Thơ Phan Đắc Lữ

(Nhân đọc tập thơ Bốn mùa tôi của Phan Đắc Lữ)

Hà Sỹ Phu

image

Ai đã từng chia sẻ với Trịnh Công Sơn những nốt nhạc Sầu nhân thế, chắc cũng có thể chia sẻ đôi chút với “nhà thơ thế sự” Phan Đắc Lữ một tiếng thơ đau đời (1) .

Đắc Lữ đau gì vậy?

Ông mất quê.

Còn quê từ tuổi lên mười

Mất quê từ buổi làm người giữ quê.

Chàng trai Quảng Nam năm hai mươi tuổi, đang học tú tài cũng bỏ, bỏ cả người thương ở Sài Gòn để theo tiếng gọi cách mạng đi giữ gìn quê hương. Cha ông là nhà giáo Phan Đắc Lộc, tham gia phong trào Duy Tân chống Pháp nên bị tù tại nhà lao Hội An cùng với Phan Khôi, rồi cũng từ lòng yêu nước mà dẫn cả gia đình theo “cách mạng”:

Cha dìu dắt đàn con năm bảy đứa

Một ngày Thu theo tiếng gọi lên đường

Nhưng mấy chục năm sau thì

Khu vườn cũ nhà ta không còn nữa

Gốc tích xưa còn lại nửa vuông sân

Đất cụ tổ mười ba đời khai phá

Nay đã thành sở hữu toàn dân.

clip_image002Thế rồi “Ngày chớp bể mưa nguồn lũ lụt, Mây xám giăng lợp kín quê nhà”!

Nhưng đâu phải riêng chốn quê nhỏ của ông, mà ra tận thủ đô, đến thăm Hồ Tây cũng thấy “Quan chức lấn bờ xây biệt thự, Chính quyền xẻ đất bán phân lô”. Còn cả non sông thì “Nam quan ải bắc còn… tên gọi, Bản Giốc Cao Bằng mất trắng tay”. Thế là từ cái nhỏ đến cái lớn, cứ cái gì dấn thân quyết giữ thì lại mất, hỏi không đau sao được?.

Nhưng thấm thía hơn cả là mất tuổi Xuân. Cái phần măng tơ đầy sinh lực nhất của đời người mà mất, như một năm đã mất hẳn mùa Xuân, thì còn Hạ-Thu-Đông cũng chỉ là hụt hẫng:

Tôi cũng có bốn mùa như trời đất

Cả tin tôi mất tuổi mùa Xuân

Còn lại ba mùa rơi vào ngõ cụt

Đằng sau lưng là quá khứ trầm luân.

Định vươn ra biển rộng trời cao lại sa vào ngõ cụt? Nhà thơ không dám trách ai, chỉ giận mình “cả tin” nên để “Tuổi xanh chết đuối giữa dòng u mê”.

Chẳng may đi lầm vào ngõ cụt thì ta quay trở ra, về nhà cho khoẻ. Nhưng khổ cho nhà thơ, ông như Lưu Nguyễn, mê theo tiên rồi thì không trở lại được trần gian.

Chút ảo tưởng mùa Thu tôi đã tắt

Tóc trên đầu phơ phất dải phù vân

Ai lá rụng sẽ quay về cội?

Tôi lìa quê thành chiếc lá phong trần.

Không về được cội vì chiếc lá này không chịu chết rụng, nó vẫn sống để kịp nhận ra cái “cội” thân yêu của nó đã “có vấn đề”. Nó chủ động lìa cội,vi vu vào cõi phong trần, nhưng không gió bụi nào giúp nó quên được cội nguồn nơi nó sinh ra.

Cũng như Trịnh Công Sơn, chán đời, bỏ “quán trọ đời” mà bay lang thang, nhưng bay đi đâu được khi trên vai vẫn nặng hai vầng nhật nguyệt, khi không hiểu mình là ai mà vẫn yêu quá cuộc đời này? Cứ thế, định ra đi rồi phải quay trở lại, trở lại rồi lại rũ áo ra đi… cho hết một cõi đi về!

Đắc Lữ tự thấy mình có cái tội “bất kham”, đôi lúc cũng trách mình không sống theo lẽ thường cho “phải đạo”, nhưng không, cái tiếng gọi tự do của hồn thơ trong ông đã thắng, ông quyết “mắc tội” phong trần cho bõ một kiếp phù vân. Ông tạ tội:

Trăm lạy Mẹ! Thêm một lần tha tội

Con lại đi, sống thác gửi quê người

Lá sẽ rụng, nhưng không bay về cội

Xác làm tro, hồn thả gió luân hồi.

(Thề có chết cũng nhất quyết không quay về cội, thói ngao du đến thế là cùng!)

