Hà Thúc Sinh Truyện ngắn
Năm ấy tôi mười lăm, cái tuổi của một chú vịt, chú ngan ngơ ngáo hay của anh gà trống vỡ tiếng, chỉ mới dám quẹt quẹt chân trên bờ cỏ bên đường, dụ khị mấy con gà con và những cái ngỗng cao cổ, còn cất tiếng gáy ò ó o o… chắc cũng phải hết tháng hay nửa năm nữa mới mong có được.
Gia đình tôi là một gia đình nghiêm khắc, bố tôi là một người vô cùng nguyên tắc. Tất cả anh em tôi đều được phân công trong mọi sinh hoạt gia đình. Thí dụ công tác của tôi là sớm mai tôi lo cái giường ngủ của của bố tôi, nghĩa là tối thì giăng màn, sáng gấp màn, gấp chăn xếp vào tủ cho ngay ngắn. Chỉ có một điều là mà mãi sau này tôi cũng không hiểu: Bố tôi có nhiều bạn bè là nhà văn nhà báo nhưng gần như với anh em tôi, bố ngăn cấm việc đọc sách báo. Đi học thì không nói, về nhà gần như trên môi bố tôi chỉ có mỗi một chữ: HỌC!
Mà thú thật tôi là một đứa con lười học, nhưng học giỏi. Suốt những năm tiểu học rồi trung học, tôi thường lọt vào danh sách học sinh nhất nhì ba. Hai phần tú tài, tôi chỉ cà phê cà pháo với bạn bè theo đúng cái tuổi gọi là “tuổi tập tành”. Thế mà tôi đậu cả hai, riêng phần hai tôi còn đậu Bình mới là bảnh. Bố tôi rêu rao khắp nơi: Thằng cháu nhà tôi quanh năm chẳng thấy học hành gì mà thi đâu nó cũng đậu.
Nhưng như đã nói, thời thơ ấu của tôi cái khổ nhất là đọc sách. Vâng, tôi mê đọc sách và giữ sách rất kỹ, chắc khó ai bằng tôi.
Nhớ hồi mới vào Nam, anh cả tôi có dẫn tôi đi dạo phố Lê Lợi, anh đã mua cho tôi mấy quyển sách như Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên và sách tranh vẽ Tề Thiên Đại Thánh, truyện Tấm Cám, Bạch Tuyết và bảy chú lùn… Mà tôi giữ đến ngày 30 tháng 4.
Lúc còn ở với bố, những năm trung học, tôi đã biết đi mượn sách ở thư viện để đọc. Nhiều ngày tôi phải trốn trong tủ áo để đọc hết những đoạn gay go. Sau này lớn hơn, những ngày cuối tuần, tôi đánh đu ban công lên ngồi trên mái nhà kho dưới một tán cây điệp đọc sách mà chẳng còn sợ ai quấy rầy. Ngồi trên mái nhà này tôi quan sát được cả sân trại Thái Hòa rộng lớn mà cuối đường là nhà thờ Thái Hòa dẫn ra đường cái Lê Văn Duyệt sau đổi thành Phạm Hồng Thái. Từ ngoài ngõ dẫn vào nhà thờ Thái Hòa, mà hồi mới vào Nam, dưới sự cai quản của cha Hoan, còn gọi là xứ họ đạo Thanh Hoá. Tôi có nhiều bạn bè và biết bao kỷ niệm trên đoạn đường từ Ngã tư Bảy Hiền lên đến Ngã ba Ông Tạ.
Chơi thân với nhau từ thời thơ ấu ấy có tôi và Nha, là một thiếu niên láu lỉnh, biết nhiều, nhất là cái khoản cinema.
Thời ấy bố tôi hay vắng nhà. Ông hay lên cao nguyên vì có nhiều bạn đồng hương Thanh Hoá và có nhiều dịch vụ làm ăn trên ấy. Vắng bố, những ngày cuối tuần, Nha dẫn tôi đi xem xi nê, gần như tất cả các rạp mà chúng tôi có thể lội bộ đến.
Và những phim chúng tôi không bao giờ bỏ sót là những phim loại Western, cao bồi. Gần như chẳng có tài tử cao bồi nổi tiếng nào thời ấy mà chúng tôi lại không biết: John Wayne, Henry Fonda, Gary Copper, Rory Calhoun, Randolph Scott, Jul Bryner… Cái lạ là chúng tôi gần như không hề biết gì đến các nữ tài tử. Hoàn toàn, chúng tôi vẫn là bọn ngỗng đực!
