“Thời xa vắng”: những mảng khuất lớn của một tác phẩm lớn (hay Cần thêm các cách đọc khác đối với tiểu thuyết của Lê Lựu) `

Trọng Thành

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Lê Lựu Thời Xa Vống học văn bản xuất Nhà vh'

Nhà văn Lê Lựu vừa ra đi ngày 09/11/2022. Báo chí trong nước nhất loạt ca ngợi nhà văn xuất sắc, được coi như một người tiên phong, “chim báo bão” của văn học Việt Nam giai đoạn “Đổi Mới”. Tiểu thuyết Thời xa vắng được nhiều người coi là mở đầu cho dòng văn học “tự nhận thức” tại Việt Nam, với Giang Minh Sài, nhân vật chính mang đầy chất bi kịch trong tiểu thuyết. Lê Lựu rõ ràng là một tác giả lớn, Thời xa vắng là một tiểu thuyết lớn. Tuy nhiên, chúng tôi dè dặt với không khí nhất trí cao độ nói trên.

Theo chúng tôi, các nhà phê bình tại Việt Nam nhìn chung dường như đa phần đã thu hẹp tầm vóc của Thời xa vắng, khi tuyệt đối hoá mảng “tự nhận thức” của nhân vật chính, đề cao quá mức nhân vật Giang Minh Sài, đồng nhất cuộc đời Giang Minh Sài với tiểu sử nhà văn Lê Lựu. Để nhân vật Giang Minh Sài lấn át tiểu thuyết Thời xa vắng, mảng văn học về nội tâm lấn án mạng văn học tả chân về hiện thực xã hội, làm đơn giản hoá, tầm thường hoá Thời xa vắng.

Trong bài viết chúng tôi sẽ giải thích các lý do đã dẫn đến nhận định này, và đề xuất chú ý nhiều hơn đến nhiều mảng khuất có ý nghĩa kiến tạo quan trọng đối với tác phẩm (mà chúng tôi cũng gọi là những phần “Âm Bản”).

PHẦN 1

Từ VƯƠNG TRÍ NHÀN đến PHẠM XUÂN NGUYÊN: MỌI CHÚ Ý DỒN VÀO THÁI ĐỘ ẢO TƯỞNG, LỪNG CHỪNG, DẠI DỘT CỦA GIANG MINH SÀI 

Khá đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam nhìn nhận nhân vật Giang Minh Sài của Thời xa vắng như một sáng tạo rất thành công. Với nhiều người, Sài đã đi vào cõi văn chương bất tử. Sài được ví với một số nhân vật văn học nổi tiếng hết sức ít ỏi của văn học Việt Nam, được đông đảo thừa nhận, như Chí Phèo của Nam Cao hay Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng. Giang Minh Sài, một con người đầy năng lực, một người “anh hùng” trong cuộc chiến tranh khốc liệt (từ đầu những năm 1960 đến 1975), đã không hề hạnh phúc trong đời thường, trong cuộc sống riêng tư. Nửa đầu cuộc đời phải chấp nhận người vợ tảo hôn nơi quê nhà, nửa đời sau lao vào một cuộc hôn nhân đầy bất hạnh nơi thành phố.

***

Ngay sau khi nhà văn qua đời, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên có một bài viết rất ngắn, được nhiều chú ý, tóm lược giá trị độc đáo của nhân vật, được đặt trong dòng chảy văn nghệ (dưới chế độ xã hội chủ nghĩa): “… đó là nhân vật bi kịch đầu tiên của văn học cách mạng nước ta. Cũng là bi kịch của nhà văn hóa thân vào nhân vật. Thời xa vắng không phải là chuyện của một thời đã xa. Giang Minh Sài mang số phận của nhiều người của một thời chưa xa ấy. Cái thời chạy theo cái không phải của mình ở nửa đời trước và ở nửa đời sau là chạy theo cái mình không có. Lê Lựu bằng tiểu thuyết Thời xa vắng đã là một cột mốc của văn học Việt Nam hiện đại. Một cột mốc mở đường cho một dòng văn học tự nhận thức lại thực tại, tự viết từ mình…” (Tuổi trẻ 10/11/2022).

