Việt Nam – Huyền thoại và thực tế (kỳ 1)

Jörg Wischermann Gerhard Will (chủ biên)

Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)

Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.

clip_image002

Nội dung

GERHARD WILL/JÖRG WISCHERMANN

Chương 1

Mở đầu: Huyền thoại chính trị – Khái niệm và chức năng

GERHARD WILL

Chương 2

“Tiểu Trung Hoa” hay “Đại Việt”

MARTIN GROßHEIM

Chương 3

Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc đấu tranh giành giật lịch sử

VŨ ĐỨC LIÊM

Chương 4

Huyền thoại quá khứ và nền chính trị bản sắc dân tộc ở Việt Nam đượng đại

JÖRG WISCHERMANN

Chương 5

Việt Nam – Huyền thoại về phong trào đoàn kết với Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức (1965-75)

MARTIN GAINSBOROUGH

Chương 6

Huyền thoại về một Nhà nước xã hội chủ nghĩa tập trung ở Việt Nam: Loại huyền thoại gì vậy?

NGUYỄN HỒNG HẢI

Chương 7

Huyền thoại về một chế độ chính trị bất ứng ở Việt Nam

JÖRG WISCHERMANN

Chương 8

“Ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự (thật sự)!” – Bàn về một huyền thoại mang tính chính trị và khoa học

BÙI HẢI THIÊM

Chương 9

Huyền thoại chính trị về truyền thông xã hội như một không gian mạng khoáng đạt và được biểu đạt tự do ở Việt Nam

ADAM FFORDE

Chương 10

Huyền thoại của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986

GERHARD WILL/JÖRG WISCHERMANN

Chương 11

Huyền thoại chính trị ở Việt Nam và những bài học rút ra cho các khu vực khác.

Tiểu sử tóm tắt của tác giả, dịch giả và biên tập viên

Impressum

Gerhard Will/Jörg Wischermann

Chương 1

Mở đầu: Huyền thoại chính trị – Khái niệm và chức năng

Huyền thoại, tự sự và các loại chuyện kể khác

Chuyên khảo này bàn về các chuyện kể cũng như về mối liên hệ giữa chúng với thực tế và sự nhận thức về thực tế đó. Khái niệm “chuyện kể” bao quát một khoảng rộng các loại chuyện kể, từ các câu chuyện dẫn dắt con người ta rời xa thực tế đang sống để đi vào một thế giới khác, do hư cấu mà thành, cho đến các câu chuyện gắn liền chặt chẽ với thực tế và nhằm tác động vào thực tế đó. Thông thường, người ta xếp những câu chuyện như thế vào loại chuyện tự sự. Chúng có thể mang các hình thức rất khác nhau: từ các câu chuyện dài, kể cả những câu chuyện mang tính sử thị cho đến những khẩu hiệu hay lời kêu gọi ngắn gọn và cô đọng.

Ở đây, khi dùng đến khái niệm “tự sự”, chúng tôi đề cập đến các câu chuyện có khả năng tác động nhất định đến các cá nhân hay tập đoàn người trong việc tạo nên các tình cảm và bản sắc cộng đồng cao cả. Chúng truyền tải các giá trị và cảm xúc, cũng như khuyến khích sự hội nhập của nam nữ công dân. Chúng có thể đóng góp vào việc giải phóng con người, song cũng có thể góp phần củng cố quyền thống trị. Chúng chứa đựng cả sự thật lẫn phi sự thật, chúng có thể vừa đúng lại vừa sai. Các câu chuyện như thế khắc họa nên bức tranh mà con người ta ôm ấp về một đất nước, cũng như về xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước đó. Nói tóm lại, chúng góp phần tạo nên các thực tế. Con người ta sẵn lòng tin, bằng cả hiểu biết và lương tâm của chính mình, rằng thực tế là như thế, như nó được diễn tả trong các câu chuyện như vậy. Bởi thế, những gì chúng ta coi là thực tế bao giờ cũng được khắc họa (hoặc ít nhất, cũng được góp phần khắc họa) bởi các câu chuyện kể, và các câu chuyện kể bao giờ cũng chứa đựng thực tế. Như vậy có nghĩa là các chuyện kể và thực tế quyết định lẫn nhau, ảnh hưởng tương hỗ nhau, không thể tách rời nhau, và có thể liên hệ chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ vừa đối lập vừa thống nhất.

Trong các chế độ dân chủ, loại quan hệ qua lại như thế – giữa những sự thật khả dĩ chứng minh một cách khoa học với các loại chuyện kể – có thể được xem xét, nghiên cứu và giải đáp dễ dàng hơn trong các chế độ chuyên chế.1 Nếu không kể đến các cơ hội hay nguy cơ sẽ gặp phải khi xác định xem cái gì đó vốn là hay đang là “sự thật”, cũng như nếu không tính các khả năng có thể bị xem là phạm pháp khi cho ra đời “một câu chuyện” ngược lại, chúng ta có thể cầm chắc rằng các câu chuyện kể ít nhiều độc đoán về mặt ngữ nghĩa như thế có tác dụng rất mạnh mẽ và chúng tồn tại cả trong các nền độc tài lẫn nền dân chủ.

