31
Tên tuổi Lê Đức Thọ ngày nay không những được biết đến ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Hình ảnh Lê Đức Thọ được in trong những cuốn từ điển bách khoa, với tiểu sử tóm tắt và sự nhấn mạnh về công trạng tìm kiếm hòa bình cho cuộc chiến tại Việt Nam trong cuộc hòa đàm Paris với Kissinge[1] và được trao giải thưởng Nobel hòa bình cùng với ông ta.
Lê ĐứcThọ tìm kiếm hoà bình. Còn gì mỉa mai hơn?
Ở Việt Nam tên Lê Đức Thọ gắn liền với vụ “nhóm xét lại chống Đảng”, và rất nhiều vụ oan khuất khác do Ban Tổ chức Trung ương tiến hành.
Tôi tiếc không được biết Lê Đức Thọ một cách gần gụi để có thể viết nhiều và viết kỹ về nhân vật một thời làm mưa làm gió trên chính trường Việt Nam. Hi vọng rồi đây sẽ có người làm việc này, bởi vì Lê Đức Thọ là một hiện tượng đặc thù trong xã hội Việt Nam.
Ý định của Lưu Quý Kỳ về việc cho ra một tờ báo châm biếm tương tự tờ Cá Sấu của Liên Xô để phê phán các hiện tượng tiêu cực, tôi có nhắc tới ở trên, không phải là ý định suông. Điều Lưu Quý Kỳ không ngờ là ý muốn chân thành của anh đã dẫn tới tai họa. Lê Đức Thọ xồng xộc đến tận Sở báo chí để tự mình uốn nắn ý nghĩ vượt ra ngoài khuôn phép của anh. Mà Lưu Quý Kỳ là người được Thọ coi như đệ tử ruột một thời. Tinh thần cảnh giác cao chưa một lần ngủ quên trong đầu Sáu Búa Lê Đức Thọ không cho phép xảy ra một sự lỏng dây xích như vậy.
Tôi có mặt ở đấy khi xảy ra sự việc.
Con người cao to, tóc bạc trắng, với giọng nói cố ý kéo dài bắt người nghe chờ đợi câu tiếp theo, để lại trong tôi ấn tượng nhạt nhẽo và khó chịu. Tôi dị ứng với những gì không thật. Trong Lê Đức Thọ tôi nhìn thấy đầy rẫy của giả. Trước mặt Thọ, mọi người khúm núm, sợ sệt. Trong bầu không khí im lặng nặng nề, tiếng Thọ vang vang âm sắc phán truyền, cái nhìn nghiêm khắc lướt trên đầu cử toạ.
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ở tuổi 30, chính quyền đã vững vàng, đám lãnh tụ đã học thuộc bài lên xe xuống ngựa xênh xang, đệ tử bâu quanh như ruồi thấy mật. Một chút khiêm tốn giả vờ, một chút bình dân đóng kịch, trộn với rất nhiều phô trương quyền thế, là nét nổi bật trong Thọ. Nói tóm lại, một tên hãnh tiến điển hình. Trong cuốn Sửa Đổi Lề Lối Làm Việc ông Hồ Chí Minh gọi căn bệnh này là bệnh lãnh tụ.
Vào những năm đang được nói tới Lê Đức Thọ là ủy viên Ban bí thư, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Nhưng cả hai chức ấy chẳng có nghĩa gì so với một chức nghe khiêm tốn hơn nhiều là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Thọ giữ chức này ba mươi năm liền, kể từ khi ra Bắc.
Từ một cơ quan bình thường, mang nặng tính chất sự vụ, làm công việc quản lý cán bộ Đảng thời Lê Văn Lương, Ban Tổ chức Trung ương trong tay Thọ nhanh chóng trở thành cơ quan siêu mật thám, nắm trong tay quyền lực cao nhất, mạnh nhất trong toàn bộ hệ thống Đảng. Nó bao trùm tất cả, đứng trên tất cả. Dưới quyền điều khiển của nó có cả Bộ Nội vụ, tức là toàn bộ bộ máy công an, cảnh sát.
Ban Tổ chức Trung ương của Lê Đức Thọ trong thực tế không chỉ nắm lý lịch đảng viên và cán bộ Đảng, mà cả cán bộ chính quyền, từ cấp thấp nhất tới cấp cao nhất, theo một hệ thống dọc.
Mỗi cán bộ đều có một cuốn lý lịch, nó dính vào anh suốt đời, như một cái bướu. Mỗi lần xét lên lương, xét cho đi học, xét cấp nhà, thậm chí cấp một cái phiếu mua xe đạp, là một lần lý lịch anh lại được mở ra, được tính đến. Giá trị con người được tính bằng mức độ trung thành với Đảng, hồng hơn chuyên, đức hơn tài. Lý lịch là chứng chỉ xác nhận giá trị xã hội của mỗi cá nhân thành viên, do đó nó quan trọng vô cùng. Lý lịch còn được cập nhật, được bổ sung liên tục bởi công an chìm và nổi, bởi cán bộ tổ chức, cán bộ bảo vệ, các bạn đồng sự, bởi ông hàng xóm hoặc ông tổ trưởng dân phố. Hết thảy đều được dạy dỗ để theo dõi lẫn nhau, được khuyến khích thu thập tin tức về nhau.
Nhân vô thập toàn, con người ta ai cũng có lúc mắc khuyết điểm, không lúc này thì lúc khác, không ở nơi này thì nơi kia. Nếu chẳng may khuyết điểm lại có màu chính trị, bị tổ chức phát hiện, nó sẽ được ghi nhận, được xếp vào hồ sơ, còn sau này có dùng đến hay không, dùng vào lúc nào, là chuyện khác.
Tại Hỏa Lò tôi ngạc nhiên thật sự khi Huỳnh Ngự, với nụ cười trịch thượng trên môi, chìa cho tôi xem bản liệt kê tất cả những gì tôi đã viết, đã in, trong đó có nhiều cái ba lăng nhăng nhất, vô giá trị nhất, chính tôi cũng quên bẵng từ lâu. Ừ, thì cứ cho rằng từ năm 1961 khi tôi viết Đêm Mất Ngủ bị Tố Hữu đánh, lúc ấy nghi ngờ tôi là có lý. Nhưng làm sao trong hồ sơ lại có cả những bài báo ngô nghê đăng trên tờ Nhân dân và Văn nghệ từ mãi những năm 1954-1955, khi tôi còn là một con chiên cộng sản ngoan đạo?
Thì ra khi có một bút danh mới xuất hiện những cán bộ tổ chức theo dõi văn nghệ liền ghi ngay vào sổ, và nếu có một chút nghi ngờ thì một hồ sơ liền được lập. Nếu không thì làm sao người ta có thể có những bản liệt kê gồm cả những thứ tầm phơ như thế?
Dù có căm ghét hệ thống quản lý cán bộ ấy tới mức nào chăng nữa tôi vẫn phải khâm phục tính chất vô nhân và vô luân hoàn hảo của nó. Về hệ thống của Thọ cần có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc trên hai bình diện: môi trường xã hội cần và đủ cho sự nảy sinh và tồn tại của hệ thống, cách vận hành nó. Đảng cộng sản Việt Nam có quyền tự hào – trong lĩnh vực này kể cả Gestapo của Đệ tam Đế chế cũng khó sánh được với Ban Tổ chức Trung ương.
Bên cạnh Ban tổ chức Trung ương, Lê Đức Thọ đặt ra Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương. Nó được lập ra để bảo vệ sức khoẻ cho các ủy viên Trung ương, nhưng chủ yếu là để phục dịch các Trung ương ủy viên cổ cánh, và trước hết là các ủy viên Bộ Chính trị. Theo quy định, cán bộ đã tham gia hoạt động cách mạng trước 9-1945 đều nằm trong sự chăm sóc của Ban này, nhưng đó là quy định được đặt ra cho vui chứ không phải thực tế là như vậy. Không hề có dấu bằng giữa một đảng viên chịu đựng nhiều hy sinh cho cách mạng, với một ủy viên Bộ Chính trị đỏ da thắm thịt.
Sức khỏe các ủy viên Bộ Chính trị thời Duẩn-Thọ được phục vụ tối đa, với tất cả khả năng mà nền y học Việt Nam hiện đại có. Trong tay Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương có những bác sĩ hàng đầu ở các bệnh viện tốt nhất. Có vị lãnh đạo hàng đầu còn được cung cấp một nữ sinh viên để thứ bảy chủ nhật đến săn sóc sức khoẻ và bầu bạn cho đỡ buồn. Khi cô sinh viên "xin phép chú cháu đi lấy chồng" thì chú nước mắt nước mũi giàn giụa nằng nặc giữ cô lại. Đời con gái có thì, cô ta không chịu, thế là nhà lãnh đạo ngã bệnh, các chuyên gia Việt Nam tìm không ra bệnh gì, chữa không được, ông phải đáp chuyên cơ[2] ra nước ngoài tìm thầy chạy chữa. Cuộc tình bao cấp của vị này được Thọ cho quay phim, chụp ảnh lén, sẽ có lúc dùng tới. Chuyện thâm cung bí sử này lọt ra ngoài cũng từ cái Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương nọ.
Cái sự ham muốn quyền lực thường có ở những người đã từng được nếm mùi quyến rũ của nó. Nhưng ở Lê Đức Thọ nó mang một sắc thái đặc biệt, với một bề ngoài đạo đức giả điêu luyện. Những người tiên đoán mâu thuẫn giữa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nói rằng cặp này sớm muộn sẽ loại trừ nhau chính là do quyền lực. Tôi nghe vậy thì biết vậy, chứ không nghĩ rằng nhận định của họ có sở cứ – họ biết cả Duẩn và Thọ từ những năm ở bưng biền. Và họ đã đúng khi tiên đoán như vậy.
Cuối năm 1967 tôi và mẹ tôi vào Hà Đông thăm bác Đinh Chương Dương. Bác Đinh kể mới tháng trước có mấy cán bộ ở Ban lịch sử Đảng vào gặp bác để lấy tài liệu về phong trào cách mạng và cộng sản ở Nam Định. Mấy nhà sử học do Đảng tuyển mộ một mực dỗ dành nhà cách mạng lão thành xác nhận bằng văn bản rằng Lê Đức Thọ là người cộng sản đầu tiên ở Nam Định. Bác Đinh nghe rác tai, mới bảo họ: "Này các anh, nghe tôi khuyên đây: nếu muốn chép sử thì nhất nhất phải chép theo sự thật. Còn muốn viết sử thì cứ việc viết theo ý các anh muốn, hoặc theo ý người trên. Không làm được Tư Mã Thiên[3] thì làm thư lại mà giữ lấy nếp nhà lương thiện". Kể lại chuyện này, bác Đinh nói với tôi: "Khi bố cháu đã hoạt động cách mạng rồi thì anh Thọ này còn là học sinh[4]. Chẳng hiểu sao anh ta lại thích được ghi vào sử đảng rằng anh ta là người cộng sản đầu tiên ở Nam Định đến thế? Con người tham thật, được bao nhiêu cũng chưa vừa lòng". Anh Kỳ Vân kể hồi anh đã là xứ ủy viên Bắc Kỳ, Lê Đức Thọ cũng từng hoạt động với anh. "Hồi ấy hắn ta không như bây giờ đâu. Khiêm tốn lắm, nhũn nhặn lắm. Mà trình độ hiểu biết chính trị thì a b c, biết cái khỉ gì đâu. Cho nên nịnh Trường Chinh lắm, nghe Trường Chinh như nghe thánh sống. Thế mà sau năm 54 ở trong Nam ra hắn đã câng câng, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Trường Chinh nâng đỡ hắn là thế, vậy mà khi Trường Chinh thất thế, hắn cũng vênh váo cả với Trường Chinh, mới tệ".
