Ba cách đọc tác phẩm Linh nghiệm của Trần Huy Quang và hướng đi của xã hội Việt Nam

Trọng Thành

Chiều ngày 15/12/2022, nhà văn Trần Huy Quang từ giã cõi trần. Nhắc đến tên tuổi Trần Huy Quang là nhắc đến Linh nghiệm. Ngay sau khi tác giả qua đời, trên mạng Facebook, truyện ngắn nổi tiếng này đã được nhiều đồng nghiệp cùng bạn đọc đăng tải đồng loạt. Ngọn núi lửa Trần Huy Quang vừa trở về với cõi vĩnh hằng thì như thể ngọn lửa mà ông nhen nhóm trong lòng bạn đọc, bạn văn 30 năm qua, lại đột ngột bùng lên dữ dội. Ngọn lửa Linh nghiệm, chỉ với hơn 1.700 con chữ, dường như tiếp tục ám ảnh người Việt.

Tại Việt Nam những thập niên gần đây, hiếm có sự ra đi nào của một nhà văn lại gây nhiều tiếc thương trong đồng nghiệp và công chúng như vậy. Đối với nhiều bạn văn và bạn đọc, Trần Huy Quang đã để lại một sự nghiệp lớn, một nhân cách lớn. Ngay sau thời khắc nhà văn Trần Huy Quang tạ thế, đồng nghiệp Văn Chinh có bài “Đôi dòng với thần thức Trần Huy Quang trước khi giã biệt”, để hy vọng tiếp tục trò chuyện với ông, “hy vọng hẳn ông vẫn còn nghe được cả những điều chưa nói” (chú thích 1).

Có thể là hình minh họa

PHẦN 1:

“LINH NGHIỆM” HƯỚNG RIÊNG ĐẾN XÃ HỘI VIỆT NAM HAY HƯỚNG ĐẾN TOÀN NHÂN LOẠI

Với khoảng mươi đầu sách, Trần Huy Quang được nhiều đồng nghiệp coi là người sáng tác “không nhiều” trong hơn 50 năm cầm bút. Nhưng một vài tác phẩm của ông ắt hẳn sẽ còn được ghi nhận như những đột phá của văn học Việt Nam trong giai đoạn thường được mệnh danh là “Đổi Mới”. Mà nhiều người coi thực chất là một giai đoạn ngắn ngủi khi giới cầm quyền cởi trói cho văn nghệ, một giai đoạn mà không khí tự do sáng tác đã tạo bối cảnh cho hàng loạt tác phẩm xuất sắc đến với công chúng. Truyện ngắn Linh nghiệm (năm 1992) của Trần Huy Quang là một tác phẩm như vậy.

Linh nghiệm là một tác phẩm đặc biệt. Ra đời vào cuối giai đoạn Đổi Mới, vào giai đoạn mà không khí tự do sáng tác dường như đã bước vào giai đoạn suy yếu (đặc biệt sau khi nhà văn Nguyên Ngọc thôi chức tổng biên tập báo Văn Nghệ), truyện ngắn của Trần Huy Quang gây chấn động. Bốn ngày sau khi công bố, chính quyền đã (lặng lẽ) ra quyết định thu hồi số báo có đăng Linh nghiệm. Tác giả bị trừng phạt. Xét về mặt văn học sử, có thể coi Linh nghiệm là một cái mốc quan trọng đánh dấu cho sự chấm dứt của giai đoạn “Cởi Trói” (hay giai đoạn “Cao trào của Đổi Mới”, như chữ dùng của nhà nghiên cứu La Khắc Hoà).

***

CÁCH ĐỌC THỨ NHẤT: LẬT MẶT NẠ THẦN TƯỢNG CHÍNH TRỊ

Vì sao Linh nghiệm gây phản ứng dữ dội như vậy từ phía chính quyền Việt Nam ? Tấn công vào thần tượng, giải thiêng dường như là hiệu ứng rõ ràng nhất của tác phẩm. Một trong những bài viết tiêu biểu theo hướng này là của cố nhà báo Bùi Tín, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Bùi Tín có bài: “Câu chuyện ‘người dám vuốt râu Ông Cụ’", đăng tải nhân dịp sinh nhật lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh (tháng 5/2012).