Trong chuyên khảo này, chúng tôi chủ tâm nghiên cứu nguồn gốc và lịch sử tác động của những câu chuyện tự sự như thế thông qua một đất nước, mà xét vể mặt địa lý, nằm rất xa nước Đức và, cả về mặt lịch sử lẫn văn hóa, cũng không mang nhiều nét tương đồng với nước Đức hay các quốc gia châu Âu khác. Tuy vậy, trong các thập niên của chiến tranh lạnh, nhiều mối liên hệ phong phú giữa hai nhà nước Đức và Việt Nam đã hình thành. Từ những năm 1950 trở đi, giữa Cộng hòa dân chủ Đức (CHDC Đức) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) đã có nhiều mối quan hệ khăng khít. Hơn 5000 công dân Việt Nam đã tốt nghiệp đại học hoặc các trường đào tạo kỹ thuật viên hay thợ thủ công. Hơn 250000 công nhân hợp đồng đã từng làm việc nhiều năm tại các nhà máy xí nghiệp CHDC Đức. Mặc dù Sứ quán Việt Nam cũng như chính quyền CHDC Đức tìm mọi cách hạn chế và kiểm soát sự tiếp xúc cá nhân giữa người Đức với người Việt, nhưng chỉ riêng sự có mặt của nhóm người nước ngoài có lẽ là đông nhất hồi ấy tại CHDC Đức đã đặt ra những thách thức rất lớn và khó lòng chế ngự cho chính phủ và xã hội nước này. Ngược lại, các mối quan hệ giữa hai chính quyền tại Bonn và Sài Gòn lại không hề mật thiết và ít xung đột như giới chức Washington vẫn mong muốn. Song, cuộc chiến tại Việt Nam vẫn làm nảy sinh nhiều tranh cãi, bàn luận gay gắt tại Cộng hòa Liên bang Đức, song le, tại những cuộc tranh luận bàn cãi này, người ta không quan tâm đến đất nước bị chia cắt đó là mấy. Người ta thường tìm cách lợi dụng cuộc chiến tranh tại Việt Nam cho những mục tiêu không liên quan đến đất nước này bao nhiêu (xem thêm bài viết của Jörg Wischermann về tình đoàn kết với Việt Nam trong chuyên khảo này).

Sau khi nước Đức tái thống nhất, người ta đã phải tốn khá nhiều công sức mới thiết lập được mối quan hệ Đức Việt mang chất lượng và mức độ phong phú như hiện nay. Đã từ lâu người Việt tại Đức không còn là đối tượng của các cuộc bạo loạn bài ngoại kiểu như cuộc bạo loạn từng xảy ra năm 1992 tại Rostock nữa, mà họ được thừa nhận và ca ngợi rộng rãi về tinh thần sẵn sàng hội nhập không hạn chế và không ít người trong số họ, trên nhiều bình diện khác nhau, đã trở thành những người đóng vai trò trung gian quí giá giữa hai đất nước. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhất quyết nắm chặt độc quyền lãnh đạo, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam vẫn trở thành một quốc gia trọng tâm trong chính sách hợp tác phát triển, đồng thời cũng trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của CHLB Đức. Thậm chí trong chuyến thăm của Thủ tướng Merkel vào năm 2011 tại Hà Nội, “mối quan hệ hợp tác chiến lược” giữa hai bên đã được thỏa thuận. Đương nhiên, còn phải có thời gian mới đánh giá được, liệu những mối quan hệ như thế có sức sống để phát huy tác dụng hay không và chúng có thể đóng góp như thế nào vào việc giải quyết các cuộc khủng hoảng. Song, chúng cũng đánh dấu những mong muốn của hai bên luôn luôn nhằm tới việc xây dựng mối hợp tác chặt chẽ. Lịch sử chứa đựng nhiều thăng trầm như thế trong các mối quan hệ Đức-Việt, bằng nhiều cách khác nhau, cũng thường dẫn đến các huyền thoại chính trị, vốn có nguồn gốc tại Việt Nam, lại được hưởng ứng ở Đức và khiến cho Việt Nam cũng trở thành đối tượng của nhiều huyền thoại chính trị trên đất Đức.

Hầu như người Việt Nam nào cũng quen thuộc với những câu chuyện như thế. Bất kỳ ai một lần đặt chân đến đất nước này, dù với lý do công vụ hay du lịch, cũng đều biết các câu chuyện ấy. Và tất nhiên, cả những công dân Đức từng cảm thấy mình đặc biệt gắn bó với Việt Nam trong thời gian cách đây chưa lâu lắm, bởi vì họ tự thấy mình có trách nhiệm đối với “phong trào đoàn kết quốc tế” chẳng hạn, cũng biết rất rõ các câu chuyện đó.

Trong lịch sử mới đây của nước Đức đã từng nảy sinh một thí dụ đầy ấn tượng cho loại chuyện này. Tại Cộng hòa Liên bang Đức và nhiều nước phương Tây khác, “cuộc chiến tranh anh dũng nhằm giải phóng của nhân dân Việt Nam” (nói theo khẩu ngữ chính trị vẫn thường dùng hồi đó), mới đầu chống thực dân Pháp (từ 1945 đến 1954), rồi chống “chủ nghĩa đế quốc Mĩ” (từ 1960 đến 1973) cũng như chính đất nước Việt Nam ấy đã trở thành tấm gương cho một phong trào đối lập và đoàn kết rộng rãi diễn ra bên ngoài nghị trường. Hơn nữa, “Chiến tranh Việt Nam” đối với phong trào phản kháng ngoài nghị trường tại Đức dường như còn là bằng chứng chứng minh luận đề cho rằng sự biến đổi về chính trị vẫn có thể xảy ra ngay cả khi phải đối đầu với một địch thủ hùng mạnh, tưởng như áp đảo mình về mọi mặt. Song, mục tiêu hàng đầu, ít nhất là của “phong trào đoàn kết” tại Tây Đức, xét theo một luận điểm trình bày trong chuyên khảo này, là mục tiêu đòi thực hiện các thay đổi về xã hội, kinh tế và chính trị ngay tại nước Đức, chứ không nhằm mục tiêu ủng hộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xếp luận điểm này sang một bên, ta vẫn có thể khẳng định rằng huyền thoại ở nước Đức cũng như ở những nơi khác về “nhân dân Việt Nam anh hùng” đã đẻ ra một huyền thoại tiếp theo, là huyền thoại về năm “1968”.

“Niên đại này không dựa vào một sự kiện hành pháp hay lập pháp nổi bật nào, mà nhìn chung, nó là niên đại tượng trưng cho một biến cố chính trị-văn hóa lâu dài, một biến cố đồng thời cũng mở đường cho các hoạt động chống đối mạnh mẽ, đôi khi bùng phát dữ dội, mà qua đó những người khởi xướng lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất đặt ra các đòi hỏi biến đổi cách mạng cho nền cộng hòa đệ nhị ở Đức. Căn cứ vào cách thức các đòi hỏi đó được chấp thuận ra sao, ta có thể có cớ (…) để nói đến một công cuộc cải tổ do may mắn mà không thành vậy.”2

Trong các ngành khoa học đều có những khái niệm khác nhau dành cho loại câu chuyện như thế. Chúng tôi nêu bật lên ở đây hai khái niệm: Huyền thoại và tự sự.

