Di sản, tình yêu ‘muôn vị nhân gian’

Lê Học Lãnh Vân

Phim này của đạo diễn Trần Anh Hùng có tựa tiếng Pháp là The Pot Au Feu, một loại thực phẩm chế biến kiểu Pháp trông bề ngoài từa tựa canh thịt, rau của nước ta. Vậy, tựa tiếng Pháp chính là tên một loại thức ăn, tựa tiếng Việt là MUÔN VỊ NHÂN GIAN.

Xem trọn bộ phim, tôi đồng cảm với tựa phim tiếng Việt. Quả thực, phim bày ra bao thức ngon với sự giàu có mùi, vị. Đằng sau những mùi và vị ấy là nhiều tình cảm, suy tư, cách sống và ý nghĩa của cuộc đời trong cõi nhân gian. Một cõi nhân gian được diễn tả trong bối cảnh trước thế chiến thứ nhất, tôi mường tượng cảm nhận như vậy.

Dodin là nhà quý tộc, sở hữu một lâu đài. Eugénie là người nấu bếp của lâu đài đó. Dù là ông chủ, Dodin xắn tay áo cùng nấu bữa ăn với Eugénie, đổ mồ hôi cho từng món ăn tinh tế. Không chỉ cùng đổ mồ hôi khi chuẩn bị cho buổi ăn, sự phối hợp nấu nướng của họ giống màn tung hứng ăn ý những mùi và vị giữa hai nghệ sĩ quá hiểu ý nhau.

Dodin có nhóm bạn trong giới thượng lưu, thường họp nhau thưởng thức và thẩm định các món ăn, tài nấu nướng. Phim có cảnh nhóm ấy tại buổi ăn do Dodin thết đãi. Một nhóm bạn giàu có, lịch sự, sành ăn và lịch lãm trong phong cách ăn uống. Ta có dịp so sánh buổi ăn giữa những người bạn thân ấy trong phòng tiếp tân với buổi ăn của Dodin và Eugénie trong bếp. Bếp nóng, mồ hôi, sự tất bật trong nấu nướng và hợp tác nấu nướng cùng ánh mắt hồi hộp, hân hoan khi thử món ăn vừa nhấc khỏi bếp cho cảm giác ấm áp, nồng đượm về hai người.

Chỉ vài cảnh đầu, tôi đã cảm nhận sự giao lưu tinh tế của hai tâm hồn. Không chỉ cùng khéo léo nấu nướng trên bếp, họ còn cùng tinh tế trong việc phối hợp mùi, vị, cùng phong phú trong ý tưởng soạn thực đơn để thức này nâng đỡ thức kia, bắt đầu bằng thức mở đầu niềm hân hoan và kết thúc bằng thức khép lại buổi sum họp. Cả việc họ cùng đồng cảm trong nhận xét về năng khiếu ẩm thực phi phàm của cô bé Pauline và cùng muốn đào tạo cô thành truyền nhân… Hai con người cùng nhìn về một hướng ấy lẽ nào chỉ dừng lại ở việc cho thức ăn vào miệng?

Dodin không chỉ một lần ngỏ lòng. Eugénie không chỉ một lần cảm thông. Sự cảm thông cho thấy, ngoài nghệ thuật ẩm thực, sự phối hợp của họ trên nhiều khía cạnh rất sâu sắc mà đậm đà, triền miên tình, ý… Bao cặp đôi đạt được sự cảm thông ấy?

Sự cảm thông đó khác gì về chất và lượng với sự cảm thông của nhà thơ Việt được nhiều người yêu quý

“Cảm thông một phút bừng ân ái

Miếu nguyệt vườn sương gặp gỡ nhau”

Trong khi Vũ Hoàng Chương khinh bỉ xác thịt

“Khi tỉnh dậy, bùn nhơ nơi hạ giới

Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn”

Thì sự cảm thông đầy thăng hoa giữa Dodin và Eugénie không hề đối nghịch với “niềm vui trần thế”. Cảnh Eugénie hạnh phúc khỏa thân múc nước rưới nhẹ lên mình và nghe bước chân Dodin chậm chậm tới sau lưng, cảnh Eugénie khỏa thân nằm yên trên giường khi Dodin tiến tới vuốt ve tấm thân ngà ngọc cho cảm giác không còn thiên đàng hay địa ngục, chỉ có con người tinh tế và chân thật với hạnh phúc chân thành.

