Nếu gã là chủ tịch Quốc hội hay chủ tịch Nước, lời tuyên thệ của gã sẽ khác với lời tuyên thệ của bà Ngân, ông Quang

 

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

 

Cả hai vị chủ tịch Quốc hội và chủ tịch Nước đều tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp…”.

Cả hai vị đều tuyên thệ về hành động: “Nỗ lực hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Trước hết khách quan mà nói gã rất hoan nghênh việc hai vị một tay đặt trên cuốn Hiến pháp, một tay giơ cao trước Quốc hội trân trọng tuyên thệ như thế. Nói gì thì nói đó là việc cần làm của bất cứ ai muốn dấn thân cho đất nước. Nói gì thì nói đó là một cử chỉ đẹp của những ai muốn minh bạch và chính danh nhận sứ mệnh lãnh đạo quốc gia.

Tuy vậy, gã nghĩ lời tuyên thệ, tức lời thể phải vừa ngắn gọn và phải vừa đủ ý sứ mệnh cốt lõi thiêng liêng và trên hết phải chính xác, cụ thể, thuyết phục và rung cảm được toàn dân.

Về điểm này, lời tuyên thệ của hai vị gã thấy có ngắn gọn, nhưng chưa mạnh mẽ, chưa minh bạch, dứt khoát những nguyên tắc cơ bản, chưa thuyết phục và đủ sứ mệnh cốt lõi.

Gã xin có vài nhời bàn như sau.

Câu tuyên thệ đầu thể hiện rất rõ các vị là ai, với chức danh gì mà tuyên thệ, và tuyên thệ trước ai. Vì vậy, các vị không hề đưa câu “Tuyệt đối trung thành với Đảng” vào là rất đúng. Nhưng sau khi thề rất đúng như thế lập tức khi chuyển qua hành động, tức điều quan trọng nhất của một lời thề, của một lời tuyên thệ thiêng liêng thì các vị lại không minh bạch rõ ràng với chính lời thề “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Hiến pháp” mà chính các vị vừa thề. Vì với cương vị chủ tịch Quốc hội và chủ tịch Nước cương vị chính danh mà các quý vị thề thốt thì trước hết và trên hết các vị phải thực thi tốt nhất những sứ mệnh và nhiệm vụ của Tổ quốc, Nhân dân, Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất của Đất nước theo quy định của Hiến pháp giao phó .

Làm sao các vị có thể để cho Nhân dân tin rằng các vị tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp khi các vị trước hết chỉ hết lòng phấn đấu thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước chỉ là những thành viên, chỉ là một bộ phận của Nhân dân và Quốc hội – cơ quan quyền lực tối cao giao phó?

Và làm sao Nhân dân có thể giám sát lời thề của các vị được các vị thực hiện thế nào, nếu chính Nhân dân không được quyền trực tiếp trao nhiệm vụ cho quý vị qua trưng cầu dân ý và chả người dân nào biết được cái nhiệm vụ mà mình trao ấy là thế nào?

Vâng đây là câu chuyện của thuận lòng dân. Đây cũng là khẩu hiệu nằm lòng của các vị: Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra.

Có thuận lòng dân sẽ có tất cả.

Chỉ có thuận lòng dân thì những lời thề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp của các vị mới có ý nghĩa, thưa các vị!

Vì vậy, nếu là gã, gã sẽ tuyên thệ như sau:

Tôi xin thề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp mà Nhân dân đã dân chủ chọn lựa.

Tôi xin thề thượng tôn Hiến pháp, đem hết sức mình cùng toàn dân tộc đưa Đất nước trở nên hùng cường, tự do, dân chủ, văn minh, giàu có và luôn vẹn toàn lãnh thổ của Tổ tiên.

***

Có ai đó sẽ thắc mắc thế Đảng ở đâu?

Xin thưa, Đảng chỉ là một tổ chức chính trị. Nếu gã là Đảng viên thì đương nhiên gã sẽ thề: Tuyệt đối trung thành với Đảng và tuyệt đối tuân thủ Điều lệ và sự lãnh đạo của Đảng, tuyệt đối hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng giao phó tại lễ kết nạp Đảng hay tại Đại hội Đảng nếu gã được bầu là lãnh đạo Đảng.

Còn đây là Quốc hội. Lời thề trước Quốc hội của toàn Dân đương nhiên phải khác với lời thề trước Đảng của… Đảng – một thành viên trong Dân.

Chính danh là như thế.

Comments are closed.