Người đàn bà đi ngang qua cửa – Truyện ngắn Vũ Thị Nhuận

Văn Việt: Vũ Thị Nhuận sinh năm 1975, quê gốc Thanh Miện, Hải Dương, là Tiến sĩ Sinh Hóa. Chị tự nhận “Tôi không phải nhà văn, viết truyện hoàn toàn theo cảm xúc, từ những câu chuyện thật, nội dung thật từ cuộc sống và quan sát cá nhân… Mong trang Văn Việt sẽ là một sân chơi ở đó những cái nhìn khác về cuộc sống sẽ không bị giới hạn…”.

 

1.

 

Mưa to nặng hạt dần, Nâu ngồi bên cửa sổ học bài, cô thích nhất là cảm giác được trùm màn kín đầu trong cái tiếng bồm bộp trên nóc nhà. Ngoài trời rét mướt nhưng lòng cô ấm lại. Mỗi khi trời mưa, người đàn bà điên đó sẽ không tru tréo nữa. Những tiếng gào khóc đến nát ruột như bổ vào lòng người, những âm thanh nức nở tím tái chỉ được phát ra khi người ta rơi vào tận cùng của khổ đau. Có thể cái lạnh làm bà ta thiếp đi hay tiếng mưa át tiếng khóc.

Có những buổi tối, Nâu quên đóng cửa sổ, người đàn bà điên này lại nhìn qua cửa sổ chỗ Nâu ngồi, đôi mắt hoang dại vô hồn, nhe hàm răng đóng đầy bựa cười nhăn nhở. Không ít lần Nâu thét lên thất thần sợ hãi khi phát hiện bà ta đứng rất gần, gần lắm,  chỉ độ vài bước chân. Sau những lần như thế bà ta lại lững thững bỏ đi, cái bóng ngửa nghiêng méo mó, chập chờn mất hút, chỉ có tiếng cười, tiếng cười khanh khách rồi sằng sặc lúc xa lúc gần vang vọng trong đêm tối nghe lạnh cả xương sống.

Hình như bà Ngần chẳng có người thân thì  phải, mà cũng không đúng. Bà ta có một người chị ở xã này, cách chưa đến cây số. Trước đây nghe kể, khi còn trẻ bà Ngần đẹp lắm, tới tuổi cặp kè yêu đương một anh con nhà khả giả ở xóm trên, ăn nằm với nhau có chửa rồi anh ta biến mất tăm. Mối tình sâu nặng nhưng không có hồi kết đó đã biến cô thôn nữ xinh đẹp thành một người điên. Cả nhà xúm vào bắt hủy cái thai nhưng bà nhất định giữ lại.

Một lần, mạ bà Ngần chế thuốc phá thai bằng quả đu đủ non được nướng khét rồi sắc cho bà uống. Cái thai không phá được mà bà Ngần trở nên điên dại từ đó. Sau khi sinh con, đứa bé được một người họ hàng nuôi hộ. Rồi mạ bà mất, chị em kiến giả nhất phận, mỗi người một cuộc sống riêng. Bà Ngần ở lại ngôi nhà đổ nát với hai sào ruộng cho người khác làm để lấy thóc ăn. Khi thì thấy bà hái rau muống, khi thì bắt ốc, vớ gì ăn nấy. Lâu lâu được mấy đồng bạc chẳng biết ai cho, bà mua cốm nổ hay đậu phộng rang, vừa ăn vừa cười nhăn nhở…

Những lúc tỉnh bà ngồi im lặng, vô hồn… Bà thường lên cơn điên vào lúc tối trời, như thể bóng tối đồng lõa với tội ác, làm người ta ngây dại, không còn lý trí.

