Nguyễn Quang Lập và Ba Đồn mạn thuật

Phạm Hiền Mây

image

 

I/

Trên tay tôi, ngay bây giờ đây là hai cuốn Ba Đồn mạn thuật của Bọ Lập.

Cuốn đầu, anh ký tặng tôi ngày 12.05.2022. Đợt đầu này, anh chỉ in khoảng năm trăm cuốn để ký tặng bạn bè, người thân. Giấy trắng phau, rất dày, rất nặng.

Cuốn sau, anh vừa mới ký tặng tôi đây, hôm 29.04.2024. Ba Đồn mạn thuật lần này là cuốn tái bản, có sửa chữa và bổ sung, dày sáu trăm năm mươi trang. Giấy in tuy mỏng hơn chút, nhưng cũng suýt soát nặng như cuốn đầu. Hai cuốn gần như tương đương, không mấy khác.

******

Phần gấp lại của bìa trước, Nguyễn Quang Lập ghi: Từ khi sang tuổi sáu mươi, tôi luôn đau đáu về một cuốn sách địa chí về Phan Long – Ba Đồn. Địa là đất. Chí là sự ghi chép. Địa chí là sự ghi chép tất cả những gì xảy ra ở một vùng đất, tất tần tật, từ những sự kiện lớn lao tới con tôm con cá, không sót một thứ gì. Một cuốn sách như thế rất cần cho các thế hệ trẻ và con cháu đời sau, một khi họ muốn biết quê cha đất tổ ra sao, tổ tiên ông bà đã sống thế nào.

Bìa sau của sách trích nhận xét:

Trước nay, ông Lập tung hoành trong sáng tạo, lấy hư cấu phóng túng làm nên sự hấp dẫn. Còn với Ba Đồn mạn thuật, là thể loại khảo cứu, sách dư địa chí, phi hư cấu, mà tác giả vẫn tung hoành được, vẫn tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ. Nguyễn Quang Lập hiện ra như một nhà văn hóa lớn, một nhà Ba Đồn học. Ông dẫn ta đi giữa mênh mang đất và người, xưa và nay, bề mặt và chiều sâu, mà vẫn mạch lạc, chi tiết, duyên dáng, làm chủ, tự tại.

(Nhà thơ Nguyễn Thành Phong)

Là người viết sách, xuất bản sách đã hai mươi năm, tôi cảm nhận thật hiếm có cuốn địa chí nào được soạn công phu, kỹ lưỡng và sâu sắc, thú vị như Ba Đồn mạn thuật. Một cuốn sách có hồn người và đất, có dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử và thời gian trong đó. Phải là con người có trái tim ấm nóng, tình yêu sâu đậm với quê hương lắm lắm, với từng rẻo đất, với truyền thống văn hóa con người cùng với trí tuệ, kiến thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực mới làm nên được một cuốn địa chí như vậy.

(Nguyễn Cảnh Bình)

Phần gấp vào của bìa sau, Bọ Lập đã trích trong phần II của Phan Long ngũ chí một đoạn, mà tôi cho rằng, toàn cuốn Ba Đồn mạn thuật của ông sẽ trở nên hấp dẫn bạn đọc hơn, bởi chính những lời giới thiệu chứa trong đoạn trích này:

Về bản sắc văn hóa, rất khó tách bạch một làng quê Phan Long riêng biệt, với một thị tứ Ba Đồn, đại diện cho miền Bắc sông Gianh. Chưa thấy vùng đất nào, văn hóa ba miền giao thoa và xáo trộn dữ dội, lâu dài như vùng đất này. Khảo cổ cho thấy dòng giống người Việt cổ thuộc văn hóa Đông Sơn. Nhưng ở đây, người Chàm đã sống ngót nghét nhiều năm, người Tàu ngót nghét nghìn năm nữa. Bắc Hà được coi từ Hoành Sơn đổ ra, nhưng Nam hà lại được coi từ sông Gianh đổ vào. Miền bắc sông Gianh thời này thuộc Bắc hà, thời kia thuộc Nam hà. Có khi đầu năm thuộc Nam hà, cuối năm thuộc Bắc hà. Vậy nên để dựng lên không gian văn hóa Thiên – Địa – Nhân của ngôi làng xưa cùng hồn cốt của nó là việc dường như bất khả. Nhưng không thể không làm.

******

II/

Ba Đồn mạn thuật có cả thảy năm phần.

Phần I có tên là Thời Khai Thiết với ba chương. Chương một là thoạt kỳ thủy bắc sông Gianh. Chương hai là dựng đặt – diên cách. Chương ba là sự tích làng Phan Long và địa danh Ba Đồn.