Tác giả nhận xét: “Bài báo nói về một con người, về tham vọng và "học thuyết" của con người ấy, về quần chúng bị con người ấy mê hoặc, và về sự kết thúc là công toi, là trắng tay, nhưng vẫn còn nhiều người bị cám dỗ đi theo hoài. (…) Bài báo vừa kín đáo như đánh đố bạn đọc, vừa gợi mở, với giọng điệu diễu cợt hóm hỉnh, lại vừa nghiêm trang triết lý, nói về cuộc đời của một anh thanh niên gốc nông dân lại không muốn tu tỉnh học hành. Anh ta chỉ muốn xuất dương tìm một nguồn học thuyết thần bí để tiến thân thành lãnh tụ. Do thủ thuật tinh ma, anh ta mê hoặc và lôi kéo vô vàn con người, lũ lượt theo chân mình để đi tìm "cái ấy", nhưng không bao giờ tìm thấy Vườn hoa Mùa Xuân – Thiên đường trên trái đất.

Anh ta là ai vậy?

Ngay chữ đầu tiên của bài báo đã nêu rõ tên anh ta, vậy mà rất ít người nhận ra. Nhà văn Trần Huy Quang thật khôn khéo, có thể nói vui là tinh ranh. H…INH là tên. H rồi 3 chấm, rồi INH, ai cũng đọc là Hinh, nhưng không phải, đó là tên "Hồ Chí Minh" được cô gọn lại. Kín mà hở, hở mà vẫn kín, vì thời trẻ ông Hồ mang tên Nguyễn Sinh Coong, rồi Nguyễn Tất Thành. Chả thế mà qua mắt được 2 người duyệt, có chữ ký duyệt của thủ trưởng ban biên tập và của thư ký tòa soạn trước khi đưa in. Không ai nghĩ H…INH là Hồ Chí Minh cả. Và lọt lưới suốt 4 ngày, rồi cả Ban Tư tưởng – Văn hóa mới giật bắn mình, thốt lên: Thằng này láo quá, dám vuốt râu cụ Hồ, tội đáng chết, đáng xử trảm. Nhưng chậm quá rồi. Lệnh thu hồi, phá hủy không mấy có hiệu quả. Không thể ra lệnh công khai, càng kích thích tò mò và gây chú ý, sẽ bất lợi to. Cho nên quả sơ xuất này cay, cay hơn ớt chỉ thiên” (hết trích) (chú thích 2).

Linh nghiệm được coi là một hình ảnh ẩn dụ để nói về Hồ Chí Minh, nhằm tấn công vào yếu tố chủ đạo trong ý thức hệ chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam đương đại, lột trần bi kịch của cả một xã hội bị mắc lừa, lên án kẻ hoang tưởng, mượn danh sự bế tắc của đám đông, để thoả mãn tham vọng quyền lực. Với cách đọc này, tác giả của Linh nghiệm được ca ngợi như một bậc trượng phu, một con người quả cảm, vạch trần sự giả trá tột cùng. Rất nhiều người đã nhìn nhận Linh nghiệm qua lăng kính này. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các cách đọc, mà chúng tôi tạm gọi là cách đọc Giải thiêng, phản kháng (chú thích 3).

CÁCH ĐỌC THỨ HAI: KHƠI GỢI NHỮNG VẤN ĐỀ BẢN THỂ MANG TÍNH NHÂN LOẠI

Với thời gian, nhìn lại Linh nghiệm, đã xuất hiện thêm một cách đọc khác, mang tính nhân loại hơn, ít gắn liền với lịch sử Việt Nam hơn. Tiếp cận của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân tiêu biểu cho cách đọc này. Trong một bài đăng năm 2015, ông viết:

“Đọc lại truyện ngắn này sau vài chục năm kể từ lúc nó ra mắt và khiến tác giả của nó cùng một số người liên can bị lâm nạn, có lẽ rất nhiều bạn đọc hôm nay sẽ không tiếp nhận nó theo lối nó ám chỉ ai đó, một sự nghiệp nào đó. Điều họ dễ thừa nhận chỉ là một tham vọng lũng đoạn đám đông, được tác giả vạch ra, từ mưu đồ tới kết quả. Đối với nhân loại, đấy là một ý tưởng cảnh tỉnh mang tính bao quát. Tất nhiên đấy là người ta chưa tính tới những người chăm chăm hộ vệ các thần tượng của mình, lúc nào cũng lo ngại thiên hạ đụng chạm đến. Song, đã có tâm lý như thế thì không chỉ truyện ngắn này mà có thể rất nhiều tác phẩm khác cũng sẽ dễ bị xem là xúc phạm những thần tượng nhất định!” (hết trích) (chú thích 4).

