Mạnh mẽ và Yếu đuối

Lê Học Lãnh Vân

Với tư cách một người đờn ông thấu hiểu lẽ đời “phê bình, tự phê bình”, tui không dám chê bai tính hám gái, dại gái của bất kỳ người đờn ông nào vì chưa chắc mình hơn ai. Cho dù tui biết có những người đờn ông rất đứng đắn!

“Qua vườn mận không đưa tay sửa mũ, qua ruộng dưa không cúi xuống buộc giày”, kinh nghiệm người xưa dạy không nên làm gì khiến người khác nghi ngờ. Nếu ai cũng sống nghiêm cẩn theo tinh thần đó, lâu lâu lâm hoàn cảnh khó xử một lần cũng dễ giữ mình! Chứ nếu cứ tự tạo cho mình hoàn cảnh dễ dãi thì người bình thường, không phải thánh nhân, cũng khó mà không vi phạm này nọ. Cho nên, nếu khách cần gọi người phục vụ khách sạn lên phòng mang một vật dụng cần thiết hay làm một dịch vụ nào đó, thông thường khách sạn yêu cầu khách để cửa mở trong suốt thời gian người phục vụ còn ở trong phòng.

Tui biết ông giám đốc công ty nọ yêu cầu vách ngăn căn phòng làm việc của ông phải có một khoảng kiếng cao khoảng sáu tấc chạy dài suốt tám mét của căn phòng. Có phải ông muốn nhìn ra quan sát nhân viên? Không phải là mục đích chánh! Mục đích chánh là ông không muốn chuốc bất cứ điều tiếng với bất kỳ ai ra vô làm việc trong phòng với ông. Cô thư ký, cô kế toán trưởng, cô trưởng văn phòng. Vừa trọng người, vừa trọng mình!

Ông nói mình không muốn để bất kỳ khoảng trống nào cho phép sự thêu dệt, đặt điều hay sắp xếp có dụng ý. Và sự minh bạch cũng giúp mình tự giữ mình!

Ông giám đốc này cũng giữ nguyên tắc sống như vậy với bà xã. Tất cả những phụ nữ quen biết đều được ông giới thiệu với bà. Nghĩa là ông luôn để ánh sáng minh bạch soi rọi.

Nếu nói về tính hám gái, dại gái, tui thấy ông giám đốc đó có thể là người “dễ sa ngã”. Nhưng ông tự biết ông, nên luôn tự đặt mình trong hoàn cảnh không thể sa ngã. Biết bao người đờn ông khác coi bề ngoài vững vàng hơn ông nhưng cuối đời thân bại danh liệt, chết trong vũng chân trâu!

Ông giám đốc thoạt nhìn tưởng yếu đuối nhưng thực sự rất mạnh mẽ. Vì muốn bảo vệ giá trị sống của mình ông sẵn sàng tự đặt dưới sự giám sát và xét xử của các phương tiện độc lập với chính ông.

Không có tính cách mạnh mẽ, cao thượng tự đặt mình trước sự giám sát, xét xử độc lập, một ngườ khi nắm quyền thì chọn cách sống dễ dàng, không bị ngăn cản nên dễ sa ngã, hư hỏng, chạy theo dục vọng thấp hèn. Tiền tài, danh vọng, gái gú… Quy luật này không chỉ đúng cho cá nhân mà cho cả tập thể, bộ máy! Đó là nguồn gốc của sự thoái hóa ghê gớm về nhân cách, đạo đức, có thể làm bại hoại một quốc gia!

Ngày 12 tháng 11 năm 2024

Cái gốc vẫn là con người

Tô Văn Trường

 

Đội ngũ cán bộ ta, nhất là cán bộ cao cấp, hẳn ai cũng thuộc lòng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.” Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, người sáng lập Đảng và Nhà nước Dân chủ Cộng hoà còn thiết tha căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”.

Nhưng vì sao các thế hệ sau, ở cấp nào cũng vậy, dù có bằng cấp, chứng chỉ cao hơn hẳn thế hệ lãnh đạo đầu tiên, nhưng cả đức và tài, từ tâm đến tầm hình như đều thua cha anh một khoảng cách xa đến thế? Do đâu mà việc vun sai gốc trở nên phổ biến, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng để “lò rực cháy” như thời gian vừa qua? Có chỉ ra đúng căn nguyên việc này thì mới chữa được bệnh. Đó mới là cái gốc của vấn đề.

Ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa

Để tóm tắt cho dễ hiểu, chúng ta tạm thời quy định là việc đánh giá con người và giai đoạn giống như việc chấm thang điểm tuần tự từ 0, 1… tới 10 ở nhà trường phổ thông, chứ không mơ hồ, cảm tính như ở ta theo kiểu “Yêu nhau cau sáu bổ ba/Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”.

Có nhà khoa học thế hệ đàn anh đã từng băn khoăn đặt câu hỏi: Vì sao Nhật Bản và Cao Ly cũng kế thừa văn hóa Trung Quốc mà họ giỏi hơn ta? Trong một lần đến thăm Thư viện quốc gia Trung Quốc, nhà khoa học ấy đã… toát mồ hôi khi phát hiện ra nguyên nhân, gốc gác! Vốn là, Việt Nam ta cũng như hai nước Nhật Bản và Cao Ly đều từng là những chư hầu của các đời hoàng đế Trung Hoa, cho nên đều đã có những đợt du học ồ ạt tới thiên triều để “khuân” kiến thức về cho nước mình.

Cắc cớ là Nhật Bản và Cao Ly đã miệt mài du học vào đúng thời Hán Cao Tổ là thời rất cấp tiến, đổi mới để đưa Trung Hoa vươn tới cực thịnh. Thầy nào, trò nấy, họ “rinh” về cả cái không khí hừng hực, rộn rã của nước Trung Hoa đang chuyển mình! Còn thời các nho sĩ Việt Nam khăn gói ồ ạt đổ sang học hỏi thiên triều lại đúng vào cái thời nhà Tống là thời kỳ toàn những nho gia chỉ giỏi ngâm vịnh thơ phú mà chẳng làm được trò trống gì cho ra hồn. Cho nên, đến tận bây giờ dân Trung Quốc vẫn quen mỉa mai với câu “đồ Tống nho” để dè bỉu bọn hủ nho hợm hĩnh.

Ân và oán phải rạch ròi. Chúng ta nên học cái hay và tránh cái dở của họ. Nước ta tiếp nhận nền văn hóa Trung Hoa và kế thừa nhiều thành tựu rạng rỡ trong nền văn hóa nhân loại, nhưng cũng có những thứ bảo là rác rưởi cũng chẳng oan như “trí phú địa hào – đào tận gốc, tróc tận rễ” hay cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp…

Tôi đã đến Trung Quốc nhiều lần, rất ngạc nhiên là hạ tầng cơ sở của quốc gia hơn tỷ dân ấy từ lâu đã đồng bộ, tiện nghi và hợp lý đến ngỡ ngàng, mà có lẽ còn rất lâu nữa Việt Nam mới theo kịp. Thể chế của họ cũng như ta, nhưng quy hoạch nhân sự, ít nhất ở cấp cao, không bị rơi vào tình trạng “đốt đuốc tìm người”, “nước đến chân mới nhảy”, toàn để “thủng lưới vào phút bù giờ” như ta.

Đừng “chụp mũ” bằng những cụm từ ngô nghê, trừu tượng

Tôi không biết ai là người đầu tiên đưa ra khái niệm “lỗi hệ thống” ở nước ta, nhưng thấy có nhiều người sử dụng đã thành thói quen cửa miệng. Tuy nhiên, từ góc nhìn triết học, không có khái niệm nào như vậy. Thay vào đó, triết học thường sử dụng khái niệm “hệ thống sai” để chỉ ra rằng một hệ thống không hoạt động đúng theo nguyên tắc hoặc mục đích được đề ra. Ví dụ nếu một động cơ hơi nước được thiết kế để đốt trong thì đó là một hệ thống sai về nguyên lý thiết kế.

Một khi đã xác định được nguyên nhân thì quản trị quốc gia cần phải thực hiện các biện pháp để cải thiện hệ thống. Điều này có thể bao gồm sửa đổi quy trình, tái cấu trúc tổ chức, hoặc thậm chí là tái thiết kế toàn bộ hệ thống nếu cần. Quản trị quốc gia không chỉ là việc giải quyết vấn đề một lần mà còn là việc duy trì và cải tiến hệ thống theo thời gian, điều đó đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của hệ thống và khả năng giải quyết các vấn đề hệ thống một cách thông minh và hiệu quả.

Khái niệm “quy hoạch cán bộ” chỉ là một khâu, một quy trình trong công tác nhân sự. Muốn có nhân sự tốt thì không thể chỉ bám vào quy hoạch cán bộ mà phải dựa trên nền tảng dân chủ, tuyển chọn nhân tài có cạnh tranh, đào tạo, thử thách, rèn luyện, đối thoại thì mới có tính biện chứng, tránh “hôn nhân cận huyết”. Triết học có nói đến việc xem xét nhân sự không chỉ là việc lựa chọn và sắp xếp cán bộ trong một tổ chức, mà còn là việc hiểu biết về bản chất của con người, về cách thức họ hoạt động và tương tác trong môi trường làm việc, cũng như về cách thức họ có thể đóng góp vào mục tiêu tổng thể của tổ chức.

Tôi vẫn nhớ mãi lời cố giáo sư Hoàng Tuỵ – cây đại thụ, nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam – đánh giá: Nếu chất lượng lãnh đạo ở một thế hệ là A thì ở thế hệ tiếp liền theo không vượt quá tA với 0<t<1, cho nên sau k thế hệ sẽ không vượt quá t^k A (t lũy thừa k của A). Vì t^k tiến dần rất mau tới 0, chẳng hạn với t=0,8 thì sau 2 thế hệ chất lượng đã không vượt quá 0,64 A rồi. Có lẽ chính vì vậy mà kể từ Cách mạng tháng Tám, thế hệ đầu tiên được sàng lọc, lựa chọn qua hoạt động thực tiễn có chất lượng rất cao, nhưng đến thế hệ này thì đã tiệm cận đến giá trị thấp hơn rất nhiều lần.

Tự diễn biến – tự chuyển hoá

Nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương và địa phương khi lên diễn đàn giáo huấn thường phê phán quan điểm “Tự diễn biến, tự chuyển hoá” nhưng không hiểu nội hàm triết học của cụm từ này. Dù tự diễn biến hay chuyển hóa, tốt hay xấu cho đất nước mới là điều quan trọng. Nước nào, chế độ nào, thời kỳ nào mà chẳng có “chuyển hóa” và cần phải “chuyển hóa” mới tiến lên được! Thành thử mấy cụm từ, mấy khái niệm chẳng có tội tình gì ấy trở thành những cụm từ và khái niệm mang ý tiêu cực, bị dùng để đe dọa và khép tội những công dân có trách nhiệm.

Trước hết, nên làm rõ hơn “tự diễn biến, tự chuyển hóa “ là thế nào trước khi phê phán. Chúng ta phải thừa nhận, con người luôn sống theo thói quen, nên tự đổi mới, nhất là đổi mới tư duy là không dễ. Khó, thậm chí rất khó, nhưng không phải không làm được. Thực tế, nhờ tự đổi mới tư duy, tức “tự chuyển biến, tự chuyển hóa”, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao cấp nhất, chúng ta mới có Nghị quyết Đại hội Đảng VI (1986) đưa đất nước phát triển cho đến nay.

Đổi mới của Đảng từ 1986 thực chất là tự chuyển hóa về tư duy kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường thay cho quan điểm ngự trị trước đó là xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất và Nhà nước quản lý nền kinh tế theo kế hoạch pháp lệnh.

Với tư duy đổi mới, lãnh đạo Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh đã dũng cảm tổ chức viết lại Văn kiện Đại hội Đảng khóa VI, chuyển hóa phương thức quản lý kinh tế, đem lại chuyển biến tích cực cho nền kinh tế và cho đất nước nói chung. Đấy là thực tế chứng minh hùng hồn, là thước đo minh chứng cho việc tự chuyển hướng, tự diễn biến theo chiều hướng tích cực là cần thiết. Đường lối phát triển phù hợp quy luật phát triển của sự vật đã đưa nước ta vượt qua cơn khủng hoảng được toàn dân ta và bạn bè trên thế giới ghi nhận.

Tư duy nhiệm kỳ và tách nhập

Từng có vị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội: “Ai có tư duy nhiệm kỳ thì người đó không xứng đáng với vị trí của mình”. Thực chất, nhiệm kỳ là một khái niệm để chỉ thời gian chứ bản thân nó không phải là tiêu chí để đánh giá là xấu hay tốt. Xấu hay tốt trong một nhiệm kỳ hay một giai đoạn đối với cán bộ được giao trọng trách hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất, năng lực của người đó đã để lại dấu ấn gì với ngành hay địa phương, chứ sao lại đổ lỗi cho thời gian được?

Có lẽ khi dùng cụm từ “tư duy nhiệm kỳ”, người ta thường hiểu theo cái nghĩa tiêu cực mà lâu nay xã hội đã gán cho cụm từ ấy là “chỉ nghĩ ngắn hạn, không có tầm nhìn”. Có người “tư duy nhiệm kỳ” theo kiểu chỉ cốt làm sao hoàn thành nhiệm kỳ của mình một cách yên ổn, không nghĩ đến việc xây dựng nền móng cho phát triển lâu dài. Có người đề ra những kế sách rất hoành tráng chỉ cốt để đánh bóng tên tuổi của mình, mặc cho dân và những người kế nhiệm gánh hậu quả. Có người tranh thủ vơ vét cho hết, cho nhanh mọi quyền lợi trong nhiệm kỳ của mình, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Hay trong nhiệm kỳ này, việc sáp nhập một số đơn vị cấp xã theo hai tiêu chí cơ bản là dân số và diện tích đã thực sự làm nhiều địa phương rối loạn, không chỉ vì phá vỡ văn hoá lịch sử làng xã truyền thống mà còn làm đảo lộn các loại giấy tờ liên quan đến hành chính và cuộc sống của người dân.

Tư duy, hành động theo nhiệm kỳ gây thiệt hại cho dân, cho nước như thế mà chỉ bị đánh giá là “không xứng đáng” và xử lý theo kiểu “cần rút kinh nghiệm” thì làm sao khắc phục được “tư duy nhiệm kỳ”?

Ai không dám làm, đứng sang một bên

Thoạt nghe câu này có vẻ chuẩn xác, nhằm chấn chỉnh, răn đe những người được giao nhiệm vụ nhưng lừng khừng do dự, không dám làm vì sợ trách nhiệm. “Không dám làm” là khái niệm hết sức mù mờ và chứa đầy cảm tính, không hề phù hợp trong cơ chế pháp quyền, trong khi nhiều quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo nhau và chứa nhiều nội dung vô lý lại không được chú tâm giải quyết, nên dù có người muốn làm nhưng cũng không biết phải làm thế nào cho đúng. Người ta không định chữa căn bệnh từ gốc rễ, nhưng lại muốn chấn chỉnh từ những triệu chứng quá mơ hồ mà ai hiểu sao cũng được, nên dễ bị lạm dụng, tùy ý thay đổi trắng đen theo “khẩu vị” cá nhân.

Không nên nêu vấn đề nước đôi “nhà nước pháp quyền” và “dám nghĩ dám làm” vào thời điểm này. Trước đây, vào thời kỳ đầu đổi mới, khi nhiều thể chế cũ chưa kịp thay đổi thì “dám nghĩ, dám làm” hay “phá rào” có thể được khuyến khích. Còn bây giờ, việc quan trọng nhất thuộc đúng chức trách Nhà nước phải làm là xây dựng hệ thống luật pháp hợp lý và kiểm tra đôn đốc bộ máy, cán bộ phải làm đúng – đó là việc cần làm ngay.

Trong một nhà nước pháp quyền, không cần đặt ra yêu cầu “dám” hay “không dám”, vì như thế vô hình trung ngầm chấp nhận rằng quy định chưa minh bạch cho nên cán bộ cần phải “dám”, đồng thời phải chấp nhận hên xui, may rủi! Yêu cầu như thế tức là giải quyết theo cảm tính và giải quyết phần ngọn, chứ không phải phần gốc là bộ máy pháp quyền.

Tham vọng quyền lực

Tham vọng quyền lực cũng thế! Nếu người ta tham vọng (dịch nôm ra là “mong muốn” – nghe có vẻ nhẹ hơn) quyền lực để được đóng góp nhiều nhất cho đất nước thì tốt chứ sao! Chỉ ghét là ghét cái đám quan chức “mũ ni che tai”, “gió chiều nào che chiều ấy” để bám giữ quyền lực mà thôi! Với cái đội ngũ cán bộ chiến lược phần lớn như vậy, lại thêm một đội tham mưu xu nịnh kiểu “Hòa Thân” nó phỉnh đủ thứ… thì đất nước đi đến đâu?

Khi đám đông ở trạng thái hỗn loạn, để ổn định và phát triển, ta cần đến một nhà độc tài, một nhà nước chuyên chính. Ngược lại, trong một xã hội độc tài, chuyên chính, để phát triển ta lại cần một nền dân chủ. Đây là “hai pha” của một chu kỳ phát triển, không có tốt và xấu. Tham vọng quyền lực là bản năng, cũng không có tốt và xấu, chỉ có yếu và mạnh. Muốn đánh giá một xã hội hoặc một con người tốt hay xấu, đúng hay sai, ta cẩn hiểu đúng tình trạng của đối tượng đánh giá.

Tuy nhiên, nếu tham vọng quyền lực với nghĩa là khát khao nắm quyền nhưng theo nghĩa tiếm quyền – nghĩa là không có tính chính danh được nhân dân và pháp luật thừa nhận thì đó là tham nhũng quyền lực. Đây là tội tham nhũng tàn ác nhất, đẻ ra toàn bộ mọi tham nhũng khác, và gây ra cho đất nước nhiều tổn thất nhất so với bất kỳ tội tham nhũng nào khác.

Chủ nghĩa cá nhân

Về “chủ nghĩa cá nhân”, từ điển Larousse tiếng Pháp (tài liệu định nghĩa được các nhà khoa học tôn trọng, thậm chí coi là chuẩn mực) giải thích như sau:

– Theo nghĩa thông thường, chủ nghĩa cá nhân là khuynh hướng tự khẳng định mình không phụ thuộc vào những người khác.

– Khuynh hướng coi trọng giá trị và quyền của cá nhân cao hơn giá trị và quyền của các nhóm xã hội.

– Về triết học: lý thuyết đặt ưu tiên vào cá nhân, được coi là nền tảng của tất cả các giá trị hoặc được coi là thực tế xác thực duy nhất và là nguyên tắc cơ bản để giải thích các hiện tượng tập thể.

– Về xã hội học: phương pháp luận nhằm phân tích các hiện tượng tập thể như hệ quả của tập hợp các hành động, các niềm tin và thái độ cá nhân.

Còn ở ta, cho đến bây giờ, “chủ nghĩa cá nhân” chỉ được hiểu theo nghĩa xấu dẫn đến cản trở sự phát triển của cá nhân.

Hồ Chí Minh đã nói: “Phải có tự do tư tưởng. Mọi người được tự do phát biểu ý kiến kể cả ý kiến trái với cái chung. Những ý kiến trái chiều đó phải được tôn trọng, đưa ra tranh luận đối chiếu với thực tế, như thế là cùng nhau đi tìm chân lý.”

Đất nước chỉ có thể phát triển khi những người có trách nhiệm không né tránh những vấn đề được coi là cấm kỵ, mạnh dạn đặt lên bàn những vấn đề gay cấn để công khai thảo luận nhằm tìm ra đối sách.

Vận động luôn là thuộc tính cơ bản của mọi dạng vật chất, chuyển hóa là kết quả tất yếu của vận động. Suy cho cùng cái “thói quen” (như Lênin nói) và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ của không ít người có thẩm quyền.

Tố chất của người lãnh đạo

Nguyên khí đi từ cái gốc của vấn đề là tìm được người hiền tài và đặt đúng vị trí của họ. Các tiêu chí đề ra để chọn hiền tài hiện nay dường như mới chỉ tập trung vào việc chọn người có đạo đức (được hiểu là không có lỗi), trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trung thành với Đảng. Cả ba tiêu chí này đều không phải là tiêu chí của “người tài”, dù đó có thể là những tiêu chí của “người tốt” với Đảng, song chưa hẳn đã là tốt cho đất nước, càng khó có thể là người tài mà đất nước đang cần, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, hay như Lênin từng viết: “Nhiệt tình cộng với dốt nát sẽ thành phá hoại”. Vả lại, “Sông sâu còn có kẻ dò / Nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Thực tế xử lí một số cán bộ vừa qua cho thấy nhiều đồng chí có quá trình thăng tiến rất đáng ngưỡng mộ, lên bục phát biểu chỉ đạo hay hơn cả nghệ sĩ gạo cội hoá ra chỉ thuộc diện “chưa bị lộ” thôi.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết người dân càng mong muốn lãnh đạo cấp cao phải thực sự là người có các tố chất sau:

– Hiểu đúng, đánh giá đúng thực trạng chính trị – kinh tế – xã hội và văn hóa của Việt Nam, vị trí và hoàn cảnh đất nước trong bức tranh chính trị – kinh tế – xã hội toàn cầu.

– Có tư tưởng cải cách và dân chủ, đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên hết để định hướng đúng con đường và mô hình phát triển xã hội, đề ra được những quyết sách đúng và kịp thời.

– Có khả năng tập hợp quần chúng và thu phục nhân tâm, biết trọng dụng người hiền tài, biết tổ chức và hành động kiên quyết, khéo léo phù hợp với văn hoá Việt.

– Có tri thức, đủ khả năng tiếp thu các kiến thức mới về quản trị quốc gia của thời đại.

Giữ chữ tín với dân

Hãy ngẫm tích bên Tàu về niềm tin của dân chúng với chính quyền qua việc Thương Ưởng “di mộc lập tín”.

Sau khi được Tần Hiếu Công trọng dụng, Thương Ưởng lập ra pháp luật, nhưng không công bố ngay lập tức. Trước tiên, ông làm một việc kỳ lạ. Ở cửa phía Nam đô thành nước Tần (khi ấy là Lịch Dương), ông cho người cắm một cây gỗ và dán thêm một cáo thị nói rằng: “Ai có thể đem cây gỗ này từ cửa thành phía Nam sang phía Bắc, ta sẽ thưởng 10 nén vàng”.

Sau khi cáo thị được dán ra, có rất nhiều người đến xem nhưng không có ai hành động gì, vì đã lâu rồi chẳng ai còn tin vào triều đình nữa. Một sự việc hết sức đơn giản sao lại được thưởng nhiều như thế? Mọi người cho đây là một việc lừa bịp như bao lần lừa bịp khác. Thương Ưởng nghe nói không có ai chuyển cây, ông đưa ra đề nghị mới: “Được rồi, đổi 10 nén vàng thành 50 nén vàng”. Sau đó có người dừng lại chỗ cáo thị nói: “Xưa nay nước Tần chưa bao giờ thưởng lớn thế này! Nhưng tôi cũng muốn thử một chút”. Người đó chuyển cây từ cổng Nam sang cổng Bắc. Lúc này Thương Ưởng đã chờ ở cổng Bắc, thấy cây được chuyển đến, ông mới nói rằng: “Người này thật là một thần dân tốt. Lập tức thưởng cho anh ta 50 nén vàng. Ta muốn qua việc này để tuyên bố: Từ nay, triều đình đã nói là làm.”. Câu chuyện này đã khiến đô thành nước Tần náo động vì số tiền được thưởng lúc đó quá lớn.

Thông qua sự việc này, Thương Ưởng muốn truyền đến bách tính một thông điệp rất rõ ràng: “Pháp luật là tôi định ra, dù nó có chỗ hoang đường hay sai lầm thế nào, nhưng tôi đã nói là làm”. Đây là việc gọi là “di mộc lập tín”, thông qua việc chuyển cây mà xác lập sự tín nhiệm của người dân nước Tần đối với ông, cũng chính là lòng tin của dân chúng đối với chính quyền vậy!

Điểm lại một việc nóng hổi vừa mới diễn ra năm nay, còn quan trọng hơn chuyện “di mộc lập tín” hàng nghìn lần là giáo dục mà giật mình. Theo chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của Nghị quyết 29, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục, quy định: “Thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Bộ GDĐT đã huy động nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện quy định này, xoá bỏ cơ chế độc quyền, tạo ra cuộc thi đua nâng cao chất lượng sách giáo khoa, có lợi cho người dạy, người học. Nhưng có không ít lãnh đạo vẫn khăng khăng đòi quay trở lại cơ chế độc quyền, “dọn cỗ một món”. Không hiểu động cơ của các vị ấy là gì, nhưng rõ ràng là bất tín với dân. Người xưa đã nói: “Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân” (Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người). Một lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu mà chủ trương, pháp luật có thể thay đổi tuỳ tiện như vậy thì hậu quả sẽ thế nào?

Lời kết

Ngay từ thời phong kiến, trong một xã hội mà vua là chủ, chứ không phải dân, thiên tài Nguyễn Trãi đã viết: “Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Qua hàng nghìn năm, ở tất cả các nước, chế độ phong kiến càng ngày càng bộc lộ những hạn chế của nó, mà hạn chế lớn nhất là kìm hãm sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại nên đã được thay thế bằng chế độ dân chủ, trước tiên là ở phương Tây, rồi dần dần lan sang các khu vực khác.

Ở nước ta, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã lật đổ ách thống trị của thực dân tồn tại ngót 100 năm và chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm để xây dựng một nước cộng hoà dân chủ. Nhưng thực dân Pháp quay trở lại, rồi đế quốc Mỹ can thiệp đã thổi bùng ngọn lửa chiến tranh suốt 30 năm, khiến dân chủ khó bề thực hiện. Có lẽ thói quen thời chiến kéo dài đã hạn chế dân chủ ngay cả khi non sông đã thống nhất, cuộc sống hoà bình đã được tái lập trên cả nước. Chỉ từ khi Đổi mới, dân chủ mới từng bước được thực hiện, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế, rồi lan toả dần sang các lĩnh vực khác với những mức độ khác nhau.

Đại hội XI của Đảng đánh dấu một bước tiến khi đưa yêu cầu “dân chủ” lên hàng đầu trong mục tiêu “xây dựng xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các phát biểu của TBT Tô Lâm gần đây về những công việc cần thiết chuẩn bị cho Đại hội Đảng khoá XIV như đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quan tâm đến phát triển kinh tế xã hội, đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân lên trên hết được người dân rất quan tâm và hy vọng.

Từ xưa đến nay, yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển của đất nước chính là con người. Con người sinh ra thể chế và thể chế lại tạo nên con người. Đây là mối quan hệ nhân quả. “Hiền tài” luôn là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đưa đất nước tiến lên. Có khơi được dòng nguyên khí thì đất nước mới có thể thay đổi và hùng cường.

Niềm hạnh phúc được trả bằng rất nhiều đau khổ

Trang The Hy - tranhVăn Việt: Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1924, quê quán ở Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 15 năm, về hưu năm 1992, rồi ẩn cư tại quê hương Bến Tre.

Nhà văn Trang Thế Hy còn có các bút danh khác: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái Văn, Minh Phẩm. Ông là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam Bộ nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Tác phẩm đã xuất bản:

Truyện ngắn:

Nắng đẹp miền quê ngoại (1964)

– Mưa ấm (1981)

– Người yêu và mùa thu (1981)

– Vết thương thứ mười ba (1989)

– Tiếng khóc và tiếng hát (1993)

Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2000)

Thơ:

Đắng và ngọt (tập thơ, 2009)

(theo tư liệu của Hội Nhà văn TPHCM)

Nhân dịp nhà văn Trang Thế Hy tròn 100 tuổi, Văn Việt xin đăng lại bài viết sau đây của nhà thơ Ý Nhi: Niềm hạnh phúc được trả bằng rất nhiều đau khổ.

 

Ý Nhi

Người giải thích thời tiết là một ông già ngoài sáu mươi tuổi, cao, ốm, mặc quần nâu, áo sơ mi trắng, bên ngoài khoác bành tô bằng tơ thiên nhiên màu vàng tối, thoạt nhìn có vẻ như bẩn nhưng thực ra là vì quá cũ. Mái tóc thưa để dài bạc gần hết được che mưa bụi bằng cái nón nỉ hẹp vành màu xám tro. Trên gương mặt xương vuông, đôi mắt còn khá sáng và linh động so với tuổi, phảng phất chút u buồn dễ nhận thấy ở những con người phải sống tuổi già trong hiu quạnh”. Đó là một đoạn văn trong truyện ngắn Con cá không biệt tăm. Tôi nghĩ, chỉ cần thêm một vầng trán cao, một nụ cười lặng lẽ nữa thì nhân vật giống hệt bề ngoài của Trang Thế Hy  người viết nên thiên truyện ngắn xuất sắc ấy.

Tôi gặp Trang Thế Hy vào cuối năm 1987 khi nhà thơ Hoài Vũ, giám đốc chi nhánh nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đưa ông và tôi về Mỹ Tho, tìm gặp một người làm sách, bàn chuyện xuất bản tập truyện Vết thương thứ 13 của ông. Nhìn vẻ khắc khổ, đăm chiêu của ông, tôi hơi ngại, không dám bắt chuyện. Ông thì ngồi im lặng hút thuốc. Thành ra, nhà thơ Hoài Vũ độc diễn suốt mấy chục phút đầu của chuyến đi. Vậy rồi, chính Hemingway đã cứu vãn tình thế. Tôi không nhớ rõ vì nguyên cớ nào mà tôi nhắc đến sự bất hòa giữa Hemingway và Erenburg về chuyện văn phong. Thế là Trang Thế Hy như chợt tỉnh. Từ lúc đó cho đến khi tới Mỹ Tho, rồi suốt chuyến quay về, ông chỉ nói về Hemingway và Lỗ Tấn, vẻ như ông đã quên khuấy chúng tôi, quên khuấy việc in ấn tác phẩm của chính ông. Tôi không sao quên giọng nói trầm buồn, nhỏ nhẹ, khi ông gọi Lỗ Tấn là “ông già”: “Ông già lạ lắm, cô còn nhớ câu nói trong Cố hương không: “Tôi nhớ đến những niềm hy vọng, tự nhiên hoảng sợ”. Đó, ông già là người đầu tiên đặt chữ hoảng sợ bên chữ hy vọng”. Tôi đáp, cũng một câu trong Cố hương: “Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực đâu là hư”. Ông cười nấc lên một tiếng, quay sang tôi: “Hóa ra cô cũng thuộc Lỗ Tấn. Bữa nào rảnh ghé 190 nói chuyện tiếp về ông già”.

***

Thế nhưng, vài năm sau tôi mới tìm đến căn phòng của ông ở 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi cư trú của rất đông văn nghệ sĩ (giống như nhà 96 phố Huế Hà Nội), lại là để nhờ ông tư vấn về tủ sách Văn học Pháp hiện đại.

Mặc dù đã hẹn trước, tôi vẫn nhận thấy một thoáng bối rối trên khuôn mặt ông khi mở cửa cho khách. Bấy giờ tôi nghĩ, chắc vì căn phòng chật chội và có phần bừa bộn của ông. Sau này, khi ông về Bến Tre, thỉnh thoảng tôi lại đi với vài người bạn, vài nhà nghiên cứu văn học, vài nhà báo… đến thăm ông. Lần nào, tôi cũng nhận thấy thoáng bối rối ấy trên khuôn mặt ông khi đón khách. Hình như, mỗi lần có khách, ông lại một lần phải vượt qua sự trầm ẩn của mình để hòa nhập với người.

Lần ấy ông im lặng rửa ấm chén, pha trà, kéo ghế mời khách, đi vào đi ra tìm một cuốn sách trên kệ, lật xem vài trang rồi để lại chỗ cũ. Khi tôi bắt đầu lo ngại vì sự im lặng kéo dài thì ông bật nói, như vẫn đang tiếp tục câu chuyện về Lỗ Tấn: “Nhưng không ai qua được ông già. Hồi nào chết xuống âm phủ, Diêm Vương gia ân cho gặp một nhà văn, tôi sẽ xin gặp ông cho thỏa”.

Và, vẫn giọng nói trầm buồn, nhỏ nhẹ, ông ngồi bắt chéo chân, hai tay đặt trên đầu gối, đầu hơi cúi xuống, như lặng nhìn một cõi xa nào, nơi có Albert Camus, André Malraux, Andre Breton, Jean Cocteau, Colette, Alain Grillet… Nhờ ông, tôi đã có được một danh mục sách văn học Pháp hiện đại tương đối hoàn chỉnh. Với sự giúp đỡ của tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bấy giờ, ông Sylvain Fourcassie và các tùy viên sách như Robert Lacombe, Vincent Leandri… một số đầu sách trong danh mục này đã ra mắt bạn đọc như: Kín cửa của Jean-Paul Sartre, Khung cửa hẹp của André Gide, Người vợ cô đơn của Francois Mauriac, Cỏ của Claude Simon, Chừa yêu của Colette, Đồ vật của Georges Perec, Phố những cửa hiệu u tối của Patrick Modiano, Nadia của Andre Breton, Sa mạc của J. M. G Le Clezio, tuyển thơ Paul Eluard, tuyển thơ Apollinaire…

***

Vì không biết đi xe gắn máy, tôi thường phải nhờ Phong, con trai lớn của tôi, đưa đến nhà ông. Phong mời ông hút Pallmall. Ông có vẻ thú vị vì gặp được người cùng gout. Sau này, mỗi lần gặp tôi, ông lại gửi cho Phong một điếu Pallmall. Có khi ông đang hút một loại thuốc thường nhưng lại dành cho cháu điếu thuốc ngon. Tôi nhớ những ngón tay gầy guộc của ông vuốt vuốt điếu thuốc cuối cùng trong chiếc vỏ bao nhàu cũ, trước khi trao cho tôi.

Lần gần đây về Bến Tre, tôi hơi ngạc nhiên thấy ông vẫn còn dành một điếu Pallmall cho Phong. Thấy tôi nhìn mấy trái ổi bọc nylon để tránh dơi, ông còn bảo, để gởi cho thằng Phong một trái. Ông không nghĩ Phong đã có vợ và hai con. Với ông, nó vẫn là cậu trai nhỏ thường chở mẹ đi đây đi đó. Dạo dạo quanh mảnh vườn, nhìn ngắm mấy cây mãng cầu, cây chanh, mấy luống rau cải, rau dền, tôi hỏi ông: “Sao anh chị không nuôi mấy con gà con vịt cho vui”. Ông trợn mắt, vẻ nghiêm trọng: “Chăn nuôi và trồng trọt là mâu thuẫn đối kháng đó cô”. Rồi cười không thành tiếng, mắt ánh lên vẻ thích thú. Câu nói, tiếng cười, ánh mắt ấy gợi cho tôi nhớ tới chất u-mua thâm trầm ẩn sau những trang viết “đa mang thế sự” của ông.

***

Trước khi về hẳn Bến Tre, ông ghé thăm tôi với lời chào: “Tôi đi chỗ khác chơi đây cô”. Đó chính là câu nói của ông Tư Chơi, nhân vật chính trong truyện ngắn Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn của Trang Thế Hy. Ông Tư Chơi là một nghệ sĩ nghèo, đã hết thời nhưng còn giữ được trọn vẹn lòng tự trọng của một nghệ sĩ. Ông dặn dò nhà văn trẻ: “Nếu như mày nổi tiếng  biết đâu chừng mậy, cuộc đời khắc nghiệt này lâu lâu cũng chơi cái trò tặng phẩm bất ngờ  nếu như con nổi tiếng, con phải nghe lời chú Tư nghe con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở nơi trường văn trận bút…”

Trang Thế Hy – Tư Sâm rời xa “trường văn trận bút” và “chỗ khác” ấy là quê nhà Bến Tre của ông, nơi ông có một người vợ hiền hậu, một căn nhà đơn sơ, một vườn dừa vắng lặng. Ấy vậy mà, cái chốn xa xôi, nghèo khó, phải qua sông rộng, đường xa ấy vẫn mời gọi mọi người. Nào bạn bè cũ, nào các nhà báo, nào các nhà văn, các nhà nghiên cứu từ Hà Nội vào, nào đoàn làm phim của VTV3, của HTV7… Tất cả họ đều muốn nhìn tận mắt, nghe tận tai nhà văn mà họ từng đọc với biết bao quý trọng, yêu mến. Nhưng có vẻ như, những tiếp xúc đông vui, ồn ào với những người chưa quen thân, luôn khiến ông ngượng ngùng, thậm chí đôi khi khó chịu. Tôi còn nhớ nhà thơ Chim Trắng đã mất bao công sức đi về để thuyết phục ông chịu cho VTV3 làm phim về mình. Trang Thế Hy chỉ có thể trò chuyện với những ai “hợp tạng”, mà số này không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Có lẽ, trong nhiều năm tháng nổi trôi trong cõi đời này, ông phải nói một mình rất nhiều, nhiều đến nỗi đã thành một thói quen khó thay đổi. Vì vậy chăng mà những lời ông nói ra như có sức nặng nào đó đọng lại trong lòng ta. Tôi từng được nghe ông chơi đàn kìm và cảm thấy dường như có mối liên hệ cật ruột giữa lời nói của ông và những âm thanh bật lên trong buổi chiều ắng lặng miệt vườn, giữa cơn mưa rả rích. Tôi nghĩ, không phải tự nhiên mà Trang Thế Hy chọn đàn kìm và chỉ chơi trong những khoảnh khắc nhất định, cho những thính giả nhất định. Ông đã hơn một lần nhắc tới âm thanh của cây Quân tử cầm  cây đàn mà chỉ “về âm sắc thôi tự nó đã buồn rồi”  trong các thiên truyện của mình. Đó là tiếng đàn của soạn giả cải lương Thanh Nha trong truyện ngắn Một nghệ sĩ buồn thích đùa: “Còn sợi dây trầm của anh, khi anh khảy nó ở thế buông, không có bấm, thì nó phát ra không phải một tiếng đờn trầm mà là tiếng rền của một nỗi thê lương không có tên từ một cõi mịt mù nào vang vọng đến”. Đó là tiếng đàn của người xưng tôi (một người làm thơ) trong truyện ngắn Một nghệ sĩ: “Tiếng đàn của tôi là tiếng nói đớt đát, ngọng nghịu của một con người bị biệt giam dài hạn, bị tước đoạt luôn cả cái quyền độc thoại. Ghi nó vào băng từ để nghe lại, nó sẽ không được nghe như là những tiếng đờn đối với bất cứ người nghe vô tư nào. Nhưng tôi biết, nó đi lọt vào tâm hồn chị Hai Nhạn và anh Năm qua sự phiên dịch của niềm cảm thông nghệ sĩ”. Đó là lời giải thích ý nhị của Thanh Nha: “Cái đẹp của tiếng đàn kìm là cái đẹp của một dòng nước đục. Những âm sắc đục hễ càng trầm nó càng đục và càng đục càng gợi buồn”. Tôi không có đủ sự hiểu biết về đời sống, cũng không am hiểu về âm nhạc để có thể thấu hiểu tiếng đàn kìm như ông, như các nhân vật của ông, chỉ cảm thấy có điều gì đó thật buồn, thật xót xa được nén lại trong mỗi âm thanh.

