dân gian hay tín ngưỡng[5].

    – Bẻ tiền bẻ đũa (VBL trang 32, 794-795): tục chỉ người chồng thuộc hạng “thứ dân” khi li/ly dị sẽ bẻ đồng tiền đồng ra hai phần, người vợ giữ một nữa và người chồng giữ một nữa. Ngoài ra, người chồng cũng bẻ những chiếc đũa để người vợ giữ một nữa và sau đó người vợ tự do lấy chồng khác[6]. Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” các phần 21 A, B, C (NCT).

    – Của mã (VBL trang 443), nhà táng (VBL trang 544): tục đốt các đồ bằng giấy cúng người chết. Tiếng Việt cận đại dùng đồ mã (so với của mã), đồ ăn (so với của ăn)…

    – Đưa khao (VBL trang 362) là làm nhưng thuyền/ngựa bằng giấy thả cho trôi sông, hàm ý trừ khử hồn người chết hay quỷ thần không trở về làm hại người dân, sau đó còn bắn súng để tiêu diệt chúng đi… Đây có lẽ là lần đầu tiên tục lệ thả thuyền giấy được mô tả một cách vắn tắt. Giai đoạn bắn súng sau cùng cho thấy hoạt động này có vẻ quy mô và liên hệ đến nhiều người (td. nhà nước tổ chức).

    – Đeo bùa (VBL trang 56): đeo bùa vào cổ (để cho may mắn).

    – Xin keo (VBL trang 356, 891), xin âm dương (VBL trang 891, 4): gieo tiền cho biết vận may hay không. Keo chỉ đồng tiền[7] chứ không phải là hai mảnh gỗ hình bán nguyệt.

    – Xin âm dương (VBL trang 4): gieo đồng tiền để biết vận mạng – còn gọi là xin thiên địa.

    – Nêu (VBL trang 516): cây sào dựng trước cửa nhà vào dịp tết để đuổi tà ma…

    – Xem giò (VBL trang 284-285): tục xem bói bằng chân gà.

    – Làm đồng làm cốt, thầy đồng, quỷ (quỉ) phụ đồng (VBL trang 236), quỷ đồng, quỷ ám, quỷ phụ (VBL trang 606-607), mời đồng (VBL trang 236), cốt, làm cốt, bóng cốt, đi cốt (VBL trang 133), tam phủ – thiên phủ, địa phủ, thuỷ phủ (VBL trang 606): các chi tiết liên hệ đến tín ngưỡng dân gian còn đến ngày nay, thường gọi là đồng bóng hay hầu bóng. Đồng còn có nghĩa là cái kính, cái gương vào thời VBL, soi gương cũng là soi đồng, tuy nhiên soi đồng có một nghĩa mở rộng là (thầy đồng) nhìn vào gương để làm phù chú. Kim loại đồng có nhiều công dụng như làm tiền, đánh bóng có thể làm gương soi… Cho nên danh từ đồng có nghĩa tương đương với tiền, gương, v.v. Tham khảo thêm chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng cái đồng, kính, gương… chiếu kính, soi gương, soi đồng, ống dòm” (phần 45).

    – Mụ bà (VBL trang 485) ghi lại bàn thờ 12 bà mụ với 12 mâm cỗ, 12 đôi đũa: tương ứng với Thập Nhị Tiên Nương (Tứ Mẫu Thánh Chầu) trong hệ thống thần linh tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu).

    – Nằm bếp là tục giữ hơi nóng bằng lò (bếp) sau khi sinh đẻ. Tục lệ này có từ các xứ lạnh (như ở Bắc/Trung bộ). Một nguyên nhân chính là do không hoạt động nhiều ngay sau khi sinh nên cần giữ thân nhiệt của bà mẹ và đứa con cho ấm, v.v. Tuy nhiên, nhà cửa người VN xưa kia rất thoáng nên ít có chuyện ngộ độc do khí than đốt phát ra (carbon monoxide poisoning – từng xảy ra bên Úc, Mỹ…) hay bị phỏng (ở VN).

    – Bảo thai (VBL trang 28) chỉ bùa mà sản phụ thường dùng để tránh sẩy thai. NCT: còn gọi là bảo thai phù 保胎符 hay an thai phù 安胎符. Các mục liên hệ đến thời kì sinh đẻ cho thấy LM de Rhodes đặc biệt chú ý đến phong tục/ngôn ngữ của giai đoạn sinh ra và qua đời của dân bản địa (so với giáo lý và niềm tin trong Thiên Chúa Giáo).

    – Đi cốt (VBL trang 133), đi bói (VBL trang 52), mời thầy bói (VBL trang 479): cho thấy một số các hoạt động tín ngưỡng dân gian như đi hỏi bà/ông đồng hay thầy bói về vận mạng. Cấu trúc ngữ pháp [đi + danh từ] rất đặc biệt so với tiếng Việt hiện đại như đi bác sĩ, đi nha sĩ, đi lính, đi bộ đội…

    – Đi cầu, đi bến (VBL trang 91) hàm ý đi ỉa (VBL trang 349 ghi yả) hay đi sông, đi đàng, đi đồng, đi ngoài (VBL trang 349). VBL trang 796 cũng ghi các cách dùng đại tiện (~ đi sông, đi đàng, ỉa) và tiểu tiện (~ đái) và giải thích thêm đây là các cách nói nhã nhặn so với các cách nói thô tục ở trong ngoặc. Như vậy có 8 cách nói ‘lịch sự’ với nét nghĩa đi làm vệ sinh trong VBL. VBL ghi đái (trang 193) và tiểu (trang 797) nhưng không ghi đi đái, đi tiểu hay đi ỉa. Đại tiện 大便 và tiểu tiện 小便 là các từ HV (tiếng Việt còn dùng trung tiện 中便 hàm ý đánh rắm, địt – có lẽ là một cách tạo từ mới/innovation cũng như giám mục, linh mục – NCT).

    – Bắt thăm, bỏ thăm, bẻ thăm (VBL trang 737), bẻ gam, bắt gam (VBL trang 257): rút số bằng những que găm hay cọng rơm rạ để cho biết vận mạng của mình…

    – Trái thị, cây thị (VBL trang 760-761) loại cây và quả ăn được và vỏ (cây, quả) có thể dùng làm thuốc (để ý cách gọi trái chứ không dùng quả vào thời VBL)… VBL ghi trái thị hình tròn và màu vàng không khác gì loài thị sau 400 năm (có thêm loại quả hình dẹp đáy tròn[8]).

    – Nhin sâm (VBL trang 552) tiếng Bồ Đào Nha là gimsăo (đọc như ginsong – gần với âm Mân Nam/Triều Châu – đây là cách đọc ghi trong phần tiếng Bồ cũng như từ Cao Ly); phần tiếng La Tinh lại không nhắc đến tên tiếng Bồ gimsăo, mà chỉ giải thích thêm[9] là thứ dược thảo này rất mắc tiền: người Trung Hoa phải dùng vàng để mua.

    – Vua (VBL trang 72-73, trang 841 mục tứ vệ, trang 117 mục Chúa): cơ cấu nhà nước vào TK 17, vua chỉ có tước hiệu và quyền hành thực sự (cai trị toàn dân) nằm trong tay Chúa… Để ý chữ vua có hai dạng trong VBL ꞗua và bua: tâu ꞗua, đền ꞗua, phân ꞗua (VBL trang 73, nguồn gốc của cách dùng phân bua hiện đại), bua trang 841 (phần tiếng Bồ giải thích tứ vệ), VBL trang 279 (ꞗua ra giao: hai dạng ꞗua và bua đều xuất hiện trong phần tiếng Bồ và La Tinh), VBL trang 400-401 ghi bua phần tiếng Bồ nhưng lại ghi ꞗua trong phần tiếng La Tinh.

    – Tứ vệ (VBL trang 841) chỉ lính của vua, nhưng VBL ghi thêm là vua không có quyền cai trị, thực quyền nằm trong tay chúa (xem thêm mục vua và chúa bên trên). Tứ vệ có thể hàm ý trước, sau, bên trái và bên phải: td. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi vua Lê Thái Tổ (1428-1433) đặt Thông hầu Lê Nhân Chú làm Hành quân đốc quản nhập nội đại tư mã, lĩnh Tiền, Hậu, Tả, Hữu tứ vệ, kiêm tri Tân vệ quân sự.

    – Long Thái (VBL trang 734, làm vua nhà Mạc khi rút lên Cao Bằng – đây là niên hiệu của Mạc Kính Khoan). Đức Long (VBL trang 400-401) là niên hiệu thứ nhì của vua Lê Thần Tông sau kì hạn hán và mất mùa năm 1629, niên hiệu thứ nhất là Vĩnh Tộ (1619-1628). VBL ghi sự đổi niên hiệu như vậy là do lòng tin dị đoan. Như vậy là có 3 niên hiệu được ghi lại trong VBL và LM de Rhodes là một nhân chứng lịch sử trong thời kì này. Xem thêm bài viết “Những mãnh vụn ngôn ngữ và lịch sử: tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng, chúa Bằng ở kinh đô” (phần 29).

    – Tả (VBL trang 712) ghi viên quan bên tả (tả phủ) của chúa Đàng Ngoài thì cao hơn viên quan đứng bên tay trái (hữu phủ), theo tục của triều đình Trung Hoa từ thời Hán[10].

