Mất tích như điều kiện sống của con người

(Lời bạt tiểu thuyết Ai của Đặng Thơ Thơ)

Thụy Khuê

image

Ai là một câu hỏi trong tiếng Việt, được trả lời tức khắc trong tiếng Anh: Tôi (I), tiểu thuyết được cấu trúc như cuộc giao lưu ngôn ngữ, phong tục, toàn cầu, về vấn đề con người mất tích.

Ai là sự hoang mang của tuổi trẻ muốn trút bỏ tất cả những cố tật của một xã hội hình thành đã bao nhiêu nghìn năm, với những người cũ của quá khứ, kể cả người mẹ, nhất là người mẹ.

Ai muốn lột da rồi biến mất, để trở thành người mới của tương lai.

Ai kể lại hành trình đau đớn thoát xác của đứa con và nỗi đớn đau khôn cùng của người mẹ, ngay từ khi cho con ra đời, cô mụ đã cắt rốn để nó lìa mẹ.

Ai là cuộc chia ly không ngừng trong mỗi phút sống, để tiến đến mục đích cuối cùng là cái chết.

Mỗi chữ trong tiểu thuyết Ai là một giọt lệ khô của người mẹ nhìn con xa dần, xa dần… không cách gì níu kéo lại, là sự chịu trận của người mẹ không có khí giới chống đỡ, là cuộc tranh đấu với một địch thủ vô hình, là sự nổ tung những gì mà ta tưởng là vĩnh cữu, bất di bất dịch.

Ai có thể ví như một bức tranh trừu tượng trong mỗi cận ảnh của cuộc sống: nhà văn làm công việc của họa sĩ: đập vỡ hiện thực trước mắt thành từng mảnh, để ghép lại theo trật tự của tưởng tượng, cho ta những bức tranh khác, khiến ta loá mắt, như đứng trước chiếc kính vạn hoa, mọi sự biến đổi không ngừng và chồng chất lên nhau.

Đứa bé sinh ra, lớn lên dưới cái nhìn âu yếm của người mẹ. Đặng Thơ Thơ theo dõi con trong tất cả mọi động tác nhỏ nhoi nhất của nó, muốn uống nó như một chén dược thảo diệu kỳ, tất cả những gì thuộc về nó đều thiết tha ảo diệu… cho đến một ngày, nó sẽ chùi má, sau cái hôn của mẹ, tuy ở đây không xảy ra như thế, nhưng một người mẹ khác, là tôi, đã từng trải qua, nó sẽ không đòi mille bises (ngàn cái hôn) trước khi vào trường, trước khi đi ngủ. Nó sẽ không nhảy chân sáo, mà đi vững chãi như người lớn, nó muốn tự lập thân. Rồi nó xin vào một đại học xa lắc xa lơ, nghìn trùng cách biệt để xa mẹ, để làm người.

Tại đây, nó gặp trở lực thứ nhì: giảng đường là một lò đúc cứng ngắt tự nghìn năm không thay đổi với những giáo điều lề luật không còn phù hợp với thời đại. Nó sẽ gặp những con người không "vừa ý", nó cũng sẽ chán đại học như đã chán ở nhà… Với mẹ, nó chơi trò trốn tìm, đôi khi nó biến mất, để hù mẹ, làm mẹ sợ.

Bây giờ, nó biến mất trong đời thực…

Ai là câu chuyện của hai mẹ con, nhưng thực ra là chuyện của một đời người, của nhiều đời người trong một, của nhũng ai đã từng có con, từng yêu dấu nó, từng chăm chút đến hơi thở, đến tiếng nói của nó như một phần mình. Dù biết , nó không phải là mình, nó không thuộc về mình, mình không sở hữu nó, nhưng khi nó đau, mình cũng đau, không thể cưỡng lại được và cũng không thể tìm hiểu, phân chất tại sao. Điều này không có gì lạ lùng, ghê gớm, bởi vì mỗi người mẹ đều như thế cả, tự nhiên như ăn ngủ, nên họ không cần nói lại, không cần tâm sự với ai.

Ai làm sống lại những linh cảm sâu kín mà người mẹ tưởng là tự nhiên, đến độ họ quên đi, họ tưởng đã biến mất, đã chết từ lâu.

