Bàn về có thể hiểu không thể hiểu trong dịch văn học

Nguyễn Lê Trung

Nhân đọc một số tác phẩm dịch Emily Dickinson của Trịnh Lữ

hoctiengAnh3Khi đọc những bài thơ Trịnh Lữ dịch Emily Dickinson, tôi lại nghĩ tới vấn đề mà tôi đã nhiều lần tự đặt ra khi đọc văn học dịch, đặc biệt là những tác phẩm được đánh giá là khó hiểu ngay cả với đồng hương của tác giả: có thể hiểu không thể hiểu trong dịch văn học.

Văn chương là sàn khiêu vũ của ngôn ngữ, thứ vốn liếng, công cụ của tư duy, mà tư duy thì vô cùng phức tạp và chẳng ai giống ai. Văn học dịch lại phải nhào luyện qua ít nhất là hai “cỗ máy tư duy” như thế. Vậy nên, việc đọc một tác phẩm văn học dịch rồi thốt lên “Ôi khó hiểu quá” cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên, giữa việc khó hiểu nhưng có thể hiểu được và việc không tài nào hiểu nổi (thể hiện qua đặc điểm: không thể phân tích, hoặc phân tích một cách vô lý, gượng ép) là hoàn toàn khác nhau.

Khi người dịch đối diện với một tác phẩm văn học nước ngoài thuộc loại khó (hoặc cao cấp, tùy cách gọi), sẽ có mấy trường hợp sau. (Sự phân chia ở đây chỉ mang tính tương đối.) Nếu không hiểu đúng (hoặc tương đối đúng) về tác phẩm, người dịch chắc chắn sẽ dịch sai. Dịch sai có hai loại. Loại một là người dịch đành phải dịch từng chữ, trong khi nguyên bản vốn đã rối rắm, đa nghĩa, nhiều ẩn ý. Khi đó kết quả là người đọc không có gì để hiểu và cảm nhận. Loại hai là người dịch biến tấu câu chữ sao cho dễ hiểu, nhằm thể hiện nội dung của tác phẩm theo cách hiểu của mình. Khi đó, người đọc sẽ hiểu sai. Cả hai loại này, tôi gọi chung là tác phẩm dịch “không thể hiểu”. Còn nếu nắm được tác phẩm, dịch giả sẽ có hai lựa chọn (vô tình hoặc cố ý) tạm gọi là “dịch thoáng” để độc giả thấy phần nào dễ hiểu và “dịch chặt” để độc giả phải mò mẫm nghiên cứu như người dịch trên con đường chinh phục tác phẩm ấy. Ở lựa chọn thứ hai, độc giả sẽ phải đối diện với sự trừu tượng cao độ của ngôn ngữ, nhưng hoàn toàn khác với cảm giác đứng trước biển chữ mông lung tối nghĩa ở trường hợp dịch giả không hiểu tác phẩm. Tất nhiên, cũng phải nói vui là, khác thế nào thì chỉ… ai thấy khác mới cảm nhận được. Kết quả là độc giả có thể hiểu tác phẩm, dù ít dù nhiều. Cả hai trường hợp này đều là tác phẩm dịch “có thể hiểu”.

Tóm lại, đọc gì đi nữa thì độc giả cũng nhắm tới mục đích đầu tiên là hiểu được và cảm nhận được. Một tác phẩm dịch “không thể hiểu” là một tác phẩm dịch thất bại. Và thực tế, mức độ hiểu tác phẩm của người dịch quyết định mạnh mẽ tới khả năng nhận thức về tác phẩm đó của độc giả. Với dịch thơ, điều này càng thể hiện rõ. Nếu không tường tận về bài thơ, chỉ cần lơi là một chữ hoặc một câu quan trọng, thì mơ ước giúp người đọc cảm thụ một thi phẩm nước ngoài của dịch giả sẽ đi vào ngõ cụt.

Dừng ở đây, tôi trở lại với sáu bài thơ Trịnh Lữ dịch của Emily Dickinson được đăng trên vanviet.info (xem tối 21/4/2014). Tôi sẽ chỉ chọn phân tích một số bài trong chùm để xem độc giả có thể hiểu được hoặc có thể hiểu đúng những tác phẩm dịch như vậy hay không. Tôi sẽ không nói đến cả bài thơ, mà chỉ lựa chọn vài chi tiết, và đó là những chi tiết có tính quyết định tới việc hiểu toàn bộ thi phẩm, chứ tôi không đi vào việc nhặt sạn.