Mà nào có phải Lê Đức Thọ là nhà cách mạng kiên cường cho cam! Năm 1943, ông Sao Đỏ Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La về ở nhà tôi, tại 65 phố Nhà Rượu (phố Nguyễn Công Trứ bây giờ), ông còn bảo cha tôi: "Anh chịu khó đi Nam Định tìm thằng Khải[5] hỏi thẳng nó xem nó có còn muốn hoạt động với anh em nữa không, hay chỉ nằm nhà ôm vợ?". Cha tôi đạp xe đi Dịch Lễ, tìm được Lê Đức Thọ, lôi Thọ ra khỏi cái giường êm, trả về cho tổ chức. Về chuyện này cha tôi có ghi lại trong tập hồi ký "Tháng Tám cờ bay".
Lạ nữa là chẳng phải một mình Lê Đức Thọ làm to. Hai người em ruột Thọ là Đinh Đức Thiện[6] và Mai Chí Thọ[7], cho tới Cách mạng Tháng Tám chưa hề có tiếng tăm trong hàng ngũ cách mạng cũng làm to nốt. Một người lên đến thượng tướng, bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, một người được phong đại tướng ngành Công an khi về hưu. Những nhà cách mạng lão thành cứ ngẩn ngơ trước sự thăng tiến vù vù trên hoạn lộ của ba anh em nhà nọ. Quả là sự hi hữu trong lịch sử.
Người làng Dịch Lễ nói rằng ba anh em Khải-Dinh-Đống lên nhanh thế là nhờ mồ mả.
Tôi không tin. Sau này, được chính anh cháu ruột Lê Đức Thọ, một nhà khoa học hẳn hoi chứ không phải người không hiểu biết, kể cho tôi nghe chuyện ngôi mộ cụ thân sinh Lê Đức Thọ tôi mới đâm ra ngờ vực – chẳng lẽ thuật để mả có từ lâu đời ở nước ta lại có thật? Không khoa học nào thừa nhận môn phong thủy, nhưng trong chuyện vận may của nhà họ Phan xem ra nó lại có lý hơn mọi cách giải thích khác. “Sống vì mồ vì mả, không sống vì cả bát cơm” (bát cơm to), không phải vô lý mà các cụ ta đã có câu như vậy.
Nhà khoa học kể: gia đình Lê Đức Thọ gồm hai chi. Chi trên, ngành cả, là chi bác ruột của Thọ, cụ Phan Đình Hòe, và chi dưới, cụ Phan Đình Quế, tức My, thân sinh ra ba ông quan lớn sau này. Cụ Hòe từ nhỏ tư chất thông minh, văn hay chữ tốt, sau đỗ đạt cao, làm quan nhất phẩm, thượng thư hay là cái gì đó tương tự. Ông em ruột cụ là cụ Quế thì ngược lại, học trước quên sau, được cái tính củ mỉ cù mì, an phận thủ thường ở nhà với vợ, chịu khó cày sâu cuốc bẫm, chăn gà chăn lợn.
Cụ Hòe thôi việc quan, được một thầy địa lý nổi tiếng trong vùng chọn cho một huyệt tốt phòng khi cụ hai năm mươi, gọi là huyệt Lỗ Ao. Tại sao nó có tên như vậy thì nhà khoa học không biết, cũng không được ai giải nghĩa. Thế nhưng cụ Hòe lại thọ, thành thử huyệt đã sẵn đấy mà cụ vẫn sống phây phây để rồi lại gặp được một thầy địa lý khác, còn cao tay hơn ông thầy trước nhiều, theo lời thiên hạ đồn.
Thầy địa lý này trẻ mà kênh kiệu, cụ Hòe vời mấy lần mới chịu tới. Trước mặt cựu thượng quan thầy cung kính chắp tay thưa: "Kẻ hèn võ vẽ chuyện đất đai, nghe lời cha mẹ dạy trước nay làm việc này chỉ cốt được sự phúc đức. Thấy ai không hiểu biết, lỡ đặt cha mẹ hoặc thân nhân nhằm chỗ đất độc thì mách cho người ta đặt lại kẻo rồi sau di hại đến con cháu. Chứ tìm đất tốt phát vương phát bá thì kẻ hèn này không có tài". Cụ Hòe nói muốn nhờ thầy xem lại huyệt Lỗ Ao. Thầy vâng lời, xem xong, thầy thưa: "Bẩm, quan lớn là bậc đa kiến văn, trí lự hơn người, xin quan tự định liệu. Huyệt này đúng là phát, phát lắm. Tiếc thay, nó phát một đời, nhưng lại bị nguyền rủa muôn đời".
Cụ Hòe giật mình, dặn con cháu: "Công hầu khanh tướng chẳng qua chỉ là giấc mộng hoàng lương. Ta chết đi chúng bay cứ chọn chỗ cao ráo cho ta nằm. Ta không muốn dòng họ ta vì phát một đời mà chịu tiếng xấu muôn đời!". Con cháu nghe lời bỏ huyệt Lỗ Ao. Cụ Hòe có để lại một bài tứ tuyệt nói lên ý trên, đúng là khẩu khí của bậc hiền nho, nhưng tiếc rằng nhà khoa học kể chuyện này lại không thuộc cả bài.
Cụ Quế tiếc rẻ cái huyệt phát, bảo: "Bác cả không nằm, để tao nằm". Cụ qua đời, con cháu táng vào huyệt Lỗ Ao.
Câu chuyện này tôi được nghe vào năm 1966, thời cực thịnh của Lê Đức Thọ.
Cho đến khi tôi viết những dòng này Lê Đức Thọ bị nguyền rủa đã nhiều. Trong cả nước. Từ dưới dân đen tới những tầng cao chế độ. Không phải chỉ những người bị Lê Đức Thọ hãm hại và con cháu họ, mà cả những người vô can. Người ta coi Lê Đức Thọ là đệ nhất gian thần trong lịch sử nước nhà.
Đinh Đức Thiện không chịu chung những lời nguyền rủa với ông anh cả. Trong cuộc đời không dài Đinh Đức Thiện đã giữ những chức vụ rất quan trọng – bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, Trưởng ban xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, hàm thượng tướng. Ông ít học. Trình độ học vấn không quá bậc sơ đẳng. Thế nhưng Đinh Đức Thiện khinh trí thức lắm. Ông hạ lệnh cho các kỹ sư điện tính toán thời hạn lắp đặt đường dây cao thế Thái Nguyên – Hà Nội. Họ tính kỹ rồi báo cáo lên Đinh Đức Thiện: không thể dưới hai năm. Ông ta nghe xong liền nổi khùng:"Rặt một lũ ăn hại đái nát! Làm chó gì mà mất những hai năm. Tôi mà ra lệnh cho công binh làm ấy à, chỉ hai tháng là cùng. Tính với chả toán, tính như con c… Các anh lúc nào cũng cúi đầu làm theo sách vở của bọn thực dân đế quốc. Vào rừng chặt cây về mà làm cột, mắc điện vào. Là xong. Trí thức với chả trí ngủ!". Người kể lại chuyện này là anh Lê Sĩ Thiện, tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật thời Pháp, hôm ấy được nghe Đinh Đức Thiện trực tiếp quát mắng.
Các kỹ sư tốt nghiệp ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng chẳng được ông tướng thô lỗ trọng vọng. Họ dặn nhau: "Đến yết kiến lão phải phơi nắng vài ngày cho da đen đi cái đã. Mà nhớ lấy nhá, chớ có đi giày tây, chớ có diện “củ”[8], lão hò hét gì mặc lão, cứ vâng dạ. Chớ cãi, cãi lão chỉ có chết". Thấy anh nào trắng trẻo, ăn vận sạch sẽ, có dáng ở Tây về, ăn nói thiếu thưa bẩm, trước cấp trên cử chỉ quá tự nhiên, là ông đập bàn hét: "Đi xuống cơ sở! Ngay lập tức, không oong đơ gì hết, lao động một năm rồi về đây gặp tao". Đinh Đức Thiện dị ứng với bằng cấp. Kẻ có bằng cấp muốn được ông thu dụng phải nhoài người ra mà nịnh ông cho tới khi ông mềm lòng.
Có một thời sự thiếu học được coi là niềm tự hào – người ít học là người có quá khứ trong sạch, không dính với thực dân, phong kiến. Đinh Đức Thiện tự hào về sự thiếu học của mình. Ông vỗ ngực đồm độp: "Xem tao đây này, tao chẳng có cái bằng chó nào hết, thế mà tiến sĩ kỹ sư sợ tao một phép. Chúng nó ỷ có học, nhưng học gì lũ chúng nó, học vẹt ấy thì có, rời sách vở ra là chịu chết. Trí thức mà không có thực tế chỉ là cục c… Chính tao này, tao chỉ đạo kỹ thuật cho chúng nó, chứ ai? Nghe cái bọn quen bơ thừa sữa cặn ấy chỉ có mà ăn cháo, ăn cháo!".
Cũng lại là công nhân theo lý lịch tự khai chứ không theo định nghĩa chung ở Việt Nam, càng không phải theo định nghĩa của Marx, Đinh Đức Thiện khó chịu với mọi biểu hiện ông cho là ăn chơi của cấp dưới. Lúc nào ông cũng phô cái quá khứ nhọc nhằn. Thực ra quá khứ của ông chẳng nhọc nhằn gì, người làng Dịch Lễ nói vậy. Ông sướng từ bé, lớn lên ra tỉnh ăn chơi lêu lổng, chim gái thành thần, họ kể. Nhưng ông cứ xưng xưng nói thế. Ông không cho phép cái lũ không biết nhọc nhằn là gì được phép sung sướng. Ông chỉ cho phép mình sung sướng thôi. Mà Đinh Đức Thiện là người biết cách để sung sướng lắm.