Huyền thoại là các câu chuyện nhằm truyền đạt danh tính, bản sắc, các cách diễn giải, ý nghĩa và phương hướng dưới dạng khái quát các kinh nghiệm ở đời.3 Có những huyền thoại siêu thực và trừu tượng về những nhân vật hay câu chuyện không kiểm chứng được trong lịch sử. Một số huyền thoại khác lại dựa vào các nhân vật có thật trong lịch sử, song trong huyền thoại đó, họ lại mang các đặc tính siêu phàm và có khả năng tiếp xúc với các nhân vật huyền thoại thần bí. Các huyền thoại loại này là đối tượng của các môn khoa học về tôn giáo, dân tộc học cũng như các bộ môn khoa học nghiên cứu văn hóa khác.

Tự sự là những câu chuyện mang nhiều ý nghĩa, tác động đến cảm nhận của con người ta về thế giới và truyền bá những giá trị và chuẩn mực nhất định. Chúng có thể thay đổi. Ý nghĩa của chúng ít nhiều độc đoán, chúng không hề tùy tiện, mà tuân theo những khuôn mẫu nhất định, “những khuôn mẫu tự ổn định và ở mức độ nhất định đã mang sẵn vai trò chính danh”4

Gần gũi nhất với cách hiểu của chúng tôi về các câu chuyện kể là khái niệm “huyền thoại chính trị”, một khái niệm mang các đặc tính được nêu ra ngay ở đầu bài này. Legggewie nêu bật một số đặc tính của huyền thoại chính trị, những đặc tính cũng quan trọng đối với trường hợp “huyền thoại Việt Nam” hoặc “các huyền thoại của Việt Nam hay về Việt Nam”:

“Huyền thoại chính trị là một câu chuyện kể tạo ra tính đồng nhất của cộng đồng và gắn cho “một nhóm Chúng ta” – bất chấp các chia rẽ về xã hội và khác biệt về văn hóa, một giá trị tất yếu-không thể nghi ngờ. Theo cách hiểu cổ điển, huyền thoại là một khái niệm từ ngữ mang tính quyền uy, được dùng để biểu thị quyền uy hoặc bộc lộ tính chất thần linh của quyền uy đó. Các huyền thoại xưa nhấn mạnh sự gắn liền của hiện tại với truyền thống, các huyền thoại hiện đại lại dựa trên các sự kiện cách mạng, các điều khoản có thật hay tưởng tưởng ra trong những hiệp định hay hiến pháp nào đấy. Xét về mặt xã hội, các huyền thoại tạo ra ý thức tập thể và ký ức cho những nhóm người, kể cả các dân tộc, thiết lập cho họ mối liên hệ nội tại cũng như tính liên tục về thời gian – mối liên hệ và tính liên tục còn vượt quá cả không gian lẫn biên giới lãnh thổ vốn ngăn cách họ với nhau. Huyền thoại chính trị xác nhận cái gì có và cần có trong cộng đồng, tức là nó tạo ra sự tin cậy cho tính chính danh hiểu theo nghĩa khái quát nhất của khái niệm này. Trong vai trò hiến chương của trật tự xã hội, các huyền thoại đặt nền móng cho sự tự nhận thức và tính tất yếu của một xã hội. Do đó, các huyền thoại mang trong mình sức mạnh tạo dựng, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong vai trò đó, các huyền thoại chính trị bao giờ cũng chứa đựng cả các yếu tố của sự thật lẫn của sự lừa dối, của sự thật lịch sử lẫn những lời tiên đoán, của cả quá khứ lẫn của tương lai. Như thế, chúng vừa đúng, vừa sai. Chúng đúng khi tạo dựng nên một thực tế xã hội và chính trị. Bằng việc chỉ ra cho cộng đồng một tương lai chung, chúng tự khẳng định vai trò của mình. Khi chúng xuyên tạc hay che đậy một chi tiết nào đó (một việc mà huyền thoại nào cũng làm) thì chúng ắt gieo rắc nghi ngờ về sự đúng đắn của chính mình và do đó, sẽ tạo mầm cho sự bất đồng, cho các huyền thoại đối nghịch.”5

Münkler từng phân biệt ba hình thái của các huyền thoại lịch sử, những hình thái luôn luôn dựa dẫm vào nhau: câu chuyện kể, hình tượng và sự dàn dựng. Câu chuyện kể tạo nên nội dung thực sự của huyền thoại; huyền thoại phải luôn luôn được kể đi kể lại, phải luôn luôn được kể dưới những hình thức mới lạ, để nó không xơ cứng thành giáo điều. Việc hình tượng hóa huyền thoại, ví dụ thông qua các tượng đài, thì ngược lại, biểu diễn sự vững chãi của huyền thoại. Sự dàn dựng mang tính chất nghi lễ, hình thái thứ ba của huyền thoại chính trị, là những ngày lễ, ngày tưởng niệm hằng năm có diễn văn, diễu hành và duyệt binh.6

Nhìn vào lịch sử hiện đại của Việt Nam, ta có thể thấy các huyền thoại cổ điển chỉ đóng vai trò thứ yếu, dùng để tô vẽ là chính. Các câu chuyện kể, các tự sự về các sự kiện hay nhân vật lịch sử đóng vai trò quan trọng hơn. Khác với các phân tích khoa học, là các phân tích tuân theo phương châm không định trước kết quả và hướng vào sự thật, loại chuyện kể này rõ ràng nhắm tới kết quả. Mục tiêu của chúng là các thông điệp nhằm động viên quần chúng. Những sự thật và các mối quan hệ được xác minh bằng khoa học đều được sử dụng để phục vụ cho mục tiêu nói trên, bằng cách biến hình đổi dạng những sự thật và các mối quan hệ đó, thần thánh hóa, anh hùng hóa, hoặc, rất nhiều khi cắt xén, rút gọn chúng thành các khẩu hiệu hay thậm chí bỏ qua, không đếm xỉa đến nữa. Bởi vì các câu chuyện này, nói cho cùng, bao giờ cũng gắn liền với các sự kiện lịch sử, kinh tế, chính trị cụ thể nào đó, cho nên đây chính là các đối tượng nghiên cứu của giới xã hội học.