    – Chưởng (hay chưẩng – VBL trang 123) phần tiếng La Tinh giải thích rằng chưởng[11] chỉ một chức quan cao cấp ở Đàng Trong, nhưng lại là một chức quan thấp nhất ở Đàng Ngoài (Đông Kinh). Phần tiếng Bồ giải thích ít hơn: chưởng chỉ một chứa quan bình thường. Mục này cho thấy hai điều quan trọng: 1) phần tiếng La Tinh khác phần tiếng Bồ phản ánh sự bổ túc sau này của de Rhodes vào các tự điển của Amaral và Barbosa (tiếng Việt và Bồ) 2) de Rhodes phân biệt ngôn ngữ địa phương và cách dùng: sự khác biệt đã bắt đầu tuy Đàng Trong và Đàng Ngoài chỉ chia cách từ đầu TK 17. Thí dụ như Nguyễn Hoàng (1625-1613) được phong Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái uý Đoan quốc công (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). ĐNQATV (1895) còn ghi cách nói ‘làm như ông chưởng’ hàm ý ta đây, làm như ông lớn…

    – Vô thường (VBL trang 787) là tên của loài ma quỷ (nomen diaboli/L) người già sợ vì đại diện cho sự chết (lấy hồn đi), vì vậy mà họ thường ở trong chùa vào ba ngày đầu năm để tránh. Không phải lúc nào loài ma quỷ này cùng làm như vậy (hàm ý sự việc bất định – NCT) nên người ta thường nói “vô thường” – để ý cách giải thích có phần ‘thuần thần học CG’ của LM de Rhodes tuy lại có những thông tin thú vị về phong tục VN vào TK 17. Cách dùng ăn tết ba ngày (mục tết, VBL trang 731) phản ánh một phong tục lâu đời cũng như nhiều tục lệ gắn liền với các ngày đầu năm này đã được ghi lại khá rõ nét trong ‘từ điển’ này (td. vào chùa 3 ngày, ăn bánh chưng, dựng cây nêu trước nhà…).

    – Cẩu vương (VBL trang 92) là ‘vua chó’ – tại sao người Việt lại dùng từ HV như vậy rất đáng chú ý (các tài liệu sau này lại không thấy dùng?), nhất là khi VBL ghi rõ là tục này[12] (thờ thần chó – idolum/L) ở Đông Kinh.

    – Sinh kí tử qui – sống thì gưởi, chết thì về (VBL ghi 3 lần: trang 687 mục sinh, trang 300 mục gưởi, trang 626 mục qui). Đây là câu nói phản ánh niềm tin của lương dân về cuộc sống con người chỉ là con đường đi qua tạm thời, và sư chết là trở về nhà mình (về quê/VBL) hay trở về cội nguồn. PGTN trang 8 cũng nhắc lại câu trên[13] cho thấy mức độ phổ thông của niềm tin này trong xã hội VN vào TK 17.

    – Nhương sao (VBL trang ) là tục cúng sao (td. xin xăm) và cầu xin sự may mắn khi xuất hành hay việc làm… Nhương HV có thể viết là 攘 bộ thủ hay 禳 bộ thị.

    – Mẩn (VBL trang 451) là loại gạo Nhật Bản mà người ta gọi là suxi (VBL ghi là fuxi, mẫu tự La Tinh f còn đọc là s/NCT). Đây có lẽ là lần đầu tiên món ăn Nhật sushi được ghi nhận ở VN. Liên hệ giữa Nhật Bản và An Nam đã từng được ghi nhận qua các bản tường trình của một số giáo sĩ, để hiểu rõ vấn đề hơn, ngược dòng thời gian vào giữa thế kỷ XVI, LM Francis Xavier (dòng Tên) đã qua giảng đạo ở Nhật rất thành công với hơn 100.000 người theo đạo. Nhưng vào năm 1587, Công giáo lại trở thành một hiểm hoạ lớn cho quá trình thống nhất Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi đã ra lệnh hành quyết (bằng đinh đóng trên cột/cruxifixion) 26 tôn đồ (có 6 giáo sĩ Tây phương) ở Nagasaki. Một số người theo đạo từ lúc đó phải làm lễ một cách thầm kín (lén lút), một số phải rời khỏi Nhật Bản; các giáo sĩ thường trở về tổng hành dinh ở Ma Cao hay Manila. Làn sóng người Nhật tị nạn đã đến miền Trung VN (Hội An) cùng với những thương nhân Nhật đã đến đây từ trước đó, đánh dấu giai đoạn giao thương rất tích cực giữa VN và các nước chung quanh – như vào năm 1619 chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái cho một thương gia Nhật. Vào năm 1618, LM Chistoforo Borri (người Bồ-Đào-Nha)  đã từng miêu tả Hội An là “… “Thành phố rộng rãi, có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia thì người Nhật Bản ở…”. Với số thương gia và gia đình Nhật Bản ở Hội An, đương nhiên là họ sẽ đem một số thức ăn từ bản quốc đến VN như món sushi chẳng hạn.

    – Thiêu ma (VBL trang 765) là đốt xác chết (hay hoả táng, td. hoả táng của Đức Phật Tổ, các tôn giáo ở Ấn Độ như Ấn Độ Giáo và Kỳ Na Giáo…) – một tập tục khác hẳn với tín ngưỡng CG truyền thống[14] – nhất là niềm tin vào phục sinh (sự sống lại, td. sự sống lại của Đức Chúa GiêSu). So sánh cách dùng thiêu sống (đốt cho chết) và thiêu ma (đốt xác chết). Thời VBL còn có các cách dùng cất ma (cất ~ chôn, ma ~ xác chết hay thây ma/VBL trang 735 , bây giờ thường nói là đám ma), làm ma là tang ma và giỗ trong ba năm thọ tang. Cách đọc thiêu bộ hoả 燒 đã có từ TK 17, tuy nhiên tại sao thiêu bộ túc 跳 và thiêu bộ thủ 挑 lại đọc là khiêu – phần này (bài số 49) sẽ bàn chi tiết hơn về chủ đề này.

    – Chọi gà (VBL trang 113): tục đá gà (theo cách gọi Đàng Trong/BehaineTaberd – sđd). VBL trang 113 còn ghi hai cách dùng gà chọi (gà đá, gà nòi) và chọi gà (tục đá gà), phản ánh phần nào sự phổ biến của chơi đá gà trong xã hội VN vào TK 17; ngoài ra thứ tự chữ (gà chọi ≠ chọi gà, VBL) cũng quan trọng để sử dụng tiếng Việt thêm chính xác.

    – Lêu trâu húc nhau (VBL trang 411), lên húc (VBL trang 342): kích thích trâu để chúng lấy sừng húc nhau) – phản ánh tục chọi trâu/đấu ngưu vẫn còn hiện diện trong vài vùng ở Bắc Bộ (nổi tiếng nhất là ở Đồ Sơn). Phần này (bài đánh số 49) sẽ bàn chi tiết hơn về chủ đề này.

    2. Lêu – liêu – trêu

    2. 1 Lêu trâu (tlâu) húc nhau

    VBL trang 411

    Lêu trâu húc nhau là chọc các con trâu cho chúng dùng sừng húc nhau, có thể cách dùng này đã được ghi nhận khi LM de Rhodes ở Đàng Ngoài, tuy nhiên rất khó hiểu nếu loài trâu giúp việc cho nhà nông mà người ta lại trêu chọc chúng để húc nhau một cách tiêu cực như vậy! Nói cách khác, ghi nhận như trên trong VBL có thể là một trò chơi dân gian khá phổ biến cũng như các cách dùng chọi gà, gà chọi. Ngày nay, phong tục chọi trâu[15] (còn gọi là đấu ngưu) vẫn còn trong vài địa phương ở Bắc Bộ (td. Đồ Sơn thuộc Hải Phòng, Hải Lựu thuộc Vĩnh Phúc…). Câu ca dao truyền tụng từ xa xưa sau đây phản ánh phần nào tập quán này

    Dù ai buôn đâu bán đâu

    Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về

    Dù ai buôn bán trăm nghề

    Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu.

    Hay trong các tài liệu Hán Nôm

    鬭鷄打隊. 鬭牛隊

    “Đấu kê”: Đá chọi gà. “Đấu ngưu”: chọi trâu (Đại Nam Quốc Ngữ), v.v.

    Động từ lêu hàm ý khiêu khích, chọc cho tức lên: td. học dốt, phải phạt bị anh em lêu (VNTĐ, 1931). Tuy nhiên, lêu không thấy dùng nữa trong tiếng Việt ngoại trừ trong các từ láy và cảm từ như cao lêu nghêu, lêu đêu, lêu – có đứa ăn tham – lêu lêu (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê 1999), khi chọc ghẹo mấy cô gái thì nói lêu lêu mắt cỡ, lấy thúng mà che (Bonet, 1899). Trong tự điển Bồ Việt chép tay (khoảng cuối TK 18, đầu TK 19) động từ lêu được dùng tương đương với khêu (khêu đèn) – động từ tiếng Bồ Đào Nha atiçar nghĩa là khiêu khích, gây ra… Ít người biết liêu chiến 撩戰 cùng nghĩa như khiêu chiến 挑戰 (khiêu chiến đọc là tiǎo zhàn theo pinyin bây giờ rất khác với cách đọc khiêu chiến tiếng Việt hiện đại).

    Tự điển chép tay Việt Bồ TK 18-19

    Điều này dẫn đến động từ khêu và các dạng liên hệ, phần sau (mục 3) sẽ bàn thêm về một dạng âm cổ phục nguyên của khiêu, khêu, trêu và *lêu so với dạng HV thiêu/khiêu 挑. Tuy nhiên, VBL cũng ghi động từ tlêu (~ trêu) cùng nét nghĩa với lêu, nhưng cũng cho thấy cách dùng rộng hơn như trêu tôi, trêu đàn bà, đi trêu đứa ấy – so với cách dùng hẹp hơn của lêu trong lêu trâu húc nhau. Một điều đáng chú ý là trong vốn từ Hán có chữ liêu 撩 cùng nét nghĩa (nâng lên, khiêu chọc) và cận âm lêu, và cũng dùng làm chữ Nôm để viết lêu: các tác giả ghi dạng này là Béhaine 1772/1773, Taberd 1838, Huỳnh Tịnh Của/1895 – so với chữ Nôm dùng khâu HV 丘 (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa, Quốc Âm Thi Tập)… VBL trang 268 còn ghi động từ ghẹo (hàm ý đùa giỡn với đàn bà): các dạng lêu, trêu và ghẹo có liên hệ nào hay không? Phần sau sẽ bàn thêm chi tiết.

