Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (14)

Thụy Khuê

Chương 12 : Huyền thoại Le Brun và Puymanel xây thành Gia Định và Diên Khánh

Trong chương này, chúng tôi khảo sát những nguồn cội mà các sử gia thuộc địa dựa vào để “chứng minh” Puymanel và Le Brun xây thành Gia Định và Diên Khánh.

Nguồn phát xuất thông tin Le Brun và Puymanel là kỹ sư xây dựng đầu tiên ở Việt Nam, không nhiều, chỉ có hai:

1- Bản báo cáo của de Guignes

2- Lá thư của giáo sĩ Lavoué

Như đã nói trong chương trước, de Guignes là một agent của lãnh sự quán Pháp tại Quảng Đông, thường gửi những bản báo cáo về Bộ Ngoại Giao. Chữ agent có nghiã là nhân viên hay điệp viên, nhưng một nhân viên của toà lãnh sự chuyên viết những bản báo cáo mật về Bộ ngoại giao thì đích thực là điệp viên. Alexis Faure, khi soạn cuốn Bá Đa Lộc, đã sưu tầm trong Văn khố ngoại giao những văn bản này, và cho in lại một số trong sách của ông. Riêng bản báo cáo ngày 29/12/1791, có một câu, sẽ được các ngòi bút thuộc địa sử dụng như tài liệu chính để xác định: Olivier de Puymanel và Le Brun là tác giả thành Gia Định, và Puymanel là người xây thành Diên Khánh và các thành trì Vauban khác ở Việt Nam. Rồi một số tác giả Việt, coi thường hoặc không đọc quốc sử, cứ thế chép lại lập luận của Pháp.

Điệp viên de Guignes, kẻ sáng tạo câu chuyện Puymanel và Le brun xây thành

Chúng ta thử xem ngày 29/12/1791, điệp viên de Guignes của Pháp ở Quảng Đông viết gì về tình hình Việt Nam lúc bấy giờ:

Nếu vua Nam Hà muốn, trong hai năm 1789 và 1790, ông ta đã có thể khôi phục ngay tức khắc vương quốc của ông. Việc các tàu La Dryade, Le Pandour và La Méduse, cùng những tàu khác đến từ Pondichéry, L’Ile de France [tức Ile Maurice] và Macao, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Bắc Hà đang đợi cơ hội thoát khỏi gông cùm để nhận diện vị vua thực sự của mình. Nhưng một vài thành công của ông vua này ít có hiệu lực hoặc không bền. Ông ta chiếm được một vùng (Bình Thuận) để lại ít quân, thế là bị đánh đuổi ngay; ngụy quân lại hy vọng, và hy vọng càng tăng vì tư cách của ông ta. Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một cái bản đồ thành đài. Nhà vua muốn xây ngay một thành, mặc dù cần phải có thời gian thuận lợi. Vì vậy phải sách nhiễu dân chúng, phá nhà cửa, bắt 30.000 dân công làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận. Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này. Tuy nhiên tình hình yên tĩnh trở lại, nhà vua cho giải binh để mọi người về cấy cấy. Hy vọng sẽ được mùa. Dân chúng không ta thán nữa.[1] (Báo cáo của de Guignes gửi Bộ trưởng Ngoại giao ngày 29/12/1791, Archives des Affaires étrangères; Faure, Chương 18, t. 214-215).

Đoạn báo cáo trên, trừ việc Nguyễn Ánh chiếm Bình Thuận, rồi không giữ được, phải trở về Gia Định, là đúng (Theo Thực Lục, tháng 5-6/1790, Lê Văn Quân, tư lệnh quân đội bàn đánh Quy Nhơn, Nguyễn Văn Thành gạt đi, Nguyễn Ánh đồng ý. Quân Nguyễn chiếm được Bình Thuận nhưng thua to ở Diên Khánh, Nguyễn Ánh phải rút về Gia Định. Tháng 2/1791, Lê Văn Quân, bị đình thần kết án, tự tử). Những câu còn lại trong bản báo cáo này hoàn toàn sai, chứng tỏ de Guignes không biết gì về tình hình Việt Nam lúc đó, nếu y là điệp viên cho chính phủ Pháp, thì thật vô dụng:

1/ Năm 1789-1790, Quang Trung vừa đại thắng quân Thanh, de Guignes ở Quảng Đông mà không biết chuyện Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử, Tôn Sĩ Nghị chạy trốn về Tàu, mà lại còn trách Nguyễn Ánh, nếu đem quân đánh thì “đã có thể khôi phục ngay tức khắc vương quốc.

2/ Câu: “Việc các tàu La Dryade, Le Pandour và La Méduse, cùng những tàu khác đến từ Pondichéry, L’Ile de France, Macao, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, càng chứng tỏ de Guignes không thạo tin: cảng Sài Gòn lúc đó tàu ngoại quốc ra vào thường xuyên, mà xem hải trình của ba tàu Pháp La Dryade, Le Pandour và La Méduse, thì một năm mới đến Sài Gòn một vài lần, có thấm gì đối với số lượng các tàu Bồ, Y, Anh, Hoà Lan họp lại, mà de Guignes đã tưởng là tàu Pháp khiến “kẻ thù khiếp sợ”. Hịch Quang Trung viết năm 1792, chứng tỏ ông chẳng coi bọn “mắt xanh” này ra gì cả.

3/ Bắc Hà có truyền thống phò Lê, dân Bắc năm 1791, chưa biết Nguyễn Ánh là ai, không thể có sự: “Bắc Hà đang đợi cơ hội thoát khỏi gông cùm để nhận diện vị vua thực sự của mình, như de Guignes viết.

4/ Câu sau cùng là sự bịa đặt chính và quan trọng hơn cả, nó là thuỷ tổ của huyền thoại Olivier và Le Brun là kỹ sư, kiến trúc sư, xây các thành đài ở Việt Nam, de Guignes viết:

Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một cái bản đồ thành đài. Nhà vua muốn xây ngay, mặc dù cần phải có thời gian thuận lợi. Vì vậy phải sách nhiễu dân chúng, phá nhà cửa, bắt 30.000 dân công làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận. Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này.

Không biết gián điệp lấy những tin này ở đâu, mà lại đầu Ngô mình Sở đến thế:

Câu đầu là một xác định vô căn cứ: “Các ông Olivier và Lebrun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một bản đồ thành đài (MM Olivier et Lebrun, officiers français, lui donnèrent un plan de ville fortifiée). Y nằm ở đâu mà biết chuyện hai anh binh nhất, binh nhì Olivier và Le Brun, vừa đào ngũ, “cho” vua một cái bản đồ thành đài? Nếu ta để ý sẽ thấy de Guignes chỉ viết: “Olivier và Lebrun cho ông ta một cái bản đồ thành đài”, nhưng, những sách sử Pháp Việt về sau, sẽ biến câu này thành “Olivier và Lebrun xây thành Gia Định”. Tức là một sự biến cải hoàn toàn.

