Francis Ford Coppola là huyền thoại

Lê Hồng Lâm

 

Ông Francis Ford Coppola là huyền thoại rồi, không ai dám cãi. Từ nửa thế kỷ trước, ông đã là huyền thoại rồi.

Trong thập niên 70 và cũng là thập niên sáng chói nhất trong sự nghiệp của ông, Coppola là tác giả (auteur) của bốn bộ phim đỉnh cao: The Godfather (Bố già) (1972), The Godfather II (1974), The Conversation (1974) và Apocalypse Now (1979). Hai phần Bố già là kiệt tác của dòng phim gangster, The Conversation là xuất phẩm của dòng hình sự và Apocalypse Now là epic của dòng phim chiến tranh. Bộ phim cuối tôi đã nhắc trong nhiều bài gần đây, và dù có đọc những ám chỉ của nhà văn Nguyễn Thanh Việt về hậu trường làm bộ phim chiến tranh Việt Nam khá xấu xí của Hollywood được cho là lấy cảm hứng từ bộ phim này và “tác giả lớn” Coppola, tôi cũng không vì thế mà không yêu tác phẩm này. Vượt lên trên mọi trải nghiệm địa ngục kinh hoàng của chiến tranh, đó là bộ phim nói về sự tăm tối của lòng người trong chiến tranh, đúng như cuốn tiểu thuyết Giữa lòng tăm tối (Heart of Darkness) của nhà văn Joseph Conrad) viết cuối thế kỷ 19 mà bộ phim chuyển thể.

Trong cuốn tiểu thuyết The Sympathizer, nhà văn có viết một ý tôi không nhớ nguyên văn, nhưng đại ý là người ta có thể đã quên có bao triệu người đã chết vì cuộc chiến đó, nhưng sẽ nhớ một bộ phim kiệt tác nào đó về chủ đề chiến tranh. Mà bộ phim “định vị” cuộc chiến tranh ấy có biết bao nhiêu sai lệch vì góc nhìn – tôi hiểu ý nhà văn Nguyễn Thanh Việt chỉ trích các bộ phim Hollywood làm về Việt Nam là vậy, cho dù chúng là kiệt tác đi nữa.

Quay lại với Coppola. Riêng trong thập niên 70 ấy, ông thắng 5 giải Oscar ở cả ba vị trí chủ chốt: đạo diễn, biên kịch và sản xuất cho hai phần phim Bố già chỉ trong vòng 2 năm. Ông thắng 2 giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes cho The ConversationApocalypse Now chỉ trong vòng 7 năm.

Chắc do ông đã vận hết nội công và sự bộc phát trong sáng tạo ấy nên các thập niên tiếp theo sự nghiệp ông xuống dần. Dĩ nhiên phim ông làm vẫn có những tiêu chuẩn của ông rồi, nhưng không có thêm bất cứ masterpiece nào nữa. Phim duy nhất của ông mà tôi thích sau đó là Bram Stoker’s Dracula (1992). Nói chung về độ trường hơi, ông thua xa Steven Spielberg và Martin Scorsese.

Tôi cũng tưởng ông nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống phong lưu lâu rồi (ông có hẳn một dòng rượu vang cao cấp ở California), thì ông comeback với một bộ phim có vẻ tầm cỡ: Megalopolis. Ông tự bỏ ra 120 triệu USD tiền túi để sản xuất và đạo diễn bộ phim này ở tuổi 85. Phim đã chiếu cho các nhà phát hành nhưng chưa nhà nào dám nhận vì sự mạo hiểm của nó. 2 tuần nữa, bộ phim sẽ xuất hiện tại LHP Cannes để tranh giải Cành cọ vàng. Phải gần nửa thế kỷ rồi, ông mới trở lại Cannes để tranh giải lần nữa.

Sáng nay tôi xem teaser Megalopolis – được Coppola tung ra đầu tháng 5 này để chúc mừng sinh nhật người vợ đầu gối tay ấp của ông vừa mới qua đời. Chỉ mới vài shot thôi, đi từ toàn cảnh đến cận cảnh mô tả những trạng thái choáng ngợp của nhân vật nam, một kiến trúc sư (Adam Driver đóng) đứng trên tầm cao của một tòa nhà như dát vàng đang ngắm nhìn thành phố cũng như đang dát vàng bởi ánh sáng. Bộ phim này kể về một người kiến trúc sư lý tưởng đang cố gắng xây dựng lại New York như một Utopia của nước Mỹ. Mà Utopia, luôn là một xứ không tưởng.

Tôi không biết Francis Ford Coppola có làm nên một kiệt tác nữa ở giai đoạn cuối đời không; nhưng mới xem teaser tôi có linh cảm nó sẽ là một tác phẩm lớn.

Thế là mãn nguyện một đời của ông rồi.

Xong rồi ông tiếp tục uống rượu vang của nhà giồng được thôi.

 

image

Bố già là đỉnh cao của Coppola và đưa tên ông vào thánh đường điện ảnh.

 

image

Bố già sang chảnh sống đời phong lưu.

image

Chỉ vài shot trong teaser mà thấy chóng mặt và choáng ngợp như nhân vật.

Comments are closed.