Nguyễn Nguyệt Cầm
Tuần trước, mình xem một bộ phim tài liệu nhan đề Storm under the Sun (Bão tố dưới ánh Thái dương). Bộ phim gốc dài 139 phút, tiếng Hoa, ra đời năm 2009. Bản mình xem là bản rút gọn và đã được biên tập lại vào năm 2014, có phụ đề tiếng Anh, dài 59 phút.
Bộ phim kể lại vụ đàn áp văn chương – chính trị do Mao Trạch Đông chỉ đạo, nhằm vào học giả/ nhà văn Hồ Phong (1902-1985) và nhiều nhà văn cũng như nhiều cán bộ văn hóa khác bị cho là có liên quan đến ông.
Theo bộ phim, trong vụ Hồ Phong, có tổng cộng 92 người bị bắt, 63 người bị quản thúc và thẩm vấn, 73 người bị mất chức, và 2100 người bị ảnh hưởng liên đới.
Vụ đàn áp kéo dài gần 30 năm, từ đầu thập niên 1950 mãi tới tận cuối thập niên 1970 (sau cái chết của Mao Trạch Đông). Phải sang đầu thập niên 1980 thì các nạn nhân mới được “chiêu tuyết.”
Theo một số học giả Trung Quốc, vụ án chống “tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong” là một trong những vụ án oan lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc kể từ thời Chiến Quốc.
Đồng đạo diễn của bộ phim là Bành Tiểu Liên (1953-2019), thuộc thế hệ thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc (bao gồm lớp đạo diễn “tốt nghiệp và tạo dựng sự nghiệp” vào nửa đầu thập niên 1980, trong đó có Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca).
Cha của Bành Tiểu Liên là Bành Bá Sơn (1910-1968). Năm 1954-1955, ông giữ chức cục trưởng cục Tuyên truyền Thượng Hải. Bành Bá Sơn bị bắt vào năm 1955 vì bị cho là có liên quan đến nhóm “phản động” Hồ Phong. Ông bị tù giam 1 năm 7 tháng, sau đó bị đưa đi cải tạo 8 năm. Năm 1968, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ông bị Hồng Vệ Binh đánh chết.
Thời Cách mạng Văn hóa, bản thân Bành Tiểu Liên cũng bị gửi về nông thôn cải tạo trong suốt 9 năm trời ở tỉnh Giang Tây.
Trong phim, có rất nhiều chi tiết gây ám ảnh.
Ví dụ, người kể nhắc tới báo cáo Hồ Phong viết gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1954 về “Tình hình thực tiễn của văn học nghệ thuật [TQ] sau giải phóng [1949].” Báo cáo đề cập đến 5 lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu các nhà văn Trung Quốc:
- Nhà văn phải có thế giới quan hoàn hảo trước khi viết.
- Chỉ có cuộc sống của công nhân, nông dân và binh lính mới đáng được viết tới.
- Sự sáng tạo chỉ có thể được thực hiện sau khi [nhà văn đã được] cải tạo tư tưởng.
- Hình thức [văn chương] dân tộc chỉ có nghĩa duy nhất là hình thức truyền thống.
- Có những đề tài quan trọng hơn những đề tài khác. [nghe như trong Trại súc vật].
Phim có nhắc đến bi kịch của nhà thơ A Lũng (1907-1967), thuộc thi phái Thất Nguyệt thời những năm 1940. Sau khi bị bắt và bị coi là một trong những người cầm đầu ““tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong,” nhà thơ A Lũng bị đưa ra xét xử tại tòa.
Một học trò của ông là Lâm Hi bị ép phải tới làm chứng ở phiên tòa là mình đã chịu ảnh hưởng của những tư tưởng phản động của A Lũng như thế nào. Ông kể về phút hai thầy trò nhìn nhau. Ông không thể quên nổi ánh mắt của thầy mình. Thế nhưng, ông vẫn buộc phải đọc những lời chứng dối gian đã được duyệt từ trước. Sau khi nghỉ ít phút, tòa tuyên án 12 năm tù. Khi được hỏi có muốn nói gì không, nhà thơ A Lũng ngẩng cao đầu, và bảo, “Tôi từ chối quyền kháng cáo. Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm. Không có ai khác liên quan đến những tội [mà tôi bị buộc] này.”
Trần Phái, con trai duy nhất của nhà thơ A Lũng kể, “khoảng cuối năm 1966, một nhân viên an ninh tới cơ quan tôi. Ông ta nói cha tôi ốm nặng và muốn gặp tôi. Nhưng tôi không dám đi. Cha tôi qua đời vào ngày 15 tháng 3 năm 1967. Khi lâm trọng bệnh, ước muốn duy nhất của ông là được gặp tôi lần cuối. Nhưng tôi đã không đi. Tôi không dám…” Và ông Trần Phái đã khóc…
Một chi tiết gây ám ảnh khác là khi đạo diễn Bành Tiểu Liên kể về cái chết của cha mình. “Năm 1968, hai năm sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu, bố tôi bị Hồng Vệ Binh đánh chết tại một nơi rất xa nhà.” Ngay sau lời kể đó của cô, là cảnh dân chúng Trung Quốc đang hô Mao Chủ tịch Muôn Năm!
Bạn có thể xem phim ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=QpBCzHQPEak

Hình (chụp từ phim): Trần Phái và cha mình, nhà thơ A Lũng.