De Guignes kể tiếp: sau khi được Olivier và Lebrun “cho một cái bản đồ thành đài, thế là Nguyễn Ánh vội xây ngay! Câu này thực ngây ngô, vì ta thừa biết, về vụ bản đồ thành đài thì Nguyễn Ánh thiếu gì, mà phải đợi hai ông Olivier và Lebrun “cho”, các tác giả Âu Việt, từ Barrow, Montyon, Le Labousse, đến Sử Ký Đại Nam Việt đều viết: trong cung Nguyễn Ánh có nhiều sách vở về thành đài, ông thường dở ra xem và học lấy. Vậy không việc gì mà Nguyễn Ánh lại phải vồ vập cái bản đồ thành đài mà hai ông binh nhì, binh nhất mới đào ngũ “cho” rồi hấp tấp xây ngay, nên mới sinh loạn.

Nếu xem lại ngày hai người lính này đến Việt Nam, Olivier de Puymanel đến trước, anh trốn thoát ngày 19/9/1788 ở Côn Lôn, còn Le Brun ngày 13/1/1790 mới đến Macao, ở lại, rồi sau mới tìm cách sang Nam Hà với bạn Olivier. Ngày 27/6/1790, Le Brun được chính thức nhập ngũ, nhận văn bằng cai đội cùng ngày với nhiều người khác.

Vậy nếu Lebrun và Olivier có “cho” vua cái bản đồ gì đó, thì cũng phải là sau khi Le Brun đến Việt Nam, mà theo lịch trình ở trên, sớm lắm là từ tháng 3 đến tháng 6/1790.

Nhưng thành Gia Định, theo Trịnh Hoài Đức, đã đắp ngày 4/2/Canh Tuất [19/3/1790], Thực Lục ghi ngày Kỷ Sửu [9/3 Canh Tuất, 22/4/1790] đắp thành đất Gia Định. Đắp 10 ngày xong. Ta nên chú ý đến chi tiết thành đất tức là đất trộn rơm (torchis) rất vững chắc, đó là kiến trúc thành đài kiểu Đông phương. Tây chỉ biết xây thành đá hoặc gạch. Còn về ngày đắp thành Gia Định, chưa biết tại sao có sự sai lệch trong hai bộ sử, hiện giờ chúng tôi dùng ngày của Trịnh Hoài Đức vì ông sống ở Sài Gòn lúc ấy, và Gia Định Thành Thông Chí viết trước Thực Lục. Tất cả những điểm trên dẫn đến kết luận:

Thành Gia Định đã xây trước khi Le Brun đặt chân đến Nam Hà.

Những bản đồ thành Gia Định sau này người ta đưa ra, bảo là do Le Brun vẽ, nếu là y vẽ thực, thì nên hiểu là y đồ lại bản đồ thành phố Sài Gòn đã xây xong rồi.

Sự thể rành rành như vậy, không hiểu sao các sử gia Việt không nhìn thấy lỗ hổng này trong lập luận của sử gia thuộc địa.

Trở lại văn bản của de Guignes, đọc đến câu kế tiếp: làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận, thì chắc de Guignes muốn nói đến thành Diên Khánh chứ không phải thành Gia Định, bởi vì Gia Định lúc đó là kinh đô, không phải là chỗ “cho vua có nơi rút quân khi thua trận, chỉ Diên Khánh mới là nơi cho vua dừng chân mỗi khi đánh Quy Nhơn thua trở về.

Nhưng de Guignes lại không thể viết về thành Diên Khánh, vì ngày 29/12/1791, khi y viết câu này, thì Nguyễn Ánh chưa hề chiếm được vùng Diên Khánh (như trên đã nói, tháng 5-6/1790, Nguyễn Ánh nghe lời Lê Văn Quân đánh được Bình Thuận, nhưng thua ở Diên Khánh, phải rút quân về).

Còn câu cuối: vì xây gấp, mượn đến 30.000 nhân công cho nên “Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này, thì hoàn toàn không biết de Guignes lấy ở đâu, vì không thấy nơi nào ghi việc này cả; đặc biệt các giáo sĩ, họ không thể bỏ qua một biến cố quan trọng như vậy mà không thông báo cho Macao hay. Câu này sẽ được các sử gia Việt chép lại, qua Taboulet, như ta sẽ thấy ở dưới.

Lá thư của giáo sĩ Lavoué

Có lẽ thấy những lời lẽ trong bản báo cáo của de Guignes còn quá mỏng để “chứng minh” Puymanel xây thành Diên Khánh, cho nên học giả Cadière, trong phần chú giải tập tài liệu của Bréda, liên quan đến Nguyễn Suyền, lưu thủ Bình Khang (1793) (BAVH, 1926, III), đã nhấn mạnh 2 điểm: thứ nhất, xác định thành Diên Khánh do Puymanel xây, và thứ hai: Puymanel có đóng góp đắc lực trong trận Diên Khánh 1795 (phần này sẽ nói sau).

Để bảo vệ luận điểm thứ nhất, Cadière đưa ra một chứng mới: lá thư của giáo sĩ Lavoué viết ở Tân Triều ngày 13/5/1795 gửi Boiret và Descourvières ở Paris.

Để độc giả nắm rõ toàn cảnh, trước khi đọc trích đoạn thư của Lavoué, chúng tôi xin tóm tắt tình hình:

Tháng 5-6/1793, Nguyễn Ánh đánh Qui Nhơn lần thứ nhất, để Đông cung Cảnh giữ Gia Định. Nguyễn Ánh sai các tướng: Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành vây Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc cố thủ, không thể hạ nổi. Tháng 9/1793, Nhạc cầu cứu Phú Xuân, Cảnh Thịnh gửi đại binh đến cứu. Ánh phải rút quân về Diên Khánh. Nhạc bị quân của Cảnh Thịnh vào thành uy hiếp, uất ức mà chết. Việc xây thành Diên Khánh xẩy ra vào mùa hè năm 1793, khi Nguyễn Ánh rút quân từ Quy Nhơn về Diên Khánh, được ghi ở ba nơi:

– Tháng 10/1793 (tháng 9 ÂL.), Thực Lục ghi: “Ngự giá về Diên Khánh. Thấy thành đất Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai các quân và phát 3000 dân Bình Thuận, 1000 dân Thuận Thành khởi đắp trọn một tháng thì thành xong, gọi là Diên Khánh (tức tỉnh lỵ Khánh Hoà ngày nay. Thành cao 1 trượng, chu vi hơn 510 trượng, mở sáu cửa, đông và nam đều một cửa, tây và bắc đều hai cửa, trên cửa có lầu, bốn góc có cồn đất)” (Thực Lục I, t. 299).

– Hai người trực tiếp xây thành, được ghi công trong Liệt Truyện:

1/ “[Tôn Thất] Hội cùng đạo binh họp lại bao vây [Quy Nhơn], giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp Diên Khánh. (Liệt Truyện II, Tôn Thất Hội, t. 78).

2/ “Mùa hạ năm Quý Sửu [1793], [Vũ Viết Bảo] theo đi đánh Quy Nhơn, đến khi về, đắp thành Diên Khánh (Liệt truyện II, Vũ Viết Bảo, t. 321).

