Dạ, tôi là Sáu Dân (trường ca)

Thanh Thảo

 

Về một con người đích thực

Nguyên Ngọc

 

Gần đây Thanh Thảo thường gửi cho tôi các sáng tác mới của anh, gần như vừa viết xong thì anh gửi ngay, những cái vừa ra lò, còn nóng hổi hơi lửa bếp, chưa đưa cho báo nào, thậm chí chưa ai được đọc; cũng có khi chưa xong hẳn, anh vừa gửi vài giờ trước lại gửi tiếp bản sửa anh bảo “hoàn chỉnh hơn”, mà cũng thường “hoàn chỉnh hơn” đến mấy lần liên tiếp. Điều ấy rất thú vị đối với người được tác giả coi là tri âm: có thể lắng nghe chuyển động tinh vi của một tác phẩm đang trằn trọc hình thành, lần theo một cuộc hoài thai.

Tôi cũng chú ý: anh chỉ gửi cho tôi toàn Trường ca, tức là, theo tôi hiểu, những gì ít nhiều có tính “sự tích”; những sự tích đó, chắc cả anh và tôi cùng ngầm hiểu, đều có liên quan theo kiểu nào đó, trong một chiều sâu nào đó, với cả hai chúng tôi. Tri âm nhắn gửi cho nhau. Lần trước là “sự tích” về người Mông, có lẽ là dân tộc kỳ lạ nhất trên thế giới anh với tôi đều từng nhỡ phải lòng. Lần này là trường ca về ông Sáu Dân, những người ít nhiều có quen biết thường thích gọi ông như vậy thay vì “Thủ tướng Võ Văn Kiệt” trang trọng và hơi xa cách. Tôi gặp ông và gần gũi, thật tiếc, chỉ vào khoảng 5 năm cuối của đời ông. Hồi ấy đang có Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, ông muốn theo mô hình đó lập thêm một viện chuyên nghiên cứu về văn hóa. Có ai đó tiến cử tôi. Gặp nhau và đang bàn tính, thì đột ngột ông mất. Tôi gặp ông muộn và ít, nhưng thường nghĩ về ông nhiều. Trong bao nhiêu điều về ông, tôi chỉ xin nói một điều này: ông là người khởi xướng và tổ chức, lặng lẽ, kiên định, hiệu quả việc khôi phục những khuôn mặt văn hóa lớn song lại có số phận éo le của Nam Bộ, những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phan Thanh Giản … Không chỉ của Nam Bộ, ông cũng là người có tác động quan trọng trong việc tổ chức định giá lại công bằng vai trò và công lao của các Chúa Nguyễn, các triều vua Nguyễn … Gần như chẳng có chút học vấn trường quy nào, nhưng không biết nên diễn đạt thế nào nhỉ, ông thực sự là một nhà văn hóa, trước hết là một nhà văn hóa, thôi thì nói cho gọn, một nhà văn hóa theo nghĩa đích thực nhất của cách gọi đó. Trí tuệ, tài năng, nhân cách, đức dũng cảm trí thức, và giản dị một cách rất tự nhiên. Sự giản dị của người biết thấu đâu là chân giá trị ở đời. Còn dũng cảm ư? Giữa chiến trường chẳng thiếu. Song nghĩ xem, có người cộng sản nào ở nước ta, về ngày 30 tháng Tư năm 1975, dám như ông nói rằng “có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn”? Tôi thường hình dung khi nói như vậy ông thực sự rất buồn …

Thanh Thảo muốn viết một bản trường ca về con người đó, mà, anh kể với tôi, anh chỉ gặp có mỗi một lần, đúng mười lăm giây. Cách đây gần nửa thế kỷ. Ngày Thanh Thảo còn là một cậu lính rất trẻ, công tác tại cơ quan Binh vận thuộc R (cơ quan Trung ương cục miền Nam), đâu đó trong những khu rừng bí mật Tây Ninh. Chiến tranh, nhưng lính Nam Bộ mà, huống nữa lại là nhà thơ, dù chưa nổi tiếng: rất tự do! Một hôm Thanh Thảo cùng một cậu bạn kéo nhau đi uống rượu ở đâu đó về, trên đường rừng, trời nóng, họ cởi phanh áo, vừa đi vừa ngâm thơ, không phải ngâm mà là hát, hát thơ, hát toáng lên giữa rừng … Thì gặp một đoàn người đi xe đạp tới. Người đi đầu là ông Sáu Dân – Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy. Hai anh chàng thi sĩ tự do biết quá đi chứ, cấp trên to nhất của họ mà, nhưng họ định cứ giả lờ đi, vẫn cởi trần, vung áo lên đầu, và oang oang hát thơ. Không ngờ ông Sáu xuống xe. Chẳng để làm gì cả. Để bắt tay chào hai chàng lính trẻ thi sĩ. Vậy thôi. Rồi lại lên xe, đi …