Một ngày kia, Nha thốt hỏi tôi:
– Mày có biết ngực con gái nó cứng hay mềm không?
Tôi giật bắn mình. Sao hôm nay tự dưng thằng quái này đem tôi đi xa quá vậy?
Tôi giấu bối rối và giữ im lặng.
Nha khẽ nói:
– Mềm và trắng lắm mày ạ!
– Ối, mấy tấm ảnh đen trắng chụp mấy con đầm ấy thì coi làm gì?
Nha ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
– Tao nói mày nghe điều này và mày phải thề không bao giờ được hé răng với ai.
Tôi ỡm ờ:
– Mày biết tính tao mà!
– Cô Nga đã cho tao xem ngực cô ấy!
Tôi bàng hoàng hỏi khẽ:
– Thật không?
– Tao mà nói dối tao mất linh hồn!
Thế là trong đầu tôi nở tung hình ảnh một phụ nữ tuổi hăm sáu hăm bảy, cắt tóc demi garçon, răng trắng, má hổng với vóc dáng xinh đẹp.
Mãi tôi mới hỏi thêm được một câu:
– Nhưng chuyện bắt đầu thế nào?
Nha nói:
– Mày biết, khu này bố tao có mấy căn gác cho thuê. Tuần rồi cô Nga đã chính thức dọn vào một căn, và tao có giúp cô dọn đồ đạc lên phòng. Chiều đó mệt quá tao ngủ thiếp trên giường của cô. Khi tao thức dậy thì vừa lúc cô trong nhà tắm bước ra. Chẳng mặc gì. Cô cười bảo: “Thôi nhé cô trả công Nha cho Nha xem ngực cô rồi đấy, giờ về đi”. Rồi cô vừa lục ngăn kéo lấy quần áo, vừa hát khe khẽ.
Thực ra tôi đã “để ý”cô Nga, và chính tôi cũng không hiểu sao tôi gọi cô bằng cô nữa mà không gọi bằng chị. Như mấy ông anh bà con của tôi sống trong khu này gọi cô là cô thì còn hợp lý, chứ tôi và Nha gọi cô là cô, tức là em của bố mình thì không ổn. Nhưng mà quen rồi, gặp cô, chúng tôi đều gọi như thế.
Tôi cũng nghe phong thanh cô Nga làm nghề ca-ve, gái nhảy, dù lúc ấy thật lòng tôi chưa hiểu ca-ve là gì, và gái nhảy là cái chi chi.
Nhưng mấy ông anh họ tôi thì lại còn cho biết nhiều chuyện ly kỳ hơn:
– Con Nga nó dẫn trai về phòng đều đều đấy.
Và chuyện đều đều vậy gặp trục trặc khi bà Tùng, người có căn nhà lầu mà đứng nơi cửa sổ có thể nhìn sang phòng ngủ của cô Nga nằm ngay bên căn lầu kế cạnh. Khi bà Tùng kêu ca, bố Nha phải điều đình chuyển cô sang một căn nhà khác cũng do ông làm chủ, thì lúc ấy tôi đã mấp mé vào tuổi tổng động viên.
Và chỉ đôi ba năm sau, là một sĩ quan trẻ, tôi về thăm nhà và gặp lại cô Nga ở ngay Ngã ba Ông Tạ. Hình như lúc ấy cô đang đi chợ và tay có dẫn một bé gái khoảng ba – bốn tuổi.
– Trung úy, Trung úy ơi!
Tôi không quay lại, chị hơi ngoái cổ. Không thấy ai, tôi lách mình vào đám đông.
– Trung úy, Trung úy ơi!
Tiếng gọi có vẻ như cuộc đời của một người vừa chạy vừa gọi. Tôi đứng lại, và sát cạnh tôi đã xuất hiện và phụ nữ dẫn một bé gái.
– Trời ơi, anh quên người xưa rồi hả?
Tôi ngỡ ngàng một thoáng rồi nhận ra chị:
– Chị Nga?
Tôi hỏi. Một lát sau ba chúng tôi vào ngồi trong một quán nước kêu thức uống và trò chuyện. Tôi hỏi:
– Cô bé nào đây?
– Huyền, con gái chị đấy!