Cả xóm đều là những người lao động nghèo, chủ yếu làm ruộng, một số người buôn bán lặt vặt những thứ nuôi trồng hay những đặc sản trời cho theo mùa: một rổ ốc bươu, một gánh lá chuối hay vài con cá tát ao…

Gia đình Nâu mới đến ở mấy tháng,  cha mạ cô mua lại mảnh đất này để cô đi học cấp ba được gần trường hơn. Mà cũng chẳng gần, tới gần bốn cây số. Gia đình cô làm trang trại nhỏ, nuôi mấy con lợn, một dạo, do bệnh lở mồm long móng, toàn bộ tài sản vốn liếng đổ hết xuống sông xuống biển. Cha mạ cô đâm chán rồi bán lại ruộng vườn,  mua lại chỗ này nghe bảo là rẻ lắm. Hôm nào trời nắng thì còn đỡ chứ trời mưa thì chộp ếch vài bận từ nhà đến trường là chuyện thường. Nhưng với cô, thế là đã sung sướng lắm rồi.

Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Con người ở đây ít quan tâm tới nhau, nhà nọ cách nhà kia một đám ruộng hay chí ít cũng là một cái ao to. Cha của Nâu đã chuyển sang nghề thợ xây kiêm luôn việc trông coi thợ cho một người họ hàng ở tận miền Tây, lâu lâu mới về nhà; còn mạ vẫn giữ cái nghề nông, tần tảo để nuôi hai chị em cô.

Chị gái đã học xong lớp chín rồi theo người trong xóm vào làm công nhân ở khu công nghiệp Diễn Châu. Bởi thế mà khi thấy cô sợ bà điên, mạ đã có ý cho Nâu vào trọ gần trường. Nhưng Nâu thương mạ, không muốn tốn kém. Mà nói vậy chứ bà điên đó đã bao giờ chạm vào người cô đâu, bà ta chỉ cười thôi. “Việc gì phải sợ, họ cũng là con người mà”. Suy cho cùng thì nỗi sợ vô cớ đó là do cô tưởng tượng ra. Cô lờ mờ đoán rằng có lẽ người ta sợ nghe phải tiếng cười của người đàn bà điên này nên đã bán nhà dọn đi. Rồi lại nghe đồn là chính ông chủ vườn đã ăn nằm với bà ấy nên vợ ông ta một mực đòi đi nơi khác. .

Nâu nghe chuyện, cười thầm trong bụng. Người điên như bà ta thì ai thèm nổi, chỉ nghe cười đã sợ chết đi được huống chi là lại gần. Những hôm trời tối, bà ta đứng múa may trong vườn, tóc xõa dài rối bù, tay cầm miếng giẻ rách rũ lên rũ xuống, cất tiếng cười khanh khách, tiếng cười nghe buốt lòng…..Cảnh tượng đó dư sức làm ngất xỉu những ai yếu bóng vía. Rồi bà ta hát, những câu hát đến ngô nghê chẳng biết ở đâu ra:

 

Thân là một kiếp hồng nhan/ Lỡ chân vấp phải bùn than tình trường/ Thân là cái kẻ ẩm ương/ Tỉnh ra mới rõ một phường bất nhơn/ Đêm đêm bướm lượn rập rờn/ Vờn cho nhụy nát vẫn còn chưa tha…… Ha ha… ha..a.aa, haha…..a….a….a…

Bài thơ ngoằn ngoèo, cách gieo vần gượng ép, sau này Nâu mới biết đó là bài thơ do bà làm lúc tỉnh. Thơ của người đàn bà điên chỉ câu cuối có vần a, hợp với những tràng cười ha ha…a…a….a.. bất tận của bà…  

 

2.

 

Có những hôm trời vừa sẩm tối, đang vò đám quần áo gần cầu ao, Nâu cảm giác có ai đó đang nhìn mình chằm chằm. Cô giật thót cả người khi quay lại, thấy bà ta đang đứng sau lưng rất gần với ánh mắt ngây thơ ngơ ngác. Rồi bà ta lại cất tiếng cười, yểu điệu hiền lành như một cô gái mới lớn làm duyên

– Về thôi, tối rồi đó

Nâu cười gượng lại, đó cũng là một cách trấn tỉnh khi bà ta đứng chặn ở cuối cầu ao. Cô nghĩ không khéo bà ấy nhào đến ôm chầm cô thì chết dở… Ừ, mà bà ta có làm gì đâu, nhìn vô hại và thật đáng thương. Tại sao mình lại cứ phải xa lánh bà ấy?

– Cô về đi, cháu sắp xong rồi

– Ừ… về không tối, ngã đó.