Hồi kháng chiến chống Pháp, công tác tại Liên khu 3, Đinh Đức Thiện rủ Hoàng Minh Chính mở một hộp đêm để giải sầu: "Chúng mình đầu tắt mặt tối, vào sinh ra tử, khổ bỏ mẹ, phải có một chỗ để thỉnh thoảng giải khuây, làm một phát cho khoái". Hoàng Minh Chính không đồng tình: "Mày nói thế chó nó nghe được. Cán bộ cách mạng mà làm bậy, tổ chức kỷ luật chết". Đinh Đức Thiện cười vào mặt Hoàng Minh Chính: "Xì, mày ngu bỏ mẹ, tiền lấy ở quỹ đen, mình làm đen luôn, giữ “bem”[9] tốt, thằng chó nào biết!". Hoàng Minh Chính kể cho tôi nghe chuyện này vào mùa hè năm 1965, cũng nhân nói tới sự thăng tiến kỳ lạ của ba anh em họ Phan. Anh không hề có ác cảm với Đinh Đức Thiện khi kể lại câu chuyện đó. Hai người là bạn với nhau một thời, tuy không thân thiết.
Một người bạn tôi có hồi công tác dưới quyền Đinh Đức Thiện, thường được ông cho đi săn cùng. Đi săn là thú chơi say mê của Đinh Đức Thiện. Anh kể mỗi lần ông ta ra lệnh đi săn là mỗi lần nhân viên phục vụ ông tướng quýnh quáng sửa soạn đủ thứ ông cần, không được để thiếu thứ gì. Ông đi một xe, một xe chở lính hầu, súng săn, xoong nồi, bia rượu và trăm thứ bà rằn khác, kể cả lều bạt phòng khi ông hứng lên nghỉ lại trong rừng.
Sinh ư nghệ tử ư nghệ, Đinh Đức Thiện chết bất đắc kỳ tử trong một chuyến đi săn. Đâu như lúc mở cửa xe bước xuống Đinh Đức Thiện bị súng cướp cò, đạn bắn vào đầu. Sau cái chết đột ngột của viên tướng có tin đồn: Đinh Đức Thiện bị hạ sát bởi tay Lê Đức Thọ. Trước đó, tôi cũng có nghe thiên hạ đồn đại về mối bất hòa giữa hai anh em họ Phan. Người họ Phan nói với tôi: chuyện đó là có thật. Họ cho biết thêm: kể cả Mai Chí Thọ cũng không ưa Lê Đức Thọ. Mỗi lần Mai Chí Thọ từ Sài Gòn ra Hà Nội ông ta đều đến thăm bà chị ruột góa chồng (ông chồng bà đã treo cổ tự tử trong Cải cách ruộng đất) và Đinh Đức Thiện, nhưng không đến Lê Đức Thọ. Cũng người trong nhà nói ra thì Đinh Đức Thiện biết những việc ám muội của ông anh có lần đã quát vào mặt Lê Đức Thọ: "Anh làm thế để thiên hạ đào mả bố lên à?" Làm thế cụ thể là làm gì thì người kể chuyện không nói. Bởi vì chẳng nói người nghe cũng hiểu – trong đời mình Lê Đức Thọ làm quá nhiều điều thất nhân tâm.
Tôi không tin chuyện Lê Đức Thọ giết em. Trong một chuyến đi săn, cũng theo lời bạn tôi kể, có hai lái xe, mấy bảo vệ tháp tùng, không dễ gì mua chuộc hoặc cưỡng bức được bằng ấy người một lúc để họ nói cùng một lời. Lời đồn chỉ chứng tỏ thiên hạ tin ở sự nhẫn tâm của Lê Đức Thọ mà thôi[10]. Tuy nhiên, tôi vẫn không hiểu vì lẽ gì người ta giấu nguyên nhân tai nạn. Hình như việc này cũng không đến nỗi khó hiểu, thậm chí còn tầm thường. Có thể nó chỉ là thế này: nếu không giấu nguyên nhân vụ tai nạn thì việc chôn Đinh Đức Thiện ở nghĩa trang Mai Dịch[11] xem ra danh không chính mà ngôn cũng không thuận. Ông tướng không tử trận, không chết trong khi thừa hành công vụ, mà chết trong khi đuổi theo mấy con vịt giời.
Mai Chí Thọ một thời gian dài làm giám đốc Công an, rồi chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, sống như một ông hoàng. Trong ngôi biệt thự to lớn ở Sài Gòn Mai Chí Thọ có cả một khu vườn rộng nuôi trăn, nuôi vượn, nuôi gấu. Người Sài Gòn tính: hàng tháng riêng tiền chi cho việc mua giày Addidas và vợt Wiltson để chơi tennis, Mai Chí Thọ đã phải bỏ ra một số tiền gấp năm sáu lần lương ông ta. Tiền đâu ra? Không phải Mai Chí Thọ lấy ở quỹ đen nào, không phải Mai Chí Thọ tham ô công quỹ, không ai nói thế. Đơn giản là trước thời kỳ "bung ra", "đổi mới", các phú thương Hoa kiều bị khốn đốn trong cuộc cải tạo tư sản hoành tráng của Đỗ Mười, họ thoát hiểm nhờ tìm thấy nơi Mai Chí Thọ vị "đại huynh" rộng lòng bảo trợ. Để đền ơn đáp nghĩa họ chiều chuộng "đại huynh" hết lòng.
Đám cán bộ ba cọc ba đồng bất bình trước cuộc sống sa hoa của Mai Chí Thọ. Không tham nhũng không thể sống như vậy được. Người Sài Gòn cười hắc hắc, phẩy tay: "Mấy ông tướng thời trước cũng dzậy à, hà cớ phải bực mình. Ông nầy không tồi hơn. Cờ tới tay ai người nấy phất!’ Tòa án thành phố có lần gửi giấy triệu Mai Chí Thọ tới tòa làm nhân chứng cho vụ án xử thương gia Triệu Bỉnh Thiệt[12]. Đồn rằng hồi ấy phe chống Mai Chí Thọ xui mấy ông quan tòa nhân chuyện Triệu Bỉnh Thiệt phạm pháp sẽ hỏi nhân chứng một chặp rồi trước bách tính công chúng đưa Mai Chí Thọ qua ngồi ghế bị cáo. Không thể để cho cấp dưới làm chuyện đã rồi với ông em, làm mất thể diện mình, Lê Đức Thọ cấp tốc triệu Mai Chí Thọ ra Hà Nội. Sau vụ này Mai Chí Thọ vào Bộ Chính trị.
Người Sài Gòn kể chuyện Mai Chí Thọ có một đệ tử chuyên dắt gái cho họ Mai là Năm T. Cậy có ô dù của đàn anh, Năm T. tổ chức hẳn một hộp đêm bề thế cho các quan chức cấp tỉnh lên ăn chơi ở Sài Gòn. Vụ này vỡ lở, dư luận ầm ĩ, các vị chức sắc tay đã nhúng chàm im re, mặc cho Năm T. vào khám. Năm ngồi tù mất hai hoặc ba năm, sau mới được đàn anh can thiệp cho ra trước hạn. Do tò mò, tôi đã tìm gặp Năm T., được Năm T. tin cậy, mới biết lời đồn không sai.
Một dạo Sài Gòn ồn lên cái gọi là "phương án 2"[13], cho phép người di tản đóng thuyền vượt biên, miễn nộp vàng cho Nhà nước. Thiên hạ rủ nhau đi như trẩy hội. Đi theo "phương án 2" người ít nhất cũng vài lạng, người nhiều hai ba chục "cây". Đó là một secret polichinelle[14] được cả các quan chức lẫn dân vượt biên đồng tình giữ kín.
Tôi cho rằng Nhà nước, với tư cách bộ máy điều hành quốc gia, không có chủ trương đốn mạt đến thế, như một số báo chí hải ngoại viết. Đây là sự thông đồng, toa rập của một đường dây quyền lực từ trên xuống dưới của một nhóm kẻ có quyền, một thứ maphia đã tạo kén trong hệ thống cai trị. Nhà nước, hoặc nói hẹp hơn, ngân khố quốc gia, chẳng thu được gì. Chỉ một số quan chức ở Sài Gòn (và cả ở Hà Nội) là vớ bẫm. Trong đó, cũng theo lời đồn, mấy bố già họ Phan ăn nhiều nhất.
Những lời đồn nói trên rất phổ biến, là thứ chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết, tuy hỏi kỹ thì lại không có chứng cứ nào cả. Mặt khác, chẳng ai có thể bác bỏ chúng bởi vì chúng đầy tính thuyết phục. Vụ tử hình vội vã Mười Vân, giám đốc Công an Đồng Nai, được thiên hạ bình phẩm như một hành động xóa dấu vết cho "phương án 2", nói cho đúng là xóa dấu vết cho các vị đã vớ bở[15].
Người Việt Nam vốn hào phóng với của chùa – tức là của chung cả làng, cả nước, của tập thể, tức là chẳng của riêng ai, cho nên Mai Chí Thọ không bị nguyền rủa. Thực vậy, trong sự tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới, dư luận không xếp Mai Chí Thọ đứng đầu bảng. Còn có những nhân vật tham nhũng lớn hơn.
Dân chúng kết luận: mỡ đến miệng mèo, mèo không ăn mèo ngu. Mọi kẻ có chức quyền ở Việt Nam đều tham nhũng, khác nhau ở chỗ kẻ ít người nhiều mà thôi. Nạn tham nhũng ắt phải nảy sinh, ắt phải phát triển tràn lan, một khi không có cơ chế giám sát và trừng phạt. Người ta sẽ bảo: anh bịa, ở Việt Nam sao không có không có cơ chế giám sát và trừng phạt, có cả đấy chứ. Đúng là có cả, nào Công an, nào Viện kiểm sát các cấp, toà án các cấp. Nhưng trên tất cả, điều khiển tất cả là Đảng, mà Đảng nắm mọi quyền, cho nên chống tham nhũng là chống kẻ có quyền, tức là động đến Đảng, là chống Đảng. Đảng không cho phép kẻ nào chống lại mình. Vì thế chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng là ảo tưởng.
Nếu ở các nước tư bản chủ nghĩa người có của dễ có quyền, thì ở nước xã hội chủ nghĩa người có quyền ắt có của.
Dân chúng có thái độ thế nào đối với tham nhũng? Biết nó từ đâu mà ra, biết không thể chống lại nó, người ta làm ngơ, người ta tập thích ứng với nó để tồn tại, và người ta thích ứng được. Dần dà sự thích ứng ấy trở thành tập quán. Người ta rồi quen làm ăn với những quan tham, làm việc với bọn này không khó, tốn kém thật đấy, nhưng nhanh hơn, được việc hơn. Một thành ngữ mới xuất hiện, đáng được ghi vào từ điển, là “làm luật”. Việc gì cũng phải “làm luật” trước mới xong. Có chuyện tới cửa công mà vớ phải ông thanh liêm thì hết hơi, người ta nói thế. Quan thanh liêm trong mắt dân chẳng khác gì con quạ trắng, dân sợ, dân xa lánh. Thời buổi này mà quan cứ thẳng băng, đúng phép “tắc”, không linh động gì hết, thì rõ là bôn-sê-vích dở hơi. Phép nước loạn xà ngầu, điều luật này chửi cha điều luật kia, nghị định này leo lên đầu nghị định khác, chính ông quan thanh liêm khi sa vào mê lộ luật pháp cũng còn lúng túng như gà mắc tóc, nói gì dân. Thành thử với lũ tham quan người ta khinh đấy, tởm đấy, căm ghét đấy, nhưng để cho được việc người ta không chọn các quan thanh liêm, mà chọn bọn tham nhũng.