Phần II có tên là Phan Long ngũ chí với năm chương tiếp theo. Chương bốn là thiên chí. Chương năm là thủy chí. Chương sáu là địa chí. Chương bảy là thị chí. Chương tám là nhân chí.

Phần III có tên là Sử lược với bốn chương tiếp theo. Chương chín là thiết chế dưới triều Nguyễn. Chương mười là chống Tây xâm. Chương mười một là giành chính quyền và giải phóng. Chương mười hai là thời chiến thời bình.

Phần IV có tên là Ba Đồn tạp lục với ba chương kế nữa. Chương mười ba là tập tục. Chương mười bốn là văn hóa. Chương mười lăm là xã hội.

Phần V, phần cuối cùng, có tên là Ba Đồn ký sự.

******

Mở đầu cuốn Ba Đồn mạn thuật là Đôi lời. Kiểu như là đôi lời thưa gởi của tác giả đến bạn đọc.

Đại khái, trước đây, Bọ Lập, cùng với một số bạn bè, đã từng ấp ủ dự án có tên Địa chí Ba Đồn. Nhưng vì nhiều lý do, dự án đành bỏ dở.

Nghĩ tới nghĩ lui, trong đó có cái nghĩ: sợ mình chết, thế là ông Lập liều mạng, tự mình soạn lấy sách. Để soạn được sách, Bọ đã phải nhờ cậy đến rất nhiều nhà nghiên cứu về sử học, về Hán Nôm, về văn học và ngôn ngữ như: Hoàng Dũng, Hoàng Tuấn Công, Nguyễn Xuân Diện, Trần Hải Yến, Phan Cẩm Thượng, Trương Quang Đệ, Đỗ Bang, Phan Đăng, Nguyễn Đức Cung, Tạ Đình Hà, Nguyễn Khắc Thái, Lê Trọng Đại, Trần Viết Ngạc, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Việt Hà.

Cùng hàng trăm cái tên khác, được viết ra một cách trân trọng. Tôi nói trân trọng là vì, ông có viết tiếp theo một câu cảm động sau, mà chỉ đọc thôi, cũng đánh giá được, tác giả là một người đàng hoàng, tử tế, sống có trước có sau, biết ăn biết ở: Có thể nói, không có những người kể trên, sẽ không có cuốn sách này. Xin khấu đầu tạ ơn tất cả.

Không chỉ tạ ơn người, Nguyễn Quang Lập còn tạ ơn cả đấng linh thiêng: sau bốn trăm năm mươi mốt ngày đêm, ơn trời, cuốn sách đã xong.

Không chỉ có lòng biết ơn, Nguyễn Quang Lập còn có tinh thần cầu thị khi viết: Cuốn sách do một người làm, chắc chắn không thể tránh khỏi chủ quan và thiếu sót. Hãy gửi về cho tôi những ý kiến, góp ý để cuốn sách ngày một hoàn thiện hơn. Địa chỉ email của tôi: bolap1956@gmail. com

Người như Bọ Lập, giờ hiếm lắm. Thiên hạ, có chút tiếng tăm thôi, là xem mọi người bằng nửa con mắt liền.

******

III/

Từ phần III này trở đi, sẽ là những trích đoạn từ cuốn biên khảo Ba Đồn mạn thuật.

Trang 26:

Cách đây hơn hai ngàn năm, nước ta có tên Nam Việt, gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Biên giới hành chính ba quận nói trên vẫn còn đang tranh cãi. Đại khái Giao Chỉ thuộc đất Bắc Bộ, khoảng từ phía nam tỉnh Quảng Tây Trung Quốc tới tỉnh Thái Bình. Cửu Chân khoảng từ Thái Bình đến Hà Tĩnh. Nhật Nam khoảng từ Hoành Sơn (Đèo Ngang) tới Phú Yên gồm năm huyện: Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lộ Dung, Tây Quyển, Tượng Lâm. Lịch Sử Cổ Đại Việt Nam chép: Tây Quyển chừng ở miền bắc tỉnh Quảng Bình, về lưu vực sông Gianh; Tỷ Cảnh ở miền Nam Quảng Bình, về lưu vực sông Nhật Lệ; Chu Ngô ở miền Quảng Trị, về lưu vực sông Thạch Hãn; Lô Dung ở miền Thừa Thiên, về lưu vực sông Hương và sông Bồ; còn Tượng Lâm thì ở miền Quảng Nam, trở vào đến Đại Lĩnh, về lưu vực sông Thu Bồn và các sông ở miền Nam.