Nâu cười lại, rồi cắp thau quần áo ra về. “Cháu về đây, cô cũng về đi”. Bà ta vẫn đứng đấy nhìn theo bóng Nâu khuất hẳn sau mái hiên rồi lầm lũi quay về căn nhà nham nhở của mình. Đến tận bây giờ Nâu mới có dịp nhìn thẳng vào gương mặt của bà, nó khác hẳn với tiếng cười chua chát. Sau lần chạm mặt đó, Nâu như gỡ bỏ được nỗi ám ảnh về người đàn bà điên.

Bà ta không đáng sợ như Nâu nghĩ, gương mặt khá trẻ so với mạ cô, nếu được lau rửa sạch sẽ chắc hẳn phải là một gương mặt ưa nhìn. Một đôi mắt sâu với cái nhìn thăm thẳm, dù đã có nếp nhăn nhưng người khó tính đến đâu cũng phải thừa nhận đó là một đôi mắt đẹp hút hồn, hàng mi cong dài và đôi mày xanh mướt. Hình như đôi mắt đó ẩn chứa một tâm sự… “Người điên thì làm gì biết nghĩ mà có tâm sự”, cô lại cười thầm.

Nâu mới mười sáu tuổi, vẫn còn trẻ con lắm, vẫn mê truyện cổ tích, vẫn thích được đón mạ về chợ… Thế mà sao cô cứ thấy lòng nặng suy nghĩ về người đàn bà điên này. Có thể bà ấy cô đơn quá, không chồng không con… Mà không, nghe đâu bà ta có những bốn đứa con, đứa lớn nhất cũng trạc tuổi Nâu. Vậy có nghĩa là bà ta đẻ được Nâu tức là bà ta trạc tuổi mạ của Nâu? Cô cứ suy diễn rồi tự trả lời, thế mà ở cái làng này người ta cứ gọi bà ta là con, Con điên. Nếu cả xóm này kinh sợ rẻ rúng bà, thấy bà họ lo tránh xa như tránh người hủi thì tại sao bà có chửa? Chẳng lẽ lại có chuyện đi làm ruộng rồi uống nước đọng ở vết chân mà có thai? Hay bà có chửa với thú vật?

Nâu nhớ lại những câu truyện cổ tích như Người đẹp và quái vật, Lấy chồng dê, Sọ dừa, Người lấy cóc…

Quái vật là sinh vật lẫn lộn giữa người và thú, có thể hình thù có một phần hay toàn bộ cơ thể là của những loài vật xấu xí nhưng vẫn mang đặc điểm cơ bản của con người như nói được tiếng người, suy nghĩ như người hoặc có trái tim nhân hậu của con người, thậm chí tốt hơn cả những người tốt nhất. Nếu bà Ngần gặp những quái vật đó hẳn bà sẽ chẳng phải khóc rống lên, la hét trong những đêm tối trời… Vậy có thể bà gặp một loại thú vật khác, chúng có cái gì đó của con người như gương mặt và hình dáng, còn bộ não và quả tim thì của loài thú và chúng sẽ ác hơn cả những con thú độc ác nhất. Chúng phải ác lắm mới làm cho một người đàn bà điên, một con người không đủ trí khôn đau đớn đến thế. Nếu đã là thú vật thì chúng sẽ không chịu hình phạt của xã hội loài người, chúng không biết chúng đang phạm tội mà chỉ hành động theo bản năng và không hề có lương tâm.

Người ta có thể làm ngơ hay tránh xa thú vật, nhưng tại sao lại thờ ơ với con người đau khổ như bà Ngần? Những người xung quanh đó tỏ thái độ ra sao, nhất là chính quyền xã? Không rõ cái tên của bà có bao giờ được nêu lên trong những lần hội họp về trật tự trị an, văn hóa xã hội, trong những bài báo cáo tổng kết để xét cho một gia đình nghèo hoặc một xã có “đạt chuẩn văn hóa” hay không?