Nếu thuyết phong thủy đúng thì huyệt Lỗ Ao ở làng Dịch Lễ ảnh hưởng quá ghê gớm tới vận mệnh dân tộc. Nó không phải chỉ ảnh hưởng tới một Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả các dân tộc “láng giềng”.
Nói những chuyện trên ra để ta cùng suy ngẫm về một hiện tượng, tôi không có ý phủ nhận sạch trơn những gì có thể coi là tốt mà ba anh em họ Phan đã làm. Những cái đó, trong thời đại của những nghịch lý, đều có thật, nhưng là cái hoàn toàn bình thường – bất cứ ai được đặt vào trong những cương vị như thế đều phải làm được một cái gì đó, thậm chí là công trạng.
Nói đến Lê Đức Thọ không thể không nói tới sự kiện Việt Nam chiếm đóng Campuchia[16]. Việc đưa 200. 000 quân Việt Nam vào Campuchia và ở lì đất nước người ta mười năm là việc liên minh Duẩn – Thọ chủ trương, trong đó Thọ vừa là người khởi xướng, vừa là người thực hiện. Thế giới không bênh vực Khmer Đỏ. Nhân loại lên án Khmer Đỏ vì tội ác diệt chủng. Người Cambodia đã hoan hỉ đón quân đội Việt Nam vào Campuchia đánh đuổi Khmer Đỏ. Nhưng không phải vì thế mà họ hoan nghênh quân đội Việt Nam chiếm đóng nước họ. Hai việc khác nhau không thể nhập một, không thể lấy cái tốt nọ để che cái xấu kia.
Sự kiện Khmer Đỏ tấn công vùng biên giới Tây Nam Việt Nam hoàn toàn không phải là lý do để Việt Nam đưa quân sang chiếm đóng đất nước người khác[17]. Không một người Việt Nam nào muốn đưa con em mình đi chết ở đó. Nhưng bất chấp dư luận, Duẩn – Thọ cứ xua quân sang. Làm gì nhau tốt? Rồi để quân lại đó, cũng làm gì nhau tốt? Đảm bảo cho hành động phiêu lưu quân sự này đã có Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt-Xô, thực chất là hiệp ước liên minh quân sự, ký ngày 3. 11. 1978. Ông chiếm Campuchia đấy, thử đụng vào ông coi thử? Đàng sau ông là Liên Xô hùng mạnh với tiềm lực nguyên tử dồi dào, thằng nào muốn đụng đầu với Liên Xô cứ việc nhảy vào. Cũng giống như vụ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, thế giới phản đối rầm rầm, nhưng chẳng ai dại gì thò tay vào ổ kiến lửa. Kể cả nước Mỹ dân chủ hùng mạnh. Sự can thiệp trực tiếp để chặn đứng những cuộc xâm lăng trắng trợn không có ở bất cứ nước nào. Trừ Trung Quốc. Ông đàn anh “môi hở răng lạnh” không cho phép chú em hỗn hào dựa vào uy thế của Liên Xô để muốn làm gì thì làm ở Campuchia. Vì thế mới có cái gọi là “cho Việt Nam một bài học” năm 1979.
Ai cũng thấy rằng sau những cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước mình, các nhà lãnh đạo Việt Nam lẽ ra phải đủ tỉnh táo để chỉ làm một cuộc chiến tranh hạn chế khi Khmer Đỏ cả gan vượt biên giới, tàn sát người Việt. Cùng lắm, có thể truy kích chúng, với mục đích răn đe, rồi rút quân về. Có thể để lại trang bị, vũ khí giúp nhân dân Campuchia chống lại bọn diệt chủng. Gia dĩ có thể đào tạo cán bộ giúp họ. Và chỉ thế mà thôi. Nhân dân Campuchia sẽ ghi ơn các chiến sĩ Việt Nam. Thế giới sẽ hoan nghênh Việt Nam biết xả thân giúp đỡ hàng xóm láng giềngtrong cơn hoạn nạn.
Cuộc chiến tranh không tuyên bố ở Campuchia đã xảy ra. Nó là cuộc chiến tranh không tuyên bố vì Quốc Hội không được hỏi ý kiến về cuộc chiến tranh này. Không hề có một cuộc biểu quyết nào tại Quốc Hội về việc đưa quân đội ra ngoài biên giới. Nhà nước Việt Nam không hề tuyên chiến với nước Campuchia. Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia, nhưng nó chẳng có quyền gì cả. Quốc Hội do Đảng nặn ra, là tay sai của Đảng, hơn nữa còn là tay sai bị khinh rẻ, đến nỗi Đảng không cần dùng đến nó cho một việc hợp pháp hóa thông thường.
Thiếu tướng Hồ Quang Hóa, ủy viên Trung ương Đảng, người được Thọ đưa lên và cũng do Thọ mà trở thành vật hiến tế trong vụ Xiêm Rệp (Siemreab)[18] nói rằng vụ này cũng như mọi việc lớn việc nhỏ khác ở Campuchia, đều do Lê Đức Thọ chỉ đạo. Thái thú Lê Đức Thọ phế truất Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pen Sovan do chính Thọ dựng nên [19]. Viên thái thú quyền sinh quyền sát còn đưa cô y tá Quân khu 7 Miên Xam On vào Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia. Cô gái Việt Nam gốc Khmer 26 tuổi lên chức vèo vèo: làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, rồi ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Cô lên nhanh như thế, theo các cán bộ Việt Nam có mặt tại Campuchia hồi ấy, là nhờ thường xuyên ra vào ngôi biệt thự sau điện Chăm Ca Mon để được thái thú dạy dỗ và huấn luyện.
Cần phải làm rõ sự thật này một cách dứt khoát: cuộc chiến tranh ở Campuchia là cuộc chiến tranh của Đảng cộng sản Việt Nam. Không phải là cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam.
Liên minh Duẩn – Thọ đã biến một dân tộc hiền hòa thành quân xâm lược.
Cũng có thể cãi cho Lê Duẩn chút ít, rằng trong việc này Duẩn không phải đầu vụ. Còn đang say sưa với chiến thắng 1975 và những chương trình lớn, nhiều ảo tưởng hơn thực tế, Lê Duẩn hầu như mặc Thọ muốn làm gì thì làm. Ông ta cũng chẳng thiệt. Cuộc phiêu lưu Campuchia do Thọ lo toan, xét cho cùng, vẫn cứ mang lại cho Duẩn thêm một vinh quang. Mà vinh quang thì không bao giờ thừa.
Lê Duẩn không biết trong lòng Thọ đang nung nấu mưu đồ lớn. Nếu Thọ thành công trong việc dựng nên một chính phủ Campuchia vâng lời Thọ thì Thọ sẽ có thêm một sức mạnh quyết định trong mưu toan nặn ra một Liên bang Đông Dương. Trong cái đảng cộng sản của toàn Liên bang này Thọ sẽ là đồng chí trên hết các đồng chí. Đến lúc đó Lê Duẩn sẽ chỉ là tổng bí thư m đảng của một nước thành viên mà thôi.
Đám đệ tử Lê Đức Thọ quá hí hửng về tiền đồ sáng lạn đã để lộ mưu đồ đó ra ngoài. Văn Cao có kể cho tôi nghe chuyện người của Thọ đã gặp những nhạc sĩ nào để gợi ý họ viết quốc thiều cho Liên bang Đông Dương. Những nhạc sĩ nhận lời được Lê Đức Thọ mời cơm tại nhà. Ông Bùi Công Trừng nói với tôi trong một lần tôi đến thăm: "Thằng Thọ nhiều tham vọng lắm, cháu ơi. Quan sát kỹ động thái của nó cháu sẽ thấy: mọi việc nó làm đều dẫn tới một cái đích – hất Lê Duẩn. Mà không phải chỉ nhằm cái chức tổng bí thư đâu, cái đó chưa đủ cho lòng tham của nó. Nó còn muốn làm tổng bí thư Liên bang Đông Dương kìa". Như vậy, từ những nguồn tin khác nhau mưu đồ của Thọ cũng đã tới tai Bùi Công Trừng. Ông không ưa Lê Duẩn, nhưng không vì thế mà ông ưa con chuột chũi đang đào hầm dưới ghế Duẩn. Lời tiên đoán của ông không sai.
Khi Lê Duẩn phát hiện được mưu toan của Thọ nhằm phế truất mình thì Lê Duẩn căm Thọ lắm lắm. Đến mức thẳng cánh đuổi Thọ ra khỏi nhà trong lần Thọ đến chia tay với tổng bí thư đang hấp hối. Người trong gia đình Lê Duẩn cho biết Duẩn gọi vỗ mặt Thọ là "thằng phản bội".
Cũng theo tướng Hóa, Lê Đức Thọ đã lẩn trốn trách nhiệm trước vụ Xiêm Rệp, cũng như nhiều vụ khác nữa, viện cớ bận họp, bận chữa bệnh.
– Anh hãy tìm cho tôi một kẻ dám chống lệnh ông Sáu vào thời gian ấy – tướng Hồ Quang Hóa nói với tôi trong một bữa cơm ở Sài Gòn – Không ai được phép tự ý làm một việc gì nếu không có lệnh ông Sáu.
Tôi biết Hồ Quang Hoá là một con người trung thực. Tôi tin anh nói đúng.
Cuộc phiêu lưu quân sự được tiến hành theo sáng kiến và sự chỉ đạo của Lê Đức Thọ đã làm cho khoảng 52. 000 chiến sĩ chết trận, 200. 000 chiến sĩ bị thương[20]. Chẳng những thế, nó còn làm cho dân tộc Việt Nam bị nhục nhã trước thế giới trong bộ mặt kẻ xâm lược, bị tẩy chay, bị trừng phạt.
Nước Việt Nam được gì, mất gì ở Campuchia? Tại sao cho tới nay Đảng cộng sản Việt Nam không dám nói tới, không có can đảm nhận lỗi trước những người láng giềng đau khổ để xóa đi một trang sử nhơ nhớp? Thọ đã chết trước khi phải ra đứng trước vành móng ngựa trong một phiên tòa liên tịch hai nước, với tư cách tội phạm chiến tranh.
