Darby Bannard

Nguyễn Man Nhiên

 

Là một nhân vật hàng đầu trong sự phát triển của phong trào hội họa Trường màu (Color Field Painting)* vào cuối những năm 1950 và là một họa sĩ trừu tượng quan trọng của Mỹ, DARBY BANNARD (1934-2016) nổi tiếng với những bức tranh mang tính đột phá đầy màu sắc phong phú.

Darby Bannard đã dành hơn nửa thế kỷ để khám phá lại sự chắt lọc về màu sắc, hình thức và tính chất vật lý của sơn. Trong nhiều năm, ông đã mạo hiểm bước vào lãnh thổ mới, từ bỏ dạng hình học của các bức tranh ban đầu, nới lỏng nét vẽ và làm phức tạp bề mặt của tranh bằng polymer và gel mang lại chất lượng địa hình cho tác phẩm. Trong mọi trường hợp, Bannard đều thể hiện khả năng cảm nhận màu sắc tinh tế và sở trường triển khai các hình thức linh hoạt, khiến người xem bị cuốn hút và kinh ngạc.

Bannard thường sáng tác những chuỗi tác phẩm kéo dài nhiều năm. Trong khoảng thời gian đó, ông cũng vẽ các bức nhỏ trên giấy cho phép thay đổi, tự do và tận hưởng – như cảnh hoàng hôn. Bannard chủ yếu sử dụng sơn dầu, acrylic, phấn màu, sơn xịt và các chất liệu tổng hợp khác để ghi lại màu sắc rực rỡ của phong cảnh, gói gọn vẻ huy hoàng và rộng lớn của bầu trời Florida, dường như là chủ đề chính trong những tác phẩm này.

Darby Bannard sinh năm 1934 tại New Haven, Connecticut. Ông tốt nghiệp Học viện Phillips Exeter năm 1952, sau đó tốt nghiệp Đại học Princeton năm 1956. Đam mê vẽ từ lúc còn trẻ, Bannard đã tự học như một họa sĩ. Trong những năm ở Princeton, Bannard say mê hội họa và nhanh chóng thử nghiệm theo phong cách của Mark Rothko và Clyfford Still. Ông đã cùng bạn là họa sĩ Frank Stella và nhà phê bình Michael Fried tham gia các cuộc trò chuyện nghệ thuật nhằm mở rộng các định nghĩa thẩm mỹ và dẫn đến sự nhấn mạnh vào tính quang học như đặc điểm nổi bật của hội họa. Cuộc triển lãm của họa sĩ trừu tượng người Mỹ Barnett Newman đã gợi ý cho ông một hướng đi. Darby Bannard tiếp tục khám phá các thuộc tính của màu sắc, sơn và bề mặt tranh thông qua các phương pháp sáng tạo để tìm ra những phương tiện biểu đạt quan trọng và độc đáo. "Đối với tôi, làm nghệ thuật là sự đổi mới liên tục. Nghệ thuật trừu tượng đòi hỏi sự phát minh, và khi tôi cảm thấy một phương pháp này trở nên nhàm chán, tôi sẽ phát triển một phương pháp khác. Đó là lý do tại sao bạn sẽ thấy rất nhiều thay đổi", ông nói.

Vào cuối những năm 1950, Bannard chuyển từ phong cách trừu tượng biểu hiện sang những mảng màu tương phản rộng lớn, tạo ra những bức tranh tối giản khắc khổ. Ông đã thử nghiệm những bức tranh xoáy, hỗn loạn, sử dụng các vật liệu mới như sơn nhà bằng nhựa alkyd để tìm kiếm các lựa chọn màu sắc tốt hơn, trước khi đạt đến chủ nghĩa trừu tượng tối giản (minimalist abstraction) tinh tế khiến người xem phải đối mặt với một cảm giác biệt lập, dạng hình học phát sáng – thường là hình đĩa hoặc hình vuông – lơ lửng trên nền màu đơn sắc.

Các bức tranh của Bannard từ năm 1959 đến năm 1965 có rất ít hình dạng, chỉ một dải duy nhất được vẽ xung quanh một trường màu, và sau đó phát triển thành các dạng hình học phức tạp hơn vào giữa những năm 1960.