1

***

Cảm giác này rất gần với cảm giác khi tôi đọc các trang văn của ông. Tôi nhớ, khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của một nhà báo vì sao ông không viết tiểu thuyết, Trang Thế Hy đã nói rất giản dị: “Cái tạng của tôi nó vậy”. Vâng, cái tạng của ông là viết truyện ngắn nhưng những truyện ngắn của Trang Thế Hy lại thật dài. Dài, không phải vì số chữ, số trang (có truyện lên đến bốn mươi, năm mươi trang sách) mà chính là, bởi những gì mà mỗi truyện ngắn của ông mang chứa trong nó. Những truyện ngắn này không phải là một lát cắt của đời sống (theo quan niệm thông thường) mà chúng có dung lượng của một cuốn tiểu thuyết được nén chặt lại trong khuôn khổ truyện ngắn. Chính Trang Thế Hy, khi nói đến cuộc đời của nghệ sĩ Hai Nhạn trong Một nghệ sĩ đã phải nói: “Nó là một quyển sách, không phải một đoạn văn”. Và không phải chỉ có Hai Nhạn. Thu, một nhân vật nữ rất đẹp trong truyện ngắn Mưa ấm, khi tranh luận với người bạn trai đã nói: “Mỗi con người có lịch sử của mình”. Các nhân vật của Trang Thế Hy đều có một lịch sử dày dặn, dài dặc, đan xen hạnh phúc, đau khổ, may mắn, bất hạnh, vui sướng, tủi cực… đủ để thành những nhân vật của tiểu thuyết. Ba Hường (Nợ nước mắt), Tư Chơi (Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn), Diên (Về nhà trước cơn mưa), Khôi (Sách và chim), Hai Nhạn (Một nghệ sĩ), Thu và Diệp (Mưa ấm), Châu và Hữu (Vết thương thứ 13) … và một nhân vật rất đặc biệt, nhân vật xưng Tôi (lúc là nhà thơ, lúc là họa sĩ, lúc lại là soạn giả cải lương)… đều là những nhân vật của “một quyển sách”. Bằng vào lối kể chuyện điềm đạm, chậm rãi, nhờ vào giọng văn đầy kìm chế, nhờ những chỗ “rẽ ngang” tài tình sang những nhánh khác của số phận, nhờ những chỗ dừng lại khéo léo cho các nhận xét, các bình luận xác đáng của người kể… mà các nhân vật của ông vẫn đi lại, trò chuyện, vui buồn, yêu thương, hờn giận, vẫn sống thực sự trong khuôn khổ của một truyện ngắn. Và, chính sự nén chặt này đã đem lại cho các thiên truyện hiệu quả nghệ thuật khôn lường. Nó tạo nên một vị thế đặc biệt cho các truyện ngắn Trang Thế Hy.

***

Trong một lần trò chuyện lan man, Lê Minh Khuê và tôi nhắc đến các tác phẩm của nhà văn đang được chú ý. Khi tôi tỏ ra băn khoăn, cảm thấy các truyện ngắn, truyện dài của vị này hình như còn thiếu một điều gì đó, Lê Minh Khuê cho rằng, các trang viết ấy thiếu sự ám ảnh, hết truyện là hết. Đó quả là nhận xét xác đáng của một nhà văn, một người làm biên tập văn xuôi kỳ cựu. Tôi đọc Trang Thế Hy nhiều lần và cũng nhiều lần nghĩ đến sự ám ảnh mà các sáng tác của ông đem lại cho mình. Thế nhưng, rất khó để có thể nói cho rạch ròi những điều gì, những yếu tố nào tạo nên sự ám ảnh, tạo nên dư vị, dư cảm trong các truyện ngắn của ông. Phải chăng đó là những quán nghèo ế khách, những vỉa hè của người vô gia cư, những chiều chuyển mưa, những vòm trời đầy mây, những dòng sông mênh mông, những cánh rừng thâm u, những đêm hát bội ở miền quê… Phải chăng đó là những người phụ nữ “đẹp mà buồn”, thường có nước da trắng mét, có “nét buồn bạc mệnh trên khuôn mặt độc đáo mang dấu ấn định mệnh”. Những Loan, Châu, Thu, Ba Hường, Hai Nhạn… cách nào đó đều là những nàng “tiên mắc đọa” (chữ của Trang Thế Hy) giữa cuộc đời cực nhọc, cơ khổ này. Phải chăng đó là những số phận “sự đời không tròn trịa, trơn tru”, dù trong cuộc chiến hay giữa đời thường. Những Hữu, Diên, Diệp, Thảo Khôi, Tư Chơi… đều đã trải qua những thử thách đau đớn và không mấy ai hạnh phúc. Có người cho đến khi cận kề cái chết vẫn còn dằn vặt, còn tự vấn lương tâm (Diên trong Về nhà trước cơn mưa). Phải chăng đó là những ngẫm ngợi, những đúc kết sâu sắc, chân xác và cũng… buồn, kiểu như “mỗi người trong đời mình chỉ được ngủ ngon trong một số lần nào đó được quy định rất chặt” hay: “Muốn biết chiến tranh là cái gì, người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa chính xác nhất không phải là các vị nguyên thủ quốc gia, các chính khách lẻo mép và các vị thống chế tổng tư lịnh không bị bom đạn làm mất miếng da nào… Hỏi vợ anh, chị anh, em gái anh, cô anh, dì anh… nói chung là hỏi những người phụ nữ đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng…” hoặc: “… Chính vì nỗi khát khao niềm vui của người đời mà hai chữ “mua vui’ của thi hào Nguyễn Du để kết thúc truyện Kiều, theo tôi là tuyệt diệu… Vì sao cái nhu cầu mua vui nó bức thiết đến như vậy. Vì cuộc đời này vốn buồn. Tất cả mọi sản phẩm tưởng tượng từ trần Minh khố chuối, cậu Hai Miêng bị lãng quên trong khoảnh khắc cho đến Ulysses, Antigone, Don Quichotte được lưu hành muôn thuở, suy cho cùng cũng là để mua vui tuốt luốt hết… Anh thấy chưa, những tay trứ danh trong thiên hạ (dù thật hay bịa) thường là những con người buồn”… Và, sau cùng, phải chăng là “cái giọng trầm xa xôi của người độc thoại” (thường là người già, người đã đi gần hết đoạn đường đời của mình) đã không ngừng nhắc đi nhắc lại với ta, qua từng thân phận, từng cảnh huống, cái quan niệm: “… người nào nói cuộc đời này buồn, người đó nói một sự thật, không lạc quan, bi quan gì cả” (Một nghệ sĩ buồn thích đùa).

Dịp cùng nhà thơ Chim Trắng đưa đoàn làm phim của VTV3 về Bến Tre làm chân dung Trang Thế Hy, chúng tôi ở lại khá lâu. Ông Tư (các bạn trong đoàn đều gọi ông như vậy) rất quý nhà thơ Bảo Chân và các bạn trẻ từ Hà Nội vào. Có hôm ông còn nhờ con gái làm mồi nhậu rồi đãi cả đoàn rượu ổi, do ông tự ngâm. Thấy ông vui, trò chuyện nhiều, tôi nói với ông các suy nghĩ của mình, đúng ra là, các câu hỏi của mình về sự “ám ảnh” lâu nay vẫn ám ảnh mình. Ông lặng im nhồi thuốc vào ống vố, cầm chặt nó trong những ngón tay gầy guộc, không châm lửa, mắt nhìn đến một nơi nào đó. Rồi bất ngờ quay lại: “Này cô, thỉnh thoảng cháu nội tôi lại hỏi, bà bạn mặc áo đỏ của ông nội sao lâu không thấy về”. (Ông muốn nhắc tới bức ảnh ông chụp chung với đoàn nhà báo từ Sài Gòn về thăm. Trong ảnh, tôi mặc chiếc áo màu đỏ). Rồi ông cười lớn, bỏ lỡ câu chuyện.

Những lúc cao hứng (tiếc là rất hiếm hoi), Trang Thế Hy nói nhiều và nói rất hay về văn chương, về Lỗ Tấn, về Hemingway, về Gorky, về Dostoievsky, về Tolstoy, về Stefan Zweig, về Nguyễn Du, về Nguyễn Gia Thiều, về Nguyễn Đình Chiểu… Ông đọc thơ tình yêu của Tagore, ông bắt mọi người cùng thưởng thức giọng hát của cô đào Pháp mà ông yêu mến qua chiếc máy hát đã cũ rè của ông. Thế nhưng Trang Thế Hy gần như không bao giờ nói về chuyện đời, chuyện văn của chính mình. Có ai gợi chuyện, ông im lặng hoặc bắt sang chuyện khác. Có lần, nhân lúc trò chuyện vui vẻ, thân mật, tôi hỏi ông, giọng nửa đùa nửa thật: “Trong truyện ngắn Vết thương thứ 13, nhân vật Hữu chịu vết đau trên thân thể một cách nhẹ nhàng nhưng đã không thể đứng vững trước vết thương thứ 13, vết thương tình cảm. Anh Tư đã có khi nào ngồi tính đếm, phân loại các vết thương của đời mình không”… Trang Thế Hy dụi điếu thuốc đang hút dở vào chiếc gạt tàn rồi giữ yên tay trên mẩu thuốc, im lặng khá lâu. Giữa lúc tôi chờ đợi một cú “ngoặt” bất ngờ của ông thì ông cất lời, giọng rất nhỏ: “Đâu có gì đáng nói đâu cô”. Vậy mà những trang viết của ông, số phận các nhân vật của ông, chất chứa biết bao cảnh ngộ, biết bao tâm trạng, đã hằn sâu biết bao vết thương – những vết thương khó có thể tính đếm, khó có thể gọi tên, khó có thể chữa lành.

Mặc dù vậy, Trang Thế Hy là một con người hạnh phúc, theo cái định nghĩa về hạnh phúc của chính ông, trong truyện ngắn Một nghệ sĩ: “Gặp hạnh phúc là người nào trong tuổi già vẫn còn giữ được nguyên vẹn tình yêu của mình đối với cái gì mình đã yêu thương từ thuở ấu thơ. Niềm hạnh phúc đó, đương nhiên là phải được trả giá bằng rất nhiều đau khổ”.

This image has an empty alt attribute; its file name is YH-300x233.jpg

Trang Thế Hy và Ý Nhi. Ảnh chụp trước cổng nhà Trang Thế Hy ở Bến Tre.

Cảnh sát tư tưởng

Nguyễn Quang A

Nhân ba nhà khoa học Mỹ được giải Nobel kinh tế vì họ đã có công tìm ra nguyên nhân vì sao các quốc gia nghèo hay giàu: ở đâu có thể chế chính trị bao hàm (inclusive-dung nạp, bao gồm) dẫn đến có thể chế kinh tế bao hàm thì giàu; còn ngược lại nếu có thể chế kinh tế khai thác (extractive) thì nghèo. “Thể chế” là từ quan trọng ở đây và có vẻ nhạy cảm. Người ta bàn tán về cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” của hai trong ba tác giả đó được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành 2013 và không còn được bán từ 2019. Có người nói, nó không được phép tái bản, thậm chí bị thu hồi. Không rõ thực hư ra sao, nhưng nếu đúng thế thì đó là biểu hiện về hành động của cảnh sát tư tưởng.

Ngày 18-10-2024 tờ Vnexpress có bài với tựa đề “Chủ nhân Nobel kinh tế 2024 dùng thể chế để giải thích chênh lệch giàu-nghèo” rồi sau một thời gian cắt luôn “dùng thể chế” trong tiêu đề. Có lẽ cũng có thể là biểu hiện về hành động của cảnh sát tư tưởng.

Đó chỉ là hai ví dụ cực nhẹ về nạn cảnh sát tư tưởng kiểm duyệt tinh vi ở Việt Nam, trường hợp nặng hơn thì cả bài biến luôn hay khi bấm vào chỉ thấy 404 thôi, nhưng hỏi thì không ai biết cớm kiểm duyệt ấy là ai, chỉ là lệnh miệng từ trên thôi.

Tuy nhiên, cảnh sát tư tưởng không chỉ liên quan đến kiểm duyệt, nó rộng hơn nhiều.

Cái tên cảnh sát tư tưởng (thinkpol) do nhà văn George Orwell đặt ra trong tiểu thuyết 1984 nổi tiếng, được xuất bản năm 1949, để phản ánh thực hành kiểm soát tư tưởng trong xã hội toàn trị.

Nhưng thực hành cảnh sát tư tưởng thì cổ lắm rồi: hãy chỉ nhớ đến các tòa dị giáo kết tội hỏa thiêu Giordano Bruno năm 1600 hay bỏ tù Galileo 33 năm sau đó chỉ vì “tư tưởng” của họ khác với “tư tưởng” của Giáo hội.

Tượng Giordano Bruno tại quảng trường Campo dei Fiore, Rome, ngay chỗ ông bị thiêu trước tòa Dị giáo

Đó là chưa nói đến tội “khi quân” (khinh vua) khá quen thuộc ở Trung Quốc và Việt Nam (và ở Thái Lan cho đến tận ngày nay). Bị coi là khinh vua (một câu nói, câu viết, hình vẽ,… được cảnh sát tư tưởng “thẩm định” và cho là “khi quân” thì) có thể khiến người đó mất mạng như chơi. Mà vua, dù là vua tập thể, cũng là con người và có thể sai, thậm chí đôi khi đáng khinh thật.

Cảnh sát tư tưởng cản trở khoa học, ý tưởng mới, và sự phát triển xã hội nói chung, nói chi đến vi phạm quyền tự do tư tưởng, quyền tự do biểu đạt và quyền tự do ngôn luận nói chung.

Nói đến cảnh sát tư tưởng người ta thường nghĩ đến cảnh sát mặc thường phục hay cảnh sát mật thuộc quân số của Bộ Công an. Họ đông hơn số cảnh sát thật đó rất nhiều và đôi khi là những người bề ngoài có vẻ, hay được cho là đáng kính: nhà thơ, nhà lý luận, nhà báo, và có khi dân thường nữa.

Tại Việt Nam nạn đốt sách (nghiền sách) vẫn còn! Ai ra lệnh? Có những người là quan to nhưng cũng là các nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu hay một ông thứ trưởng đã ký lệnh thủ tiêu Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Vụ Nhân văn Giai phẩm nổi tiếng rồi vụ nhà thơ Hoàng Hưng do cầm bản thảo “Về Kinh Bắc” của thi sĩ Hoàng Cầm bị cảnh sát tư tưởng bắt bỏ tù nhiều năm chỉ là vài ví dụ.

Bao nhiêu sở Thông tin Truyền thông đã “thẩm định” câu nói, bài viết hay clip của ai đó rồi phán rằng họ vi phạm những điều luật hết sức mơ hồ của Bộ Luật hình sự (như điều 117, 331 chẳng hạn) nhưng tại tòa thì những người thẩm định này lặn mất tăm. Họ cũng thuộc về cảnh sát tư tưởng. Đó là chưa kể đến một số nhà báo tham gia tích cực vào các chiến dịch, các cuộc thi rầm rộ “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.” Bảo vệ thì cứ nên bảo vệ nếu họ muốn, nhưng đừng buộc tội người khác và chia rẽ nhân dân thành địch-ta và làm cơ sở cho việc bắt bớ, bỏ tù họ.

Đấy là chỉ điểm qua vài biểu hiện của cảnh sát tư tưởng, bạn đọc có thể tự suy ngẫm và có thể nêu ra muôn vàn thí dụ khác. Ngay cả người dân khi không đồng ý với ý kiến của người khác thì không tranh luận, nêu ra lý lẽ của mình mà lại “yêu cầu” các cơ quan chức năng can thiệp; vô tình ủng hộ cảnh sát tư tưởng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.” Và nhiều kẻ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đã phải vào tù hay thanh trừng vì chủ trương như vậy của ông trùm vua tập thể. Sự tự diễn biến, tự chuyển hóa không cần nói lại vì tôi đã bàn sơ về các khái niệm này rồi. Nhà lý luận, Gs. Ts. Nguyễn Phú Trọng đúng đã là tổng chỉ huy của lực lượng cảnh sát tư tưởng.

Cảnh sát thường (giao thông, hình sự) cung cấp một dịch vụ công quan trọng cho xã hội. Cảnh sát tư tưởng thì không mà chỉ làm hại: gây chia rẽ (dù luôn mồm nói đoàn kết); cản trở các ý tưởng mới, cản trở khoa học và phát triển và vi phạm các quyền tự do tư tưởng, biểu đạt và ngôn luận được Hiến pháp và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trân trọng. Khi các quyền đó bị vi phạm nghiêm trọng thì đừng mơ có sự phát triển bền vững, đừng mơ đến sự trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.

Nếu ý tưởng, ý kiến của ai đó mà họ cho là có hại thì hãy tranh luận với những người đó cho ra nhẽ; nếu gây hại cho mình thì hãy kiện họ ra tòa dân sự và phải nêu rõ họ gây hại những gì trong một quá trình tố tụng dân sự công khai, minh bạch.

Trong kỷ nguyên mới phải xóa bỏ triệt để cảnh sát tư tưởng.

Quyền tự do lập hội: Kỷ niệm một trăm năm luật 1901

Đào Văn Thuỵ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP nhằm quy định về việc thành lập hội và sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 26/11/2024. Chúng tôi xin đăng lại bài trên trang Diễn đàn nhân dịp Pháp kỉ niệm 100 năm Luật 1901 về Quyền tự do lập hội, như một tài liệu tham khảo, để thấy Nghị định 126 còn kém xa Luật 1901 của nước Pháp hơn 100 năm trước.

Văn Việt

Năm nay nước Pháp sẽ kỷ niệm 100 năm ban hành luật 1901. Đây là một trong những đạo luật được dân chúng biết đến nhiều nhất. Theo báo Le Monde ngày 3 và 4 /12/2000, hiện nay ở Pháp có tới 750 000 hội và khoảng 20 triệu người là thành viên của một hoặc nhiều hội (tức là hơn một phần ba dân số). Sự phát triển này dĩ nhiên là hậu quả của tự do lập hội mà luật 1901 là nền tảng.

1 – Vài nét lịch sử

Luật 1901 định nghĩa hội như “một hợp đồng giữa hai hoặc nhiều người cùng đóng góp, bằng kiến thức và sinh hoạt thường xuyên, vào việc thực hiện một mục đích không phải là mục đích để chia lời” (điều 1).

Khác với tự do hội họp, tự do lập hội bao hàm việc tập hợp hội viên một cách thường xuyên. Sự kiện này gây sự nghi kỵ về ý đồ hoặc bản chất thực sự của hoạt động hiệp hội. Do đó, tự do lập hội chỉ được nhìn nhận qua một quá trình tranh đấu lâu dài.

Dưới chế độ quân chủ trước cách mạng 1789, không có tự do lập hội. Theo luật lệ thời đó, muốn lập hội phải có phép nhà vua, và vua lúc nào cũng có quyền giải tán một hội đã hiện hữu.

Trong cách mạng 1789, tự do lập hội chỉ được nhìn nhận trong một thời gian rất ngắn, khoảng hơn một năm. Sau đó, không những tự do lập hội bị bãi bỏ mà chính quyền còn cấm đoán hoặc giới hạn những hiệp hội nghề nghiệp và tôn giáo. Phải nói rằng nhà cầm quyền cách mạng cũng chịu ảnh hưởng phần nào của J.J. Rousseau coi những hiệp hội như một chướng ngại cho sự biểu hiện ý chí chung của dân tộc.

Trong thời đế chế của Napoléon, chính quyền còn khe khắt hơn với bộ luật hình 1810. Theo điều 291, không hội nào trên 20 người có thể được thành lập nếu không được chính quyền cho phép trước.

Với cách mạng 1848, đạo luật 22.7.1848 lần đầu tiên nêu nguyên tắc tự do lập hội. Hiến pháp 4.11.1848 tuyên bố “các công dân có quyền lập hội”. Tuy nhiên, sau những biến loạn xảy ra vào năm sau, tự do lập hội lại đơn thuần bị dẹp bỏ.

Bắt đầu từ đệ tam Cộng Hòa, tức từ 1870, tự do lập hội dần dần được thừa nhận, khởi đầu với đạo luật 12.7.1875 về tổ chức đại học, rồi luật 21.3.1884 liên quan đến nghiệp đoàn nghề nghiệp, và cuối cùng là luật 1.07.1901 xác nhận quyền tự do lập hội, hủy bỏ hoàn toàn điều 291 của luật hình 1810.

2 – Vài nét về chế độ pháp lý (1):

Điều 2 luật 1901 qui định: “Các hội được thành lập một cách tự do không cần giấy phép hoặc khai báo trước, nhưng chỉ có năng lực pháp lý khi được các người sáng lập công bố sự thành lập”.

Như vậy hai trường hợp có thể xảy ra:

Hội không khai báo: Hội có thể được thành lập một cách tự do không cần có giấy phép hoặc khai báo trước. Nói khác đi, có thể thành lập hội mà không cần làm một thể thức nào hết đối với chính quyền. Chỉ cần có ít nhất là hai người đứng ra sáng lập, cùng nhau soạn thảo một hợp đồng – điều lệ của hội (statuts) – nêu ra mục đích và qui định những thể thức điều hành, thông báo cho những người quan tâm đến mục đích nhắm tới rồi đưa ra cho đại hội sáng lập chấp thuận.

Như vậy một hội hiện hữu trong thực tế khi có điều lệ và tổ chức và có tên dù trong trường hợp này hội không có quyền sở hữu về tên đó.

Tuy nhiên, hoạt động của một hội không công bố, dù hợp pháp, bị hạn chế vì thiếu pháp nhân. Bởi vậy, đại đa số hội chọn thể thức khai báo.

Hội khai báo: Thủ tục khá giản dị. Người sáng lập chỉ việc nộp một tờ khai (déclaration) ở “tòa tỉnh trưởng” (préfecture) nơi trụ sở của hội, kê rõ tên, mục đích, trụ sở của hội cũng như tên, nghề nghiệp, quốc tịch và địa chỉ của những người trách nhiệm điều khiển hội. Cùng với tờ khai phải đính kèm hai bản điều lệ. “Tỉnh trưởng” (préfet) (2) sẽ cấp giấy biên nhận (récipissé) trong thời hạn 5 ngày. Với tài liệu này sự thành lập hội được đăng trên công báo. Bắt đầu từ đó, hội có tư cách pháp nhân và hiện hữu đối với người ngoài.

Một khi hội đã hợp thức hoá thể thức khai báo vừa nói, “tỉnh trưởng” bó buộc phải cấp giấy biên nhận. Nếu từ chối vì bất cứ lý do gì là một hành động vượt quyền hạn (excès de pouvoir), sẽ bị tòa án hành chính chế tài.

Khía cạnh căn bản của quyền tự do lập hội là ở quyền được hưởng tư cách pháp nhân, quyền mà chính quyền không thể chống lại một cách độc đoán.

3 – Tự do lập hội qua thử thách của thời gian

Từ ngày ban hành, luật 1901 đã được bổ sung thêm bởi một số luật và qui tắc, đáng kể nhất là đạo luật 9.10.1981 mở rộng tự do lập hội cho người nước ngoài, xóa bỏ chương IV đòi hỏi những hội do người nước ngoài điều khiển phải xin phép chính quyền trước khi thành lập.

Trừ giai đoạn thế chiến thứ hai, tự do lập hội bị chính quyền Vichy, tức chính quyền theo Quốc xã Đức, xâm phạm và giới hạn cho tới 1944 mới được tái lập, luật 1901 không những luôn luôn được áp dụng mà còn được án lệ củng cố và nâng cao giá trị.

Tự do lập hội ngày nay nghiễm nhiên đã trở thành một nguyên tắc căn bản có giá trị hiến định, nghĩa là được bảo đảm như là một nguyên tắc do hiến pháp qui định dù rằng nó không được ghi rõ ràng trong Chương mở đầu (Préambule) của Hiến pháp cũng như không được Tuyên ngôn nhân quyền 1789 nhắc tới.

Thực ra từ ngày ban hành, trải qua những thay đổi chính trị, đã nhiều lần, chính quyền tìm cách hạn chế tự do lập hội bằng cách diễn dịch một số điều khoản theo chiều hướng họ muốn hoặc tìm cách thay đổi luật 1901.

Nhưng những ý đồ đó đã bị vô hiệu hóa bởi tòa án hành chính tối cao và hội đồng kiểm soát hợp hiến, đặc biệt qua hai vụ nổi tiếng dưới đây:

Bản án của Hội đồng Nhà nước (Conseil d’Etat)(3)

ngày 11.07.1956

“Hội ái hữu những người An Nam ở Paris” (4).

Sự vụ như sau: Tháng ba năm 1953, những người sáng lập Hội ái hữu những người An Nam ở Paris, quốc tịch Việt nam, làm thủ tục thành lập một hội khai báo như người Pháp, nghĩa là nộp tờ khai lập hội ở “tòa tỉnh trưởng” chứ không xin phép trước như trường hợp một hội người nước ngoài. Ngày 30.04. 1953 bộ trưởng nội vụ viện dẫn chương IV luật 1901 về những hội người nước ngoài, tuyên bố sự thành lập vô hiệu.

Sự vụ được đưa lên Hội đồng Nhà nước (HĐNN). Trong bản án ngày 11.07.1956 tòa án hành chính tối cao đã nhận định là Việt Nam thời đó thuộc Liên Hiệp Pháp (LHP) và người Việt Nam không thể bị xem như người nước ngoài mà là dân thuộc LHP.

Thế nhưng, theo điều 81 của Hiến pháp đệ tứ Cộng hoà thì “tất cả người dân Pháp và dân thuộc LHP đều có tư cách là công dân của LHP, được hưởng những quyền và tự do do Chương mở đầu của Hiến Pháp này bảo đảm”. Do đó, “những nguyên tắc căn bản được những đạo luật của Nhà nước Cộng hoà nhìn nhận (les principes fondamentaux reconnus par les lois de la République) và được Chương mở đầu của Hiến Pháp này khẳng định lại được áp dụng trong nước Pháp đối với những công dân của LHP”.

Điểm đáng chú ý trong quyết định này và cần nhấn mạnh ở đây là sau khi đã lập luận như trên để đi đến kết luận là Bộ trưởng nội vụ đã vượt quyền, HĐNN lại tuyên bố thêm “trong số những nguyên tắc này có tự do lập hội”.

Đây là một án lệ quan trọng bởi vì lần đầu tiên HĐNN đã chính thức xác định là tự do lập hội cũng là một trong những nguyên tắc căn bản được xác định trong Chương mở đầu của Hiến pháp, bên cạnh những nguyên tắc căn bản khác, nghĩa là một nguyên tắc hiến định.

Địa vị này càng được củng cố thêm với án lệ của Hội đồng kiểm soát hợp hiến (HĐKSHH) (Conseil constitutionnel) sau đây:

Quyết định của Hội đồng kiểm soát

hợp hiến ngày 16.07.1971 (5)

Sự vụ như sau: Chúng ta còn nhớ những biến cố chính trị xã hội rất quan trọng đã xảy ra tại Pháp tháng 5 năm 1968 do phong trào sinh viên khởi xướng, với những cuộc biểu tình qui tụ đông đảo quần chúng, tổng đình công suýt làm lung lay chế độ. Nhiều nhóm tranh đấu khuynh hướng cực tả được thành lập. Nhưng hai năm sau tình thế chính trị đảo ngược lại, phái hữu thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội. Tháng giêng 1971, Thủ trưởng công an Paris (Préfet de police) nhận chỉ thị của bộ trưởng nội vụ R. Marcelin từ chối không cấp giấy biên nhận tờ khai thành lập hội cho các người sáng lập của “Hội những người bạn của tờ báo Chính nghĩa của nhân dân” (Association des Amis de la Cause du peuple) (6). Bà Simone de Beauvoir và ông Michel Leyris chống lại quyết định này trước Tòa án hành chính vì vượt quyền hạn. Ngày 25.01.1971, tòa hủy bỏ quyết định của Thủ trưởng công an với những lập luận pháp lý xác đáng hợp với án lệ của HĐNN.

Sợ HĐNN sẽ chuẩn y quyết định của tòa án hành chính, chính quyền không chống án mà xoay ra dự định thay đổi luật 1901.

Ngày 11.06.1971, chính phủ đưa ra một dự án luật bổ sung luật 1901 nhằm tạo điều kiện để đặt việc thành lập hội dưới sự kiểm soát tiên quyết (contrôle à priori) của cơ quan tư pháp (autorité judiciaire) do sáng kiến của “tỉnh trưởng”: trong trường hợp qua tờ khai, thấy một hội có vẻ được thành lập vì mục tiêu bất chính, trái luật lệ, phong tục hoặc có mục đích vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và chế độ cộng hoà của chính phủ thì “tỉnh trưởng” trước khi cấp giấy biên nhận, chuyển tờ khai và hồ sơ cho biện lý (viện kiểm sát). Nếu sau thời hạn hai tháng, mặc dù biện lý đưa sự vụ ra tòa mà tòa vẫn không ra lệnh đóng cửa trụ sở hội hoặc cấm hội viên hội họp thì mới cấp giấy biên nhận (7).

Dự án luật này được quốc hội thông qua nhưng bị chủ tịch Thượng viện đưa lên Hội đồng kiểm soát hợp hiến (HĐKSHH) để xét xử tính hợp hiến của đạo luật.

Ngày 16.7.1971, HĐKSHH đã ra quyết định nổi tiếng về tự do lập hội, tuyên bố qui định trên của đạo luật 20.07.1971 là bất hợp hiến dựa trên những nhận định sau đây:

– Trong số những nguyên tắc cơ bản được những luật của Nhà nước Cộng hòa nhìn nhận và đã được Chương mở đầu của Hiến Pháp long trọng khẳng định lại, phải kể nguyên tắc tự do lập hội;

– Nguyên tắc này là cơ sở của đạo luật 01.07.1901 liên quan đến hợp đồng lập hội theo đó những hội được thành lập một cách tự do và có thể công bố với điều kiện duy nhất là trước đó nộp một tờ khai;

– Như vậy, sự thành lập hội, ngay cả có vẻ vô hiệu (alors même qu’elles paraîtraient entachées de nullité) hay có vẻ bất chính (illicite) đi nữa cũng không thể chịu sự can thiệp tiên quyết (intervention préalable) của chính quyền (autorité administrative) hay ngay cả của cơ quan tư pháp (autorité judiciaire) mới có giá trị về mặt pháp lý.

Quyết định này không những đã khẳng định nguyên tắc tự do lập hội là một nguyên tắc hiến định mà còn xác định rõ nội dung của nó, đó là: sự thành lập hội và quyền hưởng tư cách pháp nhân không chịu bất cứ một sự kiểm soát tiên quyết nào.

– Đối với tờ khai lập lội, quyền hạn của chính quyền chỉ giới hạn đơn thuần vào việc ghi nhận sự kiện bằng sự cấp giấy biên nhận do luật 1901 ấn định, không có quyền đánh giá tính hợp pháp của hội đó cũng như điều lệ của nó.

– “Tỉnh trưởng” không có quyền trì hoãn việc cấp giấy biên nhận một cách trực tiếp hoặc thông qua sự can thiệp của cơ quan tư pháp.

Chúng ta thấy, sở dĩ tự do lập hội được bảo đảm không những bởi vì luật 1901 đã qui định rõ ràng mà cũng vì cơ quan tư pháp trách nhiệm kiểm soát việc thi hành và diễn dịch luật pháp là một định chế độc lập. Hệ thống pháp lý được xây dựng trên một đẳng cấp qui phạm, những qui tắc hành chính phải tôn trọng luật, và luật phải tôn trọng hiến pháp. Các tòa án, tùy theo thẩm quyền của mình, có nhiệm vụ kiểm soát trật tự pháp lý ấy.

Hiện nay sự phát triển mau chóng của các hiệp hội đáp ứng nhu cầu kết hợp hành động và tự bảo vệ. Nhu cầu ấy trở nên càng cấp bách khi mà quyền lực chính trị xa rời quần chúng và những guồng máy của xã hội phức tạp hơn. Trong chừng mực nào đó, các hội đoàn, một bộ phận quan trọng của xã hội công dân, đóng vai trò đối trọng. Là trung gian giữa những công dân lẻ loi và những quyền lực chính trị, hội tạo điều kiện cho mỗi người tham gia vào đời sống xã hội. Hội cũng cho phép sửa chữa những thái quá của nạn kỹ trị (technocratie). Tóm lại, hiệp hội là cốt yếu cho đời sống dân chủ. (8)

(1) Xem Gilles Lebreton: Libertés publiques et droits de l’homme, 4ème édition, Armand Colin; J. Robert et J. Duffar: Libertés fondamentales et droits de l’homme, Montchrétien, 7ème édition, 1999; Robert Brichet: Associations, constitution, capacité, fonctionnement – Jurisclasseur, civil annexes, Fasc. 10.

(2) Chúng tôi tạm dịch préfecture là “toà tỉnh trưởng” và préfet là “tỉnh trưởng” có thể là không sát nghĩa lắm bởi vì cơ cấu tổ chức hành chính lãnh thổ ở nước ta không giống Pháp. Ngay từ 1790, lãnh thổ nội địa pháp (territoire métropolitain) đã chia ra làm nhiều tỉnh (département), hiện nay có 95 tỉnh. “Tỉnh trưởng” là đại diện quyền lực của nhà nước trung ương ở trong tỉnh, có nhiệm vụ chăm lo việc thi hành luật lệ và những quyết định của chính phủ. Một trong những quyền hạn quan trọng là trách nhiệm giữ trật tự an ninh.

(3) Hội đồng Nhà nước (Conseil d’Etat) tuy cùng tên với HĐNN ở Việt Nam, là một toà án hành chính tối cao. Trong định chế chính trị của Pháp, HĐNN vừa là toà án hành chính tối cao vừa đảm nhiệm sứ mệnh cố vấn chính phủ về mặt pháp lý. Những dự án luật xuất phát từ sáng kiến của Thủ tướng (điều 38 và 39 của Hiến pháp) và những pháp lệnh (ordonnance) trước khi đưa ra thảo luận ở Hội đồng bộ trưởng phải có ý kiến của HĐNH (tuy rằng không bó buộc phải theo). Khi cần, chính phủ cũng có thể xin ý kiến HĐNN về một vấn đề pháp lý đặc biệt.

(4) Xem báo Actualité juridique de droit administratif 1956, tr. 395 và 400.

(5) Xem L. Favoreu et Philip: Les grandes décisions du Conseil constitutionnel, Dalloz 10ème édition 1999, tr. 255; J.Robert: Propos sur le sauvetage d’une liberté, Revue de droit publique, 1971, tr. 1170-1200.

(6) Tờ báo này do nhóm cực tả mao-ít chủ trương.

(7) Cũng nên biết là điều 3 của luật 1901 qui định là hợp đồng lập hội vô hiệu khi có nguyên nhân, mục đích bất chính, trái luật lệ, phong tục hoặc có mục đích vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và chế độ cộng hoà của chính phủ. Và theo điều 7, trong trường hợp vô hiệu qui định ở điều 3, mọi người có liên quan (intétessé) hoặc biện lý có thể xin Tòa thượng thẩm giải tán hội, và trong trường hợp này biện lý có thể sử dụng thủ tục khẩn cấp đòi tòa trong khi chờ đợi quyết định giải tán, ra lệnh đóng cửa trụ sở và cấm hội họp mặc dù có chống án. Nhưng khả năng khởi tố này chỉ dành cho trường hợp những hội khai báo đã được thành lập và đã hoạt động một thời gian. Dự án chính phủ không dám trắng trợn cho phép sự can thiệp tiên quyết (intervention préalable) của “tỉnh trưởng”, nhưng tỉnh trưởng có thể chủ động chuyển hồ sơ lập hội đến biện lý để xin tòa can thiệp, như vậy cũng có khả năng cản trở hay ít ra là trì hoãn việc thành lập hội trong một thời gian tối thiểu hơn hai tháng. Vì vậy mà dự án luật đã bị HĐKSHH chế tài.

(8) Về tự do lập hội, điều 69 của Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định “Công dân có quyền tự do ngôn luận… lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Tuy nhiên, quyền tự do lập hội, cũng như những quyền tự do căn bản khác, chỉ được nhìn nhận trên lý thuyết. Cho tới nay chưa thấy ban hành một đạo luật xác nhận quyền tự do lập hội. Theo chỗ chúng tôi được biết, muốn thành lập hội, các sáng lập viên phải có phép của chính quyền. Đối với một số hội nghề nghiệp như Hội Điện tử, Hội Công thương chẳng hạn, thì phải có quyết định cho phép thành lập của Uỷ ban Nhân dân thành phố hay tỉnh. Đôi khi, chính quyền còn ra cả một quyết định ban hành điều lệ hội, như trường hợp Hội Cha mẹ học sinh (Quyết định số 278/Qđ ngày 21.02.1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo) hay một Nghị định ban hành quy chế thành lập hội, như trường hợp Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định của chính phủ số 8/1998/Nđ-CP ngày 22.01.1998).

Nguồn: https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-105/quyen-tu-do-lap-hoi

Bài đã đăng trong Diễn Đàn bộ giấy số 105, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày ban hành luật này (01.07.1901).

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 309): Tuyển Tập Nhạc – Nhạc Tiền Chiến – Buồn Tàn Thu (Chinh Phụ Khúc) – Văn Cao

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2024)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-79.png

This image has an empty alt attribute; its file name is image-80.png

Buồn Tàn Thu (Chinh Phụ Khúc) – Sáng tác: Văn Cao

Ca sĩ trình bày: Ánh Tuyết

Đọc thêm:

Cảm nhận âm nhạc: “Buồn Tàn Thu” – Tuyệt tác của nhạc sĩ Văn Cao năm 16 tuổi

Đông Kha

Ai lướt đi ngoài sương gió

Không dừng chân đến em bẽ bàng…

Nghe Thái Thanh ca “Buồn Tàn Thu”, ngay câu đầu, giọng hát độc nhất vô nhị của bà đã vuốt chữ rất đặc trưng mà không ai có thể sao chép được: Ai… lướtttt đi ngoài sương gió…

This image has an empty alt attribute; its file name is image-81.png

“Lướt đi” được Thái Thanh ngân giọng kéo dài, làm người nghe có thể hình dung ra được hình ảnh người đang đi ngoài sương gió với sự lạnh lẽo, cô độc. Âm nhạc là tượng thanh, đồng thời cũng tượng hình một cách rõ rệt qua giọng hát điêu luyện đó.Nhắc đến Buồn Tàn Thu, người ta nhớ đến Thái Thanh. Nhưng trước đó, thời kỳ thập niên 1940, vào thuở sơ khai của nền tân nhạc, có một kẻ du ca mang Buồn Tàn Thu đi trình diễn khắp mọi miền đất nước, và là một trong những người hát bài này đầu tiên. Đó chính là nhạc sĩ Phạm Duy, người mà sau đó trở thành bạn tri kỷ của nhạc sĩ Văn Cao – tác giả Buồn Tàn Thu. Nhạc sĩ Văn Cao đã từng viết đề tựa cho Buồn Tàn Thu là: “Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn”.

Ai lướt đi ngoài sương gió

Không dừng chân đến em bẽ bàng

Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngày bước chân chàng

Từ từ xa đường vắng

Đêm mùa thu chết nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng

Em ngồi đan áo

Lòng buồn vương vấn

Em thương nhớ chàng

Người ơi còn biết em nhớ mang

Tình xưa còn đó xa xôi lòng

Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên

Chim với gió bay về

Chàng quên hết lời thề

Áo đan hết rồi, cố quên dáng người

Chàng ngày nao tìm đến

còn nhớ đêm xưa kề má say xưa

Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần

Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng

Nghe bước chân người sương gió

Xa dần như tiếng thu đang tàn

Ôi người gió sương em mơ thương ai bao lần

Và chờ tin hồng đến

Đêm mùa thu chết nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng

Em ngồi đan áo

Lòng buồn vương vấn

Em thương nhớ chàng

Người ơi còn biết em nhớ mang

Tình xưa còn đó xa xôi lòng

Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên

Chim với gió bay về

Chàng quên hết lời thề

Áo đan hết rồi, cố quên dáng người

Chàng ngày nao tìm đến

còn nhớ đêm xưa kề má say xưa

Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần

Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng…

This image has an empty alt attribute; its file name is image-82.png

Nhạc sĩ Văn Cao viết Buồn Tàn Thu khi ông mới 16 tuổi. Trước đó không biết là có bài hát nào khác hay không, nhưng sau này người ta thường nói Buồn Tàn Thu là sáng tác đầu tay của Văn Cao. Bài hát đầu tay của một thư sinh 16 tuổi, nhưng đã trở thành bất tử, nổi tiếng suốt hơn 70 năm qua.

