Bộ máy quan liêu (4)

Ludwig von Mises

Phạm Nguyên Trường dịch

Chương 1

Quản lý vì lợi nhuận (1)

1. Hoạt động của cơ chế thị trường

Chủ nghĩa tư bản hay nền kinh tế thị trường là hệ thống hợp tác xã hội và phân công lao động dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Các yếu tố vật chất của nền sản xuất nằm trong tay từng công dân riêng lẻ – các nhà tư sản và địa chủ. Nhà máy và trang trại do các doanh nhân và nông dân quản lý, nghĩa là do các cá nhân hoặc hiệp hội của các cá nhân, những người nắm quyền sở hữu vốn và đất đai hoặc mượn hay thuê của các chủ sở hữu. Kinh doanh tự do là đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa tư bản. Mục tiêu của tất cả các doanh nhân – doanh nhân hay nông dân thì cũng thế – là tìm kiếm lợi nhuận.

Các nhà tư sản, doanh nhân và nông dân có vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế. Họ là người cầm lái và người điều khiển con tàu. Nhưng họ không được tự do quyết định hướng đi của nó. Họ không phải là người chỉ huy tối cao, mà chỉ là người cầm lái, buộc phải tuân thủ vô điều kiện mệnh lệnh của thuyền trưởng. Thuyền trưởng là người tiêu dùng.

Tư sản, doanh nhân cũng như nông dân đều không phải là người quyến định sản xuất cái gì. Người tiêu dùng quyết định. Người sản xuất không sản xuất để tự mình tiêu dùng mà sản xuất cho thị trường. Họ muốn bán sản phẩm của mình. Nếu người tiêu dùng không mua những món hàng được đem ra bán thì các doanh nhân không thu hồi được số vốn đã bỏ ra. Anh ta sẽ mất tiền. Nếu anh ta không điều chỉnh cho phù hợp với ước muốn của người tiêu dùng, anh sẽ nhanh chóng bị loại khỏi vị trí lãnh đạo. Những người đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dung sẽ thay thế anh ta.

Trong hệ thống kinh tế thị trường, người tiêu dùng mới là các ông bà chủ thực sự. Họ – bằng cách mua hay không mua – mới là người quyết định ai nên là chủ sở hữu vốn và quản lý các nhà máy. Họ là người quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu và chất lượng như thế nào. Thái độ của họ làm cho doanh nhân lãi hay lỗ. Họ làm cho người nghèo trở thành người giàu và người giàu trở thành người nghèo. Họ là những ông chủ khó tính. Họ đầy những ý tưởng bất chợt và huyền ảo, có thể thay đổi và không thể đoán trước được. Họ không quan tâm công lao trong quá khứ. Ngay khi có món hàng mà họ thích hơn hoặc rẻ hơn, họ liền bỏ các nhà cung cấp cũ. Với họ, sự hài lòng của mình là trên hết. Người tiêu dùng không bận tâm đến lợi ích của các nhà tư sản, cũng chẳng quan tâm tới số phận của những người lao động bị mất việc, khi không mua những món hàng mà họ vẫn thường mua.

Nói rằng sản xuất mặt hàng A nào đó không hòa vốn nghĩa là gì? Nó là biểu hiện của sự kiện là người tiêu dùng không sẵn sàng trả cho người sản xuất mặt hàng A số tiền đủ để mua tất cả các yếu tố để sản xuất món hàng này, trong khi các nhà sản xuất khác tìm được thu nhập cao hơn chi phí sản xuất. Nhu cầu của người tiêu dùng là công cụ trong việc phân bổ các yếu tố sản xuất khác nhau cho những ngành sản xuất hàng tiêu dùng khác nhau. Như vậy là, người tiêu dùng quyết định cần sử dụng bao nhiêu nguyên liệu thô và nhân công để sản xuất mặt hàng A và bao nhiêu cho những món hàng hóa khác. Do đó, đặt sản xuất vì lợi nhuận đối đầu với sản xuất để sử dụng là vô nghĩa. Động cơ lợi nhuận buộc các doanh nhân phải cung cấp cho người tiêu dùng những hàng hóa cần thiết nhất. Nếu doanh nhân không phải dùng động cơ lợi nhuận làm kim chỉ nam trong hoạt động thì anh ta có thể sản xuất nhiều món hàng A, mặc dù người tiêu dùng thích mua món hàng khác. Động cơ lợi nhuận chính là yếu tố buộc doanh nhân phải cung cấp một cách hiệu quả nhất những hàng hóa mà người tiêu dùng muốn.

