Tột cùng ảm đạm: Chú voi ngồi im trên đất của Hồ Ba

Brian Raven Ehrenpreis, The Quietus 22.12.2018

Nguyễn Hoàng Giao dịch

clip_image002Ngày mùng 8 tháng Mười năm 2017, đạo diễn kiêm tiểu thuyết gia Hồ Ba uống rượu với một người bạn ở tiểu khu Vọng Kinh ở Bắc Kinh.[1] Hai người uống và nói chuyện suốt đêm tới sáng, thảo luận mọi đề tài từ phong cách phim chậm của Béla Tarr tới quan điểm của Hồ Ba về nhân vật đại tá Aureliano Buendia trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Garcia Marquez.

Trong cuốn tiểu thuyết này, Aureliano là một nghệ sĩ lớn, một nghệ nhân kim hoàn chuyên tạo ra những con cá vàng tuyệt đẹp, người mà những bi kịch dồn nén của cuộc đời đã làm xúc cảm của ông hoàn toàn tê dại. Cuối cùng Aureliano cố tự sát trong một cơn mê hoảng tuyệt vọng; người nghệ sĩ vĩ đại đã hoàn toàn dẹp bỏ sáng tạo và không còn mong gì hơn cõi hư vô trong một nấm mồ.

Trong suốt buổi nói chuyện Hồ Ba lặp lại nhiều lần rằng khi chết anh muốn trên bia mộ mình được chạm hình một người treo cổ. Người bạn anh, tin rằng Hồ Ba chỉ đùa, đã đáp lại: “Sẽ có một dòng chữ bên cạnh hình người treo cổ đó ‘Người đàn ông cô độc nhất thế gian!’”. Hồ Ba đáp lại một cách ảm đạm: “Cuộc đời tôi cũng đâu có gì mấy ngoài việc là một cái máy viết và làm phim. Sáng tạo đòi hỏi những đau đớn không tưởng.” Bốn ngày sau Hồ Ba tự sát.

Hồ Ba được tìm thấy treo cổ trên cầu thang căn hộ của anh ở Bắc Kinh ngày 12 tháng Tám khi mới hai mươi chín tuổi. Anh vừa hoàn tất bộ phim đầu tiên và cũng là cuối cùng của anh, Chú voi ngồi im trên đất (An Elephant Sitting Still), bộ phim dài bốn tiếng đồng hồ như một lá thư tuyệt mệnh được viết bằng sự giận dữ và tuyệt vọng của một thế hệ trẻ Trung Quốc vật lộn trên hành trình của đất nước hướng tới một chân trời “hiện đại hóa” tư bản chủ nghĩa.

clip_image004Xây dựng theo phong cách xã hội thực chứng[2], vẻ đẹp của Chú voi ngồi im trên đất là cái đẹp tái hiện ở Trung Quốc trong một bối cảnh đối nghịch, một sự đáp lại với phiên bản bị bóp méo của phong cách này trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa, tính mỹ thuật trong phong cách xã hội thực chứng được sử dụng một cách cưỡng ép trong các bộ phim “hiện thực xã hội chủ nghĩa” – những bộ phim chỉ nhằm mục đích tô vẽ cho lý tưởng đảng hơn là quan tâm đến thực tế đời sống của người lao động Trung Quốc. Được tổ chức chặt chẽ với những yếu tố như sự chịu đựng, sự hỗn loạn, bạo lực chính trị, sự tàn nhẫn hay sự bỏ mặc thường thấy trong các bộ phim độc lập của Trung Quốc đương đại, có cảm giác tác phẩm của Hồ Ba lấy cảm hứng từ các bộ phim của các đạo diễn Thế hệ thứ Sáu như Giả Chương Kha (Jia Zhangke) hay Trương Nguyên (Zhang Yuan). Tác phẩm của những đạo diễn nay thường tập trung vào sự nghèo đói cơ cực cũng như sự phân hóa xã hội kinh hoàng vốn là bạn đồng hành của quá trình phát triển kinh tế cũng như đô thi hóa chóng mặt ở Trung Quốc. Phong cách quay phim của Phàn Siêu (Fan Chao) với cảm giác chân thật của phim tư liệu (với các cảnh quay dài và cảnh quay theo sát nhân vật), trong bối cảnh của bộ phim, làm nhiều người nhớ tới các tác phẩm của Phong trào Phim Tư liệu Mới của Trung Quốc với các nhà làm phim Ngô Văn Quang (Wu Wenguang), Khang Kiến Ninh (Kang Jianning), Kiến Nguyệt (Jian Yue), và gần đây hơn như Triệu Lương (Zhao Liang), Hoàng Vệ Khải (Huang Weikai), và Vương Băng (Wang Bing), những người đã bỏ bao công sức ghi nhận các thảm họa kinh tế xã hội Trung Quốc dưới những góc độ hoàn toàn khác biệt [với truyền thông] của nhà nước.