Ở cái tuổi mà hiện nay người ta vẫn ăn chưa no, lo chưa tới, thì ở thời điểm giữa thập niên 1940, vào cuộc giao thời của lịch sử đất nước đang diễn ra với đầy những mảng tối, có một chàng thư sinh 16 tuổi đã viết được một ca khúc như Buồn Tàn Thu. Đó chính là sự khác biệt của một thiên tài.

Viết nhạc, đối với Văn Cao, như là một năng khiếu bẩm sinh không cần đợi tuổi. Ngoài viết nhạc, ông còn là một họa sĩ, một thi sĩ. Nếu không tìm hiểu về cuộc đời của ông, hẳn người ta sẽ nghĩ rằng một người tài hoa như vậy sẽ rất hào hoa và đào hoa. Nhưng theo mô tả của những người đương thời, nhạc sĩ Văn Cao lại là một “bạch diện thư sinh”, dáng người nhỏ bé, trầm tư ít nói và sống khép kín hơn những người bạn nghệ sĩ đồng trang lứa. Như lời kể của nhạc sĩ Phạm Duy: “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều…:

This image has an empty alt attribute; its file name is image-78.png

Trở lại với ca khúc Buồn Tàn Thu – bài hát đánh dấu một thiên hướng sáng tác riêng biệt của ông trong buổi đầu tân nhạc – Những ca khúc vương nét cổ phong mang một nỗi sầu miên man, nhưng lạ thay lại có thể mang đến cảm giác rất dễ chịu và thăng hoa cho cả người hát lẫn người nghe.

Ai có thể hiểu được vì sao một chàng thiếu niên 16 tuổi đã có thể cảm nhận thế nào là “kề má say xưa”“tình xưa còn đó xa xôi lòng”, hay có thể nghe được “tiếng thu đang tàn” xa dần vời vợi ngoài sương gió, như nỗi lòng của một người con gái bẽ bàng vấn vương… Chàng Văn Cao nghe được, hiểu được, và chép lại được bằng nhạc, để hơn 70 năm sau, hậu sinh vẫn có thể nghe được tiếng mùa thu đang chết rơi theo lá vàng.

Ở thời điểm mà Văn Cao vẫn còn đang say sưa viết loại nhạc bay bổng lãng mạn, chưa bị nhuốm màu chinh chiến, người ta có thể thấy được cái chất “thần tiên” trong nhạc của ông. Sử dung chất liệu của văn thơ cổ, giống như bài Trương ChiThiên Thai sau này, ca khúc Buồn Tàn Thu mang dấu tích của câu chuyện Chinh Phụ Khúc. Nét cổ phong được thể hiện rõ ở câu hát:

Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên

Chim với gió bay về: chàng quên hết lời thề…

Người chinh phụ đêm đêm chờ chồng, nghe những tiếng bước độc hành trong sương gió ngoài kia. Biết bao lần nàng mong đó là bước chân của người yêu trở về. Nhưng hỡi ôi, những ái ân ngày cũ, những lời hẹn thề xưa nay đã trở thành xa xôi, rồi cũng đã cuốn theo những chiếc là mùa thu cuối cùng đang dần tàn rơi.

Từ bản thu đầu tay này, Văn Cao còn bị “ám ảnh” bởi những mùa thu buồn khác sau này, với Thu Cô Liêu, Suối Mơ. Ông đã chia sẻ cảm nhận của mình về mùa thu như sau:

“Có lẽ cuộc đời sinh ra tôi ở mùa thu. Đấy là những ngày sinh nhật của tôi lại vào mùa thu. Và không hiểu tại sao thơ mà tôi chịu ảnh hưởng thì đều là những bài thơ vào mùa thu. Và với bản thân tôi thì mùa thu nó có cái ấm, có cái se lạnh vào cuối mùa, cũng là những ngày có nhiều tưởng tượng nhất”.

Như một định mệnh, nhạc sĩ Văn Cao đã trút hơi thở cuối cùng vào một ngày đầu Thu năm 1995.

Ngoài các phiên bản Buồn Tàn Thu của Phạm Duy và Thái Thanh hát trước năm 1975 đã nhắc tới ở trên, có thể nói phiên bản ca sĩ Mai Hương hát sau năm 75 là một trong những phiên bản hay nhất của ca khúc Buồn Tàn Thu.

Nguồn: https://nhacxua.vn/cam-nhan-am-nhac-buon-tan-thu-tuyet-tac-cua-nhac-si-van-cao-nam-16-tuoi/

“Năng lượng tích cực”, nhìn từ vành mũ cối

Nguyễn Hoàng Văn

LTG: Tác giả trân trọng cám ơn nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng cùng nhà thơ & nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi vnhững ý kiến đóng góp quý giá cho bài viết này.

Được sử dụng tràn lan và là điểm nhấn trong diễn ngôn của nhà cầm quyền, tính thời thượng của “năng lượng tích cực” hiện tại cũng hao hao tính thời trang của cái mũ cối ngày đất nước quằn quại dưới ách thực dân. [1]

Được cha ông Việt hóa bằng hình ảnh cái cối nhưng, khởi thủy, từ thế kỷ 18, thời của chủ nghĩa thực dân hiện đại, nó đã chính danh là colonial hat thế nhưng, như một sự mỉa mai của lịch sử, tính thời trang của “mũ thực dân” lại thể hiện ngay vào cái thời đất nước sục sôi đánh đuổi thực dân.

Và, đến tận thời này, nó vẫn bị xem là biểu tượng của sự xâm lược, cướp bóc. Có vậy thì mới có chuyện ồn ào liên quan đến bà Melania Trump, nguyên Đệ nhất phu nhân Mỹ, vào năm 2018 khi sử dụng cái đội đầu này trong chuyến ngoạn rừng ngắn ngủi ở Kenya để rồi gây nên phản ứng dữ dội của người địa phương, cho rằng bà đã khơi lại vết thương đau đớn một thời. [2] Thế mà, giữa lúc phải đổ máu để chống lại thực dân, biểu tượng rớm máu này lại được chính những đầu lĩnh của cuộc cách mạng bài thực biến thành biểu tượng của mình. Mũ cối đã trở thành vật bất ly thân của bao lãnh tụ. Mũ cối ngay ngắn hay nghiêng lệch trên đầu Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, trễ nhất là từ tháng Tám năm 1945 rồi, từ đó, trở thành đồng phục của công an, quân đội.

Nếu mũ cối là biểu tượng của thực dân Tây phương vào thế kỷ 18 thì, bây giờ, “năng lượng tích cực”, như là diễn ngôn của thực dân Đại Hán với những dấu ấn đậm nét của tân hoàng đế Tập Cận Bình, đã trở nên gắn bó với người Việt, từ diễn ngôn của thể chế cho đến giọng điệu ngôn tình của những đôi lứa bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa hôn nhân.

Thoạt đầu cụm từ này chỉ gây cho tôi cảm giác khó chịu như bao nhiêu biến thái hỗn loạn, thừa thãi và vô nghĩa lý khác của tiếng Việt, từ “tham gia giao thông” đến “hiện thực hóa”, “công cụ hỗ trợ”, “vi phạm nồng độ cồn”, v.v. V,ới ý nghĩa như là “sinh lực”, “sức sống”, “tinh thần /thái độ sống lạc quan” hay, nói theo nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê là “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, “năng lượng tích cực” lại tạo nên cái ấn tượng xấu rằng chúng ta, chẳng khác gì những Hồng vệ binh sắt máu, đã săm soi xét nét bằng giới tuyến tốt – xấu, hay – dở, địch – ta, tiến bộ – chậm tiến: ấn tượng phải xấu thế bởi, nếu đã có “năng lượng tích cực”, tất phải có “năng lực tiêu cực”.

Nhưng con người không phải là cỗ máy để nhất thiết phải rạch ròi bẩn – sạch với nguồn năng lượng vận hành như vẫn thường nghe trong thời đại biến đổi khí hậu này. Mà chúng ta đang sống trong thế giới quy ước của không gian ba chiều. Chúng ta không phải là những hạt cơ bản di chuyển trong trường lượng tử với vận tốc ánh sáng để bàn đến những khái niệm của vật lý hiện đại, từ spacetime không-thời gian đến dark energy năng lượng tối, rồi antimatter phản vật chất, để có thêm negative energy phản năng lượng hay năng lượng âm positive energy mà, bất quá, người Trung Quốc chỉ gọi là “chánh năng lượng” hay “năng lượng dương”.

Cái gọi là “năng lượng tích cực”, thực sự, đã hình thành trong ý đồ lèo lái tâm trí công chúng bằng tay nghề của những chuyên viên tạo dư luận của Bắc Kinh. Thoạt đầu là ý niệm “dẫn dắt công luận” (guidance of public opinion) ngay sau vụ đàn áp Thiên An Môn, chuyển mình thành “thông tin tích cực” (emphasizing positive news) phổ biến dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào để rồi, cuối cùng, trở thành “năng lượng tích cực” mà, thoạt đầu, chỉ để mô tả những bộ phim hay xu hướng sống lành mạnh và nó, có lẽ, sẽ không có… ngày hôm nay nếu không có Tập Cận Bình. [3]

Tập nắm quyền lãnh đạo tối cao vào năm 2012, cũng là năm “năng lượng tích cực” được bình chọn là “thành ngữ của năm” rồi, một năm sau, được công nhận là thuật ngữ chính thức của ngôn ngữ quốc gia để, một năm sau nữa, với sự can thiệp của Tập, trở thành trọng tâm của diễn ngôn chính trị. Theo Stefan Aust và Adrian Geiges, trong Xi Jinping – The Most Powerful Man in the World, “năng lượng tích cực” chỉ xuất hiện dày đặc và dồn dập trên truyền thông Trung Quốc sau khi Tập tán dương Chu Tiểu Bình (Zhou Xiaoping), một thứ “dư luận viên công huân”, trong hội nghị truyền thông vào tháng Năm năm 2014, khuyến khích anh ta là “hãy tiếp tục phổ biến năng lượng tích cực trên Internet”. [4]

Tập, trong giai đoạn đầu cầm quyền, là một nhà chính trị cực kỳ nôn nao mà, diễn đạt theo tiếng Việt, rất… mót. Tập mót cái ngày Trung Quốc qua mặt Mỹ, trở thành bá chủ toàn cầu. Tập mót sự tập quyền để cai trị đời đời, và cai trị tuyệt đối, như một hoàng đế. Và Tập mót những dự án vĩ đại để, trên phương diện lịch sử, có thể qua mặt Đặng Tiểu Bình và, so với Mao Trạch Đông, nếu không qua mặt nổi, ít ra cũng phải ngang tầm. [5] Mót tới về một tương lai xa, lại mót lùi về một quá khứ rất xa, Tập đang bắt thời gian co giãn như là lý thuyết vật lý hiện đại?

Vật lý cổ điển chỉ bó buộc trong phạm vi của không gian ba chiều ngang-rộng-cao nhưng vật lý hiện đại, như Thuyết Tương Đối Rộng của Albert Einstein, còn chú ý đến thời gian như là chiều thứ tư, có thể co giãn theo những chuyển động có tốc độ ngang ngửa ánh sáng. Thì Tập, ở tầm nhìn chính trị nôn nao đó, cũng vậy. Một mặt, với chủ nghĩa Đại Hán, Tập bắt thời gian co lại đến mấy ngàn năm để làm một Tần Thủy Hoàng vừa thống trị tuyệt đối, vừa tóm thâu thiên hạ về một mối. Một mặt, Tập gây hấn và vẽ vời, cũng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan kia, để thần dân phởn lên mà theo đuôi ủng hộ y, kẻ có thể lèo lái Trung Quốc vươn đến địa vị bá quyền số một. Dự phóng chính trị đã… vật lý hiện đại đến thế thì, phải chăng, ngôn ngữ diễn đạt cũng theo lao, cũng “vật lý hiện đại” theo?

Đó là thắc mắc với Tập nhưng, quan trọng hơn, với chúng ta, là sự xâm lăng của thứ diễn ngôn độc tài và bá quyền. Năm 2014, khi Tập xức dầu thánh để “năng lượng tích cực” trở thành trọng tâm của diễn ngôn chính trị của Trung Quốc thì, ở Việt Nam, cụm từ này cũng được sử dụng tràn lan rồi trở thành trọng tâm của diễn ngôn cầm quyền. Như thế, nhìn từ vành mũ cối, phải chăng là sự mỉa mai của lịch sử đang lặp lại? [6]

Cái mũ cối có gắn liền với chủ nghĩa thực dân là do tính công năng của nó, tiện lợi cho hoạt động khai phá tại những thuộc địa nhiệt đới nóng ẩm. Như thế, có thể phần nào hiểu tại sao những lãnh tụ kháng chiến chấp nhận “biểu tượng của sự xâm lăng” làm đồng phục cho quan đội, công an nhưng, vấn đề là, khi làm như thế, họ đã thay đổi quá nhiều so với tổ tiên trong cách nhận diện kẻ thù.

Từ giặc Minh đến giặc Thanh rồi giặc Pháp, tổ tiên chúng ta luôn luôn nhận diện kẻ thù qua những đặc điểm bên ngoài. Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô đại cáo, nhận diện qua “phong tục Bắc – Nam cũng khác”. Vua Quang Trung, trong Hịch đánh Thanh, nhận diện qua làn tóc, màu răng: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen”. Rồi một Nguyễn Đình Chiểu uất hận “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen sì toan ra cắn cổ” trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Nhưng đến cái mũ cối thực dân thì không là như vậy và, cho đến tận bây giờ, biểu tượng của chủ nghĩa thực dân vẫn tiếp tục là biểu tượng của giới vẫn đều đặn kể lể công lao đánh đuổi thực dân.

Nếu mũ cối chỉ là phần xác thì “năng lượng tích cực” lại thuộc về phần hồn của một thứ thực dân khác và chúng ta, một lần nữa, lại máy móc cái kiểu học kéo dài mấy ngàn năm, từng khiến chúng ta không ngóc đầu lên nổi. Cái học chỉ để bảo vệ cân bằng quyền lực hiện hữu, không học để đổi mới, sáng tạo, và, thậm chí, không để là mình.

Để là mình, trên tầm vóc lớn, có nghĩa là độc lập, là làm chủ vận mệnh mình. Cũng học từ ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa nhưng Triều Tiên và Nhật đã không máy móc sao nhái, họ thực sự là họ và, ngày nay họ mạnh hơn, ngửng đầu cao hơn chúng ta. Chúng ta máy móc học theo Tống Nho, đã đành. Chúng ta còn máy móc học theo “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, chúng ta sao nhái cách mạng thổ cải, rập khuôn chỉnh huấn, sao y các cuộc đấu tố và cách chia rẽ xã hội để dẫn đến tình trạng tan hoang về đạo nghĩa, tinh thần. Rồi bây giờ, chúng ta lại sao nhái “năng lượng tích cực”, là một trong những thứ vũ khí mềm của Thực dân Đại Hán.

Kể ra thì đến đầu thế kỷ 20, các thức giả ngày ấy đã vận động cho một cuộc cách mạng trong cách học. Sau những thất bại trong nỗ lực bài thực bằng vũ lực, những thế hệ Duy Tân mà dẫn đầu là Phan Châu Trinh đã ý thức được rằng, trước sức mạnh của phương Tây thì, bằng lòng yêu nước suông và xương máu suông, chúng ta không thể nào giành lại độc lập và vấn đề là phải học để tự cường, để mạnh lên như là phương Tây. Chúng ta từng xem Tứ Thư, Ngũ Kinh là khuôn vàng thước ngọc thì, lúc này, chủ nhân của chúng, gã láng giềng phương Bắc, cũng khốn đốn như là nạn nhân của thực dân Tây phương. Nghĩa là phải từ giã ông thầy phương Bắc và phải học theo thầy Tây để nắm những bí kíp trong sức mạnh phương Tây. Mà để học như thế thì, đầu tiên, phải dứt khoát ở biểu tượng bên ngoài. Phải cắt bỏ búi tóc dài. Phải đoạn tuyệt với khăn đóng áo dài để thay vào người bộ Âu phục trên người và cái mũ phớt trên đầu.

Những kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại luôn mở đầu bằng một vụ đập phá mang tính dứt khoát đối với những biểu tượng cụ thể nào đó. Kỷ nguyên kỳ hiện đại, gắn liền với chủ nghĩa duy lý, đã mở ra sau vụ đập phá nhà tù Bastille trong Cách mạng Pháp vào năm 1789 rồi, chẵn hai trăm năm sau, là vụ đập phá bức tường Berlin mà, theo nhiều học giả, đã mở ra kỹ nguyên hậu hiện đại. [7] Như thế, việc chặn đường cắt tóc của thế hệ Duy Tân thời đó không hề là một hành động nông nổi mà là biểu hiện của một thái độ dứt khoát, quyết liệt. Sự dứt khoát này đã hứa hẹn sự thay đổi quyết liệt trong cách học để hấp thụ những giá trị tinh thần mới mẻ, khai phóng. Tương lai dân tộc, cơ hồ, sẽ mở ra một chương mới với cuộc cách mạng bất bạo động nhằm nâng cao dân trí và nâng tầm văn hóa.

Để chống lại một đối thủ thì phải hiểu đối thủ đó nên, do đó, phải học hỏi những giá trị tinh hoa của đối thủ, từ ý niệm nhân quyền, dân quyền đến tư tưởng pháp trị, những đường lối giáo dục cởi mở, khai phóng, v.v. Thế nhưng, sau gần một thế kỷ đánh đuổi thực dân, chúng ta thậm chí còn tiếc nuối thực dân. Nếu giới cầm bút mơ ước một bộ máy kiểm duyệt y như thời… Pháp thuộc [8] thì những người dân khốn đốn với pháp luật lại mơ ước một nền công lý thực dân, như vụ án đồng Nọc Nạn mà nhiều người đã khơi lại trong vụ án Đoàn Văn Vươn năm 2012. [9] Và cả những mơ ước về một hệ thống hạ tầng vững bền y như thời thực dân bởi, dẫu mệnh danh là chủ nhân của đất nước, chúng ta vẫn dối trá và gian lận với chính chúng ta, gian dối từ những cây xanh ven đường đến những công trình trọng điểm quốc gia, thậm chí cả những công trình quốc phòng. Nghĩa là gian lận với vận mệnh của dân tộc mình.

Gian lận với vận mệnh đất nước thì có nghĩa là… Việt gian, tức kẻ thù của đất nước. Như thế, nếu phải nhận diện kẻ thù qua biểu tượng bên ngoài như cha ông đời trước, chúng ta sẽ phải nhìn vào đâu?

Thoạt đầu là những nhà cách mạng bất bạo động với cái mũ phớt fedora trên đầu và bộ Âu phục trên người, như Phan Châu Trinh, chủ trương học hỏi những tinh hoa, học để tự cường. Nhưng sau đó lại là cái học chắp vá lem nhem, học những rác rưởi và cặn bã từ đối thủ và, lúc này, là thời của những nhà cách mạng bạo động với cái mũ cối trên đầu và bộ Mao phục – kiểu áo từng mang tên Tôn Trung Sơn rồi sang tên Mao, như là Maosuit – trên da. Và, đến bây giờ, cũng vẫn là cái học ấy, cái học chỉ để giữ đất nước đứng yên trong cân bằng quyền lực hiện hữu chứ không để đổi mới và, do đó, nghĩa là không để tự cường. “Diễn biến hòa bình”, “phát minh” của Trung Cộng nhằm nhằm ngăn cản những nỗ lực cải cách, đã được sao chép nguyên xi và vẫn là diễn ngôn chính thức. Diễn ngôn này còn khởi sắc thêm với “năng lượng tích cực”, như một thứ thuốc phiện chỉ để tô hồng cho thực trạng bi quan của đất nước, con người.

Ý niệm này chỉ trở thành diễn ngôn chính thức với huayuqua của Tập Cận Bình. Huayuquan, “thoại ngữ quyền”, “quyền luận thuật” hay, sát với cách diễn đạt của các học giả Tây phương hơn, là “quyền lực diễn ngôn” (discourse authority), quyền ấn định giọng điệu của ngôn ngữ chính trị cho chế độ. [10] Mỉa mai thay, quyền lực diễn ngôn của nhà độc tài ở Bắc Kinh lại tác động vào tận đời sống hôn nhân của giới trẻ Việt.

Những tra cứu về “năng lượng tích cực” đã dẫn tôi đến chương trình mai mối “Kết bạn hẹn hò” trên truyền hình, ở đó những hoạt náo viên (MC) liến thoắng chúc khách dự một buổi tối “tràn đầy năng lượng tích cực”, rồi những tham dự viên, nam hay nữ, diễn tả ưu điểm mình như là người có khả năng “làm lan tỏa năng lượng tích cực”. [11]

Cũng chính từ chương trình này mà tôi sững sờ phát hiện cuộc đảo chính kỳ quặc với “đối phương”. “Đối phương”, theo Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, trong Từ điển tiếng Việt (2004), là “Phía đối địch với mình trong chiến tranh” và “Bên tranh được thua với mình trong một trò chơi, thi đấu” thì, từ bao giờ, những kẻ đang háo hức cái sự “nắm tay nhau đi suốt quãng đời còn lại” lại xem nhau như là “đối phương”? Bà mối khuyên cô dâu tương lai là nên “nhìn kỹ đối phương” rồi “lắng nghe cảm xúc từ trái tim” trước khi bấm nút. Ông mai thì cũng thao thao ngôn từ tương tự trong khi chàng rể tương lai, lại hãnh diện với với khả năng “lan truyền năng lượng tích cực cho đối phương”.

Từ lúc nào, những đôi lứa khao khát cái sự chia sẻ đời nhau lại xem nhau là đối địch? Và từ lúc nào, những ngôn từ tuyên giáo với dấu ấn của một nhà độc tài thích mặc Mao phục ở Bắc Kinh đã xâm lăng vào những lời lẽ ngôn tình của giới trẻ chúng ta?

Đó có phải là hệ quả từ mối quan hệ vừa là đối phương – thứ đối phương thực sự là đối địch – trên Biển Đông, vừa là một “đối phương” đã bị đảo chính về nghĩa lý, loại “đối phương” mà có thể “chia sẻ hoài bão và vận mệnh” trên ngôn ngữ ngoại giao, hay “san sẻ đời nhau, cùng nhau nhìn về một hướng”, theo những lời lẽ ngôn tình? [12]

Tất cả, có lẽ, đều là những hệ lụy trực tiếp hay gián tiếp từ cách học máy móc nói trên và chúng ta, suy cho cùng, là những tù nhân hay nô lệ của cách học ấy, học không để đổi mới và để làm chủ vận mệnh mình. Thực trạng tồi tệ này đòi hỏi một sự bứt phá dứt khoát, quyết liệt và do đó, phải có một biểu tượng cụ thể nào đó để đập phá đến tan tành. Chúng ta phải đập nát nó ra, như người Pháp đã làm với ngục Bastille, người Đức đã làm với Berlin Wall, hay vứt bỏ một cách gọn gàng như cha anh đã làm với búi tóc dài sau ót.

Nhưng đó là biểu tượng nào, câu trả lời, có lẽ, không nhất thiết phải nói thẳng ra.

Tài liệu tham khảo:

1. “Phát huy các năng lượng tích cực của con người Việt Nam”

https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/phat-huy-cac-nang-luong-tich-cuc-cua-con-nguoi-viet-nam-de-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc

2. https://www.theguardian.com/world/2018/oct/05/melania-trump-in-pith-helmet-on-kenya-safari-likened-to-colonialist

3. https://chinamediaproject.org/the_ccp_dictionary/positive-energy/

4. Stefan Aust & Adrian Geiges (2022), Xin Jinping – The Most Powerful Man in the World, Polity Press, Cambridge, trang 100.

Nguyên tác tiếng Đức, bản Anh ngữ của Daniel Steuer.

5. Kevin Rudd (2022), The Avoidable War – The Danger of a Catastrophic Conflict between the US and Xi Jinping’s China, Public Affairs, New York, trang 85.

6. Xin kích vào đây để thấy cụm từ “năng lượng tích cực” được sử dụng tràn lan như thế nào: “năng lượng tích cực”, 2014.

7. https://etheses.bham.ac.uk/id/eprint/883/

8. Bùi Minh Quốc, “Thư ngỏ gửi các bạn trẻ Việt Nam và hai bạn Mỹ Fred, Rob”, Diễn đàn talawas, 19.8.2005.

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5180&rb=0307

“Trong dịp đại hội lần thứ 7 vừa rồi của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 4.2005), mấy đồng nghiệp của tôi nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu tại diễn đàn chỉ tha thiết xin nhà nước thành lập cơ quan kiểm duyệt chính thức, công khai, để nhà văn cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, còn nhà nước không vừa ý chỗ nào thì cứ cắt nhưng phải in rõ chấm chấm chấm kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm như thời chế độ thực dân.

Ôi, đau đớn làm sao, nhục nhã làm sao! Hỡi hồn thiêng các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh… và tất cả các liệt sĩ của tất cả các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập tự do, hãy về đây mà chứng kiến cho nỗi nhục của chúng tôi! Chẳng lẽ chiến đấu như thế, hy sinh như thế để chuốc lấy nỗi nhục này? Sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, nay chỉ xin cái mức tự do ngôn luận như thời thực dân mà cũng không được. Xưa là nô lệ cho ngoại bang, nay lại làm nô lệ cho một nhúm cầm quyền nhân danh Đảng.”

9. Ông Đoàn Văn Vươn là nạn nhân trong vụ án cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng, Hải Phòng vào năm 2012. Nhân vụ án đầy oan khuất này, công luận Việt Nam thi nhau nhắc lại vụ án “đồng Nọc Nạn”.

Vụ án xảy năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu khiến năm người thiệt mạng, trong đó có một viên cò Tây và bốn người thuộc gia đình nông dân Biện Toại.

Cùng đường khi bị một nhóm lợi ích bao gồm một Hoa kiều giàu có và viên tri phủ thông đồng để cướp trắng trên 70 mẫu ruộng mà cha ông đã khai phá từ năm 1900, họ đã liều chết chống trả. Vụ án đẫm máu này làm rúng động dư luận và báo chí Sài Gòn đua nhau khai thác, Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nhà văn Sơn Nam đã từ nguồn báo chí này tóm tắt riêng một chương trong phần phụ lục ở cuối sách.

Trước toà, Công tố viên Moreau, người lẽ ra phải hạch tội của các bị đơn, đã “buộc tội” đối thủ của họ và đề nghị tha bổng các bị đơn, dù đã sát hại một cảnh sát Pháp,

Luật sư Tricon nhận định gia đình bị đơn vừa phải đấu tranh với thiên nhiên, vừa phải chống chọi với bọn cường hào và các thủ tục pháp lý: “Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của tình cảm cao đẹp.”

Cuối cùng Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên bố tha bổng bốn bị can. Bị can chính bị phạt sáu tháng tù và được trả tự do ngay tại toà vì đã bị tạm giam đủ sáu tháng.

10. Clive Hamilton & Mareike Ohlberg (2020), Hidden Hand – Exposing How the Chinese Communist Party is Reshaping the World, Harldie Grant Books, London, trang 274-275.

11. Chương trình này do hai diễn viên Quyền Linh và Ngọc Lan điều khiển.

12. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6p6pl9p3y5o

Vòng luẩn quẩn của sự đọc

Đinh Thanh Huyền

Dạo gần đây, thỉnh thoảng dư luận lại dậy sóng vì một văn bản trong sách Ngữ văn hoặc một đề thi ở tỉnh này tỉnh kia. Có những cuộc tranh luận căng thẳng đến mức tác giả sách giáo khoa hoặc chuyên viên môn Ngữ văn của một Sở, phòng giáo dục nào đó phải lên tiếng giải thích với công luận. Những ồn ào quanh chuyện dạy văn, học văn dường như không có hồi kết, thậm chí có sự việc trở thành quá khích, người ta chửi nhau, nhiếc móc nhau bằng đủ mọi kiểu ngôn từ nặng nề. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra với môn Ngữ văn, ít thấy ở các môn học khác. Lí do đầu tiên hẳn là vì văn chương là thứ dễ bị tấn công nhất. Phàm ai có thể đọc được chữ thì đều có thể tiếp nhận văn học dân tộc mình. Và khi đã đọc được văn bản thì ai cũng có thể phê phán, bình phẩm, khen chê đôi chút. Hệ quả là khi một văn bản nào đó được đưa vào giảng dạy hoặc làm đề thi, văn bản đó, tác giả của nó và người soạn sách, soạn đề đều trở thành nạn nhân tiềm tàng của những vụ “ném đá”, tấn công dữ dội trên mạng xã hội, trên báo chí. Từ hiện tượng này, nhìn sâu rộng hơn, ta sẽ thấy có những vấn đề lớn vừa là nhân vừa là quả.

1. Năng lực đọc của công chúng Việt hiện nay yếu chưa từng thấy.

Có thể tạm chia độc giả thành ba kiểu. Kiểu thứ nhất là những người đọc không thể tiếp nhận được các văn bản thông thường, nghĩa là họ hoàn toàn mù tịt khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn đơn giản nhất. Văn bản văn học trở thành bức tường câm lặng mà đứng trước nó, người đọc không thể nhìn thấy gì ngoài vật liệu (chữ). Số này lớn nhất và thường chạy theo ý kiến của những KOL to mồm, đồng thời cũng dễ “quay xe” để nhào theo người khác. Kiểu thứ hai là một số người đọc dù được học hành (chuyên ngành văn hoặc liên quan đến văn) thì chỉ có thể tiếp nhận những tác phẩm dễ đọc, nội dung và kĩ thuật viết có tính truyền thống. Với những tác phẩm có màu sắc hiện đại, hậu hiện đại, có sự phá cách về bút pháp, họ bó tay đầu hàng. Số này chính là những người luôn gây hấn, đốt lửa, châm ngòi cho các cuộc “đấu tố” văn chương. Cậy vào chút kiến thức có được từ học hành, những người này rất tự tin và nghiệt ngã khi chê bai, đả phá, phủ nhận các văn bản mà họ không thích. Tri kiến mù lòa khiến họ trở nên nguy hiểm bởi họ sẽ kích động kiểu độc giả thứ nhất tạo ra sóng gió. Kiểu thứ ba là những người đọc có khả năng tiếp nhận tất cả các hình thức sáng tạo, các hiện tượng nghệ thuật từ góc nhìn khách quan, từ nền tảng lí thuyết vững chắc, từ sự nhạy cảm nghệ thuật. Số này thường ít lên tiếng trong các cuộc tranh cãi om sòm trên mạng xã hội bởi họ biết không thể đấu lại đám đông mù quáng.

2. Vì sao năng lực đọc của công chúng yếu như vậy?

Nguyên nhân quan trọng nhất là do giáo dục. Năng lực đọc không từ trên trời rơi xuống, cũng không phải có sẵn trong mỗi người. Đó là loại năng lực được hình thành qua quá trình rèn luyện lâu dài. Lộ trình hình thành năng lực đọc phải được xây dựng trên cơ sở khoa học tiếp nhận.

Nhìn lại môn Ngữ văn trong trường phổ thông Việt Nam từ đầu thế kỉ XXI đến nay, chúng ta thấy gì? Đã có hai chương trình được thiết kế theo hai tư tưởng chủ đạo: Chương trình 2002 định hướng dạy nội dung, Chương trình 2018 định hướng phát triển năng lực. Trong đó, chương trình 2002 được hiện thực hóa bằng một bộ sách thống nhất trên toàn quốc. Nội dung thi (kiến thức và kĩ năng) đều nằm trong sách giáo khoa. Như vậy, trong một thời gian rất dài, học sinh chỉ biết đến những văn bản trong sách. Dù những văn bản đó đều là tinh hoa của văn học Việt Nam thì cũng không thể cho người học một cái nhìn rộng mở, đa chiều về cả một nền văn học trong chiều dài lịch sử và phổ rộng văn hóa của nó.

Quan điểm học để thi khiến cho giáo viên và học sinh “nhai đi nhai lại” những văn bản quen thuộc, không hề có nhu cầu đọc mở rộng. Việc khám phá văn bản dừng ở mức phân tích lại những gì đã được học. Mỗi văn bản trong sách được cày đi xới lại nát nhừ ra nhưng giáo viên vẫn sợ chưa dạy hết nội dung. Dù các bài thi/kiểm tra điểm cao chót vót thì trình độ đọc của học sinh vẫn cực kì non kém. Rời khỏi văn bản trong sách, học sinh không thể tự đọc được các văn bản mới. Mặt khác, những văn bản được dạy trong sách giáo khoa đều rất an toàn. Trong hệ thống văn bản đó chỉ có duy nhất bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo) thoát khỏi thi pháp truyền thống nhưng sau này Bộ Giáo dục cũng đưa vào diện giảm tải (nghĩa là trên thực tế, bài này không không được dạy nữa).

Toàn bộ đời sống văn học đương đại sinh động của Việt Nam và thế giới vắng bóng trong chương trình học tập. Học sinh chỉ biết đến những tác phẩm của một nền thi pháp học truyền thống. Học sinh quen với thơ lục bát, thơ Đường luật, thơ lãng mạn, thơ cách mạng, quen với văn xuôi lãng mạn, văn xuôi hiện thực phê phán mà không biết đến thơ siêu thực, thơ phi lí, truyện đa tuyến, truyện giả tưởng, văn học sinh thái, văn học chấn thương, bút pháp giễu nhại,… Ra khỏi hệ thống thi pháp quen thuộc, học sinh gần như bất lực trong hoạt động đọc. Và quan trọng nhất, học sinh chỉ được dạy để hiểu một vài tác phẩm, một vài trường phái, xu hướng văn học mà không được dạy cách đọc. Thơ là gì? Truyện là gì? Kịch, kí là gì? Làm cách nào để đọc được một bài thơ, một tiểu thuyết, một vở kịch, một bài kí? Những điều ấy không có trong chương trình học. Như vậy, năng lực đọc của học sinh gần như không có. Và nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, trở thành lượng công chúng đông đảo, phần lớn xếp vào kiểu độc giả “mù” về đọc hiểu như đã nói ở trên.

Nhiều học sinh trở thành thầy cô giáo dạy văn. Họ tiếp tục nối dài cái vòng luẩn quẩn, bế tắc của sự đọc, tiếp tục hành hạ học sinh bằng vốn kiến thức hạn hẹp, khả năng đọc gần như bằng không của chính mình, triệt tiêu niềm yêu thích văn chương vốn có của học trò và biến học trò thành bản sao của mình trong tương lai.

3. Chương trình Ngữ văn 2018 đã tác động thế nào đến hoạt động đọc?

Với định hướng phát triển năng lực (đọc, viết, nói và nghe) cho người học, chương trình Ngữ văn 2018 đã thay đổi triệt để quan điểm dạy học. Có ba bộ sách giáo khoa cho các nhà trường lựa chọn. Các văn bản trong sách được chọn theo tiêu chí phù hợp với mục tiêu giáo dục (chứ không phải để tôn vinh nền văn học và các tác giả). Phạm vi văn bản mở rộng, đảm bảo cho học sinh được học cách đọc theo đặc trưng thể loại và chủ đề. Ngoài những văn bản kinh điển, nhiều văn bản hoàn toàn mới được đưa vào dạy để học sinh được tiếp cận rộng rãi với nhiều kiểu văn bản, nhiều chủ đề, nhiều bút pháp nghệ thuật. Điều đó có nghĩa giáo viên buộc phải là người thông thạo kĩ năng đọc. Nhưng đến đây bắt đầu xuất hiện vấn đề.

Như đã phân tích ở trên, toàn bộ giáo viên văn ở thời điểm này chính là những học sinh của chương trình cũ. Phần lớn số này không có hoặc có rất ít năng lực đọc. Họ không thể cho học sinh cái mà họ không có. Vì thế, giờ đọc văn bản trong các nhà trường phổ thông biến thành thảm họa khi giáo viên vật vã với những gì chính họ không hiểu nổi mà lại phải dạy cho những đứa trẻ ngơ ngác kia. Đó là bi hài kịch chứ không phải chuyện chơi. Những học sinh đầu tiên của chương trình Ngữ văn 2018 đang là “con cừu” để giáo viên thử nghiệm đủ thứ. Khi giáo viên không đọc nổi, không dạy nổi, họ sẽ lôi kéo, thu hút học sinh bằng những tiểu phẩm, trò chơi, dùng AI để thay thế hoạt động đọc. Một giờ đọc văn tiêu chuẩn là giờ đọc trong im lặng, thẩm thấu trong im lặng không bao giờ có trong nhà trường Việt Nam. Những chiêu trò ồn ào náo động như hội chợ diễn ra phổ biến. Cái còn lại chỉ là khoảng rỗng không trong tâm trí người học.

4. Những cuộc “đấu tố”

Đến đây xuất hiện câu chuyện về đề thi. Vì Bộ quy định các văn bản dùng trong những kì thi giữa kì, cuối kì, thi trung học phổ thông quốc gia bắt buộc phải nằm ngoài sách giáo khoa, giáo viên sa vào vũng lầy của việc chọn ngữ liệu. Lúc này, toàn bộ sự thiếu hụt về năng lực đọc của giáo viên hiện ra đầy đủ. Nhiều giáo viên không thể nhận biết được bài thơ, truyện ngắn, bài kí hay dở thế nào. Họ chọn theo tên tác giả, những cái tên quen thuộc, những tác giả nổi tiếng, những tác giả đang giữ chức vụ trong các hội địa phương, trung ương, các tờ báo lớn sẽ được chọn. Vấn đề ở chỗ không phải cứ nhà văn có tên tuổi thì tác phẩm nào cũng hay. Rồi hết nạc thì vạc đến xương, bất cứ tác giả nào có thơ văn đăng báo hoặc in sách đều có thể được giáo viên cân nhắc. Đó là lí do xuất hiện những đề kiểm tra, đề thi gây phẫn nộ vì ngữ liệu quá kém. Nhưng không chỉ người ra đề bị phê phán, tác giả của văn bản “bị” chọn cũng vạ lây. Có khi đám đông bỏ bóng đá người, lôi nhà văn ra xỉ vả một cách cay độc.

Nhưng hành vi “đấu tố” lại bắt đầu từ những văn bản được chọn trong các bộ sách. Do năng lực đọc yếu, do không hiểu mục đích, tiêu chí chọn văn bản, công chúng (bao gồm cả giáo viên) thỉnh thoảng lại lôi một văn bản trong sách ra “xẻ thịt”. Những ý kiến chê văn bản hầu hết trượt ra ngoài mục đích sử dụng của văn bản đó. Thậm chí, họ chê ngay cái hay, cái độc đáo của một tác phẩm văn học. Thực tế đáng buồn này lẽ nào không phải hậu quả của việc không có năng lực đọc!

5. Lời kết

Năng lực đọc yếu kém của công chúng trong nước vừa là nhân vừa là quả của quan điểm dạy học định hướng nội dung kéo dài trong nhiều năm. Giờ chỉ còn biết hi vọng một thế hệ người đọc mới (những học sinh được học chương trình phát triển năng lực) nhưng các em có phát triển được năng lực hay không lại phụ thuộc vào giáo viên. Cái vòng luẩn quẩn này chỉ có thể ngừng quay khi cắt được nguồn của nó. Chỉ khi nào nhân đổi quả mới đổi. Mà muốn đổi, không phải việc một cá nhân làm được.

Hà Nội, tháng 10/2024

Tác giả người Mỹ gốc Hàn Kim Ju-hea giành giải văn học danh giá Tolstoy

Kim Min-jeong Kim Seo-young, The Chosun Daily ngày 13.10.2024

Bản dịch Văn Việt

This image has an empty alt attribute; its file name is image-43.png

Tiểu thuyết đầu tay Beasts of a Little Land [Những con thú ở vùng đất nhỏ] được trao Giải thưởng Văn học Yasnaya Polyana của Nga cho hạng mục văn học nước ngoài.