    VBL trang 810

    Tự điển Béhaine/Taberd (sđd)

    Nên nhắc ở đây là liêu còn ghi là trêu (bộ khẩu + triệu 召) trong Tam Thiên Tự, Truyền Kỳ Mạn Lục; hay 嘹 (Thiên Nam Ngữ Lục, Cung Oán Ngâm Khúc) – hãy thử xem lại các cách đọc của chữ liêu HV để có thể tìm ra các tương quan ngữ âm liên hệ.

    2.2 Chữ liêu/liệu/liễu/lão 撩 (thanh mẫu lai 來, vận mẫu tiêu hào 蕭豪, thượng/bình thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

    以蕭切 dĩ tiêu thiết (TVGT – Đại từ bổn 大徐本) dẫn đến dạng *diêu

    洛蕭切 lạc tiêu thiết (TVGT/ĐNT, ĐV)

    落蕭切 lạc tiêu thiết (QV)

    憐蕭切 liên tiêu thiết (TV, VH, LT)

    力條切 lực điều thiết (NT, TTTH)

    力弔切,音料 lực điếu thiết, âm liệu (TV)

    吊弔反 lực điếu phản (LKTG)

    連條切,音聊 liên điều thiết, âm liêu (CV, TVi)

    盧鳥切 lô điểu thiết (ĐV, CV)

    朗鳥切,音了 lãng điểu thiết, âm liễu (TV, VH, LT)

    力鳥反 lực điểu phản (LKTG)

    郞到切,勞去聲 lang đáo thiết, lao khứ thanh (TV)

    魯晧切,音老 lỗ hạo thiết, âm lão (LT, KH)

    CV ghi cùng vần/bình thanh 聊 膋 嘹 翏 飂 僚 寮 寥 廖 嵺 戮 熮 豂 遼 憀 料 敹 鐐 璙 簝 撩 漻 鷯 獠 嶛 繚 轑 燎 瞭 (liêu liệu liêu/lão liêu/liệu/lão)

    盧皎切 lô kiểu/hiệu thiết (CV, TVi)

    連橋切,音聊 liên kiều thiết, âm liêu (CTT)

    v.v.

    Giọng BK bây giờ là liáo, liāo hay liào (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông liu4, liu1, liu6 và các giọng Mân Nam 客家话 [台湾四县腔] liau2 liau1 [梅县腔] liau2 [宝安腔] liau2 | liau1 [客英字典] liau2 [陆丰腔] liau3 [客语拼音字汇] liau1 liau2 [海陆腔] liau2 liau1 [东莞腔] liau2, 潮州话 liou5/liao5 liou2/liao2, tiếng Nhật reu và tiếng Hàn yo (ryo > yo).

    Liêu HV, so với dạng lêu tiếng Việt, có các nét nghĩa là nâng lên, khêu lên, trêu chọc (td. tlêu đàn bà/VBL) có những cách dùng tương ứng trong tiếng Việt như lêu đèn ~ khêu đèn, lêu trâu húc nhau, v.v. Từ thời Tập Vận (TK11), liêu đã có khả năng đọc là lão: do đó ta thử so sánh các tương quan sau cho thấy khuynh hướng mở rộng nguyên âm -iêu trong tiếng Việt:

    liêu 撩 lêu

    liêu 撩 tlêu (trêu)

    liệu 嘹 lẻo, trẻo – chỉ còn lại vết tích trong các cách dùng trong trẻo, trắng trẻo, nước trong lẻo, trong leo lẻo…

    liễu 瞭 cũng như 憭 hay 瞭 nghĩa là (hiểu) rõ (VBL ghi là rỏ < *lɔj); lõi (ăn chơi đã lõi, lõi đời/Việt Nam Tự Điển), sõi (lõi > sõi biến âm l – s)

    liêu 寮 lều

    liêu 遼 hay còn viết là 辽 so với tiếng Việt lâu (không mau)

    liễu 憭 rõ (hiểu rõ)

    liễu 繚 rối (rối loạn) < *lɔj

    liễu 了 rồi (xong) < *lɔj

    liễu 柳 (bệnh) lậu – từ cách dùng hoa liễu 花柳 (VBL ghi là tim la)

    phiêu   bêu, lêu bêu, lều bều, bèo

    thiêu    thêu

    nghiêu nghệu

    điều     đều (đều gì/ đí gì/VBL)

    nhiều nhèu (dèu/VBL), bao nhiêu ~ bao nhêu (VBL)

    chiếu chếu (VBL)

    siệc sệt (VBL): sợ siệc ~ sợ sệt

    tiếu      tếu

    điêu     đểu

    điện     đền

    v.v.

    Trong 40 chữ với một thành phần là chữ liệu 尞 (chữ hiếm dùng làm tên họ TQ) thì có chữ hiếm[16] dùng bộ trĩ 豸 viết là 䝤 đọc là liêu, lão nhưng còn có thể đọc là trảo (張狡切 trương giảo thiết/QV hay 竹狡切 trúc giảo thiết/TV). Dạng trảo cho thấy tổ hợp phụ âm tr- (tl-), vết tích âm đọc cổ hơn của phụ âm đầu l- của liêu có thể là *tr-, giải thích được phần nào tương quan liêu – lêu và trêu. Ngoài ra, một nét nghĩa của liêu HV là vén, nâng lên cao – so với tiếng Việt thời VBL ghi là tleo (treo), tleo lên (treo lên) cho thấy dạng liêu liên hệ đến các dạng lêu – tlêu – trêu – tleo – treo – leo – trèo, hay từ láy cheo leo (hàm ý trên cao/treo/leo nguy hiểm). Nét nghĩa đưa lên cao của liêu còn liên hệ đến dạng leotreo/trèo, VBL chỉ ghi leo là loại cây bà thảo, cây nho (phải bám víu vào một vật gì để leo lên) – so sánh các tương quan

    yêu 腰 eo (lưng)

    yêu 喲 eo (eo ơi!)

    tiêu 消 teo (mất đi)

    phiêu 薸 bèo

    phiêu 膘 béo

    thiệp (thập) 拾 thép (ăn thép/VBL)

    điêu 挑 đeo (mang theo)

    liêm 簾 rèm (mành mành) – xem thêm chi tiết trong mục 4

    kiêm 兼 kèm – xem thêm chi tiết trong mục 4

    chiêu 招 cheo (nộp cheo, tiền cheo)

    khiêu 挑 xeo (nâng lên/cạy ra so với khiêu 撬)

    liêu 撩 leo, trèo

    liêu 撩 treo

    v.v.

    Ngoài ra, tổ hợp phụ âm tr- (hay tl- trong VBL) còn tương ứng[17] với tổ hợp phụ âm kl- (không thấy ghi trong VBL) dựa vào cấu trúc chữ Nôm cổ như

    tlống (VBL) ~ trống (tiếng Việt hiện đại): một dạng chữ Nôm là gồm có chữ lộng 弄 và chữ cổ 古 – *klống ~ tlống > trống – một dạng chữ Nôm hậu kì là (lộng + bì hàm ý da bọc cái trống)

    tlẻ (VBL) ~ trẻ (tiếng Việt hiện đại): một dạng chữ Nôm là lễ 禮 → 礼 và cá 亇 – *klẻ ~ tlẻ > trẻ – một dạng chữ Nôm hậu kì là (lễ + thiếu hàm ý ít tuổi).

    tlăm (VBL) ~ trăm (tiếng Viêt hiện đại): một dạng chữ Nôm là lâm 林 và cá 亇 – *klăm ~ tlăm > trăm – một dạng chữ Nôm hậu kì là (lâm + bách hàm ý 100)

    tlước (VBL) ~ trước (tiếng Việt hiện đại) một dạng chữ Nôm là lược 畧 và cư[18] 車 – *klước ~ tlước > trước – một dạng chữ Nôm hậu kì là 畧 hợp với chữ tiền 前

    tlưa (VBL) ~ trưa (tiếng Việt hiện đại): một dạng chữ Nôm là lư 盧 hợp với cá 亇 – klưa ~ tlưa > trưa – một dạng chữ Nôm hậu kì là 暏 (bộ nhật + chữ trư)

    tlút (VBL, tlút linh hồn ra ~ chết) ~ trút (tiếng Việt hiện đại): một dạng chữ Nôm là luật 律 hợp với cá 亇 – *klút ~ tlút > trút – một dạng chữ Nôm hậu kì là 律 (luật HV)

    tlâu (VBL) ~ trâu (tiếng Việt hiện đại): An Nam Dịch Ngữ[19], qua ‘lỗ tai’ người Trung Hoa, ghi là cổ 苦 và lâu 蔞 – *klâu ~ tlâu > trâu – một dạng chữ Nôm (bộ ngưu + chữ lâu)

    v.v.

    Tương quan tr/tl – kl dẫn đến khả năng lêu có thể đọc là *klêu, và phụ âm xát/đầu lưỡi/hữu thanh l yếu đi – từ trường hợp lưỡi mất độ cọng (để tr/tl- trở thành ch-) – cho đến mất hẳn[20] phụ âm l đi để cho ra dạng *kêu > khêu tiếng Việt. Điều này không ngạc nhiên vì phương ngữ (Bắc Trung Bộ, một thổ ngữ Huế…) vẫn còn đọc trâu là tâu, trắng là tắng, tre là te… Gần đây hơn và qua giao lưu ngôn ngữ Pháp, ta thấy những dạng kem (crème > cà lem – kem), kích (cric), phô mát/phô mai (fromage) và tiếng Anh cho ra dạng kíp (clip – ngòi nổ, khác với dạng thường gặp hiện nay là cờ líp hay líp chỉ một đoạn phim/video quay). Ngoài ra tiếng Việt vào thời VBL có các cách dùng nói lăm (nói nhiều), nói lắp (cà lăm) – vào thời Béhaine (1772/1773) ghi cà lăm, sau này lại có cà lắp cho thấy âm cà được thêm vào như một tiền tố nhấn mạnh nét nghĩa của ngữ căn (lăm, lắp). Cấu trúc này còn thấy trong các cách dùng cà um/uôm, cà rỡn (ngữ căn mang nét nghĩa chính là um/om sòm, rỡn/giỡn đùa).

