Bến Ninh Kiều

Nguyễn Đức Tùng

image

 

Sông Hậu đẹp như một giấc mơ. Tình tứ, đỏ ngầu, hung dữ. Bạn tới đó đêm ba mươi, đã khóc, đã cười, quét sạch dấu vết, đã biến mất, bây giờ dòng sông nhớ lại. Nó chảy chậm khi qua bến Ninh Kiều: tất cả những dòng sông đều chảy chậm khi nhớ lại.

Tôi được người dẫn đường đưa tới bến tàu, chiều tối. Bên kia kìa, cuối bến, cái nhà lợp tôn dài đó, anh có thấy chưa, chỗ đó đó. Người đàn bà đội nón lá kéo sát mặt, đưa tay chỉ, hạ giọng, quày quả bỏ đi: cô ta có nhiều người khác đợi, sau ngõ hẻm. Khu vực bến tàu dài, rộng, nghi ngờ, xám nhạt, thưa người, một con chó hoang lông vàng chạy vụt qua. Tôi bám theo nó, cả hai băng qua đường. Hai chúng tôi nhìn thấy tất cả, không phải thế sao? Chỗ tới là nhà kho quân đội, đông người chờ trong dãy nhà lợp tôn. Nền xi măng, ẩm ướt, không giường, mọi người ngồi trên sàn nhà. Trong một góc có giăng lùng nhùng những lưới đánh cá. Những thùng khô cá, cá cháy, cá éc, cá chạch lấu, cá sửu, cá lòng tong chất cao, ruồi bọ bò lúc nhúc, bốc mùi khét, hôi hám. Mọi người tránh nhìn nhau, nghiêng mặt đi không ai trả lời ai. Tôi nhìn đám dòi bọ lúc nhúc, muốn nôn mửa. Bên cửa sổ lớn kê cái bàn, hai ghế, con dao cắt thịt sáng loáng. Trên trần cao ngọn đèn vàng bật lên chập choạng, không đủ soi mặt người. Cửa sổ nhìn ra đường hiu hắt người đi chợ tết về, quang gánh, giỏ xách. Vài người thuyền chài đi lại bên bờ, chăm chú vào công việc. Một người lính khoác tiểu liên đi qua. Những ngày ấy, người lạ xuất hiện nhiều trong thành phố, lũ lượt thành đoàn. Trên bến sông lác đác thuyền hoa mai, hoa huệ, cúc họa mi, cúc vạn thọ, chưa bán hết đong đưa trên sóng thủy triều. Tôi thu xếp chỗ ngồi dựa tường gần cửa sổ. Những đám dòi bọ bắt đầu di chuyển về phía tôi. Tôi ngắm bầu trời như ngắm lại quá khứ, sáng bạc, rỗng, nghe tiếng pháo nổ đì đẹt ngoài xa, gần cửa sổ có cây muồng vàng hoa nở lấm tấm sáng trong sương đục. Tôi nhìn chúng, lòng rạo rực một niềm vui như thực như ảo. Đầu óc lẫn lộn nhiều câu hỏi. Bạn có muốn sống trên quê hương của bạn không?

Tôi không biết.

Bạn nhớ lại điều gì khi đi xa?

Buổi sáng mùa xuân, thơ ấu.

Có gì trong buổi sáng mùa xuân?

Chim chìa vôi hót.

Khách thị thành mới về quê, trời chưa sáng bọn chim chìa vôi trong vườn đã hót, không cho ngủ được. Trong phòng rộng có khoảng hai trăm người, trẻ con, người già, phụ nữ, thanh niên, nghe giọng biết đến từ nhiều miền, câu chuyện người làm đủ nghề, trí thức, xe ôm, nghệ sĩ, chợ trời, giáo viên, người gốc Hoa Chợ Lớn, Hải Phòng. Một người lính gác mắc võng nằm bên hiên, mặt đỏ ửng, phanh áo ngực, cử động lặng lẽ, anh mở chiếc radio nhỏ, vọng ra tiếng hát chèo, cải lương. Gần tối, những người lính khác đến trải chiếu tụ tập ngoài hiên đánh bài, có người mang lại một chiếc ti vi đen trắng nhỏ bằng trang sách, đặt trên bàn gần cửa sổ, chờ coi bóng đá. Đó là cuộc đấu bóng giải vô địch châu Âu, có hai nhóm khán giả, những người lính ngoài cửa sổ và những người bên trong nhà, cả hai say mê coi thể thao. Đêm tối dần, màn hình đen trắng càng lúc càng rõ, cuộc đá bóng đến hồi gay cấn, tiếng còi trọng tài vọng ra, tiếng xì xào của khán giả trong nhà, không la lớn như thường lệ, nhưng không khí kích động bất ngờ xóa đi cái ảm đạm cuối năm. Tôi chăm chú coi trận bóng, ngửi trong gió mùi hoa muồng vàng, nát.