Theo nhà nghiên cứu, Linh nghiệm hướng tới nhân loại, chứ không chỉ là độc giả Việt Nam, khi vạch ra “một tham vọng lũng đoạn đám đông”, “từ mưu đồ đến kết quả” – một vấn đề mang tính nhân loại.

Trong xu hướng tách Linh nghiệm rời xa khỏi vấn đề thuần tuý riêng của Việt Nam cũng có thể kể đến một tiếp cận gần gũi khác, nhìn Linh nghiệm chỉ dưới góc độ tìm tòi thuần tuý hình thức. Trong một xuất bản chính thức trong nước gần đây, tác giả Vương Tâm không ngần ngại nhắc đến Linh nghiệm, nhưng chỉ ghi nhận góc độ sáng tạo về hình thức: “Đặc biệt anh gây ấn tượng mạnh ở những truyện ngắn như “Linh nghiệm”; “Ám ảnh có thật”, hay tiểu thuyết “Nước mắt đỏ”. Lẽ dĩ nhiên, dù anh không muốn nhắc lại đến “Linh nghiệm” in Văn nghệ -1992, một tai nạn văn chương mà anh hứng chịu, nhưng người đọc cũng phải công nhận truyện ngắn của anh có sự ám ảnh và phiêu ảo, với bút pháp mới lạ của một tác giả có tài” (chú thích 5).

PHẦN 2:

ĐỐI CHIẾU “LINH NGHIỆM” VỚI THỰC TẾ LỊCH SỬ VIỆT NAM

Khác hẳn với hai cách đọc trên là một cách đọc thứ ba. Một trong những bài viết tiêu biểu cho hướng này là “Đọc Linh nghiệm” của Lê Học Lãnh Vân. Lê Học Lãnh Vân cung cấp một tiếp cận có thể nói thiên về xã hội học, chính trị học. Một mặt ông giả định truyện ngắn của Trần Huy Quang có mục tiêu phản ảnh hiện thực của một giai đoạn lịch sử thông qua hình tượng người đi tìm “Vườn hoa Mùa Xuân” cho dân tộc, mặt khác ông đặt vấn đề: tác phẩm của Trần Huy Quang có thể là một gợi ý cho chuyện tìm đường nói chung cho xã hội Việt Nam, giữa thế kỷ 20 và hiện nay (hay nói cách khác là câu chuyện “định hướng lịch sử” mà thời kỳ nào cũng là hệ trọng, đặc biệt vào những khúc quanh của lịch sử).

***

CÁCH ĐỌC THỨ BA: VẤN ĐỀ CHỌN HƯỚNG ĐI CHO XÃ HỘI VIỆT NAM

Xét theo nghĩa này, Linh nghiệm của Trần Huy Quang vừa là chuyện của quá khứ, nhưng cũng là chuyện của tương lai. 30 năm sau khi tác phẩm ra đời, đối chiếu với thực tế của xã hội Việt Nam đương đại, Lê Học Lãnh Vân thừa nhận: khái quát của Trần Huy Quang về con đường lần mò đầy ảo tưởng trong Linh nghiệm tương hợp với nhiều thực tại hiện nay:

“Tới giờ quốc gia vẫn chưa đưa ra được định nghĩa và cách đi thuyết phục về Con Đường Đi Lên Xã Hội Chủ Nghĩa, vẫn chưa ước lượng được, dù chỉ gần đúng, khi nào thì xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội thành công. Chỉ biết trên con đường ấy, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những cột mốc phát triển quan trọng luôn không đạt được, mức độ tham nhũng của quốc gia lớn khủng khiếp so với tổng GDP, mức độ suy thoái đạo đức trong văn hóa, giáo dục ở mức rất đau lòng, khoảng cách chậm tiến của Việt Nam ngày càng cách xa so với các quốc gia từng một thời ngang vai phải lứa…

Có bao giờ thành phần tinh hoa đất nước bỏ Việt Nam đi định cư vĩnh viễn xứ khác nhiều như thời này không?