    Do đó lêu hay tlêu (trêu) có thể tái lập thành *klêu để cho ra các dạng *keu (> ghẹo VBL – chữ Nôm 嘺 憍 dùng kiệu/kiều/khiêu HV) hay khêu (VBL). Hãy xem lại các cách dùng chữ khêu/khiêu so với phạm trù nghĩa của liêu HV.

    VBL trang 268

    3. Khêu đèn

    Khêu đèn là một hoạt động hầu như không ai biết đến nữa vào thời đại này: một nguyên nhân chính là đèn dầu (ta) không còn thông dụng nữa, cũng như đã đi vào quên lãng từ ngày đèn điện (treo ngược hay xuôi sao cũng được) ra đời. Xem lại các tài liệu liên hệ đến đèn dầu:

    燈[簽]丐改丘畑

    “Đăng thiêm” cái gảy khêu đèn (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa 50b)

    掑矯畑拞

    Trăng kề cửa kẻo [khỏi cần] đèn khêu (Ức Trai Di Tập/Quốc Âm Thi Tập 24b)

    v.v.

    Ca dao cũng thường nhắc đến khêu đèn như “Chuông chẳng đánh chẳng kêu, đèn chẳng khêu chẳng sáng”[21], “Có của thì vạn người hầu, Có bấc, có dầu thì vạn người khêu. Xin chàng đọc sách ngâm thơ, Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu” hay “Đôi ta như lửa mới nhen. Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu”, v.v. Đèn dầu đã mang theo một loạt các từ liên hệ trong tiếng Việt: VBL ghi các cách dùng như khêu đèn, cạp đèn, bấc, tim, lấy dầu đổ đèn, lấy đèn soi cho sáng, gạt đèn đi cho tắt, cây đèn (chân đèn, một bộ phận quan trọng của cái đèn thuở trước, đèn soi nhà, đốt đèn, tắt đèn… Các hoạt động này hoàn toàn xa lạ với chúng ta vào thời buổi này! Thí dụ như cho từ gạt, VBL trang 261-262 ghi hai mục a) gạt đèn đi cho tắt: hàm ý kéo bấc ra để lửa không cháy nữa – so với hành động ‘tắt đèn’ hiện nay b) gạt đi cho bằng: hàm ý san cho bằng như gạo, làm giảm đi – VBL ghi từ tương đương là bớt.

    VBL trang 366

    Một động từ tương đương với khêu đèn là cạp đèn (VBL trang 88), cho thấy sự kẹp tìm đèn và kéo cao lên (cạp) để lửa cháy nhiều hơn và do đó sáng hơn. Các hoạt động này ít người biết nếu không hiểu cấu trúc của đèn dầu (ta).

    VBL trang 88

    VBL trang 798

    Đèn dầu ta

    Hình đèn dầu ta trích từ trang https://cadn.com.vn/lan-man-chuyen-chiec-den-dau-ta-post108443.html. Để ý cái tim đèn (tâm đăng HV) còn gọi là bớc, bức (VBL trang 58). Tới khoảng cuối TK 18/đầu TK 19 thì dạng bấc đã xuất hiện – xem hình chụp trang liên hệ tự điển chép tay Bồ Việt (từ thư viện Toà Thánh La Mã borg.tonch.23).

    VBL trang 161

    Tự điển chép tay Bồ Việt TK 18-19

    Bấc chữ Nôm dùng chữ bắc HV 北 (Béhaine, Taberd) nhưng về sau thường thêm bộ thảo hay trúc để cho rõ nghĩa hơn, chỉ loại (cây) cỏ dùng làm tim đèn; loài này rất nhẹ nên thường dùng trong thành ngữ nhẹ như bấc:

    弭如苝如鈘

    Nhẹ như bấc, nặng như chì (Truyện Kiều, câu 1879)

    Điểm đặc biệt đáng chú ý là một dạng chữ Nôm khêu (hay khiêu HV, cũng có thể đọc là ghẹo) viết bằng chữ thiêu HV 挑 khiêu cùng một nét nghĩa với liêu (nâng lên cao như khêu đèn) – xem chi tiết trong mục 2.2 bên trên. Ta hãy xem lại các cách đọc liên hệ đến chữ 挑:

    Tự điển Béhaine (1772/1773, sđd).

    4. Các dạng đọc thiêu – thao – khiêu – điệu…

    4.1 Chữ khiêu/thiêu/thao/điệu (thanh mẫu thấu 透 định 定, vận mẫu tiêu 蕭 hào 豪, khứ/thượng thanh, khai khẩu tứ/nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

    吐彫切 thổ điêu thiết (ĐV, QV)

    土凋切 thổ điêu thiết (TVGT, TTTH)

    他堯切 tha nghiêu thiết (NT, TTTH)

    他彫切,音祧 tha điêu thiết, âm thiêu (TV, LT, VH, CV, TVi, CTT) – TV ghi bình thanh

    他遥翻 tha diêu/dao phiên (BH 佩觿)

    土凋反 thổ điêu phản (LKTG)

    湯堯反 thang nghiêu phản, 他羔反 tha cao phản (ThVn 釋文)

    徒了切,音窕 đồ liễu thiết, âm điệu (ĐV, QV, TV, LT, VH, NT, TTTH)

    徒了反 đồ liễu phản (NKVT 五經文字, LKTG)

    徒弔切 đồ điếu thiết (TV, VH, LT) – TV ghi khứ thanh

    土刀切 thổ đao thiết (ĐV, QV)

    他刀切,音叨 tha đao thiết, âm thao (TV. LT, VH, CV, TVi)

    田聊切,音條 điền liêu thiết, âm điều (TV, LT)

    他凋徒了二乀 tha điêu đồ liễu nhị phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

    土了切 thổ liễu thiết (TVi)

    TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào với hai thanh điệu dương bình và thượng thanh

    CV ghi cùng vần/bình thanh 祧 庣 銚 恌 佻 窕 覜 挑 朓 條 (thiêu điêu diêu khiêu)

    CV cũng ghi cùng vần/thượng thanh 朓 挑 窱 趒 眺 窕 䠷 (thiểu thiếu)

    Giọng BK bây giờ là tiāo tiǎo (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông tiu1 tiu5 tou1 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] tiau1 [沙头角腔] tiau1 [客英字典] tiau1 [陆丰腔] tiau1 [东莞腔] tiau1 [宝安腔] tiau1 [客语拼音字汇] tiau1 [海陆丰腔] tiau1 [台湾四县腔] tiau1 潮州话:tiou1/tiao1 tiê1/tio1, tiếng Nhật jō chō và tiếng Hàn do.

    Cách cách đọc phiên thiết không thấy dạng khiêu như âm HV ở VN. Như đã viết bên trên, cách dùng khiêu đèn đã hiện diện vào thời VBL và tương ứng với khiêu đăng HV 挑燈. Dạng thiêu đã có mặt trong VBL với nghĩa khác hơn khiêu, mục thiêu có ghi thiêu ma – thiêu 燒 là đốt/cháy, thiêu ma là đốt xác chết, hoả táng – nhưng thiêu không hàm ý khêu hay khều (khiêu). Rõ ràng khiêu không phù hợp với các cách đọc phiên thiết và các dạng âm cổ phục nguyên như âm trung cổ /tʰeu/ (gần với âm thiêu) hay âm thượng cổ /*l̥ʰeːw/ (gần với âm lêu hơn): có thể đây là một hiện tượng ngữ âm khá đặc biệt của tiếng Việt. Tự Điển Hán Việt của cụ Thiều Chửu (sđd) chỉ có một âm khiêu là 跳, VBL chỉ có một chữ thiêu là 燒 bộ hoả – có lẽ phản ánh ảnh hưởng lâu đời của PG và quán tính của truyền thống lâu đời (td. thiêu ma). Khả năng đọc phụ âm đầu lưỡi/bật/vô thanh th- thành phụ âm cuối lưỡi/thanh hầu kh- có thể do sự lấn áp của âm hơi (h) như tham > ham, thối > hôi, thôi – hối, thái > hái (gặt hái), thoi thóp ~ hoi hóp, thét – hét – xem thêm Phụ Trương 1 về khuynh hướng bật hơi ‘vượt trội hơn’, khiến các phụ âm ghép chung khác tha hoá trong ngôn ngữ Á Đông. Sau đó phụ âm đầu h- cũng hoán chuyển với phụ âm cuối lưỡi kh-: td. VBL còn ghi các cách đọc thuở là khuở, khách thứa > khách khứa, cái thứa ~ cái khứa. Hai (số hai) có một dạng chữ Nôm cổ dùng thanh phù thai 台 (hay đai), phản ánh khuynh hướng đọc thai thành hai (th- > h-). Có thể không phải ngẫu nhiên mà âm tiều (trong tiều phu) qua tai LM de Rhodes hay người cộng tác lại thể hiện qua ba dạng tiều – thiều – kiều (xem hình chụp bên dưới).

    VBL trang 604 ghi kiều phu ~ người kiếm củi, bán củi[22]

    VBL trang 797 – VBL đã ghi chính xác tiều HV 樵 là củi và tiều phu 樵夫 là người kiếm củi, bán củi.

    VBL trang 765

    VBL trang 776

    VBL trang 780

    Tiếng Mường Bi cũng cho thấy vết tích của tương quan th – kh như khảng[23] là thảng, khi là thi, kham là tham, v.v. Ngoài ra, tiếng Mường Bi có dạng ha là ta (tha > ha), hơm là thơm, hĩu là địu (cái túi < đìu – đèo ~ điều 挑) phản ánh phụ âm đầu là âm xát/thanh hầu.