Trong lịch sử các bộ môn khoa học xã hội ở châu Âu, khởi đầu từ Platon cho đến thời Khai sáng, người ta đã rất tích cực hoạt động nhằm bóc mẽ cũng như đạp đổ các huyền thoại cùng những câu chuyện sản sinh từ đó, để tìm ra “sự thật” hay “thực tế” nằm sau các huyền thoại này. Phương pháp tiếp cận chỉ dựa trên sự đạp đổ như thế đã bỏ qua mất một sự thật là giữa các câu chuyện kể và các thực tế khả dĩ kiểm chứng được về mặt khoa học vẫn tồn tại mối quan hệ vừa đối lập vừa thống nhất. Sự thật khách quan, hay nói đúng hơn là nhận thức về sự thật khách quan bao giờ cũng được quyết định bởi mối quan hệ vừa đối lập vừa thống nhất giữa một thực tế có thể cảm nhận được bằng kinh nghiệm và cũng định lượng được, với các câu chuyện kèm theo. Để xem xét mối quan hệ vừa đối lập vừa thống nhất đó, chúng tôi sẽ không dừng lại ở việc phân tích mổ xẻ các huyền thoại và chuyện kể, mà cũng xem xét kỹ các chức năng và sự hấp dẫn của chúng, đồng thời, sẽ đề cập đến việc đánh giá chúng đã hoàn thành các chức năng nhất định của chúng tốt xấu như thế nào.

Các huyền thoại và chức năng của chúng – ở Việt Nam và những nơi khác

Căn cứ vào định nghĩa của Leggewie về “huyền thoại chính trị” và nhận thức của chúng tôi về huyền thoại này cũng như về sự thật khách quan, chúng tôi muốn dựa vào những huyền thoại riêng lẻ nhằm làm sáng tỏ, trước hết, đối tượng của chúng là gì, cái gì đã góp phần tạo nên chúng và mối quan hệ vừa đối lập vừa thống nhất nào tồn tại giữa các sự kiện có thể kiểm chứng được bằng kinh nghiệm với nội dung của các huyền thoại. Ở bước thứ hai, chúng tôi sẽ xem xét chức năng của chúng. Song, việc phân tích chức năng của các huyền thoại chính trị xét theo ý nghĩa nghiêm khắc nhất của công việc đó, là việc không thể thực hiện trong khuôn khổ chuyên khảo này. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tìm hiểu các chức năng có thể có thông qua việc khảo sát các ý đồ dễ dàng nhận thấy trong huyền thoại chính trị và, từ đó, chuyển sang các chức năng khả dĩ có của các huyền thoại chính trị ở Việt Nam cũng như ở Đức.

Làm như thế, chúng tôi luôn luôn chú trọng một điều là các huyền thoại chính trị luôn luôn có thể vừa đúng vừa sai hay chứa đựng “các yếu tố của cả hai mặt” (theo lời Leggewie). Chúng tôi cũng đồng tình với nhận định cho rằng sức mạnh của các huyền thoại chính trị chính là ở chỗ chúng tạo dựng, củng cố thực tế xã hội và quyền thống trị về chính trị, hoặc nói cách khác, là trụ cột hay keo kết dính cho lâu đài của nền chuyên chế. Có nghĩa là, nếu không phải là chính do “bề trên” khởi xướng, thì chúng cũng sẽ bị các giới cầm quyền ưa lợi dụng. Mặt khác, các câu chuyện chính trị như thế cũng phải được phần đông dân chúng tin tưởng và coi là thật. Điều đó có nghĩa là: các huyền thoại chính trị tạo dựng nền móng vững chắc cho nền chuyên chế. Nhưng chúng đồng thời cũng thường chứa đựng tiềm năng phê phán và đặt vấn đề về tính chính danh của nhà cầm quyền, và tạo uy tín cũng như sức mạnh cho các phong trào đối lập.

Trong chuyên khảo này, các tác giả sẽ xem xét những huyền thoại khác nhau bắt nguồn từ lịch sử và văn hóa, chính trị và kinh tế, rồi tiếp theo, họ sẽ tập trung vào các tác động chính trị mà các huyền thoại như thế tạo nên. Các huyền thoại này bắt nguồn từ Việt Nam, được phổ biến rộng rãi ở đó, nhưng cũng được hưởng ứng một cách đáng ngạc nhiên ở nước Đức và nhiều nước phương Tây khác, đồng thời góp phần to lớn khắc họa bức tranh chung về Việt Nam của chúng ta. Bởi thế, các tác giả sẽ phân tích riêng lẻ sự tồn tại cũng như ý đồ của từng huyền thoại chính trị bắt nguồn từ Việt Nam, lan truyền phổ biến tại đó, cũng như các huyền thoại về Việt Nam. Thế nhưng ở đây, đối với chúng tôi, Việt Nam được nêu ra chỉ để làm một thí dụ. Bởi vì các huyền thoại chính trị như thế, tất nhiên, cũng lan truyền ở nhiều nước khác, chúng bắt rễ trong nhiều hệ thống chính trị khác nhau và có mặt ở mọi miền thế giới. Trong chương cuối của chuyên khảo này, chúng tôi sẽ đưa ra một vài kết luận rút ra từ trường hợp Việt Nam để áp dụng vào các nước khác, và đặc biệt là vào Cộng hòa Liên bang Đức. Chẳng hạn, có thể rút ra các mối liên hệ song song nào giữa định đề về truyền thống và bản sắc văn hóa-chính trị hoàn toàn độc lập của Việt Nam đối với Trung Hoa, và Đảng CSVN tự coi mình là người bảo vệ chính danh của truyền thống và bản sắc đó, với các tranh luận trong nước (Đức) về một nền văn hóa dẫn đầu mang đặc thù Đức?