Mọi nhân vật trong Chú voi ngồi im trên đất đều vật lộn với sự nghèo đói, tha hóa cũng như sự thiếu vắng hoàn toàn của bất cứ điều gì có thể coi như một tấm lưới an toàn xã hội. Và sự mục ruỗng thối nát gặm mòn xã hội Trung Quốc trong phim lại xuất hiện như hoạt động của một cơ chế đạo đức chuẩn mực. Hầu hết mọi quan hệ giữa con người với nhau trong bộ phim của Hồ Ba đều bị đầu độc. Quan hệ gia đình suy đồi nhanh chóng trong khi bộ máy nhà nước thì hoặc là công khai nhũng loạn, hoặc đơn giản là không tồn tại. Trong những nghịch cảnh con người gần như chỉ có một lựa chọn hành động – tuân theo những gì tồi tệ nhất trong bản chất của họ. Đó là một thế giới xây dựng trên một câu châm ngôn: homo homini lupus – Con người là lang sói với nhau.

Hồ Ba mô tả xã hội Trung Quốc trong một trạng thái rơi tự do, một thế giới của những người móc rác và những tên lừa đảo, đầy những con người bầm dập qua hàng thập kỷ bị lãng quên và đối xử tàn tệ. Nhân vật của Hồ Ba luôn ở một trong hai trạng thái: hoặc là tuyệt vọng hoặc là đã chết, chao đảo giữa cơn giận dữ ảm đạm và sự bế tắc của cuộc sống. Khung cảnh bộ phim là một thế giới hoang tàn với những đống rác đốt trên đường và những con chó dại chạy loạn. Trạng thái trầm cảm trong bộ phim của Hồ Ba có thể cảm nhận qua những yếu tố vật chất với tông màu chủ đạo nhợt nhạt. Bầu trời trên cái thành phố không tên luôn có một màu xám u ám tạo cảm giác mặt trời cũng muốn trốn thoát khỏi cái khu công nghiệp ảm đạm, trống rỗng trong phim.

Tất cả những điều này, qua lời của vô số nhân vật trong bộ phim, chỉ là một trật tự bình thường của vạn vật. Trong một phân cảnh đặc biệt khủng khiếp, một người đàn ông kể lại một câu chuyện khi ông ta hồi trẻ chứng kiến một bạn học dùng một cục đá đánh một con mèo hoang đến chết. “Thằng bé đó bị bắt nạt và người ta luôn nói rằng chẳng có một tương lai nào cho nó – nhưng thực ra điều này cũng chẳng liên quan gì đến việc nó giết con mèo. Nó chỉ cảm thấy hài lòng khi làm điều đó.” Khi người đối thoại hỏi ông ta có chứng kiến toàn bộ câu chuyện không, ông ta trả lời: “Có chứ. Tôi cũng muốn ngăn nó lại. Đó là điều đúng đắn nên làm. Nhưng tôi lại nghĩ nếu làm vậy tôi sẽ dính líu vào đấy, do đó tôi chỉ đứng nhìn. Phải thừa nhận là tôi đã thích thú chứng kiến chuyện đó diễn ra.” Khi bị hỏi vì sao ông ta lại kể một câu chuyện bệnh hoạn như vậy, ông ta tiết lộ cái luân lý chống đỡ cho sự điên dại đó: “Tôi muốn cô hiểu rằng những thói quen hàng ngày không bao giờ thay đổi qua hàng thế hệ… cuộc đời không thể tốt lên. Tất cả là thống khổ. Thống khổ đã bắt đầu từ trước khi cô ra đời.”

Trong một phân cảnh khác liên quan đến cái chết của một con thú, con chó của một người đàn ông bị một con chó khác tấn công và giết chết. Khi ông chất vấn người chủ con chó kia và yêu cầu họ chịu trách nhiệm, người chủ đã từ chối một cách hung bạo. Họ thậm chí không muốn thừa nhận nỗi đau của người khác. Hoàn toàn không thể hiểu quan điểm đạo đức của người chủ con chó bị giết, họ lập tức nghi ngờ ông tống tiền họ và bóp méo cuộc đối thoại từ vấn đề trách nhiệm luân lý sang vấn đề tiền bạc. Đó là một trong những phân cảnh khó chịu và đau buồn nhất trong bộ phim khi Hồ Ba mô tả cái thế giới đạo đức suy đồi mà trong đó một lời yêu cầu về trách nhiệm, về tình người, đã bị bác bỏ thẳng thừng – một thế giới “chó ăn chó” như vẫn thường gọi.