    Béhaine (1772/1773) – VBL ghi là tháp bút

    ĐNQATV – Tome I – trang 482

    ĐNQATV – Tome II – trang 375

    Một số tương quan t – k(h) so với âm HV đã hiện diện thời VBL đáng chú ý như

    toả 鎖 > khoá (cái khoá)   (*s > kh   td. không – sôn, khơn – sơn… Mường Bi – Việt)

    toan/toàn/toản 鑽 > khoan (cái khoan) (*s > kh)   so với thiêu – khiêu 挑

    v.v.

    Do đó, ta có cơ sở để giải thích tương quan đặc biệt thiêu – khiêu, tuy không thường gặp và không dễ nhận ra. Có lẽ nên nhìn rộng ra, để xem tình hình âm thiêu vào thời VBL ra sao, bằng cách xem lại các cách đọc chữ thiêu bộ hoả.

    4.2 Chữ thiêu (thanh mẫu thư 書 vận mẫu tiêu 宵 bình/thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

    式昭切 thức chiêu thiết (TVGT, ĐV)

    式招切 thức chiêu thiết (QV)

    尸招切 thi chiêu thiết (TV, VH, CV)

    失照切,音少 thất chiếu thiết, âm thiếu/thiểu (QV, TV, VH, LT, CV, TVi)

    失照反, 音少 thất chiếu phản, âm thiếu/thiểu (LKTG)

    尸昭切 thi chiêu thiết (TV, LT, TVKC 集韻考正, TV, CV, CTT)

    TNAV ghi vận bộ 蕭豪 (khứ thanh), thanh mẫu 審 thẩm

    CV ghi cùng vần/bình thanh

    CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 少 燒 (thiếu/thiểu thiếu)

    Giọng BK bây giờ là shāo (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông siu1 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] shau1 [宝安腔] sau1 [台湾四县腔] seu1 sau1 [梅县腔] shau1 [沙头角腔] sau1 [客语拼音字汇] sau1 seu1 [客英字典] shau1 seu1, tiếng Nhật shō và tiếng Hàn so.

    Cách dùng thiêu ma (đốt xác chết) trong VBL tương ứng với các cách dùng HV khác nhưng không còn hiện diện trong tiếng Việt nữa như thiêu[24] hương (đốt nhanh), thiêu phạn (nấu cơm), thiêu thuỷ (đun nước), thiêu chuyên (nun gạch)…

    5. Bàn thêm về tổ hợp phụ âm kl- (kr-/gr-)

    Các phụ âm đầu lưỡi như r và l là những âm khá khó đọc trong ngôn ngữ loài người (vì cấu trúc phát âm của môi/miệng/răng), thí dụ như khi con trẻ bập bẹ học nói (đắc thụ ngôn ngữ ~ language acquisition) thì các phụ âm này xuất hiện rất trễ (thường thì sau 3 năm…) khác hẳn với các phụ âm môi như m, b, p… Cũng vì lý do trên (td. phát âm r) mà tiếng Anh có các loại (phương ngữ/dialects) như tiếng Mỹ (Hoa Kỳ – American English), tiếng Anh (Anh quốc – British English), tiếng Anh (Úc – Australian English); tiếng Pháp (giọng Paris)/tiếng Đức cũng có âm r rất đặc biệt (âm họng), v.v. Tiếng Việt cũng không là ngoại lệ: phát âm lẫn lộn l và n, và các âm r cũng như tr tuỳ vào địa phương nào (gọi là đồng đại/synchronic) hay tuỳ vào thời gian nào (thay đổi theo thời gian – gọi là lịch đại/diachronic). Hiện nay, phụ âm r tiếng Việt có thể đọc là r (âm rung, giọng Nam), z (giọng Bắc) hay d (giọng Nam). Một hệ luận là tổ hợp phụ âm tr- có thể đọc như ch (giọng Bắc), z (cũng như r giọng Bắc ~ gi-) và tr (td. giọng Nam) – đi ngược dòng thời gian, tổ hợp phụ âm tr- từng là

    a)  bl- như blời (~ trời) trong từ điển Việt Bồ La (năm 1651)/VBL, blót (~ trót)/VBL, blở ~ trở (VBL), blóc ~ tróc, blang ~ trăng, blang ~ trang, blai ~ trai, blả ~ trả, blái ~ trái, blám ~ (ống) trắm, giắm, blàn ~ tràn, v.v. Một số chữ Nôm cổ cũng cho thấy tổ hợp phụ âm bl- như trăng viết là gồm chữ ba 巴 hợp với chữ lăng 夌: ba lăng > blăng > trăng; trăng chữ Nôm còn viết là gồm có chữ nguyệt 月 (biểu ý) hợp với chữ lăng 夌 (biểu âm); trời chữ Nôm cổ là gồm có chữ ba 巴 hợp với chữ lệ 例: ba + lệ > *blệ > blơi – lời – giời – trời… Xem thêm các cách đọc chữ trời (le ciel/P) tự điển Vallot (sđd), v.v.

    b)   tl- như VBL từng ghi tlưa ~ trưa, tlước ~ trước, tlợn ~ trợn, tlên ~ trên, tlâu ~ trầu, tlo ~ trò, tlăm ~ trăm, tlái ~ trái (phía trái), tla ~ tra, v.v.

    c)  kl- như trong cấu trúc của một số chữ Nôm cổ: trống gồm hai chữ lộng 弄 và cổ 古 cho thấy tổ hợp phụ âm kl- (cổ lộng > klộng > trống); trăm 林亇 gồm hai chữ lâm 林 và cá 亇: cá lâm > klăm > trăm, v.v. Xem chi tiết trong mục 2.2 bên trên.

    Bây giờ thì các tổ hợp phụ âm như bl, tl, kl không còn nữa trong tiếng Việt. Hán ngữ cũng từng cho thấy có tổ hợp phụ âm kl- (hay *kr-, *gr-) như trong cách đọc của 34 chữ có thành phần[25] (hài thanh) là kiêm 兼, thường là chữ hiếm như

    廉 liêm: 力兼切 lực kiêm thiết (TVGT, ĐV), 離鹽切 li diêm thiết (TV, VH) – tuy rằng thành phần hài thanh là kiêm – do đó, một dạng âm cổ phục nguyên có thể là *krem/klem

    鬑 liêm (nt)

    亷 liêm (nt)

    㡘 liêm (nt)

    鎌 hay 鐮 liêm (nt, TV) > liềm (cắt cỏ)

    稴 liêm nt (như trên), 勒兼切,音濂 lặc kiêm thiết, âm liêm/TV; nhưng còn có thể đọc là 堅嫌切,音兼 kiên hiềm thiết, âm kiêm (TV), 戸兼切,音嫌 hồ kiêm thiết, âm hiềm (k- > h-)

    搛 liêm (nt), nhưng còn đọc là kiêm 堅嫌切 kiên hiêm thiết (TV/LT)

    熑 liêm (nt) nhưng còn đọc là khiêm: 苦兼切,音謙 khổ kiêm thiết, âm khiêm (TV)

    慊 liêm: 離鹽切,音廉 li diêm thiết, âm liêm (TV), 古簟切,音歉 cổ điệm thiết, âm khiểm (TV), còn đọc là *kiếp/khiếp 詰叶切 cật hiệp thiết (TV, LT, CV) 乞協切 khất nghiệp thiết (VH), hay khiêm 苦兼切,音謙 khổ kiêm thiết, âm khiêm (TV, LT), hay đọc là hiềm (k- > h-) 賢兼切,音嫌 hiền kiêm thiết, âm hiềm (TV, LT) 戶兼切 hồ kiêm thiết (TVGT)

    溓 liêm (nt) nhưng cũng có thể đọc là niêm 泥占切,音粘。與黏同 nê chiêm thiết, âm niêm. Dữ niêm đồng[26] (TV/LT, l- > n-); 乎監切,音銜 hồ giam thiết, âm hàm/TV, kh- > h-.

    槏 liêm (xem các phiên thiết bên trên), nhưng cũng có thể đọc là khiểm (苦減切 khổ giảm thiết (ĐV/TVGT), 口減切,音歉 khẩu gam thiết, âm khiểm (TV, LT); 賢兼切, 音嫌 hiền kiêm thiết, âm hiềm (TV kh- > h-).

    慊 liêm/khiểm/khiêm/khiếp (nt)

    嵰 khiếm/khiêm: 丘檢切 khẩu kiếm thiết (QV, TV), 丘廉切 khẩu liêm thiết (TV)

    縑 kiêm: 古甜切 cổ điềm thiết (QV), 堅嫌切 kiền hiềm thiết (TV), 古嫌切,音兼 cổ hiềm thiết, âm kiêm (CV)

    蒹 kiêm (nt)

    鶼 kiêm (nt) 音兼 âm kiêm (LKTG, NT, TTTH, TVi)

    豏 hám/hãm: 下斬切,咸上聲 hạ trảm thiết,hàm thượng thanh (QV, TV, VH, CV), 乎韽切,咸去聲 hồ am thiết, hàm khứ thanh (TV) (k > h)

    馦 hiêm (nt) 火占切 hoả chiêm thiết (TV, LT) 或作㽐 hoặc tác hiêm (TV)

    㽐 hiêm: 許兼切 hứa kiêm thiết (QV), 馨兼切,音薟 hinh kiêm thiết, âm hiêm (TV)

    嫌 hiềm (nt)

    鰜 kiêm/khiếm/hàm kiêm (nt) 公嫌切 công hiềm thiết (NT, TTTH), 胡讒切,音咸 hồ sàm thiết, âm hàm (TV, LT), 吉念切 cát niệm thiết (TV, LT), 詰念切,音傔 cật niệm thiết, âm khiếm (TV, LT)

    尲 kiêm/*kam/giam/liệp: 古咸切 cổ hàm thiết (TVGT, QV) 居咸切,音緘 cư hàm thiết, âm giam (TV), 紀炎切,音蒹 kỉ viêm thiết, âm kiêm (TV, LT), 音兼 âm kiêm (LKTG), 力協切 lực hiệp thiết (TV, LT), 姑南切 cô nam thiết (TV, LT), 堅嫌切 kiên hiềm thiết (TV)

    魐 kiêm/*cam/giam/liệp (nt)

    凲 giam 古咸切 cổ hàm thiết (TVGT) cũng như 尲 hay 尷 (giam) – LKTG ghi 音兼 âm kiêm

    膁 khiêm: 苦簟切,音嗛 khổ điệm thiết, âm khiêm (TV), 乎韽切,音陷 hồ am thiết, âm hãm (TV), 牛廉切 ngưu liêm thiết (TV, LT) – 魚兼切 ngư kiêm thiết (NT, TTTH) âm *nghiêm (NCT), 胡忝切 hồ thiềm thiết (NATV 五音集韻) âm *hiềm (NCT).

