Nhân Văn Giai Phẩm: Nỗi oan khuất của Lê Nguyên Chí và gia đình qua thư của con trai – Lê Mạnh Đức

Dưới đây là thư của ông Lê Mạnh Đức, con trai ông Lê Nguyên Chí, vừa gửi cho bạn ông, nhà thơ Hoàng Hưng, nói về nỗi oan khuất của bố ông và gia đình từ vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

Văn Việt

Bố tôi là một người nhiệt thành yêu nước. Từ năm 1926 khi đang học tú tài trường Bưởi đã tích cực tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh khiến bị đuổi học; năm 1942, đang là ông phán Sở Tài chính, sẵn sàng thôi việc để tham gia công tác Mặt trận Việt Minh với bao gian khó tù đày. Tất nhiên những việc này khiến gia đình rất khó khăn về sinh kế… Năm 1945, sau khi tham gia cướp chính quyền, được Cụ Hồ giao cho phụ trách Thanh tra (nay ngang bộ) nằm trong Bộ Nội vụ, làm việc bên cạnh các ông Hoàng Hữu Nam, Võ Nguyên Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xác nhận). Sau đó về Bộ Ngoại giao làm việc bên cạnh Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, cũng giữ vai trò thứ nhì trong Bộ (lúc đó không có Thứ trưởng). Sau khi nghỉ làm tại Bộ Ngoại giao, được Uỷ ban Kháng chiến Liên khu Việt Bắc cử về nội thành vận động Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí ra kháng chiến. Việc không thành, sau 3 tháng với quyền lực của Thanh tra Thủ hiến Bắc Việt, đời sống vật chất rất cao, nhưng bố tôi từ bỏ hết và xin nghỉ việc. Điều đó chứng tỏ sự trung thành của ông với lý tưởng yêu nước… Vào Nam, tham gia Mặt trận Hòa bình Thế giới do ông Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, và do đó, ông đã can thiệp cho Bố tôi và gia đình trở về Hà Nội những mong tiếp tục công tác (ông Phạm Văn Đồng giao cho Bộ trưởng Phan Mỹ tiếp xúc thông báo nơi công tác là Bộ Nông trường, chắc với vị trí xứng đáng). Đùng một cái bị bắt. Các diễn biến tôi đã viết trong bài “Bố tôi, Lê Nguyên Chí”.

Đại tướng Võ Nguyên Giap đã viết đầy đủ về bố tôi: “Là người tốt, đã phụ trách Thanh tra Bộ Nội vụ bên cạnh ông Hoàng Hữu Nam, Võ Nguyên Giáp, và bị tù oan do là bạn với ông Nguyễn Hữu Đang”. Ông Nguyễn Hữu Đang cũng đã xác nhận sự oan trái vu cho bố tôi, còn đánh giá bố tôi là “người anh lớn đáng kính phục”. Đến 101 tuổi trong oan khuất, bố tôi vẫn tỏ lòng kính trọng cụ Hồ, vẫn hy vọng sẽ được minh oan!

Bố tôi đi tù kéo theo cả nhà tôi cũng “tù ngoài song sắt”. Ngoài việc kinh tế bị bao vây, chỉ ăn cháo sắn qua ngày, thì bốn chị em tôi cũng gặp bao khó khăn không kể xiết.

Chị gái tôi, Lê Thúy Nga, năm nay đã 85 tuổi. Đi bộ đội từ khi 14 tuổi, học Y tá trưởng rồi chiến đấu tại Quân khu Việt Bắc, ở vùng địch hậu. Khi bố tôi bị bắt thì bị đối xử “đặc biệt”. Là sĩ quan nhưng bị cấm vào Thành Hà Nội họp; đi học bổ túc văn hóa thì bị phê phán “học để ăn trên ngồi trốc”; chuyện chồng con thì bị ngăn cấm. Yêu đảng viên thì người yêu bị khai trừ… Học xong lớp 10, xin thi Đại học thì không cho, phải đến khi bà Thứ trưởng Bộ Y tế Đinh Thị Cẩn phê duyệt mới được nhập học! Thật hay, chị tôi lúc đó là sinh viên 6 năm học giỏi đứng đầu toàn khối… Khi tốt nghiệp loại giỏi được GS Tôn Thất Tùng nhận về Bệnh viện Việt Đức.

Bản thân tôi, từ năm 1955 đã vào Đoàn Thanh niên Lao Động (tiền thân là Đoàn Thanh niên Cứu Quốc). Làm công tác học sinh nhiệt thành với vai trò Hiệu đoàn trưởng nhiều năm trường cấp 3 Nguyễn Trãi… Khi bố tôi bị bắt, vừa học, tôi phải làm không biết bao nhiêu việc để gia đình sinh sống. Gia sư, dạy bổ túc văn hoá, thư ký hợp tác xã, kéo ba gác đạp xích lô, thậm chí đi bốc mả thuê để kiếm sống… Dù là đối tượng kết nạp Đảng lớp 6/1 từ năm 1960, hết lớp 10, cánh cửa Đại học vẫn đóng chặt. Nhờ người thân giới thiệu lên Khu Gang thép Thái Nguyên, tôi tự nguyện “công nhân hóa” làm bốc vác bến tàu xe lửa, trên vai luôn vác ba bao xi măng, gạch chịu lửa với trọng lượng 150kg… Kể sao cho hết!