Kim Ju-hea (bên phải) nhận giải thưởng hạng mục Văn học nước ngoài trong lễ trao Giải thưởng Văn học Yasnaya Polyana tại nhà hát Bolshoi, Moscow, Nga, ngày 10.10. 2024/RIA Novosti

Nhà văn người Mỹ gốc Hàn Kim Ju-hea đã giành Giải thưởng Văn học Yasnaya Polyana năm nay cho hạng mục văn học nước ngoài tại Nga với tiểu thuyết Beasts of a Little Land vào ngày 10 tháng 10.

Giải thưởng Văn học Yasnaya Polyana, được thành lập vào năm 2003 bởi Bảo tàng Điền trang Leo Tolstoy ở Nga và chi nhánh Samsung Electronics tại Nga, nhằm kỷ niệm 175 năm ngày sinh của Tolstoy, được công nhận là một trong những vinh dự văn học cao quý nhất của Nga. Nhà văn đoạt giải năm nay 37 tuổi, đã được tôn vinh tại buổi lễ trao giải tổ chức ở Nhà hát Bolshoi tại Moscow, cùng với Kirill Vatigin, người dịch tác phẩm của cô sang tiếng Nga. Cô đã xuất sắc vượt qua 10 tác giả lọt vào vòng chung kết hạng mục văn học nước ngoài, trong đó có các tác phẩm của những tên tuổi lớn, bao gồm cả nhà văn đạt giải Nobel Olga Tokarczuk.

Tiểu thuyết đầu tay của Kim Ju-hea, Beasts of a Little Land, khắc họa cuộc sống đầy biến động của những người dân bình thường ở Hàn Quốc trong thời kỳ thuộc địa Nhật Bản. Xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 2021, tác phẩm được vinh danh là “Sách của Tháng” trên Amazon và ra mắt lần đầu tại Hàn Quốc vào năm 2022. Theo Dasan Books, giám khảo Pavel Basinski khen ngợi cuốn sách này, nhấn mạnh rằng “trong câu chuyện có những con thú,” trong đó con hổ tượng trưng cho sự độc lập của Hàn Quốc. Ông còn so sánh tác phẩm với The Road to Calvary của Aleksey Nikolayevich Tolstoy, đồng thời nhận xét đây là một tác phẩm xuất sắc, minh bạch và chín chắn – đặc biệt ấn tượng đối với một tác giả trẻ.

Với việc Han Kang vừa nhận Giải Nobel Văn học, sự chú ý đã đổ dồn vào sức mạnh của văn học Hàn Quốc, và truyện của Kim Ju-hea được công nhận tại Nga – một quốc gia nổi tiếng với các tượng đài văn học như Tolstoy và Dostoevsky. Kim sinh ra ở Incheon và chuyển đến Hoa Kỳ cùng gia đình khi mới 9 tuổi. Trước lễ trao giải, cô bày tỏ sự biết ơn: “Được đề cử thôi cũng đã là vinh dự.” Kim chia sẻ rằng cô luôn cảm thấy chịu ơn triết lý của văn học Nga và xem đây là cơ hội để thế giới công nhận hình tượng con hổ như biểu tượng cho độc lập của Hàn Quốc. Cô cũng nhấn mạnh rằng điều này góp phần tôn vinh niềm tự hào về văn hóa và lịch sử dân tộc Hàn Quốc.

Kim Ju-hea, tác giả cuốn Beasts of a Little Land / Ảnh Dasan Books

Giải Nobel và chuyện chăn gà

Hoàng Dũng

Hình dưới đây chụp ngày 21.1. 2017, cho thấy quan chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xin lỗi văn nghệ sĩ – tất nhiên là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và văn nghệ sĩ xứ kim chi, chứ không phải là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và văn nghệ sĩ xứ ta.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cho Yoon-sun bị cáo buộc chịu trách nhiệm về việc lập ra danh sách đen gồm ngót chục nghìn nghệ sĩ và nhân vật văn hóa dám phê phán chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Park Geun-hye.

Đáng chú ý trong danh sách đen, có những người nổi tiếng, đang làm sáng danh Hàn Quốc trên trường quốc tế.

Như đạo diễn Park Chan-wook, trước đó đã đoạt nhiều giải thưởng, mà danh giá nhất là giải của Liên hoan phim Cannes (Giải thưởng lớn Liên hoan phim Cannes 2004, Giải thưởng Ban Giám khảo Liên hoan phim Cannes 2009. Nói thêm: Năm 2022 Park Chan-wook còn đoạt Giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes. Nói ngoài: Năm 2021, Park Chan-wook được mời làm đạo diễn cho bộ phim truyền hình chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của Viet Thanh Nguyen The Sympathizer).

Và như Han Kang (đọc theo Hán Việt là Hán Giang, đồng âm với tên con sông chảy qua Seoul), người chiến thắng Giải thưởng Man Booker quốc tế năm 2016, tức chỉ một năm trước sự kiện xin lỗi, và mới hôm qua chiến thắng Giải Nobel Văn chương.

Dư luận Hàn Quốc dậy sóng; giới trí thức sôi sục. Thực ra, người bị đưa vào danh sách sách đen chỉ bị một chế tài khá nhẹ nhàng, nhất là nếu xem xét với tiêu chuẩn của nước Nam ta: sẽ bị loại khỏi các khoản trợ cấp nghệ thuật của chính phủ; chứ không ai bị ở tù hay quấy nhiễu gì. Tuy thế, dân tình vẫn phẫn nộ: danh sách đen này đã khơi dậy những ký ức về chế độ kiểm duyệt và áp bức dưới thời nhà độc tài Park Chung-hee, cha của Tổng thống Park Geun-hye. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được cho là có nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do và sự sáng tạo trong biểu đạt nghệ thuật, ấy vậy mà cơ quan này lại xâm phạm chính điều đó.

Ngày 21.1.2017 Cho Yoon-sun bị bắt. Ngày 23.1.2017, đài BBC tiếng Anh đăng hình xin lỗi vừa dẫn (xem https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-38716305).

Thuật lại những chuyện trên đây ở nước bạn, mà ngậm ngùi nghĩ đến nước ta.

Đoạt Giải Nobel Văn chương ư? Quá khó! Nhưng còn khó hơn, là nâng cao mặt bằng dân trí. Mà dân trí, theo nghĩa rộng, không chỉ là hiểu biết, là kiến thức, mà còn là nhiệt huyết để cùng nhau bảo vệ lẽ phải, là sự dũng cảm hành xử theo đúng quyền công dân của mình, nghĩa là bao trùm cả dân khí như cụ Phan Châu Trinh cổ võ. Hàn Quốc có thể vẫn còn rơi rớt thói đàn áp người dân của nửa thế kỷ độc tài từ Park Chung-hee đến Chun Doo Hwan. Nhưng dân Hàn Quốc đã khác xưa. Họ đồng loạt mạnh mẽ phản đối danh sách đen, vạch rõ tính chất vô pháp vô thiên của nó. Mà bộ máy cầm quyền của Hàn Quốc cũng không còn như cũ: nó khởi động ngay các tiến trình tư pháp cần thiết và hành động quyết liệt: lần đầu tiên tại Hàn Quốc một bộ trưởng chính phủ đương nhiệm bị bắt giữ.

Chính trên cái nền móng vững chắc này mà văn hóa Hàn Quốc lừng lững phát triển! Cả kinh tế, cả văn hóa! Bỏ xa Việt Nam!

Ở ta có bao nhiêu “danh sách đen”? Khó có câu trả lời chính xác.

Thời Nhân văn – Giai phẩm nhiều nhà văn bị tù ngục đã đành, mà ngay cả những nhà văn may mắn không bị giam giữ vẫn bị đày đọa, không chỉ họ mà cả con cái họ. Đến thời Đổi Mới, một vài người được trao giải thưởng, hiểu như một động thái sửa sai của nhà nước nhưng tuyệt nhiên không ai được công khai xin lỗi. Mà dân ta, từ người dân lam lũ đến giới trí thức, có người còn cảm ơn nhà nước đã biết làm một việc tốt, “như thế cũng đã được rồi”, theo kiểu “Thánh thượng hồi tâm”!

Còn ngày nay, tuy không nói ra, ai cũng biết ông này thì được xuất hiện trên báo, còn ông kia thì không; chị nọ lúc này chỉ được đăng ở những tờ báo nhỏ, ít ai chú ý, trong khi bà kia thì muốn đăng đâu thì đăng miễn Ban biên tập thuận lòng. Vẫn chưa tiệt được cái nọc chỉ điểm: này là bài thơ cạnh khóe lãnh đạo; nọ là cuốn sách bôi đen chế độ. Chưa có lĩnh vực nào mà sự cảnh giác lại được đề cao như lĩnh vực văn hóa – tư tưởng; người ta chăn trí thức như chăn gà, cứ sợ họ đi lạc.

Mỉa mai là trong khi cứ ra sức bảo vệ một nền móng thấp và kém như thế, một vị lãnh đạo đứng đầu nhà nước vẫn cứ nuôi mộng tưởng: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước” (xem https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-mong-mot-ngay-khong-xa-viet-nam-co-nha-van-doat-giai-nobel-20220109134103037.htm).

Giáo dục khai phóng nhìn từ hiện tượng Chu Ngọc Quang Vinh

Lê Học Lãnh Vân

1) Khái niệm Giáo dục Khai phóng xuất hiện từ xa xưa. Nội hàm chính của Giáo dục Khai phóng là đào tạo con người với các ý nghĩa cao thượng và luôn hướng thiện. Cho dù có biến thiên qua các thế kỷ, thậm chí qua các thiên niên kỷ, nội hàm đầy tính nhân văn cao cả này luôn được giữ gìn vun đắp thêm. Ta có thể hiểu Giáo dục Khai phóng là truyền lại kiến thức, tinh thần, phương pháp học các kiến thức khoa học, tự nhiên và xã hội, mà người tiếp thụ có thể dùng chúng một cách tự do, nhân bản. Nói một cách khác, Giáo dục Khai phóng nhằm giải phóng trí tuệ con người trong đó sứ mạng tạo con người có nhân cách quan trọng hơn con người có nghề nghiệp. Sự nghiệp giáo dục ấy cần trách nhiệm của cả người dạy lẫn người học.

Ý nghĩa đó thực nhân văn, hiểu theo đó ta thấy Giáo dục Khai phóng tại Việt Nam không chỉ là sự nghiệp của các mái trường từ tiểu học, trung học lên đại học, mà còn là sự nghiệp chung của cả xã hội trong đó hệ thống chính trị giữ vai trò then chốt vì sự phân quyền trong xã hội Việt Nam rất giới hạn do độ đậm đặc của tính toàn trị.

2) Thời xưa ấy người ta cho rằng Giáo dục Nhân cách cần dựa nhiều vào sách vở. Điều này cũng tương đồng với quan niệm của nền Giáo dục Tứ thư Ngũ kinh của Trung Quốc. Thời ấy, kiến thức về nhân cách được cho là tách biệt với kiến thức về khoa học.

Sự tiến bộ ngày càng nhanh chóng của Khoa học, bắt đầu từ thế kỷ thứ mười bảy (thế kỷ XVII, thế kỷ Cách mạng Khoa học), khiến nền Giáo dục được dần dần lôi khỏi lô cốt giáo điều. Các trường đại học nâng dần tầm quan trọng của khoa học tự nhiên và chính xác. Những quan niệm về nhân cách con người được xem xét lại, được soi rọi dưới ánh sáng phê phán của tinh thần khoa học. Người ta nhận thấy tính chính xác của khoa học và lý tính cũng mang lại vẻ đẹp nhân văn vì đem tới những hiểu biết mới, giải phóng con người khỏi những hủ tục, định kiến, lầm lạc. Xin chú ý rằng vẻ đẹp nhân văn không chỉ là vẻ đẹp “vị nghệ thuật”, vẻ đẹp ấy rất “vị nhân sinh”! Các giá trị đạo đức luôn là nền tảng cho xã hội ấm no, tiến bộ. Đây chính là nền tảng của thế kỷ thứ mưới tám (thế kỷ XVIII), thế kỷ Khai sáng.

Trung Quốc từng là một nền văn minh với các khám phá khoa học xuất sắc, phải chăng do con người nhân văn núp quá kỹ trong lô cốt giáo điều khiến khoa học chính xác không thể xâm nhập và Trung Hoa chìm trong chậm tiến khoa học kỹ thuật hàng mấy thế kỷ?

3) Nền Giáo dục Khai phóng hiện đại không đối lập giáo dục nhân văn với giáo dục khoa học, nhưng trong khi vẫn coi trọng giáo dục nhân văn thì cho rằng tất cả các kiến thức cần được đặt câu hỏi về tính chính xác. Trí tuệ con người cần được giải phóng khỏi tất cả mọi áp lực giáo điều. Do đó mọi câu hỏi về tính chính xác của bất kỳ loại kiến thức nào cũng được khuyến khích, hoan nghênh, cá nhân và xã hội cần đón nhận những câu hỏi đó với tinh thần cởi mở, thái độ thực sự cầu thị. Không chỉ đặt câu hỏi với kiến thức, lập luận của người, ta cũng đặt câu hỏi với kiến thức, lập luận của ta. Nếu chưa thể đặt câu hỏi cho chính ta, ta cũng cần luôn sẵn sàng cho những câu hỏi đó từ người khác, luôn tự đặt mình trong tư thế có thể sai. Tinh thần Hoài nghi Khoa học là điều kiện không chỉ cho sự tiến bộ của khoa học, tri thức, mà cho cả sự tiến bộ, văn minh của xã hội. Một xã hội thiếu tinh thần hoài nghi ấy sớm muộn gì cũng chìm vào u mê, chậm tiến.

4) Sự việc anh Quang Vinh cho chúng ta những suy nghĩ. Tôi tin chắc rằng ở xứ văn minh, tiến bộ, một người có ý kiến như anh Quang Vinh được quý trọng. Xã hội văn minh khuyến khích các phát hiện mới, cách đặt vấn đề mới. Không có câu hỏi nào, ý kiến nào là ngu dốt, câu nói ấy đã thành khẩu hiệu! Tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt thấm sâu tới mức khi nghe một phê phán trực tiếp người ta lắng nghe, suy ngẫm chứ không vội đáp trả. Nếu không đồng ý với ý kiến khác biệt, cách trả lời cũng hòa nhã và gợi sự tranh luận cầu thị. Tiếp nhận và suy nghĩ thấu đáo các phê phán đã thành nếp ứng xử trí thức, văn minh! Tuyệt đối không chụp mũ vì chụp mũ là giết chết tinh thần và lý trí phê phán, điều chỉ có ở những người trí thức xứng danh!

Phản ứng của không ít người, kể cả một số người có trách nhiệm giáo dục, cho thấy tầm tri thức và sự thù địch của xã hội ta đối với tinh thần phê phán.

Tuy nhiên, không như nhiểu người bi quan về mặt tối của xã hội Việt Nam, tôi thấy trong sự việc những điểm sáng hy vọng.

Trước hết là tinh thần phê phán không vắng mặt trong xã hội vì được thể hiện trên mạng xã hội.

Trong một giới hạn nhất định, chính quyền cao cấp không tỏ thái độ thù địch hay trù dập phê phán trái chiều.

Tôi tin rằng nếu giới hữu trách cấp cao của Việt Nam tìm thấy nguồn lực của sự minh triết nằm trong tinh thần Hoài Nghi Trí Thức, khuyến khích và xiển dương tinh thần ấy, người Việt sẽ cho thấy trí tuệ của mình.

Các phản ứng ồn ào vùi dập ý kiến của anh Quang Vinh những ngày qua, tôi tin rằng, chỉ là ồn ào xuất phát từ cách quản trị xã hội chưa thích hợp. Đó là tiếng ồn ào của những người nhào ra tranh miếng ăn giữa chiếu làng, không phản ánh đúng tầm vóc của lực lượng trí thức Việt. Khi không còn miếng mỡ để tranh nhau, những tiếng ồn ào sẽ tự tắt đi. Đó là lúc những tiếng nói trí thức có trách nhiệm cất lên!

Xã hội nào không cần trí thức? Tôi tin rằng chính quyền nào rồi cũng thấy cần trí thức chân thành…

Ngày 4 tháng 9 năm 2024

Han Kang đoạt giải Nobel văn chương

Alex MarshallAlexandra Alter, 10/10/2024, The New York Times

Văn Việt dịch

Nhà văn người Hàn Quốc, nổi tiếng nhất với tác phẩm “Người ăn chay” (The Vegetarian), là nhà văn đầu tiên của đất nước mình nhận được giải thưởng danh giá này.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-22.png

Han Kang ở Gwancheon, Hàn Quốc, 2016. Ảnh: Jean Chung gửi The New York Times

Han Kang [韩江 đọc theo Hán Việt là Hàn Giang – Văn Việt], tác giả Hàn Quốc nổi tiếng nhất với tiểu thuyết siêu thực, mang tính lật đổ Người ăn chay, đã được trao giải Nobel Văn chương vào thứ Năm – bà là nhà văn đầu tiên của đất nước mình nhận được giải thưởng lớn này.

Mats Malm, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi tổ chức giải thưởng, cho biết trong cuộc họp báo tại Stockholm rằng bà được vinh danh “vì văn xuôi mãnh liệt giàu chất thơ của bà đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của đời người”.

Người ăn chay, xuất bản ở Hàn Quốc năm 2007, đã thắng giải Booker Quốc tế 2016 sau khi được dịch sang tiếng Anh. Tiểu thuyết tập trung vào một người nội trợ trầm cảm gây sốc cho gia đình khi ngừng ăn thịt; sau đó, cô ngừng ăn hoàn toàn và khao khát biến thành một cái cây có thể sống bằng ánh sáng mặt trời. Porochista Khakpour, trong bài đánh giá về Người ăn chay đăng trên The New York Times, cho biết Han “xứng đáng được tôn vinh là người có tầm nhìn ở Hàn Quốc”.

Giải Nobel trao cho Han là một bất ngờ. Trước khi công bố giải, ứng cử viên được các nhà cá cược yêu thích nhất cho giải thưởng năm nay là Tàn Tuyết, nhà văn Trung Quốc tiên phong với những tiểu thuyết phá vỡ mọi khuôn khổ.

Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, cho biết trong tuyên bố vào thứ Năm rằng, Han, trong tác phẩm của mình, “có nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và linh hồn, giữa người sống và người chết, và trong phong cách thi ca và thể nghiệm của mình, đã trở thành nhà cải cách cho văn xuôi đương đại”.

Han, 53 tuổi, sinh năm 1970 tại Gwangju, Hàn Quốc. Cha bà cũng là một tiểu thuyết gia, nhưng ít thành công hơn nhiều. Gia đình bà gặp khó khăn về tài chính và thường xuyên phải chuyển nhà. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với The Times, Han cho biết quá trình lớn lên tạm bợ như thế “là quá sức đối với một đứa trẻ, nhưng tôi vẫn ổn vì xung quanh tôi toàn là sách”.

Khi Han lên 9, gia đình chuyển đến Seoul chỉ vài tháng trước cuộc nổi dậy ở Gwangju, khi quân đội chính phủ nổ súng vào đám đông người biểu tình ủng hộ dân chủ, giết chết hàng trăm người. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, Han cho biết sự kiện này đã định hình quan điểm của bà về khả năng bạo lực của con người, và bóng ma của nó đã ám ảnh trên những trang văn. Ví dụ, trong tiểu thuyết “Bản chất của người” (Human Acts) xuất bản 2014, một nhà văn quan sát một cuộc đột kích của cảnh sát vào một nhóm nhà hoạt động.

Bà học văn học tại Đại học Yonsei Hàn Quốc và những tác phẩm xuất bản đầu tiên của bà là thơ. Tiểu thuyết đầu tay, “Nai đen” (Black Deer), ra mắt năm 1998, là một câu chuyện bí ẩn về một người phụ nữ mất tích. Trong cuộc phỏng vấn năm 2016, Han cho biết vào khoảng thời gian đó, bà đã phát triển ý tưởng cho truyện ngắn về một người phụ nữ trở thành cây, sau này bà phát triển thành Người ăn chay.

Mặc dù còn khá trẻ đối với người đoạt giải Nobel, Han lớn tuổi hơn nhiều so với Rudyard Kipling khi ông nhận giải thưởng năm 1907, ở tuổi 41.

Bà là tác giả của tám tiểu thuyết, cũng như một số truyện vừa, tiểu luận và truyện ngắn. Những tiểu thuyết khác của bà còn có “Trắng” (The White Book) [nhan đề trong nguyên bản tiếng Hàn chỉ một chữ Trắng – Văn Việt], cũng được đề cử giải thưởng Booker Quốc tế, và “Những bài học tiếng Hy Lạp” (Greek Lessons), được xuất bản bằng tiếng Anh năm 2023.

Trong “Những bài học tiếng Hy Lạp, một người phụ nữ mất khả năng nói và cố gắng khôi phục nó bằng cách học tiếng Hy Lạp cổ. Idra Novey, trong bài đánh giá trên tờ The Times, đã gọi cuốn tiểu thuyết này là “sự ca ngợi niềm tin không thể diễn tả được khi chia sẻ ngôn ngữ”.

Ankhi Mukherjee, giáo sư văn học tại Đại học Oxford, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, bà đã giảng dạy tác phẩm của Han “năm này qua năm khác” trong gần hai thập kỷ. “Tác phẩm của bà ấy luôn mang tính chính trị – cho dù đó là chính trị về thân thể, về giới, về những người đấu tranh chống lại nhà nước – nhưng nó không bao giờ buông bỏ trí tưởng tượng văn chương”, Mukherjee nói thêm: “Không bao giờ làm ra vẻ mộ đạo, mà rất vui tươi, hài hước và siêu thực”.

Giải Nobel là giải thưởng hàng đầu về văn học và đoạt được giải thưởng là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của một nhà văn, nhà thơ hay nhà viết kịch. Những người đoạt giải trước đây bao gồm Toni Morrison, Harold Pinter và, vào năm 2016, là Bob Dylan. Cùng với danh tiếng và sự gia tăng doanh số bán sách đáng kể, người đoạt giải nhận được 11 triệu kronor Thụy Điển, tương đương khoảng một triệu đô la Mỹ.

Trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm đã cố gắng tăng tính đa dạng của các tác giả được xem xét trao giải, sau khi phải đối mặt với những chỉ trích về số lượng thấp các nhà văn nữ hoặc các nhà văn bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ đoạt giải.

Từ năm 2020, Viện Hàn lâm đã trao giải thưởng cho một nhà văn da màu – Abdulrazak Gurnah, người Tanzania với những tiểu thuyết mổ xẻ di sản của chủ nghĩa thực dân – cũng như hai nhà văn nữ: Louise Glück, nhà thơ người Mỹ, và Annie Ernaux, nhà văn người Pháp với các tác phẩm tự truyện.

Người đoạt giải năm ngoái là Jon Fosse, nhà văn và nhà viết kịch người Na Uy, có tiểu thuyết được kể bằng những câu văn dài, thường mang âm hưởng tôn giáo.

Alex Marshall là một phóng viên của Times chuyên về văn hóa châu Âu. Anh sống tại Luân Đôn.

Alexandra Alter viết về sách, xuất bản và thế giới văn học cho The Times.

Bài báo được cập nhật lúc 8:58 a.m. ET

Bằng cấp phản ánh đúng kiến thức

Lê Học Lãnh Vân

1) Vụ ông Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật tại trường Đại học Luật Hà Nội là một sự việc đầy tính kịch.

Tính kịch, tức tính trình diễn, ở mức các quan chức cao cấp của trường Đại học Luật Thủ đô đăng đàn với những tuyên bố hơn cả có cánh tôn vinh ngài thượng tọa Thích Chân Quang! Nhiều người xem màn kịch rởm đời có cảm giác vị "thượng tọa" này không phải là người bảo vệ luận án đang nghe nhận xét của các thầy hướng dẫn mà là một thái sư phụ đang nhận những lời chúc tụng tung hô của đám đồ tử đồ tôn cúi rạp lưng với cái miệng thoa mỡ! Trong số những vị tung hô lưu loát ấy, có giáo sư nổi tiếng danh giá Hoàng Chí Bảo!

Thượng tọa Thích Chân Quang là người từng đưa ra những tuyên bố, những lời thuyết pháp được nhiều người nhận xét chỉ có thể là lời của xàm tăng, mà xàm tăng thiếu cả kiến thức lẫn tác phong của người dân bình thường! Xã hội đâu có u mê, người ta xôn xao đòi thẩm tra công khai và minh bạch bằng cấp của vị tiến sĩ hai năm với rất nhiều khuất tất này! Nhiều trí thức công khai nhận xét kiến thức của luận án thấp một cách quái đản, các vị chức sắc của trường Đại học Luật Hà Nội vẫn kiên trì im lặng một cách tương xứng với luận văn ấy!

 

2) Sau một thời gian quá dài so với việc thẩm tra đơn giản, sáng nay, ngày 13/8/2024, ông Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh công bố rằng:

“Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, như sau:

Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM.

Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.” (Tuổi Trẻ Online, ngày 13/8/2024)

Vậy là đã rõ, ông thượng tọa xàm này, người đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không hiểu vì lý do gì, im lặng một thời gian rất lâu để mặc ông dùng lời ma quỷ mê hoặc chúng sinh, vị thượng tọa chính là người không trung thực với xã hội về bằng cấp của mình!

Vậy là đã rõ, trường Đại học Luật Hà Nội, không biết bị qua mặt bởi thượng tọa Thích Chân Quang hay thông đồng với ông ta, đã cấp bằng tiến sĩ Luật cho một người vừa không đáp ứng điều kiện bằng cấp vừa có trình độ thực học dưới mức cơ bản. Và luận án người ấy soạn được xét duyệt thông qua một cách đặc biệt: chỉ trong vòng hai năm!

 

3) Nhà giáo và nhà báo không thẻ Thái Hạo đã nhận xét “Vụ bằng tiến sĩ của "sư phụ" [Thích Chân Quang] là một pha tự cởi truồng ngoạn mục, lột sạch, không còn mảnh vải che thân. Chỉ trong khoảnh khắc, từ một "thánh đường của tri thức" hào nhoáng, trường đại học bỗng biến thành một sân khấu hài kịch khổng lồ. Diễn viên toàn các giáo sư tiến sĩ cả. Ai diễn cũng sâu, nhập vai hoàn hảo, xứng đáng Oscar không có "nhưng". Quá tài tình. Và quá đau đớn cho nền giáo dục – khoa học nước nhà”.

Bài viết này cho rằng không chỉ “nền giáo dục – khoa học nước nhà” bị lột truồng, mà cả xã hội với nhiều thiết chế cũng tô hô trước bàng dân thiên hạ! Nào phải chỉ trường Đại học Luật Hà Nội dính vào cái vòng dơ tanh này, thiết chế đại diện cho tín ngưỡng Phật giáo toàn quốc cũng ủng hộ “thượng tọa” một thời gian rất dài trước khi có thái độ chỉnh sửa vì chịu không nổi dư luận xã hội chê bai, khi dễ! Ngành văn hóa, giáo dục cũng không nhanh chóng bắt tay làm trong sạch môi trường tri thức quá ô uế! Và các cấp cao hơn đã làm gì để bảo vệ các giá trị cốt lõi của cộng đồng, xã hội, quốc gia? Để cho người dân thiết tha với văn hóa, học thuật và vận mệnh nước nhà không phải ngẩng mặt lên trời chảy nước mắt như Nguyễn Trãi xưa kia:

"Trúc Trường Sơn không ghi hết nỗi nhục

Nước Đông Hải không rửa sạch mùi dơ"

 

4) Mảnh bằng tiến sĩ Luật của ông Vương Tấn Việt không phản ánh được trình độ văn hóa, kiến thức quá thấp của ông. Nhưng mà, nó có phản ánh đúng trình độ văn hóa và kiến thức của xã hội Việt Nam không?

Thực ra các nhà trí thức, các nhân sĩ có trách nhiệm với xã hội đã thấy sự tụt hậu đầy bê bối và cay đắng này từ lâu. Tiếng nói của họ nào được lắng nghe!

Thời tiền chiến, dù bị Pháp đô hộ, Hà Nội là một thủ đô sáng giá của châu Á. Hà Nội tập trung các trường đại học của Việt Nam, trong đó hai trường danh giá nhất là trường Đại học Luật và trường Đại học Y. Ngành Luật Hà Nội đã đào tạo các luật gia lớn của Việt Nam tài đức song toàn như Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Vũ Văn Mẫu, Vũ Quốc Thúc…

Sau ngày tiếp quản thủ đô, thế hệ các luật gia Việt tiếp theo có tiếp nối truyền thống của các bậc tiền bối tiền chiến? Nếu lấy mốc là năm 1954, đến nay đã 70 năm, nên chăng Việt Nam cần đặt mục tiêu trong vòng năm, mười năm đưa Hà Nội trở về vùng đất văn hiến với ngành Luật vững chắc làm nền cho đất nước phát triển văn minh?

 

Ngày 13 tháng 8 năm 2024

“Ngoại giao cây tre”, như một thứ chủ nghĩa chàng ràng

Nguyễn Hoàng Văn

Bi hài kịch “ngoại giao cây tre”, với hoạt cảnh mới nhất là “cưỡng bức đặc xá”, đã giúp chúng ta nhận ra rằng, dẫu khác nhau nước lửa, “phóng sinh” và “hiến tế” vẫn có thể hội tụ ở ý nghĩa “triều cống” khi phải chiều lòng hai cường quốc ở hai đầu mút của hai hệ tư tưởng trái ngược nhau. [1]

Để đẹp lòng bên này thì phải nhẫn tâm “hiến tế”, mà để làm hài lòng bên kia thì phải diễn tuồng “phóng sinh” để có một dáng dấp khai phóng, cởi mở. “Chiến lược ngoại giao” này, phải chăng, là một trò chơi “ăn bù thua” mà, diễn đạt bằng ngôn ngữ toán học của Game Theory, là có tổng bằng không?

Đó là công trình đoạt giải Nobel Kinh tế 1994 của nhà toán học John Forbes Nash, xem xét việc cạnh tranh kinh tế như một trò chơi “zero sum” khi cái được của bên thắng là phần thiệt của bên thua. [2] Phân giải hành vi và toan tính của con người bằng những nguyên lý toán học đã khó nhai, nhưng soi xét bằng nguyên lý nhân quyền và dân quyền thì, cái gọi là “ngoại giao cây tre” kia, còn khó nhai hơn nữa bởi sự thất đức, vô đạo và vô hậu của nghi thức hiến tế như một hình thức triều cống.

Đó là một thứ lệ phí bảo kê mà một nước mạnh áp đặt lên nước yếu để đổi chác sự thừa nhận, để yên. Khi Ngô Quyền giành lại quyền tự chủ thì Trung Quốc vẫn còn rối ren nên tổ tiên ta chưa phải gánh chịu trò cống nạp này mà phải chờ đến thời Đinh Tiên Hoàng, khi nước lớn này đã ổn định việc nội trị, có thể thảnh thơi thò vòi ra xuống phương Nam. [3]

Hiến tế lại là một nghi lễ man rợ với niềm tin mê muội rằng, với chút quà tươi thấm đầy máu nóng, là có thể mua chuộc được thần linh để đánh đổi sự thừa nhận, yên bình. Khi các bộ lạc vùng Trung Đông cắt cổ dê, khi các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên trên đất nước chúng ta đâm thấu tim trâu, hay khi các bạo chúa ở Nam Mỹ thời văn minh Inca tàn sát hàng loạt trẻ em trong lời khấn vái của các pháp sư, v.v. tất cả cũng chỉ tin rằng món hối lộ của mình sẽ khiến đấng thiên thượng hài lòng mà không lên cơn thịnh nộ với đất chuyển, nước dâng, cuồng phong hay dịch bệnh.

Trái với hiến tế là phóng sinh, nghi lễ mà hạng người mê tín vẫn đều đặn thực hành vào rằm tháng Bảy và, xét cho cùng, là trò gian lận công đức với đấng bề trên ở thế giới bên kia. Bất an với mặc cảm thiếu vắng công quả hay ẩn ức thất đức thì mới nảy sinh nhu cầu trình diễn công đức và đã có cầu thì tất sẽ có cung với sự hình thành của cả một “công nghiệp” hay “thị trường” ăn theo. Muốn trả tự do để cá, chim về với nước và trời như một màn biểu diễn thì sẽ có cá có chim như một thứ hàng hóa tiền trao cháo múc nhưng hậu quả sẽ là những sinh linh vạ vật cảnh cá chậu chim lồng lừ đừ đón nhận tự do để rồi quay vòng như một thứ “đạo cụ” cho vở tuồng trình diễn công đức đến mãn đời bởi thân thể đã bị nhiễm đầy thuốc mê cho dễ bề tóm lại. [3] Điểm xuất phát đã gian thì những bước đi kế tiếp không thể không ác và trò gian lận công đức này đã khơi mào cho một chuỗi những hành vi thất đức, vô đạo và vô hậu. Tước đoạt tự do của những sinh linh khác, hàng loạt, xem quyền sống tự do của chúng như một món hàng mua bán, là thất đức. Sử dụng cạm bẫy, thuốc mê để giam cầm chúng như một cuộc đầu tư vô tận là vô đạo. Rồi, sau cùng, những hành vi phá hoại môi sinh này là gì nếu không phải là vô hậu?

Nhưng với “ngoại giao cây tre” thì hai hành động trái ngược trên có thể xích lại gần nhau bởi, nếu “đặc xá” gần với ý nghĩa “phóng sinh” thì, để có được những sản phẩm cung ứng cho màn kịch này, tất trước đó phải bắt bớ, giam cầm. Mà khi việc trấn áp này tiến hành với mục đích mua vui hay, ít ra, tránh làm phật lòng “thiên thượng” thì nó, chính xác, là một hình thức “hiến tế” hiện đại. [4]

Khi “thiên thượng” là nước lớn phải chiều lòng thì cả hai hành vi trên, “phóng sinh” hay “hiến tế”, đều mang ý nghĩa “triều cống”. Và khi hai nước lớn ngự trị ở hai thái cực khác nhau thì phẩm vật triều cống cũng phải ở thế bù trừ: “hiến tế” với những chiến dịch khủng bố, giam cầm để rồi “phóng sinh”, thậm chí “cưỡng bức phóng sinh”.

Nhưng không phải vì thế mà, theo cái nhìn của Game Theory, “ngoại giao cây tre” là một trò chơi có tổng bằng không.

Theo lý thuyết này thì, trong cạnh tranh kinh tế, tay chơi nào cũng tìm cách để thắng và khi cùng tham gia với một ý đồ, họ sẽ ngẫu nhiên tạo nên thế cân bằng gọi là Nash Equilibrium ở đó ai cũng có lợi và, vạn nhất, nếu ai đó cố ý phá vỡ cân bằng, y không chỉ gây tổn hại cho người khác mà còn tự rước thiệt hại về mình.

Sự phá vỡ này, hình dung đơn giản theo một thí dụ trong giáo trình Microecomics dành cho sinh viên năm thứ nhất, là câu chuyện cạnh tranh giữa hai trạm xăng đối diện nhau. Chia đều một số khách như nhau, với giá bán ngang nhau, cả hai cùng hưởng một lợi tức như nhau. Nhưng nếu một bên phá giá để giành khách thì bên kia cũng sẽ hạ giá tương tự để giữ khách, thậm chí còn phá giá thấp hơn để giật khách và hai bên có thể say máu trả đũa cho đến một điểm dừng khi đã cùng đường cạnh tranh. Đó là lúc họ không thể nào hạ giá thêm nữa và, trong khi con số khách hàng chỉ có chừng đó, bên nào cũng phải è cổ ra bỏ công làm lời, rõ ràng cả hai bên cùng thiệt hại như nhau, sau khi một bên dại dột phá vỡ cân bằng.

Nhưng với “ngoại giao cây tre” thì quan hệ lại khác bởi, như có thể dễ dàng nhận ra, cốt lõi của vấn đề là người lái xe phải chọn giữa hai ông chủ trạm. Khi chủ trạm nào cũng có thể triệt đường sinh sống của mình thì, tình trạng có khác gì Đằng quốc, một nước nhỏ thời Xuân Thu, qua bài thơ Hồ Xuân Hương:

Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhen,

Lại còn Tề, Sở ép hai bên.

Ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận,

Quay đầu về Sở sợ Tề ghen

Quay mặt về Tề là phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ đã đạt với Sở, nghĩa là, với Sở, phải nhượng bộ thêm nữa mới có thể… tái cân bằng. Mà làm hài lòng Sở thì có nghĩa là phá vỡ quan hệ ổn định với Tề và, hệ quả là, tư thế thương lượng ngày càng bị hạ thấp, ngày càng bị bắt chẹt và phần bù sẽ không bao giờ đắp nổi số trừ nên số tổng càng tụt sâu dưới không, nghĩa là một số âm, ngày càng lụn bại.

Ám ảnh Tề – Sở của Đằng quốc là nỗi sợ nước lớn mà, sợ, xét cho cùng, cũng là một… yếu tố kinh tế học. Kinh tế học xây dựng trên tiền đề về lòng tham của con người, theo đó thì hành vi nào của chúng ta cũng bị chi phối bởi phương châm tối đa hoá lợi nhuận và tối thiểu hoá thiệt hại. Chăm chăm với lợi nhuận là tham, mà ngay ngáy với ám ảnh thiệt hại là sợ. Và, cũng trong cái nhìn của kinh tế học thì, chính vì tham và sợ nên, bất luận làm việc gì, từ một tổng thống tân cử đến vị chủ tịch hay giám đốc công ty, cũng đều hành động với dụng ý đầu tư cho nhiệm kỳ kế tiếp. Ám ảnh mất đặc quyền này cũng chính là ám ảnh của “ngoại giao cây tre”.

Nhưng lịch sử không phải là một mô hình kinh tế học thuần túy và cuộc đời của mỗi con người không đơn giản là chuỗi dài những quyết định chỉ căn cứ vào con số lời lãi. Nhân loại chẳng đã tiến những bước rất dài với những phát kiến địa lý, những phát minh khoa học, những suy nghiệm triết học hay sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn phi lợi nhuận hay sao? Và, như có thể thấy, rất gần, qua câu chuyện “cưỡng bức đặc xá”, đâu phải cái sợ nào cũng bị ám ảnh với viễn tưởng mất đặc quyền? Vì sợ, trước một siêu cường xây dựng sức mạnh trên nền tảng của chủ nghĩa tự do, chúng ta mới có thể chứng kiến màn hài kịch “cưỡng bức tự do”. Và cũng vì sợ, nhưng là cái sợ vĩ đại cho tương lai của tổ quốc nên người bị “cưỡng bức” ấy, ông Trần Huỳnh Duy Thức, mới kiên gan thách thức thể chế với bản án 16 năm tù.

Cuộc cạnh tranh này, do đó, cũng là cuộc cạnh tranh giữa hai thứ sợ, cái sợ vĩ đại của một công dân yêu nước và cái sợ ty tiện của giai tầng cai trị mà, nói theo một nhà bất đồng chính kiến khác, ông Nguyễn Tiến Trung, là giữa cái sợ mất nước với cái sợ mất đảng.

Như thế, cái số tổng dưới không kia, nói theo ngôn ngữ kinh tế học, còn là “opportunity cost”, những mất mát từ những cơ hội bỏ lỡ khi cái sợ nhỏ nhen đè bẹp cái sợ lớn lao, khi cả dân tộc bị cầm tù trong nỗi sợ một thiểu số nắm đặc quyền. Sẽ không có một “tổng bằng không” khi đất nước bị cái thiểu số ấy tước đoạt bao nhiêu là cơ hội để lớn mạnh như những đất nước từng có cùng cơ hội, từ Thái Lan đến Singapore, Nam Hàn, v.v. Như một dân tộc thì, để lớn, để mạnh, phải tự tin đối phó với mối đe dọa lớn nhất, phải để những nỗi sợ lớn lao đè bẹp những cái sợ nhỏ nhen và “ngoại giao cây tre”, do đó, nếu thực sự cần thiết, chỉ cần thiết như một chiến thuật tùy thời và bất thành văn mà bất cứ nền ngoại giao nào cũng đều áp dụng, không thể là một chiến lược lâu dài và, thậm chí, còn để tự hào như một “trường phái”.[5]

“Chủ nghĩa cây tre”, thực chất, chỉ là một thứ chủ nghĩa chàng ràng, vì thiếu tự tin. Đường lối ngoại giao đã xây dựng trên nền tảng của sự sợ hãi thì cái trò xoay trở cầu thân giữa hai siêu cường với những màn “hiến tế” và “phóng sinh” thất đức, vô đạo và vô hậu chỉ có tác dụng duy nhất là làm mai một lòng tự tin và sức đề kháng của dân tộc.