Tất cả chỉ có mười lăm giây, Thanh Thảo nhắc đi nhắc lại với tôi. Chính cái mười lăm giây đó đẻ ra bản trường ca hôm nay. Một tác phẩm nghệ thuật – một bản trường ca càng vậy chăng – bao giờ cũng chỉ được sinh ra từ một chấn động. Thanh Thảo thật sự bị chấn động bởi mười lăm giây đó. Có một câu hỏi, thoạt xem ra chẳng có gì quan trọng cả, nhưng đeo đuổi anh mãi cho đến bây giờ: Tại sao ông ấy lại làm như vậy? Ông ấy có thể thản nhiên đi qua. Nhiều lắm, có thể vẫy tay chào. Rồi đi. Sao ông lại dừng lại, lại xuống xe, bắt tay hai anh lính cởi trần trùng trục giữa rừng, còn nồng nặc hơi rượu, lang thang và nghêu ngao hát thơ?… Văn học nói cho cùng bao giờ cũng là viết về con người, là sự ngạc nhiên không bao giờ dứt về con người, là sự cố gắng mãi mãi, không cùng tận tìm cắt nghĩa con người. Và con người, có khi, chỉ cần qua một ứng xử rất nhỏ, rất “tự phát” nghĩa là chẳng cần, chẳng có tính toán gì hết, hoàn toàn tự nhiên, lại có thể bộc lộ tất cả, cái chất người sâu nhất của họ. Toàn bộ. Con người ấy, ông Sáu Dân – Võ Văn Kiệt từng làm đến Thủ tướng, từng quyết định và chịu trách nhiệm những vụ đại sự quốc gia. Trong đó, như ta đều biết, vụ làm đường dây 500 kilô vôn xuyên đất nước, hồi đó đã gây tranh cãi lớn, đến mức một Bộ trưởng, là cộng sự đắc lực nhất của ông phải vào tù. Ngày khánh thành công trình khổng lồ ấy, ông Sáu Dân mang một chai sâm banh vào tù cùng nhậu với vị Bộ trưởng đang ngồi tù của mình. Lẽ ra một chai rượu đế mới đúng, nhưng e vậy phạm quy chế nhà tù. Họ uống rượu với nhau, cười ha hả: Làm được công trình này, ở tù cũng đã! Hai con người hạnh phúc!…

Đối với Thanh Thảo, mấy con người đó, ông thủ trưởng hồn nhiên xuống xe đạp bắt tay anh lính thi sĩ trẻ giữa rừng Tây Ninh chiến tranh, và ông Thủ tướng mang rượu vào nhà lao uống với ông Bộ trưởng ở tù thời bình, cả con người thiết tha trả lại sự công bằng lịch sử cho những trí thức lớn và những triều đại éo le của dân tộc, con người ngày 30 tháng Tư tư lự nói rằng “có một triệu người buồn”…, là một. Chỉ có thể là một. Bản trường ca này là nỗ lực sáng tạo, là ước vọng nghệ sĩ, mong muốn nói về con người là một đó. Một con người đích thực đất nước từng có được, một thời.

 

 

Dạ, tôi là Sáu Dân

Là tôi thưa với nghĩa ân tình người

Tôi thưa với nhân dân tôi

Thưa cùng đất nước muôn đời Việt Nam

 

Vợ con tôi giờ này ở đâu

Đáy sông nước êm hay nước xiết

Lục bình trôi mải miết

Hồn vợ con tôi nương náu nơi nào

Nửa khuya buồn một tiếng quốc kêu

Sao con tàu lại tên Thuận Phong

Sao vợ con tôi lại ngồi con tàu đó

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá về đồng ăn cua

Bây giờ ăn gì cũng vậy thôi

Đâu còn vui nữa

 

Tôi cũng có những 0 giờ của mình, nào ai biết

Tôi cũng có những phút giây thảm thiết

Nào ai hay

Cuộc đời tôi không là diễn văn dài

Hay điếu văn ấn tượng

Tôi không muốn khi đứng lên nằm xuống

Lại có người tụng ca

Cuộc đời tôi bùn với đất chan hòa

Dù ngồi ghế Thủ tướng

Tôi không bao giờ mơ tưởng

Mình đứng trên mấy chục triệu người

Mấy chục triệu đồng bào tôi

Đứng trên làm gì hay để đè họ xuống

Tôi không bao giờ tưởng tượng

Mình làm được điều thất đức này

 

Vua Hùng xưa cũng không làm như thế

 

Dù thời ấy

Dân ta chưa đủ triệu người

Dù thời ấy

Chữ S chưa lượn sóng như bây giờ

 

Và Bà tôi còn nói:

“ Đồ trì ô trí mâm”

Tôi không hiểu

Có lẽ

Đó là một ngôn ngữ khác

 

Bao người vượt biên chết giữa đại dương

Vợ con tôi chết trên sông Sài Gòn

Vì bom Mỹ

Ngày Thống Nhất triệu người vui có triệu người buồn

Triệu người đoàn viên triệu người ly tán

Bơi về phía nào cũng đời tị nạn

Một biển Đông ken đặc hiểm nguy

Tôi làm sao thanh thản

“Nếu làm không được, người ra đi phải là các anh!”

