Huyền tích đỗ quyên Tam Đảo

(Rút từ facebook của Thái Kế Toại)

clip_image002

                   Trần Duy

Nói đến Tam Đảo không thể không nói về những rừng đỗ quyên huyền bí trên đỉnh Phù Nghĩa còn gọi là đỉnh Rùng Rình. Có lẽ tốt nhất là các bạn đọc lại truyện ngắn Thần hoa của họa sỹ Trần Duy. Trần Duy là vị thủ lĩnh cuối cùng của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã ra đi năm ngoái, người có nhiều tranh lụa rất đẹp và độc đáo đồng thời còn là nhà văn xuôi với những truyện ngắn kỳ tài. Dưới đây là đoạn trích trong bài bút ký TAM ĐẢO MÙ SƯƠNG của tôi viết về truyện ngắn THẦN HOA:

clip_image003Một người nữa cũng làm cho tôi bị ám ảnh ở vẻ đẹp huyền bí của Tam Đảo là họa sỹ Trần Duy. Ông là người nổi tiếng về tranh lụa nhưng cũng có biệt tài về truyện ngắn dù số truyện của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay.Tên truyện về Tam Đảo của ông có tên là Thần hoa, một cái truyện có cốt cách như truyện Tiếng sáo tiền kiếp thời Nhân Văn Giai Phẩm.

Trần Duy kể về một ông quan gọi là cụ Cử từng đỗ Thám hoa trong một khoa thi đình, giữ chức Tham tri bộ Lễ dưới triều vua Tự Đức cáo quan về Canh Diễn ở ẩn sau khi vua chết, tìm được cách sống có nghĩa lý là thú chơi hoa.

Từ ngày cụ nghỉ hưu, nhìn lại cái triết lý đã từng làm mình hão huyền với cuộc đời quan trường, bây giờ cụ cảm thấy cái không khí cụ đang thở mới thật là của cụ… mới là cái đạo của đất trời, cái huyền diệu của sinh hóa.

Một hôm tình cờ cụ được một người khách ghé thăm. Ông ta kể cho cụ nghe chuyện về Tam Đảo.

Tôi là một người rong chơi, một người du lãm đã đi hầu hết hang cùng ngõ hẻm, cảnh đẹp mọi nơi, nhưng thưa cụ, đến đâu có hoa là có cái duyên nợ với hương. Người ta có câu hoa bướm nhưng nếu hoa không có hương thì không mấy khi bướm đến. Xin kể hầu cụ câu chuyện mà chính tôi là người cho đến nay vẫn còn vương vấn. Ngày ấy tôi đến Lục Ba, Văn Yên, một đêm ngủ ở Đá Đen, có người qua đường cho tôi hay họ sẽ từ Thái Nguyên, Quân Chu sang Tam Đảo. Tôi vẫn nghe đến Tam Đảo nhưng chưa hề đến, bèn xin đi theo người ấy. Đến cuối xóm Quân Chu bắt đầu leo núi. Núi dốc đứng, chân người đi trước đụng vào đầu người đi sau. Lên lưng chừng ngọn núi thứ nhất, đến một bãi rêu xanh ngắt đi lên trên bồng bềnh như đi trên sóng. Cuối đó có một cái miếu, tôi hỏi anh ta, anh ta nói: miếu ấy chẳng biết thờ ai, nghe các bậc sơn tràng lão thành, ngôi miếu đã có thời cổ xưa, có thể của Cao Biền yểm đất. Tôi hỏi anh đã lên được hết các đỉnh núi ở Tam Đảo chưa? Anh ta đáp: Tôi đã có mấy lần lên, trên có một mùi hương lạ nhưng không phải hương trầm. Vì tôi là thợ trầm. Trên đỉnh Thạch Bàn có một loại cây mọc thành bãi lớn, hoa màu trắng, màu hồng, nở vào quãng đầu tháng ba, nghe đâu khi có hoa thì nhiều bướm lạ tìm đến. Thời tiết ấy là thời động rừng, hổ về ngồi ở ngôi miếu chúng ta vừa đi qua. Cho nên bọn thợ rừng chúng tôi rất ít khi đi theo lối này. Đa số đi từ Đồng Cốc lần theo suối Cát Nê để về Tam Đảo. Tôi hỏi anh ta: Anh đã trông thấy hoa ấy chưa? Anh đáp: Tôi nghe nói vậy nghề tôi không phải nghề hoa. Tôi chia tay anh ta ở Hợp Châu, ngủ lại ở đó mấy đêm và lân la hỏi mọi người đường đến Thạch Bàn. Nhìn lên ba đỉnh núi sương phủ quanh năm cao chót vót, lúc mây mỏng nhìn lên có cảm giác như một cái cổng lớn mở đường lên trời.

clip_image004Thế là vì sự huyền bí của loài hoa và bướm lạ trên đỉnh Thạch Bàn cụ Cử quyết chí chuẩn bị cho chuyến hành hương lên Tam Đảo. Cuối cùng đúng đầu ngày rằm tháng ba khi gà rừng bắt đầu gáy cụ Cử cùng người thợ sơn tràng dẫn đường và tùy tùng đã đến đỉnh Thạch Bàn.

Bãi hoa đêm còn chưa dậy, cụ Cử cắm đuốc ngồi thiền định xuất hồn để rửa sạch mùi tục lụy. Và rồi điều kỳ diệu chờ đợi đã đến.