Khoảng năm 1970, như nhiều họa sĩ Trường Màu cùng thời, Bannard đón nhận những phương tiện mới cho phép ông mở rộng vốn từ vựng về hình ảnh. Đầu tiên là sơn bằng nhựa alkyd thương mại, kế tiếp là sơn acrylic, vẽ bằng con lăn và giẻ lau. Sau đó, ông sử dụng các loại gel và polymer có màu, vẽ bằng chổi cao su và thậm chí cả chổi lau sàn, như trong loạt tranh “chải và cắt” (“brush and cut”) thực hiện vào cuối những năm 1980. Bannard nghĩ đến màu sắc “như một chất lỏng, chảy qua và đọng lại trên một bề mặt gồ ghề, thay đổi khi nó trộn lẫn và khô đi”. Bannard bị thu hút bởi những màu sắc có giá trị gần gũi hơn là những màu sắc mạnh mẽ và thường để nền đất ấm áp và nhạt đứng một mình thay vì đóng vai trò hỗ trợ cho các màu khác.

Về cuối đời, Bannard đã tăng cường độ và sự sắp xếp của màu sắc. Các nền trung tính hơn trước đây đã chuyển sang màu sắc tổng thể. Các bề mặt của bức tranh đều phẳng và ba chiều cùng lúc: các hình dạng hình học màu hồng nóng và màu xanh huỳnh quang dường như nổi lên phía trên và nhô ra khỏi vải vẽ. Thêm vào những vòng tròn là những hình thang có cạnh cứng. Các vùng màu phẳng được làm nổi bật bởi các mảnh gel lấp lánh và các vùng nổi lên của tác phẩm cọ quét lớn tạo ra một vũ điệu trên bề mặt. Các phương pháp và kỹ thuật từ các bức tranh trước đó được kết hợp và sử dụng đồng nhất trong các bố cục sống động này. Trong những tác phẩm cuối cùng, Bannard vẽ với sức sống ngày càng cao, tạo ra những bức tranh khổ lớn rộng tới 4 mét.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Darby Bannard đã di chuyển giữa các cực của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và Hội họa Trường Màu, dẫn đến một nền nghệ thuật không ngừng phát triển khi nghệ sĩ đối mặt thẳng thắn với các tình huống mà nghệ thuật của mình đưa ra, phản ứng với chúng bằng sức sống và trực giác. Nhà phê bình Karen Wilkin đã phát biểu: “Bannard đã thăm dò xem các sắc thái màu sắc có thể tinh tế đến mức nào trước khi chúng trở nên mở rộng không gián đoạn. Trong những bức tranh này, ngay cả bố cục cũng có thể bị giảm xuống thành một loại gần như tiêu cực, tiếng vọng của một thứ gì đó không còn tồn tại nữa.”

Năm 1964, tranh Bannard có mặt tại cuộc triển lãm mang tính bước ngoặt “Post Painterly Abstraction” tại Bảo tàng Hạt Los Angeles. Năm sau, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở New York đã trưng bày tác phẩm của ông trong triển lãm “The Responsive Eye”.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của Bannard là vào năm 1965, tại Phòng trưng bày Tibor de Nagy, New York; kế tiếp là Phòng trưng bày Richard Feigen, Chicago và Phòng trưng bày Kasim, London. Kể từ đó tranh của ông đã hiện diện trong gần một trăm triển lãm cá nhân và hàng trăm triển lãm nhóm.

Năm 1968, Bannard nhận được Học bổng Quỹ Guggenheim và Giải thưởng của Quỹ Nghệ thuật Quốc gia. Năm 1973, Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore đã tổ chức một cuộc triển lãm hồi cố (retrospective), sau đó chuyển đến Bảo tàng Nghệ thuật Atlanta và Bảo tàng Mỹ thuật Houston. Năm 1987, nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ nổi tiếng Clement Greenberg đã tuyên bố Darby Bannard là một trong năm hoặc sáu họa sĩ xuất sắc nhất còn sống.

Từ năm 1989 đến năm 1992, Darby Bannard là chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật và Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Miami ở Coral Gables, Florida, nơi ông dạy hội họa cho đến khi qua đời vào năm 2016. Ông còn là một tác giả viết nhiều về nghệ thuật với hơn 100 bài tiểu luận và phê bình được xuất bản trên ARTNews, Art Forum, Art in America và The New York Times. Khi Bannard mất, truyền thông đã vinh danh: "Ông ấy là một người đàn ông vĩ đại, một thiên tài trí tuệ, một người cố vấn hào phóng và một tính cách nghệ sĩ không gì ngăn cản nổi."