Vâng, người ra đi là tôi, không ai khác

Ra đi như tiếng nấc

Vì để khổ dân mình

Ra đi như gió phất

Gửi trên rặng trâm bầu bình minh

 

Tôi biết rằm tháng Bảy bà con cúng hàng triệu sinh linh

Qua mấy cuộc chiến tranh loạn lạc

Ai cũng có thể là cô hồn phiêu dạt

Ai cũng có thể húp cháo lá đa tìm cõi Niết Bàn

Cõi ấy ở đâu tôi nào biết

Ba lạy này kính lên tiên liệt

Tôi là Sáu Dân nguyện chung số phận với mọi người

Ngay trên trần thế này thôi

 

Có anh bạn tâm giao

Ở một nhà hàng mậu dịch Quảng Ngãi

Hai Văn lúi húi làm bếp đãi tôi món siêu rẻ

Siêu ngon

Hai anh em chén tạc chén thù

Trăng trên đầu như đang vào thu

Bên một cầu thang gỗ

Đời tôi chưa phút nào nhẹ nhõm thế

Chúng tôi nói với nhau toàn chuyện tầm phào

Ăn với nhau một món tào lao

Uống rượu đế

Cười ha hả

Không nghị quyết không chỉ đạo

Chỉ một bát cháo

trắng với hột vịt muối

Lúc hừng đông

Trăng đã lặn về Thạch Bích tà dương

Ánh mờ như tiếng vọng

 

Quê tôi ở Vĩnh Long

Không biết vì sao mình yêu Quảng Ngãi

Có lẽ tổ tiên từng ở đó

Hay không phải?

Nhưng tổ tiên tôi là lưu dân

Không lang thang từ Bắc vào Trung rồi vào Nam

Thì còn đường nào đi nữa?

 

Có một nhà thơ hồi ấy trẻ

Hình như bây giờ đang viết cái gì về tôi

Tôi chỉ gặp anh một lần đường rừng vắng vẻ

Nhưng tôi biết anh này ngang hơn cua

 

Có gì đâu những người yêu nước

Không ai giống ai hết

Chúng ta giống nhau ở rừng

Chúng ta giống nhau ở địa hình

Chúng ta giống nhau khi hành quân vượt cung đường nguy hiểm

Chúng ta giống nhau khi đội bom

Chúng ta giống nhau khi sốt rét

Giống nhau cả khi chết

 

Nhưng mỗi chúng ta có một cuộc đời riêng

Và những nghĩ suy khác biệt

Có yêu thương nhau mới là đồng chí

Còn không biết yêu thương thì vô nghĩa

 

Đó là bài học tôi rút tỉa

Không dám dạy ai, chỉ tự răn

Hay vì tôi giống bên ngoại

Giống dòng sông tha thẩn trong lành

Hồi trẻ người ta bảo tôi hay quậy

Nhưng ai thấy tôi cười đều nói thằng này dễ thương

 

Thì dễ thương mới đi làm cách mạng

Dễ thương mới biết thương bà con

Mình chỉ là người hên xui tận mạng

Cuộc đời như một chiếc bánh phồng

Có lúc bánh phồng rồi bánh dẹp

Nhưng bánh làm thơm miệng bao người

Quê tôi cũng nghèo nghèo như chiếc bánh

Nén bao khao khát tận vòm trời

 

Từ sông Cổ Chiên tới Vàm Măng Thít

Nghìn lò gốm làm nên thành-phố-đỏ

Cứ san sát những cuộc đời đất nung

Thầm cháy bao ngọn lửa ven sông

Nơi bầy ngựa thường tươi vui gặm cỏ

 

Sao con ngựa đất nung ấy mặt buồn rười rượi

Người ta bảo đó là giống ngựa Chàm

Nó buồn như thế đã nghìn năm

 

Tôi chợt hiểu: một khi mình mất nước

Đến con ngựa cũng không sao vui được

 

Tôi đi làm cách mạng từ cuộc đời buồn của mình

Cuộc đời thằng thiếu niên ở đợ

Ngày mới sinh được cõng khắp làng

Bú chực sữa những bà mẹ nông dân

Tôi lớn lên nhờ dòng sữa ấy

Ơn huệ này trọn kiếp chẳng hề quên

Nhìn con ngựa bằng đất nung

Tôi cứ muốn nó vui lên một chút

Ngựa Chàm ơi, mày đừng buồn thế nữa

Mắt yêu thương lấp lánh nghĩa tình

Hãy thay đổi đời này. Nếu có thể

Rồi vân vi kể chuyện đời mình

Và ngay trong đêm tối, hãy tin

Lưng trĩu nặng đang thồ đầy ánh sáng

 

Con ngựa buồn nhìn tôi, mắt nó ngân ngấn

Tôi là Sáu Dân, tôi cảm nhận điều này

Mỗi giọt nước mắt buồn đều làm bật một chồi cây

Và đó là Cách mạng

 

Đời tôi gối đất nằm sương

Cuốn theo chiều gió đưa gió đẩy

Tôi về một đồng sen hoa mây mẩy

Nơi người tôi yêu chờ đợi cả cuộc đời

Giá mà sen nói được

Chúng tôi thương nhau làm sao

“Tôi cưới vợ chứ không lập chi bộ”

Hình như tôi nói thế

Khi người ta muốn tôi phải cưới vợ đảng viên

Tôi chỉ yêu cô gái ấy

Nhà cô giàu hay nghèo thì cũng vậy

Cô có phải đảng viên hay không thì cũng thế

Vợ chồng tôi sinh các con tôi

Như tất cả mọi người

 

Giờ này em ở đâu

Hãy chờ anh chờ anh, trời ơi

Bây giờ tôi mới hiểu

Vì sao con ngựa đất nung buồn thất thểu

Nó đã mất vợ mất con rồi, có thể

Nó mất luôn một tổ ấm bình thường

Tôi-một tá điền

Em-một bông sen

Nếu không có cuộc chiến tranh chúng mình đã yên ả vô cùng

Xin nói thật-tôi không màng chức tước

Nó không mang lại hạnh phúc

Mà tôi tìm kiếm suốt đời

Cái hạnh phúc trong xanh mơ hồ

Như hơi thở

 