Nếu ta theo Gramsci xem văn hóa là “lối sống”, thì xung đột về các khái niệm khuôn mẫu giải nghĩa và quyền giải nghĩa tối cao mang tính văn hóa bao giờ cũng là xung đột về “quyền bá chủ” về văn hóa, tức là quyền thống trị của những phương thức tư duy và hành động nhất định.7 Một cuộc xung đột như thế nhằm giành quyền thống trị về văn hóa bao giờ cũng liên quan chặt chẽ với những lợi ích chính trị và kinh tế cũng như tham vọng vươn tới sự thống lĩnh về chính trị và văn hóa xã hội, đồng thời nó cũng phục vụ cho việc gìn giữ hoặc thách thức những nền thống trị nhất định. Do đó việc phân tích các khuôn mẫu giải nghĩa mang tính văn hóa bao giờ cũng phải được tiến hành cùng với việc xem xét các chức năng của chúng đối với những hình thức và nội dung nhất định của nền thống trị hưởng lợi đứng đằng sau. Chính vì vậy mà không thể xem xét các khuôn mẫu giải nghĩa mang tính văn hóa tách rời khỏi hoàn cảnh cụ thể và lợi ích riêng, hoặc một cách độc lập với cách hiểu cũng như lợi ích của các bên đối lập được.

Về các huyền thoại và bài viết trong chuyên khảo này

Các bài viết trong chuyên khảo này đề cập đến những huyền thoại sau đây trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, chính trị và kinh tế:

Trên lĩnh vực lịch sử và văn hóa, Gerhard Will phân tích huyền thoại lịch sử chính trị về cuộc đấu tranh anh hùng giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Nội dung chính của huyền thoại này là: Qua hơn 2000 năm đấu tranh chống xâm lược nước ngoài, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ nền độc lập và qua đó đã phát triển và hoàn thiện bản sắc độc đáo của mình. Khởi đầu cuộc đấu tranh này là cuộc chiến đấu chống sự đô hộ và cai trị của phong kiến Trung Hoa, tiếp đến là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mĩ trong hai thế kỷ 19 và 20. Cứ theo huyền thoại này thì lịch sử và nền văn hóa Việt Nam chỉ bao hàm một cuộc đấu tranh gần như liên tục chống quân xâm lược và ách cai trị của ngoại bang mà thôi. Thông qua việc thu gọn mối quan hệ với Trung Quốc vào các xung đột quân sự giữa hai bên, huyền thoại này làm lu mờ các ảnh hưởng mạnh mẽ về văn hóa mà Việt Nam được hưởng từ nước láng giềng phương Bắc. Ngoài ra nó còn gây khó khăn cho việc xem xét và cân nhắc các cơ hội và thách thức trong quan hệ giữa hai nước một cách tỉnh táo, và rốt cuộc, khiến cho nguy cơ xung đột tay đôi – lẽ ra phải suy giảm – lại không ngừng tăng lên.

Các bài viết của Martin Großheim và Vũ Đức Liêm nghiên cứu mối tương quan giữa các câu chuyện được thần thánh hóa với các nhận thức của khoa học lịch sử tại Việt Nam và của các nước khác. Martin Großheim cho thấy rõ các nỗ lực của Đảng CSVN trong việc giành vai trò người kế thừa chính danh của tất cả các phong trào đấu tranh nhằm giải phóng đất nước và nhân dân Việt Nam khỏi mọi ách áp bức và bóc lột. Vũ Đức Liêm phân tích huyền thoại về 18 đời Vua Hùng, là huyền thoại dựng nước của Việt Nam. Sự tôn sùng các Vua Hùng một cách quảng đại cũng như việc đưa họ vào sử sách chính thức của Đảng CSVN là những việc mới diễn ra gần đây. Những việc này cho thấy rõ nỗ lực của giới lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam nhằm giành tính chính danh cao hơn cho mình. Song, Vũ Đức Liêm cũng chứng minh một cách rõ ràng rằng những việc này cũng làm trỗi dậy nhiều phong trào chưa hẳn đã phù hợp với các mục tiêu mà giới lãnh đạo Đảng và Chính phủ nhắm tới.

Một huyền thoại nữa còn vươn tới tầm cỡ lớn lao về mặt lịch sử đương đại lẫn chính trị và từng gây tác động mạnh cả ở Cộng hòa Liên bang Đức lẫn nhiều nước phương Tây khác. Như lúc đầu chúng tôi đã nêu ra, cuộc đấu tranh chống “xâm lược Mĩ ở Việt Nam” và chính đất nước Việt Nam đã trở thành tấm gương cho phong trào đối lập và đoàn kết ngoài nghị viện, một phong trào đã đẻ ra một huyền thoại mới về năm “1968”. Jörg Wischermann phân tích “huyền thoại về tình đoàn kết” ở Cộng hòa Liên bang Đức, một phong trào đã phát triển và lớn mạnh trong thời gian nằm giữa các năm 1965 và 1975. Tác giả nghiên cứu Việt Nam, trong tư cách là trung tâm, là chất xúc tác và diễn đàn, đã giữ vai trò như thế nào đối với phong trào của thanh niên học sinh sinh viên Đức trong những năm 60 nhằm đòi hỏi các biến đổi xã hội và chính trị ngay tại nước Đức. Tiếp theo, tác giả cũng phân tích việc nhiều thế lực hết sức khác nhau về lối nghĩ và phương thúc hành động truyền thống đã nỗ lực như thế nào về mặt chính trị, nhằm lợi dụng tình đoàn kết với Việt Nam trong những năm 1970 để phục vụ cho công cuộc đổi mới xã hội chủ nghĩa theo các tấm gương của Bắc Việt Nam, CHDC Đức và Liên Xô.

Trên lĩnh vực chính trị, các tác giả Martin Gainsborough, Jörg Wischermann, Nguyễn Hồng Hải và Bùi Hải Thiêm chú trọng nghiên cứu huyền thoại chính trị về Nhà nước tập trung toàn quyền hùng hậu mà đối đầu với nó chỉ là một xã hội dân sự Việt Nam yếu ớt.