Sự sinh tồn của đất nước đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát nhằm đối phó với mối đe dọa mất nước, không thể để tiếng nói của dân tộc ngày bé lại theo cái tư thế thương lượng ngày càng xuống giá trong cái dáng điệu lật đật của bọn chàng ràng ngoại giao.

 

Tham khảo:

1. “Trần Huỳnh Duy Thức tố bị ‘cưỡng bức đặc xá,’ khiêng ra khỏi nhà tù”

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tran-huynh-duy-thuc-to-bi-cuong-buc-dac-xa-khieng-ra-khoi-nha-tu/

2. Giải Nobel Kinh tế này cũng được trao cho John Harsanyi và Reinhard Selten. Riêng John Nash còn được trao giải Abel 2015 về Toán. Nash bị tâm thần, trong đó có triệu chứng bách hại cuồng từ năm 1959, cuộc đời được diễn tả trong phim A Beautifull Mind, do tài tử Russell Crowe đảm nhận.

3. Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn, trong Lý Thường Kiệt – Lịch sử Ngoại giao, Tông giáo đời Lý, xuất bản lần đầu năm 1949, bản của NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2003, trang 52.

Trong Ngoại giao Việt Nam (NXB Công An Nhân Dân, 2004) ông Lưu Văn Lợi, nguyên là Trưởng ban biên giới chính phủ, viết rằng lệ triều cống bắt đầu từ năm 1258, tức triều Trần.

Sự thật thì triều cống đã có từ thời Lý và, trong 63 năm, các vua Lý đã cử 23 sứ bộ sang cống nhà Tống. Tuy nhiên các chuyến triều cống này bất định kỳ, chỉ có dịp đặc biệt cần giao hảo. (Hoàng Xuân Hãn, sđd, trang 84)

Vấn đề là năm 1258 sứ Nguyên sang nước ta đòi lễ vật hàng năm và nhà Trần đã thương thảo và cuối cùng chấp nhận hạ giá xuống mức định kỳ ba năm một lần, dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính ( Nhà xuất bản Khoa Học xã hội, Hà Nội 1998) tập 2,trang 29.

3. “Hành trình trầm luân của chim phóng sinh”

https://baophapluat.vn/hanh-trinh-tram-luan-cua-chim-phong-sinh-post283977.html

4. “Có hay không bàn tay của Trung Quốc trong vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường?”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/is-china-involved-in-arrest-of-a-environmental-activist-02102022110616.html

và:

"Đàn áp" làm giới bất đồng chính kiến im lặng về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/suppression-makes-political-dissent-remains-silent-about-visit-of-chinese-leader-12122023031224.html

5. “Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp đổi mới đất nước”

https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/929902/truong-phai-doi-ngoai%2C-ngoai-giao-%E2%80%9Ccay-tre-viet-nam%E2%80%9D-trong-su-nghiep-doi-moi-dat-nuoc.aspx

Lầm đường lạc lối

Lê Học Lãnh Vân

Cô bạn tui, họa sĩ Đoàn Quỳnh Như, hôm nay viết: “Ngày 03.10 như vậy được chọn làm ngày lễ thống nhất, vào đêm thứ tư hôm trước, Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức với 294 phiếu thuận, 62 phiếu chống và 7 phiếu trắng đã chấp nhận toàn bộ vùng phía đông nhập vào tây Đức thành một quốc gia, mà thực tế là sự trở về sau những ngày lầm đường lạc lối, để nước CHLB Đức có hình hài như ngày hôm nay”.

Trong khi đồng ý với tút của Quỳnh Như, tui lẩn thẩn nghĩ thêm về mấy chữ “lầm đường lạc lối”. Suy nghĩ lang thang là bởi trong thời gian chưa xa lắm, Đức với Việt Nam có đoạn lịch sử tương đồng, khiến kẻ nặng lòng nghe nhắc nước này lại nhớ nước kia…

Bốn chữ ấy gợi nhớ khoảng thời gian bắt đầu từ năm 1956 và chấm dứt năm 1975. Những năm tháng ấy, hai miền Nam Bắc Việt Nam, bên này gọi bên kia là “lầm đường lạc lối”! Và hệ quả là sự toàn vẹn lãnh thổ theo hiệp định Genève không được tôn trọng gây nên cuộc “hai mươi năm nội chiến từng ngày” để cho thế hệ trẻ chúng tôi lớn lên học hoài không hiểu câu “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”! Tàn cuộc núi xương sông máu, tất nhiên có bên thắng, bên thua, nhưng có trả lời được không câu hỏi bên nào thực sự “lầm đường lạc lối”?

Khi cuộc chiến xảy ra giữa hai người con cùng Mẹ, tất nhiên phải có người bắn trước. Tuy nhiên, đứng trên bình diện quốc gia dân tộc, từ ngoài nhìn vào, hai anh em ruột đánh nhau là cả gia đình “lầm đường lạc lối”, để nội chiến xảy ra là cả quốc gia “lầm đường lạc lối”, vì nếu sáng suốt thì quốc gia phải đủ sức ngăn cản để hai đứa con mình không bắn nhau!

Chẳng những không cản được con trong nhà giết nhau, mà khi một bên chấp nhận buông súng để sông núi vào cuộc đại tái hợp thì bên thắng cuộc kết án bên buông súng là “lầm đường lạc lối” cần đưa vào trại cải tạo! Núi thẳm rừng sâu từ Nam ra Bắc, máu không đổ nhưng bao người ngã xuống, bao gia đình tan nát trong chướng khí mịt mờ của quê hương và của tình người! Thực sự, ngó những gì đã xảy ra cùng hậu quả của chúng, bài viết tự đặt câu hỏi phải chăng suốt gần một thế kỷ dài quốc gia đã “lầm đường lạc lối”?

Chuyện đã qua là nỗi đau chung, chỉ mong từ rày về sau đừng bên nào chỉ mặt bên kia mắng “mày lầm đường lạc lối”! Người nào mắng như vậy chỉ chứng tỏ chính mình “lầm đường lạc lối”!

Dân tộc thương yêu đùm bọc nhau còn chưa đủ, nhìn các quốc gia cùng mức phát triển năm xưa giờ GDP đầu người cao hơn Việt Nam cả chục lần, lòng nào không đau? Không chỉ nghèo, nhưng nghèo mà còn “lầm đường lạc lối” thì lòng người ly tán, đạo đức suy thoái, giới tinh hoa lũ lượt bỏ tổ quốc ra đi, ào ạt xuất huyết nhân tài, cơ thể tổ quốc chi trì được bao lâu nữa?

Những diễn biến gần đây của cục diện kinh tế, chính trị, quân sự trên thế giới và khu vực cho thấy sự chuyển động các liên minh có thể có lợi nếu Việt Nam biết tận dụng bằng chính sách ngoại giao và nột trị hữu hiệu. Những diễn biến trong nước cũng cho thấy Việt Nam đã bắt đầu nhạy cảm hơn với thời cơ. Muốn gì đi nữa thì trước mắt cũng phải giữ đất nước yên hòa để tận dụng thời cơ trên thế giới đang có đối đầu lớn mà phát triển công nghệ, kinh tế…

Mong rằng trong thời khắc chuyển giao này, đất nước có sự tỉnh táo để việc “lầm đường lạc lối” vĩnh viễn chìm trong quá khứ, không bao giờ lặp lại trên dải đất chữ S. Thay vào đó chỉ còn sự tôn trọng, cộng tác nhau…

Đó mới là con đường sắt cao tốc nối Việt Nam với phồn thịnh, ấm no!

Ngày 03 tháng 4 năm 2024

“Đất và người” – một trong những bộ phim đầu tiên của dòng phim “ám ảnh” tại Việt Nam

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Xin thưa, đó là bộ phim truyện truyền hình nhiều tập “Đất và người” (VFC sản xuất), dựa theo tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn vừa khuất núi Nguyễn Khắc Trường đang sống trong ký ức và niềm tiếc thương của hàng triệu độc giả và khán giả…

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến – người viết kịch bản chuyển thể tiểu thuyết và là nhà biên tập – vừa kể lại hành trình làm bộ phim trên giúp khán giả nhớ lại một thời hoàng kim của “Văn nghệ chủ nhật” VTV3, mà cái làm nên sự “hoàng kim” đó chính là đã dũng cảm xông vào một lĩnh vực nóng bỏng, nhạy cảm, góp phần tạo ra dòng phim “Ám ảnh” đánh thức lương tri và tuyên chiến với cái xấu cái ác bắt đầu tác oai tác quái xã hội…

Tôi không được tham gia vào phim này, chỉ bên ngoài lo lắng theo dõi bạn đồng nghiệp và thở phào nhẹ nhõm khi bộ phim gai góc hạng nặng đó ra đời suôn sẻ và được khán giả nồng nhiệt đón nhận…

Trong không khí đó, tôi đã ăn theo nhà văn Nguyễn Khắc Trường và bộ phim trên bằng đôi dòng cảm xúc.

“Mảnh đất ít người nhiều ma”

Thiển nghĩ: nếu có người cầm bút nào muốn tiếp tục nguồn cảm hứng của cuốn tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” vốn nổi tiếng một dạo và đã được đưa lên phim ảnh, thì hôm nay sẽ phải viết với xúc cảm cùng chất liệu đời sống xã hội khác rất nhiều: MẢNH ĐẤT ÍT NGƯỜI NHIỀU MA…

NGƯỜI, viết hoa, theo tính chất triết học cả Đông lẫn Tây, và theo cách hiểu của tâm lý đời thường nhiều biến động này là “Tử tế”, đang ít dần đi cùng với sự teo tóp của Lương tri, sự lẩn trốn của cái Thiện, sự đánh mất Tình thương và Lòng trắc ẩn…

Ma, theo nghĩa khái quát về bản chất Ma Quỷ trong con người đang trỗi dậy, không chỉ là hình tượng dọa nạt con trẻ nữa mà đang trở thành thế lực khủng khiếp đe dọa thống trị toàn bộ cơ chế hoạt động lẫn tinh thần – đạo lý xã hội…

Ma, xuất hiện dày đặc trong hàng ngũ quan trường khiến những chính khách tử tế có bản lĩnh cũng phải chóng mặt và thậm chí phải tính dùng đến âm mưu của Ma Quỷ để “gậy ông đập lưng ông”, “dĩ độc trị độc”… Lũ Ma này, bản chất đã ở mức độ dã man và đểu cáng đến tột độ khi đang tâm trục lợi một cách kinh hoàng trên sinh mệnh của hàng chục triệu người dân đương lâm vào cảnh ngộ khốn cùng trong đại dịch Covid 19!

Ma tràn ngập trong các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là tại các Tổng Công ty Nhà nước – tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương nghiệp, bất động sản, hàng không, điện lực, đăng kiểm… dường chúng đều được hưởng “Thẻ Kim bài miễn tội” và được một thế lực chính trị bảo kê, chống lưng vững chắc để phần lớn sẽ “hạ cánh” an toàn – dù đã đục khoét và làm thất thoát ngân khố và tài nguyên quốc gia một cách khủng khiếp, đã nhẫn tâm lừa đảo và đẩy biết bao người lương thiện xuống hố sinh kế tuyệt vọng, rồi ngang nhiên khai báo lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng!

Ma, đã len lỏi từ lâu và làm lũng đoạn toàn bộ hệ thống giáo dục – đào tạo, từ Bộ, Vụ – Viện tới các trường đại học, trường phổ thông các cấp, với bằng cấp giả, luận văn giả, với các chương trình, đề án nâng cấp đồ dùng dạy học, cải cách sách giáo khoa hoặc đổi mới phương pháp giảng dạy – thông qua các sân sau bí hiểm – thực chất là thu lợi khủng bất chính từ mồ hôi xương máu của hàng chục triệu gia đình học sinh suốt mấy chục năm qua!

Ma hóa thân vào không ít người trong đội ngũ “quyền lực thứ tư” tôi trót là “đồng nghiệp”, những “nhà báo hại”, những “hổ báo” tanh hôi! Họ, cùng với những kẻ bất lương trong Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế đã trổ tài phù thủy bịp bợm, tô son trát phấn cho “quả bom kit test virus cúm Tàu” – thứ sản phẩm rởm được tạo ra một cách đểu giả từng độc quyền cung cấp cho toàn quốc với giá cắt cổ, đồng thời gây ra bao tác hại đối với cả xã hội chẳng khác bọn tội phạm nguy hiểm nhất. Mức độ nguy hiểm của sự toa rập, bịp bợm, “múa bút ăn tiền” của loại nhà báo này trong sự việc động trời kia khiến những người tử tế và hiểu biết phải xấu hổ tột cùng trong nỗi kinh sợ, kinh tởm! Họ chẳng khác loại người nhân danh nhà báo đi đe dọa, trấn lột các doanh nghiệp những năm qua để đút túi những đồng tiền bẩn thỉu. Bọn họ đã bôi gio trát trấu vào danh nghĩa và sứ mệnh cao cả của những nhà báo chân chính, để lại vết ô nhục chưa từng có trong lịch sử báo chí Việt Nam!

Ma, nảy nở như nấm độc trong giới “showbizs – nghệ sĩ bẩn” – theo định nghĩa đau lòng mới xuất hiện trong ngôn ngữ đại chúng; lũ này vì tiền đã đạp lên mọi tiêu chuẩn Thẩm mỹ, giá trị Đạo đức, tính mạng và sức khỏe dân lành để trơ mặt trên nhiều phương tiện quảng cáo tràn lan cho thuốc giả, thực phẩm giả và nhiều thứ hàng hóa giả – mà giả thường kèm theo độc hại; chúng câu kết với bọn “Mafia” mới trong hàng ngũ công quyền để thực hiện trót lọt những vụ tham nhũng lớn nhỏ, để rửa tiền; đã lợi dụng sự hâm mộ của đám công chúng dễ dãi để trục lợi bẩn thỉu dưới các chiêu bài “Tôn vinh”, “Ngợi ca”, “Từ thiện”…

Ma, như một thứ bệnh dịch kinh khủng hơn mọi thứ dịch nào xưa nay trên trái đất, đã len lỏi, phân thân, hòa nhập vào cộng đồng người lao động, khiến họ từ chỗ là nạn nhân trở thành kẻ đồng phạm với những tên sát thủ khi chạy theo lợi nhuận cá nhân bằng cách thản nhiên, không chút áy náy lương tâm để buôn bán và sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu độc hại tuồn lậu từ biên giới cho nông sản dành cho đồng bào mình…

Ma ẩn hiện rình rập trên mạng Internet với đủ chiêu thức/ nghệ thuật lừa đảo khiến bao người sập bẫy khốn khổ! Ma hiện thân thành những tên cướp giật, rải đinh, dàn dựng tai nạn để trấn lột trên đường phố, tạo nên sự hỗn loạn, bất an chưa từng có xưa nay… Trong đợt Liên hoan phim ITALIA 2020 tại Hà Nội, có một bộ phim Ý khiến tôi chợt thấm nỗi đau đớn ê chề cho xã hội ta: Bộ phim Magari (đạo diễn Ginevra Elkann) kể lại câu chuyện phim rất giản dị, đời thường, có ghen tuông, có hiểu lầm, có cái tát của bố với con trai đã vô tình gây ra cái chết của con chó quý, có tai nạn tự gây ra của chú bé mơ mộng, v.v. Nhưng, ngay cả trong những khoảnh khắc kịch tính nhất của sự xung đột tâm lý giữa những người thân yêu máu mủ ruột thịt đã gây tổn thương cho nhau, người xem vẫn cảm thấy một không khí bao trùm là lòng nhân hậu, sự tôn trọng cá tính của nhau; và họ sống thật với tất cả sự yêu ghét, những quan niệm sống cá nhân của bản thân mình. Không hề có nỗi lo sợ bị lừa đảo khi một cô bé tám tuổi làm thân với một chàng thanh niên mới gặp lần đầu, khi một chú bé mới lớn được người tình của bố dẫn đi thăm những di tích cổ xưa của La Mã. Không có nỗi xót xa khi đứng trước thiên nhiên tuyệt đẹp bị tàn phá thê thảm. Không có những vụ khiếu kiện, tố giác, kiện cáo đẫm máu và nước mắt vì tiền bạc, đất đai, quyền lợi bị cướp giật một cách tinh vi hay trắng trợn… Và tôi chợt nghĩ tới xã hội của chúng ta, thêm lo lắng cho tương lai những đứa con gái nhỏ của mình trước bao nhiêu cạm bẫy nguy hiểm đang chờ đợi chúng, cho những đứa trẻ cùng tuổi con tôi trong vùng lũ lụt mà bố mẹ chúng đang phải khóc lịm trước đề nghị tăng học phí tựa như một sự cướp đoạt mồ hôi xương máu người dân lành của ông “thủ lĩnh ngành Giáo dục”… Biết đến bao giờ cái “Thiên đường xã hội chủ nghĩa” tốt đẹp được vẽ ra kia mới trở thành hiện thực, để ít nhất cũng được như cái thành phố Italia nọ, với cái không gian thanh bình yên ổn mà nếu tôi có cho con gái đi đêm một mình trên đường phố xem phim cũng không gợn chút lo âu, kinh sợ hãi hùng?

Cái xã hội ít người nhiều ma đó là xứ sở đã/ đang sản sinh ra và là nguồn gốc của biết bao thân phận bất hạnh; và tôi đã phải viết trong nước mắt: Cúi xin các nhà thơ nhà văn, nhà báo đang ca hát cho tình yêu đôi lứa, cho những mơ mộng về thiên đường vĩ đại đâu đó thế kỷ sau, hay đang xưng tụng những vần thơ cao siêu dành cho nhà phê bình…, kính mong các vị hãy bớt rung động thi ca – thẩm mỹ để dành chút thời gian và tâm trí thích đáng cho việc bênh vực, bảo vệ, giải thoát:

cho những em bé đã/ đang/ sẽ rơi vào thảm cảnh của bé gái tám tuổi ở Sài Gòn, bé gái sáu tuổi ở Hà Nội vừa chết một cách đau đớn tức tưởi;

cho những em gái vị thành niên bị gia đình “bán” đi đang chết dần mòn trong những ổ mãi dâm ở Kampuchea;

cho những phụ nữ phải trần truồng sắp hàng để các đàn ông Đài Loan, Nam Hàn lựa chọn như mua lợn, mua gà;

cho những thiếu nữ đã phải khỏa thân trong tủ kính để khách hàng chọn lựa;

cho những cô gái qua “môi giới hôn nhân” lấy chồng Đại Hàn với hy vọng giúp đỡ gia đình đã phải làm nô lệ tình dục cho cả gia đình nhà chồng và gạt bị đưa vào động mãi dâm, phải nhảy lầu tự tử, hoặc bị người chồng mắc bệnh bệnh tâm thần đánh đập và đâm đến chết…

Và kính mong các vị hãy đọc “Bức thư tuyệt mệnh” của một người vợ “bất đắc dĩ” như vậy trước khi tự tử năm 2009 để thấu hiểu được cái đề xuất não lòng của một vị Giáo sư: “Thời này không phải là thời của văn chương” (Trần Ngọc Vương):

Chắp tay lạy mẹ con đi

Lấy chồng Hàn Quốc ra đi không về

Ngày mai con phải xa quê

Mẹ ơi có biết con tê tái lòng

Mùa Xuân chết giữa mùa Đông

Vu quy phó thác theo dòng thời gian

Tưởng rằng làm vợ Đại Hàn

Thoát vòng nô lệ sướng hơn quê nhà

Kiếm tiền giúp đỡ mẹ cha

Qua cơn bệnh hoạn tuổi già khó khăn

Đâu ngờ môi giới hôn nhân

Bán con vào động Đại Hàn mại dâm

Ngày làm vú ở giữ em

Tối trời là phải đi đêm với người

Thân con là món đồ chơi

Trời ơi thân xác rã rời lá hoa

Muốn tìm cơ hội trốn xa

Làm sao thoát khỏi tú bà ác ôn

Thôi đành liều chết là hơn

Nhảy lầu tự vận mong còn thoát thân

Cúi xin cha mẹ ban ân

Thứ tha tội lỗi cho con được nhờ

Khẩn cầu Trời Phật hải hà

Rước con vào cõi ông bà Thiên Thai”.

Trong cái xã hội “ít người nhiều ma” như vậy, mơ ước tuổi thơ đẹp đẽ tựa thần tiên của bao em bé có số phận bi thảm như Vân Anh tám tuổi, Hạo Nam 10 tuổi… sẽ chỉ có thể tồn tại trong truyện cổ tích…

 

Kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ cho Dân tộc Việt Nam vươn mình qua bài học Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia

Nguyễn Quang A

 

Ngày 3-8-2024 chủ tịch nước Tô Lâm được suy tôn làm tổng bí thư ĐCSVN, đúng 10 ngày sau ông nói về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam [1]. Và từ đó đến nay “kỷ nguyên mới” là một từ khóa thường xuyên xuất hiện trên báo chí Việt Nam, và quan trọng nhất trong thông báo Hội nghị TW-10 từ 18-20/9/2024 nói về “kỷ nguyên phát triển mới vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” [2]. Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ông Tô Lâm cũng nhắc đến kỷ nguyên này. Người đọc và người nghe chưa thật rõ nội hàm của kỷ nguyên mới này là gì. Chúng tôi cho rằng nó phải là kỷ nguyên dân chủ cho Việt Nam, thì mới có ý nghĩa vì nếu không sẽ rất có khả năng chỉ là một mỹ từ, một sáo ngữ.

Dựa vào kinh nghiệm chuyển đổi dân chủ thành công của nhiều nước trên khắp thế giới và nhất là của Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, chúng tôi lý giải vì sao kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ như một trong nhiều ý kiến góp phần cho một cuộc thảo luận rộng hơn.

 

I. BÀI HỌC THÀNH CÔNG CỦA HÀN QUỐC

Hàn Quốc có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như văn hóa thể thao và kể cả chính trị vì Hàn Quốc là một trong không nhiều đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ 2022. Chính vì thế cũng nên xem xét các bài học dân chủ hóa của Hàn Quốc có thể giúp gì cho kỷ nguyên cất cánh của dân tộc Việt Nam.

1. 1. Dân chủ hóa từ sự yếu kém thất bại

Triều Tiên bị Nhật chiếm làm thuộc địa từ 1910 đến 1945 và đã phát triển công nghiệp ở miền Bắc, còn miền Nam vẫn là vùng nông thôn lạc hậu. Nhật thất bại trong Chiến tranh Thế giới II và Triều Tiên bị chia làm đôi, theo kiểu như nước Đức: Liên Xô kiểm soát miền Bắc, từ 1945 đến 1948 Mỹ kiểm soát miền Nam (sau đây được gọi là Hàn Quốc). Mỹ đã muốn áp đặt nền dân chủ lên Hàn Quốc, như đã thành công ở Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II. Năm 1948 dân Hàn quốc đã bàu Quốc hội và tổng thống đầu tiên Lý Thừa Vãn. Quốc hội đã thông qua hiến pháp dân chủ, nhưng đáng tiếc Lý đã lợi dụng các kẽ hở hiến pháp để củng cố chế độ độc đoán của mình, nhất là sau khi ban hành Luật An ninh Quốc gia và trong bối cảnh chiến tranh Triều Tiên (nổ ra 1950 và kết thúc 1953 với một hiệp định đình chiến). Tổng thống Lý là tổng thống yếu và đảng Tự do của ông cũng vậy; nền kinh tế cực kỳ kém phát triển (GDP/đầu người 1953 là 67 USD [~ 1.317$ PPP 2011 không cao hơn mấy mức 1.135$ của Việt Nam] chỉ lên 79 USD [1.548 $ PPP 2011] vào 1960. [3, Ch.5].

Dân chúng, nhất là sinh viên biểu tình đòi thay đổi chế độ, trong bầu cử Quốc hội 1960 đảng của Lý chỉ giành được 2/233 ghế quốc hội. Lý phải từ chức. Chang Myon và Đảng Dân chủ đối lập của ông thắng lớn và lên nắm quyển, Hiến pháp 1948 được sửa đổi. Tuy nhiên cả thủ tướng Chang và Đảng Dân chủ đã yếu. Tình hình bất ổn định và dân chủ hóa qua thế yếu đã không kéo dài. Tướng Park Chung-hee đảo chính 16-5-1961.

1. 2. Thời kỳ kiến tạo-phát triển và chuyển đổi dân chủ (1961-1987)

Park và Đảng Dân chủ Cộng hòa (DRP) của ông được quân đội hậu thuẫn bắt đầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhà nước đã đầu tư mạnh vào sự phát triển vốn con người, đáng chú ý nhất vào giáo dục; áp dụng các chính sách công nghiệp chiến lược và sự can thiệp nhà nước để tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng công nghiệp và sự phát triển kinh tế. Các Chaebol hình thành và phát triển dưới sự bảo trợ của nhà nước. Giữa 1961 và 1970 GDP/đầu người đã tăng ba lần, tốc độ tăng GDP trung bình gần 8,5%/năm trong 1961-1965 và 1965-1970 trung bình 10,4%/năm. Tăng trưởng kinh tế đã sản sinh ra tầng lớp trung lưu đòi hỏi ngày càng khắt khe, tức là gieo mầm đối lập. Đảng Dân chủ Mới đối lập đã tăng sức mạnh của nó trong các cuộc bầu cử 1971. Đảng của Park vẫn thắng dễ dàng, nhưng Park sợ và đưa vào Hiến pháp Yushin hết sức đàn áp trong 1972 để củng cố quyền lực độc đoán của mình. Trong bầu cử lập pháp 1973 DRP chỉ được 39% phiếu phổ thông nhưng chiếm 67% ghế quốc hội!

Nền kinh tế Hàn quốc phát triển với một nhịp độ chóng mặt, tăng trưởng trung bình 9,6%/năm giữa 1970 và 1979. GDP/đầu người tăng từ khoảng US$240 lên gần $1,600 trong cùng thời kỳ, gần bảy lần trog một thập niên.

Các nhà bất đồng nổi tiếng Kim Young-sam và Kim Dae-jung đã kêu gọi sự chấm dứt chế độ độc đoán. Mùa thu 1979, các sinh viên Đại học Busan phản đối chế độ tàn bạo và hiến pháp Yushin ngột ngạt của nó và đã kéo theo hàng ngàn người biểu tình khắp đất nước. Đó là một tín hiệu mạnh mẽ rằng chế độ Park đã vượt qua đỉnh cao quyền lực của nó.

Lẽ ra Hàn Quốc đã có thể chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh lúc đó, nhưng Park bị áp sát. Chính phủ lâm thời đã nới lỏng sự kiểm soát, thả các tù nhân chính trị và đó là “mùa Xuân Seoul” đầy hy vọng. Nhưng tướng Tướng Chun Doo-hwan lập đảng Công lý Dân chủ (DJP) được đa số lãnh đạo DRP ủng hộ và đã dẹp chính phủ lâm thời và tăng cường đàn áp, thiết quân luật.

Dân chúng phẫn uất, gần một trăm ngàn người tham gia cuộc nổi dậy Kwangju và Chun đã phái tướng Roh Tae-woo và binh lính đến đàn áp, rồi nổ súng giết hàng trăm người biểu tình trong “vụ thảm sát Kwangju” 1980.

Hiến pháp 1980 quy định tổng thống chỉ được làm một nhiệm kỳ 7 năm. 1981 Chun được bầu làm tổng thống và DJP chiếm đa số lớn ở Quốc hội trong bầu cử lập pháp 1981 và 1985. Đến 1987 sắp hết nhiệm kỳ duy nhất, Chun đề cử Roh làm người kế vị của mình cả trong DJP cũng như tổng thống càng làm cho đối lập điên tiết. Và đối lập đã huy động khoảng 250 ngàn người xuống đường khắp Hàn Quốc. Ngày 19-6-1987 Chun ra lệnh cho quân đội sẵn sàng đàn áp. Tình hình cực kỳ căng thẳng! DJP và Chun đứng trước hai lựa chọn: tiếp tục đàn áp đối lập hay tự do hóa chính trị và chuyển đổi dân chủ. Chun và Roh đã tính toán thiệt hơn, chắc có lẽ có thể được minh họa với hình sau:

This image has an empty alt attribute; its file name is image-90.png

Hình 1. Minh họa lý thuyết chuyển đổi dân chủ qua sức mạnh của Slatter và Wong [3]

· Vào 1987, sức mạnh của chế độ (đảng cầm quyền, bộ máy nhà nước, quân đội, an ninh,…) đã vượt quá đỉnh cao (B) của nó nhưng vẫn trong cửa sổ cơ hội. Các tín hiệu bầu cử đã rất rõ ràng; các tín hiệu lôi thôi (biểu tình dân chúng) đã rất mạnh; các tín hiệu địa chính trị thuận lợi cho chuyển dổi dân chủ;

· Do chế độ vẫn đủ mạnh, kinh tế vẫn phát triển tốt Chun và Roh đã có sự tự tin chiến thắng và sự tự tin ổn định trong việc thừa nhận nền dân chủ

· Ngược lại với sự tiếp tục đàn áp, bám lấy quyền lực độc đoán sẽ có cái giá không thể chịu nổi và sẽ đưa Hàn Quốc ra ngoài cửa sổ cơ hội và chế độ sẽ đối mặt với trung sách hay thậm chí hạ sách bất lợi hơn nhiều.

Dưới sự dàn dựng của Chun và Roh và với tính toán chắc đại thể như nêu ở trên, ngày 29-6-1987 Roh đã “bất ngờ”đưa ra Tuyên bố về Dân chủ hóa và Cải cách, một bản kế hoạch dân chủ cho cải cách chính trị, kể cả các cam kết hiến định cho các quyền con người, quyền tự do báo chí, phóng thích các tù nhân chính trị và các nhà bất đồng chính kiến, các cơ chế pháp lý mới để chống tham nhũng, và sự trao quyền lực cho các nhà chức trách địa phương. Bản kế hoạch cải cách đề xuất để ra các luật mới để kiềm chế quyền lực của tổng thống và để thể chế hóa các kiểm soát và đối trọng (checks and balances) lên nhánh hành pháp, kể cả việc trao thẩm quyền cho Quốc Hội được bàu để buộc tội và xét xử (impeach) tổng thống. Roh cũng công bố các cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp sẽ được tổ chức trong tháng Mười Hai 1987, tiếp sau là các cuộc bầu cử Quốc Hội trong tháng Ba năm sau [3, ch.5].

Đúng như tính toán và dự đoán của họ, Roh đã thắng trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc năm 1987 với 36% phiếu phổ thông còn Kim Young-sam chỉ được 28%, và Kim Dae-jung với 27%. Trong cuộc bầu cử quốc hội 1988, DJP được 34% tổng số phiếu với 125 ghế quốc hội, còn đảng của Kim Dae-jung giành được 71 ghế, đảng của Kim Young-sam được 59 ghế, và đảng khác được 35 ghế. DJP tuy không được đa số trong quốc hội, nó vẫn là đảng lớn nhất trong nền dân chủ. Và quan trọng nhất, DJP đã củng cố quyền lực của nó sau 1987 bằng các phương tiện dân chủ hơn là quay lại các chiến thuật độc đoán. DJP sau đó đã hợp nhất với đảng của Kim Young-sam và một đảng đối lập khác để hình thành Đảng Dân chủ Tự do (LDP) một đảng thống trị (dominant).

Kim Dae-jung đã củng cố liên minh dân chủ của ông để hình thành một đảng lớn khác.

Kim Young-sam của LDP đã thắng cuộc bầu cử tổng thống 1992 và Kim Dae-jung thắng cuộc bầu cử tổng thống 1997. Nền dân chủ Hàn quốc được củng cố và vững mạnh cho đến ngày nay [3.ch.5].

Xã hội Hàn quốc tiếp tục ổn định và nền kinh tế phát triển cực kỳ ngoạn mục (tốc độ tăng trưởng GDP chẳng hạn, 1987:12,7%; 1988: 12%; 1995: 9,6%; 1999: 11,5%) đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế thế giới.

1.3 Bài học Hàn Quốc

· Trước chuyển đổi dân chủ chế độ độc tài ở Hàn Quốc gồm nhiều chế độ độc tài của các nhà cai trị khác nhau (dân sự, quân sự) với các đảng cầm quyền khác nhau (khác với Việt Nam từ 1975 chỉ có một đảng), tuy nhiên có bầu cử dù bị bóp méo thiên vị cho đảng cầm quyền (Việt Nam cũng có bầu cử nhưng thiên vị cho đảng cầm quyền đến mức cùng cực nên giới nghiên cứu coi như Việt Nam không có bầu cử, dù sao vẫn hơn Trung quốc nơi các cuộc bầu cử toàn quốc hình thức cũng chẳng có. Đó là những sự khác biệt nên để ý trước khi tham khảo các bài học chính.

· Chuyển đổi dân chủ diễn ra trong khi nền kinh tế phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP rất cao, chứ không phải trong lúc khủng hoảng.

· Các nhà lãnh đạo độc tài Hàn quốc đã có sự tự tin chiến thắng và ổn định, đánh giá đúng tình hình và đã chọn để chủ động lãnh đạo quá trình chuyển đổi dân chủ đưa Hàn Quốc vào kỷ nguyên phát triển mới.

· ĐCSVN có thể học kinh nghiệm Hàm quốc cũng như Đài Loan và Indonesia để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới nhưng không cần sao chép bất kể nước nào!

 

II. BÀI HỌC DÂN CHỦ THÀNH CÔNG CỦA INDONESIA

Indonesia là nước lớn nhất trong Asean, một láng giềng cũng như một đối tác chiến lược (sẽ là chiến lược toàn diện) của Việt Nam. Tuy rất khác Việt Nam về tôn giáo, truyền thống và lịch sử thuộc địa gần đây. Bài học dân chủ hóa thành công ở Indonesia có thể rất hữu ích cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

2.1 Từ độc lập đến nền dân chủ được hướng dẫn (1945-1965)

Indonesia là thuộc địa của Hà Lan và bị Nhật chiếm đóng từ tháng Ba 1942 đến 9-1945. Sukarno lãnh tụ đảng Dân tộc Indonesia là một trong các lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng bị Hà Lan bỏ tù và được quân Nhật giải thoát. Chiến tranh Thế giới II kết thúc với việc Nhật đầu hàng, nhân cơ hội đó ngày 17 tháng Tám 1945 Sukarno và các bạn hữu đã tuyên bố độc lập và sự ra đời của Cộng hòa Indonesia. Hà Lan đã quay lại nhưng phải trao lại độc lập cho Indonesia trong 1949 dưới áp lực quốc tế. Sukarno là tổng thống đầu tiên của cộng hòa Indonesia được nhân dân yêu nến, nhưng ông bất tài trong quản lý kinh tế trong “nền dân được hướng dẫn” của ông dẫn đến bất ổn định kinh tế và chính trị. Nền kinh tế rất kém phát triển, không có công nghiệp hóa, thậm chí sự tự-túc về gạo cũng chẳng đạt đươc. Trước tình hình đó diễn biến tiếp là không ngạc nhiên.

2.2 Từ độc tài quân sự kiến tạo-phát triển đến chuyển đổi dân chủ (1965-1998)

Tướng Suharto đã làm đảo và thực sự nắm quyền từ 1965, tiến hành một cuộc thanh trừng chống cộng cực kỳ dã man và đã ép Surkarno từ chức trong 1967 và trở thành tổng thống thứ hai của Indonesia.

2.2.1 Phát triển kinh tế

Chính sách phát triển kinh tế của Suharto khá giống của Park Chung-hee: kiến tạo-phát triển ở mức độ thấp hơn và tham nhũng cao hơn nhiều. Tận dụng được sự viện trợ nước ngoài, tài nguyên thiên nhiên nhất là dầu mỏ, với chính sách kiến tạo-phát triển nền kinh tế Indonesia đã phát triển ngoạn mục từ giữa các năm 1970. GDP/đầu người của Indonesia đã vượt US$2.000 vào cuối các năm 1990. Các đô thị phát triển với tầng lớp-trung lưu có giáo dục, oán giận sự tham nhũng kinh dị của chế độ Suharto, bị khổ sở dưới sự kiểm soát độc đoán ngột ngạt của nó. Chính hiện đại hóa kinh tế dù không tự động nuôi dưỡng “các giá trị dân chủ,” nhưng chắc chắn đã nuôi dưỡng sự đòi hỏi khắt khe hơn của nhân dân về mặt chính trị.

2.2.2. Xây dựng thể chế.

Cùng với sự phát triển kinh tế, chế độ đã phát triển các thể chế độc đoán của mình (đảng Golkar, bộ máy nhà nước, quân đội, …) biến nó thành một chế độ độc đoán mạnh dưới Trật Tự Mới của ông cho sự cai trị của chính ông, với hệ quả không lường trước là các định chế mạnh ấy giúp một cách hiệu quả sự chuyển đổi dân chủ. Xây dựng Trật Tự Mới chính là quá trình xây dựng quốc gia, rất quan trọng ở Indonesia trong hơn 30 năm cầm quyền của Suharto: xây dựng bộ máy nhà nước, hệ thống đảng, quân đội,…

Thứ nhất, sức mạnh chế độ trước tiên là sức mạnh của bộ máy nhà nước. Suharto đã xây dựng một bộ máy nhà nước hoàn toàn có năng lực quản trị một cách ổn định. Đó một trong những sản phẩm quan trọng nhất của chế độ Suharto và sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi dân chủ.

Thứ hai là hệ thống đảng chính trị. Suharto nhanh chóng ủng hộ việc xây dựng một đảng chính trị ủng hộ-chế độ gọi là Golkar sau khi chiếm quyền. Golkar thực ra không phải là một đảng theo nghĩa thông thường mà là một tổ chức bình phong với cái tên tiết lộ cả nguồn gốc và mục đích quản trị của nó. Golkar là viết tắt của golongan karya (các nhóm chức năng) là một phương tiện chính trị được xây dựng từ các tổ chức chính trị bảo thủ đa dạng nổi lên để chống sự huy động quần chúng cánh tả cực đoan của Sukarno và ĐCS Indonesia trong đầu đến giữ-các năm 1960. Hầu như tất cả các công chức đều là thành viên Golkar, đảng duy nhất có các chi nhánh địa phương mà các đảng chính trị khác được chế độ chấp nhận như PPP (Đảng Phát triển Thống nhất) Islamic và PDI (Đảng Dân chủ Indonesia) dân tộc chủ nghĩa không có. Hãy liên tưởng đến ĐCSVN và các đảng dân chủ và xã hội Việt Nam trước khi chúng “hoàn thành sứ mệnh” và “tự nguyện” giải thể trong năm 1988.

Golkar “cạnh tranh” với PPP và PDI, trong các cuộc bầu cử và tất nhiên luôn luôn thắng nhờ hệ thống bầu cử thiên vị cho Golkar. Dù sao đi nữa các quan chức dân sự cũng được làm quen ở mức nào đó với “cạnh tranh bầu cử.” Từ 1971 năm thành lập Trật Tự Mới cho đến tận 1987, Golkar không bao giờ được dưới 62% phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử. Golkar có vai trò rất lớn trong chuyển đổi dân chủ do sự tự tin chiến thắng của nó trong các cuộc bầu cử dân chủ.

Quân đội Indonesia đã có vai trò to lớn trong chế độ độc đoán. Các sĩ quan quân đội thường được trao các vị trí lãnh đạo khác nhau trong các bộ chính phủ, nhưng chủ yếu để đảm bảo sự trung thành chính trị của bộ máy quan liêu hơn là để đặt sự quản trị quân sự. Các quan chức được giao phó và được trao quyền để quản trị, trong các lĩnh vực dân sự riêng của mình, làm tăng năng lực kỹ trị của họ. Vì các quan chức, đều là thành viên của Golkar, ủng hộ Trật tự Mới một cách áp đảo, Suharto không phải lo việc dùng quân đội để giám sát việc thực hiện mệnh lệnh của chế độ của ông.