“Bi kịch Giang Minh Sài” là điều mà đông đảo văn nghệ sĩ tại Việt Nam thừa nhận ngay từ khi tác phẩm xuất hiện. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn, ngay vào thời điểm đó đã có bài “Nhận diện con người hậu chiến trong tiểu thuyết Thời xa vắng” (1986, tái bản 2008). Vương Trí Nhàn mở đầu bài viết: “Có những cuốn sách làm cho người đọc căm ghét cuộc sống; có những cuốn sách làm cho người đọc thêm yêu đời nhiều hơn. Còn qua những trường hợp như Thời xa vắng của Lê Lựu, đọc xong, tự nhiên tôi cứ thấy tiếc đời. Có lẽ không chỉ nhân vật trong truyện mà không thiếu người trong chúng ta cũng có một đời sống trớ trêu vô lý thế chăng? Vậy phải sống thế nào bây giờ để khỏi xót xa, ân hận?”.

Một người cũng trạc tuổi như nhân vật Sài, sau khi gặp Sài qua những trang sách của Lê Lựu, tâm sự như vậy. Mà không chỉ riêng anh. Ở nhiều người, ý hướng thiết tha nhìn lại đời mình cứ thấy rộn lên, sau khi đọc Thời xa vắng, người ta lấy Sài ra để soi vào đời mình, vận vào mình. Đó là một thứ may mắn mà chỉ rất ít tác phẩm đạt tới” (hết trích).

Vương Trí Nhàn nhấn mạnh là bất chấp rất nhiều những hạn chế, “cái chất sống tươi ròng nơi tác phẩm” chính là điều tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm, “sự tâm huyết” của tác giả tạo “niềm tin” nơi bạn đọc. Tuy nhiên, cái chất sống tươi ròng của Thời xa vắng không thiên về mô tả, mà hướng đến tự vấn, cật vấn bản thân, hướng đến “tự nhận thức”, “tự nhận thức” để “sống hợp lý hơn”, như ghi nhận của Vương Trí Nhàn. Bài viết không dài của Vương Trí Nhàn – thuật lại một cách tinh tế và tổng quát mạch chính của câu chuyện, theo sát diễn biến tâm lý nhân vật, chỉ ra cả nhiều điểm yếu của tác phẩm (theo đánh giá của ông) – quả là một ấn phẩm không thể bỏ qua đối với những ai quan tâm sâu hơn đến tác phẩm của Lê Lựu.

***

ĐỘC GIẢ MIỀN BẮC NHẠY CẢM VỚI THẤT BẠI CỦA SÀI,

ĐỘC GIẢ MIỀN NAM CHÚ Ý HƠN ĐẾN TÍNH ÁP CHẾ CỦA BỘ MÁY

Gần 40 năm kể từ khi tác phẩm ra đời, cách hiểu nói trên – từ Vương Trí Nhàn đến Phạm Xuân Nguyên – đã trở thành cách hiểu được đông đảo độc giả thừa nhận, như nét chủ đạo của Thời xa vắng. Tạm gọi một cách ví von, “Dương Bản” của tác phẩm (cho dù có thể đây là cách gọi mang lại những cách hiểu nhiều phần sơ giản và phiến diện) là phần gắn với đời sống và tâm lý của nhân vật chính Giang Minh Sài, phần dường như đã được các nhà phê bình tại Việt Nam chú ý trước hết.

“Âm Bản” và “Dương Bản” tương ứng với hai giai đoạn của khâu làm ảnh cổ điển. Tráng ảnh âm, rửa ảnh dương. Bản Âm là bản có trước, tạm gọi là bản gốc, bản Dương là bản kết quả cuối cùng, bản có sau, bản hiển thị. Theo cách nhìn này, mảng bi kịch trong cuộc đời của Giang Minh Sài là phần Dương, phần hiển thị – tiêu điểm của tác phẩm – phần có sau, trong lúc những yếu tố can thiệp xã hội bên ngoài (gia đình – đoàn thể – tổ chức quân đội – tổ chức Đảng) có ảnh hưởng quyết định đến Giang Minh Sài có thể coi là phần “Âm Bản”, phần chìm – phần có trước – phần gốc của tấm ảnh.

Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra là: Phải chăng cho đến nay đông đảo độc giả khi thưởng thức tác phẩm này đã chỉ chủ yếu ghi nhận phần “Dương Bản” này của tác phẩm, trong lúc những phần chìm có ý nghĩa quyết định không kém đối với giá trị của tác phẩm, tạm gọi là phần “Âm Bản”, đã và đang bị coi nhẹ, hoặc bị bỏ qua?

HAY NÓI CÁCH KHÁC, trong tiếp nhận của công chúng, cái vế Sài TỰ ĐÁNH LỪA (Dương Bản) nổi trội hơn nhiều so với cái vế Sài BỊ ĐÁNH LỪA, BỊ THAO TÚNG, BỊ TRẤN ÁP TINH VI (Âm Bản).

