Những bức thư của nhạc sĩ Lê Thương gửi qua Pháp (trích)

KỲ I

Phương Hương (Thích Nữ Chân Không)

 

Tôi viết về Lê Thương

Khám phá ra một nghệ sĩ lớn, một bậc cha chú xuất sắc.

Tôi có được địa chỉ của Lê Thương là do anh chị Tám của tôi (khi chính quyền Cộng sản vào Miền Nam thì gia đình trung lưu nào ở Sài Gòn cũng đem áo quần đồ đạc cũ ra bán chợ trời); anh chị tôi bán đồ đạc cũ kế bên anh chị Lê Thương và cũng do ca sĩ Cao Thái, anh Sáu của tôi, cũng là bạn Lê Thương. Lê Thương biết tôi là em gái của ca sĩ Cao Thái. Cao Thái hiền như bồ tát, thiệt thà, có chi nói nấy, không giấu diếm gì được ai. Cao Thái không để ý tới tình hình đất nước, ai lên nắm quyền, ai xuống cũng như nhau. Lê Thương không hề biết tôi là phụ tá khá đắc lực của Thầy tôi, Thầy Thích Nhất Hạnh nên Lê Thương cũng thoải mái khoe có cô em gái anh ca sĩ Cao Thái hay gửi quà cho văn nghệ sĩ. Chính anh Lê Thương đã giới thiệu cho tôi các anh Minh Đăng Khánh, Trọng Nội, Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng Chiều), Hoàng Hải Thủy, Vĩnh Phan, Ngô Nhật Thanh, Năm Châu…v…v… Tên thật của Lê Thương là Ngô Đình Hộ, nhà số 55 đường Bùi Viện, Quận I – Tp.HCM, nên tôi lấy Ngô Thị Phương Hương để gởi quà cho Lê Thương. Trước khi liên lạc để gửi thuốc men ủng hộ tinh thần anh, những hiểu biết của tôi về Lê Thương rất nghèo. Lê Thương đối với tôi lúc ấy chỉ là tác giả của ba bài Hòn Vọng Phu mà hồi nhỏ ở Bến Tre lúc năm sáu tuổi  tôi hay hát bài Hòn Vọng Phu 1:

Lệnh vua hành quân, trống kêu dồn.

Quan với quân lên đường

Đoàn ngựa xe trống dồn

 

Khi lớn lên khoảng năm 1960 lúc làm giảng Nghiệm Viên ở Đại Học Khoa Học, tôi nghe được bài Hòn Vọng Phu 2: Ai Xuôi Vạn Lý  mà chị Thu Đồng, đồng nghiệp của tôi hay hát mỗi khi Phòng Thực Vật chúng tôi có tiệc. Bài này buồn và có cái gì rất sâu thẳm, rất mỏi mòn tuyệt vọng. Trong bài Vọng Phu 2 này, âm hưởng và hình ảnh rất là Bắc, như chuyển tải cả những nỗi buồn vạn cổ của Miền Bắc đất nước! Tôi không ngờ là chính Lê Thương đã sáng tác bài Ai Xuôi Vạn Lý ngay tại quê tôi tận Miền Nam, giữa rừng dừa nước phù sa bùn lầy  kinh Chẹt Xậy trong lúc chín phần mười có thể bị Tây ruồng bắt và giết. Sau này viết cho tôi, anh nói lúc đó anh không biết sẽ chết phút giây nào nhưng cái tình yêu quê hương vẫn sắt son không khác vì tình của người vợ trông chồng, thủ tiết chờ chồng cho đến khi hóa đá mà tự nhiên những nốt nhạc cứ nhảy ra trong đầu và anh đã ghi vội vàng những nốt then chốt của bài Ai Xuôi Vạn Lý lên cây bút máy đã khô mực nhưng nhờ nước sông Chẹt Xậy thấm ướt nên mới viết được ra!

Thế rồi sau khi liên lạc với anh Lê Thương tôi mới biết anh cũng chính là tác giả những bài thiếu nhi rất quen thuộc mà tôi đã từng thích và thuộc làu mà không để ý tên tác giả. Tôi hay dạy các cháu hát các bài như:

Trời xanh, xanh mát,

Hương thơm, thơm ngát.

Cùng nhau ta múa điệu ca,

Cùng nhau ta hát đời ta

Trẻ con theo tánh

Ưa trái cây ưa bánh

Hàm răng hay sún vì chua!

Mà ai cho bánh thì ưa.

Dầm mưa, dang nắng,

Chơi cát dơ mẹ mắng.

Sống vui trong bầu trời thơ

Mỗi trang là một bài thơ

Sướng thay cho đời trẻ thơ,

Mỗi trang là một bài thơ…

 

Hay bài Chú Cuội:

 

Ánh trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có thằng Cụi già

Ôm một mối mơ

 

Thì ra đều là nhạc của Lê Thương.

