Thuật ngữ chính trị (111)

Phạm Nguyên Trường

255. Islam – Hồi giáo. Hồi giáo là tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, độc thần, dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa (tiếng Ả Rập: Allah), và Muhammad là sứ giả của Thượng đế. Đây là tôn giáo lớn thứ hai thế giới với hơn 1,8 tỷ tín hữu, tương đương 24% dân số thế giới, và họ thường được gọi là người Hồi giáo. Hồi giáo chiếm phần lớn dân số ở 50 quốc gia. Hồi giáo dạy rằng Thiên Chúa là lòng thương xót, toàn năng và độc nhất, và Chúa đã hướng dẫn loài người qua các tiên tri, thánh thư được tiết lộ và các dấu hiệu tự nhiên. Kinh sách chính của Hồi giáo là Kinh Qur’an, được người Hồi giáo xem là nguyên văn lời của Thiên Chúa, và các giáo lý và ví dụ quy phạm (được gọi là sunnah, bao gồm các ghi chép được gọi là hadith) của Muhammad (570 – mất ngày 8 tháng 6 năm 632).

Tín đồ Hồi tin rằng Hồi giáo là phiên bản hoàn chỉnh và phổ quát của một đức tin nguyên thủy đã được tiết lộ nhiều lần, thông qua các tiên tri, trong đó có Adam, Abraham, Moses và Jesus. Người Hồi giáo coi Kinh Qur’an trong tiếng Ả Rập là mặc khải không thay đổi và cuối cùng của Thiên Chúa. Tương tự như các tôn giáo độc thần khác, Hồi giáo cũng rao giảng về ngày phán xử cuối cùng, người tốt sẽ được lên thiên đường, còn người xấu sẽ bị trừng phạt ở địa ngục. Các khái niệm và thực hành tôn giáo bao gồm Năm trụ cột Hồi giáo (tuyên xưng, cầu nguyện, bố thí, nhịn ăn và hành hương) và tuân theo luật Hồi giáo (sharia) là những hành vi tôn giáo bắt buộc, ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống và xã hội, từ ngân hàng và phúc lợi cho phụ nữ và môi trường. Các thành phố Mecca, Medina và Jerusalem là nơi có ba địa điểm linh thiêng nhất trong đạo Hồi.

Bên cạnh những câu chuyện mang tính thần học, Hồi giáo được lịch sử cho là có nguồn gốc từ đầu thế kỷ VII, sau CN tại Mecca, đến thế kỷ VIII các Caliphate dòng họ Omeyyad mở rộng từ Iberia ở phía tây đến sông Indus ở phía đông. Thời đại hoàng kim của Hồi giáo là thời kỳ lịch sử kéo dài từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII, trong giai đoạn trị vì của các Caliphate dòng họ Abbasid, khi phần lớn thế giới Hồi giáo trải qua thời kỳ hưng thịnh về khoa học, kinh tế và văn hóa. Quá trình bành trướng của thế giới Hồi giáo liên quan đến nhiều Caliphate và nhà nước khác nhau, như Đế chế Ottoman, buôn bán và việc chuyển đổi sang Hồi giáo bằng các hoạt động truyền giáo.

Hầu hết người Hồi giáo là thuộc một trong hai giáo phái; Sunni (75-90%) hoặc Shia (10-20%). Khoảng 13% người Hồi giáo sống ở Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới; 31% người Hồi giáo sống ở Nam Á, đây là nơi có đông người Hồi giáo nhất thế giới; 20% người Hồi giáo sống ở Trung Đông, Bắc Phi, và 15% sống ở phía nam sa mạc Sahara. Người Hồi giáo còn sống ở châu Mĩ, Kavkaz, Trung Á, Trung Quốc, Châu Âu, Đông Nam Á lục địa, Philippines và Nga. Hồi giáo là tôn giáo lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới.

256. Islamic Fundamentalism – Chính thống Hồi giáo. Vì thuật ngữ chủ nghĩa chính thống (Fundamentalism) có nguồn gốc từ Kitô giáo, và vì nó hàm ý tiêu cực, và, vì trong bối cảnh Hồi giáo thuật ngữ này nhấn mạnh gốc gác tôn giáo của hiện tượng trong khi bỏ qua những bất bình xã hội và chủ nghĩa dân tộc vốn là cơ sở của nó, nhiều học giả thích gọi những người theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo là “người Hồi giáo” và nói “các phong trào Hồi giáo” chứ không nói chủ nghĩa chính thống Hồi giáo. (Các thành viên của các phong trào này tự gọi mình đơn giản là tín đồ Hồi giáo). Tuy nhiên, từ cuôi thế kỉ XX, thuật ngữ chủ nghĩa chính thống Hồi giáo đã xuất hiện trong cả sách báo dành cho đại chúng và lẫn sách báo giành cho giới hàn lâm.

Chủ đề chủ nghĩa chính thống Hồi giáo được phương Tây quan tâm sát sao kể từ khi diễn ra cuộc Cách mạng Iran, 1978–1979 nằm hạ bệ nhà cầm quyền ở Iran, Mohammad Reza Shah Pahlavi (1919–1980), và lập ra nước cộng hòa Hồi giáo – và đặc biệt là sau cuộc tấn công nước Mĩ, ngày 11 tháng 9 năm 2001, do al-Qaeda, một mạng lưới khủng bố Hồi giáo quốc tế – tiến hành. Bản chất của những sự kiện này có thể làm cho nhiều người phương Tây tin một cách sai lầm rằng Hồi giáo và chủ nghĩa chính thống Hồi giáo liên hệ chặt chẽ với nhau, nếu không muốn nói là giống hệt nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các tín đồ Hồi giáo đều tin rằng Qurʾān là lời của Chúa, theo nghĩa đen và không thể sai lầm, cũng như không phải tất cả đều tin rằng đạo Hồi yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các giới luật tôn giáo và đạo đức trong Kinh Qurʾān. Quan trọng hơn, khác với những người theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo chân chính, hầu hết các tin đồ Hồi giáo không cam kết về mặt ý thức hệ với tư tưởng về nhà nước và xã hội được xây dựng trên luật lệ Hồi giáo.