Chủ đề chính của Ai là sự biến mất, sự mất tích của tất cả những thứ trên đời, tiêu biểu nhất là đứa con mình sinh ra. Trước khi là , nó đã là một phần của mình, vậy mà mình cũng không giữ được.

Điểm này trùng hợp với quan niệm sắc không trong đạo Phật: sự có mặt của đứa con trên đời là do nhân duyên làm cho hai cha mẹ nó gặp nhau, nếu không có duyên này, thì không có nó. Nay, nó biến mất cũng do một cơ duyên khác, mà ta chưa xác định được.

Ai là sự mất mát không thể chế ngự của con người vì không sở hữu bất cứ điều gì, kể cả con mình.

Thằng bé thông minh, biết sẽ không sống đời với mẹ, nó bảo: "Con cho mẹ một sợi tóc. Mẹ phải clone con đi. Mẹ sẽ không nhớ con nữa. Mẹ không sợ con bị mất nữa", nó muốn đi trước định mệnh, nó quyết thắng thời giankhông gian, dù nó lớn lên, dù nó ở xa, mẹ nó sẽ không mất nó. Một dự trình phi thường, tưởng như hoàn hảo, nhưng ở chỗ này, ta cũng có thể hiểu: tất cả đều vô thường, không có gì vĩnh cửu, dù có cờ-lôn, cờ-liếc kỹ càng đến đâu, dù có giữ đến trăm ngàn phiên bản đứa con từ tuổi thơ đến trưởng thành cũng chỉ vậy thôi. Khoa học không làm chủ tất cả và không có phép thần làm thoả mãn niềm nhớ.

Lại còn vấn đề kỷ niệm, cũng cần phải giải quyết: người mẹ muốn con có một kỷ niệm khó phai trước khi vào trường, dẫn con đi chơi Lisboa, một trong những thành phố đẹp nhất Âu Châu. Ngờ đâu, thành phố này đã từng là thủ phủ đầu não những trận đánh chiếm thuộc địa kinh hoàng, nên đã nhận "lại quả" là cuộc động đất tàn khốc 1755, trời giáng xuống Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, từng được giáo hoàng chia cho mỗi nước một nửa thế giới.

Sau chuyến đi "lịch sử" này, đứa con vào đại học, nó bảo "tôi chọn trường này, lý do chính là để đi trốn, càng xa nhà càng tốt". Đây là quyết định dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ. Nó tự cắt rốn lần thứ nhì và học tập để chuẩn bị cho sự mất tích vĩnh viễn. Nó nghĩ: mẹ có thể chơi với những đứa con clone mẹ để dưới hầm nhà.

Nhưng vào đại học, nó cũng không được toại nguyện. Nó nhìn thấy tương lai đen tối khi học xong: Ra trường nó sẽ được nhận vào làm việc ở các thùng rác, để sản xuất ra những rác rưởi, cao cấp nhất là: Điện Cẩm Linh, Toà Bạch Ồc, Vatican, những công ty tài chính, nhà nước, tập đoàn… là những thùng rác danh giá nhất của loài người!

Ở tầng trên nữa, đằng sau cánh cửa trường đại học của tôi là chủ nhân những thùng rác có bộ óc vĩ đại hơn nữa: Amazon, Google, Apple… Bọn họ nghĩ ra vô số sáng kiến để trói buộc những kẻ như tôi vào guồng máy lợi nhuận của họ, khiến tôi thành nô lệ cho họ.

Làm sao thoát khỏi để làm người tự do?

Chỉ có cách mất tích.

Mỗi thời có một lối thoát, nhà văn là kẻ ngây thơ và can đảm nhất, họ tiên phong tìm kiếm.

Thời trước, tức là thời Khái Hưng, Nhất Linh, bên ta, họ tìm cách thoát ly cuộc sống đại gia đình, tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. Bên Tây, nhà văn nhận diện cuộc sống phi lý (absurde), tất cả đều phi lý từ ngôn ngữ đến hành động mà Beckett, Camus, là những đại diện tiêu biểu.

Đặng Thơ Thơ, ở đây, cho con mình tìm lối thoát trong mất tích.

Ai chính là hành trình mất tích đó.