Từ từ tôi đã khám phá ra một người nghệ sĩ lớn, một bậc cha chú, một bậc đàn anh trong nền văn nghệ Việt Nam. Lê Thương mà mọi người biết là một nhạc sĩ lớn, có nhiều tác phẩm nhạc bất hủ như Hòn Vọng Phu I, II, III. Nhưng ít ai biết được rằng anh có tài viết văn thật dí dỏm, và có một tâm hồn rất đạo đức và từ bi. Anh chụp hình thực tại bằng một ngòi bút rất xác thực, sắc sảo nhưng có độ lượng và thật hiền từ. Ôi những bức thư trên giấy pelure mỏng tanh, bị chuột gặm phía góc trên đầu và góc bên dưới mà lần nào đọc lại tôi cũng cảm nghe lòng quặn đau, nhưng rồi lại bật cười khan một mình, khi nước mắt đã tràn ngập mi. Đúng là một phong cách viết văn có một không hai của Lê Thương. Trong tập sách này tôi sẽ để nguyên tất cả các bức thư mà Lê Thương viết cho tôi, rất đa dạng, rất dí dõm nhưng có khi rất não nùng, đứt ruột. Xin các bạn đọc trong phần Phụ Lục. Xin bạn đọc ráng đọc Phụ Lục cho trọn vẹn và xin tha lỗi cho tôi đã không trích dẫn nhiều đoạn rất hay vì Lê Thương có cách trình bày rất tuần tự. Nếu chỉ trích  một đoạn thôi  là làm mất cái mạch lạc anh muốn trình bày.

Thư nào anh viết cho tôi rất cũng rất nghiêm trang mà cũng rất dí dõm, hào hứng, biết khen đúng mức, nhưng không làm thấp nhân cách của mình. Tôi biết, cũng có thể nhờ nhiều nhân duyên mà anh mới viết được những bức thư như thế: đó là những bức thư rất tha thiết của chúng tôi viết cho anh, những bức thư mà thầy chúng tôi cầm tay, nghĩa là thầy thảo trước những gì cần tưới tẩm hạnh phúc và niềm tin nơi anh. Về phần nói về thuốc men và chỉ cách trị liệu cặn kẽ thì do  anh rễ thứ Năm tôi là Bác sĩ Nguyễn Phước An cung cấp rất tận tụy. Anh tốt nghiệp đại học y khoa Paris, đã có mấy mươi năm kinh nghiệm trị bệnh nhiệt đới tại Việt Nam trước khi quay lại Pháp.

 Nhờ thế, Lê Thương nhận thư chúng tôi như được một món quà bất ngờ. Mỗi lần Lê Thương được thư và quà chúng tôi gửi, anh lên tinh thần và viết không biết bao nhiêu là những dòng tâm sự. Nhưng cái sức mạnh trong anh là trước những hoàn cảnh nghiệt ngã, anh không muốn để lòng yếu kém, nên hay đánh quật lại chính mình bằng những câu “dí dỏm rất đặc biệt Lê Thương” như sau: “Tôi đang xé bỏ bao giấy cũ, hình cũ, bài cắt báo cũ gồm thơ văn rải rác vì thấy đời nặng trĩu những kỷ niệm không còn thấy hợp cảnh. Xé mãi mà cũng không phải là không đau lòng. Có lúc muốn xé cả mình mà không biết làm cách nào, đành tức cười mà chui đầu, vùi mặt vào Số Mệnh. Số Mệnh hắt tay ra và mắng: Đừng có ba trợn, phấn đấu tiếp đi ông nội.Thì … phấn đấu vậy!”

 

Đây là bức hình biển và trời và những cành khô trụi lá. Lê Thương viết sau bức bưu thiếp này những câu như sau:

“Hình này tôi chụp ở Vũng Tàu từ gần 20 năm nay lúc máy Contaflex còn tốt. Thấy nó hợp với tâm sự khá ảm đạm nên xin tặng Phưong Hương với cảm đề đột ngột. Mong nó nói được tâm sự không quá tệ:

Lòng tôi u ám như mây đó

Phủ kín miền xa lấp chân trời

Biển lặng trầm tư chở giông gió

Cành héo xác xơ vẫn chờ tươi

Chữ ký Lê Thương

Tôi đang xé bỏ bao giấy cũ, hình cũ, bài cắt báo cũ gồm thơ văn rải rác vì thấy đời nặng trĩu những kỷ niệm không còn thấy hợp cảnh. Xé mãi mà cũng không phải là không đau lòng. Có lúc muốn xé cả mình mà không biết làm cách nào, đành tức cười mà chui đầu, vùi mặt vào Số Mệnh. Số Mệnh hắt tay ra và mắng: Đừng có ba trợn, phấn đấu tiếp đi ông nội. Thì phấn đấu vậy.”

 

 

 

Ngòi bút trào phúng chụp hình Sài Gòn 1979-1987

Những bức thư của Lê Thương viết cho tôi, rất có giá trị lịch sử – ngòi bút của anh đã  tả tỉ mỉ như chụp hình không khí Sài Gòn lúc đó. Tôi cố ý để nguyên văn, chỉ chia ra từng đoạn, cho tựa nhỏ bằng chữ đậm của từng đoạn cho dễ đọc. Những bức thư đó, có khi anh cố ý viết trật chính tả  – tôi cũng tôn trọng để nguyên những chỗ cố ý viết sai. Có lẽ vì anh muốn… dí dỏm khôi hài. Ví dụ như chữ chủ tịch thì anh cố ý viết chủ tịt nhưng không cho vào ngoặt kép chi cả. Với ngòi bút dí dỏm tuyệt vời, anh thuật những chuyện mắt thấy tai nghe vào thời mà…“có khi muốn xé luôn chính mình” có khi như nói cho các văn nghệ sĩ, có khi nhắc khéo rằng có rất nhiều văn nghệ sĩ đang ở tù và mong được tự do… có khi kể chuyện về những người mà vì nghèo đói nên phải hy vọng trúng số đề. Đồng bào nghèo đói quá vào sống trong nghĩa địa, moi quan tài ra mà cạy từng cái răng vàng của xác chết để bán mà ăn …! Chơi số “đề”, muốn trúng số lại kéo thêm tin ma quỷ chuyện xổ số đề…