Như vậy là, hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa là chế độ dân chủ về kinh tế, trong đó, mỗi đồng xu đều cho người ta quyền bỏ phiếu. Người tiêu dùng là nhân dân có chủ quyền. Tư sản, doanh nhân và nông dân là những người được ủy quyền. Nếu họ không tuân theo, nếu họ không sản xuất với chi phí thấp nhất có thể, những món hàng mà người tiêu dùng yêu cầu, họ sẽ bị bãi chức. Nhiệm vụ của họ là phục vụ người tiêu dùng. Lời và lỗ là công cụ mà người tiêu dùng sử dụng để kiểm soát chặt chẽ tất cả các hoạt động kinh doanh.

2. Tính toán kinh tế

Tính ưu việt của hệ thống tư bản thể hiện bằng sự kiện: Đó là hệ thống hợp tác và phân công lao động xã hội duy nhất có thể áp dụng phương pháp tính toán khi lên kế hoạch tiến hành các dự án mới và đánh giá hoạt động của các nhà máy, trang trại, và phân xưởng đang hoạt động. Chủ nghĩa xã hội và kế hoạch hóa tập trung dưới mọi hình thức, do không có sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất và do đó, không có giá thị trường, cho nên không thể tiến hành hạch toán kinh tế, và vì vậy, là bất khả thi.

Vấn đề cần giải quyết sản xuất kinh tế là: Sản xuất cần rất nhiều loại vật tư, mỗi loại lại khác nhau, từ tính chất vật lý đến địa điểm có thể tìm được hay mua được. Có hàng triệu công nhân với tay nghề rất khác nhau. Công nghệ cung cấp cho chúng ta thông tin về vô số phương án sản xuất hàng tiêu dùng nếu sử dụng nguồn lực, tư liệu sản xuất và nhân lực sẵn có. Nhưng công nghệ và kế hoạch nào ưu việt nhất? Cần áp dụng công nghệ và kế hoạch nào để có thể thỏa mãn tốt nhất những nhu cầu cấp thiết nhất? Công nghệ và kế hoạch nào cần để lại hoặc loại bỏ hoàn toàn, vì nếu làm theo, ta sẽ phải chuyển các yếu tố sản xuất khỏi những dự án mà nếu được thực hiện thì giúp đáp ứng tốt hơn những nhu cầu cấp thiết?

Rõ ràng là không thể trả lời những câu hỏi này bằng những tính toán sử dụng hiện vật. Không thể đưa những thứ khác nhau vào phép tính nếu không có đơn vị đo lường chung được áp dụng cho tất cả.

Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, toàn bộ công tác thiết kế và lập kế hoạch đều dựa trên giá cả thị trường. Không có giá cả, tất cả các công trình nghiên cứu và thiết kế của các kỹ sư sẽ chỉ là trò giải trí có tính trí tuệ mà thôi. Họ sẽ chứng minh rằng có thể làm được những gì và làm ra sao. Nhưng họ sẽ không thể quyết định liệu việc thực hiện một dự án nào đó – tức là rút những yếu tố khan hiếm ra khỏi những dây chuyền sản xuất khác, có đe dọa việc thỏa mãn của các nhu cầu cấp thiết hơn, nghĩa là nhu cầu được người tiêu dùng coi là cấp thiết hơn – có thực làm gia tăng phúc lợi vật chất hay không. Kim chỉ nam cho việc lập kế hoạch kinh tế là giá thị trường. Một mình giá thị trường có thể trả lời câu hỏi liệu việc thực hiện dự án P sẽ mang lại nhiều tiền hơn chi phí bỏ ra hay không, nghĩa là, liệu dự án này có lợi hơn các kế hoạch có thể tưởng tượng được, nhưng không thể thực hiện vì các yếu tố sản xuất cần thiết đã được sử dụng để thực hiện dự án P.