2.2.2 Chuyển đổi dân chủ

Sự phát triển kinh tế ngoạn mục, sự ổn định chính trị đã làm tăng tính chính danh thành tích của chế độ Suharto. Chính quá trình hiện đại hóa này đã tạo ra các công dân ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chính trị, tức là tăng cầu dân chủ. Và sự cai trị ngột ngạt đầy tham nhũng của Suharto cho thấy cung dân chủ đã thấp hơn cầu rất nhiều. Sự vênh cung cầu dân chủ này là nguyên nhân chính và chỉ đợi thời cơ bùng lên và khủng hoảng tài chính Á châu giáng mạnh xuống Indonesia đã tạo ra cái thời cơ đó. Lẽ ra Indonesia đã có thể chuyển đổi trước, như Hình 1 cho thấy vào lúc khủng hoảng tài chính Á châu nó đã quá xa đỉnh điểm (B), nhưng vẫn còn trong cửa sổ cơ hội. Đồng tiền Indonesia rơi tự do từ 2.250 Rp/USD xuống khoảng 17.000 Rp/USD trong vài tháng. Sự bất bình dân chúng tăng lên và các cuộc biểu tình nổ ra. Suy thoái kinh tế nhanh chóng biến thành hoảng loạn chính trị. Đấy là những tín hiệu báo cho chế độ rằng nó phải mau cải cách kẻo tuột khỏi cửa sổ cơ hội.

Indonesia bắt đầu chuyển đổi dân chủ trong tháng Năm 1998, khi Suharto bị ép phải từ chức. Tuy nhiên, sự sụp đổ của một nhà độc tài không tương đương với chuyển đổi dân chủ. Chuyển đổi dân chủ không phải là việc lật đổ một kẻ chuyên quyền, mà là việc đưa vào những cải cách chính trị khó khăn để làm cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng là có thể.

Những cải cách chính trị này được B. J. Habibie phó tổng thống dân sự và người kế vị tổng thống và lãnh tụ Golkar của Suharto đưa vào.

Golkar đã mạnh còn tổng thống thì yếu. Khủng hoảng đã đánh ngã Suharto để lại Golkar bị yếu đi nhưng chẳng hề bị tiêu diệt. Golkar là đảng chính trị duy nhất có cơ sở địa phương. Các thủ tục bầu cử được thiết lập đã là một nguồn của sự ổn định hơn cho Golkar.

Golkar đã yếu hơn QDĐ Đài Loan đáng kể, nhưng đã đủ mạnh để trao sự tự tin chiến thắng đáng kể cho những người kế vị Suharto. Vì thế Habibie đã công bố ngay các cuộc bầu cử được đẩy nhanh trong 1999 (lẽ ra vào 2002) và tự do hóa đầy kịch tính các luật hạn chế của Indonesia về các đảng chính trị và báo chí với sự tự tin tương đối về các triển vọng của Golkar. Habibie tập hợp bất cứ quyền lực nào ông và Golkar có được để dân chủ hóa qua sức mạnh.

Việc truyền tính chính danh dân chủ mới vào là chiến lược hứa hẹn nhất cho Habibie để chế ngự các cuộc biểu tình đô thị và củng cố vị trí tổng thống của ông.

Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 6-1999 Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) của bà Megawati Sukarnoputri đứng đầu với 33,74 % phiếu bàu, còn Golkar đứng thứ hai với 22,44%; tương ứng với 153 và 120 ghế trong số 462 ghế quốc hội được bàu; quân đội được chỉ định 38 ghế, như thế quốc hội có tổng cộng 500 ghế. Như vậy hai định chế có thế lực của chế độ cũ—Golkar và quân đội—chiếm gần 34% ghế quốc hội, vượt PDI-P 5 ghế. Với kết quả bầu cử như thế, bài phát biểu “trách nhiệm giải trình” của Habibie đã bị quốc hội bác bỏ, nên ông phải từ chức. Nhưng Golkar đã cản quốc hội bàu bà Megawati làm tổng thống, và đưa Abdurrahman Wahid lên. Rồi lại luận tội Wahid khi ông đuổi các thành viên Golkar và PDI-P ra khỏi nội các của ông và phó tổng thống Megawati trở thành tổng thống (2001-2004) với 5 vị trí nội các của Golkar.

Cuộc bầu cử quốc hội tiêp theo trong 2004, quân đội đã tự tin từ bỏ các ghế được phân cho nó, và Golkar đứng đầu. Còn trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên lãnh đạo Golkar liên danh với Susilo Bambang Yudhoyono (SBY) đứng đầu đảng Dân chủ (DP) mới. SBY thắng và DP đã liên minh với Golkar như một đối tác cấp dưới. Rồi đến cuộc bầu cử 2009, Golkar về thứ hai sau DP và SBY tái đắc cử và chỉ trao cho Golkar 3 ghế nội các, 6 ghế cho DP. Trước bầu cử tổng thống 2009 Golkar luôn chiếm đa số ghế nội các và các vị trí hành pháp địa phương nhiều nhất. Golkar tiếp tục kiểm soát các chức vụ tỉnh và vẫn chỉ huy các mạng lưới chính trị ở Jakarta, Golkar đã duy trì tính trung tâm chính trị của nó dưới nền dân chủ. Không chỉ Golkar đã tránh được sự lỗi thời dưới nền dân chủ; nó đã tránh ngay cả việc trở thành đối lập, hơn hẳn cả QDĐ Đài Loan. Tuy trong cuộc bầu cử 2014 Golkar đứng thứ hai với chỉ 14,75% nhưng số phiếu cho 5 đảng của các elite liên quan đến chế độ Suharto chiếm đến 48,7%. Trong cuộc bầu cử quốc hội đầu năm 2024 Golkar vẫn đứng thứ hai với 15,29% sau đảng DPI-P được 16,72% và cựu đại tướng về hưu Prabowo Subianto, con rể trước kia của Suharto, đã đắc cử tổng thống và sẽ nhậm chức vào 20-10-2024.

Nền dân chủ Indonesia đã khá vững mạnh trong một phần tư thế kỷ qua và nền kinh tế của nó cũng phát triển tốt.

2.3 Vài bài học

· Ngoài một số bài học giống Hàg Quốc, Indonesia còn có vài điểm đáng lưu ý

· Dù Suharto bị mất chức, đảng Golkar của ông đã vẫn là đảng chính trị hàng đầu của Indonesia, và sự lựa chọn thông minh của nó để dân chủ hóa qua sức mạnh là một đóng góp to lớn cho nền dân chủ Indonesia

· Những bài học về vai trò của quân đội, các đảng, sự chung sống hòa bình giữa các lực lượng chính trị Indonesia là rất quý giá.

 

III. BÀI HỌC DÂN CHỦ THÀNH CÔNG CỦA ĐÀI LOAN

Dân chủ hóa Đài loan là dân chủ hóa qua sức mạnh mẫu mực.

Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản từ 1895 đến 1945. Nhật đã hiện đại hóa Đài Loan và dân Đài quen với văn hóa Nhật. Và sau khi Nhật đầu hàng trong 1945 quân Tưởng từ đại lục sang tiếp quản Đài Loan thì người Đài loan thấy họ tham nhũng, hống hách hơn những người Nhật rất nhiều, nên họ không coi quân Tưởng là những người giải phóng mà như như những kẻ thực dân mới khác mà thôi. Trước 1949 đã có nhiều vụ làm cho người sống ở Đài Loan ghét quân Tưởng từ hoa lục sang mà vụ quân Tưởng giết một phụ nữ Đài loan bán thuốc lá châm ngòi cho những cuộc nổi loạn dân chúng và bị đàn áp dã man, vụ này được ghi lại như vụ thảm sát 228 (ngày 28-2-1947) càng làm cho người Đài loan nghĩ mình là với khác người đại lục, tức là hình thành bản sắc Đài loan riêng. Và vào năm 1949 khi Tưởng giới Thạch đưa chính phủ ROC và QDĐ sang Đài Loan thái độ thù nghịch đó của dân Đài loan đối với họ vẫn thế.

3.1. Xây dựng sức mạnh thể chế

Quốc Dân Đảng (QDĐ) của Tưởng giới Thạch, đảng lập ra ROC, đã là một đảng rất yếu, thối nát, bị bè phái chia rẽ từ bên trong, không có cơ sở ủng hộ ở địa phương khi nó bị ĐCSTQ đánh bại và phải chạy trốn sang Đài Loan. Công việc quan trọng nhất là phải xây dựng lại đảng, xây dựng lại nhà nước, tức là sự xây dựng thể chế của chế độ độc tài QDĐ. Tưởng đã biến một QDĐ rệu rã thành một QDĐ theo mô hình đảng Leninist (nhưng không Marxist-leninist), bằng các nguyên tắc tập trung, thanh lọc Ban Chấp hành Trung ương đảng, giữ lại những người trung thành nhất, lập ra Ban (tái) Tổ chức Trung ương để giám sát việc tổ chức lại đảng, xây dựng các chi bộ và các đảng bộ trong mọi cơ quan ở mọi cấp cũng như địa phương; “Đài loan hóa” QDĐ bằng việc kết nạp những người sinh ở Đài Loan vào đảng; đảng kiểm soát chặt chẽ quân đội ví dụ bằng việc thiết lập lại chế độ chính ủy; xây dựng cơ sở đảng trong xã hội Đài loan; vân vân mà chắc không cần nói thêm cho bạn đọc Việt Nam do đã quá quen thuộc. Chỉ nêu một con số minh họa, vào cuối chiến dịch tái tổ chức tỷ lệ nhân viên trong chính phủ trung ương là 5 đảng viên 1 ngoài đảng, trong quân đội 2/3 binh lính là đảng viên.

3.2. Phát triển kinh tế xã hội

Đảng-nhà nước QDĐ bắt đầu các chính sách kiến tạo-phát triển để đẩy mạnh nền kinh tế: cải cách ruộng đất, phát triển công nghiệp đầu tiên trong các khu vực thâm dụng lao động, doanh nghiệp (đặc biệt các SME là nét độc đáo Đài loan), chính sách thay thế hàng nhập khẩu được chính sách định hướng xuất khẩu thay thế dần. Sau 1960 sự tăng trưởng xuất khẩu khoảng 25%/năm.

Cuối các năm 1960 Đài Loan trở thành một nền kinh tế thương mại lớn trên các thị trường toàn cầu.

Trong các năm 1970 Đài Loan khởi động “Mười Dự án Lớn” để nâng kỹ năng lao động và chuyển lên các nấc cao hơn của chuỗi giá trị (xây dựng hạ tầng, năng lượng, sắt thép, công nghiệp nặng khác) dù có bị chậm do khủng hoảng giá dầu 1973-74. Năm 1973 chính phủ thành lập viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITTRI) ở Hsinchu nơi trở thành trung tâm thương mại hóa khoa học và công nghệ của Đài Loan.

Sự đầu tư của nhà nước trong nghiên cứu và triển khai (R&D) đã vô cùng quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao của Đài Loan ngày nay từ bán dẫn (TSMC), đến máy tính (Acer), đến công nghệ sinh học.

Hiện đại hóa ở phương tây đã tốn vài thế kỷ, tại Đài Loan chỉ vài thập kỷ! Kinh tế Đài loan không chỉ đã phát triển thần kỳ, chính sách của QDĐ cũng đảm bảo sự bình đẳng! Mức bình đẳng ở Đài Loan ngang với ở các nước Bắc Âu.

Với thành tích phát triển kinh tế thần kỳ (GDP/đầu người ngang sức mua đã tăng gần 10 lần từ 1950 đến 1987 cũng như hơn 36 lần vào 2022) [4, chương 4] và sự ổn định xã hội như vậy thì không lạ là QDĐ đạt được tính chính danh cao.

Sức mạnh chế độ đạt đỉnh điểm trong các năm 1980 như có thể hình dung trên Hình 1. Chính sự hiện đại hóa, sự phát triển kinh tế ngoạn mục đã tạo ra các nguồn lực hành động (các nguồn lực vật chất, trí tuệ, kết nối) cho xã hội, nâng cao khát vọng tự do (dân khí) của nhân dân, gieo các hạt giống đối lập. Bất chấp sự phát triển kinh tế ngoạn mục và sự ổn định của chế độ, sự cất lên tiến nói của nhân dân qua các cuộc đình công, biểu tình bắt đầu lên cao.

Phong trào Ngoài Đảng (Đảng Ngoại Tangwai) của các trí thức bất đồng chính kiến và chính trị gia địa phương bắt đầu xuất hiện từ giữa các năm 1970 và các năm 1980. Tangwai đã không phải là một đảng quần chúng, nhưng nó là tiền thân cho đảng Dân Chủ Tiến bộ (DPP).

3.3 Mở cửa dân chủ

Đảng chính trị mới, DPP, tuyên bố thành lập năm 1986, khi Đài Loan vẫn dưới quân luật. DPP như thế được thành lập một cách bất hợp pháp và bất chấp chế độ độc đoán. Hầu hết mọi người nghĩ QDĐ sẽ nghiền nát đảng đối lập mới.

Thay vào đó, điều bất ngờ đã xảy ra. Tổng thống Tưởng Kinh Quốc, lãnh tụ của QDĐ, đã quyết định cho phép sự hình thành đảng đối lập. Một năm sau, trong 1987, chế độ bãi bỏ quân luật, bắt đầu mở vũ đài chính trị cho nhiều sự huy động đối lập hơn, và thu nhỏ hầu hết các bộ phận đàn áp của nhà nước độc đoán. Các ứng viên đối lập được tranh đua một số hạn chế ghế lập pháp trong 1989. Ba năm sau Đài Loan tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp hoàn toàn tự do đầu tiên trong 1992, và nó tổ chức cuộc bầu cử tổng thống cạnh tranh đầu tiên trong 1996 có các ứng viên từ QDĐ và DPP. Chuỗi thừa nhận chính trị, bắt đầu với quyết định ban đầu của Tưởng không trấn áp DPP trong 1986, khởi đầu một chuỗi sự kiện chính trị rốt cuộc đã dẫn đến chuyển đổi dân chủ của Đài Loan.

Như đã thấy ở trên QDĐ, khi nó khởi đầu quá trình dân chủ hóa, đã vẫn là một đảng chính trị rất mạnh. Nó đã không phải là một đảng bị khủng hoảng trong 1986, Đài Loan cũng đã chẳng trên bờ vực sụp đổ về mặt kinh tế hay chính trị. Thế vì sao nó đã thừa nhận nền dân chủ, và vì sao lúc đó? Slater và Wong [3, chương 4] cho rằng “QDĐ thừa nhận để lao vào con đường dân chủ một phần bởi vì nó vẫn là một đảng chính trị mạnh, tự tin đến mức các sức mạnh đương nhiệm và các cơ sở của sự ủng hộ chính trị lúc đó sẽ hầu như bảo đảm sự thống trị của nó trong ngắn hạn và sự sống sót của đảng trong nền dân chủ trong dài hạn.” Và “nó đã không thừa nhận nền dân chủ để ra đi hay để từ bỏ quyền lực, mà đúng hơn để phục hồi sự nắm giữ quyền lực của nó bằng phương tiện dân chủ—mà nó đã làm khá dễ dàng suốt các năm 1990.”

Và QDĐ đã đúng! Trong cuộc bầu cử tổng thống tự do, dân chủ đầu tiên Lý Đăng Huy lãnh tụ QDĐ đã đánh bại ứng viên của DPP để trở thành tổng thống được dân bàu đầu tiên của Đài Loan. QDĐ vẫn tiếp tục chi phối Viện Lập Pháp (Quốc hội) trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên 1992 (được 63, 25% ghế), 1996 (51,82% ghế), 2001 nó đứng thứ hai sau DPP (với 68/87 ghế); đứng thứ hai trong cuộc bầu cử quốc hội 2004; rồi lại đứng thứ nhất với 71,7% trong cuộc bầu cử 2008, rồi cũng đứng đầu trong bầu cử 2012 (56,63%); đứng thứ 2 sau DPP trong bầu cử 2016 và đến 2024 (với 54 ghế và 51 ghế của DPP và 8 ghế của đảng TPP). Trong bầu cử tổng thống dân chủ: các tổng thống QDĐ đã là Lý Đăng Huy (đến 2000), Mã Anh Cửu (2008-2016) còn của DPP là Trần Thủy Biển (2000-2008), Thái Anh Văn (2016-2024) và Lại Thanh Đức (2024-đương nhiệm).

Có thể thấy QDĐ vẫn là một đảng lớn có vai trò quan trọng trong nền chính trị Đài Loan và quan trọng nhất Đài Loan đã là một nền dân chủ vững mạnh với một nền kinh tế tiên tiến cực kỳ phát triển (GDP/đầu người tăng gần 4,5 lần từ 1986 đến 2022 và thậm chí đã vượt mức của Nhật Bản).

3.4 Bài học Đài Loan

· Ngoài những bài học chung như của Hàn Quốc và Indonesia ra, cần nhấn mạnh thêm.

· Khác với Hàn Quốc và Indonesia nơi chế độ độc đoán gồm các chế độ của các nhà độc tài khác nhau có thể với các đảng khác nhau. Chế độ độc tài ở Đài Loan là chế độ độc tài của một đảng duy nhất QDĐ. Đó là chế độc tài-độc đảng rất giống với Việt Nam.

· Đảng-nhà nước Đài loan đã chủ động chọn con đường dân chủ hóa qua sức mạnh cực kỳ thành công: QDĐ từ một đảng độc tài biến thành một đảng dân chủ và tiếp tục chi phối nền chính trị và kinh tế Đài Loan bằng các phương tiện dân chủ.

· QDĐ trước dân chủ hóa đã là một đảng Leninist mạnh, rất giống ĐCSVN về mặt tổ chức và hoạt động, đã biến thành một đảng hoạt động trong một chế độ dân chủ vững mạnh. Có rất nhiều bài học khác mà Việt Nam có thể học được từ Đài Loan.

IV. VÌ SAO KỶ NGUYÊN MỚI Ở VIỆT NAM PHẢI LÀ KỶ NGUYÊN DÂN CHỦ

Từ đầu những năm 1990 Việt Nam bắt đầu con đường kiến tạo-phát triển của mình, tức là nhà nước chủ động hiện đại hóa đất nước.

4. 1 Các điều kiện kinh tế-xã hội và giá trị nền cho chuyển đổi dân chủ.

Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục. Nguồn lực hoạt động của xã hội đã tăng, khát vọng tự do (dân khí) cũng tăng. Đó là kết quả của chính quá trình hiện đại hóa mà không ai có thể cản được.

Chúng tôi sẽ so sánh tình hình hiện nay (2024) của Việt Nam trong khoảng thời gian nào đó tương ứng trước chuyển đổi dân chủ của Hàn Quốc và Đài Loan (1987) hay Indonesia 1998 sao cho thời điểm chuyển đổi của chúng tương ứng với hiện tại của Việt Nam. Thí dụ trên Hình 2 là GDP/đầu người của Việt Nam trong giai đoạn 1998-2004 so sánh với của Hàn Quốc, Đài Loan (và cả Phillippines) trong giai đoạn 1962 đến 1987 của chúng, giai đoạn trước chuyển đổi dân chủ của chúng cũng như giai đoạn 1972-1998 của Indonnesia. Vì Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi dân chủ nên sự so sánh như vậy có ý nghĩa: liệu xem Việt Nam đã chín muồi hay chưa cho chuyển đổi dân chủ khi so với các nước đó.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-91.png

Hình 2. Nguồn lực vật chất (GDP/đầu người)

Có thể nói nguồn lực vật chất của Việt Nam trong giai đoạn này đã luôn vượt giai đoạn tương ứng của Indonesia, thậm chí vượt Hàn Quốc trong giai đoạn trước 1983 (t=23 trên hình) của nó, cũng như vượt của Phillipines trong giai đoạn 1983-1987 của nó và trong giai đoạn này kém Hàn Quốc và Đài Loan. Có thể khẳng định nguồn lực vật chất, sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay đã chín muồi cho chuyển đổi dân chủ nếu xét về tiêu chí này so với các nước được nêu. Cũng cần lưu ý thêm là vào đầu thời kỳ chủ động hiện đại hóa (t=1, tức là trong 1961 cả hai đường của Hàn Quốc và Đài Loan đều dưới đường Việt Nam vào lúc 1998) và nhưng từ 1970 trở đi (t=10) thì đường TWN bứt lên rất nhanh, còn đường của Hàn Quốc (KOR) vẫn dưới đường VNM cho đến 1983 (t=23) và trong bốn năm sau nó tăng rất nhanh. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng của Việt Nam gần đây vẫn kém họ lúc đó thế nào.

Cũng tương tự có thể xét về các nguồn lực trí tuệ và kết nối giữa Việt Nam trong giai đoạn 1998-2004 so với của các nước được nêu trong các giai đoạn tương ứng trước chuyển đổi dân chủ của chúng!

Thế khát vọng tự do, cầu dân chủ hay dân khí của Việt Nam hiện nay so với của các nước đó lúc chuyển đổi thì sao?

Số đo này được đo tốt nhất bằng chỉ số các giá trị giải phóng (0 ≤ EVI ≤ 1) của Christian Welzel [5]. Và so sánh giữa các nước đó như trong bảng sau:

This image has an empty alt attribute; its file name is image-92.png

Bảng 1. So ánh khát vọng tự do, dân khí, EVI của các nước liên quan (PHL, TWN, KOR chuyển đổi dân chủ 1986-1987; IND chuyển đổi dân chủ 1998 với các giá trị EVI gần thời gian chuyển đổi nhất được tô đỏ in chữ đậm để dễ so sánh. Nguồn: WVS

Có thể thấy dễ dàng dân khí của Việt Nam hiện nay cũng chẳng kém nếu không nói là hơn của các nước được so sánh vào thời điểm chuyển đổi của chúng.

Độ dài của khoảng thời gian từ khởi đầu chính sách kiến tạo-phát triển đến thời điểm chuyển đổi dân chủ của các nước này cũng cho chúng ta thông tin lý thú. Hàn Quốc bắt đầu với Park Chung hee 1961 và Roh Tae-woo chuyển đổi dân chủ năm 1987. Đài Loan cũng cỡ thế 26 năm. Tại Indonesia Suharto lên nắm quyền chính thức từ 1967 nhưng chính sách kiến tạo-phát triển chỉ bắt đầu từ đầu các năm 1970, có thể lấy năm 1971 là năm khởi đầu của Trật Tự Mới và 1998 là năm chuyển đổi và độ dài là 27 năm. Nói cách khác các nước này sau khi bắt đầu chính sách kiến tạo-phát triển khoảng một phần tư thế kỷ thì bắt đầu chuyển đổi dân chủ thành công. Việt Nam đổi mới từ 1986, nhưng trên thực tế nó chỉ bắt đầu chủ động hiện đại hóa từ đầu những năm 1990. Hãy cứ tính từ 1991 thì đến nay 2024 vẫn chưa có chuyển đổi dân chủ nhưng độ dài của khoảng thời gian này đã là 33 năm!

4.2 Sức mạnh thể chế

Trong thời kỳ đổi mới ĐCSVN đã tăng cường sức mạnh thể chế của mình qua công tác tổ chức đảng, củng cố sự lãnh đạo tập thể, cải cách tổ chức chính phủ, quốc hội khiến hoạt động của quốc hội có vẻ cởi mở hơn.

Chế độ cũng đã có phản ứng nhanh nhạy hơn với các tín hiệu từ dân chúng. Chỉ nêu vài thí dụ: 1988 có đến 80% trong số 400 bí thư quận huyện bị thay thế; hay sau sự cố Thái Bình 1997 với 43 ngàn nông dân tham gia [6.tr. 10], thì ĐCSVN đã thanh lọc hơn 1.000 quan chức [3, Chương 9]; hoặc ngay lập tức sau cuộc biểu tình của khoảng 90 ngàn công nhân biểu tình phản đối một điều khoản của Luật Bảo hiểm xã hội [6, p.10] thì Quốc hội và Chính phủ đã có phản ứng; hoặc các cuộc biểu tính chống dự luật đặc khu kinh tế và luật An ninh Mạng kéo dài chín ngày liền từ 9 đến 17 tháng 6-2018 ở nhiều nơi với hàng ngàn người tham gia ở mỗi nơi khiến quốc hội phải dừng thông qua luật này [6, tr. 11-12]

Theo Slater và Wong “các định chế cai trị của Việt Nam được cho là đã vượt của Trung Quốc” và “Việt Nam như thế có một mảng các sức mạnh thể chế cả cho quản lý các xung đột elite và cho việc duy trì sự kết nối quần chúng mà hầu hết các chế độ độc đoán hết sức thiếu, thậm chí kể cả ĐCSTQ ở Trung Quốc. Chắc chắn, chẳng cái nào trong các định chế này có thể thay thế các cuộc bầu cử đa đảng đều đặn trong việc đo chính xác sự ủng hộ dân chúng, giải mã các đòi hỏi công chúng, và tạo ra sự tự tin chiến thắng”. Họ cũng cho rằng “ĐCSVN có tiềm năng ở trong một vị trí mạnh để thừa nhận các cải cách dân chủ hơn ĐCSTQ, và để kỳ vọng một sự chuyển đổi ít gập gềnh hơn.” [3, chương 9]. Các tác giả cũng cho rằng ở Việt Nam tín hiệu bầu cử không rõ ràng (một điều dễ hiểu vì làm gì có các cuộc bầu cử dù độc đoán như ở Hàn Quốc, Đài Loan hay Indonesia), tín hiệu lôi thôi (về sự phản đối của dân chúng) không mạnh khiến các nhà lãnh đạo không biết mình đã qua đỉnh điểm sức mạnh (điểm B trên Hình 1) hay vẫn còn lạc quan nghĩ mình vẫn ở bên đanh lên của đường cong sức mạnh thể chế, tức là vẫn ở bên trái điểm đó, nên chần chừ dân chủ hóa (nhưng chúng tôi cho rằng tín hiệu này cũng không quá yếu); tuy nhiên họ cho rằng các tín hiệu địa-chính trị là quan trọng và thuận lợi cho ĐCSVN để chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh.

Như phát triển ở trên ĐCSVN vẫn ở trong cửa sổ cơ hội để chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh nhưng cửa sổ cơ hội đó nhưng các tác giả này cảnh báo nếu ĐCSVN “đợi quá lâu và lãng phí cửa sổ cơ hội” như “Malaysia, Cambodia đã bỏ lỡ” ([3] tr.9), thì lựa chọn Thượng sách thành công không còn nữa (xem Hình 1).

“Dân chủ qua sức mạnh luôn luôn là một sự lựa chọn. Cụ thể hơn, nó luôn là một lựa chọn chiến lược được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo độc đoán đương nhiệm.” [3, tr. 13]. Vậy lựa chọn của các lãnh đạo ĐCSVN thế nào?

4.3 Có chủ động chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh hay không?

Như phân tích ở trên cho thấy rất rõ ràng, sức mạnh chế độ đương nhiệm của Việt Nam đã vượt quá đỉnh điểm của nó (điểm B trên Hình 1) và đang ở trong cửa sổ cơ hội để chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh. ĐCSVN đứng trước hai lựa chọn:

4.3.1 Chủ động chuyển đổi dân chủ từ sức mạnh. Tức là ĐCSVN chủ động chuyển đổi dân chủ để giữ quyền lực của mình, để có thể trở thành một đảng dân chủ mạnh (sau khi có thể lấy lại tên Đảng Lao động Việt Nam) chứ không phải là đảng độc đoán trong một chế độ dân chủ (như bài học của QDĐ của Đài Loan, hay nhất là của Golkar cho thấy); để đảm bảo ổn định chính trị liên tục; để tiếp tục phát triển kinh tế đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, có nền kinh tế thực sự hiện đại và đó là cách hay nhất để bước vào kỳ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Kịch bản này cũng rất phù hợp với ước nguyện của các bậc sáng lập ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [6]. Lưu ý rằng phương thức chuyển đổi dân chủ từ trên xuống này đã được phân tích rồi gần 10 năm trước [7] và tương ứng với một kịch bản chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam và dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới [3] chúng ta thấy đây là kịch bản có triển vọng nếu ĐCSVN tự tin và chủ động theo đuổi.

4.3.2 Tiếp tục chính sách đàn áp và không chuyển đổi dân chủ. Như Hình 1 cho thấy lúc đó Việt Nam sẽ sớm tuột khỏi cửa sổ cơ hôi và sẽ đối mặt với trung sách hay hạ sách xấu hơn nhiều [6], như được nêu trong các kịch bản khác 9 năm trước [7].

Tôi hy vọng bài viết này sẽ góp phần vào cuộc thảo luận cởi mở, công khai cho sự xây dựng và phát triển đất nước.

Tài liệu tham khảo

[1]. Tuổi trẻ 13-8-2024

[2] Báo điện tử Chính phủ 21-9-2024

[3] D. Slater and J. Wong, From Development to Democracy, Princeton University Press, 2022

[4] Maddison Project

[5] Christian Welzel, Tự do đang lên, 2013

[6] Nguyễn Quang A, Dân chủ hóa và Xã hội Dân sự ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 21. Tạp chí Dân Trí, 2024

[7] Nguyễn Quang A, Dân chủ hóa: vài bài học quốc tế và kịch bản khả dĩ cho Việt Nam, Hội thảo Hè, Berlin 2015; xem cả 10 bài giảng mà tôi đã giảng 9 năm trước cho các nhà hoạt động trẻ tại Việt Nam, và được đưa lên Youtube năm 2015 cho các trường hợp từ Tây Ban Nha, Nam Phi, các nước Đông Âu, Mông Cổ, Phillipines và cả ba nước được nhắc đến trong tiểu luận này, ví dụ tại:

Hàn Quốc, https://www.youtube.com/watch?v=2LtXF-ctBqo;

Indonesia https://www.youtube.com/watch?v=HYyot6FiqmM&t=28s;

Đài Loan https://www.youtube.com/watch?v=xdT7hV2fpVw&t=1997s;

và Việt Nam https://www.youtube.com/watch?v=Ds8Yk4-55XA.

Quân Trung Cộng nay sẽ man rợ hơn quân phiệt Nhật xưa?

Nguyễn Hoàng Văn

Biển Đông hiện như một thùng thuốc súng và, liệu nếu xung đột bùng ra, chúng ta có phải đối phó với một quân đội Trung Quốc man rợ mà, so với quân đội Thiên hoàng Nhật trong Thế chiến thứ hai, chỉ có thể hơn chứ khó mà bằng, đừng nói chuyện thua?

Như có thể thấy từ tin tức thời sự, cảnh lính Trung Quốc vác mã tấu xông lên tàu tiếp tế của Phillipines chém phá trông man rợ có khác nào quân cướp biển từ tận hai, ba thế kỷ trước. [1] Rồi cảnh chúng – từ chính quy đến dân quân biển, thậm chí cả ngư dân – trấn lột, cướp phá, hành hung và bắt cóc các ngư phủ Việt Nam từ hơn ba thập niên qua cũng thế, cũng chính hiệu là nòi cướp biển.

Suy tưởng này có thể chủ quan và cảm tính nhưng, qua những sử liệu xác thực mà nhà nhân chủng học Robert B. Edgerton nêu ra trong Warriors of the Rising Sun – A History of the Japanese Millitary, chúng ta sẽ nhận ra rằng đó cũng chính là cảm quan của logic, khoa học. [2]

Từ mấy ngàn năm trước Trung Quốc chẳng đã phi nhân hóa những dân tộc sống bên ngoài cương thổ của mình khi luôn xem là “man di” hay sao? Mà, với chính đồng bào mình, thậm chí cả những đồng chí từng vào sinh ra tử với mình, ngay trong kỷ nguyên hiện đại, họ đã vô cùng man rợ như có thể thấy qua các cảnh đấu tố và đày đọa trong Cách mạng Văn hóa. Người dân Trung Quốc sinh trưởng trong một khí quyển văn hóa – chính trị như thế, lại bị nhồi sọ và tuyên truyền từ khi còn học mẫu giáo, chúng ta hoàn toàn có lý do để lo sợ, dè chừng.

Nhưng đầu tiên là sự tàn bạo của lính Nhật, trong Thế chiến thứ hai. Nếu tù binh trong các trại tù của Phát xít Đức hay Ý thiệt mạng chừng 4% thì, với quân Nhật, con số lên đến 28% và, nếu may mắn sống sót thì – như có thể thấy qua hình ảnh những tù binh Anh, Úc, Mỹ – đều tàn tạ như những bộ xương cách trí. Thậm chí, ở Singapore, tù binh gốc Sikh trong quân đội Anh đã bị mang ra làm những tấm bia sống trong các buổi huấn luyện tác xạ trong khi tù nhân Trung Hoa thì bị sử dụng để rèn giũa ngón nghề đâm lê. [3]

Thế nhưng vấn đề là người Nhật chưa từng man rợ như thế mà, trái lại, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã được tiếng là hào hiệp, nhân đạo. Thời đó, khi vươn lên như một cường quốc thì giới ngoại giao và quân sự Nhật đã được tiếng là mã thượng và văn minh qua sự biến Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1901) và cuộc chiến Nga – Nhật (1904-1905). [3]

Kể ra thì trước đó, trong cuộc chiến Trung – Nhật (1894 -1895) quân Nhật đã bị tố cáo là man rợ với sự biến “Lữ Thuận đại đồ sát” tại cảng Lữ Thuận (Port Authur) vào hạ tuần tháng 11 năm 1894, theo đó chỉ trong vòng ba ngày, lính Nhật đã tàn sát từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn quân dân Trung Quốc. Tin này, do phóng viên James Creelman người Canada tường thuật đầu tiên trên tờ New York World, đã làm hoen ố hình ảnh Nhật, khiến Mỹ ra lệnh điều tra và trở thành đề tài tranh cãi trong nhiều năm liền, liên quan đến con số nạn nhân thực sự.

Cố thủ trong những pháo đài xây dựng theo kiểu Đức, quân Thanh lại phòng thủ như thể những thế lực cát cứ man rợ của mấy ngàn năm trước. Họ treo tiền thưởng cho những ai nộp xác lính Nhật. Họ treo ngược những tử thi ấy trên những hàng cây long não mọc đầy phố cảng. Và họ “trang trí” lối vào thành phố bằng những hàng cọc nhọn bêu thủ cấp lính Nhật bê bết máu mà, từ xa, bên kia chiến tuyến, có thể quan sát bằng ống nhòm. Bởi vậy, sau khi đè bẹp lực lượng phòng thủ ngày 21/11/1984, quân Nhật đã nổi điên lên mà dùng sự man rợ đáp trả sự man rợ. Những báo cáo về mức độ thương vong thì đầy mâu thuẫn và, theo Edgerton, thì đó là lần duy nhất lính Nhật thể hiện sự tàn bạo nhưng, sau đó, những tù binh sống sót vẫn thừa nhận là được quân Nhật đối xử tử tế, theo đúng Công ước Geneva về tù binh. [4]

Bốn năm sau đó, trong biến cố Nghĩa Hòa Đoàn, người Nhật lại đứng ra bảo vệ tín đồ Thiên Chúa Giáo gốc Hoa. Những nạn nhân này bị các thành phần bài ngoại của triều đình nấp danh Nghĩa Hòa Đoàn để tàn sát và, khi chạy đến tô giới của các nước Âu châu, cũng cùng niềm tin Thiên Chúa giáo, họ đã bị quay lưng một cách phũ phàng, trừ Nhật. Chỉ có người Nhật đứng ra bảo vệ họ, dù không cùng chia sẻ một niềm tin. [5]

Trong khi các nhà ngoại giao bảo vệ các giáo dân thì, trong “bát quốc liên quân”, lính Nhật lại chứng tỏ sự quả cảm và kỷ luật, chiến đấu gan dạ nhất mà cũng tự chế nhất, không bắn giết, cướp phá bừa bãi. Khi trả đũa Triều đình Mãn Thanh vì tội dung dưỡng, lạm dụng Nghĩa Hòa Đoàn để chống lại mình, nhiều đơn vị của liên quân đã, nhân đó, cướp bóc và hãm hiếp và, trong số này, kỷ luật nhất, nghiêm minh nhất, là quân đội Nhật, cùng với quân đội Anh, Mỹ. [6]

Đến Chiến tranh Nga – Nhật (2/1904-9/1905) nhằm giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên, Nhật đã làm thế giới sửng sốt khi, lần đầu tiên, một nước Á châu đánh bại một cường quốc Tây phương nhưng họ còn làm Tây phương sửng sốt qua cách ứng xử văn minh với đối thủ. Đó là khi quân Nhật tiến vào cảng Lữ Thuận, Tư lệnh Nogi Maresuke đã không cho phép kéo cờ chiến thắng mà đợi khi quân Nga rút hết khỏi thành phố cảng này, bằng xe lửa. [7]

Giữa chiến trường, trong điều kiện sống tồi tệ và trong sự căng thẳng tâm lý tột cùng, lại chứng kiến cảnh đồng đội thi nhau gục xuống, bên nào cũng dễ bị kích động và say máu trả thù. Nếu đó là phản ứng nóng của chiến trận thì, ở đây, trò trả thù nguội khi chiến trận đã kết thúc chỉ diễn ra từ phía Nga và, nếu có những câu chuyện đó đây về sự tàn bạo của quân Nhật, kết quả điều tra của các nhà báo Tây phương đều dẫn đến kết luận là vô căn cứ. Hơn thế nữa, lúc đó báo chí Tây phương đã ghi nhận là lính Nhật đã đối xử tử tế với thương binh Nga, với tử thi của lính Nga và có thể xem là hình mẫu mà Tây phương có thể học theo. [8]

Nhưng ba thập niên sau đó thì toàn bộ những điều này đã thay đổi mà, để hiểu rõ, cần nhìn vào bối cảnh ngày đó.

Nhật trở thành cường quốc vào đầu thế kỷ 20, hoàn toàn không đúng lúc, quá muộn mà cũng quá sớm. Muộn bởi, như một nước chật hẹp, ít ỏi tài nguyên, không đủ sức tự nuôi mình, Nhật không thể lùi lại hai thế kỷ để “mở rộng không gian sinh tồn” bằng chủ nghĩa thực dân như các quốc gia Âu châu vào thế kỷ 18. Nhưng lại quá sớm bởi kỹ nghệ điện tử vẫn chưa hình thành để giúp Nhật sinh tồn phát triển bằng trí tuệ và kỹ năng như đã thấy vào thập niên 1970. Lúc đó, sự túng bấn tài nguyên cộng với và sự đắc thắng về quân sự qua chiến thắng vang dội trước hai cường quốc đã nuôi dưỡng nên chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc quân phiệt.

Nhật từng thán phục và học theo Trung Hoa. Khi đế quốc này bị thực dân xâu xé thì Nhật xem thường rồi, đến lúc tự tay đánh bại, càng khinh hơn. Sau cuộc chiến với nhà Thanh, Nhật gạt bỏ toàn bộ những bài học về văn minh Trung Hoa ra khỏi chương trình giáo dục và, thay vào đó, là tinh thần dân tộc và ưu thế quân sự của Nhật so với Trung Hoa. Rồi chiến thắng trước Nga khiến Nhật xem thường Tây phương để, trong khi ráo riết học hỏi kỹ thuật từ Tây phương, lại tỏ thái độ rẻ rúng, xem Tây phương là thối nát, yếu mềm, dễ mua chuộc. [9]

Nhưng Mỹ không chấp nhận hành vi thực dân, buộc Nhật phải trả vùng Mãn Châu cho Trung Quốc khiến giới cực hữu Nhật sôi lên với khuynh hướng bài Tây phương. Theo họ, Nhật đã bị kỳ thị. Theo họ, Tây phương không bao giờ công nhận vị thế cường quốc của một nước da màu. Và, theo họ, con đường duy nhất là phải tự cường về quân sự để có thể “mở rộng không gian sinh tồn” và, thế là, từ đầu thập niên 1930, nước Nhật đã biến thành một trại lính khổng lồ. Lúc này thì toàn bộ trẻ em Nhật, trong chương trình cưỡng bức giáo dục kéo dài 6 năm cho bậc tiểu học, đều bị huấn nhục để trở thành những chiến binh với 400 giờ quân sự nghiêm nhặt, ở đó những học sinh yếu đuối, không đủ phẩm chất của người lính tương lai, sẽ bị hành hạ và sỉ nhục không nương tay. [10]

Trường học đã vậy thì các trại lính còn cứng rắn và khắc nghiệt như thế nào? Chưa kể tác động của hệ thống truyền thông một chiều, bị kiểm duyệt gắt gao nên, hệ quả, đến đầu thập niên 1940, thế giới lại chứng kiến một đội quân Thiên hoàng tàn bạo và man rợ, chỉ biết có lệnh trên, phải chiến thắng, thất bại là chết.