Qua một số quan sát và so sánh ban đầu của chúng tôi, xuất hiện một sự khác biệt rất đáng chú ý: đa số độc giả miền Bắc, hoặc gốc Bắc chia sẻ trước hết với cái vế SÀI TỰ ĐÁNH LỪA MÌNH, CHẠY THEO ẢO TƯỞNG (Dương Bản). Ngược lại, đa số độc giả miền Nam, hoặc gốc Nam ấn tượng trước hết với HỆ THỐNG ĐÀN ÁP KHẮC NGHIỆT về tư tưởng của dưới chế độ cộng sản mà người dân miền Bắc phải chịu đựng (Âm Bản). Có thể nói cái nhìn của độc giả miền Bắc là thiên về cái nhìn từ bên trong, tập trung vào hành xử của nhân vật chính, thiên về nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm, khả năng hành động của nạn nhân, mà ít phản ứng trực tiếp với chế độ. Cái nhìn của độc giả miền Nam thiên về từ bên ngoài, quan sát toàn bộ hệ thống, phản ứng bất bình một cách dễ dàng hơn trước những hành xử xấu, ác của chế độ.

***

NHỮNG TRANG VIẾT THUỘC LOẠI HAY NHẤT THEO VƯƠNG TRÍ NHÀN

Trước hết xin trở lại với một số quan sát của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn về một trong những phần mà ông coi là thuộc loại hay nhất tác phẩm:

“Sài đi bộ đội để được xa người vợ tảo hôn và có dịp tự do nghĩ ngợi hơn về một cô gái mà anh yêu và cũng được anh yêu lại. Nhưng chỉ có thế! Do yêu cầu của sự phấn đấu trong bộ đội, anh không dám tiến xa trong mối tình chân thành của mình; rồi trong một lần về phép, anh lại cầm lòng chung đụng với người vợ tảo hôn cũ để vừa lòng mọi người – cả hai việc đều cùng một mục đích là cốt giành ưu thế trong phấn đấu về mặt chính trị.

Khi thuật lại chuyện này, Lê Lựu đã cực tả cái cay đắng trong tâm lý người thanh niên và những trang trình bày lại lối áp đặt vừa thân ái vừa thô bạo của chung quanh đối với Sài là những trang thuộc loại hay nhất của tác phẩm.

Theo cách diễn tả của Lê Lựu, Sài chỉ bề ngoài làm theo ý muốn của mọi người, còn trong bụng, anh rất đau khổ, thậm chí thấy ghê tởm” (chương 5) (hết trích).

Những trang viết của Lê Lựu trong Thời xa vắng được Vương Trí Nhàn ca ngợi nói trên thực sự cuốn hút. Có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhận định “Lê Lựu đã cực tả cái cay đắng trong tâm lý người thanh niên và những trang trình bày lại lối áp đặt vừa thân ái vừa thô bạo của chung quanh đối với Sài là những trang thuộc loại hay nhất của tác phẩm” đã chỉ thẳng vào một số yếu tố thuộc phần Âm Bản của tác phẩm (tức phần khuất lấp, nhưng có ý nghĩa tạo tác quan trọng).

PHẦN 2

VĂN HỌC TẢ CHÂN:

“TRÁI BỘC PHÁ” NỔ TUNG CÁC HÀNG RÀO HUÝ KỴ CHÍNH TRỊ

Tuy nhiên, khác với nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, đối với chúng tôi, những yếu tố thuộc phần Âm Bản, mang lại cái cấu trúc quyết định cho tác phẩm của Lê Lựu, nằm nhiều hơn và trước hết ở bốn chương đầu tiên. Từ không gian gia đình ông Đồ Khang đến không gian làng Hạ Vị, rồi trung đoàn 27 phòng thủ bờ biển, nơi Sài phục vụ lần đầu tiên trong quân ngũ, ở bất cứ nơi đâu cũng có một hay nhiều người kiểm soát và uốn nắn sát sao những suy nghĩ riêng tư của Sài chống lại cuộc hôn nhân đã được sắp đặt, bi coi là chống lại lợi ích của cộng đồng. Ngay từ tuổi thiếu nhi cho đến khi anh đã là người trưởng thành.

SÀI BỊ THAO TÚNG: CÁC THỦ ĐOẠN TINH VI của NGƯỜI THÂN – QUAN CHỨC

Sau can thiệp của Tính, anh ruột Sài, một cán bộ huyện, cả gia đình đã thống nhất buộc Sài, cậu bé hơn 10 tuổi, phải đến xin lỗi bố mẹ người vợ tảo hôn 13 tuổi, để đưa “vợ” trở về sau hành động cự tuyệt trong tuyệt vọng của cậu bé (chương 1).