******

Trang 141:

Hàu, dân gian gọi là lồn ngâm, là loài nhuyễn thể thuộc nhóm thân mềm hai mảnh vỏ, trong họ hàng nghêu, sò, ốc, hến. Ở sông Gianh, hàu sống bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu, để ăn sinh vật phù du. Chúng sống chủ yếu nhờ vào nguồn tảo có sẵn trong nước biển. Hàu có hình bầu dục hoặc tam giác, to từ bằng đáy bát tới miệng bát, vỏ hàu cứng và sắc hơn dao. Hàu nở từ tháng bảy tới tháng mười một, nước sông ở nhiệt độ hai mươi hai đến hai mươi sáu độ xê. Lấy hàu lúc này, thịt hàu có vị béo, mùi thơm, thịt nhiều, màu sắc đẹp.

******

Trang 221:

Vật Ẩm Tượng Sơn Tửu – không nên uống rượu Tượng Sơn. Rượu Tượng Sơn ngon quá, uống vào đâm nghiện, không bỏ được. Tượng Sơn có cái giếng tên là Ngọc Sao, nước ngon nổi tiếng. Vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn qua lại sông Gianh, ở lại An Bài (Thuận Bài) hay Phù Lỗ (Lộ) (Phù Ninh – Quảng Thanh), nhiều lần đều ăn, uống nước Ngọc Sao. Nước giếng Ngọc Sao nấu rượu ngon khét tiếng. Vật Ẩm Tượng Sơn Tửu là một câu khen khéo đáo để, như khuyên nhau đừng uống Macallan, nghiện thì không có tiền mà uống.

******

Trang 261:

Tiên Chỉ, Thứ Chỉ là những người đứng đầu Hội Đồng Kỳ Mục. Họ có quyền thế nhất làng. Trong các văn bản, giấy tờ chính thức của làng, tiên chỉ là người đầu tiên ký tên vào phía dưới, sau đó là thứ chỉ. Tiên chỉ, thứ chỉ cũng là những người làm chủ các cuộc tế lễ, hương ẩm của làng. Tiên chỉ và thứ chỉ được làng trực tiếp bầu ra.

Lý Trưởng là chức danh cao nhất ban lý dịch trong Hội Đồng Kỳ Mục, chỉ đứng sau Tiên Chỉ. Rất nhiều khi Lý Trưởng cũng là Thứ Chỉ. Lý Trưởng đứng đầu ban lý dịch. Đây là ban hành pháp, thực thi tất cả những gì Hội Đồng Kỳ Mục đề ra, dưới sự chỉ đạo của Tiên Chỉ làng. Văn Minh Việt Nam chép: Lý Trưởng là nhân viên hành pháp quan trọng nhất. Lý Trưởng thu thuế, phân chia ruộng công, đóng dấu các văn tự bán hoặc cầm cố ruộng đất. Cùng với phó lý, ông ta trông coi an ninh công cộng, thảo mọi tờ trình chính thức về các tội và sự nghiêm trọng trong làng như: giết người, hỏa hoạn, mở sòng bạc lậu, giặc cướp.

******

IV/

Trang 283:

Trận đói xảy ra từ tháng mười năm Giáp Thân (1944) đến tháng tám năm Ất Dậu (1945), một thảm họa chưa từng có trên miền Bắc, từ Quảng Bình trở ra, gây chết đói hai triệu người.

Nguyên nhân từ hậu quả chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945). Pháp, Nhật đã lạm dụng và khai thác quá mức một nền nông nghiệp vốn đã lạc hậu, năng suất thấp, lắm thiên tai. Nhật thu gom gạo chở về nước, Pháp thu gom gạo dự trữ phòng khi phải đánh nhau với Nhật. Cùng với thu gom gạo, Nhật còn cưỡng bức trồng đay, do nhu cầu làm bao tải đay phục vụ chiến tranh tăng cao.

******

Trang 357:

Thời bao cấp là thời hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được nhà nước bao cấp, diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Thời này ở miền Bắc, bắt đầu từ năm một ngàn chín trăm năm mươi tám. Nhưng phải sau chiến tranh (1976 – 1986), mới thực sự bộc lộ sự khắc nghiệt của nó, khi mà hậu quả chiến tranh cùng với những sai lầm về kinh tế đồng thời cộng hưởng.

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa, phần lớn tư nghiệp thương nhân bị loại bỏ, hàng hóa được phân phối theo tem phiếu do nhà nước nắm toàn quyền điều hành. Nhà nước độc quyền phân phối hầu hết các loại hàng hóa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Đó là chế độ bế quan tỏa cảng diễn ra gay gắt trên toàn quốc cùng với ba lần đổi tiền sau chiến tranh: 22.09.1975 – 03.05.1978 – 14.09.1985 với những quy định mức đổi tiền kỳ quặc đối với người dân, đã gây nên những cơn bão giá khủng khiếp, những cơn bão lạm phát kinh hoàng. Sau lần đổi tiền 1985, năm 1986, lạm phát đột biến lên tới 774,7%.