Những bức thư trong đó Lê Thương diễn tả tình trạng Sài Gòn đúng là những bức tranh không tưởng tượng nỗi nhất là đối với những người đã biết Sài Gòn trước 1975 như tôi và các bạn rời Việt Nam trước 1975 và những thế hệ con cháu của chính Lê Thương 20 năm sau. Tôi sẽ xin phép in ra trong phần Phụ Lục tất cả thư của anh, như một món quà của anh để lại cho các thế hệ con cháu, để họ ráng nhìn cho kỹ, và ghi nhận để sau này đừng để cho tái diễn những cái gì xấu và cố gắng giữ cho bằng được những nét nào dễ thương của nếp sống đạo đức tổ tiên.

Lá thư đầu tôi viết cho Lê Thương, anh đã nhận  trước khi hộp quà thuốc tới. Đó là trước Tết. Tôi đã cho anh biết sự thật tôi là em của anh Cao Thái, nhưng anh chưa biết đích thực Phương Hương là tên con gái hay con trai. Anh có linh cảm tôi là con gái, nhưng anh không loại trừ trường hợp tôi là con trai. Và anh nói cái tên Phương Hương mà anh mới nghe qua cho anh cảm giác thơm ngát và rút ngắn lại cả một khoảng cách địa lý giữa hai vùng sông Aube (con sông gần Phương Vân Am, chỗ tôi đang ở và gửi quà cho anh) và sông Sài Gòn này. Anh nghĩ là tôi nhỏ tuổi, nhỏ tuổi hơn cả mấy bài Hòn Vọng Phu. Nhưng sự thật thì tôi sinh ra 1938 lớn hơn tác phẩm Hòn Vọng Phu (1945) tới bảy tuổi. Tôi viết thơ nguệch ngoạc không ngay hàng thẳng lối nhưng anh đã không chê lại còn khen là nét chữ ấy chứng tỏ tôi “có một tâm hồn phong phú tình cảm đến cái mức không còn nghĩ đến hình thức” Anh viết.

 

TP Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 1 năm 1979

Em Phương Hương,

Tôi rất đỗi ngạc nhiên và xúc động khi bắt được thư em trước Tết. Tuy thuốc chưa tới nhưng lời cám ơn của tôi hôm nay đến cùng em với tất cả thiện cảm của thế hệ già đối với thế hệ trẻ còn tỏ một nỗi lòng ưu ái đẹp đẽ theo tình dân tộc mà em đáng làm đại diện nơi xa cách. Chữ viết của em vội vã, sôi nổi không cần hàng lối chứng tỏ một tâm hồn phong phú tình cảm đến cái mức không còn nghĩ đến hình thức, là chữ viết để cho tâm dạ được tự do phát biểu theo nhịp bình bồng thiên nhiên trong em.

Tên Phương Hương của em phải là tên con gái hay đàn bà (hoặc con trai cũng chưa biết được) làm thơm ngát lên và ngắn lại cả một khoảng cách địa lý giữa hai vùng sông Aube và sông Sài Gòn này. Tôi có hai cô con gái cùng tên là Hương (Duyên Hương ở Oakland và Lệ Hương còn ở Sài Gòn) và nhiều người đẹp cũ của tôi cũng là Hương, tuy là hương xưa không còn bay được xa ngoài dĩ vãng.

Chắc em còn quá nhỏ tuổi, lại là em của anh Cao Thái, người quen trước đây, có bộ ria nhấp nháy trong nụ cười cởi mở sẵn, đón chào các thứ bạn xa gần, nên tôi lại càng thấy em giàu lòng yêu nghệ thuật.

Đó là đức tính có nhiều trong gia đình em, làm cho em nhắc đến Hòn Vọng Phu, một tác phẩm mà tuổi tác có thể lớn hơn em nhưng vẫn có duyên với thời gian nhất là ở nước ngoài. Còn tại đây bài ấy đã vắng tiếng từ mấy năm nay.

Tôi vừa dài dòng nói về em với cảm tình chan chứa, vừa biết ơn, vừa thiện cảm.

***

Cũng trong lá thư viết cho tôi ngày 29/1/1979, nhạc sĩ Lê Thương đã tả cho tôi nghe tình trạng sinh sống và hoạt động của giới nghệ sĩ ở Sài Gòn. Anh không chịu viết Sài Gòn mà nhất định cứ phát âm là Sè Goòng:

Cái gì là bản chất lè phè, tiêu xài chết bỏ trong truyền thống Sè gòong vẫn hầu như bất diệt. Bởi thế phải nói là dân mình giỏi thật. Ai chết cứ chết, ai sống vẫn sống và bao năm chiến tranh đã qua và đang qua, lòng dạ Sè gòong vẫn hướng về cái gì xa lạ, cao đẹp hơn hiện tại. Khổ cũng mặc, bất quá là chửi đổng cho đã giận rồi lăn xả vào làm ăn, chạy chọt, níu kéo, vá víu sao cho được cà phê, cơm tấm, bánh canh, chuối chiên, sò huyết, ba si đế mấy “sợi”, la de vài ly là hầu như tạm xong, nhưng lòng Sè gòong còn âm u không biết bao giờ mới hết. Chẳng ai nói gì với người lạ, chỉ giương mắt nhìn thiên hạ qua lại, miệng dính điếu thuốc thơm rẻ tiền nhưng mắt còn loé sáng hiên ngang của con người kinh qua thuở nào đó, không nên vội khinh nhờn, mặc dầu quần áo đã mòn tới chỉ sợi và túi có rỗng ngày nay nhưng có bắt chuyện là nói tới tiền ngàn tiền vạn như thường. Thế mới lạ và khó hiểu, khó thương, khó ghét, khó nghĩ.