Cậu sinh viên đại học đã qua quãng đời niên thiếu vô tư và bây giờ vào đại học, mọi chuyện "đứng đắn" bắt đầu. Cậu nghiên cứu phương cách: làm sao mất tích mà vẫn tồn tại? Nghiã là vẫn sống mà không để lại dấu tích gì, giống như đi trên cát nhưng bước qua một bước là xoá ngay dấu chân mình để lại. Nghiã là tôi trừ tôi, như I-I .

Làm như thế để làm gì?

Làm như thế để tìm hiểu những sự mất tích trên đời, để điều tra những hình thức mất tích, để tìm hiểu tới nơi tới chốn một hiện tượng xẩy ra hàng ngày, nhưng không ai chú ý.

Bản điều tra sẽ là cuốn phim thực hiện như một bản báo cáo về tình hình mất tích, một thứ luận văn của một sinh viên, nhưng cũng là bản tường trình của người thanh niên để lại cho mẹ về chuyến du hành vào thời gian của chính mình.

Từ đây trở đi là một hành trình siêu thực qua những cuộc sống bí mật và những cái chết lạ lùng xuyên lục địa của những con người còn sống hay đã chết, của những dân tộc, những bộ lạc đã từng hiện hữu hay đã biến mất từ nhiều thế kỷ. Thời gian ở đây được gấp lại thành từng lớp lang, có thể giở ra khi cần đến.

Tác giả trình bày một lối kiến trúc tiểu thuyết mới -thực ra cũng không hoàn toàn mới- bởi vì Dos Pasos và Joyce đã thực hiện từ những năm 20 của thế kỷ trước: cắt những truyện viết theo thứ tự thời gian thành những mẩu truyện, đặt lại theo trật tự "nhẩy cẫng" của trí nhớ. Và cho tất cả mọi thể loại đều có mặt trong tác phẩm: văn, thơ, ký ức, tường thuật, tự thuật, thời sự, mơ mộng, hoang tưởng, phim ảnh… tạo thành nghệ thuật của thế kỷ XX, mà ngày nay có thêm những yếu tố mới: Twitter, Instagram; Facebook hay YouTube… trở thành nền tảng của tất cả những hình thức nghệ thuật hiện đại, đặc biệt phim ảnh. Lối pha trộn này cho ta nhiều diện mạo của một sự kiện và nhiều sự kiện trong một. Sự mất tích qua kỹ thuật trình bày này, mà tôi tạm gọi là đa chiều, đa cách, làm tăng thêm nồng độ đớn đau, kinh hoàng.

Cho nên, Ai, không chỉ là cuốn tiếu thuyết viết theo đường dài thời gian, nằm trong mặt phẳng không gian, mà là cuốn tiểu thuyết di động với các ống kính khác nhau, chiếu vào những cảnh khác nhau, nhờ sự tiêu diệt khoảng cách thời gian và không gian, trở nên một màn hình xuyên suốt quá khứ, hiện tại, dẫn đến một tương lai chưa biết.

Nếu ta chú ý đến phần điện ảnh trong tác phẩm này, nhân vật đầu tiên trong phim là Ai, một người làm búp bê, nghề này được coi là nghề chế tạo thời gian. Thực ra, Ai là người giữ cho thời gian dừng lại, ở đúng điểm có người mất tích: bởi vì búp bê không thể lớn, không thể thay hình đổi dạng, chúng trung thành với nhân vật mà chúng đội tên: Đây là Jun và Kei bị bắt cóc trên đường về nhà. Đây là Mai và Date bị bố mẹ hành hạ phải trốn nhà đi.

Ai, do đó kẻ tái tạo cuộc sống, mà tạo lại cuộc sống là trấn giữ được thời gian. Chắc chắn, bà Aika, tin tưởng như thế, bởi vì bà là người mẹ mỗi năm đến đặt Ai làm cho bà một con búp bê cùng tuổi với Aiko, con gái bà chết vì tai nạn xe hơi, từ năm 10 tuổi.