Chỉ có đầu tư đâu một thập niên để tuyên truyền và huấn nhục mà Chủ nghĩa quân phiệt Nhật đã xây dựng nên một đạo quân man rợ đến như vậy thì đội quân bành trướng kia, với một lịch sử lâu dài như thế, với chính sách kiểm soát và nhồi nhét tư tưởng lớp lang như thế, sẽ còn man rợ đến nhường nào khi nhân danh sự sống còn của mình với những “lợi ích cốt lõi”?

Chính vì “lợi ích” đó mà, tháng Bảy năm 2010, Dương Khiết Trì, nguyên Ngoại trưởng Trung Quốc, huỵch toẹt tuyên bố trong hội nghị của ASEAN tại Hà Nội rằng “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế” và, sự trịch thượng này, xét cho cùng, cũng chỉ là bước đi tiếp tục của truyền thống “phi nhân hóa” láng giềng, xem là man di, mọi rợ. [11] Mà đó cũng không phải là chuyện cá nhân, đơn lẻ bởi, chưa đầy ba năm sau, tháng 12 năm 2013, nguyên Ngoại trưởng Vương Nghị lại hành xử thô bạo khi gặp với nguyên Ngoại trưởng Úc Julie Bishop mà, theo một nhà ngoại giao Úc, là hành vi “thô lỗ” ông ta được chứng kiến lần đầu sau 30 năm hành nghề. [12]

Sự hách dịch của Trì, Nghị này có khác gì cái cảnh hách dịch của “sứ ngụy” mà Trần Hưng Đạo từng ghi lại trong Hịch tướng sĩ vào thế kỷ 13: “đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình”? Nếu những kẻ được đào tạo và trả lương để làm những nhà ngoại giao lịch lãm và mềm mỏng mà có thể thô bạo đến thế thì, với những kẻ được đào tạo và trả lương để bắn giết, có gì mà chúng “không thể” trong cái nghề của mình?

Việc tìm kiếm câu trả lời hẳn sẽ dẫn chúng ta đến với Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15, qua Bình Ngô đại cáo: “Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”. Nếu đó là hình ảnh của đội quân xâm lược Trung Quốc ngày xưa thì, bây giờ, vẫn là cái sự tham lam “bấy no nê chưa chán” ấy. Đã chai mặt “há miệng” đòi dây máu ở Bắc cực, còn “nhe răng” đòi chia phần ở Nam cực thì, có thứ gì mà chúng không làm với cái gọi là “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông, cũng là không gian sinh tồn của dân tộc chúng ta?

Nghĩa là chúng ta, như một dân tộc, phải sáng suốt trong mọi quan hệ và phải sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất!

Tham khảo:

1. Troubled Waters, chương trình Four Corners của Đài truyền hình quốc gia Úc (ABC):

https://help.abc.net.au/hc/en-us/articles/10570000938127-Four-Corners-Troubled-Waters-Monday-2-September

2. Robert B. Edgerton, (1997) Warriors of the rising Sun – A history of the Japanese Millitary, W.W Norton & Company Inc, New York.

3. Edgerton, sđd, trang 14

Theo Edgerton thì những tường thuật về biến động Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer uprising) trước đây đều phiến diện, một chiều, phải đợi đến những nghiên cứu từ thập niên 1990. Như vậy những gì trình bày trong sử sách Việt Nam đều không đầy đủ.

4. Edgerton, sđd, trang 48

5. Edgerton, sđd, trang 66

6. Edgerton, sđd, trang 17

7. Edgerton, sđd, trang 176

8. Edgerton, sđd, trang 320

9. Edgerton, sđd trang 306.

10. Edgerton, sđd trang 308.

11. https://www.hoover.org/research/beijings-view-world

12. https://www.smh.com.au/politics/federal/chinas-rebuke-of-julie-bishop-rudest-conduct-seen-in-30-years-says-senior-foreign-affairs-official-20140227-33jid.html

Lan man từ lời chào đầu tiên sang phát biểu tại trường Đại học Columbia Hoa Kỳ

Lê Học Lãnh Vân

1) Một người chịu tù đày hơn mười lăm năm vì quan điểm về tổ chức xã hội của anh khác với quan điểm chính thống. Quan điểm ấy được trình bày ôn hòa trong tinh thần xây dựng.

Ngày ra tù, Lời Chào Đầu Tiên của anh Thức gởi “quý đồng bào thân yêu” mang ba thông điệp chính, lời cám ơn các người ủng hộ anh, thông báo về “đặc xá cưỡng bức” và chia sẻ ngắn gọn về tương lai.

Lời kể điềm đạm về “đặc xá cưỡng bức” cho thấy anh Thức chỉ thông báo cho mọi người những gì đã xảy ra chứ không để tình cảm yêu ghét trong đó. Dù không đồng ý với “đặc xá cưỡng bức” này, việc mà anh thấy liên quan tới “chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước”, anh vẫn nhận xét rằng chuyến đi ấy “mang hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ cho đất nước trong tương lai”.

Vài dòng về tương lai, anh tin “vào một cuộc chuyển mình vĩ đại không thể đảo ngược” của dân tộc. Anh mong đồng bào giữ vững niềm tin rằng “mọi năng lượng giận dữ tích tụ” sẽ được chuyển biến thành năng lượng ôn hòa cho tiến trình chuyển đổi vĩ đại đó.

2) Các anh chị cảm nhận gì về Lời Chào Đầu Tiên đó?

Tuần rồi chúng tôi tham dự một buổi thảo luận về đạo Phật và Khổ. Những người đọc nhiều và sâu về đạo Phật hiểu rằng Khổ không nằm nơi sự vật bên ngoài ta, mà nằm chính nơi ta nhìn và đối xử với sự vật ấy. Đạo Phật không phải chốn ta tới cầu xin không còn điều khổ đến với ta, mà là chốn ta học cách để lòng ta không còn thấy điều nào khiến ta khổ cả.

Cảm nhận của tôi khi đọc Lời Chào Đầu Tiên là không còn thấy điều nào ngăn cản niềm tin của anh Thức “vào một cuộc chuyển mình vĩ đại không thể đảo ngược”! Không bản án nào, không tù đày, không lòng căm tức, thù hận nào ngăn cản được niềm tin ấy. Chẳng những chúng không ngăn cản được, mà chúng không thể hiện diện trong lòng anh Thức. Bởi, anh đã ngộ được cái lẽ đương nhiên của “tiến trình chuyển đổi ôn hòa” ấy được dẫn dắt và thúc đẩy bởi kiến thức, tấm lòng hướng về đạo lý. Trí tuệ khiến anh không còn thấy điều nào ngăn cản được trào lưu ngày càng mạnh mẽ đó.

3) Sáng hôm nay, Sài Gòn vĩnh biệt cụ Nguyễn Đình Đầu, nhà trí thức lớn với nhiều công trình đồ sộ quý giá, cũng là người trung thực, đàng hoàng, được nhiều người, nhiều giới kính mến. Lễ tang tổ chức giản dị, khiêm tốn, thực tình giữa một xã hội có quá nhiều phù phiếm, khoe khoang, giả dối…

Xa hơn, vài tháng trước, bước chân, nụ cười, cách sống, cách tu hành của thầy Minh Tuệ làm bừng lên đốm sáng giản dị, khiêm tốn, thực tình. Những đốm sáng ấy được nhận ra và khen ngợi bởi nhiều Phật tử và người dân bình thường trong một môi trường xã hội tu hành đang xuất hiện không ít ma tăng…

Hôm nay, Lời Chào Đầu Tiên của anh Thức cũng cho thấy những điểm sáng tương tự. Văn phong, ý tứ giản dị và minh bạch, lập luận hữu lý, tầm nhìn về tương lai đất nước được trình bày gọn và thẳng thắn, không vòng vo uốn éo, không làm dáng cầu kỳ. Chân thật luôn có giá trị của chân thật, đi đôi với minh triết, nó có sức mạnh mềm lay động lòng người!

4) Theo dõi các động thái của chính trị Việt Nam, cũng không khó nhận ra những điểm được-cảm-nhận-là sáng tương tự. Việc chuyển giao quyền lực tương đối êm so với được dự đoán. Các ồn ào tấn công vào những thể hiện “cởi trói” hay kêu gọi tinh thần can đảm và nhận trách nhiệm suy nghĩ được dàn xếp cho lắng xuống. Và có lẽ rõ rệt hơn là động thái trên-cả-ngoại-giao của Việt Nam với các quốc gia, các liên minh trên thế giới và trong khu vực. Bài viết này thấy tinh thần ôn hòa, cởi mở trong lời của ông Tô Lâm tại trường Đại học Columbia tối qua, một tinh thần đối kháng với “chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Chính sách phát triển của Việt Nam sẽ dựa trên tinh thần của một quốc gia có trách nhiệm, trên quan hệ hữu hảo đa phương và trên nền tiến bộ vượt bậc của giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bài viết này mong rằng khi Việt Nam tập trung được quyền lực chứ không chia năm xẻ bảy, Việt Nam không dễ nhân nhượng các yêu sách chủ quyền ngang ngược. Việt Nam cất tiếng đúng với bản sắc của mình.

Vận mệnh lớn, sự nghiệp lớn nên bỏ qua tiểu tiết. Sự mềm dẻo là cần thiết giữ mình cách xa chiến tranh và tận dụng thời cơ từ khoảng trống của hai thế lực siêu cường đang đối đầu để vừa phát triển mau vừa tiến hành “một cuộc chuyển mình vĩ đại không thể đảo ngược”. Trong chừng mực đó, bài viết này thấy cây tre có sức mạnh của cây tre. Và cũng có nên cám ơn lễ động thổ kênh đào Phù Nam vì góp phần thúc đẩy?

Có sự đồng cảm nào, hỗ trợ nhau nào, dù tự giác hay tự phát, giữa Lời Chào Đầu Tiên và các sự việc lớn đang xảy ra cho đất nước hay không? Có sự cùng nhìn về một hướng giữa các tầm nhìn xa, lớn một cách độc lập nhau không?

Việt Nam đang đứng trước vận hội dùng thời cơ quốc tế làm đòn xoay phát triển lịch sử. Xin chúc mừng những người cầm trách nhiệm lớn hôm nay! Chúc các vị tận dụng được thời cơ này!

Ngày 23 tháng 9 năm 2024

KIẾN NGHỊ TRẢ TỰ DO CHO NHÀ BÁO HUY ĐỨC

This image has an empty alt attribute; its file name is image-57.png

Ngày 24 tháng 9 năm 2024

Kính gửi:

Ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội

Nhà báo Huy Đức, tức công dân Trương Huy San, đã bị công an bắt giam ngày 1.6.2024 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Chúng tôi thấy rằng:

Tất cả các bài viết của nhà báo Huy Đức từ trước đến nay, đặc biệt giai đoạn 2000-2024, đều tập trung chống tiêu cực, chống tham nhũng. Ông luôn là người ủng hộ mạnh mẽ và nhất quán cho những cải cách của Đảng và chính phủ. Ông chưa bao giờ ủng hộ bạo lực hoặc lật đổ chính quyền. Sự chỉ trích của ông về tình trạng tham nhũng và sự độc đoán là những chỉ trích ôn hoà, không câu chữ nào nói xấu bôi nhọ cá nhân hay chế độ. Do đó hoàn toàn không có cái gọi là “xâm phạm lợi ích của Nhà nước.”

Bộ sách Bên thắng cuộc dù có gây tranh cãi nhưng đó là cuốn sử chỉ nói sự thật, không nói gì ngoài sự thật. Cuốn sách đó giúp cho chính quyền và các nhà làm sử nhìn lại một giai đoạn Đất nước một cách chính xác, từ đó rút ra nhiều bài học nhằm đưa Đất nước đến một tương lai Hoà Bình – Giàu Mạnh – Hạnh Phúc. Do đó không thể coi Bên thắng cuộc là “xâm phạm lợi ích của Nhà nước.”

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, Huy Đức là một người yêu nước và là một cựu chiến binh được nhiều khen thưởng. Ông là một người lính đã phục vụ đất nước một cách xuất sắc trong các cuộc chiến chống lại quân xâm lược Trung Quốc và Khmer Đỏ. Bốn năm trở lại đây, 2020-2024. Huy Đức là người chủ trương chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa xây hàng chục nhà tình nghĩa cho thương binh và thân nhân liệt sĩ. Đồng thời chủ trương chương trình VARS: Góp Một Cây Để Có Rừng nhằm khôi phục các vùng rừng bị phá trong chiến tranh, trước mắt là vùng rừng đầu nguồn Sông Gianh, rất được dân chúng ca ngợi và ủng hộ.

Vì những lý do trên chúng tôi khẩn thiết kiến nghị trả tự do cho nhà báo Huy Đức. Việc trả tự do cho nhà báo Huy Đức là bằng chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất Việt Nam là một nước tôn trọng mọi chính kiến và bảo vệ các phản biện của mọi công dân và trí thức vì một đất nước tự do và giàu mạnh.

Xin vào địa chỉ sau để ký tên: https://chng.it/TRgvF8BGcX

ĐỒNG KÝ TÊN

  1. Nguyễn Quang A, TS, Hà Nội
  2. Tạ Duy Anh, nhà văn, Hà Nội
  3. Đỗ Thái Bình, kỹ sư, Sài Gòn
  4. Nguyễn Nguyệt Cầm, giảng viên, Đại học California tại Berkeley, Hoa Kỳ
  5. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ Văn, Hà Nội
  6. Song Chi, nhà báo độc lập, Anh Quốc
  7. Nguyễn Trọng Chức, nhà báo, Sài Gòn
  8. Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn, Sài Gòn
  9. Nguyễn Chí Cư, Vũng Tàu
  10. Uông Ngọc Dậu, nhà báo, Thanh Hóa
  11. Đỗ Hoàng Diệu, nhà văn, Hoa Kỳ
  12. Hoàng Dũng, PGS TS, Sài Gòn
  13. Nguyễn Duy, nhà thơ, Sài Gòn
  14. Nguyễn Hương Giang, nhân viên văn phòng, Hà Nội
  15. Lê Minh Hà, nhà văn, Đức
  16. Lê Văn Hồng Hải, kỹ sư Tin học, Hoa Kỳ
  17. Phan Tấn Hải, nhà báo, California, Hoa Kỳ
  18. Trần Hạnh, dịch giả, Hoa Kỳ
  19. Alec Holcombe, Giáo sư Lịch sử, Hoa Kỳ
  20. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh
  21. Trương Thị Huê, hưu trí, Sài Gòn
  22. Hoàng Hưng, nhà thơ – dịch giả, Sài Gòn
  23. Nguyễn Quang Lập, nhà văn, Sài Gòn
  24. Thuỳ Linh, nhà văn, Hà Nội
  25. Thẩm Hoàng Long, cựu nhà giáo, Paris
  26. Trần Thuỳ Mai, nhà văn, Hoa Kỳ
  27. Trương Mạnh, cựu chiến binh, Sài Gòn
  28. Huỳnh Công Minh, linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
  29. Đỗ Quang Nghĩa, kỹ sư, Đức
  30. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
  31. Nguyễn Trâm Ngọc, nhà truyền thông, Sài Gòn
  32. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y Khoa, Australia
  33. Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu phê bình, Hà Nội
  34. Ý Nhi, nhà thơ, Sài Gòn
  35. Phan Hoàng Oanh, TS hóa học, TP HCM
  36. Nguyễn Mai Oanh, Thạc sĩ Kinh tế Phát triển, Sài Gòn
  37. Hà Sĩ Phu, TS Sinh học, Đà Lạt
  38. Dạ Thảo Phương, nhà thơ, Đức
  39. Bùi Minh Quốc, nhà thơ, nhà báo, Đà Lạt
  40. Andre Menras-Hồ Cương Quyết, Pháp
  41. Kiều Hồng Sơn, nhà báo, Vinh
  42. Tô Lê Sơn, hưu trí, TP. HCM
  43. Hiếu Tân, dịch giả, Vũng Tàu
  44. Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, Sài Gòn
  45. Đặng Xuân Thảo, Giáo sư Tin học, Pháp
  46. Đỗ Ngọc Thống, PGS TS, Hà Nội
  47. Đoàn Ánh Thuận, nhà văn, Pháp
  48. Bùi Thanh Thủy, họa sĩ, Hoa Kỳ
  49. Nguyễn Thị Tịnh Thy, TS, Huế
  50. Phạm Anh Thư, nội trợ, Hà Nội
  51. Nguyễn Lê Tiến, kỹ sư, Hoa Kỳ
  52. Trịnh Y Thư, nhà thơ, dịch giả, California, Hoa Kỳ
  53. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, Sài Gòn
  54. Nguyễn Đức Tùng, bác sĩ, nhà thơ, Canada
  55. Nguyễn Lệ Uyên, nhà văn, Bình Dương
  56. Ái Vân, ca sĩ, Hoa Kỳ
  57. Lê Thị Thấm Vân, nhà văn, Hoa Kỳ
  58. Trương Vấn, dịch giả, Texas, Hoa Kỳ
  59. Nguyễn Viện, nhà văn, Sài Gòn
  60. Peter Zinoman, Giáo sư, Đại học California tại Berkeley, Hoa Kỳ

Có nên vạch những thói xấu của người Việt không?

Hà Sĩ Phu

Câu hỏi ấy tưởng là thừa, vì ai chẳng biết muốn một người hay một cộng đồng thay đổi để tiến lên tất nhiên phải biết cả ưu và nhược điểm của đối tượng đó. Nhưng nói ưu điểm thì quá dễ, được hoan nghênh ngay. Quan trọng và khó khăn là vạch những nhược điểm, những thói xấu của dân tộc mình.

Cụ Phan Châu Trinh và cụ Hồ Chí Minh đều phải làm việc đó, vạch NHỮNG THÓI XẤU CỦA NGƯỜI VIỆT. (Chính ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng viết một bài “GIẢ DỐI – thói xấu tệ hại, người cộng sản cần loại bỏ” https://www.tuyengiao.vn/gia-doi-thoi-xau-te-hai-nguoi-cong-san-can-loai-bo-125601).

Phải nêu những dẫn chứng rất thừa như thế để nói điều rất ngạc nhiên là HSP cũng làm điều vạch thói xấu của Đảng và Dân một cách rất tế nhị thì lại bị quy tội “PHẢN BỘI TỔ QUỐC”, tội nặng nhất trong Luật Hình sự, với lệnh khởi tố (xem hình chụp), giam tại nhà 8 tháng và hỏi cung 400 buổi trước khi ra Tòa.

Điều vô lý ấy khiến 2000 trí thức trong và ngoài nước đã ký một kiến nghị đòi trả tự do cho tôi (http://hasiphu.com/vuanIII_31.html).

Cuối cùng vụ án ấy đã bị hủy bỏ, thay bằng nghị định 31-CP (kết tội không cần Tòa án) giam tại nhà, hàng tháng phải lên trình diện và kiểm điểm. Ngoài một năm tù chính thức đã qua, còn ba lần khám nhà, tịch thu ba giàn vi tính, ba lần đấu tố trước phường, khu phố và tổ dân phố, cắt hai điện thoại bàn và 20 SIM di động.

Chuyện cũ đã qua rồi, nay tôi 84 tuổi đã được tự do, nhưng cũng xin VUI VẺ NÓI LẠI để cùng nhau rút kinh nghiệm mong làm sáng tỏ một điều gì hữu ích chăng?

Bây giờ xin nói cụ thể một chút việc nói “thói xấu” của người Việt thế nào mà phải trừng trị đến tội Phản quốc? Năm 2000 thấy khối Cộng sản Đông Âu đã đổ, trí thức trong và ngoài nước nghĩ rằng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đổ theo nên thảo một Tuyên bố gọi là “Kết ước năm 2000” để chuẩn bị cho cuộc đổi đời. Nhiều người hưởng ứng và đã ký, nhưng HSP không ký! Bạn bè hỏi “Tại sao không ký?”. HSP trả lời: “Cộng sản Đông Âu đổ chứ Cộng sản Việt Nam còn lâu mới đổ”. Bạn bè yêu cầu tôi giải thích quan điểm của mình nên tôi phải viết hai bức thư (nhưng nhà không có Internet nên phải nhờ bạn tôi là ông Mai Thái Lĩnh gửi đi giúp).

Bức thư hơi dài (http://hasiphu.com/vuanIII_20.html), nhưng có thể nói gọn: Vốn là thân phận nhỏ bé nên muốn tồn tại phải chọn kiểu sống KHÔN VẶT. Đảng cũng từ dân mà ra nên cũng mang tính cách ấy. Cuộc kết hôn giữa anh khôn vặt với chị khôn vặt tất nhiên chẳng lý tưởng gì, nhưng họ không đánh nhau và còn sống với nhau đến “bách niên giai lão”, bên nào cũng giả vờ yêu, nhưng tìm cách LỢI DỤNG VÀ KHAI THÁC nhau, vẫn ve vãn nhau ra chiều hạnh phúc!

Khi đã KHÔN VẶT thì lòng TỰ TRỌNG và NHÂN CÁCH phải xếp xuống dưới nhu cầu TỒN TẠI để sống còn. Nếu ngược lại là chết. Khi đã thành thói quen thì không phải do nhu cầu sinh tồn lớn lao gì mà cứ thấy lợi là ăn cắp hàng hóa ở siêu thị nước ngoài, người Việt đã nổi tiếng thế giới về tính ăn cắp nhục nhã đó.

Tính KHÔN VẶT cũng đi đôi với sự DỐI TRÁ, tạo ra một trạng thái bùng nhùng như bùn nhão, không đứng lên để có một hình thể rõ ràng. Xã hội cứ như trên con đường hẹp mà cả đoàn người cứ ấm ức đi sau một con trâu mộng có sừng nghênh ngang.

Người Nhật xưa để lòng TỰ TRỌNG cao hơn sự sống còn nên nhiều khi đã tự mổ bụng để quyên sinh (harakiri).

Tôi quả thực không dám khen chê về cách sống ở đời, nhưng câu nói “Dù mâu thuẫn thế nào, hai kẻ KHÔN VẶT vẫn sống bên nhau đến bách niên giai lão” có thể là câu “thậm xưng” để ví von, nhưng CS Đông Âu đổ, mà ¼ thế kỷ qua rồi CSVN có đổ đâu, thì dự đoán ấy thế mà đúng chứ nhỉ? Dự đoán đúng thế mà mà bị tội PHẢN QUỐC ? (Một nhà báo Công an đã bảo: Phê cả Đảng và Dân đều KHÔN VẶT thì anh sống với ai, chẳng PHẢN QUỐC là gì?). Đấy, phê phán tận gốc quả là việc khó, nhưng không thể tránh né nếu muốn thay đổi số phận một Dân tộc.

KẾT LUẬN:

1/ Chúng ta phải bảo nhau đừng thực dụng quá, để cho tính KHÔN VẶT làm lu mờ NHÂN CÁCH và lòng TỰ TRỌNG của người Việt Nam .

2/ Tính KHÔN VẶT còn phát sinh sự GIẢ DỐI, sợ Sự thật, nên đã thần thánh hóa những điều không có thật, coi điều tưởng tượng không có thật ấy là thiêng liêng “bất khả xâm phạm”, ai vạch điều đó ra phải bị trừng trị thật nặng nề. Ngoại giao uốn éo kiểu “cây tre” cũng là thứ Khôn vặt mà thôi.

3/ Chủ nghĩa “Mác-Lê thiêng liêng” làm khổ nhân dân nhưng đem lại ngai vàng quá béo bở cho Đảng cầm quyền, từ đó phát sinh bao tệ nạn. Giới cầm quyền Đông Âu bỏ được Mác-Lê vì NHÂN CÁCH của họ cao hơn sự KHÔN VẶT, chứ kêu gọi nhà Cầm quyền Việt Nam bỏ cái ngai vàng béo bở ấy thì… hơi bị khó.

H.S.P. (24/9/2024)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-56.png

(Hình minh họa: Hồ sơ Tội Phản quốc dành cho người dám nhẹ nhàng vạch thói xấu KHÔN VẶT và GIẢ DỐI của người Việt).

Kênh Funan Techo, sau địa chấn 05.08.2024: Kết thúc một khởi đầu, vẫn còn thời gian đòi công lý cho 20 triệu cư dân ĐBSCL

Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL bấy lâu

không được quyền cất tiếng nói

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

Ngô Thế Vinh

Hình 1: Lễ động thổ kênh Funan Techo với tràn ngập cờ xí tại ngôi làng nhỏ Prek Takeo, huyện Kien Svay, tỉnh Kandal ngày 05.08.2024, cũng là ngày sinh nhật của Hun Sen, do con trai ông, nay là Thủ Tướng Hun Manet chủ tọa; phía trước khu nhà máy là dàn khẩu hiệu tiếng Khmer cực lớn: “Chúng tôi ủng hộ Kênh Funan Techo”, đây là điểm khởi đầu của khúc kênh đào (1) dài 20 km, lấy nước từ Sông Mekong Hạ (Lower Mekong) là một dòng chính đầu nguồn Sông Tiền trước khi chảy vào ĐBSCL, Việt Nam. [nguồn: Khmer Times 05.08.2024]

Lời giới thiệu:

Thủ tướng Hun Manet với hậu thuẫn của cha ông, người đã đề xướng ra công trình kênh Funan Techo như một Đại vận hà của dân tộc Khmer, đồng thời là di sản triều đại của cha con họ. Về địa chính trị, tuyến đường thủy vận này cho họ phương tiện chuyển hàng hóa từ Phnom Penh ra biển, không còn phải theo tuyến đi trên Sông Tiền hay Sông Hậu, sẽ giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào Việt Nam. Cha con Hun đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng khi đặt cho dự án này dưới tên Funan, khơi động lên tinh thần dân tộc bài Việt, và soi sáng lại lịch sử Đế chế Funan của họ. Theo giới chuyên gia quốc tế, và phân tích trên Viet Ecology Foundation, lợi ích kinh tế của công trình này chắc chắn không khả thi, tác động nặng trên môi sinh cho Cam Bốt và xuyên biên giới xuống Việt Nam nhưng đã bị chính quyền Phnom Penh giảm thiểu hóa và gạt bỏ. Phnom Penh không giải trình toàn bộ chi phí và việc di dời đền bù cho người dân họ như thế nào. Họ cung cấp thông tin bất nhất và sai lệch về dự án và không tuân theo các thủ tục ràng buộc của Hiệp Định Mekong 1995, mà họ đã long trọng ký kết với lân bang. Trước chọn lựa bang giao căng thẳng thay vì hợp tác của nước láng giềng Cam Bốt, chính quyền Việt Nam không thể bất lực như từng bất lực trước các dự án Mekong suốt 30 năm qua, không thể chờ đợi hứng chịu hậu quả con kênh Funan Techo sẽ giáng xuống trên 20 triệu cư dân ĐBSCL, nhất là khi Cam Bốt không xây dựng và vận hành dự án này đúng như thông báo mà không có biện pháp can thiệp. Bài khảo luận sau của nhà văn Ngô Thế Vinh, nhà hoạt động môi sinh bền bỉ trình bày một chiến lược với ý thức trách nhiệm lịch sử cần phải thực hiện để bảo vệ quyền lợi dân tộc. Viet Ecology Foundation

SAU ĐỊA CHẤN 05.08.2024

Thủ Tướng Hun Manet, cũng là con trai trưởng của cựu TT Hun Sen, đã phát biểu trong lễ động thổ long trọng xây dựng siêu dự án kênh Funan Techo sáng ngày 05.08.2024 tại tỉnh Kandal: “Kênh Funan Techo không chỉ là một đường thủy vận nhưng đó còn là một tượng đài sống động có ý nghĩa lịch sử về Đế chế Funan vĩ đại, như là tiền thân của đất nước Cam Bốt chúng ta ngày nay. Với đường thủy thuận lợi, đã từng là nơi trao đổi buôn bán với nước lớn Trung Hoa và cả với Đế quốc La Mã, con kênh này đã đóng một vai trò thiết yếu trong giao thương, và cả trong giao thoa với những nền văn minh từ xa. Nếu con kênh từng đem lại lợi ích cho tổ tiên chúng ta từ 2.000 năm trước, nó cũng hữu ích với chúng ta ngày nay”.

Funan là tên một Đế chế cổ đại trong vùng Đông Nam Á, xuất hiện từ thế kỷ thứ I trước Công Nguyên (CN) tới thế kỷ thứ VII sau CN. Funan đã từng có một thời kỳ huy hoàng.

TT Hun Manet nói tiếp: “Thật là bất hạnh cho lịch sử Cam Bốt phải chứng kiến nhiều Đế chế và Vương quốc suy tàn do xâu xé nội bộ và chiến tranh. Chúng ta hiểu biết lịch sử, và sẽ không bao giờ để điều đó tái diễn ra trên đất nước chúng ta.” [nguồn: Khmer Times, August 5, 2024]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-44.png

Hình 2: Vẫn là cận cảnh trước khu nhà máy, nhưng là 21 ngày sau lễ động thổ 26.08.2024, vẫn với dàn khẩu hiệu tiếng Khmer cực lớn: “Chúng tôi ủng hộ Kênh Funan Techo”. Đây là khúc đoạn đầu (1) con kênh đào Funan Techo (phải) lấy nước từ Sông Mekong Hạ – đầu nguồn Sông Tiền (trái), chạy dài 20 km tiếp nối với Sông Bassac – một dòng chính khác của Sông Mekong, đầu nguồn Sông Hậu.

Như vậy, rõ ràng kênh Funan Techo lấy nước từ cả 2 dòng chính (hay còn gọi là 2 phân lưu – distributaries) của Sông Mekong. Nhưng theo thông báo của Ủy Ban Quốc gia Mekong Cam Bốt (Cambodia National Mekong Committee) gửi tới MRC vẫn nói rằng kênh Funan Techo chỉ lấy nước từ con sông Bassac – mà họ cố tình gọi sai – misnomer: Sông Bassac chỉ là một phụ lưu* (tributary) của Sông Mekong. [sic]

*Theo định nghĩa về địa lý sông ngòi trong tiếng Anh, phụ lưu – tributary là để chỉ một dòng chảy phụ tiếp nước vào dòng chính; nhưng rõ ràng Sông Bassac là một dòng chính hay còn gọi là phân lưu* (distributary) của Sông Mekong. Theo MRC, tổ chức đầu não của Ủy Hội Sông Mekong 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, đã có định danh rất rõ ràng về con Sông Bassac – là một phân lưu lớn / một nhánh chính của Sông Mekong.

MRC: Geography, River Course:

Near the Cambodian capital Phnom Penh, the Bassac River, the Mekong’s largest distributary, branches off. This is where the Mekong Delta begins as the Mekong and Bassac Rivers enter a large fertile plain in southern Viet Nam. In this area, known as the ‘Nine Dragons’, a series of smaller distributaries split off from the main stream of the Mekong and BassacGần thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Sông Mekong phân nhánh thành Sông Bassac, một phân lưu lớn nhất của Sông Mekong; Sông Bassac đổ vào một vùng đồng bằng rộng lớn phì nhiêu của miền Nam Việt Nam, tiếp tục phân thêm các nhánh nhỏ hơn nên còn có tên là ‘Chín Con Rồng’ ở Việt Nam. [hết trích dẫn]

Đây là một luận điểm pháp lý quan trọng mà Việt Nam phải quyết tâm bảo vệ.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-45.png

Hình 3: Một khu nhà xưởng khác bên bờ con kênh còn dở dang, với dòng chữ Hán “Đặc Ngưu Cương Kết Cấu / 特牛钢结 là một công ty sắt thép Trung Quốc có chi nhánh ở Cam Bốt với trách nhiệm hữu hạn thuộc tập đoàn xây dựng dân dụng làm khung sắt thép cho các công trình xây cất cầu đường và các dự án kỹ thuật khác. Nơi phân đoạn đầu (1) Kênh Funan Techo, sau 3 tuần lễ động thổ chỉ mới có hình hài của một con lạch. Tuy vẻ bề ngoài vắng lặng, nhưng bên trong khu nhà xưởng là các toán công nhân đồng phục đang vận hành những dàn máy lắp ráp những khung sắt thép cung cấp cho công trình xây dựng con kênh đào dài 180 km vào những ngày tháng tới.

[nguồn: Hình 2 & 3 YouTuber/@phamminhnhut, ghi chú của Ngô Thế Vinh]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-46.png

Hình 4: Sơ đồ 3 phân đoạn 1.2.3 kênh Funan Techo; phân đoạn (1) màu đỏ dài 20 km nối Sông Mekong Hạ đầu nguồn Sông Tiền với Sông Bassac, phân đoạn (2) màu trắng dài 30 km là một khúc Sông Bassac, phân lưu thứ hai của Sông Mekong đầu nguồn Sông Hậu, phân đoạn (3) màu đỏ dài 130 km nối Sông Bassac với tỉnh duyên hải Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan. Ba vòng đen là vị trí 3 âu thuyền (shiplocks) với chức năng thay đổi mực nước của con kênh cho tàu thuyền di chuyển. [nguồn: bản đồ MRC VN, với ghi chú bổ sung của Ngô Thế Vinh]

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KÊNH FUNAN TECHO

Kênh Funan Techo có chiều dài 180 km, đi qua 4 tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep với kinh phí là 1,7 tỷ USD, với dự trù nguồn vốn ban đầu là từ Công ty Cầu Đường Trung Quốc (BRC / Bridge and Road Corporation) thuộc Sáng Kiến Một Vòng Đai và Một Con Đường [BRI / Bridge and Road Initiative]. Nhưng trước làn sóng chỉ trích từ nhiều phía là với Kênh Funan Techo, Cam Bốt sẽ rơi vào bẫy nợ Trung Quốc; nên vào tháng 6/2024 TT Hun Manet trấn an dân chúng rằng 51% vốn sẽ từ các nhà đầu tư Campuchia.

Với con số 1,7 tỷ USD theo nhận định của các chuyên gia cho là quá thấp. Bởi vì qua kinh nghiệm của con Kênh Bình Lục (平 陸 運 河 / Pinglu) của TQ với chiều dài 135 km từ tỉnh Quảng Tây nối sông Châu Giang xuống tới Vịnh Bắc Bộ, kinh phí đã lên tới 10,1 tỷ USD, như vậy kinh phí cho con kênh Funan Techo 180 km phải cao hơn 1,7 tỷ USD rất nhiều!

KS Phạm Phan Long, người sáng lập Việt Ecology Foundation (VEF) có cùng một nhận định, “Kênh Funan Techo có chiều dài như đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville tốn kém kinh phí đã lên tới 2 tỉ USD, nhưng với con kênh rộng hơn gấp 3 tới 4 lần. Cấu trúc con kênh phải được thiết kế sao cho có thể chịu được áp suất của nước và sự dao động do di chuyển của những con tàu trọng tải tới 5.000 DWT. Sức chứa nặng như thế đòi hỏi con kênh phải có một đáy vững chắc hơn mặt đường cao tốc.” KS Phạm Phan Long nói thêm, một con kênh tương tự bên Trung Quốc chỉ với chiều dài hơn 100 km cần kinh phí lên tới hơn 10 tỷ USD để xây dựng, như vậy con số 1,7 tỷ USD là quá thấp”.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-47.png

Hình 5: Kênh Bình Lục ( / Pinglu) của TQ với chiều dài 135 km từ tỉnh Quảng Tây nối sông Châu Giang xuống tới Vịnh Bắc Bộ, kinh phí lên tới 10,1 tỷ USD, như vậy kinh phí cho con kênh Funan Techo chiều dài 180 km chắc chắn phải cao hơn 1,7 tỷ USD rất nhiều. [nguồn: Bộ Giao Thông Vận tải Quảng Tây, ghi chú của Ngô Thế Vinh]

Con kênh sẽ nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh duyên hải Kep. Bắt đầu từ con kênh Takeo nối với Sông Mekong Hạ (Lower Mekong / thượng nguồn Sông Tiền) qua Prek Ta Ek, Prek Ta Hing, nối với Sông Bassac, một phân lưu khác của Sông Mekong / Sông Bassac thượng nguồn Sông Hậu) đi qua 4 tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep, và cuối cùng chảy ra Vịnh Thái Lan.

Kênh Funan Techo chiều rộng 100 m ở thượng nguồn và 80 m phía hạ nguồn, chiều sâu 5,4m (chiều sâu di chuyển 4,7 m và có khoảng cách an toàn 0,7 m), với hai làn di chuyển ngược chiều nhau với các tàu trọng tải (DWT / deadweight tonnage) 3.000 tấn lên tới 5.000 tấn. Theo dự án ban đầu thì sẽ có 3 âu tàu (shiplocks), lượng nước xả tối đa 3,6 m3/ giây, 11 cây cầu, với 208 km đường biên (sidewalk), cùng với các cơ sở hạ tầng yểm trợ khi cần.

Công trình Funan Techo được chia ra làm 3 phân đoạn [Hình 4]

_ Phân Đoạn Một (20 km): nối dòng chính Sông Mekong Hạ (phân lưu thứ nhất của Sông Mekong / là thượng nguồn Sông Tiền)

_ Phân Đoạn Hai (30 km): con kênh theo dòng chảy tự nhiên của Sông Bassac (phân lưu chính thứ hai của Sông Mekong / thượng nguồn của Sông Hậu)

_ Phân Đoạn Ba (130 km): con kênh đào nối Sông Bassac xuống cảng Kep đổ ra Vịnh Thái Lan.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-48.png

Hình 6: Sông Bassac, một phân lưu chính (distributary) của Sông Mekong, với tàu bè và xà lan tấp nập di chuyển. Một khúc đoạn 30 km của con Sông Bassac này sẽ là phân đoạn 2 của kênh Funan Techo dài 180 km chảy ra vịnh Thái Lan. Sun Chantol khi còn là Bộ trưởng Bộ Công chánh và Giao thông vận tải, từ rất sớm 19.02.2023, đã có sáng kiến: “Chỉ cần đào một đoạn kênh khoảng 7 km nối Sông Bassac với vùng cảng biển Kampot-Kep là chúng ta có một đường thủy vận chuyển hành khách và hàng hóa ra vào Vương quốc Cam Bốt mà không cần phải qua ngả Việt Nam.” Điểm đáng chú ý Phnom Penh Post là một tờ báo gần như duy nhất và hiếm hoi đã gọi đúng tên con Sông Bassac là một “distributary / phân lưu” của Sông Mekong. [source: Phnom Penh Post]

DỰ ÁN FUNAN TECHO ĐÃ PHÓNG ĐI – NHƯNG LIỆU CÓ THỂ HOÀN TẤT NHƯ ĐÃ RẦM RỘ QUẢNG BÁ?

Thật khá ngạc nhiên là chỉ 2 ngày sau lễ động thổ kênh Funan Techo, người ta được đọc một bài báo khác vẫn trên tờ Khmer Times ngày 07.08.2024 với nhan đề: “Dự án Funan Techo đã được phóng đi – nhưng liệu có thể hoàn tất như đã quảng bá”, mà ai cũng biết Khmer Times là một tờ báo thân chính quyền Phnom Penh bấy lâu, nhưng đây là một bài viết “ngược dòng” bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thực hiện dự án vĩ mô này.