******

Trang 379:

Tên Tục: thường đặt từ nôm và xấu để tránh sự chú ý, đe dọa của ma quỷ. Phan Long xưa đặt tên tục khá tục như: cặc, cu, đóc, bướm. Hoặc những tên xấu như: sẹo, què, thúi, cứt. Số đặt tên tục như vậy không nhiều, đa số chỉ đặt tên dễ nghe như: chó, mèo, voi, đen, đỏ. Ngày nay, tên tục tây ta lẫn lộn, chú trọng dễ thương, dễ gọi như: mino, lyly, bông, cà chua, bi.

Tên Bộ: có đủ họ, tên và tên lót (tên đệm). Họ lấy họ cha, với con trai tên lót thường lấy ý mong muốn của cha mẹ. Văn – văn sĩ. Đức – đạo đức. Xuân – may mắn, giàu có. Quang – huy hoàng. Ngọc – quý. Khắc – sức mạnh. Tên lót nữ giới xưa luôn là “thị”. Thị là chợ, hàm ý đàn bà thường chợ búa, nội trợ. Bên cạnh chữ “thị”, còn có thêm chữ lót khác như con trai, như Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Nay tên lót “thị” đang mất dần, trai gái đều đặt tên lót như nhau.

******

Trang 387:

Đàn ông Phan Long ở nhà, ở trần, mặc quần đùi, loại quần đũng què (chân què), ống ngắn ngang bắp vế, thắt dây rút. Ra đường mặc quần lá tọa, áo cánh dài tay. Quần dài là quần chân què, ống rộng tới mắt cá. Tập Tục Đời Người ghi chép: Khi mặc quần có sẵn dải rút thắt lại, hoặc gấp hẹp về phía trước bụng và dắt qua một cái dây buộc quanh bụng, rồi tỏa cạp quần ra ngoài cái dây đó, gọi là quần lá tọa. Thường khi thắt dây lưng, người ta buộc bằng một sợi dây nhỏ, sau đó, dùng một mảnh vải dài, khâu gấp đôi thành cái túi, gọi là bao tượng, rồi thắt ra bên ngoài cạp quần, kiêm luôn chỗ đựng túi tiền. Sau khi quấn ruột tượng quanh bụng hai vòng, người ta thắt múi buộc ở phía bụng, sao cho có thể rút nhanh ra, để lấy tiền chẳng hạn nhưng không làm tụt quần xuống.

******

V/

Trang 389:

Phụ nữ ở nhà mặc yếm. Yếm là vuông vải hình thoi, một góc khoét lỗ ướm sát cổ, có hai dải buộc vòng sau gáy. Hai góc đối xứng là hai dải yếm buộc quàng phía sau lưng. Cái yếm không che hết lưng và cả thân trước, nó chỉ lưng lửng trên bụng, để lộ cả khoảng vai và bụng, gợi cảm và thoáng mát, khi cần cho con bú cũng tiện.

******

Trang 393:

Quần đũng què là quần phổ biến của phụ nữ Phan Long khi phụ nữ chưa mặc quần lót. Quần đũng què là quần đũng rộng, sinh hoạt dễ dàng. Quần đũng giữa tuy đẹp hơn nhưng bị các bà các chị chê, vì đường may giữa chẻ dọc khe phần phụ, bị cho là dơ dáy, kích dục, có thể làm xước da khe giữa, khi chưa có quần lót. Khi quần lót phụ nữ tràn vào thì quần đũng giữa mới được dùng.

Trang 394 (phụ lục, chữ nhỏ):

Xưa phụ nữ không mặc sịp (xilip). Ngày hành kinh, họ dùng vuông vải gấp thếp hoặc lọc tro bếp mịn, gói thành từng gói, đặt thay vào đó – dẫn theo Tập Tục Đời Người.

******

Trang 394:

Tục nhuộm răng của đàn bà con gái có từ thời Việt cổ. Răng đen là một trong mười nét đẹp của phụ nữ xưa: ba thương má lúm đồng tiền / bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua (ca dao). Răng đen không phải do ăn trầu mà do nhuộm răng bằng quả mè và bồ hóng: lấy chồng cho đáng tấm chồng / bỏ công trang điểm má hồng răng đen. Ăn trầu để răng đen bền hơn. Cho nên nhuộm răng đen bao giờ cũng kèm với ăn trầu. Tới thập kỷ sáu mươi, tục nhuộm răng đen dần chấm dứt, tục ăn trầu cũng dần chấm dứt theo.