Nhân vật chánh trong Linh nghiệm có tấm lòng thành mong mỏi tìm được “bảo bối này sẽ soi sáng đường chúng ta đi”, cho dù “không biết mình đang tìm cái gì, nhưng anh cứ trung thành với lời chỉ giáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và từng bước một chậm rãi”. Chỉ cần viết được điều này, Trần Huy Quang xứng đáng được khâm phục. Ông cất lên một tiếng kêu trung thực, đánh động nhiều người nhìn lại, suy nghĩ về quãng đường dân tộc đã đi để sáng suốt hơn trên bước đường tương lai” (hết trích) (chú thích 6).

***

CHỈ RA GIỚI HẠN QUAN TRỌNG CỦA “LINH NGHIỆM”

Tiếp cận mang tính xã hội học – chính trị học mà tác giả Lê Học Lãnh Vân triển khai có phần bao trùm hơn hai tiếp cận trên. Tiếp cận so sánh đối chiếu tác phẩm với xã hội Việt Nam, trong thế chuyển động, có ưu thế là phản biện hoặc tích hợp được cả cái nhìn phê phán một thần tượng chính trị cụ thể (vốn thuộc về quá khứ), cũng như đặt vấn đề “lũng đoạn (tư tưởng) đám đông” trong một bối cảnh rộng lớn hơn nhiều – bối cảnh của sự tìm kiếm hướng đi cho cả một xã hội trong một tình thế nan giải, với những điều kiện hữu hạn.

Có lẽ nhờ ở tiếp cận so sánh với thực tại lịch sử này mà tác giả Lê Học Lãnh Vân đã có thể đưa ra nhiều phê phán tinh tế đối với chính tác phẩm Linh nghiệm, điều mà chỉ đi theo hai cách đọc thứ nhất và thứ hai sẽ rất khó làm. Lê Học Lãnh Vân ghi nhận ít nhất một hạn chế “quan trọng” trong Linh nghiệm (xét về phương diện phản ảnh lịch sử). Đó là đám đông đi theo nhân vật “Hinh” không hề chỉ là “dân xích lô, ba gác, dân ăn xin, trẻ mồ côi bán báo, dăm cô điếm, đám bụi đời móc túi” như trong Linh nghiệm, “mà còn có rất nhiều thành phần thuộc giới trí thức, doanh nhân, quan lại, điền chủ… Tất cả, bỏ nhà, bỏ sự sản, sự nghiệp, tương lai, bỏ cả sinh mạng…”, bởi đám đông đang bị thôi thúc bởi một ước muốn chung, “ước muốn rộng rãi và mạnh mẽ của người dân thời đó là giành lại độc lập cho nước Việt, dân Việt”.

PHẦN 3:

NHỮNG CÁI NHÌN ĐÔNG CỨNG và NGỌN LỬA LINH NGHIỆM

Ghi nhận thành công, phê bình tác phẩm, và đề xuất đi xa hơn, đó là tiếp cận của Lê Học Lãnh Vân trong bài “Đọc Linh nghiệm”. Cụ thể là tác giả không hài lòng với một cái nhìn đơn giản, một chiều về câu chuyện người đi tìm “Vườn hoa Mùa xuân”. Giải thiêng, giải ảo chỉ để phê phán thần tượng sẽ không mang lại điều gì căn bản, nếu không hướng đến nhận thức: phải làm gì để đi được với “văn minh nhân loại”.