Tình yêu là gì?

Là một người.

Không. Hơn thế. Là sự khai triển cái tôi của bạn.

Khởi thủy, có một dòng sông. Chúng ta đặt tên cho dòng sông để nhớ một dòng sông. Nhưng dòng sông cũng nhớ lại chúng ta. Chúng ta đặt tên cho một người để nhớ một người. Nhớ lại kẻ điên rồ bỏ đi, đành quên quá khứ, cắt đứt cơ thể, với những ám ảnh về sự chết.

Làm sao để biết bạn làm trái lẽ thường?

Biết tiến mà không biết lui, biết còn mà không biết mất.

Bạn có sợ hãi không? Tiếng pháo nổ vang phố, màn hình ti vi tắt một lúc, bật sáng trở lại. Tất cả làm tôi phấn khích, giữa những người khác, tôi ngồi coi trận bóng đến gần nửa đêm. Mọi người chưa tản đi, như chờ đợi một điều gì. Tôi dợm bước, đổi ý. Trên màn hình xuất hiện người đàn ông thấp, đậm, mặt sáng sủa, bầu bĩnh, đọc diễn văn chúc Tết đồng bào. Tôi nhìn đồng hồ, mười hai giờ đêm, bài diễn văn dài được đọc trơn tru, dài đến nỗi những lời hay ý đẹp trong đó mới đầu được diễn tả gọn ghẽ, về sau trở thành diễn ngôn kỳ lạ như lời cầu hồn. Người đàn ông cúi xuống nhiều lần, ngẩng đầu, nhắc đến thành tích, khó khăn, dặn dò, chúc tết, những con thiêu thân bay rào rào qua cửa sổ dưới ánh điện vàng vọt. Dưới ánh sáng ấy, trong khi lắng nghe diễn văn, tôi cũng nhìn thấy một người đàn ông khác, cao, đi lom khom, khoảng gần sáu mươi, quàng khăn rằn, mặt đen, râu mọc lún phún, khóe mép trễ xuống, đi dép Nhật, một tay cầm cái túi ni lông, một tay cầm bi đông nước. Tôi tò mò nhìn theo. Ông ta cúi xuống trước mặt một cô gái ngồi dán chặt bờ tường, im lặng, có lẽ là con gái, người đàn ông rút từ trong túi ni lông ra một vỉ thuốc, khéo léo bật một viên thuốc nhỏ xíu, kêu tách, lăn đi trên tay, nhét vào miệng nó. Đứa con gái há miệng như một con cá, thật lâu, ngậm miệng lại, ngậm chặt, không vội, ngẫm nghĩ, rồi nuốt. Công việc gọn gàng. Ông ta đến gần một đứa khác, nhỏ tuổi hơn, khoảng mười lăm mười sáu, tiếp tục làm công việc ấy, bật một viên thuốc nhỏ xíu, kêu tách, lăn nó trên tay. Đứa con gái đăm đăm nhìn viên thuốc, há miệng ra hồi lâu, ngậm miệng lại, ngậm chặt, rồi nuốt, có đến bốn hay năm đứa con gái, mỗi đứa một viên thuốc, một hớp nước, một há miệng và ngậm miệng. Bây giờ tôi mới nhìn thấy có nhiều đứa con gái ngồi gần nhau thành một đám, hao hao giống cùng một nhà, chúng im lặng gắng sức uống thuốc, không phản đối, nhưng tỏ ra miễn cưỡng, một đứa bị sặc không uống được, nôn vọt ra, phun cả lên vạt áo sơ mi màu xám của người đàn ông, người đàn ông tức giận, la một tiếng khẽ, lấy trong vỉ thuốc ra một viên khác, bóp miệng nó, nhét vào, đứng nhìn thật lâu để biết chắc viên thuốc đã rơi vào bụng nó. Một đứa con trai chừng bảy hay tám tuổi ngồi gần đó, tôi đoán có lẽ là con trai út, bắt chước các chị nó, xòe bàn tay ra nhận thuốc, người đàn ông phì cười, quên cả giận, đập tay vào tay nó, rồi quay mặt đi, mặt ông tối lại trong bóng tối. Ông ta đi một vòng nữa, để xem xét, rồi quay về chỗ cũ, im lặng ngồi xuống bên người đàn bà mập mạp, có lẽ là vợ, người này khẽ ngồi nhích sang một bên.

