Phụ huynh Việt – Hãy ngưng tin mình là chân lý!

Nhân vụ chị phụ huynh 40 tuổi – không rõ trình độ – có tiền cho con đi học trường quốc tế, tức giận vì chương trình của nhà trường, nhớ lại bài báo trước đây 4 năm mà giờ thấy vẫn chính xác.

Mình hoàn toàn đồng ý là phụ huynh có quyền giám sát việc nhà trường dạy gì cho con (suy cho cùng họ mới là người trả tiền mà). Nhưng nếu khi thắc mắc chị gặp giáo viên để hỏi, hoặc đọc hết cuốn sách đã rồi hãy kêu ca thì tốt hơn nhiều.

Quả táo khó rơi xa gốc táo, bố mẹ hãy học hỏi thì con mới có tương lai!

(Stt [dưới đây] xin từ nhà bạn Vũ Thanh Tâm. Xin cám ơn)

Nguyễn Hoàng Ánh

image

 

clip_image002

 

 

MỘT ĐỐI THOẠI VỀ MỘT THOÁNG TA RỰC RỠ Ở NHÂN GIAN

Vũ Thanh Tâm

 

Gửi người mẹ “run lên vì tức giận” khi cô giáo con cho con đọc Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương, khi con mười bảy tuổi.

Nếu tôi là chị, khi đọc sách cùng con, tôi sẽ run lên, không phải vì giận dữ, mà vì xúc động.

Tôi sẽ không trách cô giáo của con, tôi cảm ơn cô vì đã giới thiệu đến con tôi một cuốn sách hữu ích trên con đường học làm người của con.

1. Một cuốn sách của lòng bao dung và khát khao cái đẹp

Tôi thích hai trích dẫn này từ cuốn sách:

“Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm rồi mẹ à. Mình sinh ra từ cái đẹp. Đừng để ai nhầm chúng ta là trái quả sinh ra từ bạo lực – mà hãy để họ biết rằng thứ bạo lực đó, dù đã càn qua quả, vẫn không làm hỏng được nó.”

“Người ta nói nếu mình muốn gì đó thật mãnh liệt thì mình sẽ thành ra tôn nó lên làm chúa. Nhưng nếu tất cả những gì con muốn chỉ là cuộc sống này thì sao hả mẹ?”

Tôi cho rằng hai trích dẫn này gói ghém được tinh thần của cuốn sách, và lý giải được vì sao tác giả đặt tên sách là “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”. Cuốn sách thể hiện một tâm hồn hướng đến cái đẹp giữa cuộc sống tàn nhẫn – nơi mà nếu không đủ yêu thương và bao dung, người ta chỉ nhìn thấy bạo lực.

Cuốn sách là tập hợp những bức thư nhân vật chính gửi cho người mẹ mù chữ: “Chính vì mẹ không thể đọc được nên con mới có thể kể ra.” Nghĩa là việc viết không phải để mẹ hiểu, chỉ là phương cách để trút vơi lòng mình và để thấy được gần mẹ hơn.

Nhân vật chính trong câu chuyện được bà, mẹ và cả người yêu gọi là “Chó Con” bởi vì cậu là người Việt Nam và đó là cách đặt tên đầy âu yếm của người Việt Nam. Nhưng cậu không lớn lên ở Việt Nam và cũng chưa bao giờ được âu yếm.

