Thuật ngữ chính trị (117)

Phạm Nguyên Trường

273. Kemalism – Chủ nghĩa Kemal. Chủ nghĩa Kemal cũng còn gọi là Atatürkism hay Sáu Mũi tên (Six Arrows) là hệ tư tưởng nền tảng của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ nghĩa Kemal, được Mustafa Kemal Atatürk áp dụng, là những cuộc cải cách sâu rộng về chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo nhằm tách nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ mới ra khỏi đế chế Ottoman trước đó và theo lối sống hiện đại hóa, trong đó có thiết lập chế độ dân chủ, chủ nghĩa thế tục, và nhà nước hỗ trợ nghiên cứu khoa học và giáo dục miễn phí, nhiều biện pháp được áp dụng lần đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ trong thời kỳ Atatürk làm tổng thống.

274. Khmer Rouge – Khmer Đỏ. Khmer Đỏ, tên chính thức là Đảng Campuchia Dân chủ, là tổ chức chính trị cầm quyền tại Campuchia từ 1975 đến 1979. Tổ chức này còn được biết với các tên Đảng Cộng sản Khmer, Quân đội Nhân dân Campuchia Dân chủ.

Ban đầu Khmer Đỏ tuyên bố đi theo chủ nghĩa cộng sản thuộc nhánh chủ nghĩa Marx-Lenin, thế nhưng, sau những mâu thuẫn nội bộ và việc thủ lĩnh đảng là Pol Pot tiêu diệt những đảng viên phản đối tư tưởng cực đoan của ông ta, Khmer Đỏ đã dần trở thành tổ chức theo chủ nghĩa Sô vanh, tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng bài ngoại. Tới năm 1981, Khmer Đỏ chính thức tuyên bố họ không đi theo chủ nghĩa cộng sản.

Thời kỳ cầm quyền của Khmer Đỏ ở Campuchia chấm dứt khi Việt Nam cho đưa quân sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer đỏ của Pol Pot vào năm 1979 và lập ra nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia với Heng Samrin lên làm Chủ tịch. Chế độ Khmer Đỏ nổi tiếng vì đã giết chết khoảng 2 triệu người (trong khi dân số chỉ là 7,1 triệu) bằng các biện pháp tử hình bằng các dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng, bỏ đói và lao động cưỡng bức. Đây là chế độ nhiều học giả coi là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong thế kỷ XX – và thường so sánh với chế độ của Adolf Hitler. Nếu tính theo tỷ lệ người bị giết, có thể đây là chế độ giết người nhiều nhất trong thế kỷ XX.

275. Kibbutz – Hợp tác xã. Hợp tác xã nông nghiệp ở Israel, với các xã viên cùng làm cùng ăn và không có tài sản tư hữu. Phong trao hợp tác xã được những người định cư Do Thái khởi động ở Palestine trước khi nhà nước Israel được thành lập. Trong những năm 1960 và 1970 ở phương Tây, nhiều người tỏ ra hâm mộ phong trào này, nhưng nó đã nhanh chóng lụi tàn.

276. Kinship – Quan hệ họ hàng. Các thiết chế chính trị trên cơ sở quan hệ gia đình. Các nhà nhân chủng học đã tìm thấy, rằng cơ cấu quyền lực và quyền có thể theo phụ hệ hoặc mẫu hệ. Một số nhà nhân chủng học nhấn mạnh vai trò quan trọng của dóng họ trong việc duy trì cơ cấu chính trị; trong khi một số người khác thích nhấn mạnh vai trò của hôn nhân. Truyền thống đạo đức khuyến khích người ta có lòng vị tha với những người không phải họ hang cũng như với những người trong họ đã tồn tại từ lâu.

Comments are closed.