    傔 khiểm/khiếm (nt): 詰念切,音歉 cật niệm thiết, âm khiểm (TVGT, QV, TV, VH, LT, CV) 去念切 khứ niệm thiết (NT, TTTH) – TVi ghi 音欠 âm khiếm

    嗛 khiểm/khiêm/khiếp/hàm (nt)

    歉 khiêm/khiểm/hàm (nt)

    謙 khiêm/khiểm/khiếp/hàm/hiềm (nt)

    隒 liễm 力冉切,音斂 lực diễm thiết, âm liễm (TV, LT), 魚檢切 ngư kiểm thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, CV, NKVT, TVi/CTT) – 疑檢切,音噞 nghi kiểm thiết, âm *nghiễm/nghiệm (NCT), 丘檢切,音嵰 khâu kiểm thiết, âm khiếm (TV, LT), 居奄切 cư yểm thiết (LT, cư cũng dùng trong phiên thiết của NT)

    尲 kiêm/giam/liệp 古咸切 cổ hàm thiết (TVGT, QV, TVi) 居咸切,音緘 cư hàm thiết, âm giam (TV, TV) 姑南切 cô nam thiết (TV, LT), 紀炎切,音蒹 kí viêm thiết, âm kiêm (TV, LT) 堅嫌切 kiên hiềm thiết (TV, LT), 力協切 lực hiệp thiết (TV, LT)

    魐 kiêm/giam 音緘 âm giam (TTTH) 音兼 âm kiêm (LKTG) cũng như chữ giam 尷

    甉 trám/hàm/hám/sam 莊陷切,音蘸 trang hãm thiết (TV, LT); 戶監切 hộ giam thiết (QV), 乎監切,音銜 hồ giam thiết, âm hàm (TV, LT); 下斬切 ha trảm thiết (QV, TV, LT) – 叉鑑切,音懺 xoa giám thiết, âm sám (LT, TVi, KH)

    賺 liêm (TV, nt), 直陷切 – nhưng còn đọc là trám 直陷切 trực hãm thiết (TV), 直陷反 trực hãm phản (LKTG), 佇陷切 trữ hãm thiết (TVGT, QV, TVi).

    Tóm lại, VBL đã cung cấp nhiều thông tin thú vị về xã hội, văn hoá và nhất là ngôn ngữ VN vào TK 17. Cách nói lêu trâu (tlâu) húc nhau cho ta thấy một trò chơi dân gian mà bây giờ được công nhận như một di sản quốc gia – gọi là chọi trâu. Lêu bây giờ ít dùng hơn và thường cho trường hợp trêu chọc trẻ nhỏ. Một dạng chữ Nôm viết lêu bằng chữ liêu HV 撩 (nghĩa và âm gần như lêu) dẫn đến khả năng liên hệ ngữ âm giữa lêu và liêu; hay ta có cơ sỡ để thiết lập tương quan rộng hơn giữa vần -iêu HV và -êu/eo tiếng Việt. Liêu HV còn dùng làm chữ Nôm cho treo, trêu gợi ý cho một tương quan l- và kl-/tl-, dẫn đến dạng âm cổ *klêu/tlêu hay *lêu/leo, *kêu (> khêu, ghẹo). Để ý là liêu chiến dùng tương đương với khiêu chiến nhưng ít gặp hơn. Khêu lại có một dạng chữ Nôm dùng chữ HV thiêu/khiêu 挑, cho thấy tương quan kh- và th-. Tương quan th-kh còn thấy trong VBL khi ghi lại một dạng khác của thuở là khuở (chữ Nôm khoá 課), khách thứa (~ khác khứa), cái thứa (~ cái khứa): gợi ý cho ta là có sự liên hệ giữa phụ âm đầu lưỡi/vô thanh th- và phụ âm gốc lưỡi/vô thanh kh-. Tương quan th- và kh- còn thấy trong chữ Nôm cổ của thoáng là 爌 với thành phần hài thanh là quảng 廣… Bài này cũng bàn về cách dùng khêu đèn – một hoạt động cần thiết cho đèn dầu để đèn tiếp tục cháy sáng – cũng như hàng loạt các tiếng liên hệ như cạp đèn, tắt đèn, lấy dầu đổ đèn, gạt đèn đi cho tắt, tim đèn, bấc (bức, bớc) đèn, chân đèn[27]… Các cách dùng này hầu như đã đi vào quên lãng so với các cách dùng hiện đại và đơn giản hơn như bật đèn, tắt đèn (điện). Hi vọng bài viết này là một gợi ý cùng động lực cho người đọc cùng tìm hiểu sâu xa hơn về sự phong phú của tiếng Việt, đặc biệt là một số từ cũng như những liên hệ ngữ âm mà thời đại ngày nay ít người biết hay để ý đến.

    6. Tài liệu tham khảo chính

    1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

    2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

    (1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”… Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

    3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

    4) Lê Quý Đôn (1776) “Phủ biên tạp lục” dịch giả Ngô Lập Chí (Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội – Khoa Xã Hội -1959). “Vân Đài Loại Ngữ” Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích, Trần Văn Khang làm sách dẫn, Cao Xuân Huy hiệu đính và giới thiệu – NXB Văn Hoá Thông Tin (in năm 2006).

    5) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

    6) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải”, Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

    7) Giêrônimô Maiorica (thế kỉ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập” (ĐCGS), “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện” (CTTr) từ tháng giêng đến tháng mười hai… Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

    8) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

    (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

    “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

    “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

    9) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (Dictionarium Latino-Annamiticum – completum et novo ordine dispositum – 1838).

    10) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

    11) Nguyễn Cung Thông (2021) Loạt bài viết như “Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học (phần 27)”, “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy… dộng chúa (phần 30)” (NCT: đặc biệt về tương quan đ – d như đao dao, đã dã…) có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2021/06/17/tieng-viet-tu-tk-17-tho-dao-tho-ren-tho-may-dong-chua-phan-30/; “Tản mạn về từ Hán Việt thời – thì” (2013) trên trang này http://e-cadao.com/ngonngu/tanmantuhanvietthoithi.htm, v.v.

    12) Lê Ngọc Trụ (1993) “Tầm nguyên tự điển Việt Nam” NXB Tổng Hợp – Thành phố HCM

    13) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

    (1905) “Grammaire Annamite à l’Usage des Français de l’Annam et du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

    Phụ Trương

    1. Phỉ báng ~ Huỷ báng[28]: khi tính chất phát hơi ra (aspiration/A – tống hơi, bật hơi) lấn áp các phụ âm đầu âm tiết khác: bh, ph, th > h: hiện tượng này rất rõ nét tuy khó nhận diện khi so sánh các âm Hán trung cổ và tiếng Nhật; Kango – Hán ngữ 漢語 và Kanon – Hán âm 漢音

    波 ba HV ha (Nhật – Kanon)

    布 bố HV (> vải) ho (Nhật)

    膚 phu HV hu – để ý âm Mân Nam là hu (hay hu1)

    佛 phật HV hot- (hotoke) – để ý âm Mân Nam là hút và hug8

    北海道 Bắc Hải Đạo HV – Hokkaido (bắc > hak, hải > kai, đạo > do)

    日本 Nhật Bản HV Nippon ~ Nihon (Nhật > Ni, Bản/Bổn > pon > hon)

    v.v.

    VBL trang 342

    VBL trang 600

    2. Tục đá gà (chọi gà/VBL) trở nên tiêu cực cho xã hội vào TK 17 khiến vua Lê Huyền Tông phải ra lệnh cấm – trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trang này https://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Fulltext/85-search?searchPage=23&uiLang=en

    申 禁 鬪 鷄 圍 棊 賭 博 及 巫 覡 僧 妮 等 事 〇 . [12b*1*1]

    thân cấm đấu kê, vi kì, đổ bác, cập vu hích, tăng ni đẳng sự .

    Thời vua Lê Huyền Tông (1654-1671): nhắc lại lệnh cấm chọi gà, đánh cờ, đánh bạc và các việc đồng cốt, sư sãi.

    3. Khuynh hướng xát hoá còn cho ra nhiều dạng tương đương như

    (gà) trống – (gà) sống

    chung quanh – xung quanh

    chàm (lam) – xám

    treo (nâng lên cao) – xeo (xem hình chụp từ trang ĐNQATV ở dưới)

    treo (ở trên cao) – xéo (dẫm lên trên) – xeo, xéo cùng âm vực cao

    tréo – chéo – xéo, v.v.

    ĐNQATV


    [1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

    [2] Xuất ghi là xuết cho thấy độ mở nguyên âm nhỏ (ê thay vì a), gần với âm xuýt hơn, so cới xuất trong VBL còn ghi là xuốt (ra, đi ra). VBL ghi lại âm trung cổ của xuất HV *tsyhwit. Các thí dụ khác là dạng mựa là âm trung cổ của vô 毋, bua (chữ Nôm *buo) là âm trung cổ của vua, v.v.

