Ai cho mày chê con tao xấu?

Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh)

1.

Hãy tưởng tượng, bạn là nhà đạo diễn phim, 50 năm sau, nếu may mắn phim của bạn chưa mốc trong kho lưu trữ, nó sẽ được chiếu lại trong rạp. Rồi một khán giả về nhà viết lại cảm xúc hôi hổi của mình về bộ phim. Bài viết đăng lên báo. Bài viết có thể sai bét (theo bạn), người viết chẳng hiểu gì ý đồ của bạn, không thấy hết cái mà bạn muốn nói, lại còn áp đặt những ý đồ của anh ta vào…

Giả sử, lúc đó bạn đã “xanh cỏ” rồi, bạn làm gì nào?

Bạn hiện hồn về bóp cổ?

Bạn đi đến từng nhà độc giả của tờ báo, nói thì thầm ma quái giữa cơn mơ: “Sai bét rồi!”?…

Tóm lại, bạn chẳng làm gì được. 300 năm sau, người ta khóc hay cười cho phim của bạn, bạn cũng phải chịu thôi.

2.

Một trong những cái thú nhất của người chuyên làm báo tường trong cơ quan như chúng tôi là: rình rập.

Khi báo dán lên cái bảng chung rồi, cả bọn nhấp nhổm rình xem phòng tài vụ đã lên đọc chưa? Phòng quản trị đã tới xem chưa? Có cười không? Có cau mày không?… Ai cau mày không hiểu thì xông ra hỏi liền, vì sao cau mày? Rồi giải thích ngay, viết thế có nghĩa là thế này, thế này… Một cái cơ quan bé tí, chỉ có chừng 40 nhân viên, rình chừng hai ngày là đã có đủ danh sách ai thích, ai không thích, và cũng có thể thu phục hết cái đám không thích mình.

Nhưng ở một nước 70 triệu dân, thì rình mò dư luận như thế là chuyện thật không nên làm (làm sao cho xuể!), chưa nói đến chuyện cố bịt dư luận, là việc nghệ sĩ (thật) không nên bắt chước bọn làm báo tường mà dính vào.

Một bộ phim anh chiếu ra, thì tốt nhất là anh nên coi nó như sự đã rồi, và mình đã chết rồi. Tiền (nhà nước) đã mất, tâm sức (anh) đã bỏ vào, việc bây giờ là của người xem. Anh không có nhiều phép như Tôn Ngộ Không để hóa thành 100 anh con con, bám vào tai của 100 khán giả trong rạp, thuyết minh cho họ cái chủ đề của anh, giải thích cái triết lý của anh, ngăn chặn kịp thời cái cau mày của họ. Họ có quyền có những nhận xét của họ, tùy theo kinh nghiệm và trình độ cá nhân, và cái tính đa chiều lắm hướng đó trong cảm nhận tác phẩm mới là cái hấp dẫn của nghệ thuật.

Chưa kể, quay lại phần 1 của bài, nếu anh đã chết rồi, thì vô phương, nghệ sĩ ạ. Tác phẩm của anh như con mồ côi, anh không bảo vệ nó được nó rồi. Muốn bảo vệ nó, đáng ra anh phải chuẩn bị cho nó có những phẩm chất đủ để chống chọi ngay khi không có mặt anh kìa. Có nghĩa là, thưa đạo diễn, phim của ông làm ra rồi thì cũng như con ông vứt ra giữa chợ. Chúng tôi thấy nó xinh thì chúng tôi khen. Chúng tôi (mắt mù) thấy nó xấu thì chúng tôi chê. Ðó là quyền của khán giả – người đi chợ. Nếu ông hỏi: “Ai cho chúng mày chê con tao xấu?”, thì chúng tôi sẽ trả lời: “Tại ông đã tự nguyện vứt nó ra giữa ‘rạp đời’.”

3.

Hỡi nghệ sĩ, đừng bắt chước bọn báo tường chúng tôi. Hãy tập câm, tập mù, tập điếc. Ai khen không cười, ai chê không giận, cắm cúi mà làm việc. Người ta không hiểu mình trong khi mình có giá trị thật thì trăm năm sau thể nào cũng có thằng sáng mắt nhìn ra. Mà nếu may thì có khi cũng chẳng phải đến trăm năm sau, ngay tuần sau, số báo sau, đã có người nhận ra mình rồi, và kinh phí làm phim năm sau lại rơi vào tay mình tiếp. Chưa kể còn hàng ngàn khán giả âm thầm khen mà mình không biết (tại họ không viết thành bài), và cũng không loại trừ được trường hợp xấu là có hàng ngàn khán giả khác đang chê ở nhà mà mình không hay. Hì hục phá cái chóp con của tảng băng trôi làm gì cho nó mệt.

Nhưng thôi, tôi chưa có con, hoặc đứa con tinh thần của tôi cũng vớ vẩn, nên tôi chưa hiểu được tâm lý quý con. Có lẽ phải làm nghệ thuật thực thụ, mà là làm nghệ thuật như một số người ở Việt Nam kìa, chừng đó mới thông cảm được với những bậc phụ huynh múa gậy giữa đường cấm không cho ai chê con mình xấu.

                                                                                                                    27.09.2002

Nguồn: FB Nga Nguyen

Comments are closed.