Tái bút của GS. Nguyễn Đăng Mạnh

 

Gần đây, nhân GS La Khắc Hòa đưa lại một loạt bài trích từ cuốn Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh, một vài người nhắc đến việc liệu cuốn Hồi kí của thầy có in ra chính thức được không. In chính thức thì tôi không biết, nhưng in lậu, in thủ công và bán chui thì lâu rồi và có nhiều sai sót. Bây giờ đổi mới, thoáng đãng hơn, những chuyện cấm kị như ngày trước nhiều người nói rất thoải mái… Nhưng cách đây hàng chục năm thì rất khác… Tôi ngồi nhớ lại 15 năm trước, nhớ về ngày ấy, những ngày sau khi nội dung cuốn Hồi kí… bị tung lên mạng.

Ngày ấy khá nặng nề. Tuy từ đó cho đến khi thầy rời cõi tạm và đến tận bây giờ, chưa có bất kì một quy kết chính thức nào của chính quyền nhà nước đối với cuốn sách và tác giả. Vì nó đã in ra đâu, chỉ là trôi nổi trên mạng. Ông Mạnh cũng chưa hề bị một cơ quan đoàn thể nào kiểm điểm hay khiển trách, kỉ luật gì về chuyện này… Ngày ấy, chỉ có một số tờ báo đăng tải bài viết phê phán, lên án, thóa mạ, thậm chí kết tội tác giả. Nhiều người, trong đó có cả một vài học trò của ông, quay lại nói xấu, gièm pha… Ngày ấy, tôi thấy rất rõ cảm giác mọi người xa lánh, ngại tiếp xúc với ông. Ngày ấy tôi vẫn đến nhà thầy tại Láng Hạ thường xuyên. Nhiều hôm đến, bấm chuông mấy lần vẫn không có người ra mở cửa, phải gọi điện vào trong nhà… Rồi cô Thoại – vợ thầy xuất hiện, mở cửa với lời phân trần: “Cứ tưởng công an đến bắt ông Mạnh”. Vợ thầy sợ và cảm thấy bất an… Con cái thầy cũng lo lắng, có lúc đã nghĩ đến chuyện tìm cho ông một luật sư bào chữa… Riêng ông Mạnh, vẫn không hề nao núng gì. Tôi chỉ thấy ông im lặng, ít nói hơn. Hay trầm ngâm, chỉ ngồi nghe, suy tư hoặc mỉm cười. Lặng lẽ như một ngôi sao cô đơn cuối trời… Ông không sợ gì, rất bình tĩnh… nhưng chắc là buồn, rất buồn về thế sự. Có hôm tôi đến thăm, vợ thầy bảo: Ông ấy đi bộ ra công viên rồi. Tôi ra công viên đi tìm. Tìm mãi, tìm mãi… cuối cùng thoáng thấy một dáng người nhỏ bé, quen thuộc. Ông ngồi một mình, thu gọn trong một quán nước nhỏ nép bên rìa một lùm cây. Tôi nhìn và nghĩ, uống trà chỉ là cái cớ, thực ra ông muốn tìm một chỗ tĩnh vắng để suy tư, để nghĩ về thế thái nhân tình. Chắc thầy đang “chiêm nghiệm cái hay, cái dở của cả đời người đã dồn tụ thành biển cả trong ông. Càng tách bạch với ngoại giới, cái biển cả tâm hồn trong ông lại càng nhiều dịp nổi sóng tung bờ… những lớp sóng buồn trước sự nhố nhăng, đen bạc của cuộc đời.”. Đấy là mấy dòng tôi viết về ông 15 năm trước, trong những ngày nặng nề ấy…

Nay sắp đến ngày giỗ thầy, được sự đồng ý của Nguyễn Đăng Thanh, con trai cụ, tôi đưa lên đây những dòng Tái bút. Nội dung này chưa có trong các bản đăng tải trên mạng, vì ông viết sau đó một năm. Sau một năm sóng gió vì cuốn hồi kí trên mạng, ông đã viết thêm ít dòng như những lời đối thoại ngầm. Lúc còn sống, ông cho tôi bản cuối cùng này (bản 2009 có bổ sung và sửa chữa, còn ghi last one). Xin trân trọng giới thiệu cùng mọi người. Âu cũng là một nén hương thắp lên nhân dịp giỗ thầy.

