Đối xứng và phá vỡ đối xứng

Cao Chi

Đối xứng là một vấn đề tổng hợp của mọi khoa học. Định nghĩa đối xứng càng ngày càng đi sâu và mở rộng vào những địa hạt trừu tượng.
Tìm được đối xứng vật lý tối thượng của vũ trụ là thực hiện ước mơ về lý thuyết thống nhất của Einstein.

Trong quá trình phát triển của khoa học, nghệ thuật và các ngành khác khái niệm đối xứng dần dần được thay bằng khái niệm bất biến là một khái niệm tổng quát hơn.
Khi một vật thể bất biến đối với một phép biến đổi nào đó thì chúng ta nói vật thể đó là đối xứng (đối với phép biến đổi đó), ví dụ hình tròn có đối xứng quay, vì nếu ta quay hình tròn xung quanh trục đi qua tâm của nó và thẳng góc với mặt phẳng của nó thì hình tròn lại trùng với chính nó, nó bất biến đối với phép quay đó.
Mọi vật từ các hạt cơ bản trong vật lý, đến sự sống, đến cái đẹp dường như luôn tuân theo một quy luật là biểu diễn một sự phá vỡ đối xứng (trong thiên nhiên là tự phát) trên cơ sở một đối xứng cơ sở nền nào đó.

Và tại sao có đối xứng và sự phá vỡ đối xứng tự phát trong thiên nhiên? Đây là một điều bí ẩn nhất của thiên nhiên mà chắc chúng ta không thể nào biết được, và chính vì thế mà vấn đề đối xứng luôn là vấn đề cơ bản nhất của mọi khoa học.
Có thể nói đối xứng và phá vỡ đối xứng là một suối nguồn của các ý tưởng cho mọi tìm tòi trong khoa học trong nghệ thuật.
Nếu nguyên lý đối xứng cùng quy luật phá vỡ đối xứng là quy luật phát triển của thiên nhiên thì sự sống cũng như cái đẹp sẽ phải tuân theo nguyên lý và quy luật đó. Như vậy sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta nghiên cứu và sáng tác trong khoa học và nghệ thuật.
Nhà vật lý học Tsung Dao Lee viết: Có lẽ cái đẹp gắn liền với một bất đối xứng nhẹ. Sự nhận thức cái đẹp chứa nhiều yếu tố chủ quan song bản thân cái đẹp có những quy luật của nó. Quy luật phá vỡ đối xứng trên nền một đối xứng cơ sở là một trong những quy luật đó.

Đối xứng là khái niệm quan trọng của nhiều ngành khoa học và nghệ thuật. Mặc dầu sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, các nhà toán học, vật lý học, hoá học, các nhà địa chất, khoáng học, các hoạ sĩ, đạo diễn múa, các nhà văn, các thi sĩ, các kiến trúc sư… đều lấy đối xứng làm công cụ trong quá trình nghiên cứu, sáng tác phát hiện các định luật và cái đẹp của thế giới khách quan.
Vấn đề đối xứng có thể nói là một vấn đề lớn bao trùm nhiều hoạt động của con người, bởi vì tư tưởng chủ đạo của con người trong quá trình tiếp cận với thiên nhiên là tìm ra trong cái đa dạng muôn hình, muôn vẻ của vật chất những cái gì mang tính quy luật, mang tính trật tự và ổn định. Và nguồn gốc của trật tự và ổn định chính là sự đối xứng.

Các nhà vật lý học xuất phát từ đối xứng để tìm ra những quy luật mới. Đối xứng trở thành tiên đề à priori trong vật lý học. Lịch sử phát triển vật lý học trong những năm gần đây càng chứng tỏ điều đó.
Một trong các bài toán lớn của vật lý thế kỷ XXI là tìm những đối xứng mới trong thiên nhiên.
Đối xứng bao gồm từ những khái niệm đơn giản dễ hiểu bằng trực quan đến những khái niệm sâu sắc trừu tượng nhất mà người ta chỉ có thể biểu diễn bằng toán học. Khi nói cách bố trí đồ đạc trong căn phòng này rất cân đối, ta đã nói lên một vẽ đẹp đối xứng nào đó mà mọi người đề dễ tiếp thu và hiểu được, song khi nói rằng giữa các hạt fermion và boson có siêu đối xứng (supersymmetry) hoặc khi nói các lý thuyết hiện đại dựa trên những đối xứng định xứ (local) thì cần một sự giải thích cặn kẽ để những người không nghiên cứu trong lĩnh vực lý thuyết trường lượng tử có thể hiểu được. Như vậy dưới danh từ quen thuộc “đối xứng” ẩn nấp một nội dung sâu sắc mà con người không bao giờ có thể phát hiện ra hết được. Vừa phát hiện ra một đối xứng này thì các đường nét của một đối xứng khác tổng quát hơn lại hiện ra.
Sự thể hiện của đối xứng bao gồm từ thế giới vô sinh đến thế giới hữu sinh, từ những hiện tượng xảy ra ở những khoảng cách vi mô đo bằng những đơn vị vô cùng nhỏ không quen thuộc đối với nhiều người, đến những hiện tượng xảy ra ở những khoảng cách vĩ mô, đo bằng những đơn vị khổng lồ chỉ quen thuộc đối với những nhà vũ trụ học.