***

THOÁT KHỎI SỰ “ĐƠN NGUYÊN HỌC THUẬT”, ĐI TIẾP SUY TƯ CỦA “LINH NGHIỆM”

Lê Học Lãnh Vân đặt câu hỏi: “Có phải sự đơn nguyên học thuật khiến dân tộc đã chọn những giải pháp quá cực đoan (tức chọn giải pháp giành độc lập bằng chiến tranh – theo tác giả), không chừa đường lui, không chừa đường thích nghi với các bước tiến về hướng văn minh nhân loại?”. Câu hỏi mà tác giả “Đọc Linh nghiệm” đặt ra dường như có ý nghĩa thời sự hơn bao giờ hết với xã hội Việt Nam.

Tại sao lại là thời sự ? Không khí “đơn nguyên học thuật” tại Việt Nam dường như đang biểu lộ rất rõ qua việc tiếp nhận tác phẩm Linh nghiệm tại Việt Nam. Ngoài những người phản đối hay lên án Linh nghiệm, những người ủng hộ thì đại đa số dường như dừng ở cách đọc thứ nhất: Giải ảo, lật đổ thần tượng. Hai cách đọc rõ ràng là đối lập và đối kháng, nhưng thực ra lại có một mẫu số chung là tinh thần phủ nhận triệt để, đả kích triệt để, đối lập trắng đen triệt để. Dường như đa số những người yêu thích Linh nghiệm ủng hộ một cách nhìn được coi là duy nhất đúng về tác phẩm này (cách nhìn thứ nhất). Một bộ phận không ít ủng hộ Linh nghiệm nhưng không đi sâu, hàm ý ủng hộ chủ yếu chỉ để phản đối ách áp bức về tư tưởng.

“Sự cọ xát những quan điểm ngược nhau thúc đẩy tinh thần phản biện và thảo luận đa chiều trong xã hội”, như Lê Học Lãnh Vân đề xuất, ắt hẳn là điều còn rất hiếm trong hiện tại. Cắm chốt, hoá thạch trong những cách nhìn đối kháng đã hình thành trong quá khứ như vậy, dường như sẽ giới hạn khả năng của xã hội Việt Nam tiếp cận được với những gì đã được chính nhiều bậc minh triết người Việt mở ra từ một thế kỷ nay.

*****

TÌM ĐÚNG ĐƯỜNG KHÔNG CHỈ KHÓ RIÊNG VỚI VIỆT NAM

Xác định hướng đi cho một xã hội luôn là điều nan giải, đặc biệt trong bối cảnh xã hội phức tạp, và các điều kiện chủ quan hạn chế. Tìm đường không chỉ khó với xã hội Việt Nam, mà cả với toàn thể nhân loại. Tìm ra được hướng đi đúng luôn là điều không dễ dàng: ảo tưởng này có thể chồng chất lên ảo tưởng khác. Trong một thời gian dài gần một thế kỷ, xã hội người Việt dường như vẫn bị giằng xé giữa hai ý thức hệ “cộng sản” và “tư bản”, hoặc theo bên này, hoặc theo bên kia. Thực tế cho thấy, nhân loại không chỉ có hai con đường nói trên. Thực tế xã hội đương đại hiện nay, như chúng ta biết, với cuộc đại khủng hoảng sinh thái – môi trường càng cho thấy sự bế tắc của cả hai ý thức hệ nói trên, vốn đều hình thành từ đầu kỷ nguyên công nghiệp hoá, với định hướng coi khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên là động lực phát triển. Hai ý thức hệ như trên đều không thể dẫn đến một tương lai sáng sủa cho nhân loại, mà ngược lại đang đẩy nhân loại đến đại thảm hoạ.

***

GHI CHÉP XUNG QUANH LINH NGHIỆM MỚI CÔNG BỐ, NHỮNG GỢI MỞ MỚI

Để xác định đúng tầm mức giá trị của Linh nghiệm, cần có một cách đọc đa nguyên về tác phẩm này. Một điều rất may mắn với hậu thế là trước khi qua đời ít tháng, nhà văn Trần Huy Quang đã kịp công bố những ghi chép xung quanh việc ra đời và những diễn biến tiếp theo sau khi tác phẩm được công bố (chú thích 7 và 8 ). Nhiều thông tin cho phép phần nào hiểu được vì sao việc tiếp nhận tác phẩm Linh nghiệm đã bị khuôn cứng lại trong hai thái độ chiếm ưu thế tuyệt đối: thái độ phủ nhận tác phẩm (từ phía quan điểm chính thống) và thái độ tuyệt đối hoá cách đọc giải thiêng – lật đổ thần tượng (cách đọc thứ nhất).