Đỗ Ngọc Thống

HN 27/01/2024

 

MẤY DÒNG TÁI BÚT

Nguyễn Đăng Mạnh

Tháng 9 năm vừa qua (2008), tôi vào thành phố Sài Gòn chơi.

Một hôm, con trai tôi phát hiện trên mạng tập hồi ký của tôi bị tung ra. Tôi rất ngạc nhiên, vì ngoài ý muốn của mình. Tôi viết hồi ký chỉ cốt để giải tỏa, nghĩa là trước hết để giải trí cho riêng mình mà thôi. Vậy mà bị tung lên mạng! Mà tập hồi ký mới viết bản nháp, đã hoàn chỉnh đâu! Từ nội dung đến hình thức còn phải sửa chữa nhiều, bổ sung nhiều. Nhưng nói gì thì nói, nó đã bị tung ra rồi, biết làm sao được!

Một điều có thể biết trước là, đọc tập hồi ký này, chắc chắn sẽ có một số kẻ tức tối đến điên cuồng. Không nhiều lắm đâu. Quanh đi quẩn lại chỉ độ năm bẩy tay là cùng (ngoài ra, chắc cũng có một số vị không thích, do quen sống trong những môi trường “phải đạo”, lại thuộc tạng người yếu đuối như thế nào đó, nên không chịu nổi lối nói thẳng tuột, nghĩa là phô bầy sự thật một cách công khai, trần trụi). Mấy tay tức tối điên cuồng nói trên, vì tức quá mà hóa dại, liền tung ra đủ thứ ngôn từ thóa mạ đểu giả nhất khiến người ta càng thấy rõ bản chất của họ. Cách viết thì nói chung là vu khống, xuyên tạc, quy chụp chính trị. Họ còn có cách viết nào khác được!

Trước hết họ cho tôi bất mãn với chế độ. Đúng là suy diễn vô căn cứ. Hồi ký của tôi quả có phê phán xã hội khá mạnh ở mặt này mặt khác thật. Nhưng không phải do bất mãn. Tôi chẳng có gì mà phải bất mãn. Trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống tự thấy cũng được nhiều thứ: giáo sư, nhà giáo nhân dân, giải thưởng khoa học nhà nước… Ngoài ra, gia đình hòa thuận, con cái đủ ăn, dâu rể tử tế.

Tóm lại, tôi viết hồi ký trong tâm trạng rất thoải mái, thái độ bình tĩnh, hoàn toàn tỉnh táo, trước sau chỉ xuất phát từ lẽ phải.

Họ lại cho tôi là mượn hồi ký để nói xấu người này người khác. Nhưng thế nào là nói xấu? Trắng nói thành đen mới là nói xấu chứ! Còn đen gọi là đen thì chỉ là nói thẳng, nói thật thôi chứ! Có người gọi điện cho tôi nói tôi viết như thế vẫn chưa đủ độ. Nghĩa là bản chất bọn ấy còn đen hơn nữa kia. Thì ra họ là người thế nào, thiên hạ đã biết cả, thậm chí còn biết rõ hơn tôi nữa. Có điều người ta không viết ra mà thôi. Có phải ai cũng có điều kiện viết ra được đâu!

Mới đây thôi, tôi đang ở Sài Gòn thì có một anh biên tập viên của NXB Giáo dục ở Hà Nội gọi điện vào, mách tôi một chuyện như thế này: Có một vị giáo sư, nhà giáo nhân dân hẳn hoi, dạy lý luận văn học ở khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, đã tung tin nhảm nhí để bôi xấu tôi. Hắn ta nói với anh biên tập viên thế này: Nguyễn Đăng Mạnh chuyên bóc lột nghiên cứu sinh của mình, chuyên vòi tiền họ. Mạnh bị gẫy chân ở trong Nam, không phải vì trượt ngã đâu, mà do làm chuyện bậy bạ, bị người ta đánh cho què. Anh biên tập viên không tin, nói lại : Thày Mạnh hướng dẫn nghiên cứu sinh đã vài ba chục năm rồi, đào tạo có lẽ đến gần hai chục tiến sĩ, thầy Mạnh bị gãy chân cũng đến mươi năm rồi, vậy sao bây giờ mới có thông tin ấy? Vị giáo sư nọ xem chừng chột dạ, vội nói: Mình chỉ nghe có dư luận như thế. Nhưng thôi, mình chỉ nói riêng với cậu, đừng nói lại với ai nhé!