Một điều mà Nâu cũng không thể hiểu là bà chẳng hề đi bệnh viện mà tự đẻ tại nhà, tự cắt rốn và tắm táp lấy. Lạy trời, những đứa con trời sinh trời dưỡng của bà lại đẹp đẽ phổng phao, bởi thế nên chúng cứ lần lượt rời xa bà, làm con người khác, với một số tiền nhỏ người ta cho bà để trả công mang nặng đẻ đau. Người đời vẫn bảo con cái là khúc ruột của người mẹ, không có cái đau thể xác nào đau hơn là đau đẻ. Ngày trước, một số dân tộc miền núi tin là đàn bà đẻ trong nhà rất xúi quẩy, bởi vậy khi sắp tới ngày khai hoa nở nhụy, họ phải vào rừng sâu dựng lều và sinh con một mình. Và chẳng ai lạ gì câu “chửa cửa mả”. Còn bà Ngần, chẳng cần đi vào rừng, bà vẫn tự sinh con ở nhà ngay trong thế kỷ hai mươi mốt, thế kỷ mà khoa học, công nghệ thông tin đi với tốc độ của tên lửa.

Có thể người ta bận rộn, cũng có họ thể thờ ơ vì không hiểu và không gần gũi được với một người đàn bà điên. Nâu thấy thương bà Ngần lắm. Những đêm nghe bà la hét, tiếng hét như để xua đuổi một quái thú nào đó, cứ thất thanh rồi khản giọng, lịm dần, lịm dần, Nâu cứ nhấp nhổm muốn sang nhưng lại  rất sợ. Mạ cô bảo, “Chắc không có chuyện chi đâu, nếu có chi thì mọi người ở đây đã giúp bà rồi. Nhà mình mới về đây, biết chi mà đòi giúp”.

Có lần sau khi tiếng la hét thảm thiết không còn, Nâu đánh bạo rón rén bước ra đường, nhìn về phía nhà bà. Dưới ánh sáng trăng thượng tuần chập chờn, một cái bóng vụt lao ra từ căn nhà đổ nát. Cái bóng chạy quá nhanh làm cô không hình dung ra được đó là dáng người hay thú. Cô khẽ rùng mình, hình ảnh những con quái vật trong truyện cổ tích hiện về. Thời này làm gì có quái vật. Hay là bọn trộm, Nâu thầm nghĩ. Phải xem có chuyện gì đã xảy ra.

Mạ Nâu vẫn đang ngủ say. Nâu cầm theo con dao bầu, nếu có gặp thú vật thì cũng yên tâm hơn, cô tự trấn an mình. Nâu rón rén lại gần ngôi nhà đổ. Tiếng gì đó giống như những nhát chém bầm bập lên thanh gỗ. Trong ánh sáng mờ mờ hắt vào từ bên ngoài, Nâu nhận ra bóng dáng một người đàn bà tóc xõa xượi rối bù, mắt ánh lên thứ ánh sáng hoang dại đang lồng lộn trút căm hờn lên một bộ quần áo.

Bà ta băm vằm nó với tất cả sức lực có thể, thở hồng hộc, gương mặt rúm ró biến dạng, tiếng nấc đứt quãng hòa cùng tiếng tức tưởi. “Còn ai khốn khổ hơn tao. Bọn mi là lũ khốn nạn. Tau phải băm mi thành trăm mảnh. Tao căm thù. Mi là con chó phải trần truồng chạy khỏi nhà tao…”.

Nâu định vùng chạy nhưng không nhấc nổi chân. Cô đứng như trời trồng, người lạnh ngắt, mặt tím tái đi vì sợ hãi…

 

3.

 

Thế mà đã hơn một năm Nâu về ở xóm này. Dạo này cô hay học bài khuya, sắp thi tốt nghiệp mười hai rồi. Ngày xưa, những người tốt nghiệp trung học như cô sẽ được gọi là cô tú, cậu tú.