Sài ngoan ngoãn, học giỏi, trở thành liên đội trưởng thiếu nhi xã. Trong một lần trở về xã công tác, ông Hà, người chú, chủ tịch huyện, trong một buổi sinh hoạt với thiếu nhi, đã thầm thì vào tai, giao nhiệm vụ cho cháu không được “bỏ vợ”, nhiệm vụ của người chú chủ tịch huyện đã được bé Sài tiếp thu một cách gần như vô thức như một nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của tổ chức (chương 2).

Mối tình đầu với Hương ập đến với Sài khi anh 18 tuổi. Việc hai người quan hệ đã tình cờ bị một người cùng làng phát giác. Tai tiếng lan rộng. Nhưng ông chú Hà chủ tịch huyện đã can thiệp kịp thời bịt miệng kẻ phát giác, với những thủ đoạn tinh xảo. Rồi một mặt thuyết phục và dùng áp lực của dư luận để răn đe Hương, mặt khác buộc người cháu, phụ trách thiếu nhi xã, phải ngay lập tức đi bộ đội (chương 3).

Những tưởng vào bộ đội có thể thoát khỏi không khí ép buộc phải sống với người vợ tảo hôn, nhưng trong môi trường quân ngũ, Sài còn bị kiểm soát chặt hơn. Nhật ký của Sài bị phát hiện. Cấp trên kết luận Sài “đã có vợ, nhưng có quan hệ bất chính với phụ nữ, và định đào ngũ” (kết luận căn cứ vào những giấc mơ Sài ghi lại trong nhật ký). Tại đại đội, chi đoàn thanh niên tổ chức “diễn đàn”, “đả phá mạnh mẽ tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng phong kiến bóc lột muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, “khinh thường lao động chân tay” của người tân binh. Đại đội được tiểu đoàn giao cho nhiệm vụ “theo dõi diễn biến tư tưởng của chiến sĩ Sài. Không để tiếp xúc nhiều với các chiến sĩ mới làm ảnh hưởng đến tinh thần hăng say và chí tiến thủ của họ. Các chiến sĩ trong tổ “tam tam” cũng được bồi dưỡng hàng ngày và phát hiện kịp thời những ý nghĩ tiêu cực” của Sài (hết trích).

Khủng hoảng lên đến cực điểm, khi Sài – người tân binh bị buộc tội “ốm tư tưởng” – phải cách ly trong trạm xá, trong tình trạng sốt 40 độ C liên tục trong một tuần lễ. Tình hình tạm được tháo gỡ với sự can thiệp của viên chính uỷ trung đoàn, người được ông chú – chủ tịch huyện nhờ cậy đỡ đầu Sài.

***

THIẾU UÝ HIỂN, người thay mặt ĐẢNG UỶ buộc SÀI phải “THỰC SỰ YÊU” yêu người vợ tảo hôn.

Tuy nhiên, nỗ lực lẩn tránh cuộc hôn nhân ép uổng của Sài đã hoàn toàn thất bại, với sự xuất hiện của thiếu uý Hiển, phụ trách văn hoá của Trung đoàn, người tạo điều kiện cho Sài đi học Đại học để rồi trở lại giảng dạy tại trung đoàn sau đó (chương 4). Thiếu uý Hiển chính là người đại diện cho tổ chức, thúc đẩy Sài phấn đấu vào Đảng. Một mặt kích thích Sài trên con đường thăng tiến, mặt khác, khi mềm, khi rắn, Hiển đã ép Sài đến cùng, phải quan hệ với người vợ tảo hôn để được vào Đảng. Gia đình và quân ngũ, đời sống vợ chồng và nhiệm vụ của Đảng hoà trộn khăng khít. “Chi bộ họp nhất trí kết nạp Sài, với một trong hai điều kiện là phải làm sáng tỏ “Đã yêu vợ thực sự chưa”. Hiển – vừa là ân nhân, vừa là kẻ tàn nhẫn – đã không từ thủ đoạn nào, kể cả việc dối trá Hương đến cùng, khi cô tìm mọi cơ hội để có thể tiếp cận được với anh (chương 5).