Người duy nhất đủ tư cách thay mặt Thọ hôm nay là Lê Đức Anh.
32
Cảm giác dễ chịu về nơi ở mới là cảm giác đánh lừa. Chỉ vài tuần sống ở đây tôi đã thấy trại giam này rất tồi tệ, ít nhất thì cũng đối với những tên tù “xử lý nội bộ”.
Về tổ chức, trại quân pháp Bất Bạt cũng giống như Hỏa Lò, gồm trại chung và khu xà lim giam cứu. Cái khác là tất cả những người ở đây – cả tù lẫn người coi tù – đều thuộc bộ đội. Đông nhất là đào binh phạm tội hình sự, còn đào binh vì sợ chết bỏ trốn về nhà thì được gom lại trong các tiểu đoàn kỷ luật. Chúng tôi là tù dân sự đầu tiên đến trại này.
Lê Đức Thọ rất biết chọn chỗ cho chúng tôi – khu xà lim Bất Bạt nằm lọt thỏm trong một thung lũng rộng cách rất xa các khu dân cư.
Ở đây hầu như không nghe được tiếng động của cuộc sống bình thường – không tiếng mõ trâu, không tiếng chó sủa, không cả tiếng cối xay ù ì quen thuộc nơi thôn dã. Khi anh Minh Việt bị đưa đi nơi khác, trong ngôi nhà bốn phòng chỉ còn lại một mình tôi. Và cái vắng lặng khôn cùng.
Người tù xà lim Hỏa Lò còn có thể căn cứ vào tiếng động từ các khu trại chung hay khu nhà bếp vọng lại, hoặc nghe ngóng động thái của bạn tù các phòng bên mà đoán được chuyện gì đang xảy ra bên ngoài, cho dù là những chuyện vớ vẩn, không dính líu gì đến mình. Những cái nhỏ nhặt ấy tạo ra sự thay đổi, giảm bớt sự nhàm chán. Bị tách rời hoàn toàn với thế giới bên ngoài là một khổ hình.
Phạm binh thường, không phải loại trọng án, sống không khác trong quân ngũ là mấy. Họ được đi lại tự do trong phạm vi trại. Phạm binh trong thời gian giam cứu cũng ở trong xà lim như chúng tôi, nhưng không có cảm giác như chúng tôi. Họ bị giam cứu có thời hạn, thường không quá vài tháng, chỉ đủ để hoàn cung. Họ hiểu rằng đây chỉ là nơi tạm bợ – sau đó sẽ là tòa án binh, là trại chung, thậm chí trường bắn, nhưng mọi sự là rõ ràng.
Chúng tôi khác. Trước mặt chúng tôi là một chân trời xám xịt.
Không ai có thể nói cho chúng tôi biết thời hạn chúng tôi phải ở trong cái nhà tù khốn nạn này bao lâu, kể cả đám chấp pháp. Trong xà lim Bất Bạt chúng tôi giống những con thú bị nhốt. Những con chuột, không rõ là chuột cống hay chuột đồng, con nào con nấy béo núc ních mỗi khi chiều xuống lại tụ hội trước cửa sổ xà lim. Chúng nhởn nhơ đi lại, vẻ no đủ, chúng vờn nhau, cắn nhau chí choé, thỉnh thoảng lại liếc nhìn con thú to là tôi ở trong cũi, với vẻ khinh khỉnh không giấu giếm.
Cái sự giam người vô thời hạn, lại giam trong xà lim, là một cách hành hạ hết sức tàn nhẫn. Cảm giác cô đơn kéo dài giết chết con người không cần đạn.
Khỏi cần nói tới mọi sự thiếu thốn trong nhà tù Việt Nam. Đau răng, xin thuốc hả, không có. Đau bụng, khai hôm nay, mai mới có thuốc. Sốt hả, đợi đấy, sẽ có thuốc hạ nhiệt cho anh. Nhưng hôm nay thứ bảy rồi, phải sáng thứ hai ông y sĩ mới tới. Nhưng cái khổ nhất là đói. Đói lắm. Đói cồn cào. Đói mờ mắt. Đói run người.
Có lần tôi vớ phải khúc sắn ôi trong suất cơm độn, nhựa sắn nhầy nhụa như tinh dịch. Tởm quá, giận quá, tôi quẳng nó xuống hầm trú ẩn. Thế rồi đêm đến, bụng quặn lên vì đói, chịu không nổi, tôi lại phải sờ soạng trong bóng tối tìm khúc sắn vứt đi, lấy miếng giẻ cũng chẳng sạch gì lau cái nhựa gớm ghiếc ấy đi mà nhai trệu trạo chút tinh bột lẫn đất cát. Nhai miếng sắn mà nước mắt ứa ra. Mà thèm một khúc ngoặt lịch sử, như trong chuyện thần kỳ, để bọn Lê Duẩn, Lê Đức Thọ bị tống vào đây, như tôi đang phải sống lúc này. Không cần hơn. Khúc sắn đã thiu, tôi tưởng sẽ bị tháo tỏng, vậy mà lạ thay, không hề gì cả.
Dù sao mặc lòng, tuy vẫn là trại giam, dù tồi tệ, trại quân pháp Bất Bạt vẫn còn khá hơn Hỏa Lò một chút. Trước hết, nó hơn Hoả Lò ở chỗ tù được ăn cơm nóng chứ không phải thứ cơm nguội ngắt, đã thế còn bị chuột vầy. Định lượng gạo cho tù là chung trên cả nước, ở Bất Bạt không thể nhiều hơn, nhưng cơm đủ tiêu chuẩn nhờ cách quản lý của quân đội nghiêm hơn. Ở Hỏa Lò tiêu chuẩn bị bớt xén, suất cơm ít hơn hẳn. Sở dĩ ở Hỏa Lò tôi không bị cái đói hành hạ là nhờ kho lương thực dự trữ của Thành.
Không những thế, ở trại Bất Bạt, chúng tôi còn được hưởng một chế độ ăn uống khá hơn phạm binh.
Đảng giữ lời hứa, tuy muộn. Từ lúc chuyển lên trại Bất Bạt, tôi được hưởng tiêu chuẩn thịt như khi ở ngoài[21]. Một cân thịt được chia làm hai, cứ nửa tháng quản giáo công an[22] mang vào cho tôi một bát thịt kho tàu. Thịt kho mặn, có thể để ăn dần mà không thiu, nhưng ngay lần đầu tôi nếm thấy nó có vị đắng khác thường, không ra vị kẹo đắng ở nhà quê, mà cũng không ra vị nước hàng ở tỉnh.
Tôi được đọc về những vụ đầu độc dẫn tới cái chết từ từ. Theo một giả thuyết của Tarle[23] thì ở đảo Sainte-Hélène, Napoleon bị đầu độc bằng những liều thạch tín rất nhỏ, đưa từ từ vào thức ăn. Thấy món thịt kho đáng ngờ, tôi quyết định không ăn. Không ăn thì phải đổ đi, mà đổ đi thì tiếc lắm. Trong tù miếng thịt quý như vàng, ai không ở tù không biết được cái sự thèm thịt nó thế nào, nhìn thấy thịt nước miếng đã ứa ra rầm rầm. Nhưng không thể không đổ. Đổ đi cũng phải khéo, sao cho quản giáo không biết, mỗi ngày xẻ một ít vào bô, buổi sáng ra ngoài rửa mặt thì tống xuống hố thải. Suốt thời gian ở trại quân pháp Bất Bạt tôi không ăn miếng thịt nào.
Lần đầu tiên đổ đi những miếng thịt đã lâu không được ăn tôi bần thần suốt ngày. Nhưng rồi tôi thắng được sự thèm khát. Không phải đơn giản có thế. Tôi phải đóng kịch bình thản, thậm chí vui vẻ nhận bát thịt quản giáo mang tới.
Nhớ lại lời Marx nói về sự giam lâu trong xà lim cá nhân nhằm làm con người mất trí, tôi tìm cách chống lại. Ngay từ khi ở Hỏa Lò tôi buộc mình tuân thủ một chế độ nghiêm ngặt – trừ những buổi bị gọi ra đi cung, tôi dùng thời giờ còn lại cho việc tổng duyệt kiến thức. Tôi ôn lại, từng mảng một, các lĩnh vực triết học, văn học, xã hội, chính trị… Công việc chiếm nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Về triết học tôi đi từ triết học cổ đại Hi Lạp, La Mã, qua triết học Trung Hoa, triết học Ấn độ, triết học cận đại, từ các hiền giả Socrates, Aristotel[24] cho tới các nhà hiện sinh Berdiaev và Jean-Paul Sartre[25]… Về văn học tôi lần theo thời gian đi dần vào từng vùng địa lý, từng nước, suy ngẫm về bút pháp của từng nhà văn. Đó là một công việc khá thú vị, một thứ viễn du tại chỗ. Nhiều lúc tôi mải suy nghĩ đến nỗi quản giáo mở cửa không hay. Sự suy ngẫm này làm cho tác phẩm của Ernest Hemingway, Erich Maria Remarque[26] sống động hẳn lên, lấp lánh dưới một ánh sáng mới.
Đến khi có được hai cái ruột bút bi thì công việc dành cho cuốn sách về thời thơ ấu của tôi choán hết thời gian của một ngày. Cách tách mình ra khỏi sự đời, tự tạo ra việc để mà bận rộn, giúp cho tôi nghị lực sống. Nhiều lần giữa cuộc hỏi cung tôi giật mình nghe Huỳnh Ngự quát: "Tôi đang hỏi anh. Anh phải trả lời. Anh nghĩ cái chi mô rứa, hử?".
Ấy là khi tôi còn ở Hỏa Lò. Ở trại quân pháp Bất Bạt tôi bị bỏ quên dài dài. Có khi cả tháng. Không có ai để tâm sự. Không có cả Huỳnh Ngự để nghe y quát lác. Nếu không có việc viết sách thì đúng là phát điên được. Không hiểu anh em khác thế nào, nếu anh em không nghĩ ra cách chống lại thì gay lắm.
Nhưng cũng không thể bắt bộ não hoạt động suốt tháng suốt năm. Thỉnh thoảng tôi cũng cho nó nghỉ ngơi bằng cách làm vệ sinh căn phòng tới mức sạch bong, hoặc giở quần áo ra vá. Vì lý do sự bắt bớ chúng tôi không rõ ràng cho nên đi khỏi Hỏa Lò tôi phải trả lại quần áo tù (chúng tôi không phải là tù), còn lên tới Bất Bạt thì trại quân pháp, cũng lại theo quy định, không phát cho chúng tôi quân phục (chúng tôi không phải là phạm binh). Thế là tôi chỉ có hai bộ quần áo gia đình gửi vào, giờ đã rách bươm. Vá đi vá lại, miếng trước đè lên miếng sau, cái áo trở thành một thứ cà sa trăm mụn. Để khâu vá, tôi chế tạo một cái kim bằng cật bương, không có trôn, hơ trên lửa cho cứng, chỉ thì tước ở mảnh bạt chiến lợi phẩm trong trận chống càn Bretagne của binh đoàn cơ động số 4 của Pháp ở miền nam Nam Định năm 1952, vợ tôi dùng nó gói chăn màn quần áo gửi vào cho tôi. Chủ tấm bạt còn để lại dấu tích của anh ta trong một vết máu không sao giặt sạch. Cuộc chiến tranh chống Pháp đã lùi xa vào quá khứ. Những ngày gian khổ, nhưng có tình thương anh em một nhà, cũng đã trở thành dĩ vãng, thành chuyện cổ tích.