Giây phút hiện tại là cánh cửa. Cánh cửa ấy mở vào thế giới mà bạn chọn lựa, vào sự vĩnh cửu mà bạn hướng tới, sự vĩnh cửu không có quan hệ đối đãi, giữa có và không, giữa sáng và tối. Không. Tôi nghĩ tới món quà dị thường mà người cha mang tặng các con, món quà của biển khơi sắp tới, quà tặng của quê hương trước giờ ly biệt. Những viên thuốc ngừa thai. Đó là một giây phút vô cùng kỳ lạ, đến nỗi nhiều năm sau, bạn vẫn còn nhớ lại cùng lúc khuôn mặt của hai người đàn ông, một trong màn hình, một trong cuộc đời, như mặt trời và mặt trăng cắt chéo nhau trong kỳ nhật thực. Không phải bạn nhớ lại hai cái hiện thực ấy, mà nhớ lại các ý tưởng của bạn lúc ấy về chúng. Tim tôi đập mạnh trong bóng tối. Tôi nghe thấy tiếng đập của nó, lumbtak, lumbtak, lumbtak, lumbtak, lumbtak, lumbtak.

Ý nghĩa của tự do?

Tự do không phải là số phận. Tự do là một chọn lựa.

Đó là chọn lựa khó khăn: một nửa nhân loại sẽ nói không với nó.

Ý nghĩa của đời sống?

Trái tim không trả lời, nó đập chậm lại, đều đặn. Ta bận quá, nó nói. Máu, nó nói. Tôi nhìn ra sông. Dòng sông là thời gian. Một thời gian mà tất cả những người có phẩm chất cao quý không thể sống hạnh phúc. Tôi biết tôi cần sống nhẹ nhàng hơn, từ nay. Để sống được nhẹ nhàng hơn trong cuộc đời hung hãn này, bạn cần nhiều can đảm. Để sống nhẹ nhàng hơn, bạn cần tìm cho đời sống này một ý nghĩa, mỗi sự vật một ý nghĩa. Tôi nghe người phát thanh viên nói một điều gì nhưng không nghe rõ, tôi nghe người đàn ông nói với đứa con gái một điều gì nhưng tôi cũng không nghe rõ, tất cả đều như ảo giác. Bạn phải làm tất cả những gì cần thiết trong đời sống, phải ăn, phải ngủ, phải quét dọn, phải chào hỏi, bạn phải làm những thứ lặt vặt ấy, nhưng đừng để chúng làm bạn bận tâm. Trung tâm của đời sống của bạn nằm ở chỗ khác.

Làm thế nào để gặp hiểm nguy mà không tội lỗi?

Tôi nhận ra tính chất thiêng liêng của thời đại này, cùng lúc tính bạo liệt gây chấn thương của nó, nhưng làm sao để kể lại? Thời đại chúng ta thiếu mất cấu trúc của câu chuyện kể. Lúc này đây, tôi chỉ ngồi im lặng, thu người trong khoảng tranh tối tranh sáng giữa năm cũ và năm mới, trước khi ra đi. Ngồi chờ một người khác đến, từ mịt mù, một người mà mỗi khi nghĩ tới ngực tôi đau nhói lên, co thắt lại, tôi ngồi chờ ý nghĩa của sự chờ đợi ấy.

Hãy cho anh sống thêm một ngày nữa, với em.

Nguyễn Đức Tùng

(trong Thuyền)

Comments are closed.