Cậu sinh ra thời hậu chiến trong một gia đình tàn tạ. Bà ngoại của cậu kết hôn với một lính Mĩ. Người lính đã hồi hương trước cả khi hai miền thống nhất. Bà bị gọi là “đồ phản bội”, “đồ đĩ” vì đã ngủ với kẻ thù. Mẹ của cậu là con lai nhưng không phải con của ông ngoại cậu. Mẹ là một đứa trẻ không biết rõ cha mình là ai. Đứa trẻ đó bị các bạn gọi là “ma” vì màu da trắng, bị bọn bạn xúm vào cắt mái tóc ánh sắc nâu, bị trét cứt trâu lên mặt để làm cho da hết trắng. Người con gái lớn lên từ tổn thương đó đã tiếp tục bước vào một cuộc hôn nhân tổn thương bên gã chồng bạo lực. “Chó Con” sinh ra từ cuộc hôn nhân ấy. Giữa cuộc sống bạo lực, đói nghèo và nhục nhã, gia đình Chó Con vượt biên sang Mỹ, để sống tiếp cuộc đời bạo lực, đói nghèo và nhục nhã hơn của những kẻ nhập cư. Chó Con phải chứng kiến cha đánh mẹ ròng ròng máu chảy nhiều lần, cho đến khi ông bị bắt vào tù.

Chó Con sống cùng mẹ và bà ngoại. Mẹ làm ở tiệm nail. Mẹ đánh Chó Con vì bất cứ lý do nào: đánh khi đang đi siêu thị, đánh khi thấy con chơi đồ chơi lính tráng, nhốt vào hầm khi con tè dầm, đánh khi không kiềm chế được.

Bà ngoại đôi khi như kẻ tâm thần, khùng điên mỗi khi có cái gì khiến bà liên tưởng đến chiến tranh. Nghe tiếng pháo hoa ngỡ là tiếng súng. Bà mắc kẹt trong quá khứ. Những câu chuyện bà kể cho Chó con nghe không phải chuyện cổ tích, mà là chuyện chiến tranh.

Thứ tốt đẹp duy nhất trong tuổi thơ Chó con là những ngày hiếm hoi về bên ông ngoại. Nhưng ông không phải ông ngoại thật. Bà ngoại mang thai bốn tháng lúc lần đầu gặp ông. Mẹ nói : “Cái gì tốt đẹp đều ở nơi khác, con ơi. Mẹ nói thật. Gì cũng vậy.”

Thứ tốt đẹp tiếp theo đến trong tuổi trẻ là tình yêu cũng chóng tan biến. Trevor – cậu người yêu đồng giới – chết vì sốc thuốc.

Chó Con đã lớn lên trong bạo lực, nhưng cậu không hận mẹ, không hận bà cũng không hận cha. Cậu biết mẹ đánh vì “người bị hậu chấn tâm lý có khả năng cao hay đánh con cái.” Cậu thương quá khứ của bà: thời bà trẻ, khi người chồng Việt bạo hành sống chết, lang thang trôi dạt làm gái kiếm tiền nuôi con, tìm được một người Mĩ để yêu thì người ấy hồi hương đột ngột. Chó Con không hận cha. Nhận thư cha từ trong tù, cậu vẫn nâng niu những dòng chữ xóa nham nhở vì bị kiểm duyệt. Cậu cảm thông cho người yêu, bởi vì thuốc giảm đau OxyContin mà trở thành con nghiện.

“Cái gì tốt đẹp đều ở nơi khác” là chiêm nghiệm cay đắng của người mẹ, nhưng trong mắt cậu trai trẻ, những cái tốt đẹp vẫn ở khắp nơi: một người mẹ vất vả kiếm tiền nuôi cả nhà, còn chắt chiu mua sữa trắng cho thằng con lai vàng những mong nó trắng nó cao, một bà ngoại tâm thần bất ổn vẫn là nguồn yêu thương, những người đàn ông du thủ du thực hái thuốc lá cùng vẫn đem đến niềm vui trong công việc, và một người tình đồng giới là nơi thấu hiểu, sẻ chia…

Rồi như cỏ dại không dễ chết mà đầy sức sống, cậu con trai vươn lên mạnh mẽ để trở thành người thông dịch cho mẹ khi mẹ không nói được tiếng nói xứ người, rồi trở thành một sinh viên, trở thành một nhà văn. Câu chuyện cậu kể không phải là câu chuyện hận thù, mà là câu chuyện của thấu cảm và thứ tha. Cậu chọn yêu cái đẹp, chọn cuộc đời rực rỡ.