******

Trang 458-459:

Xưa, cháo canh Ba Đồn chỉ mỗi bột tươi. Gạo lứt (xưa không dùng gạo trắng), ngâm nước một buổi, đem giã thành bột, vắt khô, hong gần chín thì dùng chày hay vỏ chai cán thành từng tấm mỏng. Sát (cắt) thành từng sợi bằng chiếc đũa thả vào nồi đang sôi. Nồi cháo canh vừa phải, không lớn. các loại cá dùng cho cháo bánh canh: cá thu, cá dở, cá ngứa, cá hanh, cá mè kẻ, cá tràu. Thường là cá ngứa. Cá luộc chín, ráy thịt, tao hành mỡ cho vào nồi nước sôi, đồng thời, sát bánh thả vào. Vài phút sau, múc vào bát ăn ngay cùng với ram (nem rán) Ba Đồn.

******

VI/

1.

Tôi đọc trên Wikipedia, thấy giới thiệu về Bọ Lập thế này: Nguyễn Quang Lập (1956) là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên kịch điện ảnh.

Vậy là Wikipedia đã không cập nhật kịp rồi. Sau cuốn Ba Đồn mạn thuật này, nhứt thiết, phải điền thêm một chuyên môn nữa của ông: nhà biên khảo.

Sách mới toanh, muốn tìm đọc trên mạng, không có đâu, nên nếu hứng thú với nội dung chứa đựng của sách, hứng thú với lối viết văn rất táo bạo, rất tiếu lâm và siêu xúc động của Nguyễn Quang Lập, các bạn nên sắm về một cuốn, mà xem, mà lưu trữ khi cần.

Không phí xèng của các bạn.

Cũng như tôi, chép từ sách ra đây cho các bạn đọc, tôi không thấy bị phí phạm một li công sức nào. Chép, giống như một lần nữa đọc lại. Đọc đi đọc lại, những cuốn biên khảo, bao gồm cả lịch sử, cả địa lý, cả văn chương, cả văn hóa, phong hóa của xã hội, của đất nước, của con người như thế này, không bổ được bề ngang thì nhứt định cũng bổ vào bề dọc.

******

2.

Mười hai đoạn trích trên, chỉ là một phần rất nhỏ, rất nhỏ của cuốn sách biên khảo Ba Đồn mạn thuật. Tôi lựa chúng ra theo sự hứng thú rất chủ quan của tôi.

Nói như vậy, là tôi muốn dẫn tới ý, bạn ơi, nội dung cuốn sách, tuy là ông tác giả, ổng khiêm tốn nói, chỉ đi tìm rồi ghi chép lại, rồi kể lại, chuyện hồi xửa hồi xưa, chuyện từ thời khai thiết cho đến bây giờ của làng Phan Long, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, nhưng thực ra, cuốn sách tổng hợp và mở rộng rất nhiều. Có những chuyện, không chỉ riêng Phan Long, Ba Đồn, mà nó còn là chuyện xưa lắc xưa lơ, cho đến gần đây nhứt, của cả nước Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam.

Nên Ba Đồn mạn thuật quả là cuốn sách quý lắm. Quý lắm lắm!

******

“Chót bẹt” Ba Đồn mạn thuật là một cuốn sách hay “bảm”. Tui “chộ” sao thì nói vậy.

“Còn lưa”, Ba Đồn mạn thuật của “bọ” Lập, coi dày vậy “chơ” đọc không “đọa”. Tui “ệc” mà đọc cũng hơn ngày là hết.

Gút lại như ri, nói kiểu ni là tui “học dọi” dân Ba Đồn đó. Bập bẹ như ri, tui cũng “hổ ngai”, cũng “trẽn” “bảm”. Tui cũng mới học trong sách “bọ” Lập, “chơ” không “lấc” chi đâu. Tui chỉ sợ các bạn nói tui “lố”, tui “lởm”, tui “phách lác” thôi. “Chơ” thiệt tình, tui “lụt lịt” “bảm”.

“Sưa” các bạn, giờ tui ngừng, tui đi uống “nác”. Tui biên như vậy cũng “ngạ” rồi. Các bạn “rủng rải” đọc nha. Thắc mắc chi, các bạn mua Ba Đồn mạn thuật về, có tới hai mươi trang “vẹ” phương ngữ Ba Đồn, các bạn tha hồ mà tra cứu!

Sài Gòn 07.05.2024

Comments are closed.