Cuộc phiêu lưu thuần tuý trong Vùng lụa của Bùi Chát

Hà Vũ Trọng

clip_image002

 

Tính từ cuộc bày tranh đầu tiên của hoạ sĩ Bùi Chát (với tiêu đề Ứng tác/ Improvisation) vào tháng 6/2022 – từng gây nên sự kiện khiến Bùi Chát trở thành “hoạ sĩ của những tình huống” không chỉ trong vẽ tranh mà lẫn ngoài đời – cho đến cuộc triển lãm này với tiêu đề Vùng lụa[*] – tức vỏn vẹn chưa tới hai năm, Bùi Chát đã có tới sáu cuộc bày tranh, để lại những dấu ấn cho từng chặng thực hành nghệ thuật mà anh dấn thân theo đuổi không ngừng. Với loạt tranh Vùng lụa trải ra ở đây trước mắt chúng ta, có thể xem là một bước chuyển động khác của Bùi Chát.

Điều trước tiên cần ghi nhận thái độ đến với hội hoạ của Bùi Chát khác hẳn một số nhà thơ hoặc nhà văn chuyển qua mượn hội hoạ như những kí hiệu biểu đạt khác thay cho chữ nghĩa, và dù sao thì khả năng biểu đạt nghệ thuật của họ luôn bị giới hạn ở nhiều khía cạnh và thường minh hoạ cho những ý tưởng. Trường hợp nhà thơ Bùi Chát vốn từ lâu đã để tâm nghiên cứu nghệ thuật một cách nghiêm túc, đặc biệt về Kandinsky, anh đã xuất bản cuốn “kinh thánh” về tranh trừu tượng của ông (Về cái tinh thần trong nghệ thuật, Domino xuất bản) và đã chọn lựa dấn mình vào hội hoạ bằng loại Nghệ thuật Phi hình thể (Art Informel). Với phương pháp ứng biến vốn là đặc điểm chung của loại hình nghệ thuật này mà Bùi Chát gọi dưới cái tên khác là “Hội hoạ Tình huống”, đồng thời anh đã viết xuống một loạt những ghi chú, chẳng hạn: “Hội hoạ Tình huống không bắt đầu và kết thúc bằng các ý tưởng, mà chỉ bắt đầu và kết thúc bằng các tình huống và cách ứng biến/ứng xử tình huống.” Có thể xem đây là một lối diễn đạt khác của phương thức sáng tác ngẫu hứng hay tự ứng biến theo mỗi khoảnh khắc, mỗi tâm thái, như ta thấy phương thức biểu hiện những tiến trình tự phát cái tính chất nội tại này trong loạt tranh Improvisation của Kandinsky và sau này là trong Action Painting hay Hội hoạ Hành động, cho thấy tư tưởng Hiện sinh có mặt trong trường phái Biểu hiện Trừu tượng. Hoặc trong một ghi chú khác của Bùi Chát: “Thế giới xuất hiện, sau các tình huống”, tương tự trong Tractatus của Wittgenstein, chẳng hạn ngay từ một trong những mệnh đề đầu tiên: “Những đối tượng chứa khả năng của mọi tình huống”. Tuy nhiên, tình huống theo nghĩa xử lí những sự tình nội tại của “hành động” trong quá trình sáng tạo qua lối vẽ hành động để khẳng định sự tự do của chủ thể trong biểu đạt và tính chân thực, ta thấy rất gần liền với tư tưởng Hiện sinh, như qua một phát biểu nổi tiếng của Sartre: “Chỉ có tự do trong một tình huống, và chỉ có một tình huống thông qua tự do… Chỉ có thể có tự do cho-tự-thân khi dấn thân vào một thế giới phản kháng. Bên ngoài sự dấn thân này, các khái niệm về tự do, về sự quyết định, về sự thiết yếu sẽ mất hết ý nghĩa.” (Cần mở ngoặc ở đây: ý nghĩa này khác hẳn với phong trào nghệ thuật Quốc tế Tình huống/Situationist International theo tư tưởng về Diễn cảnh/Spectacle của Gue Debord đề xướng mang tính đấu tranh xã hội tả khuynh mà có người gán ghép rất không đúng vào với tranh Tình huống/Ứng biến của Bùi Chát).

Có sự song hành giữa hội hoạ và lí thuyết tư duy liên quan tới cái trừu tượng, đúng như Gilles Deleuze nói: “Lí thuyết tư duy giống như việc vẽ tranh, nó cần cuộc cách mạng đưa nghệ thuật từ sự tái hiện (representation) đến trừu tượng. Đó là mục đích của tư duy phi hình tượng”. Cũng vậy, với Bùi Chát vẽ như một cách tư duy, và tranh trừu tượng là một cách tư duy phi hình tượng ở đó luôn có “sự khác biệt và lặp lại” (difference and repetition) trong mỗi lần “tư duy” qua các loạt tranh mà Bùi Chát trình ra, như cho thấy trong loạt tranh Vùng lụa là một bước lặp lại và chuyển biến khác.

Vùng lụa như thể lấy cảm hứng từ khoảnh khắc giữa ngủ và thức khi ta cảm nhận được luồng ánh sáng ban mai ập vào sau mí mắt khi chưa kịp mở ra, vào khoảnh khắc ấy những màu sắc hỗn độn mờ nhạt như khi nhìn thật gần. Trong con mắt tâm trí, ta thấy một ngày mới đang từ từ đến với đời sống, những khoảng màu sắc lung linh và luân lưu như những luồng ánh sáng bức xạ của những tinh vân đang chuyển động, khuếch tán màu sắc, và se nên những sợi siêu tơ trời, dệt nên những vùng như lụa uyển chuyển và trữ tình. Thủ pháp vẽ tranh ở đây tương tự sfumato (tiếng Ý tức khói mờ) làm dịu quá trình chuyển đổi giữa các màu sắc, làm mọi thứ mờ nhoè, mọi thứ không còn tiêu điểm, và những màu sắc như ở trạng thái của khí lỏng. Trong khoảng chân không đó, mọi hình thể dường như đã tan biến trong sự chuyển động hoà trộn tất cả những mặt phẳng, đường nét và màu sắc thành một tổng thể không ngừng chuyển động và đang tan biến…

Hãy bước vào cảm nhận Vùng lụa của hoạ sĩ Bùi Chát, như anh nói: “Khi chạy theo các tình huống hội hoạ… mặc dù không thể biết mình đang đi đâu và sẽ đến đâu, các nghệ sĩ cảm thấy vui vẻ và khoái cảm vì điều đó, một cảm giác phiêu lưu thuần tuý.” Đấy là một sân chơi nghệ thuật luôn mở rộng, như Marcel Duchamp đã quan niệm, mời gọi tất cả mọi người nhập cuộc, bước vào một trò chơi vô tận, tràn đầy tự do và hoan lạc.

 

clip_image002[4]

 

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

clip_image014

 

clip_image016


[*] Do Lý Đợi giám tuyển, trưng bày 19 tác phẩm được sáng tác rải rác trong năm 2021 và 2022. Tại J Art Space (30 đường số 10, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức). Mở cửa từ thứ Ba đến Chủ Nhật (9:00 – 20:00) (từ ngày 21 tháng 3 đến 14 tháng 4 năm 2024). Vào cửa tự do. (Văn Việt)

Comments are closed.