Bà Ngần lại càng có dịp rủ rỉ cùng cô, và Nâu thấy mình thật buồn cười, người như bà ấy mà trước đây cô cứ sợ. Thế rồi bà Ngần lại có chửa, cả xóm đều biết mà chẳng ai quan tâm, vì chuyện ấy cũ rích. Rồi bà sẽ lại sinh con…

Thỉnh thoảng Nâu bắt gặp bà ngồi ở bậc cửa chải đầu. Nhìn bà thật hiền, bà lấy tay xoa xoa bụng rồi nói thầm thì gì đấy như nhắn nhủ với đứa con. Bà chẳng có gì ngoài cái tâm trí điên điên khùng khùng nhưng lại là người tốt giống, cứ chửa đẻ tại nhà mà chẳng bị sao, trong khi bao nhiêu người đàn bà ước ao có con mà đâu có dễ. 

-Đi học thích nhỉ.

Nâu giật mình, thì ra bà Ngần đang đứng đó cười lỏn lẻn.

-Cô vào đây, cháu có cái ni cho cô.

Nâu chạy vào bếp, lấy củ khoai còn nóng hổi ra, để vào tay bà.

-Cho hả? Thôi, để ăn đi, cho mần chi…

-Không, … cháu cho cô đó, cháu vẫn còn mà…

-Ăn nhe?

-Sao cô lại có bầu nữa vậy? Sanh con chi, cực thấy mồ…

Bà Ngần chỉ cười, vừa ăn vừa cười. Chắc với bà sinh con cũng dễ như gà nhảy ổ. Cũng có thể bà chẳng hiểu được điều Nâu nói.

-Chừng mô cô sanh?

-Làm răng biết… Chừng mô muốn thì nó chui ra.

-Đau không hả cô?

-Đau chi… Có chi mô mà đau…

Nghe mà thương, chẳng có ai nói đẻ không đau cả. Có lẽ, chỉ vì người đàn bà điên này đã mất cảm giác. Cô nghe mạ kể, khi mạ sinh cô, đau quá ngất lịm trên đường tới trạm y tế. Sau đó bà bị băng huyết phải chuyển lên bệnh viện huyện. Mỗi lần thấy Nâu mải chơi, chểnh mảng việc học là mạ bảo “Sinh con đau đớn làm vậy mà bây không nghe lời, mạ buồn lắm”…  

Hai ngày rồi, chẳng thấy người đàn bà điên đi ngang qua cửa nhà mình, Nâu chột dạ. Chắc bà ấy sinh rồi. Cô hồi hộp bước qua ngôi nhà đổ nát mà dù đã “thân thiện” với nhau nhưng chưa một lần cô đặt chân vào. Nâu ngó nghiêng qua cửa, nơi bà vẫn thường ngồi nhưng có vẻ đã khó khăn khi đi lại.

-Cô Ngần ơi, có nhà không?

Nâu bước vào, ngôi nhà bốc lên toàn mùi ẩm mốc. Mọi thứ bề bộn và bẩn thỉu như lâu lắm chẳng hề được dọn dẹp.

Bà ta từ trong góc, nhìn Nâu cười, nụ cười vô hại.

-Vô đây. Học bài chưa?

-Thi xong rồi, đậu rồi. Mần răng mà mấy bữa ni không thấy cô sang chơi?

Bà ta không trả lời, tay xoa xoa bụng, hai bàn chân to phồng lên, mũi thì sần sần ửng đỏ nhìn ngồ ngộ.

-Sắp sinh rồi. Mần răng mà đi được.

-Chừng mô cô sinh? Mà răng cô biết?

Bà ta lại im lặng rồi đưa tay nắn bóp hai bàn chân. Nâu tự trách mình vô duyên, sao bà ấy không biết. Bà ấy đã sinh những bốn lần rồi cơ mà.

-Thôi, con về đây. Có chi cô ới con một tiếng.

-Bây biết chi mà ới. Về đi, mạ kêu kìa

Nâu quay về nhà. Cô định kể cho mạ nghe nhưng lại thôi, vì lần nào cô kể về bà Ngần, mạ cũng chẳng nói gì.

 

4.

 

Trời tối. Mưa rả rích. Nâu ngồi đọc truyện mà đầu óc cứ đâu đâu. Nâu vừa mượn được của nhỏ bạn quyển truyện, đợi đến khi mạ ngủ say rồi cô mới dám đọc. Đang mơ mơ màng màng, những câu truyện đầy tình người như đưa cô vào giấc ngủ, chợt Nâu nghe tiếng trẻ con khóc. Hay mình nằm mơ? Trẻ con ở đâu mà khóc vào giờ này? Nhưng rõ ràng là có tiếng khóc trong khi tiếng mưa vẫn lộp bộp rơi trên mái nhà….