Suốt đời tôi là con nợ của nhân dân

Với hạnh phúc tôi lại là chủ nợ

Có khi nụ cười như tấm rèm cửa

Dấu những khoắt khuya côi cút một mình

 

Biết đau khổ mới đi làm cách mạng

Biết yêu thương mới là người cộng sản

Biết nhường bạn chén cơm mới thấu lẽ nhân tình

Tôi là Sáu Dân, tôi nghĩ vậy

Nếu có gì không phải

Xin chước cho

 

Ngày khánh thành đường dây 500 KV

Tôi vào trại giam Thanh Xuân thăm anh Vũ Ngọc Hải

Lẽ ra mình nên mang chai rượu đế

Nhưng sợ phạm qui nên

Tôi mang theo một chai sâm-banh

Khui rất nổ

Hai anh em ngồi lai rai

Uống rượu trong tù không biết sướng hay khổ

Uống rượu trong tù lòng mừng quá cỡ

Từ nay lưới điện quốc gia chan hòa

Tận Cà Mau rồi Phú Quốc

Tôi tin ánh sáng sẽ tới với dân mình

Xin lỗi anh, anh Hải

Vì dự án này anh chịu khổ

Anh ở tù thay tôi

Nhưng bao người thợ thi công đường dây

Họ treo mình trên vách núi

Có những người nằm lại

Một góc rừng

Họ còn khổ hơn cả tôi và anh

Nào, cạn ly

Ở tù mà dân được nhờ

Thì cũng đáng!

 

Tôi chỉ là người đơn giản

Đơn giản – tôi là Sáu Dân

Nếu làm được gì cho Ân Nhân

Mình không làm – là có tội

Ngày Thống Nhất tôi vui lắm chớ

Nhưng tôi cảm hết nỗi âu lo

Ngay trên thành phố Bác Hồ

Sao tôi bỗng nghĩ suy không đơn giản

Không có cái tự kiêu người chiến thắng

Nhưng tôi hiểu mặc cảm người thua trận

Là người Việt Nam đừng hơn thua nhau sau cuộc chiến này

Một cuộc chiến quá nhiều khổ đau hệ lụy

Một bàn thờ hai đứa con khác phía

Mẹ dứt ruột đẻ ra giờ cư xử thế nào?

Anh đừng nói chúng tôi là cộng sản thì không phải quốc gia

Tôi không chiến đấu cho đất nước này thì cho ai? Chẳng lẽ cho Tàu cho Mỹ cho Nga?

Tôi thuộc về dân tộc tôi từ trong máu

Nhưng chúng ta cần làm lại

Ngay trong đầu mình

Bây giờ người ta gọi là “tái cấu trúc”

Vâng tôi đã tái cấu trúc đầu tôi

Nhưng nó vẫn vẹn nguyên đầu người Việt yêu nước

Đầu luôn dúi về phía trước

Nghĩ cho dân là nghĩ dám làm

Dám chấp nhận hiểm nguy dám đánh cược

Có hai câu thơ của một nhà thơ Việt

Tôi tâm đắc tới giờ :

Người yêu nước vốn chịu nhiều thua thiệt

Có được chăng những tha thiết tim mình” (*)

Cái tôi được là niềm tha thiết

Cái tôi được nằm ngay trong thua thiệt

 

Chị Ba Thi ơi, hãy xuống đồng bằng mua gạo

Cứu dân Sài Gòn

Chị có bị tù thì tôi mang cơm

Đừng để dân mình đói

Trong khi gạo đồng bằng thừa mứa

Không biết bán cho ai

 

Có những nghịch lý một thời

Không giải quyết chỉ bằng chém gió

Mình nói trải thảm trọng người giỏi

Sao nhân tài cứ bỏ mình mà đi

 

Tôi biết ơn những người cộng tác

Những người tài hơn tôi học rộng hơn tôi

Họ thương tấm lòng tôi chân thực

Nên tình nguyện bên nhau giúp đời

Không có họ làm sao miền Tây thoát lũ

Rồi tứ giác Long Xuyên đổi thay gương mặt đồng bằng

Năng suất lúa vụt lên nhiều tấn

Sếu đỏ lại bay về Tràm Chim

 

Đừng nghĩ bản thân mình nhiều quá

Mà biết sẻ chia với tấm lòng

Để làm gì em có biết không?

Để gió cuốn đi

Để gió cuốn đi…” (**)

Tôi yêu người nhạc sĩ ấy

Người cho tôi nếm trải

Mình có thể đứng lên từ một khúc nhạc buồn

Người cho tôi chiếc lá

Xanh như là giọt lệ tuôn

Tôi đã thiệt thòi nhiều thứ

Cho tôi một phút lắng lòng

Thế giới này quả thật mênh mông

Cuộc đời còn thơ ca và âm nhạc

 

Có thể tóc bạc nhiều tôi mới biết

Điều đơn giản này

 

Và một đêm mơ khải ngộ niềm khác lạ

Ánh sáng tràn ngập cả

Tôi giữ khoảnh khắc ấy cho riêng mình

 

Sắc sắc không không

Có khi là sắc sắc không không

 

Nhưng còn gánh nặng trần gian

Mình không gánh hỏi ai mang thay mình

Tôi xin theo Lục Vân Tiên

Xin theo Tử Trực Hớn Minh Tiểu Đồng

Xin theo những bước thong dong

Nhà thơ mù ấy sáng lòng muôn thu

 

Vâng, tôi đã khóc mỗi khi đọc thơ Đồ Chiểu

Với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”

Chúng ta có thơ và nhà thơ như thế

Không bao giờ mất nước!