Thế nên nếu tôi là chị, mẹ một đứa con gái học trường quốc tế được bao bọc trong giàu sang, tôi sẽ cảm ơn cô giáo đã gửi cho con cuốn sách của những mảnh đời rách nát tìm sự chữa lành trong bao dung.

Biết đâu sau khi đọc, con chị sẽ nghiệm ra đôi điều về tình mẫu tử, về gia đình, tình yêu, sự tha thứ, sự cảm thông….

Thật tiếc chị không nhìn thấy tất cả những thông điệp này. Thế hệ của chúng ta là thế hệ có thực sự đọc văn đâu! Chúng ta đi học văn, thầy cô phân tích như nào ta biết thế, khi nào thầy cô nói thương ta hẵng thương. Đời trong mắt ta chỉ có thiện và ác, ta và địch: ta là Thiện – Mỹ là Ác – lấy Tây là đĩ… Ta quen thứ văn chương đầy định kiến. Ta luôn đồng nhất mình với nhân vật chính đẹp đẽ. Nhưng chị ơi, hãy để con chị được rung cảm với thứ văn chương không phán xét, chỉ giản đơn là kể những phận đời. Hãy cho con chị được đồng cảm. Biết đồng cảm trong văn chương, nó mới có thể nhân hậu mà sống trong cuộc đời này.

2. Một sự tìm kiếm bản thân qua tình dục

Sau một phần ba cuốn sách, yếu tố tình dục mới xuất hiện. Cảnh sex được nhắc đến khoảng 6 lần, ở những phiến đoạn, mà nếu ghép lại, tổng dung lượng chưa đến 5 mặt giấy trong cả cuốn sách mấy trăm trang.

Tiếc thay, đọc cả cuốn sách, chị chỉ thấy mỗi các yếu tố này. Không một chi tiết nào về phận người nổi trôi làm chị run rẩy được, chỉ có các yếu tố tính dục làm chị run rẩy.

Chị cho nó là khiêu dâm.

Tôi thì thấy khiêu được cũng lạ! Vì thứ tình dục đồng giới được miêu tả trong sách đau đớn quá và bẽ bàng quá!

“Đến lúc đó, bạo lực với con đã trở thành tầm thường quen thuộc, trở thành cái cốt lõi con biết về tình yêu. Dập. Nát. Đi. Thật dễ chịu khi có thể gọi tên cái điều đã và vẫn diễn ra với con suốt cả cuộc đời. Con đang bị dập cho nát ra, nhưng lần này, rốt cuộc, là do con lựa chọn. Trong nắm tay Trevor, con có quyền lên tiếng về cách mình muốn bị xé ra.”

Chị thấy rạo rực khi đọc những động chạm xác thân bởi vì với chị, tình dục là sung sướng. Nhưng chị ơi, đây là người đồng giới nam. Đau đớn lắm, và bởi vì bỡ ngỡ không biết cách, không ai nói cho biết cách, thì lần đầu của hai cậu trai còn bẩn nữa. Chị thấy những dòng miêu tả cảm giác bị đâm nát bị xé toạc bị phun cả c.ứ.t ra là rạo rực sao?

Chị có tự hỏi tại sao với chị là rạo rực nhưng với người ta phải đớn đau như vậy không? Là để được là mình, công nhận mình, hạnh phúc với bản ngã thật của mình.

Tôi cho rằng nỗi đau để được là mình của người đồng giới nên được nhìn thấy.

Vậy giáo viên có thể cắt hết các đoạn về tình dục ra khỏi sách trước khi giao cho học sinh đọc không?

Không, vì sẽ làm mất tính toàn vẹn của tác phẩm.