Đối xứng và phá vỡ đối xứng là cơ chế tuyệt đối của tự nhiên

Nếu quan sát mọi hình thái, hiện tượng xung quanh, chúng ta sẽ thấy rõ sự thể hiện của quy luật vi phạm đối xứng trên nền một đối xứng cơ sở. Thực vậy, không có một vật gì có đối xứng tuyệt đối, ví như quả tim của chúng ta cũng nằm về một phía cơ thể. Dường như thiên nhiên sợ cái đối xứng tuyệt đối.
Nếu thiên nhiên quả là hiện thân của sự sống, của cái đẹp thì sự vi phạm đối xứng phải là một dấu hiệu tất yếu của sự sống và cái đẹp. Sự đối xứng tuyệt đối chỉ là nguyên lý. Sau là một trích đoạn trong quyển “Ngọn núi kỳ lạ” của Thomas Mann:
“ … Mỗi một sáng tạo băng giá này có một sự cân xứng tuyệt đối, một đối xứng lạnh lùng và chính vì thế mà chứa đựng một điều gì tàn độc, không hữu cơ và thù nghịch với cuộc sống; các sáng tạo này quá đối xứng và như thế không thể làm chất liệu cho cuộc sống; cuộc sống run sợ trước mặt cái chính xác đó, cái đều đặn lý tuởng đó và xem chúng là nguồn gốc là bí mật của chết chóc. Và Hans Kastord chợt hiểu rằng, vì sao các kiến trúc sư thời cổ, lúc dựng lên những đên đài đã cố ý, mặc dầu một cách lén lút, vi phạm đối xứng trong việc bố trí các hàng cột”.
Chúng ta có thể không chia sẻ ý kiến quá cay độc đối với đối xứng trong trích đoạn trên, nhưng không thể không đồng ý rằng chính sự vi phạm đối xứng mới tạo nên cuộc sống, tạo nên cái đẹp làm rung cảm chúng ta.
Thêm một minh hoạ. Các bạn độc giả hãy nhìn người đàn bà tuyệt mỹ trong bức Thị tỳ của danh hoạ Pháp D. Ingres (1780-1867). Nhiều tĩnh vật mang tính cách phương Đông như vành khăn, quạt, hộp trang sức, ống điếu, được đưa vào bức tranh để tăng thêm màu sắc exotic, làm thành một cái khung rất đẹp, làm nổi bật nhân vật chính ở giữa. Lúc bức tranh được đem ra triển lãm lần đầu tiên năm 1819, nhiều nhà phê bình hội hoạ đã cho rằng D. Ingres đã vi phạm các quy tắc về giải phẫu và khẳng định rằng lưng của người cung nô này quá dài và thừa đến 3 đốt xương sống!

Ở đây, chúng ta hiểu vấn đề như sau: nếu xem con người cùng với các tương quan về mặt giải phẫu là mô hình của đối xứng tuyệt đối, thì D. Ingres đã vi phạm đối xứng đó nhân danh cái đẹp. Thực vậy nhờ sự vi phạm đó mà dáng điệu nửa nằm nửa ngồi của người cung nô trở nên uyển chuyển lạ lùng và có lẽ sự vi phạm đối xứng này chính là nét độc đáo nhất của bức tranh diễm lệ này?

10931063_1640223989532682_6584457452501756230_n

Nguồn: https://www.facebook.com/chi.cao.7165/posts/1640223989532682:0

Comments are closed.