Có ít nhất hai huyền thoại được đề cập đến ở đây: Thứ nhất là huyền thoại về Nhà nước vững mạnh và tập trung. Ở góc độ riêng nào đó, cách nhìn nhận của những người cầm quyền ở Việt Nam đối với nhà nước “của họ”, một Nhà nước bao trùm về mọi mặt, có thể thống nhất với một vài giả định nhất định của một số chuyên gia về các nước phát triển nào đó. Nhưng bức tranh đó không phải gần đây mới bắt đầu rạn nứt, như trong một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đã cho thấy.8 Ở một trong những phân tích hiếm hoi về Nhà nước Việt Nam, Martin Gainsborough đã từng phản bác quan niệm về một Nhà nước toàn quyền của Việt Nam, một nhà nước tự nhận trách nhiệm tuân thủ các qui định chung vì sự phồn vinh của toàn thể cộng đồng. Trong cuốn sách xuất bản năm 2010, thậm chí tác giả đã mô tả Nhà nước Việt nam “ít nhiều là một nhóm riêng lẻ những nhân vật trong cuộc mang trong đầu một quan niệm không rõ rệt về cái mà người ta gọi là “tài sản công cộng”, những nhân vật biết sử dụng sự bất ổn định và các luật lệ không áp dụng rộng rãi với tất cả mọi người làm nền tảng cho trật tự chính trị và xã hội.”9

Trong bài viết đóng góp cho chuyên khảo này, tác giả mở rộng tầm nhìn phê phán đó về mặt lý thuyết, trong đó ông phê phán việc xem Nhà nước như một “sự vật” hay như một nhân tố chính trị đang hành động (một cách thống nhất hoặc không thống nhất), một “sự vật” dường như treo lơ lửng bên trên xã hội hoặc ít nhất cũng tách rời rõ rệt với xã hội và tạo thành một đơn vị đặc biệt. Như thế, ông ủng hộ một cách nhìn mới, vượt ra ngoài cách nhìn của Max Weber về Nhà nước. Theo ông, Nhà nước đúng ra vừa là kết quả, vừa là một đóng góp cho các hoạt động chính trị, “một trải nghiệm hay một tập hợp của các kinh nghiệm” có khả năng bộc phát một tác động “mạnh mẽ và siêu hình”. Bằng cách tiếp cận đó, ông hướng sự chú ý cũng như hiểu biết của chúng ta về Nhà nước vào các nhân vật xã hội, các nhóm nhân vật cũng như các tập hợp lực lượng xã hội. Đồng thời ông đòi hỏi phải theo dõi “các nhân vật cùng các cuộc chơi, chiến lược cũng như trải nghiệm lich sử của họ” rồi sau đó mới rút bài học, xem cái gì là “chính trị” và rốt cuộc, cái gì là Nhà nước Việt Nam được. Đối với Gainsborough, Nhà nước Việt Nam cũng như mọi Nhà nước khác, là một cái gì đó hết sức “không vững bền”, và theo ông, người ta không thể, hoặc không thể thật sự chắc chắn biết được, thật ra Nhà nước là cái gì. Cũng giống như Adam Fforde (xem phần tiếp theo ở dưới), ông đặt nghi vấn, không biết liệu trong hoạt động chính trị, đặc biệt là trong phần nội chính, người ta có tính đến các khác biệt khách quan về chính trị, hay thậm chí, có quan tâm đến các quan điểm khác nhau về chính trị hay không.

Cả Gainsborough lẫn Fforde đều nhấn mạnh rằng “Đảng-Nhà nước” của Việt Nam ngày càng trở thành một cỗ xe cho những người phấn đấu vươn tới quyền lực và ảnh hưởng, những người chỉ theo đuổi các lợi ích của riêng mình và của mạng lưới do họ nuôi dưỡng, do đó Nhà nước cũng không thể hiện một đường lối chính trị rõ rệt nào dành cho các hoạt động thúc đẩy sự phát triển. Theo Gainsborough, “Nhà nước” này “xa rời con người”, bị nạn tham nhũng lũng đoạn, và dẫn theo Fforde, thì không có uy quyền. Lý do khiến cho huyền thoại về một nhà nước tập trung vững mạnh, tuy thế, vẫn lưu truyền dai dẳng ở Việt Nam cũng như ở nơi khác, theo Gainsborough, nằm ở chỗ, các bên trong cuộc của Việt Nam cũng như nước ngoài (ví dụ các tổ chức hợp tác phát triển chẳng hạn) đều ưa lợi dụng huyền thoại này nhằm chứng minh tính chính danh của mình và gắn cho công việc của họ một ý nghĩa và logic nào đó.

Tiếp theo là huyền thoại về một nhà nước chuyên chế, có vẻ trơ đối với các biến động dân chủ và chính trị. Trong luận án được xuất bản năm 2016 của mình, Nguyễn Hồng Hải từng nghiên cứu xem các hình thái “dân chủ cơ sở” đã phát triển ở cấp địa phương từ cuối những năm 1990 như thế nào, những hình thái mà từ dạo đó và ít nhất là tại một số tỉnh đã tỏ ra thành công và, ở mức độ nhất định, đóng góp vào việc củng cố tính chính danh cho quyền lãnh đạo của Đảng CSVN.10 Trong bài viết cho chuyên khảo này, ông mở rộng phạm vi nghiên cứu và dựa vào một số thí dụ rút ra từ quá khứ mới đây để phân tích xem sự phối hợp giữa cưỡng bức và đồng tình – kể cả sự đồng tình tự nguyện lẫn có tổ chức – đối với các chính sách của Nhà nước, cũng có nghĩa là của Đảng, có thể góp phần ổn định quyền lực của Đảng như thế nào. Về phương diện này, một trong những biện pháp được ưa áp dụng là gây mâu thuẫn giữa các cơ quan địa phương với trung ương: Chẳng hạn như các đại diện của chính quyền trung ương thường quả quyết chính quyền trung ương bao giờ cũng tuân theo các luật lệ nhất định, còn cán bộ đia phương dường như đều vi phạm luật lệ. Như thế, giống như ở Trung Quốc, người có lỗi ở Việt Nam không phải là “minh quân”, mà là các cán bộ xấu, bất tài và tham nhũng ở địa phương. Những câu chuyện tự sự rõ ràng mang tính xếp đặt như thế bao giờ cũng dựa ở mức độ nhất định vào niềm tin, vào lòng tin tưởng được gửi gắm cho một vài cán bộ hay chính trị gia riêng lẻ nào đó.