Bài số 1593 tôi sẽ bàn luận xoay quanh câu thơ: Vào những gì có vẻ còn sống – Ngày hôm đó. Nhưng trước hết ta sẽ nói qua về nội dung bài thơ. Đây là một bài thơ có nhiều lớp nghĩa, tả cảnh một cơn bão mùa hè, nói về ngày tận thế. Thi phẩm này hội tụ nhiều đặc điểm của thơ Emily Dickinson, như hình ảnh tự nhiên, sự ảnh hưởng sâu sắc của ngôn ngữ Kinh thánh, cái tứ về những điềm báo chẳng lành. Nhà thơ vừa là người quan sát vừa là nhân vật chính trong câu chuyện gở được kể.

Trở lại câu thơ trên, dịch giả đã dịch câu này nối vào câu liền trước thành: Những dòng Sông ào vào Nhà cửa / Vào những gì có vẻ còn sống – Ngày hôm đó. Có thể diễn giải ra là: Sông ào vào nhà cửa rồi ào luôn cả vào những gì còn sống. Nghe có vẻ dễ hiểu. Nhưng dường như nguyên bản And Rivers where the Houses ran / Those looked that lived – that Day – không đơn giản đến “thô sơ” như thế.

Vậy phải hiểu ra sao về câu thơ này, câu thơ kỳ lạ, nhưng là mấu chốt của việc tiếp nhận cả bài thơ. Tôi đồng tình với những ý kiến cho rằng ý nghĩa ở đây là: Toàn bộ cảnh tượng được miêu tả trước đó về Ngày tận thế đã được nhìn qua lăng kính của những kẻ còn sống vào ngày hôm đó (Those looked that lived – that Day –), hẳn nhiên là có nhà thơ trong số ấy, vì thế bà mới chứng kiến được toàn bộ cảnh tượng.

Ngày tận thế là hình tượng có vị trí quan trọng trong Kinh thánh. Sau ngày tận thế vẫn luôn có kẻ sống sót, thế nên thế giới mới tồn tại qua mọi thăng trầm (đọc những câu thơ cuối bài). Hai câu And Fences fled away / And Rivers where the Houses ran (được dịch thành Rồi những Hàng Rào bỏ chạy / Những dòng Sông ào vào Nhà cửa) cũng được xem là phỏng theo câu Mọi hải đảo biến đi, núi non không còn nữa (And every island fled away, and the mountains were not found) của Sách Khải Huyền (16:20). (Nhân tiện, dịch giả sử dụng từ bỏ chạy là không hợp lý.) Sự dễ hiểu không mang lại nhận thức đúng về tác phẩm thật ra đã xuất hiện ngay từ những câu đầu của bản dịch này. Có cơn Gió như một tiếng Kèn đồng – / Rùng mình qua cỏ / Xanh Buốt cả hơi ấm / Thấu suốt rợn người. Đọc xong, ta thấy dễ hiểu như văn tả cảnh, nhưng lại không chạm được tới nội dung thực sự của nguyên bản. Nội dung ở đây là: gió như tiếng kèn, khiến cỏ dựng ngược lên, tạo thành một luồng xanh dữ dội lấn át của cái nóng mùa hè, một điềm báo khủng khiếp ào qua. Còn ngày tận thế trong bản dịch của Trịnh Lữ thì sao mà yếu ớt, mơ hồ khó hiểu.

Bàn về bản dịch Bài số 280, tôi sẽ nói tới khổ thơ:

“Như mọi Tầng Trời đều đã thành một quả Chuông,

Và Hiện hữu, chỉ là một Vành Tai,

Với tôi, cùng Im Lặng, một cuộc chạy Đua lạ lẫm

Tai nạn, cô quả, ngay đây-”

Có ai hiểu/cảm nhận được hoặc phân tích được đoạn thơ này không, hay chỉ cần nói “Emily Dickinson mà!” là xong? Thực ra, Race không phải là cuộc chạy đua mà là giống, loài. Một chữ sai thôi, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc hiểu đoạn thơ này và cả bài thơ. Và wrecked cũng không thể là tai nạn (có lẽ nào dịch giả nghĩ chạy đua nên bị tai nạn?), mà phải mang nghĩa đau đớn. “And I, and Silence, some strange Race / Wrecked, solitary, here-”có nghĩa là: Riêng TôiIm lặng là một giống loài khác lạ (chú ý sự đánh đồng TôiIm lặng), đớn đau và cô độc ở đây, nơi mọi tầng trời đều ngập tiếng chuông nguyện và Hiện hữu chỉ là một cái tai nghe âm thanh ấy.