Một đêm, tôi giật mình choàng tỉnh vì tiếng cửa sổ bị đóng sập. Tôi trở dậy, mò mẫm trong cái hũ nút tìm cửa ra vào. Ngoài trời đen như mực. Một lát sau, qua lỗ thủng tôi nhìn thấy hai công an viên khiêng một cái cáng bước thấp bước cao men theo bức tường ngăn các khu nhà-xà lim, trong ánh đuốc bập bùng. Tôi căng mắt ra nhìn nhưng không nhận ra người nằm trên cáng là ai – ánh sáng vàng vọt lấp loáng trên cáng quá yếu. Chiếc cáng lắc lư trên con đường gập ghềnh. Người nằm trên cáng được phủ một tấm chăn sợi màu xẫm, bất động như một xác chết. Bằng vào mái tóc đen trên khuôn mặt để hở tôi chắc chắn không phải cha tôi, không phải tướng Đặng Kim Giang – hai ông tóc bạc, lại hói trán. Có lẽ lại Phạm Viết rồi. Nếu như Viết chưa chết.
Sau mới biết người bỏ xác trong tù, thật ngược đời, lại không phải mấy ông già nhất, yếu nhất. Hai người không bao giờ trở về nữa là Phạm Viết và Phạm Kỳ Vân. Phạm Viết chết trong xà lim. Kỳ Vân được hưởng một cái chết sang hơn – khi hấp hối anh được mang tới một bệnh viện Hải Phòng. Anh trút hơi thở cuối cùng trên giường sắt nhà thương, bên những đồng chí công an không một phút lơ là canh gác. Sau khi được thả, Trần Minh Việt là người ra đi sớm nhất, tướng Đặng Kim Giang bệnh tật đầy mình còn chống chọi được mấy năm nữa rồi mới chết. Ông còn kịp đi tù thêm lần nữa trước khi Đảng họp Đại hội lần thứ V vì tội "tán phát đơn khiếu nại làm mất uy tín của Đảng"[27].
Nhà tù cho tôi thấy con người là một sinh vật kỳ lạ. Nó có thể sống được cả trong những điều kiện không phải cho con người.
Sức khỏe của tôi sa sút hẳn sau hai năm nằm xà lim. Tôi nhớ có đọc đâu đó rằng nhiều người bị giam lâu trong xà lim cá nhân đã tìm cách chống lại sự thoái hoá của thân thể bất động bằng đi bộ, có người đi hai chục cây số mỗi ngày, tôi bắt chước họ. Đi bộ ở đây nghĩa là đi bách bộ trong lối hẹp giữa hai phản nằm trong xà lim (năm bước tới, năm bước lui, với tốc độ vừa phải, đi nhanh quá thì hoa mắt khi quay đi quay lại quá nhiều lần). Tôi đặt mức đi tối thiểu mỗi ngày một chục cây số, đi đều đặn không ngày nào bỏ, thế mà bắp thịt chân tay vẫn cứ teo dần, nhão dần. Ấy là ngoài đi bộ tôi còn tập thể dục buổi sáng và tối nào trước khi đi ngủ cũng đều đặn luyện khí công và yoga.
Ăn uống không đủ chất, trong xà lim không có ánh sáng mặt trời, gây nên đủ thứ bệnh tật. Tôi ho sù sụ như một ông già vì viêm họng hạt. Máu thường xuyên rỉ ra ở chân răng, lợi viêm, có lần nhai phải một hạt sạn nhỏ thôi mà răng hàm cũng vỡ. Ăn phải nhai trệu trạo, lựa một bên hàm mà nhai. Một hạt cơm rơi vào chỗ răng đau cũng gây ra cơn nhức nhối cả buổi. Xin một nhúm muối để ngậm cũng khó lắm. Quản giáo của trại quân pháp không dám cho chúng tôi thứ gì mà không được công an cho phép. Đau răng ở trong tù có dễ là khổ nhất, khổ hơn nhiều các thứ bệnh khác. Đau thì ráng chịu, có đề nghị chấp pháp công an cho đi chữa thì chúng chỉ cười trừ. Tôi còn trẻ mà đã khổ, huống hồ số tù nhân cao tuổi trước khi vào tù đã có nhiều bệnh mạn tính như bệnh tim, thấp khớp, họ còn khổ biết chừng nào.
Chính trong những ngày này tôi sực nhớ tới cô tôi, một bà lang vườn mù chữ. Trong trường hợp người bệnh bị xuống sức quá nhiều mà mọi thứ thuốc của bà tỏ ra vô hiệu, cô Gái khuyên người bệnh dùng thứ thuốc dân dã rất đơn giản lại không mất tiền là "đồng tiện". Tôi đã nhiều phen phải cung cấp thứ "thuốc" đó cho các bà hàng xóm. Tôi đứng, mặt đỏ bừng vì ngượng, ngẩng mặt lên trời, cố gắng dặn từng tia ngập ngừng vào cái bát mà một bà ngồi xổm ngay bên chân tôi chìa ra. Trong tù đào đâu ra "đồng tiện", tôi đành dùng nước tiểu của chính mình. Thế mà bệnh lui mới lạ. Tôi khỏi dứt chứng đau họng hạt không phải chỉ ngay lúc đó mà cả nhiều năm sau. Chân răng ngừng chảy máu, cái răng vỡ đau đớn là thế mà cũng đỡ dần. Tôi đồ rằng trong nước tiểu có chất độc ở dạng vi lượng. Chất độc ngấm vào cơ thể gây ra sự chống lại mạnh mẽ, cơ thể phải huy động toàn bộ sức mạnh phòng vệ dự trữ để tiêu diệt kẻ thù, không phân biệt kẻ thù nào, do đó mà cùng với chất độc cần được tống ra ngoài, nhiều bệnh đã bị đẩy lui.
Cũng trong mối quan hệ bất đắc dĩ với đám chấp pháp thời gian ở Hỏa Lò tôi hiểu ra một điều quan trọng: bọn chấp pháp không hề sợ những người tù mạnh miệng dám cãi lại chúng, dám chửi bới chúng. Chửi chúng, chúng mặc – làm nghề hỏi cung chúng có đủ chất lì lợm nghề nghiệp. Người tù mạnh miệng có thể chỉ là anh hùng rơm. Là người bốc đồng, chính anh ta lại dễ bị bẻ gãy hơn người khác. Trong cuộc đấu tranh trong đơn độc với đối thủ đầy kiên nhẫn, rốt cuộc chính anh ta lại bị mệt mỏi trước bởi sự lên gân thường trực, trong khi đó đối thủ vẫn lạnh lùng chờ anh ta tự gục ngã.
Nhưng bọn chấp pháp lại ngại người tù bình thản. Đó là con người điềm đạm, thậm chí lịch sự trong quan hệ với chúng. Gặp người bình thản chúng lúng túng, không biết phải ứng xử thế nào. Chúng hiểu rằng cái người mặc áo tù đang đứng trước mặt chúng kia, trong thâm tâm coi chúng như mẻ, coi chúng dưới tầm mắt. Lúc đầu Huỳnh Ngự còn giễu cợt (hay đứng đắn không biết) dạy tôi luyện khí công, đến lúc thấy tôi thản nhiên với thân phận, coi nhà tù là nơi ở lâu dài, bình tĩnh rèn luyện thân thể, bình tĩnh trả lời mọi câu hỏi của y, không tỏ ra một chút sợ hãi, y bối rối, xử sự dò dẫm, như thể người mù gặp ngõ cụt.
Tôi bình thản được không phải vì tôi gan dạ, mà do tôi tuyệt vọng. Tôi nghĩ bọn tân phát-xít này trước sau sẽ giết chúng tôi, việc của chúng là nghĩ cách giết thế nào cho gọn, cho êm mà thôi. Nếu rồi đây tôi ra khỏi được nhà tù của chúng thì không phải vì chúng có lòng tốt, chúng rộng lòng thương tôi, hoặc vì lương tri mách bảo mà trở nên tốt hơn, không phải do những cái đó, mà do thời thế buộc chúng phải mở cửa nhà tù cho chúng tôi ra. Vì thế việc gì phải sợ chúng, phải cúi mình trước chúng?
Thỉnh thoảng lắm Huỳnh Ngự mới gọi tôi ra một lần. Cũng gọi là đi cung. Cũng hỏi tôi về một người, một việc ba lăng nhăng nào đó. Cho ra vẻ vụ án chưa kết thúc.
Tôi không hiểu Huỳnh Ngự sống ở Bất Bạt để trông coi tụi tôi, hay thỉnh thoảng mới lên đây. Chỉ biết trông y có vẻ mệt mỏi. Chiến tranh vẫn kéo dài. Cuộc sống thì mỗi ngày mỗi khó khăn. Bằng những lời vắn tắt anh phạm binh gánh cơm thỉnh thoảng lại thông báo cho tôi biết tình hình sinh hoạt bên ngoài trại. Nạn đói đã xuất hiện ở Thanh Hóa, có người chết. Thiếu ăn là chuyện bình thường trong mọi gia đình. Huỳnh Ngự cũng có một gia đình như mọi người. Người chồng phải công tác xa nhà sinh ra tình trạng hai bếp, ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách gia đình. Trong Huỳnh Ngự không còn cái khí thế hào hứng của ngày đầu ra quân chống chủ nghĩa xét lại hiện đại nữa. Mặt nhầu nhã, thân hình xập xệ. thậm chí y không giấu vẻ chán chường khi phải gặp tôi.
Tội nghiệp, trước trận đánh y còn nhìn thấy phần thưởng dành cho người chiến thắng vẫy gọi. Nhưng trận đánh thì cứ kéo dài, mãi vẫn không thấy hồi kết thúc, cái phần thưởng ngoạn mục thì cứ lơ lửng nơi tít tắp chân trời.