Người ta thường phản bác rằng định hướng các hoạt động kinh tế bằng động cơ lợi nhuận, tức là theo tiêu chí thu nhiều hơn chi, là không coi trọng lợi ích của toàn thể quốc gia mà chỉ chăm chăm vào lợi ích ích kỷ của từng cá nhân. Lợi ích ích kỉ của cá nhân khác với và thậm chí, thường là đi ngược lại lợi ích quốc gia. Tư tưởng này là nền tảng của kế hoạch hóa theo lối toàn trị. Những người ủng hộ quản lí theo lối độc tài tuyên bố rằng chính phủ kiểm soát kinh doanh quan tâm tới sự thịnh vượng của quốc gia, trong khi kinh doanh tự do chỉ có mục đích duy nhất là tìm kiếm lợi nhuận, đe dọa lợi ích quốc gia.

Hiện nay, người ta thường minh họa quan điểm này bằng cách viện dẫn việc sản xuất cao su tổng hợp. Đức, dưới chính thể chủ nghĩa xã hội quốc gia, đã phát triển sản xuất cao su tổng hợp, trong khi Vương quốc Anh và Hoa Kì, với doanh nghiệp tự do, chuyên chú vào việc tìm kiếm lợi nhuận, không quan tâm đến việc sản xuất những món hàng không mang lại lợi nhuận, ví dụ, chất Ersatz (thay thế) đắt tiền này. Tức là, họ đã lờ đi một trong những sản phẩm quan trọng cho việc chuẩn bị chiến tranh và đặt nền độc lập của nước mình trước hiểm họa nghiêm trọng.

Khó có thể đưa ra được lập luận sai lầm hơn. Chưa có người nào từng khẳng định rằng chiến tranh và chuẩn bị lực lượng vũ trang cho tình trạng khẩn cấp của chiến tranh là nhiệm vụ có thể hoặc nên để cho cho các công dân tự làm. Bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ nền văn minh trước cuộc xâm lăng của cả kẻ thù nước ngoài lẫn của các băng đảng ở trong nước là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả các chính phủ. Nếu tất cả mọi người đều tử tế và có đạo đức, nếu không có người nào tham của người khác, thì sẽ không cần chính phủ, không cần quân đội và hải quân, không cần cảnh sát, không cần tòa án và nhà tù. Việc của chính phủ là chuẩn bị cho trường hợp xảy ra chiến tranh. Không công dân nào, cũng không có nhóm hoặc giai cấp nào phải chịu trách nhiệm nếu chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ này. Chính phủ phải chịu trách nhiệm và do đó, trong chế độ dân chủ, đa số cử tri phải chịu trách nhiệm.

Đức vũ trang để chuẩn bị chiến tranh. Bộ Tổng Tham mưu Đức biết rằng nước Đức đang đánh nhau sẽ không thể nhập khẩu được cao su tự nhiên, họ quyết định thúc đẩy sản xuất cao su tổng hợp ở trong nước. Không cần phải tìm hiểu xem bộ chỉ huy quân sự Anh và Mỹ có tin rằng các nước – ngay cả trong trường hợp xảy ra cuộc Chiến tranh thế giới mới – có thể dựa vào đồn điền cao su của Malaya và Indonesia (Dutch Indies) hay là không. Dù sao mặc lòng, họ cho là không cần dự trữ cao su tự nhiên hoặc bắt tay vào sản xuất cao su tổng hợp. Một số doanh nhân Mĩ và Anh đã nghiên cứu quá trình sản xuất cao su tổng hợp ở Đức. Nhưng khi giá thành của cao su tổng hợp cao hơn hẳn so với cao su tự nhiên, họ không thể mạo hiểm làm theo người Đức. Không có doanh nhân nào có thể bỏ tiền vào dự án không có triển vọng mang lại lợi nhuận. Chính sự kiện này làm cho người tiêu dùng trở thành thượng đế và buộc doanh nhân phải sản xuất cái mà người tiêu dùng đang đòi hỏi một cách cấp bách nhất. Người tiêu dùng, nghĩa là dân chúng ở Mĩ và Anh, không sẵn sàng mua cao su tổng hợp với mức giá đủ sức làm cho việc sản xuất trở nên có lời. Biện pháp rẻ nhất để có cao su là các nước Anglo-Saxon sản xuất những món hàng khác, ví dụ, xe ô tô và máy móc, rồi bán những thứ này ra nước ngoài và nhập khẩu cao su tự nhiên.