Nhưng nói “quyết” là quyết thế thôi, ông vẫn biết thơ mình chính là tiếng cuốc gọi hồn Thục đế, là Lưu Nguyễn không dứt được lòng trần, nên có lúc chàng lãng tử phiêu du chán rồi lại phải thốt lên “Nỗi lòng thương kiểng nhớ quê dùng dằng”, chứ đâu có dứt hẳn được mà đi. Chất dùng dằng cứ dùng dằng mãi trong thơ Phan Đắc Lữ.

Chính chất dùng dằng, đam mê ấy làm cho thơ ông nói về cái “Buồn” mà không bi luỵ (2), nói về chán chường mà không giấu nổi đam mê. Giận đời đến phải kêu lên là “mất quê”, giận thân là “Tuổi Xuân chết đuối giữa dòng u mê”, mà phồn hoa tứ xứ không đâu khiến được ông nguôi nỗi nhớ quê nhà:

Một ngày sống “bụi” quê hương

Hơn trăm năm sống đế vương quê người.

Tâm sự ấy của ông cũng là tâm sự của bất cứ ai dẫu phải xa cách quê hương nhưng vẫn một lòng thương quê nhớ cội.

Nếu nhiều câu thơ hay nhất của ông ngụ ý phê phán sâu cay, thì khi viết về tình đời thuỷ chung, về một tình yêu miên viễn ông cũng không thiếu những câu thơ đẹp, gây xúc động, gợi nhiều dư âm.

Biết mình là kẻ bị mất tuổi xuân nhưng vẫn mong tìm lại:

Tôi nhóm lửa, dùng thơ tôi làm đuốc

Soi tương lai tìm lại tuổi mùa Xuân

Có lúc mượn rượu, Đắc Lữ đã sống lại hào khí tuổi thanh xuân:

Thế sự lại đầy hai chén rượu

Chén buồn hắt dậy sóng Trường giang

Chí lớn ngàn xưa nhen lại lửa

Câu thơ làm súng khoác lên đàng!

Vẫn muốn góp phần làm một cái gì đáng tầm cho đất nước:

Người về như áng mây trôi

Góp cơn mưa nhỏ thành trời bão dông

Chẳng thế mà năm 1989, khi cuộc dân chủ hoá bắt đầu nổi sóng, Đắc Lữ lại tìm đọc mấy bài viết của Dương Thu Hương để đến nỗi bị bắt giam.

Nhưng cái duyên dáng, mượt mà nhất, nổi sóng nhất ông dành cho tình yêu.

Bị mất đi tuổi xuân thì cũng mất luôn tình yêu thời tuổi trẻ.

Mất thì quyết đi tìm.Nếu tâm sự tìm lại quê hương, tìm lại tuổi xuân đã nhiều khắc khoải thì nỗi lòng tìm lại tình xuân càng khắc khoải bội phần. Tìm lại (trong ký ức) một cô gái Hoàng Mai giữa mùa hoa cải, một cô bạn gái tóc đuôi gà trong ngôi nhà trọ thời sơ tán, một em gái Hải Phòng thời mưa bom bão đạn, giữa nơi đang khói lửa ngút trời, giữa những xác người chết không toàn vẹn, giữa những người vẫn xếp hàng lặng lẽ, mà trên tay nắm chặt phiếu, bìa! (chưa bao giờ tem phiếu lại quan trọng đến sinh mệnh như thời ấy).

Trong khi, với mọi điều thế sự ông chỉ “dùng dằng” nửa ở nửa đi, thì riêng với tình yêu (đôi lứa) ông đã dọn hẳn cho mình một thái độ thuỷ chung như nhất, lòng ông đã quyết một bề say đắm không nguôi, bất chấp “đối phương” có còn mặn nồng thương nhớ hay không.

Em đi lấy chồng, anh vẫn trồng cây si đứng đợi:

Ngày biển động anh tìm em chẳng gặp

Những năm qua em lận đận những phương nào?

Thuyền theo lái, em theo chồng, không trở lại

Anh dong buồm đứng đợi, hứng phong ba

Em đi tu, cắt tóc, cũng không cắt được duyên nợ tình anh:

Niết bàn chín cõi xa xôi

Bước chân trần tục luân hồi về đâu?

Tiếng tim tiếng mõ dàu dàu

Trầm luân lịm tiếng kinh cầu hư vô

Ta đi theo nắng giang hồ

Tìm em giữa chốn người xô bồ người

Dù em đã xa anh, anh vẫn cò kè xin thêm một nụ cười để làm hoa kiểng cho buồng tim dập vùi, xin em thêm một niềm vui để làm dây diều thả gió, xin em thêm nụ hôn để làn môi từ nay bớt dại…, và hứa bừa rằng “Mai sau trong cõi bồng bền(h), Xé trăng làm lụa đáp đền tình chung”! Nhà thơ đã cò kè đến thế thì em cũng rộng lòng ban tặng, chứ chờ ngày anh đáp đền thì khác gì tin vào thằng Cuội!