Trên thế giới có rất nhiều phong trào Hồi giáo khác nhau. Một số tín đồ Hồi giáo sử dụng biện pháp khủng bố, còn một số thì không. Một số chương trình kinh tế và chính trị cánh tả vay mượn các tư tưởng của chủ nghĩa Marx và những biến thể khác của chủ nghĩa xã hội, trong khi những chương trình khác có tính bảo thủ hơn. Tuy nhiên, hầu hết tín đồ Hồi nhấn mạnh rằng cần phải tuân thủ quy tắc ứng xử dựa trên Kinh thánh. Họ cũng nhấn mạnh rằng tôn giáo bao gồm tất cả các khía cạnh của đời sống và do đó, tôn giáo và chính trị là không thể tách rời. Tương tự như hầu hết những người theo chủ nghĩa chính thống, họ giữ thế giới quan Mani giáo (nhị nguyên): Tin rằng mình đang tham gia vào cuộc thánh chiến, hay Jihad nhằm chống lại kẻ thù xấu xa, những người được họ miêu tả là tay sai của người Do Thái và Hội Tam Điểm.

Các phong trào Hồi giáo có vai trò quan trọng về mặt chính trị ở hầu hết các quốc gia Hồi giáo chủ yếu vì họ thể hiện rõ những bất bình chính trị và xã hội rõ ràng hơn các chính đảng thế tục – một số đảng cánh tả đã mất uy tín sau khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ -giai đoạn 1990 – 1991. Mặc dù chính phủ Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác trong khu vực Vịnh Ba Tư tuyên bố là tuân thủ nghiêm ngặt luật Hồi giáo, nhưng họ vẫn bị các phong trào Hồi giáo ở trong khu vực phản đối vì những chính sách kinh tế và chính trị thân phương Tây, cũng như của cải của đất nước tập trung quá mức trong tay các gia đình nắm quyền, và lối sống mà theo các tín đồ Hồi giáo là vô đạo đức của những gia đình này.

Ở một mức độ nào đó, thái độ thù địch của tín đồ Hồi giáo đối với phương Tây là biểu hiện của việc bác bỏ tính hiện đại mà người ta gán cho tất cả các phong trào chính thống, vì phần lớn những hiện tượng được coi là hiện đại đều bắt nguồn từ phương Tây. (Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tín đồ Hồi không từ chối công nghệ hiện đại). Nhưng, sẽ là sai lầm nếu quy giản tất cả thái độ thù địch như thế thành bác bỏ mang tính phản động tất cả những cái mới lạ; cũng sẽ là sai lầm nếu quy giản toàn bộ cho thái độ là bài ngoại, mặc dù bài ngoại chắc chắn là có ảnh hưởng. Yếu tố quan trọng khác là sự phẫn nộ của những người Hồi giáo trước sự thống trị về chính trị và kinh tế của phương Tây ở vùng Trung Đông. Thái độ này được thể hiện rõ ràng trong các bài viết của Osama bin Laden, người sáng lập và lãnh đạo tổ chức al-Qaeda. Bin Laden liên tục lên án Hoa Kì vì đã tạo điều kiện cho việc truất hữu đất đai của người Palestine, vì đã dàn xếp các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iraq, làm cho hàng trăm nghìn người Iraq chết trong những năm 1990, và vì đã tiếp tục “chiếm đóng” Saudi Arabia trong giai đoạn Chiến tranh vùng Vịnh (1990–1991). Bin Laden cũng lên án chế độ Suadi Arabia và hầu hết các chính phủ khác ở Trung Đông vì họ phục vụ quyền lợi của Hoa Kì chứ không phục vụ quyền lợi của thế giới Hồi giáo. Do đó, chủ nghĩa chính thống trong thế giới quan của bin Laden đan xen với lòng thù hận sự thống trị của phương Tây.

Phong trào Hamas của người Palestine, thành lập vào năm 1987, là phong trào được phương Tây chú ý hơn cả. Trong tiếng Arab, Hamas có nghĩa là “nhiệt huyết”, là từ viết tắt của tên Ḥarakat al-Muqāwamah al-Islāmiyyah (“Phong trào Kháng chiến Hồi giáo”). Hamas được thành lập chủ yếu là để chống lại điều mà hầu hết người Palestine coi là Israel chiếm đất của mình. Như vậy, phong trào này rõ ràng là có tinh thần dân tộc chủa nghĩa, mặc dù phong trào cũng cam kết thành lập nhà nước Hồi giáo nghiêm ngặt. Hamas phản đối ý tưởng thành lập nhà nước Palestine ở Bờ Tây và dải Gaza, đồng thời tiến hành thánh chiến nhằm trục xuất người Israel ra khỏi toàn bộ vùng đất Palestine – từ sông Jordan đến Địa Trung Hải và từ Lebanon đến Ai Cập. Hamas tuyên bố rằng các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào người Israel là hành động chính đáng nhằm chống lại cường quốc xâm lược. Tương tự như một số phong trào Hồi giáo khác ở Trung Đông, Hamas cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có học hành, chữa bệnh và lương thực cho người thất nghiệp, những dịch vụ mà chính quyền địa phương không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ. Những hoạt động từ thiện này là có sức hấp dẫn rất lớn đối với người dân Palestine.

Comments are closed.