Nếu chính phủ ở London và ở Washington dự đoán được các sự kiện vào tháng 12 năm 1941, và tháng 1 và tháng 2 năm 1942[1], thì họ đã tìm cách bảo đảm sản xuất cao su tổng hợp ở trong nước rồi. Sử dụng biện pháp tài trợ nào để sản xuất món hàng cần cho quốc phòng đối với vấn đề mà chúng ta đang bàn không phải là quan trọng. Họ có thể trợ cấp cho những nhà máy liên quan hoặc họ có thể tăng giá cao su ở trong nước – bằng cách tăng thuế nhập khâu – lên mức làm cho việc sản xuất cao su tổng hợp trở thành có lời. Dù sao mặc lòng, người dân sẽ buộc phải trả tiền cho sản phẩm được làm ra.

Nếu chính phủ không có biện pháp phòng thủ, không có nhà tư sản hay doanh nhân nào có thể thay thế được họ. Lên án một số tập đoàn hóa chất là không tiến hành sản xuất cao su tổng hợp thì cũng vô lí chẳng khác gì lên án ngành công nghiệp ô tô là không chuyển các nhà máy của mình thành các nhà máy sản xuất máy bay ngay sau khi Hitler nắm được quyền lực. Hoặc lên án nhà nghiên cứu vì đã lãng phí thời gian viết sách về lịch sử nước Mĩ hay triết học mà không dành tất cả nỗ lực của mình trong việc tự đào luyện để thực hiện nhiệm vụ trong tương lai trong lực lượng viễn chinh. Nếu chính phủ không thực hiện được nhiệm vụ chuẩn bị cho quốc gia những phương tiện cần thiết nhằm đẩy lùi cuộc tấn công xâm lược, thì không người công dân nào có thể khắc phục được tai hoạ, ngoài việc phê phán chính quyền, bằng cách nói với quốc chủ – các cử tri – trong các bài diễn văn, và sách báo[2].

Nhiều bác sĩ nói rằng đồng bào của họ chi tiêu một cách cực kì ngu ngốc và trái ngược với nhu cầu thực sự của mình. Họ nói rằng dân chúng nên thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế đồ uống có cồn và thuốc lá, và sử dụng thời gian rỗi một cách hợp lý hơn. Những vị bác sĩ này có thể đã nói đúng. Nhưng, cải thiện hành vi của “thần dân” không phải là nhiệm vụ của chính phủ. Cũng không phải là nhiệm vụ của các doanh nhân. Doanh nhân không phải là người bảo vệ khách hàng của mình. Nếu dân chúng thích đồ uống có cồn hơn là nước ngọt, các doanh nhân phải đáp ứng ước muốn của họ. Những người muốn sửa chữa thói xấu của dân chúng phải tìm cách thuyết phục. Đấy là biện pháp thay đổi duy nhất, theo lối dân chủ. Không thuyết phục được người khác ngả theo tư tưởng của mình thì chỉ nên tự trách mình mà thôi. Không được đòi hỏi ban hành luật pháp, nghĩa là, không được ép buộc và không sử dụng những biện pháp cưỡng ép của cảnh sát.

Cơ sở của hạch toán kinh tế là đánh giá của tất cả mọi người về tất cả hàng hóa tiêu dùng. Đúng là người tiêu dùng dễ mắc sai lầm và đánh gia của họ đôi khi cũng sai. Có thể giả định rằng họ sẽ đánh giá các mặt hàng khác nhau theo cách khác nếu có thông tin tốt hơn. Tuy nhiên, đấy là bản chất của con người, chúng ta không thể dùng sự khôn ngoan của chính quyền bất khả sai lầm thay thế cho suy nghĩ hời hợt của nhân dân.

Chúng tôi không khẳng định rằng giá thị trường phải được coi là giá trị tuyệt đối và vĩnh viễn. Không có cái gọi là giá trị tuyệt đối, không phụ thuộc vào sở thích chủ quan của những người dễ mắc sai lầm. Người ta phán đoán về giá trị một cách khá tùy tiện. Những phán đoán đó thể hiện tất cả những thiếu sót và nhược điểm của người đánh giá. Tuy nhiên, nếu không để cho lựa chọn của người tiêu dùng quyết định giá thị trường, thì chỉ còn một cách duy nhất là để cho phán đoán của một ít người quyết định giá – mà những người này cũng có thể sai lầm và thất bại chẳng khác gì đa số, mặc cho sự kiện là họ được gọi là “chính quyền”. Dù giá trị của hàng hóa tiêu dùng có được xác định như thế nào, dù chúng được ấn định bằng quyết định độc tài hay do sự lựa chọn của tất cả người tiêu dùng – toàn thể nhân dân – thì giá trị cũng luôn luôn là tương đối, mang tính chủ quan và do con người quyết định, chứ không bao giờ là tuyệt đối, khách quan, và có tính thần thánh.