Đúng là một nhân cách ghê tởm. Trong hồi ký, tôi chỉ nhận xét hắn là “phi mỹ học”. Quả là quá nhẹ nhàng, lịch sự.

Họ còn cố tình kích động những địa phương mà hồi ký của tôi có đưa ra một số nhận xét thiên về nhược điểm. Nhưng có điều rất vui là nhiều người ở chính các địa phương ấy, chẳng những không giận mà còn tìm đến gặp tôi và tỏ ý tán thành những nhận xét của tôi về quê hương họ. Tất nhiên những nhận xét ấy rất chủ quan và phiến diện. Nhưng tôi có ý định phát biểu toàn diện đâu! Trong hồi ký, tôi đã nói rõ như thế rồi mà! Nhận xét về nhược điểm của một địa phương, thậm chí của một dân tộc, nếu đúng thì cũng rất có ích chứ sao! Ông Lỗ Tấn còn vạch ra nhược điểm của cả dân tộc mình kia mà! Đấy mới thật sự là yêu quý dân tộc mình, quê hương mình. Nguyên Ngọc gọi là văn học tự vấn. Hơn lúc nào hết, dân tộc ta đang rất cần thứ văn học tự vấn này. Lúc nào cũng vỗ ngực là siêu dân tộc, là nhất thế giới, tôi cho là biểu hiện của tâm lý nhược tiểu, là thiếu bản lĩnh, là dân tộc chưa trưởng thành.

Còn cố tình giễu cợt hồi ký của tôi là ngồi lê đôi mách và đưa ra những thông tin chẳng có kiểm chứng gì cả. Đúng, tôi “ngồi lê” đấy. “Ngồi lê” với những Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, v.v. những nhân vật tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Còn đòi hỏi kiểm chứng? Rõ vớ vẩn! Đây là tư liệu riêng của tôi. Tôi là nhân chứng duy nhất, kiểm chứng làm sao? Còn tin hay không tin, tùy!

Nói như Hoàng Ngọc Hiến, ở “cái nước mình nó thế”, ai mà chẳng biết điều này: Chỉ những cuộc trò chuyện riêng giữa những người thân bên bàn trà, trong quán nhậu, người ta mới nói thẳng, nói thật. Còn đã viết ra thành sách để xuất bản, thành bài để đăng báo, thì trước khi Cơ quan Nhà nước kiểm duyệt, bản thân người viết đã phải tự kiểm duyệt rồi. Cho nên sách in ra, chỉ nói được một nửa sự thật đã là giỏi, là bạo rồi.

Có kẻ lại chê hồi ký của tôi thiếu tâm và thiếu tầm. Có vẻ cao đạo nhỉ! Thế nào là tâm, thế nào là tầm? Thước đo tâm và tầm là gì? Cứ nói thế thôi, chứ hỏi cho ra nhẽ thì chắc chính kẻ phát ra những tiếng ấy cũng ú ớ, chẳng hiểu mình nói gì. Trong đám trí thức rởm ở ta hiện nay, thường có vô số kẻ như thế đấy – nói thì ra vẻ lắm, chữ nghĩa lắm, nhưng chẳng hiểu mình nói gì cả – điển hình hơn hết có lẽ là tiến sĩ mỹ học Đỗ Văn Khang.