Người mẹ này sống với đứa con đã chết, bà theo con, nhìn nó "lớn lên" và báo cáo mọi thay đổi trong dáng hình, trong cuộc sống của con mình cho Ai biết để Ai thực hiện một Aiko y hệt như đúc, theo cái nhìn của mẹ. Việc bà Aika đặt làm búp bê cũng giống như Đặng Thơ Thơ clone con mình. Hai người mẹ này, đều muốn giữ thời gian lại, bắt thời gian phải ngừng ở điểm con mình biến mất, dù nó còn sống hay đã chết.

Nhưng bộ phim không chỉ ngừng ở sự bắt thời gian ngừng lại, mà còn soi ống kính vào những ngõ ngách khác trên hành tinh, trong cuộc sống toàn cầu hóa: một là tất cả, tất cả là một (un pour tous, tous pour un) như lời thề của bốn người ngự lâm pháo thủ trong tác phẩm nổi tiếng của Dumas. Một là tất cả, tất cả là một tức là con người sẽ đồng hóa với nhau, ở đâu cũng ăn món Mac-đô bánh mì cặp thịt rán kiểu Mỹ, phải há hốc miệng mới đớp nổi ba bốn tầng thịt và phó-mát dầy cộp. Đó là sự kiện toàn cầu hoá thành công rực rỡ nhất, con người không còn căn cước văn hoá, chỉ còn lại một lối ăn, lối nói, lối viết, lối phát âm, đồng chủng, đồng loài, như những câu văn thường thấy trên Facebook: ngắn, gọn, pha trộn ngôn ngữ, viết nhanh, viết vội, không rõ là tiếng gì.

Những người lính ngự lâm pháo thủ thời nay gặp nhau trên đất Nhật, kể lại những câu chuyện về sự mất tích, về hoàn cảnh mất tích… như cô gái Nhật lao đầu vào xe lửa, cô gái Việt sang Nam Hàn làm việc, trốn ở lại, mất tích, như người thanh niên muốn vĩnh viễn về bên mẹ bằng cách tiêu diệt chính mình, hay như những di dân Việt lâu đời, còn giữ được lối phát âm "vờ" không có ở Nhật…

Trong những câu chuyện của họ, ẩn một nguy cơ lớn và lạ, là sự mất tích văn hóa, hay cố cầm cự với một âm"vờ", bởi tất cả thế giới đều đã là chung, là của chung: người ta chỉ đọc những tác giả nổi tiếng của Mỹ, của Pháp, của Anh, cùng lắm là của Nhật. Đã từ lâu rồi nhà văn trẻ Việt Nam không đọc sách của nhà văn già Việt Nam, bởi tất cả đều đã mất tích, đều đã rơi vào thùng rác nhân loại.

Ai không chỉ nói vế vấn đề mất tích, mà trên đây, tôi đã lạm dụng bàn thêm.

Tiểu thuyết Ai còn chứa đựng một chủ đề nghiêm trọng không ngờ: làm sao nhốt gió? như cậu bé trong truyện ngắn cùng tên của Bình Nguyên Lộc đã từng làm, cách đây hơn nửa thế kỷ?

Câu chuyện "nhốt gió" của nhà văn già Bình Nguyên Lộc, theo tôi, chính là tiền đề cho những hình thức vô hiệu hóa thời gian: làm sao bắt gió dừng lại? Làm sao cho con mình thôi lớn? Làm sao cho chim khỏi vỗ cánh bay đi? Làm sao cho tất cả đều tự do, không ràng buộc, mà vẫn "còn" là nguyên bản ban đầu?

Dường như Đặng Thơ Thơ cũng đã nhìn thấy "nguy cơ" của nền văn minh internet trong những cuộc viễn du không thông hành qua thời gian và không gian mà thanh niên mơ ước, và đã đoán trước, chuyến đi này cũng chỉ là ảo ảnh cuộc đời, như bao nhiên chuyến đi khác mà các nhà văn tiền bối đã thử tìm… rồi cuối cùng… không thấy.

Nhưng với tôi, chuyến đi vừa qua, không hề dẫn đến tuyệt lộ, ngược lại Ai đã cho tôi được đi lại, được trở về cuộc viễn du vào lòng mẹ, để biết chiều sâu của tình yêu, chiều dài của vĩnh cửu.

 

Paris, 1 tháng Giêng, 2023

Comments are closed.