“Mai” – một bước tiến ẩn chứa nhiều nghi ngại

Hạ Nguyên

clip_image001

 

Ở một nước Á Đông mà tư tưởng nam quyền là một thứ di sản dai dẳng như nước ta, những câu chuyện về thân phận người đàn bà – dù thời nào – cũng được ưa chuộng. Những nàng Kiều,Vũ nương, Kiều Nguyệt Nga, Thị Kính, Thị Mầu, Xúy Vân… rồi chị Dậu, Lan, cô Lựu, cô The, Tô Ánh Nguyệt… từ trang sách đến sân khấu đã làm bao nhiêu thế hệ phải thổn thức, nức nở. Nên kể từ khi biết Tết năm nay Trấn Thành trở lại với “Mai”, tôi thấy có đôi chút tò mò, vì lựa chọn này rõ ràng là khá mạo hiểm. Đang hái ra tiền với những drama gia đình, xung đột thế hệ, Trấn Thành liệu có đủ sức tạo nên một tự sự lay động về người phụ nữ thời hiện đại, hay vẫn chỉ kể một câu chuyện ê hề bi kịch mà rất thiếu chiều sâu như những sản phẩm trước?

1. Một tiến bộ vượt bậc của Trấn Thành ở vai trò đạo diễn

Ra rạp sau “Nhà bà Nữ” một năm, “Mai” đã cho thấy Trấn Thành thực sự là người cầu thị, liên tục học hỏi và biết lắng nghe những phản hồi của giới phê bình và khán giả. Chính vì vậy, ở lần trở lại này, Trấn Thành có những tiến bộ rất mau chóng so với tuổi nghề đạo diễn của anh.

So với “Nhà bà Nữ”, câu chuyện của “Mai” dẫu lê thê nhưng cũng đã gọn gàng hơn, chỉ có một tuyến chính chứ không còn phân nhánh sum sê cành lá. Phim mở đầu bằng một cuộc chuyển nhà đơn độc của Mai vào một buổi sáng sớm, đến một chung cư kiểu cũ nhếch nhác, bộn bề. Độc thân và nhan sắc, Mai nhanh chóng trở thành mối bận tâm của đàn ông và tâm điểm soi mói, đặt điều của những người đàn bà không đẹp trong chung cư. Ở chỗ làm, vì có “bàn tay vàng” trong làng massage trị liệu, Mai bị đồng nghiệp ghen tức, hãm hại. Mai còn có một người cha đam mê cờ bạc, sẵn sàng “bán con” nếu được giá, và một đứa con gái lesbian đã bỏ học. Giữa mớ bòng bong ấy, Mai tìm thấy tình yêu của đời mình khi đã sắp sửa 40. Và tất nhiên, để tăng độ bi đát cho đời Mai, trai Mai yêu là Dương – một cậu ấm con nhà giàu, sống trong chiếc kén được dệt bằng tiền của mẹ cậu. Tình yêu ấy làm đảo lộn cuộc đời Mai, nhưng cũng giúp cô thoát ra khỏi chiếc kén của chính mình, trở thành một cánh bướm rực rỡ. Dẫu vẫn lồng ghép những mâu thuẫn gia đình chồng chéo trong mối quan hệ giữa các nhân vật nhưng những tình tiết này đều được tiết chế và phù hợp với logic của tuyến truyện chính. Vì vậy, phim “Mai” lần này của Trấn Thành có cấu trúc kịch bản khá chuẩn mực ba hồi tám nhịp theo kiểu Hollywood, chứ không còn nhồi nhét đa tuyến vụn vặt như “Nhà bà Nữ”.

Cách kể chuyện của Trấn Thành ở lần trở lại này cũng điềm tĩnh và tiệm cận hơn với điện ảnh. Không còn lạm dụng voice over (tiếng ngoài hình), Thành đã để cho hình ảnh lên tiếng nhiều hơn. Nhiều khung hình có chiều sâu, khơi gợi nhiều liên tưởng và cảm xúc. Như ở tình huống Mai chủ động sang nhà Dương và cả hai có với nhau một đêm mặn nồng, máy quay lia nhanh căn hộ của Dương để phô diễn gu décor của chàng nghệ sĩ này, trên tường, đối diện với giường ngủ của Dương có treo bức tranh “The Lovers” của René Magritte – bức tranh nổi tiếng và gây ám ảnh với hình ảnh một cặp tình nhân đang hôn nhau trong trạng thái cả hai bị trùm kín mặt bởi những tấm vải trắng; bức tranh im ắng trên tường dường như là ẩn dụ cho tình yêu chớm nở nhưng đầy bất an của Dương và Mai. Cũng trong trường đoạn này, hình ảnh Dương úp bàn tay chắc chắn của mình lên bàn tay Mai, che đi vết sẹo trên cổ tay cô, như vỗ về, lấp đầy bao vết thương của Mai – dù khá sến và cũ, nhưng chắc chắn vẫn rất hiệu quả với khán giả Việt vốn ưa ướt át. Lời thoại của các nhân vật cũng tự nhiên và duyên dáng hơn, không còn chuyên chở khao khát dạy đời của đạo diễn nữa, dẫu lâu lâu nhân vật vẫn bật ra những câu thoại lạc lõng kiểu kịch Hoàng Thái Thanh dù đang nói chuyện với con mình: “Ngay cả cái mền sạch nhất cũng có bụi con à!”.