clip_image006Bộ phim mở đầu với một cuộc tự sát khi tay anh chị Dương Trừng/Yang Cheng (do Trương Ngọc/Zhang Yu đóng) chứng kiến người bạn thân nhất của mình nhảy ra cửa sổ sau khi phát hiện ra Dương ngủ với bạn gái anh ta. Đâu đó trong thị trấn, Ngụy Bộ/Wei Bu (do Bành Ngọc Xương/ Peng Yuchang đóng), dính vào một vụ đánh nhau với một kẻ chuyên bắt nạt trong trường, vô tình đẩy cậu ta ngã xuống cầu thang và chết. Bạn học của Ngụy Bộ, Hoàng Linh/Huang Ling (do Vương Vũ Văn/ Wang Yuwen đóng) cãi nhau với mẹ cô sau khi cô bị phát giác có quan hệ tình ái với tay hiệu phó nhà trường cô đang học. Và Vương Tấn/Wang Jin (do Lưu Công Hy/ Liu Congxi đóng), một người đàn ông hưu trí, phải đối mặt với cái gia đình vô ơn luôn tìm cách tống ông vào viện dưỡng lão để đỡ choán chỗ trong căn hộ mới.

Theo diễn tiến của bộ phim, từng nhân vật lần lượt nghe câu chuyện về Mãn Châu Lý,[3] nơi trong một gánh xiếc có một con voi ngồi im dửng dưng với mọi sự trên đời. Câu chuyện kể rằng con voi ngồi im bất động, hoàn toàn chìm đắm trong những suy nghĩ nội tâm. Một hình ảnh con thú trang nghiêm và thần thánh, dường như vươn tới trời xanh, đạt tới trạng thái giải thoát hoàn toàn khỏi cuộc đời ngay khi còn sống.

Hình ảnh chú voi ngồi im trong tựa đề bộ phim đã trở thành một dạng kim chỉ nam hiện sinh cho những nhân vật chính thu hút họ tới Mãn Châu Lý. Đó là sợi chỉ bạc mỏng manh của hy vọng mà Hồ Ba cho phép các nhân vật của mình bám lấy trong một cuộc hành hương tới chú voi – vị thần rực rỡ của sự dửng dưng thuần khiết. Nó cũng cho thấy Hồ Ba dửng dưng thế nào với giá trị cuộc đời. Khi mà cách duy nhất đạt được hạnh phúc là phải học cách tách mình hoàn toàn khỏi cuộc sống, là vùi mình vào sự thờ ơ tuyệt đối, là trở thành chú voi ở Mãn Châu Lý, có lẽ chết đi là một kết cục tốt đẹp hơn.

Ngày 26 tháng Bảy năm 2017 Hồ Ba post trên trang Weibo của anh: “Suốt những năm này tôi chưa từng nghĩ điện ảnh thực sự là gì. Nó là sự sỉ nhục, sự vô vọng, sự bất lực, một trò đùa.” Quá trình sản xuất bộ phim cũng rất rắc rồi. Nhà sản xuất Vương Tiểu Soái (Wang Xiaoshuai, một nhà làm phim độc lập có tiếng) và Lưu Diệp (Liu Ye), vợ ông ta, đã yêu cầu Hồ Ba cắt thời lượng của Chú voi ngồi im trên đất từ bốn giờ xuống còn hai giờ. Hồ Ba đã phản đối một cách cay đắng nhưng dưới áp lực của nhà sản xuất cuối cùng anh phải miễn cưỡng chấp nhận và bị buộc phải trợ giúp quá trình cắt xẻ đứa con tinh thần của mình. Sau đó Hồ Ba có liên hệ với nhà biên tập phim nổi tiếng người Đài Loan Liêu Thanh Tùng (Liao Ching-Song), người rất nổi tiếng ở phương Tây với các bộ phim của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền (Hou Hsiao-Hsien), và là người thường khích lệ Hồ Ba, để trao đổi về bản gốc (bốn tiếng) của Chú voi ngồi im trên đất. Hồ Ba cũng cảm thấy vững tin hơn sau buổi seminar về làm phim tại Tây Ninh, khi anh có cơ hội gặp thần tượng đạo diễn Béla Tarr,[4] người tỏ ra thích thú với một bộ phim ngắn Hồ Ba chiếu cho ông xem.