Bây giờ  tôi nói qua về giới nghệ sĩ trong dịp tết này sinh sống ra sao mặc dầu anh (nhạc sĩ Trần Văn) Trạch chắc đã từng nói nhiều về họ với em.

Phần đông họ ăn Tết “dậm chân tại chỗ” nghĩa là ít đi thăm ai nữa, thiệp chúc tết cũng không muốn gởi vì tất cả đang thiếu thốn chỉ còn biết vùi đầu vào lo lắng sao thực phẩm có đủ cho mấy ngày bất đắc dĩ còn gọi là Tết.

Tuy nhiên năm nay như năm ngoái, pháo vẫn nổ tràn trề khắp thành phố làm như người ta mong cho pháo nổ để quên sầu, cho đã giận về trăm chuyện chưa thoải mái từ những năm nảo năm nào của đời sống.

Con gái con trai vẫn diện và phải nói thực phẩm tuy mắc nhưng bán vẫn hết ở chợ mới lạ. Nhà nước thì vẫn cố gắng cung cấp gạo, thịt, xăng nhớt và nhu yếu phẩm cho công nhân viên khá nhiều, còn cờ quạt thì khỏi nói lại có cả khiêu vũ và nhạc kích động ở đường Duy Tân ngay sau nhà thờ Đức Bà đến công trường Con Rùa nữa. Có lẽ để mừng chào Campuchia mới. Xe cộ vẫn chạy đông đảo tứ phía. Tuy kém xưa nhiều nhưng cũng vội vã tấp nập.

Nhiều nghệ sĩ tuyên bố: năm nay “ăn Tết bà cả Đọi”, “dậm chân tại chỗ” nghĩa là yếu bạc thất nhưng rượu vẫn nhiều tuy nó hơi đắng về đủ vị (Rhum vieux) và mai mốt không biết sử xự ra sao cũng thây kệ, miễn là đừng để cho con cái thiếu tiền lì xì và mất thể diện với non sông nếu không đem vờ chút ít thịt kho, dưa hành trên “bàn mổ” ngày mùng Một.

Từ mùng Hai, các tiệm chợ đã muốn mở toang ra để buôn bán. Tiệm lớn đã đóng cửa nhiều và tủ hàng chỉ còn nước sơn cũ kỹ lộ ra, nhưng “chợ đứng” “chợ ngồi” vẫn lác đác với “chợ đi”; râu ria thanh niên áp – phe vẫn lởm chởm như dây thép gai và đôi mắt dòm chừng vẫn long lanh ngang dọc bên các bàn cà phê gỗ Lạp, mọc tứ phía ở đầu đường.

* * *

Lê Thương viết:

Tôi vừa bày cho em vài nét sống của Sè gòong xứ nhà mà chắc em không mường tượng từ lâu. Tôi không muốn nói tới những lúc khóc thầm trong đêm tối một mình, cả đến những u buồn diệu vợi khi chợt nghĩ đến tương lai còn mù mịt vì tôi vẫn giữ được lòng tin vào sức sống bền vững trong tinh thần, không muốn tự tiêu diệt bằng nản chí. Khi thấy lòng càng ngày càng cô đơn giữa đám đông nhộn nhịp thì chỉ cần một lá thư nhỏ như lá thư của em là đủ làm sống dậy bao nhiêu hi vọng đẹp ngổn ngang và thấy ngày mai vẫn đáng sống.

 

Đây là lá thư anh viết ngày 11/5/1979, có tính yêu đời nhiều hơn lá thư trước:

Em Phương Hương, con gái của Mẹ Việt Nam, đọc thơ em là uống một liều thuốc khỏe, cả cho tinh thần và thân thể. Mà gói thuốc em gởi đã tới mới đây – gói khá to. Phần thuốc suyễn của hai “nhược sĩ” (tức là nhạc sĩ mà anh nói giọng tiếu lâm) VP (Vĩnh Phan) và NNT (Ngô Nhật Thanh) đã được đưa ngay. Vừa nhìn thấy bó thuốc, bệnh suyễn của hai ông hết liền, muốn chạy trốn, thế là bất cứ lúc nào bệnh muốn ho he, hai ông sẽ vác đồ trang bị tối tân ra mà áp đảo chúng một cách có hiệu lực. Sẽ có thơ và địa chỉ của hai anh nhược sĩ cho em. Còn phần ô. Lê Thương thì nào sâm, nào Vitamin – uống hết sẽ chắc phải sống trăm tuổi, phải sống để còn mong có ngày được đi xem em trồng ngò, húng, hẹ và khổ qua chứ. Còn việc em mong trồng cỏ hoa LT thì quá dễ. Hạt giống có sẵn cứ đem trồng (ý muốn nói các tác phẩm cũ của anh) và những hạt giống cây lạ sẽ lần lượt gởi sang em để tùy tiện em trồng theo ý muốn và không điều kiện gì hơn là khí hậu tốt cho cây mọc nhiều và được bà con thưởng thức trái ngon quả ngọt xứ nhà. Theo anh, nên cứ bắt đầu ăn trái quen thuộc hoặc quen vị để tiện việc giải thích gốc nguồn nếu có khách hỏi lai lịch thảo mộc bất ngờ. Những trái cây ngon cho trẻ em ăn chóng lớn sẽ được bày ra nhiều hơn phần nào. Vì anh đang thích đám trẻ, những tâm hồn vô ngã, khăng khăng hơn đời mà không hề bận tâm đến một thứ buồn thế kỷ nào. Thấy đôi mắt chúng sáng lên niềm tin ấy cũng làm cho lòng sỏi đá của người đời tìm lại được vài mảnh ấu thời, sống lại được ít nhiều cái tuổi không bao giờ còn lại.