Từ đây nhìn ra cả bài thơ sẽ thấy dịch giả chưa thấy được trình tự diễn biến của bài thơ. Ở đoạn đầu tiên câu That Sense was breaking through- được dịch thành Cảm giác ấy vỡ vụn- thì chưa rõ về sense. Cảm giác ấy là cảm giác nào, e là không hiểu được. Sense ở đây không phải là cảm giác mà là lý trí. Nhà thơ thấy (feel nên là thấy thì đúng hơn là cảm thấy) trong óc mình một đám tang, nhưng rồi tiếng bước chân rậm rịch khiến lý trí của bà (bộ óc đã nói tới ở câu 1, thế nên mới có that sense) bắt đầu không còn sáng tỏ. Tới đoạn thứ hai thì bà nghĩ bà sẽ mụ mẫm. Đoạn thứ ba cho thấy sự vật lộn tìm lại lý trí trọn vẹn, nhưng chẳng ích gì, khi mà tiếng chuông đã vang lên. Đoạn thứ tư được nói tới ở trên là đỉnh điểm của sự thất bại trong cuộc duy trì lý trí, thế nên mới đớn đau và cô độc giữa hiện hữu. Thế rồi ở đoạn kết, lý trí thua cuộc, thi sĩ thấy mình rơi xuống một Thế giới. Ở đây bản dịch lại không ổn với từ nào đó và từ chan chát. Không có nào đó nào cả, vì bà biết đó là Thế giới nào. Và plunge nói tới việc chìm nghỉm, rơi trọn vào, chứ chan chát thì làm sao hiểu được nguyên bản, làm sao thấy được hành trình đánh mất lý trí, mà đây chính là điểm kết tận cùng.

Bài số 79, tôi nhặt ra đoạn:

Tôi mừng vì họ đã tin

Những người tôi sẽ không bao giờ gặp lại

Từ buổi chiều thu đầy quyền phép

Khi tôi bỏ họ nằm lại dưới lòng đất.

Tại sao lại là Những người tôi sẽ không bao giờ gặp lại? Nguyên bản là Whom I have never found thì rõ ràng phải là: những người mà tôi đã không hề gặp, kể từ buổi chiều mà tôi để họ lại với đất (tức là họ chết, họ lên Thiên đàng). Cái sai ngỡ là nhỏ nhưng làm cho người đọc hiểu sai hoặc không thể hiểu tư duy của nhà thơ. Nếu bà nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại những người ấy – những người mà bà đã mất, đồng nghĩa với việc sẽ không lên Thiên đàng, thì làm sao có nỗi hoảng hốt, kinh ngạc của toàn bài, làm sao hiểu được câu And yet it will be done ở phía trên. Nhân tiện, tôi nghĩa dịch câu And yet it will be done thành Mà vẫn sẽ phải làm cũng không ổn, giữ nguyên thể bị động sẽ tốt hơn, sẽ thấy được cảm giác không muốn lên Thiên đàng, nhưng buộc phải tuân mệnh tự nhiên. Ngoài ra, ở đoạn thơ này, các từ “quyền phép”, “bỏ” cũng rất vụng về, thiếu tinh tế, như toàn thể bài thơ.