Sự nghiệp của Darby Bannard gắn liền với chủ nghĩa hiện đại (Modernism), trừu tượng trữ tình (Lyrical Abstraction), chủ nghĩa tối giản (Minimalism), chủ nghĩa hình thức (Formalism), và hội họa trường màu (Colour Field Painting). Tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của hầu hết các bảo tàng lớn ở Mỹ cũng như một số bảo tàng ở nước ngoài, bao gồm Albright-Knox Art Gallery, Buffalo, New York; Allen Memorial Art Museum, Oberlin College, Ohio; Baltimore Museum, Maryland; Blanton Museum of Art, The University at Texas, Austin; Brooklyn Museum, New York; Cleveland Museum, Ohio; Dallas Museum of Fine Art, Texas; Dayton Art Institute, Ohio; Edmonton Art Gallery, Alberta, Canada; Fogg Art Museum, Cambridge, Massachusetts; Honolulu Museum, Hawaii; Indianapolis Museum of Art, Indiana; Kenyon College Art Gallery, Ohio; Larry Aldrich Museum, Ridgefield, Connecticut; Lowe Art Museum, Coral Gables, Florida; McNay Art Museum, San Antonio, Texas; Metropolitan Museum of Art, New York; Montclair Art Museum, New Jersey; Museum of Fine Arts, Boston; The Museum of Fine Arts, Houston, Texas; Museum of Modern Art, New York; National Gallery of Victoria, Australia; New Jersey State Museum, Trenton; Newark Museum, New Jersey; Portland Art Museum, Oregon; Princeton University Art Museum, New Jersey; Rose Art Museum, Brandeis University, Waltham, Massachusetts; Smithsonian American Art Museum, Washington, DC; Solomon R. Guggenheim Museum, New York; Storm King Art Center, New Windsor, New York; the Toledo Museum of Art, Ohio; Whitney Museum of American Art, New York; Williams College Museum of Art, Williamstown, Massachusetts; Centre Georges Pompidou, Paris; National Gallery of Victoria, Australia;…

Sau một thời gian phần nào bị lãng quên, Darby Bannard bắt đầu thu hút sự chú ý mới của công chúng khi Phòng trưng bày Berry Campbell ở New York triển lãm các tác phẩm giai đoạn 1950-1960 của ông. “Những màu sắc này vẫn rạng rỡ.” – nhà phê bình Phyllis Tuchman viết trên Artforum, “Bảng màu nhạt của nghệ sĩ vẫn mang tính cá nhân độc đáo như cách đây 50 năm. Bạn thậm chí không thể đặt tên cho màu sắc của ông."

_________________________________________

*Color Field Painting (Tranh trường màu) là một xu hướng trong chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism), khác với Trừu tượng cử chỉ (Gestural Abstraction) hay còn gọi là Tranh hành động (Action Painting). Nó được khởi xướng vào cuối những năm 1940 bởi Mark Rothko, Barnett Newman và Clyfford Still, những nghệ sĩ độc lập tìm kiếm một phong cách trừu tượng có thể mang đến một nghệ thuật hiện đại, có tính thần thoại và thể hiện niềm khao khát về sự siêu việt và cái vô hạn. Để đạt được điều này, họ đã từ bỏ mọi gợi ý về hình tượng mà thay vào đó khai thác sức mạnh biểu cảm của màu sắc trên những bề mặt tranh rộng lớn tạo cảm giác bao bọc người xem khi nhìn ở khoảng cách gần. Tác phẩm của họ truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ theo phong cách Trừu tượng hậu họa sĩ (Post-painterly abstraction) – một thuật ngữ do nhà phê bình Clement Greenberg đặt ra vào năm 1964 –, đặc biệt là Helen Frankenthaler, Morris Louis, Kenneth Noland và Jules Olitski, mặc dù đối với các họa sĩ trường màu sau này, vấn đề hình thức có xu hướng quan trọng hơn nội dung thần thoại.

 

clip_image002

clip_image004

clip_image005

clip_image007

clip_image009

clip_image011

clip_image013

clip_image015

clip_image016

clip_image017

clip_image018

clip_image019

clip_image020

clip_image021

clip_image022

clip_image023

clip_image024

clip_image025

clip_image026

clip_image027

clip_image028

clip_image029

clip_image030

clip_image031

clip_image032

clip_image033

clip_image034

clip_image035

clip_image036

clip_image037

clip_image038

clip_image039

clip_image041

clip_image043

clip_image045

clip_image046

clip_image048

clip_image049

clip_image051

clip_image052

clip_image054

clip_image055

clip_image056

clip_image057

clip_image059

clip_image061

clip_image063

clip_image065

clip_image066

clip_image068

clip_image069

clip_image071

clip_image072

clip_image073

clip_image075

clip_image076

clip_image077

clip_image078

clip_image079

clip_image080

clip_image081

clip_image082

clip_image083

clip_image084

clip_image085

clip_image087

clip_image089

clip_image091

clip_image092

clip_image093

clip_image094

clip_image095

clip_image096

clip_image097

clip_image098

clip_image100

clip_image102

clip_image104

Comments are closed.