Đặc biệt, thiết kế bối cảnh là một điểm cộng của “Mai” khi đã tái hiện sinh động một Sài Gòn vừa hưởng thụ, xa hoa, vừa bề bộn xưa cũ; vừa đông đúc xô bồ, vừa thăm thẳm những nỗi niềm. Bối cảnh chính của phim là một chung cư kiểu cũ, loại chung cư được xây vào đầu những năm 2000, với giếng trời lồng lộng ánh sáng và những cầu thang lộ thiên va chạm những lời chào. Kiểu chung cư này chỉ cần mở cửa gỗ, kéo cửa sắt là những ánh mắt có thể va vào nhau, vừa tạo nên một sinh khí lãng mạn u uẩn, vừa dễ khiến ta xọc vào nhà nhau những ánh nhìn tọc mạch, muốn lần giở đời sống nhau cho vơi những ảo não đời mình. Chọn được một bối cảnh giàu chất tự sự, Trấn Thành đã tạo nên một sinh quyển đáng tin cậy cho “Mai”. Cảnh Mai và Dương rã rượi trở về chung cư sau bữa tiệc sinh nhật của dì Dương, góc quay từ trên cao nàng Lọ Lem đầm đỏ đi bên cạnh chàng hoàng tử không có ngựa bạch – lên cầu thang giữa bãi giữ xe mờ tối – nó ray rứt buồn hơn mọi cảnh phim cố tình lấy nước mắt khác. Nhìn hai kẻ khờ khạo yêu nhau thất thểu trở về sau khi đời cho chúng một mũi tên, tự nhiên tôi liên tưởng đến bao bãi xe, hầm xe trầm lặng lúc cuối ngày, cũng ghi dấu những bước chân vỡ mộng nặng nề đến thế. Thành phố này là thành phố của những hăm hở đầu ngày, và những rã rời, chơi vơi lúc ngày tận.

Nhạc phim của “Mai” cũng sang hẳn so với “Bố già” và “Nhà bà Nữ”. Từ nhạc nền “Mùa thu mây ngàn” kết nối Mai và Dương cho đến hai bản soundtrack “Những con sông ngón tay” và “Sau lời từ khước” đều chạm đến cảm xúc và để lại dư âm êm đềm mà thấm thía. Cả Hà Trần và Phan Mạnh Quỳnh đều là những kẻ kể chuyện tình day dứt và da diết. Hai bài hát của họ làm đầy đặn chuyện tình của Mai và Dương, ở những chỗ trũng mà diễn xuất của Phương Anh Đào và Tuấn Trần chưa đủ đắm say.

2. Những ngọng nghịu của một “thành công” đốt cháy giai đoạn

Rõ ràng, Trấn Thành đang có những bước tiến dài trong sự nghiệp làm phim. Những bước tiến này, trước hết, đến từ tinh thần cầu tiến và khao khát chinh phục những đỉnh cao mới của một tay chơi giàu năng lượng; tuy nhiên, vốn đang ở trên yên ngựa, Thành cũng không còn cách nào khác ngoài tiến về phía trước. Việc trở thành vua phòng vé sau đại dịch, bao trọn các rạp mùa phim Tết tạo nên một cái bẫy danh vọng quá êm ái, ngọt ngào…

Sự tiến bộ vượt bậc của Trấn Thành trong phim “Mai” không đến từ thực học, từ chiêm nghiệm đời sống mà đến từ khả năng “học lỏm” và năng lực tài chính của anh. Thực ra, hai năng lực đó đều không xấu. Người làm phim nào chẳng ao ước có tiền, thật nhiều tiền để đi đến kì cùng giấc mơ hình ảnh phù phiếm của đời mình, huống hồ gì, với điện ảnh, tiền bao nhiêu cũng là không đủ. Tích lũy được vốn liếng kha khá từ những mùa phim trước và là một tên tuổi thu hút được những đầu tư “khủng”, Trấn Thành vung tiền để phô diễn kĩ thuật thiết kế, quay, dựng… hòng trau chuốt cho đứa con tinh thần của mình, điều đó hoàn toàn chính đáng. Còn chuyện “học lỏm”, vốn là người không có nhiều thời gian để thực học, lại tiếp thu nhanh quá mức, “học lỏm” chính là con đường ngắn nhất và phù hợp nhất để Trấn Thành chạy đua với thời vận của mình.