Cần phải hiểu rằng, trong xã hội thị trường, được tổ chức trên cơ sở doanh nghiệp tự do và sở hữu tư nhân phương tiện sản xuất, giá hàng hóa tiêu dùng phản ánh chính xác và trung thực giá các yếu tố khác nhau cần cho quá trình sản xuất. Do đó, bằng những phép tính chính các, có thể tìm được trong vô số các quy trình sản xuất mà ta có thể tưởng tượng được, quy trình nào ưu việt hơn, quy trình nào có nhiều khiếm khuyết hơn. “Ưu việt hơn” có nghĩa là: Sử dụng những yếu tố sản xuất để làm ra những hàng hóa tiêu dùng mà người tiêu dùng đang rất cần được ưu tiên hơn là sản xuất ra những hàng hóa mà người tiêu dùng không có nhu cầu cấp bách. Tính toán kinh tế có thể giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, trong bất kì hình thức chủ nghĩa xã hội nào, các cơ quan trung ương không thể tiến hành được tính toán kinh tế. Không có thị trường thì các yếu tố sản xuất cũng không có giá thị trường, do đó, các yếu tố sản xuất không thể trở thành cơ sở để có thể tính toán.

Muốn hiểu đầy đủ về các vấn đề đang bàn ở đây, chúng ta phải hiểu bản chất và nguồn gốc của lợi nhuận.

Trong hệ thống mang tính giả thuyết không bao giờ thay đổi thì sẽ không bao giờ có lời và lỗ. Trong thế giới đứng yên thì cũng thế, trong thế giới đó sẽ không có gì mới và tất cả các điều kiện kinh tế đều vĩnh viễn không bao giờ thay đổi, tổng số tiền mà nhà sản xuất phải bỏ ra để mua các yếu tố sản xuất cần dùng sẽ bằng số tiền mà anh ta nhận được sau khi bán sản phẩm. Giá phải trả để mua trang thiết bị, vật tư để sản xuất, tiền công và tiền lãi trả cho vốn đầu tư, sẽ bao trọn toàn bộ giá bán sản phẩm. Không còn tí lợi nhuận nào. Rõ ràng là, hệ thống như thế sẽ không cần doanh nhân và không có hoạt động kinh tế vì lợi nhuận. Ngày hôm qua, ngày hôm kia, năm ngoái, mười năm trước sản xuất cái gì thì hôm nay cũng sản xuất cái đó và cứ thế tiếp tục mãi mãi, khi không có gì thay đổi trong cung hoặc nhu cầu của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất hoặc trong phương pháp kỹ thuật, khi tất cả giá cả đều ổn định, thì cũng không có chỗ cho bất kì hoạt động kinh doanh nào.

Nhưng thế giới thực là thế giới luôn luôn thay đổi. Dân số, thị hiếu, mong muốn, nguồn cung các yếu tố sản xuất, phương pháp sản xuất không ngừng thay đổi. Trong tình trạng như thế, cần phải thường xuyên điều chỉnh sản xuất theo những điều kiện đang thay đổi. Đây là lúc cần các doanh nhân.