Trong truyện, tình dục giúp nhân vật chính hiểu và chấp nhận bản sắc đồng tính của mình, qua đó đưa người đọc đến quá trình tự nhận thức và tự chấp nhận bản thân mình. Qua mối quan hệ bất bình đẳng giữa nhân vật chính và Trevor, tác phẩm có thể giúp các bạn trẻ khám phá sự dễ bị tổn thương bởi quyền lực của phái mạnh trong mối quan hệ yêu đương. Có thể bạn trẻ sẽ nhận ra sự khốn nạn trong cách Trevor đút dương vật vào cửa hậu của bạn tình nhưng lại từ chối điều ngược lại vì "Mình không muốn cảm thấy như một đứa con gái. Như một con chó cái.” Cơn giận Trevor sống chó khi xem người yêu là chó cái có thể khiến một lúc nào đó trong đời thực, nếu như có thằng người yêu nào đối với con gái chị bất bình đẳng, nó sẵn sàng tát cho vài cú và say goodbye!

Con chị mười bảy tuổi, chị cho rằng đọc như thế là bẩn thỉu tục tĩu, thế chị định đến bao giờ? Giả định con chị không học theo ngành văn sau khi tốt nghiệp cấp 3, thì đây là khoảng thời gian duy nhất nó có thể đọc với sự hướng dẫn của thầy cô. Thầy cô có thể cho nó biết sau những dòng viết về tình dục này là những thông điệp ẩn giấu gì?

Bởi vì văn chương khác với giao tiếp thông thường. Và tình dục trong nghệ thuật khác tình dục trong phim sex và truyện hentai. Trong nghệ thuật, tình dục không bao giờ chỉ để gợi chính nó, mà luôn là một công cụ để nói về phận người/ bản ngã/ tình yêu/ mối quan hệ….

3. Chúng ta có thể chối từ tác phẩm có yếu tố tình dục không?

Tôi mường tượng nếu chị là phụ huynh của tôi, tôi sẽ bị chị bêu riếu vì dám cho con chị đọc phân đoạn tắm hoa của Truyện Kiều, vườn chuối đêm trăng của Chí Phèo, toàn bộ cuốn Số đỏ, cảnh sờ soạng trong Tắt đèn… Đó là chưa dám nói đến chuyện nếu như tôi dám cho con chị đọc Kawabata, Murakami… hay bất cứ tác phẩm của nhà văn lừng lẫy nào. Lành nhất là chỉ cho con chị đọc văn học thiếu nhi (trừ luôn cả Doraemon nữa!).

Giữa thế kỷ XXI, không khí đấu tố hừng hực của các bậc phụ huynh khiến tôi tưởng mình đang sống trong thời phong kiến khi các thầy đồ phán “Đàn ông chớ kể Phan, Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều” vì sợ người đọc học theo cái ái tình mê đắm của nhân vật trong truyện.

Thực sự thì quý vị chớ có lo, văn học ảnh hưởng đến độc giả không đơn giản theo kiểu "đọc về điều gì đó là làm theo điều đó". Thực tế, văn học tác động đến chúng ta theo những cách tinh tế và sâu sắc hơn nhiều, đặc biệt là qua các đề tài nhạy cảm như tình dục và tình yêu. Văn học giúp người đọc đồng cảm với nhân vật, vì thế mà không thể làm nên những điều tồi tệ để khiến cho người khác bị tổn thương.

Văn học thường giới thiệu các nhân vật và tình huống phức tạp, cho phép độc giả khám phá các khía cạnh của con người mà không nhất thiết phải trải qua chúng. Nghĩa là nó cho người đọc nhận thức về tình yêu và tình dục kể cả khi chưa thực sự yêu ai bao giờ.

Thế thì chị hãy xem việc đọc tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian như là dịp cho con chị khám phá một chủ đề cấm kị trong đời sống khi con chưa đủ tuổi, và hãy trao đổi với con, để chuẩn bị cho con yêu lành mạnh, tránh bị tổn thương khi nào con đủ tuổi.

Và nếu chị không làm được, hãy để giáo viên làm điều đó, bởi vì họ có khả năng làm những điều trong chuyên môn của họ.

Comments are closed.