Như vậy thành Diên Khánh được đắp vào mùa hè năm 1793, sau khi Nguyễn Ánh rút quân từ Quy Nhơn về Diên Khánh.

– Đến tháng 11/1793, Nguyễn Ánh trở về Gia định. Để Nguyễn Văn Thành ở lại giữ Diên Khánh.

Trở về với lá thư của giáo sĩ Lavoué, thư khá dài, viết nhiều chuyện liên quan đến vùng Quy Nhơn Diên Khánh. Đoạn đầu, ông sơ lược kể lại chuyện từ lúc Nguyễn Ánh vây thành Quy Nhơn, đến khi Nguyễn Nhạc bị bức bách, uất ức mà chết. Rồi đoạn kế tiếp có liên quan đến thành Diên Khánh, ông viết:

Nhà vua trở về Gia Định nơi ông đã chiếm lúc đầu. Ông hết sức củng cố thành trì, làm thuyền chiến, v.v.mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được. Thành vừa xây xong, ngụy quân đổ tới với số lượng 40 ngàn người, nhất định trèo vào; nhưng mọi cố gắng của chúng đều vô ích. [2](Cadière, Documents relatifs à l’époque de Gia Long, BEFEO, 1912, no 7, t. 33).

Trích đoạn trên bắt đầu bằng câu: “Nhà vua trở về Gia Định…”, chứng tỏ Lavoué kể câu chuyện sau khi Nguyễn Ánh trở về Gia Định, tức là sau tháng 11/1793, nhưng câu này sẽ được Cadière khôn khéo cắt đi, ông bắt đầu trích đoạn bằng câu: “…mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương trong một vùng đất vừa mới chiếm được… Tại sao vậy?

Tại vì nếu để cả câu đầu thì người tinh ý sẽ nhận thấy: khi Nguyễn Ánh trở lại Gia Định tháng 11/1793, mới “mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được…, thì cái thành phố “Tây phương” ấy không thể là Diên Khánh, vì Diên Khánh đã xây xong từ hè 1793! Làm sao lại có chuyện vua mượn Puymanel xây thành Diên Khánh lần nữa! Và thấy ngay cái vô lý trong câu văn của Lavoué. Tóm lại:

– Cái thành mà Lavoué bảo vua “mượn” Olivier xây, nó không phải thành Gia Định, vì Gia Định đã xây xong từ đầu năm 1790; nó cũng không phải thành Diên Khánh, vì nếu khi Nguyễn Ánh rút quân về Gia Định tháng 11/1793, mới “mượn” Olivier xây; thì quá trễ, vì Diên Khánh đã xây xong từ mùa hè năm 1793!

– Nhưng Lavoué không hề nói vua sai Puymanel xây thành Diên Khánh, ông chỉ nói bâng quơ: mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được, nhưng người ta đã dựa vào câu sau: “Thành vừa xây xong, ngụy quân đổ tới với số lượng 40 ngàn người, nhất định trèo vào; nhưng mọi cố gắng của chúng đều vô ích, để xác định đó là thành Diên Khánh.

– Nhưng câu “Thành vừa mới xây xong, ngụy quân đổ tới cũng vẫn sai, bởi vì: thành Diên Khánh xây xong hè 1793, Nguyễn Văn Thành ở lại trấn giữ, sau đó không có trận tấn công nào cả. Phải gần một năm sau mới có đợt tấn công đầu của Tây Sơn, và trận này (tháng 4-5/1794) Nguyễn Văn Hưng đem 40.000 bộ binh hợp với thuỷ binh của Trần Quang Diệu, đánh Diên Khánh.

Tóm lại, Lavoué chỉ tập hợp những chuyện đồn thổi về các trận đánh dữ dội vây thành Diên Khánh, rồi ông vá víu lại thành một câu chuyện và thêm vào câu nói vu vơ: “mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương, chẳng dính dáng gì đến thành Diên Khánh cả, và Diên Khánh, theo sự mô tả của Lê Văn Định (sẽ nói sau) cũng không có gì là một “thành phố theo lối Tây phương”. Cho nên lời Lavoué cũng không thể dùng làm tư liệu lịch sử.

Nhưng các sử gia thuộc điạ sẽ chập hai mỏm câu, một của de Guignes: Olivier và Le Brun, cho vua một cái bản đồ thành đài và một của Lavoué: vua mượn Ô. Olivier, xây một thành phố theo lối Tây phương, làm một, rồi chia nó làm ba câu khác:

– Le Brun vẽ bản đồ thành Gia Định.

– Vua sai Olivier và Le Brun xây thành Gia Định (vì thành Gia Định có vẻ “Tây phương”).

– Vua mượn Olivier xây thành Diên Khánh.

Thế là cả ba câu này được lưu thông trong sử sách Pháp Việt như những xác định lịch sử.

Lập luận của học giả Cadière

Học giả Cadière kiên quyết bảo vệ “sự kiện” Olivier de Puymanel xây thành Gia Định và Diên Khánh. Nhưng ông không tìm được chứng nào đáng tin cậy về việc Puymanel xây những thành này, cho nên, về thành Gia Định, ông không ngần ngại “xác định” thẳng rằng: “Theo chính sử biên niên đời Gia Long, ông [Olivier de Puymanel] bắt đầu xây thành Gia Định tháng 3-4 năm 1790 (BAVH, 1921, t. 283-288), câu này do Nguyễn Quốc Trị khám phá trước tiên, là một sự bịa đặt làm u ám danh vị học giả.

Còn về việc “Puymanel xây thành Diên Khánh”, thì Cadière “chứng minh” trong phần chú giải những tư liệu về Nguyễn Suyền (BAVH, 1926, III, t. 264). Ông đọc rộng, biết nhiều, không phải ông không biết ai xây thành Diên Khánh, bởi vì ông có nói đến chuyện năm 1793, Nguyễn Ánh, sau khi thắng trận [ở Quy Nhơn] đã sai một viên Cai Bộ (quan bộ Tài Chánh) và Ký Lục (quan bộ Hình), phụ trách việc xây thành Diên Khánh (Cadière, Nguyễn Suyền, BAVH, 1926, III, t. 264), tức là ông có biết chuyện này. Nhưng những điều viết trong sử Việt không vừa ý ông, nên ông phải tìm cách viết lại; vì thế ông bạ vào lời Lavoué, với những vu vơ và vô lý như chúng tôi vừa phân tích ở trên, để xác định Olivier de Puymanel là người xây thành Diên Khánh, như sau:

Thành đài Bình Khang, đúng hơn là thành Diên Khánh, bởi nó được xây tại thủ phủ của tỉnh này, là tác phẩm của Đại Tá Olivier. Nhà vua… mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được. Thành vừa xây xong, ngụy quân đổ tới với số lượng 40 ngàn người, nhất định trèo vào; nhưng mọi cố gắng của chúng đều vô ích. (Thư của M. Lavoué, 13/5/1795 trong L. Cadière: Documents relatifs à l’époque de Gia Long, BEFEO, 1912, no 7, trang 33). Vì thành Diên Khánh bị vây vào tháng 5-6/1794, vậy thành này được xây khoảng cuối 1793, đầu 1794.