Có khi nào bà Ngần đang sinh?

Nâu đi sang nhà bà. Cô bước vào gần chiếc giường bà vẫn nằm.

Một đứa bé đỏ hỏn, người dính đầy những mảng bám bầy nhầy máu, rốn lòng thòng một sợi dây vẫn còn dính vào cửa mình bà Ngần. Hai mắt mở to sững sờ, thảng thốt, cô toan bỏ chạy…

Sinh con là thế này sao? Hẳn ai sinh con cũng thế, mà bà ấy chỉ có một mình. Sau này cô  cũng sẽ có chồng rồi sinh con, cũng trần truồng, với một đứa bé người dính đầy máu chui ra từ chỗ đó…. Nâu cố thở thật sâu và lấy lại bình tĩnh lại. Cô hỏi giọng run run:

-Cô cần chi, con giúp

-Bây hơ cái kéo trên bếp lửa giùm…

Nâu thấy mọi thứ như đã được bà chuẩn bị. Một cái lò củi được đặt giữa nhà như để sưởi ấm, trên bếp đã có sẵn một ấm nước đang sôi. Có thể theo kinh nghiệm bản thân,  bà đã tự làm mọi việc với ý thức không nhờ vả ai.

Bà gượng ngồi dậy, người lẩy bẩy, tay run run cắt một đoạn chỉ buộc rốn cho con. Sau đó bà cầm kéo cắt cái dây rốn của đứa bé. Bà với cái khăn mặt vắt ở đầu giường bỏ vào chậu nhựa đã có một ít nước rồi bảo Nâu rót nước sôi vào đấy. Sau đó bà lấy một chai thuốc tím nhỏ vào vài giọt rồi nhúng ướt khăn, vắt khô và lau người đứa bé. Một miếng gạc nhỏ được đặt vào rốn rồi bà choàng qua người nó, băng rốn bằng một cái nịt chun.

Từ bụng trở xuống, đứa bé được lót giấy và cột bằng một cái tã vải xéo nhỏ như một bàn tay. Sau tất cả các công đoạn “khử trùng”, đứa bé được đặt vào một cái khăn quấn lại và đặt nằm xuống cạnh bà. Rồi bà thiếp đi như vừa trải qua một cuốc kéo xe nặng vượt dốc, gương mặt nhợt nhạt vã đầy mồ hôi….

Sao những lúc thế này trông bà hoàn toàn không có vẻ gì điên, thậm chí còn sáng suốt rành mạch hơn rất nhiều người khác. Hay chính tình mẫu tử đã khiến cho đầu óc bà thăng bằng trở lại? Những cái thứ này bà lấy đâu ra, ai chỉ cho bà làm vậy?

Nâu lóng ngóng hồi lâu rồi ngồi xuống, chẳng biết làm gì. Cô ngắm nhìn hai mẹ con. Đứa bé thật xinh xắn, gương mặt thánh thiện như thiên thần đang giang tay chân nằm ngủ, vẻ mãn nguyện.

Một lúc sau bà Ngần thức giấc, bà lồm cồm bò dậy và cúi xuống tìm cái dây vẫn còn dính trong người mình. Rất nhẹ nhàng, bà đưa tay rút một cái. Một tiếng “ục” khá to rồi cả một khối thịt màu nâu đỏ, xoe tròn như cái nia nhỏ được rút ra. Bà bỏ nó vào cái chậu mẻ ở đuôi giường rồi lại nằm xuống một cách mệt nhọc, hai mắt nhắm nghiền.

Sau này Nâu mới biết đó là nhau rốn, vẫn được bà Ngần đem chôn cẩn thận ở gốc chuối đầu nhà sau mỗi lần sinh nở.