 

Chợt nhớ nhà thơ Chim Trắng

Anh Bến Tre còn tôi Vĩnh Long

Tôi với anh đều xin họ mẹ

Chắc còn nhiều uẩn khúc trong lòng

Nhưng có chi trên đời ấm êm hơn mẹ

Có chi trên đời hơn nơi ta sinh đẻ

Những hàng cau quê ngoại

Rực sáng dưới nắng chiều

Anh Chim Trắng lấy họ Hồ là nhà thơ

Tôi lấy họ Võ

Không làm thơ

Chúng tôi giống nhau ngay lành mọc thẳng

Như cây cau với cây dừa

 

Một mai

Rồi tụ về nơi ấy cả

Không biết có còn cơ hội

Tự kiểm đời mình

Nhớ tới điều đó

Để hôm nay sống với nhau chân tình

 

Ánh sáng mỗi ngày đều như thế

Nhưng tôi cần một ánh sáng khác hơn

Soi lại cả những gì đã cũ

Những khổ đau dằn vặt tủi hờn

Không ai mới sinh đã hoàn hảo

Ánh sáng cũng vậy

 

Tôi thương thằng Dũng con tôi

Nó chết còn trinh trắng

Chưa một lần tỏ tình

Tôi không hiểu làm sao mình đồng ý cho nó xuống chiến trường

Biết nơi đó mười chết một sống

Nhưng con tôi giống tôi

Nó đã quyết thì không thể cản

Tôi làm cha đau đớn khôn cùng

Con ơi, cha mắc nợ con

Món nợ ấy muôn đời không trả được

Nhưng nước có giặc

Cha biết làm sao?

Cha mất con

Đất nước mất hàng triệu người con

Cứ tới mùa bông điên điển thắm vàng

Những đồng sen dâng hương theo nước nổi

Con tôi dừng ở tuổi hai mươi

Như một bông hoa không bao giờ nở lại

Một bông hoa trong lòng cha tê tái

Thôi con về với mẹ, các em con

Đợi cha, cha sẽ cùng sum họp

 

Những việc nhức đầu đều là việc nước

Tôi không biết tránh vào đâu

Những người ghét tôi những người thương tôi

Họ không thể nói tôi không trung thực

Điều tôi nghĩ tôi nói có lẽ họ đều biết

Chỉ có điều ai nói ra thôi

 

Khắc kỷ trong niềm tin

Nhưng tôi sống tươi vui đơn giản

Ai bảo làm chính trị không có bạn

Tôi nhiều bạn và chơi hết mình

 

“Đồng chí” là cái gì thật khó

Nhưng khó hơn là “đồng lòng”

Bởi lòng người vốn rất mênh mông

Ngày đám tang tôi người ta đuổi các nông dân mất đất chạy có cờ

Cả những bà mẹ từng mang cơm xuống hầm bí mật nuôi tôi

Sao lại thế?

Chúng ta không bảo vệ dân

Dân không bảo vệ ta

Thì làm sao ta bảo vệ được mình?

 

Bài học không chỉ thời chiến tranh

Mà ở mọi thời

 

Về Đồng Tháp mùa nước nổi

Ngắm những vùng sông trắng xóa cá linh

Những con cá nhỏ nhoi trôi dạt

Vì đâu chúng kết nối tận tình

Vì chúng biết nâng nhau nương nhau theo dòng

Trên đường ra tới biển

 

Ông Lý Quang Diệu nói đúng

Có những lý do khác nhau khiến chúng ta để vuột nhiều thời cơ

Chúng ta đã tụt hậu

Đây không phải thơ

Đây là xót xa bật thốt nên lời

Từng thấm nỗi đau nô lệ

Nay thêm nỗi đau dân nghèo nước nhục

Vì không bằng lân bang

Đã yếu thì ra đường hay sợ gió

Thì dễ bị người ta ăn hiếp

Tôi hiểu điều này từ bản thân tôi

Số phần thằng thiếu niên ở đợ

Đã cải họ Phan sang họ Võ

Mà chưa đổi được đời

 

Đừng để cả dân tộc đi ở đợ

Dù làm thuê cũng là chuyện thường tình

Nhưng tôi muốn Việt Nam có nhiều ông (bà) chủ

Họ giàu lên đàng hoàng cho đất nước giàu lên

Biết cái hố cách ngăn đầy đau xót

Xóa nó đi đâu có dễ dàng

Nhưng đó là phần việc của những người như tôi như anh

Và bao lớp người sau nữa

Phải làm

Tôi ghét nhất cái lợi thế

Lương chết đói và nhân công giá rẻ

 

Tiền thì ai cũng cần

Nhưng đừng quá tham

Cuộc sống nếu mà như thế

Chỉ mánh mung với những đồng xu” (***)

Như thế đâu xứng là cuộc sống

 

Ngày tôi về Dung Quất

Nơi ấy còn mang tên “Vũng Quít”

Ngồi trên hòn đá bãi Tuyết Diêm

Lắng nghe làng nghèo ngày xưa làm muối

Tôi để ý một cây xương rồng

Mọc chật vật đơn thân bên đá cội

Hoa cháy đỏ niềm trông đợi

 