Tôi hiểu tâm trạng y. Lớp cán bộ chúng tôi, trong đó có cả tôi lẫn Huỳnh Ngự, đã quen sống bằng những lời hứa của các nhà lãnh đạo. Mà họ hứa thì hay lắm. Trong kháng chiến chống Pháp họ bảo: hãy kiên trì chiến đấu, hãy chịu đựng gian khổ, tới ngày chiến thắng chúng ta sẽ xây dựng một cuộc sống giàu có, hạnh phúc… Kháng chiến thắng lợi rồi thì không thấy cuộc sống khá hơn, trái lại mỗi ngày mỗi xo rụi thêm, mỗi cực nhọc hơn. Họ lại động viên: chúng ta còn phải vất vả là do Mỹ-Diệm. Tất cả là tại chúng nó. Chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến đấu để giải phóng đồng bào miền Nam ruột thịt, chúng ta phải thắt lưng buộc bụng xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải làm nhiệm vụ quốc tế với nhân dân Lào Miên anh em… Cuộc chiến đấu của chúng ta không phải chỉ cho hôm nay, nó còn cho ngày mai, cho muôn đời sau… Vân vân và vân vân.
Chúng tôi không nhận ra một sự thật rằng những nhà lãnh đạo chúng tôi là những người không được học hành, không có nghề nghiệp. Những người như thế chỉ biết phá, chứ không biết xây. Họ không biết và hơn nữa, còn không thèm học cách cách quản lý xã hội sao cho ra nhiều của cải. Quen sống bằng chiến tranh, nhờ chiến tranh mà tồn tại, họ chỉ chú trọng xây dựng các lực lượng vũ trang để làm chiến tranh tiếp. Bằng tiền và vũ khí người khác. Liên Xô, nước đàn anh của phe xã hội chủ nghĩa liên tục đổ của vào Việt Nam. Đến nỗi tên nước CCCP của Liên Xô (viết tắt theo tiếng Nga) được người ta hóm hỉnh diễn dịch thành Các Chú Cứ Phá, Càng Cho Càng Phá. Những khoản viện trợ của Liên Xô, của Trung Quốc thế là cứ liên tục rót vào cái thùng không đáy. Sự quản lý kinh tế bằng các biện pháp hành chính làm cho đời sống cứ thế tồi tệ thêm mãi, èo uột thêm mãi. Vậy mà trong mọi báo cáo của ông thủ tướng vĩnh cửu, không trừ cái nào, bao giờ cũng không thấy thiếu câu muôn thuở “đời sống nhân dân đã được cải thiện một bước”. Một bước là bao nhiêu, bước ngắn hay bước dài, Phạm Văn Đồng không nói rõ. Nó là một bước mơ hồ, hiểu thế nào cũng được, giải thích thế nào cũng xong. Không đem lại được cho nhân dân mỗi người một cân thịt một tháng, các nhà lãnh đạo hào phóng thế vào đó hai cuộc cách mạng toàn thế giới.
Nhà tù có cái tốt của nó. Nó cho con người thời gian suy nghĩ, nó kích thích bộ não lười biếng. Nó cho ta cái nhìn sáng để thấy được sự thật qua bức màn bịp bợm hào nhoáng.
Nhưng thôi, nghĩ về cái lũ lãnh tụ ấy làm gì. Nghĩ thế đủ rồi. Đủ để vĩnh viễn chia tay. Như nhà thơ nào đó[28] đã viết:
Anh đi đường anh. Tôi đi đường tôi.
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp nữa,
Bận lòng chi lắm lúc chia phôi.
Người có luân thường không thể ưa, chứ đừng nói đến tôn trọng, cái đảng kỳ cục này còn vì một lẽ: lúc nào Đảng cũng chì chiết, cũng nhắc đi nhắc lại không biết ngán rằng các người được sống, được làm việc, có cơm ăn áo mặc, có mái nhà trên đầu, có cái xe đạp để đi, tất cả là nhờ ơn Đảng. Không có Đảng đời các người là đời con chó. Chao ôi, sống để mà phải chịu ơn một kẻ nào đó suốt đời, để nghe kẻ đó kể công suốt đời, thì sống làm gì?! Nhục lắm. Đó không phải là cuộc sống cho con người.
Cái sự kể công kỳ cục này được trắng trợn trưng ra ở mọi nơi, mọi lúc, kệch cỡm vô cùng, chối tai vô cùng, nhưng nó lại làm khoái con ráy các nhà lãnh đạo. Và họ càng ra sức khuyến khích sự ca ngợi Đảng, tâng bốc Đảng: “Đảng quang vinh”, “Đảng bách chiến bách thắng”, “Đảng vô cùng sáng suốt”, “Đảng duy nhất đúng đắn”, “Đảng đem lại cơm no áo ấm”… vân vân, kể không hết.
Ông Hồ lúc nào cũng nói “người cộng sản phải khiêm tốn” lại chính là người không một lần phản bác sự tôn vinh chính ông. Những nhà lãnh đạo khác cũng thế. Họ chỉ giật mình sực nhớ đến nhân dân, ca ngợi nhân dân khi nào họ yếu thế, họ mắc sai lầm, khi họ phải đối mặt với nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chính họ.
Còn nhớ một trong những buổi hỏi cung đầu tiên Huỳnh Ngự mắng tôi:
– Anh là cái thằng gần chùa kêu bụt bằng anh. Láo lắm! Toàn dân ta một lòng tôn kính các vị lãnh tụ, vậy mà anh gan cóc tía, dám coi các vị không bằng nửa con mắt. Riêng tội nớ cũng đáng chết rồi. Nghĩ mà coi, không có Đảng sao anh có ngày nay. Đảng nuôi nấng anh, Đảng dạy dỗ anh cho anh nên người, còn anh đã không nhớ ơn thì chớ, lại còn học đòi ba thằng phản động chống Đảng….
Bình thường, khi y cao hứng lên thuyết giảng về chủ nghĩa Marx thì tôi ngồi im. Thôi thì mỗi người mỗi tật, y thích biểu diễn kiến thức mác-xít thì mặc y. Chẳng lẽ những hiểu biết bấy lâu tích cóp được lại để đó, trong khi trước mặt là một thằng thính giả muốn hay không muốn cũng phải chịu chuyện?
Nhưng một hôm ngứa tai quá, tôi quạt lại:
– Bác nói không đúng. Nói thế nghe không được.
– Cái chi không đúng?
– Sinh ra tôi là cha mẹ, nuôi tôi cũng là cha mẹ. Nói Đảng nuôi tôi làm sao lọt tai? Tôi thừa nhận như thế hóa ra tôi bất hiếu ư? Người khác nghĩ thế nào không biết, chứ khi tôi bắt đầu tham gia cách mạng thì tôi mặc quần áo mẹ tôi may cho, miếng ăn thì do nhân dân chu cấp…
Huỳnh Ngự trợn trừng:
– Anh… anh dám ăn nói như vậy… hử?
– Tôi nói thế không đúng hay sao? Sự thật là như vậy. Khi Đảng chưa chiếm được chính quyền, chưa có ngân sách nhà nước để chi tiêu thì bộ đội tới làng nào nhân dân làng đó nuôi. Đóng góp thóc gạo, lập kho quân lương, góp tiền góp của cho kháng chiến – ai làm? Nhân dân cả đấy.
Huỳnh Ngự bặm môi:
– Hừ!
– Còn đến lúc chính quyền đã vững, đã có chế độ lương, thì tôi là công chức, tôi làm thì tôi được trả công, tức là tôi nuôi tôi chứ. – tôi nói tiếp, rành rọt – Chuyện nhà nước cho tôi đi học Liên Xô cũng là chuyện bình thường, nước nào chả có – cần có cán bộ làm việc thì nhà nước nào cũng cử người đi học, đi tu nghiệp, theo chế độ đào tạo….
– Tui… tui… thiệt không ngờ anh… vô ơn bạc nghĩa đến… đến như vậy! – y ré lên, lại bắt đầu nói lắp – Đảng bắt… bắt anh thực không… không oan chút mô.
– Các cơ quan Đảng sống bằng tiền của ai? – tôi đay lại – Của nhân dân đấy! Đảng có bao nhiêu đảng viên? Đảng phí bao nhiêu một tháng? Một năm Đảng thu đảng phí được bao nhiêu? Tính dễ lắm! Đảng phí một năm, tôi biết, không đủ dùng cho một ngày Đại hội Đảng đâu. Lại còn tiếp khách, quà cáp cho các đoàn nước ngoài, thử hỏi tiền đâu ra? Lấy của nhân dân cả đấy. Tôi có người quen làm ở Bộ Tài chính. Chị cho biết Bộ quản lý một ngân khoản đặc biệt. Trung ương lệnh lấy tiền thì chi, không ai được phép hỏi tiền lấy ra để làm gì. Mà ngân khoản đó không phải quỹ Đảng đâu nhá. Tiền của nhà nước, tức là của nhân dân đấy. Các cơ quan Đảng ở các cấp đều dùng kinh phí nhà nước cho mọi hoạt động, kể cả mua một cái xe ô tô, một cái xe đạp cũng lấy từ kinh phí nhà nước. Là tiền của dân cả. Phải nói ngược lại mới đúng: dân nuôi Đảng, chứ Đảng làm sao nuôi được dân! Ngày trước, trong kháng chiến chống Pháp, tôi còn nghe Đảng nói Đảng ở trong lòng dân. Bây giờ không nghe nói thế nữa, chỉ nghe nói Đảng lãnh đạo, Đảng chăm lo cho dân, Đảng là cha mẹ dân. Tôi, cũng như mọi cán bộ, cũng là dân, nhân dân chúng tôi nuôi Đảng, chứ không phải Đảng nuôi chúng tôi đâu, xin lỗi.
Huỳnh Ngự la hét rầm rầm, nhưng tôi hiểu: y phải làm thế để trốn chạy cái lý không thể bác.
– Giờ giữa tôi với Đảng tình nghĩa đã hết. Còn bác, còn tôi, rồi ra bác sẽ thấy khi tôi chỉ làm cho cá nhân mình, không còng lưng phục vụ thằng nào nữa, cuộc sống của tôi ra sao. Chắc chắn nó sẽ là cuộc sống hơn hẳn khi tôi mang tiếng được Đảng nuôi nấng.
Tôi biết: sống không dính tới Đảng là khó: Đảng đã nắm hết mọi đường sống của dân rồi. Nhất cử nhất động phải được Đảng cho phép, ngay cả cái sự ở, sự đi, sự kiếm ăn của mình cũng phải được Đảng cho phép, chí ít thì cũng ngoảnh mặt đi coi như không biết, mình mới sống được. Nhưng tôi sẽ sống như tôi muốn, dù cho cuộc sống có khó tới mấy. Tôi sẽ chữa xe đạp ở vỉa hè, tôi sẽ trồng rau, cấy lúa hoặc làm thợ may, thợ điện, thợ cắt tóc. Làm gì thì làm, chứ không khi nào tôi đi làm cho Đảng nữa.
