Phát biểu nhận giải: Thơ – khởi thủy là lời chân thật

Lê Huỳnh Lâm

image

 

Nghe lời ru của mẹ từ thuở còn nằm nôi, giai điệu truyền cảm tình thương yêu cùng sự đong đưa dập dìu của chiếc nôi đã đưa hài nhi vào giấc ngủ sâu. Thế hệ 6.x chúng tôi đã lớn lên cùng âm hưởng những lời ca dao xen lẫn tiếng đạn bom của chiến tranh như thế. Vì vậy, tiếng thơ trở thành một phần tiềm thức của chúng tôi cùng tiếng nổ dữ dội của đạn bom, mà nó vẫn rền vang chấn động đến bây giờ trên hành tinh này… Thơ, như một liều thuốc an thần thuở còn ấu thơ qua lời ru của mẹ và thơ, sau này cũng khiến tôi mất ngủ hằng đêm vì nỗi trăn trở trước những bất công, phi lý từ cuộc sống này.

Khác với loài vật, con người có ngôn ngữ để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc của chính mình, của một cộng đồng hay cả đồng loại. Khởi thủy là lời, chính là sự diễn ngôn chân thật cảm xúc, tư tưởng của công cuộc sáng tạo… Bi kịch thay, con người vốn là sinh vật hoài nghi, và tham sân si như một tiên ám vận vào loài người, nên họ chỉ thấy vật chất cụ thể thỏa mãn cho nhu cầu mê đắm của bản năng qua các giác quan, do vậy mà ngôi lời ở họ đã tự vong thân, tha hóa, dối gạt chính nó.

Ngày nay, chúng ta đang ở trong thời đại bùng nổ thông tin, thời của ngôn từ sáo rỗng lên ngôi. Thứ ngôn từ chỉ mang dáng vẻ mĩ miều như lớp phấn son, như áo quần che đậy, chúng không bao giờ diễn đạt được sự ẩn ức bên trong mỗi cá thể, mỗi cộng đồng. Sự ẩn ức đó luôn tồn tại trong các xã hội như một quy luật tất yếu, cho dù xã hội đó tuyên xưng bất kỳ nhãn hiệu nào. Ba từ “độc lập – tự do – hạnh phúc” nằm dưới quốc hiệu đã thể hiện sự khát khao của một đất nước trong xuyên suốt chiều dài lịch sử chống kẻ xâm lược. Khao khát đó cũng là ước muốn của mỗi người dân Việt hiện tại, bởi vì chỉ có độc lập, tự do mới phát huy hết trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Nhưng độc lập, tự do theo ý nghĩa tuyệt đối chỉ là một giả định từ, vì không thể có một sự vật, một cá thể nào có thể xuất hiện và tồn tại độc lập. Tức là nó sẽ bị ràng buộc. Do vậy các hệ quả từ “tự do”, “hạnh phúc” sẽ không trở thành hiện thực như nguyên nghĩa trọn vẹn của chính nó, khi không thể có độc lập. Vì vậy, “độc lập – tự do – hạnh phúc” luôn là khát vọng của con người trong mọi thời đại để hướng đến cõi giác linh. Xét ở bình diện tương đối, trong mỗi quốc gia, những người nghệ sĩ luôn mong muốn một môi trường tự do để biểu đạt cảm xúc và ước mơ của chính mình nhằm góp phần cho xã hội hướng thiện và tiến bộ hơn. Tiếc rằng điều mong ước đó vẫn chưa thành hiện thực, bởi những ánh mắt loài quạ đen mãi soi mói, và những âm binh vẫn ngăn chặn theo quán tính những chỉ dụ của một bóng ma, nhằm ngăn cản khát vọng tự do của loài người.

Trên nền tảng của mạng toàn cầu (internet) các ứng dụng đã lôi kéo con người trở về với bản năng nguyên thủy mang tính bầy đàn thông qua hai giác quan bị động là tai, mắt… Với sứ mệnh của người nghệ sĩ thực thụ, có lẽ chúng ta nên tìm một nơi trú ẩn để quan sát và hướng con người nhân văn li khai tính bầy đàn của kỷ nguyên Internet. Điều đó, theo đạo Phật được gọi là hải đảo tự thân, hoặc là hạnh độc cư, còn Thiên Chúa giáo gọi là thiên quốc, các đạo sư Yoga ẩn thân miền sơn cước tiếp nhận dòng sinh lực vũ trụ… thể nhập chân lý tối thượng. Chúng ta không thể cứ mãi theo thứ ngôn ngữ mĩ miều nhưng lại rỗng tuếch, lạ xa với cuộc sống hiện tại, chúng ta càng không thể chạy đua theo các chỉ số, các thành tích để bị cuốn vào vòng quay của những lý thuyết hoang đường, để rồi từ đó chúng ta rơi vào nghiệp mệnh do kẻ khác tạo ra.

Trong thời kỳ hỗn mang thông tin này, nên chăng mỗi nghệ sĩ đúng nghĩa hãy xem mạng toàn cầu như một phương tiện để trao gửi thông điệp đánh thức lương tri của cộng đồng, nếu không như thế chúng ta đã ngầm thỏa hiệp với điều bất thiện, và hệ quả tất yếu là chúng ta và các thế hệ tiếp nối đã và sẽ bị cuốn vào mớ hỗn loạn của một thứ hổ lốn văn hóa, văn nghệ, hư danh… để tuột mất nội tâm vốn trên đà bị vô cảm hóa.

Văn chương, nghệ thuật Việt Nam nói chung và thi ca nói riêng tụt hậu quá xa so với thế giới, khi các lý thuyết văn chương, các trường phái nghệ thuật trên thế giới ngày mỗi tiến bộ và đổi mới, thì trong xã hội chúng ta nền văn nghệ hội đoàn lại quẩn quanh soi mình nơi giếng xưa làng cổ… Một số người viết ở xứ miền nhiệt đới này như nhiễm phải bệnh dịch tự kiểm duyệt cho chính mình do vi-rút vô hình mang tên sợ hãi gây nên… Số còn lại rơi vào khuynh hướng tụng ca, rất ít người cầm bút phản ánh những bất cập trong thời đại mình đang sống. Về văn học tụng ca, chúng ta cũng cần rạch ròi, tụng ca chân thiện mỹ hoàn toàn khác với tụng ca các cá nhân ở trạng thái phi thiện,… Bởi cái phi thiện là sự tiềm ẩn và đang thỏa hiệp thụ động với cái ác, vì cái ác sẽ trỗi dậy khi hội đủ điều kiện, bởi sự tham đắm vật chất, si mê quyền lực,… luôn chờ chực dưới lớp vỏ não của những kẻ thờ ơ với thần linh, cuồng tín thánh thần, không tin vào nhân quả.

Thơ không thoát ra ngoài quy luật đó, khi ở xứ sở này hàng hàng lớp lớp kẻ xưng danh nhà thơ ra đời từ nhân bản vô tính, với bảng mẫu tự định hướng để làm đẹp cho phường hội mậu dịch trong cơn hoang tưởng tập thể, mà họ chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là quên mất tính mệnh thi ca là để thức tỉnh lương tri con người, giúp con người hướng thiện và ngăn cản cái ác nhằm góp phần đưa xã hội ngày càng tiến bộ, hướng đến chân thiện mỹ.

Viết đến đây, bất chợt hai câu thơ của thi nhân Hàn Mặc Tử hiện lên trong trí tưởng:

Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ?

Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?

Vậy đó, Thơ – khởi thủy là lời chân thật.

Huế, 17/2/2024

Comments are closed.