***

Trong lá thư đề ngày 25.5.1979, anh hỏi tôi đã có những tác phẩm nào của anh rồi, để anh khỏi gửi sang. Và anh sẽ từ từ chép gửi cho tôi tất cả những gì anh sáng tác đủ loại, kể cả kịch khúc là những loại tiểu ca kịch tân nhạc.

Anh lại viết:

Kể ra thì quá rườm rà nhưng cứ từ từ gởi sang để em hoàn toàn định liệu vì Phương Hương, tôi chắc, là một người sành sỏi về văn nghệ vì tâm hồn còn giữ được chất man mát, phiêu diêu ở trên mặt vật chất ở ngoài các cay đắng mùi đời nên tâm hồn ấy còn xúc động bén nhạy. Quý lắm đấy, các cô gái Việt Nam xa nhà, xa nước mà không ngớt quay nhìn về quê cũ với mối tình xa xứ nặng trĩu thương yêu và thêm cả gia công gởi về cho người không quen thuộc những gói quà nặng trĩu săn sóc.

Tôi đang thấy Phương Hương trở thành ân nhân của tôi, một con chim không còn bạt gió tuổi đời cứ vụt lên cao, tuy tóc còn khá xanh và khát vọng tồn tại chưa muốn hao mòn mặc dầu các sóng gió. Từ bao năm cụt hứng sáng tác nhưng có lẽ không bao lâu sẽ khơi nguồn lại.

 

***

 

Ngày 15.7.1979, tôi viết cho anh lá thư sau đây :

Anh Lê Thương,

Em đã gửi thuốc trị đau bao tử cho anh Trần Tử Thông và Bửu Lộc và thuốc trị ghẻ cho con anh Lê Trọng Nguyễn. Em không có thư trực tiếp của bệnh nhân nên chưa dựa vào dữ kiện anh cho. Em nghĩ đó là một thứ mycoses (nấm ký sinh nhỏ xíu trên da) nên tétracycline không trị được. Em gửi thuốc thoa Mycilan để thoa ngày 2 hay 3 lần. Thuốc uống Fulcine có chất Griséfuline vốn là trụ sinh chỉ chuyên trị mycoses mà thôi. Tùy cháu lớn hay nhỏ mà uống 2 hay 2 viên mỗi ngày và uống luôn một tháng. Có crème Beneval Neo mycine kèm theo đây, chuyên trị lát, PH sẽ gửi colis thứ hai khi em mua được giấy viết nhạc để gửi anh luôn thể. Em đặt mua ở thành phố lớn để tụi bạn đem về chứ chỗ em ở không có, chỉ có loại tập viết nhạc của trẻ con. Em cám ơn anh đã cho biết nhu cầu thuốc men của các anh ấy bởi vì như thế là anh cho em một dịp giúp đỡ được các bạn của anh. Mấy thuở mà em giúp được chút xíu cho anh và các bạn anh. Vì vậy xin anh đừng có ngại ngùng chi hết. Hễ gia đình anh cần thuốc gì, có bệnh gì cần thuốc thì cũng phải nói cho em biết. Và nếu các bạn của anh (dù nhạc sĩ hay không nhạc sĩ) cần thuốc thì anh cũng phải nói cho em biết. Bây giờ chính là lúc em có phương tiện gửi thuốc men cho quý anh và em lấy đó làm một niềm vui lớn. Nếu anh không cho em cơ hội đó thì em sẽ trách anh lắm.

Thư anh viết em đọc nhiều lần cho các bạn đọc chung, coi như là gia bảo và giữ gìn rất cẩn trọng. Những đoạn anh nói về thuốc men, em cũng đọc rất kỹ và quan tâm không khác gì những đoạn khác. Vì vậy về thuốc men và bệnh anh càng viết nhiều chi tiết càng quý. Vì nhờ vậy em mới trị đúng bệnh hơn. Em trị bệnh qua thư từ thế mà cũng “mát” tay lắm. Xin anh đừng ngần ngại kể hết những nhu cầu thuốc men của các bạn và đừng cho rằng ở  nhà  “đòi hỏi” nhiều quá. Điều quan trọng về phía anh là kể đủ những nhu cầu. Còn đủ sức hay không đủ sức gửi là thuộc về phần em. Nếu đủ sức thì em gửi đủ, nếu không gửi được hết, thì em cũng sẽ nói thật cho anh biết.