Lẽ tất nhiên là trong Thực Lục đời Gia Long, khi nói đến việc xây thành Diên Khánh, không đả động đến Đại tá Olivier” (Cadière, Nguyễn Suyền, BAVH, 1926, III, t. 264).

Tóm lại, học giả Cadière không chứng minh gì cả, ông xác định thẳng đuột rằng: Thành Diên Khánh là tác phẩm của Đại Tá Olivier, vì Lavoué bảo vậy là đúng như vậy! Và ông còn lớn lối trách Thực Lục không đả động đến Đại Tá.

Là người cẩn trọng, Cadière không nhắc đến lời của de Guignes, bởi vì de Guignes là gián điệp, và chỉ nói bâng quơ: “Olivier và Le Brun cho vua một cái bản đồ thành đài, chứ không nói Olivier và Le Brun xây thành đài, và xây thành đài nào.

Nhưng ở đây, lập luận (cũng chưa phải là lập luận, chỉ là một xác định vô bằng) của học giả Cadière có một lỗ hổng lớn:

Linh mục Lavoué không nói Puymanel xây Diên Khánh, chính ông, học giả Cadière, đã xác định Puymanel xây thành Diên Khánh. Học giả đã xác định như vậy, thì xin học giả chứng minh, Puymanel xây thành này vào lúc nào? Như ông nói là cuối năm 1793, đầu năm 1974. Mà theo Liệt Truyện thì thành Diên Khánh đã xây xong từ mùa hè 1793 và đến tháng 11/1793, Nguyễn Ánh đã về Gia Định. Điểm này chứng tỏ học giả không đọc kỹ Liệt Truyện, cho nên ông mới phạm lỗi cơ bản này. Ngoài ra, ta còn biết: Nguyễn Ánh luôn luôn trực tiếp thị sát tất cả những công việc từ đóng tàu, đúc súng đến xây dựng thành luỹ, thì ông không thể không có mặt trong việc xây một đồn luỹ quan trọng như thành Diên Khánh.

Tóm lại, người ta đã dùng hai câu nói vu vơ, một của điệp viên de Guignes: “Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho [vua] một cái bản đồ thành đài, và một của giáo sĩ Lavoué: “[Vua] mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được, để xác định hai người lính binh nhì, binh nhất Puymanel và Le Brun vừa đặt chân đến Việt Nam, là tác giả xây dựng hai thành trì kiên cố nhất của vua Gia Long thời bấy giờ, bất kể những gì đã ghi trong Gia Định Thành Thông Chí, Thực Lục và Liệt Truyện”.

Taboulet và nghệ thuật xuyên tạc lịch sử

Taboulet được những người viết sử Việt Nam chép lại nhiều nhất, vì ông trẻ hơn Cadière và Maybon, lối trình bầy lịch sử của ông có vẻ “khách quan” hơn, nhưng thủ pháp xuyên tạc lịch sử của ông thâm hậu hơn những người đi trước: Không lộ liễu và thô thiển như Bissachère, Ste-Croix, Faure. Cũng không lý luận, biện giải, chứng minh như Maybon, Cadière. Thủ pháp của ông đơn giản hơn nhiều và hiệu quả hơn. Trong bài tựa sách La geste française en Indochine (Huân trạng của nước Pháp ở Đông Dương) in năm 1955, ông giải thích cách làm việc của mình, như một lối viết lịch sử trung thực nhất: thay vì viết lại lịch sử như một ngòi bút sử gia thường tình, ông chủ trương chỉ trình bầy những chứng liệu lịch sử, những văn bản gốc, để độc giả đọc và phán xét:

Đã có lúc chúng tôi tính giữ lại làm đề từ ở đầu sách, sự phán xét sau đây của Rémy de Gourmont: Ngay thẳng nhất là nhường lời cho những nhân chứng gốc (témoins originaux); có nghiã là lịch sử Pháp đúng đắn nhất là một sưu tập những tư liệu đích thực (receuil de textes)…

Quả vậy, thực là hiếm mà một bài văn xuôi do người thứ nhì viết lại có thể tái tạo đúng bầu khí của những biến cố đã xẩy ra. Rất nhiều khi, cuốn sách, ngay cả những cuốn sách có ý thức nhất, vẫn làm biến dạng dữ kiện, xuyên tạc bối cảnh, không tái tạo lại được bầu khí. Ngược lại, ta có thể nói, sự trích đoạn, tư liệu văn khố, trong chính định nghiã của nó, đã mang sẵn một âm hưởng của sự thực không thể chối cãi được, một sức mạnh của sự gợi lại và một sự giầu có hiển nhiên không sánh nổi. Vì vậy, tin tưởng rằng sự tiết lộ những textes mà ít người biết đến sẽ cung cấp cho độc giả nhiều lợi ích và lý thú hơn là một bài viết gián tiếp của chúng tôi, chúng tôi đã chọn tự xoá mình trước những diễn viên của Huân trạng Đông Dương.[3] (La Geste française en Indochine, I, Avant-Propos, t. 2-3).

Ở một đoạn sau ông viết:

Thay vì chỉ giới hạn trong việc tách rời thẳng thừng những textes, cái nọ cạnh cái kia, chúng tôi quyết định trình bầy, nhiều khi khá dài, những trang được in lại. Chúng tôi đã nối kết, hàn gắn những textes lại với nhau, chúng tôi đã bổ sung bằng những lời bình luận dẫn vào hoàn cảnh, đôi khi mở rộng, mục đích là cung cấp sự giải thích những biến cố mà sử gia, tham vọng hơn nhà bỉnh bút, cố gắng làm sáng tỏ.[4](Avant-Propos, t. 3).

Trong cuốn sách này, ông phân chia từng thời kỳ lịch sử theo niên đại, ông viết bài “đúc kết” từng thời kỳ, trước khi in những tài liệu liên quan. Những bài “đúc kết” được in italique, đề tên là “Texte” và đánh từ số 1 trở đi. Ngay chữ texte này đã nhập nhằng, vì có hai nghiã: texte có thể hiểu là bài, văn bản, hoặc: tài liệu chính xác, tư liệu đích thực (document authentique). Ông đã dùng chữ texte một cách lập lờ, tức là ông đặt tên những bài viết của mình là texte, khiến người đọc có thể tưởng lầm cái mà ông gọi là texte chính là tư liệu đích thực của lịch sử! Nhất là trong bài tựa, ông đã giới thiệu câu nói của Rémy de Gourmont: “lịch sử Pháp đúng đắn nhất là một sưu tập những tư liệu đích thực (receuil de textes). Xứng đáng với định nghiã này của Gourmont, chỉ có bộ Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823 của Andrien Launay.

Sau đây là cách làm việc của Taboulet: Chương VI, dưới tựa đề: Les volontaires français au service de la Cochinchine (Những người Pháp tình nguyện giúp Nam Hà), ông in lần lượt những bài sau:

– Bài đúc kết tình hình chung không có tên, không đánh số, do Taboulet viết, in nghiêng.

– Bài La situation militaire en Cochinchine en 1790-91 (Texte 80) (Tình hình quân sự ở Nam Hà trong năm 1790-91. Taboulet viết. In nghiêng.

