Học tập gì từ nền giáo dục châu Á?

Yong Xhao

Phạm Nguyên Trường dịch từ http://www.abc.net.au/radionational/programs/saturdayextra/lessons-that-matter-what-should-we-learn-from-asian-education/5706304

clip_image001

Tiến sĩ Yong Zhao (Viện Chính sách Y tế và Giáo dục (Mitchell, Melbourne, Australia) cho rằng việc hệ thống giáo dục của các nước châu Á thu được thành công không phải là kết quả của những nỗ lực cải cách đó mà ngược lại, là nhờ phát huy những thế mạnh truyền thống.

 

Mấy năm gần đây, mối quan tâm tới việc học hỏi các hệ thống giáo dục đạt thành tích cao của các nước châu Á ngày càng lớn. Hàng loạt các báo cáo nghiên cứu, những câu chuyện trên các phương tiện truyền thông cũng như lý giải của các cá nhân về cách mà những hệ thống này đạt được những vị trí cực kì cao trong các bảng tổng sắp quốc tế đã được quảng bá rộng rãi và được coi như những đề xuất cho các hệ thống giáo dục trên khắp thế giới. Tuy nhiên, phần lớn những quan sát phổ biến trong dư luận đã không chỉ ra được những bài học quan trọng nhất cần được học tập.

Không thể tìm được những bài học hay nhất từ châu Á bằng cách hỏi: “Điều gì đã giúp cho những hệ thống này giành được điểm thi cao ngất trời như thế?” Đúng hơn, câu hỏi cần đặt ra là: “Ở những nước này, điều gì đã và đang làm thay đổi những thực hành giáo dục của họ trong mấy thập niên qua?”

Công việc của tôi ở Viện Chính sách Y tế và Giáo dục Mitchell ở Melbourne bao gồm một nghiên cứu về những nỗ lực cải cách trong các hệ thống giáo dục thành tích cao của các nước châu Á, đặc biệt là Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Thượng Hải, trong ba thập niên qua. Nghiên cứu này không nhằm tìm cách giúp Úc “đuổi kịp” các hệ thống trường lớp châu Á trong các bảng xếp hạng quốc tế. Nó tập trung vào những bài học nhằm xây dựng tương lai chứ không phải để sửa chữa quá khứ. Cơ sở của nó là phân tích các văn bản chính sách quan trọng, xem xét các tài liệu nghiên cứu, và phỏng vấn tại chỗ các quan chức chính phủ, các nhà nghiên cứu và các nhà lãnh đạo giáo dục làm việc trong bốn hệ thống giáo dục này.

Những người đứng ngoài quan sát có thể lầm tưởng rằng những nỗ lực cải cách hiện nay của châu Á chính là động cơ dẫn tới thành công của họ. Trên thực tế, những thành tích nổi bật của họ trong các kỳ đánh giá quốc tế không phải nhờ những cải cách đó mà là kết quả của truyền thống văn hóa và các chính sách đã được thiết lập trong quá khứ, cái quá khứ mà hiện nay họ đang cố gắng thay đổi.

Trong khi đó, những người làm việc bên trong những hệ thống này, tức là những người có quyền tự hào về thành tích của mình, thì lại không hài lòng. Những nỗ lực cải cách cấp tiến mà họ đã và đang tiến hành trong ba thập kỷ qua được thúc đẩy bởi niềm tin rằng hệ thống giáo dục của họ còn xa mới được coi là chất lượng cao. Ví dụ, những người trong hệ thống của Trung Quốc chỉ ra sự thiếu hụt những tài năng trong lĩnh vực sáng tạo và kinh doanh, tỉ lệ sinh viên bị trầm cảm cao, sức khỏe thể chất cũng suy giảm và áp lực học hành thì nặng nề.

Công trình nghiên cứu của tôi chưa hoàn thành nhưng đã xác định được một số thay đổi đa dạng trong chính sách được áp dụng ở những hệ thống giáo dục khá khác nhau nói trên. Một số hệ thống đang áp dụng công nghệ, phân quyền kiểm soát và không quá chú trọng vào việc thi cử. Cả bốn hệ thống đều đang thực hiện những cải cách giúp mở rộng định nghĩa về kết quả của giáo dục, đưa nó vượt ra ngoài thành tích học tập một số môn học hạn hẹp, phát triển những “kỹ năng của thế kỉ XXI”, ví dụ như khả năng sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, và tư duy bậc cao. 

Ngược lại, những nỗ lực cải cách ở các nước phương Tây, ví dụ như Úc, lại có xu hướng theo chiều ngược lại: tiến tới một chương trình giảng dạy chung toàn quốc và coi trọng hơn những kì thi đã chuẩn hóa, tức là thu hẹp định nghĩa về thành tích giáo dục. Họ làm vậy để mong đạt được thành tích cao như châu Á. Nực cười là, những nhà cách tân ở châu Á thì lại đang tìm cách áp dụng những giá trị của phương Tây nhằm chuẩn bị cho sinh viên của họ một tương lai mang tính cạnh tranh.

Khi đã hiểu rõ được những việc mà các hệ thống giáo dục ở châu Á đã và đang cố gắng làm, bài học cho Úc là thay vì tiến hành cải cách nhằm đạt được điểm cao trong các kì thi như học sinh châu Á, Úc cần tận dụng những điểm mạnh truyền thống của mình, ví dụ như sự tháo vát và đầu óc kinh doanh, nhằm phát triển một hệ thống giáo dục có khả năng chuẩn bị thế hệ thanh niên cho một nền kinh tế toàn cầu hóa và một thị trường lao động đang thay đổi từng ngày.

Tôi hy vọng rằng công trình nghiên cứu với Viện Mitchell sẽ đóng góp thêm những bằng chứng, mở rộng định nghĩa và nhận thức về thế nào là một hệ thống giáo dục chất lượng cao thực sự. Bài học quan trọng rút ra từ hệ thống giáo dục thành tích cao của châu Á là chúng ta không được tập trung vào việc sửa chữa quá khứ, mà cần phải làm việc tích cực nhằm tạo dựng tương lai.

Tiến sĩ Yong Zhao là cộng tác viên Viện Mitchell thuộc trường đại học Victoria (Victoria University). Tác phẩm mới nhất của ông: Who’s Afraid of the Big Bad Dragon? Why China Has the Best (and Worst) Education System in the World, sẽ được phát hành vào tháng 9 năm 2014.

Comments are closed.