30 năm sau khi Linh nghiệm ra đời, một bộ phận không nhỏ bạn đọc Việt Nam dường như vẫn bị đông cứng trong cách nhìn của 30 năm về trước. Không khí lo sợ bị đàn áp, thái độ độc tôn ý thức hệ, về hướng này hay hướng khác, dường như càng làm gia tăng tình trạng đông cứng này. Ngọn lửa mà nhà văn Trần Huy Quang nhóm lên năm xưa, vừa bùng lên trở lại trong lòng không ít người sau khi tác giả từ giã cõi đời, liệu có đủ sức giúp phá tan đi tâm thức đông cứng ấy, mở đường cho việc thoát khỏi sự thống trị của tình trạng “đơn nguyên học thuật” tại Việt Nam ?

@@@@@

Chú thích

1/ Văn Chinh, “Đôi dòng với thần thức Trần Huy Quang trước khi giã biệt”, Nông Nghiệp, 16/12/2022.

2/ Bùi Tín, “Câu chuyện ‘người dám vuốt râu Ông Cụ’ ", VOA, ngày 26/05/2012.

3/ Có một hiện tượng rất đáng chú ý về văn bản truyện ngắn Linh nghiệm. Một chi tiết nhỏ nhưng có thể nói lên nhiều điều. Hiện tại lưu hành hai phiên bản về tên nhân vật chính của tác phẩm, xuất hiện trong chữ đầu tiên, câu đầu tiên của tác phẩm. Trong văn bản gốc, nhân vật tên “Hinh” (viết liền). Ngược lại, trong nhiều văn bản lưu hành trên Facebook, và trên một số bài đăng trên mạng, tên nhân vật được viết là “H…inh”. Về mặt khách quan, tên “H…inh” viết rời đã gắn chặt nhân vật chính với nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, góp phần tuyệt đối hoá cách đọc thứ nhất, và gần như loại trừ các cách đọc khác. Hiện chưa rõ ai là người đầu tiên sáng tác ra cách viết này, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, lần xuất hiện sớm nhất được ghi nhận phổ biến là trong bài viết của tác giả Bùi Tín về “Câu chuyện ‘người dám vuốt râu Ông Cụ’". Chúng tôi không hề có ý định phê phán dụng ý xấu bóp méo hiện thực nào đó ở đây, mà chỉ muốn mô tả nguyên vẹn một thực tại. Đó là, trong bối cảnh Linh nghiệm bị chính quyền ngăn cấm, loại trừ khỏi xuất bản chính thức tại Việt Nam, đã xuất hiện một cách đọc tạm gọi là mang tính phản kháng, rất có thể nhằm khuếch đại, tuyệt đối hoá khía cạnh giải thiêng, lên án thần tượng, và điều này chưa hẳn đã là dụng ý duy nhất của tác giả vào thời điểm sáng tác Linh nghiệm. Phiên bản “H…inh” có thể coi là sự khúc xạ của một tác phẩm văn học bị cấm, theo hướng triệt để hoá một cách đọc, có thể nói đã góp phần làm đông cứng một cách nhìn.

4/ Lại Nguyên Ân, “Truyện ngắn ‘Linh nghiệm’ của Trần Huy Quang và một vụ án văn nghệ ngay sau cao trào Đổi Mới”, Văn Việt, tháng 4/2015.

5/ Vương Tâm, “Nhà văn Trần Huy Quang. Còn đó những ký ức khó phai”, Sức khoẻ và Đời sống, 23/06/2018.

6/ Lê Học Lãnh Vân, “Đọc Linh nghiệm”, Văn Việt, ngày 21/12/2022.

7/ Trần Huy Quang, “Tản mạn văn chương (1)”, Văn Việt, 05/06/2022.

8/ Trần Huy Quang, “Tản mạn văn chương (2)”, Văn Việt, 06/06/2022.

Nguồn: FB Trọng Thành, Phần 1, Phần 2, Phần 3.

Comments are closed.