– Bản báo cáo của de Guignes (trích trong sách của Faure) với cái tựa như sau: De Guignes, Consul de France à Canton, au Ministre des Affaires Étrangères (De Guignes, Lãnh Sự Pháp ở Quảng Đông gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao). In thẳng.

– Bài “Théodore Lebrun, le premier urbaniste de Saigon (Texte 81) (Théodore Lebrun, nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn). In nghiêng.

Lối trình bầy này rất tinh vi: nếu đọc qua cả 4 bài này, ta tưởng tất cả đều là tư liệu lịch sử, vì sự in nghiêng và vì chữ texte. Thực ra, chỉ có Bản báo cáo của de Guignes là tư liệu, còn 3 bài kia là do Taboulet viết, với luận điệu xuyên tạc của ông về giai đoạn lịch sử này.

Kế đó, de Guignes là agent, tức là nhân viên hay điệp viên, đã được Faure đôn lên làm lãnh sự, nhưng chữ lãnh sự Faure chỉ viết nhỏ trong chú thích, ít ai để ý; khi Taboulet đưa ra thành cái tựa to tát De Guignes, Lãnh Sự Pháp ở Quảng Đông gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao như thế, tức là ông đã thổi phồng cái mà Faure đã thổi phồng rồi, và còn chú thích thêm: Lãnh sự Pháp được thành lập năm nào, năm nào… như để củng cố địa vị khả kính của de Guignes. Cách làm ăn này trải dài trong toàn bộ sách của ông; ví dụ để tôn vinh Puymanel, Taboulet đã tự ý “cho” anh ta đi học trường Louis Le Grand là trường trung học nổi tiếng nhất của Pháp, chỉ dành cho những học sinh ưu tú, v.v.

Không có gì chứng thực việc Le Brun xây thành Gia Định, hoặc vẽ, hoặc xây bất cứ thành phố nào ở Việt Nam, thế mà Taboulet dám để cái tít: Théodore Lebrun, le premier urbaniste de Saigon(Théodore Lebrun, nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn).

Đó là sự xuyên tạc lịch sử trong cách trình bầy tư liệu: biến một bản báo cáo của điệp viên thành thư chính thức của ông Lãnh Sự gửi ông Bộ Trưởng Ngoại giao, do đó gián tiếp cấp cho “lá thư” này một giá trị tư liệu và một tầm mức quan trọng mà nó không hề có.

Hoặc bịa chuyện Puymanel học trường Louis Legrand, cho xứng đáng với danh vị kỹ sư, kiến trúc sư, mà người ta gán cho anh ta.

Hoặc xác nhận Lebrun, lính binh nhất, là “nhà kiến trúc đô thị”.

Ta thử xem Taboulet viết gì trong bài Texte 80, trang 241-242.

Bài này, phần đầu viết về con số những người lính Pháp đến giúp Gia Long (không thuộc điạ hạt bài này, sẽ nói sau); phần thứ nhì viết về “công trạng” của họ với những hàng sau đây:

Ngay từ 1789, Nguyễn Ánh đã quyết định xây dựng kiên cố Sài Gòn. Ông sai hai kỹ sư Pháp của ông là Lebrun và Olivier de Puymanel xây cho ông một thành phố theo kiểu Tây phương và một thành đồn (forteresse). Vai trò riêng của hai vị sĩ quan này khó biết rõ; nhưng phần của Lebrun, rời Sài Gòn đầu năm 1792, chắc là không quan trọng bằng Olivier.

Bản đồ thành phố Sài Gòn dường như do Lebrun vẽ. Điều quan hệ là xây một thành phố theo kiểu Tây phương, kiểu Mỹ, như ta nói bây giờ, với khoảng 40 đại lộ (artères), rộng từ 15 đến 20 mét, thẳng góc nhau, thành phố được bao bọc bằng một vòng thành có những chốt gác cách nhau đều đặn. Bản đồ vĩ đại này dĩ nhiên là được vẽ cho một tương lai xa; dường như chưa bắt đầu xây.

Ngược lại, thành đài mà Olivier de Puymanel là tác nhân chính, đã xây rất nhanh. Theo cha Boisserard (tháng 2/1792) là một thành lũy tốt, với pháo đài (bastions), hào (fossées), cầu rút (ponts-levis), đường trần (chemins découverts), bờ nghiêng (glacis) và lỗ hình bán nguyệt trên tường thành (demi-lunes) Thành hình bát giác, bằng đá ong hay đá Biên Hoà, có tường cao sáu mét và có tám cửa (…)

Công cuộc xây dựng toàn bộ này, đồ sộ đối với thời ấy, chỉ có thể thực hiện tốt đẹp nhờ dùng nhiều nhân công. Những khổ dịch hao tổn sức lực đập lên đầu dân chúng, suýt gây bạo loạn, để diễn tả sự bất mãn của họ đối với những sĩ quan Pháp bị coi như vật tế thần.

Khoảng ba chục thành đài khác cùng thể loại, theo kiểu Vauban, được xây lúc Olivier còn sống, và sau khi ông mất được thực hiện bởi những học trò Việt mà ông đào tạo trong trường của ông. Những thành luỹ này hiện còn nhiều trong những thành phố Đông Dương; những di tích của chúng chứng nhận rằng một tư tưởng Pháp với những bàn tay Pháp đã là nguồn cội sự thành công của Nguyễn Ánh. (Taboulet, La geste française en Indochine, I, Texte 80, t. 242).

Đoạn văn này có mấy điểm đáng chú ý:

1- Không cần dẫn chứng, biện luận, Taboulet xác định những “sự kiện” góp nhặt trên đây, như đã là “lịch sử”.

2- Ông nhập lời của de Guignes với Lavoué làm một: “sai hai kỹ sư xây cho ông một thành phố theo kiểu Tây phương (vì Lavoué không nói đến Le Brun).

3- Câu “Bản đồ thành phố Sài Gòn dường như do Lebrun vẽ “ cũng như cái tít: “Théodore Lebrun, nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn đều là sản phẩm của Taboulet.

5- Trịnh Hoài Đức mô tả thành Gia Định chỉ có 8 con đường. Bản đồ thành Bát quái, in lại trong Địa chí văn hoá Hồ Chí Minh, do Nguyễn Đình Đầu sưu tập, cũng không ra ngoài con số đường sá ấy. Vậy cái Bản đồ vĩ đại với 40 đại lộ, kiểu Mỹ, này không biết Taboulet lấy ở đâu ra? Và nói là bản đồ thành phố chưa xây, thành phố nào?

Một cái bản đồ, chưa chắc đã có, được đưa ra như một chứng từ có thật về nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn: Le Brun, thực chất chỉ là người lính binh nhất, đào ngũ. Thế mà ở người Việt cũng cứ chép lại y như vậy. Thật là xấu hổ và vô ơn đối với tiền nhân, những người đã đích thực vẽ, đắp các thành Gia Định, Diên Khánh và các thành trì khác trên toàn cõi Việt Nam.