Lễ động thổ được tổ chức chu đáo, đã diễn ra rất hoành tráng, và được đánh giá là thành công với hơn 10 ngàn người tham dự tại ngôi làng nhỏ Prek Takeo, huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, dưới sự chủ tọa của Thủ Tướng Samdech Moha Bovathibodi Hun Manet, và Đệ Nhất phu nhân là Bác sĩ Pich Chanmony, cùng sự hiện diện của Nội các gồm các Phó Thủ Tướng và những Bộ Trưởng.

Điểm đáng chú ý là sự vắng mặt của cựu TT Hun Sen, nay đang là Chủ tịch Thượng viện trong lễ hội này – được xem là một chọn lựa khôn ngoan về chính trị và ngoại giao đối với Việt Nam. Khi mà dư luận báo chí ngoại quốc cho rằng “Siêu dự án Funan Techo là chỉ dấu cho thấy Vương quốc Cam Bốt đang xích lại gần hơn với Trung Quốc, đồng thời hạ thấp mối liên kết với Việt Nam. Điều mà ông Hun Sen đã lên tiếng phản bác.

Ai cũng biết Hun Sen gốc Khmer Đỏ, đào ngũ sang Việt Nam và đã được quân đội Việt Nam trợ giúp trong công cuộc lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và sau đó đưa ông lên nắm chính quyền Cam Bốt 38 năm cho tới nay.” [nguồn: Sega 08.05.2024, Bulgarian newspaper]

MỐI LO NGẠI CỦA CƯ DÂN VEN KÊNH

Theo cư dân Khmer làng Prek Takeo, huyện Kien Svay, tỉnh Kandal – nói chung là các nhóm dân chúng sống trong 10 ngàn ngôi nhà thuộc vùng dự án – có lẫn cả người Việt, người Chăm, tuy đã qua gần một tháng sau lễ động thổ, nhưng họ vẫn chưa được hay biết gì về kế hoạch đền bù (compensation) và tương lai tái định cư (resettlement) của họ sẽ ra sao. Nhà cửa của họ rồi ra sẽ bị san bằng và họ không biết sẽ được đưa về đâu. Có tin đồn là giới đầu tư bất động sản đã tìm cách đầu cơ mua đất với giá rẻ của người dân thiếu hiểu biết sống hai bên bờ kênh để sau này sẽ bán lại với giá nhiều lần cao hơn, khiến chính phủ Phnom Penh đã phải ra lệnh ngăn cấm. TT Hun Manet vẫn hứa hẹn là rồi ra, người dân sống hai bên ven kênh sẽ được đền bù thỏa đáng (fair compensation) và họ sẽ được tái định cư giống như với các nhóm cư dân sống quanh dự án đường Cao Tốc Phnom Penh – Sihanoukville trước đây.

Riêng với các cộng đồng ngư dân sống trong vùng Prek Toal quanh Biển Hồ họ tỏ ý lo ngại là con kênh Funan Techo sẽ làm sút giảm thêm lượng nước Sông Mekong chảy ngược vào Biển Hồ qua con Sông Tonlé Sap, mà bấy lâu nay ai cũng biết Biển Hồ đang bị thiếu nước, thiếu cá và trong thực tế chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện về những tác hại môi sinh này.

Khác với tuyên truyền trên truyền thông báo chí, không phải là toàn dân Cam Bốt ủng hộ siêu dự án kênh Funan Techo này, nhưng họ rất sợ bị “ngài Hun Sen” trừng phạt và không dám công khai có tiếng nói. Để giải tỏa mối hoài nghi của dân chúng, TT Hun Manet đã nhiều lần khẳng định dự án kênh Funan Techo là một dự án đầy ý nghĩa, không chỉ phát triển hệ thống hậu cần (logistics), mà còn nhằm thăng tiến lợi ích quốc gia; dự án không làm chúng ta mất đất vì con kênh nằm trong lãnh thổ Cam Bốt, có ranh giới rõ ràng và với hàng triệu người dân Khmer sinh sống trong đó.

TT Hun Manet cho biết, con kênh sẽ được điều hành theo phương thức BOT / Build-Operate-Transfer: xây dựng, vận hành, chuyển giao, có nghĩa là Cam Bốt không vay nợ của Trung Quốc nhưng qua ngả đầu tư tư nhân (private investment). Hun Manet nói thêm, dự án không phải 100% do ngoại quốc sở hữu ám chỉ Trung Quốc, nhưng được các công ty Cambodia nắm giữ 51%. [Khmer Times Fresh News]

NHIỀU MỐI LO NGẠI TỪ PHÍA VIỆT NAM

Kể từ ngày 8 tháng 8 năm 2023, Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong 4 quốc gia (MRC Secretariat) đã nhận được Thông báo (Notification) từ Ủy Ban Mekong Quốc gia Cam Bốt (Cambodia National Mekong Committee) về dự án kênh Funan Techo, với ghi nhận là đã được hình thành “sau 26 tháng khảo sát tính khả thi của dự án” [sic] và dự trù kênh Funan Techo sẽ hoạt động vào năm 2028. Tuy nhiên, trong một phát biểu khác vào tháng 5/2024, TT Hun Manet cho rằng dự án có thể sẽ cần tới 6 năm (2030) để hoàn tất, và giới quan sát cũng có nghi vấn phải chăng là do còn thiếu ngân sách.

Không phải chỉ có 1,6 triệu cư dân Cam Bốt sống hai bên bờ kênh lo âu, dự án Funan Techo đã làm dấy lên rất nhiều mối lo ngại từ phía Việt Nam, nhất là với hơn 20 triệu cư dân ĐBSCL đang sống khốn khó trên ruộng đồng đang thiếu nguồn nước ngọt, cộng thêm nạn nhiễm mặn ngày một trầm trọng hơn.

Phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã ba lần chính thức lên tiếng là, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Cam Bốt theo tinh thần của Hiệp Định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy Hội Sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Chúng tôi mong rằng Cam Bốt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong y Hội Sông Mekong để chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp…”

Việt Nam đã hơn một lần minh định là không phản đối dự án kênh đào Funan Techo, và chỉ yêu cầu Cam Bốt cung cấp thêm thông tin về siêu dự án này cùng với những ảnh hưởng môi sinh xuyên biên giới (Transboundary Environmental Impact Assessment / tsEIA) từ con kênh đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long, trước sau vẫn là nguồn an ninh lương thực của cả nước. [ Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Phạm Thu Hằng 05.05.2024, 09.05.2024, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt 08.08.2024…]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-49.png

Hình 7: Tài liệu MRC, trái, (1) Hiểu biết về Hiệp Định Sông Mekong 1995 và Năm Bước Thủ tục; với phương châm: Đáp ứng Nhu cầu. Duy trì Cân bằng / Understanding the 1995 Mekong Agreement and the Five MRC Procedures / Meeting the need. Keeping the balance; phải, (2) Hướng dẫn Lượng giá ảnh hưởng Xuyên Biên giới trong Lưu vực Dưới Sông Mekong / Guidelines for Transboundary Environmental Impact Assessment in the Lower Mekong River Basin.

Tuy lễ động thổ chính thức là ngày 05.08.2024 nhưng thực ra, khúc đoạn đầu con kênh 20 km (1) nối Sông Mekong Hạ với Sông Bassac đã được chính phủ Cam Bốt âm thầm cho khởi công trước đó nhiều tháng, để tạo một hình hài ban đầu con kênh như trong ngày lễ hội vừa qua.

CÔNG LÝ CHO 20 TRIỆU CƯ DÂN ĐBSCL

Cho dù lễ động thổ 05.08.2024 đã diễn ra như một cơn địa chấn, nhưng cho đến nay qua gần 2 tháng, xem ra “Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”. Với giới am hiểu tình hình vẫn cho rằng, đây mới chỉ là “kết thúc một khởi đầu / the end of the beginning”. Chúng ta vẫn còn thời gian và cơ hội để đòi “Công Lý cho 20 triệu Cư Dân ĐBSCL”, trong khuôn khổ của Hiệp Định Sông Mekong 1995Công Ước Liên Hiệp Quốc 1997.

Những Điều Chính Quyền Việt Nam Cần Làm _ Cần thành lập ngay một Toán Đặc Nhiệm (Task Force) như một Think Tank, bao gồm các chuyên gia môi trường ĐBSCL, các luật gia về bang giao quốc tế. Không khác điều mà người viết đã đề nghị cách đây hai thập niên thành lập một Phân Khoa Mekong nơi Đại Học Cần Thơ

_ Cần “châu thổ hóa / deltazation” các thành viên của Ủy ban Quốc gia Mekong Việt Nam, bằng những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm sinh ra và lớn lên nơi ĐBSCL. Đây cũng là điều mà Ủy hội Quốc tế Sông Mekong đã làm từ 2016, khi họ “lưu vực hóa / ripanization” các Chủ tịch / CEO của Ban Thư ký MRC bằng những chuyên gia người bản địa.

_ Cần có ngay Tùy viên Môi sinh nơi các tòa đại sứ hay lãnh sự quán 6 quốc gia Mekong, để kịp thời phát hiện và theo dõi từ rất sớm những biến động trên Sông Mekong trên toàn lưu vực, thay vì thụ động trước những thông tin muộn màng như hiện nay, luôn luôn đặt Việt Nam “trước một sự đã rồi”.

CĂN BẢN PHÁP LÝ MRC

Điểm pháp lý cơ bản cần nhấn mạnh là: kênh Funan Techo không lấy nước từ một phụ lưu (tributary) – như Thông Báo của Ủy ban Quốc gia Mekong Cam Bốt mà lấy nước từ hai dòng chính (distributaries) Sông Mekong, cũng là đầu nguồn của hai con Sông Tiền, Sông Hậu – vốn là mạch sống (Life Line) của hơn 20 triệu cư dân ĐBSCL, Việt Nam. Theo tinh thần Hiệp Định Sông Mekong 1995 Cam Bốt là một trong bốn thành viên đã ký kết, khi lấy nước ra khỏi dòng chính Sông Mekong, họ có nghĩa vụ phải thực hiện các điều khoản được quy định trong Hiệp Định Sông Mekong 1995, nhưng ngay từ đầu chính phủ Phnom Penh đã tỏ thái độ bất hợp tác, dứt khoát từ chối không làm – đó là một vi phạm nghiêm trọng đối với Hiệp Định Sông Mekong 1995Cam Bốt chính thức là một trong số bốn thành viên của Ủy Hội Sông Mekong (MRC).

Các Điều Khoản 5, 6, 7, trong Hiệp Định Sông Mekong 1995:

ĐIỀU 5: Sử dụng nước công bằng và hợp lý; ĐIỀU 6: Duy trì dòng chảy trên dòng chính; ĐIỀU 7: Ngăn ngừa và ngừng ảnh hưởng có hại.

Sử dụng nước trong lưu vực cần phải tham vấn trước để đi đến thỏa thuận trong Ủy ban Liên hợp. Bất kỳ dự án chuyển nước ra khỏi dòng chính Sông Mekong ra ngoài lưu vực, làm thay đổi dòng chảy, cần phải thực hiện quy trình PNPCA được quy định rõ ràng trong Hiệp định Sông Mekong 1995: Thông Báo Trước / Prior Notification – Tham Vấn Trước / Prior Consultation – và Thỏa thuận / Agreement, được Ủy ban Liên hợp nhất trí đồng ý cụ thể cho từng dự án trước khi tiến hành chuyển nước như đã đề xuất. Do dự án kênh Funan Techo lấy nước từ cả hai dòng chính Sông Mekong, Cam Bốt có nghĩa vụ phải thi hành thủ tục 3 bước PNPCA này. Khi có bằng chứng rõ ràng về một công trình đang gây ra các thiệt hại đáng kể cho một hoặc nhiều quốc gia ven sông khác, thì quốc gia sở tại đó phải ngừng ngay nguyên nhân gây hại đó cho tới khi dự án được chỉnh sửa.

CHIẾN LƯỢC BA BƯỚC ĐÒI CÔNG LÝ CHO 20 TRIỆU CƯ DÂN ĐBSCL

_ Bước thứ nhất: với Ban Thư Ký và Ủy ban Liên hợp MRC

Ban Thư ký MRC là nơi đã nhận Thông Báo của Campuchia về Dự án Funan Techo từ ngày 08.08.2023. Đây là cơ quan thường trực được đặt dưới sự giám sát của Ủy ban Liên hợp MRC bao gồm một ủy viên của mỗi quốc gia thành viên, có chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng về hành chính và kỹ thuật. Ủy ban Liên hợp thực hiện các quyết định và chỉ đạo của Hội đồng Bộ Trưởng, trong quy hoạch phát triển lưu vực, giám sát hoạt động của Ban Thư ký và vận động tài trợ.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-50.png

Hình 8: trái, TS Anoulak Kittikhoun, CEO của Ban Thư ký MRC hiện nay, nhiệm kỳ 2022-2024. TS Anoulak Kittikhoun, là người Lào đầu tiên và là người bản địa (riparian) thứ ba giữ chức vụ này. [Hai người kia theo thứ tự trước sau, là TS Phạm Tuấn Phan, Việt Nam 2016-2018, TS An Pich Hatda, Cambodia 2019-2021]. Với trình độ học vấn và nhiều năm kinh nghiệm hoạt động dày dạn như vậy, TS Anoulak được nhiều người kỳ vọng trong vị trí lãnh đạo Ban Thư ký MRC; phải, Trụ sở MRC tại Thủ đô Vientiane.

Với thời gian đã qua hơn một năm, kể từ ngày nhận được Thông Báo của Ủy ban Mekong Quốc gia Cam Bốt 08.08.2023, tiến trình làm việc và trao đổi giữa Ban Thư ký và Ủy ban Liên hợp với phía đối tác Cam Bốt đã không đạt kết quả cụ thể nào, khi mà thẩm quyền quyết định chính về con kênh Funan Techo là Phó Thủ tướng Sun Chanthol, kiêm Đệ nhất Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển Cam Bốt.

_ Bước thứ hai: với cấp Hội Đồng Bộ Trưởng MRC

Bước thứ nhất với Ban Thư ký và Ủy ban Liên hợp coi như đã thất bại, trong trường hợp bế tắc như vậy, Bước thứ 2 là trách nhiệm của cấp thẩm quyền cao hơn, đó là Hội đồng Bộ Trưởng MRC gồm một ủy viên cấp Bộ Trưởng từ mỗi quốc gia thành viên, thường là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, có chức năng chỉ đạo, đề ra các chính sách, và thúc đẩy hợp tác và thực hiện Hiệp định Sông Mekong 1995.

Nhưng trong trường hợp quá đặc biệt như hiện nay, có lẽ phải cần tới một Phó Thủ tướng đồng cấp với Phó TT Sun Chanthol của Cam Bốt, người được xem như đang chi phối toàn bộ dự án kênh Funan Techo. Phía Việt Nam, trên danh sách đại diện thường trực của Việt Nam trong Hội đồng Bộ trưởng vẫn là tên ông Trần Hồng Hà, hiện là Phó Thủ tướng tuy không còn là Bộ trưởng TN&MT, mới giữ chức vụ này là ông Đỗ Đức Duy nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Báy. Trong cuộc đấu tranh pháp lý giai đoạn này, khả năng “kỹ trị” của cấp lãnh đạo là quan trọng chứ đây không thuần là một nhiệm vụ chính trị.

Dĩ nhiên đi cùng với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng TN&MT là một “Toán Đặc Nhiệm / Task Force” đầy khả năng, dày dạn về chuyên môn sông ngòi và am tường về luật pháp quốc tế, có khả năng ứng phó với mọi tình huống.

Dự trù rằng khi vấn đề kênh Funan Techo sẽ được khai thông ở cấp Hội đồng Bộ trưởng, đạt được một sự đồng thuận trong Tinh thần của Hiệp định Sông Mekong 1995.

Trong trường hợp tệ hại nhất (worst scenario), là Bước thứ hai này vẫn bế tắc, trước nguy cơ Hiệp định Sông Mekong 1995 bị Cam Bốt phá vỡ, vạn bất đắc dĩ Việt Nam phải thi hành thêm một Bước thứ ba, đưa vấn đề Funan Techo ra trước Tòa Án Quốc Tế dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về sử dụng các nguồn nước quốc tế.

_ Bước thứ ba: Tòa Án Quốc Tế / International Court of Justice và Công Ước Liên Hiệp Quốc 1997 / UN Convention 1997

Công Ước Liên Hiệp Quốc 1997 với tên gọi đầy đủ là Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về sử dụng các nguồn nước quốc tế với mục đích phi giao thông (non-navigational) là một khung pháp lý cho các hoạt động sử dụng nguồn nước liên quốc gia. Với các nguyên tắc chung cơ bản của luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia bao gồm: (1) Sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế; (2) Không gây hại trong việc sử dụng các nguồn nước quốc tế và (3) Nghĩa vụ hợp tác trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế.

Mekong là con Sông Quốc tế (International River) lớn thứ 11 trên thế giới chảy qua 7 quốc gia kể cả Tây Tạng*, Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia, và Việt Nam.

Riêng bốn quốc gia hạ lưu Lào, Thái Lan, Cam Bốt, và Việt Nam đều là thành viên của Ủy Hội Sông Mekong (MRC) đã cùng nhau thỏa thuận và ký kết Hiệp Định Sông Mekong 1995.

Các nguyên tắc này đều được quy định trong Hiệp Định Sông Mekong 1995 và trong Công ước Liên Hiệp Quốc 1997. Riêng với Hiệp định Mekong 1995 mà trong đó cả Cambodia và VN đều là thành viên nên có tính ràng buộc về mặt pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế nên cả hai quốc gia này phải có nghĩa vụ tuân thủ – điển hình là ứng dụng cho quy tắc ứng xử đối với dự án kênh đào Funan Techo.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-51.png*

Hình 9: trái, Trụ sở Tòa án Quốc tế / ICJ thuộc Liên Hiệp Quốc, cơ quan LHQ duy nhất không có trụ sở ở New York, mà tại Cung Hòa Bình (Peace Palace), Hague, Hòa Lan. ICJ hoạt động từ 1947, cho tới ngày 13.11.2023, đã xử 191 vụ kiện tụng; phải, phù hiệu chính thức của International Court of Justice.

Đòi công lý cho 20 triệu cư dân ĐBSCL phải là nghĩa vụ của nhà nước CS Việt Nam trước lịch sử, không thể khác.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, câu nói của GS Hoàng Xuân Hãn năm 1974, sau khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm, trong tình cảnh Việt Nam đang bị chia cắt và Nam Bắc phân tranh: “Một gương sáng lịch sử là mỗi khi thế nước suy hèn vì chia rẽ và nội loạn thì mỗi khi lân bang lấn cõi. Ngày nay vụ Hoàng Sa bị chiếm là triệu chứng cụ thể gây nên bởi sự bất hoà của nhân dân ta tuy rằng nhiều chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt”. [Hoàng Xuân Hãn, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng [2000], XV, tr. 364]

NGÔ THẾ VINH

California, 08.08.2023 – 23.09.2024

*Những bài viết liên quan:

1/ Từ đế chế Phù Nam Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của Vương quốc Cam Bốt. Ngô Thế Vinh https://vietecologypress.blogspot.com/2023/10/tu-e-che-phu-nam-khmer-toi-con-kenh.html

2/ Phù Nam Con Kênh Lịch sử và những bước tiến hành dự án giữa triều đại Cha và Con. Ngô Thế Vinh  https://vietecologypress.blogspot.com/2023/11/phu-nam-techo-con-kenh-lich-su-va-nhung.html

3/ RFA Phỏng vấn BS Ngô Thế Vinh về Kênh Funan và Đồng Bằng Sông Cửu Long

https://vietecologypress.blogspot.com/2023/12/rfa-phong-van-bs-ngo-vinh-ve-kenh-funan.html

4/ Dự án Kênh Đào Funan Techo Ứng Xử Giữa Việt Nam và Cam Bốt Cảnh Đồng Sàng Dị Mộng. Ngô Thế Vinh https://vietecologypress.blogspot.com/2024/04/du-kenh-ao-funan-techo-ung-xu-giua-viet.html

5/ Chuông Nguyện Hồn Ai, Ngày 5 Tháng 8 Năm 2024 Lễ Động thổ Kênh Funan Techo https://vietecologypress.blogspot.com/2024/07/chuong-nguyen-hon-ai-ngay-5-thang-8-nam.html

This image has an empty alt attribute; its file name is image-52.png

BS Ngô Thế Vinh, tác giả hai cuốn sách: Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng [2000] Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch [2007] và nhiều bài khảo luận liên quan tới các vấn đề môi sinh và phát triển Lưu vực sông Mekong và ĐBSCL. Đây là bài viết thứ 6 liên quan tới Dự án Kênh đào Funan Techo đã được khởi công từ ngày 05.08.2024. (Hình tác giả đang băng qua Biển Hồ, tới khu Bảo Tồn Sinh Thái Tonlé Sap).

 

Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam phản đối việc bắt giam Trương Huy San (còn gọi là Huy Đức)

Ngày 20.09.2024

Kính gửi:

Ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội

Đồng kính gửi:

Bà Mary Lawlor, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tình trạng của những Người Bảo vệ Nhân quyền

Bà Irene Khan, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tự do Ngôn luận và Biểu đạt Ý kiến

Tiến sĩ Matthew Gillett, Chủ tịch-Báo cáo viên Nhóm Công tác của Liên Hợp Quốc về Giam giữ Tuỳ tiện

Đại sứ quán các nước tại Hà Nội

Kính thưa quý vị,

Chúng tôi, gồm những học giả, nhà báo, viên chức ngoại giao, và nhà nghiên cứu luôn quan tâm đến Việt Nam, qua thư này bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc ông Trương Huy San, bút danh Huy Đức, nhà văn, sử gia và phóng viên điều tra nổi tiếng, bị bắt giam. Ngoài công việc học thuật và báo chí, ông Huy Đức rất được ngưỡng mộ vì các hoạt động bảo vệ môi trường và nỗ lực cổ vũ hoà giải sau chiến tranh Việt Nam.

Theo các bản tin của truyền thông Nhà nước, ông Huy Đức đã bị công an bắt giam ngày 1.6.2024 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước,” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự. Trong ba tháng đầu kể từ khi bị bắt, ông không được phép gặp luật sư và thân nhân; công luận hết sức lo lắng về tình trạng của ông.

Do không có thông tin chính thức về lý do cụ thể ông Huy Đức bị bắt giam, nhiều người phỏng đoán rằng ông bị bắt vì những bình luận ông đăng tải trên các mạng xã hội về đường hướng chính trị của Việt Nam. Song hiến pháp Việt Nam qui định rõ ràng rằng công dân có quyền khiếu nại, tố cáo các cơ quan Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền (Hiến pháp Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tu chính năm 2013, Điều 30). Hiến pháp cũng bảo đảm rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (Điều 25). Vì đây chính là những quyền ông Huy Đức đã thực thi, do đó lẽ ra ông không nên bị bắt hoặc bị giam giữ.

Việc ông Huy Đức tiếp tục bị tạm giam cũng là điều sai trái. Sau hơn ba tháng tù giam, ông chưa bị truy tố và cũng chưa bị kết luận phạm bất kỳ tội gì. Hiến pháp Việt Nam qui định rằng một người có thể đã phạm tội cũng vẫn được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội trước

tòa án (Điều 31). Những quyền này cũng được khẳng định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, mà chính quyền nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức chuẩn thuận. Hơn nữa, Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ và áp dụng Tuyên ngôn này.

Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ những điều khoản của hiến pháp Việt Nam và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, và trả tự do cho ông Huy Đức ngay lập tức.

Chúng tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt các hành động sách nhiễu, đe doạ hoặc ngược đãi dưới mọi hình thức những người phát biểu ý kiến và thể hiện quan điểm một cách ôn hoà.

Danh sách người ký:

Số thứ tựTên họLiên kếtNơi cư trú
1David AbelBoston GlobeMỹ
2Brett AndersonNew York TimesMỹ
3Chris ArnoldNational Public RadioMỹ
4Michitake AsoĐại học Albany-SUNYMỹ
5Jen BalderamaThe AtlanticMỹ
6Thomas A. BassĐại học Albany-SUNYMỹ
7Katrin BennholdNew York TimesĐức
8David BiggsĐại học California, RiversideMỹ
9David BrownNhà báo độc lập, viên chức ngoại giao hưu tríMỹ
10Bùi Văn PhúNhà giáo, nhà báoMỹ
11Cari CoeĐại học Bang MontanaMỹ
12Michael Robert DedrickCựu binh vì hoà bình – Mỹ, chi hội 92 Daniel EllsbergMỹ
13Đỗ Thị Thanh ThủyĐại học Simon FraserCanada
14Đỗ Tuyết KhanhTổ chức Thương Mại Thế giới (WTO)Thụy Sĩ
15Olga DrorĐại học Texas A&MMỹ
16Thai DuongKhông liên kếtMỹ
17George DuttonĐại học California, Los AngelesMỹ
18Wynn Gadkar-WilcoxĐại học Miền Tây Bang ConnecticutMỹ
19         Christoph GiebelĐại học Washington, Seattle                          Mỹ
20         Christopher GoschaĐại học Québec, Montréal                                                                        Canada
21         François GuillemotTrung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia    Pháp
22         Hà Dương TườngĐai học Công nghệ Compiègne                      Pháp
23         Eva HanssonĐại học Stockholm                                                                        Thụy Điển
24         Bill HaytonNhà nghiên cứu độc lập                      Vương quốc Anh
25         Judith HenchyĐại học Washington                                       Mỹ
26         Eric HenryĐại học Bắc Carolina, Chapel Hill                 Mỹ
27         Tuan HoangĐại học Pepperdine                                        Mỹ
28         Alec HolcombeĐại học Ohio, Athens                                     Mỹ
29         R. Kyle HörstKhông liên kết                                                Mỹ
30         Janet Alison HoskinsĐại học Miền Nam California                        Mỹ
31         Hue-Tam Ho TaiĐại học Harvard                                             Mỹ
32         Rob HurleĐại học Quốc gia Úc                                       Úc
33         Michele JanetteĐại học Bang Kansas                                      Mỹ
34         Charles KeithĐại học Bang Michigan                                  Mỹ
35         Kristy KellyĐại học Drexel                                                Mỹ
36         Benedict J. Tria KerkvlietĐại học Quốc gia Úc                                       Mỹ
37         John KleinenViện Nghiên cứu Khoa học Xã hội                                                                        Hả Lan Amsterdam
38         Gary KulikNhà học giả độc lập                                        Mỹ
39         Scott LadermanĐại học Minnesota, Duluth                             Mỹ
40         Chong-ae LeeSeoul Broadcasting System                             Hàn Quốc
41         Christian C. LentzĐại học Bắc Carolina, Chapel Hill                 Mỹ
42         Ann Marie LeshkowichĐại học Holy Cross                                         Mỹ
43         Martha LincolnĐại học San Francisco                                    Mỹ
44         Ann Marie LipinskiNieman Foundation for Journalism               Mỹ tại Đại học Harvard
45         Borje LjunggrenViện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế                                                                        Thụy Điển Thụy Điển
46         David G. MarrĐại học Quốc gia Úc                                       Úc
47         Shawn McHaleĐại học George Washington                          Mỹ
48         Andre MenrasNhà văn, nhà làm phim                                   Pháp
Edward MillerAnthony MorrealeNgô Quang HưngNguyễn ĐiềnĐại học Dartmouth                                         Mỹ Đại học California, Berkeley                          Mỹ RelationalAI Inc                                              Mỹ Nhà nghiên cứu độc lập                                  Úc
53         Hiep NguyenBộ Biến đổi Khí hậu, Năng lượng, Môi         Úc trường, và Nước, Bang New South Wales
54         Nguyễn Ngọc GiaoĐại học Paris VII, Denis Diderot                    Pháp
55         Nguyễn Nguyệt CầmĐại học California, Berkeley                          Mỹ
56         Nguyễn Quang ADiễn đàn Xã hội Dân sự                                  Việt Nam
57         Nguyễn-Khoa Thái AnhĐại học Evergreen Valley, San José               Mỹ
58         Nguyễn Xuân LongĐại học Michigan                                           Mỹ
59         Van Nguyen-MarshallĐại học Trent                                                                        Canada
60         Thu-huong Nguyen-voĐại học California, Los Angeles                    Mỹ
61         Betsy O’DonovanĐại học Miền Tây Washington                      Mỹ
62         Finbarr O’ReillyNieman 2013 tại Đại học Harvard                                                                        Ireland
63         Patricia PelleyĐại học Công nghệ Texas                               Mỹ
64         Phạm Thị HoàiNhà văn, nhà báo độc lập                                Đức
65         Harriet M. PhinneyĐại học Seattle                                              Mỹ
66         Sophie Quinn-JudgeĐại học Temple                                              Mỹ
67         Seb RumsbyĐại học Birmingham                          Vương quốc Anh
68         Mark SidelĐại học Wisconsin, Madison                         Mỹ
69         Jeff ShawĐại học Miền Tây Washington                      Mỹ
70         Jerry Mark SilvermanNhà nghiên cứu độc lập                                  Mỹ
71         Jane SpencerThe Guardian                                                 Mỹ
72         Balazs SzalontaiĐại học Hàn quốc, Khu học xá Sejong           Hàn Quốc
73         Keith Weller TaylorĐại học Cornell                                              Mỹ
74         Thái Văn CầuNhà nghiên cứu độc lập                                  Mỹ
75         Stein TønnessonViện Nghiên cứu Hòa bình Oslo                    Na Uy
76         Trần Hải HạcĐại học Paris XIII                                           Pháp
77         Hanh TranĐại học California, Berkeley                          Mỹ
78         Nhung Tuyet TranĐại học Toronto                                                                        Canada
79         Qui-Phiet TranĐại học Schreiner                                           Mỹ
80         Richard TranĐại học California, Berkeley                          Mỹ
81         Van Bich TranĐại học TempleMỹ
82         Beauregard TrompBiên tập viênNam Phi
83         Allison TruittĐại học TulaneMỹ
84         Vũ Quang ViệtLiên Hiệp QuốcMỹ
85         Alex-Thai Dinh VoĐại học Công nghệ TexasMỹ
86        Hao-Nhien Q. VuĐại học CoastlineMỹ
87         Tuong VuĐại học OregonMỹ
88         Vũ-Đức VượngTrồng NgườiMỹ
89         Joerg WischermannViện Nghiên cứu Châu ÁĐức
90         Linda J. YarrĐại học Colorado, BoulderMỹ
91         Peter B. ZinomanĐại học California, BerkeleyMỹ

Ghi chú: Những chữ in nghiêng trong cột “Liên kết” chỉ các phương tiện truyền thông.

Nguồn: https://www.diendan.org/the-gioi/thu-ngo-gui-cac-nha-lanh-dao-viet-nam-phan-doi-viec-bat-giam-truong-huy-san-huy-duc/Thu%20ngo%20ve%20Huy%20Duc%2020.09.2024.pdf

Open Letter to Vietnam’s Leaders to Oppose the Imprisonment of Trương Huy San (also known as Huy Đức)

20 September 2024

General Secretary and President Tô Lâm Prime Minister Phạm Minh Chính

National Assembly Chairman Trần Thanh Mẫn

Cc:

Ms. Mary Lawlor, UN Special Rapporteur on Human Rights Defenders

Ms. Irene Khan, UN Special Rapporteur on Freedom of Expression and Opinion Dr. Matthew Gillett, Chair-Rapporteur, UN Working Group on Arbitrary Detention Foreign Embassies in Hanoi

Dear Honorable Sirs and Madams:

We write as academics, journalists, diplomats, and researchers with an enduring interest in Vietnam to express our serious concern about the detention of Trương Huy San also known as Huy Đức, a prominent writer, historian, and investigative reporter. In addition to his scholarship and journalism, Huy Đức is widely admired for his environmental activism, and his efforts to promote post-Vietnam War reconciliation.

According to reports in state media, the police arrested Huy Đức on June 1, 2024 under Article 331 of the Vietnamese penal code for “abusing rights of freedom and democracy to infringe upon the interests of the state.” He was not permitted contact with lawyers or family members during the three months following his arrest. Public concern about his condition is intense.

In the absence of an official explanation for why precisely Huy Đức has been detained, many people have speculated that his arrest was triggered by comments he posted on social media about the political direction of the country. But Vietnam’s Constitution explicitly protects citizens’ rights to lodge complaints against state agencies and individual authorities (Constitution of the Socialist Republic of Vietnam [revised 2013], Article 30). The Constitution also guarantees citizens’ rights to freedom of speech and the press (Article 25).

Since these are the very rights that Huy Đức is exercising, he should not have been arrested or detained.

It is also wrong that Huy Đức is still in jail. After more than three months of imprisonment, he has neither been prosecuted nor convicted of any crime. Vietnam’s Constitution stipulates that someone who may have committed a crime is presumed innocent until proven guilty in a court of law (Article 31).

These rights are also stated in the United Nations Declaration of Human Rights, which the Socialist Republic of Vietnam’s government has formally endorsed. Indeed, Vietnam is now a

member of the United Nations Human Rights Council that supports and administers that Declaration.

We call on the Vietnamese governmsent to abide by the provisions of its constitution and the international treaties that it has signed and release Huy Đức immediately.

We also strongly urge the government to stop harassing, intimidating, or otherwise persecuting persons who peacefully express their views or opinions.

Signed:

No.NameAffiliationCountry of Residence
1David AbelBoston GlobeUSA
2Brett AndersonNew York TimesUSA
3Chris ArnoldNational Public RadioUSA
4Michitake AsoUniversity at Albany-SUNYUSA
5Jen BalderamaThe AtlanticUSA
6Thomas A. BassUniversity at Albany-SUNYUSA
7Katrin BennholdNew York TimesGermany
8David BiggsUniversity of California, RiversideUSA
9David BrownIndependent journalist, retired diplomatUSA
10Bùi Văn PhúTeacher, journalistUSA
11Cari CoeMontana State UniversityUSA
12Michael Robert DedrickVeterans for Peace USA Daniel Ellsberg Chapter 92USA
13Đỗ Thị Thanh ThủySimon Fraser UniversityCanada
14Đỗ Tuyết KhanhWorld Trade OrganizationSwitzerland
15Olga DrorTexas A&M UniversityUSA
16Thai DuongUnaffiliatedUSA
17George DuttonUniversity of California, Los AngelesUSA
18Wynn Gadkar-WilcoxWestern Connecticut State UniversityUSA
19Christoph GiebelUniversity of Washington, SeattleUSA
20Christopher GoschaUniversité du Québec à MontréalCanada
21François GuillemotCentre national de la recherche scientifique, LyonFrance
22Hà Dương TườngUniversité de Technologie de CompiègneFrance
23Eva HanssonStockholm UniversitySweden
24Bill HaytonIndependent researcherUK
25Judith HenchyUniversity of WashingtonUSA
26Eric HenryUniversity of North Carolina, Chapel HillUSA
27Tuan HoangPepperdine UniversityUSA
28Alec HolcombeOhio University, AthensUSA
29R. Kyle HörstUnaffiliatedUSA
30Janet Alison HoskinsUniversity of Southern CaliforniaUSA
31Hue-Tam Ho TaiHarvard UniversityUSA
32Rob HurleAustralian National UniversityAustralia
33Michele JanetteKansas State UniversityUSA
34Charles KeithMichigan State UniversityUSA
35Kristy KellyDrexel UniversityUSA
36Benedict J. Tria KerkvlietAustralian National UniversityUSA
37John KleinenAmsterdam Institute for Social Science ResearchNetherlands
38Gary KulikIndependent scholarUSA
39Scott LadermanUniversity of Minnesota, DuluthUSA
40Chong-ae LeeSeoul Broadcasting SystemRepublic of Korea
41Christian C. LentzUniversity of North Carolina, Chapel HillUSA
42Ann Marie LeshkowichCollege of the Holy CrossUSA
43Martha LincolnSan Francisco State UniversityUSA
44Ann Marie LipinskiNieman Foundation for Journalism at Harvard UniversityUSA
45Borje LjunggrenSwedish Institute of International AffairsSweden
46David G. MarrAustralian National UniversityAustralia
47Shawn McHaleGeorge Washington UniversityUSA
48Andre MenrasAuthor, movie makerFrance
49Edward MillerDartmouth CollegeUSA
50Anthony MorrealeUniversity of California, BerkeleyUSA
51Ngô Quang HưngRelationalAI IncUSA
52Nguyễn ĐiềnIndependent researcherAustralia
53Hiep NguyenDept. of Climate Change, Energy, Environment & Water, NSWAustralia
54Nguyễn Ngọc GiaoUniversité Paris VII, Denis DiderotFrance
55Nguyễn Nguyệt CầmUniversity of California, BerkeleyUSA
56Nguyễn Quang ACivil Society ForumVietnam
57Nguyễn-Khoa Thái AnhEvergreen Valley College, San JoséUSA
58Nguyễn Xuân LongUniversity of MichiganUSA
59Van Nguyen-MarshallTrent UniversityCanada
60Thu-huong Nguyen-voUniversity of California, Los AngelesUSA
61Betsy O’DonovanWestern Washington UniversityUSA
62Finbarr O’ReillyNieman 2013 at Harvard UniversityIreland
63Patricia PelleyTexas Tech UniversityUSA
64Phạm Thị HoàiIndependent writer, journalistGermany
65Harriet M. PhinneySeattle UniversityUSA
66Sophie Quinn-JudgeTemple UniversityUSA
67Seb RumsbyUniversity of BirminghamUK
68Mark SidelUniversity of Wisconsin-MadisonUSA
69Jeff ShawWestern Washington UniversityUSA
70Jerry Mark SilvermanIndependent researcherUSA
71Jane SpencerThe GuardianUSA
72Balazs SzalontaiKorea University, Sejong CampusRepublic of Korea
73Keith Weller TaylorCornell UniversityUSA
74Thái Văn CầuIndependent researcherUSA
75Stein TønnessonPeace Research Institute OsloNorway
76Trần Hải HạcUniversité Paris XIIIFrance
77Hanh TranUniversity of California, BerkeleyUSA
78Nhung Tuyet TranUniversity of TorontoCanada
79Qui-Phiet TranSchreiner UniversityUSA
80Richard TranUniversity of California, BerkeleyUSA
81Van Bich TranTemple UniversityUSA
82Beauregard TrompEditorSouth Africa
83Allison TruittTulane UniversityUSA
84Vũ Quang ViệtUnited NationsUSA
85Alex-Thai Dinh VoTexas Tech UniversityUSA
86Hao-Nhien Q. VuCoastline CollegeUSA
87Tuong VuUniversity of OregonUSA
88Vũ-Đức VượngTrồng NgườiUSA
89Joerg WischermannInstitute for Asian StudiesGermany
90Linda J. YarrUniversity of Colorado, BoulderUSA
91Peter B. ZinomanUniversity of California, BerkeleyUSA

Note: Italicized affiliations are news media.

Nguồn: https://www.diendan.org/the-gioi/thu-ngo-gui-cac-nha-lanh-dao-viet-nam-phan-doi-viec-bat-giam-truong-huy-san-huy-duc/Open%20letter%20regarding%20Huy%20Duc%2020.09.2024%20final.pdf

Thương tiếc nhà văn hóa Nguyễn Đình Đầu

Nhà văn hóa Nguyễn Đình Đầu đã rời bỏ trần gian ngày hôm qua 20-9-2024, lúc 12g50, đại thọ 102 tuổi.

Linh cữu quàn tại tư gia, 77 Thủ Khoa Huân, quận 1, TP HCM. Thánh lễ an táng sẽ tiến hành lúc 6g30 ngày 23-9-2024 tại Thánh đường Giáo xứ Huyện Sỹ, 1 Tôn Thất Tùng, quận 1, TP HCM. Linh cữu sẽ hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Xin nguyện cầu linh hồn Cụ sớm hưởng nhan thánh Chúa.

Văn Việt