***

Sở dĩ tôi dám hứa có thể gửi – ngoài anh – thuốc cho các nghệ sĩ nào cần là vì chúng tôi tại Phái Đoàn Hòa Bình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tại Paris còn một ngân khoản còn lại từ công tác giúp cô nhi có thể sử dụng vào công tác này. Khi các bạn Hòa Lan đóng cửa Ủy Ban Hòa Lan Giúp Cô Nhi Việt Nam tại Hoà Lan, theo tinh thần buổi họp chót năm 1977 thì Ủy Ban này sẽ gửi cho Đức Hồng Y Helda Camara 200 000 Florins để cứu trẻ em đói bên Brazil, 100 000 Florins cho các trẻ em mồ côi ở Bangla Desh và số còn lại 287 000 Florins , là để chúng tôi tìm cách gửi từ từ về Việt Nam cho các cháu mồ côi, những gia đình neo đơn khổ cực mà hiện giờ tiền bị chặn không gửi về được. Nhờ ngân khoản ấy mà chúng tôi có đủ tiền để mua thuốc và gửi về Việt Nam. Chỉ cần giữ đủ biên nhận đã mua bao nhiêu thuốc, bao nhiêu tem, tiền gửi bao nhiêu để gửi qua Hòa Lan và chứng minh cho các bạn. Mỗi tuần tôi gửi về Việt Nam rất nhiều gói thuốc 1 kilo, trị giá khoảng 80 Francs một gói, nhưng bên nhà có thể chuyển ra bằng số tiền VN tương đương có khi cả  250 Francs. Như  trong tập Hồi Ký 52 Năm Theo Thầy Học Đạo và phụng sự, tập 2, tôi có ghi là chúng tôi lập được 38 nhóm người trẻ đứng lên cùng lo gói quà và gửi quà với chúng tôi. Tôi cung cấp thuốc, các cháu thì trách nhiệm viết thư an ủi: Có hai nhóm làm việc ở Hoa Kỳ là nhóm Nguyễn Anh Hương ở Audubon, New Jersey và nhóm Nguyễn Thị Bích Thủy ở San Jose Cali. Còn ở bên Pháp chúng tôi sử dụng địa chỉ của 36 người trẻ đã lập ra 36 nhóm nhỏ trong nhiều địa nơi đất Pháp: Bùi Ngọc Thúy, Bourg la Reine, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Bordeaux, Trương Diễm Thanh Paris và Võ Giao Trinh Paris, Võ Thị Tri Thủy, Bùi Thanh Vũ, Champigny/Marne…, Bùi Cao Thanh Trang, Nyon…v..v. Trần thị Hằng, Chennegy… Ở Phương Vân Am tôi mời má tôi và các em Hằng, Hương, Pierre, Neige, Linda, Mobi, Philippe, Martine, Krisana… cùng làm việc chung để gửi quà thuốc về Việt Nam. Làm việc vui quá nên  thầy chúng tôi  cũng đến tham dự. “Các con để thầy cột dây cho!” Và  thầy mà  cột dây thì đẹp lắm, đẹp như những cái bánh chưng mà mỗi Tết thầy và tăng thân Phái Đoàn Hòa Bình tại Paris gói gửi tặng các gia đình thân hữu .

***

Từ mấy năm nay, vì Lê Thương không có cảm hứng sáng tác cho nên khi tôi hỏi về những tác phẩm mới nhất của anh thì anh nói là “thiếu đề tài”. Anh không muốn sáng tác để than trách. Anh tự cho là  “người bị cột xích vào dĩ vãng”. Và những mộng ước cho quê hương cho nhân loại đã bị “những trận bão phủ phàng xé tan tành”. Anh viết:

4. Sáng tác mới mà PH hỏi thì chưa có vì hứng nhạc đang biến mất từ mấy năm nay. Duyên do cũng gần như thiếu đề tài. Tình cảm thì vẫn phong phú nhưng chẳng lẽ già rồi mà còn vơ vẫn trong “tình yêu tà áo xanh, áo tím, người em nhỏ” mà nói về đất nước thì những chuyện rách nát chưa nên bàn. Cả một quan niệm sống hiện đang giao thoa với chuyện cơm gạo hàng ngày, chuyện học tập lai rai, lương phạn chưa làm cho 2 đầu thắt lưng nối được nhau. Còn sự thèm khát không rộng cũng chưa tiện bầy ra nên cảm hứng có chiều hướng về đắng cay ngậm ngùi gì đó. Mà cứ than mãi thì thành 6 câu vọng cổ bù loong P.H nghe mãi nhai rau không đành nhất là giữa cảnh núi non có vẽ cô quạnh.

Những người bị cột xích vào dĩ vãng như Lê Thương, một kẻ si tình từ niên thiếu muốn mở cõi lòng nhìn vào hứng nhạc thì xin cứ để tâm hòn khơi lại vài mảnh tình xưa đã mất và may ra từ đống lửa chưa tàn ấy, nhóm lên được sức nóng – sức ấm làm bốc cháy được những cảm hoài xa vắng, âm u. Tình cảm sẽ chỉ nói lên được với sự e dè trước cái kéo (les ciseaux). Nhưng mộng ước cho non sông cho nhân loại hầu như đã bị những trận bão phủ phàng xé tan tành đi mất. Vậy P.Hương ơi! đừng đề cao Lê Thương này quá như tôi đã nói, nhưng cũng đừng vội nản chí, vì chắc ai đã nắm được lòng mình khi hoàn cảnh chưa đem đến nhiều thuận tiện.