Tuy nhiên, chính những lựa chọn tiện lợi này của Thành đã khiến “Mai” trở thành một trái cây chín ép hơn là chín muồi.

Kịch bản của “Mai” đơn tuyến nhưng vẫn rất lê thê, ôm đồm. Trấn Thành vẫn chưa thực sự tin rằng khán giả của mình có khả năng thưởng thức những khoảng trống của điện ảnh nên anh lại vẫn tiếp tục “truyền hình hóa” đời Mai: lạm dụng thủ pháp đồng hiện để dừng chỗ này một tí kể chuyện Mai bị ép bán trinh, dừng chỗ kia một tí kể chuyện Mai từng tự tử chết hụt, khoan khoan để kể tiếp chuyện Mai nuôi con một mình, bỏ bồ cũ vì ảnh lấn cấn đứa con riêng của Mai… Giống như coi “Cô dâu tám tuổi” của Ấn Độ, bạn có bỏ 9 tập rồi coi lại thì cô dâu vẫn 8 tuổi; vào rạp coi “Mai”, bạn có lỡ ngủ quên 15 phút thì lúc dậy, Mai vẫn bánh bèo chưa thành bánh nậm bánh bột lọc.

Câu chuyện của “Mai” ôm đồm còn bởi vì Trấn Thành muốn “Mai” trình hiện mọi thành tựu học hỏi của anh và biên kịch Bình Bồng Bột từ sân khấu, điện ảnh trong nước và quốc tế. Trước hết, “Mai” giống “La La Land” ở khá nhiều chi tiết và hình ảnh. Nhân vật Dương có công việc và tính cách khá giống nhân vật Sebastian của “La La Land”: cùng là nhạc công cho những quán bar, nhà hàng và dù đi làm thuê nhưng cả hai anh đều chơi nhạc theo sở thích của mình, bất chấp khách hàng có đang ăn uống êm đềm thì bố mày thích đánh nhạc cổ điển phức tạp để khán giả nhanh chóng khai tâm giác ngộ luân hồi chuyển kiếp. Cảnh Mai và Dương uống xỉn trong bar rồi khiêu vũ trong sự ngây ngất chúc tụng cũng bay bổng tựa như phân đoạn Mia và Sebastian khiêu vũ tại một đài thiên văn lấp lánh, thần tiên. Thậm chí cái kết của “Mai” cũng phảng phất “La La Land”, dù không tinh tế bằng. Và tất nhiên, cặp đôi đạo diễn và biên kịch không chỉ “hướng ngoại” mà còn “hướng nội”, để đảm bảo sự quen thuộc cho nam phụ lão ấu đến rạp, các anh đã tiếp thu những motif phủ bụi thời gian từ sân khấu cải lương đến phim truyền hình thế kỉ trước: motif bán trinh cứu mẹ, motif cha già cá độ, motif cô cầm tiền tránh xa con trai tui, motif kèn cựa giựt khách… Chưa kể, tình tiết yêu nhầm con trai bạn thân dạo gần đây đang rất thịnh hành trong làng ngôn tình cẩu huyết Trung Quốc cũng được các anh nhanh chóng thuổng ngay cho hợp thời.

