Lễ ra mắt Câu lạc bộ cồng chiêng làng Mông Yố

Bùi Trọng Hiền

Theo lịch trình đã định, sáng mùng 2/10, kết thúc khóa tập huấn chỉnh chiêng ở Pleiku, buổi chiều tôi về ngay Mrông Yố để đốc thúc dân làng, giám sát các buổi tập luyện. Cứ thế, tối nào 2 đội chiêng- xoang già, trẻ cũng ra ủy ban xã Ia Ka để tập luyện các tiết mục tới tận đêm khuya, không khí ngày càng khẩn trương bởi thời gian đang đếm ngược. Mọi khâu chuẩn bị cũng dần được sắp đặt kỹ càng.

Sáng 6/10, toàn bộ các tiết mục được đưa ra sân nhà rông để chạy chương trình. Thời tiết lúc này khá đẹp, khô ráo và lặng gió. Dân làng chung tay vào việc từ sớm, chỗ này ngả thịt, chuẩn bị rượu ghè, chỗ kia đi chặt vầu làm cơm lam, gà nướng… Đầu giờ chiều, các anh em Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Chư Păh đã đổ quân xuống làng, sắp đặt phông màn, máy chiếu, ánh sáng, âm thanh, lán trại… cho buổi lễ. Một đống củi lớn được dựng ở giữa sân đất làm tâm điểm cho vòng xoang, mọi việc diễn ra rất suôn sẻ.

Có thể là hình ảnh về cải búp

Chuẩn bị cơm lam

Chập tối, trong trang phục váy/ khố truyền trống Jrai, các thành viên CLB cồng chiêng đã tập hợp đông đủ trước sân nhà rông. Đội chiêng – xoang trẻ được sắp đặt thành hai hàng để tiếp đón đại biểu. Các vị khách quý đi ở giữa sẽ cảm nhận được hiệu ứng âm thanh nổi kỳ diệu, chỉ có ở nhạc cồng chiêng vùng Bắc Tây Nguyên.

Gần tới giờ khai mạc, trời chợt trở gió, bắt đầu có những giọt mưa lâm thâm. Tôi và ông em Rơ Châm Guk – một trong những nghệ nhân tài năng nhất Mrông Yố ra giữa 2 hàng chiêng – xoang danh dự, cùng nắm tay nhau hướng lên trời hét lớn: “Ơ Yang, đừng mưa nhé!” Nhưng rồi hạt mưa ngày càng có xu hướng gia tăng hơn trước. Mọi người ai cũng lo lắng!

Đúng giờ, bác sĩ Nguyễn Thanh Lịch – PCT UBND tỉnh và anh Nguyễn Đức Hoàng – PGĐ Sở VHTTDL cùng các vị đại diện cho lãnh đạo huyện đã tới. Đưa khách đi giữa 2 hàng chiêng – xoang rộn rã, nhịp nhàng bài Đón khách, tôi giải thích về hiệu ứng âm thanh nổi để mọi người cùng cảm nhận vẻ đẹp độc đáo của cồng chiêng Jrai.

Nhưng thật trớ trêu, khi các vị khách vừa an tọa thì trời bất chợt đổ mưa to, gió lạnh nổi lên ào ào. Không ai bảo ai, tất cả quan khách và dân làng đều chạy vào trú mưa dưới gầm nhà rông và các lán trại mới dựng hồi chiều. Toàn bộ thiết bị chiếu sáng bị vô hiệu hóa, chỉ giữ được 1 ngọn đèn pha duy nhất trên xe thông tin cổ động. Rất nhanh, trong đầu tôi thoáng nghĩ, bảo tồn cồng chiêng vốn đâu có dễ dàng, không chỉ lòng người mà giờ đây ngay cả thời tiết cũng thử thách chúng tôi ra trò. Gió lạnh không ngừng, mưa quất chéo khiến mọi người ướt lướt thướt. Chừng 15 phút, trong tiếng mưa to, tôi kêu gọi anh em đội trẻ nổi chiêng lên cho thay đổi không khí. Rồi giữa tiếng cồng chiêng vang vọng dưới gầm sàn, lán trại, mấy cô gái Jrai cùng với Bùi Thị Kim Phương – thành viên của dự án – cùng nắm tay nhau trong điệu xoang ngẫu hứng… Mọi người truyền tay nhau từng chén rượu, chia sẻ từng đĩa hạt dẻ, miếng thịt nướng… để quên đi cái rét, mưa, gió lạnh…