5. Sang chuyện khác P. H nói đến Paris bày món ăn xứ sở nghe mà cũng thèm. Người mình đi đâu cũng mang theo xứ sở và cả cõi lòng hướng về quê nhà. P.H và anh Thái đang thực hiện hướng chiều thương mến ấy bằng những món quà thực tiễn rất cảm động. Các con tôi thấy tên Ngô Thị Phương Hương cô ấy có bà con gì không ba? Tôi nói họ Ngô thì cũng không ít nhưng chắc đây cũng là họ hàng từ kiếp nào không biết mà họ Ngô này có nhiều kẻ thương người, hay giúp đỡ kẻ khác, gây hạnh phúc cho người mà chưa chắc đã hưởng được hạnh phúc cho mình. Chúng nó bùi ngùi nghĩ đến P.Hương với lòng cảm mến man mác mà chân thật chia vui cùng ba của chúng. Đó P.H nghĩ xem cảm tình đồng đội ấy đã có từ những bức thư đầu của P.H và có lẽ tôi sẽ mượn chuyện này để nói lên bằng nhạc, bằng giao cảm.

6. Bệnh tật kết thúc – một người mẹ nghệ sĩ đã già, trên 50 tuổi mắc bệnh gọi là “bệnh sưng đầu voi”, hai đầu gối bóng láng mà nhức không đi được – Bà đã tốn rất nhiều tiền thuốc, châm cứu, chích thuốc từ tết năm ngoái đến giờ mà vẫn chưa khỏi. Nghe nói nếu mà chỗ đau nó làm niệng (lủng da thịt thành plaie – vết lở) thì chết. Thuốc ở đây đã không kiến hiệu. P.H hỏi dùm các bả xem có thuốc nào chữa bệnh đó xin cho biết gấp. Ngoài ra thuốc P.H gửi về bao tử và loét đỏ sẽ trao cho các bệnh nhân gấp. Nhớ lần sau, khỏi gửi giấy viết nhạc mà gởi nhiều viết bic.

P.H cũng gửi lời cảm ơn anh Thái và cảm ơn P.H về những sự giúp đỡ nhiệt tình cho anh em nghệ sĩ. Các ông bị suyễn vẫn dùng cái bơm cấp cứu rất hữu dụng. Giấy ngắn, chuyện còn dài. Xin hẹn thơ sau sẽ caó thêm bài hát. Lần này gửi gấp để xác định colis 3 đã nhận.

Chào PH mến,

Lê Thương

 

***

Tuy anh Lê Thương nói cạn nguồn cảm hứng – để nếu Công An bưu điện kiểm duyệt thì không để ý thư anh  –  nhưng sau khi được thư khuyến khích của thầy trò nhà Les Patates Douces, Fontvannes 10190 Estissac tới tấp thì anh có đặt lời mới cho những bài nhạc cũ  như bài Lòng Mẹ Việt Nam  – (Bà Tư Bán Hàng có mấy người con đi kháng chiến). Anh đã cho lời mới của phiên khúc ấy. trong những tập nhạc “cũ” anh gửi cho chúng tôi.

 

Lê Thương viết

 

Thành phố Hồ Chí Minh ngày  7/11/79

Mến gửi Phương Hương,

Chiếc thư này tới Phương Hương thì đã quá lễ Noel và Tết Dương Lịch và có thể cả Tết Canh Thân năm 80.

Thời gian sống động của những cuối năm đều là những lúc lòng dễ bùi ngùi và đôi khi sửng sốt trước cảnh gặp gỡ nhau, hội họp nhau sau những tháng ngày ly tán. Những lúc ngồi lại một mình sau những cuộc vui vừa tan người ta lại gởi niềm thương nhớ về những kẻ xa xôi, người lưu lạc hoặc người đã khuất. Giá lúc đó có ai hát một bài ca kỷ niệm thì cả dĩ vãng bỗng sống lại và gây một sự phấn khởi nào đó hoặc một u uất khó tả về một cảnh sống trôi nhanh, một tình xa xứ hay nỗi nhớ bâng quơ về cảnh và người xa lạ. Tôi nhớ đến Phương Hương như hằng nhớ trong thắc mắc là mãi chưa biên thư cho Phương Hương – kỳ hết sức – mãi hơn 3 tháng mà chưa biên thư cho một người không ngớt ưu ái đến các nghệ sĩ bên nhà, và riêng đối với tôi, đã bao lần tìm dịp giúp đỡ một cách tế nhị. Vậy mà khi không lại có sự lặng lờ vô lý không cách gì cắt nghĩa cả. Nhưng tôi thì cắt nghĩa được sự lặng tờ bên trời tây của Phương Hương (khi đông đã đến). Có lẽ PH thấy hơi khỏe vì khỏi biên thơ lòng vòng làm chi cho bận tâm và nay chắc đang sửa soạn một lễ Noel vui nhộn với các bạn bè và một kỳ tết Tây không kém phần nhộn nhịp.

Từ chốn lặng lẽ của tôi nay đã ra khỏi cơn khủng hoảng tinh thần của hai đám tang trong dòng họ gia đình nên tôi xin phép phá vỡ tấm hàng rào ám khói trong linh hồn để biên bức thư cuối năm mà cũng là cuối thu như một chiếc là vàng rơi, đến đâu thì đến.