Giang Minh Sài không đơn giản chỉ là một nhân vật “chạy theo cái không phải của mình ở nửa đời trước” một cách mộng du, một cách ngu dại, hay ngây thơ, như bình luận của nhiều người. Toàn bộ những dẫn dắt của Lê Lựu trong năm chương đầu của cuốn tiểu thuyết cho thấy, Sài là nạn nhân của cả một hệ thống, từ hủ tục nơi thôn quê, đến sự đồng loã của chính quyền địa phương (với lãnh đạo chính là thân nhân trong gia đình) và các thủ đoạn tinh vi – kỷ luật, mua chuộc, trấn áp đến cùng – trong môi trường quân ngũ. Đó chính là phần “Âm Bản” của tiểu thuyết, đã được Lê Lựu khắc hoạ cực kỳ rõ nét, nhưng nhìn chung đã bị giới phê bình bỏ qua một cách vô thức hoặc hữu thức khi nói về tác phẩm.

Về nỗi bất hạnh của Giang Minh Sài, nhà văn Trần Mạnh Hảo có một đúc kết giàu hình ảnh đầy chua xót, nhấn mạnh đến tính chất nạn nhân của Sài: “Giang Minh Sài bị sống chứ không phải được sống, bị yêu chứ không phải được yêu, bị sướng chứ không phải được sướng, bị khổ bị cô đơn chứ không phải được khổ được cô đơn. Giang Minh Sài như không phải là một cá nhân mà là một tập thể thu nhỏ thành một cá nhân trá hình. Anh ta bị tập thể hóa cả giấc mơ, bị chi đoàn, chi bộ, đơn vị, công đoàn, cơ quan… chi phối cả mọi bản năng sống; làm như sự tiêu hóa của dạ dày Giang Minh Sài cũng là do tập thể tiêu hóa, bộ phận bài tiết của anh cũng là của tập thể bài tiết, trái tim co bóp của anh cũng là trái tim tập thể co bóp, “con chim” của anh dùng để lấy vợ sinh con cũng là “con chim” của tập thể. Với “con chim” tập thể này anh đã hai lần lấy vợ nhưng đều thất bại thảm hại.” (bài “Nhà văn Lê Lựu đã bán linh hồn cho ai?”, năm 2012).

***

ĐÀN ÁP TINH VI CỦA HỆ THỐNG: SỰ GIÃY GIỤA TUYỆT VỌNG của SÀI, của HƯƠNG (PHẦN ĐẦU TIỂU THUYẾT)

Tự vấn, tự nhận thức về những mù quáng, những lầm lỡ của chính mình là một tuyến có thực trong Thời xa vắng, và là một vế quan trọng. Nhưng tuyến này chủ yếu thể hiện trong những chương cuối cùng tiểu thuyết, khi Sài tìm cách thoát ra khỏi những bi kịch trói buộc cuộc đời anh, nhất là với cuộc sống gia đình với người vợ tên Châu ở thành phố. Ngược lại toàn bộ phần đầu của tiểu thuyết dành để mô tả các áp lực nhào nặn tâm lý và hành vi của Sài, đến từ bên ngoài, mô tả một hệ thống tinh vi (với sức mạnh của cái gọi là “dư luận”, là gia đình, là tổ chức) đã đẩy cậu bé, chàng thanh niên Giang Minh Sài, đến chỗ buộc phải từ bỏ mối tình đầu thiêng liêng. Mô tả các thủ đoạn lắt léo, xảo trá, nhân danh lý tưởng, nhân danh sự an ổn của cộng đồng, nhân danh Đảng. Mô tả những vùng vẫy, giãy giụa trong tuyệt vọng của Sài, của Hương, hai kẻ si tình trong trắng, ngây thơ. Trong giai đoạn đầu của tiểu thuyết, cái phần lương tri mong manh trong Sài, trong Hương thoi thóp chống đỡ, nhưng nhanh chóng bị chà đạp, không đủ sức ngóc đầu lên.

Vương Trí Nhàn quả có thoáng đặt ra vấn đề, khi ông nhấn mạnh đến “những trang trình bày lại lối áp đặt vừa thân ái vừa thô bạo của chung quanh đối với Sài là những trang thuộc loại hay nhất của tác phẩm”, tức nhìn nhận các áp lực từ bên ngoài. Nhưng về cơ bản nhà nghiên cứu đã dừng lại trong nhận định: bất hạnh chủ yếu là do đương sự “không biết sống”.

Theo Vương Trí Nhàn, cá nhân Giang Minh Sài phải chịu trách nhiệm trước hết về cuộc đời bi kịch của anh:

“Và toàn bộ Thời xa vắng là tiếng kêu của cả một lớp người cho tuổi trẻ của mình, cuộc đời mình; ngay khi thành đạt trong lập nghiệp nữa, họ vẫn bất hạnh, vì không biết sống.