Ờ, nhưng hãy thử nghĩ tâm và tầm của một người viết là gì nhỉ? Tôi chỉ là một người của đời trần tục, không có và cũng không muốn có cái tâm của đức Phật Thích Ca hay Chúa Giê su: bị tát má trái một cái, lại giơ má phải cho tát cái nữa. Các đấng ở tít mù trên thượng giới ấy thương yêu tất cả chúng sinh, kể cả kẻ thù, kẻ ác. Còn tôi là người trần thế, có yêu thì phải có ghét – “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” (Nguyễn Đình Chiểu). Yêu ghét phân minh, yêu ghét đến nơi đến chốn. Ai cũng yêu là không thật sự yêu ai cả. Đấy là thái độ của những kẻ sống hời hợt, nhạt nhẽo, không tính cách, thiếu cá tính. Hồi ký của tôi thì không hề muốn che giấu cái yêu cái ghét của mình.

Còn tầm? Hẳn là chê tôi nói nhiều chuyện vụn vặt, chuyện đời tư cá nhân, cả những chuyện tục tĩu nữa chứ gì? Nhưng chính những điều tầm thường ấy nói rằng, dù là vĩ nhân đi nữa, cũng là con người cả thôi. Tôi không muốn như ai đó, thích quỳ mọp dưới đất, vái lậy sì sụp những ông thần, ông thánh nào. Napoléon ngày xưa từng khen Goethe: “Ông là một con người” (Vous êtes un homme). Xuân Diệu thường dẫn ra câu này để ca ngợi những nhân vật vĩ đại mà rất mực con người. Tôi rất nhất trí với Xuân Diệu như vậy. Anh nói: “Vĩ nhân là con người, con người tai, mắt, xương, thịt mới là vĩ nhân hoàn toàn”. Cho nên tôi rất thích câu nói hóm hỉnh của cụ Hồ với linh mục Phạm Bá Trực: “Chúng mình là Contrenature”.

Tôi rất yêu kính cụ Hồ, nhưng cũng rất thương cụ. Hồ Chí Minh có những nỗi đau lớn mà đến lúc nhắm mắt cũng không được giải tỏa. Một là cứ phải làm ông thánh, không được làm người bình thường. Hai là không thực hiện được, hay nói đúng hơn, không được thực hiện cái mà ông cụ gọi là “ham muốn tột bậc”của mình:“làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Cuối cùng, đối với những người tức tối điên cuồng về tập hồi ký, tôi muốn nói mấy lời thế này: Tôi viết hồi ký, lý do trước hết là để tự giải tỏa. Biết sự thật mà không nói ra, cũng bức bối lắm (và cũng thiếu trách nhiệm nữa). Nhưng đồng thời tôi cũng mong mỏi tập hồi ký của mình có được chút ý nghĩa tích cực đối với người đọc, nhất là các thế hệ mai sau. Đó là thông qua những vụ việc cụ thể, những sự kiện cụ thể, và thông qua những cuộc trao đổi riêng với một số nhà văn tiêu biểu của nền văn học đất nước, nói lên được phần nào bản chất và bộ mặt thật của văn học nước nhà trong một thời đại, thời mà tôi chẳng những nghiên cứu khá kỹ, mà còn tham dự, từng sống với nó, từng chia sẻ vui, buồn, từng chịu bao sóng gió với nó như một người trong cuộc.

Vì mục đích ấy mà tôi phải đụng đến các vị. Ai bảo các vị cứ hay gây rối, muốn cản trở bước tiến của nền văn học đất nước, lại còn bôi bẩn lên nó nữa. Tôi nói đến các vị như là nói đến những chi tiết có thật, liên quan đến những vụ việc này khác trong quá trình vận động của nền văn học nước ta một thời. Thật ra, bản thân các vị có đáng gì đâu mà tôi phải gây sự! Tóm lại các vị chẳng qua chỉ là những nạn nhân (không đáng thương chút nào) của một cuốn – xin cứ tạm gọi thế – một cuốn sơ thảo về lịch sử văn học Việt Nam một thời, được viết một cách thẳng thắn, chân thật, dưới dạng hồi ký.

TP. Hồ Chí Minh, 24-4-2009

Nguồn: FB Đỗ Ngọc Thống

Comments are closed.