Nâu về nhà định tìm cái gì đó cho bà lót dạ. Mạ cô đã thức từ lúc nào. Cô nói rất khẽ: “Bà Ngần sinh rồi”. Mạ chẳng nói gì, vào bếp xách ra một cà-men nhôm hai lớp đầy cháo với một ít tép rong rang vàng óng để khay trên. Cô nói, “Mạ sang với bà ấy nhe”. Mạ lắc đầu, thở dài thườn thượt chẳng nói câu nào.

Nâu hiểu ý, xách cà mèn bước ra. Bà Ngần ăn thật ngon lành. Ăn xong bà nhìn Nâu, đôi mắt đầy vẻ mang ơn. Mà người điên như bà liệu có biết mang ơn không, cô tự hỏi.  

 

5.

 

Bà Ngần sinh hơn tháng cũng là lúc Nâu phải lên thành phố vào học trường cao đẳng. Cô hăm hở vì được  học đúng môn cô vẫn thích. Sau này, khi ra trường Nâu sẽ đi dạy, sẽ mặc áo dài đứng trên bục giảng nói nói viết viết với một lũ học trò ngồi bên dưới… Một giấc mơ tuyệt đẹp. “Ra trường mình mới có hai mươi tuổi, trẻ quá….”.

Mạ thì thâm trầm chẳng nói gì. Lúc đến cửa mạ mới bảo khẽ: “Ráng mà học sau này đỡ khổ thân nghe con”. “Con đi nghe mạ. Con sẽ viết thư thường xuyên để mạ đỡ trông”. “Ừ đi mạnh giỏi nhe con. Mà con nên ghé qua chào bà Ngần một tiếng”.

Suýt nữa Nâu đã quên mất.

Nâu bước vào khoảnh sân quen. Có hai chiếc xe máy dựng gần đấy. Tới thềm cửa Nâu chạm mặt ba người, một đàn ông , hai đàn bà. Họ đang đứng vây quanh giường. Bà Ngần đang cho con bú, bầu vú căng tròn đầy sữa khẽ rung rinh. Bà xoa đầu con với cử chỉ âu yếm, đôi mắt đong đầy nước. Những giọt nước long lanh rơi xuống cánh tay bé xíu. Thằng bé đã ngủ say và rời vú mẹ.

Tiếng người đàn bà vang lên:

-Nhanh lên, kẻo nó thức là hết bế.

Vừa nói, bà ta vừa đưa tay đỡ đứa bé. Người đàn bà còn lại dúi vào tay bà Ngần một nắm tiền vo tròn chưa vừa một cái nắm tay. Bà Ngần ngồi ngây như tượng. Những đồng tiền rơi lả tả. Bất thần bà  chồm lên rồi ngã khụyu gối, hai tay chống xuống nền nhà, đầu gục xuống. Từng giọt sữa trắng ngần vẫn nhịp nhàng lạch bạch rơi xuống nền đất nâu…

Sữa của người đàn bà điên có mùi vị gì và liệu có nuôi sống được con người?

Có lẽ nhiều người cũng có suy nghĩ giống Nâu khi mới về khu xóm này. Cái gì của người điên hẳn đều không bình thường, thậm chí khác xa với người bình thường. Người ta đã trả công rấr rẻ cho lần vượt cạn này của bà, một cuộc vượt cạn cay cực và quá phi thường. Gương mặt bà trông vô hồn nhưng đôi mắt lại ầng ậc nước…

Lần đầu tiên Nâu thấy bà khóc. Nước mắt của người đàn bà điên sao mà trong trẻo. Chắc nó chẳng hề có vị mặn.

Ba người kia vội vã bước ra cửa. Tiếng xe máy nổ dòn, xa dần.

Bất chợt, bà Ngần bật cười sằng sặc rồi chuyển thành khanh khách. Tiếng cười không hề vô hồn như Nâu nghĩ…

Thân là một kiếp hồng nhan/ Lỡ chân vấp phải bùn than tình trường/ Thân là cái kẻ ẩm ương/ Tỉnh ra mới rõ một phường bất nhơn/ Đêm đêm bướm lượn rập rờn/ Vờn cho nhụy nát vẫn còn chưa tha… Ha ha… ha..a.aa, haha…..a….a….a…

 

Tokyo, 08/03/2012

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.