    [3] Nhờ vào VBL mà ta biết tàu không có nghĩa là người Trung Hoa cho đến thời Béhaine (1772/1773) khi mực tàu mang hai nghĩa (1) dụng cụ vẽ đường thẳng (2) mực của người Tàu – khác với ý kiến của cụ An Chi cho rằng tàu chỉ người TQ đã hiện diện từ thời Bắc thuộc! Xem thêm chi tiết trong bài viết này chẳng hạn http://www.nongnghiephaingoai.com/2017/04/09/2375/, v.v.

    [4] Thí dụ như bài báo viết về làng ăn đất hay làng ăn đặc sản (9/4/2016) https://congan.com.vn/doi-song/lang-an-dat-nhu-an-keo-doc-nhat-vo-nhi-o-viet-nam_17505.html hay https://vtv.vn/video/tuc-an-dat-474300.htm, v.v. Người viết (NCT) từng biết một người thân (từ Bắc di cư vào Sài Gòn) trong thập niên 1960 từng ăn gạch (nhất là khi có thai). Cần phân biệt tục ăn đất/ngói/gạch với hội chứng PICA, một chứng bệnh ăn những món (không phải là thức ăn) như phấn đặc, gạch, ngói, xà phòng…

    [5] Tham khảo bài viết này chẳng hạn https://modadepninhbinh.com/trung-tang-la-gi-cach-tinh-trung-tang-va-cach-hoa-giai.html, v.v.

    [6] Nhờ vào VBL mà ta biết tục bẻ tiền bẻ đũa đã có ở Đàng Ngoài từ TK 17 – trước khi địa phương Huế định hình – hay là phong tục này được đem vào Đàng Trong, không phải là có gốc Huế như theo tác giả Bùi Minh Đức trong cuốn Từ điển tiếng Huế (2001) và cụ Nguyễn Đắc Xuân có nhắc lại!

    [7] Khác với trải nghiệm của người viết (NCT), keo là hai mảnh gỗ hình bán nguyệt chứ không phải là đồng tiền như VBL ghi nhận! Xác suất của hai mặt đồng tiền lật lên khác mặt là 2/4 = 1/2 (điều này đáng được suy ngẫm) so với xác suất khi dùng hai mảnh gỗ có mặt trên và dưới khác nhau nên không còn là 1/2 nữa; xác suất mặt phẳng nằm sấp thường cao hơn vì trọng tâm của keo nằm gần mặt phẳng hơn so với mặt cong.

    [8] Génibrel (sđd) còn ghi thêm loại thị đen và Theurel (sđd) ghi quả thị thay vì trái thị – phản ánh cách dùng Đàng Ngoài vào TK 19 – sau này là cách dùng phương ngữ Bắc Kì so với Nam Kì.

    [9] So sánh nội dung phần tiếng Bồ và tiếng La Tinh cho thấy khả năng VBL chép lại từ các tài liêu khác nhau (không cùng một tác giả) vì không cùng một ý (một nghĩa). Ngoài ra, tiếng Bồ gimsăo (nhin sâm/VBL ~ 人參) cũng cho ta biết ảnh hưởng của giọng Mân Nam trong vùng Đông Nam Á vào TK 17 (td. tên gọi chincheo VBL trang 380, 602).

    [10] Td. một chức vụ thường có hai vị quan (tả và hữu), tuy nhiên thời nhà Tần thì bên hữu lại trọng hơn bên tả.

    [11] Chưởng HV 掌: danh từ là lòng bàn tay, bàn chân; động từ là nắm giữ, quản lý – chưởng lễ 掌禮 là coi về lễ nghi, chưởng táo 掌灶 là coi về bép núc, chưởng gia 掌家 (quản gia, quản lí việc nhà), v.v. Có thể de Rhodes đã lầm phẩm hàm/chức vụ so với chức năng của quan lại thời này, tuy nhiên cũng cho thấy cách dùng dân dã như ông trùm, ông chưởng, ông chủ….

    [12] Tục thờ chó đá hiện diện lâu đời trong các sắc tộc như Tày, Nùng cũng như người Việt ở quanh khu vực Hà Nội (giống như ghi nhận của de Rhodes). Chó đá của đình làng Phù Trung (Thượng Mỗ, Đan Phượng) được người dân gọi là thần cẩu hay hoàng thạch cẩu (để ý cách dùng từ HV). Ngay cả một cửa ô ở Hà Nội gọi là Ô Chó Đá (trấn giữ phía nam ngã tư Trung Hiền) nhưng bây giờ không còn nữa và ít người biết đến.

    [13] PGTN trang 8 ghi “phải nhớ lời đất An Nam này nói liên ‘sống thì gưởi, chết thì về’ (nói chữ sinh là kí dã, tử là qui dã” (tử ghi là tữ thanh ngã, dã ghi là dả thanh hỏi trong PGTN – ghi chú thêm của người viết/NCT). Chú thích trong phần tiếng Việt của PGTN cho thấy người Việt đã dùng tài liệu Hán (cổ), td. 《淮南子.精神》:生,寄也;死,歸也 <Hoài Nam Tử . Tinh Thần>: sinh, kí dã; tử, qui dã. Phần này không có trong mục bằng tiếng La Tinh, cho thấy khả năng một nhà Nho Việt Nam nào đó đã giúp de Rhodes soạn PGTN phần tiếng Việt.

    [14] Từ năm 1963, Toà Thánh La Mã không còn cấm giáo dân hoả táng vì các nguyên nhân vệ sinh, tài chánh, đất chôn cất càng ngày càng giới hạn, v.v.

    [15] Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013. Điều này cũng cho thấy VBL soạn từ Đàng Ngoài có khả năng rất cao vì Đàng Trong không có tục lệ này (cũng như các cách dùng lợn tốt hơn là heo/VBL, vừng và mè, các địa danh như Ông Mác ở Đông Kinh…).

    [16] Chữ 䝤 hay 獠 (TV) đọc là 盧皓切 lô hạo thiết (QV), 魯皓切,音老 lỗ hạo thiết, âm lão (TV, VH, LT), 憐蕭切,音聊 liên tiêu thiết, âm liêu (TV, LT), 張狡切 trương giảo thiết (QV), 竹狡切 trúc giảo thiết (TV, LT) chỉ dân tộc Liêu/Trảo ở phía Nam chuyên nghề săn bắn ban đêm. Trong lịch sử Phật giáo ở Á Châu, thiền sư Huệ Năng (638-713) là người tộc Liêu nổi tiếng trong lịch sử Thiền tông TQ. Do đó một dạng âm cổ phục nguyên của liêu có thể là *ʔr’eːw hay *?le:w (so với trêu, *klêu).

    [17] Để ý có những trường hợp tl- (VBL) tương ứng với bl- qua các dạng chữ Nôm như tlai (VBL) còn có thể đọc là blai (VBL), tlắm còn có thể đọc là blắm. Td. một dạng chữ Nôm cổ của trai là lai 來 hợp với chữ ba 巴 (blai ~ tlai > trai), v.v. VBL ghi blang (~ trăng), blót (~ trót), blời (~ trời), bluông (~ truông), v.v.

    [18] Có hai cách đọc chữ 車: a)【廣韻】九魚切【集韻】【韻會】【正韻】斤於切, 音居 【 Quảng vận】 cửu ngư thiết【 Tập Vận】【 Vận Hội】【 Chánh Vận】 cân ư thiết, âm cư b) 【廣韻】【集韻】【韻會】【正韻】昌遮切,音硨 【 Quảng Vận】【 Tập Vận】【Vận Hội】【 Chánh Vận】 xương già thiết, âm xa.

    [19] Vương Lộc – An Nam dịch ngữ – giới thiệu và chú giải – Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 1995, 201 tr. Tái bản có sửa chữa 1997. Trâu đọc là cổ lâu ba lần trong trang 248, 294 và 299.

    [20] Tuy nhiên, cũng có khuynh hường đọc kl- hay bl- thành l- (phụ âm xát/đầu lưỡi/hữu thanh trở thành chính âm) như trong cách đọc trời, trăng, trở, trai thành lời, lăng, lở, lai… và xát hoá hoàn toàn để cho ra các dạng giời, giăng, giở, giai (phương ngữ Bắc Bộ), v.v. Tuy nhiên các dạng này không phổ thông so với tr- (ch-) với tr- là ‘chuẩn chính tả’ ở VN hiện nay.

    [21] Một dạng khác là “Chuông có đấm mới kêu, Đèn có khêu mới tỏ” (VNTĐ), hay 鍾打買嗃畑挑買

    chuông đánh mới kêu, đèn khêu mới rạng – tuy nhiên vẫn duy trì vầu kêu và khêu trong các dị bản này.

    [22] Cũng có khả năng t- in nhầm thành k-, tuy nhiên để ý VBL ghi ba dạng tiều, thiều và kiều.

    [23] Khảng (Mường Bi) còn có nghĩa là sáng (tương quan kh – s). Tháng có một dạng chữ Nôm là tháng HV 倘 với phụ âm đầu th- > *h > kh (td. tháng đọc là khảng trong tiếng Mường Bi), một dạng chữ Nôm hậu kì dùng bộ (chữ) nguyệt (mặt trăng) hợp với chữ thượng cho rõ nghĩa hơn.

    [24] thiêu còn đọc là xíu trong một cách dùng nhập vào tiếng Việt cận đại: xá xíu (thịt nướng 叉燒 char siu – xoa thiêu HV) tương ứng với xoa thiêu HV 叉燒: phụ âm xát vẫn còn hiện diện so với phụ âm tắc xát th. trong các từ nhập vào tiếng Việt hiện đại, cũng như cách nói “xập xám” (thập tam HV) chẳng hạn.

