Di Loan

Nguyễn Đức Tùng

image

 

Bạn hỏi: Anh có nhớ gì về nhà thờ Di Loan ở Quảng Trị không? Nhà thờ Di Loan, hay Di Luân, nay không còn nữa, khi xây dựng gần xong, bắt đầu sử dụng, thì xảy ra chiến tranh Việt Pháp, phải bỏ hoang, linh mục coi sóc nhà thờ Cadière bị Nhật bắt giữ năm tháng, sau đó bị Việt Minh giam cầm đến năm 1954, mới được thả. Từ năm 1954, đất nước chia đôi, nhà thờ thuộc miền Bắc, xứ đạo có lẽ bị bỏ hoang, nên trong suốt cuộc chiến tranh hai mươi năm chúng ta không biết gì về nó. Sau năm 1975, hòa bình lập lại, ba tôi đi thăm sông Bến Hải, mang tôi theo, có dừng lại Cửa Tùng là nơi mà thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong cương vị sĩ quan của Đại đoàn Bình Trị Thiên, dưới quyền tướng Trần Quý Hai, ông từng có thời gian đóng quân ở đó. Cửa Tùng là cửa của sông Bến Hải, một trong hai cửa biển lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, Cửa Tùng và Cửa Việt. Cửa Tùng ít người biết hơn nhưng rất đẹp, ở đó có làng Di Loan, nằm kề bên làng Tùng Luật, là một làng nổi tiếng về ca hát, sinh quán của hai nàng Châu Loan ngoài Bắc và Châu Phụng trong Nam, ngâm thơ và hát điệu lý điệu hò đều hay, nhưng Châu Loan nổi tiếng vì theo đuổi nghiệp cầm ca, Châu Phụng lấy chồng ở Huế và thôi không hát nữa. Làng Di Loan là sinh quán của đức cha Lê Hữu Từ, một lãnh tụ công giáo nổi tiếng có tinh thần dân tộc ở vùng Bùi Chu – Phát Diệm. Làng Di Loan là làng đẹp nằm gần biển, bờ Bắc của sông Bến hải, có những ruộng muối lớn, ruộng lúa xanh tươi, nhà cửa vườn tược sinh hoạt nhộn nhịp, ngay chính giữa làng có một nhà thờ lớn với ba quả chuông. Cha chánh xứ còn gọi là cố Cả, linh mục Cadière, thuộc dòng Thừa sai, quản hạt từ năm 1918 đến tháng 3 năm 1945 khi cha bị Nhật bắt giam năm tháng, ngày 19 tháng 12 năm 1946 bị Việt minh bắt đi an trí cho đến 1954 được trả tự do và trở về Huế. Ông là một học giả lừng danh, nghiên cứu sâu về văn hóa Huế, được gọi là nhà Huế học. Trong khuôn viên của nhà thờ là dòng nữ tu Mến Thánh giá, gồm các soeurs sinh hoạt lặng lẽ, dạy các em chữ quốc ngữ, dạy nhạc, dạy nông dân làm muối, nuôi tằm dệt lụa. Làng Di Loan còn nổi tiếng với những lò vôi, cũng như làng Xuân An bên sông Thạch Hãn, cung cấp vật liệu xây nhà, quét tường, vôi ăn trầu. Cửa Tùng là một thắng cảnh, ở đấy người ta còn nhắc nhiều đến những kỷ niệm của vua Duy Tân, mối tình đầu đời thơ mộng của đức vua. Sông Bến Hải xuất phát từ Trường Sơn, dài sáu mươi km, khi chảy qua bến Hiền Lương cũng còn gọi là sông Hiền Lương, sông Hiền Lương chảy qua thôn Xuân Mị phía bờ nam là nơi cha tôi đã đến mở lớp dạy học cho trẻ con trong làng, năm 1953, 1954, trong thời kỳ ông rời bỏ mặt trận Việt Minh sau cuộc cải cách ruộng đất vừa khởi đầu những năm 1953. Xuân Mị bờ Nam, Di Loan bờ Bắc đối diện nhau của sông Bến Hải. Ba tôi thường nhắc đến Xuân Mị, Tùng Luật và Di Loan nơi ông có nhiều kỷ niệm, miền hát hay, gái đẹp, nhiều nghề thủ công. Cửa Tùng chính ra là một phần của làng Tùng Luật. Bờ biển hình vành trăng, bờ cát mịn, cát trắng phau, sóng biển màu xanh biếc gió nồm thổi mát lạnh dọc những hàng dương liễu reo vi vu trong gió, cảnh vật yên tĩnh, thơ mộng, thật thanh bình. Ngoài khơi là hòn đảo nhỏ Cồn Cỏ. Phía Tây là bãi tắm. Đi sâu hơn vào làng mạc sẽ gặp vùng đất đỏ trồng chè và trồng tiêu. Năm 1914 vua Duy Tân ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, năm ấy ngài mười lăm tuổi, đem lòng yêu mến một thiếu nữ xinh đẹp, con của một vị quan, thực tế đã gửi cho cô một đôi bông tai để làm tin, sau này sẽ cưới về làm vợ. Khi vua Duy Tân quyết tâm chống Pháp, ngài cho thu hồi đôi bông tai để gia đình người đẹp khỏi bị liên lụy, câu chuyện ấy còn được truyền tụng trong dân gian nhiều năm về sau.

Mới mấy mươi năm, người già như ba tôi còn nhớ, còn nhắc, mà dấu vết của nhà thờ Di Loan xinh đẹp kỳ vĩ nay không thấy đâu nữa. Tuyệt không. Hay là nó vẫn còn đâu đó, vùi sâu trong cát nóng?

Vùi sâu trong ký ức của chúng ta?

Comments are closed.