Tinh thần đại học

Nguyễn Phượng

I.

Hồi GS Nguyễn Đăng Mạnh bị người ta làm phiền về bản thảo cuốn Hồi ký, một hôm mình đến chơi.

Bấm chuông mãi cô Thoại mới ra mở cửa.

Cô bảo nhỏ: "Cứ sợ công an đến bấm chuông. Em đến sao không gọi điện thoại báo trước?".

Mình xin lỗi, nói quên.

Đang chuyện trò bỗng Thầy nói: "Trường đại học thực chất phải là một pháo đài. Một pháo đài tư tưởng bất khả xâm phạm".

Mình bảo: “Người ta bắt trói hết các ngự lâm quân rồi Thầy”.

Thầy im lặng không nói gì nữa.

Mình cũng im lặng.

Cả hai cùng im lặng hồi lâu.

Rồi Thầy tiết lộ chuyện họ hàng, giọng rất nhỏ:

"Mình có một người anh con bác ruột là GS Nguyễn Đăng Thục và một người em con chú ruột là Nguyễn Đăng Quý (nhà văn Mai Thảo) sống và viết ở miền Nam trước đây. Mấy tay đó muốn sống thế nào thì sống, viết thế nào thì viết.

Sướng thế!".

II.

"Tinh thần của Đại học không phải là tinh thần của một kẻ truyền giáo. Chủ trương của tinh thần Đại học là phê phán và sáng tạo. Phê phán là không nhắm mắt thừa nhận những giá trị của truyền thống, đào bới lại nền tảng và đặt lại giới hạn của mỗi giá trị hiện hữu; sáng tạo là tinh thần độc lập toàn diện, không lệ thuộc vào thần quyền, thế quyền, không lệ thuộc vào bất cứ một chủ thuyết nào; người trí thức đại học là kẻ phê phán truyền thống và sáng tạo xã hội; giáo sư Đại học không phải là một kẻ hành nghề trí thức và sinh viên đại học không phải là kẻ thu góp tri thức để tìm một địa vị xã hội hay một địa vị văn hóa. Sinh viên và giáo sư đại học trước tiên phải là những con người sáng tạo, những kẻ phê phán hỗ tương; sinh viên không phải nô lệ vào thẩm quyền trí thức của giáo sư và giáo sư không phải nô lệ vào thẩm quyền hành chánh của tổ chức và cơ quan: mỗi một người là một cá thể độc đáo, tự lựa chọn và tự quyết định chủ hướng tri thức của mình để nhìn thẳng vào sự thật, đi vào thực tại và thoát li ra ngoài mọi ý niệm, mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ, mọi tín điều, mọi tổ chức; bởi vì tất cả ý niệm, chủ thuyết, tín điều, ý thức hệ và tổ chức chỉ là những chướng ngại ngăn chặn sức sáng tạo vô biên của cá thể giải thoát, cá thể tự do, con người thoát li ra ngoài tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức, tự mình làm chủ sinh mệnh mình, điều động đời sống mình trong ý nghĩa mà mình tự sáng tạo cho mình."

(Trích Bản thệ của viện Đại học Vạn Hạnh – Tạp chí TƯ TƯỞNG số 2&3 – Saigon 1968).

clip_image001

III.

Hơn nửa thế kỉ sau đọc lại những dòng trên, tôi, một giảng viên đại học cả trong và ngoài nước sinh ra trong chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa sau 1976 vẫn cứ ngạc nhiên và ngỡ ngàng về giáo dục, văn hóa và xã hội của miền Nam thuộc chế độ Việt Nam cộng hòa đã bị truất phế bằng vũ khí quân sự trước đây.

Chú thêm: Tạp chí TƯ TƯỞNG do Viện Đại học Vạn Hạnh chủ trương và ấn hành. Chủ nhiệm kiêm chủ bút là Thượng tọa Thích Minh Châu.

Comments are closed.