    [25] Tương tự như các chữ có thành phần (hài thanh) thiêm HV 僉, các cách đọc là kiệm, kiểm, kiềm, kiếm, liễm, liêm, thiêm, nghiệm… phần nào phản ánh các âm cổ hơn và dẫn đến một dạng âm cổ phục nguyên là *kram chẳng hạn (với tổ hợp phụ âm kr- hay kl-). Đây là một đề tài thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

    [26] Quan hệ l – n có thể giải thích dạng nêu (đưa lên cao) từ lêu/leo – tham khảo các bài ‘Lẫn lộn n và l’ (NCT).

    [27] Khác với đèn điện có thể gắn ở bất cứ nơi nào, đèn dầu phải có chân thật vững vì thường dựng đứng với bình chứa nhiên liệu – nếu không vững thì rất dễ gây hoả hoạn.

    [28] Để ý hai cách viết khác nhau phỉ báng 誹謗 và huỷ báng 毀謗 – đều có nghĩa là chê bai, bêu xấu…

  • Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (47)

    Đông Ngàn Đỗ Đức     

    CÂY ĐA GIỮA ĐỒNG – Yết Kiêu ngoại truyện

    (Về họa sĩ Trần Nguyên Đán)

    1 – Mỗi lần nhớ tới họa sĩ Trần Nguyên Đán là tôi lại liên tưởng đến cây đa. Một cây đã giữa đồng, một cây đa ở xóm Chùa, xóm Quẵng, cây đa đôi ở Phú Xuyên, hay cây đa Thùng Rượu ở Suối Cát nào đấy trên đất Đại Từ quê tôi.

    Ông là cây đa to tỏa sum suê bóng mát mà có tên có tuổi chứ không vô danh. Cây đa Trần Nguyên Đán không hoa nụ, không hương thơm gì đặc sắc, chỉ có những tán lá to dày và quả đa chín bình dị cho đàn chim, chỉ có bóng mát gần gụi với tất cả những ai đi qua dưới bóng rợp đó. Cây đa Trần Nguyên Đán vừa gần vừa xa, vừa lạ vừa quen, cứ tồn tại sừng sững giữa đời, ai đến thì đến, ai đi thì đi, không vồn vã chầm bập nhưng cũng không rẻ rúng lảng tránh ai, xa gần đều thân thiện!

    Sở dĩ có sự liên tưởng ấy cũng vì chính tính cách của ông, sự lầm lũi với công việc đã làm nên sự nghiệp để cái tên ông không lẫn với bất cứ ai. Cũng như nhắc đến tên ông người ta nhớ ngay đến cái nghiệp làm tranh khắc gỗ gắn chặt với đời ông nhưng lão ngư phủ với con thuyền trên sông, suốt ngày bươn bả với tấm lưới, cái chài nhặt từng con tôm con tép. Nhớ đến ông, như người ta không thể lẫn với ai khác, mà phân biệt rất mạch lạc như đa với đề, như si với gạo, như thị với mít, vì chúng hoàn toàn dễ nhận ra.

    Những họa sĩ chuyên ngành như ông rất hiếm.

    Ở ta, họa sĩ thường theo đuổi nhiều chất liệu từ lụa sang sơn dầu, sơn mài…, mỗi thứ thử một tí. Còn tranh khắc thì quá hiếm người theo, và chung thủy với nó lại càng hiếm… Không đơn giản chỉ là chất liệu khó mà cái chính là loại tranh khắc dù có đẹp cũng không thể bán được nhiều tiền.

    Ít người làm, nên tranh khắc gỗ cũng dễ bị coi là âm lịch.

    Vậy mà Trần Nguyên Đán tần tảo với tranh khắc gỗ như lão nông trên đồng, chung thủy với khắc gỗ như duyên tình của một mối tơ duyên tiền định!

    2 – Hai gương mặt khắc gỗ nổi tiếng mà tôi biết được từ khi chưa vào nghề vẽ là Trần Nguyên Đán và Nguyệt Nga.

    Cái nghề vẽ là thế, người trước khi vào nghề thế nào cũng có hai ba đàn anh đàn chị đi trước tỏa sáng trong đầu như một thần tượng nó cuốn hút. Tôi cũng không ngoại lệ.

    Họa sĩ Nguyệt Nga xin nói ở câu chuyện khác.

    Trong câu chuyện hôm nay tôi chỉ kể về Trần nguyên Đán. Lần đầu gặp ông tôi không nhớ là lúc nào, nhưng chắc là ở Bảo tàng Mỹ thuật, nơi ông gửi hết cuộc đời làm công chức của mình, bắt đầu từ một họa sĩ nghiệp vụ đến lúc nghỉ hưu trong cương vị Phó giám đốc.

    Ngoại hình của ông giống một người lao động chân tay, một bác thợ mộc hơn là một họa sĩ. Còn giao tiếp ông để lại cho người ta cảm giác chân thành đến chân tơ kẽ tóc trong từng câu chuyện. Đó là câu chuyện của những nông phu cần cù và thạo việc! Không thấy có thuật ngữ nghề nghiệp nào lảng vảng quanh câu chuyện, không lẫn một tiếng Anh tiếng Pháp khi nói về nghề, ông cũng không nói đến những thủ thuật, kĩ xảo mà một người nên danh họa sĩ nào cũng có. Kĩ xảo là những tuyệt chiêu đúc kết được trong quá trình làm nghề, thành tài sản riêng của mỗi người. Nó như miếng võ tuyệt chiêu nhà nghề của ông thầy võ người Tàu, miếng độc thủ giữ mình. Người ta cảm thấy ông không có. Mà hình như không có thật!

    Đã có những thời gian dài xem tranh Trần Nguyên Đán tôi cảm thấy hầu như ông không thay đổi gì. Vẫn con trâu với đứa trẻ, cô ba quan họ lấp ló sau không gian chùa chiền ngày hội. Xem tranh ông người ta thấy đồng quê thanh bình, đến chiến tranh chỉ hiện ra cái mũ rơm là cao nhất. Còn con mèo thì luôn liên tưởng đến Đám cưới chuột, hay Quan trạng vinh quy. Hiền lành và hóm hỉnh. Tất cả cứ lành lành như tính nết ông hàng ngày. Ông là một trong số ít các họa sĩ không biết giận và không to tiếng với ai bao giờ. Cái lành tính ấy nó lặn vào trong tranh ông thành thứ quả ngọt cho cảm xúc dẫn đến người xem những tình cảm mát lành!

    Nói chuyện nghề, ông luôn thấy mình vụng dại, và rồi lại nhận ra cái khôn ngoan nấp sau sự vụng dại ấy đã tạo nên sắc thái cho mình. Sự tự đánh giá của ông quả thật tỉnh táo và đàng hoàng. Không khiêm tốn vớ vẩn mà cũng không ngộ nhận ngốc nghếch, chỉ nói đúng vào cái cốt cách của mình. Điều này thấy ông thật sâu sắc mà mấy chục năm chơi với ông tôi không nhận ra, mà chỉ nghĩ ông hiền lành dễ tính thôi. Rồi nhận ra mình cũng nông cạn lắm!

    Hằng năm, có những triển lãm chung ông lại góp một bức tranh, có lúc tôi đã nghĩ trong ngôi nhà của ông không còn gì đặc biệt, nhưng rồi sau vài lần vào trường Huế giảng dạy và mấy chuyến đi Hội An tôi bắt đầu thấy những tranh to hàng mét vuông xuất hiện. Lúc này mới biết ông in trên giấy, trên cả vải, cả toan vẽ, tranh to trên cả mét vuông, là cái thứ tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra! Ông không chỉ khắc trên gỗ mà ông khắc cả trên carton, bìa giấy và đục trên ván ép những tranh khuôn khổ lớn mà gỗ ghép không có được. Lúc này, cái nghề ông học, tranh hoành tráng đã bước vào khắc gỗ của ông với những hình ảnh đồng hiện. Từ lối miêu tả dày dịt tự nhiên, Trần Nguyên Đán đã bắt đầu lưu ý đến những khoảng trống lớn trên tranh, khiến cho tranh ông trở nên phóng khoáng thuận mắt và sự chân chỉ lộ ra mạch lạc như tính nết ông. Tôi nhận ra câu nói người xưa: Tứ thập nhi bất hoặc (người bốn mươi tuổi thì không thể thay đổi gì nữa) là không thể đúng với Trần Nguyên Đán. Ông đã âm thầm làm cuộc cải tổ thành công ở độ tuổi nghỉ hưu!

    Trong những họa sĩ đồ họa, có nhẽ ông là người duy nhất có kĩ thuật đi móng, sục vê cần cù nhất và ít dùng dao trổ, khi in không mấy khi để tâm đến những ma-che, những cái sót của nét khắc. Ông hầu như không thay đổi gì về kĩ thuật dùng dao, vê, móng trong suốt một đời sáng tác. Đôi khi thấy ông không có cả những téc-ních, một thủ thuật của riêng mỗi người hình thành trong quá trình sáng tác. Vậy mà những câu chuyện thủ thỉ của ông phơi bày trên tranh cứ dắt người ta đi trong hồn hậu yêu thương. Tôi nói rằng tranh ông như người kể chuyện quê hương. Con trâu, đứa trẻ, thôn nữ, gái hội và những phong cảnh miền quê ấm áp yêu thương cứ dần dà hiện ra trên từng nhát xúc trên gỗ của ông. Ông cứ lặng lẽ mải miết với ván gỗ và tờ in suốt những thời gian rảnh rỗi như con kiến tha mồi, và hôm nay ông có cả một cơ ngơi Trần Nguyên Đán sang trọng và độc đáo.

    Và hôm nay, ông đúng là một cây đa bề thế trong làng tranh khắc Việt Nam.

    19/3/2016

    Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh ngày 29/10/1941, ở thành phố Bắc Ninh. Ông học khoa Hoành tráng thuộc trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mĩ thuật Công nghiệp) từ 1966.