Có thể bản thân Lê Lựu chưa có ý thức về điều này và một người như nhân vật Sài càng không bao giờ nhận ra điều này.

Nhưng chính nó mới là cảm tưởng mà một người đọc như tôi thu nhận được qua sự miêu tả của Lê Lựu trong Thời xa vắng”.

Trên thực tế, việc đẩy lên tuyến đầu mảng tự nhận thức, tuyệt đối hoá vấn đề tự nhận thức là hạ thấp mảng tả chân cả một hệ thống xã hội – chính trị trong Thời xa vắng, lột tả cội rễ xã hội – chính trị của bi kịch Giang Minh Sài, vừa bị những hủ tục trói buộc, vừa bị hệ thống chính trị đương thời áp chế. Thời xa vắng không chỉ có chuyện nội tâm của Giang Minh Sài. Lê Lựu đã tập trung, dụng công mô tả hệ thống xã hội đã nhào nặn nên số phận bi kịch của Giang Minh Sài như thế nào.

Xét về mặt này, Lê Lựu là người tiếp nối dòng văn học tả chân, ở Việt Nam thường gọi là “hiện thực phê phán”. Ông đã dám phơi bày bộ mặt thực, các thủ đoạn tinh vi của tầng lớp lãnh đạo, cho dù mới chỉ là lớp lãnh đạo cấp thấp của chế độ. Xét theo nghĩa này, Thời xa vắng không chỉ “báo bão”, mà có thể thực sự coi như “một trái bộc phá” làm nổ tung hàng loạt hàng rào kỵ huý mang tính chính trị của chế độ, như hình ảnh ví von của một nhà văn.

Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người và trong nhà

PHẦN 3
HỆ THỐNG TÀN NHẪN: BI KỊCH CỦA SÀI – TÌNH YÊU CỦA HƯƠNG
Không phải ngẫu nhiên mà Thời xa vắng đã gây chấn động khi xuất hiện. Theo chúng tôi, có ít nhất ba “yếu tố” làm nên sức mạnh khác thường của cuốn tiểu thuyết. Thứ nhất là phần “Dương Bản”, số phận bi kịch của cá nhân Giang Minh Sài, con người không dám yêu, không biết yêu. Thứ hai là phần “Âm Bản”, các can thiệp xã hội tinh vi nhào nặn nên bi kịch này. Và thứ ba là phần tác động mang tính tích cực lý tưởng, hoá giải những can thiệp tiêu cực, khiến cho Sài sau bao nhiêu sóng gió, vẫn có thể gượng dậy, đứng lên, tìm lối thoát cho cuộc đời mình. Sài đã trở về quê, tìm công việc được cho là phù hợp, gặp lại Hương.
Cái kết thật buồn, nhưng không tuyệt vọng. Hương đã tha thứ cho anh. Không thể đến với Sài một lần nữa, nhưng cô muốn cùng anh “mãi mãi” gìn giữ kỷ niệm về mối tình đầu thiêng liêng. Mối tình của Sài với Hương dù bất thành, do tính thụ động của Sài, bị nhào nặn bởi các can thiệp, vẫn xuyên suốt cuộc đời Sài. Hương như thiên thần tình yêu, bất chấp các đắng cay, hiểu lầm, thù hận, vẫn không rời bỏ anh, che chở anh, mang lại cho anh nguồn năng lượng sống. Không có Giang Minh Sài nếu không có tình yêu của Hương, tình yêu thương thuần khiết bất chấp mọi thách thức. Thời xa vắng để lại một cái kết ngỏ.
Thời xa vắng trở thành một trong các tiểu thuyết đầu tiên mở đầu giai đoạn văn học “Đổi Mới” ở Việt Nam có lẽ ít nhất vì ba lẽ đó. Phơi bày thế giới nội tâm thất bại và đổ vỡ của con người lẽ ra phải được coi là người anh hùng của chế độ. Phơi bày những thủ đoạn mang tính hệ thống của những kẻ nắm quyền lực, trực tiếp gây ra cái bi kịch nói trên. Nhưng Thời xa vắng không chỉ là một tác phẩm tố cáo, tác phẩm về sự đổ vỡ, về sự lừa lọc, áp chế, mà còn là tác phẩm đi tìm lối thoát. Thời xa vắng không chỉ là một bi kịch, mà còn là câu chuyện về sự tìm đường, đầy khắc khoải, gian truân.
***
CHÍNH UỶ CỘNG SẢN DÙNG “QUYỀN CON NGƯỜI” ĐỂ BẢO VỆ TÂN BINH?!
Ngoài hình tượng Hương, một điểm sáng khác trong truyện là viên chính uỷ trung đoàn Đỗ Mạnh, người được ông chú của Sài nhờ cậy. Nếu như Hương là thiên thần tình yêu, thì Đỗ Mạnh là vị thần bảo trợ và dẫn lối. Bằng quyền lực, nhưng chủ yếu là bằng các tư tưởng về sự công bằng, chính trực, các can thiệp của ông được người dưới quyền tâm phục. Chính uỷ Đỗ Mạnh thậm chí sử dụng đến lập luận về “quyền con người” để thuyết phục cấp dưới tôn trọng quyền riêng tư của Sài, một tân binh (chương 4). Chúng ta biết tại miền Bắc Việt Nam đầu những năm 1960, sau các đợt đàn áp Nhân Văn – Giai Phẩm, rồi chống xét lại, rất khó mà lập luận quyền con người lại được một chính uỷ trung đoàn sử dụng để bảo vệ quyền của một tân binh.
Nhà văn Lê Lựu mô tả sự thực, hay ghép một diễn ngôn có thực của những năm sau này vào miệng người chính uỷ. Câu hỏi hiện để ngỏ. Tuy nhiên, nếu đặt vào thời điểm của đầu những năm 1980, thì vấn đề quyền con người không hẳn là xa lạ với chính quyền Việt Nam. Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước về các Quyền dân sự và Chính trị từ năm 1982. Tham gia Công ước về các Quyền dân sự và Chính trị, một bộ luật quốc tế lớn, trong đó quyền con người là nền tảng, không đồng nghĩa với việc nhân quyền mặc nhiên được bảo đảm thực sự (chúng ta biết Bắc Triều Tiên tham gia từ năm 1981). Tuy nhiên, khẳng định tôn trọng nhân quyền cũng là một cơ hội để Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới (từ năm 1982 đổ về trước, có khoảng 70 nước gia nhập Công ước về các Quyền dân sự và Chính trị, Việt Nam có thể coi như thuộc đợt quốc gia thứ hai tham gia).
Nói chuyện với thế giới cần đến ngôn ngữ quốc tế. Lê Lựu ắt hẳn chú ý đến điều này. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1988, chỉ hơn một năm sau khi Thời xa vắng ra mắt, Lê Lựu trở thành nhà văn đầu tiên của chế độ cộng sản Việt Nam qua Mỹ nhằm tham gia vận động cho hoà giải, bình thường hoá quan hệ.
***
CHÍNH TRỊ: THÔNG ĐIỆP CÔNG PHÁ – KHAI PHÓNG và NHỮNG THOẢ HIỆP LỚN
Thời xa vắng không chỉ đơn thuần là một cuốn sách tự thuật về cuộc đời cá nhân. Để trở thành một trong các tiểu thuyết mở đầu cho thời kỳ “Đổi Mới”, Thời xa vắng còn mang một thông điệp chính trị: tấn công thẳng vào các tư tưởng độc đoán, bảo thủ của hệ thống, đặc biệt trong môi trường quân đội, vốn được coi là thành luỹ của chế độ, đồng thời cổ vũ cho một số tư tưởng nhân bản, mang tính phổ quát, tính quốc tế (là “thông điệp chính trị” bởi ở Việt Nam, trong chế độ cộng sản, về nguyên tắc, chính trị lãnh đạo văn học, văn học phải có ý nghĩa chính trị).

Tính chất phê phán, cách tân và cải tổ trong Thời xa vắng có thể bị nhiều người coi là rụt rè, nửa vời…. Tác phẩm của Lê Lựu ắt hẳn còn đầy tính thoả hiệp về tư tưởng: Tính chính đáng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cuộc chiến tiêu diệt chính quyền Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn là một vấn đề không thể bàn cãi, nguyên tắc bất khả xâm phạm. Nhưng không thể thừa nhận sự hiện diện rõ ràng của các mảng “thông điệp chính trị” khác thường nói trên trong tiểu thuyết của Lê Lựu. Thời xa vắng không chỉ là câu chuyện về nhân vật bi kịch Giang Minh Sài, cho dù Giang Minh Sài được coi là thành công lớn, thành công chính của tiểu thuyết.

PHẦN 4

NÉ TRÁNH NGHIÊN CỨU “THỜI XA VẮNG”?