Kèm theo bức thư có bài hát “Bài Ca Nửa Đêm” kể một tâm sự riêng tư mà cũng là nỗi lòng của một số người dậm chân tại chỗ khi tiếc nhớ những Noel rộn rịp trong lòng mà tai không được nghe chuông Carillon rộn tiếng…

 

***

 

Lê Thương viết

 

Hồi chuông nửa đêm Noel 1979

 

Nhớ các No-en âm u dịu huyền không hề quên

Tôi nhớ đêm đông xưa kia lạnh lẽo

Mang áo len đan đầu quàng vải khăn

Mộng lòng bừng cháy lên như lửa nến

Nghe tiếng tim non nao nao đập nhanh

Như tiếng yêu thương của ai gọi mình

Mở lòng đầy vơi trong suốt bài kinh

Nghe tiếng chuông xa như nghe lòng ta

Ao ước miên man hạnh phúc vô vàn

Tỏa đầy lòng ta như ánh muôn sáng

Nghe gió đông sang tôi mơ đầm ấm

Chim chóc vui ca ầm vang dạ lòng

Nặng một tình thâm

Bài ca nửa đêm nhớ các No-en xa xôi dịu hiền

Không hề quên.

                               

(Lời ca 2 của bài Hồi Chuông Nửa Đêm)

 

Những No-en ấy, đối với tuổi muộn màng như tôi sẽ không bao giờ trở lại. Mà vì nó đã có nên nó gây bao nhiêu là nhớ nhung mến tiếc.

Song nghĩ lại, phải nghĩ đi nữa mới cân đối phải không Phương Hương?

Tôi nghĩ đến các bạn xa (Trần Văn Trạch, Cao Thái…) bữa gặp anh Trần Văn Khê mới đây tôi có nghe nói qua về anh Trạch và chỉ mong anh được một kỳ Noel và tết 80 vui vẻ. Lúc còn hoạt động chung tân nhạc, các tâm hồn ấy chắc đáng mến vô cùng. Nhưng đến đây tôi cảm thấy có một hàng rào ngăn cách mặc dù âm nhạc được coi là không biên giới. Thôi tạm gởi “hương theo gió” để nhạc tìm mãi muôn trùng cho đến lúc không bao giờ gặp. Tâm sự ca nhân cũng thế… ca nhân nắn tơ lòng huyền bí ra thành cung hát ái ân reo trong khắp phương trời một khúc yêu đời để sống… mà cuộc sống vẫn càng đẹp vì xa cách. Một xa cách được nối liền bằng tâm sự, những sợi tình cảm ly ty chằng chịt như mớ tóc biến chảy tuôn xuống gương mặt thư nhàn lúc nào cũng mặc thây cho sự việc đời đến đâu thì đến.

Tôi mường tượng hơi nhiều, nhưng còn mường tượng nữa để an ủi mình có một tâm hồn bạn… chưa biết là ai, nhưng càng ngày càng hiện thêm trong trí óc. Chiếc thư này đến tay Phương Hương thì xuân sắp tới sát kề vườn rau Fontvannes còn phủ tuyết mà Phương Hương thì có lẽ thấy trời lạnh giá. Nhưng mong mấy dòng chữ nhiệt đới làm bớt được phần nào nỗi cô đơn của lòng người xa xứ, nhớ đến quê nhà.

Lê Thương

 

Qua thư này tôi thấy Lê Thương dù có gặp Ông Trần Văn Khê nhưng vẫn có một cái gì đó không thoải mái cho lắm. Ngày xưa  lúc còn hoạt động chung trong giới tân nhạc, các tâm hồn ấy chắc đáng mến hơn bây giờ do đó ngày nay, dù gặp nhạc sĩ Trần Văn Khê, Lê Thương vẫn  cảm thấy có một hàng rào ngăn cách.

Lê Thương viết ngày 30/11/1979 cuộc bay lượn của cánh nhạn dài 4 tháng rưỡi – đồng thời với thơ Phương Hương cũng có thơ của người quen ở Pháp gởi cùng ngày từ Basses Pyrenées xứ Pháp và cùng tới –  thế là biết thời gian bay lượn ấy có thể cánh nhạn đã ghé nơi nào và xìa cánh, bày lông cho người tìm vết.

Vì thế số phận mấy bài hát lần này và về sau không biết ra sao, chắc Phương Hương hiểu điều tôi nói.

Đã nói 3 đề tài hồi hộp: I – bệnh hoạn thuốc men cho bá tánh; II- sáng tác âm nhạc đang tìm lối hồi sinh; III- linh tinh Cao Thái và phức tạp của dư luận này nọ. Hai đề tài 2 và 3 xin tạm xếp dành cho thơ sau –  nay tôi chỉ bàn với Phương Hương về đề tài khô khan phi mỹ thuật là bệnh hoạn. Cũng có nhiều nhưng cấp bách thì chỉ có 3 thí sinh cỡ mập chờ tại hành lang xin yết kiến Phương Hương – đậu hay rớt tùy dám khảo định đoạt.

Ông già bạn, trên 60 thích hút thuốc uống rượu (lai rai thôi) bị bệnh về thận loại Néphrite hay gì đó. Ăn cơm xong nước tiểu ông thường đục. Hôm nào ăn chất mỡ –  nhất là ăn đồ biển, ốc sò hay củ mì là thấy nhiều chất trắng (có phải là Albumine không?) và đôi khi tiểu khó khăn. Lúc cố gắng thì nó ra một chất trắng như mủ đặc trông khốn khiếp dã man vô nhân đạo. Ông sợ và giấu người khác. Tôi khuyên nhịn các thứ độc, ông nói thèm quá, mấy khi được ăn nên xực chết bỏ.

 

(còn tiếp)

 

Trích từ sách “Phương Hương xuôi vạn lý”, NXB Hồng Đức 2014. Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của tác giả.

Comments are closed.