Như cái khổ cộng sinh cái Đẹp

Như cái Đẹp thoát ra từ vất vả khôn cùng

Cây xương rồng miền Trung

 

Về đây mới thấu hiểu nhân dân

Mới day dứt làm điều gì đó

Cho miền Trung bay lên

 

Có thể từ cây xương rồng làng Tuyết Diêm

Một nhà máy lọc dầu hoài thai cực nhọc

Hoa xương rồng ngọn lửa lọc dầu đỉnh tháp

Cháy khôn nguôi khao khát đổi đời

Và đường dây 500KV đường Hồ Chí Minh chiến lược

Cái khó nhất khi nhìn thấy trước

Rồi thuyết phục anh em nhìn cùng hướng với mình

 

Tôi Sáu Dân như một lẽ thường tình

Thấy việc nghĩa không làm là đồ bỏ

Câu thơ Đồ Chiểu mãi đinh ninh

 

Phía đầm xa con bói cá

Kiên nhẫn chờ phút giây vĩnh cửu

 

Những cây quít dại

Thở thoang thoảng mùi biển giã

 

Đàn bò nhẩn nha gặm cỏ

Lặng yên một đám mây vàng

 

Tôi yêu đất nước mình chứa chan

Chua xót

 

Không làm được gì cho đất nước

Là có tội với tổ tiên ông bà

 

Bây giờ thì tôi đi xa

Nói gì cũng muộn nói ra lại buồn

Những người tôi quí tôi thương

Lỡ làm khổ họ tôi thường xót xa

Một lời xin hãy thứ tha

Làm người ai chẳng bước qua lỗi lầm

 

Đất nước lam lũ

Đi dần về phương Nam

Một nhà thơ viết như thế

Lam lũ ấy có ông bà tôi nữa

Những lưu dân đào kênh khai đất mở đường

Nếu bây giờ có kênh T5 ở An Giang dài 48km

Bà con thương mà đặt tên tôi

Chứ con kênh ấy bà con đào hết

Tôi chỉ là người khởi xướng ra thôi

Nhờ tư vấn chuyên gia cộng sự

 

Dân ta bao đời lam lũ

Lẽ nào lam lũ mãi vậy sao?

 

Khiêm nhường không phải nhỏ bé

Hiền lành không đồng nghĩa cam chịu

Nhưng cần cắt đi từ “lam lũ”

Để dân mình lao động tự do

Có thể vất vả nhưng được làm người

Không phải ở nhà ổ chuột

Con cái được đi học

Không bị bạo hành

 

Tôi nói điều này với các anh

Đừng thương tôi mà nên thương Dân

Ông Lê Văn Duyệt ngày xưa làm như thế

Và Ông được toàn dân kính nể

Người tiên phong đưa Sài Gòn mở cửa

Chính là người giờ trụ ở Lăng Ông

Ai có công với Dân là có công với Nước

Xin khắc ghi điều đơn giản ấy vào lòng

 

Ở Điện Biên tháng 5 năm 1994 tôi cũng nói như thế

Về Võ Đại tướng

Không phải vì Ông cùng họ với tôi

Mà Ông cùng họ với Nhân Dân này

Tôi chỉ muốn là người tử tế

Không đổ lỗi cho lịch sử

 

Cuối cùng, với người Mỹ, tôi xin nói

Ngày xưa lẽ ra chúng ta là bạn

Nếu Tổng thống Mỹ tin Hồ Chí Minh

Với nước Mỹ Cụ Hồ chỉ muốn

Việt Nam là đối tác chân thành

Vâng, là đồng minh

Nhưng rồi…

Thôi, bỏ qua chuyện cũ

Các anh biết tôi vô cùng đau khổ

Vì cuộc chiến tranh này

Tôi thấu hiểu nỗi đau những người mẹ người cha Mỹ

Có con chết trận ở Việt Nam

Gia đình tôi gần như bị xóa sổ

Mà lẽ ra, chúng ta có thể sống an lành

Như mọi gia đình bình thường trên trái đất

 

Bây giờ xin hãy bắt tay nhau thật chặt

“Không có kẻ thù nào là vĩnh viễn”

Chỉ còn những tương đồng lợi ích quốc gia

Bạn xấu cũng đi đường bạn xấu

Trắng đen rồi phân tỏ thôi mà

 

Tôi những muốn về trần gian lần nữa

Về thăm chơi cho vui vẻ cửa nhà

Mong thấy được nhân dân mình đỡ khổ

Trái cây chín trên cành là Dân chủ Tự do

 

Và chỉ thèm ôm Việt Nam mãi mãi

Đất nước tôi niềm thương cảm vô bờ

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam ơi!