Trở về Bắc Kinh sau buổi seminar ở Tây Ninh với Tarr, tinh thần của Hồ Ba có vẻ được cải thiện. Anh vùi đầu vào việc xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới và thậm chí còn lo các phương án tài chính cho dự án phim mới của anh với tựa đề Cánh cửa Thiên đường (The Gate of Paradise). Tuy nhiên những tranh chấp pháp lý nảy sinh từ quá trình sản xuất đầy tranh cãi của Chú voi ngồi im trên đất rõ ràng đã có các tác động rất tiêu cực lên Hồ Ba. Sau cái chết của Hồ Ba, một tài liệu được tìm thấy trên máy tính của anh với tựa đề Cái chết của một đạo diễn trẻ trong đó Hồ Ba tường thuật chi tiết những tranh cãi về tạo hình cũng như tài chính với Vương Tiểu Soái và Lưu Diệp. Sau khi Hồ Ba tự sát các nhà sản xuất phim đã trao lại các quyền của cuốn phim cho cha mẹ anh, những người quyết định công chiếu phiên bản gốc bộ phim. Đó chính là sự trớ trêu của định mệnh, chỉ có cái chết của Hồ Ba mới giúp cho Chú voi ngồi im trên đất được sống.

Trong cuốn tiểu thuyết Cuộc hành trình đến cuối đêm (Journey to the End of the Night) Louis-Ferdinand Celine viết “có lẽ điều chúng ta theo đuổi trong suốt cuộc đời” chính là “nỗi buồn lớn nhất có thể, để ta thực sự là chính mình trước khi chết.” Tôi luôn quay lại đoạn văn này mỗi lần nghĩ về bộ phim của Hồ Ba mà với tôi, nó được tạo dựng hoàn chỉnh nhất, hoàn thiện tuyệt vời nhất, thấm đẫm nhất với nỗi đau, và cái kết không thể khác được. Chú voi ngồi im trên đất là một ký họa tuyệt vọng về tâm hồn một người nghệ sỹ tài hoa – người mà cuộc đời đã kết thúc quá sớm; nhưng có lẽ anh sẽ không thể tạo ra kiệt tác này nếu cuộc đời anh đã khác đi. Làm sao một ngườicó thể sáng tạo trên những chất liệu này? Với quan niệm không thể lay chuyển rằng thế giới không khác gì một bãi rác?

Cha của Hồ Ba, trong một cuộc phỏng vấn với một nhà xuất bản Trung Quốc, có nói rằng ông đã xem bộ phim của con trai ít nhất là bốn lần nhưng ông vẫn không hiểu nổi vì sao tất cả các nhân vật đều không bao giờ mỉm cười. Tuy nhiên sự vô vọng nằm trong cốt lõi nghệ thuật của Hồ Ba không hề làm tôi thấy khó hiểu. Đó chỉ là nỗi buồn, vậy thôi. Hồ Ba tin rằng thế giới này là bất khả biến cải khi anh làm phim, khi anh chấm dứt cuộc đời mình, cũng như thế giới này luôn là như vậy. Đó là lý do vì sao phim của Hồ Ba đạt tới cảnh giới cao nhất của bi kịch. Đó là vì sao Hồ Ba để lại một tia sáng mảnh mai tới cái kết bộ phim như để ra dấu cho các nhân vật của anh rằng họ cần phải học để chịu đựng nỗi đau của tồn tại, thay vì cố gắng thay đổi thế giới đã sản sinh ra nỗi đau này. Hồ Ba không bao giờ có ảo tưởng rằng trái đất sẽ có lúc ngừng quay để anh có thể cảm thấy nó không di chuyển dưới chân mình. Con voi trong rạp xiếc ở Mãn Châu Lý cuối cùng đã trả lời cho câu hỏi về cuộc đời mà các nhân vật của Hồ Ba – và có lẽ chính anh – đều tin rằng nó đáng phải đặt ra: làm sao để chấm dứt nỗi đau.


[1] Lưu ý toàn bộ tên tiếng Hoa trong bài viết này đều dựa trên bản tiếng Anh nên có thể không hoàn toàn chính xác (ND).

[2] Tạm dịch từ social-realist mode, chỉ một phong cách sáng tạo nghệ thuật mô tả chân thực các điều kiện kinh tế xã hội của nhân dân lao động và dùng nó như một công cụ phê phán cấu trúc quyền lực đằng sau những điều kiện này (ND).

[3] Trong nguyên bản tác giả viết “ngôi làng Mãn Châu Lý bên cạnh” (the neighboring village of Manzhouli). ND nghĩ rằng tác giả bài viết không có nhiều kiến thức về Mãn Châu Lý nên đã dịch thoát.

[4] Đạo diễn lừng danh người Hungary mà Hồ Ba coi là thầy. Bộ phim Satantango của ông dài bảy tiếng rưỡi!

Comments are closed.