Cấm treo tranh và quyền tự do biểu đạt*

Trịnh Minh Tuấn

407630811_888509135984280_8441184395481923090_n

Danh sách những chân dung không được treo trong triển lãm của NS Phạm Xuân Trường

Cấm treo 30/184 tác phẩm chân dung có xâm hại quyền tác giả và có đảm bảo quyền tự do biểu đạt và quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa của người dân?

Trong lĩnh vực quyền tác giả, công bố tác phẩm vừa là quyền nhân thân và vừa là quyền có tính chất tài sản quan trọng bậc nhất đối với tác giả, chủ sở hữu. Quyền nhân thân nhằm ghi nhận lao động nghệ thuật, sự cống hiến của tác giả đối với công chúng. Còn quyền tài sản giúp tác giả, chủ sở hữu có thể có thu nhập từ lao động nghệ thuật kể trên.

Vì vậy, việc Sở Văn hóa Hà Nội, bằng giấy phép số 563 ngày 01/11/2023, cấm treo 30/184 tác phẩm chân dung trí thức trong buổi triển lãm của nghệ sĩ Phạm Xuân Trường có thể xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả, quyền tự do biểu đạt và quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân.

Cơ sở pháp lý để Sở Văn hóa Hà Nội ban hành Giấy phép số 563 có lẽ là khoản 3 Điều 7 Bộ Luật Sở hữu trí tuệ. Khoản 3 quy định: “Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội, quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình…” (nghĩa là hạn chế quyền công bố tác phẩm của tác giả).

Nếu Sở Văn hóa Hà Nội vận dụng Khoản 3 Điều 7 kể trên, thì Sở có trách nhiệm giải trình việc triển lãm 30 chân dung trong danh sách có ảnh hưởng hoặc xâm phạm đến “quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội, quy định tại Luật này” không?

Nếu không xâm phạm thì việc Sở Văn hóa HN cấm treo trong triển lãm có trái luật và xâm phạm lợi ích của nghệ sĩ Phạm Xuân Trường không? Nếu trái luật và xâm phạm lợi ích của nghệ sĩ Phạm Xuân Trường thì chính quyền cần thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính 563 kể trên.

Bởi nếu không thu hồi, hủy bỏ Giấy phép 563 thì Sở Văn hóa không đảm bảo quyền tự do biểu đạt (Điều 25 Hiến pháp), “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa” (Điều 41) của người dân. Đây là quyền con người cơ bản đã được hiến định tại Hiến pháp 2013.

Về mặt lý thuyết, quyền tự do biểu đạt, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa là quyền tự nhiên. Nó có trước nhà nước và pháp luật. Và nhà nước phải ghi nhận và bảo đảm các quyền đó được thực thi.

Quyền tự do biểu đạt trong hiến pháp hiện hành chưa được thực thi trực tiếp. Quyền này, được thực thi gián tiếp thông qua các luật chuyên ngành, như Luật xuất bản, luật báo chí, luật điện ảnh, luật sở hữu trí tuệ, luật bảo vệ bí mật nhà nước…

Và bằng những kỹ thuật pháp lý, các nhà lập pháp có thể hạn chế quyền này ở các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, như Patrick Henry đã viết: “Hiến pháp không phải là công cụ của chính quyền nhằm trói buộc dân chúng. Hiến pháp là công cụ của dân chúng để trói buộc chính quyền nhằm đảm bảo các quyền tự do và tài sản của dân chúng”.

(Viết vì có người hỏi và để không "chữ thầy trả thầy" các bác ạ).

Nguồn: FB Trịnh Minh Tuấn

*Tiêu đề do Văn Việt tạm đặt

Comments are closed.