Và tất nhiên, với một câu chuyện vá víu nhiều “thành tựu học hỏi” như thế, nhân vật và các mối quan hệ trong phim cũng khó có thể phát triển một cách hợp lí, thuyết phục. Ở thời đại này, nhân vật Mai vẫn được xây dựng theo công thức của dòng văn học hiện thực 30-45: số phận đối lập gay gắt với phẩm chất, càng khổ bao nhiêu Mai lại càng hiền lành, trong sạch, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Chính vì vậy, sự lương thiện, trong sáng của Mai khiên cưỡng và gây nhiều nghi ngại. Một người phụ nữ từng bị cưỡng ép bán đi trinh tiết bởi chính cha ruột của mình, từng tự tử không thành, bỏ xứ lên Sài Gòn với bụng chửa vượt mặt, tự vượt cạn, nuôi con một mình, từng dứt khoát từ bỏ tình yêu vì người ta chần chừ với đứa con riêng của mình… nay ở tuổi 37, lại vẫn mang “tâm tình thiếu nữ”, rung động với một đứa trẻ trâu công tử bột mà gia thế nó khác hẳn cuộc sống của mình; từ nơi ở đến chỗ làm đều bị người ta ức hiếp mà chẳng có cách nào tự vệ ngoài cách nói đạo lí, đâm đầu vào yêu với con tim đầy mộng mơ, không run sợ, không chai sạn – kiểu nhân vật này chỉ phù hợp để minh họa cho văn học cách mạng từ thế kỉ trước. Nhịp phim nhanh với tốc độ drama dồn dập cũng khiến những nỗi đau của Mai phô phang ra bên ngoài mà rất thiếu độ sâu đủ để khơi gợi sự đồng cảm. Nếu nhân vật Đào có một cảnh khóc để đời trên xe hơi mà bằng diễn xuất đầy rung động, diễn viên Hồng Đào đã bật ra tất cả những nỗi đau khổ, cô đơn của một người mẹ, một người đàn bà; thì nhân vật Mai lại thiếu hoàn toàn những khoảng lặng để xây dựng tâm lí. Thậm chí, cảnh Mai bị dồn ép đến mức vùng dậy combat Trinh – ả xấu tính – tại chỗ làm, Trấn Thành cũng không cho phép Phương Anh Đào được diễn tâm lí của một kẻ yếu thế trong cơn phẫn uất tột cùng, mà xử lí khá buồn cười bằng cách chèn vào cảnh Trinh, Diễm và mấy mụ đàn bà rỗi hơi ở chung cư biến thành zombie tấn công Mai, khiến Mai vụt sáng thành siêu anh hùng trừ gian diệt bạo rất đỗi thiệt trân. Nhiều người ngợi khen Phương Anh Đào đã có được sự đột phá trong diễn xuất với vai Mai, nhưng tôi lại thấy kịch bản “Mai” không có chỗ cho Phương Anh Đào trưng trổ tài nghệ của mình. Vai “Mai” lần này của cô có một bước lùi so với vai Nhàn trong “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Nỗi đau của Nhàn thấm thía từ ánh mắt đến nụ cười, lời nói, giọt nước mắt… Còn Mai, khao khát được yêu của cô chỉ được biểu đạt phô phang bằng câu thoại thô vụng: “Em muốn yêu! Em gần 40 tuổi rồi.”; điều mà cô không thể “nói” được bằng ánh mắt khát khao, hay thân thể nồng nàn.

Sự “chín ép” của “Mai” còn nằm ở thông điệp mập mờ của phim. Dường như khi từ bỏ voice over, không có nhân vật oang oang phát ngôn, Trấn Thành lúng túng trong việc truyền tải thông điệp. Cái kết của phim khiến người xem khá hoang mang, Mai rời xa Dương và chọn Đà Lạt để làm lại từ đầu. Dĩ nhiên, với hào quang nữ chính, Mai trở thành phú bà tuổi 40, xinh đẹp, độc lập, mạnh mẽ, bỏ lại mọi mặc cảm, mọi nỗi đau quá khứ. Thế nhưng, khi gặp lại Dương – lúc này đã đề huề vợ con –, Mai lại tức tưởi khóc trên xe hơi như thiếu nữ đôi mươi. Tôi hồ nghi rằng đây là nước mắt Trấn Thành chứ không phải nước mắt của Mai – người đáng lẽ phải nhìn thấu nhân tình ấm lạnh từ nửa chặng đời trước. Với một cái kết lờ lững như vậy, Trấn Thành muốn người xem ra về với suy nghĩ gì? Tình yêu không có lỗi, lỗi tại mày ngu, hay phụ nữ có giàu vẫn đau đầu vì trai? Với những cách xử lí thiếu hợp lí, thiếu nhất quán, Trấn Thành đang tự mâu thuẫn với tư tưởng, thông điệp của chính mình.

3. Thay lời kết

Tôi xem “Mai” từ mồng năm Tết, nhưng mãi đến mồng chín mới viết xong bài lạm bình này. Có lẽ vì “Mai” là một trường hợp lạ của điện ảnh Việt, một bộ phim tốt nhưng lại là cái tốt “ăn xổi ở thì”. Chúng ta đều đã đủ lớn để biết những cái tốt mong manh không được bồi đắp từ thực học, thực nghiệm sẽ nhanh chóng thoái trào.

Mong Trấn Thành và những người làm nghệ thuật khác đủ kiên nhẫn và nhìn xa hơn để đi chầm chậm mà chắc chắn. Đừng rơi vào cái bẫy “thuận theo thời thế”, bởi thời thế nằm trong tay anh hùng!

Comments are closed.