Mà nhà thơ thản nhiên xưng mình là Cuội thật đấy .

Em đã chọn lúc nửa đêm vắng người mới dám “Dòng dây vục nước giếng trăng/ Để em tắm với chị Hằng nguyên tiêu”, mà nhà thơ vẫn nhìn trộm. Nhìn trộm thấy em lộng lẫy hơn cả chị Hằng, thì tuyên bố thẳng thừng rằng “Ta là chú Cuội cô đơn, Bỏ cây đa xuống làm cơn gió lùa”.(Tàng hình, làm cơn gió lùa lên tận ngọn cây tre để được tự do ngắm nhìn người đẹp cho thỏa!). Đến như chú Cuội cũng say vì tình, chỉ có tình yêu mới “đính chính” được cho lỗi lầm của Cuội, giúp Cuội “hoàn lương”. (Nhưng Cuội “tái định cư” sao được ở cõi trần này, khi cõi trần đã nhung nhúc những siêu Cuội?).

Xin đừng cười nhạo nhà thơ si tình làm chi cho phí công, khi chính ông đã mở lòng ra không hề giấu giếm:

Mai này cách trở quan san

Tang bồng hết nợ, đá vàng lại vay.

Ta tung hoành bốn chân mây

Vẫn không thoát khỏi chân mày mắt em!

Đằng vân giá vũ như Tôn Ngộ Không, tung hoành khắp mấy tầng thế giới mà vẫn chưa ra khỏi mấy ngón tay Phật tổ Như Lai, thì Phan Đắc Lữ tung hoành một đời vẫn chưa thoát khỏi chân mày mắt em cũng có chi là lạ. Anh hùng ở đâu không biết, ngông ở đâu không biết, trước tình yêu vẫn phải “cò kè”. Sự đời vẫn thế, nhưng “cò kè” thật thà và dai như ông Phan Đắc Lữ chắc cũng không nhiều.

Có bạn hỏi tôi nửa đùa nửa thật: Thơ ông Lữ tình tứ quá thế mà phu nhân ông ấy không ghen à? Tôi bảo: Ông cứ yên tâm, không ai yêu vợ con, chiều vợ con, chu đáo với vợ con hơn ông Phan Đắc Lữ! Bà ấy là dược sĩ, học trò trường Dược của tôi, nên tôi biết rõ. Bà ấy yên tâm về ông ấy lắm.

Không biết tiền định thế nào mà các cụ thân sinh lại đặt tên ông ấy là Đắc Lữ. Cái tên như vận vào số mệnh và tính cách của ông. Ông là kẻ thấy mình bị mất và được…đi tìm. Tìm hoài không thấy nhưng cứ mải miết tìm, để hoá thành một lữ khách, lữ nhân, mang mối lữ hoài đi khắp chốn lữ quán nhân sinh vô thường.

Lục bát của Phan Đắc Lữ thường mượt mà, trong khi thơ Đường luật của ông thường sâu cay chĩa vào thế sự, cho nên bản thảo tập thơ “Bốn mùa tôi” của ông mới đây gửi cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã bị cắt hết mọi bài Đường luật.

Còn nếu chỉ được chọn một bài thơ để giới thiệu, để gói ghém một Phan Đắc Lữ thì có lẽ tôi chọn bài Dã tràng.

DÃ TRÀNG

Thời trai xe cát bể Đông

Tuổi già về lại dòng sông quê nhà

Bụm từng bụm đất phù sa

Đắp cho bên lở thành ra bên bồi

 

Một đời làm kiếp mây trôi

Trôi cho hết kiếp luân hồi làm mưa

Mưa là nước mắt tiễn đưa

Khóc sông ra biển mà chưa về nguồn

 

Chiều hôm ra đứng đầu truông

Chim kêu ghềnh đá gẫm thương một đời

Còn quê từ tuổi lên mười

Mất quê từ buổi làm người giữ quê.

 

Dã tràng mưa chán nắng chê

Sông quê gột rửa u mê bạc đầu

Một đời như nước qua cầu

Xuân xanh đâu nữa, mà đau dã tràng.

Đà Lạt tháng 10-2006 –HSP

 

(1) Trịnh Công Sơn cùng với hai anh em Phan Đắc Lập, Phan Đắc Lữ, Hoàng Thiệu Khang… thường rủ nhau đi uống rượu. Nay ba ông Sơn, Khang và Lập đã rủ nhau ra đi.

(2) Buồn là tên một tập thơ đã xuất bản của Phan Đắc Lữ (Nxb Thanh Niên, Hà Nội 2000).

Comments are closed.