 

15/09/2014

(*) Thơ Trần Vũ Mai

(**) Nhạc Trịnh Công Sơn

(***) Nhạc Trần Tiến

 

Thanh Thảo

 

TIẾC THƯƠNG ÔNG SÁU VÌ DÂN

Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt bí danh hoạt động cách mạng của mình là “Sáu Dân”. Có thể, ý nghĩa ban đầu của bí danh này đã có khi Ông Kiệt nghĩ mình “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” như mọi chiến sĩ cách mạng khác. Nhưng, về sau, qua suốt cuộc đời hoạt động cách mạng rồi xây dựng bảo vệ đất nước , trải bao thăng trầm của thế cuộc, bao đau thương mình và gia đình mình từng trải cùng nhân dân, bao chiêm nghiệm về lẽ biến lẽ thường trong đời sống, Ông Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy trong cái tên bí danh “Sáu Dân” giản dị của mình mang nặng một lý tưởng: vì Dân. Đó là lý tưởng có từ thời các Vua Trần, có từ thời Nguyễn Trãi, có trong thơ Nguyễn Du, thơ Cao Bá Quát, đặc biệt là trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, có trong những lời kêu gọi thống thiết cháy lòng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Và có trong tư tưởng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một truyền thống của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: yêu nước luôn gắn liền với yêu dân, đấu tranh cho độc lập của tổ quốc chính là để cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, để “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, như Bác Hồ hằng tâm niệm. Hơn mười lăm năm trước, đang giữ trọng trách thủ tướng chính phủ, sau khi thực hiện thành công dự án đường điện cao thế 500KV Bắc Nam dài 1400km, Ông Kiệt đã nghĩ ngay tới miền Trung – một miền đất dữ dằn, khắc nghiệt, nơi có nhân dân rất anh hùng nhưng luôn phải sống trong tình trạng bấp bênh giữa đói nghèo và thiên tai. Và dự án nhà máy lọc hoá dầu và khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi đã được tượng hình. Ngay khi rất nhiều người dân Quảng Ngãi chưa biết tới địa danh Dung Quất, càng không thể biết Dung Quất sẽ là nơi đặt khu công nghiệp lọc hoá dầu đầu tiên trong cả nước, thì Dung Quất đã nằm trong tư duy, dự tính và kế hoạch của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Giống như khi Ông Kiệt quyết về dự án đường dây 500KV hay dự án quốc lộ Hồ Chí Minh, quyết định của Ông Kiệt chọn Dung Quất làm khu công nghiệp lọc hoá dầu không phải đã được mọi ý kiến đồng tình ủng hộ. Nhiều ý kiến phản biện đã được nêu ra, nhiều khó khăn được nhắc tới, nhiều lợi ích được bàn cãi, nhưng cuối cùng, tư tưởng “Vì Dân” của “Ông Sáu vì Dân” đã chiến thắng. Dung Quất đã được chọn. Không phải như sau này có ai đó nói, vì hình như ông Sáu Dân có “quê gốc Quảng Ngãi” nên Ông mới chọn Dung Quất để đặt nhà máy lọc dầu (!). Tư tưởng địa phương cục bộ “quê gốc”, là cái mà suốt đời Ông Sáu Dân cảm thấy dị ứng và xa lạ. Ông Sáu Dân chọn Dung Quất làm nhà máy lọc hóa dầu là chọn nơi đặt một điểm tựa, một động lực cho cả miền Trung cất cánh, là tạo những điều kiện cho nhân dân miền Trung thoát cảnh khổ nghèo. Quê hương của Ông Sáu Dân chính là nhân dân Việt Nam, dù là nhân dân ở đồng bằng Bắc bộ, nhân dân miền Trung, Tây Nguyên hay nhân dân đồng bằng sông Cửu Long. Làm gì cho nhân dân Việt Nam bớt khổ, thoát nghèo, và tiến tới sung túc chính là Ông Sáu Dân đã làm vì quê hương mình. Ngay trong thời gian Quảng Ngãi phát động “di dân Dung Quất lấy đất nền cho nhà máy lọc dầu”, Ông Võ Văn Kiệt đã không ít lần về tận Dung Quất, gặp người dân ở đó, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ để tìm ra quyết sách hợp lòng dân nhất. Và “Ông Sáu vì Dân” đã chỉ đạo, thay vì “di dân” theo kiểu “bứng sạch gốc”, thì với khu kinh tế Dung Quất nên dùng chính sách “dãn dân” theo kiểu “cài răng lược”, làm sao để các khu công nghiệp vẫn bảo đảm hoạt động bình thường mà người dân Dung Quất – chủ yếu là nông dân – vẫn có thể sống bên cạnh hay ngay trong lòng khu công nghiệp để tham gia làm công nhân, làm dịch vụ, và được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động công nghiệp. Trong một lần về thăm Dung Quất, Ông Kiệt đã nói, đại ý: “Chúng ta làm công nghiệp hoá là để nông dân có cơ hội vươn lên một đời sống dễ chịu hơn, được hưởng lợi trực tiếp từ công nghiệp hoá, chứ không phải để bị bần cùng hoá, bị xua đuổi khỏi mảnh đất bao đời họ đã sống và canh tác, bị gạt ra bên lề của tiến trình công nghiệp hoá.” Tư tưởng vì dân là tư tưởng xuyên suốt, tư tưởng lớn nhất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là tư tưởng và là hành động suốt đời Ông, nhưng sự phát triển của nó không hề theo một đường thẳng giản đơn, không phải là chuyện “xưa bày nay làm”. Tư tưởng ấy sáng chói được như ở ngày hôm nay là kết quả của bao thao thức, kiếm tìm, trăn trở, từ sự chân thành nhìn nhận những sai lầm ấu trĩ tới sự quyết liệt trong suy nghĩ trong hành động vì mục tiêu Đổi Mới đất nước và cũng là đổi mới tư duy đổi mới cách nhìn nhận của chính mình. Những bài báo, những phát biểu gây chấn động trong những năm gần đây của “Ông Sáu vì Dân”, thực ra, đã có gốc rễ từ những năm tháng hoạt động cách mạng, nhất là từ hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ mà Ông Võ Văn Kiệt đã trực tiếp tham gia như một người yêu nước và như một nhà lãnh đạo. Như tư tưởng hoà giải, hoà hợp dân tộc đã có trong Ông Kiệt từ những năm Ông trực tiếp phụ trách chỉ đạo công tác binh vận ở Trung ương Cục (Cục R). Tôi có biết chút ít vì khi đó tôi là phóng viên chiến trường thuộc “khu vực binh vận” này, và Ông Sáu Dân là thủ trưởng cao nhất của chúng tôi. Khi Mỹ thực hiện chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh” với một biểu tượng hãi hùng là “Thay màu da trên xác chết”, chúng tôi trực tiếp xuống chiến trường để tìm hiểu viết bài đưa tin, đã nhận được những chỉ đạo cụ thể từ “Tổng hành dinh” của Ông Sáu Dân – một ngôi nhà sàn nhỏ trong khu rừng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Tư tưởng xuyên suốt từ những chỉ đạo ấy là: đây là cuộc chiến tranh của Mỹ, nhưng xương máu lại là của người Việt. Mỹ rồi trước sau gì cũng về Mỹ, còn người Việt ở hai bờ một chiến tuyến thực sự về xương máu nhưng giả tạo về hận thù sẽ sống với nhau thế nào, sẽ nhìn mặt nhau ra sao một khi đất nước hoà bình? Câu hỏi ấy đã không thể trả lời dễ dàng suốt bao nhiêu năm nay, và “hoà giải hoà hợp dân tộc” luôn là một nỗi niềm đau đáu nhất trong lòng dạ Ông Sáu Dân – con người Việt nhân hậu và biết khoan dung này. “Biết tự hào nhưng phải biết khoan dung, đó mới thực sự là người Việt.”, Ông Sáu Dân đã có lần nói như vậy. Biết nén nỗi đau của cá nhân mình, gia đình mình mà nghĩ tới, mà sẻ chia, mà thông cảm nỗi đau của những người dân Việt bình thường khác, kể cả những người Việt vì rất nhiều lý do phải đứng ở chiến tuyến đối lập trong cuộc chiến tranh của Mỹ mà nạn nhân là tất cả người Việt, Ông Sáu Dân đã có được cái tâm mà ngày xưa Nguyễn Trãi đã có. Mất Ông, là người dân nghèo, người dân thân cô thế cô, người dân phải chịu nghịch cảnh do chiến tranh mất đi một chỗ dựa tin cậy. Nhưng có thể nhân dân và đất nước ta còn mất nhiều hơn thế. Bởi vậy, nơi suối vàng, Ông Sáu Dân chắc còn đau vì nhân dân mình, một nỗi niềm thiên thu của những Người Hiền.

