Chào đón “Tiếng thét câm lặng”

Lý Đợi

image

 

Ōe Kenzaburō (31/1/1935 – 3/3/2023) có lẽ là nhà văn có lối viết khó chịu bậc nhất của Nhật thế kỷ 20.

Nhiều độc giả người Nhật sành ngoại ngữ chia sẻ rằng nhiều khi đọc bản dịch còn thấy dễ chịu hơn đọc nguyên tác tiếng Nhật, vì đó là thứ tiếng Nhật cố ý bất bình thường, đọc như đọc văn dịch.

Né tránh cách hành văn thường thấy là yếu tố đầu tiên làm cho Kenzaburō trở thành đại diện tiêu biểu của cột mốc văn học đương đại Nhật Bản.

Ông cũng né tránh cả các hương vị, mô-típ, thẩm mỹ, biểu tượng… thường thấy trong văn học hiện đại Nhật Bản.

Một nền văn học, mà về tiểu thuyết theo tinh thần hiện đại, đã ra đời đầu tiên của nhân loại, từ cuối thế kỷ 10, với trường thiên “Genji monogatari” (Truyện kể Genji) của nữ sĩ Murasaki Shikibu.

Ông dùng bạo lực không để ngợi ca/lên án bạo lực, dùng tính dục không để ngợi ca/lên án tính dục…, mà dùng như một triết lý “như là” của tinh thần hiện sinh, đi bên lề việc tải đạo hoặc rao giảng đạo đức.

Kenzaburō viết hơn 20 tiểu thuyết và nhiều tập truyện, được trao giải Nobel văn chương năm 1994. Tin chung chung về ông ở Việt Nam thì nhiều người biết, nhưng dịch thuật và nghiên cứu một cách bài bản, thì còn khá ít và manh mún.

Nhiều người Việt Nam né Kenzaburō, có lẽ cũng vì những lý do như vừa nêu ở trên.

Nhã Nam thông qua NXB Văn học vừa ấn hành tiểu thuyết “Tiếng thét câm lặng”, do Vương Hải Yến dịch. Đây là một trong năm tác phẩm được Nobel văn chương năm 1994 gọi tên.

Nguyên tác tiếng Nhật là “万延元年のフットボール” (Man’en gan’nen no futtoboru: Trận bóng đá năm Vạn Diên thứ nhất), ra mắt năm 1967. Bản dịch tiếng Việt chọn tựa theo bản dịch tiếng Anh: “The Silent Cry”.

Trong nhiều bảng xếp hạng về các cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản, “Tiếng thét câm lặng” thường có tên, dù nó vô cùng khó đọc.

In lần đầu 3.000 quyển, Nhã Nam quả là hào phóng, dù để bán được 1.500 quyển này tại Việt Nam thì phải cần đến phép màu.

Nếu so với lịch sử tiểu thuyết hiện đại hơn ngàn năm của Nhật Bản, thì tiểu thuyết của Việt Nam còn quá xá là non trẻ. “Hà Hương phong nguyệt” (1912) của Lê Hoằng Mưu (1879 – 1941) có lẽ là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam.

Nhưng sự non trẻ này không đáng ngại bằng cái đọc ấu trĩ, phiến diện vốn đang chi phối diện rộng, làm cho tiểu thuyết dạng lá cải có nhiều đất sống, còn tiểu thuyết nghệ thuật thì thường bí lối.

Comments are closed.