Thời xa vắng là một tác phẩm đa chiều, đa thanh. Câu hỏi nhân vật Giang Minh Sài là ai chưa hẳn đã ngã ngũ. Giang Minh Sài chưa hẳn đã là sự mô tả mang tính tự thuật về một Lê Lựu thất bại trong cuộc đời. Giang Minh Sài có thể đồng thời là nhân vật đã được Lê Lựu tạo tác để thể hiện cho những mục tiêu khác.

GIANG MINH SÀI CÓ THỰC SỰ NGU NGƠ?

GIANG MINH SÀI VÀ “KHÁT VỌNG TỰ DO, KHÁT VỌNG LÀM NGƯỜI ĐÚNG NGHĨA”

Trái ngược với đông đảo độc giả, nhà văn Trần Mạnh Hảo, một bạn văn thân thiết với Lê Lựu từ sớm, nêu nhận xét:

“Lê Lựu không quê mùa chút nào. Ông đóng vai dân nhà quê để qua mặt thiên hạ, để dễ tiếp cận cuộc đời, trông thật thà như đếm thế này vào dân dân thích lắm, đến nhà quan quyền, quan quyền không thèm cảnh giác, rằng thằng này phi chính trị, không nguy hiểm, kệ bà nó phét lác cho vui. Lê Lựu, giống như nhân vật của ông là Giang Minh Sài cứ ấm ấm ớ ớ thế, giả bộ khật khưỡng, thủ vai ngô nghê mười rằm cũng ừ mười tư cũng gật cho qua chuyện, vạ vật đâu cũng được, dế rách chổi cùn cũng chơi mà mâm son đũa ngà cũng tới. […] Khát vọng tự do, khát vọng được làm một con người đúng nghĩa của nó, được làm chính mình chứ không phải kẻ khác trá hình mang tên mình là thông điệp Lê Lựu gửi chúng ta thông qua nhân vật Giang Minh Sài. Chừng như Lê Lựu đã bán linh hồn cho Giang Minh Sài để đổi lấy nỗi buồn mênh mông trần thế? […].

Lê Lựu đã bán linh hồn cho các tiểu thuyết lớn của đời ông: “Thời xa vắng”, “Chuyện Làng Cuội”, “Sóng ở đáy sông”… để chúng sống mãi với nền văn học dân tộc như các tiểu thuyết gia hàng đầu tiền bối: Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng… hằng sống. Lê Lựu bán linh hồn cho Giang Minh Sài không phải để lấy tiền, mà để lấy nỗi cô đơn kiếp người đeo đẳng ông như số phận. Ông từng bị ma nhập một đời để lên đồng với chữ nghĩa, hạnh phúc với bút mực, ăn nằm với giấy trắng. Lúc tuổi xế chiều ông vẫn phải sống một mình một bóng để tu trọn kiếp trong ngôi chùa có tên là văn chương…” (“Nhà văn Lê Lựu đã bán linh hồn cho ai?”).

***

CHƯA CÓ MỘT CHUYÊN KHẢO RIÊNG VỀ THỜI XA VẮNG

Gần 40 năm sau khi Thời xa vắng ra đời, theo chỗ chúng tôi được biết, cho đến nay, tác phẩm được coi là lớn, là xuất sắc, một cuốn tiểu thuyết mở đầu cho văn học Đổi Mới Việt Nam dường như vẫn chưa có được một chuyên khảo riêng được xuất bản. Thời xa vắng với Giang Minh Sài vừa được ca ngợi, nhưng dường như cũng vừa bị đề cập một cách hạn chế, phiến diện. Đây có lẽ là một điều cực kỳ nghịch lý.

Phải chăng đã có sự tránh né, hoặc vô thức, hoặc hữu thức? Chúng ta biết, đầu những năm 1980, Quân đội là một thế lực rất lớn tại Việt Nam. Việc đổi mới văn học, khẳng định quyền tự chủ, quyền tự do sáng tạo của văn học khó có thể nếu không có những thay đổi chủ động từ phía Quân đội. Tiếng nói và sáng tác của các nhà văn Đổi Mới tiên phong của Quân đội, như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyên Ngọc, ắt hẳn đã đóng vai trò đáng kể trong việc phá vỡ các cản lực bảo thủ.

Chỉ ra những giá trị đa dạng trong sáng tác tiêu biểu nói trên của Lê Lựu ắt cũng góp phần giúp cho việc phục dựng đầy đủ hơn hành trình đã dẫn đến “Đổi Mới” văn học, một mảng chính trong tiến trình Đổi Mới về tư tưởng của chế độ cộng sản Việt Nam, với các đột phá cũng như các hạn chế.

Nguồn: FB Trọng Thành, Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

Comments are closed.