(báo Thanh Niên 15/6/2008)

 

MƯỜI LĂM GIÂY

Tôi nhớ, có một lần tôi với Lưu Kiểng Xuân lang thang trong rừng thuộc căn cứ Binh vận. Chúng tôi đi uống rượu ở một “cứ” khác, cách dăm bảy cây số gì đó, đang trên đường về. Trời nóng, hai anh em lại có hơi men, nên cởi trần, vắt áo trên vai, cho nó mát. Đang đi bộ thì phía đối diện có một nhóm người đi xe đạp. Người dẫn đầu đoàn ấy, hóa ra, là ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Thấy hai chúng tôi, ông Kiệt chủ động xuống xe đạp, chào hỏi, bắt tay hai thằng lang thang này rất thân tình. Xong lại lên xe đạp đi. Tôi với Tư Xuân cũng bắt tay thủ trưởng của mình một cách vui vẻ, vẫn cởi trần, và áo vẫn khoác vai. Đó là lần duy nhất tôi gặp ông Võ Văn Kiệt. Tất cả chỉ trong khoảng 15 giây. Và tôi thấy ông này được. Giá như người khác, cứ ngồi trên xe đạp, giơ tay chào chúng tôi, cũng xong. Hoặc không thèm chào, cứ thế đạp xe qua, cũng chả ai nói gì. Nhưng ông Kiệt đã xuống xe, đàng hoàng và lịch sự bắt tay chúng tôi, hai thằng lính đang cởi trần. Có thể Tư Xuân thuộc thành phần “khách”, còn tôi, đâu phải khách, cũng chả là gì. Nhưng ông Kiệt đã hành xử rất văn hóa. Mà đã văn hóa thì chỉ có con người với con người, không cấp dưới cấp trên gì hết. Đó là cách đối nhân xử thế đẹp của ông Võ Văn Kiệt, để về sau này, giới trí thức hay văn nghệ sĩ Sài Gòn rất “chịu”. Muốn hòa giải hòa hợp dân tộc, trước hết, phải biết cư xử với nhau cho có văn hóa. Và phải bắt đầu từ nội bộ mình, trước khi thể hiện với người ngoài. Thiếu món “văn hóa” này thì khoan hãy bàn chuyện khác. Không có gì ngạc nhiên, khi chính ông Võ Văn Kiệt về cuối đời, là người lãnh đạo trăn trở nhất về chuyện “triệu người vui, có triệu người buồn”, về hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tiếc thay, ông Kiệt đã về cõi vĩnh hằng khi những tư tưởng tiến bộ nhất của ông chưa có điều kiện trở thành thực tế.

(trích “Lang thang qua chiến tranh”)

Comments are closed.