Huyền thoại về một xã hội dân sự Việt Nam yếu ớt, không có mấy ảnh hưởng trước một Nhà nước mạnh mẽ gấp bội sẽ được xem xét từ hai góc độ. Trước hết, Jörg Wischermann sẽ làm sáng rõ các điều kiện tiên quyết về lý thuyết và hợp chuẩn mực khiến cho các nhà khoa học nổi tiếng như Carl Thayer hay Oskar Salemink, thậm chí cả các chuyên gia về các nước phát triển của Cộng hòa Liên Bang Đức đều đi đến đánh giá cho rằng ở Việt Nam chỉ tồn tại một xã hội dân sự kém phát triển mà thôi. Ông trình bày các quan điểm lý thuyết đối nghịch với các quan niệm lý thuyết phổ biến về xã hội dân sự và giới thiệu các kết quả mang tính kinh nghiệm của các nghiên cứu do các nhà khoa học trẻ Mĩ, châu Âu và Việt Nam tiến hành dựa trên các quan điểm lý thuyết “trái ngược” về xã hội dân sự. Qua đó đã hình thành một bức tranh đa màu sắc, thậm chí mâu thuẫn nhau, về một xã hội dân sự của Việt Nam, một xã hội không hề yếu ớt và phi chính trị như người ta vẫn quả quyết, một xã hội dân sự tuy một phần nào đó củng cố Nhà nước toàn quyền thật, nhưng phần khác cũng làm nó suy yếu, một xã hội dân sự mà xét về phương diện này cũng như nhiều phương diện khác, không khác biệt bao nhiêu so với những xã hội dân sự mà chúng ta có thể quan sát thấy ở các Nhà nước dân chủ cũng như độc quyền lân cận với Việt Nam.

Bùi Hải Thiêm dựa vào sự phân tích về một xã hội dân sự không hề yếu kém và phi chính trị và nghiên cứu ảnh hưởng của nó lên nhiều lĩnh vực chính trị khác nhau. Trong một nghiên cứu được trích dẫn nhiều của mình từ năm 2013, ông đã đi đến kết luận cho rằng đứng trước sức ép ngày càng tăng bắt nguồn từ một xã hội dân sự đang lớn mạnh và thách thức quyền lãnh đạo của họ về chính trị và văn hóa, nhà cầm quyền cộng sản hầu như không còn phương sách nào khác là phải nhượng bộ theo chiều hướng cải cách và thay đổi về chính trị.11

Trong bài viết cho chuyên khảo này, ông cung cấp một tổng quan về sự phát triển của internet và truyền thông xã hôi ở Việt Nam. Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nơi khác, niềm hy vọng vào sự dân chủ hóa hệ thống chính trị liên quan mật thiết với các lĩnh vực này. Bùi Hải Thiêm diễn tả quan điểm của nhà cầm quyền đối với hệ thống truyền thông này và cung cấp tư liệu cho người đọc biết về các biện pháp đối xử, mà trước hết, là các biện pháp đối xử với những tiếng nói phê phán. Ông cho thấy mạng internet – bất chấp tất cả các biện pháp đàn áp – đã trở thành một mặt trận giành giật quyết liệt giữa các đối thủ của nhà nước và của xã hội ra sao, cũng như trong những trường hợp riêng lẻ, có thể móc nối sự động viên lực lượng ngoài xã hội với lực lượng ảo trên internet với nhau và qua đó, đạt tới những thành công chính trị như thế nào. Ông phản bác ý kiến cho rằng ở Việt Nam, nhà cầm quyền chỉ phản ứng với sự hiện diện mạnh mẽ của mạng truyền thông xã hội bằng các biện pháp đàn áp mà thôi. Trái lại, ông chỉ rõ, gần đây nhà cầm quyền đã sử dụng internet và mạng truyền thông xã hội vào mục đích của mình, vào việc truyền bá và củng cố các quan điểm riêng trên bình diện xã hội, cũng như vào việc đấu tranh giành giật chức vụ và quyền lợi trong nội bộ Đảng ra sao. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng nhà cầm quyền hoàn toàn không để cho mọi người có cơ hội ngang nhau để biểu đạt quan điểm, và ở Viêt Nam, cũng như ở các nơi khác, tuyệt nhiên không có nghĩa là các hoạt động ảo sẽ tự khắc chuyển đổi thành hoạt động động viên xã hội và dẫn đến sự dân chủ hóa hệ thống chính trị.

Trên lĩnh vực kinh tế, huyền thoại về “năm 1986” và về việc đánh giá Đại hội Đảng lần thứ 6 là “Đại hội đổi mới” sẽ được chọn ra để phân tích. Bất kỳ ai đã một lần sang Việt Nam và (hoặc) đã đọc một bài xã luận báo chí về sự phát triển kinh tế của đất nước này, đều biết những câu kiểu như sau: Năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ 6, Đảng CSVN đã quyết định tiến hành các cải cách mang tính chất kinh tế thị trường. Nghị quyết này và các chính sách của Chính phủ dựa trên Nghị quyết đó đã dẫn đến sự phát triển kinh tế đầy ấn tượng của đất nước. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng CSVN và ý chí đổi mới của Đảng đã tạo ra sự trỗi dậy của đất nước trong vòng vài thập niên ngắn ngủi, bởi vậy, việc Đảng được hưởng độc quyền lãnh đạo không hạn chế là đương nhiên. Nói ngắn gọn: Cùng với Đại hội lần thứ 6, người ta đã tạo ra một thứ gì đó kiểu như huyền thoại dựng nước mới và từ đấy, đặt ra câu chuyện như sau: Tuy đôi khi Đảng có thể sai lầm, nhưng Đảng cũng có đầy đủ khả năng để sửa chữa sai lầm đó. Adam Fforde đã từng nghiên cứ “huyền thoại về Đại hội 6” này trong vô số công trình (bằng tiếng Anh), được công bố, chẳng hạn cùng với Stefan de Vylder trong công trình mang tính chuẩn mực “From Plan to Market”.12