Rồi hai người cũng tổ chức lễ cưới trước niềm vui bạn bè, một lễ cưới tưng bừng thức ăn bày trên chiếc bàn dài trong sân lâu đài giữa cây cỏ ngoài trời ngập tràn ánh sáng. Sao tôi phảng phất lo cho tương lai cặp bạn tình dù hai bạn cười tươi? Do gam màu lạnh hay do câu nói nhấn mạnh mùa thu của Dodin? Hay do sự tương phản với gam màu nóng cảnh trong bếp tất bật, nét mặt đỏ hồng, năng lượng toát ra từ niềm vui hoạt động nấu nướng cùng tình cảm âu yếm che giấu? Hay do các biểu hiện sức khỏe không tốt của Eugénie những ngày trước đó? Tất cả hợp lại nhấn mạnh trong tôi cảm giác về tiệc vui nào cũng tới lúc tàn… Phải chăng đó là phần số của kiếp người trong cõi nhân gian, nơi không có nhiều những kết cục có hậu?

Eugénie vĩnh viễn rời xa Dodin trong một giấc ngủ!

Trước đó cô đã kịp hỏi Dodin: “Em là vợ hay là đầu bếp của anh?”. Cả hai đắm trong hạnh phúc sau câu trả lời của Dodin: “Em là đầu bếp!”. Người quan tâm tới nghề nghiệp sang hèn không hiểu nổi, chỉ Dodin và Eugénie, đứng bên ngoài quan niệm đó, mới hiểu nhau. Nấu nướng là một nghệ thuật chuyên chở nhân sinh quan, họ đã yêu nhau vì hiểu nhau qua từng ngày và qua cả hai mươi năm thăng hoa trong tình yêu nghệ thuật và nhân sinh quan đó. Họ mãi mãi là đầu bếp của nhau!

Khoảng trống Eugénie để lại cho Dodin là quá lớn! Dù trong cơn buồn đau, anh cũng nhận lời đào tạo cô bé Pauline. Khẩu vị tinh tế của Pauline rất phù hợp với Dodin, nhưng khi mời cô thử món pot au feu mà anh để cả công phu và tấm lòng để chuẩn bị, Pauline nếm không thấy ngon. Dodin nói với Pauline rằng:

“Cháu còn nhỏ lắm, chưa đủ tuổi đời, chưa đủ kinh nghiệm, không có kỷ niệm, cháu không thấy ngon. Xin cháu nhớ vị này, mùi này, giữ nó cho tương lai…”.

Có phải, với Dodin, thức ăn không chỉ phù du thoáng qua mà chứa cả mùi vị đời người dài năm tháng, như một kỷ vật, chỉ khách tri âm mới cảm được vị, mùi?

Có phải, với Dodin, món ăn, không chỉ là kỷ vật một đời người mà mang kỷ niệm, tâm hồn, triết lý truyền đời này sang đời khác, chính là di sản ông cha. Dodin đưa thức ăn dân dã và thông dụng của Pháp “pot au feu” vào thực đơn đãi khách hoàng gia, sang trọng tầm thế giới với lòng tự hào về di sản cha ông, di sản cháu con phải giữ gìn, phát triển, phổ biến. Lời tâm sự thật nồng ấm và tha thiết của Dodin với Eugénie, thực khách sẽ cảm nhận mùi, vị, ý của thức ăn di sản được chuẩn bị bởi chúng ta, bởi anh và em đó, em Eugénie…

Tôi chợt nhớ một chương trình nhiều tập trên đài TV5 của Pháp, chương trình xiển dương, vinh danh, bảo tồn phong cảnh, kiến trúc, thói quen sống, thức ngon địa phương, những địa danh truyền đời đã là tài sản của cả dân tộc và nhiều thế hệ, không một chính quyền nào được quyền thay đổi, xóa bỏ. Cũng lại nhớ sau Cách Mạng Pháp thì Bordeaux, Toulouse, Marseille vẫn là Bordeaux, Toulouse, Marseille trong khi sau Cánh Mạng Tháng Mười Nga thì Saint Petersburg biến thành thành phố của lãnh tụ Lênin. Điều này có liên quan gì tới việc dù tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và dân số nhỏ hơn Nga nhiều lần, Pháp vẫn là quốc gia phát triển văn minh, nhân bản và vững chắc hơn Nga?

Dodin đã chịu bước ra khỏi căn nhà đắm trong tâm sự u ám của mình để tìm người đầu bếp khéo léo chế biến thức ăn tinh tế. Anh rủ cô bé Pauline truyền nhân theo, đi nhanh ra vùng cây cối ngập tràn ánh sáng ngoài kia. Trong lúc đó, cảnh vật bên trong lâu đài di sản cũng sáng sủa hơn với ánh sáng tràn vào từ cửa sổ, cửa cái mở rộng. Và trên bếp, ngọn lửa hồng reo vui, và trên tường, nồi, chảo bằng đồng treo úp mặt vào vách phản chiếu ánh sáng ấm áp như đại diện cho di sản ẩm thực tươi cười cùng ngày mới…

Ngày 11 tháng 4 năm 2024

Comments are closed.