Bỗng một là gió thổi về, không giam như xáo động, các nụ hoa hé dần, màu sắc lẫn với hương rừng phả vào khí núi, trong suốt lung linh. Cụ Cử Nghĩa không còn biết mình ở đâu, chỉ biết mình không còn là mình nữa. Ta chẳng còn là ta, hương như ướp cả vào áo, vào mũ, vào tóc và da thịt cụ. Cái mùi hương mà người khách dạo nào mô tả nay cụ đã ngửi được thật, đã sống cùng nó, dùng danh từ gì để định nghĩa được mùi hương này! Lúc nắng lên đỉnh núi, mây ngả sang màu hồng cùng lúc bướm về. Bướm bay như hồn hoa, như thần hoa xuất về hạ giới. Cụ Cử Nghĩa ngây ngất như uống phải thứ rượu mạnh. Cụ đứng dậy nhìn toàn bãi hoa. Màu hoa chính là màu đỏ hồng phấn, bãi xa là màu hoa trắng. Thân cây chen từ đá, có cây rễ ôm tảng đá lớn, tán rộng gần bằng cái nia. Cành cây không ai uốn sao có những đường cong đoạn gập tinh tế như có tay người chơi sành nghề tỉa nắn. Thân cây không rõ tuổi đời bao nhiêu, có đoạn rêu bám ngả sang màu xanh biếc, thoạt tưởng như bằng ngọc bích. Cánh hoa to lớn hơn ngón tay, gân màu vàng, màu trắng, nhụy hoa màu vàng thổ ngả sang màu da cam. Chỉ nhị dài uốn cong như vòi bướm. Bao phấn và lá đài màu xanh lá mạ nhạt dần thành vàng chanh. Ở đây không có tuổi đời, thật mà không thật, nơi không có một lời quyến rũ mà người đến không muốn ra về. Tuy không phải là cảnh tiên nhưng miền xuôi không thể có được cảnh này. Mùi trầm ở mọi chốn Tam Bảo không gợi được không gian thiền như hương hoa ở bãi Thạch Bàn này.

Cụ Cử đã đạt được hoài vọng. Cụ mang về xuôi cả một cây hoa bám đá và một con bướm quẩn vào tay cụ. Dù cụ chăm sóc tận tình cái cây cứ chết dần. Nhưng từ cái tráp cụ thửa bằng gỗ quế hương đựng con bướm đêm đêm một thiếu nữ xiêm y bước ra nói với cụ có may mắn duyên kiếp mong được ở trọn đời.

Năm sau đúng ngày Vũ thủy cụ dặn con cháu ở nhà vẫn chăm cây hoa như còn sống, mười ngày thay gạo rang cho tráp đựng bướm một lần. Cụ lại lên đỉnh Thạch Bàn lần nữa.

clip_image005Từ ngày ấy, con cháu chờ đợi từ mùa này qua mùa nọ, năm này qua năm khác vẫn không thấy cụ về, đành lấy ngày cụ ra đi làm ngày giỗ. Tráp ướp xác bướm và cái cây khô thay bài vị thờ cụ và trở thành như một gia bảo thừa kế.

Tôi đã hỏi ông Trần Duy về cái truyện này. Ông nói rằng ông có vốn sống ở Tam Đảo trong kháng chiến chống Pháp, đã lên đỉnh Thạch Bàn, biết chuyện cụ Cử người thật ở vùng Canh Diễn. Chuyện thật mà hư ảo, hư ảo vì một cái chết cho vẻ đẹp của một loài hoa. Nó càng làm cho Tam Đảo huyền bí thêm cũng như giống hoa đỗ quyên ở đấy không thể nào nhân giống xuống vùng xuôi. Hoặc như chiếc bàn cờ tiên các nước cờ nhân thế phủ kín rêu dày ai tò mò gỡ đem về xuôi đều ốm chết.

Trở lại đoạn kết truyện Thần hoa, người cháu đời cuối cụ Cử tên là Thương đã đỗ kỹ sư nông nghiệp lên Thạch Bàn nghiên cứu bãi hoa đỗ quyên. Đàn bướm nguyên thủy tan tác vì bọn vợt bướm bán cho khách nước ngoài. Cũng bọn bắt bướm qua bãi Rùng Rình ngồi tránh rét đốt lửa sửa để cháy bãi rêu nghìn tuổi suốt mấy tuần. Việc thuần hóa giống đỗ quyên trên đỉnh Thạch Bàn của Thương và anh bạn chuyên gia người Nhật không thành vẫn là một bí ẩn.

Trong một chiều mưa mù mịt tôi tôi ngồi nhìn những vệt nước trên vách kính y như là những dòng nước mắt. Trên nền trời núi mênh mông ấy như ẩn hiện những dòng kết truyện của Trần Duy.

Nhiều lần sau đó Thương lại lên Thạch Bàn, anh ngồi bần thần, cái bần thần truyền kiếp. Cũng như người xưa anh tự thấy mình sai sót và đã lỡ hẹn với ai điều gì. Buồn bã, anh nhìn đàn bướm theo nắng chiều chập chờn rủ nhau bay xuống núi và thầm nghĩ: trong ấy ai là tổ phụ của mình?

Comments are closed.