6- Đoạn sau cùng: Puymanel xây hơn ba chục thành đài Vauban, Taboulet chép trọn sự nhận vơ của Cadière, chúng tôi sẽ nói đến trong phần Cadière.

Đó là lối viết Texte của Taboulet: Tất cả những lời lẽ tâng bốc sự nghiệp của các “sĩ quan” Pháp, được ông chép lại từ Bissachère, Ste-Croix, Faure, de Guignes… mà không đề xuất xứ, cũng không chứng minh, biện luận, như:

Théodore Lebrun: Nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn (Texte 81, t. 243).

Olivier de Puymanel: “Tổng tư lệnh quân đội Nam Hà,Đổi mới hoàn toàn quân đội của Nguyễn Ánh (Texte 82, t. 245).

Jean-Marie Dayot: “Linh hồn của thuỷ quân Nam Hà,Năm 1792, tiêu diệt toàn bộ hạm đội Tây Sơn, gồm 5 tàu chiến lớn (5 gros bâtiments), 90 chiến thuyền (galères), 100 chiến thuyền nhỏ (demi-galères), tịch thu 137 đại bác đủ loại. Năm 1793, Dayot còn chiếm thêm được, 60 galères Tây Sơn ở gần miền bắc Quy Nhơn” (Texte 83, t. 249).

Tạ Chí Đại Trường sẽ tiếp nhận các loại “thông tin” như thế này trong các Texte của Taboulet và đưa vào Lịch sử nội chiến Việt Nam.

Học giả Trương Vĩnh Ký

Vấn đề đau đớn nhất ở đây, là chính những người viết sử Việt Nam, không những coi thường sử gia triều Nguyễn, hoặc không đọc, hoặc có đọc mà coi như không, và thi nhau chép lại, đắp điếm thêm cho những luận điểm hồ đồ của những ngòi bút thực dân, biến chúng trở thành sự thật lịch sử. Những sử gia như Trần Trọng Kim, Phan Khoang và hầu như tất cả mọi người trong chúng ta, đều bị ngộ độc quan điểm thực dân, đã đổ lỗi cho triều Nguyễn bế quan toả cảng và diệt đạo nên mới bị “mất nước”. Tuy vậy, sử gia Trần Trọng Kim vẫn viết rất sát với Thực Lục và Liệt truyện, nên ông có rất ít sai lầm.

Trương Vĩnh Ký là người đứng đầu, và ngoại khổ trong việc nối gót thực dân. Ông được giáo dục từ nhỏ trong nhà chung, cho nên trong cuốn Cours d’Histoire Annamite (1875), ông sử dụng những điều cực đoan của giới cha cố và những điều bịa đặt của giới thực dân, mà không kiểm chứng, cho nên đoạn sử ông viết về nhà Nguyễn, đặc biệt về vua Minh Mạng nhiều chỗ thực đáng xấu hổ.

Về việc xây thành Gia Định, Trương Vĩnh Ký, năm 1897, đã hợp nhất Thực Lục và lời của de Guignes, để đưa ra xác định sau đây: “Tháng 2 trong năm (1790) vua dạy ông Olivier với ông Lebrun coi xây thành Gia Định tại làng Tân Khai, xây thành bát quái có 8 cửa, xây vách thành bằng đá ong Biên Hòa (Trương Vĩnh Ký, Biên tích đức thầy, Pinho Quận Công, Sài Gòn, 1897, t. 33, trích theo Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử thành phố, in trong tập Địa Chí Văn Hoá thành phố HCM, t. 183).

Chúng tôi không có cuốn Biên tích đức thầy Vêrô Pinhô quận công của Trương Vĩnh Ký, chỉ đọc lời Nguyễn Đình Đầu trích dẫn sau đây: “Theo Biên tích đức thầy Vêrô Pinhô quận công của Trương Vĩnh Ký, thì Bá Đa Lộc trở về xứ Sài Gòn, đem theo, không phải số viện trợ của vua Pháp ký kết mà chỉ được mấy chiếc tàu, chở súng lớn 100 cỗ, súng tay mấy ngàn cây, thuốc đạn cụ túc [đầy đủ] về giúp vua An Nam. Theo sách trên của Trương Vĩnh Ký thì, từ đó việc tổ chức và tập rèn bộ binh của Nguyễn Ánh (tại Gia Định) do Olivier de Puymanel làm lớn đứng đầu hết, đức thầy xin vua thăng thọ quan năm ren vàng cho J.M. Dayot làm thuỷ sư cai quản cả đạo thủy quân với Vannier chúa tàu Long, de Forcant chúa tàu Phụng, Chaigneau chúa tàu Long Phi, Magon de Médine chúa tàu Le Prince de Cochinchine. Nhiều quan thuỷ khác giúp cho Dayot (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 177).

Thay vì dùng những tư liệu gốc do chính Bá Đa Lộc viết ra về những việc này, trong đó ông Bá ghi rõ: ông về tay không, chẳng có tàu nào đi theo cả, đã có sẵn trong kho tư liệu của hội truyền giáo, tại sao Trương Vĩnh Ký không dùng, mà ông lại đi chép những “thông tin” bịa đặt, lấy từ Ste-Croix, Faure… hay những tác giả khác, rồi ông viết lại chắc chắn như đinh đóng cột, và thêm vào vài ba câu của Thực Lục. Vì uy tín học giả của ông, nên những người đi sau như Nguyễn Đình Đầu cũng chép lại ông mà không kiểm chứng.

Tạ Chí Đại Trường

Taboulet được người Việt chép nhiều nhất. Và Tạ Chí Đại Trường là một trường hợp khá trung thành.

Như trên, ta đã thấy hai đoạn văn bâng quơ của de Guignes và của Lavoué, khi vào tay Taboulet, đã trở thành “sự kiện lịch sử” sau đây: có hai thành Sài Gòn, một Sài Gòn to, do ông Lebrun vẽ, lớn lao vĩ đại với 40 đại lộ, nhưng chưa xây và một Sài Gòn nhỏ, do ông Puymanel xây, đó là thành bát giác, giống hệt như thành Bát Quái Gia Định được Trịnh Hoài Đức và Shihõken Seishi mô tả.

Tạ Chí Đại Trường chép lại Taboulet, và sáng tác thêm, như sau:

Việc xây thành này [Gia Định], các tài liệu Tây phương cho biết là do Le Brun và Olivier de Puymanel theo lời yêu cầu của Nguyễn Ánh. Họa đồ phố xá hình như của Le Brun gồm có 40 con đường rộng từ 15 đến 20 thước cắt nhau theo hình thước thợ và dự án này không được thực hiện nhưng Le brun còn ở đến đầu năm 1792 thì rõ ràng việc thiết kế đô thị chịu ảnh hưởng của ông rất nhiều”. (LSNCVN, t. 234).