Với Bài 712, tôi sẽ điểm vài chi tiết. Trước hết ta xem lại đoạn thơ này:

Hay đúng hơn là – Mặt trời đã bỏ qua Chúng tôi –

Những Hạt Sương về, rùng mình giá lạnh –

Bởi rất Mong Manh, bộ Lễ Phục của tôi –

Giải Khăn choàng – chỉ là Lưới Nhẹ –

Ở đây, các từ Lễ Phục  Lưới nhẹ cho ta thấy dịch giả hiểu không đúng nội dung. Trong văn cảnh này, Gown là áo liệm, còn Tulle là khăn voan phủ mặt người chết (không phải khăn lưới tiểu thư). Để hiểu lý do, ta sẽ nói về nội dung của cả bài thơ. Bài thơ này có thể xem là tuyệt phẩm của Emily Dickinson, đi vào đề tài bao trùm trong thơ bà là cái chết và sự vĩnh hằng sau cái chết. Bà tưởng tượng ra cảnh mình đã chết bao nhiêu thế kỷ rồi (xem đoạn thơ cuối). Bài thơ tưởng như miêu tả cảnh cỗ xe thần chết lăn bánh, nhưng thật ra đây là cỗ xe tượng trưng của thời gian mãi mãi. Nhân vật “tôi” đã nằm dưới nấm mồ đổ nát từ lâu lắm, trường học hay cánh đồng chính là cảnh biến thiên dâu bể diễn ra ngay trên nấm mồ đó. Thế nên mới có Hay đúng hơn là Đời đi qua tôi. (Lần thứ tư trong chùm 6 bài thơ dịch này, người dịch dùng từ “bỏ” và vẫn không hợp lý, vẫn thiếu tinh tế, giống như các trường hợp trên.) Theo tôi He trong câu này không phải là Mặt trời, mà là đời, cuộc đời, sự sống. Thi sĩ thấy mình đã chết bao năm, và sự sống cứ diễn tiến phía trên mảnh đất phủ che bà. Và hạt sương rơi lên cơ thể người dưới đất mới lạnh lẽo làm sao. Như vậy, vì sự không thấu hiểu mà dù bản dịch không sai nhiều nhưng vẫn rơi vào tình trạng “bất khả tri” do không thể hiểu và phân tích đúng. Một chi tiết ngoài lề, dải khăn mới đúng chứ không phải là giải khăn.

Ngoài ra, bài thơ này còn có nhiều câu rất có vấn đề. Ví dụ như câu Để lên đường Lịch Thiệp như Chàng – dịch câu  For His Civility –. Ở đây có thể diễn giải thế này: “Tôi” đã bỏ lại tất cả vì Thần chết đã lịch sự tới đón đi, chứ Để lên đường Lịch Thiệp như Chàng – thì tối nghĩa quá. Hay như ở đoạn cuối: Kể từ ấy – đã nhiều Thế kỷ – vậy mà như / Ngày đó vẫn dài hơn / Khi tôi ngỡ Cỗ Xe ngựa ấy / Sẽ đằng đẵng miên trường rong ruổi –, thì ý tứ cũng rất mù mờ. Thật ra có thể phân tích nghĩa của đoạn thơ nguyên bản thành thế này: Kể từ đó đã qua bao thế kỷ, nhưng vẫn cảm thấy như ngắn hơn ngày hôm ấy (the Day – có lẽ là ám chỉ ngày chết), cái ngày mà lần đầu tiên tôi ước đoán cỗ xe của Thần chết sẽ đi mãi mãi tới vĩnh hằng. Thế mới thấy được cảm xúc ẩn dưới câu chữ dường như tưng tửng của nhà thơ.

Bản dịch này rất vụng về với những chi tiết gượng gạo khó có thể gọi là thơ như Tôi không thể dừng chân chờ Chết, Nấm Nhà, Sưng lên từ Đất, đằng đẵng miên trường rong ruổi… Nói chung, cả sáu bài thơ dịch này đều cho thấy sự đánh vật khổ sở với câu chữ và sự thiếu chất thơ. Tất nhiên đây là lạm bàn, vì cảm nhận hay dở thì về cơ bản chỉ mang tính cá nhân.

Một góp ý ngoài lề với người dịch, nếu quả thực người dịch độc lập lựa chọn chùm thơ này và vô tình trùng với chùm thơ đã được Aaron Copland lựa chọn phổ nhạc thì nhắc tới điều ấy ở lời bạt là đủ, không cần nhắc lại ở nhan đề mỗi bài thơ khiến người đọc thêm bối rối giữa nhiều bối rối. Tóm lại, tôi sẽ không có kết luận nào, việc hiểu hay không hiểu và mức độ hiểu một tác phẩm văn học, như tôi đã “nói vui” ở trên, chỉ bản thân dịch giả và mỗi độc giả mới có thể xác minh. 

 Tác giả gửi Văn Việt.

 

Comments are closed.