Tôi nhớ một buổi kiểm thảo tại cơ quan, nhà báo Hùng Thao nghe những lời phê phán chướng tai tức quá gầm lên: "Nuôi cán bộ như lợn, mắng cán bộ như chó, thời trước địa chủ đối với tá điền còn tử tế hơn!". Câu nói bật ra trong phút không kìm giữ làm anh khốn khổ dài dài. Người ta chẳng những không tha phê phán anh mà còn phê phán mạnh hơn nữa. Nhưng sự trù dập chỉ làm anh im lặng, chứ không thay đổi được cách nhìn của anh đối với Đảng.
Quả nhiên, sau khi ra tù, không đi làm cho nhà nước nữa, đời sống gia đình tôi khấm khá hẳn lên, tinh thần cũng thoải mái, kể cả khi tôi làm thuê cho những người theo lý thuyết của các nhà mác-xít là những tên bóc lột. Những ông chủ cá thể xử sự có văn hóa hơn hẳn ông chủ lớn mà tôi phục vụ suốt đời.
(Còn tiếp)
[1] Henry Alfred Kissinger (1923), bộ trưởng Ngoại giao dưới thời hai tổng thống Richard M. Nixon và Gerald R. Ford, cầm đầu phái đoàn Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1973 dẫn tới việc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam như điều kiện tiên quyết cho kết thúc chiến tranh.
[2] Máy bay đặc biệt dùng để chở các lãnh tụ đi công cán. Thường khi cùng đi đến một địa điểm, "các cụ" cũng không chịu đi chung, mà mỗi "cụ" phải có một máy bay riêng, gọi là chuyên cơ.
[3] Tư Mã Thiên, tên tự là Tử Trường, sinh năm 145 trước CN, không rõ năm mất, nhà viết sử vĩ đại của Trung Quốc.
[4] Theo hồi ức của ông Ngô Thế Tân, Việt kiều ở Pháp, trong một bức thư gửi cho tôi, thì vào những năm 1926-1927 khi ông Tân còn là học sinh trường Canh nông Tuyên Quang thì vào "một đêm trăng mờ mở cuộc họp đông chừng vài chục người trong một khu rừng nhỏ. Không ai nhìn rõ mặt ai. Tóm tắt lại đây là đại diện một đảng có mục đích hoạt động bằng đủ mọi cách để lấy lại độc lập cho tổ quốc… Mãi đến năm 1956-1957 khi tôi ở Pháp trở lại Hà Nội anh bạn Vũ Đình Huỳnh mới cho tôi biết người đảng viên bí mật nằm rừng tuyển mộ đảng viên ở trường Canh Nông hồi đó chính là anh… Nay anh đã khuất mà tôi cũng chẳng hay hồi ấy anh ở đảng nào… " Theo các nhà cách mạng thế hệ già, Lê Đức Thọ vào thời kỳ ấy còn là học sinh.
[5] Tên thật của Lê Đức Thọ: Phan Đình Khải.
[6] Đinh Đức Thiện, tên thật Phan Đình Dinh (1913-1987), thượng tướng, từng kinh qua các chức vụ chủ nhiệm tổng cục hậu cần, tổng tham mưu phó, bộ trưởng bộ dầu khí… ; ủy viên dự khuyết rồi ủy viên trung ương từ khóa 3 và đến khóa 4.
[7] Mai Chí Thọ, tên thật Phan Đình Đống (1922-2007), bí danh Năm Xuân, Tám Cao, từng giữ các chức vụ giám đốc Công an Nam Bộ, bộ trưởng Bộ Nội Vụ, đại tướng CA.
[8] Bộ âu phục, com lê.
[9] Bí mật.
[10] Màn bí mật che phủ cái chết của Đinh Đức Thiện chẳng có lợi gì cho nhà cầm quyền. Nhưng người ta đã bị nô lệ cho thói quen không công khai và cam chịu tác hại của nó.
[11] Nghĩa trang dành cho các nhà lãnh đạo và những người rất có công với cách mạng (và được lòng các nhà lãnh đạo).
[12] Triệu Bỉnh Thiệt là một tay đầu cơ có hạng tại Chợ Lớn. Do có móc nối với các thương gia Hongkong, nên hàng hoá xuất cảng có ký một chữ Triệu trên vận đơn thì được cho qua dễ dàng, còn hàng hoá khác (không có chữ ký) thường bị trả lại. Sau một số vụ lừa đảo, Triệu Bỉnh Thiệt bị đưa ra toà.
[13] Những người chạy trốn sự cai trị của chính quyền cộng sản sau năm 1975, di tản bằng thuyền, được thế giới gọi bằng cái tên "thuyền nhân" (boat people), đông tới một triệu rưỡi nhân mạng. Phần lớn thuyền nhân đi từ miền Nam Việt Nam nhằm hướng Mã Lai, Indonesia, số ít đi từ Hải Phòng, vùng mỏ Quảng Ninh nhằm hướng Hongkong. Vào thời gian này chính quyền cộng sản lặng lẽ cho phép cuộc chạy trốn vĩ đại bằng cách các thuyền nhân đóng một số vàng, tính theo đầu người, mỗi người từ 2 lạng vàng trở lên. Có thể hình dung những người chủ trương "phương án 2" đã thu được một số lượng vàng lớn đến thế nào.
[14] Điều bí mật mà ai cũng biết.
[15] Mười Vân là nông dân xuất thân, học lực lớp 4, bắt đầu được thăng quan tiến chức từ khi làm đội trưởng đội Cải cách ruộng đất tại Hòa Bình. Theo lời đồn thì Mười Vân có tội đã nâng giá "mở cửa" từ hai ba cây vàng lên tới mười, mười hai cây vàng cho một đầu người, gây nên cơn tức giận có lý của cấp trên. Khi tại chức Mười Vân từng ra lệnh bắt nhiều cán bộ dám đặt y dưới sự ngờ vực như Bảy Tâm (sau được phong Anh hùng Các lực lượng võ trang), Ba Lan, Năm Trang (tỉnh uỷ viên), và nhiều cán bộ đảng viên khác như Tám Bửng, Chín Ngọc, Tư Minh, Năm Trường Sa…
[16] Campuchia (phiên âm theo cách gọi hiện tại), vương quốc Phù Nam theo các sử gia Trung Quốc, được kiến lập từ đầu Công nguyên cho tới thế kỷ thứ VI. Khoa khảo cổ học cho biết ở đây đã có những di vật có niên đại 4000 năm trước CN. Trong các tài liệu, nước này được gọi bằng nhiều tên khác nhau trong những thời kỳ khác nhau: Miên, Cam Bốt, Khmer Dân chủ, Cộng hoà Nhân dân Kâmpũchea, Quốc gia Campuchia…
[17] Theo những người lính từ chiến trường Campuchia trở về kể lại thì thời gian đầu người dân Campuchia hân hoan chào đón quân đội Việt Nam tiến sang tiêu diệt Khmer Đỏ để cứu sống họ khỏi hoạ diệt chủng do chính quyền Polpot gây ra. Nhưng việc quân đội Việt Nam ở lì đó năm này qua năm khác đã gây ra một hậu quả xấu xa, nó trở thành quân đội xâm lược, một thứ lính lê dương, và người Campuchia đã chống lại nó, từ quân Khmer Đỏ cho tới cả quân của chính phủ bù nhìn Heng Somrin.
[18] Vụ phản tình báo đã đưa vào xiếc Bộ chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam. Sự việc như sau: căn cứ vào tin đồn do Khmer Đỏ, có sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc, tung ra thì hầu hết cán bộ lãnh đạo tỉnh Xiêm Rệp đều đã làm việc cho Khmer Đỏ. Bộ chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam liền ra tay đàn áp, không cần hỏi ý kiến ban lãnh đạo Đảng bạn. Hơn bốn chục cán bộ của chính quyền Hun Xen bị bắt, bị tra tấn thành thương tật, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Xiêm Rệp tự sát. Trong thời kỳ này Lê Đức Anh là Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam, Hồ Quang Hóa – tham mưu trưởng. Đứng trên tất cả là Lê Đức Thọ.
[19] Trước khi làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Campuchia Pen Sovan (thủ tướng Campuchia những năm 1979-1981) làm trưởng phòng quảng bá tiếng Khmer trong Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
[20] Theo những nguồn tin quân sự không chính thức. Lại một lần nữa ta gặp khó khăn trong khi tìm kiếm con số chính xác. Những người nghiên cứu lịch sử các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác cũng đều gặp khó khăn này.
[21] Viết rõ thêm về thời tem phiếu ở miền Bắc Việt Nam. Sổ cung cấp lương thực và thực phẩm chia làm nhiều loại: các loại A, B không tính, vì chúng dành cho các cán bộ cấp đặc biệt cao, dân thường không bao giờ thấy. sổ C (gọi là bìa C) cho cán bộ chuyên viên có mức lương từ 115 VNĐ trở lên, cán bộ thường nhận bìa E một tháng được cấp 250gr thịt, 250g đường, nhân dân (bìa N, dân thường) được cấp 100gr thịt/tháng. Riêng trẻ em từ 1-7 tuổi được cấp 250gr thịt/tháng, đường cũng từng ấy. Đến năm 1980 thì có cả phiếu rau.
[22] Công an, theo chỉ thị của Lê Đức Thọ gửi chúng tôi ở trại quân pháp Bất Bạt, vì thế thỉnh thoảng quản giáo công an mới tới, mà là người của Cục chấp pháp, chứ không phải người của Cục quản lý trại giam.
[23] Evgueni Viktorovitch Tarle (1874-1955), sử gia. Tác phẩm được đánh giá cao của ông là “Napoléon xâm chiếm nước Nga”, “Cuộc chiến ở Crimea”.
[24] Socrates (469-399 trước CN), Aristote (384-322), các triết gia cổ đại.
[25] Nikolai Alexandrovich Berdyaev (1974-1948), triết gia về tôn giáo và chính trị học; Jean-Paul Sartre (1905-1980), triết gia, kịch tác gia, nhà văn, nhà báo chính trị, ngọn cờ của chủ nghĩa hiện sinh ở châu Âu.
[26] Erich Maria Remarque (1898-1970), nhà văn Đức quốc tịch Mỹ, nổi tiếng với những tiểu thuyết Mặt Trận Phía Tây Yên Tĩnh, Khải Hoàn Môn, Thời Để Sống Và Thời Để Chết.
[27] Tướng Đặng Kim Giang qua đời năm ông 73 tuổi. Thời Pháp thuộc ông bị tù 12 năm, thời xã hội chủ nghĩa 7 năm, tổng cộng tất cả những năm tù và quản thúc trong cả hai chế độ là 25 năm. Ông qua đời trong căn nhà dột nát rộng 14 mét vuông ở khu chùa Liên Phái, nơi trú ngụ của lớp cùng dân của xã hội – những bà đồng nát, những người phu quét rác không có hộ khẩu và những đứa trẻ làm nghề móc túi… Khi hấp hối vẫn có hai công an viên ngồi kèm. Bà Giang phải bảo họ đi ra cho ông được nhắm mắt.
[28] Thơ Thế Lữ.