Để củng cố lập luận thành Gia Định do Puymanel xây, sau khi nhắc lại việc Trịnh Hoài Đức khen thành phố Sài Gòn sau khi xây xong, có hàng lối hơn trước nhiều, và thư của M. Boisserand (2/1792) cho biết có “pháo đài, hào, v.v.” như Taboulet đã dẫn, Tạ Chí Đại Trường viết tiếp: “Nguyễn Ánh muốn làm tức khắc tuy cần phải đợi thời cơ thuận tiện hơn, người ta phải phá nhà cửa, bắt đến 30 ngàn dân làm việc. Loạn nổi lên, dân chúng và quan binh đổ riết cho Olivier và Le Brun gây nên tội muốn bắt giết làm hai ông này phải chạy trốn, nhờ Bá Đa Lộc che chở. Bình yên trở lại, Nguyễn Ánh cho lính về và dân rảnh rang cầy cấy. Chi tiết sau phù hợp với việc sử quan ghi tới hai lần xây cất thành mà không nói lý do ngưng nghỉ: một lần vào tháng ba Canh Tuất như đã nói và một lần sửa sang lại vào tháng chạp năm đó.

Qua những chứng dẫn trên ta biết thành xây theo kiểu phòng thủ Tây phương nhưng cố uốn nắn theo quan niệm phong thủy Đông phương (bát quái). Tuy nhiên hiệu quả phòng thủ của nó vẫn không thay đổi. Từ đấy Tây Sơn không vào Gia Định lần nào để nó được thử thách nhưng đứa em sinh sau nó, thành Diên Khánh, đã chứng tỏ hiệu lực trước đám quân Trần Quang Diệu thiếu vũ khí công phá tương xứng (LSNCVN, t. 234).

Rồi ông xác định: “Bởi vì thành Diên Khánh là của Olivier vẽ ra. Nó là em sinh sau thành Gia Định” (t. 267).

Lối viết của Tạ Chí Đại Trường vẫn không thay đổi, ông thường mào đầu bằng nhãn hiệu “tài liệu Tây phương cho biết, rồi dựa vào một “thông tin” do các sử gia thực dân đưa ra, để viết theo và biện luận đắc lực cho thông tin này.

Ở đây ông chép lại việc “nhân dân nổi loạn của de Guignes, qua Taboulet, nhưng ông còn đi xa hơn Taboulet, không những chép lại mà còn biện hộ điều này là đúng, bằng cách kết hợp hai sự kiện: thành Gia Định xây tháng 4/1790, nhưng đến tháng 1/1791 phải sửa lại, để suy diễn rằng: vậy là đích thực “có loạn”. Taboulet chỉ dám nói suýt có loạn (faillit se soulever) nghĩa là chưa có loạn và Puymanel có công xây thành Gia Định; Tạ Chí Đại Trường chứng minh là có loạnPuymanel xây cả thành Diên Khánh nữa, lập luận của ông dựa trên những điểm sau đây:

– Vì thành xây đường ngang dọc, trật tự như thế, chắc chắn phải do Tây xây.

– Vì thành xây mùa xuân mà đến đầu năm sau nói sửa [Thực Lục] tức là phải ngừng việc xây trong nhiều tháng mà không nói rõ lý do, vậy là có loạn.

– Thành xây theo kiểu Tây nhưng phải làm bộ uốn nắn bát quái cho có vẻ ta.

– Thành Diên Khánh là em thành Gia Định, vì có cùng cha Puymanel.

Thực đáng buồn cho một sự khinh rẻ dân tộc và đề cao ngoại bang đến thế: Lấy cớ gì mà bảo: thành Tây, rồi cố uốn nắn theo kiểu phong thủy bát quái của ta?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Bài Địa lý lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, in trong cuốn Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, nxb TpHCM 1987, t. 127-231 của Nguyễn Đình Đầu là một bài nghiên cứu có giá trị.

Dựa vào Trịnh Hoài Đức, ông tìm đến nguồn cội của thành Bát Quái Gia Định: Năm 1772, sau khi đánh thắng quân Xiêm, Nguyễn Cửu Đàm xây luỹ Bán Bích bảo vệ điạ phương Sài Gòn: “Bán bích Nguyễn Cửu Đàm đã khép kín địa bàn Sài Gòn với ba mặt sông, gồm thâu hầu hết các phố, chợ và các kiến trúc của chính quyền, tạo nên một tổng thể thống nhất về điạ lý, kinh tế, xã hội và bố phòng (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 168). Luỹ Bán Bích được coi là nền móng đầu tiên của thành Bát Quái Gia Định.

Ông cũng thấy thành Bát quái “mang màu sắc Á Đông” nhưng rồi ông vẫn bị rơi vào cái bẫy của Taboulet và những xác định vô bằng của Trương Vĩnh Ký, khi ông viết:

Tên gọi cũng như cách định hướng và những chi tiết kiến trúc, thành này mang màu sắc Á Đông. Nhưng về bố cục và cấu tạo cơ bản, thì thành lại được xây đắp theo kiểu Vauban tây phương. Những ai trực tiếp xây dựng thành Bá Quái? Chính sử ta không thấy kể tên, song nhiều nguồn sử khác cho rằng: Tháng 2 trong năm (1790), vua dạy ông Olivier với ông Lebrun coi xây thành Gia Định tại làng Tân Khai, xây thành Bát quái có 8 cửa, xây vách thành bằng đá ong Biên Hoà (Trương Vĩnh Ký, Biên tích đức thầy, Pinho Quận Công, Sài Gòn, 1897, t. 33). Cụ thể có lẽ Lebun ra hoạ đồ thành Gia Định và được mệnh danh là kiến trúc sư quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn. Còn Olivier là kỹ sư đôn đốc xây dựng thành. Nhưng chắc thế nào cũng có người Việt tham dự” (t. 184-185).

Người Việt mà Nguyễn Đình Đầu muốn nói ở đây là Trần Văn Học, ông có ghi lại công lao của Trần Văn Học ở đoạn sau; nhưng theo ông, người Pháp vẫn đứng đầu, với bản đồ Sài Gòn của Lebrun 1795 (mặc dù Lebrun đã bỏ đi từ giữa năm 1791).

Đoạn kế tiếp, ông chép lại de Guignes, và dùng sự suy diễn của Tạ Chí Đại Trường, để viết thành câu chuyện sau đây:

Nguyễn Ánh đã phải huy động tới tới 30000 dân phu thầy thợ đắp thành Bát quái, đã phải triệt hạ một số nhà cửa làng mạc để lấy mặt bằng. Dân chúng cực khổ. Mầm bất mãn có cơ nguy biến thành nổi loạn vào mùa mưa, lúc ruộng vườn đòi hỏi khẩn cấp nhân công trở về canh tác. Ánh nhượng bộ, giải tán đa số dân phu; đến tháng chạp mới gọi lại để tiếp tục công trình. Hình như thành Bát quái chỉ tạm xong, chứ chưa bao giờ hoàn thành đúng y bản dồ thiết kế buổi đầu (…) Có nhà sử học cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thành Bát quái không được hoàn thành là vì 30000 nhân công của Nguyễn Ánh tập hợp để xây thành đã có lần nổi dậy tìm các kỹ sư đốc công người Pháp mà giết, còn nhân dân bị buộc phải góp công của nhiều quá trong lúc chiến tranh vẫn tiếp diễn, nên nỗi bất bình chống chất, Nguyễn Ánh bị buộc phải tạm ngưng việc xây dựng thành Bát quái là vì vậy. (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 185).