Những người thèm khát lợi nhuận luôn luôn tìm kiếm cơ hội. Khi phát hiện ra rằng quan hệ giữa giá của các yếu tố sản xuất với giá của các sản phẩm sẽ làm ra dường như tạo cho họ cơ hội như thế, họ liền nắm bắt ngay. Nếu đánh giá của họ về tất cả các yếu tố liên quan là đúng, thì họ có lời. Nhưng xu hướng làm mất lợi nhuận cũng bắt đầu hoạt động ngay lập tức. Dự án mới vừa được khởi động là giá của các yếu tố sản xuất liên quan lập tức gia tăng, còn giá của những sản phẩm được làm ra thì bắt đầu giảm. Lợi nhuận là hiện tượng luôn luôn thay đổi chỉ vì điều kiện thị trường và phương pháp sản xuất luôn luôn thay đổi. Ai muốn có lời thì phải luôn luôn theo dõi những cơ hội mới. Và, trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận, người đó điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Chúng ta có thể coi toàn bộ thị trường các yếu tố vật chất của quá trình sản xuất và lao động như một cuộc đấu giá công khai. Những người tham gia đấu thầu là các doanh nhân. Giá bỏ thầu cao nhất của họ bị giới hạn bởi giá mà người tiêu dùng sẵn sàng trả cho các sản phẩm mà họ sẽ làm ra trong tương lai. Những người tham gia đấu thầu khác cạnh tranh với họ cũng ở trong tình trạng tương tự, họ phải trả giá cao hơn nếu không muốn ra về tay không. Tất cả những người tham gia đấu thầu hành động như những người được người tiêu dùng ủy nhiệm. Nhưng mỗi người lại đại diện cho một khía cạnh nào đó trong nhu cầu của người tiêu dùng người thì đại diện cho món hàng hóa, người thì đại diện cho phương pháp sản xuất cùng món hàng hóa đó. Cạnh tranh giữa các doanh nhân khác nhau thực chất là cạnh tranh giữa những khả năng khác nhau mà các cá nhân đang có nhằm tránh, càng xa càng càng tốt, khỏi tình trạng bức bối của mình bằng cách mua hàng hóa tiêu dùng[3]. Quyết định của một người nào đó về việc mua tủ lạnh chứ chưa mua ô tô mới là yếu tố quyết định việc hình thành giá xe và giá tủ lạnh. Do cuộc cạnh tranh giữa các doanh nhân mà giá những hàng hóa tiêu dùng được thể hiện trong quá trình hình thành giá của các yếu tố sản xuất. Sự kiện là những nhu cầu khác nhau của các cá nhân – được thể hiện trên thương trường bởi những doanh nhân cạnh tranh với nhau – xung đột với nhau vì các yếu tố sản xuất bao giờ cũng khan hiếm, dẫn tới việc hình thành giá cho những yếu tố này, làm cho tính toán kinh tế không chỉ khả thi mà còn buộc người ta phải làm. Doanh nhân nào không tính toán hoặc coi thường kết quả tính toán, chẳng bao lâu sau sẽ phá sản và không còn được làm người quản lí nữa.

Nhưng, trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, chỉ có một người quản lí, không có giá các yếu tố sản xuất, cũng chẳng có tính toán kinh tế. Trong xã hội tư bản, yếu tố sản xuất, thông qua giá của nó, gửi tới các doanh nhân lời cảnh báo: Đừng động vào tôi, tôi được để dành cho việc thỏa mãn nhu cầu khác, cấp thiết hơn. Nhưng trong chủ nghĩa xã hội, những yếu tố sản xuất này không thể lên tiếng. Chúng không thể đưa ra bất kì gợi ý nào cho người lập kế hoạch. Công nghệ cung cấp cho người lập kế hoạch vô cùng nhiều giải pháp để giải quyềt cùng một vấn đề. Mỗi giải pháp lại đòi hỏi phải có các yếu tố sản xuất khác nhau, với số lượng khác nhau. Nhưng, vì người quản lý xã hội chủ nghĩa không thể quy giản vào một mẫu số chung, anh ta không thể tìm được giải pháp ưu việt nhất.

Đúng là, trong chủ nghĩa xã hội sẽ không có lời và lỗ có thể nhận thức được. Không có tính toán, thì không thể nào trả lời được câu hỏi: Các dự án được lên kế hoạch hay được thực hiện có phải là những dựa án tốt nhất nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất hay không; không thể nào biết được sẽ thành công hay thất bại khi chúng nằm trong bóng tối. Những người ủng hộ của chủ nghĩa xã hội nhầm lẫn nghiêm trọng khi cho tằng không có lời và lỗ là ưu điểm quan trọng. Ngược lại, đấy là thiếu sót quan trọng nhất của tất cả các bộ máy quản lý xã hội chủ nghĩa. Không biết việc mình làm có phải là biện pháp phù hợp để giành được mục tiêu đang tìm kiếm hay không không thể được coi là lợi thế. Ban quản lý xã hội chủ nghĩa chẳng khác gì người bị buộc phải sống cả đời trong tình trạng bị bịt mắt.