Trong bài viết dành cho chuyên khảo này, Fforde xem xét “chính sách Đổi mới” được nhận thức ra sao ngay trong nội bộ Đảng CSVN và nhận định rằng “huyền thoại Đại hội 6” còn được các nước tài trợ, các cơ quan, chính khách phương Tây chấp nhận và nuôi dưỡng nhiều hơn gấp bội so với nhà cầm quyền ở Việt Nam. Sự phân tích này đưa ông đến một câu hỏi rất căn bản là liệu có phải các chính sách đã đưa tới các kết quả mong muốn hay không (và nếu có, thì đến mức độ nào), hay chính các nhân vật xã hội và kinh tế trong cuộc (dù đó là những người nông dân sản xuất nhỏ hay các nhà quản lý những nhà máy lớn của nhà nước) – xuất phảt từ nhu cầu và lợi ích riêng – mới là những người thật sự thúc đẩy sự phát triển tương ứng đó. Khi ấy, họ phá bỏ các cản trở hình thức và phi hình thức rồi mở ra cho mình lẫn cho người khác những con đường phát triển kinh tế mới. Fforde sử dụng ở đây khái niệm “xé rào” quen thuộc ở Việt Nam, một khái niệm mô tả sự phát triển của các cơ chế và thực tiễn kinh tế thị trường vốn bắt nguồn tự phát từ thực tiễn mang tính kinh tế thị trường “từ dưới lên”, đồng thời nằm ngoài khuôn khổ nền kinh tế kế hoạch, và trở thành “drivers of change (động lực thay đổi)”.13

Như thế, Fforde đã phản bác quan điểm phổ biến, cho rằng “các chính sách” là động lực đưa đến các biển đổi kinh tế và chính trị (ví dụ như những chính sách từng được thông qua tại Đại hội 6). Theo ông, các chính sách, nếu không phải là không quan trọng, thì ở Việt Nam cũng như nơi khác, chúng đều ít quan trọng. Bởi vậy, ông cho rằng “chính sách đổi mới” chủ yếu chỉ là các phản ứng đối với các vấn đề và sự kiện xã hội và chính trị, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến các biến đổi kinh tế và chính trị ở Việt Nam; các đổi mới đó đúng hơn là kết quả hành động của rất nhiều bên trong cuộc độc lập . Nói tóm lại: Nền kinh tế Việt nam đã tự đổi mới (auto-reformed).

Việc xem xét các huyền thoại tại Việt Nam cũng như huyền thoại về Việt Nam một cách có phê phán sớm muộn sẽ phải đối diện với những công kích, cho rằng đó là cách đặt vấn đề ngoại lai và phù phiếm. Song, chúng tôi muốn thông qua chuyên khảo này để làm sáng tỏ rằng, việc xem xét những hình ảnh và quan niệm mang vẻ hoang đường như thế không đưa chúng ta đến những đối tượng xa rời chính trị và hoang đường, mà ngược lại, có thể làm cách nhìn của chúng ta sắc sảo hơn trên nhiều khía cạnh, những khía cạnh sẽ quyết định nhận thức về chính trị cũng như hoạt động chính trị của chúng ta một cách đáng kể – cả ở Việt Nam lẫn ở những nơi khác.

Chú thích
1

“Các tự sự chính trị là tất yếu bởi chúng có mặt ở muôn nơi. Song, đối với các nguy cơ và tác dụng phụ của chúng có một sự khác biệt cơ bản là, liệu chúng ta đang đối mặt với một cộng đồng dân chủ hay phi dân chủ, liệu chúng ta có cơ hội để tương đối hóa hay phá bỏ các tự sự chính trị và các ý nghĩa ít nhiều độc đoán của chúng hay không. Cơ sở hiệu chỉnh tính tự sự của lý thuyết chính trị là nguyên tắc thảo luận, một nguyên tắc chỉ các nền dân chủ mới bảo đảm được mà thôi.” Wolfgang Seibel, ngữ nghĩa bá chủ và các phản tự sự cực đoan. Tham luận tại Hội thảo của Trường Cao đẳng lý luận văn hóa Konstanz, 2009, không ghi số trang, https://www.exzellenzcluster.uni-konstanz.de/kolleg-heg-semantiken.html.

2

Claus Leggewie,Der Mythos des Neuanfangs – Gründungsetappen der Bundesrepublik Deutschland: 1949-1968-1989, 1995, không ghi số trang, http://polylogos.org/philosophers/arendt/arendt-mythos.html#four.

3

Về các định nghĩa khác nhau dành cho khái niệm “huyền thoại” và lịch sử của nó, xem thêm Aleida Assmann/Jan Assmann, Mythos, in: Handbuch religionswissenschaftlicher Grundbegriffe, chủ biên: Hubert Cancik/Burkhard Gladigow/Karl-Heinz Kohl, Bd. IV: Kultbild – Rolle, Stuttgart, Berlin, Köln 1998, tr. 178-200.

4

Seibel (CT 1), tr. 3.

5

Leggewie (CT 2), không ghi số trang.

6

Herfried Münkler, Die Deutschen und ihre Mythen, Berlin 2009, tr. 14-15.

7

Khi Gramsci định nghĩa nền văn hóa là “cách sống”, ông đã xếp vào khái niệm đó không những chỉ các môn nghệ thuật, mà cả các thói quen, tình cảm và “các ý niệm về thế giới”. Antonio Gramsci, Ghi chép trong trại giam, Band 9, Heft 26, 1999, tr. 2108-2109.

8

Ngân hàng thế giới, Vietnam 2035: Towards Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy, Hanoi 2016, tr. XXIX-XXXI, tr. 339-368, https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/23724.

9

Martin Gainsborough, Vietnam. Rethinking the State, London 2010, tr. 182, G. W./J. W. biên dịch.

10

Hai Hong Nguyen, Political Dynamics of Grassroots Democracy in Vietnam, Basingstoke, New York 2016.

11

Thiem Hai Bui, The Development of Civil Society and Dynamics of Governance in Vietnam’s One Party Rule, trong: Global Change, Peace & Security, 25 (2013) tr. 1.

12

Adam Fforde/Stefan de Vylder, From Plan to Market, Boulder 1996.

13

Fforde đã nhận thấy thực tiễn này diễn ra ở miền Bắc Việt Nam vào những năm 1960 và dựa vào đó, ông phản bác quan niệm cho rằng trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã từng tồn tại một Nhà nước trung ương tập quyền hùng mạnh.

Comments are closed.