Đuổi việc…

Tôi vào Nhà máy Cơ khí Hà Nội, công việc là vận chuyển, tức là kéo xe chở vật tư hay sản phẩm theo từng công đoạn. 8h làm việc, tôi học nghề thêm 4h, nhờ vậy biết nghề cơ khí. Lúc này tôi còn đi học Văn tại Đại học Sư phạm, học khóa Viết văn do nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Kim Lân… giảng, rồi viết kịch, phóng sự… cho báo Tiền Phong khiến báo này định tuyển làm phóng viên (sau đó, các anh lãnh đạo báo này khuyên tôi bỏ ngay ý nguyện viết văn). Một hôm, thấy có người đi theo nhìn mặt, linh cảm có chuyện. Quả thật, tức khắc bị gọi lên văn phòng, tuyên bố “anh đã bị đuổi việc, chuẩn bị lên miền núi mà sống”…

Được nhiều người thương, tôi được nhận vào nhà máy khác. Khi đang làm việc tai Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà, khi tan tầm ra về gặp ngay anh Hộ tịch đi đón người yêu. Thật hay, anh ta nói gì mà Tổ chức nhà máy gọi lên đuổi nhẹ bằng cách chuyển lên công tác Bắc Giang sát Lạng Sơn… Đây là lần thứ hai bị đuổi việc!

Kể chuyện trên để thấy nỗi gian truân của tôi. Ấy vậy mà ở tuổi 35, tôi đã thành thợ nguội chính xác bậc 7 là bậc cao nhất, có bằng kỹ sư cơ khí, kinh qua Chánh văn phòng Cục xăng dầu Hàng không, rồi Giám đốc điều hành Tổng Công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (tức Phó Tổng Giám đốc) gần 10 năm rồi về hưu. Chuyện kể quá dài, chỉ xin tóm tắt vậy…

Trong những ngày gian khó ấy, không thể không nhắc đến Người Mẹ tuyệt vời và thân yêu của tôi.

Mẹ tôi, tên Lê Quý Quán, vốn là con của quan Án sát. Ấy vậy mà, kể từ khi chồng (Lê Nguyên Chí) làm ông phán cho đến sau này, bà phải chịu đựng bao vất vả cay nhục… Khi bố tôi còn làm việc ở Sở Tài chính thì đến kỳ lương cũng đã bị trừ hết bởi các hóa đơn mua thuốc (hiệu thuốc Thẩm Hoàng Tín, dược sĩ là bạn học cùng bố tôi), bố tôi đem về quê bà nội tôi để giúp họ hàng (ở làng cổ Mông Phụ – Đường Lâm). Khi bố tôi bỏ việc không có lương thì mẹ tôi tiếp tục lo sinh sống của gia đình. Những năm đi kháng chiến cũng vậy, đặc biệt khi bố tôi bị bắt rồi bị tù thì càng kinh khủng hơn… Lâu ngày không thấy bát cơm, thậm chí thèm bát cháo nấu từ gạo. Cậu ruột tôi là Luật sư Lê Huy Vân, khi đi họp Quốc hội, hay Thường vụ Quốc hội, có tem gạo 4kg bồi dưỡng cũng đem về cho chị… Bán bánh cuốn bánh xèo, thức khuya dậy sớm, sau này ế quá, mẹ tôi đi làm thợ tiện gỗ HTX. Đã lớn tuổi, cầm dao tiện thủ công với tôc độ máy chạy 6000-7000 vòng/phút. Ấy vậy mà không một lời oán trách, “âm thầm và lặng lẽ”. Năm 1999, mẹ tôi qua đời ở tuổi 97, đi trước bố tôi 4 năm…

Oan khuất đã rõ, oan trái quá nhiều. Đau đớn, gian khổ mà Bố tôi và gia đình phải gánh chịu không bút nào tả xiết. Chúng tôi không đòi hỏi bồi thường vật chất, dù nó quá lớn. Chúng tôi chỉ cần lời xin lỗi, minh oan cho Bố tôi và gia đình, như sự bồi thường tinh thần cho những con người Hà Nội rất tử tế đã bị gánh chịu hơn 63 năm qua…

Sài Gòn 24/9/2020

Lê Mạnh Đức

image

Ảnh chụp ở Bộ Ngoại giao trong Kháng chiến chống Pháp: Từ trái sang phải, người ngoài cùng là con ông Hoàng Minh Giám, kế đó là bố tôi Lê Nguyên Chí, người đứng cạnh mặc áo trắng là ông Hoàng Minh Giám

image

Ảnh hai ông bà Lê Nguyên Chí dịp thượng thọ ông

image

Ảnh chị Nga khi là sĩ quan quân y

image

Ảnh anh Lê Mạnh Đức vừa chụp trong lễ kỷ niệm 60 năm khoá học sinh Nguyễn Trãi mà anh là Hiệu đoàn trưởng (1957-1960)

Comments are closed.