Chừng 19g30, thấy mưa không ngớt, nhóm chỉ đạo quyết định rất nhanh, vỡ kịch bản, không thể chiếu phim tư liệu thì phải tiến hành khai mạc trong bóng đêm, cốt sao nổi lửa đánh chiêng là được… Thế rồi tranh thủ lúc mưa nhỏ, tôi cùng đạo diễn Nguyễn Trung Thành – quay phim của dự án và Trưởng ban Văn hóa xã Rơ Châm Thuân ra nhóm lửa. Mấy anh em chật vật chừng mươi phút, tưới dầu, bật đến văng cả đá lửa, cuối cùng thì ngọn lửa cũng được nhen nhóm, rồi dần bùng cháy dưới làn mưa rơi không ngớt. Trong bóng tối trước khán đài, 2 MC Siu Nguyệt – Phó bí thư chi đoàn xã và Kim Phương tuyên bố khai mạc buổi lễ. Dưới làn mưa lây rây, quanh đống lửa rực sáng, đội cồng chiêng – xoang thế hệ trước biểu diễn liên tục các bài: Mừng lúa mới, Đi hái rau, 2 bài Đâm trâu lấy khí thế mở đầu. Mưa, khói nặng không bay lên được, lúc lúc như sà xuống ôm quyện lấy vòng xoang, quấn quýt quanh đội chiêng, một khung cảnh thật ấn tượng, đầy cảm xúc mạnh, không bút nào tả xiết… Chốc chốc, xen giữa bài chiêng, ai đó trong dàn nhạc lại hú lên những thanh âm đặc trưng, như những tiếng kêu gọi bầy, vọng lại từ thủa hồng hoang trên đại ngàn…

Tiếp đó, các phân mục quan trọng của buổi lễ vẫn diễn ra suôn sẻ. Già làng Rơ Châm Nha cùng các nghệ nhân cồng chiêng gạo cội từng tham gia xây dựng hồ sơ UNESCO 2004 lên khán đài chính thức nhận món quà quý giá- bộ cồng chiêng do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam trao tặng. Sau đó, chủ nhiệm dự án trao lại kỷ vật của vợ chồng người đội trưởng Rơ Châm H’mut tài hoa năm xưa cho chủ nhiệm CLB Rơ Châm Klunh và trưởng thôn Rơ Châm Alui, như một ý nghĩa truyền lửa nhiệt huyết giữa các thế hệ tài năng của Mrông Yố. Kết thúc chương trình là phần biểu diễn của đội cồng chiêng – xoang trẻ mới thành lập với bộ chiêng vừa được tặng. Các tiết mục diễn ra đúng trình tự và chỉ ngưng lại khi trời mưa to hơn…

Chạy vội vào trong lán trại, mấy cô gái đội xoang nói với tôi rằng mọi người đang truyền tai nhau, trời mưa đấy là do linh hồn của Rơ Châm Blớt và Rơ Châm H’mút – 2 người anh trai của tôi – những nghệ nhân tài năng năm xưa hiện về khóc mừng cho đội chiêng của làng. Còn cậu em Siu Tâm đến từ Kon Tum lại nói, với quan niệm của người Jrai, khi bắt đầu một việc gì mà trời đổ mưa là điềm báo rất may mắn, bởi NƯỚC với đồng bào là biểu tượng của sự sống… Trong cơn mưa, nhiều người đã bật khóc, những giọt nước mắt của nỗi nhớ nhung, của những xúc cảm dâng trào, không thể kìm nén…

Thế đấy, trải qua bao khó khăn trắc trở nhọc nhằn, cuối cùng mục đích của dự án cũng đã hoàn thành. Đội chiêng già Mrông Yố được khôi phục. Vị trí của những nghệ nhân đã khuất được thay thế, tập hợp thành một đội ngũ hùng mạnh. Còn đội chiêng – xoang trẻ mới thành lập, sau 2 tháng tập luyện đã nắm bắt được kỹ thuật và chơi được 5 bài chiêng cổ truyền.

Có thể là hình ảnh về sáo, kèn clarinet, kèn oboe và đàn violin

Về làng với Rơ Châm Guk, một tài năng hàng đầu của đội chiêng

Ngày hôm sau, tối 7/10, CLB cồng chiêng Mrông Yố đã được mời tham gia biểu diễn ở quảng trường Đại đoàn kết, Tp.Pleiku trong chương trình Cồng chiêng cuối tuần, thưởng thức và trải nghiệm do Sở VH Gia Lai tổ chức, như một sự khẳng định lần nữa trước đông đảo người hâm mộ, cồng chiêng- xoang làng tôi đã sống dậy, vậy đó!

(Trích báo cáo khoa học dự án Viện VHNTQGVN)

Nguồn và xem thêm các video từ FB Bùi Trọng Hiền

Comments are closed.