Khổ nhất là những “thông tin” vô căn cứ của “điệp viên” tồi de Guignes, lại được những nhà nghiên cứu của ta chép lại, mà không đặt câu hỏi: tại sao một cuộc loạn to như vậy, mà từ sử chính thống như Thực Lục, Liệt Truyện, đến thư từ của các vị thừa sai, của những người lính Pháp giúp Nguyễn Ánh, hoặc những cuốn sử ngoài luồng như Sử Ký Đại Nam Việt, Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, v.v. không thấy ai nói gì cả?

Một điểm nhỏ nữa cũng cần nêu ra, chúng tôi chú ý đến chú thích số 4, trang 183, sau đây:

Plan de la ville de Sai Gòn fortifiée en 1790 par le Colonel Victor Olivier, réduit du grand plan levé par ordre du Roi en 1795, par Brun, ingénieur de Sa Majesté. Par JM Dayot, 1799. Tạm dịch: Bản đồ thành phố Sài Gòn, do đại tá Victor Olivier bố phòng năm 1790, được ông Brun, kỹ sư của Hoàng thượng vẽ lên bản đồ lớn theo lệnh Vua năm 1795, nay JM Dayot vẽ nhỏ lại. 1799. Tiếc rằng chưa tìm lại được bản đồ lớn vẽ năm 1795. Nếu có, có lẽ còn biết thêm nhiều chi tiết bổ ích về Sài Gòn xưa” (Nguyễn Đình Đầu, bđd, chú thích 4, t. 183.)

Nhà nghiên cứu không cho biết câu này ông trích ở đâu. Có thể đã được rút ra từ câu: “Có một bản đồ thành Sài Gòn do đại tá Olivier vẽ. Rút nhỏ bản đồ lớn do kỹ sư Le Brun vẽ theo lệnh Vua nước Nam (Schreiner, Abrégé de l’Histoire d’Annam, t. 104, note 1.), mà Cadière trong bài diễn văn đọc trước Thống Chế Joffre, đã dùng để làm chứng cho việc Le Brun có vẽ “bản đồ lớn”, nhưng Cadière còn viết thêm: Rủi thay chúng tôi không có bản đồ này trong thư viện (Cadière, BAVH, 1921, t. 283-288).

Nhưng ta có thể đoán là nó được in ở trong một bộ sách vẽ các bản đồ Sài Gòn do Tây in. Mặc dù ở trang sau (t. 185) Nguyễn Đình Đầu có nghi ngờ con số 1795, vì ông biết Le Brun đã bỏ đi từ 1791. Nhưng tất cả những sai lầm tích tụ trong đoạn văn này, tại sao ông không phản bác: ngoài việc Puymanel xây thành Sài Gòn năm 1790, mà chúng tôi đã chứng minh ở trên là không thể. Rồi đến năm 1795, vua sai Le Brun vẽ tấm bản đồ lớn. Bản đồ nào? Le Brun đã bỏ đi từ năm 1791, thì sao năm 1795, vua lại có thể sai y vẽ bản đồ lớn? Rồi Dayot lại vẽ nhỏ lại năm 1799. Dayot bị án tử hình đã trốn biệt từ năm 1795, làm sao năm 1799 y còn ở đó mà vẽ lại cái “bản đồ lớn” của Le Brun?

Vì chúng ta không cặn kẽ tìm tòi, phân tích mọi sự đến nơi đến chốn, cho nên người Pháp thực dân muốn in gì thì in, muốn viết gì thì viết.

(Còn tiếp)

Kỳ tới: Tôn Thất Hội, Trần Văn Học, Vũ Viết Bảo, những tác giả đích thực xây thành Gia Định và Diên Khánh

Xem các kỳ trước:

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-13/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-2/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html


[1] Nguyên văn tiếng Pháp: En 1789 et 1790, si le roi de la Cochinchine l’avait voulu, il aurait reconquis sur-le-champ son royaume. L’arrivée des frégates (la Dryade, le Pandour et la Méduse), ainsi que celle des navires venus de Pondichéry, de l’Ile de France et de Macao, avaient jeté l’alarme chez les ennemis. Le Tonkin attendait le moment de secouer le joug pour reconnaitre son véritable roi. Mais les succès de celui-ci furent peu conséquents, ou mal soutenus. Il prit une province (le Binh Thuan), y laisser des troupes; leur petit nombre les fit chasser; l’espoir revint aux rebelles, outre qu’il fut augmenté par le roi lui-même, par sa conduite. MM. Olivier et Le Brun, officiers français, lui donnèrent un plan de ville fortifiée. Le roi voulut de suite en faire bâtir une, quoique cela exigeât un temps plus favorable. Il a fallu alors vexer le peuple, abattre les maisons et occuper 30.000 hommes pour fortifier une place où le roi espérait se retirer, en cas de revers. Le peuple et plusieurs mandarins se sont soulevés. MM. Olivier et Le Brun ont couru des dangers comme les auteurs du projet. M. l’Evêque d’Adran, en les retirant chez lui, les a délivrés de tout accident. Cependant le calme est revenu, le roi ayant licencié ses troupes et permis à tout le monde de semer du riz. On espère d’une bonne récolte. Alors le peuple ne se plaindra plus.”

[2]Le Roi s’en revint à Gia Định dont il s’était d’abord emparé. Il se fortifia de son mieux, construisit des galères, etc… et engagea M. Olivier, officcier francais, à lui faire une ville à l’européenne dans une des provinces nouvellement conquise. Elle était à peine achevé lorsque les rebelles y accoururent au nombre de quarante mille hommes, résolus de l’escalader; mais tous leurs efforts furent vains.

[3] “Nous fûmes un instant tenté de retenir pour épigraphe de notre ouvrage ce jugement de Rémy de Gourmont: “Le plus honnête serait de donner la parole “aux témoins originaux; c’est en ce sens qu’on a dit que la meilleure histoire de France serait un recueil de textes…”

Il est rare, en effet, qu’une prose de seconde main parvienne à restituer vraiment l’atmosphère exacte des événements. Trop souvent, le livre, même le plus consciencieux, altère les faits, fausse la perspective, ne peut parvenir à recréer l’atmosphère. Au contraire, et par définition même, si on peut dire, la citation, le document d’archives comportent un indéniable accent de vérité, une puissance d’évocation, une richesse expressive inégalabes. C’est pourquoi, persuadé que la révélation de textes peu connus fournirait au lecteur plus de profit et d’agrément qu’un récit indirect de notre plume, nous avons pris le parti de nous effacer devant les acteurs de la Geste indochinoise.”

[4] “Plutôt que de nous borner à égrener sèchement des textes l’un après l’autre, nous avons tenu à présenter, assez longuement parfois, les passages reproduits. Nous avons relié, soudé les textes les uns aux autres; nous les avons complétés par des commentaires de mise en situation, parfois assez développés, destinés à donner autant que faire se pouvait l’explication des événements, que l’historien, plus ambitieux que le chroniqueur, s’efforce de tirer au clair”.

Comments are closed.