Tôi hỏi:
– Bố cháu đâu? Chị nói: – Anh Bằng chồng chị cũng trong Hải quân, nhưng chỉ là Trung sĩ nhất, giờ đây anh ở Cam Ranh chứ trong cảnh này chào chú mỏi tay.
Tôi cười:
– Làm gì đến độ đó.
Tự nhiên tôi buột miệng hỏi:
– Hỏi xem anh ấy có muốn về lại Sài Gòn không?
Tôi hỏi thế là vì mới mấy tháng này tôi được chuyển về phòng Tổng Quản Trị Bộ Tư Lệnh Hải Quân với chức vụ Phụ tá Trưởng ban Thuyên chuyển Sĩ quan và Hạ sĩ quan, và như thế chuyện giúp một hạ sĩ quan như Bằng về lại Sài Gòn nằm trong tay tôi.
Nhưng ngoài dự trù, chị Nga trả lời tôi:
– Ôi, mặc xác ông ấy. Về đây chỉ thêm rầy rà. Ngoài Cam Ranh nghe nói hiện ông ấy đã có thêm đến hai bà rồi.
Tôi nhìn chị ngẫm nghĩ: Người đàn bà này là ai? Có phải đời chị đã chồng chất nhiều đau khổ và tâm hồn giờ đã chai đá?!
Khi đám tang của Nha diễn ra sau một tai nạn xe hơi thì bao nhiêu câu chuyện thực hư về chị thường được Nha xầm xì kể lại với giọng vừa đùa giỡn vừa pha tí thêu dệt cũng hoàn toàn khép lại với tôi, và đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp mẹ con chị Nga ở Sài Gòn.
Tôi gặp lại chị Nga và con gái chị, cháu Huyền, vào một ngày Tết ở quận Cam. Lúc ấy chị đã ngoài tám mươi và Huyền năm lăm, năm bảy gì đó. Mẹ con chị sống trong một căn gác thuê ở phố Garden Grove. Chị cho biết, nhờ anh Bằng lái một chiếc ghe nhỏ hai máy đầu bạc đem chị và Huyền cùng mấy người quen quyết định vượt biên và đi thoát đến Hồng Kông sau được định cư ở California.
Anh Bằng đã qua đời vì bệnh gan và chị nói sức khỏe chị lúc này bết bát vì tiểu đường và chẳng biết còn được hưởng mấy cái Tết nữa.
Một ngày, tôi nhận được một thiệp báo tang gửi qua bưu điện. Người báo là Huyền, cho biết chị Nga qua đời ở tuổi tám tư và cho địa chỉ “Mời chú ghé chơi nhà cháu khi nào chú rộng rãi thời giờ”.
Mùa thu năm nay tôi từ miền Bắc Cali quyết định đi xe đò xuống Nam Cali thăm một số bạn bè và nhân tiện ghé thăm Huyền. Tôi đứng đợi trước nhà một lát thì Huyền về tới. Cô ở nhà thờ về. Cô cho biết hai mẹ con đã ở được một mục sư người Việt hướng dẫn vào đạo Tin Lành như nhiều gia đình Việt Nam tị nạn được Hội Thánh bảo trợ từ khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ trong vùng này.
Huyền bảo:
– Tôi nghiệp chú, từ Bắc xuống Nam thì mệt mỏi lắm. Nhưng xin chú đứng đợi cháu giây lát. Cái khóa cửa nhà cháu bị kẹt sao đó và cháu đã gọi thợ đến sửa, họ đến ngay bây giờ.
Tôi lang thang trước căn gác của Huyền. Khu này đẹp quá, trồng toàn điệp hoa vàng và cả hoa phượng. Trên gác hai, cửa sổ bật mở, rồi cửa chính cũng thế, Huyền xuất hiện trong bộ váy trắng, với vóc dáng nhỏ nhắn, với má hồng, môi son và mái tóc đen demi garçon.
Thốt nhiên lòng tôi như thắt lại. “Chúa ơi! Có phải chị Nga đang đứng đó không? Sao hai mẹ con có thể giống nhau như thế?”.
Một cơn gió lớn thổi một rừng hoa điệp vàng bay qua, làm mặt tiền căn gác trong đó có cả Huyền trong giây lát như biến đi và đổi sang một màu vàng tàn tạ. Tôi thở dài bước lên những nấc thang, lòng thầm nghĩ. “Thế hệ chúng tôi đang lần lượt bị phủ kín bằng một mùa Thu mất rồi”.
H. T. S