Người ta đã và đang phản bác rằng, dù sao hệ thống thị trường cũng không thích hợp với những điều kiện mà cuộc chiến tranh lớn có thể gây ra. Nếu chỉ còn cơ chế thị trường thì chính phủ sẽ không có tất cả các trang thiết bị cần cho chiến tranh. Những loại vật tư khan hiếm cần cho sản xuất vũ khí sẽ bị đem sử dụng cho mục đích dân sự, mà trong chiến tranh thì phải được coi là không quan trọng bằng mục đích quân sự, thậm chí phải coi là xa hoa, lãng phí. Vì vậy, bắt buộc phải sử dụng hệ thống ưu tiên do chính phủ thiết lập và cần thành lập ngay bộ máy quan liêu để quản lí.

Sai lầm của lập luận này là không nhận ra rằng nhu cầu trao cho chính phủ toàn quyền quyết định sử dụng nguyên liệu nào được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất nào không phải là kết quả của chiến tranh mà là kết quả của phương pháp được áp dụng để tài trợ cho chiến tranh

Nếu toàn bộ số tiền cần cho chiến tranh đã được thu qua các khoản thuế và các khoản vay từ công chúng, thì dân chúng sẽ buộc phải hạn chế triệt để các khoản chi tiêu của mình. Với thu nhập bằng tiền (sau thuế) thấp hơn hẳn so với trước đây, người tiêu dùng sẽ ngừng mua nhiều hàng hóa mà họ đã từng mua trước khi chiến tranh xảy ra. Các nhà sản xuất, chính vì động cơ lợi nhuận thúc đẩy, sẽ ngừng sản xuất những món hàng hóa đó và sẽ chuyển sang sản xuất những hàng hóa mà chính phủ, bây giờ, do thuế khóa mà trở thành người mua lớn nhất trên thị trường, sẵn sàng mua những hàng hóa mà họ sản xuất ra.

Tuy nhiên, phần lớn chi phí chiến tranh được tài trợ bằng cách đưa thêm tiền vào lưu thông và vay các ngân hàng thương mại. Mặt khác, khi chính phủ kiểm soát giá, tăng giá hàng hóa là bất hợp pháp. Khi thu nhập bằng tiền tăng lên, còn giá hàng hóa không thay đổi thì người ta sẽ không những không hạn chế mà còn mua thêm hàng hóa tiêu dùng. Để tránh hiện tượng này, người ta buộc phải sử dụng chính sách phân phối hàng hóa và thứ tự ưu tiên do chính phủ áp đặt. Cần phải thực hiện những biện pháp này vì những biện pháp can thiệp trước đó của chính phủ đã làm cho thị trường tê liệt, dẫn đến những kết quả ngược đời và hoàn không đáp ứng được hoàn cảnh. Không phải là khiếm khuyết của cơ chế thị trường, mà những bất cập của những biện pháp can thiệp trước đây của chính phủ vào hoạt động của thị trường đã làm cho hệ thống ưu tiên trở thành hiện tượng không thể tránh được. Trong ví dụ này, cũng như trong nhiều trường hợp khác, các quan chức lại coi thất bại của những biện pháp can thiệp trước đó là bằng chứng cho thấy cần phải can thiệp sâu hơn vào hệ thống thị trường.


[1] ngày 7 tháng 12 năm 1941 Nhật tuyên chiến với Mĩ và Anh, từ đó đến cuối tháng 2 năm 1942, Nhật chiếm được Indonesia, Malaysia và Thái

Lan – những nước cung cấp chủ lực cao su tự nhiên trên thị trường thế giới – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[2] Tuy nhiên, những nhận xét như thế này không phải là phê phán các chính sách mà chính quyền Anh và Mĩ đã theo đuổi trong giai đoạn trước chiến tranh. Chỉ có người biết trước các sự kiện quân sự sẽ diễn ra trong những năm 1941-1943 mới có quyền lên án người khác là không có viễn kiến mà thôi. Chính phủ không phải là toàn trí toàn năng, như người ủng hộ kế hoạch hóa muốn chúng ta tin tưởng như thế.

[3] L. Mises tiến hành phân tích hành vi của con người trong một loạt công trình của mình. Ông cho rằng động cơ của con người là mong muốn thoát khỏi cảm giác lo lắng trong lòng mình. Những ý tưởng này được trình bày một cách chi tiết nhất và nhất quán nhất trong tác phẩm Human Action (Hành vi của con người), xuất bản năm 1949 – chú thích của bản tiếng Nga, ND.

Comments are closed.